IPB

Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

 
Reply to this topicStart new topic
> Thức ăn và tội phạm, Sách đang dịch
BAS
bài Jan 28 2009, 07:55 PM
Bài viết #1


Advanced Member
***

Nhóm: Members
Bài viết: 411
Gia nhập vào: 13-April 07
Thành viên thứ.: 15



Lời tựa



Tôi ước sao cuốn sách này đã hiện diện từ nhiều năm trước nữa. Tôi đã cần có nó, và tôi tin rằng ngày nay có nhiều người khác cũng cảm thấy giống như tôi. Tôi còn nhớ rõ, hình ảnh của bản thân ngồi trong phòng cách ly đặc biệt của chính phủ, đặt tại Bệnh viện quốc gia, nơi tôi tham gia công tác điều trị bệnh tâm thần nội trú, băn khoăn tự vấn: “Mình có thể làm được gì khác để cứu vãn tình hình không?” Chuyện xảy ra trong buổi hồi đáp cho việc khám lại một ca bệnh tội phạm tâm thần, cùng lời đề nghị trở thành bác sĩ điều trị mới với những ý tưởng mới, khả dĩ giúp làm giảm đi những rối loạn thần kinh đang hành hạ tên giết người đang ngồi trước mặt tôi. Hắn đã nghe chán tất cả những gì tôi cần phải nói từ trước đó, hắn cũng thông thuộc về các loại biệt dược chẳng kém gì tôi, hắn đã uống chúng nhiều hơn bao giờ hết, nhưng vẫn còn đó những giọng nói giận dữ khuấy đảo tâm trí hắn. Hắn mở thêm một bình cola và gườm gườm nhìn tôi: “Ông cũng chả khá hơn mấy thằng vô tích sự ấy, vậy thì ông xuất sắc ở chỗ nào hả?”

Sâu thẳm trong lòng, tôi tự biết hắn đang nói lên sự thật, bất chấp những thành công hứa hẹn của chương trình đào tạo “vai trò của nghệ thuật” do tôi cầm trịch ở trường y Ivy League. Tiếc thay tôi đã không hề thắc mắc băn khoăn gì về chai cola của hắn, về chế độ ăn uống hàng ngày của hắn, hoặc trạng thái tinh thần khi bình thường của hắn. Thật tiếc thay, khi nhiều năm nữa trôi qua, trong vai trò bác sĩ giám đốc cũng của bệnh viện quốc gia ấy, tôi đã lại gặp cùng một nỗi thất vọng ấy trong khi làm công việc của mình 1 cách táo bạo liều lĩnh, với mong muốn tạo được 1 tác động tích cực lên những rối loạn tinh thần mà các bệnh nhân phải chịu đựng, mà lại không được cuốn sách này làm cho sáng mắt ra. Để tôi nhận thức được một cái gì vượt hơn hẳn những bài thực hành “vai trò của nghệ thuật”.

Cuốn sách này chứa đầy bên trong những con người tận tụy, những kế hoạch, những phương án, và cả những cuộc đời đầy gian nan nay đã tìm thấy hy vọng mới. Một tiền đề mà cuốn sách đã đặt ra bao gồm những ý sau: “Bệnh tâm thần có nguồn gốc từ chế độ dinh dưỡng hàng ngày và cách sống… thức ăn và môi trường sống đóng vai trò hàng đầu trong sự quyết định hành vi.” Những ý tưởng này có thể đặt cuốn sách vào trung tâm của cuộc tranh luận ồn ào hiện nay về chế độ dinh dưỡng và hành vi của con người. Tôi tin rằng điều này là có thể tránh được. Cuộc tranh luận bao hàm từ việc phản đối sử dụng các loại dược thảo dân gian cho tới bất cứ giả thuyết nào cho rằng thức ăn góp phần cấu thành hành vi tội lỗi, hay ít nhất có liên quan tới bệnh tâm thần. Trong “bài báo về quan điểm của Hiệp hội dinh dưỡng Hoa Kì (The American Dietetic Association) đối với vấn đề thức ăn và hành vi phạm tội” xuất bản trên tạp chí của Hiệp hội dinh dưỡng Hoa Kì (tháng 3, 1985), hiệp hội cho biết: “mối liên hệ nhân quả giữa thức ăn và tội phạm vẫn chưa được chứng minh, và thức ăn không phải nhân tố quyết định quan trọng gây ra hành vi bạo lực.” Trong Tập san Dairy Council (tháng 7-8, 1985) bài tự thuật “Xem xét lại các dẫn chứng của các nghiên cứu về dinh dưỡng gần đây”, là kết quả của hội nghị về chế độ dinh dưỡng và hành vi đã được báo cáo. Những người bảo trợ gồm, hiệp hội y học Hoa Kì (American Medical Association), Học viện Khoa học đời sống quốc tế (International Life Science Institute) và Hội thẩm các chuyên gia của tổ chức Dinh dưỡng (Nutrition Foundation Expert Panel) đã phát hiện ra rằng, “sự tăng trưởng rộng rãi quan niệm sai lầm rằng chế độ dinh dưỡng phải chịu trách nhiệm về các hành vi tội lỗi đã được khơi mào ra từ một số chuyên gia chăm sóc sức khỏe, khi cho rằng các phong trào dinh dưỡng đang trở thành chính sách quốc gia trong việc hiệu chỉnh điều kiện sống. Bản báo cáo cũng đồng ý rằng, “các nghiên cứu gần đây có gợi ý, chế độ dinh dưỡng hay các thành phần cấu tạo nên bữa ăn hàng ngày có ảnh hưởng tới sự tổng hợp các chất dẫn truyền thần kinh não bộ, là thứ sẽ ảnh hưởng tới 1 loạt hành vi quan trọng như giấc ngủ, tâm trạng và cảm xúc.”

Theo cuốn sách này, Thực dưỡng “không như một trong số những liệu pháp ăn kiêng nào khác hiện đang thay nhau tiếp cận vấn đề như lối suy nghĩ thông thường, nó là một đường lối sống, và sự hài hòa là nguyên tắc cơ bản của đường lối sống này.” Các tác giả đã rất thận trọng chỉ ra rằng: “Thức ăn không tạo ra những hành động cụ thể, đó là việc của con nguời!”

Các tài liệu y học đang cần được làm vững chắc nhờ những tiến bộ của Thực dưỡng. Rất nhiều chuyên gia sức khỏe đã thừa nhận chế độ ăn Thực dưỡng dựa theo những kết quả thực hành kiểm chứng của nó. Ở đây có 10 mức độ kiêng khem. Họ bắt đầu với những chế độ ăn khá rộng rãi và khép chặt dần cho tới lúc có thể tiến hành một chế độ ăn bao gồm toàn ngũ cốc lứt. Còn các bác sĩ lại nhanh nhảu viết về mối nguy hại khi theo đuổi một chế độ ăn kiêng như thế này trong thời gian dài từ sớm rồi.

Trên tạp chí Y học Anh (British Medical Jounal) (số ngày 9/11/1985) Bác sĩ Truswell đã viết 1 bài báo tựa đề là: “Những kiểu suy dinh dưỡng mới trong những cộng đồng sung túc” Trong bài báo, ông ta cảnh báo rằng “Chế độ ăn Thực dưỡng dẫn tới bệnh hoại huyết, và (hoặc) làm suy yếu chức năng thận, gây thiếu máu, làm tụt canxi huyết và làm gầy rộc người. Trong một số trường hợp, có người đã phải về chầu trời vì nó!” Một thu thập bởi hội đồng AMA về thực phẩm và dinh dưỡng, đăng trên tạp chí của hiệp hội Y học Hoa Kì (số ngày 18/10/1971) đã viết, “Những ý tưởng đề xuất trong chế độ dưỡng sinh Thực dưỡng tạo thành vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong cộng đồng và nguy hiểm đối với các tín đồ của nó. Các cá nhân cứ cố chấp trong việc theo đuổi chế độ kiêng khem khắc nghiệt của dưỡng sinh Thực dưỡng đang đứng trước mối nguy hiểm lớn do nguy cơ suy dinh dưỡng trầm trọng.” Mà những bài báo như thế cũng chẳng ảnh hưởng mấy tới đường lối Thực dưỡng được chủ trương trong cuốn sách này. Chế độ ăn kiêng được đề xuất trong đây khá tân thời và rộng rãi.

Những bài báo kiểu đó cũng là nguyên nhân khiến bác sĩ riêng của vợ tôi nghi ngại về nguyện vọng của bà khi bà tỏ ý muốn thử chế độ Thực dưỡng để hồi phục hệ miễn dịch bị tổn thương do bệnh viêm tuyến giáp. Chuyện xảy ra đã được 2 năm. Sau 2 buổi phỏng vấn ở học viện Kushi, chúng tôi đã bắt đầu thực hành lối sống Thực dưỡng. Tôi đã chuyển đổi, từ một ông “2 viên thịt băm và thêm thịt rán nữa vào bữa trưa” thành một người “ăn chay với gạo lứt”, thật lòng phải cảm ơn những cống hiến của bà xã của tôi trong công cuộc chế biến ra những món ăn đúng tiêu chuẩn Thực dưỡng. Bây giờ, cơ thể bà ấy không còn tạo ra những kháng thể đã từng tấn công tuyến giáp của bà ấy nữa. Cuộc sống của 2 chúng tôi đã thay đổi theo chiều hướng hài hòa với tự nhiên và sâu sắc hơn về tinh thần.

Thậm chí cả sự nghiệp riêng của tôi cũng đã thay đổi. Vừa mới đây thôi, trong việc thực nghiệm tâm thần với các bệnh thần kinh mãn tính, tôi đã có cơ hội điều trị cho 2 bệnh nhân có bệnh hạ đường huyết. Người thứ nhất, một phụ nữ 38 tuổi có tiền sử mắc chứng trầm cảm, đã được tiếp nhận vào bệnh viện quốc gia từ 2 năm trước. Nếu bỏ đi bản tóm tắt về quá trình trị liệu ở trên, chỉ có 1 lưu ý là nồng độ đường trong máu của chị ta rất thấp và có thể chị ta bị chứng hạ đường huyết. Không có bổ sung nào khác được đề xuất. Khoa của tôi đã giám sát một buổi kiểm tra khả năng chịu đường dài 5 tiếng ở trung tâm y học của viện. Kết quả khẳng định đây là 1 ca bệnh hạ đường huyết.

Ca thứ hai là một phụ nữ 44 tuổi, được chẩn đoán là mắc chứng trầm cảm hưng (một chứng bệnh trong đó tâm trạng của bệnh nhân thay đổi thất thường từ hưng phấn sang ủ rũ). Bà ta cứ phàn nàn mãi rằng gia đình bà đang giận dữ vì bà không thể giảm cân được. Còn bác sĩ điều trị của bà ấy thì dọa dẫm rằng sẽ bắt bà ta uống viên dinh dưỡng vì có vẻ bà ta chẳng còn tý sức mạnh ý chí nào để tự ăn kiêng. Bà ta cũng kể lể với tôi rằng bà thường có những cơn hoảng loạn đột ngột và tự nhiên chỉ thèm được ăn ngay một thanh kẹo. Bà ta nghĩ rằng chắc hẳn mình đang bị mất trí, nhưng sự thực không phải thế. Bài kiểm tra khả năng chịu đường lại một lân nữa cho kết quả là một ca bệnh hạ đường huyết. Trong thời gian làm xét nghiệm, đúng vào lúc lượng đường trong máu bà ta xuống tới mức thấp nhất, bà ta lại cảm thấy cơn hoảng loạn đột ngột quen thuộc và đã chạy tới quầy bán quà của bệnh viện để tìm mua kẹo. Bà ta đã được trấn an và giải thích để hiểu rằng bà không hề bị mất trí và có thể được chữa trị bằng cách ăn kiêng.

Tiếc rằng phương án duy nhất mà tôi có được cho 2 người phụ nữ ấy là giới thiệu họ với các cố vấn dinh dưỡng ở trung tâm y tế - như thế còn tốt hơn là không làm gì cả, và cũng tốt hơn là cho họ dùng thêm thuốc, nhưng tôi tin rằng đường lối Thực dưỡng thậm chí còn có thể hướng tới việc cải thiện các triệu chứng của bệnh tâm thần và dừng được nhu cầu sử dụng thuốc men. Thật vui sướng xiết bao nếu suốt thời gian qua, tôi có thể giúp hàng trăm bệnh nhân tâm thần trầm trọng của tôi học hỏi về con đường Thực dưỡng. Cho tới hiện giờ, tôi vẫn bị giữ chặt trong tình trạng khó xử của mọi bác sĩ: đối mặt với những bệnh nhân đang nói “Hãy khám cho tôi, hãy chữa lại giùm tôi ngày hôm qua!” Có thể ngày hôm qua thực sự là điểm bắt đầu. Ngày hôm nay chúng ta phải chịu những bệnh tật là kết quả của những gì chúng ta đã làm ngày hôm qua. Trong vai trò của một thầy thuốc, tôi thường bị yêu cầu làm những chuyện thật cực đoan: “Tôi đã nghĩ là chuyện này sẽ qua được mà không cần tới bác sĩ, nhưng tôi không thể chịu đựng thêm được nữa, xin hãy làm gì đó đi.” Thông thường những gì sẽ được làm cũng cực đoan như bản thân vấn đề, một loại thuốc mới, một liều lượng thuốc mới hoặc giải pháp phẫu thuật cắt xẻ.

Cuộc sống cần sự cân bằng, sự loại trừ những cực đoan, đặc biệt là trong vấn đề dinh dưỡng. Tôi thường băn khoăn tự hỏi, tại sao tôi lại có những bệnh nhân ngồi trong phòng đợi lượt khám, uống cạn tới hàng phần tư chai cola. Khi tôi kiểm tra chế độ ăn của họ, đơn thuốc họ dùng, cách sống của họ, tôi chẳng còn băn khoăn gì thêm nữa. Chai cola ấy chỉ là chút cực đoan trong khoảnh khắc hiện tại để cố gắng cân bằng lại phần nào những thứ khác. Con đường Thực dưỡng dạy người ta về sự cân bằng. Không có chủ trương cắt giảm đột ngột thuốc men nào được đề xuất, chỉ có sự cân nhắc thận trọng và ý thức trách nhiệm đầy hiểu biết về các nhu cầu của một cơ thể, cùng một chế độ dinh dưỡng hài hòa với môi trường. Sau khi đọc xong cuốn sách này, tôi tự hỏi phải chăng có những người đang sống trong ngục tù nhưng lại có nhiều tự do hơn chúng ta đang sống bên ngoài - tự do hơn về thời gian để nhìn nhận lại về cuộc đời của họ và khởi sự làm gì đó để thay đổi nó, trái ngược với phần đông chúng ta, quá bận rộn với tự do mình có, nên chằng bận lòng mảy may nghĩ đến việc nhìn nhận lại cuộc sống của bản thân mình.

Cuốn sách này sẽ tác động tới rất nhiều con người theo rất nhiều cách thức – và nó nên làm được như thế. Đường lối Thực dưỡng đã tác động lên cuộc sống của vợ chồng tôi một cách êm dịu và tích cực. Không hề biết trước những điều này vào lúc tôi mới bắt đầu, giờ tôi chỉ có thể nói rằng, hẳn đó là nhờ có niềm tin, vào bản thân, vào gia đình và vào cuộc sống. Như những lời mà Micho Kushi đã đặt một cách trang nhã ở chương mở đầu:

“Con đường chuẩn mực của lối dinh dưỡng theo Thực dưỡng không được thiết kế riêng cho một con người hay trường hợp cụ thể nào. Nó được thiết kế chỉ cho mục đích giữ gìn bảo vệ sức khỏe thể chất và tinh thần và cho sự ổn định của xã hội nói chung. Nó cung cấp những gì xa hơn là một phương thức để ngăn cản những căn bệnh thoái hóa và thúc đẩy quá trình tự phục hồi.”

Xin gửi đi lời chúc an bình và sức khỏe.



STEVEN HARNISH, M.D.

Canterbury, New Hampshire
Go to the top of the page
 
+Quote Post
BAS
bài Jan 28 2009, 11:19 PM
Bài viết #2


Advanced Member
***

Nhóm: Members
Bài viết: 411
Gia nhập vào: 13-April 07
Thành viên thứ.: 15



LỜI NÓI ĐẦU



Ngay từ điểm bắt đầu của lịch sử, nhân loại đã biết tới tội lỗi và bạo lực. Tại sao con người lại chọn việc bộc lộ bản thân họ theo cách này? Trước khi trả lời câu hỏi này, chúng ta nên biết rằng có hai loại tội lỗi tồn tại - tội lỗi vì đã chống đối những luật lệ nhân tạo của con người, và loại kia có hành vi vượt quá giới hạn của tự nhiên, hay làm trái những luật lệ của vũ trụ. Có sự phân biệt ấy là vì, có những người không vi phạm các luật lệ của xã hội loài người, nhưng lại vi phạm trật tự của tự nhiên, ngược lại, cũng có những người tuân thủ trật tự của tự nhiên lại bị trừng phạt vì đã chống lại những luật lệ của con người.

Rất nhiều vĩ nhân trong lịch sử đã bị kết án và phán xử - thậm chí là vào tội chết - bởi họ đã xử sự theo tinh thần, triết lí và tri thức về tự do ý chí theo hiểu biết và nguyện vọng của họ hướng về vũ trụ và tự nhiên. Rất nhiều nhà tiên tri đã bị kết tội, giống như Jesus Christ đã bị kết tội và phán xử. Rất nhiều nhà tư tưởng đã bị kết tội, như Socrates đã bị ép phải uống thuốc độc, như Galileo đã bị Tòa án của Giáo Hội kết án. Dù sao, luật lệ của con người và các thiết chế của nó mang tính tương đối và không bất biến, và rất nhiều trong số chúng đã vi phạm trật tự của tự nhiên, thứ có thể được diễn giải như là sự hài hòa với môi trường sống trên hành tinh này.

Việc thảo luận về những gì cấu tạo nên tội lỗi dưới ánh sáng của luật lệ tự nhiên là chuyện nằm quá xa ngoài tầm của cuốn sách sơ sài này. Ở đây, chúng tối chỉ xin bàn về những vấn đề như hành vi phá hoại và bạo lực, bệnh tâm thần, hiện tượng lạm dụng rượu và chất gây nghiện, và các kiểu dạng suy đồi khác trong xã hội, và nhìn nhận lại nguyên nhân của chúng trong những điều kiện chung.

Cách tiếp cận hiện đại với cái được gọi là hành vi phạm tội thường thường là không tương xứng và bất công. Sự tạo ra những thứ như sự kết tội, sự phán xét, sự tuyên án, sự giam cầm và các kiểu trừng phạt khác chỉ có tác dụng với các triệu chứng, là những hành vi nguyên thủy để trừng phạt cái xấu. Dù sao, quan điểm này không suy xét đến bản chất sinh vật học, sinh hóa học, tâm thần học, và xã hội học là nguyên nhân của những tư tưởng và hành vi không bình thường. Không hề có sự hiểu biết xem tại làm sao có một người lại suy nghĩ và phản ứng bằng bạo lực hay sự phá phách trong khi nhiều người khác lại không phản ứng theo cách đó khi cùng đối mặt với những tình cảnh giống nhau. Chiếc chìa khóa để hiểu được nguyên nhân thật sự của cái được gọi là hành vi tội lỗi nằm trong sự hiểu biết về tác động của lối sống hàng ngày - đặc biệt là vai trò của dinh dưỡng – lên cách thức chúng ta suy nghĩ và hành động.

Đồ ăn thức uống hàng ngày đóng vai trò quyết định trong ảnh hưởng lên suy nghĩ, tâm trạng và hành vi. Chúng ta vẫn thấy những người uống rượu thay đổi tính tình ra sao sau khi say xỉn. Những thực phẩm chúng ta tiêu thụ hàng ngày cũng ảnh hưởng tới tu duy và hành động của chúng ta, nhưng ở những mức độ khác.

Suy nghĩ và hành vi tội lỗi có thể được ngăn ngừa và sửa chữa thông qua một chế độ dinh dưỡng phù hợp với tự nhiên và quân bình và qua việc điều chỉnh các điều kiện sống. Không thể có chuyện một tên tội phạm nguy hiểm bậc nhất biến thành một con người thánh thiện nhờ những biện pháp này, hay làm cho một kẻ tự tư ích kỉ bậc nhất biến thành con người vị tha.

Trong thời điểm hiện tại, chúng ta đang phải đối mặt với sự sa lầy toàn cầu trong cái gọi là hành vi tội lỗi, cũng trong lúc ấy, đang chuyển mình hướng về một sự khởi đầu khả dĩ của một nền văn minh toàn cầu đặt trên nền tảng là sự hài hòa với tự nhiên. Vì sự phát triển của một thế giới hòa bình, một điều cần thiết là những cá nhân và cộng đồng phải được giải thoát khỏi tư tưởng và hành vi tội lỗi, cũng như thoát khỏi những căn bệnh thoái hóa thể chất và tinh thần.

Ước mong chân thành của chúng tôi là việc giới thiệu cuốn sách này sẽ hé lộ một khả năng mới trong việc giải quyết những vấn nạn cổ xưa như chính loài người, và góp phần cho sự bắt đầu của một kỉ nguyên mới không tồn tại tội lỗi.

Tôi muốn được nói lời cảm ơn tới tất cả những người đã giúp đỡ trong việc làm nên quyển sách này, tôi cảm ơn cộng tác viên Thực dưỡng Edward Esko, người đã tinh chỉnh các tài liệu và biên tập lại chúng, vơi sự giúp đỡ của hai người bạn của chúng tôi là Tom Iglehart và Eric Zutrau. Tôi đánh giá rất cao sự giúp đỡ của Stephan Harnish, M.D., của Trung tâm sức khỏe tinh thần Greater Manchester ở New Hampshire, người đã đóng góp ở đây một lời tựa và giúp hiệu đính nội dung. Tôi cũng rất biết ơn những người đóng góp, gồm có những bạn bè đã trực tiếp viết các bài báo và cả những nhân viên của Hiệp hội Kushi và Tạp chí Đông Tây vì những đóng góp của họ và những nỗ lực của họ nhằm giúp đỡ những người đang ở trong tù.

Tôi cảm ơn Neil Stapleman và các bạn bè ở trung tâm Thực dưỡng New York vì đã cung cấp những băng ghi âm các bài diễn thuyết và hội thảo, và Evelyne Harboun đã giúp sao chép những tư liệu này. Tôi cũng cám ơn Phillip Jannetta và những thành viên khác của Japan Publications ở Tokyo vì những nỗ lực của họ trong việc biên tập và in ấn. Tôi cũng muốn cảm ơn Christian Gautier vì đã giúp làm các biểu đồ và thiết kế đồ họa, và Susi Osterreich, Carry Wolf, Judy Pingryn, và Diane Sacolick những người đã giúp đánh máy bản thảo.

Tôi cảm ơn Lawrence H. Kushi, Sc.D., đang công tác tại Đại học Minnesota, vì đã trợ giúp biên soạn bài phát biểu về sự đầy đủ dinh dưỡng của chế độ ăn kiêng Thực dưỡng, và Alex Jack vì đã cho những nhận xét và lời khuyên.

Thay mặt cho bạn bè của chúng tôi ở khắp nơi, tôi cảm ơn John Denver vì những ủng hộ của ông cho các chương trình ở trại giam của hiệp hội Kushi và vì những cống hiến của ông cho một thế giới tốt đẹp hơn.

Tôi đặc biệt đánh giá cao cống hiến của ông Iwao Yoshizaki và ông Yoshiro Fujiwara, một là chủ tịch và một là đại diện tại New York của Japan Publications, Inc. trong việc ấn hành cuốn sách này và những cuốn sách giống như nó vì ước mơ về một thế giới hòa bình.

MICHIO KUSHI

Becket, Massachusetts

Đông Chí, 1986



HIỆP HỘI KUSHI: Thông tin về các chương trình kế tiếp như diễn thuyết, đào tạo kiến thức Thực dưỡng và các thực phẩm thiên nhiên quân bình cho tù nhân có thể tìm được từ địa chỉ: The Kushi Foundation, 17 Station Street, Brookline, Massachusetts 02147, (617) 738-0045

Các đóng góp từ thiện từ những cá nhân liên quan sẽ giúp đỡ cho việc tài trợ cho những hoạt động này.Chúng tôi khuyến khích những ai muốn ủng hộ trực tiếp cho chúng và những chương trình nhân đạo thông qua khoản ủng hộ được khấu trừ thuế liên lạc với hiệp hội Kushi theo địa chỉ trên. Xin cảm ơn.
Go to the top of the page
 
+Quote Post
BAS
bài Jan 28 2009, 11:24 PM
Bài viết #3


Advanced Member
***

Nhóm: Members
Bài viết: 411
Gia nhập vào: 13-April 07
Thành viên thứ.: 15



Mục lục

(Mục lục này dịch thuật lại theo bản tiếng Anh, chỉ có giá trị tham khảo để hình dung về những nội dung sẽ có trong cuốn sách và độ dài của mỗi phần, chưa phải là mục lục đánh số trang chính thức của cuốn sách sau khi chuyển ngữ sang tiếng Việt)


Lời tựa, của Stephen Harnish, m.D., 5
Lời nói đầu, 9
1. Thức ăn và tội phạm: Dưới góc độ tiếp cận của Thực dưỡng, 15

Một bức chân dung khắc họa sự suy đồi, 16
Vai trò của chế độ dinh dưỡng, 30
Cơ thể và tinh thần hợp nhất, 36
Những dạng thức mất kiểm soát hành vi, 39
Hội chứng quá hiếu động, 46
Bệnh trầm cảm, 57
Bệnh tâm thần phân liệt, 65
Cách tiếp cận Thực dưỡng, 75
Cách nấu ăn Thực dưỡng, 101
Những đề xuất cho một cuộc sống khỏe mạnh, 101
Lịch sử vài ca bệnh, 103
Chiến thắng bệnh tâm thần phân liệt, 104
Câu chuyện của Peter Harris, 107
Phục hồi sức khỏe tinh thần, 108
Thay đổi quan điểm sống của chúng ta, 112
Một thế giới không có tội phạm, 115
Phụ lục: Một khái quát về dinh dưỡng của chế độ ăn kiêng Thực dưỡng, 120

2. Một tiếp cận bằng dinh dưỡng tới sức khỏe tinh thần, 135

3. Các trang tiểu sử, 151
Chương trình ở nhà tù thanh thiếu niên Virginia, 151
Thực dưỡng ở một nhà tù tại Danish, 153
Câu chuyện của Neil Scott: Bản án cho cuộc đời, 160
Powhatan: Câu chuyện của Chuck Fai- Gon, 166
Những cuộc chạm trán Thực dưỡng ở Powhatan, 171
Bữa ăn tự do, 174
Bữa tiệc ở Powhatan, 176
Giáo dục về Thực dưỡng ở Powhatan, 180
4. Một quan điểm về sửa chữa lỗi lầm, 185

Thực phẩm dành cho tự do, 185
Tính hiển nhiên của mối liên hệ giữa Thức ăn- Sức khỏe- Hành vi bộc lộ trong các thử nghiệm trong nhà tù, 190
Ăn uống quá độ và đói ăn - Sự quan trọng của chế độ dinh dưỡng trong tiến trình phục hồi, 195
Một quan điểm về sửa chữa lỗi lầm, 199

5. Mô hình Shattuck: Thực dưỡng trong một tổ chức từ thiện, 203
Chương trình nghiên cứu ở Shattuck, 229
6. Thư từ của tù nhân và các chương trình, 235
Những lá thư từ các tù nhân, 237
Chương trình ở nhà tù của Hiệp hội Kushi, 243
Đề xuất thử nghiệm hướng đạo dinh dưỡng cho bạn tù , 251
Những tài liệu nên đọc, 259
Những phương án Thực dưỡng, 265

Mục lục, 267
Go to the top of the page
 
+Quote Post
BAS
bài Jan 29 2009, 09:32 PM
Bài viết #4


Advanced Member
***

Nhóm: Members
Bài viết: 411
Gia nhập vào: 13-April 07
Thành viên thứ.: 15



I. Thức ăn và tội phạm: Dưới góc độ tiếp cận của Thực dưỡng



Michio Kushi



Trong cuốn sách này, chúng tôi giới thiệu một vài điều khả dĩ có thể giải thích cho một vài vấn đề hiện đang gây sức ép lớn nhất trong thời đại chúng ta; những vấn đề như tội ác, tội phạm thanh thiếu niên, sự lạm dụng rượu và các chất nghiện, và bệnh tâm thần. Cách tiếp cận của chúng tôi tới những vấn đề này thực sự đơn giản. Nó bao gồm việc đưa lối sống hàng ngày của chúng ta tránh xa những gì nhân tạo và lại gần với môi trường tự nhiên hơn. Viên gạch lát nền đầu tiên phục vụ cho hướng đi này là một chế độ dinh dưỡng có căn bản phù hợp hơn với sinh thái học và quân bình một cách tự nhiên. Chúng tôi gọi hướng tiếp cận vấn đề này là Thực dưỡng.

Từ hơn 35 năm qua, Thực dưỡng đã có được tiếng tăm như là một trong những phương pháp hiệu quả để ngăn cản những căn bệnh thoái hóa nghiêm trọng. Vai trò của chế độ dinh dưỡng trong sự phát triển của các chứng bệnh tim mạch, ung thư, tiểu đường và nhiều bệnh mãn tính khác ngày càng trở nên rõ ràng, hiển nhiên hơn. Những thông tấn xã hàng đầu về sức khỏe cộng đồng cũng đồng ý rằng chế độ ăn uống quân bình 1 cách tự nhiên theo phương hướng của Thực dưỡng có thể giúp ngăn ngừa rất nhiều chứng bệnh thoái hóa. Việc giáo dục về Thực dưỡng góp phần làm vững bền mối quan tâm phổ biến đang tăng mạnh về chế độ dinh dưỡng và vai trò của nó trong việc giữ gìn sức khỏe.

Song song với nó, Thực dưỡng ngày càng được biết đến rộng rãi như một con đường để phục hồi sức khỏe thậm chí sau khi bệnh đã trở nặng. Các tiếp cận của Thực dưỡng với những chứng bệnh như ung thư, tim mạch, đái đường, béo phì và nhiều chứng bệnh đang lan rộng khác đã được giới thiệu thông qua nhiều chương trình đào tạo, nhiều cuốn sách và các ấn phẩm đã phát hành khác. Khắp thế giới, hàng ngàn người đang mắc những chứng bệnh này và nhiều chứng bệnh khác đã có lại được sức khỏe sau khi tiếp nhận đường lối sống và các chế độ dinh dưỡng của Thực dưỡng. Trong tương lai, Thực dưỡng hứa hẹn sẽ làm một cuộc cách mạng trong tư duy của chúng ta về sức khỏe và cách hiểu về bệnh tật, bao gồm cả những chứng bệnh như AIDS và các chứng suy giảm miễn dịch khác.

Thực dưỡng đã chuẩn bị những giải pháp khả thi cho cuộc khủng hoảng hiện đại về sức khỏe, cũng như cho chứng mẫn cảm, các vấn đề thuộc tâm lý học và các triệu chứng mất kiểm soát hành vi. Mục tiêu của Thực dưỡng là một xã hội mạnh khỏe và an bình, và để điều đó trở thành hiện thực, những vấn đề như tội phạm, thanh thiếu niên phạm pháp, bạo lực và tan vỡ gia đình, nghiện ngập, rối loạn thần kinh và những khuynh hướng xã hội tiêu cực khác cần phải được chuyển hóa.
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 người đang đọc chủ đề này (1 khách và 0 thành viên dấu mặt)
0 Thành viên:

 



.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 20th April 2024 - 05:08 AM