IPB

Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

> Thạch Xương Bồ - mạn đàm ngày mưa, Kinh nghiệm trồng Thạch Xương Bồ thành thần sau 1 năm tr
Diệu Minh
bài May 3 2021, 10:57 PM
Bài viết #1


Bạn của mọi người
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 16,981
Gia nhập vào: 13-February 07
Từ: 103 ngách 2 ngõ Thái Thịnh I
Thành viên thứ.: 5



Fb: Chi Quan Nguyen, gửi thông tin:

Xương bồ chi ngoạn - Mạn đàm ngày mưa

1. Văn Chấn Hanh (1585-1645) người Giang Tô, Tô Châu - Tác gia, họa gia, chuyên gia thiết kế viên lâm cuối đời Minh. Ông xuất thân danh giá, cháu 3 đời của đại họa gia Văn Trinh Minh, cả đời ưu văn nhã, viết sách làm thơ, ngoạn cảnh. Cuối đời khi nhà Minh mất nước, Ông quyết giữ khí phách thanh cao tuyệt thực đến chết để phản đối giặc Thanh xâm lược.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của Ông lưu truyền lại là “Trường vật chí”, trong đó đúc kết: “Hoa hữu tứ nhã: hoa lan đạm nhã, hoa cúc cao nhã, thủy tiên tố nhã, xương bồ thanh nhã”. Mà trong “tứ nhã” ông nêu, chỉ xương bồ có đặc tính ẩn cư cách thế, nên được xưng tán là “Thiên hạ đệ nhất nhã” .

2. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, đa số chúng ta chỉ biết tới lan, cúc, còn lạ lẫm với xương bồ. Kỳ thực văn hóa xương bồ có lịch sử từ rất lâu đời, tới nay đã hơn 2000 năm lịch sử (chưa xác thực), rất nhiều tao nhân mặc khách yêu thích xương bổ, như Tô Thức (Tô Đông Pha), Lục Du đều đặc biệt yêu thích xương bồ.

Tô Đông Pha từng dùng 4 câu ngắn gọn khái quát chuẩn xác về đặc tính tinh thần của xương bồ: “Nhẫn hàn khổ; An đạm bạc; Ngũ Thanh tuyền; Lữ bạch thạch”.

4 câu ngắn gọn này nên hiểu thế nào?

- Xương bồ thường sinh trưởng bên bờ, mép suối nhỏ nơi thâm sơn, mùa đông đến, các loài cỏ khác đều khô bạc, có mỗi xương bồ vẫn một màu xanh bích lục, đây chính là “Nhẫn hàn khổ”;
- Xương bồ ẩn cư nơi thâm sơn đạm bạc, không có người chăm sóc nhưng sức sống vẫn tràn trề đầy đặn, đó gọi là “An đạm bạc”;
- Xương bồ chỉ mọc nơi nước suối sạch (thanh tuyền), nơi ô nhiễm không thể sinh trưởng được, do đó bản thân xương bồ là thanh khiết, do đó nói “Ngũ thanh tuyền”;
- Xương bồ lấy đá trơ làm bạn, trên đá có thể không có một chút đất nào, nhưng xương bồ vẫn phát rễ bám căn sinh trưởng tốt, đó là “Lữ bạch thạch”.

3. Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu, Xương bồ có những đặc tính đặc biệt như vậy, rất phù hợp với tính cách thanh cao độc lập của người văn nhân chí sỹ. Trên đời lại có một loại thực vật có đặc tính ẩn nhẫn thế gian, đạm nhiên tự xứ, hạo thân tự hảo, tự nhiên sẽ thu hút tình cảm, cộng hưởng của văn nhân mặc khách. Từ đó Xương bồ được mang vào thư phòng, trở thành vật thưởng ngoạn tâm đắc. Văn nhân mặc khách ủy thác, gửi gắm tinh thần vào Xương bồ, dùng những phẩm tính của Xương bồ mà ngày ngày nhắc nhở, động viên bản thân.

Tại sao lại vậy?

Bởi vì xương bồ không chịu sống nhiễm ô với thế gian, đúng như hình ảnh thu nhỏ của người quân tử. Văn nhân mặc khách thường truy cầu 2 chữ: “Nhã” và “Chính”. Gọi là “Nhã”, chỉ người có tu dưỡng và văn khí (văn hóa); “Chính” chỉ người có hạo nhiên chính khí, dùng thiện lương trong tâm mà dưỡng hạo nhiên chính khí. Mà hai đức tính này, lại đều có trong Xương bồ: sống ngoài tự nhiên không ai chăm sóc, xương bồ an nhiên tự thích nghi; sống trong phòng cũng tú nhã tự nhiên. Gọi là được chiều chuộng không hư mà bị thất sủng cũng không sợ sệt buồn bã, vì thế mà tự nhiên được văn nhân mặc khách yêu thích.

4. Bày Xương bồ trong thư phòng, còn 1 loại học thuyết nói có thể dưỡng mắt. Vì ngày xưa trong thư phòng dùng đèn dầu, ánh sáng yếu, thời gian lâu, mắt bị khô và khó chịu. Cổ nhân bèn đặt 1 chậu Xương bồ, lợi dụng mùi thơm và màu xanh mướt của lá làm mát, dịu mắt mỗi khi mệt mỏi.

Xương bồ ngoài việc quan thưởng hình dáng, màu sắc còn có mùi thơm. Mùi thơm của xương bồ không quá nồng, không tục. Chỉ thơm thoảng, rất nhẹ, trầm, như có như không. Cố ý ngửi, ngửi không thấy, vô ý tự nhiên lại thấy thoang thoảng thơm. Như thưởng một thức trà ngon, hương vị thâm trầm mà hậu vị ngọt ngào phảng phất. Chơi Xương bồ cần chúng ta phải dùng “tâm” để thưởng lãm, cảm thụ cái mỹ diệu mà vô thanh.

5. Ngoài vấn hương quán hình, Xương bồ còn thường xuyên được đưa vào thư họa. Rất nhiều danh họa mê vẽ xương bồ, tuy nhiên mê xương bồ đến độ khó tưởng tượng nổi phải kể đến Kim Nông – một trong Dương Châu Bát Quái (8 vị thư họa gia nổi tiếng thời nhà Thanh. Anh em nào muốn tìm hiểu có thế mua cuốn Dương Châu Bát Gia họa tập đã được xuất bản tại Việt Nam, giá 650.000 VNĐ để nghiên cứu thêm tranh vẽ của 8 vị này, bản in rất đẹp, là tài liệu tham khảo nghiên cứu xứng đáng).

Kim Nông mê xương bồ tới nỗi còn tổ chức lễ sinh nhật, lễ cưới vợ cho xương bồ. Ông còn dùng một thỏi mực thời Nguyên để vẽ xương bồ (đối với văn nhân, mực hay nghiên đời cổ là rất quý trọng, nhiều khi chết còn chôn theo mộ. Nói để thấy độ yêu Xương bồ của Kim Nông) và tiện thể làm một bài thơ, trong bài, ông gọi xương bồ là “bồ lang”, núi đá thì gọi là “thạch gia nữ” để nhân cách hóa xương bồ và đá ghép thành một đôi như vợ chồng. Có thể thấy ông đã coi xương bồ như là một con người. Nghe nói, ông chỉ cần nhìn thấy xương bồ là hai mắt sáng rực tinh anh.

Ngắm bức “Xương bồ đồ” của Kim Nông, vẽ 3 chậu xương bồ, lá vừa, nhỏ ngắn và dày, rậm, hoàn toàn phù hợp với tiêu chuẩn thẩm mỹ của lối chơi xương bồ: Ngắn, lá nhỏ, rậm rạp mới thấy ông không chỉ yêu thích xương bồ, không chỉ là văn nhân, họa gia nổi tiếng mà còn thực sự là xương bồ cao thủ!

Cổ nhân chơi Xương bồ như vậy, anh em ta nên theo thế nào đây ^.^

Sẽ cố gắng tìm tài liệu viết thêm bài về thú chơi này, mình cũng sẽ gửi đăng báo để góp phần phổ cập thú chơi!

Mạn đàm ngày mưa,

Hà Thành, 13.4.2020


--------------------
________Ngọc Trâm_________
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Gửi trong chủ đề này


Reply to this topicStart new topic
1 người đang đọc chủ đề này (1 khách và 0 thành viên dấu mặt)
0 Thành viên:

 



.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 19th April 2024 - 06:32 AM