Phiên bản in ấn của chủ đề

Nháy vào đây để xem chủ đề theo đúng định dạng gốc

Thực Dưỡng _ Thực phẩm & Nấu ăn _ Tự làm Natto

Gửi bởi: Coden Oct 7 2008, 08:15 PM

Sau khi đọc tài liệu về natto trên diễn đàn Thucduong.vn, tôi mua natto tại siêu thị Unimex để ăn thử, ai dè lại nghiện cái món đấy, kể cả bà xã tôi cũng vậy. Natto mua ở siêu thị thì tiện lợi nhưng so với giá đậu nành tại VN thì quá đắt. Với điều kiện khí hậu như ở VN, chúng ta có thể dễ dàng tự làm natto.

Ngẫm nghĩ qua cách làm mà chị BAS đã giới thiệu cũng dễ làm, chỉ có điều, làm sao duy trì nhiệt độ 37-40oC là hơi khó. Sau một hồi suy tính và lang thang các cửa hàng bán thiết bị gia nhiệt, tôi đã tìm được những thứ mong muốn, hơn nữa, nó rất tiện, an toàn và rẻ nữa. Tôi xin giới thiệu với các bác.

1. Thiết bị :

- 01 thùng xốp đựng hoa quả
- 01 bóng điện 60W (loại bóng dây tóc)
- 01 cảm biến nhiệt
- Khay nhựa (sứ, inox, nhôm)
- 01 nhiệt kế

2. Lắp đặt :

Bộ cảm biến nhiệt có thể điều chỉnh nhiệt từ 0-120oC. Cảm biến kết hợp rơle tự ngắt có đầu dò chứa dầu. Các bác mua ở các của hàng bán thiết bị nhiệt, giá 130.000đ-150.000đ (nếu ở HN mua ở Chợ Trời hoặc Hàng Bông)



Đấu bộ cảm biến với bóng điện theo hướng dẫn của thiết bị.



Thùng xốp được đục vài lỗ bên cạnh đáy thùng và vài lỗ trên nắp thùng để cho không khí được lưu thông. Cắm đầu dò nhiệt vào trong thùng xốp. Dùng các thanh tre xuyên ngang thùng để làm giá đỡ cho tấm lưới sắt đỡ các khay đậu.



Đặt bóng đèn xuống đáy thùng trên một cái khay sứ để tránh chảy thùng. Bên cạnh bóng điện đặt hai khay đựng nước nhỏ để tạo độ ẩm trong thùng. Cắm điện và điều chỉnh cảm biến vào khoảng 35oC, chờ khoảng 2 phút đèn sẽ tắt và ta kiểm tra nhiệt độ trong thùng làm sao nhiệt kế chỉ 40oC là đạt yêu cầu. Dung sai của cảm biến khoảng 4oC



3. Ủ đậu :

Đậu tương nên mua loại đậu tương ta, hạt rất nhỏ mới ngon. Loại đậu này năng suất thấp nên giờ họ ít trồng, chỉ trồng phục vụ nhu cầu trong gia đình thôi nên hơi khó kiếm. Tôi cũng đã đi tìm mua nhưng chưa tìm được loại đậu ưng ý, hy vọng trong thời gian tới sẽ tìm được loại đậu này.

Lấy 0.5kg đậu tương vo, đãi sạch những hạt lép, tạp chất rồi ngâm với nước lạnh qua đêm (12h), lúc này hạt đậu hút no nước, trở nên căng mọng, trọng lượng lúc này khoảng 1.2kg



Không xát vỏ đậu, cứ để nguyên như vậy trút vào nồi áp suất, đổ nước gần xấp mặt đậu rồi đun sôi khoảng 15 phút cho đến khi hạt đậu mềm, dễ dàng bóp nát bằng hai ngón tay là được. Nếu bóp mà đậu vỡ ra làm 2 hoặc nhiều mảnh là chưa được. Hạt đậu mềm vi khuẩn mới thấm sâu vào trong hạt đậu được thì natto mới ngon.

Dùng 1 hộp Natto thương phẩm làm giống, đủ để làm cho 0.5kg đậu nành khô. Nghiền nhỏ natto giống với ½ thìa café đường phèn hoặc đường nâu (không dùng đường kính trắng) và ¼ thìa café muối hầm. Nếu có khuẩn Bacillus natto bacteria thì tốt nhất, rất tiện để làm natto. Tôi đang nhờ đứa bạn bên Nhật mua giúp vài hộp, khi nào có tôi sẽ làm thử và sẽ thông tin lên với các bác.

Khi đậu đã luộc chín, chắt hết nước luộc đậu trong nồi áp suất ra chén. Để nước nguội khoảng 70oC, lấy một thìa canh nước này trộn với chén natto giống đã nghiền sẵn với muối và đường. Khi đậu trong nồi áp suất nguội bớt, còn khoảng 60-70oC thì trút chén natto giống vào nồi rồi nhanh tay trộn thật đều.

Trút nhanh ra hai khay, dàn phẳng mặt đậu, độ dày lớp đậu tối đa là 5cm. Tôi thử dùng các chất liệu để chứa đậu như nhựa, nhôm, sứ và inox thì thấy không có gì khác nhau cả, nhưng tốt nhất là ta dùng đồ sứ “cho nó lành”



Dùng giấy nhôm bịt kín mặt khay và lấy que xiên dùi một số lỗ trên đó để không khí lưu thông



Cho ngay vào thùng ủ và cắm điện lên



Sau khoảng 21-22 tiếng đồng hồ là ta được mẻ natto ngon lành. Lúc này mùi natto tỏa ra khắp phòng, rất hấp dẫn.






Khi mẻ natto đã hoàn thành, lấy các khay ra khỏi thùng ủ và để nguội tự nhiên khoảng 1h (không bỏ giấy nhôm ra tránh bụi bặm, côn trùng). Sau đó dùng loại nylon phủ thức ăn phủ lên mặt đậu để tránh bay hơi nước rồi đậy nắp khay, cho vào tủ lạnh. Sau 7-10 ngày sau lấy ra và thưởng thức. Tuyệt cú mèo.

Chúc các bác thành công.

Coden

Gửi bởi: BAS Oct 7 2008, 10:42 PM

Cám ơn bài viết rất có giá trị của anh. Vậy là phương pháp làm natto tại nhà lại có thêm sự cải tiến đáng kể khi có thêm 1 đấng mày râu (rành về thiết bị, máy móc hơn chị em phụ nữ) tham gia đóng góp ý kiến.

Tôi chỉ có 1 vài lưu ý, dùng đường để kích thích giống natto nếu lỡ dùng hơi nhiều thì rất dễ sinh ra vị cay rất khó ăn. Nếu ai mới làm và quá lúng túng, tạm thời cứ dùng chút nước luộc (hay hấp) đậu còn nóng mà trộn, tôi làm bằng thứ này thì có hơi tùy tiện khi trộn 1 chút cũng không thấy phát sinh vấn đề, miễn sao hỗn hợp sền sệt để bám dính tốt vào hạt đậu là được.

Những loại nồi áp suất kiểu mới bây giờ đều có cái xửng hấp bán kèm theo, mọi người nên dùng cách hấp cách thủy để nấu đậu, vì cách luộc trong nước có thể làm đậu ướt sũng khi trộn men và đậu quá ướt thì chắc chắn sẽ sinh ra vị cay khó ăn sau khi ủ xong. Nếu nhà dùng loại nồi áp suất cũ, có thể đặt làm 1 cái xửng có chân bằng tre đan hoặc dùng luôn 1 cái rổ nhỏ và kiếm thêm thứ gì thích hợp để kê nó lên trong nồi.

Ngay sau khi ủ xong, có thể trộn ngay ít tương cho vừa ăn vào natto trước khi cất vào tủ lạnh, natto sẽ bảo quản được lâu hơn. Ở Nhật hiện nay, trong các loại thực phẩm organic còn có loại gia vị rắc cơm hoặc rắc lên các thức ăn khác làm bằng natto trộn với tỷ lệ tương lớn (để nguyên hạt), nên rất mặn. Ngoài ra trong đó còn có thêm thành phần rong biển kombu thái sợi trộn gừng sợi ngâm dấm mơ muối. Món này có mùi thơm cực kì hấp dẫn và có thể để rất lâu ở nhiệt độ thường

Tôi thích dùng vải cotton sạch bịt miệng hộp ủ, sau khi dùng xong giặt sạch đi để sử dụng lại lần sau hơn là dùng giấy nhôm, nếu thấy vải quá thưa có thể chồng 2 hay 3 lớp. Dùng vải cotton thì thường lớp đậu trên cùng hơi khô, nhưng phần dưới thì hoàn toàn không có vấn đề, sau khi làm xong trộn đều trên dưới thì 7 ngày sau chả ai phân biệt được hạt nào với hạt nào nữa đâu whistling.gif

Gửi bởi: huynhdoan2000 Oct 9 2008, 07:05 AM

haha...cám ơn bạn về bài viết có kèm hình minh họa!!Quá hay!!!Khỏi sợ nhầm lẫn...khi thực hành.

Gửi bởi: Coden Oct 9 2008, 11:01 AM

QUOTE(BAS @ Oct 7 2008, 10:42 PM) *
Những loại nồi áp suất kiểu mới bây giờ đều có cái xửng hấp bán kèm theo, mọi người nên dùng cách hấp cách thủy để nấu đậu, vì cách luộc trong nước có thể làm đậu ướt sũng khi trộn men và đậu quá ướt thì chắc chắn sẽ sinh ra vị cay khó ăn sau khi ủ xong. Nếu nhà dùng loại nồi áp suất cũ, có thể đặt làm 1 cái xửng có chân bằng tre đan hoặc dùng luôn 1 cái rổ nhỏ và kiếm thêm thứ gì thích hợp để kê nó lên trong nồi.
Tôi thích dùng vải cotton sạch bịt miệng hộp ủ, sau khi dùng xong giặt sạch đi để sử dụng lại lần sau hơn là dùng giấy nhôm, nếu thấy vải quá thưa có thể chồng 2 hay 3 lớp. Dùng vải cotton thì thường lớp đậu trên cùng hơi khô, nhưng phần dưới thì hoàn toàn không có vấn đề, sau khi làm xong trộn đều trên dưới thì 7 ngày sau chả ai phân biệt được hạt nào với hạt nào nữa đâu whistling.gif


Đúng thế, nếu hấp được đậu thì thật tuyệt vời. hạt đậu chắc chắn sẽ ngon hơn nhiều. Phủ kín miệng hộp nên dùng vải cotton để đậy vì dùng lá nhôm hay bị hấp hơi nên hơi nước đọng trên đó rồi lại nhỏ xuống đậu sẽ làm mẻ natto không ngon.
Lần tới tôi sẽ rút kinh nghiệm.

Gửi bởi: hasua Oct 9 2008, 03:28 PM

Cám ơn kinh nghiệm làm Natto của anh Coden & BAS, tôi cũng đang định tự làm Natto thì may quá có bài của anh. Chắc mấy cái vụ rơle nhiệt này phải nhờ cánh đàn ông rồi, tôi thì chẳng biết gì mấy về cái này. Nhưng chưa có nó thì làm theo hướng dẫn của BAS chắc cũng tốt rồi.

Trong SG tôi không biết chỗ nào bán natto để mua về làm men giống. Natto ở Đoàn văn Bơ bán loại của Nhật lại làm chủ yếu từ bo bo & đã cho rong biển vào rồi, chắc là không làm giống được nữa đâu Bas nhỉ? Bas làm xong có cần để để tủ lạnh không? Hôm nào chị nhờ người đến chỗ BAS mua rồi mang theo đường máy bay vào SG có được không nhỉ?


Gửi bởi: BAS Oct 9 2008, 06:13 PM

Chào chị hasua!

Nếu có người quen ở Hà Nội thì chị nhờ họ lên thẳng siêu thị unimax mà mua natto chị ạ. Siêu thị nằm ở số 8, đường Phạm Ngọc Thạch, gần Star Bowl, rất dễ tìm. Còn natto thì thường mùa đông em mới làm, chứ mùa này thì vẫn chưa muốn đụng tay đến.

Loại chị nói là bán ở Đoàn Văn Bơ chắc là nattomiso của Nhật, không phải hạt bo bo đâu mà là lúa mạch nấu chín và lên men bằng mốc koji (vốn dùng làm miso) với nhiều muối, chính là loại chế phẩm mà em nói ở cuối bài trước đấy, ăn thì cũng ngon nhưng mà đắt quá TT_TT Trong đó có enzym và các chủng men tương ngoài men natto... nên đương nhiên là không thể dùng làm natto được rồi.
Loại Natto Miso đó không dùng làm natto được đâu.

Gửi bởi: BAS Oct 9 2008, 06:20 PM

Tôi có thêm 1 ý kiến là mọi người đã làm natto ăn tại nhà rồi, chắc không thể chỉ có trộn nó với tương rồi ăn mà còn có nhiều kiểu biến tấu khác cho phong phú, vậy mỗi khi có món gì mới, có thể lên diễn đàn chia sẻ cùng mọi người. Phải đun 1 tiếng đồng hồ trong nước thì men natto mới chết hết nên vẫn có những cách nấu cho kèm natto để khử mùi và độ dính của nó đấy nhé (dành cho những người dị ứng với vẻ bề ngoài của natto)

Ví dụ, nếu làm mì trộn, sau khi luộc mì cho ra đĩa, chế nước sốt lên trên, tôi thêm 1 thìa natto rồi trộn đều tất cả thì chả còn thấy độ dính đâu nữa. Món này ăn với rong nori hơ lửa rất hợp. whistling.gif

Gửi bởi: hasua Oct 10 2008, 09:12 AM

Chào BAS,

Cám ơn thông tin của em! thanks.gif
Chị đang tìm trên google, thấy có người nói ở TPHCM có thể mua natto ở cửa hàng người Nhật làm trên đường Lê Thánh Tôn. Để chị thử tìm xem sao, nếu không được thì chị sẽ nhờ mua ở Unimax.


Gửi bởi: Phượng Hòang Oct 30 2008, 12:36 PM

Hôm vừa rồi mình có tìm mua được Natto ở Tokyo Shop (15A8 Lê Thánh Tôn, Q1, TPHCM) - Tel: 8227632. Một package có 4 hộp nhỏ 50gx4 giá 4.8USD (khỏang 80 ngàn).
Đem về nhà lấy nữa hộp ra làm thử với 200g đậu nành. Lúc ủ thì mình dùng cái gà mèn inox đựng đậu, che bằng lớp vải cotton và để trong thùng đựng đá bằng nhựa, đèn bóng tròn lọai 40W. Sau khi cắm điện vài tiếng là đã có mùi khê nhẹ bay ra. Mình sờ vô cái gà mèn thấy nó nóng ghê lằm và nhiệt độ trong thùng cũng rất nóng vì miệng thùng không cao lắm và bóng đèn gắn từ miệng thùng thòng xuống rất sát mặt lớp vải che miệng gà mèn. Mình theo dõi khỏang nữa ngày, rồi đổi thành bóng đèn 20W. Vẫn mùi khê bay ra. Hết 2 ngày mình tắt đèn rồi cất natto trong tủ lạnh. Đến hôm nay thì nó đã ra những sợi nhớt ngắn ngắn rồi. Tuy nhiên, vị của nó đắng và có mùi khê. Ăn dở quá. Có ai chỉ giúp mình sai ở đâu không, cám ơn nha.

Gửi bởi: Diệu Minh Nov 3 2008, 07:51 PM

Ở HN theo tôi nhớ là 4 hộp như vậy có 35.000 VNĐ, sao trong đó đắt quá vậy?

Làm như cách đầu tiên là dùng đèn và điện ấy.

Theo tôi nếu cần nhiệt độ ổn định để lên men thì có thể lấy nước cho vào cái ấm tích ... và đổ nước nóng vào và để đậu lên ủ... khi nào thấy nước nguội thì lại chế thêm nước nóng vô.

Để trong cái hộp xốp hay để trong cái thúng cuốn vải để ủ....

Các cụ làm rượu nếp cũng ủ kiểu gần giống như thế, bạn có thể để đậu trên cái giá và để nó trên một cái khay xứ đựng nước nóng đã đậy nắp và ủ toàn bộ chúng nó lại để giữ nhiệt... thử xem.

Nếu khí hậu lạnh dưới nhiệt độ lý tưởng thì có thể áp dụng cách này.

Gửi bởi: BAS Nov 3 2008, 09:22 PM

Nếu ủ natto bằng đậu tương chất lượng kém và nhiệt độ quá cao thì sẽ có mùi khê, còn vị thì kinh hồn, không thể nuốt nổi. Thời tiết miền Nam thì cứ để bình thường không cần ủ hay chiếu đèn là đã đạt yêu cầu rồi. Mùa hè tôi không làm natto ăn vì nhiệt độ ngoài trời đã quá cao, để kiểu gì cũng hỏng. Nếu có điều kiện, xay vỡ đậu nành trước khi nấu ủ thì thời gian lên men ngắn hơn, tránh "đêm dài lắm mộng"

Ở miền Nam thì nên trộn thêm miso hay tương vào natto vừa ủ xong trước khi cho vào tủ lạnh, nên tự quan sát sự thay đổi của natto mỗi ngày để tìm thời gian đưa lên ngăn làm đá vì nhiệt độ của ngăn mát tủ lạnh thực ra chưa đủ để hãm natto lại vào thời tiết nóng nực đâu whistling.gif Có thể chia sẵn natto thành nhiều túi nhỏ để sau này lấy từ ngăn đá ra đến đâu là ăn hết đến đấy.

Gửi bởi: hasua Nov 4 2008, 10:00 AM

Tôi cũng mới mua natto ở 15A8 Lê Thánh Tôn, 3 hộp nhỏ là 3,8 USD, tính ra tiền Việt là 64.000 Đ. Natto ăn rất ngon, mùi thơm gần giống như mùi cà phê thực dưỡng. Mỗi hộp natto có thêm 2 gói nhỏ đi kèm, trước khi ăn mới đổ vào trộn chung. Theo tôi, 1 gói là nước tương (tamari) & 1 gói là mù tạt vàng.

Lần đầu tiên tôi ăn natto với cơm & cảm thấy rất thích thú. 1 hộp nhỏ thôi nhưng tôi không thể ăn hết vì béo ngậy quá. Đã lâu lắm rồi, tôi mới lại có cái cảm giác "ngán đến tận mang tai".

Sẽ tập làm natto & báo cáo kết quả với cả nhà sau nhé.

Gửi bởi: Phượng Hòang Nov 6 2008, 08:00 AM

QUOTE(hasua @ Nov 4 2008, 10:00 AM) *
Tôi cũng mới mua natto ở 15A8 Lê Thánh Tôn, 3 hộp nhỏ là 3,8 USD, tính ra tiền Việt là 64.000 Đ. Natto ăn rất ngon, mùi thơm gần giống như mùi cà phê thực dưỡng. Mỗi hộp natto có thêm 2 gói nhỏ đi kèm, trước khi ăn mới đổ vào trộn chung. Theo tôi, 1 gói là nước tương (tamari) & 1 gói là mù tạt vàng.

Lần đầu tiên tôi ăn natto với cơm & cảm thấy rất thích thú. 1 hộp nhỏ thôi nhưng tôi không thể ăn hết vì béo ngậy quá. Đã lâu lắm rồi, tôi mới lại có cái cảm giác "ngán đến tận mang tai".

Sẽ tập làm natto & báo cáo kết quả với cả nhà sau nhé.


Gửi bởi: Phượng Hòang Nov 6 2008, 08:11 AM

Cám ơn mọi người đã trả lời cho mình. Kỳ này mình đã làm lại mẻ natto khác, mua nhiệt kế theo dõi đàng hòang, nhiệt độ ủ là 40 độ. Có vẻ khá hơn lần trước rất nhiều. BAS nói đúng, Natto mà bị khét rồi thì ăn rất kinh khủng. Nếu so sánh mùi natto của mình làm kỳ này và của natto mua về thì y chang nhau, vị cũng khá. Có điều mình còn phải làm quen với nó, vì nó khó ăn quá.
Mình định mua mù tạt bỏ thêm vào ăn, nhưng không biết mù tạt thì âm hay dương nhỉ? có ăn thường xuyên được không?
Theo tài liệu mình xem về cách làm natto trên internet, để tránh bị nhiễm khuẩn chéo thì mình nên dùng natto mua sẵn về làm men cái hơn là dùng chính thành phẩm của mình. Mọi người nghĩ sao?

Gửi bởi: BAS Nov 7 2008, 12:37 AM

Không nhất thiết, cái đó là tùy chọn! Tôi dùng natto của mình làm làm giống thì cũng không thấy có tạp khuẩn gì xuất hiện. Có điều tôi hay trộn tương vào natto trước khi đưa đi làm lạnh nên sau đó không dùng làm giống được, loại hộp của nhật mọi người dùng lãng phí thế nào ấy chứ, 1 hộp ấy tôi làm đến 6 mẻ natto, mỗi mẻ 1 cân đậu vẫn thấy nó lên men tốt, có thiếu men bao giờ đâu. Người ta hướng dẫn trên mạng là để độ 24 đến 48 tiếng, tôi chỉ để 18 đến 20 tiếng là phải cất khẩn cấp rồi nếu không là nó sang giai đoạn phân giải amoniac, khỏi ăn luôn. Nhìn chung, cứ thuận theo mùi, khi mùi natto rất mạnh bay ra khắp phòng là cất được, không quy ước cụ thể là bao nhiêu tiếng, trong khoảng thời gian cất được đó thì nên có mặt, vì vậy canh giờ làm để sau đó 18 tiếng mình sẽ có mặt để trông chừng là ổn.

Gửi bởi: Coden Aug 26 2009, 02:13 PM

Sau một thời gian nhầm địa chỉ, chạy lòng vòng qua VN rồi về Nhật, cuối cùng, trưa nay tôi cũng đã nhận được vi khuẩn lên men Natto. Hiện có 3 gói men, mỗi gói đủ lên men cho 60kg đậu nành khô. Xin tặng chị Trâm và chị Hasua mỗi người một gói dùng thử cho vui.

Cuối buổi sáng thứ hai tuần sau em sẽ mang sang nhà chị Trâm và nhờ chị Trâm chuyển giúp cho chị Hasua. Chúc các chị vui vẻ với món Natto và quảng bá rộng rãi phong trào thực dưỡng.

Em Coden

Gửi bởi: Diệu Minh Sep 18 2009, 09:42 PM

Tôi đề nghị coden trang bị cho tôi một bộ làm natto và tới nhà dạy luôn cả cách làm, chiều nay ngoài những người "ở nhà" tôi ra chỉ có duy nhất một học trò ngoan nữa tới....may quá chị khai ra là từ ngày ăn gạo lứt toàn uống nước sữa đậu nành và ăn đậu phụ nhiều lên cho nên người bấy và yếu đi... tôi vội nói ngay là dừng lại không được dùng đậu nành kiểu như thế...

Nhiều người nhầm lẫn ở điểm này họ nghĩ ăn chay là phải ăn kiểu như thế? chả hiểu ai bày hay là do họ "phán đoán" ra kiểu vậy?

Sợ thật, có cô kia sợ chồng chê là gầy ốm mới ngày nào cũng uống sữa đậu nành, khi tôi tới nhà thấy ngày nào cô cũng phải ngâm chân nước nóng!









Phấn khởi vì được chỉ dạy kỹ càng....

Natto có rất nhiều vitamin K...

Gửi bởi: Diệu Minh Sep 29 2009, 08:35 PM

Mẻ natto do coden tới nhà chỉ dẫn tỉ mỉ đã thành công:

- Sau khi trộn mốc giống vào đỗ đã ninh mềm (hôm đó ninh chưa đạt tiêu chuẩn cho nên khi làm xong rồi nhai nó không được mềm rụi như dự định), để trong "thùng xốp" 18 - 19 tiếng.
- Sau đó để trong ngăn mát từ 7 - 10 ngày
- Lấy ra ăn và cách ăn lý tưởng nhất là trộn tí tamari rồi trộn với cơm lứt muối vừng và nhai kỹ, ngậy phết!
- Để loại natto đã lên men này trong ngăn lạnh cũng chỉ ăn trong khoảng 10 ngày là vừa, để lâu quá ăn sẽ không còn ngon nữa vì nó sẽ bị hư?

Có lẽ nó như là dưa chua, nó cũng có quá trình thành trụ hoại không...

Có cô bạn tới nhà bèn mời ăn cứ khen mãi là ngon, bảo cô tới 8 Phạm Ngọc Thạch, mua của Nhật về ăn, thì gọi điện kể là không ngon bằng "của chị"...

Có món natto mình hết thèm một số thứ thuộc về đạm như là món đậu phụ, như là món giò của mẹ (giò chay), như là ... mấy thứ thức ăn chay có đạm...mình vẫn biết nó không tốt bằng Natto.

Vitamin K giúp ngừa bệnh tiểu đường

Các nhà khoa học thuộc Đại học Tufts (Mỹ) cho biết vitamin K có thể giúp làm chậm quá trình kháng insulin ở nam giới lớn tuổi. Kháng insulin, triệu chứng của bệnh tiểu đường, xảy ra khi cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hợp lý.

Được biết natto có nhiều vitamin K, vậy vitamin K có những lợi ích gì?
Tra trong google...

Vitamin K giúp ngừa bệnh tiểu đường

Các nhà khoa học thuộc Đại học Tufts (Mỹ) cho biết vitamin K có thể giúp làm chậm quá trình kháng insulin ở nam giới lớn tuổi. Kháng insulin, triệu chứng của bệnh tiểu đường, xảy ra khi cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hợp lý.

Kết quả là lượng đường tăng lên trong máu. Theo Healthday, các chuyên gia đã thử nghiệm ở 355 người cả nam lẫn nữ ở độ tuổi từ 60-80 , kết quả cho thấy nam giới được bổ sung vitamin K có thể cải thiện được chứng kháng insulin tốt hơn so với những người ở nhóm còn lại, qua đó giảm được nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Vitamin K còn có nhiều trong bông cải xanh, súp lơ, rau xanh nhiều lá...


Gửi bởi: Diệu Minh Sep 29 2009, 08:39 PM


(Dân trí) - Cho dù, Vitamin K không phổ biến như các loại vitamin khác như A, B, C, D và E nhưng chúng lại khá quan trọng với sự sống, giúp cơ thể khỏe mạnh và hỗ trợ nhiều quá trình chức năng của con người.
Lợi ích của vitamin K

Lợi ích lớn nhất của Vitamin K đối với cơ thể chính là khả năng làm máu đông nhanh. Nó rất cần thiết trong quá trình tổng hợp một số protein, hỗ trợ cho cả quá trình đông máu và chống đông.

Đông máu, hay còn gọi là máu vón cục và quá trình chống đông, cực kỳ qua trọng, giúp duy trì trạng thái cân bằng bên trong cơ thể con người. Nếu thiếu vitamin K sẽ sớm rơi vào trạng thái mất cân đối, gây ra hiện tượng xuất huyết hoặc tắc mạch máu. Trong cả hai trường hợp, nếu không chữa trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.

Vitamin K cũng giúp cho canxi hấp thụ dễ dàng, đồng thời nó còn có chức năng liên kết canxi với các khoáng chất khác cho xương chắc khỏe. Do đó, trong chế độ dinh dưỡng thiếu hụt vitamin K có thể ức chế quá trình phát triển của xương và răng. Chính vì mối liên hệ mật thiết giữa vitamin K và canxi như thế nên những người thường ăn uống thiếu sinh tố vitamin K dễ bị mắc chứng loãng xương hoặc mất mô xương bất thường, làm cho khung xương giòn và xốp.

Còn những người ăn uống đủ vitamin K, tiêu biểu như người ăn chay lại ít khi bị viêm sỏi thận, hiện tượng tích tụ muối khoáng trong thận, hơn những cá thể ăn uống thiếu lượng vitamin tối thiểu cần thiết trong ngày.

Các nguồn tự nhiên chứa vitamin K

Vitamin K xuất hiện chủ yếu trong các loại rau có nhiều lá xanh chẳng hạn như rau cải xoăn, rau dền, cải bruxen, súp lơ xanh, súp lơ trắng, ngò tây (mùi tàu) và xà lách Romaine.

Ngoài ra, các loại quả cũng chứa nhiều Vitamin K như kiwi hay bơ. Và Vitamin K còn có trong gan bò.

Theo các chuyên gia, nam giới trong độ tuổi từ 14 - 18, hàng ngày nên hấp thụ khoảng 75 microgram vitamin K. Còn nam giới trong độ tuổi từ 19 trở lên nên hấp thụ khoảng 120 microgram.

Thu Huyền

Theo Health Style


Gửi bởi: Diệu Minh Sep 29 2009, 08:43 PM

Bài thuốc hay Vitamin K với bệnh tim mạch Vitamin K với bệnh tim mạch

Hiện nay có nhiều nghiên cứu về vai trò của vitamin K, đề ra khả năng ứng dụng của nó trong tương lai để dự phòng các bệnh lý tim mạch (dự phòng bệnh tim, đột quỵ, loãng xương, bệnh Alzheimer và nhiều bệnh khác nữa...).
Vitamin K bảo vệ người cao tuổi khỏi xơ hóa động mạch

Vitamin K có trong rau lá màu xanh đậm, đậu nành ...
Xơ hóa động mạch, một bệnh lý nguy hiểm dẫn đến cơn đau tim và đột quỵ. Động mạch bình thường mềm mại, gấp lại dễ dàng như ống nhựa mềm. Trong thành động mạch có lớp cơ trơn, khi co lại có tác dụng co bóp làm máu lưu thông. Một động mạch bị xơ cứng thì không thể co bóp được. Tuổi cao là một nguyên nhân chính của xơ cứng động mạch.

Khi sinh thiết tử thi ở một bệnh viện công lập vào đầu những năm 1900, nhà giải phẫu bệnh học người Đức Monckeberg nhận thấy lớp giữa thành động mạch bị vôi hóa, chính là cơ sở của xơ hóa động mạch, không nhìn thấy được. Xơ hóa động mạch xảy ra do tuổi cao, chứ không liên quan gì đến cholesterol cả. Trong khi đó xơ vữa động mạch lại xảy ra bên trong thành mạch, có thể nhìn thấy được. Vitamin K2 đặc biệt giữ không cho canxi và phospho lắng đọng vào động mạch chủ và làm đảo nghịch hiệu quả của thức ăn không tốt cho tim. Vitamin K dường như dừng quá trình vôi hóa và cứng thành mạch máu.

Vitamin K bảo vệ tim mạch ở những người trẻ tuổi
Có thể bạn chưa biết

Vitamin K có trong các sản phẩm từ sữa, rau quả có lá màu xanh sẫm như bông cải xanh, cải xoăn, rau chân vịt; đậu khô, dầu thực vật, thực phẩm lên men, thịt và đậu nành.
Đột tử do cơn đau tim kết hợp với canxi hóa động mạch xảy ra chủ yếu ở người trẻ. Trong nghiên cứu tim mạch mang tên Fragmingham, một nam giới 35 tuổi bị vôi hóa động mạch chủ có nguy cơ tử vong do cơn đau tim cấp tăng gấp 7 lần bình thường. Những người dưới 65 tuổi có nguy cơ tử vong do cơn đau tim gấp 2 lần nếu bị vôi hóa thành động mạch chủ. Trong một thí nghiệm trên động vật, các nhà nghiên cứu Nhật Bản đã sử dụng chế độ đặc biệt trong 3 tuần để gây nên xơ vữa động mạch, rồi tính lượng canxi lắng đọng trong thành động mạch. Một số động vật được cho ăn thêm 100mg/kg cân nặng vitamin K. Những con vật không dùng vitamin K thì nồng độ canxi khoảng 17,5mcg/mg, còn vitamin K giảm trung bình 1mcg/kg. Các tổn thương van tim bị thoái lui nhanh chóng bởi dùng vitamin K.

Vitamin K ngăn ngừa các cục máu đông

Khả năng này của vitamin K là do dự phòng lắng đọng tiểu cầu, một quá trình khác với đông máu. Lắng đọng tiểu cầu là do stress ôxy hóa và gốc tự do. Vitamin K có tác dụng chống ôxy hóa mạnh. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng vitamin K mạnh hơn vitamin E trong việc lọc sạch các gốc tự do.

Một nghiên cứu trên động vật bị stress ôxy hóa, vitamin K có tác dụng bảo vệ gan khỏi các gốc tự do. Trong nghiên cứu khác, vitamin K hiệu quả tới 80% so với vitamin E trong dự phòng ôxy hóa linoleic acid (một acid béo không no). Do vậy vitamin K phòng ngừa tổn thương tế bào do bị ôxy hóa bởi các gốc tự do. Một cơ chế thú vị khác là vitamin K cũng đóng vai trò hoạt hóa hai yếu tố đảo ngược sự đông máu là protein S và C. Các nghiên cứu chứng tỏ rằng thiếu hụt protein S và C cũng có thể làm máu đông.

Các thuốc kháng vitamin K dùng trong tim mạch

Bình thường khi bị đứt hay vỡ mạch máu thì xảy ra hiện tượng chảy máu. Khi đó cơ thể huy động hệ thống đông máu để cầm máu. Đó là phản ứng bảo vệ của cơ thể, có sự tham gia của nhiều yếu tố đông máu. Tuy nhiên, phần lớn các yếu tố đông máu chỉ có thể hoạt động khi có mặt vitamin K.

Vitamin K hoạt hóa các yếu tố đông máu bằng chuyển đổi gốc glutaminic (Glu) thành gốc gamma carboxy glutaminic. Do vậy, vitamin K có vai trò quan trọng trong quá trình đông máu, vì thiếu nó thì máu không đông được. Tuy nhiên, một số bệnh lý tim mạch lại thường hay kèm theo tình trạng tăng đông máu, dễ dẫn đến tạo thành các cục máu đông trong lòng mạch, làm tắc mạch máu và gây ra những hậu quả nghiêm trọng như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, tắc mạch phổi, có thể dẫn đến tử vong.

Từ đó các nhà nghiên cứu đã cho ra đời các thuốc kháng lại vitamin K như warfarin (coumadine), sintrom, previscan, để làm loãng máu, không cho máu đông và vón cục. Nếu bạn uống thuốc warfarin, một thuốc kháng vitamin K có tác dụng làm loãng máu, bạn cần biết rằng vitamin K có thể làm giảm tác dụng của thuốc. Do vậy, sử dụng vitamin K chống chỉ định ở những người điều trị bằng thuốc chống đông.

Trong quá trình điều trị bằng thuốc kháng vitamin K, bạn không nên ăn các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin K. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân dùng các loại thuốc kháng vitamin K quá liều lại có thể gây thiếu vitamin K, làm máu loãng quá mức. Thiếu vitamin K thì thời gian đông máu kéo dài, gây ra các vết bầm tím và xuất huyết như rong kinh, chảy máu lợi, vết thương khó cầm máu. Khi đó lại cần dùng thêm vitamin K để tái phục hồi quá trình đông máu. Những người dùng thuốc chống đông lâu dài bị thiếu hụt vitamin K. Liệu những người này có bị ảnh hưởng lên mạch máu? Câu trả lời là có. Một nghiên cứu chứng tỏ dùng thuốc chống đông kéo dài làm tăng gấp đôi nguy cơ đột quỵ. Do vậy, việc những bệnh nhân sử dụng thuốc chống đông cũng cần phải được theo dõi thường xuyên.


TS.BS. Nguyễn Vĩnh Ngọc (Theo SK&ĐS)
Tags Xem tất cả tag Thêm tag mới... Vui lòng thêm những tag mới và ngăn cách chúng bằng dấu phẩy
Hoặc đóng lại

bệnh tim

Gửi bởi: cuirieng Nov 16 2015, 05:41 PM

cho mình hỏi là có 1 số chỗ bán men Bacillus subtilis cho các trang trại

thì không biết dùng men đó làm natto để dùng có ok không vậy Vì so ra giá sẽ tiết kiệm rất nhiều

Gửi bởi: hamenhcm Dec 8 2015, 06:32 AM

Bài viết quá hữu ích. Cám ơn
Mình sẽ làm thử và dùng chính sản phẩm tự làm xem kết quả ra sao.
Nếu kết quả tốt mình sẽ lôi kéo nhiêu người dùng thử smile.gif


Gửi bởi: Diệu Minh Jan 10 2024, 07:46 PM

xem thêm thông tin về natto tại đây:
mangala.vn

Sản xuất bởi Invision Power Board (http://www.invisionboard.com)
© Invision Power Services (http://www.invisionpower.com)