IPB

Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

 
Reply to this topicStart new topic
> Sức khoẻ và hoà bình, Sách mới của tiên sinh Ohsawa
Diệu Minh
bài Dec 10 2014, 06:23 PM
Bài viết #1


Bạn của mọi người
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 16,916
Gia nhập vào: 13-February 07
Từ: 103 ngách 2 ngõ Thái Thịnh I
Thành viên thứ.: 5



Chúng tôi hoan hỉ cung cấp tiếp sách của tiên sinh Ohsawa do ông Ando mang sang Việt Nam trong đợt vừa qua:

Tên sách: SỨC KHOẺ VÀ HOÀ BÌNH









--------------------
________Ngọc Trâm_________
Go to the top of the page
 
+Quote Post
Diệu Minh
bài Mar 4 2015, 09:58 AM
Bài viết #2


Bạn của mọi người
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 16,916
Gia nhập vào: 13-February 07
Từ: 103 ngách 2 ngõ Thái Thịnh I
Thành viên thứ.: 5



Sức Khỏe và Hòa Bình

CLARA SCHUMAN


Gửi tới những người bạn tinh thần mà tôi chưa biết
- Những người lần đầu đọc cuốn sách này của tôi.

□ Chìa khóa để đọc cuốn sách này □

PU (Nguyên lý vô song), phương pháp biện chứng thực hành, là một biểu thức đại số về cuộc sống con người. Đó là phương pháp sử dụng hai khái niệm: Âm (kí hiệu là ▽) và Dương (kí hiệu là △), giống như hàm X-Y trong đại số học, để lý giải tất cả mọi vấn đề phức tạp về cuộc sống con người như hạnh phúc, tình yêu, lòng dũng cảm, chính nghĩa, quốc gia, con người, mặt trăng, hoa, cách mạng, chiến tranh, hòa bình, bệnh tật, bất hạnh, tai họa…
Đây là một phương pháp phân loại mọi sự vật hiện tượng thành Âm (▽) và Dương (△). Trong thế giới hiện thực, mọi sự vật hiện tượng bao giờ cũng tạo thành một cặp: nam – nữ, trái – phải, trước – sau, trời – đất, trên – dưới, chủ – khách, hạnh phúc – bất hạnh cho đến giầy chân trái – giầy chân phải, đôi đũa trên bàn ăn, hồng cầu – bạch cầu, tim (tâm thất và tâm nhĩ), thận (thận và tuyến thượng thận)…nhân sinh (sống và chết), mọi sự vật hiện tượng xảy ra trong sự sống và cái chết; cả sự thất tình, sự tranh cãi (đối với việc kết hôn là chuyện đương nhiên không cần phải kể đến), vật lý học (sẽ ra sao nếu không có cực âm và cực dương của nguồn điện?!), rồi hóa học, và cả thần thánh cũng vậy – nếu không có thời gian và không gian, không có tính tuyệt đối và tương đối thì thật là nan giải… Bất cứ cái gì cũng đều có Âm và Dương. Tuy nhiên, do có những người không biết đến Âm và Dương, và có những thứ có vẻ như không tìm thấy Âm và Dương trong đó (chẳng hạn như 7 nốt nhạc cơ bản: Do Re Mi Fa Sol La Si, 7 màu cơ bản trong tranh vẽ cho đến vô số các loài sinh vật (mặc dù chỉ là hình thức bên ngoài) nên đã nảy sinh ra bi kịch và hài kịch ở cả phương Đông và phương Tây.
Mọi điểm then chốt trong cuộc sống từ những câu đố bí hiểm hay “nghịch lý mũi tên bay” của các nhà ngụy biện cho đến bí mật của nguyên tử chế tạo ra bom nguyên tử của thời hiện đại hay sự đối lập của Mỹ và Liên Xô, tất cả mọi thứ đều đến với cuộc đời này vì không biết đến tính tương đối và các tầng xung quanh nó (thứ sinh ra âm dương và cơ chế của nó).
Tóm lại, nguyên lý vô song là chìa khóa, là chiếc la bàn (nam châm), là ra–đa của cuộc sống. Đó là chiếc gậy ma thuật của người chỉ huy dàn nhạc, là lăng kính diệu kỳ để giám sát sân khấu trên vũ trụ, là sự thay đổi thất thường trong đầu của tầng lớp lãnh đạo của các hãng phim Holywood. Vậy thì, nếu chúng ta nắm bắt được nó thì liệu vận mệnh, sự may mắn – rủi ro hay hạnh phúc – bất hạnh sẽ đến đúng như chúng ta suy nghĩ hay không? Quả vậy, tức là chúng ta có thể trở thành những con người tự do thực sự. Vậy thì, nếu như hàng vạn người đều trở thành con người tự do thì thế giới này sẽ ra sao? Đáng để lo lắng đấy! Có lẽ chúng ta sẽ rụng hết tóc vì lo lắng mất thôi! Không! Nếu nói theo trường phái chủ nghĩa Mác thì việc chúng ta cần lo lắng đó là vì đồ ăn không tốt. Cách đây 60 năm, người ta mới chỉ phát hiện ra rằng “Ăn và uống là nguồn gốc của mọi hiện tượng kinh tế trong cuộc sống”, và kết quả là cách đây 30 năm, tư tưởng này đã ảnh hưởng đến đế quốc lớn nhất thế giới, và hiện tại, nếu Các Mác, người đã tạo nên đế chế Xô–viết làm rung chuyển nước Mỹ từ trên xuống dưới, một đất nước giống hệt đế quốc La Mã của thế kỷ 20, cùng với những thế hệ anh dũng nối tiếp khi phát hiện ra rằng trong việc ăn và uống này có chứa phép biện chứng (Các Mác chỉ tìm thấy ở bề ngoài), hay nói ngược lại, chính từ bên trong đó và chỉ từ bên trong đó mới sinh ra phép biện chứng thì lịch sử thế giới có lẽ sẽ bắt đầu từ 300.000 năm trước, và sẽ cho chúng ta thấy trang thứ nhất của “lịch sử loài người”. Nhưng cho đến lúc đó thì còn mất nhiều thời gian, thôi thì coi như đó là điều được phát hiện ra bởi Các Mác thứ hai, Các Mác thứ ba vậy, và thông thường để đến lúc hiểu được điều đó cũng phải mất vài trăm năm cho nên chúng ta không nên lo lắng. Và có lẽ cái ngày mà hàng vạn người hiểu ra sẽ không đến. Bất cứ lúc nào cũng chỉ cần một số người ít ỏi hiểu được là tốt rồi. Chỉ cần hiểu điều đó ở mức một chút ít là đủ rồi. Nghìn năm chỉ cần có một người thực sự hiểu là đủ. Trong một triệu người có một người hiểu cũng đã là nhiều.

▽ là chỉ những người hướng nội (người hay buồn bã, lạnh lùng, đau khổ)
△ là chỉ những người hướng ngoại (người thích sự náo nhiệt, nồng nhiệt, vui vẻ)
▼ là bình phương, lập phương của ▽ (▼=▽x) X = 1~8
▲ là bình phương, lập phương của △ (▲=△x) X = 1~8

Những sinh thể tập hợp nhiều sự hướng nội (đương nhiên các phi sinh thể cũng giống như vậy) sẽ là ▽, và kết quả là sẽ trở thành ▼ (trong điểm này thì triết lý nguyên lý vô song lại mang tính nguyên tử luận). Tức là chỉ những người mà sống một cuộc đời với đau khổ, nước mắt và nỗi buồn (△ thì ngược lại và cũng tương tự như vậy).
Nói ngắn gọn lại, những thứ cân bằng điều hòa được ▽ và △ sẽ là cực Dương. Đó chính là bát quái trong Kinh dịch.
Tôi đã phát hành những hai triệu cuốn liên quan đến ký hiệu ▽ và △ trong hình vẽ minh họa bí mật về vận mệnh con người. Gần đây, những người không tin vào sách của tôi hay những người tin vào sách của nước ngoài nhận được lời khuyên của GHQ (Bộ tổng tư lệnh quân đội đồng minh thời bấy giờ) là nên đọc hai cuốn kiệt tác của phương Tây đã được cho phép xuất bản. Một là cuốn “Cuộc gặp gỡ giữa Đông và Tây” của Northrop. Một cuốn nữa là “A Study of History” của Toynbee. Hai cuốn sách này được dự đoán là những bài phóng sự của nhà tư tưởng học xuất sắc Anh Mỹ, người đã phát hiện ra nguyên lý ▽△ giống như kiểu nguyên lý về con người cao nhất và duy nhất, nguyên lý về sinh mệnh, nguyên lý về lịch sử, nguyên lý về trọng tài tối cao. Ở vế trước ▽ được gọi là Alest–hetic Component, △ được gọi là Theoretic Component, ở vế sau thì đang phân chia rõ ràng thành Ying (âm) và Yang (dương).
Tôi nói dài dòng quá rồi phải không, hỡi các bạn độc giả thân mến?!
Sắp tới tôi sẽ có một cuộc hành trình rất dài. Đó là một chuyến đi không có điểm kết thúc. Bởi vì lần đi này tôi sẽ bán nhà, xử lý xong xuôi toàn bộ rồi mới đi. Có lẽ cả cuộc đời này tôi sẽ không có cái gọi là nhà cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay cũng nên! Cuốn sách này có lẽ là tác phẩm cuối cùng tôi viết trong cái gọi là “nhà của mình”.
Bằng quyển sách này, tôi xin gửi lời chào tạm biệt đến mọi người, những người bạn tinh thần ít ỏi mà tôi biết đến bởi một mối lương duyên kỳ lạ.


MỤC LỤC


Lời mở đầu …………………………………………………………. ……… 1
Clara Schuman ……………………………………………............................ 6
LỜI TỰA 7
Phần 1 Viên ngọc quý của niềm vui và nỗi buồn 8
Phần 2 Đi tới thế giới âm nhạc của tâm hồn và sự tự do 9
Phần 3 Chuyến lưu diễn nước ngoài của cô bé mười hai tuổi. 12
Phần 4 Nỗi buồn gắn kết con người lại với nhau 16


CLARA SCHUMAN


Gửi tới các bạn thanh niên!

Cuộc đời của Clara mà tôi muốn gửi đến các bạn thanh niên trong cuốn sách này có lẽ sẽ trở thành kim chỉ nam mới cho các bạn – những chàng trai, cô gái có đầy ước mơ, tâm hồn lãng mạn và lòng nhiệt huyết.
Với kim chỉ nam này, tôi tha thiết mong mỏi các bạn thanh niên sẽ tìm ra cuốn tiểu thuyết Erewhon, cuốn sách về hạnh phúc và vĩnh cửu tràn đầy ánh sáng của sự tự do, càng sớm càng tốt.

– George Oshawa–


LỜI TỰA

Ngòi bút của tôi bỗng nhiên trở nên gượng gạo đến kỳ lạ….!

Vào 2 rưỡi sáng ngày 29 tháng 10 năm 1947, tôi đặt cuốn “Clara Schuman – một người phụ nữ thực thụ” (tác giả: Harada Mitsuko) trước mặt và trầm ngâm suy nghĩ hơn 1 giờ đồng hồ.
Tôi phân vân không biết có nên viết không nhỉ? Hay là thôi không viết nữa???!
Nhưng nếu không viết thì sẽ không ai biết đến bà ấy cả.
Tôi sẽ phải viết khoảng 50 trang sách về người phụ nữ tên gọi là Clara – người sinh ra tại phía bên kia địa cầu cách đây vừa tròn 128 năm và mất đi lúc tôi khoảng 5 tuổi. Có lẽ đây là một mối lương duyên nào đó chăng? Ôi! Nếu bắt tay vào viết thì chắc là tôi sẽ bận rộn lắm đây! Nhưng thời gian để viết ra những chuyện như thế này sẽ dần mai một đi nên tôi sẽ viết trong lúc còn có thể.



Phần 1 Viên ngọc quý của niềm vui và nỗi buồn
Cuộc đời của Clara như một viên ngọc quý vĩ đại sáng lấp lánh bị bao phủ bởi quá nhiều niềm vui và nỗi buồn.
Clara là một vì sao xa xôi chỉ ra cánh cửa bước vào một thế giới mà tôi không hề biết. Việc đến thăm một thế giới xa lạ đối với chúng tôi lúc nào cũng là một niềm vui lớn. Sau khi đọc xong cuốn sách dày tới 438 trang này, tôi cảm nhận được một niềm vui vô cùng to lớn. Niềm vui này không thể không chia sẻ với nhiều bạn bè.
Clara được sinh ra tại Leipzig, Đức vào ngày 13 tháng 9 năm 1819, mang vẻ đẹp kết hợp của Friedrich Wieck 33 tuổi, dáng người gầy mang phong cách học giả, và Marianne xinh đẹp 22 tuổi, được sinh ra với vai trò là thứ nữ của hai nhạc sỹ độc tấu. Dù có nói là bẩm sinh mang tính âm đi nữa, chỉ cần nhìn mặt Clara là biết được rõ mẹ bà là người có vẻ đặc biệt thích những đồ ăn mang tính âm (bởi vậy bà ấy mang tính dương cũng không sai. Người đàn bà xinh đẹp đệ nhất ấy đã sinh ra ba người con trai sau Clara).
Khoảng cách giữa hai mắt, khoảng cách giữa hai lông mày và toàn bộ khuôn mặt của cô thiếu nữ Clara đều mang dáng vẻ có tính âm, mắt to, mũi to, môi dưới dày tới gấp ba lần môi trên, phần lằn môi thứ hai (không đỏ) nằm bên dưới môi dưới dày tận 8 mi-li-mét… Tất cả những điều đó cùng với mẹ của bà, đều biểu hiện một niềm vui thích mạnh mẽ đối với đồ ăn mang tính âm. Cuộc đời đẹp đẽ và bi ai của bà dường như đã được quyết định ngay từ khi còn trong lòng mẹ rồi. Clara cho đến lúc 4, 5 tuồi vẫn chưa thể nói một cách rõ ràng. Việc này cũng biểu hiện rõ ràng sự mạnh mẽ của tính âm trong bà. Vì đến năm lên 8 tuổi mà ngôn ngữ của bà vẫn chưa được hoàn thiện, tôi hiểu ra rằng tính âm trong cách ăn uống khi còn nhỏ của bà đã mạnh mẽ đến dường nào.

4 năm sau khi Clara ra đời, Marianne, người mẹ 26 tuổi, đã đoạn tuyệt với Clara cùng 3 người anh em và cả chồng của bà. Nhờ vào sự việc này, ta có thể xác nhận Marianne mang tính dương là chính xác. Bà ấy ban đầu là học trò piano của Wieck. Việc Wieck cũng mang tính dương là điều chắc chắn. Đó là bởi ông ta là con trai của một “thương nhân”. Sinh ra ở một nơi “khỉ ho cò gáy”, học ngành “tâm thần học”, vừa trở thành linh mục, sau đó chuyển hướng sang lĩnh vực âm nhạc và trở thành giáo viên dạy piano, nhà phê bình âm nhạc, lần đầu tiên thành lập nên bảo tàng cho thuê sách âm nhạc, làm cho một hãng đại lý của một công ty piano, chuẩn bị cho chuyến lưu diễn lớn tại nước ngoài của Clara, nâng tầm Clara lên thành nghệ sĩ piano bậc nhất, xã hội hóa âm nhạc của Clara, ngần đó cũng đủ để giải thích vì sao. Ngoài ra, ông kết hôn với Marianne năm bà 19 tuổi và năm 22 tuổi bà đã bỏ đi.

Wieck, bố của Clara, cưới học trò 19 tuổi của mình là Marianne làm vợ, dạy cô ấy piano và thanh nhạc, hàng năm bắt sinh con, hơn nữa, hàng năm còn bắt bà độc diễn piano tại buổi hòa nhạc ở Gewandhaus. Nhìn vào đây có thể hiểu được phương pháp giáo dục của Wieck mang tính dương nhiều như thế nào. Marianne đã tái hôn với người bạn của Wieck. Tuy cuộc đời của người mang tính dương toàn bi kịch, nhưng đối với cuộc đời của Wieck, do tham vọng của cuộc đời ông hướng tới cái thế giới mang tính âm to lớn có tên gọi là nghệ thuật, nên sau cùng vẫn có được hạnh phúc. Giấc mơ của ông (nâng tầm Clara lên thành nghệ sĩ piano số một thế giới) cuối cùng đã được hoàn thành. Tuy nhiên, khởi điểm đầy tươi sáng và tráng lệ của cuộc đời ông chỉ sau 3, 4 năm đã trở nên buồn khổ và khốn khó. Mặc dù vậy, ông ấy vẫn cố gắng chịu đựng cho đến cuối cùng.

Phần 2 Đi tới thế giới âm nhạc của tâm hồn và sự tự do

Vợ của Robert Schuman – người hỗ trợ cho Johannes Brahms những năm tháng dài suốt 50 năm, bà đã tỏa sáng như nữ hoàng trong giới Piano tại Châu Âu, như luồng ánh sáng trong các buổi biểu diễn âm nhạc theo chủ nghĩa Roman, thứ âm nhạc giải phóng con người ta ra khỏi tư tưởng nô lệ của thời phong kiến. Việc biết đến cuộc đời của Clara đối với nhiều người là một niềm vui lớn, là một bất ngờ lớn, là một nỗi đau sâu sắc, là một bài học vĩ đại về cuộc đời. Đó là cuốn sách giáo khoa vĩ đại, nó dạy cho chúng ta biết rõ về cấu trúc mang tính biện chứng của nhân loại, là cuốn sách đặc biệt về nguyên lý vô song, là kim chỉ nam – bảng chỉ đường cho nhân loại, là hướng dẫn đưa chúng ta đến với thế giới nghệ thuật, là câu truyện cổ tích đau đớn và buồn khổ dạy cho chúng ta về nơi có sự hiện diện của tự do và hạnh phúc. (Điều này khiến cho người ta nhớ lại quá trình sinh ra và lớn lên của bà Charlotte Bronte trong bộ phim “Jane Eyre”. Bộ phim này chắc chắn sẽ trở thành một bộ phim kinh điển!)
Phương pháp giáo dục của ông bố Wieck rất nghiêm khắc. Ông đã bắt đầu dạy Clara học âm nhạc từ lúc 5 tuổi. Lúc đó Clara còn chưa thể nói đầy đủ hết các từ, nhưng từ lúc đó Clara đã có thể đánh được một bản nhạc không cần nhìn nốt nhạc mà ông đã đánh một, hai lần trước đó. Trước khi học chữ A, B, C hay các con số 1, 2, 3 thì Clara đã đọc được các nốt nhạc, nắm bắt được tất cả các nhịp điệu trong âm nhạc. Và Calara đã đánh được nhuần nhuyễn các nốt nhạc dù lần đầu tiên nhìn thấy. Khi lên 6 tuổi, Clara đến trường nhưng từ lúc đó bà luyện tập Piano 3 tiếng mỗi ngày. Một bé gái 6 tuổi mà hàng ngày đã phải học ở trường và ở nhà từ 6 đến 8 tiếng. (Các bạn thì sao? Con của các bạn thế nào?...)
Lúc 9 tuổi, Clara đã đứng trên sân khấu (ngày 20 tháng 10 năm 1828). Vào ngày 31 tháng 3 năm đó, một sinh viên khoa Luật của trường đại học Leipzig đã được nghe Clara biểu diễn Piano tam tấu. Chàng thanh niên này sau này trở thành chồng của Clara. Bố cậu ấy đã mất 2 năm trước và cậu lớn lên dưới bàn tay chăm sóc của người mẹ, là con út trong số 5 anh em trai, sinh ra vào tháng 6 năm 1810, là một người △ điềm tĩnh, lớn hơn Clara 9 tuổi. Khi 18 tuổi, vì muốn tránh xa đời sinh viên sôi động với những cuộc tranh chấp với cậu bạn tên Parr, Robert đã giam mình trong phòng suốt ngày. Anh ấy đã viết cho người bạn bức thư như sau: “Mình dường như không thể trở nên thân thiện với bất kỳ gia đình nào. Không có lý do gì đặc biệt nhưng mình thuộc tuýp người muốn tránh xa những mối quan hệ thân quen. Chính vì thế mình hiếm khi ra ngoài. Thỉnh thoảng mình có cảm giác như bị đè nén bởi sự hèn nhát và bi thảm của cái thế giới vị kỷ này. Không hiểu thế giới không có loài người là thế giới như thế nào nhỉ? Phải chăng sẽ là những bãi nghĩa địa kéo dài vô tận, những giấc ngủ triền miên không có chiêm bao, những không gian tự nhiên không có sự viếng thăm của hoa cỏ và mùa xuân, một lăng kính không có bóng dáng con người và sinh mệnh. Bây giờ, ở trong thế giới này có rất nhiều người vậy chúng ta nên gọi nó là gì? Đó chẳng qua chỉ là một bãi nghĩa địa rộng lớn của những ước mơ đã bị chôn vùi, một khu vườn liễu và cây bách thấm đẫm nước mắt, một lăng kính đầy rẫy hình bóng con người với đầy nước mắt. Thần thánh ơi, đây là hình ảnh của thế giới này hay sao?!”.
Trong bức thư này chúng ta có thể nhìn thấy tính đa cảm của chàng thanh niên, nhưng cũng thấy cả sự nhạy bén trong việc cảm thụ thế giới. Đây là nội dung trong bức thư của một sinh viên khoa Luật 18 tuổi. Nếu so sánh anh ta với những sinh viên thời hậu chiến chúi đầu vào ăn như một lũ heo, quả thực có sự khác biệt lớn như so sánh những con heo trong chuồng với chú thỏ tự do thơ thẩn một mình trên núi dưới ánh trăng đêm.
Robert học piano cùng với ông Wieck và ước mơ sẽ trở thành nghệ sỹ Piano. Vào năm 1929, Robert chuyển sang khoa Luật trường đại học Heidelberg, nhưng để tiếp tục luyện ngón, Robert đã mang theo chiếc đàn piano không tiếng ồn về phòng trọ của mình.
Clara được bố dẫn đi theo và bắt đầu các chuyến lưu diễn. Ông bố Wieck đã rèn luyện cho Clara trở nên xuất sắc và ông có ước mơ rằng sẽ có các buổi biểu diễn hòa nhạc định kỳ tại thành phố Paris – thiên đường âm nhạc. Do đó, Clara đã bắt đầu biểu diễn vòng quanh nước Đức từ năm 9 tuổi.
Sau một năm học tại trường đại học Heidelberg, Robert xin mẹ cho phép mình trở thành nhạc gia. Anh ấy muốn đi trên con đường nghệ thuật đỉnh cao đầy khắt khe cho dù có đầy chông gai chăng nữa, còn hơn là sống một cuộc sống không có giá trị kiểu như phải đứng trước pháp đình vì tội lừa đảo hay ăn cắp ăn trộm, hoặc có trong tay chiếc bánh mỳ một cách dễ dàng. Một thế giới mà có nhiều những chàng trai, cô gái dám vứt bỏ con đường sự nghiệp yên bình của mình để đi trên con đường nghệ thuật khắt khe đầy chông gai như Clara, Schuman, Sôpanh, Brahms chỉ có ở phía bên kia bờ đại dương. Còn đất nước mà có nhiều những chàng trai cô gái đáng thương chỉ biết học để mưu cầu tiền tài, danh vọng hay sự nghiệp lại có ở chính thế giới đang hiện hữu này. Trên thế gian này, người đáng thương nhất là những chàng trai, cô gái mặc dù bản thân còn non trẻ, giống như những chú chim non tự do nhưng phải học hành để có được chức danh, rồi trở thành nô lệ của đồng lương. Đất nước mà có những chàng trai, cô gái học hành chỉ vì muốn có trong tay đồng lương không giá trị chỉ là một đất nước nô lệ mà thôi. Mặc dù còn là thanh niên, đáng ra có nhiều mục đích sống khác, vậy mà họ lại coi việc trở thành nô lệ của đồng lương là mục đích sống cao nhất của đời người, quả là đáng thương. Ông bố của các bạn thật là tồi, đặc biệt là bà mẹ của các bạn. Những bà mẹ tồi sẽ sinh ra và nuôi dạy đứa trẻ thành những con người nô lệ. Mẹ của Robert, người đã cho phép anh thực hiện mong ước của mình, là người một năm trước đã bác bỏ gay gắt mong muốn của anh khi nói rằng: “Con không có sự trang bị cần thiết để trở thành một nhạc gia”, nhưng sau khi hỏi ý kiến ông Wieck, định mệnh của Robert Shuman, một nhạc gia lớn, đã được quyết định bởi câu trả lời gồm 5 điều nổi tiếng. Ông Wieck đã nói rằng: “Nếu Robert tuân thủ tốt 5 điều này thì tôi vui mừng cam đoan rằng anh ta chắc chắn sẽ trở thành nghệ sỹ dương cầm lớn trong vòng 3 năm”.
Năm 20 tuổi, Robert được đến học tại nhà của ông Wieck. Khi Robert lười học đàn Piano thì cô bé Clara, lúc đó mới 11 tuổi đã khuyên bảo với lời lẽ rất tươi vui và hóm hỉnh. Gia đình ông Wieck là một gia đình gia giáo mà âm nhạc là trung tâm. Ngôi nhà này chính là cái nôi sinh ra thế giới âm nhạc mới, âm nhạc của sự “tự do”. Giới âm nhạc lúc bấy giờ đang bị cuốn vào trào lưu Opera của Ý, nó mang đậm những âm điệu rẻ tiền và sự lộng lẫy khoa trương. Và sau đó, từ trong sự xuống dốc đó, một thế giới âm nhạc tràn đầy hương sắc thanh cao đã xuất hiện một cách lặng lẽ như khi mặt trời mọc. Đây chính là sự ra đời mang tính biện chứng của âm nhạc hiện đại. Schubert đã mang âm nhạc chạm đến thế giới bay bổng và thăng hoa của thi ca, còn Beethoven lại thể hiện ý kiến mạnh mẽ của mình thông qua âm nhạc và đã đạt được những thành công trên cả thi hào Goethe trong lĩnh vực văn học. Nhưng mọi người trên thế giới này vẫn không biết rõ về Schubert và Beethoven. Ngôi sao mới là ngôi sao lúc nào cũng mọc trên cao trong lúc mọi người không hề hay biết. Còn ngôi sao mà mọi người nhìn thấy ngay từ lúc bắt đầu mọc là ngôi sao trong bóng tối (hay gọi cách khác là ngôi sao nhân tạo).
Thật kỳ lạ là những ngôi sao lớn như Berlioz, Mendelssohn, Chopin (Sôpanh), Schumann, Liszt, Wagner…. đều sinh ra vào khoảng từ năm 1803 đến năm 1813, nhưng mọi người lại không biết đến các tài năng trẻ này. Đến khoảng năm 1830, người nhiều tuổi nhất là Berlioz đã phải nỗ lực, đấu tranh trong tuyệt vọng với tận cùng của sự đơn độc. Còn ông Wieck thì dẫn dắt thế hệ trẻ tuổi từng bước, từng ngày bước lên đỉnh cao của nền nghệ thuật đòi hỏi tính khắt khe. Robert thì không rõ từ lúc nào đã trở thành trung tâm của các cuộc họp của giới văn nghệ sỹ.
Vào mùa hè năm 1832, bọn họ đã có một phát hiện lớn tại cuộc họp văn nghệ sỹ này. Đó là một tác phẩm của nghệ sỹ dương cầm trẻ tuổi ở thành phố Warsaw (Ba Lan). Tác phẩm đã mang đến niềm say mê và một hơi thở tinh tế mang tính bản năng của con người, thay vì sự khoa trương nhạt nhẽo kiểu cơ hội. Họ đã phải thốt lên một cách cuồng nhiệt, và Schumann cũng phải hét to lên khi phát hiện ra điều đó…
“Hỡi những chàng trai! Xin các bạn hãy ngả mũ cúi chào vì con người này quả là một thiên tài!!!”
Năm Clara 12 tuổi, bà đã mất 8 ngày để học bản giao hưởng số 2 của Sôpanh và bà nói rằng: “Đây là bản giao hưởng khó nhất mà tôi được học từ trước đến nay.”
Clara đã được nuôi dạy trong một môi trường như vậy.



Phần 3 Chuyến lưu diễn nước ngoài của cô bé mười hai tuổi.

Năm 1831, ông Wieck đã chuẩn bị một chuyến lưu diễn thử nghiệm cho buổi biểu diễn của Clara ở một thành phố lớn của nước Đức và Pari. Vào tháng 8 năm đó, Clara bị mắc bệnh sởi. Hơn nữa lúc này Clara mới chỉ là một cô bé 12 tuổi (Bệnh sởi phát càng chậm thì thể chất sẽ càng âm ▽). Chính vì vậy chuyến lưu diễn đã bị hoãn lại. Clara bị bắt học tiếng Pháp khi vẫn đang nằm trên giường bệnh. Đây quả là hình thức giáo dục khắt khe! Đây là hình thức giáo dục tinh thần, tức là cho dù đang bị bệnh chăng nữa thì vẫn phải nghĩ đến mục đích tiếp theo để đứng dậy! Một buổi sáng se lạnh ngày 25 tháng 9, chuyến lưu diễn được khởi hành.
Họ đã gặp nhà thơ lão thành tên Goethe ở Weimar. Họ đã nhận được kỷ niệm chương bằng đồng. Nhờ vậy, họ đã được cho mượn nhà hát quốc gia miễn phí và biểu diễn piano cho năm trăm vị khách thuộc tầng lớp thượng lưu nghe.
Chuyến hành trình trên chiếc xe ngựa chở khách tiếp tục đi qua Erfurt… Gotha …Arnstadt… sau đó họ đã đến Kassel. Ở đó, họ đã đến thăm Nhà soạn nhạc nổi tiếng Spohr, và đã đánh bản Sôpanh.
Spohr đã rất hào hứng thốt lên rằng: “Quả là xuất chúng! Đây là khởi nguồn cho một thế giới mơ mộng!”. Và ông đã đứng lên phía trước, dốc hết sức mình cho việc biểu diễn của Clara tại những buổi hòa nhạc và những cung điện lộng lẫy.
Khi họ đến Frankfurt cũng là lúc đã đến Lễ Giáng sinh. Cô bé mười hai tuổi rất nhớ Lễ Giáng sinh ở quê hương và rất nhớ nhà.
Tại ngôi nhà buồn tẻ của ông Wieck, Robert tiếp tục luyện tập chăm chỉ piano trong hai ngày, anh ấy liên tục vận động mạnh những ngón tay của mình nhằm làm cho chúng trở nên khỏe hơn theo phương pháp đặc biệt do chính mình nghĩ ra, nhưng do vận động quá gấp nên bốn ngón tay của anh đã bị tổn thương, vĩnh viễn không chơi đàn được nữa. Đây đúng là một bản án tử hình đối với một nghệ sĩ piano. Tuy nhiên, anh đã tiếp tục nỗ lực không ngừng đến cùng cho ý định ban đầu của mình là sẽ đứng lên như một nhà soạn nhạc. Cho dù ngón tay không chơi được đàn nữa thì cũng phải nghĩ đến mục đích tiếp theo để đứng dậy.
Cha con nhà ông Wieck chuẩn bị hành trình đi đến Pari.
Cách đây 120 năm thì có lẽ những chuyến xe ngựa đi hàng trăm dặm từ Frankfurt, Darmstadt, Mainz… Pari… là những chuyến đi rất khổ cực. Ngày đầu tiên họ đã phải đi đến hơn sáu mươi dặm, việc phải liên tục di chuyển trên những chuyến xe trong bốn ngày cho dù có đi được bằng tàu hỏa như ngày nay chăng nữa thì cũng chẳng thoải mái gì. Trong 30 năm, tôi cũng di chuyển trên 2 vạn dặm mỗi năm nhưng tôi vẫn thật sự phải cúi đầu bái phục trước Clara.
Trong giá rét ngày 16 tháng 2, cha con nhà ông Wieck cũng đến được Pari. (Mùa đông của Pari rất lạnh!)
Ở Pari, làn sóng cách mạng vẫn chưa lắng xuống, nó vẫn cho chúng ta thấy ảnh hưởng của đói khát và hưởng lạc, tuyệt vọng và bạo lực. Pari vào thời gian này rất giống với Tokyo hiện tại. Sôpanh năm 21 tuổi đã rất dũng cảm một mình đi vào vùng hỗn loạn của Pari để vạch ra số phận cho mình và đến Pari trước Clara 6 tháng. Trong bối cảnh của cuộc đại cách mạng này, Clara cũng cần phải tìm ra con đường sống cho mình. Clara chỉ coi Sôpanh là tinh thần của mình, cho dù có tài năng thiên bẩm của Sôpanh đi chăng nữa thì cũng vẫn phải cố gắng hết mình để tồn tại.
Nhà soạn nhạc trẻ tuổi Liszt cũng sắp đến Pari. Nhà soạn nhạc Mendelssohn cũng đến, trong hai tuần nhưng họ đã được đông đảo mọi người mến mộ. Ba nhà soạn nhạc trẻ tuổi Sôpanh, Liszt, Mendelssohn cùng gặp gỡ quen biết nhau tại Pari, cùng nhau hứa hẹn gắn bó suốt đời không thay đổi. Quả thực là không có gì quí báu bằng những người bạn tinh thần. Khi có được người bạn tinh thần là ta đã thành công ở bước đầu tiên trong cuộc đời.
Chẳng bao lâu, một buổi biểu diễn hòa nhạc của Sôpanh đã được tổ chức ở thính phòng Pleyel của Pari. Ông Wieck đã dẫn theo Clara khi đó 13 tuổi đến xem, cô bé đã được xem chính Sôpanh diễn tấu bản giao hưởng số 2 mà cô rất thích và khi nghe, trái tim cô đập rộn ràng… Ở phòng chờ, Clara đã nhìn chăm chú Sôpanh, Mendelssohn, Liszt đang cười đùa vui nhộn với khuôn mặt rạng rỡ. Một cô gái nhỏ bé mới 13 tuổi đã làm bạn với những thi sĩ có tâm hồn tự do, với những nghệ sĩ piano trẻ tuổi tài giỏi!… (Hai mươi lăm năm trước tôi cũng được nghe hòa nhạc của Taleka ở thính phòng đó, tôi là người không biết gì về nhạc lý nên hoàn toàn không hiểu gì, bây giờ khi nhớ lại tôi thấy thật xấu hổ, tôi là một người mù tịt về âm nhạc nên tôi chỉ có ấn tượng là đã đến một buổi hòa nhạc rất sang trọng. Thế giới âm nhạc là thế giới kì lạ mà đến bây giờ tôi mới được mở mang. Thế giới đó đã sinh ra nhiều những con người vĩ đại về tâm hồn, những bậc thầy về âm nhạc như Sôpanh, Berlioz, Beethoven,Wagner, quả là thế giới kì lạ.) 
Khi Clara 13 tuổi, cô bé đã nỗ lực hết mình để đạt đến tầng cao nhất của thế giới âm nhạc này. Tuy nhiên, công tác xã giao của người cha Wieck lại không hiệu quả nên mãi đến tháng 4 họ mới chỉ có thể tổ chức được một buổi hòa nhạc nho nhỏ. Nhưng thật không may mắn, giới thượng lưu đã rời bỏ Pari nên họ không thu được kết quả gì.
Ngay sau đó, ngày 13 tháng 4, Clara và ông bố cũng rời bỏ Pari. Chuyến hành trình kéo dài 7 tháng gian khổ đã kết thúc trong thất bại. Ngày 1 tháng 5, chiếc xe ngựa đã mang hai con người mệt mỏi trở về ngôi nhà mà họ nhớ mong.
Cô bé Clara 13 tuổi đánh đàn piano bằng những ngón tay tinh tế, biểu diễn tại những buổi hòa nhạc ở những thành phố lớn mà mọi người chưa biết đến ở khắp mọi nơi, rồi vừa kiếm tiền trang trải cho chi phí đi lại, chi phí hội trường, vừa gọt giũa nghệ thuật cho bản thân và đã thực hiện được chuyến hành trình xe ngựa hàng trăm dặm. Dù là thiếu nữ, thiếu niên, hay là thanh niên của nước thua trận thì các bạn có dũng khí như vậy không? Cho dù có buôn bán trong một đất nước nghèo nàn, nhỏ hẹp này thì cũng không có nhiều những thiếu niên, thiếu nữ, thanh niên hay người trưởng thành có dũng khí thực hiện 1 chuyến đi mà trong tay không có đồng xu nào trong 7 tháng như vậy. Và tất nhiên đó phải là dũng khí để đi qua những vùng đất chưa biết đến, những con người chưa biết đến ở nước ngoài hay giữa những người không hiểu ngôn ngữ của nhau…
Tôi sẽ trao tặng và hỗ trợ toàn sức lực cho những thanh niên có năng lực về nghệ thuật, học vấn, kỹ năng hay ý chí muốn ra nước ngoài để tu bổ cho kiến thức của mình.
Ở đó có rất nhiều người mặc dù không có nghệ thuật hay học vấn, kĩ năng hay tác phẩm đặc biệt nào nhưng họ vẫn dám lao mình vào một thế giới, một vùng đất đen tối giữa những người xa lạ, những người thổ dân bằng tín ngưỡng hay tư tưởng của chính mình. Chúng ta không thể biết được trong 400 năm này có mấy vạn người dám mạo hiểm tinh thần của mình như vậy. Thế nhưng đã có bao nhiêu người ra đi từ những đất nước chưa từng thua trận? Nếu trong số những người truyền bá những tư tưởng lớn như: thế giới chung một mái nhà, hay là mọi quốc gia đều là một quốc thể thống nhất duy nhất mà không có một ai đạt được thành công như Sôpanh hay Lizst đã đạt được ở một đất nước khác như thành phố Pari khi 21, 22 tuổi thì không hiểu phải gọi đó là gì? Phải chăng là nhân loại không biết đến sự xấu hổ?
Phải chăng chỉ có một Okakura Kakuzo? Không hiểu tại sao người hiểu được Kakuzo không tồn tại ở nước thua trận! Kiệt tác của Sugimoto Etsu không chỉ là cuốn sách bán chạy nhất (best–seller) ở Mỹ mà còn được dịch ra ở các nước Châu Âu, thế nhưng bây giờ cuốn sách đó chỉ là câu chuyện cổ tích nổi tiếng về Nhật Bản ngày xưa mà thôi. Hơn nữa, thậm chí nó lại không được biết đến một cách đầy đủ tại đất nước này. Hơn ba mươi năm trước tôi là một thủy thủ, ngoại trừ Châu Âu ra thì tôi cũng thử đi du lịch vòng quanh thế giới vài lần sau đó để tìm hiểu rõ hơn về địa lý xã hội, địa lý tư tưởng. Cách đây mười tám năm, với ý chí quyết tâm đến cùng, tôi đã từ bỏ mùa xuân quê hương để băng qua Siberia, tham gia vào một chuyến đi đầy mạo hiểm của những người bạn tinh thần, những người có dũng khí đi đây đó để tu bổ năng lực của mình, nhưng khác với phim ảnh hay âm nhạc, thành quả vẫn chưa được nhìn nhận rộng rãi.
Tuy nhiên, trong tim họ vẫn tin rằng họ đã có được sự tán thành chắc chắn của khán giả. Họ vô cùng vô cùng hài lòng. Tôi lớn hơn Clara những ba mươi ba tuổi và lớn hơn ông bố Wieck mười tuổi tại thời điểm đó, mặc dù vậy Clara cũng có tinh thần không thua kém Sôpanh – người đã dám rời bỏ quê hương Warsaw để theo đuổi mong ước đạt được vị trí cao nhất của giới âm nhạc Pari vào năm 21, 22 tuổi. Chàng trai ấy có tuổi trẻ và niềm tin to lớn mãnh liệt. Ngài Liszt hay ngài Mendelssohn của tôi, sau đó còn có Clara nữa, những người như thế họ đang ở đâu? Khi nào họ mới xuất hiện đây?
Chúng ta không phải là những con người coi việc đi ra nước ngoài để tu bổ năng lực nghệ thuật, học vấn hay kỹ năng đơn thuần; hay những chuyến du lịch bụi (không có tiền trong tay) làm mục đích của mình. Tôi xin đưa ra phán đoán cao nhất cho mọi tư tưởng, mọi kĩ năng và mọi hành động, rồi triển khai mọi sự đối lập, tranh giành, đau khổ, bệnh tật thành sự hợp tác, niềm vui, sức mạnh. Nếu nói một cách đơn giản thì nó giống như nguồn năng lượng tinh thần (mạnh như bom nguyên tử), có nghĩa là nó là lời tuyên bố về lý luận tự nhiên, nguyên lý sinh mệnh, trật tự vũ trụ, về những chân lý và sự chân thành.
Những nữ sinh của trường Đại học lao động nữ sinh nói rằng họ muốn đi du lịch bụi vòng quanh Nhật Bản trong một tuần với bóng đèn, chổi lau nhà, chỉ khâu.. để học hỏi thực tế liên quan đến khí hậu, đặc sản, đời sống ẩm thực, sức khỏe và tư tưởng. Tôi đã nói với họ rằng: “hãy tặng vé mời cho tất cả các thành viên ở khắp nơi trên toàn quốc, nếu được người ta cho mượn nhà trọ thì hãy xin phép họ cho mình được dọn dẹp, nấu ăn, trị liệu theo phương pháp trị liệu bằng thực phẩm”, và tôi lại nhớ đến những ngày niên thiếu ảm đạm lúc đi buôn bán để kiếm học phí vào ba mươi lăm năm trước, và trái tim tôi như nghẹn lại. Sau đó tôi vừa đấu tranh chống lại những khó khăn, sự phản đối và những áp lực chồng chất đối với các nữ sinh, vừa thảo luận với bà Mary Lyon, người đã thành lập trường nữ sinh đầu tiên (Trường đại học Mount Holyoke) ở Mỹ vào năm 1837. Những việc như là: tốt nghiệp một trường Đại học ở nước ngoài, sinh sống hàng ngày, buôn bán, biểu diễn nghệ thuật, trưng bày sản phẩm tại buổi triển lãm, hay di cư, nếu so với những khó khăn khi thành lập trường nữ sinh đầu tiên thì hoàn toàn khác nhau, những việc này dễ hơn nhiều. Dù là việc gì đi nữa thì cái gọi là xã hội hóa, thực tế hóa những tư tưởng độc đáo mang tính sáng tạo “đầu tiên” là việc có rất nhiều gian khổ hơn hẳn so với việc đi vào khu rừng nhiệt đới ở vùng đất u ám mà con người chưa đặt chân tới. Lúc chúng ta hoạt động thoải mái để sáng tạo ra sự độc đáo là lúc chúng ta đã trở thành những con người tự do thực sự. Những cô gái này chỉ là sinh viên, họ đã bắt đầu một công cuộc tuyệt vời đó là thành lập nên trường Đại học lao động nữ sinh PU (nguyên lý vô song) đầu tiên của Nhật Bản. Tôi rất cảm kích việc họ quyết tâm đi du lịch bụi 1 tuần vòng quanh Nhật Bản.

Phần 4 Nỗi buồn gắn kết con người lại với nhau

Từ Pari trở về, sau khi hồi phục từ chuyến đi dài mệt mỏi, Clara đã ngày càng nâng cao kĩ năng của mình. Trong nhật kí của mình, Robert có viết: “Khi cô ấy chơi bản nhạc Fuga của Bach, cô ấy đã cho mọi người thấy những sắc màu trong sáng, rõ ràng và phong phú, cô ấy diễn tấu rất sinh động. Đó không phải là kĩ xảo nữa mà là nghệ thuật”, “Cô ấy đã chơi bản Papillon, và nắm bắt được đúng khúc nhạc, chơi đàn rất sinh động. Thật là tuyệt vời !”.
Ở buổi hòa nhạc, Clara đã biểu diễn tất cả những bản nhạc như đã chơi ở Pari mà không cần nhìn nốt nhạc, cô đã làm cho tất cả mọi người phải nghe say xưa.
Thiên tài Flores (bạn thân của Robert) thời trẻ tuổi đã khen ngợi cô bé Clara 13 tuổi rằng: “Clara là nữ nghệ sĩ xuất sắc nhất của Đức”. Thực tế trong khoảng thời gian này, Clara đã cho mọi người thấy sự tiến bộ vượt bậc của mình.
Tháng 8, Clara đã đưa cho Robert bản nhạc “Romance” do mình sáng tác và đã làm cho Robert cảm thấy rất vui sướng. Trái tim của cô bé Clara mười ba tuổi và chàng thanh niên Robert hai mươi hai tuổi đã dần dần gắn kết với nhau bền vững. Danh tiếng của Clara ở Đức ngày càng nổi tiếng.
Robert cũng dần dần cho mọi người thấy phía sau sự tiến bộ to lớn trong những tác phẩm đó là gì. Robert đã nghe thấy Clara vừa đi dạo vừa nhắc đi nhắc lại rằng: “Mình có hạnh phúc không nhỉ?!!”.
Tuy nhiên, dòng chảy số phận mang tính biện chứng cũng không cho Clara và Robert là ngoại lệ. Người ta thường nói: “trăng tròn rồi lại khuyết” (hay “Có vinh quang rồi sẽ có lụi tàn”), cách nói này là một cách thể hiện đẹp đẽ hơn gọi là phép biện chứng.
Tháng 2 năm 1833, vận mệnh buồn thảm đã từ từ gõ cửa Clara. Em trai của Clara đã mất chỉ sau bốn tiếng bị bệnh. Đây là sự ra đi của người em trai thứ hai.
Điều kì lạ là nỗi buồn khiến cho người với người đến gần nhau hơn, và gắn kết họ lại. Tình bạn đẹp đẽ giữa Robert hai mươi ba tuổi và Clara mười bốn tuổi ngày càng trở nên sâu sắc và mãnh liệt. Niềm đau và nỗi buồn làm chắc thêm mối liên kết giữa con người với nhau. Niềm đau và nỗi buồn chỉ cho con người thấy điểm yếu và những điều phù du của bản thân, nó sinh ra và gắn chặt con người vào sự tuyệt đối, vô hạn, mang họ đến với thế giới tâm linh, thế giới tự do, thế giới tâm hồn và đến với thiên đường.
“Lò luyện kim để thử bạc, lò lửa để thử vàng, lòng người được thử bằng lời khen ngợi…”
– (Trích dẫn từ Châm ngôn 27:21 trong Kinh thánh ) –
Nỗi buồn đó không phải là nỗi buồn thể chất, nỗi buồn ích kỉ cá nhân, khi nỗi buồn này là nỗi buồn của tâm hồn, của sự chân thật, của tự do và chính nghĩa thì con người sẽ được sinh ra trong vô hạn, tuyệt đối, trong thế giới của thần linh, thế giới của tự do, thế nhưng thế giới của nghệ thuật là cánh cửa dẫn đến những điều đó. Thế giới công nghệ (khoa học), thế giới học vấn (triết học) nằm bên dưới sàn của thế giới nghệ thuật.
Ngay từ lúc đầu, Clara và Robert đã hướng đến mục tiêu là thế giới nghệ thuật cho nên họ vẫn từng bước một, từng ngày một đi đến thế giới nghệ thuật thậm chí bị chi phối bởi nỗi buồn thể chất, nỗi buồn cá nhân hay nỗi đau cuộc sống, nỗi đau xã hội. (Điều này dần mở ra cuộc sống trong thời kỳ tình yêu, thời kỳ hôn nhân, thời kỳ chung sống cùng một gia đình giữa Robert và Clara từ đó về sau).
Thực sự thì cái gọi là nỗi buồn thông thường trong thế giới này là chìa khóa để mở ra con mắt tâm hồn đối với niềm vui tuyệt đối, tự do vô hạn, thiên đường rộng lớn dựa vào việc chỉ ra cho người ta thấy sự bất lực, điểm yếu, sự phù du của bản thân mang tính thể chất, ích kỉ của bản thân, còn cái gọi là nỗi đau chính là chìa khóa để mở ra con mắt tâm hồn đối với thế giới của thần linh, độ rộng lớn của sự vô hạn nhờ vào việc chỉ ra cho người ta thấy sự bí bức, sự đen tối, sự phù du của cuộc sống hay xã hội loài người.
Niềm đau và nỗi buồn, chỉ những người có dũng khí cố hết sức mình kiên trì với niềm đau và nỗi buồn to lớn đó mới có được niềm vui vô hạn, sự sung sướng không bao giờ cạn. Điều này Clara và Robert đã lĩnh hội được và chỉ dạy cho chúng ta. Điều này chỉ được đặt trong một phần của thế giới nghệ thuật to lớn gọi là âm nhạc, nhưng dù chỉ như vậy thôi cũng đủ để chúng ta tưởng tượng ra mức độ to lớn của niềm vui và sự sung sướng vô hạn trong thế giới của trật tự vũ trụ, của chân lý tuyệt đối – vô hạn. Điều tôi mong muốn là hãy để nỗi buồn lớn nhất, nỗi đau mãnh liệt nhất lên trên cùng nhé!.


--------------------
________Ngọc Trâm_________
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 người đang đọc chủ đề này (2 khách và 0 thành viên dấu mặt)
0 Thành viên:

 



.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 29th March 2024 - 04:59 AM