IPB

Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

 
Reply to this topicStart new topic
> Cội rễ của mọi vấn đề - Osho
Diệu Minh
bài Sep 8 2018, 10:33 PM
Bài viết #1


Bạn của mọi người
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 16,884
Gia nhập vào: 13-February 07
Từ: 103 ngách 2 ngõ Thái Thịnh I
Thành viên thứ.: 5





Cội Rễ Của Mọi Vấn Ðề

OSHO

Việt dịch Như Thị




Osho
Never born - Never died
Only visited this
Planet Earth between
December 11, 1931 - January 19, 1990






Cội rễ của mọi vấn đề chính là tâm trí. Ðiều trước tiên phải được hiểu: rằng tâm trí là gì, cái gì tạo ra nó; nó là một vật hay chỉ là một tiến trình. Nó là vật chất hay chỉ là như mộng. Trừ phi bạn thấu rõ được bản chất của tâm trí, bạn sẽ không bao giờ giải quyết được bất kỳ vấn đề nào cho cuộc sống của bạn.


Có thể bạn vẫn cố gắng, nhưng nếu chỉ giải quyết từng vấn đề riêng lẻ thì bắt buộc bạn sẽ thất bại – đó là điều tuyệt đối đúng đắn – vì trên thực tế vấn đề không thật có: tâm trí mới chính là vấn đề. Bạn có thể giải quyết được vấn đề nầy hoặc vấn đề nọ, nhưng điều đó chẳng giúp được gì bởi vì cái cội rễ của vấn đề chưa được đụng tới.


Cũng giống như việc chặt cành, tỉa lá chứ không phải việc nhổ gốc rễ của cây - Lá mới sẽ ra, chồi mới sẽ mọc – còn nhiều hơn trước; công việc chặt tỉa chỉ giúp cây tươi xanh hơn. Trừ phi bạn biết cách nhổ tận gốc rễ của cây, nếu không thì mọi nỗ lực của bạn là vô căn cứ, là điên rồ. Bạn sẽ phá hủy chính bạn, chứ không phải cái cây.


Ðối phó như vậy bạn sẽ chỉ hao phí năng lượng, thời gian, cuộc sống, mà cây thì cứ càng ngày càng tươi tốt hơn, rậm rạp hơn. Rồi bạn sẽ ngạc nhiên thấy rằng bạn đang tận sức, để cố gắng giải quyết cho xong một vấn đề nầy, thì những vấn đề khác cứ tiếp tục xãy đến, càng ngày càng nhiều. Thậm chí khi một vấn đề vừa mới được giải quyết xong, bỗng nhiên mười vấn đề khác lại xãy đến.


Ðừng phí công để giải quyết từng vấn đề rời rạc, riêng lẻ – Chúng không thật có: Chính tâm trí mới là vấn đề. Nhưng tâm trí được dấu kín dưới đất; đó là lý do tại sao tôi nói cội rễ, nó không lộ diện. Bất kỳ lúc nào bạn gặp một vấn đề, thì vấn đề đó nằm trên mặt đất, bạn mới thấy nó được – cho nên bạn mới bị nó lừa.


Hãy nhớ như vậy, cái gì thấy được không bao giờ là cội rễ; cội rễ luôn luôn không thể thấy được, cội rễ luôn được che dấu.


Ðừng bao giờ phải đối đầu với cái thấy được; bạn chỉ đang đánh vào cái bóng mà thôi. Bạn có thể phí công sức của bạn, nhưng điều nầy sẽ không mang đến một sự thăng hoa nào cho cuộc sống của bạn, những vấn đề tương tự sẽ mọc ra, và tiếp tục mọc ra nữa. Cứ nhìn vào cuộc sống của bạn, rồi bạn sẽ hiểu điều tôi nói. Tôi không đang triết lý gì về tâm trí cả, mà chỉ nói đến cái “sự kiện đúng đắn chân thật” (“facticity”) của nó: Ðây mới là điều đúng đắn thật sự: rằng tâm trí phải được giải quyết.


Người ta đến và hỏi tôi: “Làm thể nào để đạt được tâm an lạc?” Tôi đã bảo họ: “Làm gì có chuyện ‘tâm an lạc’. Chưa bao giờ nghe đến.”


Tâm trí chưa bao giờ an lạc – không-tâm-trí (vô niệm) thì an lạc. Tâm trí tự nó chưa bao giờ được bình yên, tĩnh lặng. Ngay tự bản chất nó là sự căng thẳng, sự lẫn lộn. Tâm trí không bao giờ được trong sạch, nó không thể tỏ sáng, vì bản chất của nó là nhầm lẫn, mù mờ. Sự tỏ sáng có thể đạt được ở ngoài tâm trí, bình yên đạt được ngoài tâm trí, tĩnh lặng đạt được ngoài tâm trí – cho nên đừng có bao giờ cố công để đi tìm một tâm trí bình an. Nếu bạn làm như thế, ngay từ đầu bạn đã đi vào không tưởng.


Vậy điều trước hết là phải hiểu bản chất của tâm trí, chỉ khi đó bạn mới có thể làm được gì với nó.


Nếu để ý, bạn sẽ không bao giờ bắt gặp một thực thể nào có thể gọi là tâm trí. Nó không phải là một vật, nó chỉ là một tiến trình; nó không là một, nó như là một đám. Từng ý tưởng [niệm] một thì hiện hữu, nhưng chúng luân chuyển quá nhanh đến nỗi bạn không thể thấy được cái khoảng hở giữa chúng. Những khoảng hở đó bạn không thấy được là vì bạn không được tỉnh thức và rất cảnh giác, bạn cần soi nhìn sâu kỹ hơn. Một khi mắt bạn có thể nhìn sâu thấu, thì bỗng nhiên bạn sẽ thấy được một ý tưởng, rồi một ý tưởng khác, và lại một ý tưởng khác – nhưng sẽ không thấy tâm trí.


Những ý tưởng với nhau, hàng triệu ý tưởng, cho bạn cái ảo giác như thể tâm trí thật có. Cũng y như một đám đông, cả triệu người đang đứng trong một đám đông: nhưng có cái gì có thể gọi là đám đông không? Bạn có tìm được đám đông ngoài những cá nhân đang đứng ở đấy không?. Nhưng họ đang đứng đấy với nhau, sự tổng hợp của họ cho bạn cảm tưởng như thể đám đông là thật có – chỉ là nhiều cá nhân thật có ở đó thôi (đám đông chỉ là cái tên gọi).


Ðây là cái biết đầu tiên về tâm trí. Hãy nhìn, và bạn sẽ nhận ra được những ý tưởng; bạn sẽ không bao giờ bắt gặp được tâm trí. Và nếu việc này trở thành một kinh nghiệm của chính bạn – không phải vì do nghe tôi nói như vậy, lại cũng không phải Tilopa ca tụng như thế. Không, việc đó sẽ không giúp được gì – chỉ nếu nó trở nên một kinh nghiệm của chính bạn, nếu nó trở thành sự kiện mà chính thật bạn tự biết, thì bỗng nhiên nhiều sự việc bắt đầu thay đổi. Là bởi vì bạn đã hiểu được một điều thật sâu kín như thế của tâm trí, rồi nhiều điều khác mới có thể theo sau.


Ðể ý vào tâm trí và xem nó đang ở đâu, nó đang là cái gì. Bạn sẽ cảm thấy ý tưởng đang trôi nổi trong bạn và bạn sẽ thấy có những khoảng ngừng. Rồi nếu bạn tiếp tục quan sát, bạn sẽ thấy những khoảng ngắt nhiều hơn những ý tưởng, là vì một ý tưởng phải tách rời với ý tưởng khác; thật vậy, một lời nói phải tách biệt với một lời nói khác. Càng đi sâu vào nội tâm, bạn sẽ thấy càng ngày càng nhiều khoảng cách như vậy, và các khoảng cách càng ngày càng lớn. Một niệm tưởng nổi lên, rồi đến một khoảng mà ở đó niệm tưởng chưa đến, và một niệm tưởng khác đến, rồi lại một khoảng cách theo sau.


Nếu bạn không thật tỉnh táo bạn sẽ không thể thấy được những khoảng cách. Bạn nhảy từ hết ý này đến ý khác, thì không bao giờ bạn có thể thấy được cái khoảng cách đó.


Khi nào bạn càng trở nên tỉnh thức hơn bạn sẽ thấy được càng ngày càng nhiều những khoảng cách.


Nếu bạn hoàn toàn tỉnh thức, thì hàng cây số khoảng cách đó sẽ hiện rõ ra cho bạn.


Và trong những khoảng cách đó, sự tỏ ngộ xãy ra. Trong những khoảng đó có những tiếng gõ thực sự vào cánh cửa của bạn. Trong những khoảng đó, khách đến. Trong những khoảng đó Thượng-đế, hoặc bất kỳ tên gọi nào bạn muốn đặt cho nó, sẽ được nhận biết. Khi đạt đến sự tỉnh thức tuyệt đối, bạn chỉ thấy có một khoảng trống thênh thang rỗng lặng.


Cũng tựa như mây vậy: mây trôi. Chúng có thể rất mù đặc làm bạn không thể thấy được bầu trời ẩn sau chúng. Cả một bầu trời xanh rộng lớn bị mất hút, bạn đã bị che khuất bởi mây. Rồi bạn cứ tiếp tục nhìn: một đám mây đang trôi qua và đám mây khác chưa kịp đến trong mắt bạn – bạn bỗng nhiên có được một thoáng thấy vào cái xanh biếc của bầu trời rộng lớn.


Sự việc xảy ra trong bạn cũng y như vậy: bạn là bầu trời rộng lớn kia, ý tưởng chỉ là những đám mây cuồn cuộn quanh bạn, đầy nghẹt bạn. Nhưng những khoảng cách vẫn có và bầu trời bạn vẫn ở đấy. Có được cái thoáng thấy vào bầu trời là sự tỏ-ngộ (satoris), và trở nên cái bầu trời là đại-định (samadhi). Từ tỏ-ngộ đến đại-định, cả tiến trình đó gọi là việc biết sâu thấu vào tâm-trí (quán tâm, thiền), không là gì khác.


Tâm-trí không thực có như là một hiện thể – đó là điều thứ nhất. Chỉ có những ý tưởng thôi.


Ðiều thứ hai: Ý tưởng hiện hữu biệt lập đối với bạn, chúng không phải là một với bạn (not your nature), chúng đến rồi đi – bạn ở lại, bạn vẫn còn đó. Bạn như bầu trời: nó chưa bao giờ đến, và nó chưa bao giờ đi đâu cả. Mây đến rồi đi, mây là hiện tượng nhất thời, không phải bất diệt. Cho dù bạn cố bám vào một ý tưởng, bạn cũng không thể bám theo nó được lâu; nó phải ra đi, nó có sự sống chết riêng của nó. Ý tưởng không là của bạn, chúng không thuộc về bạn.


Chúng đến như là khách, người đến thăm, và chúng không phải là chủ nhà.


Quán sát sâu thấu, bạn sẽ trở thành ông chủ nhà và ý tuởng sẽ là khách. Vì là khách nên chúng đẹp đẻ, nhưng nếu bạn quên hẵn bạn là chủ mà để ý tưởng trở thành chủ, thì bạn và ý tuởng đã trở thành một đống lộn xộn (a mess). Ðây mới chính là địa ngục. Bạn là chủ nhà, cái nhà thuộc về bạn, mà kháck lại trở thành những ông chủ nhà.


Ðón nhận chúng, lo cho chúng, nhưng đừng để bị chấp (get identified) vào chúng; nếu không, chúng sẽ trở thành những ông chủ nhà.


Tâm trí đã trở thành vấn đề là vì bạn đã chấp chắc vào tâm trí quá sâu và bạn đã quên mất hoàn toàn cái khoảng cách với chúng; chúng là những người khách, chúng đến rồi đi. Phải luôn nhớ đến cái còn tồn tại: cái đó mới là chơn tánh (nature) của bạn, là cái đạo của bạn (your Tao). Phải luôn lưu ý đến cái chưa bao giờ đến và chưa bao giờ đi, hệt như bầu trời kia vậy. Hãy thay đổi cái cung cách của ông chủ: đừng bị lôi cuốn vào khách, bám chắc lấy chủ; khách sẽ đến rồi đi.


Dĩ nhiên, có khách tốt và có khách xấu, nhưng bạn không cần phải bận tâm. Một người chủ tốt tiếp mọi khách như nhau, không có sự phân biệt. Người chủ tốt đúng nghĩa sẽ là một người chủ tốt đối với cái nhìn của mọi khách: một ý tưởng xấu hiện đến anh ta cũng tiếp nó y như anh ta đã tiếp một ý tưởng tốt. Không phải là mối bận tâm của anh ta rằng ý tưởng phải là tốt hay xấu.


Bởi vì, bạn đang làm chuyện gì vậy, một khi bạn phân biệt ý tưởng này là tốt và ý tưởng kia là xấu? Bạn đang kéo những ý tưởng tốt đến gần với bạn hơn và bạn đang đẩy những ý tưởng xấu ra thật xa bạn. Sớm muộn gì, với cái ý tưởng tốt bạn sẽ chấp vào nó, ý tưởng tốt sẽ trở thành ông chủ. Và bất kỳ ý tưởng nào tốt hoặc xấu khi trở thành chủ cũng đều gây tai họa – bởi vì điều này không đúng. Ý tưởng chỉ là kẻ giả vờ (pretender) mà bạn đã chấp vào nó. Chấp là cái bệnh.


Gurdjieff đã thường nói rằng chỉ cần có mỗi một điều: là không để bị chấp vào cái đến rồi đi; Sáng, trưa, chiều đến rồi đi; đêm trôi qua rồi bình minh lại. "Bạn" vẫn còn đó – "bạn" đấy không phải như là cái "bạn" mà bạn vẫn thường nghĩ, bởi vì cái "bạn" thường nghĩ đó chỉ là một ý tưởng – "bạn" vẫn còn đó như một tâm thức thanh khiết, không phải cái tên của bạn, vì tên cũng chỉ là một ý niệm, không phải tướng mạo của bạn, vì nó cũng lại là một ý niệm, không phải cái thân xác của bạn, bởi vì một ngày kia bạn sẽ nhận ra rằng đấy cũng lại là một ý nệm. "Bạn" là một tâm thức trong sáng đơn thuần, không tên tuổi không tướng mạo; chỉ một sự trong khiết, vô tướng vô danh, chỉ là cái pháp-nhận-biết (the very phenomenon of beeing aware) – chỉ cái đó tồn tại.


Nếu bạn chấp, bạn đã trở thành cái tâm trí của bạn. Nếu bạn chấp, bạn trở thành cái thân xác của bạn. Nếu bạn chấp, bạn trở thành danh và sắc – cái mà Ấn-độ giáo gọi là nama, rupa, danh và sắc – khi đó thì chủ đã mất. Bạn quên mất đi cái bất di bất dịch và cái nhất thời lại trở nên trọng đại trong bạn. Cái nhất thời là phàm (world), cái bất diệt là thánh (divine).


Ðây là cái biết thứ nhì cần phải đạt tới, rằng bạn là chủ, ý tưởng là khách.


Ðiều thứ ba, nếu bạn tiếp tục quán sát, bạn sẽ nhận ra nó sớm. Ðiều thứ ba là: Niệm tưởng là ngoại nhân (foreign), kẻ xâm nhâp (intruders), là người ngoài (outsiders). Không có ý tưởng nào là của bạn. Chúng sẽ luôn đến từ bên ngoài, bạn chỉ là một lối đi (passage). Một con chim bay vào nhà từ một cửa, rồi lại bay ra từ cửa khác: cũng như vậy, ý tưởng đến với bạn và cũng ra đi từ bạn.


Mà bạn vẫn cứ nghĩ rằng ý tưởng là của bạn. Không những vậy, bạn còn dành giựt tư tưởng, bạn nói: “Ý tưởng này của tôi mà, thật đấy.” Bạn bàn thảo, bạn tranh luận, bạn cãi cọ vì chúng, bạn cố chứng tỏ rằng: “ Ðó là ý tưởng của tôi.” Không ý tưởng nào là của bạn cả, không có ý tưởng nào là nguyên thủy cả, mọi ý tưởng đều từ vay mượn. Thậm chí chúng cũng không phải chỉ mới được dùng qua một lần (secondhand), là vì hàng triệu người đã dành làm chủ những ý tưởng đó trước bạn rồi. Ý tưởng cũng ở ngoài bạn như một ngoại vật.


Nhà vật lý vĩ đại Eddington đã từng tuyên bố đâu đó rằng: càng đi sâu vào vật thể chừng nào, khoa học càng có khuynh hướng cảm nhận rằng vật chất là ý tưởng. Rất có thể lắm, tôi không phải là một nhà vật lý, nhưng đứng ở đầu khác của sự kiện này, tôi xin được nói với bạn rằng Eddington rất có thể đúng: rằng sự vật trông càng ngày càng giống những ý niệm nếu bạn đi sâu vào chúng; nếu bạn đi sâu vào chính bạn, ý tưởng sẽ trông càng ngày càng giống sự vật.


Thật vậy, đây là hai mặt của cùng một hiện tượng: vật chất là ý tưởng, ý tưởng là vật chất.


Khi tôi nói một ý tưởng là một vật, tôi ngụ ý gì? Tôi muốn nói bạn có thể ném một ý tưởng như thể ném một vật. Bạn có thể chọi vào đầu ai đó bằng một ý tưởng giống như bạn đang chọi bằng một vật gí đó. Bạn có thể giết một người bằng một ý tưởng như là bạn đang phóng một mũi phi tiêu vậy. Bạn có thể tặng một ý tưởng như là một món quà, hoặc như là một liều thuốc độc. Ý nghĩ là sự vật, chúng là năng lực (force), nhưng chúng không là của bạn. Chúng đến với bạn; chúng ngừng nghỉ một chút trong bạn và rồi chúng sẽ rời bạn. Cả vũ trụ chứa đựng đầy những ý tưởng và vật chất. Vật chất chỉ là phần vật lý của ý tưởng, và ý tưởng là phần tinh thần của vật chất.


Bởi sự kiện này, nhiều phép mầu (miracles) đã xãy ra – vì ý tưởng là sự vật. Nếu một người liên tục nghĩ về bạn, về đời sống của bạn, nó sẽ xãy ra – là vì nguời ấy liên tục phóng năng lượng đến bạn. Ðó là tại sao có được sự gia hộ. Nếu bạn được gia hộ bởi một người đã đạt đến vô-niệm, thì sự blessing này sẽ trở thành sự thực – vì người mà không bao giờ dùng tới ý tưởng sẽ tích lũy được năng lực, bất kỳ điều gì người ấy nói ra đều sẽ trở thành sự thật.


Trong tất cả các truyền thống thiền Á-đông, trước khi hành giả bắt đầu tu tập vô-niệm, có những kỹ thuật cùng nhiều nhấn mạnh đến việc dẹp bỏ tiêu cực (negativity), vì nếu một khi bạn đạt đến vô-niệm mà chiều hướng tiêu cực vẫn còn, bạn có thể trở thành một năng lực nguy hại. Trước khi vô niệm được đạt đến, hành giả cần phải trở nên tuyệt đối tích cực (positvity). Ðó chính là sự khác biệt giữa tà thuật và hiền thuật (white and black magic).


Tà thuật không gì khác hơn là việc một người đã tích lũy được năng lượng tư tưởng mà không buông bỏ được thái độ tiêu cực trước. Còn đạo thuật không gì khác hơn là việc hành giả đã đạt được quá nhiều năng lượng tư tưởng, và người ấy đặt toàn bộ cuộc sống của họ trên một thái độ tích cực. Cùng một loại năng lượng nhưng tiêu cực là tà, tích cực là thiện. Ý tưởng là một lực lớn, nó là sự vật.


Ðây là cái biết thứ ba. Phải được hiểu và canh chừng ở ngay trong chính bạn.


Ðôi khi bạn thấy ý tưởng của bạn tác dụng như là một vật, nhưng vì chịu ảnh hưởng bởi quá nhiều điều kiện vật chất chung quanh, bạn nghĩ rằng đấy chỉ là một sự ngẫu nhiên. Bạn không hề biết điều gì đang xãy ra, một cách tự nhiên bạn không để ý đến nó ; bạn thản nhiên, và bạn quên hẵn nó. Rồi có nhiều lần, bạn biết, có lần bạn nghĩ đến ai đó chết – và người đó chết. Bạn nghĩ đó chỉ là một trùng hợp tình cờ. Có lần bạn vừa nghĩ đến một người và có ước mong rằng người bạn ấy đến chơi – và người ấy đã đến ngay tại cửa, bấm chuông. Bạn nghĩ đó là một sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nó không là ngẫu nhiên. Thật vậy, không có cái gì gọi là ngẫu nhiên cả, mọi sự việc xãy đến đều có căn nguyên (causality).


Niệm tưởng của bạn đang tiếp tục tạo ra cái thế giới chung quanh bạn.


Ý nghĩ của bạn là sự vật, vậy phải cẩn thận về chúng. Dùng nó phải rất cẩn thận! Nếu bạn không rất ý thức, bạn có thể gây tai họa cho bạn và cho người khác – bạn đã làm thế. Và phải nhớ, một khi bạn gây họa cho ai, một cách vô thức (unconsciously), ngay lúc đó, bạn đang gây tai họa cho chính bạn – bởi vì ý tưởng là con dao hai lưỡi. Nó cũng cắt bạn đồng thời khi nó cắt một ai khác.


Ý tưởng là sự vật, và là một năng lượng vô cùng mạnh. Một người phụ nữ Nga, Mikhailovana. Bà ta có thể tạo ảnh hưởng đến những sự vật từ xa, bà có thể kéo bất kì mọi thứ về phía bà ấy – chỉ bằng tư tưởng. Nga là nước không tin vào sự hoang đường – một nước cộng sản, vô thần – và họ đã trắc nghiệm khả năng của Mikhailovana bằng khoa học thực tiễn. Nhưng mỗi khi bà ta thực hiện khả năng tư tưởng như vậy, bà ta bị sút đi 2 cân Anh; chỉ trong 30 phút thực hành. Ðiều nầy có nghĩa gì?


Có nghĩa là qua tư tưởng bạn hao tổn năng lượng – và bạn đã vẫn cứ liên tục phí hao năng lượng như vậy. Tâm trí bạn là cái đài phát thanh (chatterbox). Bạn đang phát ra những điều không cần thiết. Bạn đang phá hại những người chung quanh bạn, và bạn đang hủy hại bạn.


Bạn là một vật nguy hiểm – và vẫn tiếp tục phát truyền (broadcasting).


Và nhiều điều đang xãy ra chung quanh cũng vì bạn. Một cái mạng khổng lồ. Cả thế giới đang tiếp tục trở thành càng ngày càng khốn đốn vì càng ngày càng có thêm nhiều người trên mặt đất, và họ liên tục phát ra càng ngày càng nhiều niệm tưởng.


Càng quay trở vào trong bạn, bạn sẽ thấy quả đất càng yên bình – càng ít đi kẻ truyền phát (broadcasters). Ở vào thời của Bụt-đà (Buddha), hay những ngày của Lão-Tử, thế giới vô cùng bình yên, tự nhiên; nó đã là Thiên đường. Tại sao? Cộng đồng con người rất nhỏ vào thời ấy, là một việc. Con người thời đó không phải là những tư tưởng gia (thinkers), họ có khuynh hướng cảm nhận nhiều hơn là suy nghĩ. Và họ cầu nguyện. Sáng ra, việc đầu tiên họ làm sẽ là cầu nguyện. Tối đến, việc cuối cùng họ làm sẽ là cầu nguyện. Và cả ngày, lúc nào có dịp thì họ cầu nguyện.


Cầu nguyện là gì? Cầu nguyện là gửi đi sự gia hộ (blessings) đến cho mọi loài. Cầu nguyện là gửi đi lòng từ bi của bạn đến mọi loài. Cầu nguyện là đang tạo điều đối trị (antidote) với những ý nghĩ tiêu cực – cầu nguyện là tích cực.


Ðây sẽ là cái biết thứ ba về ý tưởng, rằng chúng là sự vật, là năng lượng, và bạn phải dùng nó một cách rất cẩn thận.


Bình thường, không để ý, bạn tha hồ nghĩ ngợi lung tung. Thật khó mà tìm được một người chưa từng giết người trong tư tưởng; khó mà tìm được một người chưa từng gây mọi thứ tội lỗi, tội ác trong tâm trí – và những việc đó vẫn cứ xãy ra. Hãy nhớ rằng, bạn có thể không phải là kẻ sát nhân, nhưng sự liên tục nghĩ đến việc sát hại ai đó của bạn có thể tạo ra một trạng huống mà người đó sẽ bị sát hại. Kẻ khác có thể lấy được tư tưởng của bạn, bởi vì có một hạng người yếu kém hơn chung quanh bạn, mà tư tưởng thì trôi như chiều nước chảy: chảy xuống. Nếu bạn liên tục nghĩ đến điều đó, kẻ ở hạng thấp hơn có thể chụp được ý tưởng của bạn và dùng nó để đi giết người.


Ðó là lý do tại sao những người đã biết được nội tâm (inner reality) của con người nói rằng: bất kỳ điều gì xãy ra trên mặt đất, mọi người đều có trách nhiệm. Mọi người. Bất kỳ chuyện gì xãy ra ở Vietnam, không những chỉ Nixson chịu trách nhiệm, mà bất kỳ ai biết nghĩ ngợi đều chịu trách nhiệm. Chỉ một người không phải nhận lãnh trách nhiệm, đó là người không-tâm-trí (vô niệm); còn không thì mọi người đều có trách nhiệm đối với mọi điều đang tiếp tục xãy ra. Nếu trái đất là địa ngục, bạn là một kẻ sáng tạo, bạn có tham dự vào.


Ðừng tiếp tục ném trách nhiệm lên kẻ khác – bạn cũng phải chịu trách nhiệm, nó là một cộng nghiệp (collective phenomenon). Một loại bệnh bộc phát từ một nơi nào đó, sự lang tràng có thể đến hàng triệu người, cách bạn hàng ngàn cây số – không có gì lạ, bởi vì ý tưởng là pháp phi-không-gian (non-spatial phenomenon), nó không cần tới không gian.


Vậy nên nó truyền đi nhanh nhất. Ánh sáng không thể đi nhanh như vậy, vì ngay ở ánh sáng không gian cần có. Ý tưởng đi nhanh nhất. Thật ra nó không cần đến thời gian để đi, không gian không hiện hữu với nó. Bạn có thể ngồi đây, nghĩ đến cái gì ở Mỹ, và nó hiện ra. Làm sao mà bạn không phải chịu trách nhiệm? Không có tòa án nào xử phạt bạn, nhưng trong cái tòa án tối cao của hiện thực (existence) bạn sẽ bị trừng phạt – và bạn đã bị trừng phạt. Ðó là lý do tại sao bạn đang khổ.


Người ta đến tôi và hỏi: “ Tôi đâu có hại ai, mà sao vẫn thấy khổ.” Có thể là bạn không làm, nhưng bạn chỉ nghĩ, mà sự nghĩ ngợi thì vi tế hơn việc hành động.


Một người có thể tự kiềm chế để không hành động, nhưng không thể tránh được nghĩ ngợi. Cũng vì do nghĩ ngợi mà mọi người mang họa (vulnerable).


Vô niệm phải có (a must) nếu bạn muốn được hoàn toàn tự do khỏi tội lỗi, khỏi tội ác, tự do khỏi mọi thứ đang xãy ra quanh bạn – đó là ý nghĩa của một Bụt-đà.


Bụt-đà là một người sống không tâm trí; nên không bị trách nhiệm. Ðó là tại sao ở Á-đông chúng tôi nói rằng Ngài chưa bao giờ tạo nghiệp; Ngài không bao giờ tạo một vướng mắc gì cho tương lai. Ngài sống, đi đứng, xê dịch, Ngài ăn, Ngài nói. Ngài làm nhiều thứ việc, vậy thì Ngài phải tạo nghiệp chứ, vì nghiệp do hành động. Nhưng ở Á-đông nói rằng dù ông Bụt-đà có sát sanh đi nữa, ông ta cũng không tạo nghiệp báo. Tại sao? Còn bạn, bạn còn không sát sanh, mà bạn vẫn tạo nghiệp? Tại sao vậy?


Thật đơn giản: bất kỳ điều gì Bụt-đà làm, Ngài làm với không tâm trí. Ngài chỉ trực nhận (spontaneous), đó không phải là hành động. Ngài không nghĩ ngợi đến nó, nó chỉ xãy đến. Ngài không phải là người hành động (doer). Ngài xê dịch như chân không. Ngài không để tâm trí vào nó, Ngài không suy nghĩ là đang làm. Khi thực tại xãy đến, Ngài để nó xãy đến. Ngài không còn cái ngã (ego) để kháng cự với nó; không còn cái tôi để làm.



Ðó là ý nghĩa của rảnh-rang tự-tại (being empty), của vô-ngã (no-self) : là phi-chúng- sanh (non-being), antta, trở thành vô ngã (no-selfness). Thì bạn không tạo- tác gì cả; và bạn sẽ không phải chịu trách nhiệm nào đối với những gì xãy ra quanh bạn, bạn giải-thoát (transcend).


Mỗi một ý nghĩ đều tạo ra một điều gì đó cho bạn, và cho người khác. Phải cảnh giác!


Nhưng khi tôi nói cảnh giác, không có nghĩa là bạn phải nghĩ đến những ý tưởng tốt. Không, bởi vì bất kỳ khi nào bạn nghĩ đến ý tốt, ngay bên cạnh bạn cũng đang nghĩ đến ý xấu. Làm sao mà tốt hiện hữu được ngoài xấu? Nếu bạn nghĩ đến tình yêu, ngay bên cạnh nó là sự thù ghét. Làm sao bạn nghĩ về thương yêu mà không nghĩ về ghét bỏ? Bạn phải ý thức một cách hoàn toàn: rằng tình thương đang nằm ở mặt ý thức (conscious) của tâm trí, nhưng sự ghét bỏ thì đã nằm sẵn trong mặt vô thức (unconscious) – chúng hoán đổi với nhau.


Bất kỳ khi nào bạn nghĩ đến từ bi, bạn nghĩ đến ác độc. Bạn có thể nghĩ đến từ bi ngoài độc ác được không? Bạn có thể nghĩ đến bất bạo động mà không nghĩ đến bạo động được không? Trong ngay chữ “bất bạo động”, bạo động đã vào; nó nằm sẵn ngay trong chính cái khái niệm. Bạn có thể nghĩ đến “brahmacharya”, vô-dục (celibacy), mà không nghĩ đến tình dục được không? Không thể được, bởi vì vô dục là gì nếu không có một khái niệm (thought) về tình dục? Mà nếu vô dục đặt nền tảng trên khái niệm của tình dục, thì vô dục là gì vậy?


Có một phẩm chất hoàn toàn khác của lối sống không nghĩ ngợi: nó không tốt, nó không xấu, nó chỉ đơn giản là trạng thái của không suy nghĩ. Bạn chỉ đơn giản nhìn, bạn chỉ đơn giản ý thức, nhưng không nghĩ ngợi. Rồi nếu ý tưởng xen vào.... mà chúng sẽ vào, bởi vì ý tưởng không là của bạn; chúng chỉ trôi nổi trong không. Ngoài kia là một thòng-lọng-cầu (noosphere), một tưởng-cầu (thoughtsphere), bao quanh. Y hệt không khí, niệm tưởng bao quanh bạn, và nó vẫn tiếp tục chui vào bằng cánh riêng của nó. Nó chỉ dừng lại khi nào bạn càng trở nên tỉnh thức (aware). Có một cái gì trong nó: rằng nếu bạn trở nên càng tỉnh thức, niệm tưởng đơn giản biến mất, nó tan đi, bởi vì tỉnh thức là một năng lượng mạnh hơn tư tưởng.


Tỉnh thức như lửa thiêu đốt niệm tưởng.


Cũng giống như bạn thắp một ngọn đèn trong nhà thì ánh sáng không vào được; bạn thổi đèn – từ mọi phía bóng tối ập vào; không mất lấy một phút, chưa đầy một tích tắc, nó đã ở đó rồi. Khi đèn sáng trong nhà, bóng tối không có được. Ý tưởng giống như bóng tối: chúng chỉ vào được nếu không có ánh sáng bên trong. Tỉnh thức là ngọn lửa: khi bạn trở nên càng tỉnh thức, càng ít đi ý tưởng xen vao.


Khi bạn trở nên thật sự tỉnh thức, niệm tưởng sẽ không vào bạn nữa; bạn đã trở thành một chiến lũy kiên cố (impenetrable citadel), không gì chọc thủng bạn được. Không phải là bạn đã bị đóng kín, nên nhớ như vậy – bạn vẫn đang tuyệt đối mở rộng; nhưng chỉ vì cái năng lượng của sự tỉnh thức trở thành cái chiến lũy của bạn. Và khi niệm tưởng không thể xâm nhập vào bạn được nữa, chúng sẽ chỉ trờ tới rồi lướt qua bạn. Bạn sẽ thấy chúng đến, và một cách rất tự nhiên, ngay lúc chúng vừa đến gần bạn thì chúng quay đi. Rồi bạn có thể đi đâu cũng được, bạn có thể đến tận địa ngục – không có cái gì ảnh hưởng đến bạn được. Ðây là điều mà chúng ta gọi là sự giác ngộ (enlightenment).



Bây giờ hãy thử hiểu lời kinh của Tilopa (1)


“Như nhìn trời thấy rỗng lặng;

quán tâm, diệt phân-biệt, đạt bồ đề.

Mây không cội rễ, tâm phân-biệt không nhà.

Thấy tự-tánh, phân-biệt ngừng.

Sắc tướng tự không gian, không gian vô sắc tướng.

Vạn pháp phân-biệt sinh, tự-tánh không thiện ác”


Như nhìn trời thấy rỗng lặng.... Ðây là một phương pháp, một phương pháp của Mật tông: nhìn vào không gian, nhìn vào bầu trời, mà không có cái thấy; nhìn với một cặp mắt rỗng không (empty eye). Nhìn, nhưng không tìm kiếm cái gì: chỉ một cái nhìn rỗng không.


Ðôi khi bạn thấy ở cặp mắt của một người khùng một cái nhìn rỗng không – và khùng với thánh giống nhau ở nhiều điểm. Một người khùng nhìn vào mắt bạn, nhưng bạn có thể biết anh ta không đang nhìn vào bạn. Anh ta chỉ nhìn xuyên qua bạn như thể bạn là một miếng thủy tinh, trong suốt; bạn chỉ đang chắn đường, anh ta không đang nhìn vào bạn. Và bạn dường như trong suốt đối với anh ta: anh ta nhìn xa khỏi bạn, xuyên qua bạn. Anh ta nhìn mà không nhìn "vào" bạn: cái “vào” không có mặt, anh ta chỉ đơn giản nhìn.


Nhìn vào bầu trời mà không tìm kiếm cái gì, bởi vì nếu bạn tìm kiếm cái gì thì một đám mây bắt buộc phải đến: “cái gì” nghĩa là một đám mây đó. “không cái gì” nghĩa là cái rỗng không rộng lớn của bầu trời xanh. Ðừng tìm kiếm một đối tượng nào. Nếu bạn trông đợi một đối tượng, ở chính ngay sự trông đợi nó sẽ tạo ra một đối tượng: một đám mây đến, và rồi bạn nhìn vào đám mây. Ðừng nhìn vào những đám mây. Ngay cả nếu mây có đó, bạn cũng không nhìn vào chúng – chỉ đơn giản nhìn, rồi chúng trôi, chúng ở trên đó. Tự nhiên sẽ có một lúc nó xãy đến khi bạn đã được điều chỉnh lại theo lối “nhìn mà không nhìn” này – mây sẽ biến mất đối với bạn, chỉ một bầu trời mênh mông còn lại. Thật là khó - bởi vì mắt bạn bị lôi cuốn theo (focused) và mắt bạn đã được chỉnh sẵn (tuned) để nhìn “vào” vật.


Hãy xem môt đứa trẻ ngày mới lọt lòng mẹ. Nó có cùng đôi mắt như của một vị thánh – hoặc như của một người khùng: cặp mắt nó giãn ra (loose) và buông trôi (floating). Nó có thể đem hai mắt vào nhau; nó có thể cho chúng trôi đến hai khóe mắt phía ngoài – chúng chưa được sắp đặt (fixed). Cả hệ thống của nó như chất lỏng, Hệ thần kinh của chúng chưa được cấu tạo xong, mọi thứ đều buông trôi. Vậy đứa bé sơ sinh nhìn nhưng không nhìn vào sự vật; đó là cái nhìn khùng. Ðể ý một đứa bé sơ sinh: cái nhìn đó cần ở bạn, bởi vì trước sau gì bạn cũng sẽ phải đạt đến cái thơ dại trẻ con lần nữa.


Hãy nên nhìn một người khùng, vì người khùng đã bị rớt ra khỏi xã hội. Xã hội nghĩa là thế giới của cách thức (roles) đã được sắp xếp (fixed), là những trò chơi (games). Một người khùng đã khùng bởi vì anh ta không có cái cách thức như đã được sắp đặt của thế giới, anh ta đã rớt ra: anh ta là cái lọt ra hoàn toàn (the perfect drop-out). Một vị thánh cũng là cái lọt ra hoàn toàn nhưng trong một bối cảnh (dimension) khác. Ông ấy không khùng; thật ra ông ta chỉ là cái tính năng thánh thiện nhất (the only sanest possibility). Nhưng cả thế giới đều điên, đã được sắp đặt (fixed), nên vị thánh cũng bị coi như khùng. Hãy xem một ngưới khùng: cái nhìn đó cần được có.


Trong những tu viện xưa ở Tây-tạng luôn luôn có một người khùng, chỉ để cho hành giả xem xét đôi mắt của anh ta.


Người khùng đã là rất quí thời đó. Anh ta phải được lùng kiếm cho ra bởi vì tu viện không thể thiếu một người khùng. Anh ta trở thành một đối tuợng để quan sát. Hành giả sẽ quan sát một người khùng, cặp mắt của anh ấy, và họ sẽ tập nhìn vào thế giới như thể người khùng nhìn. Những ngày ấy thật đẹp.


Ở Á-dông, người khùng không khổ như họ phải khốn khổ ở Tây-phương. Ở Ðông-phương họ có giá trị, người khùng là một cái gì đặc biệt. Xã hội săn sóc anh ta, anh ta được tôn trọng, bởi vì anh ta có vài yếu tố của thánh nhân. vài yếu tố của một đứa bé sơ sinh. Anh ta khác với cái gọi là xã hội, cái văn hóa, cái văn minh; anh ta đã rớt ra (fallen out) khỏi nó. Dĩ nhiên, anh ta đã rớt xuống (fallen down); một vị thánh bay lên (falls up), một người khùng rớt xuống – đó là sự khác biệt – nhưng cả hai đều rơi ra. Và họ có những tương đồng. Hãy xem xét một người khùng, rồi thử để cập mắt bạn trở nên hết bị lôi cuốn (unfocused).


Tại đại học Harvard, họ đã làm một thử nghiệm vài tháng trước, và họ rất ngạc nhiên, họ không thể tin là như vậy. Họ thử tìm xem cái thế giới, như ta đang thấy, là phải như vậy hay không, bởi vì có nhiều điều vừa xãy ra trong những năm qua.


Chúng ta nhìn cái thế giới không đúng như nó phải là (as it is), chúng ta thấy nó như chúng ta trông đợi nó được thấy như vậy, chúng ta phóng họa (project) lên nó cái gì.


Như thể một chiếc tàu thật lớn cập vào một hòn đảo nhỏ ngoài khơi Thái Bình Dương lần đầu tiên. Những người trên đảo đã không thấy nó, không ai thấy nó cả! Và chiếc tàu thì rất khổng lồ – nhưng con người đã được điều chỉnh (attuned), mắt họ đã được điều chỉnh cho những chiếc ghe nhỏ. Họ chưa từng biết đến một chiếc tàu lớn như thế, họ chưa từng nghe đến một vật như vậy. Tự nhiên mắt họ không bắt được (catch the glimpse) nó, mắt họ đơn giản khước từ.


Ở đại học Harvard người ta đã thử với một người thanh niên: họ cho anh ta đeo cặp kiếng làm bằng một lọai thủy tinh sai lệch, và anh ta phải đeo nó trong 7 ngày. Trong 3 ngày đầu anh ta sống trong một tình trạng rất khổ sở, bởi vì mọi thứ đều lệch lạc, cả thế giới quanh anh ta đều lệch lạc.... Nó làm anh ta nhức đầu kinh khủng, anh ta không thề ngủ nỗi. Ngay cả lúc nhắm mắt lại những hình ảnh lệch lạc vẫn ở đó.... những khuôn mặt bị méo mó, cây cối bị xiêu vẹo, đường sá thì ngửa nghiêng. Anh ta cũng không bước đi được vì anh ta mất tự tin: “ Cái gì là thật và cái gì được phóng họa bởi cặp kiếng?”


Nhưng một phép lạ đã xãy đến! Sau ngày thứ 3 anh ta trở nên được điều chỉnh theo nó; cái lệch lạc biến mất. Cặp kiếng thì vẫn như vậy, sai lệch, nhưng anh ta bắt đầu nhìn vào cái thế giới cũng bằng cái thói quen. Trong vòng một tuần mọi chuyện đều “okay”, không nhức đầu, không có vấn đề gì cả, những nhà khoa học chỉ còn biết ngạc nhiên; họ không ngờ như vậy. Cặp mắt đã hoàn toàn bị bỏ mất như thể cặp kiếng không còn trên đôi mắt. Cặp kiếng vẫn ở đó, và chúng vẫn sai lệch – nhưng đôi mắt đã bắt đầu nhìn thế giới theo kiểu mà nó đã vừa được huấn luyện.


Không ai biết cái bạn đang thấy là có thật ở đấy hay không. Nó có thể là không ở đó, nó có thể có ở đó nhưng trong một cách hoàn toàn khác biệt. Màu sắc bạn thấy, hình tướng bạn thấy, mọi thứ đều được vẽ ra bởi (projected by) đôi mắt. Và bất kỳ khi nào bạn nhìn một cách được sắp xếp sẵn (fixed), bị lôi cuốn (focused) bởi khuôn mẫu cũ (old patterns), bạn nhìn sự vật theo cách riêng của bạn (your own conditioning). Ðó là tại sao một người khùng có cái nhìn nhiễu lỏng (liquid look), một cái nhìn xa vắng (absent look), nhìn và không nhìn cả hai.


Cách nhìn này thật tuyệt vời. Nó là một trong những kỹ thuật độc đáo nhất của Mật-tông:


Như nhìn trời thấy rỗng lặng....


Ðừng thấy, chỉ nhìn. Trong mấy ngày đầu, nó lại sẽ tiếp tục bắt bạn phải thấy này thấy nọ, cũng chỉ vì cái thói quen cũ. Chúng ta nghe này nọ cũng vì cái thói quen cũ. Chúng ta thấy này nọ cũng vì cái thói quen cũ. Chúng ta hiểu này nọ cũng vì cái thói quen cũ.


Một trong những đại đệ tử của Gurdjieff, Tiến sĩ Ouspensky, thường bó buộc nhiều điều với học trò của ông ta – và mọi người bực bội, rồi nhiều người bỏ cuộc cũng chỉ vì sự bó buộc đó. Nếu có ai hỏi: “Hôm qua thầy đã nói....” ngay lập tức ông ta chận lại và bảo: “Ðừng nói ra như vậy. Phải nói: 'Tôi hiểu rằng ông đã nói điều này hôm qua.' 'Tôi hiểu.... ' Ðừng nói điều ta đã nói: ngươi không biết điều đó. Nói đến cái gì nguơi đã được nghe.” Và ông ta bó buộc rất nhiều điều bởi vì chúng ta đã sống theo thói quen.


Bạn có thể lại nói: “Trong Thánh kinh đã nói rằng....” và ông ta sẽ bảo: “ Ðừng nói vậy! Chỉ cần nói rằng ngươi nghe thấy điều này được nói trong Thánh kinh.” Với mỗi câu nói ông ta đều bó buộc: “Phải luôn nhớ rằng đây là điều ngươi nghe thấy (your understanding)”


Mà chúng ta thì cứ thường quên. Những đệ tử của ông ta cứ tiếp tục quên hết lần này đến lần khác, ngày nào cũng thế, mà ông ta thì rất cứng rắng. Ông sẽ không cho phép bạn tiếp tục. Ông sẽ nói: “Bắt đầu trở lại. Trước phải nói rằng: 'Tôi nghe thấy ông nói điều này, đây là điều tôi nghe thấy... bởi vì ngươi nghe theo cách riêng của ngươi, ngươi thấy theo cách riêng của ngươi – vì ngươi có một cách thức được sắp xếp sẵn trong việc thấy và nghe.”


Ðiều này phải được bỏ đi. Ðể biết hiện thực, mọi thái độ cố hữu phải được bỏ đi. Mắt bạn chỉ nên giống như cửa sổ, không phải là máy phóng họa (projectors). Tai bạn nên giống như cái cửa, không phải là cái máy.


Chuyện đã xãy ra như vầy: Một nhà phân tâm học đang tu học với Gurdjieff đã thử làm một thí nghiệm. Tại một lễ cưới nọ ông đã làm một thử nghiệm rất đơn giản nhưng thật độc đáo. Ông ta đứng qua một bên, mọi người đi qua lại, ông để ý thấy rằng không một ai ở đầu tiếp tân nghe gì những khách đang nói với họ – rất nhiều người, đám cưới của một người đàn ông giàu có. Cuối cùng ông ta cũng nhập vào và đến nói rất khẻ với người đầu tiên ở dãy tiếp tân: “ Bà ngoại tôi mất hôm qua.” Ngưởi đàn ông nọ nói: “ Rất hân hạnh gặp anh, thật tuyệt.” Rồi gặp người kế ông ta cũng lặp lại như vậy và người kia bảo: “ Anh quá tốt.” Khi đến chú rể, ông cũng lặp lại như thế, chú rể nói: “ Ông bạn già ạ, đã đến lúc bạn cũng nên làm theo rồi đấy.”


Không ai nghe thấy ai nói. Bạn nghe cái gì bạn trông đợi. Cái trông đợi là điều kiện sắp xếp sẵn của bạn (your specs) – đó là cặp kiếng. Mắt bạn nên là cửa sổ – đây là một kỹ thuật.


Không một ý nghĩ được thốt ra qua con mắt, bởi vì nếu thốt ra mây được tạo ra. Tức là bạn nhìn cái không có ở đấy, cái bào ảnh vi tế.... Hãy để cái biết thanh khiết trong con mắt bạn, mọi giác quan phài được thanh khiết, sự nhận thức trong sáng – chỉ khi đó hiện thực mới có thể lộ rõ cho bạn. Và khi bạn biết được hiện thực, thì bạn sẽ biết rằng bạn là một Bụt-đà, một Thượng-đế, bởi vì trong hiện thực mọi thứ đều thánh thiện.


Như nhìn trời thấy rỗng lặng; quán tâm....


Trước hết hãy chú mục vào bầu trới; nằm xuống đất và chú mục vào bầu trời. Chỉ có một điều phải cố gắng: đừng nhìn vào bất kỳ cái gì. Thoạt đầu bạn sẽ thất bại, rồi thất bại lần nữa và nhiều nữa, bạn sẽ quên lần nữa và rồi lại quên lần nữa. Bạn sẽ không thể nhớ một cách liên tục được. Ðừng chán nản, nó tự nhiên thôi, bởi vì đó là cái thói quen lâu đời. Khi nào bạn nhớ lại, buông lỏng cặp mắt bạn ra, làm chúng thư giãn ra, rồi chỉ nhìn vào bầu trời – đừng làm cái gì khác, chỉ nhìn. Rồi cũng có lúc nó đến, là lúc bạn có thể nhìn vào bầu trời mà không phải gắng nhìn cái gì trên ấy.


Sau đó thử nhìn vào bầu trời bên trong của bạn:


..... quán tâm..........


Bạn hãy nhắm mắt lại và nhìn vào bên trong, đừng tìm kiếm bất kỳ cái gì, chỉ phải cùng một lối nhìn xa vắng. Ý tưởng trôi nỗi nhưng bạn không tìm kiếm chúng – bạn chỉ đơn giản nhìn. Nếu chúng đến thì tốt, nếu chúng không đến thì cũng tốt. Rồi bạn sẽ có thể thấy những khoảng cách, một ý tưởng qua, ý khác đến – rồi một khoảng cách.


Và, cứ qua qua lại lại như vậy, bạn sẽ có thể thấy ý tưởng trở nên trong suốt (transparent), ngay cả khi ý tưởng đang đi qua bạn vẫn còn thấy được cái khoảng cách, bạn vẫn thấy được bầu trời bị che dấu phía sau mây.


Và mắt bạn càng ngày càng được điều chỉnh với cách nhìn này, ý tưởng sẽ càng ngày càng rời rạc, chúng sẽ đến càng lúc càng ít đi, càng ngày càng ít lại. Khoảng cách sẽ trở nên rộng ra. Trong nhiều phút không một ý tưởng đến, mọi sự đều im lặng và nín thinh bên trong bạn – bạn lần đầu tiên được thống nhất. Moị sự đều trở nên hoàn toàn phúc lạc, không phiền muộn. Và nếu cái nhìn này trở thành tự nhiên với bạn – nó sẽ trở thành, nó là một trong những điều tự nhiên nhất; người ta chỉ phải buông lỏng (unfocus), cởi bỏ (decondition):


... diệt phân-biệt....


Rồi không gì tốt, không gì xấu; không gì ghê tởm, không gì xinh đẹp.


.... đạt bồ đề....


Trạng thái bồ-đề (buddhahood) nghĩa là sự tỉnh thức tối hậu. Khi hết phân biệt, mọi chia rẽ mất, sự thống nhất được đạt đến, chỉ một cái "một" còn lại. Bạn còn không được gọi nó là “một” nữa, vì như thế cũng là một phần của nhị nguyên. Một còn lại, nhưng bạn không thể gọi nó là “một,” bởi vì làm sao mà bạn có thể gọi nó là “một” khi mà trong tận sâu kín bạn lại không nói “hai.” Không, bạn không bảo “một” còn lại, vì nếu vậy tự nhiên “hai” đã vừa xuất hiện, cái nhiều vừa mới biến mất. Bây giờ chỉ là cái nhất thể bao la (a vast oneness), không có biên giới với bất kỳ cái gì.


Cây biến vào cây khác, đất biến vào cây, cây biến vào bầu trời, bầu trời biến vào cái không giới hạn bên trên nữa.... bạn biến vào trong tôi, tôi biến vào bạn.... mọi thứ đang biến vào (merging into).... phân biệt diệt, tan ra và biến vào như sóng hòa trong sóng.... một cái nhất thể đang rung chuyển, đang sống động, không biên giới, không có định nghĩa, không phân biệt.... thánh biến thành tội nhân, tội nhân biến thành thánh.... tốt trở thành xấu, ác trở thành thiện.... đêm đổi thành ngày, ngày đổi thành đêm.... sống tan biến thành chết, chết cấu hợp thành sống.... thì mọi thứ trở thành một.


Chỉ ở khoảnh khắc này sự giác ngộ đạt được: khi không có gì tốt, không có gì xấu, không tội lỗi, không thánh thiện, không đêm, không ngày – không gì cả, không phân biệt. Phân biệt có là vì cái nhìn đã được huấn luyện (trained eyes) của bạn. Phân biệt là cái được học hỏi (learned). Phân biệt không có trong cái nhất thể. Phân biệt được phóng họa ra từ bạn. Bạn đem phân biệt đến cho thế gian – thế gian không phân biệt. Ðó là sự lừa gạt của con mắt bạn, mắt bạn đang chơi trò phỉnh gạt bạn.


....Mây không cội rễ, tâm phân-biệt không nhà.


Thấy tự-tánh, phân biệt ngừng.....


Mây không cội rễ, tâm phân-biệt không nhà... cũng y thật như vậy cho những niệm tưởng của bạn, và cũng y thật như vậy với bấu trời bên trong bạn. Ý tưởng không có cội rễ, chúng không có nhà; chúng chỉ lảng vảng như mây vậy. Cho nên bạn không cần phải kháng cự với chúng, bạn không cần phải nghịch với chúng, bạn cũng không cần ngay cả việc phải chận đứng ý tưởng.


Ðây là điều bạn cần được hiểu rõ ràng, bởi vì mỗi khi một ai muốn thiền là họ bắt đầu cố sức chận đứng suy nghĩ. Và nếu bạn cố chận đứng ý tưởng chúng sẽ không bao giờ chịu dừng lại, vì ngay sự cố gắng đó đã chính là một ý tưởng, ngay việc gắng sức để thiền đó đã chính là một ý tưởng, chính ngay việc gắng sức để đạt đến trạng thái giác ngộ nó đã là một ý tưởng. Và làm sao bạn lại có thể chận đứng một y tưởng bằng một ý tưởng khác? Làm sao bạn có thể chận đứng tâm trí bằng cách tạo ra một tâm trí khác? Rồi bạn lại phải vướng mắc vào cái khác. Và sự việc này lại cứ như thế mãi, ad nauseam, triền miên không có chấm dứt.


Ðừng kháng cự – là vì: ai kháng cự? Bạn là ai? Nó chỉ là một ý tưởng, vậy đừng có tạo bạn thành một bãi chiến trường cho những niệm tưởng đánh đấm với nhau. Tốt hơn, ta hãy trở nên một nhân chứng, bạn hãy chỉ nhìn ý tưởng đang trôi. Chúng ngừng, nhưng không vì do bạn làm cho chúng ngừng. Chúng ngừng vì do bạn trở nên tỉnh thức hơn, không vì sự gắng sức nào của phía bạn.


Không, chúng sẽ không bao giờ chịu ngừng, chúng sẽ chống lại. Bạn hãy thử đi và bạn sẽ thấy: cố chận lại một ý nghĩ rồi chúng sẽ khăng khăng một mực (persist). Ý tưởng chúng rất cứng đầu, rất ngoan cố; chúng là những nhà du-già hath, họ cứ khăng khăng một mực. Bạn vất chúng ra và chúng sẽ mò trở lại một triệu lẽ một lần. Bạn sẽ mệt mỏi, nhưng chúng sẽ không mệt.


Có lần một người đến gặp Tilopa. Ông ta muốn giác ngộ và ông ta đã được nghe rằng Tilopa là người đã giác ngộ. Tilopa đang ở tại một ngôi đền đâu đó trong Tây-tạng. Người đàn ông đến; Tilopa đang ngồi và người đàn ông thưa: “Con muốn diệt những vọng tưởng của con”


Tilopa bảo: “Thật dễ. Ta sẽ cho ngươi một công cụ, một kỹ thuật. Ngươi cứ theo như thế nầy: chỉ cần ngồi xuống và đừng nghĩ đến khỉ?. Vậy là xong.”


Người đàn ông nói: “Dễ vậy à? Chỉ không cần nghĩ đến khỉ? nhưng con cũng chưa nghĩ đến chúng bao giờ.”


Tilopa lại bảo: “ Bây giờ ngươi cứ làm như thế, và hôm sau cho ta biết.”


Bạn đã biết chuyện gì sẽ xãy đến cho người đàn ông tội nghiệp đó... toàn khỉ và khỉ chung quanh. Tối đến anh ta cũng không ngủ được, dù chi một chợp mắt. Mở mắt ra thì chúng đã ngồi đó, nhắm mắt lại chúng cũng đã ngồi đó, và chúng lại còn trêu ghẹo....


Ông ta chỉ có ngạc nhiên: “Tại sao ông già ấy lại chỉ ta cái phương pháp này, bởi vì nếu khỉ là vấn đề, thì ta đã chưa bao giờ bị phiền toái bởi chúng mà. Ðây là lần đầu tiên như vậy!” Rồi ông ta lại cố gắng, sáng ra lại cố gắng không nghĩ đến khỉ nữa. Ông ta đi tắm, xong lại ngồi lại, nhưng không gì thay đổi: những chú khỉ vẫn không chịu rời ông ta.


Chiều đến ông ta trở lại Tilopa và gần như phát điên, những chú khỉ lại như đang chạy theo sau như thể ông ta đang dẫn theo một bầy khỉ. Ông ta đến và nói: “ Làm ơn, ngài phải cứu con với. Con không cần những thứ nầy, từ trước đến giờ con đã vẫn không sao cả, con không muốn thiền gì cả. Và con không cần đến sự giác ngộ như ngài nữa, nhưng hãy cứu con khỏi mấy con khỉ nầy!”


Nếu bạn nghĩ đến khỉ, có thể chúng sẽ không đến với bạn. Nhưng nếu bạn muốn không nghĩ đến ... nếu bạn muốn chúng (ý tưởng) không đến với bạn, thí chúng sẽ chạy theo bạn. Chúng có cái “ngã” (egos) của chúng và chúng không thể rời bạn một cách dễ dàng như vậy. Rồi bạn hãy nghĩ về chính bạn: hãy thử không nghĩ đến khỉ? Những chú khỉ sẽ thấy ngứa ngáy, chúng sẽ không chịu yên.


Ðiều này xãy ra với mọi người. Tilopa chỉ đùa, ông ta muốn bảo rằng nếu bạn muốn cản trở một ý nghĩ, bạn sẽ không làm được. Mà trái lại, ngay cái nỗ lực đó nó tạo năng lượng cho sự suy nghĩ, ngay sự nỗ lực để xóa bỏ chúng đi lại là sự gây chú ý cho chúng. Như vậy, một khi bạn muốn quên đi điều gì tức bạn đang rất chú ý đến nó. Nếu bạn muốn không suy nghĩ đến một ý tưởng, bạn đã nghĩ đến nó rồi vậy.


Hãy nhớ điều này, nếu không bạn sẽ dậm chân tại chỗ. Người đàn ông tội ngiệp kia đã bị ám ảnh và trở nên càng bị ám ảnh với khỉ là vì ông ấy muốn không nghĩ đến chúng. Không cần phải dẹp bỏ tâm trí. Ý tưởng không có giây mơ rễ má (rootless) đâu cả, chúng vô gia cư (homeless), chúng tha phương cầu thực (vagabonds), bạn không cần lo nghĩ về chúng. Bạn đơn giản nhìn, nhìn mà không nhìn vào chúng, chỉ đơn giản nhìn.


Nếu chúng đến, tốt, đừng hổ thẹn, là vì ngay một chút cảm nghĩ rằng việc nó đến là không tốt, bạn đã lại bắt đầu kháng cự. Không sao cả, điều đó rất tự nhiên: cũng như lá mọc ra từ cây, ý tưởng đến từ tâm trí. Tốt thôi, điều đó là hoàn toàn tự nhiên như nó phải vậy. Bạn chỉ cần phải là một kẻ bàng quan tách biệt, không hài lòng (appreciating) cũng không lên án (condemning) – không một thẩm định (valuation). Bạn đơn giản ngồi ngay trong bạn và nhìn, nhìn mà không nhìn vào,


Và điều này sẽ xãy đến, rằng càng nhìn nhiều, bạn sẽ thấy càng ít; càng nhìn sâu hơn, ý tưởng càng biến đi, chúng tự giải tán. Một khi bạn biết được điều này tức chiếc khìa khóa đang trong tay bạn, Và chiếc khóa nầy sẽ mở ra cái pháp tối mật nhất (the most secret phenomenon) cho bạn: pháp giác ngộ (the phenomenon of buddhahood).


...Mây không cội rễ, tâm phân-biệt không nhà.


Thấy tự-tánh, phân-biệt ngừng....


Và một khi bạn thấy được ý tưởng đang trôi nhảy như vậy, bạn không còn phải là những ý tưởng nữa mà là cái không gian mà trong đó ý tưởng đang trôi nhảy, bạn đã đạt được chơn tánh (self-mind, bổn tâm), bạn đã hiểu được hiện tượng của tâm thức (phenomenon of your consciousness, thức pháp) của bạn. Vậy sự phân biệt ngừng: nên không còn gì tốt, không còn gì xấu; và mọi tham dục tự nhiên biến mất, là vì nếu không còn gì tốt, không còn gì xấu, thì không có gì để được ham thích (desired), không có gì bị chối bỏ (avoided).


Bạn chấp nhận, bạn trở nên thư giãn và tự nhiên. bạn chỉ đơn giản trôi với hiện thực, nhưng không đi đâu cả, bởi vì không có mục đích (có mục đích tức có cái để nghĩ đến, không còn thể gọi là vô niệm). Và bạn bắt đầu an vui từng khoảnh khắc, bất kỳ điều gì nó mang đến – bất kỳ, hãy nhớ như vậy. Rồi bạn có thể tận hưởng nó, bởi vì bây giờ bạn không còn tham (desires) và hết còn cầu (expectations). Và bạn không còn đòi hỏi (ask) bất kỳ gì nữa, vậy thì bất kỳ điều gì đến bạn đều cảm thấy biết ơn. Chỉ cần ngồi và thở là tuyêt đẹp rồi, chỉ cần có mặt ở đây là tuyệt vời rồi vì mọi khoảnh khắc của cuộc sống trở nên một phép màu, một điều mầu nhiệm tự ngay nó,


Sắc tướng tự không gian, không gian vô sắc tướng.

Vạn pháp phân-biệt sinh, tự-tánh không thiện ác.


Và, bạn biết các hình tướng cùng màu sắc được tạo lập nhờ có không gian. Mây có nhiều loại và hình thù: bạn có thể thấy voi và sư tử, bất kỳ cái gì bạn muốn thấy. Trong không gian hình tướng và màu sắc đến rồi đi... nhưng đen, trắng không nhuộm sắc không gian... dù bất kỳ cái gì xãy ra, bầu trời cũng vẫn không bị chạm đến, không bị úa màu. Vào buổi sáng nó như một cục lửa, mà vào buổi tối thì cái đỏ rực đó đã đi đâu? Cả một bầu trời tối lại, chỉ một màu đen. Sáng ra, cái tối đen đó lại đã đi đâu? Bầu trời vẫn không bị nhộm màu, không bị đụng chạm.


Ðây là lối sống của "sannyasine" (thiền giả): như bầu trời, không bị vẩn màu bởi bất kỳ điều gì đến và xãy ra. Một niệm tưởng tốt đến, sannyasine không khoe khoang về nó. Ông ấy không nói: “Tôi có đầy những tư tưởng tốt, tòan những ý tưởng thánh thiện, gia hộ thế giới.” Không, ông ta không khoe khoang, vì ông ta khoe khoang ông ấy đã bị nhuộm màu. Ông ta sẽ không tuyên bố rằng ông ấy tốt. Một niệm tưởng xấu đến, ông ta không chán chường vì nó, nếu không thế ông ấy đã bị nhuốm màu. Tốt hay xấu, đêm hay ngày, mọi sự mà đến rồi đi ông ấy chỉ đơn giản nhìn. Tiết mùa thay đổi ông ấy nhìn; trẻ trở thành già ông ấy nhìn, ông ta không bị nhuộm màu. Ðó là cốt lõi sâu nhất của một sannyasine, như là một bầu trời, như là không gian.


Và đây mới là sự kiện thật; Khi bạn nghĩ tức bạn bị nhuộm màu, chỉ vì chính tại cái suy nghĩ. Khi bạn nghĩ rằng bạn đã trở nên tốt hay xấu, ác hay thiện, đó chỉ là sự đang suy nghĩ, mà cái bầu trời bên trong bạn thì không bao giờ trở nên một cái gì cả – nó là sự “đang là” (it is a being), nó không bao giờ trở thành (it never becomes) một cái gì cả. Mọi trở thành chỉ là chấp với những thứ sắc và danh, những màu sắc, những hình tướng trong không gian, mọi trở thành. Bạn là sự “đang là” (a being), bạn đã là như vậy rồi, không cần phải trở thành bất kỲ cái gì nữa.


Nhìn vào bầu trời: xuân đến cả một không gian đầy những chim hót, đầy hoa sắc và hương thơm. Mùa hạ đi, rồi thu đến. Và kìa mưa xuống – mọi thứ tiếp nhau thay đổi, thay đổi, thay đổi. Mọi sự đều xãy ra ngoài trời, nhưng bầu trời vẫn không đổi. Nó vẫn rất xa cách; mọi nơi chốn đều gần gủi, nhưng cũng xa cách; gần nhất với mọi vật mà lại cách xa nhất (với mọi vật).


Sannyasine giống hệt như bầu trời: ông ta sống ở thế gian -- khát vọng, thỏa mãn; hạ đến, đông về; ngày đẹp, ngày xấu; sảng khoái, ngây ngất, sung mãn; bực bội, chán nản, dưới thung lủng, tối tăm, khổ nhọc -- mọi thứ đến và đi ông ta chỉ là một kẻ bàng quang (watcher). Chỉ đơn giản nhìn, ông ta biết mọi việc sẽ qua đi, nhiều điều sẽ đến rồi đi. Ông ta không còn chấp vào một bất kỳ điều gì.


Phá-chấp (non-identification) là sannyasine, và sannyasine là sự trổ hoa vĩ đại, một sự bừng nở vĩ đại có thể đạt được.


Sắc tướng tự không gian, không gian vô sắc tướng.

Vạn pháp phân-biệt sinh, tự-tánh không thiện ác.


Khi Bụt-đà đạt đến cái rốt ráo, cái giác ngộ viên mãn tối hậu (the utterly ultimate enlightenment), Ngài được hỏi: “ Ngài đã đạt được gì?” Ngài đã cười và bảo: “Không đạt dược điều gì cả, bởi vì cái gì mà ta đã đạt được nó đã ở sẵn trong ta rồi. Cái ta đạt được không phải là điều gì mới cả. Nó đã vẫn luôn ở đấy từ vô thủy, nó là cái tự-tánh của ta. Nhưng ta đã không lưu tâm đến nó, ta đã không biết đến nó. Cái kho báu đã vẫn luôn ở đấy, nhưng ta đã quên mất nó.”


Bạn đã quên mất, chỉ có vậy thôi -- đó là cái mê-muội của bạn. Giữa Bụt-đà và bạn không có sự khác biệt về mặt bổn-tánh, chỉ có một điều khác biệt, và sự khác biệt đó chính là vì bạn không nhớ bạn là ai, Ngài nhớ. Bạn cũng như Ngài thôi, nhưng Ngài nhớ và bạn thì không nhớ. Ngài thức, và bạn thì đang ngủ say, nhưng bổn-tánh của bạn thì không khác.


Hãy cố sống với cách nầy -- Tilopa đang nói đến những kỹ thuật -- sống trong thế giới như thể bạn là bầu trời kia, áp dụng nó ngay trong cuộc sống của bạn. Ai đó thịnh nộ với bạn, bôi nhọ bạn -- hãy để ý. Nếu tức giận nỗi lên trong bạn -- hãy để ý; hãy là kẻ bàng quang trên những ngọn đồi, tiếp tục nhìn, nhìn và nhìn. Chỉ cần nhìn, mà không nhìn vào cái gì, mà không để bị chi phối bởi điều gì, khi sự nhận thức của bạn trở nên trong sáng, thì bỗng nhiên, trong một khoảnh khắc, thật ra không có thời gian ở đây, bỗng nhiên, không thời gian, bạn hoàn toàn thức tỉnh; bạn là một Bụt-đà, bạn trở thành giác ngộ, đấng giác ngộ.



Vậy điều gì một Bụt-đà đạt được từ sự việc nầy? Ngài không đạt được gì cả. Nhưng, trái lại, Ngài mất đi nhiều thứ: sự khốn cực, sự đau đớn, sự khổ não, sự bứt rứt, sự tham lam, sự ghen tị, sự thù ghét, sự dành giựt, sự bạo động, Ngài mất hết. Về mặt đạt được cái gì, không đạt được một cái gì cả. Ngài chỉ được cái mà nó vẫn có ở đấy, Ngài chỉ nhớ lại.


Như Thị

Mùa Phật Đản tháng 5.2004


Osho, Tantra: The Supreme Understanding, #2


(1): Tolipa: Chân sư Ấn Ðộ (988-1069)


Tilopa’s song:

“...If one sees naught when staring into space;
if with the mind one then observes the mind,
one destroys distinctions and reaches buddhahood.
The clouds that wander through the sky have no roots,
no home; nor do the distinctive thoughts floating through the mind.
Once the self-mind is seen, discrimination stops.
In space shapes and colors form, but neither by black nor white is space tinged.
From the self- mind all things emerge, the mind by virtues and by vices is not stained...”


- Osho: Chân sư Ấn- độ (1931-1990)


--------------------
________Ngọc Trâm_________
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Diệu Minh
bài Sep 8 2018, 10:34 PM
Bài viết #2


Bạn của mọi người
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 16,884
Gia nhập vào: 13-February 07
Từ: 103 ngách 2 ngõ Thái Thịnh I
Thành viên thứ.: 5



http://kimvo.net/CoiReVanDe_OSHO.htm


--------------------
________Ngọc Trâm_________
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Diệu Minh
bài Jul 13 2021, 06:08 AM
Bài viết #3


Bạn của mọi người
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 16,884
Gia nhập vào: 13-February 07
Từ: 103 ngách 2 ngõ Thái Thịnh I
Thành viên thứ.: 5



Https://www.facebook.com/100007127587330/po...6485309907/?d=n


--------------------
________Ngọc Trâm_________
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Diệu Minh
bài Jul 13 2021, 06:09 AM
Bài viết #4


Bạn của mọi người
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 16,884
Gia nhập vào: 13-February 07
Từ: 103 ngách 2 ngõ Thái Thịnh I
Thành viên thứ.: 5



Hỏi:
Em thực sự không thể làm yên tâm trí ngồi tĩnh tâm được ai có cách nào giúp em không ạ ngồi đếm đến 3-4 là loạn tập 6 tháng nay rồi mà thấy không rễ.
(Dễ, không phải rễ!)
Ngọc Trâm trả lời:
Chúc mừng bạn đã khám phá ra sự thật!? Tại sao bạn lại muốn này kia khi thiền? Muốn là tham, không muốn là sân… hãy nhập tâm 23 điều này ngay từ đầu khi bắt đầu thiền thì tốt hơn… cách đây hơn 30 năm khi nghe thấy câu hỏi này… tâm tớ nó cười bên trong??? Tức là sau này bạn sẽ đạt đến mức độ: thấy chỉ là thấy và HẾT phản ứng… bạn sẽ quan sát đ tâm của bạn nó không còn phản ứng… giống như bạn ngồi trong nhà nhìn mọi ng đi qua đi lại ấy… ý nghĩ đến và đi; sân đến đi tham đến đi… mọi thứ đều sinh diệt và ngay cái biết cũng sinh diệt… thiền là một cuộc phiêu lưu vĩ đại nhất nên cần rất nhiều hướng dẫn đúng… khi ăn mà bạn nhai đếm đ 3 miếng cơm mỗi miếng 120 lần và thấy dòng khí châu lưu chìm xuống thì dễ quan sát đ tâm phản ứng nhất - đây là con đ tắt nhất mà tớ thấy ra sau 40 năm hành thiền… nó còn giúp tâm bình khí hoà… giúp tâm bình thường dễ thấy tâm trên tâm… lục căn tiếp xúc lục trần sinh ra lục thức… những thứ này không phải là TA và CỦA TA… Trần LanMinh Thái Nguyễn Hung Manh Nguyen https://youtu.be/PBBkRsBdJdg
PT Thanh Nhi

Đây là câu hỏi th gặp của tất cả những ng tu thiền… khi tớ đang chuyên tu tại thiền viện SOM - Miến Điện, thấy 1 vị tăng mới đến tu hỏi thầy câu hỏi đó… tớ bảo: con thấy rất dễ!??? Thầy bảo: này thấy dễ ntn??? Tớ trả lời: thì con thấy tâm con nó phản ứng lại với ý nghĩ bên trong và con quan sát sự phản ứng tức thì vừa xảy ra đó… tu thiền rất cần nên đ trình Pháp hàng ngày v thầy… khi nắm vững vấn đề thì tất cả chỉ là một cuộc đời vui vô tận vì hầu như ta sẽ nhận ra những yếu kém lâu nay của bản thân… và tiếp tục giữ giới và tinh tấn không giải đãi lơi lỏng… mấy chục năm sau tớ nói v mẹ tớ ngày bà còn sống: mẹ ơi con không còn kẻ thù bên ngoài nữa, chỉ còn kẻ thù bên trong mà ng xưa gọi là ma tâm quỉ tánh… càng giữ giới trong sạch càng thích hành thiền… chả có gì hay ho trên thế gian cho bằng thưc hành Vipassana với sự hiểu biết ĐÚNG… quả thật đây là việc đáng làm nhất của cả kiếp sống!
Có 1 cách trả lời rất hay nữa của Osho: tên đoạn đó là CỘI RỄ CỦA MỌI VẤN ĐỀ!
Bạn tham khảo điều này tại đây, khi sang Miến hành thiền, tôi thấy tập sách mỏng in A4 đó đã có mặt trong tay nhóm thiền sinh Việt Nam.
Tôi thấy thể lực chung người Hàn Quốc tốt hơn nhóm người Việt dặt dẹo hay ốm đau còm nhóm…
Bí mật: họ hay ăn Kim Chi!
Và rong biển HƠN!
Hễ người Korea dana bữa ăn cho cả thiền viện họ hay cho ăn hải sản… ng Việt thì lại hay cho ăn gà (mà gà độc thịt, vịt độc trứng!?) … xin thưa tr thiền SOM là tr thiền ăn mặn (con chó tại đó chết lâu rồi vì nó cũng bị bệnh) ai sống lâu tại đó đều có sức khoẻ không tốt vì ngày nào cũng quá nhiều thịt cá…
Đây là gót chân asin của TGNT: phụ nữ ăn mặn… nhưng cần nhất là TRÍ TUỆ thì việc người nữ ăn mặn nó rất dễ làm cho tâm bị lạc đường trừ hai nữ thánh tăng: Di Pama và bà Mea Chew Kao là những người có Paramita và được HỌC ĐẠO dưới chân các vị MINH SƯ…
Bạn là nữ mà lại tu thiền Vipassana ? Tớ thấy tốt nhất là bằng nhai đếm để có sự định tâm nhanh chóng… để nhận ra tâm phản ứng với các Pháp vốn VÔ NGÃ ntn…
Hãy gõ tìm “Cội rễ của mọi vấn đề” của Osho đọc thêm, bài đó hay cực kỳ…
“Vi” là thấy
“Passana” là bằng nhiều cách!
Vipassana là thấy bằng nhiều cách!
Bài toán có nhiều cách giải, bạn thích cách nào?

http://thucduong.vn/forums/index.php?showtopic=6672

#traloicauhoithientt


--------------------
________Ngọc Trâm_________
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Diệu Minh
bài Jan 13 2022, 07:34 AM
Bài viết #5


Bạn của mọi người
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 16,884
Gia nhập vào: 13-February 07
Từ: 103 ngách 2 ngõ Thái Thịnh I
Thành viên thứ.: 5



https://www.thienosho.com/2015/11/chuong-2-...-van-e.html?m=1


--------------------
________Ngọc Trâm_________
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 người đang đọc chủ đề này (2 khách và 0 thành viên dấu mặt)
0 Thành viên:

 



.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 19th March 2024 - 05:47 PM