IPB

Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

 
Reply to this topicStart new topic
> CÓ NÊN DẠY TRẺ HỌC ĐỌC SỚM?
vantrung
bài Dec 1 2017, 10:13 AM
Bài viết #1


Advanced Member
***

Nhóm: Members
Bài viết: 1,240
Gia nhập vào: 25-May 07
Từ: HCM
Thành viên thứ.: 30



CÓ NÊN DẠY TRẺ HỌC ĐỌC SỚM?
THUY LIEN•23 THÁNG 11 2017
HTTPS://WWW.FACEBOOK.COM/NOTES/THUY-LIEN/CO...62533293765027/
Sáng nay mình có xem clip của một mẹ đăng trong một group về nuôi dạy con. Thực ra clip này không có gì đặc biệt lắm cho đến khi mình để ý là em bé trong clip đó chỉ mới hơn 2 tuổi mà mẹ của bé đã dạy học đọc bằng cả tiếng anh và tiếng việt. Mình cũng không chắc là mẹ dạy bé bằng phương pháp như thế nào nhưng mình chắc chắn một điều là mẹ có dạy bé học đọc bằng cách nhận biết mặt chữ và ghép vần. Bởi vì trong quá trình đọc sách với con, thay vì chỉ vào hình đồ vật trong sách thì mẹ chỉ vào chữ. Điều khiến mình ngạc nhiên hơn là có một bạn comment khen em bé thật giỏi khi có thể đọc được tiếng việt ở độ tuổi nhỏ như vậy. Tuy nhiên mẹ bé lại trả lời rằng bé không có gì là giỏi vì còn rất nhiều chữ bé đọc sai.
Thực sự mình cảm thấy rất băn khoăn, mình đã định viết một comment rất dài bên dưới nhưng sau đó mình không làm như vậy. Mình nghĩ việc nuôi dạy con là lựa chọn của mỗi ông bố bà mẹ. Với cương vị là một người mẹ, mình chẳng có quyền gì để lên án hay chê trách việc dạy con học đọc ở độ tuổi sớm như vậy. Mình nghĩ suy cho cùng tất cả những hành động của mẹ xuất phát từ lòng yêu thương và mong muốn con mình trở thành một người thành đạt, giỏi giang. Mặc dù suy nghĩ như vậy, nhưng mình không khỏi trăn trở khi nghĩ về việc một đứa trẻ phải học đọc ở độ tuổi quá sớm như vậy.
1. Khi nào trẻ nên học đọc
Ngày nay cùng với sự phát triển của các phương pháp giáo dục trẻ trong những năm đầu đời thì những kĩ năng về đọc, viết, làm tính ở trẻ nhỏ ngày càng có khuynh hương phát triển. Các bố mẹ thực sự quan tâm đến khả năng đọc viết và tính toán của con từ rất sớm. Có rất nhiều quảng cáo nói rằng việc con biết đọc, viết, tính toán sớm sẽ tốt cho sự phát triển của trẻ, giúp trẻ phát triển tư duy logic, là một thước đo sự thông minh ở trẻ nhỏ… Tuy nhiên, độ tuổi trẻ bắt đầu có sự thích thú với con chữ thì khác nhau. Mỗi trẻ có một thời điểm cảm thấy hứng thú với chữ sốriêng. Tuy có một số trẻ đến rất sớm, khoảng 2,3 tuổi, bé đã có sự tò mò về chữ, số, một sốbé đến 4- 5 tuổi mới bắt đầu để ý, có bé còn muộn hơn. Và tất cả các trường hợp trên đều nằm trong sự phát triển bình thường của trẻ, chú ý đến chữ và số sớm chưa chắc đã là thiên tài và ngược lại. Tuy nhiên việc trẻ chú ý đến chữ và chuyện dạy trẻ đọc lại là chuyện khác.
Mình muốn giải thích một chút, học đọc ở đây là sau quá trình bé thuộc bảng chữ cái, mẹ hay cô giáo hay người nuôi dưỡng sẽ dạy bé ghép các vần với nhau và đọc các từ, các câu, đoạn văn. Đó là một quá trình rất phức tạp và khó khăn. Việc học đọc khi ở độ tuổi quá sớm thực sự không tốt với trẻ. Trước đây, mình không hiểu tại sao trẻ em lại được quy định sẽ bắt đầu đi học khi tròn 6 tuổi? Thậm chí ở một số nước phát triển, việc tính tuổi đi học của trẻ rất chặt chẽ. Ngày khai trường cho kì thu thường là 1/9 nên những bé sinh sau ngày đó sẽ phải học với các bạn năm sau. Tuổi đi học được tính toán tỉ mỉ dựa trên ngày, tháng, năm sinh chứ không chỉ đơn thuần năm sinh như ở Việt Nam. Mình vẫn nhớ một kỉ niệm khi mình học thạc sĩ về kinh tế phát triển, mình có suy nghĩ về luận văn tốt nghiệp. Vì có một số bộ số liệu về trẻ nhỏ rất tốt, mình định làm luận án tốt nghiệp về sự phát triển của trẻ em ở những vùng kém phát triển. Liệu ở những vùng núi cao hay vùng duyên hải nghèo khó, trẻ có thể đi học ở độ tuổi muộn hơn mốc 6 tuổi không? Liệu những trẻ đó khi đi học muộn hơn một năm hay một vài năm có cảm thấy hạnh phúc hơn không, có hứng thú với việc học hơn không? Mặc dù sau này mình không làm luận án đó nhưng điều đó đã khiến mình suy nghĩ rất nhiều.
Tại sao nhiều quốc gia (Phần Lan, Thụy Điển..) quy định 7 tuổi là độ tuổi trẻ chính thức học chữ, học đọc, viết ở trường. Có rất nhiều lí do, một trong những lí do được đưa ra dựa theo sự phát triển sinh học của con người, sau 7 tuổi trẻ có khả năng nhớ và lưu trữ kiến thức trong dài hạn. Trước 7 tuổi, não bộ của trẻ chưa hoàn thiện để ghi nhớ kiến thức trong khoảng thời gian dài. Đó là lí do tại sao người lớn hay nói “Trẻ em chóng nhớ chóng quên”.
Khi trẻ còn quá nhỏ, quá trình xây dựng và hình thành biểu tượng của trẻ vẫn đang tiếp tục diễn ra. Chính vì thế, việc dạy con học đọc sớm cũng giống như việc xây một ngôi nhà không có móng vậy. Dù trẻ có thể học được từ và ghép được vần, trẻ vẫn chưa đủ khả năng hiểu được hết nghĩa của từ cũng như chưa thể lĩnh hội được hết nội dung.
2. Học đọc sớm sẽ giúp phát triển khả năng đọc của trẻ
Mình thấy có rất nhiều bố mẹ muốn con đọc sớm vì nếu con biết đọc sớm, con có thể tự đọc sách, báo…. Mình nghĩ lí do đó không hợp lí lắm. Nếu như vì lí do đó thì mình sẽ là một trong những người đầu tiên tiên muốn con đọc sớm bởi con mình rất thích đọc sách. Hàng ngày con mình có thể dành 2-3 tiếng để đọc sách, thậm chí là hơn. Tất nhiên việc dành thời gian để đọc sách cho con cũng chiếm một khoảng thời gian rất lớn của vợ chồng mình. Nhưng ngược lại, mình lại có một quyền lực vô hình với con trong việc đọc, mình có thể sáng tạo nội dung sách mà không bị dập khuôn vào câu từ. Mình có thể nghĩ ra những chi tiết hấp dẫn hơn nội dung ban đầu của cuốn sách để thu hút con. Con hoàn toàn tin tưởng lời mình đọc. Việc bố mẹ có thể đọc sách cho con, cùng con sáng tạo tìm tòi nội dung sách sẽ thúc đẩy trí tưởng tưởng của trẻ rất nhiều. Chính điều đó mới thực sự giúp ích cho khả năng đọc của trẻ.
Gần đây, vào năm 2013, ở Anh đã diễn ra một chiến dịch mang tên “Too Much, Too Soon“. Hơn 130 chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục trẻ nhỏ đã kí tên kiến nghị chuyển việc dạy chữ và số với trẻ nhỏ ở Anh từ 4 tuổi lên 7 tuổi. Có rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc học đọc sớm không hề giúp trẻ có kĩ năng đọc tốt, thậm chí còn gây hại cho kĩ năng đọc của trẻ. Những nghiên cứu được tiến hành ở New Zealand với hai nhóm trẻ, một nhóm học đọc lúc 5 tuổi và một nhóm học đọc lúc 7 tuổi. Kết quả của nghiên cứu chỉ ra rằng không có sự khác biệt về khả năng đọc của hai nhóm trẻ trên khi trẻ 11 tuổi. Tuy nhiên nhóm trẻ bắt đầu học đọc sớm hơn (5 tuổi) có thái độ với việc đọc kém tích cực hơn và khả năng đọc hiểu cũng kém hơn so với nhóm những trẻ bắt đầu muộn hơn (7 tuổi).
3. Trẻ nhỏ còn rất nhiều thứ để chơi hơn là học
Mình nhớ cách đây khoảng 5 năm trở về trước ở Việt Nam có một phương pháp giáo dục tên là Glenn Doman rất được ưa chuộng. Phương pháp được quảng cáo có thể giúp trẻ biết đọc từ khi còn bé. Cách đây 2 tháng, một người bạn của mình có con khoảng hơn 6 tháng tuổi có tham khảo ý kiến của mình rằng có nên cho con học Glenn Doman không? Mình hỏi bạn tại sao muốn cho con học? Bạn trả lời rằng vì bạn muốn tìm một phương pháp giáo dục có thể giúp cho con bạn thông minh và nhanh nhẹn hơn. Mình cũng chỉ nói với bạn cứ tìm hiểu kĩ trước khi quyết định.
Khi trẻ còn nhỏ có rất nhiều thứ và nhiều điều giúp trẻ phát triển trí thông minh và tình yêu thương mà không cần dựa vào bất kì phương pháp giáo dục nào, nhất là những phương pháp thiên về học thuật như đọc, viết, tính toán. Bản thân đứa trẻ từ khi sinh ra đã có một sự tò mò tuyệt vời, không ngừng nghỉ và say sưa với những điều xung quanh trong cuộc sống. Có rất nhiều điều trẻ có thể học hơn là chữ: trồng cây, chơi trốn tìm, học bơi, học nấu ăn.... Mình biết có những mẹ sợ con đi học lớp 1 chương trình nặng, con có thể không viết đủ nhanh để theo kịp các bạn và yêu cầu của cô giáo. Vì thế nhiều mẹ đã đầu tư quyển tập tô chữ cho con luyện viết từ 3 tuổi. Đó là một cách làm nhưng có một cách khác hay hơn mà không nhiều mẹ chú ý: để con viết tốt thì nên cho con chơi đất nặn, chơi với cát. Các hoạt động nhào nặn sẽ giúp cơ tay và cơ ngón tay của con phát triển, việc cầm bút sẽ dễ dàng hơn nhiều.
Một số bố mẹ muốn con đọc sớm để về sau tự đọc được sách vở. Mình nghĩ việc đọc rất tốt nhưng đó không phải là hình thức tư duy cao nhất. Thay vì dạy con học đọc sớm, bố mẹ có thể chú trọng đến khả năng tư duy logic, cũng như tư duy phản biện của con thông qua quá trình cùng nhau đọc sách. Bố mẹ có khuyến khích con kể lại hoặc đặt ra những câu hỏi phản biện cho nội dung của cuốn sách.
Mình biết một cuốn sách tên là “Einstein chưa từng học theo flashcard”. Sự thực là như vậy. Hầu như những thiên tài, những nhà khoa học nổi tiếng đều có một tuổi thơ vui chơi khám phá và tự do. Gần như tuổi thơ của họ thường rất ít gắn với việc phải học những kĩ năng mang tính học thuật như đọc, viết, tính toán. Einstein ngày bé thậm chí còn mắc chứng khó đọc, là một học sinh có học lực kém trong lớp.
John Stuart Mill là một nhà triết học và kinh tế học nổi tiếng. Bố của ông cũng là một nhà khoa học rất uyên bác. Ngay từ nhỏ, Mill đã được bố thiết kế cho một con đường học tập chuyên chú để trở thành một nhà khoa học vĩ đại. Khi 3 tuổi, Mill đã bắt đầu học những bài học đầu tiên bằng chữ cổ Hy Lạp. Suốt 14 năm đầu đời, ông đã lớn lên mà không hề có một người bạn đồng trang lứa nào. Cuối cùng Mill cũng trở thành nhà triết học nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất nước Anh vào thế kỉ 19. Tuy nhiên Mill đã nói rằng ông luôn cảm thấy mình là một người bất hạnh vì ông lớn lên mà chưa từng có tuổi thơ. Vậy suy cho cùng, thành công hay giỏi giang mà phải đánh đổi bằng niềm hạnh phúc của tuổi thơ là cái giá không phải rẻ dù với bất kì ai.
Tạm kết
Nếu như coi tuổi thọ trung bình của con người là 70 tuổi thì chúng ta chỉ có khoảng 5,6 năm có thể vui chơi thoải mái mà chưa cần bận tâm về sách vở con chữ. Chính các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, thậm chí những trẻ có năng khiếu khi còn nhỏ cũng không cần phải được nuôi dưỡng trong một môi trường nặng về học thuật. Đọc, viết, tính toán là những kĩ năng có thể dễ dàng học được khi trẻ lớn. Những thứ mà trẻ cần khi còn nhỏ là một môi trường nuôi dưỡng trí tưởng tượng, các hoạt động vui chơi và đảm bảo an toàn cho trẻ.
Vì con chỉ lớn lên một lần, đừng bán rẻ tuổi thơ con cho những lời quảng cáo, cho sự phù phiếm và niềm hi vọng rằng việc học đọc sớm sẽ giúp con thông minh, hạnh phúc và thành công hơn.
Tài liệu tham khảo:
Sebastian P. Suggate, Elizabeth A. Schaughency, Elaine Reese. (2013). Children learning to read later catch up to children read earlier. Early Childhood Research Quarterly, 28 (1), 33-48
NHẬN XÉT:
VN DẠY TRẺ HỌC ĐOC, HỌC VIẾT TỪ 6 TUỔI. PHẦN LAN, THỤY ĐIỂN DẠY CHỮ TỪ 7 TUỔI. PP GLENN DOMAN CHỦ TRƯƠNG DẠY TRẺ HỌC CHỮ RẤT SỚM TỪ 6 THÁNG TUỔI.
THEO NVT , TÙY TRẺ MÀ DẠY CHỮ SỚM HAY MUỘN..
TRẺ THÔNG MINH, THÍCH NGHE ĐỌC TRUYỆN THÌ CÓ THỂ DẠY CHỮ SỚM TỪ 3,4 TUỔI. BÉ BIẾT CHỮ SẼ TỰ ĐỌC CHUYỆN RẤT SAY MÊ KHÔNG PHIỀN TỚI CHA MẸ. TRẺ KÉM THÌ DẠY TỪ 6,7 TUỔI.THƯỜNG LÀ TỪ 5 TUỔI DẠY CHO BÉ . VÌ TRƯỜNG HỌC DẠY CHỮ TỐC ĐỘ HỎA TIỄN , TRẺ YẾU KHÔNG THEO KỊP . NÊN CÓ TỆ NẠN LÊN TỚI LỚP 5 MÀ ĐỌC KHÔNG THÔNG.
NẾU MUỐN TRẺ GIỎI NGOẠI NGỮ THÌ KHI TRẺ BIẾT CHỮ VIỆT THÌ CHO HỌC THÊM TIẾNG ANH CÀNG NHIỀU GIỜ CÀNG TỐT.HÈ NÊN CHO HỌC THÊM TIẾNG ANH VÀ TOÁN.
CŨNG NÊN CHO TRẺ HỌC THÊM VẼ, VI TÍNH.
KHÔNG ĐÒI TRẺ ĐỨNG NHẤT NHÌ LỚP. HÃY TẬP TRUNG CÁC MÔN CHÍNH, NHƯ: TOÁN, TIẾNG ANH, VI TÍNH, VẼ….
CUỘC SỐNG LÀ VUI CHƠI…CHO HỌC VÀ CHO CHƠI, CHO ĐI DU LỊCH….
1/12/17 nvt


Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 người đang đọc chủ đề này (2 khách và 0 thành viên dấu mặt)
0 Thành viên:

 



.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 28th March 2024 - 08:25 PM