IPB

Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

 
Reply to this topicStart new topic
> HỌC THIỀN Ở THÁI LAN, Trường thiền Wat Ram Poeng - ở Chiang Mai - bắc Thái Lan
Thelast
bài Aug 10 2007, 08:28 PM
Bài viết #1


The last...
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 1,324
Gia nhập vào: 10-February 07
Thành viên thứ.: 4





Nằm ở ngoại ô thành phố Chiang mai, dưới chân ngọn núi Doi Suthep nổi tiếng, chùa Rampoeng khá rộng, có diện tích khoảng 4 ác-cơ. Chùa còn có tên là Tapotaram, tiếng anh là “Northern Insight Meditation Centre”. Được xây dựng vào những năm 50 của thế kỷ trước, chùa đã trở thành thiền viện đầu tiên của miền đông bắc Thái lan cách đây khoảng 30 năm. Vị thiền sư đầu tiên của chùa là Phra Ajahan Tong (Ajahn có nghĩa là Thầy, Phra là sư) đã giao chùa lại cho đệ tử thân tín của mình là Phra Ajahn Suphan, người đã xây dựng và phát triển ngôi chùa cho đến hôm nay và là sư trụ trì. Vì là một thiền viện, trong chùa có cả Tăng và Ni, nhưng ở hai khu cách biệt. Đây là chùa có nhiều Ni nhất của Thái Lan: khoảng 60 người. Số lượng Tăng có nhỉnh hơn một chút, và đôi khi lên tới hàng trăm người vào mùa an cư kiết hạ. Được xây dựng với mục đích phổ biến một dòng thiền Vipassana (thực hành chủ yếu ở Miến điện, Thái lan và Srilanka) không chỉ cho giới tăng ni mà cho cả quảng đại quần chúng, thiền viện có nhiều khu nhà dành riêng cho các thiền sinh ngoại giới tới tu tập trong một khoảng thời gian nhất định. Các thiền sinh mặc đồ trắng do bản thân tự trang bị hoặc do nhà chùa cung cấp, sử dụng miễn phí các tiện nghi chung của nhà Chùa như phòng ở, nước uống, nhà ăn. Nhà chùa tạo điều kiện tối đa cho công việc tu tập của thiền sinh: toàn bộ các bữa ăn được đảm nhiệm bởi một đội ngũ nhà bếp tự nguyện, với sự tham gia của một số Ni, luân phiên đổi ca theo lịch 15 ngày/lần. Công việc của thiền sinh chỉ là tu tập cho nghiêm túc. Thời gian thiền tối thiểu là 6h/ngày đối với các những người mới bắt đầu, sau vài hôm tăng dần lên và mức trung bình cho những người đã có chút kinh nghiệm là 12h/ngày. Sinh hoạt của nhà chùa rất đều đặn: 4h sáng chuông đánh thức, một số Tăng, Ni tụ họp thỉnh kinh. 6h chuông báo ăn sáng, các thiền sinh tự xếp hàng lấy đồ ăn vào khay và ngồi vào chỗ của mình trong nhà ăn chung, ăn xong tự đi rửa khay và xếp vào nơi qui định. Trước bữa ăn bao giờ cũng hát một bài nguyện để nhắc nhở thực giả giữ tâm hồn thanh tịnh và chánh niệm trong khi ăn. 10h30 là bữa ăn thứ hai và cuối cùng trong ngày (Thái lan theo trường phái Phật giáo nguyên thuỷ nên không ăn sau ngọ cho đến sáng hôm sau). Những người mới tới cảm thấy rất khó khăn trong những ngày đầu tiên, thường lảng vảng ở khu vực cửa hàng nhỏ ở giữa chùa để ăn kem hay uống các loại nước trợ lực (đồ uống lỏng được cho phép). Chùa qui định các thiền sinh tránh giao tiếp và nói chuyện phiếm, giữ yên lặng và chú tâm vào mọi việc mình làm, phật ngữ gọi đó là chánh niệm.

Dòng thiền của nhà chùa được truyền từ Miến điện theo một phương pháp được khơi lại bởi một thiền sư nổi tiếng người Miến tên là Sayadow Mahasi. Phương pháp này cũng có cơ sở chung với mọi nguồn thiền khác là tứ niệm xứ, có nghĩa là luôn ý thức được mọi hoạt động thể chất hay trí não, của các xúc cảm và các trạng thái khác nhau của tâm thức. Tuy nhiên, về mặt phương pháp, dòng thiền này sử dụng sự quán chiếu sự phồng xẹp của bụng theo nhịp thở làm trụ, cộng thêm một số các điểm huyệt trên cơ thể để trợ giúp cho sự tập trung. Một đặc điểm khác là sự đan xen giữa hành thiền (đi), và toạ thiền (ngồi). Lần đầu tiên đến chùa cách đây bốn năm, tôi rất ngạc nhiên và thường cười ngặt nghẽo khi nhìn thấy các bóng áo trắng đi lại lò dò, dáng liêu xiêu, làm tôi liên tưởng đến các bệnh nhân tâm thần. Nhưng đến khi chính bản thân mình trở thành một trong những cái bóng lò dò đó, tôi mới ý thức được hết việc cần thiết phải trở thành một “bệnh nhân tâm thần” một thời gian để tự nhìn thấy sự lệch lạc của chính mình, để rồi tìm lại sự giản đơn và thanh tịnh của tâm hồn.

Ngoài các thiền sinh người Thái lan đến từ mọi miền của đất nước, trong chùa còn có rất nhiều người nước ngoài, với đủ mọi quốc tịch. Một trong những lý do thiền viện thu hút được nhiều người nước ngoài là bởi sư trụ trì và một số các sư, ni trong chùa sử dụng tốt tiếng Anh. Thiền viện còn có cả website riêng, các thiền sinh có thể liên lạc trước bằng e-mail để giữ chỗ. Hàng ngày, các thiền sinh tới tham vấn sư trụ trì để hỏi về những thắc mắc, khó khăn của họ trong quá trình tu tập. Phra Ajahn Suphan là người nhân từ, điềm đạm nhưng cũng rất hài hước, vì vậy căn phòng của thầy luôn đầy ắp tiếng cười. Các thiền sinh từ đó bước ra cảm thấy được nạp thêm năng lượng, không phải bởi câu trả lời “đúng phách” mà bởi bầu không khí thoải mái, đầm ấm tuy không thiếu sự tôn nghiêm toát ra từ căn phòng đó.

Một cảm nhận chung khi đi dạo quanh thiền viện và quan sát các hoạt động của các thành viên là ở nơi đây, mọi người đều rất tự nhiên. Họ trút bỏ cái mặt nạ thường đeo trong cuộc sống ngoài xã hội để sống thật với chính mình, để cho cái xấu cũng như cái tốt bên trong tự bộc lộ, để rồi nhận diện chúng và nhìn chúng tan biến. Những ai vượt qua được sự yên tĩnh trống trải của các buổi tối đơn độc, những đau đớn thể chất và tâm hồn của quá trình tu tập, đều cảm thấy tràn đầy lòng biết ơn và một niềm hạnh phúc giản dị nhưng sâu lắng. Đó là một hạnh phúc vững chắc, tự tại, không phụ thuộc vào điều kiện bên ngoài. Thiền không làm cho người ta xa lánh cuộc sống mà trái lại, làm cho ta tiếp xúc với cuộc sống một cách trực diện hơn, sáng suốt hơn và cũng hiệu quả hơn.

Trong thời gian tôi ở đó, có một nhà sư khá cao tuổi tạ thế. Chùa tổ chức đám tang và các thiền sinh đều được phép tham gia. Chúng tôi đi bộ đưa linh cữu của người quá cố ra nhà hoả táng. Đây là lần đầu tiên tôi và nhiều thiền sinh khác được chứng kiến một vụ hoả thiêu. Trái với các đám tang thường lệ, không khí ở nhà hoả táng (thực chất là một cái sân rộng nơi có cả một cái rổ để chơi bóng rổ!) không có vẻ gì ảm đạm. Thậm chí người ta còn chuẩn bị cả một dàn pháo đốt cùng quá trình hoả táng. Người quá cố được đặt trong một quan tài được mở nắp trước khi phóng hoả. Chúng tôi lần lượt đi thả một bông hoa bằng giấy vào trong và xung quanh quan tài. Sau khi tất cả mọi người đã trở về vị trí, giàn pháo được châm ngòi, tạo thành mồi lửa cho đàn thiêu. Toàn bộ đám hoa giấy, quan tài gỗ đã bén lửa, những ngọn pháo vẫn phát ra tiếng chíu chíu khiến cho tất cả mọi người đều thấy buồn cười... Không có sự khóc lóc bi ai mà là một thái độ chấp nhận cái chết như một phần tất yếu của cuộc sống. Đạo Phật nhìn nhận cái chết như sự chuyển đổi từ trạng thái này sang trạng thái khác, như ngọn đèn đã tắt mà lửa vẫn tồn tại, vì vậy đón nhận cái chết một cách bình thản. Ngọn lửa không có ngã, chỉ tuỳ nhân duyên mà biểu hiện, đủ nhân duyên là sinh, hết nhân duyên là tử...

Thiền ni Pompit, một người rất được các thiền sinh kính trọng bởi phong thái ung dung tự tại, kể cho tôi nhiều mẩu chuyện nhỏ dễ thương của chùa: một con sóc do một người nào đó nhờ sư trụ trì nuôi quanh quẩn trong phòng ông, thường đến nghịch ngợm với các vị khách làm cho ai đến cũng thấy vui. Một hôm ai đó quên khép tấm lưới chắn làm chú sóc nhẩy phắt ra ngoài, một con chó cắn đuổi làm chú chạy biến, từ đó không ai thấy chú nữa. Hay chuyện một con gà rừng đến đẻ và ấp trứng trên một cái chạc ba của một cây to gần thư viện mà không ai biết. Một hôm người ta phát hiện ra các chú gà con chiêm chiếp trên cây. Các sư nhìn thấy, sợ các chú gà con ngã xuống, bèn lấy tấm y vàng giăng ra làm võng, đứng hóng các chú gà con cả buổi... Lại còn chuyện một thiền sinh người Nhật mang theo cậu con trai 7 tuổi của mình tới chùa. Chú bé nghịch ngợm suốt ngày đứng cạnh các thiền sinh ngồi thiền trong sân, đợi họ mở mắt để đòi họ đi mua kem, kết bạn với một chú bé khác được cha gửi vào chùa để rèn tính tập trung, hai thằng bé đùa nhau lấm lem hết cả mặt mày, khiến người cha kia khi tới thăm con không tin ở mắt mình nữa. Cuối cùng, bà mẹ người Nhật đành đưa cậu quí tử của mình ra ngoài đi du lịch vì không muốn làm phiền các thiền sinh khác thêm nữa...

Sau ba tuần tu tập, tôi từ giã thiền viện thân yêu để đáp chuyến tàu đêm về sân bay Bangkok . Hết vé toa nằm, tôi đành lấy vé ngồi. Nhưng sau ba tuần tĩnh tại, tôi cảm thấy khoẻ khoắn, cả thể xác và tâm hồn. Nhìn làng mạc Thái lan lướt trước mắt qua cửa sổ, tôi thầm cảm ơn cuộc sống đã cho phép tôi được đi, được thấy, và đặc biệt là được đến với thiền, để chứng nghiệm lời Phật dậy rằng, hạnh phúc thật sự luôn trú ngụ trong hiện tại, không phụ thuộc vào ngoại cảnh, và trong tầm tay của tất cả. Bây giờ, ở đây...


Bài này đã được đăng trên tạp chí "Văn hoá Phật giáo" số 37 tháng 8 năm 2007




Hà Nội, tháng 01/2006
Bạch Thị Tâm


--------------------
The last
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 người đang đọc chủ đề này (2 khách và 0 thành viên dấu mặt)
0 Thành viên:

 



.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 1st November 2024 - 06:01 AM