Phiên bản in ấn của chủ đề

Nháy vào đây để xem chủ đề theo đúng định dạng gốc

Thực Dưỡng _ Thiền là gì? _ Dấu hiệu của người sắp đắc đạo

Gửi bởi: Thelast Jul 17 2007, 04:37 PM

Những người đã dày công tu dưỡng mà sắp đạt Đạo có gì đặc biệt khác người?
Thiền nhân không ai không tin vào những định luật vay trả, và họ cho rằng những bậc thượng nhân đều có những thái độ đặc biệt, những phẩm chất khác người. Chúng ta hãy tham khảo những ý kiến của các bậc tiền bối về chủ đề này. Vậy thái độ đặc biệt của những người như vậy là gì?

* Tính tình giống như trẻ con. Thường khi thấy một cái gì liền thích ngay nhưng rồi lại chán ngay, bởi không tha thiết vào bất cứ một cái gì ở đời cả. Đôi khi cũng còn giận, nhưng lòng giận chỉ thoáng qua thôi và không bao giờ thù oán ai cả. Người ta thường ví lòng giận của người sắp đắc đạo như nhát gươm chém xuống nước, chém ngay đấy và nước lại liền ngay đấy, không để lại dấu vết gì.

Vì thế nếu ai còn oán thù ăn sâu trong lòng mình, dù đối với kẻ nào mặc dầu, thì người ấy nên tự biết rằng, trên con đường tu đạo, mình còn xa lắm mới tới đích. Về điểm này các bậc Minh Sư, các bậc thánh hiền đều đồng ý với Phật. Thánh Ramakrishna nói: "Kẻ nào đã đạt đạo thì chỉ còn vết sẹo khô của lòng giận tức và lòng ham muốn mà thôi. Tính chất của kẻ ấy là tính chất của một đứa trẻ".

Chua Jesus nói:

"Hãy để con trẻ đến cùng ta, đừng ngăn cấm! vì nước Đức Chúa Trời thuộc về những người giống như trẻ con ấy"

Lão Tử cũng cho rằng: "Trong nhân loại những người gần đạo nhất là đứa anh nhi, mà người nhiều đức cũng hồn nhiên như đứa trẻ vậy"

** Trở nên yên lặng.

Người sắp đắc đạo cảm thấy mình đã rõ đạo rồi, nên không muốn bàn cãi với ai về đạo lý, ở nơi tụ họp nhiều người. Còn hỏi còn bàn, tức là còn xa đạo. Người sắp đắc đạo thấy ai nói ngược cũng cười, thấy ai nói xuôi cũng cười. Cũng như ta cầm viên ngọc trong tay mà có người cứ cãi là đoá hoa, người lại bảo là miếng gỗ, thì thái độ của ta như thế nào? Ta có cần gân cổ cãi lý với những người ấy không hay ta chỉ "cười" thôi?

Các bậc thánh hiền thường đem thí dụ này để nói đến thái độ của người còn xa đạo và của người đã gần đắc đạo: "Con ong cứ vo ve mãi trước khi nó đậu vào hoa. Một khi nó đã hút mật hoa rồi thì nó không còn vo ve nữa".

Tại sao người thấy rõ đạo không hay bàn cãi nữa? Vì người ấy cần ở yên mà hưởng sự êm đềm của cõi lòng. Trừ trường hợp phải đi giảng dạy, hoặc phải viết sách giúp người mới để tâm về đạo thì không kể, ngoài hai lúc ấy, người gần đạo rồi không muốn bàn luận gì về đạo nữa. Bởi vì nói làm gì nữa cho thêm mệt? Thấy rồi, thấy rồi thế là đủ. Cũng như người đã trông thấy voi rồi còn cần gì phải biện luận với người chưa thấy voi bao giờ. Việc thấy đạo cũng như việc thấy voi đâu có phải vấn đề suy lý mà bàn cãi dậm lời.

Về điểm này thánh Ramakrishna có nói: "Người càng gần chân lý bao nhiêu càng ít hỏi ít bàn bấy nhiêu".

*** Không phân biệt thiện ác. Thái độ thứ ba của người sắp đắc đạo là: Không phân biệt thiện ác.

Không phân biệt thiện ác nghĩa là trong lòng mình thản nhiên trước sự dở cũng như trước sự hay, không xúc động gì. Nhưng người gần đạo không bao giờ làm điểu gì mà đời vẫn coi rằng ác.

Tại sao không phân biệt thiện ác như vậy? Vì người ấy biết rõ rằng kẻ hay kẻ dở trên đời đều là những hình tướng khác nhau của khối Tâm Bồ Đề. Những hình tướng ấy vì luật biến chuyển của nghiệp mà hiện ra rồi lại biến đi, biến đi rồi lại hiện ra, làm thành cái "trò ảo hoá" đấy thôi. Mỗi hình tướng cũng như một vai tuồng bị cái nghiệp nó bắt phải "ra trò" phải sống như thế, làm như thế, để gây nên những cuộc động chạm và đổi thay theo luật biến dịch. Nào những hình tướng ấy có tự ý muốn được thế này thế khác đâu (ví dụ ta có thể chọn cha mẹ ta để ra đời được hay không?). Những hình tướng ấy đều bị cái nghiệp nó sai khiến nó xô đẩy, khi đã đóng xong vai tuồng của mình rồi thì lại "lui vào" nhường chỗ cho những vai khác. Vậy thì những vai trò ấy, dù hay dù dở cũng chỉ là kẻ bị đóng vai này vài kia "chơi" đấy thôi, nào có gì là đáng khen đáng chê mà phải phân biệt.

Vì không phân biệt thiện ác nên người gần đắc đạo giữ được thái độ bình tĩnh, yên tĩnh thanh thản. Chỉ vì ta cứ phân biệt thiện với ác nên mới sinh ra yêu và ghét, mới có bực giận, mừng vui, lo lắng, âu sầu tức là có sóng lòng. Đã có sóng lòng thì tuệ giác mờ đi, tuệ giác càng mờ thì ta càng xa đạo.

Một hôm đồ đệ của thánh Ramakrishna là Hriday đi theo mãi một vị tu sĩ đã gần đắc đạo để xin dạy cho một điều và chỉ xin dạy một điều thôi. Thấy Hriday theo mãi mình và cầu xin lải nhải, vị tu sĩ kia bèn quay lại nói:

"Bao giờ mắt ngươi không phân biệt nước bùn kia và nước trong ở sông Hằng, bao giờ tai người nghe tiếng đàn sáo cũng như nghe tiếng ồn ào ở đám đông, thì bấy giờ ngươi thật là gần đạo rồi."

Xét như vậy thì ta còn chê và ghét kẻ xấu, còn khen và yêu kẻ hay, thì ta vẫn còn xa đạo nhiều lắm. Cái phương tiện tu dưỡng của người theo đạo là một nền luân lý cao hơn hẳn cái luân lý thông thường của người đời, vì người đời thường dạy nhau ghét kẻ dở mà quí người hay. Người gần đạo không ghét ai cả.

****Không phân biệt nam nữ. Không phân biệt nam nữ nghĩa là lòng mình đã "khô héo" rồi, không còn đượm dục tình nữa (do công phu âm dương đã gặp nhau trong bản thể). Đến cạnh ai người sắp đắc đạo cũng chỉ coi như một người mà thôi, không có cảm xúc gì đặc biệt. Đối với đàn ông, cũng như đối với đàn bà, đều vui vẻ hồn nhiên như đứa trẻ lên năm vậy.

Tuy vậy người gần đắc đạo cần phải làm gương cho những người đời vì có nhiệm vụ giảng dạy, thì người ấy vẫn phải thận trọng trong khi phải giao dịch với người khác phái.

Vì thế mà người đang tu dưỡng, khi đứng trước một sắc đẹp mà còn thấy cảm động, còn thấy trong lòng gợi ra sự ưa thích, thì nên biết rằng, mình chưa chuyển hoá được hết năng lượng dục, vì thế hãy còn xa đạo.

Và người nào khi thấy người khác phái mà còn cúi mặt xuống hay ngoảnh mặt đi, thì nên biết rằng người ấy lòng đạo chưa vững, mới phải "sợ hãi" như vậy. Đó chỉ là một phương tiện giữ mình, chứ ta đừng thấy thế mà vội cho rằng người đó là người đại đạo đức.

Tuy phân thành 4 tính cách của người gần đạo nhưng gốc của nó từ Tâm Bồ Đề (Tâm Bất Sinh) biến chuyển ra. Gốc tự đức tính căn bản: Không phân biệt mà ra, đây là chỗ tột cùng trong tư tưởng nhà Phật. Chúng ta tham khảo để giúp nhìn nhận và phát hiện người hiền, chứ chưa có thể lấy đó làm phương châm xử thế được.

-NT Sưu tầm-

Sản xuất bởi Invision Power Board (http://www.invisionboard.com)
© Invision Power Services (http://www.invisionpower.com)