IPB

Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

6 Trang V  < 1 2 3 4 > »   
Reply to this topicStart new topic
> THIỀN QUÁN, Tiếng chuông vượt thời gian
Thelast
bài Aug 6 2007, 09:28 AM
Bài viết #11


The last...
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 1,324
Gia nhập vào: 10-February 07
Thành viên thứ.: 4





NGHỆ THUẬT SỐNG

Bài thuyết giảng dưới đây do S.N. Goenka đọc trước công chúng tại Berne, Switzerland, ngày 16 tháng 7năm 1980.

Mọi người đều tìm kiếm sự bình an và hòa hợp, vì đó là những điều chúng ta thiếu trong cuộc sống. Thỉnh thoảng chúng ta cảm nghiệm nơi mình những xáo động, tức giận, bất hòa, đau khổ; và khi chúng ta bị đau khổ vì xáo động, chúng ta không giữ yên sự đau khổ đó nơi mình. Nhưng chúng ta đem phân phát nó cho những người khác nữa. Sự xáo động thấm nhập cả bầu khí chung quanh con người đang đau khổ. Bất cứ ai đến tiếp xúc với người ấy cũng trở nên xáo động, tức giận. Chắc chắn đó không phải là cách đúng đắn để sống. Chúng ta phải sống bình an với chính mình và bình an với mọi người. Dù sao, con người là một sinh vật xã hội. Con người phải sống trong xã hội -- sống và giao tiếp với người khác. Làm thế nào để sống bình an? Làm thế nào để sống hòa hợp với chính mình, và duy trì sự bình an và hòa hợp xung quanh chúng ta, để mọi người cũng có thể sống bình an và hòa hợp?

Một người bị xáo động. Ðể thoát khỏi sự xáo động, người ấy phải biết rõ lí do cơ bản của nó, nguyên nhân của đau khổ. Nếu tìm hiểu kĩ vấn đề, người ấy sẽ thấy rõ rằng bất cứ khi nào chúng ta bắt đầu tạo ra một điều tiêu cực hay một sự sai trái gì trong tâm trí, chúng ta chắc chắn sẽ bị xáo động. Một sự tiêu cực trong tâm trí, một sự sai trái hay thiếu trong sáng nơi tâm trí không thể tồn tại với sự an bình và hòa hợp.

Người ta bắt đầu phát sinh sự tiêu cực như thế nào? Ðây cũng thế, khi tìm hiểu kĩ càng, mọi sự sẽ sáng tỏ ngay. Tôi rất đau khổ khi tôi thấy ai cư xử theo kiểu mà tôi không ưa, khi tôi thấy xảy ra điều gì mà tôi không thích. Những điều không thích đã xảy ra và tôi tạo nên sự căng thẳng trong tâm hồn mình. Những điều tôi thích thì không xảy ra, có những chướng ngại xuất hiện và một lần nữa tôi lại tạo sự căng thẳng trong tâm hồn mình; tôi bắt đầu cột chặt các nút thắt trong nội tâm mình. Và trong suốt cuộc đời, những điều không thích cứ tiếp tục diễn ra, những điều thích có thể diễn ra hay cũng có thể không diễn ra, và điều này tạo thành một tiến trình phản ứng, thắt chặt các nút lại -- những cái nút không thể tháo gỡ -- làm cho toàn thể cơ cấu tâm lí và thể lí quá căng thẳng, quá đầy tiêu cực, khiến cho đời sống trở nên bất hạnh.

Vậy một cách để giải quyết vấn đề là sắp đặt thế nào để không xảy ra điều gì tôi không thích trong cuộc đời, và để mọi sự xảy ra đúng như tôi mong muốn. Tôi phải phát triển sức mạnh này -- hay một ai đó phải có sức mạnh này và phải đến giúp tôi khi tôi yêu cầu -- để những điều tôi không thích thì không xảy ra và những điều tôi thích đều xảy ra. Nhưng hoàn toàn không thể được. Không có ai trên đời này luôn luôn được thỏa mãn về tất cả những gì mình muốn, mọi điều không phải bao giờ cũng theo như ý mình mong muốn, mà không xảy ra điều ngược lại. Sự việc thường luôn luôn diễn ra ngược với những ước muốn và sự mong mỏi của chúng ta. Vậy câu hỏi được đặt ra là, làm thế nào để tôi không phản ứng một cách mù quáng khi đứng trước những sự việc mà tôi không thích? Làm thế nào để không tạo ra sự căng thẳng? Làm thế nào để sống bình an và hòa hợp?

Tại Ấn Ðộ cũng như tại những nước khác, các bậc hiền triết trong quá khứ đã nghiên cứu vấn đề này -- vấn đề đau khổ của con người -- và đã tìm ra một giải pháp: nếu xảy ra một điều gì không thích, và người ta bắt đầu phản ứng bằng sự tức giận, sợ hãi, hay một điều tiêu cực nào, thì ngay lập tức người ta phải hướng sự chú ý của mình sang một điều gì khác. Chẳng hạn như đứng dậy, lấy một li nước, bắt đầu uống -- cơn tức giận của bạn sẽ không tăng thêm và bạn sẽ dần dần nguôi giận. Hay bắt đầu đếm: "Một, hai, ba, ..." Hay bắt đầu lặp lại một lời, một câu, hay một lời tâm niệm, chẳng hạn niệm tên của một vị thần thánh hay một bậc thánh nhân nào mà bạn tôn sùng; tâm trí bạn sẽ được giải tỏa, và bạn sẽ thoát được cảm giác tiêu cực hay cơn tức giận.

Giải pháp này rất ích lợi: nó đã có tác dụng. Và nó vẫn còn tác dụng. Thực hành điều này, tâm trí sẽ cảm thấy được giải thoát khỏi sự xáo động. Nhưng trong thực tế, giải pháp này chỉ có tác dụng trên bình diện ý thức. Thực ra, khi đổi hướng chú ý đi nơi khác, người ta dồn nén cái tiêu cực vào sâu trong vô thức, và ở bình diện vô thức này người ta tiếp tục làm cho những cái tiêu cực ấy phát sinh và gia tăng mãi. Ở bề mặt là một lớp đất an bình và hòa hợp, nhưng ở sâu trong tâm trí là một núi lửa đang nằm im với những cái tiêu cực bị dồn nén chờ gặp dịp sẽ phát nổ và phun trào dữ dội.

Các nhà khám phá khác về sự thật nội tâm còn đi xa hơn trong các cuộc tìm kiếm của họ; và bằng việc kinh nghiệm thực tại của tinh thần và vật chất trong tâm hồn họ, họ nhận ra rằng việc đổi hướng sự chú ý chỉ là chạy trốn vấn đề. Chạy trốn không phải là giải pháp: người ta phải đối diện vấn đề. Khi một sự tiêu cực nổi lên trong tâm trí, họ khuyên chúng ta chỉ cần quan sát và đối diện với nó. Ngay khi người ta bắt đầu quan sát một sự tiêu cực nào, nó tự động mất dần sức mạnh để rồi héo tàn và biến mất.

Thật là một giải pháp tốt: nó tránh được cả hai thái cực -- dập tắt và dung túng. Dồn nén một sự tiêu cực trong tiềm thức sẽ không tiêu diệt được nó; và dung túng cho nó bộc lộ ra bằng hành động hay lời nói sẽ chỉ tạo thêm vấn đề. Nhưng nếu người ta chỉ việc quan sát nó, thì nó sẽ dần dần tiêu tan, và người ta đã hủy diệt được sự tiêu cực đó, người ta được giải thoát khỏi nó.

Nghe thì tuyệt đấy, nhưng có thực tế chăng? Với một người trung bình, đối diện với sự xấu có phải chuyện dễ không? Khi cơn tức giận nổi dậy, nó chế ngự chúng ta mau lẹ đến nỗi chúng ta không nhận ra. Thế là bị cơn tức giận chế ngự, chúng ta phạm phải những hành động hay lời nói gây hại cho chúng ta và cho người khác. Về sau, khi cơn giận đã qua đi, chúng ta bắt đầu khóc lóc và ân hận, xin người này người kia hay Phạm thiên tha thứ cho chúng ta: "Trời, tôi đã sai, xin tha thứ cho tôi!" Nhưng lần sau khi rơi vào cùng hoàn cảnh như thế, chúng ta lại phản ứng giống hệt như vậy. Hối hận mà thôi thì chẳng ích lợi gì.

Cái khó là ở chỗ tôi không biết khi nào một điều xấu bắt đầu nổi dậy. Nó nằm sâu trong tiềm thức của tôi, và khi nó đã trồi lên bề mặt ý thức, thì nó đã có một sức mạnh quá lớn khiến nó hoàn toàn chế ngự tôi, và tôi không thể quan sát được nó.

Vì thế tôi phải luôn có một người thư kí riêng luôn ở bên cạnh để nhắc nhở, "Ông chủ hãy để ý, cơn giận đã bắt đầu rồi đấy!" Vì tôi không biết lúc nào cơn giận bắt đầu, nên tôi phải có ba thư kí riêng để thay ca nhau suốt cả ngày! Giả sử tôi có ba thư kí, và cơn giận bắt đầu nổi dậy. Ngay lập tức người thư kí nói với tôi, "Ông chủ hãy để ý, cơn giận bắt đầu rồi đấy!" Ðiều đầu tiên tôi làm là đánh chửi anh ta, "Ðồ ngu! Anh nghĩ anh được trả lương là để dạy tôi sao?" Tôi đã bị cơn giận choáng ngợp khiến không một lời khuyên tốt nào có tác dụng.

Nhưng giả sử tôi còn khôn ngoan, và tôi không đánh chửi anh ta. Ngược lại, tôi nói, "Cám ơn anh nhiều. Bây giờ tôi phải ngồi xuống và quan sát cơn giận của tôi." Nhưng có thể được không? Ngay khi tôi nhắm chặt mắt mình lại và cố gắng quan sát cơn giận, lập tức đối tượng của cơn giận đến với tâm trí tôi -- một người hay một sự cố nào đó. Lúc đó tôi không còn quan sát chính cơn giận nữa. Tôi chỉ quan sát những kích thích bên ngoài của cảm xúc. Ðiều này chỉ làm gia tăng cơn giận; cũng không phải một giải pháp. Rất khó để quan sát một điều tiêu cực trừu tượng, một cảm xúc trừu tượng, tách rời khỏi đối tượng bên ngoài đã gây nên điều tiêu cực đó.

Thế nhưng, một người đã đạt tới sự thật tối thượng thì sẽ tìm ra một giải pháp thực sự. Họ khám phá ra rằng mỗi khi một sự xấu xuất hiện trong tâm trí, thì đồng thời có hai điều bắt đầu xảy ra trên bình diện thể lí. Một là hơi thở mất nhịp điệu bình thường. Chúng ta bắt đầu thở mạnh mỗi khi có điều xấu xuất hiện trong trí khôn. Ðiều này dễ quan sát. Ở một bình diện tinh tế hơn, có một thứ phản ứng sinh hóa phát sinh trong cơ thể -- một cảm giác nào đó. Mọi điều xấu đều phát sinh một cảm giác thế này hay thế khác bên trong, trong phần này hay phần khác của cơ thể.

Ðây là một giải pháp thực tiễn. Một người bình thường không thể quan sát những điều xấu trừu tượng của tâm trí -- sợ hãi, tức giận, hay đam mê trừu tượng. Nhưng nhờ được huấn luyện và thực hành đúng mức, rất dễ quan sát được sự hô hấp và những cảm giác của cơ thể -- cả hai đều trực tiếp liên quan tới những sự xấu trong tâm trí. Hô hấp và cảm giác sẽ giúp tôi theo hai cách. Thứ nhất, chúng sẽ giống như những thư kí riêng của tôi. Vừa khi một điều xấu phát sinh trong tâm trí, hơi thở tôi sẽ mất nhịp điệu bình thường; nó sẽ bắt đầu la lên, "Coi chừng, có điều gì sai đấy!" Tôi không thể làm ngơ đối với hơi thở của mình. Tôi phải chấp nhận lời cảnh báo của nó. Cũng thế, những cảm giác nói cho tôi biết có điều gì sai vừa xảy ra. Thế là tôi được cảnh báo, tôi quan sát hơi thở và cảm giác của tôi, và tôi mau chóng nhận thấy điều xấu đã qua đi.

Hiện tượng tâm thể lí này cũng giống như một đồng tiền có hai mặt. Ở một mặt là bất kì tư tưởng hay cảm xúc nào nảy sinh trong tâm trí. Ở mặt kia là sự hô hấp và những cảm giác của cơ thể. Mọi tư tưởng hay cảm xúc, mọi điều xấu trong tâm trí, đều bộc lộ qua hơi thở và cảm giác trong lúc đó. Vì vậy, bằng việc quan sát hơi thở hay cảm giác, tôi thực sự quan sát được điều tiêu cực trong tâm trí. Thay vì chạy trốn vấn đề, tôi đang thực sự đối diện chính thực tại. Thế rồi tôi sẽ thấy rằng điều tiêu cực này mất đi sức mạnh của nó: nó không còn đè bẹp tôi như trước kia nữa. Nếu tôi kiên trì, điều tiêu cực kia sẽ hoàn toàn biến mất, và tôi tìm được sự bình an và hạnh phúc.

Bằng cách này, phương pháp tự quan sát cho chúng ta thấy thực tại trong hai chiều kích, nội tại và ngoại tại. Trước kia người ta luôn luôn mở to mắt để nhìn và bỏ mất sự thật nội tâm. Tôi luôn luôn nhìn ra bên ngoài để tìm nguyên nhân sự bất hạnh của mình; tôi luôn luôn đổ lỗi và tìm cách thay đổi thực tại bên ngoài. Vì không biết thực tại nội tâm, tôi không bao giờ hiểu được rằng nguyên nhân của đau khổ nằm ở bên trong, trong những phản ứng mù quáng trước những cảm giác thích thú và khó chịu.

Nhưng bây giờ, sau khi được huấn luyện, tôi có thể nhìn thấy mặt bên kia của đồng tiền. Tôi có thể ý thức về hơi thở của mình và cả những gì đang xảy ra trong tôi. Dù là hơi thở hay cảm giác, tôi tập luyện để chỉ quan sát nó, mà không làm mất sự quân bình của tâm trí. Tôi không còn phản ứng, không còn gia tăng sự đau khổ của mình. Ngược lại, tôi để cho sự tiêu cực lộ ra và biến mất.

Càng thực hành phương pháp này, người ta càng thoát nhanh ra khỏi sự tiêu cực. Dần dần tâm hồn trở nên thanh thoát khỏi mọi vẩn đục; nó trở nên trong sạch. Một tâm hồn trong sạch luôn luôn đầy tràn tình yêu -- tình yêu vị tha đối với hết mọi người; đầy cảm thông trước những thất bại và đau khổ của người khác; đầy niềm vui trước sự thành công và hạnh phúc của họ; đầy thanh thản trước mọi hoàn cảnh.


--------------------
The last
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Thelast
bài Aug 6 2007, 09:36 AM
Bài viết #12


The last...
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 1,324
Gia nhập vào: 10-February 07
Thành viên thứ.: 4



Khi người ta đạt tới giai đoạn này, toàn thể khuôn mẫu đời sống của người ta bắt đầu thay đổi. Họ không còn có thể làm điều gì, dù lời nói hay hành động, mà có thể gây xáo trộn sự bình an và hạnh phúc của người khác. Ngược lại, tâm hồn quân bình không chỉ có sự bình an nơi chính mình, mà còn giúp người khác cũng trở nên an bình. Bầu khí xung quanh con người như thế sẽ thấm nhuần sự bình an và hòa hợp, và điều này cũng bắt đầu ảnh hưởng tới những người khác nữa.

Bằng cách luyện tập để trở nên quân bình trước bất cứ điều gì cảm nghiệm trong tâm hồn, người ta cũng phát triển được lòng siêu thoát đối với tất cả những gì gặp ở bên ngoài. Tuy nhiên, sự siêu thoát này không phải sự trốn tránh hay thờ ơ trước các vấn đề của thế giới. Một người thực hành Thiền Quán trở nên nhạy cảm hơn trước những đau khổ của người khác và làm hết sức mình để xoa dịu những đau khổ của họ bằng bất cứ cách nào có thể -- không còn sự xáo trộn nào nữa, mà chỉ có một tâm hồn tràn đầy yêu thương, cảm thông và thanh thản. Họ học được sự dửng dưng thánh thiện -- họ biết cách hoàn toàn dấn thân, hoàn toàn tận tụy phục vụ người khác, đồng thời duy trì sự quân bình trong tâm hồn mình. Bằng cách này họ luôn cảm thấy bình an và hạnh phúc, đồng thời hoạt động vì sự bình an và hạnh phúc của người khác.

Ðó là điều Ðức Phật đã dạy; một nghệ thuật sống. Ngài không bao giờ sáng lập hay dạy một tôn giáo nào, một chủ nghĩa nào. Ngài không bao giờ truyền cho các môn đệ của ngài thực hành những nghi thức hay lễ giáo nào, hay những công thức mù quáng và rỗng tuếch nào. Ngược lại, ngài chỉ dạy họ quan sát thiên nhiên đúng theo bản chất của nó, bằng cách quan sát thực tại trong nội tâm. Vì si mê, người ta luôn phản ứng gây thiệt hại cho bản thân mình và cho người khác. Nhưng khi tuệ giác xuất hiện -- sự khôn ngoan của việc quan sát thiên nhiên đúng theo bản chất của nó -- người ta vượt ra khỏi thói quen phản ứng này. Khi người ta không còn phản ứng một cách mù quáng nữa, người ta sẽ có thể có hành động đích thực -- hành động xuất phát từ một tâm hồn quân bình, một tâm hồn nhìn thấy và hiểu được chân lí. Một hành động như thế chỉ có thể là tích cực, sáng tạo, ích lợi cho bản thân và cho người khác.

Vì vậy, điều cần là "hãy tự biết mình" -- lời khuyên của mọi con người khôn ngoan. Người ta phải biết mình không chỉ trên bình diện tri thức, bình diện các ý tưởng và lí thuyết. Cũng không có nghĩa là chỉ biết mình ở bình diện cảm xúc hay sùng mộ, chỉ chấp nhận một cách mù quáng những gì đã nghe hay đọc. Hiểu biết như thế thì chưa đủ. Ðúng hơn, phải biết thực tại ở bình diện hiện thực. Người ta phải cảm nghiệm trực tiếp thực tại của hiện tượng tâm thể lí này. Chỉ có sự hiểu biết này mới giúp chúng ta thoát ra khỏi những điều tiêu cực, vẩn đục, thoát ra khỏi đau khổ.

Kinh nghiệm trực tiếp này về thực tại của bản thân mình, phương pháp tự quan sát này, là cái mà chúng ta gọi là "Vipassàna", "Thiền Quán". Theo ngôn ngữ Ấn Ðộ vào thời Ðức Phật, passana có nghĩa là thấy theo cách thức bình thường, mở mắt mà thấy; nhưng Vipassàna có nghĩa là quan sát sự vật trong chân tướng của nó, chứ không phải theo dáng vẻ bề ngoài của nó. Chân lí ở dáng vẻ bề ngoài cần phải được đào sâu, cho tới khi ta đạt tới chân lí tối thượng về toàn thể cơ cấu tâm lí và vật lí. Khi cảm nghiệm được chân lí này, người ta biết cách để không phản ứng một cách mù quáng, không còn tạo ra những điều tiêu cực nữa -- và đương nhiên những điều tiêu cực cũ dần dần bị nhổ sạch. Người ta thoát ra khỏi moị đau khổ và cảm nghiệm hạnh phúc.

Có ba bước luyện tập được dạy trong một khóa học suy niệm Thiền Quán. Trước hết, người ta phải tránh mọi hành động hay lời nói làm xáo trộn bình an và sự hòa hợp của người khác. Người ta không thể làm việc để giải thoát mình khỏi những điều vẩn đục mà đồng thời vẫn tiếp tục có những hành vi hay lời nói làm gia tăng những điều vẩn đục đó. Vì vậy, bước cơ bản đầu tiên của việc hành thiền là có một qui luật đạo đức. Người ta cam kết không giết người, không trộm cắp, không tà dâm, không gian dối, và không sử dụng chất gây nghiện. Bằng cách tránh tất cả những hành vi này, người ta làm cho tâm hồn mình thanh thản đủ để có thể tiến bước với nhiệm vụ kế tiếp.

Bước kế tiếp là phát triển việc kiểm soát tâm trí ngông cuồng của mình, bằng cách tập cho nó gắn chặt vào một đối tượng duy nhất: hơi thở. Người ta cố gắng duy trì sự chú ý vào việc hít thở của mình được bao lâu mà họ có thể. Ðây không phải bài tập hít thở: người ta không điều hòa nhịp thở. Ngược lại, người ta quan sát nhịp thở tự nhiên của mình, hít vào, thở ra. Bằng cách này người ta làm dịu tâm trí để nó không còn bị chế ngự bởi những điều tiêu cực dữ dội nữa. Ðồng thời, người ta tập trung tâm trí, làm cho tâm trí trở nên sắc bén và sáng suốt để có khả năng phát triển trực giác.

Hai bước đầu tiên này -- sống theo qui luật đạo đức và kiểm soát tâm trí -- là hai bước tự chúng rất cần thiết và ích lợi; nhưng chúng có thể dẫn tới sự ức chế, nếu không có bước thứ ba -- thanh tẩy tâm trí khỏi những điều tiêu cực bằng cách phát triển cái nhìn trực giác vào bản tính của chính mình. Ðây chính là Thiền Quán: cảm nghiệm chân tướng của mình, bằng việc quan sát có hệ thống và bình thản hiện tượng tâm-vật không ngừng thay đổi tự tỏ lộ như là cảm giác trong bản thân mình. Ðây chính là tột đỉnh của lời Phật dạy: tự thanh tẩy bằng việc tự quan sát.

Phương pháp này mọi người đều có thể thực hành. Mọi người ai ai cũng phải đối diện với vấn đề đau khổ, nó là một căn bệnh phổ quát đòi hỏi phải có một thuốc chữa phổ quát -- chứ không thể là phân rẽ được. Khi người ta giận dữ, thì không phải là sự giận dữ Phật giáo, sự giận dữ Ấn giáo, hay sự giận dữ Kitô giáo. Giận dữ là giận dữ. Khi người ta bị xáo động vì sự giận dữ này, sự xáo động không phải là Kitô giáo hay Ấn giáo hay Phật giáo. Căn bệnh là phổ quát. Thuốc chữa cũng phải phổ quát.

Thiền Quán là thứ thuốc phổ quát đó. Không ai sẽ phản đối một qui luật sống biết tôn trọng sự bình an và hòa hợp của người khác. Không ai sẽ phản đối việc phát triển sự kiểm soát tâm trí. Không ai sẽ phản đối việc phát triển cái nhìn trực giác vào thực tại của chính mình, nhờ đó có thể giải thoát tâm hồn khỏi những điều tiêu cực. Thiền Quán là một con đường phổ quát.

Quan sát thực tại đúng theo chân tướng của nó bằng cách quan sát chân lí trong tâm hồn, đó là tự biết mình ở bình diện hiện thực, kinh nghiệm. Khi hành thiền, người ta làm cho mình thoát ra khỏi những điều tiêu cực. Từ chân lí chung chung, bên ngoài và dáng vẻ, người ta đi sâu vào chân lí cơ bản của vật chất và tinh thần. Rồi người ta vượt qua chân lí này và cảm nghiệm một chân lí siêu việt tinh thần và vật chất, siêu việt thời gian và không gian, siêu việt lãnh vực có điều kiện của sự tương đối: chân lí của sự giải thoát toàn diện khỏi mọi điều tiêu cực, mọi sự ô uế, mọi nỗi đau khổ. Người ta có thể gọi chân lí tối hậu này là gì tùy ý; nhưng nó là mục tiêu cuối cùng của mọi người.

-ooOoo-


--------------------
The last
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Thelast
bài Aug 6 2007, 09:39 AM
Bài viết #13


The last...
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 1,324
Gia nhập vào: 10-February 07
Thành viên thứ.: 4



KINH NGHIỆM TUỆ GIÁC

-- Bài thuyết giảng của S.N. Goenka, tại Bangkok, Thái Lan, tháng 9, 1989.

Kính thưa các đại biểu đáng kính của cộng đồng Phật giáo, thưa các bạn: tất cả các bạn đã đến đây để tìm hiểu Thiền Quán là gì và nó giúp chúng ta thế nào trong cuộc sống hằng ngày; nó giúp chúng ta thế nào để thoát khỏi đau khổ, đau khổ của đời sống và của cái chết. Mọi người đều muốn thoát đau khổ, muốn sống một cuộc đời an bình và hòa hợp. Chỉ có điều chúng ta không biết làm thế nào. Chính sự giác ngộ của Siddhaỉỉha Gotama đã giúp ngài nhận ra chân lí: đau khổ nằm ở đâu, nó bắt đầu thế nào và làm thế nào để diệt khổ.

Có nhiều phương pháp suy niệm thịnh hành vào thời ngài, cũng như thời nay. Bồ tát Gotama đã thử áp dụng tất cả những phương pháp đó nhưng ngài vẫn không hài lòng, vì ngài thấy mình vẫn chưa hoàn toàn được giải thoát khỏi đau khổ. Thế rồi ngài bắt đầu tự mình đi tìm kiếm. Qua kinh nghiệm bản thân, ngài khám phá ra phương pháp thiền Vipassàna, phương pháp này đã diệt trừ đau khổ khỏi đời ngài và biến ngài trở thành một con người toàn giác.

Có nhiều phương pháp giúp chúng ta giảm bớt đau khổ tạm thời. Khi các bạn gặp đau khổ, các bạn đổi hướng chú ý của mình sang một điều gì khác. Lúc đó các bạn cảm thấy thoát đau khổ, nhưng không hoàn toàn nhẹ nhõm.

Nếu có điều gì không mong muốn xảy ra trong cuộc đời, các bạn thấy tâm hồn mình xáo động. Các bạn không thể chịu đựng sự đau khổ này và muốn chạy trốn nó. Các bạn có thể đi xem phim hay xem kịch, hoặc các bạn có thể tìm đến những thú vui thể xác khác v.v... Tất cả đều là chạy trốn đau khổ. Chạy trốn không phải là giải pháp cho vấn đề, ngược lại đau khổ cứ gia tăng mãi.

Lúc được giác ngộ, Ðức Phật nhận ra rằng người ta phải đối diện thực tại. Thay vì chạy trốn vấn đề, người ta phải đối diện nó. Ngài nhận thấy rằng mọi phương pháp suy niệm vào thời đó chỉ là đổi hướng chú ý của tâm trí từ sự đau khổ hiện có sang một đối tượng khác. Ngài nhận thấy rằng khi người ta làm như thế, chỉ có một phần nhỏ của tâm trí họ được đổi hướng. Tận đáy tâm trí họ vẫn còn duy trì sự phản ứng, vẫn còn phát sinh các hành (saíkhàras) của sự tham lam, giận ghét hay ảo tưởng, và người ta vẫn duy trì đau khổ ở tận đáy lòng. Suy niệm không phải nhắm vào một sự vật tưởng tượng, mà phải là thực tại -- chân tướng của thực tại. Người ta phải làm việc với bất cứ thực tại nào đang tỏ hiện bây giờ, và với bất cứ điều gì họ cảm nghiệm trong toàn thể con người của họ.

Khi thực hành Vipassàna, chúng ta phải tìm hiểu thực tại trong bản thân chúng ta -- cấu trúc vật chất và cấu trúc tinh thần, cả hai cấu trúc kết hợp thành cái "Tôi, của tôi." Người ta phát sinh ra vô số những sự trói buộc vào cấu trúc vật chất và tinh thần này, từ đó dẫn tới đau khổ. Ðể thực hành con đường của Phật, chúng ta phải quan sát chân lí của tinh thần và vật chất. Người hành thiền phải trực tiếp cảm nghiệm những đặc tính cơ bản của chúng. Từ đó mới có tuệ giác hay trí tuệ.

Trí tuệ có ba loại: trí tuệ do nghe người khác; trí tuệ do phân tích bằng trí óc; và trí tuệ phát triển do kinh nghiệm trực tiếp của bản thân. Trước thời Ðức Phật, và ngay cả vào thời Ðức Phật, có những bậc thầy giảng dạy đạo đức, giảng dạy sự tập trung, và cũng có những bậc thầy giảng dạy về trí tuệ. Nhưng đó chỉ là sự trí tuệ do đón nhận hay phân tích của trí óc. Không phải trí tuệ do kinh nghiệm bản thân. Ðức Phật khám phá ra rằng người ta có thể chơi bất cứ trò chơi tri thức hay sùng mộ nào, nhưng nếu không tự mình cảm nghiệm được chân lí và phát triển được trí tuệ do kinh nghiệm trực tiếp của bản thân, thì người ấy vẫn không được giải thoát. Vipassàna là tuệ giác phát sinh do kinh nghiệm bản thân. Người ta có thể nghe thuyết giảng hay đọc kinh sách. Hay người ta có thể dùng trí óc của mình để tìm hiểu: "Ðúng! Lời dạy của Phật thì tuyệt vời! Trí tuệ này thật tuyệt vời!" Nhưng đó không phải là kinh nghiệm trực tiếp về trí tuệ.

Tất cả phạm vi của tâm và thân -- sáu giác quan và những đối tượng liên hệ -- có những đặc tính cơ bản là anicca (vô thường), dukkha (đau khổ) và anattà (vô ngã). Ðức Phật muốn chúng ta cảm nghiệm thực tại này trong bản thân chúng ta. Ðể cắt nghĩa chân lí về thân, ngài đưa ra hai cấu trúc: một là cấu trúc vật chất: cấu trúc thể lí hay vật lí. Cấu trúc thứ hai là cấu trúc tâm với bốn yếu tố: thức hay ý thức; tưởng hay tri giác; phần của tâm có cảm thọ; và phần của tâm có phản ứng. Vì vậy, để tìm hiểu hai cấu trúc này ngài dạy chúng ta phương pháp kàyanupassannà (thân quán) và cittànupassanà (tâm quán).

Nhưng làm thế nào niệm thân (kàyanupassannà) bằng kinh nghiệm trực tiếp nếu chúng ta không thể cảm thấy nó? Phải có điều gì xảy ra trong thân mà chúng ta cảm thấy được, nhận ra được. Lúc đó chúng ta có thể nói, "Ðúng, tôi đã thực hành niệm thân." Chúng ta phải cảm nhận những cảm giác trong thân thể: đó là vedanànupassannà (niệm những cảm thọ của thân thể).

Về niệm tâm (cittànupassanà) cũng thế. Nếu không có gì xảy ra trong tâm, chúng ta không thể kinh nghiệm nó trực tiếp được. Bất kì điều gì xảy ra trong tâm đều là dhamma (pháp, hay nội dung của tâm). Vì vậy, dhammànupassanà (niệm pháp hay những nội dung của tâm) là cần thiết để có thể quan sát tâm.

Ðức Phật đã phân chia phương pháp thực hành này như sau. Niệm thân (kàyanupassannaø) và niệm thọ (vedanànupassannà) thuộc cấu trúc thể lí. Niệm tâm (cittànupassanà) và niệm pháp (dhammànupassanaø) thuộc cấu trúc tâm lí. Các bạn hãy nhìn vào kinh nghiệm của mình để thấy hai cấu trúc tâm và vật này liên quan với nhau thế nào. Tin rằng người ta có thể hiểu được tâm và vật mà không cần kinh nghiệm nó trực tiếp thì chỉ là ảo tưởng. Chỉ với kinh nghiệm trực tiếp chúng ta mới hiểu được thực tại về tâm và vật. Ðây chính là chỗ mà Thiền Quán bắt đầu giúp chúng ta.

Nói tóm lại, tìm hiểu xem chúng ta phải hành thiền thế nào. Chúng ta bắt đầu bằng ànàpàna, để ý đến sự hít thở tự nhiên của mình. Chúng ta không luyện tập việc điều hòa hít thở như trong phương pháp pranayama. Chúng ta quan sát hơi thở ở lỗ mũi của mình. Nếu một người hành thiền liên tục trong một bầu khí thích hợp không bị quấy rầy, chỉ trong hai hay ba ngày một thực tại tinh tế nơi phần này của thân thể sẽ bắt đầu tỏ lộ: một vài cảm giác tự nhiên, bình thường nào đó của cơ thể. Có thể là nóng hay lạnh, hồi hộp hay rộn ràng hay những cảm giác khác. Khi đạt tới ngày thứ bốn hay năm, người ấy sẽ thấy cảm giác này toả khắp cơ thể, từ đầu tới chân. Người hành thiền có những cảm giác này, nhưng được yêu cầu không phản ứng đối với chúng. Người ấy được hướng dẫn, "Chỉ quan sát thôi; quan sát khách quan, mà không đồng hóa mình với những cảm giác ấy."

Khi bạn hành thiền đúng theo ý Ðức Phật dạy, thì đến ngày thứ bảy hay tám, bạn sẽ tiến dần tới thực tại ngày càng tinh tế hơn. Luật tự nhiên (Dhamma) sẽ bắt đầu giúp bạn. Bạn quan sát cơ cấu này lúc đầu xuất hiện như một vật cứng, toàn thể một cơ cấu vật lí ở bình diện cảm giác. Càng quan sát, càng quan sát, bạn sẽ đạt tới giai đoạn cảm nghiệm rằng toàn thể cấu trúc vật lí này chỉ là những phân tử: toàn cơ thể bạn chỉ là những kalàpas (phân tử). Và thậm chí những phân tử nhỏ bé nhất cũng không phải một vật cứng. Chúng chỉ là những dao động, những làn sóng nhỏ li ti. Kinh nghiệm sẽ làm cho những lời của Ðức Phật trở nên rõ ràng:

Sabbo pajjalito loko, sabbo loko pakampito
Toàn thể vũ trụ chỉ là sự đốt cháy và dao động.
(Tương Ưng Bộ Kinh I.5.7, Upacala Sutta)

Khi bạn tự cảm nghiệm được điều này, việc niệm thân kàyanupassannà và niệm thọ vedanànupassannà của bạn sẽ dẫn bạn tới giai đoạn mà bạn cảm nghiệm được rằng toàn thể vũ trụ vật chất chỉ là sự dao động. Từ đó bạn sẽ thấy dễ thực hành việc niệm tâm cittànupassanà và niệm pháp dhammànupassanà.

Lời dạy của Phật là phải đi từ chân lí thô sơ, bên ngoài, tới chân lí cao nhất, tinh tế nhất, từ olarika tới sukhuma. Chân lí bên ngoài luôn luôn tạo ra ảo tưởng và hỗn độn trong tâm. Bằng cách phân tách và mổ xẻ thực tại bên ngoài này, bạn sẽ đạt tới thực tại cao nhất. Khi bạn cảm nghiệm rằng thực tại vật chất chỉ là dao động, bạn cũng bắt đầu cảm nghiệm được thực tại tinh thần: viññàna (thức, ý thức), saññà (tưởng, tri giác), vedanà (thọ, cảm giác) và sankhàra (hành, phản ứng). Nếu bạn áp dụng Vipassàna để có cảm nghiệm đúng mức về chúng, bạn sẽ thấy rõ chúng hoạt động như thế nào.


--------------------
The last
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Thelast
bài Aug 6 2007, 09:40 AM
Bài viết #14


The last...
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 1,324
Gia nhập vào: 10-February 07
Thành viên thứ.: 4



Giả sử bạn đã đạt tới giai đoạn cảm nghiệm rằng toàn thể cấu trúc vật lí chỉ là sự dao động. Một âm thanh khi lọt đến tai, bạn sẽ nhận ra rằng nó chỉ là dao động. Phần thứ nhất của tâm là ý thức đã làm nhiệm vụ của nó: thức của tai nhận ra rằng điều gì đó đã xảy ra ở cửa thính giác. Như chiếc cồng khi bị đánh vào một điểm của nó, nó bắt đầu dao động khắp cấu trúc của nó, thì cũng thế, sự tiếp xúc với bất kì giác quan nào cũng tạo ra một dao động tỏa lan đi khắp cơ thể. Lúc đầu sự dao động này trung lập, không dễ chịu cũng không khó chịu.

Tri giác nhận ra và đánh giá âm thanh: "Ðó là một lời -- lời gì? Khen ngợi! Ồ, tuyệt, tuyệt quá!" Sự dao động, cảm giác phát sinh sẽ trở nên rất dễ chịu. Cũng thế, nếu là những lời chửi bới, dao động sẽ trở thành rất khó chịu. Dao động thay đổi tùy theo sự đánh giá của phần tâm đang tri giác. Tiếp đến, phần thứ ba của tâm bắt đầu cảm nhận cảm giác: dễ chịu hay khó chịu.

Sau đó, phần thứ tư của tâm -- hành -- sẽ bắt đầu hoạt động: nhiệm vụ của nó là phản ứng. Nếu có một cảm giác dễ chịu, nó sẽ phản ứng bằng sự thèm muốn. Nếu có một cảm giác khó chịu, nó sẽ phản ứng bằng sự chán ghét. Cảm giác dễ chịu: "Tôi thích nó. Rất tốt. Tôi muốn có nhiều, nhiều hơn!" Cũng thế đối với cảm giác khó chịu: "Tôi không thích nó. Tôi không muốn nó!" Việc phát sinh thèm muốn và chán ghét là phận sự của yếu tố thứ tư của tâm -- đó là hành.

Cần hiểu rằng qui trình này diễn ra liên tục ở cửa của giác quan này hay giác quan khác. Trong mọi lúc đều có một điều gì xảy ra ở cửa giác quan này hay giác quan khác. Trong mọi lúc thức có liên quan đều nhận biết; tri giác nhận ra; phần cảm thọ của tâm cảm nhận; và phần hành động của tâm phản ứng, bằng sự thèm muốn hay chán ghét. Ðiều này xảy ra liên tục trong cuộc đời chúng ta.

Ở bình diện bề ngoài, bề mặt, hình như chúng ta phản ứng với sự thèm muốn hay chán ghét đối với một kích thích bên ngoài. Thực ra, không phải vậy. Ðức Phật đã khám phá ra rằng chúng ta phản ứng đối với các cảm giác của chúng ta. Khám phá này chính là sự giác ngộ của Ðức Phật. Ngài nói:

Salayatana-paccaya phasso
Phassa-paccaya vedana
Vedana-paccaya tanha.

Lục nhập duyên xúc
Xúc duyên thọ
Thọ duyên ái
(Tương Ưng Bộ, II.1.i, Kinh Paticcasamuppada)


Ðối với ngài đã quá rõ: sáu giác quan tiếp xúc với các sự vật bên ngoài. Do sự tiếp xúc này, một cảm giác bắt đầu phát sinh trong cơ thể, thường hoặc là dễ chịu hay khó chịu. Rồi sau khi có một cảm giác dễ chịu hay khó chịu, bắt đầu phát sinh sự thèm muốn hay chán ghét -- chứ không phải trước khi có cảm giác đó. Ðức Phật nhận biết được điều này vì ngài đã đi sâu vào bên trong và tự mình cảm nhận được nó. Ngài đi vào tận gốc rễ của vấn đề và khám phá ra cách để diệt trừ tận gốc nguyên nhân gây đau khổ.

Khi làm việc trên bình diện tri thức của tâm, chúng ta cố gắng đè nén sự thèm muốn và chán ghét; nhưng sâu xa bên trong, sự thèm muốn và chán ghét vẫn tiếp tục tồn tại. Chúng ta luôn luôn vật vờ giữa thèm muốn và chán ghét. Chúng ta không thoát khỏi được đau khổ bằng sự đè nén.

Ðức Phật đã khám phá ra cách giải thoát đau khổ: mỗi khi bạn cảm nghiệm một cảm giác nào, do bất cứ lí do nào, bạn chỉ cần quan sát nó:

Samudaya dhammanupassi va kayasmim viharati
Vaya dhammanupassi va kayasmim viharati
Samudaya-vaya-dhammanupassi va kayasmim viharati.

Quan sát hiện tượng phát sinh trong thân.
Quan sát hiện tượng biến mất trong thân.
Quan sát hiện tượng phát sinh và biến mất trong thân thể.
(Trường Bộ Kinh, II. 9, Kinh Ðại Niệm Xứ)

Mọi cảm giác đều phát sinh rồi biến mất. Không có gì vĩnh cửu. Khi hành thiền Vipassàna, bạn bắt đầu cảm nghiệm điều này. Cho dù cảm giác có khó chịu đến đâu -- bạn hãy biết, nó phát sinh để rồi biến mất. Cho dù cảm giác có dễ chịu thế nào, nó cũng chỉ là một dao động -- phát sinh và biến mất. Dù dễ chịu, khó chịu, hay trung lập, đặc tính của vô thường vẫn luôn luôn là một. Bây giờ bạn đang cảm nghiệm về thực tại của anicca (vô thường). Bạn tin nó không phải vì Ðức Phật đã dạy thế, hay kinh điển hay truyền thống nói thế, hay thậm chí vì trí khôn bạn nói thế. Nhưng bạn chấp nhận chân lí vô thường vì bạn tự mình cảm nghiệm nó trực tiếp. Ðây chính là cách thức mà sự trí tuệ ở bình diện đón nhận và tri thức trở thành tuệ giác do kinh nghiệm bản thân của bạn.

Chỉ có kinh nghiệm này về sự vô thường mới thay đổi khuôn mẫu thói quen của tâm trí. Khi cảm nhận những cảm giác trong cơ thể và hiểu được rằng mọi sự là vô thường, bạn không phản ứng bằng sự thèm muốn hay chán ghét; bạn tỏ ra thanh thản. Nếu bạn thường xuyên thực hành, nó sẽ thay đổi thói quen phản ứng của bạn ở bình diện sâu xa nhất. Khi bạn không phát sinh những điều kiện mới để tạo ra thèm muốn hay chán ghét, các điều kiện cũ chỉ xuất hiện ở bề mặt rồi biến mất. Bằng cách quan sát chân tướng của thực tại, bạn được giải thoát khỏi mọi điều kiện của thèm muốn và chán ghét của bạn.

Các nhà tâm lí học phương Tây nói đến cái "tâm ý thức." Ðức Phật gọi phần này của tâm là paritta citta (một phần rất nhỏ của tâm). Có một bức tường lớn ngăn cách paritta citta với phần còn lại của tâm ở mức độ sâu xa nhất. Tâm ý thức không biết điều gì đang xảy ra trong vô thức hay tiềm thức. Thiền Quán phá vỡ bức tường này, đưa bạn từ bề mặt của tâm xuống sâu tới đáy thẳm của tâm. Hành thiền làm bộc lộ anusaya kilesa (những phiền não kín ẩn) nằm tận đáy thẳm của tâm.

Cái gọi là tâm "vô thức" thực sự không phải là vô thức. Nó luôn luôn ý thức về các cảm giác của thân, và nó duy trì sự phản ứng trước các cảm giác này. Nếu là cảm giác khó chịu, nó phản ứng bằng sự chán ghét. Nếu là cảm giác dễ chịu, nó phản ứng bằng sự thèm muốn. Ðây là khuôn mẫu thói quen, khuôn mẫu cư xử, của cái gọi là vô thức ở đáy thẳm của tâm.

Ðây là một ví dụ cắt nghĩa cái tâm vô thức phản ứng thế nào đối với sự thèm muốn và chán ghét. Bạn đang ngủ say. Bạn bị một con muỗi đốt và có một cảm giác khó chịu. Tâm ý thức của bạn không biết điều gì đã xảy ra. Tâm vô thức của bạn biết ngay có một cảm giác khó chịu, và nó phản ứng bằng sự chán ghét. Nó xua đuổi hay giết chết con muỗi. Nhưng vẫn còn một cảm giác khó chịu, vì thế bạn gãi, mặc dù tâm ý thức của bạn vẫn đang ngủ say. Khi bạn thức dậy, nếu có ai hỏi bạn đã bị muỗi đốt bao nhiêu lần, bạn sẽ không biết. Tâm ý thức của bạn không biết nhưng tâm vô thức của bạn biết, và nó phản ứng.

Một ví dụ khác: Ðang ngồi khoảng nửa giờ, có một sức ép bắt đầu ở một chỗ nào đó và tâm vô thức phản ứng lại: "Có một sức ép. Tôi không thích nó!" Bạn thay đổi thế ngồi. Tâm vô thức luôn luôn tiếp xúc với những cảm giác của cơ thể. Bạn cử động một chút, rồi sau một lúc bạn lại cử động. Hãy nhìn một ai đó đang ngồi trong vòng mười lăm tới hai mươi phút. Bạn sẽ thấy rằng người đó đang cựa quậy một chút ở đó. Ðương nhiên, một cách ý thức người đó không biết mình đang làm gì. Ðó là vì họ không ý thức về các cảm giác. Họ không biết họ đang phản ứng bằng sự chán ghét đối với những cảm giác này. Chướng ngại này chính là sự ngu dốt.

Thiền Quán phá vỡ sự si mê này. Rồi người ta bắt đầu hiểu các cảm giác phát sinh như thế nào và chúng làm phát sinh sự thèm muốn hay chán ghét ra sao. Khi có một cảm giác dễ chịu, sẽ phát sinh sự thèm muốn. Khi có một cảm giác khó chịu, sẽ phát sinh sự chán ghét, và khi có thèm muốn hay chán ghét, sẽ có đau khổ.

Nếu người ta không phá vỡ khuôn mẫu cư xử này, sẽ có sự thèm muốn hay chán ghét triền miên. Bề ngoài bạn có thể nói bạn đang thực hành điều Phật dạy, nhưng trong thực tế bạn không thực hành lời Phật dạy gì cả! Bạn đang thực hành những gì mà các vị thầy khác ở thời Ðức Phật dạy. Ðức Phật dạy cách để đi vào mức độ sâu xa nhất nơi đau khổ xuất hiện. Ðau khổ xuất hiện bởi vì sự thèm muốn hay chán ghét của người ta. Phải tìm ra nguồn gốc của sự thèm muốn và chán ghét, và phải thay đổi khuôn mẫu cư xử ở mức độ này.

Ðức Phật dạy chúng ta quan sát sự đau khổ và sự phát sinh đau khổ. Nếu không quan sát hai điều này, chúng ta không bao giờ biết được sự chấm dứt đau khổ. Ðau khổ phát sinh cùng với những cảm giác. Nếu chúng ta phản ứng lại cảm giác, sẽ có đau khổ. Nếu chúng ta không phản ứng, chúng ta sẽ không đau khổ vì chúng. Dù một cảm giác khó chịu đến đâu, nếu bạn không phản ứng bằng sự chán ghét, bạn có thể mỉm cười thanh thản. Bạn hiểu rằng tất cả đều là anicca, vô thường. Toàn thể khuôn mẫu thói quen của tâm bạn thay đổi ở mức độ sâu xa nhất.

Qua việc hành thiền Quán Vipassàna, người ta bắt đầu thoát ra khỏi mọi điều tiêu cực của tâm trí -- giận ghét, đam mê, sợ hãi, ích kỉ, v.v... Sau một ít tháng hay một ít năm, sự thay đổi nơi người ta sẽ trở nên rõ rệt. Ðây chính là lợi ích của thiền Quán Vipassàna, ngay lúc này và tại đây. Bạn được hưởng lợi ích của nó ngay ở đời này.

Ðây là vùng đất của Phật pháp, vùng đất của lời Phật dạy, vùng đất mà bạn có một Tăng già hết sức đông đảo. Hãy áp dụng lời dạy của Phật ở mức độ sâu xa nhất. Ðừng chỉ dừng lại ở mức độ bề ngoài của lời giảng dạy của Phật. Hãy đi vào tầng sâu xa nhất là nơi các thèm muốn của bạn phát sinh:

Vedana paccaya tanha;
Vedana-nirodha tanha-nirodho;
Tanha-nirodha dukkha-nirodho.

Thọ duyên ái.
Nếu thọ diệt, ái diệt.
Khi ái diệt, khổ không còn nữa.
(Lược tóm từ Paticcasamuppada Sutta)


Khi người ta cảm nghiệm được chân lí của Niết bàn -- một giai đoạn siêu vượt thế giới khả giác -- cả sáu giác quan ngưng hoạt động. Không còn tiếp xúc nào với sự vật bên ngoài, vì thế không còn có cảm thọ. Ở giai đoạn này người ta được giải thoát khỏi mọi đau khổ.

Trước tiên bạn phải đạt tới giai đoạn mà bạn có thể có cảm thọ. Chỉ khi đó bạn mới có thể thay đổi khuôn mẫu thói quen của tâm trí bạn. Bạn hãy làm việc theo phương pháp này, qui trình này, ở mức độ sâu nhất. Nếu bạn làm việc ở mức độ bề mặt của tâm, bạn chỉ thay đổi được phần ý thức của tâm, đó là trí tuệ. Bạn không đi đến nguyên nhân gốc rễ, là tầng vô thức nhất của tâm; bạn không nhổ sạch được anusaya kilesa -- sự phiền não thâm căn cố đế của thèm muốn và chán ghét. Chúng giống như những núi lửa đang nằm im đợi chờ phun lửa vào bất cứ lúc nào. Bạn tiếp tục lăn lộn từ sinh tới tử; bạn không thoát ra khỏi đau khổ.

Bạn hãy sử dụng phương pháp tuyệt vời này và thoát khỏi vòng đau khổ, thoát khỏi sự trói buộc để vui hưởng an bình thực sự, hòa hợp thực sự, hạnh phúc thực sự.

-ooOoo-


--------------------
The last
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Thelast
bài Nov 18 2007, 04:01 PM
Bài viết #15


The last...
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 1,324
Gia nhập vào: 10-February 07
Thành viên thứ.: 4



Chương Ba

LỊCH SỬ THIỀN QUÁN VIPASSĀNA


-ooOoo-


"Chính là vào lúc kết thúc ba tháng nghỉ mùa mưa mà lời khuyến dụ sau đây của Ðức Phật đã được thốt ra, "Này các tì kheo, hãy tiến tới! Hãy tiến tới!" Chúng ta cũng hãy lấy lời này làm nguồn cảm hứng cho chúng ta. Chúng ta hãy thanh tẩy tâm hồn mình khỏi những phiền não, đổ đầy lòng từ bi, và như chúng ta đã giải thoát mình bằng tất cả năng lực của mình thế nào, chúng ta cũng hãy ra sức phục vụ nhân loại như thế. Nếu chúng ta được hưởng nhờ ơn ích của việc thực hành giáo pháp Dhamma, thì chúng ta không thể chỉ hài lòng với lợi ích và niềm hạnh phúc riêng của mình. Chúng ta cũng phải hành động vì lợi ích và niềm hạnh phúc của mọi người. Chúng ta hãy coi mục tiêu đời sống chúng ta là ra sức làm việc để chia sẻ Dhamma -- nghĩa là chân lí -- mang lại hạnh phúc cho nhiều người hơn nữa." -- S.N. Goenka


Thiền Quán được coi là cốt tủy lời giảng dạy của Ðức Phật. Các nguyên tắc cơ bản của phương pháp thiền này đã được phác họa bằng nhiều cách trong các kinh điển (suttas), hay các bài thuyết giảng của ngài, được sưu tập lại trong kinh điển Pàli, gồm ba phần và được gọi là Tipitaka, Tam Tạng Kinh (nghĩa đen là "ba cái giỏ" hay sưu tập). Hẳn là chúng ta có phước lớn vì các tì kheo đã truyền lại cho chúng ta tất cả những bài thuyết giảng nguyên thuỷ của Ðức Phật, trước bằng miệng, rồi sau bằng chữ viết. Nhưng với thời gian, tại một vài nơi đã có những sự sửa đổi mà đôi khi hoàn toàn cắt nghĩa sai lời dạy của Phật. Chúng ta phải hết lòng biết ơn các tì kheo và thiền sư đã giữ gìn phương pháp này một cách tinh nguyên, lưu truyền nó từ thầy sang trò, cho tới chúng ta hôm nay.

Một dòng các vị thiền sư đã giữ gìn tinh nguyên việc thực hành này là dòng bắt nguồn ở Myanma trong quá khứ xa xăm với hai vị sư a-la-hán đến từ Ấn Ðộ. Các thiền sư Miến Ðiện gần đây nhất thuộc dòng thiền này là: Hòa thượng Ledi Sayadaw, Saya Thetgyi và U Ba Khin. S.N. Goenka, người gốc Ấn sinh tại Myanma, đã được Sayagyi U Ba Khin huấn luyện và đã mang truyền thống này từ Myanma trở về Ấn Ðộ trước tiên rồi đi đến những nơi khác.

Trước kia lâu lắm rồi, muốn được "hành thiền thực sự", người ta phải từ bỏ thế gian để vào sống trong bốn bức tường của một tu viện hay trong rừng. Còn người sống ở ngoài đời thì chăm lo tuân giữ giới luật, thực hành từ bi và sự sùng mộ để đạt công đức trong những kiếp sau, trong đó họ có thể bắt đầu công việc tìm sự giải thoát. Tuy nhiên, như chúng ta thấy trong nhiều bài giảng của Phật, một số đông các người ngoài đời khi đã nhận được lời giảng dạy về việc thực hành này vào thời của ngài, đã đạt sự phát triển thiêng liêng rất cao độ. Từ sự kiện này chúng ta có thể suy ra rằng bản thân Ðức Phật không muốn gạt bỏ người đời ra khỏi việc thực hành giáo huấn của ngài.

Trong những thập kỉ gần đây, nhờ hoạt động của nhiều vị thiền sư tại gia rao truyền việc thực hành này, đã có sự phục hưng mối quan tâm đối với thiền Quán (Vipassāna). Ðiều này không chỉ xảy ra ở những nước có truyền thống tu viện Theravàda, như Myanma, Sri Lanka, Thái Lan, v.v..., nhưng cả trên khắp thế giới. Họ đã đưa việc thực hành này vượt ra khỏi những bức tường tu viện và bằng việc nhấn mạnh đến những lợi ích của việc hành thiền trong đời sống hằng ngày, họ đã giúp phát triển một thái độ phổ biến hơn đối với nó.

Nhưng làm thế nào người ta có thể hành thiền mà không dấn mình vào đời sống im lặng và chiêm niệm? Và kỉ luật hành thiền đóng vai trò nào trong đời sống của một người gia trưởng?

Theo kinh điển Pàli, phương pháp hành thiền cổ điển lúc ban đầu chủ yếu được các tu sĩ thực hành đòi hỏi họ phải đạt tới một mức độ tập trung nào đó trước khi đi tới việc hiểu biết thực tại sâu xa hơn bằng việc thực hành thiền Vipassāna. Ngày nay trong các trung tâm thiền dành cho người đời -- như những trung tâm do U Ba Khin sáng lập và nhiều trung tâm khác trên thế giới do môn sinh của ngài là S.N. Goenka sáng lập -- người ta được dạy (qua ba ngày luyện ànàpàna, niệm hơi thở) để đạt tới một mức độ tập trung tối thiểu đủ để bắt đầu thực hành Thiền Quán. Có nhiều lí do cho thấy sẽ là thiết thực hơn đối với con người của thời đại mới này nếu học Thiền Quán mà không cần trải qua một thời kì học kĩ thuật tập trung quá dài.

Những vấn đề này được xét đến rất chi tiết và nghiêm túc bởi một trong những thiền sư quan trọng nhất của Myanma thời đại mới, Sayagyi U Ba Khin. Nét độc đáo của các lời giảng dạy của ông phát xuất từ sự kiện ông là một thiền sư tại gia ở một đất nước Phật giáo chính thống. Theo truyền thống, người tại gia không được phép giảng dạy các tu sĩ, và mọi điều giảng dạy của người đó được thích nghi đặc biệt cho phù hợp với người đời.


--------------------
The last
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Thelast
bài Nov 18 2007, 04:08 PM
Bài viết #16


The last...
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 1,324
Gia nhập vào: 10-February 07
Thành viên thứ.: 4



Những Phương Pháp Trong Lịch Sử Trước U Ba Khin

Người ta ghi nhận Hòa thượng Ledi Sayadaw là người có công trong việc khai mở sự hiểu biết về phương pháp thiền Vipassāna cho người tại gia. (Sayadaw trong tiếng Miến là một tước hiệu có nghĩa là "sư thầy đáng kính"). Ledi Sayadaw là một học giả nổi tiếng đồng thời là một bậc thầy về thiền. Ông đã viết hàng trăm dispanis, thủ bản, giải thích những khía cạnh khác nhau của lời Phật dạy, trong số đó nhiều thủ bản đã dịch sang tiếng Anh. Trong một tác phẩm loại này, Những Ðòi Hỏi của sự Giác Ngộ (Bodhipakkhiya Dipani), ông viết:

Quả của sila (giới) và samadhi (định) có thể đạt được bất cứ lúc nào tùy ý. Nhưng quả của panna (tuệ) ... chỉ có thể đạt được khi người ta gặp một Phật đại (Sasana = một Phật đại, thời đại có giáo huấn của Phật). Ở ngoài Phật đại, người ta không có cơ hội nào, dù chỉ là nghe nhắc đến những lời có liên quan tới panna, mặc dù có thể trải qua nhiều chu kì của thế đại "sunna" ("trống rỗng" -- nghĩa là trống rỗng lời dạy của Phật). Vì vậy, những ai thời nay may mắn được sinh ra ở đời đúng vào thời Phật đại thịnh vượng, nếu họ cố gắng tích lũy những quả của magga-nana (tuệ đạo) và phala-nana (tuệ quả) nhằm mục đích bảo đảm được giải thoát khỏi những đau khổ trần tục ở kiếp sau trong một thời Phật đại tương lai, họ phải đặc biệt chuyên chú vào sự hiểu biết về paramattha (pháp chân đế), là điều người ta phải khó khăn vô cùng mới có thể hiểu được.

Những "pháp chân đế" được nói tới là ý thức, các yếu tố của tâm, các đặc tính của vật chất, và Níp bàn. Nghĩa là, người ta phải phát triển một sự hiểu biết về bản chất vô thường của hiện tượng tâm-thân (là cốt tủy của thiền quán Vipassāna) và kinh nghiệm về Níp bàn. Ledi Sayadaw nói tiếp rằng nếu không thể biết được quả này của Ðạo, thì ít ra người hành thiền phải đạt mức độ đầu tiên của sự hiểu biết -- trực giác sâu xa vào tính mong manh và vô ngã của thân thể mình, được cấu tạo bởi các yếu tố là đất, gió, lửa, và nước. Thực vậy, đây là điều đủ để đạt được sự thu hoạch những quả của tuệ giác. Ðạo đức sẽ giúp người ta được sinh ra khi Phật Di Lặc - Matteyya - xuất hiện (Phật Matteyya là tên do truyền thống dùng để gọi Phật của thời kế tiếp). Nhưng để đạt lợi ích tối đa thì phải có sự hiện diện của những quả của tuệ giác này, được phát triển nhờ suy niệm Vipassāna. Những ai không phát triển những quả này sẽ không thể đạt giác ngộ, mặc dù họ nghe những lời do Phật tương lai đích thân thuyết giảng.

Tính chất khẩn trương này đã thúc đẩy nhiều tu sĩ, trong đó có Ledi Sayadaw, đi giảng dạy thiền Vipassāna trong hình thức đơn giản và trực tiếp nhất của nó, khiến người ta có thể thực hành với một mức độ tập trung tối thiểu và theo một cách thức có thể có ích cả cho người sống tại gia. Thực tế, Ledi Sayadaw là một trong những người đầu tiên quảng bá cốt tủy của thiền Vipassāna cho người thế tục. Mỗi khi có thời giờ và cơ hội, ông đều muốn người ta bắt đầu làm việc vì sự giải thoát tối hậu của họ, và ông khuyên mọi người không trừ ai hãy ít là bắt đầu suy niệm ở bất kì mức độ nào mà họ có thể vào lúc đó. Ngoài việc đích thân mình khích lệ người đời suy niệm, ông đã bắt đầu cắt cử những môn sinh tại gia của mình, như Saya Thetgyi, sư phụ của U Ba Khin, để họ cũng bắt đầu giảng dạy.

Ledi Sayadaw là một học giả nổi tiếng đồng thời là một bậc thầy về thiền, đã nhấn mạnh lại rằng phương pháp Vipassāna có nền tảng trong bài giảng quan trọng nhất của Ðức Phật, Mahasatipatthàna Sutta. Những nghiên cứu của ông có ích trong việc làm sáng tỏ nhiều điểm tranh cãi trong thực hành, nhờ đó góp phần vào việc phát triển thiền Vipassāna không chỉ trong những nước Phật giáo mà cả ở những nơi khác trên thế giới. Không hoàn toàn loại bỏ việc tập trung chú ý, phương pháp trực tiếp của Vipassāna -- chỉ quan sát những hiện tượng của tâm và thân của mình ở mức độ những cảm giác thể lí -- là một sức mạnh mới, giúp làm dấy lên một việc thực hành thiền mà người thế tục có thể tham gia được. Thực vậy, người muốn thực hành phương pháp này chỉ cần có khả năng và ý muốn để chuẩn bị. Hơn nữa, phương pháp thiền Quán này có thể dễ dàng kết hợp vào những sinh hoạt của đời sống hằng ngày và vì thế rất thích hợp cho người thế tục, cũng như cho các tu sĩ, những người muốn tìm kiếm một phương pháp đơn sơ, trực tiếp nhưng có thể mang lại kết quả tức thời.

Sau Thế chiến II, sự quan tâm của người thế tục đối với việc suy niệm gia tăng mau chóng, đặc biệt ở Myanma, dẫn đến việc thành lập hàng trăm trung tâm, nhiều trung tâm do các tu sĩ điều khiển, số khác do các cư sĩ. Sự lan rộng của các trung tâm này đã thỏa mãn được ước muốn của nhiều người để suy niệm sâu hơn và lâu ngày hơn, cùng với việc làm cho phương pháp này dễ học hơn mà không cần sự chuẩn bị lâu dài và khó khăn.

-ooOoo-


--------------------
The last
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Thelast
bài Nov 18 2007, 04:22 PM
Bài viết #17


The last...
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 1,324
Gia nhập vào: 10-February 07
Thành viên thứ.: 4



TÓM TẮT TIỂU SỬ NHỮNG THIỀN SƯ NGAY TRƯỚC THỜI U BA KHIN

Ledi Sayadaw (1846-1923)


Hòa thượng Ledi Sayadaw sinh năm 1846 tại làng Saing-pyin, thuộc thị trấn Dipeyin trong quận Shwebo (nay là quận Monywa) thuộc miền bắc Myanma. Ở làng cậu đi học ở trường nhà chùa do các bhikkhus (tì kheo) dạy các trẻ em đọc và viết bằng tiếng Miến cũng như dạy chúng đọc nhiều bản kinh Pàli. Năm 8 tuổi cậu bắt đầu theo học với người thầy đầu tiên của mình là sư thầy U Nanda-dhaja Sayadaw, và năm 15 tuổi trở thành một samanera (tập sinh) dưới sự trông coi của vị sư thầy này. Cậu lấy pháp danh là Nana-dhaja (ngọn cờ hiểu biết). Trong tu viện, cậu học cả văn phạm Pàli và nhiều bản văn của kinh điển Pàli.

Sau này, dưới sự trông coi của Gandhama Sayadaw, chàng thanh niên Samanera Nana-dhaja đã thông thạo kinh Veda chỉ trong vòng tám tháng và tiếp tục học kinh Tam Tạng. Tới tuổi 20, ngày 20 tháng 4 năm 1866, cậu được thụ giới cao hơn để trở thành một tì kheo dưới quyền của thầy cũ của cậu, sư thầy U Nanda-dhaja Sayadaw, lúc này trở thành người hướng dẫn của cậu.

Năm 1867, ngay trước kì nghỉ mùa mưa, tì kheo Nana-dhaja rời thầy của mình và vùng Monywa quê hương của mình để đến Mandalay và tiếp tục học tại đó.

Mandalay là thủ đô của Myanma vào thời đó, dưới quyền cai trị của Vua Min Don Min (cai trị từ 1853-1878), và là trung tâm văn hóa quan trọng nhất của cả nước. Ông học tại đây với nhiều Sayadaw nổi tiếng, và cũng học cả các ngành học thuật thế tục. Ông chủ yếu sống tại tu viện Maha-Jotikarama và học với Hòa thượng San-Kyaung Sayadaw, một vị thầy nổi tiếng ở Myanma về việc dịch kinh Visuddhimagga (Thanh Tịnh Ðạo) sang tiếng Miến.

Trong thời kì này, Hòa thượng San-Kyaung Sayadaw tổ chức một cuộc thi với 20 câu hỏi cho hai ngàn sinh viên. Tì kheo Nana-dhaja là thí sinh duy nhất trả lời thỏa đáng đủ cả 20 câu hỏi. Các câu trả lời được xuất bản sau này vào năm 1880, dưới tựa đề Pàramì-Dipani (Sách học về Ba la mật). Ðây là cuốn sách đầu tiên trong số nhiều sách bằng tiếng Pàli và Miến Ðiện được Hòa thượng Ledi Sayadaw xuất bản.

Trong thời gian ông học tại Mandalay, vua Min Don Min bảo trợ cho Ðại hội kết tập kinh điển lần thứ năm, triệu tập các tì kheo từ khắp nơi về để đọc và đối chiếu kinh Tam Tạng. Ðại hội được tổ chức tại Mandalay năm 1871, và những bản văn được xác nhận đã được khắc vào 729 phiến đá cẩm thạch vẫn còn được giữ cho đến ngày nay (mỗi phiến kinh được đặt trong một ngôi chùa nhỏ) chung quanh ngôi Ðền Kuthodaw vàng ở chân núi Mandalay. Ở Ðại hội này, Tì kheo Nana-dhaja đã giúp đỡ trong công việc biên tập và dịch các bản văn Abhidhamma (Vi Diệu Pháp).

Sau tám năm làm tì kheo, và sau khi đã qua tất cả các kì thi, Hòa thượng Nana-dhaja được chứng nhận làm giảng viên Pàli tập sự tại Tu viện San-Kyaung (cũng gọi là Tu viện Maha-Jotikarama) là nơi ông đã theo học trước đây.

Ông ở lại đây trong tám năm, vừa dạy học vừa tiếp tục công việc nghiên cứu riêng của mình, cho tới năm 1882 thì trở về Monywa. Hồi đó Monywa là một trung tâm thị trấn nhỏ bên bờ phía đông con sông Chindwin, thị trấn này nổi tiếng về phương pháp giảng dạy bao gồm toàn bộ kinh Tam Tạng, chứ không chỉ dạy từng phần chọn lọc của kinh.

Trong thời gian giảng dạy Pàli cho các tì kheo và tập sinh tại Monywa, thầy có thói quen ban ngày đi ra thị trấn để giảng dạy, còn ban đêm thầy đi qua bên bờ phía tây sông Chindwin để suy niệm trong một vihara (cái am) ở sườn núi Lak-pan-taung. Tuy chúng ta không có những tài liệu chắc chắn, nhưng có lẽ đây là thời kì thầy bắt đầu hành thiền Vipassāna theo lối truyền thống Miến Ðiện: luyện ànàpàna (hít thở) và vedanà (cảm thọ).

Năm 1885 người Anh thôn tính miền thượng Myanma và bắt vị vua cuối cùng là Thibaw (cai trị từ 1878-1885) đi đày. Năm sau đó, 1886, Hòa thượng Nana-dhaja lui về ở ẩn trong rừng Ledi ở sát phía bắc Monywa. Sau một thời gian ngắn, nhiều tì kheo bắt đầu tìm đến xin thầy dạy họ. Một tu viện được dựng lên cho họ ở và lấy tên là Ledi-tawya. Cũng từ đó thầy lấy tên là Ledi, là tên gọi thầy được biết đến nhiều nhất: Ledi Sayadaw. Người ta nói sở dĩ Monywa đã trở thành thị trấn lớn như hôm nay là vì rất nhiều người bị thu hút đến tu viện của Ledi Sayadaw ở thị trấn này. Tuy thầy dạy cho nhiều học sinh thỉnh tu tại Ledi-tawya, nhưng thầy vẫn giữ thói quen sống ẩn dật tại cái am vihara của thầy bên kia sông để hành thiền.

Sau khi thầy đã sống hơn mười năm ở tu viện Ledi trong rừng, các tác phẩm nghiên cứu chính của thầy bắt đầu được xuất bản. Tác phẩm đầu tiên là Paramattha-Dipani (Sách học về Pháp chân đế), xuất bản năm 1897. Cuốn thứ hai trong thời kì này là Nirutta Dipani, sách học văn phạm Pàli. Nhờ những sách này, thầy nổi danh là một trong những tu sĩ Phật giáo uyên bác nhất tại Myanma.

Tuy Ledi Sayadaw trụ trì tại tu viện Ledi-tawya, thỉnh thoảng thầy cũng đi khắp nước Myanma để giảng dạy các khóa thiền và kinh Phật. Chính trong những chuyến du hành ngang dọc khắp Myanma mà thầy đã viết nhiều cuốn sách được xuất bản sau này. Ví dụ, thầy viết Paticca-samuppada Dipani trong hai ngày khi thầy đi thuyền từ Mandalay tới Prome. Thầy không có sách nào để tham khảo, nhưng thầy không cần vì thầy đã rất am tường kinh Tam Tạng. Trong tác phẩm Sách học về Phật giáo, có liệt kê cả thảy 26 sách thuộc loại học tập (dispanis), chú giải, tiểu luận, v.v... do thầy biên soạn, nhưng danh sách này chưa bao gồm đầy đủ các tác phẩm của thầy.

Ledi Sayadaw thực là một tì kheo hiếm co,ù trổi vượt cả về pariyàtti (lí thuyết Dhamma, pháp học) lẫn patipatti (thực hành Dhamma, pháp hành). Sau này thầy cũng viết nhiều sách về Phật pháp bằng tiếng Miến. Thầy nói thầy muốn viết sao cho một người dân quê bình thường cũng có thể hiểu. Trước thời của thầy, người ta không quen viết về các đề tài Phật pháp mà người dân thường có thể hiểu. Thậm chí khi giảng dạy bằng miệng, các tì kheo cũng thường đọc lên những đoạn dài bằng tiếng Pàli rồi dịch từng chữ cả đoạn, làm cho những người bình thường khó có thể hiểu nổi. Ðó phải là sức mạnh của sự hiểu biết thực tiễn nơi Ledi Sayadaw và kết quả của lòng nhân hậu của thầy tràn ra trong ước muốn của thầy để truyền bá Phật pháp đến mọi tầng lớp trong xã hội.

Nhờ quá nổi tiếng vừa là một học giả vừa là một thiền sư bậc thầy, nên thầy được chính quyền Anh của Ấn Ðộ, đang cai trị Miến Ðiện lúc đó, trao tặng danh hiệu Aggamahapandhita (Ðại học sĩ). Thầy cũng được nhận bằng Tiến sĩ văn chương của Ðại học Yangon, và các bản dịch một số bài thảo luận của thầy về các điểm trong Vi Diệu Pháp đã được xuất bản trong "Tạp Chí của Hội Pàli" tại Luân Ðôn.

Vào những năm cuối đời, mắt của Hòa thượng Ledi Sayadaw bị suy yếu, có lẽ do những năm đọc sách, nghiên cứu, viết lách, thường với ánh sáng rất kém.Năm 73 tuổi thầy bị mù hoàn toàn và những năm còn lại của cuộc đời, thầy chỉ chuyên chăm vào việc suy niệm và dạy suy niệm. Thiền sư Ledi qua đời năm 1923 hưởng thọ 77 tuổi.

Hòa thượng Ledi Sayadaw có lẽ là khuôn mặt Phật giáo xuất chúng của thời đại ông. Tất cả những ai đã tiếp xúc với Giáo pháp trong những năm gần đây đều nặng ân đối với vị tu sĩ uyên bác thánh thiện này, là người đã góp phần làm sống lại việc thực hành Vipassāna truyền thống, giúp cho cả những người xuất gia lẫn những người tại gia đều có thể dễ dàng thực hành nó. Ngoài khía cạnh quan trọng nhất này của những lời giảng dạy của ông, các tác phẩm ngắn gọn, sáng sủa, súc tích và uyên bác của ông cũng đã giúp làm sáng tỏ khía cạnh kinh nghiệm thực hành của Dhamma.

Chim con được sinh ra từ lòng mẹ trước tiên trong hình quả trứng. Nó được sinh ra lần thứ hai khi đập bể vỏ trứng. Sau cùng khi đã đủ lông đủ cánh, nó được sinh ra từ tổ của nó để có thể bay đi khắp bốn phương trời.

Ðối với các hành giả cũng thế. Trước tiên họ được sinh ra từ những suy tưởng mông lung của tâm trí, và chúng cứ đi theo họ mãi trong cái vòng luân hồi vô tận, qua việc thực hành niệm thân (kàyanupassannà) một cách thành công, hay bằng việc thực hành suy niệm thanh thản.

Thứ hai, khi họ đạt được năng lực quán sát (Vipassāna) thân, tâm, các thực tại kết hợp (rùpa (sắc), nama (danh), khandhà (uẩn), v.v..., họ được thoát khỏi mức độ ngu dốt thô thiển.

Sau cùng, khi bảy yếu tố giác ngộ (bojjhaíga) phát triển và chín mùi, họ hoàn toàn trưởng thành bằng việc đạt sự hiểu biết về đạo siêu thế (lokuttara-magga-nana) gọi là sambodhi (toàn giác). Như thế họ được sinh ra từ tình trạng vật chất thế tục (puthujjana), đạt tới tình trạng các chân lí cao thượng (ariyà) -- tình trạng siêu thế: nibbàna – Níp bàn.
-- Trích "Những Ðòi Hỏi của Giác Ngộ" (Bodhipakkhiya Dipani) của Hòa thượng Ledi Sayadaw.


--------------------
The last
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Thelast
bài Nov 18 2007, 04:23 PM
Bài viết #18


The last...
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 1,324
Gia nhập vào: 10-February 07
Thành viên thứ.: 4



Saya Thetgyi (1873-1945)


Saya Thetgyi sinh ngày 27 tháng 6 năm 1873 tại làng quê Pyawbwegyi, cách Yangon 8 dặm về phía nam, và được đặt tên là Maung Po Thet. Cậu có hai em trai và một em gái. Khi Maung Po Thet khoảng 10 tuổi thì cha mất, để lại bà mẹ phải nuôi nấng bốn đứa con nhỏ. Mẹ cậu làm và bán khoai chiên để kiếm tiền nuôi gia đình, và cậu phải phụ giúp mẹ đi khắp làng để bán hết hàng cho mẹ.

Vì cần phải phụ giúp gia đình, Maung Po chỉ được học hành tại trường rất ít -- khoảng sáu năm. Cha mẹ cậu không có đất đai hay ruộng vườn gì cả, và họ thường phải đi mót lúa ở các ruộng vào mỗi vụ gặt.

Khi lên 14 tuổi, cậu đi kéo xe bò chở lúa thuê để kiếm tiền. Ðược bao nhiêu tiền cậu đều đưa về cho mẹ. Dạo đó cậu còn rất bé nên phải mang theo một cái thùng gỗ đặc biệt để leo lên xe hay xuống xe.

Theo tục lệ, khi lên khoảng 16 tuổi, cậu cưới vợ là cô Ma Hmyin. Vợ cậu là con gái út của một điền chủ và nhà buôn gạo giàu có. Vợ chồng Maung Po sinh được hai con, một gái và một trai. Cũng theo tục lệ, họ sống chung ở nhà vợ với cha mẹ và hai chị gái của vợ. Chị thứ hai tên là Ma Yin sống độc thân và trông nom rất thành công một công việc kinh doanh nhỏ. Về sau bà chị này giúp đỡ U Thet rất đắc lực trong việc thực hành và giảng dạy thiền của ông. Khoảng 23 tuổi, U Thet bắt đầu luyện tập thiền với một thiền sư tại gia, Saya Nyunt. Ông đã học được của thiền sư này phương pháp ànàpàna (niệm hơi thở) thực hành nó trong 7 năm.

Hai vợ chồng U Thet có nhiều bạn bè và họ hàng sống gần gũi trong làng. Với đông đảo chú bác, cô dì, anh chị em và các cháu họ, bên nội bên ngoại, họ sống một nếp sống đồng quê đầy thơ mộng trong sự hòa hợp và đầm ấm giữa gia đình và bè bạn. Cảnh an bình hạnh phúc này đã tan biến khi một trận dịch tả tàn phá làng vào năm 1903. Nhiều dân làng bị chết, có người chết chỉ sau vài ngày mắc bệnh. U Thet cũng mất cả hai đứa con và những người thân khác. Tai ương này đã tác động mạnh đến U Thet. Ông không thể tìm được sự an ủi nào nữa, và trong cảnh tuyệt vọng ông muốn tìm ra lối thoát cho cảnh cùng khổ của mình. Ông xin phép vợ, chị dâu và gia đình để ông rời bỏ làng quê. Ông để lại công việc đồng áng cho gia đình gánh vác, rồi ông ra đi tìm đường thiêng liêng, cùng với một người bạn đồng hành và môn đệ là U Nyo.

U Thet đi lang thang khắp nước Myanma trong cuộc tìm kiếm thiêng liêng của mình, đến thăm các khu ẩn cư trên núi và các tu viện trong rừng, học hỏi với các thầy dạy khác nhau, cả tu sĩ lẫn người thế tục. Sau cùng, theo lời khuyên của thầy cũ là Saya Nyunt, ông đi lên miền bắc tới Monywa để thụ giáo với Hòa thượng Ledi Sayadaw.

U Thet ở với Ledi Sayadaw cả thảy bảy năm, trong suốt thời gian này vợ và chị dâu của ông cấp dưỡng cho ông bằng cách gởi tiền do các vụ thu hoạch hằng năm của gia đình.

Sau bảy năm, ông cùng U Nyo trở về làng, nhưng không trở về nhà cũ của mình. Lúc ông khởi hành, Ledi Sayadaw đã khuyên ông chuyên chăm luyện tập samàdhi (định) và paññā (tuệ) để ông có thể bắt đầu giảng dạy.

Theo lời khuyên của thầy, nên vừa đến Pyawbwegyi, họ đi thẳng tới giảng đường (sala) ở bìa nông trại của gia đình, và họ dùng đó làm hội trường Giáo pháp. Tại đây họ bắt đầu suy niệm liên tục. Họ nhờ một phụ nữ ở gần đó lo cơm nước mỗi ngày hai bữa cho họ trong khi họ hành thiền.

U Thet tiếp tục sống như thế trong suốt một năm. Ông đã tiến bộ nhanh về suy niệm, và sau thời kì này ông cảm thấy cần đến lời khuyên của thầy ông. Ông không thể đích thân đến gặp thầy, nhưng ông biết trong nhà mình có những sách của thầy cất trong tủ. Vì vậy, ông trở về nhà để tham khảo các sách ấy.

Vợ và chị dâu ông rất giận vì ông không trở về nhà sau một thời gian vắng nhà lâu như thế. Vợ ông thậm chí đã quyết định bỏ ông. Khi các chị em thấy U Thét về đến gần nhà, họ quyết định không thèm chào hỏi ông. Nhưng ngay khi ông đến cửa, họ không thể nào cưỡng lại tình cảm của họ và đã vồn vã tiếp đón ông. Họ nói chuyện với nhau một lát, rồi U Thet xin họ tha thứ cho ông, là điều họ sẵn sàng làm ngay.

Họ mời ông dùng trà và dùng bữa với họ. Ông đi kiếm những cuốn sách rồi giải thích cho vợ ông rằng bây giờ ông đang sống theo bát giới và không quay trở về đời sống gia đình nữa. Từ nay họ sẽ sống với nhau như anh chị em.

Vợ và chị dâu của ông mời ông về nhà mỗi ngày để ăn sáng, và họ rất vui lòng tiếp tục cấp dưỡng cho ông. Ông vô cùng biết ơn lòng quảng đại của họ và ông nói cách duy nhất ông có thể trả ơn họ là trao tặng cho họ Giáo pháp.

Lúc đầu người dân làng đều không muốn đến để nghe U Thet giảng dạy. Họ tưởng lầm rằng ông quá đau buồn vì mất các con và xa làng, nên nay ông đã bị điên. Nhưng dần dần qua những lời nói và hành động của ông họ nhận ra rằng ông đã là một con người được biến đổi, một người sống theo Giáo pháp.

U Thet bắt đầu dạy ànàpàna (niệm hơi thở) cho một nhóm khoảng mười lăm người vào năm 1914, khi ông 41 tuổi. Tất cả các thiền sinh đều ở lại nhà khách, có người thỉnh thoảng mới về nhà một lần.

Một năm sau, U Thet đưa vợ, chị dâu và một ít người khác trong gia đình đến thăm và bày tỏ lòng tôn kính đối với thầy của mình. Trong cuộc thăm viếng này, Ledi Sayadaw trao cây gậy của mình cho U Thet và nói: "Này, học trò xuất sắc của thầy, hãy cầm lấy cây gậy của thầy và ra đi. Hãy giữ gìn nó. Thầy không trao gậy này để con được sống lâu, nhưng để làm phần thưởng cho con, để không điều gì bất hạnh xảy ra trong đời con. Con đã thành đạt rồi. Từ nay trở đi, con phải giảng dạy Dhamma về rùpa và nama (sắc và danh) cho sáu ngàn người. Giáo pháp con đã học biết thì vô tận, vì thế con hãy truyền bá sasana (giáo pháp). Con hãy thay ta làm rạng danh giáo pháp."

Ledi Sayadaw triệu tập các tì kheo của tu viện Ngài và nói: "Người tại gia này là học trò xuất sắc U Po Thet của ta... Ông có khả năng dạy thiền giống như ta ... Hãy học phương pháp của ông và thực hành." U Thet dạy Thiền Quán (Vipassāna) cho khoảng 25 tì kheo có học của tu viện, lúc này ông đã được gọi là Saya Thegyi (saya nghĩa là thầy; và gyi là một hậu tố chỉ sự kính trọng).

Khi quay trở về làng, Saya Thetgyi bàn bạc với gia đình về cách thức để thi hành lệnh truyền bá thiền của Ngài thiền sư Ledi Sayadaw. Lúc đầu Saya Thetgyi nghĩ mình phải đi khắp nước để giảng dạy, nhưng chị dâu khuyên ông nên ở lại nhà khách và tiếp tục giảng dạy tại hội trường Giáo pháp tại đây. Ðúng như chị dâu ông tiên đoán, nhiều người bắt đầu đến học, và danh tiếng Saya Thetgyi lan rộng như một bậc thiền sư. Ông dạy cho những nông dân chất phác cũng như cho những người thông thạo các bản kinh Pàli. Làng của ông không xa thủ đô Yangon bao nhiêu, nên các nhân viên chính phủ và các người dân thủ đô, như U Ba Khin, cũng đến học.

Từ khi rời trung tâm của Ledi Sayadaw trở về, Saya Thetgyi sống tự lập và chỉ ăn mỗi ngày một bữa, trong cô tịch và thinh lặng.

Trong suốt ba mươi năm ông giảng thiền cho mọi người đến với ông, được hướng dẫn bởi kinh nghiệm thực hành của ông và sử dụng các thủ bản của Ledi Sayadaw làm sách tham khảo. Ðến năm 1945, khi ông 72 tuổi, ông đã hoàn thành sứ mạng giảng dạy cho hàng ngàn người. Vợ ông đã qua đời; chị dâu ông bị liệt; và sức khỏe của chính ông đã suy yếu. Vì the,á ông phân phát hết tài sản của mình cho các cháu trai, cháu gái của ông, còn giữ lại năm mươi mẫu ruộng để duy trì hội đường Giáo pháp.

Ông có hai mươi con trâu đã từng cày ruộng cho ông trong nhiều năm. Ông phân phát tất cả cho những người mà ông biết sẽ đối xử tử tế với chúng, rồi cho chúng đi với những lời này, "Các con là những ân nhân của ta. Cám ơn các con vì nhờ các con mà lúa đã mọc lên. Bây giờ các con không phải làm việc nữa. Cầu mong cho các con được giải thoát khỏi kiếp sống này để có một kiếp sống tốt hơn."

Saya Thetgyi chuyển đến Yangon vừa để chữa bệnh vừa để ở gần các học sinh của ông tại đây. Một trong số học sinh này đã mở một trung tâm thiền ở triền đồi phía bắc Chùa Shwedagon. Gần đó có một hầm trú bom đã được xây vào thời Thế chiến thứ hai. Saya Thetgyi dùng nơi trú bom này làm hang thiền của mình. Các học sinh của ông từ Yangon, kể cả U Ba Khin, đến thăm ông thường xuyên mỗi khi họ có thời giờ. Hằng đêm ông thường ngồi thiền cùng với các học sinh của ông, con số lên đến khoảng năm mươi người. Trong những cuộc hành thiền tập thể này, Saya Thetgyi thường không nói, chỉ quán tưởng trong thinh lặng. Trong một lần hành thiền như thế, Saya Thetgyi trước đó đã bị nóng lạnh, bỗng nằm ngửa ra và sau một giờ thở rất khó, ông đã qua đời.

Thi hài ông được hỏa táng trên sườn phía bắc của Chùa Shwedagon, và Sayagyi U Ba Khin cùng các học trò của ông sau này đã xây một ngôi chùa nhỏ tại đây. Nhưng có lẽ đài kỉ niệm thích hợp và lâu bền nhất để tưởng nhớ vị thiền sư lỗi lạc chính là sự kiện nhiệm vụ mà Ledi Sayadaw trao phó cho ông để truyền bá Giáo pháp cho mọi tầng lớp xã hội vẫn đang được tiếp tục.

Chơi Với Lửa

Trong số những người đến học thiền với Saya Thetgyi có một học giả Phật giáo, một người rất uyên bác. Tiếc thay ông này tỏ ra quan tâm đến lí thuyết Vipassāna nhiều hơn là kinh nghiệm thực hành của chính bản thân mình. Nhưng sau khi kết thúc thành công khóa học mười ngày, ông ra về rất hài lòng về những gì mình đã làm được.

Một ít tháng sau người đàn ông này trở lại thăm Saya Thetgyi, và kính cẩn dâng lên thầy một hoặc hai cuốn sách. "Thưa thầy," người đàn ông nói, "Tôi đã viết xong một cuốn sách cắt nghĩa cách quán tưởng như thế nào, và tôi đã viết dâng tặng thầy như vị thầy của tôi."

Saya Thetgyi hỏi, "Chỉ có số sách này viết đề tặng tôi ư?" "Ô không, thưa thầy. Tất cả các sách khác tôi cũng ghi đề tặng thầy."

"Tốt lắm, nếu anh muốn đề tặng tất cả cho tôi, anh hãy mang tất cả số sách đó đến đây." Nhà học giả vui vẻ chấp nhận, vì nghĩ rằng có thể Saya Thetgyi sẽ làm một lễ nghi gì đó để chúc phúc cho công trình của mình. Ít ngày sau ông quay trở lại với một xe chứa đầy sách.

"Tất cả sách của anh là ở đây ư?" Saya Thetgyi hỏi.

"Vâng, thưa thầy," người đàn ông hãnh diện đáp.

"Tốt lắm," Saya Thetgyi nói, "Anh hãy đưa ra cánh đồng hoang đằng kia." Người học giả làm như lời Saya Thet hướng dẫn, và không quên xếp các sách thành một chồng ngay ngắn.

"Bây giờ," thiền sư nói, "Anh vào trong bếp lấy một chai dầu lửa và mấy que diêm ra đây."

"Dầu lửa à? Diêm à?" Người đàn ông kinh ngạc. Saya Thetgyi sẽ dùng nó làm gì trong nghi lễ này đây?

"Phải, dầu lửa và diêm." Một lần nữa học giả làm theo lời thầy, dù hơi miễn cưỡng. Khi ông trở lại với chai dầu và que diêm, Saya Thetgyi nói, "Tốt! Bây giờ anh rưới dầu lên đống sách và đốt chúng đi."

Người học giả không còn chịu đựng được nữa. "Cái gì, thưa ngài! Ngài không đùa đấy chứ! Tôi đã vất vả làm việc nhiều tháng trời để viết cuốn sách này."

Saya Thetgyi trả lời, "Lẽ ra anh nên dùng thời giờ của mình để quán tưởng thì hơn. Làm sao anh có thể dạy người khác quán tưởng mà chính bản thân anh đã không quán tưởng sâu xa? Cho dù anh đã hiểu nó rành rọt, làm sao anh có thể hi vọng người khác cũng học được cách quán tưởng từ một cuốn sách? Họ chắc chắn sẽ tự đốt cháy mình giống như đám trẻ chơi với lửa vậy. Tốt hơn anh nên đốt mớ sách này đi!"


--------------------
The last
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Thelast
bài Nov 18 2007, 04:25 PM
Bài viết #19


The last...
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 1,324
Gia nhập vào: 10-February 07
Thành viên thứ.: 4



Saya Thetgyi (1873-1945)


Saya Thetgyi sinh ngày 27 tháng 6 năm 1873 tại làng quê Pyawbwegyi, cách Yangon 8 dặm về phía nam, và được đặt tên là Maung Po Thet. Cậu có hai em trai và một em gái. Khi Maung Po Thet khoảng 10 tuổi thì cha mất, để lại bà mẹ phải nuôi nấng bốn đứa con nhỏ. Mẹ cậu làm và bán khoai chiên để kiếm tiền nuôi gia đình, và cậu phải phụ giúp mẹ đi khắp làng để bán hết hàng cho mẹ.

Vì cần phải phụ giúp gia đình, Maung Po chỉ được học hành tại trường rất ít -- khoảng sáu năm. Cha mẹ cậu không có đất đai hay ruộng vườn gì cả, và họ thường phải đi mót lúa ở các ruộng vào mỗi vụ gặt.

Khi lên 14 tuổi, cậu đi kéo xe bò chở lúa thuê để kiếm tiền. Ðược bao nhiêu tiền cậu đều đưa về cho mẹ. Dạo đó cậu còn rất bé nên phải mang theo một cái thùng gỗ đặc biệt để leo lên xe hay xuống xe.

Theo tục lệ, khi lên khoảng 16 tuổi, cậu cưới vợ là cô Ma Hmyin. Vợ cậu là con gái út của một điền chủ và nhà buôn gạo giàu có. Vợ chồng Maung Po sinh được hai con, một gái và một trai. Cũng theo tục lệ, họ sống chung ở nhà vợ với cha mẹ và hai chị gái của vợ. Chị thứ hai tên là Ma Yin sống độc thân và trông nom rất thành công một công việc kinh doanh nhỏ. Về sau bà chị này giúp đỡ U Thet rất đắc lực trong việc thực hành và giảng dạy thiền của ông. Khoảng 23 tuổi, U Thet bắt đầu luyện tập thiền với một thiền sư tại gia, Saya Nyunt. Ông đã học được của thiền sư này phương pháp ànàpàna (niệm hơi thở) thực hành nó trong 7 năm.

Hai vợ chồng U Thet có nhiều bạn bè và họ hàng sống gần gũi trong làng. Với đông đảo chú bác, cô dì, anh chị em và các cháu họ, bên nội bên ngoại, họ sống một nếp sống đồng quê đầy thơ mộng trong sự hòa hợp và đầm ấm giữa gia đình và bè bạn. Cảnh an bình hạnh phúc này đã tan biến khi một trận dịch tả tàn phá làng vào năm 1903. Nhiều dân làng bị chết, có người chết chỉ sau vài ngày mắc bệnh. U Thet cũng mất cả hai đứa con và những người thân khác. Tai ương này đã tác động mạnh đến U Thet. Ông không thể tìm được sự an ủi nào nữa, và trong cảnh tuyệt vọng ông muốn tìm ra lối thoát cho cảnh cùng khổ của mình. Ông xin phép vợ, chị dâu và gia đình để ông rời bỏ làng quê. Ông để lại công việc đồng áng cho gia đình gánh vác, rồi ông ra đi tìm đường thiêng liêng, cùng với một người bạn đồng hành và môn đệ là U Nyo.

U Thet đi lang thang khắp nước Myanma trong cuộc tìm kiếm thiêng liêng của mình, đến thăm các khu ẩn cư trên núi và các tu viện trong rừng, học hỏi với các thầy dạy khác nhau, cả tu sĩ lẫn người thế tục. Sau cùng, theo lời khuyên của thầy cũ là Saya Nyunt, ông đi lên miền bắc tới Monywa để thụ giáo với Hòa thượng Ledi Sayadaw.

U Thet ở với Ledi Sayadaw cả thảy bảy năm, trong suốt thời gian này vợ và chị dâu của ông cấp dưỡng cho ông bằng cách gởi tiền do các vụ thu hoạch hằng năm của gia đình.

Sau bảy năm, ông cùng U Nyo trở về làng, nhưng không trở về nhà cũ của mình. Lúc ông khởi hành, Ledi Sayadaw đã khuyên ông chuyên chăm luyện tập samàdhi (định) và paññā (tuệ) để ông có thể bắt đầu giảng dạy.

Theo lời khuyên của thầy, nên vừa đến Pyawbwegyi, họ đi thẳng tới giảng đường (sala) ở bìa nông trại của gia đình, và họ dùng đó làm hội trường Giáo pháp. Tại đây họ bắt đầu suy niệm liên tục. Họ nhờ một phụ nữ ở gần đó lo cơm nước mỗi ngày hai bữa cho họ trong khi họ hành thiền.

U Thet tiếp tục sống như thế trong suốt một năm. Ông đã tiến bộ nhanh về suy niệm, và sau thời kì này ông cảm thấy cần đến lời khuyên của thầy ông. Ông không thể đích thân đến gặp thầy, nhưng ông biết trong nhà mình có những sách của thầy cất trong tủ. Vì vậy, ông trở về nhà để tham khảo các sách ấy.

Vợ và chị dâu ông rất giận vì ông không trở về nhà sau một thời gian vắng nhà lâu như thế. Vợ ông thậm chí đã quyết định bỏ ông. Khi các chị em thấy U Thét về đến gần nhà, họ quyết định không thèm chào hỏi ông. Nhưng ngay khi ông đến cửa, họ không thể nào cưỡng lại tình cảm của họ và đã vồn vã tiếp đón ông. Họ nói chuyện với nhau một lát, rồi U Thet xin họ tha thứ cho ông, là điều họ sẵn sàng làm ngay.

Họ mời ông dùng trà và dùng bữa với họ. Ông đi kiếm những cuốn sách rồi giải thích cho vợ ông rằng bây giờ ông đang sống theo bát giới và không quay trở về đời sống gia đình nữa. Từ nay họ sẽ sống với nhau như anh chị em.

Vợ và chị dâu của ông mời ông về nhà mỗi ngày để ăn sáng, và họ rất vui lòng tiếp tục cấp dưỡng cho ông. Ông vô cùng biết ơn lòng quảng đại của họ và ông nói cách duy nhất ông có thể trả ơn họ là trao tặng cho họ Giáo pháp.

Lúc đầu người dân làng đều không muốn đến để nghe U Thet giảng dạy. Họ tưởng lầm rằng ông quá đau buồn vì mất các con và xa làng, nên nay ông đã bị điên. Nhưng dần dần qua những lời nói và hành động của ông họ nhận ra rằng ông đã là một con người được biến đổi, một người sống theo Giáo pháp.

U Thet bắt đầu dạy ànàpàna (niệm hơi thở) cho một nhóm khoảng mười lăm người vào năm 1914, khi ông 41 tuổi. Tất cả các thiền sinh đều ở lại nhà khách, có người thỉnh thoảng mới về nhà một lần.

Một năm sau, U Thet đưa vợ, chị dâu và một ít người khác trong gia đình đến thăm và bày tỏ lòng tôn kính đối với thầy của mình. Trong cuộc thăm viếng này, Ledi Sayadaw trao cây gậy của mình cho U Thet và nói: "Này, học trò xuất sắc của thầy, hãy cầm lấy cây gậy của thầy và ra đi. Hãy giữ gìn nó. Thầy không trao gậy này để con được sống lâu, nhưng để làm phần thưởng cho con, để không điều gì bất hạnh xảy ra trong đời con. Con đã thành đạt rồi. Từ nay trở đi, con phải giảng dạy Dhamma về rùpa và nama (sắc và danh) cho sáu ngàn người. Giáo pháp con đã học biết thì vô tận, vì thế con hãy truyền bá sasana (giáo pháp). Con hãy thay ta làm rạng danh giáo pháp."

Ledi Sayadaw triệu tập các tì kheo của tu viện Ngài và nói: "Người tại gia này là học trò xuất sắc U Po Thet của ta... Ông có khả năng dạy thiền giống như ta ... Hãy học phương pháp của ông và thực hành." U Thet dạy Thiền Quán (Vipassāna) cho khoảng 25 tì kheo có học của tu viện, lúc này ông đã được gọi là Saya Thegyi (saya nghĩa là thầy; và gyi là một hậu tố chỉ sự kính trọng).

Khi quay trở về làng, Saya Thetgyi bàn bạc với gia đình về cách thức để thi hành lệnh truyền bá thiền của Ngài thiền sư Ledi Sayadaw. Lúc đầu Saya Thetgyi nghĩ mình phải đi khắp nước để giảng dạy, nhưng chị dâu khuyên ông nên ở lại nhà khách và tiếp tục giảng dạy tại hội trường Giáo pháp tại đây. Ðúng như chị dâu ông tiên đoán, nhiều người bắt đầu đến học, và danh tiếng Saya Thetgyi lan rộng như một bậc thiền sư. Ông dạy cho những nông dân chất phác cũng như cho những người thông thạo các bản kinh Pàli. Làng của ông không xa thủ đô Yangon bao nhiêu, nên các nhân viên chính phủ và các người dân thủ đô, như U Ba Khin, cũng đến học.

Từ khi rời trung tâm của Ledi Sayadaw trở về, Saya Thetgyi sống tự lập và chỉ ăn mỗi ngày một bữa, trong cô tịch và thinh lặng.

Trong suốt ba mươi năm ông giảng thiền cho mọi người đến với ông, được hướng dẫn bởi kinh nghiệm thực hành của ông và sử dụng các thủ bản của Ledi Sayadaw làm sách tham khảo. Ðến năm 1945, khi ông 72 tuổi, ông đã hoàn thành sứ mạng giảng dạy cho hàng ngàn người. Vợ ông đã qua đời; chị dâu ông bị liệt; và sức khỏe của chính ông đã suy yếu. Vì the,á ông phân phát hết tài sản của mình cho các cháu trai, cháu gái của ông, còn giữ lại năm mươi mẫu ruộng để duy trì hội đường Giáo pháp.

Ông có hai mươi con trâu đã từng cày ruộng cho ông trong nhiều năm. Ông phân phát tất cả cho những người mà ông biết sẽ đối xử tử tế với chúng, rồi cho chúng đi với những lời này, "Các con là những ân nhân của ta. Cám ơn các con vì nhờ các con mà lúa đã mọc lên. Bây giờ các con không phải làm việc nữa. Cầu mong cho các con được giải thoát khỏi kiếp sống này để có một kiếp sống tốt hơn."

Saya Thetgyi chuyển đến Yangon vừa để chữa bệnh vừa để ở gần các học sinh của ông tại đây. Một trong số học sinh này đã mở một trung tâm thiền ở triền đồi phía bắc Chùa Shwedagon. Gần đó có một hầm trú bom đã được xây vào thời Thế chiến thứ hai. Saya Thetgyi dùng nơi trú bom này làm hang thiền của mình. Các học sinh của ông từ Yangon, kể cả U Ba Khin, đến thăm ông thường xuyên mỗi khi họ có thời giờ. Hằng đêm ông thường ngồi thiền cùng với các học sinh của ông, con số lên đến khoảng năm mươi người. Trong những cuộc hành thiền tập thể này, Saya Thetgyi thường không nói, chỉ quán tưởng trong thinh lặng. Trong một lần hành thiền như thế, Saya Thetgyi trước đó đã bị nóng lạnh, bỗng nằm ngửa ra và sau một giờ thở rất khó, ông đã qua đời.

Thi hài ông được hỏa táng trên sườn phía bắc của Chùa Shwedagon, và Sayagyi U Ba Khin cùng các học trò của ông sau này đã xây một ngôi chùa nhỏ tại đây. Nhưng có lẽ đài kỉ niệm thích hợp và lâu bền nhất để tưởng nhớ vị thiền sư lỗi lạc chính là sự kiện nhiệm vụ mà Ledi Sayadaw trao phó cho ông để truyền bá Giáo pháp cho mọi tầng lớp xã hội vẫn đang được tiếp tục.

Chơi Với Lửa

Trong số những người đến học thiền với Saya Thetgyi có một học giả Phật giáo, một người rất uyên bác. Tiếc thay ông này tỏ ra quan tâm đến lí thuyết Vipassāna nhiều hơn là kinh nghiệm thực hành của chính bản thân mình. Nhưng sau khi kết thúc thành công khóa học mười ngày, ông ra về rất hài lòng về những gì mình đã làm được.

Một ít tháng sau người đàn ông này trở lại thăm Saya Thetgyi, và kính cẩn dâng lên thầy một hoặc hai cuốn sách. "Thưa thầy," người đàn ông nói, "Tôi đã viết xong một cuốn sách cắt nghĩa cách quán tưởng như thế nào, và tôi đã viết dâng tặng thầy như vị thầy của tôi."

Saya Thetgyi hỏi, "Chỉ có số sách này viết đề tặng tôi ư?" "Ô không, thưa thầy. Tất cả các sách khác tôi cũng ghi đề tặng thầy."

"Tốt lắm, nếu anh muốn đề tặng tất cả cho tôi, anh hãy mang tất cả số sách đó đến đây." Nhà học giả vui vẻ chấp nhận, vì nghĩ rằng có thể Saya Thetgyi sẽ làm một lễ nghi gì đó để chúc phúc cho công trình của mình. Ít ngày sau ông quay trở lại với một xe chứa đầy sách.

"Tất cả sách của anh là ở đây ư?" Saya Thetgyi hỏi.

"Vâng, thưa thầy," người đàn ông hãnh diện đáp.

"Tốt lắm," Saya Thetgyi nói, "Anh hãy đưa ra cánh đồng hoang đằng kia." Người học giả làm như lời Saya Thet hướng dẫn, và không quên xếp các sách thành một chồng ngay ngắn.

"Bây giờ," thiền sư nói, "Anh vào trong bếp lấy một chai dầu lửa và mấy que diêm ra đây."

"Dầu lửa à? Diêm à?" Người đàn ông kinh ngạc. Saya Thetgyi sẽ dùng nó làm gì trong nghi lễ này đây?

"Phải, dầu lửa và diêm." Một lần nữa học giả làm theo lời thầy, dù hơi miễn cưỡng. Khi ông trở lại với chai dầu và que diêm, Saya Thetgyi nói, "Tốt! Bây giờ anh rưới dầu lên đống sách và đốt chúng đi."

Người học giả không còn chịu đựng được nữa. "Cái gì, thưa ngài! Ngài không đùa đấy chứ! Tôi đã vất vả làm việc nhiều tháng trời để viết cuốn sách này."

Saya Thetgyi trả lời, "Lẽ ra anh nên dùng thời giờ của mình để quán tưởng thì hơn. Làm sao anh có thể dạy người khác quán tưởng mà chính bản thân anh đã không quán tưởng sâu xa? Cho dù anh đã hiểu nó rành rọt, làm sao anh có thể hi vọng người khác cũng học được cách quán tưởng từ một cuốn sách? Họ chắc chắn sẽ tự đốt cháy mình giống như đám trẻ chơi với lửa vậy. Tốt hơn anh nên đốt mớ sách này đi!"


--------------------
The last
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Thelast
bài Nov 18 2007, 04:26 PM
Bài viết #20


The last...
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 1,324
Gia nhập vào: 10-February 07
Thành viên thứ.: 4



Webu Sayadaw (1896-1977)


Hòa thượng Webu Sayadaw là một trong số những tì kheo được kính trọng đặc biệt ở Myanma trong thế kỉ này. Nét độc đáo của ông là ở chỗ dành hoàn toàn tầm quan trọng cho việc chuyên chăm thực hành hơn là sự thành tựu trong việc nghiên cứu lí thuyết

Webu Sayadaw sinh ngày 17 tháng 2 năm 1896 tại làng Ingyinpin thuộc miền thượng Myanma. Theo truyền thống, lúc lên 9 tuổi ông vào chùa để trở thành Sa di và bắt đầu được đào luyện về Kinh điển Pàli cho tới lúc ông 27 tuổi. Năm 1923 (bảy năm sau khi thụ giới), ông rời tu viện và sống bốn năm trong cảnh cô tịch.

Ông thực hành (và sau này dạy) phương pháp ànàpàna-sati (ý thức việc hít vào và thở ra). Ông nói khi thực hành phương pháp này ở mức độ tập trung rất sâu, người ta có thể phát triển Vipassāna (quán thông) về những đặc tính cốt yếu của mọi kinh nghiệm: anicca (vô thường), anattà (vô ngã) và dukkha (khổ não).

Webu Sayadaw nổi tiếng về sự chuyên chăm không nao núng trong việc quán tưởng và trải qua hầu hết thời gian của mình trong cảnh cô tịch. Người ta coi ông là một A-La-Hán, và người ta cũng nói ông không bao giờ ngủ.

Trong năm mươi bảy năm đầu cuộc đời, Webu Sayadaw sống ở Myanma thượng, chia thời giờ của mình cho ba trung tâm thiền ở một khu vực nhỏ. Sau chuyến đi lần đầu tiên tới Yangon, theo lời mời của Sayagyi U Ba Khin năm 1953, ông cũng xuống vùng Myanma hạ, và thỉnh thoảng đi lại ở đây để giảng dạy và quán tưởng. Ông cũng đi hành hương tới Ấn Ðộ và Sri Lanka. Webu Sayadaw qua những ngày cuối đời mình ở trung tâm thiền tại làng quê nơi ông sinh trưởng. Ông qua đời ngày 26 tháng 6 năm 1977, hưởng thọ 81 tuổi.


--------------------
The last
Go to the top of the page
 
+Quote Post

6 Trang V  < 1 2 3 4 > » 
Reply to this topicStart new topic
1 người đang đọc chủ đề này (1 khách và 0 thành viên dấu mặt)
0 Thành viên:

 



.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 26th April 2024 - 09:17 AM