IPB

Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

 
Reply to this topicStart new topic
> MACROBIOTIC NÂNG CAO NĂNG LỰC PHỤC HỒI TỰ NHIÊN, Isogai
Diệu Minh
bài Dec 9 2022, 09:39 AM
Bài viết #1


Bạn của mọi người
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 17,022
Gia nhập vào: 13-February 07
Từ: 103 ngách 2 ngõ Thái Thịnh I
Thành viên thứ.: 5




MACROBIOTIC NÂNG CAO NĂNG LỰC PHỤC HỒI TỰ NHIÊN

Sách do thầy Isogai biên soạn.

CHƯƠNG 1

NHAI LÀ NỀN TẢNG CỦA PHƯƠNG PHÁP SỐNG KHỎE

Tôi nghĩ rằng một trong những điều cần thiết nhất trong cuộc đời là khả năng nhai. Bởi vì việc thưởng thức thức ăn bằng nhai nghiền thật kỹ sẽ dẫn đến khả năng suy nghĩ nghiền ngẫm sâu sắc về mọi thứ.

“Con người là tạo vật của thức ăn”?

Đôi khi tôi nghe ý kiến thế này “Thật không thoải mái khi thấy người bạn thực hành Macrobiotic thốt liền thực phẩm này âm, thực phẩm này dương và lựa chọn một cách căng thẳng. Cảm giác như đó là một tôn giáo với giới luật nghiêm khắc”, đây chính là những hiểu nhầm cực đoan đối với Macrobiotic.

Tôi cảm giác các bạn ngày nay muốn nhìn thấy kết quả nhanh chóng. Tuy nhiên, chỉ cần thay đổi từ từ. Dựa vào những định kiến, quan điểm cố định hoặc thậm chí là kìm hãm mong muốn của bản thân mà đánh giá quá mức cái này tốt cái kia xấu thì ngược lại có thể thành không tốt.

Khoa học Đông Y có một phương pháp chẩn đoán cổ truyền gọi là Vọng Chẩn (Boshin), là kiểm tra bên trong cơ thể từ sắc mặt đến trạng thái bên ngoài. Tôi sẽ trình bày chi tiết về phương pháp, nhưng tôi muốn nói rằng Geogre Ohsawa là một bậc thầy về Vọng Chẩn. Ngay cả với người gặp lần đầu, chỉ cần nhìn thoáng qua tướng mạo tiên sinh có thể biết được chính xác thường ngày họ thích ăn loại thực phẩm nào, thể chất ra sao, cơ thể đang bất ổn ở đâu. Vì vậy, tiên sinh đã thẳng thắn bày tỏ rằng “Con người là hoá vật của thức ăn”.

Con người (động vật nói chung) duy trì sự sống bằng thức ăn. Không một ai có thể sống mà cả đời không ăn. Chất và lượng thức ăn quyết định thể chất. Thức ăn được nói ở đây không chỉ là những gì chúng ta đang ăn, mà cha mẹ tổ tiên đã ăn gì cũng có ảnh hưởng lớn đến thể chất chúng ta. Chất và lượng thức ăn mà cha mẹ tổ tiên cùng với thức ăn hiện tại tạo nên đã thể chất của chúng ta.

“Phụ nữ Nhật đẹp nhất thế giới. Phụ nữ nước ngoài ở độ tuổi 10 đến 20 cũng xinh đẹp, nhưng tôi nghĩ phụ nữ Nhật đẹp choáng ngợp từ sau độ tuổi 20, 30”. Đó là lời của Ueda Itsuko, một người nổi tiếng là nhà thiết kế cho Hoàng hậu Michiko. Tôi nghĩ đây là một câu nói thú vị, thực tế có nhiều người nước ngoài và người Nhật cũng nghĩ như vậy.

Khi nghĩ về điều gì làm nên khác biệt khiến phụ nữ Nhật Bản vẫn xinh đẹp ngay cả khi lớn tuổi, quả nhiên sự khác biệt nằm ở cách ăn uống. Động vật bao gồm cả con người duy trì sự sống bằng cách nhận năng lượng từ đất, nước và ánh sáng (mặt trời) thông qua thức ăn. Gạo hầu hết được trồng trên ruộng lúa. Hạt gạo được nuôi dưỡng bằng năng lượng từ ruộng lúa, không như ruộng khô, ruộng lúa có một khả năng rất tuyệt vời là trữ nước.

Đất của ruộng lúa là loại đất sét bền có khả năng giữ nước. Hạt gạo được trồng từ ruộng lúa có khả năng giữ nước rất tốt, vì vậy người Nhật hấp thụ chủ yếu hạt gạo thì làn da (tế bào) ẩm mát và tươi trẻ. Đó là lý do vì sao khi thấy nhận xét của Ueda trên báo, ngay lập tức tôi nghĩ đến hạt gạo, là thức ăn chính của người Nhật, là nét đẹp của người Nhật.

Không chỉ hạt gạo, cả củ sen hay ngưu bàng trồng trên ruộng lúa cũng có tác dụng tăng khả năng giữ ẩm cho da. Trong các quảng cáo mỹ phẩm dưỡng da cũng có ghi “Dưỡng ẩm cho da”, “Phục hồi sự tươi trẻ cho làn da”. Quả thật sự tươi tắn là điều kiện cần thiết tạo nên vẻ đẹp.

Nhật Bản được mệnh danh là vương quốc bông lúa mọng nước, khí hậu Nhật bản đã sinh ra và nuôi dưỡng những người phụ nữ tươi mát xinh đẹp. Một lần nữa tôi cho rằng phong thổ Nhật Bản đã tạo ra hạt gạo mang lại vẻ đẹp thật sự của người phụ nữ Nhật. Bữa ăn Nhật Bản (Washoku) tập trung vào hạt gạo hiện được cho là bữa ăn tốt cho sức khỏe trên thế giới, bữa ăn không tiêu thụ nhiều đạm động vật. Vẻ đẹp tươi tắn của phụ nữ Nhật Bản không phải tạo nên từ hôm qua, hay hôm nay mà được nuôi dưỡng bởi hơn một nghìn năm lịch sử.

Tuy nhiên, từ sau chiến tranh, chế độ ăn uống của người Nhật nhanh chóng bị phương Tây hóa. Vì vậy thế hệ trẻ thích ăn thịt nhiều hơn. Do thói quen ăn uống bị tây hóa mà làn da của người Nhật chúng ta, đặc biệt là những người sinh sau chiến tranh, trở nên thô ráp hơn rất nhiều.

Không chỉ là làn da. Các bất ổn khác nhau thường xuyên xuất hiện bên trong cơ thể. Ngày nay, thói quen ăn uống Tây hóa là nguyên nhân chính gây ra các bệnh liên quan đến lối sống như ung thư, tiểu đường, có thể gọi đó là quốc bệnh của người Nhật hiện tại. Điển hình trong cách ăn Tây hóa là thói quen ăn thịt. Với người Nhật trước những năm 1955, thói quen ăn thịt không mấy phổ biến.

Như đã đề cập trong chương mở đầu, “Báo cáo McGovern” xuất bản tại Mỹ vào cuối những năm 1970 đã rất nối tiếng. George McGovern, một thượng nghị sĩ thời bấy giờ, đã cảnh báo với chính phủ liên bang và quốc hội trong báo cáo rằng “Nếu không thay đổi thói quen ăn uống, dân số béo phì sẽ tăng và nhiều người bị ung thư. Kết quả là nhà nước sẽ bị phá sản bởi chi phí cho nền y tế nước nhà tăng cao”.

McGovern còn nói “Chế độ ăn của người Nhật trước năm 1960 là lý tưởng”.

Đây là một biểu hiện cho thấy những nổ lực phổ biến Macrobiotic của Michio Kushi và Herman Aihara đã có thể thay đổi thói quen ăn uống của người Mỹ một cách đáng kể .

Chế độ ăn thịt ngày nay rất đa dạng, nhưng loại thịt được dùng nhiều nhất ở Nhật là thịt gia súc. Thịt không thể đủ để cung cấp cho nhu cầu của nhiều người nếu không nâng cao hiệu suất sản xuất thịt gia súc bằng cách chăn nuôi công nghiệp. Do đó hình thức nuôi chuồng trở nên phổ biến trong chăn nuôi gia cầm. Gà được nuôi trong lồng chật hẹp được cho ăn cho uống để đẻ trứng, đó là hình thức chăn nuôi cực kỳ căng thẳng đối với vật nuôi. Nó giống như việc bạn bị nhốt trong khách sạn con nhộng cả đời (khách sạn có các khoang ngủ hình hộp).

Ngay cả trong chăn nuôi bò sữa, thay vì sử dụng cỏ vốn là thức ăn chính của con bò, thì ngày nay việc cho bò ăn ngũ cốc và sử dụng thêm các chất kích thích tố hỗ trợ tăng trưởng đã trở thành điều bình thường.

Tôi nghĩ không quá lời khi nói rằng nhiều căn bệnh hiện đại (bệnh liên quan đến lối sống) bắt nguồn từ những thực phẩm như vậy. Thức ăn nhân tạo rất khó nhai kỹ. Trong khi thức ăn tự nhiên có thể “nhai kỹ”. Những người sống trong môi trường sống áp lực, dễ bị căng thẳng thường có xu hướng ăn nhanh, hoặc ăn quá độ, nhai kỹ có thể cải thiện được thói quen này. Đó là bước đầu tiên để phòng bệnh.

“Nhai” đúng là “Phép màu”

Ishizuka Sagen - ông tổ Thực Dưỡng đã chú ý đến hàm răng của con người.

Trong số 32 chiếc răng, có 20 chiếc răng hàm, 8 chiếc răng cửa và 4 chiếc răng nanh.

Răng hàm, là răng giống cái cối như tên gọi nên người ta cho rằng chúng dùng để nhai ngũ cốc. Theo Ishizuka Sagen, răng cửa để nhai rau củ, răng nanh dùng để cắn xé cá thịt.

Từ cấu tạo của răng, Ishizuka Sagen đã lập luận con người là động vật ăn ngũ cốc.

Gần đây, người ta đang chú ý đến một nghiên cứu rằng có phải nhờ tiếp thu được kỹ thuật gia nhiệt nấu ăn mà bộ não con người đã phát triển?

Với thế giới Macrobiotic, sở dĩ con người được xem là sinh vật tiến hóa nhất là nhờ biết “nhai” và “gia nhiệt nấu ăn”. Nhìn về lịch sử của sinh vật, rõ ràng tổ tiên loài người đã biết nhai, nhai chậm và nhai kỹ thức ăn.

Cách đây hàng trăm nghìn năm, tổ tiên loài người dường như sống trốn tránh để không bị thú dữ ăn thịt. Lúc đó không có thức ăn mềm, chỉ có thức ăn cứng đến mức động vật khác cũng không ăn. Trong điều kiện chỉ tìm được thức ăn cứng, dù muốn hay không cũng chỉ còn cách nhai, nhai chậm và nhai kỹ.

Nhờ nhai, nhai chậm và nhai kỹ mà loài người đã có được nhiều khả năng khác nhau. Vì răng nối với tủy sống và não nên “nhai kỹ” giúp não bộ phát triển, đây là đặc điểm lớn nhất của con người.

Nhai kỹ thúc đẩy sự phát triển của não, hơn nữa còn tăng khả năng tiếp thu ngôn ngữ. Nhờ nhai kỹ mà bên trong khoang miệng con người hình thành một khoảng trống lớn hơn so với động vật khác. Vì vậy, lưỡi có thể mềm dẻo di chuyển lên xuống, trái phải. Lưỡi hoạt động linh hoạt giúp cho dây thanh âm được mở rộng linh hoạt. Kinh thánh có câu “Khởi thủy là lời”. Loài người có tư cách con người cũng là lúc xuất hiện ngôn ngữ.

Bằng cách nhai, con người đã có cách sống hiệu quả và hợp lý bằng cách sử dụng bộ não. Con người đã không sợ lửa mà sử dụng lửa một cách hiệu quả cũng nhờ sự phát triển của bộ não thông qua nhai.

Nhờ sử dụng lửa nấu ăn mà con người có thể hấp thu dinh dưỡng của thức ăn một cách hiệu quả. Việc nấu chín thức ăn đã làm cho phạm vi âm dương của thực phẩm được mở rộng. Có lẽ phạm vi hoạt động của con người mở rộng ra thế giới, phát triển văn hóa là nhờ phạm vi âm dương trong cách sống trở nên rộng mở thông qua việc sử dụng lửa. Khi nhai kỹ nước bọt tiết ra đủ nên cũng ngăn ngừa bệnh tật.

Tại đạo đường Macrobiotic của tôi, những người tham gia nửa nhịn ăn thường được cho nhai cháo gạo lứt thật kỹ. Nhai là hoạt động kết nối tâm linh. Tôi cảm nhận sâu sắc rằng “nhai là một phép màu”. Mỗi mùa xuân và mùa hè, chúng tôi có tổ chức Trường Học Sức Khỏe (trại huấn luyện Macrobiotic), trong trại trước mỗi bữa ăn chúng tôi sẽ cùng nhau hát bài “Kameyo” (Nhai kỹ nào) của tiên sinh Ohsawa và chắp tay cầu nguyện trước khi ăn.

“Nhai nào, nhai nào, nhai thật kỹ nào.

Nhai, nhai, nhai.

Cơ thể sẽ khỏe mạnh.

Nhai nhiều, nhai cho kỹ.

Nhai nào, nhai nào, nhai nào.

Cơ thể sẽ khỏe mạnh”

Đôi khi mọi người vừa ăn vừa vui vẻ với nhau rằng có thể nhai một miếng bao nhiêu lần. Trẻ con vốn có tính tranh đua. Chỉ cần hỏi một câu “cháu nhai được bao nhiêu lần?” trẻ con sẽ tranh nhau nhai ngấu nghiến trong im lặng. Có đứa nhai một miếng ớt chuông hơn 2000 lần.

Nhai thức ăn là một năng lực tuyệt vời. Bạn càng nhai nhiều, các tế bào càng được sắp xếp chỉnh sửa và các cơ quan nội tạng càng hoạt động mạnh mẽ hơn. Vì răng liên kết với các dây thần kinh trung ương nên nhai kỹ sẽ giúp ổn định các dây thần kinh tự chủ. Trên hết, răng và tủy sống có liên kết mật thiết với nhau, não nằm ở cuối của tủy sống sẽ phát triển một cách phi thường.

Trẻ con tự nhiên thích tranh đua. Đây là một thực tế không thể phủ nhận. Chính vì vậy trong nuôi dạy trẻ nhỏ điều quan trọng là kiềm chế tính cạnh tranh thay vì kích động thêm. Bữa ăn Macrobiotic tập trung vào ngũ cốc toàn phần nên lẽ tất nhiên đó là bữa ăn nhai nghiền. Bằng cách nhai, bạn có thể phát triển khả năng tư duy, khả năng hành động và khả năng phán đoán. Tôi đã chứng kiến những đứa trẻ đến tham gia Trường Học Sức Khỏe nếu có thể ngồi quỳ Seiza (thiền) thì khi hoạt động cũng làm rất tốt (dọn dẹp, chuẩn bị bữa ăn và vui chơi). Tôi rất ấn tượng trước sự phối hợp tốt giữa động và tĩnh này.

Mặc khác, có ý kiến cho rằng “không nên nhai quá nhiều”. Vì nhai quá nhiều sẽ làm dạ dày hoạt động kém. Ở góc độ Macrobiotic, ý kiến này không phải hoàn toàn sai.

Tôi sẽ nói thêm về âm dương trong Macrobiotic ở một chương riêng, nhưng nhai làm dương hóa cơ thể. Bánh dày càng giã càng dương. Người quá dương có khuynh hướng không nhai kỹ. Người cảm thấy nhai thật phiền phức là người khá dương. Một bằng chứng của người quá dương là không nghe lời khuyên của người khác, thậm chí là lời khuyên “nhai kỹ sẽ tốt”.

Một người dương như vậy không thể nhai kỹ, mà cũng không cần nhai. Thay vì ăn những thức ăn dương cứng buộc phải nhai thì chọn thức ăn mềm như món mì somen thêm cà chua và dưa chuột là đủ.

Cuộc sống là sự đan xen của âm và dương. Thể trạng hàng ngày của chúng ta cũng đan xen âm dương. Vấn đề là linh hoạt việc nhai nhiều hay không nhai nhiều đến mức đó theo thời tiết, thể trạng, thức ăn và tình trạng lúc đó. Thật không vui khi một mình mình nhai kỹ trong lúc mọi người đang vui vẻ thưởng thức món Nagashi somen (mì chảy) giữa mùa hè nóng bức.

Tâm trí và cơ thể của “Sự khiêm tốn”

Một câu chuyện tôi được nghe về con trai của một cô bạn. Bạn tôi bắt đầu chế độ ăn theo Macrobiotic từ khi con trai còn là học sinh trung học, nhưng làm cách nào thì con trai cũng không hài lòng với bữa ăn không có thịt, ngày nào cũng yêu cầu ăn thịt. Vì vậy, bạn tôi một mình tiếp tục thực hành Macrobiotic trong khi vẫn nấu các món ăn thịt cho con trai.

Cô bạn cũng tham gia lớp học nấu ăn Macrobiotic để nâng cao kỹ năng nấu nướng, nhưng rất khó để chế biến các món ăn Macrobiotic làm hài lòng con trai bằng các nguyên liệu từ thực vật.

Cậu bé rất thích ăn hamburger, và nói một tuần phải ăn hamburger vài lần. Vì từ khi con trai còn nhỏ, bạn tôi đã thường xuyên cho con ăn hamburger mình làm và cả hamburger đông lạnh. Thức ăn thời thơ ấu ảnh hưởng lớn đến vị giác trong suốt cuộc đời. Có lẽ cơ thể cậu bé đã bị chi phối nhiều bởi các tế bào tạo ra từ hamburger.

Khi con trai lên đại học, bạn tôi đã thử trộn 10% gluten đậu nành vào trong miếng humbuger mà cô luôn làm. Con trai nghĩ đó là hamburger như mọi khi và ăn. Bạn tôi nghĩ, với 10% đạm thực vật thì con không biết nên quyết định từ đó trộn 10% gluten thực vật khi làm hambuger. Hơn nửa năm trôi qua, lượng gluten thực vật tăng lên 20%. Con trai vẫn không nhận ra sự khác biệt trong chiếc hamburger.

Từ đó, bạn tôi đã lập ra một kế hoạch ngoạn mục. Trong vòng 5 năm, cố gắng làm cho lưỡi của con cảm nhận được vị ngon của thức ăn Macrobiotic. Cô bạn không từ chối mà chấp nhận yêu cầu của con, đồng thời các món ăn Macrobiotic mà con thờ ơ cũng được dọn trên bàn ăn. Ăn hay không là quyết định của con. Tỉ lệ gluten thực vật trong chiếc hamburger được tăng thêm 10% sau mỗi nửa năm. Đến khi hamburger 50% thực vật, con trai vẫn không phát hiện và vẫn ăn hamburger một cách ngon lành. Và đôi đũa của con đã bắt đầu gắp tới các món ăn Macrobiotic trước đây con từng không thích, không ăn.

Kế hoạch lớn vẫn tiếp tục được thực hiện. Cuối cùng cũng đến ngày hamburger 100% gluten thực vật, con trai vẫn ăn ngon lành và nghĩ đó là hamburger thịt. Lúc đó cô bạn mới tiết lộ điều đó với con.

Phải mất 5 năm để thay đổi chiếc hamburger thịt thành hamburger thực vật, và thức ăn trên bàn thành thức ăn Macrobiotic. Cậu con trai bất ngờ nhưng rất vui. Con vui hơn bao giờ hết vì mẹ không ép buộc mình phải ăn theo Macrobiotic, ngược lại mẹ đã kiên nhẫn nghiên cứu các món ăn Macrobiotic hợp với khẩu vị của mình.

Macrobiotic nên bắt đầu từ chỗ có thể bắt đầu. Từng bước từng bước đi từ những điều nhỏ như ý thức giảm lượng đường, giảm thịt, dùng rau củ theo mùa, một ngày nào đó cơ thể và tâm trí sẽ thay đổi. Cũng có thể nói rằng hành động nhỏ như vậy là một hành động khiêm tốn.

Bản thân tôi cũng biết được tầm quan trọng của sự khiêm tốn ăn ít đi, nhờ kinh nghiệm đã gặp nhiều vấn đề đến mức không thích ăn quá nhiều. Chính nhờ tuổi thơ yếu ớt mới có tôi hôm nay, vì vậy tôi thật sự cảm ơn sự đau yếu đó.

Có lẽ điều đầu tiên và lớn nhất của sự khiêm tốn là tránh ăn thức ăn động vật. Thức ăn động vật vốn là thức ăn “thèm muốn”. Tất nhiên, tùy vào môi trường và thể chất, có thể không thể sống nếu không ăn động vật, vì vậy không thể nói là tuyệt đối, nhưng ngay cả vì như vậy mà dùng thực phẩm động vật nhiều hơn mức cần cũng sẽ gây ra vấn đề.

Thầy Omori cũng nói con người vốn dương, ăn động vật có tính dương là vi phạm quy luật vũ trụ. Nhìn từ trật tự vũ trụ, dương với dương sẽ không kết hợp mà đẩy nhau. Người ta nói rằng hầu hết các bệnh người hiện đại mắc phải là do chế độ ăn thịt động vật. Con người sống được nhờ hàng nghìn tỷ tế bào và sự tuần hoàn của dòng máu, các trạng thái tâm lý bất an, sợ hãi và hoảng loạn cũng do tế bào và máu được tạo ra từ thức ăn động vật.

Chắc không phải vì thế mà nếu khuyên một người hảo thịt từ mai đừng ăn thịt thì họ thà chết còn hơn nhỉ. Đặc biệt những người trẻ tuổi và những vận động viên thể thao thường cho rằng thức ăn từ thịt là nguồn năng lượng, và không ăn thịt thì không có sức mạnh. Tuy nhiên, bất kể bạn còn trẻ thế nào, nếu muốn duy trì sức khỏe khi lớn tuổi, bạn cần phải nổ lực giảm khẩu phần thịt càng nhiều càng tốt.

Người ta nói rằng con bò phải tiêu thụ hơn 10 kg ngũ cốc mới tạo ra 1 kg thịt. Thịt bò là thực phẩm tiêu tốn nhiều năng lượng để tạo ra nhất. Không chỉ thịt bò mà tất cả thức ăn động vật đều là những thực phẩm tiêu tốn năng lượng so với thức ăn thực vật.

Chưa từng có xã hội nào mà thức ăn động vật tràn ngập như hiện tại, kể cả phương Đông hay phương Tây. Lịch sử thức ăn loài người chủ yếu là thực vật (ngay cả có ăn động vật hoang dã săn bắt được thì cũng không phải thường xuyên). Đặc biệt người Nhật có khả năng sản xuất ra đạm từ thực vật là một căn cứ đắt giá. Ngay cả rong biển vốn chứa rất ít chất đạm cũng tạo ra đạm.

Khả năng sản sinh đạm từ thức ăn không chứa chất đạm là khả năng của vi khuẩn đường ruột sống trong ruột của chúng ta, và nhờ hoạt động của gen di truyền có khả năng tự tái tạo chất đạm có tên gọi là Autophagy. Không chỉ con người mà hệ vi sinh vật đường ruột của tất cả các loài động vật ăn cỏ đều có khả năng sản sinh chất đạm từ thực vật không chứa đạm. Tất cả các loài động vật, ngoại trừ động vật ăn thịt, đều có vi khuẩn đường ruột có khả năng chuyển hóa âm thành dương.

Autophagy đã được chứng minh là cơ chế làm tăng khả năng tự tái sinh chất đạm bên trong cơ thể nhờ trạng thái đói. Do đó, chế độ ăn thức ăn động vật giàu calo không nâng cao mà ngược lại còn làm giảm khả năng của cơ thế Autophagy.

Cả vi khuẩn đường ruột và cơ chế Autophagy đều đang khổ sở vì không thể phát huy tối đa khả năng của mình. Tôi nghĩ rằng con người hiện đại cũng vậy, không thể phát huy hết khả năng chắc cũng đau khổ. Có lẽ những đau khổ này biểu hiện ở tâm trí và cơ thể chính là bệnh tật. Dương với dương không kết hợp mà đẩy nhau, sự đối nghịch đó biểu hiện thành bệnh ở tâm trí và cơ thể.

Để lan rộng thực phẩm động vật đến nhiều người, chỉ có cách tiêu thụ một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch. Từ đó chất độc đối với con người sinh ra từ nhiên liệu hóa thạch được tích tụ vào thức ăn động vật. Nhiều gia súc chứa nội tiết tố tăng trưởng và chất kháng sinh có nguồn gốc từ nhiên liệu hóa thạch. Tôi cho rằng các bệnh nan y, bệnh hiếm gặp thời nay xuất hiện do hợp chất hóa học trong nhiên liệu hóa thạch mà con người đang hấp thụ gián tiếp từ động vật.

Những người Âu Mỹ đến thăm Nhật Bản ở thời kỳ Edo và Minh Trị rất kinh ngạc thán phục trước sức chịu đựng dẻo dai, có thể nâng được hai bao gạo của người dân địa phương, mặc dù bữa cơm của họ hết sức đạm bạc. Nguồn gốc nằm ở thức ăn của họ không phải gạo xát trắng mà là gạo lứt.

Một lần nữa, trong Macrobiotic không cấm chế độ ăn thịt, nhưng nhìn từ cấu tạo và cơ chế tự nhiên của cơ thể thì con người phù hợp với chế độ ăn thực vật, ngay cả trong vấn đề tiêu thụ đạm. Tâm trí và cơ thể “khiêm tốn” một cách tự nhiên mà không phải cố gắng cũng tạo nên từ thức ăn.

Sống một cuộc đời tuyệt vời, thú vị và vui vẻ

Hươu cao cổ với đặc điểm cổ dài có thể ăn cả lá trên cây cao. Voi hiếm khi bị động vật ăn thịt tấn công, và ngự trị như vua của các loài động vật ăn cỏ do thân hình to lớn.

Con người có đặc điểm ngoại hình không nổi bật như các loài động vật khác. Tuy nhiên, nhờ biết đi lại bằng hai chân, con người có não lớn hơn các loài động vật khác, biết dùng tay tạo lửa, chế tạo đồ vật và nuôi trồng thực phẩm.

Đặc trưng của con người nằm ở răng và khoang miệng. Ngoài con người, không có một loài động vật nào khác có răng có thể nhai kỹ thức ăn và có khoang miệng cho phép lưỡi di chuyển tự do. Nhai giống như cái máy bơm đưa máu lên não. Con người đã phát triển não bộ bằng cách nhai kỹ thức ăn.

Bạn có thể dễ dàng hình dung sự phát triển của ngôn ngữ đã giúp thúc đẩy mạnh mẽ việc viết câu như thế nào. Nhờ biết viết câu mà con người đã truyền lại sự tinh thông cho thế hệ sau, và tích lũy sự phát triển của não. Đi bộ cũng là yếu tố quan trọng để kích hoạt não bộ con người.

Thông qua nhai, đi bộ và viết mà não bộ con người được kích hoạt, tạo điều kiện cho giao tiếp giữa người với người được thuận lợi hơn. Tuy nhiên, Nhật Bản hiện tại đã bước vào một xã hội siêu già, số lượng bệnh nhân mắc chứng suy giảm trí nhớ không thể giao tiếp được đang tăng lên nhanh chóng. Người ta dự đoán rằng số người suy giảm trí nhớ sẽ vượt quá 700 ngàn người vào năm 2025 và sẽ vượt quá 1000 ngàn người vào năm 2050, đây là một vấn đề xã hội rất lớn.

Đối với bệnh suy giảm trí nhớ, “nhai, đi bộ, viết” là ba biện pháp phòng ngừa chính.

Ngoài việc thúc đẩy máu huyết lưu thông lên não, nhai còn kích hoạt sản xuất nước bọt. Nước bọt hoạt động liên kết với nội tiết tố, khi tuyến nước bọt được kích thích và hoạt hóa thì nội tiết tố sẽ được tiết ra dồi dào. Giống như các nội tiết tố khác trong cơ thể, nội tiết tố trong não cũng có mối quan hệ chặt chẽ với nước bọt. Người tiết ra nhiều nước bọt sẽ khó bị giảm trí nhớ, người hay bị khô miệng hoặc nhiệt miệng có xu hướng có ít nội tiết tố trong não và cơ thể hơn.

Khi nước bọt tiết ra nhiều, nội tiết tố trong não được hoạt hóa, con người có tâm trí muốn thử thách những điều chưa biết nhiều hơn. Người ta nói rằng không chỉ con người mà hầu hết các loài động vật cũng trở nên bảo thủ khi già đi, do sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nội tiết tố trong não và cơ thể. Nhưng khi tuổi cao nếu thử thách những điều mới hoặc học thêm những điều chưa biết sẽ kích hoạt nội tiết tố trong não bộ và ngăn ngừa giảm trí nhớ.

Duy trì việc “nhai, đi bộ, viết” tự nó trở thành thiền định và giúp tâm trí được nghỉ ngơi. Khi tâm trí nghỉ ngơi, cơ thể và tâm trí được hòa hợp. Nhai, đi bộ, viết trở nên thú vị và là một phần của cuộc sống hàng ngày. Cuộc sống là một hoạt động sống, vì vậy “nhai, đi bộ, viết” chính là cuộc sống.

Bạn có thể đi bộ một mình, nhưng thi thoảng đi cùng gia đình, bạn bè và hàng xóm cũng rất tốt. Đi bộ một mình cũng vui, và cũng thật vui khi đi bộ cùng nhau, như câu châm ngôn của người Đức “Nếu có bạn đồng hành, không con đường nào xa”.

Về việc viết, có thể là một câu sáng tạo, nhưng cũng có thể là một bản kinh. Chép kinh vốn là sao chép lại kinh, tôi nghĩ chép bất kỳ câu nào cảm thấy thích cũng được. Thầy Ishida Ewan của tôi trước đây mỗi ngày đều chép 48 chữ trong thần thoại Tú Chân Truyền. Chép Bát Nhã Tâm Kinh hoặc Cổ Sự Ký (kojiki) cũng thích hợp.

Tất nhiên, viết nhật ký cũng tốt. Bà của tôi, người qua đời cách đây vài năm ở tuổi 91, đã viết nhật ký mỗi ngày. Khi đọc lại nhật ký sau khi bà mất, khóe mắt tôi cay khi biết rằng bà đã rất quan tâm đến tôi dù không có quan hệ huyết thống.

Ngăn ngừa chứng mất trí nhớ là tận hưởng cuộc sống từ tận đáy lòng.

“Làm cho đến cùng những gì bạn yêu thích để tận hưởng, sống một cuộc đời tuyệt vời, thú vị, vui vẻ. Và mãi mãi làm hài lòng, biết ơn tất cả mọi người” (George Ohsawa).

Khi duy trì cách sống Macrobiotic, tôi đã chiêm nghiệm được nhiều điều từ lời nói này của tiên sinh.

“Nhai, đi bộ, viết” nếu bạn ý thức và thực hiện ba điều này, cuộc đời của bạn không phải bắt đầu nở hoa hay sao ?

...
Trích:
cuốn MACROBIOTIC NÂNG CAO NĂNG LỰC PHỤC HỒI TỰ NHIÊN (Quyển căn bản)
Tác giả: Isogai Mashahiro
Biên dịch: Phạm Thanh Nhi
(Sách sắp xuất bản tại Việt Nam)


--------------------
________Ngọc Trâm_________
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 người đang đọc chủ đề này (1 khách và 0 thành viên dấu mặt)
0 Thành viên:

 



.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 24th April 2024 - 10:19 AM