IPB

Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

 
Reply to this topicStart new topic
> Thuyết âm/dương – Những cuộc tranh cãi không có hồi kết, Tác giả: Carl Ferré
Diệu Minh
bài Oct 2 2019, 07:07 PM
Bài viết #1


Bạn của mọi người
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 16,917
Gia nhập vào: 13-February 07
Từ: 103 ngách 2 ngõ Thái Thịnh I
Thành viên thứ.: 5



Thuyết âm/dương – Những cuộc tranh cãi không có hồi kết


Tác giả: Carl Ferré


Cách đây vài năm, một học trò đã nói với tôi: “Thực dưỡng sẽ tốt hơn mà không cần đến thuyết âm và dương.”

Anh ta tiếp tục: “Chỉ cần nói với tôi cái gì nên ăn và cái gì không nên ăn, đừng nói đến âm và dương nữa!”. Âm và dương không có

ý nghĩa gì cả, nó quá lạ lẫm với anh ta. Ngày nay, ăn uống theo chế độ Thực dưỡng mà không nghiên cứu âm /dương dần trở nên phổ biến.

Ohsawa trao cho chúng ta cách để đạt được trí phán đoán tối cao, sự hiểu biết vô biên và tự do vô hạn – cầu nguyện (suy niệm về trật tự vũ trụ) và nhịn ăn (ăn và uống những gì cần thiết). Cầu nguyện và nhịn ăn trong Thực dưỡng tương tự như ngồi thiền (ngồi trong sự trầm lắng) trong Zen. Trong cuốn sách của mình “Con đường của Zen (Taking the Path of Zen)”, Robert Aitken đã viết thế này: “Trái tim của Zen là thực hành ngồi thiền. Không ngồi thiền, không có Zen, không có sự giác ngộ, không áp dụng vào thực tiễn.” Tương tự như đối với thực dưỡng. Trái tim của thực dưỡng là thực hành cầu nguyện và tiết thực. Không thực hành cầu nguyện (suy niệm về trật tự vũ trụ) và tiết thực (ăn và uống những gì cần thiết) thì không phải thực dưỡng, không có trí phán đoán tối cao, nhận thức, tự do vô hạn.

Nói cách khác, việc nghiên cứu thuyết âm dương là cần thiết trong Thực dưỡng. Nếu không, chúng ta chỉ theo một danh sách các loại thực phẩm ăn được và các loại thưc phẩm nên tránh (không có vấn đề gì nếu chúng ta chỉ theo những danh sách đó). Tuy nhiên, đó chưa phải là Thực dưỡng thực sự. Thực dưỡng thực sự là việc lựa chọn thực phẩm theo nguyên tắc Thực dưỡng. Một trong những nguyên tắc cơ bản là thuyết Âm – Dương.

2 phiên bản khác nhau

Có 2 cách để giải thích âm và dương. Cả 2 phiên bản đều có nguồn gốc từ Trung Quốc và đến từ cách giải thích khác nhau của Kinh Dịch. Phiên bản thứ nhất của thuyết âm / dương đến từ y học Trung Quốc dựa trên bát quái, được sắp xếp bởi Văn Vương (1231-1135 TCN) trong thế kỷ 12 TCN, thuyết này được bổ sung bởi Khổng Tử (551-479 TCN) và các học giả Khổng giáo trong 5 thế kỷ TCN. Kinh Dịch thời này theo “khuynh hướng siêu hình” (metaphysical orientation) hoặc là “Kinh Dịch viết”. Phiên bản thứ hai theo “khuynh hướng vật chất” (physical orientation) hay “Kinh Dịch nói”. Phiên bản này dựa trên tư tưởng của Phục Hy (Tsi; 2952-2836 TCN) vào thế kỷ 29 TCN, người khác nữa là

Lão Tử (604-531 TCN) và Ekken Kaibira (1630-1716) – Hai nhân vật quan trọng trong lịch sử của tư tưởng Thực dưỡng. Ohsawa dựa theo phiên bản thứ 2 như ông đã giới thiệu trong phần Triết học của Đông y.

Ngoài 2 cách trên thì có nhiều cách giải thích âm/dương được tìm thấy trong sách của Roy Collins, Fire Over Heaven: On the Origin, Interpretations and Evolution of the Yin/Yang Dialectic and I Ching, xuất bản vào năm 2001.

Điều quan trọng là phải hiểu rằng Ohsawa không cố tình thay đổi ý nghĩa thuật ngữ đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ của y học Trung Quốc mà Ohsawa sử dụng một cách giải thích khác, cũ hơn về âm/dương. Cả hai phiên bản đều có giá trị. Chúng ta chọn phiên bản nào là phụ thuộc vào mục đích của chúng ta. Thuyết âm/dương là một công cụ, nó giúp chúng ta chọn chế độ ăn uống phù hợp để hồi phục sức khỏe và nâng cao giác ngộ tinh thần.

David Kerr đã biên soạn một danh sách hoản chỉnh phân loại âm/ dương từ Kinh Dịch, Hoàng đế nội kinh và Zen, điều đó cho tôi thấy có sự giống nhau trong thuyết của Ohsawa. Âm và dương là như phương hướng trên la bàn. Chúng được sử dụng để cung cấp định hướng trong cuộc sống của một người. Mối quan tâm chính của Ohsawa là cho mỗi người một la bàn để họ tự sử dụng. Nói cách khác, tự nghiền ngẫm suy nghĩ quan trọng hơn là ghi nhớ cách phân loại của người khác. Ông tin rằng “phiên bản vật lý” của âm/dương là tốt nhất cho mục đích này.

Sự khác biệt giữa phiên bản Ohsawa và phiên bản y học Trung Quốc cũng giống như sự khác biệt giữa một tua vít dẹt (-) và một tua vít Phillips bake (+). Trong cách hiểu này, phiên bản Ohsawa là giống như một tua vít dẹt. Y học Trung Quốc được sử dụng để chữa bệnh. Phiên bản Ohsawa có thể được sử dụng trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm cả việc khắc phục bệnh tật.

Tương tự như sử dụng một tua vít dẹt trên ốc 4 cạnh – nó vẫn có thể được thực hiện nhưng cần sự cẩn thận và kiên nhẫn. Tuy nhiên, trong tình huống cứng đầu, một tua vít bake (y học Trung Quốc) là cần thiết.

Những Nguyên tắc cơ bản của triết lý Viễn Đông là nền tảng rất cơ bản của tất cả các nền văn hóa của chúng ta, bao gồm cả y khoa, rất là rõ ràng. Tuy nhiên, cách giải nghĩa có thể là về vật chất hoặc siêu hình.

Lúc đầu, hơn 4000 năm trước đây, các nguyên tắc là một phép biện chứng duy vật. Sau đó, những người giải nghĩa nó, như Khổng Tử, đã giải thích những nguyên tắc ấy một cách phức tạp.

Sau đó, các y bác sĩ đã làm tương tự. Triết học và y học của vùng

Viễn Đông khó hiểu cũng vì lí do đó.

Các dân tộc Viễn Đông luôn được gọi là tâm linh, siêu hình hay nguyên thủy sử dụng một ngôn ngữ khá đặc thù; họ sống trong một thế giới vô hạn, vĩnh cửu và tuyệt đối, và hậu quả là cách nói (lưỡi) của họ không xác định, không chắc chắn, cực kỳ đơn giản nhưng sâu sắc và thường thiếu sự rõ ràng. Các ngôn ngữ Trung Quốc và Nhật Bản (những vùng Viễn Đông) thiếu những khái niệm về thời gian, số lượng, và giới (NN Nga, Pháp..danh từ, động từ, tính từ có giới tính). (Theo phương pháp của tôi, bạn có thể học tiếng Nhật thông thường trong bốn giờ. Nó là ngôn ngữ đơn giản nhất mà tôi biết trên toàn thế giới.) Không còn nghi ngờ gì nữa yếu tố này góp phần vào sự hiểu lầm và hiểu sai về triết lý của vùng Viễn Đông.

Ban đầu, hơn 4000 năm trước, bầu trời, hoặc không gian vô hạn, được coi là biểu tượng âm tối cao, và trái đất là biểu tượng dương tối cao. Bầu trời là không gian vô hạn, nó mở rộng vô biên, được coi là đại diện của âm-lực ly tâm. Trái đất, trái lại, được coi là dương-lực hướng tâm.

Sau đó, các nhà siêu hình mô tả bầu trời như cái máy phát điện của tất cả các hiện tượng và chúng sanh trong thế giới, bao gồm tất cả các thiên thể (các lực lượng chính, hoặc thần tối cao), họ phân loại nó như là dương. Trái đất được xem là âm.

Theo cách nói siêu hình, bầu trời, không gian vô hạn, được gọi là dương – nhà sản xuất lớn nhất. Còn theo cách nói vật lý, bầu trời – không gian vô hạn, mở rộng vô biên – gọi là âm. Từ quan điểm này, trái đất chắc đặc, nhỏ gọn và dương.

Trong y học truyển thống Trung Quốc, ruột non, bàng quang, dạ dày, ruột già … được phân loại là dương trong khi trái tim, thận, tuyến tụy, gan … được phân loại là âm. Đây là một phân loại siêu hình. Còn với phân loại vật chất, điều này phải được đảo ngược: tất cả các cơ quan rỗng là âm vì thụ động và tiếp nhận; tất cả các cơ quan dày và chắc đặc là dương (ruột, dạ dày, bàng quang ... là âm; gan thận, tim, tụy … là dương)

Chúng ta đang sống trong một thời kỳ của vật lý và khoa học. Do đó chúng ta cần phân loại theo vật chất, nên thống nhất thuật ngữ để việc giới thiệu các nguyên tắc độc đáo vào tất cả các ngành khoa học tự nhiên và tất cả các ngành khoa học văn hóa được dễ dàng. Hơn thế nữa, nó rất cần thiết trong sự hình thành các khái niệm cơ bản cho những ai lãnh đạo đất nước.

Những Khái niệm mơ hồ

Khi tôi lần đầu tiên bắt đầu Thực dưỡng vào năm 1975, tôi bị kiều mạch (tam giác mạch) thu hút. Mọi người nói với tôi rằng kiều mạch là một hạt dương và quá dương cho mùa hè (dương). Tuy nhiên, tôi đã ăn nó hàng ngày. Nó không phải là quá dương với tôi. Nhiều năm sau, Jacques deLangre nói với tôi rằng kiều mạch có một phần thuộc họ rhubab (Rhubarb là loại rau rất chua, hình thức thì giống cây bạc hà (môn cây), nhưng thân không có màu xanh lá cây mà có màu đỏ thẫm) và rất âm.

Đó là một trong những điều mơ hồ về âm/dương. Không có sự đồng đều về âm và dương trong mọi thực phẩm, trong mỗi cơ quan, trong mỗi người, và trong tất cả mọi điểu trong cuộc sống (Không có gì hoàn toàn âm hoặc hoàn toàn Dương. Mọi hiện tượng lớn nhỏ đều bao gồm cả Âm lẫn Dương). Các khía cạnh của kiều mạch là dương như nhỏ, cứng và các khía cạnh của kiều mạch là âm nó thuộc họ rhubab. Kiều mạch được coi là “dương” bởi những người nghĩ rằng những khía cạnh dương chiếm ưu thế và “âm” bởi những người nghĩ rằng khía cạnh âm thống trị. Điều tương tự cũng có thể nói về cà chua, muối, đường, hoặc bất kỳ thực phẩm nào.

Khi ở trong trại French Meadows, tôi hỏi những người tham gia hãy so sánh tôi với một người đang đứng cạnh tôi. Tôi hỏi ai nhiều âm hơn và ai nhiều dương hơn. Vì tôi cao hơn, những người tham gia nói rằng tôi âm hơn. Sau đó, chúng tôi quay sang một bên.

Mọi người nói tôi dương hơn vì bụng của tôi thon thả hơn (dương là ốm, co rút). Ví dụ này cho tôi thấy – về chiều cao, tôi âm hơn; về kích thước cơ thể thì ông ta âm hơn. Như vậy, tất cả các hạng mục phải được xem xét nếu chúng ta muốn xác định người đó nghiêng về âm hay nghiêng về dương của bất kỳ vật nào hay bất cứ ai.

Bài giảng đầu tiên của tôi tại George Ohsawa Macrobiotic Foundation năm 1978 là về âm và dương. Sau khi giải thích các thuật ngữ, tôi đã đưa ra các vật thể và hỏi cái nào là âm và cái nào là dương. Hầu hết các học trò của tôi ngồi với gương mặt ngơ ngác trong khi một cậu bé mười tuổi đến từ Hà Lan không biết tiếng Anh hầu như đều chỉ ra chính xác theo ý tôi. Đến cuối buổi nói chuyện, tất cả mọi người đều bối rối kể cả Herman Aihara và tôi. Lý thuyết rất dễ dàng nhưng việc áp dụng không phải lúc nào cũng dễ dàng như vậy.

Một số người nói rằng họ gặp vấn đề trong việc hiểu phiên bản âm/dương của Ohsawa. Tôi không đồng ý và nhận thấy rằng phiên bản của y học Trung Quốc hơi lộn xộn. Theo kinh nghiệm của tôi, cả hai phiên bản có chứa các khía cạnh khó hiểu xuất phát từ góc nhìn phổ thông (common sense). Những người ủng hộ phiên bản của y học Trung Quốc chuyển từ đồng ý sang không đồng ý sau nhiều cuộc tranh luận. Thực tế là các phiên bản gây khó hiểu đối với những ai chỉ biết một trong hai phiên bản, đặc biệt là nếu chỉ hiểu biết một phần của phiên bản “đã biết”. Bất cứ ai nắm vững căn bản tốt sẽ có ít vấn đề khi học hỏi (hoặc thảo luận) các phiên bản khác.

Khác biệt cụ thể

Trong y học truyền thống của Trung Quốc, dương tương ứng với phía nắng của ngọn núi và âm tương ứng với bên râm của núi. Nóng hơn, sáng hơn, lửa, khô hơn, hoạt động được phân loại là

dương; lạnh hơn, sẫm màu hơn, nước, ẩm ướt hơn, sự tiếp nhận được phân loại là âm.

Điểm khác biệt chính giữa cách giải thích vật lý và siêu hình xuất phát từ việc phân loại trời và đất. Cách giải thích vật lý xem thiên đàng như không gian trống rỗng, lạnh (âm) và trái đất như một vật rắn, nóng (dương). Từ quan điểm này, cho chúng ta thấy sự chắc đặc, hướng xuống, trọng lực, lực hướng tâm, co thắt, nội tại, vật chất là dương và rỗng, hướng lên, lực ly tâm, mở rộng, ngoại biên, năng lượng là âm.

Hãy xem xét chu trình nước/mưa. Mặt trời làm nóng trái đất và làm nóng không khí có chứa hơi nước bốc lên cho đến khi hơi nước bị làm lạnh trong các tầng trời ở trên cao. Kết quả của quá trình làm lạnh này là hơi nước ngưng tụ thành từng giọt sau đó rơi xuống đất. Cách giải thích vật lý cho ta biết: nhiệt (dương) làm cho không khí tăng lên (âm) cho đến khi nó trở nên lạnh (âm) rồi làm cho nó ngưng tụ và rơi xuống (dương). Cách giải thích siêu hình cho rằng bản chất của nhiệt (dương) là thăng lên (dương) cho đến khi nó trở nên nguội (âm) – và sau đó rơi xuống (âm).

Cả hai cách diễn giải dẫn đến cùng một kết luận – dương dẫn đến âm và âm dẫn đến dương. Cụ thể, dương thu hút âm cho đến khi nó trở thành âm, ngay tại lúc đó nó thu hút ngược lại dương cho đến khi nó trở thành dương. Hai phiên bản chỉ khác nhau trong quan điểm – nơi âm thay đổi để thành dương và ngược lại. Âm và dương là vô hình, không có hình dạng, luôn luôn vận động, không bao giờ trong trạng thái tĩnh. Vì vậy sự hợp nhất của âm và dương (bổ sung khiếm khuyết cho nhau) rất quan trọng.

Kết luận

Thuyết âm/dương là trọng tâm của Thực dưỡng và y học Trung Quốc. Chúng ta sử dụng phiên bản nào là tùy thuộc vào mục đích của chúng ta. Mỗi phiên bản được dựa trên cách giải thích cách đây hàng ngàn năm. Tôi không đồng ý với ý kiến cho rằng Thực dưỡng nên thay đổi cách giải thích vật chất thành cách giải thích siêu hình trong y học Trung Quốc. Tốt nhất là nên thống nhất cả 2 lại chứ không phải là tách ra. Dưới đây là những gợi ý cho việc thống nhất.

Một: Giáo dục Thực dưỡng phải làm tốt việc giảng dạy các nguyên tắc Thực dưỡng nói chung và thuyết âm/dương nói riêng. Bước đầu tiên là phải có những bài viết rõ ràng và dễ hiểu về các nguyên tắc thực dưỡng. Bước thứ hai là xét duyệt và giảng dạy. Sinh viên muốn học cả hai phiên bản âm/dương nên nghiên cứu một phiên bản thật tốt trước khi tìm hiểu những phiên bản khác.

Hai: Các nhà giáo dục cần phải thừa nhận rằng hai phiên bản riêng biệt của âm/dương. Các bài viết nên giải thích sự khác nhau đó để mọi người không cảm thấy khó hiểu. Dưới đây là một lưu ý từ cuốn sách của tôi, Pocket Guide to Macrobiotics: “Lưu ý rằng thuyết âm/dương của Thực dưỡng khác thuyết âm/dương của y học Trung Quốc hay phương Đông. Y học Trung Quốc sử dụng thuyết âm dương như một phương tiện chữa bệnh. Thực dưỡng sử dụng thuyết âm/dương như là một cách để khôi phục lại trật tự tự nhiên và đạt được tự do. Cả hai hệ thống đều có giá trị, nhiều người theo Thực dưỡng và nhân viên tư vấn đã học cả 2 cách sử dụng để thấu hiểu cuộc sống 1 cách trọn vẹn. “Rất hữu ích nếu y học Trung Quốc trình bày và áp dụng phiên bản của thực dưỡng”.

Ba: Vượt qua suy nghĩ thiển cận. Có vẻ như nhiều người thực hành Thực dưỡng không muốn học hỏi bất kỳ điều gì khác ngoài thực dưỡng, điều này cũng tồn tại với nhiều người học y học Trung Quốc. Y học Trung Quốc có giá trị riêng – nó đã có trên 2000 năm để hình thành nên thuyết âm dương để dùng cho việc chữa bệnh. Thực dưỡng cũng có giá trị riêng – nó giúp chúng ta hiểu được trật tự của vũ trụ (đại vũ trụ) và của bản thân mình (tiểu vũ trụ) được kết nối với nhau 1 cách thiêng liêng – chúng ta là một. Hiểu được kết nối này cho phép chúng ta sống một cuộc sống hạnh phúc, khỏe mạnh và tự do.

Những sai lầm chết người trong Thực Dưỡng:

Hiểu và hành thế nào cho đúng!

Vài tuần trước, tôi nhận được một cuộc gọi hỏi tôi tại sao một số người giảng dạy Thực dưỡng lại chết vì các bệnh thoái hóa. Suốt cuộc trò chuyện, anh ta nói rằng anh ta đã thống kê và thấy rằng tuổi thọ của người ăn Thực dưỡng lại thấp hơn tuổi thọ trung bình của quốc gia.Tôi đã rất vui khi nói chuyện với cậu ấy vì tôi đang viết về đề tài này. Số lượng người hỏi những câu hỏi như vậy đã tăng lên trong vài năm qua và tôi đã đọc một số bài viết phỏng đoán và thông tin sai sự thật. Dưới đây là những quan điểm của tôi.

Trước tiên, tôi phải nói rằng trong kinh nghiệm của tôi, tôi chưa bao giờ thấy bất cứ ai không đạt được lợi ích nào khi thực hành phương pháp dưỡng sinh – ngay cả những người đã bỏ dưỡng sinh sau một thời gian dài áp dụng. Tất cả đều đạt được lợi ích, đồng thời trong những năm qua tôi đã thấy và đã nghe nói đến nhiều phép lạ.

Thứ hai, tôi biết có những người tư vấn Thực dưỡng thành công, và thậm chí có người còn nói họ chưa bao giờ thất bại. Tuy nhiên, tôi cũng gặp những người Thực dưỡng không thành công cho lắm. Tại sao lại như vậy? Có lẽ họ không nghiên cứu về thực dưỡng, có lẽ họ không chọn đúng thực phẩm cho thể trạng của họ, có lẽ họ ăn quá nhiều và quên rằng lượng biến đổi phẩm, có lẽ họ quá thụ động, họ quên rằng hoạt động, tập thể dục cũng quan trọng không kém.

Khi phương pháp dưỡng sinh không có kết quả với một số người, họ dễ dàng đổ lỗi cho sự thực hành và hiểu biết của họ hơn là tìm hiểu bản chất Thực dưỡng là gì. Khi người tư vấn Thực dưỡng mất vì căn bệnh thoái hóa không phải do họ không thực hành hay thiếu hiểu biết. Chắc chắn rằng, họ biết điều gì tốt không tốt và họ cũng không muốn bản thân mình tới tình trạng như vậy. Người ta bắt đầu đặt câu hỏi về phương pháp Thực dưỡng và một số người cảm thấy nó có những sai lầm nguy hiểm.

Tôi không có ý định phân tích từng trường hợp cụ thể, những ý kiến sẽ được thảo luận sau. Theo ý kiến của tôi, những sai lầm nguy hiểm này bắt nguồn từ sự không hiểu biết đầy đủ và chính xác về phương pháp dưỡng sinh. Tôi có loạt bài viết về “The Real Macrobiotic Diet” trong Macrobiotics Today, chúng ta sẽ thảo luận sâu hơn những hiểu lầm về phương pháp dưỡng sinh ở đó.

Thực phẩm quan trọng như thế nào?

Hầu hết mọi người cho rằng chữa bệnh theo phương pháp dưỡng sinh mang nhiều ý nghĩa, chúng ta có thể nhấn mạnh điều cơ bản sau, ăn thực phẩm tốt với số lượng phù hợp với tình trạng thể chất, nhu cầu, mục đích. Từ quan điểm này, sức khỏe được xác định 100% bởi thực phẩm ăn vào.

Nhiều năm trước, tôi hỏi Herman Aihara yếu tố về thực phẩm chiếm bao nhiêu phần trăm trong sức khỏe một người.

Ông ta nói liền ”5%”.

“Thật tuyệt vời! Đó chính xác là những gì tôi nghĩ”

Ông ta đi một hồi rồi đột ngột quay đầu lại với nụ cười tinh quái “Nhưng đó là 5% quan trọng nhất”.

Cái nào đúng? Nếu hiểu theo nghĩa rộng nhất, thực phẩm là “bất cứ cái gì nuôi dưỡng hoặc kích thích bạn”. Nó bao gồm tất cả những suy nghĩ, cảm xúc, giác quan… cũng quan trọng như việc ăn uống. Hiểu theo cách này thì không phổ thông lắm nên ở đây tôi ám chỉ thức ăn chỉ là thức ăn theo lý thuyết 5%.

Sai lầm nguy hiểm về Thực dưỡng đó chính là nghĩ rằng thực phẩm là tất cả những gì chúng ta cần để duy trì sức khỏe. Điều này dẫn đến việc quá khắt khe và lo lắng về thực phẩm “Tôi đã lỡ ăn trái cà chua! Chuyện gì sẽ xảy ra với tôi” (Trong thực dưỡng, cà, măng, giá, nấm là cực âm nên tránh ăn) hoặc “Tôi chỉ nhai có 20 lần thay vì 50 lần”. Nó sẽ dẫn đến việc thất bại trong việc nhìn nhận những yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe. Bạn phải hiểu là phương pháp dưỡng sinh bao gồm tất cả những nhân tố ảnh hưởng tới cuộc sống, sự sống của bạn chứ không đơn thuần là việc ăn uống dưỡng sinh.

Theo quan điểm của tôi, khuyết điểm chết người này xảy ra bởi vì người ta không biết thế nào mới dưỡng sinh thực sự. Chúng ta nên có cái nhìn toàn cảnh về phương pháp dưỡng sinh ngay từ đầu khi họ đến với phương pháp này kể cả khi họ chỉ áp dụng một phần nhỏ. Tôi thấy rất ít người viết rằng phương pháp dưỡng sinh không phải chỉ là phương pháp ăn uống. Hãy thay đổi điều đó và nên viết về phương pháp dưỡng sinh như là lối sống hạnh phúc, tự do, hòa bình, nhất thể, toàn năng, vô biên.

Tôi không thể nào biết chính xác những gì mọi người ăn trong thời gian qua. Chắc chắn như vậy, tôi từng ăn với Herman Aihara, Michio Kushi và nhiều nhà tư vấn Thực dưỡng khác trong những năm qua. Nếu bạn không ở với họ, làm sao bạn biết được họ ăn uống những gì trong thời gian qua? Tưởng tượng rằng tôi đã ngạc nhiên thế nào khi Herman nói rằng trong suốt thời gian ở trại French Meadows, ông ta đã ăn bánh donuts và uống cà phê mỗi ngày trong 4 năm.

Chẳng lẽ Herman không biết rằng điều đó gây nguy hại cho sức khỏe à? Tại sao ông ta lại làm điều đó? Herman có thực hành phương pháp dưỡng sinh tại thời điểm này hay không, và nếu không, tại sao không? Có phải ăn bánh donuts và uống cà phê lý do duy nhất khiến Herman bị bệnh tim và qua đời? Chúng ta hãy xem xét một số yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe, trong đó “thức ăn” được hiểu ở nghĩa rộng lớn.

Tâm linh

Không có câu hỏi nào hỏi rằng liệu Herman biết rằng có bánh donuts và cà phê là có hại cho sức khỏe của mình. 2 thứ đó đã ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của Herman, điều đó nhắc nhớ chúng ta về lý thuyết thực dưỡng. Nếu bạn vi phạm trật tự của vũ trụ, bạn sẽ phải trả giá cho dù bạn là ai. Tại sao Herman làm điều đó? Chúng ta có lẽ không thể biết tất cả lý do. Ông ta nói rằng ông đã làm điều đó để chuộc lỗi vì đã không ăn mochi với đường mẹ làm khi ông rời Nhật Bản tới Mỹ.

Herman tin rằng có sự gắn kết về tinh thần với mẹ và hành động của mình thể hiện tình yêu cho bà ấy. Herman thường giảng dạy về việc từ bỏ những gì mình thích để phát triển tâm linh. Trong trường hợp này, Herman đã từ bỏ những gì quan trọng nhất – thể chất của mình. Ohsawa phải mất từ 30 đến 50 năm (10 đến 20 năm nếu rất siêng năng) để đạt được sự giải thoát về tinh thần.

Nếu bất cứ ai mà tôi biết đã đạt được một sự giải thoát như vậy, đó là Herman.

Một năm trước khi Herman qua đời, Herman đã rơi xuống sông Feather khi đang câu cá và gần như bị chết đuối. Cornellia tin rằng chính điều này làm Herman suy yếu. Tôi không đồng ý. Nhắc lại điều này, Herman có nhiều kinh nghiệm về sông nước và đối phó với việc đuối nước. Herman nói rằng càng vùng vẫy, tình hình càng tồi tệ hơn. Lúc đó đột nhiên ông nhìn thấy khuôn mặt của Ohsawa và nó thật đẹp. Ông ngừng vùng vẫy và thả lỏng, chấp nhận bất cứ điều gì xảy ra cho số phận. Vào thời điểm đó, Herman đã được một ai đó cứu sống. Tôi thấy trải nghiệm này đã ảnh hưởng sâu sắc đến ông.

Vai trò của tinh thần cần được khám phá nhiều hơn nữa. Trong trường hợp Herman, ông biết ông là ai, đến từ đâu, và đang đi đâu. Theo tôi, tôi cảm thấy Herman đã sẵn sàng để ra đi. Tôi không đổ lỗi cho ông. Herman ăn bánh donuts và cà phê là một biểu hiện của sự tự do và nuôi dưỡng tinh thần của mình. Liệu đó là bản án của ông ta hay sự lựa chọn?

Một lý do mà mọi người nói chung và người giảng dạy thực dưỡng nói riêng ăn những thực phẩm không phải dưỡng sinh là để hòa nhập với cộng đồng. Có lẽ Herman đã đi đến cửa hàng donuts để hòa hợp với mọi người. Ở đó, ông có thể nói chuyện với bạn bè của mình về câu cá. Ông không cần phải giải thích âm dương và không nói về dưỡng sinh. Ông chỉ là Herman.

Tôi ở với Herman và bác sĩ Anthony Sattilaro một thời gian ngắn trước khi bs Sattilaro qua đời. Bs Sattilaro giải thích rằng ông đã chọn không thực hành dưỡng sinh vì bất cứ khi nào ông nói về dưỡng sinh là ông bị tẩy chay bởi các đồng nghiệp của mình. Nhu cầu xã hội của ông ấy quan trọng hơn việc ăn uống dưỡng sinh để có thể sống lâu hơn. Đây là một ví dụ khác về sự cần thiết của việc hòa hợp với mọi người và là một biểu hiện của sự tự do.

Herman nói với tôi nên giữ một người bạn thay vì giữ chế độ ăn uống. Tối ưu nhất là làm cả hai, nhưng không phải lúc nào cũng thực hiện được. Những tình huống như vậy sẽ dẫn đến stress và làm giảm năng lượng của bạn. Những lo lắng về ăn một loại thực phẩm nhất định gây nhiều bất lợi hơn là việc chỉ ăn chúng.

Nước

“Uống càng ít nước càng tốt”. Một sai lầm nguy hiểm nữa liên quan đến việc uống nước. Tôi tin rằng Ohsawa muốn khuyên mọi người rằng hãy uống đủ lượng nước cần thiết. Tuy nhiên, khi ông đến nước Mỹ, ông đã thấy nhiều người uống nước quá nhiều, dẫn đến việc suy yếu thận. Tất nhiên những gì họ uống chủ yếu là cà phê, bia, rượu, nước giải khát. Vì vậy, ông khuyên mọi người rằng hãy uống nước càng ít càng tốt. Ông không có ý định khuyên mọi người không uống nước.

Trong những năm đầu thực hành dưỡng sinh, tôi đã bỏ uống nước. Uống quá ít nước cũng nguy hiểm như việc uống nhiều nước. Sau một thời gian không uống nước, cơ chế khát nước của tôi không làm việc và tôi không thấy khát nước. Vài năm sau, tôi uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày, sau đó cơ chế cơn khát của tôi tự điều chỉnh, tôi có thể uống nước khi thấy khát.

Herman từng nói với tôi rằng ông ta có thể không bị bất cứ bệnh tật nào bằng cách không dung nạp chất lỏng nào bao gồm uống nước. Trong suốt mùa hè trước khi Herman qua đời, Bob Ruggles, tôi, và những người khác cố gắng để Herman uống nhiều nước hơn vì tôi nghĩ rằng ông ta đang có nguy cơ bị mất nước khô máu nhưng Herman vẫn không thay đổi thói quen uống nước “càng ít càng tốt” của mình.

Khả năng thích nghi

Nếu có một từ định nghĩa sức khỏe thì từ đó sẽ là sự linh hoạt – khả năng thích ứng hoặc thay đổi. Đối với tôi, kể cả người thực hành dưỡng sinh mà bị bệnh, chứng tỏ họ cần phải thay đổi.

Phương pháp dưỡng sinh là một triết lý của sự thay đổi. Nếu bạn có suy nghĩ rằng bạn không thể thích nghi hay thay đổi được, bạn không phải là người thực hành dưỡng sinh một cách thấu đáo. Tôi thấy nhiều người dưỡng sinh khác khá bảo thủ và thiếu sự linh hoạt trong suy nghĩ.

Một trong những bài học quan trọng nhất của Herman là “Nắm giữ hay Buông bỏ”. Dưới đây là một trích dẫn từ cuốn sách “Kính vạn hoa” của ông.

“Trên thực tế, hạnh phúc đến khi bạn bắt đầu từ bỏ và nó không đến khi bạn cứ khư khư giữ lấy.

Ví dụ, khi bạn bắt đầu thực hành thực dưỡng, bạn rất hạnh phúc vì bạn đã từ bỏ thịt hay phomat. Rồi thì, khi bạn thích gạo lứt và súp miso, bạn (cũng) cần phải từ bỏ chúng. Nhiều người bất hạnh vì họ bị kẹt vào gạo lứt với miso. Khi bạn chữa bệnh bằng gạo lứt, không phải bạn chỉ được chữa lành nhờ gạo lứt mà là nhờ cả những gì bạn đã từ bỏ. Thế nên nếu bạn bị bệnh lần tới [và vẫn còn kẹt vào gạo lứt, miso…], việc chữa bệnh sẽ là bất khả thi bởi vì bạn chỉ còn mỗi gạo lứt, miso và nước tương để từ bỏ.

Vì thế, bạn hãy thận trọng với việc luôn làm lớn cái Tôi. Xu hướng của Thực dưỡng là ngược lại [tức là càng thực hành thì càng phóng khoáng, tự do]. Đừng đánh đổi gạo lứt cho hạnh phúc.”

Thuốc lá

Khi tôi đến học viện của Cornellia Aihara, mọi người đều hút thuốc, chỉ có tôi là không hút thuốc. Trong một lần tôi lái xe đưa Herman từ Oroville tới San Francisco, Herman lấy ra một điếu thuốc.

Tôi buột miệng nói “Herman, anh nên bỏ hút thuốc”

“Anh nói đúng”. Anh ta bỏ điếu thuốc vô trong gói thuốc và quăng nó ra cửa sổ.

“Herman, anh không nên vứt nó ra trên đường cao tốc như vậy!” Tôi hét lớn. “Chúng ta ổn mà… Được rồi, quay xe lại, có lẽ tôi cần thuốc lá”, Herman nói với giọng điềm tĩnh.

Tôi cân nhắc và quyết định vẫn tiếp tục lái xe. Sau đó, tôi mới biết ông có ý định bỏ hút thuốc vì không muốn làm gương xấu cho con gái của mình.

Tôi rất vui khi thấy bài viết của Roy Collin về vấn đề hút thuốc lá trong tuần báo tháng 3, tháng 4 của tạp chí Macrobiotics Today.

Không còn nghi ngờ gì nữa, thuốc lá và khói thuốc là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Trong nhiều dịp trò chuyện, Herman nói với tôi rằng nếu Ohsawa còn sống, ông sẽ thay đổi quan điểm về hút thuốc vì ông ta có nhiều bằng chứng cho thấy nó gây nên cái chết của Ohsawa vào năm 1966. Tôi tin rằng Herman luôn khuyến khích mọi người, kể cả người giảng dạy Thực dưỡng ngưng hút thuốc càng sớm càng tốt.

Tôi ở châu Âu vào năm 1991 khi nghe tin Aveline Kushi bị bệnh ung thư. Trong cuộc nói chuyện với mọi người, tôi đã rất ngạc nhiên rằng không có ai coi việc hít phải khói thuốc là một yếu tố. Tôi xin nhắc lại, thuốc lá là một trong nhiều yếu tố ảnh hưởng sức khỏe con người. Một yếu tố khác trong trường hợp Aveline là làm việc quá sức trong nhiều năm trong việc giúp đỡ người khác. Nhiều người giảng dạy Thực dưỡng dành nhiều thời gian giúp đỡ người khác nhưng lại quên chú ý sức khỏe của họ.

Ô nhiễm không khí (sương khói quang hóa)

Điều này đưa chúng ta đến một chủ đề liên quan, chất lượng không khí chúng ta hít thở. Gần đây tôi đọc một lời thú nhận đáng ngạc nhiên từ Công viên quốc gia Hoa Kỳ (National Park Service) rằng, “Trong một số ngày, chất lượng không khí của Công viên quốc gia Smoky Mountains đã giảm đến điểm mà có thể nguy hiểm cho con người.” Hãy tưởng tượng về chất lượng không khí ở Angeles và các thành phố lớn khác. Ở Carlifornia, có tám (trong mười) thành phố có bầu không khí không tốt cho sức khỏe con người. Ohsawa sống trong thời có bầu không khí sạch hơn hiện nay. Hiện nay, ô nhiễm không khí là một yếu tố ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe con người, đặc biệt là ở các thành phố lớn, gần các nhà máy công nghiệp, và gần khu nông nghiệp – nơi cây cối được phun tẩm hóa chất. Bạn nên thay thế chúng bằng những thực phẩm organic, tuy nhiên khi bạn ở gần nơi ô nhiễm, bạn không thể tránh khỏi hóa chất hoàn toàn. Tôi sống bên cạnh vùng không khí phun tẩm hóa chất, nên tôi không thể làm việc bên ngoài trong thời điểm không khí tồi tệ nhất trong năm.

Nếu có một người thực hành theo Thực dưỡng một cách nghiêm ngặt, thì đó là Cecile Levin. Học trò của cô ấy xác nhận với tôi điều đó. Sống giữa thành phố Los Angeles với bầu không khí ô nhiễm nặng nề có lẽ gây hại cho sức khỏe cô ấy nhiều hơn chúng ta tưởng, đặc biệt là trong những năm cuối cuộc đời. Trong lúc chiến đấu với bệnh ung thư và bệnh tim thì không khí sạch và nước khoáng tinh khiết là cực kỳ quan trọng.

Nguy hiểm từ môi trường

Macrobiotics Today (tháng Ba / Tư và tháng Năm / tháng Sáu, 2002) có những bài viết tuyệt vời của Lynda Mathé về “Mối Liên Hệ Sức khỏe và Trái Đất.” Trong bài viết đầu tiên Lynda nói rằng năng lượng trái đất có ảnh hưởng đến chúng ta, những khu vực gây ra sự căng thẳng có sự liên quan mật thiết với năng lượng trái đất và những khu vực nhất định ấy có liên quan đến ung thư. Làm thế nào chúng ta có thể biết những người giảng dạy Thực dưỡng đã qua đời phải chịu geopathic stress (Stress địa lý) trừ khi chúng ta kiểm nghiệm nhà và nơi làm việc của họ?

Trong bài viết thứ hai, Lynda “…khám phá những tia điện từ được tạo ra bởi công nghệ, và làm thế nào để đối phó với chúng. “Cô đã cho những ý tưởng tuyệt vời để đối phó với những ảnh hưởng của điện từ trường đang gia tăng nhanh chóng. Một trong những lý do chúng tôi di chuyển khỏi Oroville Chico bởi vì ở đó cho xây dựng một trạm phát điện ảnh hưởng đến sức khỏe.

Những ngôi nhà hiện nay đầy rẫy những sản phẩm độc hại. Làm thế nào chúng ta biết được những người giảng dạy Thực dưỡng có thay thế chúng bằng sản phẩm thiên nhiên hay không. Ngoài ra, quần áo và mỹ phẩm cũng cần phải xem xét.

Stress


Stress là một trong những yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe chúng ta. Khi chúng ta ăn những thực phẩm không phù hợp dẫn tới việc nhiễm độc toàn thân từ đó làm giảm khả năng chữa bệnh của cơ thể. Môi trường ô nhiễm và stress là điều chúng ta phải đối mặt khiến chúng ta suy giảm hệ miễn dịch. Tuy nhiên, tình yêu thương từ gia đình và bạn bè giúp chúng ta có thật nhiều năng lượng để đối đầu với stress.

Một người có thể bị stress khi họ không cảm nhận đầy đủ tình yêu thương. Stress vì công việc, stress vì vấn đề tài chính, stress vì mất mát… và trong thời gian đó họ trở nên kiệt quệ về năng lượng. Tôi đã viết về cái vòng luẩn quẩn này trong Pocket Guide to Macrobiotics (trang 106).

“Những nỗi sợ hãi bất thường làm tế bào T bị đình trệ, điều đó có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, từ đó dẫn đến bệnh tật, và khi bị bệnh chúng ta lại có những nỗi sợ hãi lớn hơn nữa, cứ lặp đi lặp lại như vậy.”

Nếu bạn không ở với họ 24/7, hiểu những suy nghĩ và cảm nhận của họ, làm sao bạn biết stress có ảnh hưởng tới họ hay không. Chúng tôi rất yêu quý Herman, nhưng liệu anh ta có cảm nhận được tình yêu thương đó? Có thể nó đã bị che khuất bởi những mối quan tâm khác làm hút cạn năng lượng sống và trí phán đoán của ông ấy?

Những yếu tố khác cần lưu tâm là lượng ánh nắng mặt trời thu nhận được, vận động, chất lượng giấc ngủ,… Theo Herman, Ohsawa chỉ ngủ 2-3 tiếng mỗi đêm. Ngủ quá ít là một trong những yếu tố dẫn đến sự qua đời sớm của Ohsawa.

Dương là tốt

Quan niệm sai lầm rằng dương là tốt và âm là xấu. Cả hai đều cần thiết cho một sức khỏe tốt. Khi một người bắt đầu một thực hành dưỡng sinh, đặc biệt nếu người đó tiêu thụ một lượng lớn đường tinh chế trong quá khứ thì những thực phẩm dương là cần thiết. Sau một thời gian dài thêm muối (dương) vào chế độ ăn và uống nước ít (dương), thì nên ăn âm một chút bằng cách dùng rau, củ, quả chất lượng tốt như rau xanh và/hay salad cùng với sự cắt giảm các yếu tố dương là cần thiết.

Vài năm trước, Bob Ligon – cựu Biên tập viên Macrobiotics Today đã gây nên một tiếng vang khá lớn tại trại French Meadows, ông nói rằng trong kinh nghiệm tư vấn của mình ông thấy rất nhiều người thiếu hụt năng lượng Yin (âm) sau một thời gian dài thực hành phương pháp dưỡng sinh một cách khắc nghiệt. Tôi tin rằng Bob đã đánh giá chính xác, chúng ta cần phải thay đổi cách nhận thức và thực hành dưỡng sinh.

Tất cả là ở thái độ

Có một người phụ nữ đến trung tâm, cô ta đã dành cả cuộc đời bán mỹ phẩm. Cô đã bị bệnh ung thư và quyết tâm chữa lành. Cô rất tích cực, luôn có cái nhìn lạc quan hướng về phía trước. Trong thời gian chữa bệnh, cô luôn giúp người khác hiểu về sự nguy hiểm của các sản phẩm mà cô đã bán rất nhiều năm. Cô ấy làm rất tốt “tinh thần dưỡng sinh”.

Một người đàn ông nữa đến trung tâm qua lời giới thiệu của con gái. Ông ta không có chút niềm tin nào về phương pháp dưỡng sinh, ông ta có suy nghĩ tiêu cực về dưỡng sinh. Trong thời gian ở trung tâm, ông ta rất ngạc nhiên khi thấy cơn đau của mình giảm hẳn nhưng ông ta không tin sự thay đổi trong chế độ ăn đóng vai trò quan trọng.

Theo quan điểm của tôi, nếu yếu tố thực phẩm là 5% sức khỏe thì yếu tố thái độ là 50% hoặc hơn. Một thái độ tích cực, ít những suy nghĩ tiêu cực là rất quan trọng. Tôi nghi ngờ rằng không phải tất cả những người giảng dạy Thực dưỡng có một cái nhìn tích cực đối với phương pháp dưỡng sinh. Nếu niềm tin của ai đó là ăn thực dưỡng có nghĩa là không bao giờ bị bệnh và sau đó người ta bị bệnh, suy nghĩ tiêu cực hoặc những nỗi sợ hãi rằng cơ thể không thể tự chữa lành có thể là một yếu tố trong việc hạn chế khả năng phục hồi.

Thái độ của một người là rất quan trọng vì nó xác định chúng ta có linh hoạt hay không, có dám thử những điều mới – nói cách khác, làm thế nào để thay đổi. Điều này áp dụng cho những người mới đến TD và những người đã ăn chay trong nhiều năm qua xem xét một cách thành thật thể trạng và nhu cầu của họ.

Một trong những lý do để viết bài viết này là bởi vì rất nhiều người đặt câu hỏi về nó. Về cơ bản, những gì họ muốn biết là thực dưỡng có phù hợp với họ hay không. Họ sợ hãi rằng Thực dưỡng không phù hợp với họ. Những gì bạn cần phải nhớ là cơ địa mỗi người khác nhau, những thực phẩm phù hợp với người này nhưng chưa chắc phù hợp với người khác. Tất nhiên, chúng ta luôn muốn học hỏi từ sai lầm của người khác, nhưng chúng ta cần phải nhớ rằng cuối cùng những gì thực sự quan trọng là kinh nghiệm của chính mình!

Thành công hay thất bại?

Ohsawa không sử dụng y học hiện đại từ năm ông 18 tuổi. Ông đã sống cho đến tuổi 73. Đây là một sự thành công hay thất bại? Một số người xem đó như là một thất bại vì ông qua đời vì bệnh tim ở độ tuổi tương đối “trẻ”. Tuy nhiên, 5 năm sau y học hiện đại nói đó là một thành công. Với những thành tựu và những ảnh hưởng của Ohsawa, tôi sẽ phải nói đó là một thành công vang dội.

Trường hợp của Ohsawa cho thấy, cuộc sống của một người trước khi biết dưỡng sinh có một ảnh hưởng sâu sắc và luôn phải được ghi nhớ rằng đó là một yếu tố xác định tình trạng sức khỏe tổng thể của một người. Jacques de Langre (1925-1993) có vấn đề tim bẩm sinh, nhưng ông đã sống một cuộc sống hạnh phúc và có năng suất do thực hành dưỡng sinh. Tuy nhiên, bởi vì ông đã qua đời ở độ tuổi trẻ hơn so với mức trung bình của quốc gia, một số người nghĩ rằng ông ta thất bại. (Nếu không thực hành dưỡng sinh, liệu Ohsawa và Jacques deLangre có qua đời sớm hơn nữa chăng?)

Khi tôi mới bước vào dưỡng sinh, tôi nghĩ rằng chỉ cần thực hành tốt tôi sẽ không bao giờ bị ốm đau nữa rồi tất cả những giấc mơ của tôi sẽ trở thành sự thật, và rằng tôi sẽ chết một cái chết tự nhiên tại một thời điểm được báo trước. Khi tôi đọc sách và có được hiểu biết tại thời điểm đó, tôi nghĩ đơn giản là chỉ cần thực hành dưỡng sinh siêng năng và đúng đắn, tôi sẽ không bị bệnh.

Hiện giờ, tôi xem thực hành ăn dưỡng sinh của tôi như là một thử nghiệm để xem xét các mục tiêu của tôi có thành hiện thực hay không.

Hơn một phần tư thế kỷ sau đó, tôi tiếp tục với thử nghiệm, mặc dù sự hiểu biết của tôi đã thay đổi. Tôi có bị bệnh trong những năm thực hành? Có, tôi đã bị ốm nhiều lần. Tất cả những giấc mơ trước đây của tôi trở thành sự thật? Không, vì tôi muốn quá nhiều– sức khỏe mà không bệnh tật, đẹp đẽ mà không xấu xa, tốt mà không xấu, hòa bình không có chiến tranh, và cứ như vậy. Tôi vẫn tin rằng tôi có thể chết một cái chết tự nhiên tại một thời điểm tôi có thể lựa chọn? Tôi nghi ngờ điều đó vì thế giới ngày càng trở nên ô nhiễm. Tuy nhiên, điều đó thực sự không có vẻ là quan trọng với tôi nữa.

Điều tôi thay đổi là tôi bắt đầu có một tầm nhìn rộng lớn hơn và nhận thức được mục đích sống của tôi. Theo tôi, năng lực vươn tới một cuộc sống rõ ràng (clarity of life) nói chung và có một vị trí nhất định nói riêng là một trong những lợi ích chính của việc thực hành dưỡng sinh. Tôi tin rằng tất cả những người giảng dạy dưỡng sinh đã mất có nhiều hiểu biết về vấn đề này. May mắn là chúng ta có những bài viết, những bài giảng và ngay cả cuộc sống của họ để suy ngẫm, chiêm nghiệm, đánh giá.

Sai lầm lớn nhất

Sẽ luôn có những người chấp nhận lời giải thích quá mức đơn giản cho tất cả các căn bệnh ung thư và qua đời sớm của những người giảng dạy dưỡng sinh. Và sẽ luôn có người áp dụng cách giải thích trên (vì không thực hành pp dưỡng sinh tốt dẫn đến bệnh tật) cho sức khỏe của họ. Logic của họ như thế này: Một số người giảng dạy dưỡng sinh bị bệnh ung thư rồi sau đó qua đời, do đó phương pháp dưỡng sinh, hay những phiên bản của dưỡng sinh không áp dụng được. Vì vậy bạn nên thử cách áp dụng dưỡng sinh của tôi.

Nhiều nhà phê bình nói rằng cái chết của những người giảng dạy Thực dưỡng chưa được giải thích đầy đủ và do đó, họ đang cố giấu một điều gì khác – dưỡng sinh không thể nào áp dụng được. Trong bài viết này, tôi đã cố gắng chỉ ra nhiều yếu tố cần phải xem xét để trả lời câu hỏi tại sao một người nào đó phát triển bệnh ung thư và sau đó qua đời.

Còn rất nhiều yếu tố khác chưa đề cập. chẳng hạn như cuộc sống gia đình, tình yêu, tôn giáo đều có ảnh hưởng tới sức khỏe một người. Những gì diễn ra đằng sau và cách phản ứng của một người là những điều chúng ta không biết. Chúng ta không nên tò mò hay xét đoán cuộc sống riêng tư của người khác. Chúng ta nên biết những yếu tố ảnh hưởng tới sức khỏe (đã đề cập ở trên) và nên có một sự quan tâm càng nhiều càng tốt tới thực phẩm chúng ta tiêu thụ (5% quan trọng nhất).

Vài năm trước tôi có hỏi Herman “ Chúng ta sẽ làm gì nếu mọi người đều thực hành dưỡng sinh”

“Chúng ta sẽ làm điều khác”. Herman trả lời không chút do dự.

“Có phải ý anh là chúng ta chống lại phương pháp dưỡng sinh – điều mà chúng ta đang học tập và giảng dạy!” Tôi thốt lên một cách bối rối.

“Vâng, luôn có mặt đối lập. Nhiệm vụ của chúng ta là chỉ ra mặt đối lập đó”

Tôi rất bối rối, tôi cố gắng bình tâm lại và suy nghĩ điều Herman nói với tôi. Tôi đã từng nghĩ phương pháp dưỡng sinh là mục tiêu

– dưỡng sinh cũng là câu trả lời cho cuộc sống. Làm thế nào mà Herman có thể nói rằng “chúng ta sẽ làm điều khác” nếu mọi người chấp nhận và thực hành phương pháp dưỡng sinh.

Để trả lời câu hỏi này, chúng ta phải hiểu sâu hơn nguyên tắc dưỡng sinh, chủ đề của “The Real Macrobiotic Diet”sẽ phát hành trong tương lai. Đây là một số câu hỏi “bài tập về nhà”. Điều gì sẽ xảy ra nếu tất cả mọi người trong thế giới thực hành phương pháp dưỡng sinh? Tất cả các bệnh tật sẽ không còn tồn tại? Tất cả mọi người đều sống vui vè, hòa hợp? Hòa bình trên trái đất kéo dãi mãi?

“Fatal Flaws in Macrobiotics” Carl Ferré, MACROBIOTICS

TODAY • July/August 2002

Lược dịch: Giáng Ngọc

DƯƠNG TỐT, ÂM XẤU?

Trong nhiều tài liệu, sách vở và khóa học về thực dưỡng, những thứ mang tính dương như thức ăn, hay năng lượng dương được nhắc đến đều mang tính tích cực, trong khi những thứ Âm lại bị coi là tiêu cực, không tốt cho lắm. Nhiều người nói: “tôi không ăn loại trái cây nào cả vì sách bảo chúng không tốt”. Điều này thực sự không đúng vì sách vở không nói cụ thể trái cây là không tốt, nhưng đại bộ phận nghĩ rằng Dương tốt còn âm thì xấu. Ấn tượng mạnh nhất trong tâm trí những người đang tìm hiểu về Thực dưỡng mạnh nhất trong suốt nhiều năm là âm không tốt, nên tránh và thậm chí còn có thể gây ung thư.

Suy nghĩ này có thể là từ định kiến từ những người giảng dạy về thực dưỡng, hay chính xác hơn là nó được hình thành trong suốt chiều dài văn hóa thực dưỡng. Và không hề có học thuyết nào quy định cụ thể cả. Đã từng có những bài giảng dạy nhấn mạnh đến gạo lứt, thay vì các thực phẩm khác như trái cây. Từ đó hình thành trong tâm trí những người tầm sư học đạo về gạo lứt là tốt còn trái cây thì không. Cái nào “ăn thỉnh thoảng” thì là cái xấu, thành ra suy nghĩ không ăn thì tốt hơn.

Tôi nhớ một lần Herman Aihara có nói ông Ohsawa đã ngạc nhiên khi thấy người Mỹ lại “phàm tục” như vậy. Ohsawa giảng dạy theo lối Samurai, kiểu như bỏ bom, có khi đặt ra cho các học trò những câu hỏi như “tại sao tổ ong lại hình lục giác? Ông ta có thể rầy la học trò vì trả lời sai, hoặc thiếu tư duy phản biện. Phong cách Samurai có thể làm bạn “cứng” hơn, khiến bạn bớt tự mãn. Herman kể rằng ở Pháp, học trò có thể ngồi nghe hết, xong sẽ làm những gì họ nghĩ rằng tốt nhất, không bị “mất điện” nhiều bởi phong cách Samurai hổ báo. Người Mỹ thì cảm thấy bấp bênh hơn với bản thân, có thể run rẩy trước chất giọng trầm của Ohsawa và cố gắng nuốt từng chữ. Những gì hiệu quả ở Pháp, có thể là ở Nhật, lại có hiệu quả khác tại Mỹ.

Nói về nguồn gốc của Thực dưỡng hiện đại thì đầu thế kỷ 20 – thời điểm mà Thực dưỡng bắt đầu du nhập vào Bắc Mỹ (trong suốt thời kỳ phồn vinh của những năm 1950), hầu hết những thầy Thực dưỡng đều là nam giới, một cách vô thức điều này tác động lên văn hóa, lên nhiều người sự kiểm soát, thống trị, hăm dọa và có phần sợ hãi.

Và trong những năm 1980, Thực dưỡng đã từng được ca ngợi như 1 cách chữa ung thư, với câu nói mang đúng nghĩa đen, bất cứ thứ gì không thuộc Thực dưỡng thì đều có thể làm bạn mắc ung thư và được khuyên là không nên ăn. Trái cây có thể gây ung thư, đậu (trừ xích tiểu đậu) hay thịt động vật cũng gây ung thư. Định nghĩa phương pháp Thực dưỡng là 1 cách chữa ung thư là cách giải thích hạn chế và cứng nhắc. Sau đó, sự lý giải về phương pháp thực dưỡng được sử dụng để răn đe những người vi phạm các nguyên tắc mà những cố vấn Thực dưỡng đưa ra. Bằng cách đó những người này giữ được địa vị và “quyền lực”, giáo điều một cách nghiêm khắc để hạn chế những sai phạm nguyên tắc thực dưỡng.

Thế là làm cho suy nghĩ nhiều người bị lệch lạc và dần dần rời xa so với bản chất tốt đẹp ban đầu.

Bắt đầu với lý thuyết không logic và phù hợp rồi trở thành một phương thức y khoa, cộng thêm thời kỳ cứng nhắc, đề cao nam giới từ những năm 1930s – 1950s, chế độ ăn Thực dưỡng tuột dốc như mũi lao. Lối sống và cách chăm sóc sức khỏe mất cân bằng và trở nên sai lầm, làm cho cuộc sống nhiều người tồi tệ hơn.

Sự khác nhau giữa Âm – Dương

Một cách giải thích về âm/dương (phiên bản Đông Y, TCM – Traditional Chinese Medicine) thì dương ở dạng năng lượng, có tính bành trướng, mở rộng ra thay vì thu lại (dương mang năng lượng, nóng và di chuyển để mở rộng). Ngược lại âm ở dạng vật chất có tính thu vào thay vì mở rộng (mang tính hàn, lạnh, tĩnh nên thu lại hay ngưng tụ lại).

Theo cách Thực dưỡng giải thích về âm dương, vài người đã kết luận vội vàng và không chính xác rằng năng lượng và vật chất là Dương (cả thu vào hay mở rộng ra). Tư duy này dẫn đến tình trạng thiếu hụt tích lũy dần dần ở những người thực hành lâu năm.

Khi cảm thấy thiếu hụt, họ sẽ cố gắng “dương hóa” bằng thực phẩm hay luyện tập cật lực. Người ta có thể tăng năng lượng tạm thời nhưng lại làm thiếu hụt “vật chất” dự trữ trong cơ thể (chất dinh dưỡng). Nếu càng nhiều người cố gắng làm dương cơ thể theo cách này, thì sẽ có ngày bị kiệt sức. Với cách ăn uống biến thể này thậm chí đã hành hạ ngài Ohsawa và nhiều giáo sư Thực dưỡng.

Trong khi lý thuyết Thực dưỡng có khái niệm rằng âm là sự giãn nở và không có sự đối lập giữa năng lượng và vật chất. Do đó trong lý thuyết thực dưỡng, không có thuyết Thực dưỡng nào nói vật chất là một bổ thể cho năng lượng.

Lần lượt đến TCM, âm dương được khái niệm là năng lượng và vật chất; là 2 thứ bổ sung cho nhau. Trong khái niệm có những dấu hiệu rất rõ ràng cho thấy sự mất cân bằng do thiếu hụt. Bởi vì có sự tồn tại đối lập giữa năng lượng và vật chất, nên quá trình điều trị hoặc chế độ ăn có sự thiếu “chất” sẽ xuất hiện để thêm “chất” (cực âm theo TCM) và không tăng dương. Cách này giúp tăng “chất” mà không tăng quá nhiều dương (làm suy yếu “chất”).

Ngay cả đã nghiên cứu cẩn thận thì việc sử dụng lý thuyết thực dưỡng vẫn dẫn đến sai lầm và dẫn đến hậu quả mất cân bằng nghiêm trọng qua thời gian.

Hơn nữa, quá trình nghiên cứu đã giải thích tại sao một số người theo Thực dưỡng lâu năm trông rất yếu ớt dù đã ăn rất nghiêm ngặt theo chế độ Thực dưỡng gồm gạo lứt, rau củ và soup miso. Thuyết TCM mở rộng về âm dương đã giải thích việc tại sao những người này ốm yếu là do mất đi cả 2 yếu tố: vật chất (sau nhiều năm ăn thiếu dinh dưỡng) và năng lượng (việc thiếu vật chất trong thời gian dài nên không tạo đủ năng lượng và từ từ năng lượng cũng giảm dần). Không có đủ vật chất, năng lượng bị tiêu hao, không đủ năng lượng, thức ăn không thể được chuyển hóa thành máu và tế bào – tạo ra “vật chất”. Hậu quả sau thời gian dài là tình trạng suy nhược mãn tính do thiếu cả năng lượng và vật chất lặp đi lặp lại như lẩn quẩn trong vòng xoắn ốc và ngày một tồi tệ hơn.

– Bob Ligon, MACROBIOTICS REVISITED A Review of Macrobiotic Theory and Practice (2017)

Ayurveda và Nguyên Lý Âm Dương

Y thuật Ấn Độ Ayurveda phân chia ảnh hưởng thực phẩm thành 3 dạng cơ bản (phức tạp nói sau):

Rajasic – Kích thích
Tamasic – Làm ngu đần
Sattvic – Cân bằng

Sự phân chia này nhìn sơ qua có nét giống với Nguyên Lý Âm Dương (Yin/Yology – NLAD), vd: Rajasic ~ Dương, Tamasic ~ Âm, và Sattvic ~ Cân bằng Âm Dương

Tuy nhiên, soi xét kĩ hơn, một vài điểm khác biệt xuất hiện:

Các yếu tố kích thích, theo NLAD, có thể là Âm hoặc Dương.

Ví dụ một số gia vị kích thích, được xem như Rajasic trong y học Ấn Độ, nhưng theo NLAD thì không nhất thiết phải là Dương, khá nhiều trong số đó được xem như Âm.

Lý do là vì để nói 1 thứ Âm hay Dương phụ thuộc vào nhiều yếu tố:

Một là tình trạng của cá nhân sử dụng nó
Hai là khí hậu của nơi mà thực phẩm đó sinh trưởng và tiêu thụ
Ba là mùa (thời điểm) mà người ăn vào
Bốn là loại và mức độ hoạt động của người ăn
Năm là bản thân thực phẩm đó, nó là rễ, cành, lá, hoa hay quả?
Sáu là nó đã được rang, hay còn sống, để lâu hay còn tươi

Tất cả những yếu tố này quyết định nó là Âm hay Dương, hay là cả hai.

Âm có thể gây kích thích hay tạo ra một tác dụng Dương.

Với một số người thể trạng Dương, một lượng khiêm tốn Âm có thể làm phóng thích cái Dương thành sức nóng/năng lượng.

Với một số người thể trạng Âm hơn, tiêu thụ đồ Âm có thể làm họ âm hơn nữa (xìu)

Vì lý do này, Âm và Dương như một công cụ phân tích mang tính linh hoạt và có thể thích nghi với nhiều hoàn cảnh ở tầm toàn cầu.

Đồ Âm có thể phóng thích năng lượng Dương trong thời tiết ấm hơn (mùa khí Dương nhiều), trong khi đồ Dương có thể kích thích nhiều năng lượng hơn trong thời tiết lạnh hơn bằng cách sản sinh nhiệt lượng. Điều này có thể có hiệu ứng ngược nếu trong thời tiết ấm mà lại dùng nhiều đồ Dương, làm cơ thể ỉu xìu.

Cũng như vậy, Âm, trương nở, có thể phóng thích năng lượng Dương dồn nén nếu dùng với lượng nhỏ, nhưng dùng lượng lớn thì hiệu quả ngược lại. Xem ví dụ:

Một người vừa làm việc chăm chỉ và thấy mệt, vào quán bar và gọi bia. Bia thì Âm vì: bia có gas (carbonated). Sự sục khí CO2 có tính trương nở, tức là Âm. Người ta dùng hoa bia (hop) để làm ra bia, một loại hoa dây leo. Hoa bia được xem là Âm vì nó mềm và thơm. Vì vậy, hoa bia có một hiệu ứng quyến rũ tự nhiên. Tuy nhiên nếu cá nhân làm việc nhiều là một người tạng Dương, thì bia rượu Âm có thể giúp phóng thích năng lượng dồn nén Dương ra, làm cho họ trở nên “sinh động” hơn, thậm chí là hung hăng.

Tuy nhiên nếu tiếp tục dùng nhiều, bia này từ từ làm mê muội người uống, làm cho người đó chếnh choáng, chậm chạm, cho đến khi đổ gục ngủ không ý thức. Những điều kể trên là mô tả một quá trình Âm hóa.

Như vậy Bia làm Âm hay Dương hóa, Rajasic or Tamasic?

Nó có thể là một trong hai hoặc cả hai, tùy thuộc vào lượng dùng, tình trạng người dùng…

Mong rằng luận đàm này có thể làm rõ hơn phần nào sự rối rắm của NLAD Một cách để hiểu thấu đáo là xem xét nhiều yếu tố ảnh hưởng nhất có thể.


--------------------
________Ngọc Trâm_________
Go to the top of the page
 
+Quote Post
phamtu
bài Oct 2 2019, 08:42 PM
Bài viết #2


Newbie
*

Nhóm: Members
Bài viết: 5
Gia nhập vào: 7-September 08
Thành viên thứ.: 963



carl ferre là chủ tịch bên hội thực dưỡng pháp, viết nhiều sách có giá trị cho nền thực dưỡng quốc tế. đúng như carl nói, âm dương rất phức tạp, ko chỉ là mỗi tỉ lệ k/na , tỉ lệ nước trong cơ thể, mà còn có glycogen/glycose, mg/fe, p/ca, O2/CO2 , huyết/ khí , protein, lipid ,vi khuẩn đường ruột...nhiều thứ cần cân bằng lắm. chỉ chăm chăm mỗi nước và k,na, còn mấy cái kia mặc kệ thì cũng ko thể có đủ sức khỏe dài lâu đc.
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
2 người đang đọc chủ đề này (2 khách và 0 thành viên dấu mặt)
0 Thành viên:

 



.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 29th March 2024 - 05:42 AM