IPB

Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

 
Reply to this topicStart new topic
> Một kinh nghiệm tu thiền minh sát
minh tam
bài Jan 21 2009, 06:23 PM
Bài viết #1


Member
**

Nhóm: Members
Bài viết: 12
Gia nhập vào: 18-January 09
Thành viên thứ.: 1,707



Bài này được viết lại từ cuộn băng cassette do Mahaviro, một tu sĩ người Anh 28 tuổi kể. Thầy Mahaviro đã tu tập 2 tháng ở Tu viện Boonkanjanaram, gần thành phố Pattaya, tỉnh Chonburi, Thái Lan.

Người ta nói có một ngôi chùa ở phía Ðông Bắc, nơi đó có nhiều tu sĩ Tây Phương đến tu học, giảng bằng tiếng Anh. Ðắn đo mãi cuối cùng tôi quyết định gia nhập tăng đoàn một thời gian để thử nghiệm lời Phật dạy: " Hãy tự mình xem thấy, thể nghiệm, chứ đừng mù quáng tin theo" Tôi gặp hội viên của Ðoàn hòa bình Mỹ (American Peace Corps) mới từ ngôi chùa ấy về. Ngôi chùa đó tên Wat Pah-Nanachat ở Ubon. Anh ta nói tôi phải làm cư sĩ 4 tháng mới được thế phát. Ðồng thời, một giáo sư trong trường tôi dạy đưa tôi đến giới thiệu với vị trụ trì thiền viện nói trên, ngài là cậu của anh ta. Vì chùa nằm trong vùng tôi quen thuộc, lại có bạn hữu ở gần, nên tôi nghĩ xuất gia ở đây rất tốt. Thế là tôi đã đến ở nơi này được hai tháng, học lý thuyết và thực hành Minh Sát Tuệ liên tục ngày đêm. Tôi cảm thấy mình qúa tốt số, vì mọi việc đều xẩy ra thật tốt đẹp với tôi. Mỗi ngày tôi học một bài với giáo sư Chua, anh Frank Tullius (đã tu tập ở đây 3 năm), và cô Vitoon, giáo sư thông dịch viên. Thầy Phra Thamarakita dạy tôi môn giới luật. Tất cả họ đều là đệ tử của Ngài Aachan Naeb đã qúa cố. Ngài tinh thông A Tỳ Ðàm và tu Minh sát Tuệ. Thầy Chua, anh Frank Tullius và cô Vitoon vừa viết xong quyển sách tiếng Anh nhan đề là Tu tập Minh Sát tuệ (Vipassana Bhavana), nói lý thuyết, thực hành và kết quả của tuệ quán: Thầy Chua giảng, cô Vitoon dịch ra tiếng Anh, và Frank Tullius gọt lại bản Anh ngữ.

Ở thiền viện, phương pháp thiền định dựa trên kinh Ðại Niệm Xứ (Mahasatipatthana) một bản kinh dài và quan trọng trong kinh tạng. Các nền tảng để chánh niệm gồm 4 đề mục để hành giả tu tập: Thân (kaya), Thọ (vedana). Tâm (citta), và Thân tâm (Pháp: Dhamma). Hành giả chọn một trong bốn đề mục này để quán tưởng, tuỳ theo bản tính mỗi người. Tuy nhiên, Aachan Naeb dạy rằng vào thời đại văn minh vật chất này, mọi người đều có nhiều tham dục mà ít tuệ. Do đó ở tu viện này, chúng tôi chỉ quán sát cái thân (kaya ) mà thôi, vì nó rất dễ thấy. Tiếng Pali gọi thân và vật chất là Rupa và gọi tâm là Nama. Ta có thể nói một con người gồm có tâm là cái biết, và thân là cái bị biết. Cách thực tập là, hiện tại hãy quan sát cái thân trong từng giây phút. Có bốn tư thế chính yếu là: Thân ngồi, Thân đứng, Thân đi và Thân nằm; và một số tư thế phụ của thân, mà ta sẽ đề cập sau. Ðây không phải là việc tập trung sâu xa hay nhập định hay cái gì thần bí, mà chỉ có để ý đến cái thân - quan sát nó mà không chút nào cố chế ngự nó. Giống như nhìn một diễn viên trên sân khấu, bạn chỉ có xem kịch mà thôi. Chỉ có đèn sân khấu được bật lên, toàn thể còn lại chìm trong bóng tối, bạn không thể can dự gì vào các động tác của diễn viên được. Dĩ nhiên khi xem kịch, luôn có những chuyện xảy ra khiến phải rời mắt khỏi sân khấu, chẳng hạn người ngồi bên cạnh mở túi kẹo nghe sột soạt. Lúc tu chánh niệm cũng thế, có khi nghe chó sủa, thấy một tu sĩ khoác áo vàng đi qua, hoặc tâm đang thả hồn vào một chuyện gì khác. Nếu bạn chỉ ý thức những gì đang xảy ra mà không qúa quan tâm đến chúng, thì chúng cứ vậy mà tan biến, tâm sẽ tự nhiên quay về với đề mục thiền định. Vậy thì khi nghe chó sủa hãy biết "tâm đang nghe" rồi quay trở về. Khi vừa chợt nghĩ đến một người bạn, hoặc đến một cuộn phim đã xem hồi trước, hãy biết " tâm đang rong chơi", rồi tâm sẽ tự quay trở về nếu bạn không theo dõi chuyện phim ấy.

Phương pháp thiền định tôi vừa trình bày trên lý thuyết thật dễ hiểu nhưng bước vào thực hành thì lúc đầu thật là gay. Lý do phải thực tập như vậy là để mà thấy được tự tánh (sabhava) hay chân lý tối hậu, tức sự thật theo đó cái mà bạn gọi là "tôi" thì không phải là "tôi" gì cả, chỉ là danh và sắc hay thân và tâm. Rốt cùng, không có đàn ông hay đàn bà, trẻ con hay cái ngã. Ngang đây bạn có thể cho tôi là điên và không thèm đọc tiếp nữa, và tôi cũng công nhận đã không giải thích cho thỏa đáng, nhưng đây chính là một trong những chuyện khó nói nên lời. Thầy tôi cũng nói với tôi hệt như thế khi tôi mới đến, làm tôi rất hoang mang, nhưng bây giờ sau khi đã thực tập một thời gian, tôi có thể hiểu lời thầy dễ dàng hơn trước nhiều. Tôi chỉ có thể làm một việc duy nhất là trình bày sự tu tập của mình cùng một số chuyện đã xẩy ra, rồi bạn có thể tự quyết định bạn có muốn tự xác minh điều này hay không. Phật dạy điều tối quan trọng là đừng ai mù quáng tin theo những gì người ta nói, mà trước hết phải tự mình chứng nghiệm xem đúng sai. Ngài bảo: "Ðừng biết nghe do đồn, do truyền thống, do suy luận, do kính trọng lời nói của một sa môn, mà hãy biết do tự mình thân chứng." Bạn không thể diễn tả hương vị của đường cho người chưa bao giờ ăn ngọt. Bạn phải đưa cho người ấy một miếng đường hệt như vị thầy dạy cho đệ tử cách tu tập tuệ quán, rồi khi đã nếm được vị đường rồi thì họ không cần đến bạn nữa, vì đã có khái niệm thế nào là vị ngọt.

Một lý do quan trọng khác cho sự tu tập là để thấy ba pháp ấn hay ba đặc tính của mọi vật được kết hợp (pháp hữu vi) là:

1) Vô thường
2) Khổ
3) Vô ngã

Thông thường khi tu tập, chỉ cần thấy một trong ba pháp ấn này cũng đủ ngộ được cả ba. Chẳng hạn như ngồi lâu thì thân bị mỏi, bạn muốn đổi sang thế đứng, và cho rằng thân ngồi là khổ hoặc không được thoải mái, vì nó vô thường - và do đó không có cái ngã nào kiểm soát được tình thế và bắt buộc cái thân phải tiếp tục ngồi yên đấy trọn một ngày. Bạn có thể ngẫu nhiên nghĩ rằng trong chuyện vô ngã này, tôi lại dùng những từ " tôi làm thế này" hoặc " tôi làm thế nọ". Nhưng nếu không dùng đại từ "tôi" thì làm sao mà hiểu nhau được, nếu không sáng chế một từ mới thay cho "tôi", như các tu sĩ Phật giáo thường hay thay bằng cụm từ "cái được gọi là ngã này" (Attamah)

Ta cũng cần phải phá trừ phiền não trong việc tu tập. Phiền não (kilesa) là các ô nhiễm Vô minh, Tham lam và Sân hận. Ba độc tố này xuất hiện dưới nhiều hình thức, thường hay ẩn mình và làm đủ mọi cách để che đậy chân lý trong hầu hết các tình huống, giống hệt như một phiên tòa có quan tòa, bị cáo và nguyên cáo. Quan tòa phải luôn luôn giữ thái độ vô tư, không bị chi phối bởi sự ưa thích hoặc thù ghét một cá nhân nào mà ông đang xét xử. Chẳng hạn vì em gái ông có quen biết bị cáo nên sự quyết định của ông bị tình cảm chi phối và thế là sự thật sẽ không được tỏ rõ.

Nhờ sự thực tập chế ngự giác quan và sống trong giây phút hiện tại, ta có thể giảm bớt yêu ghét đến mức tối thiểu và may ra thấy được tự tánh, sabhava hay chân lý. Nhưng có lẽ từ "may ra" này không đúng vì nó còn diễn tả sự khao khát thấy được chân lý, và đấy cũng là một hình thức tham ái. Hoặc như khi tâm lang thang nghĩ đến chuyện gì khác vì không thích tập trung nữa, thì điều ấy cũng ảnh hưởng đến việc tu tập.

Như vậy dù sự tu tập ở đây chỉ là quán sát cái thân, nghe ra khá đơn giản nhưng kỳ thực chẳng dễ chút nào, và ta cần có một vị thầy.

Vậy để tôi kể cho bạn nghe cảm nghĩ của tôi và những gì xảy đến trong hai tháng tu tập tại đây.

Sự tu tập ở đây rất liên tục; bạn quan sát sắc (thân) đi đứng nằm ngồi (bốn uy nghi) và các cử động khác vào mọi lúc thức, đêm cũng như ngày. Bạn chỉ cần tu tập một cách tự nhiên. Bạn không cần phải giữ nguyên một tư thế thật lâu, vì như vậy là bất thường. Chẳng hạn bạn có thể ngồi trên một chiếc ghế hoặc trên sàn nhà. Sau đó, bạn cảm thấy thân thể cứng đờ và buộc phải đổi tư thế. Bạn bèn đứng lên đi bách bộ. Một lát sau bạn thấy mỏi ở hai đùi, thế là phải đi nằm một chút. Tôi muốn nhấn mạnh cái sự cần đi nằm này, vì hàng ngày chẳng hạn khi đang đi, ta nghĩ thật tuyệt nếu ngồi nghỉ mệt một chút. Thế có phải là hành vi ngồi này được làm cốt để tìm cầu khoái lạc hay không? Trong sự tu tập này, điều quan trọng là cố hiểu xác đáng (như lý, Yoniso) lý do vì sao bạn đang đổi tư thế, đó là vì cái thân này bắt buộc phải đi dạo để dãn gân cốt. Nhưng đi mãi rồi thân cũng mệt mỏi - đây là khổ - dukkha- và thân bắt buộc phải nằm xuống. Nếu bạn hiểu điều này một cách chính xác (yoniso) thì sự tu tập ấy đúng.

Tôi đã tu tập như thế trong suốt 3 tuần mà không có chuyện gì xẩy ra. Tôi không tài nào hiểu được tu tập như vậy để làm gì. Thầy tôi dạy rõ lý thuyết và cách thực hành minh sát tuệ, tôi có thể hiểu được lý thuyết, nhưng không thực sự nắm rõ được thầy muốn nói gì. Ðiều ấy cũng như nghe tả vị ngọt của đường mà chưa hề nếm thử. Thế rồi vào ngày 21 tháng giêng năm 1986, khi đang quán sát thân như thường lệ, tôi nhận ra rằng mình cứ luôn luôn phải đổi tư thế của thân. Tôi nhận ra rằng không phải mình nằm vì thích nằm, hay đi vì thích đi, mà vì thân thể bắt buộc phải thay đổi tư thế mãi. Ðiều ấy cũng như lần đầu tiên thấy được sự thật về khổ, và tôi chán nản vô cùng, vì từ trước đến nay tôi chưa hề nhận ra khía cạnh đổi thay này. Nhưng khi kiên trì quán sát, tôi thấy chân lý không còn bị phiền não che lấp nữa; và vì luôn tìm cầu an lạc, tôi đã thấy được chân lý này: Mọi sự tôi làm đều phải chịu luật biến đổi - dù thân thể ở trong bất kỳ tư thế nào, cuối cùng nó cũng phải chịu đau đớn - đó là vô thường. Tôi không thể ngồi yên trên ghế suốt 2 tiếng đồng hồ mà không đổi tư thế, dù đấy là một cái ghế rất êm. Ngay cả sự nằm - nếu quan sát cái thân nằm, bạn sẽ thấy nó cũng không thể giữ nguyên một tư thế, mà cứ phải luôn xoay qua trở lại.

Ngày 22 tháng giêng, tôi quán sát cái thân ngồi trên ghế, và cảm thấy khá dễ chịu trong giây phút hiện tại. Rồi thân thể chuyển từ rupa (sắc hay thân thể) ngồi sang rupa đứng. Nó phải đứng lên vì nó đã cứng đờ. Ðột nhiên tôi đâm hoảng vì có cảm giác không phải "tôi" đang thay đổi tư thế. Tôi tưởng như mình đang ngắm một con búp bê hoặc một vật gì không phải mình, đang từ từ đứng lên đổi sang tư thế đứng. Tuồng như đang ở ngoài thân xác mình mà nhìn ai đó đang từ từ đứng dậy. Tôi thật sự xúc động khi thấy mình không phải là mình. Những gì thầy tôi nói trước đây, rằng không phải là "ta", không phải là đàn ông hay đàn bà, là trẻ con hay người lớn, không phải là tự ngã hay cái tôi, mà chỉ là rupa (cái thân xác)- bây giờ tôi đã hiểu rõ hơn nhiều.

Ngày 4 tháng 2, bỗng nhiên tôi lại có một cảm giác hụt hẫng kinh khủng, hệt như rớt vào một cái hố lớn, hay như khi bị ác mộng từ mỏm đá cao rơi xuống, kinh hoảng thót bụng. Cảm giác hụt hẫng này tương tự nỗi bàng hoàng lần trước, nhưng mãnh liệt hơn nhiều, và thật là một xúc động khó tả. Trước kia tôi đang cảm thấy an toàn vững chắc về hiện hữu của mình trên đời; bỗng chốc cái thế giới an toàn, vững chắc ấy sụp đổ khiến tôi cảm thấy sợ hãi. Cảm giác này chỉ thoáng qua giây lát nhưng nó mãnh liệt đến nỗi tôi đoan chắc sẽ không bao giờ quên được. Hôm sau tôi đi học như thường lệ và kể lại kinh nghiệm này với thầy tôi. Thầy bảo đấy là thấy tự tánh (sabhava) hay chân lý rằng lần này, tâm không phải là "ta" (lần trước thì thân không phải là ta). Sở dĩ tôi không biết chuyện gì xẩy ra vào lúc ấy là vì cho đến bây giờ, tôi chỉ quán sát thân chứ không hề (hoặc qúa ít) để ý đến tâm. Trước đây, ví dụ khi nghe chó sủa tôi biết " tâm đang nghe" chỉ vì buộc phải làm vậy khi có sự cố gì lôi kéo tôi khỏi sự chú tâm vào rupa hiện tại.

Hôm sau, khi đang đi khất thực - xin đồ ăn vào buổi sáng sớm - với một thầy tu khác, tôi có cảm giác rằng cái thân đang ôm bát khất thực không phải là mình, hệt như đang xem một diễn viên đóng tuồng, một kẻ nào đó không can dự gì đến cái tôi. Lần này tôi không bị bàng hoàng như trước, mà chỉ cảm thấy "đây là sự thật".

Ngày 9-2, tôi đã dồn hết nỗ lực tập trung từng giây phút hiện tại vào 4 tư thế của thân. Tôi nỗ lực miên mật như vậy suốt hai ngày mà không có gì xẩy ra. Do tôi mong được thấy tự tánh (chân lý, sabhava)- ước ao có thêm sự cố gì nữa, nên rốt cuộc không có kết qủa, lại bị nhức đầu vì nỗ lực qúa căng. Tôi bèn quyết định đi nằm (nói cách khác là cái thân xác, rupa, buộc phải đi nằm). Lúc ấy khoảng 6 giờ chiều, trong thiền đường có tiếng nước chảy đã nửa tiếng đồng hồ. Khi tôi đặt lưng xuống thì nhân viên thiền viện vừa tắt nước, tiếng nước chảy vào lu bặt hẳn, nhường chỗ cho sự tịch mịch của hoàng hôn. Mặt trời đang lặn và qua những tấm lưới ngăn ruồi muỗi, tôi có thể thấy bóng những cây dừa nổi bật trên nền trời vàng rực.

Khi ấy, lúc tôi đang đặt lưng nằm, giọt nước còn sót lại nơi vòi rơi xuống lu đầy kêu một tiếng "toỏng". Tôi có cảm giác như bị điện giật. Lần này tôi lập tức biết " đây không phải cái tôi nghe tiếng giọt nước". Ðiều này thực sự xẩy đến một cách bất ngờ, tôi không dự kiến. Ðấy là "tâm" nghe, một cái tâm vô chủ, chứ không phải "tôi" nghe. Lần này tôi không bị hoang mang như trước, mà mau chóng trở về tâm trạng bình thường, vì bây giờ tôi đã thấy được chân diện mục hay tự tánh, sabhava. Tôi có thể hiểu ngay lập tức chuyện gì đã xẩy ra, đó là tâm nghe chứ không phải tôi nghe tiếng nước giọt.

Nhiều lần sau đó khi kinh hành quanh am thất, tôi cảm thấy mình đang thật sự ở trong giây phút hiện tại. Thông thường, nhất là vào lúc ngoài khóa thiền chánh niệm, tâm tôi luôn lang thang qua lại từ tương lai về qúa khứ, luôn làm những so sánh và nghĩ đến những chuyện không dính đến thực tại trước mắt. Nhưng lần này, nhờ luôn tập trung vào tư thế động tác hiện tại của thân, có lúc tôi còn có thể dán chặt vào đấy như chụp hình. Rồi trong một bước khác, tôi có thể ý thức đã để lại sau lưng cái giai đoạn rupa ngồi để thay bằng một giai đoạn mới với một rupa mới, là rupa đi. Ðiều này khác với nhận thức thông thường của tôi về đi hay đứng hay bất cứ động tác nào, ở chỗ nó giống như một cuộn phim, tuồng như hoạt động liên tục mà thật sự chỉ gồm nhiều hình ảnh tĩnh và rời rạc; va bây giờ tôi đang nhìn thấy từng hình ảnh ấy rã rời. Hoặc như mình đang đứng trên một chiếc tàu ném một thanh gỗ xuống mạn tàu. Khi thanh gỗ còn trong tay, bạn thấy có thật. Nhưng khi nhìn nó tuột khỏi tay bạn, trôi bồng bềnh trên mặt nước, nó trở nên hư ảo xa vời. Thanh gỗ khi còn trong tay bạn giống như giây phút hiện tại, khi nó rơi xuống như giây phút đã qua mất, và điều này xảy ra liên tục.

Cách đây 3 ngày, ngày 26 tháng 2 xẩy ra một điều đáng nói. Lúc ấy khoảng 11 giờ đêm, tôi đang nằm trên giường. Hôm ấy đặc biệt vì chỉ còn một ngày nữa tôi sẽ hoàn tục chấm dứt đời tu sĩ. Bạn có thể tưởng tượng đầu tôi đầy những suy nghĩ sẽ làm gì khi trở về Anh quốc sau hai năm rưỡi xa nhà - có rất nhiều chuyện khiến tôi rời chánh niệm, bị chia trí. Tôi khởi sự đếm cừu để dỗ giấc ngủ, như người ta thường bày. Lúc ấy tâm đang quán sát thân nằm chuyển sang tâm nghe khi có tiếng dế gáy ở ngoài sân, rồi lại quay về với thân nằm. Rồi tôi lại nghĩ vẩn vơ, cái tâm rời khỏi rupa nằm để đến tòa nhà nơi tôi theo học mỗi ngày. Tôi hình dung mọi khuôn mặt xuất hiện trong nhà ấy - Thầy Chua, cô Vitoon và anh Frank. Tôi biết đây là phóng tâm, nó chỉ ghi nhận, rồi trở về với rupa nằm. Nhưng lần này, khi muốn quay trở về, tôi không tài nào quay về với cái "tôi" nào đang nằm trên giường cả, mà như trở về với một hình nhân. Một tu sĩ đang nằm đấy, trên giường, như một xác chết hay như một hình nhân mặc áo thầy tu, chứ chắc chắn không phải là tôi. Thế đấy, thật kinh hãi. Lần này lại như một cú điện giật thật mạnh làm tôi nhỏm lên. Tôi không nhớ được mặt mũi, tên tuổi, xuất xứ của mình, mình đang làm gì ở đây, hệt như người bị tai nạn giao thông bị mất trí nhớ trong một giai đoạn vì chấn thương sọ não.

Lần này tôi nghĩ có thể giải thích sự việc một cách rõ ràng hơn. Tôi nghĩ chính những phiền não (kilesa) tham sân si thường che lấp và làm nên nhân cách chúng ta đang yếu dần. Chúng suy tàn do thực tập. Chúng không còn che lấp chân lý được nữa, chúng đã tuột mất và sự thật đáng phơi bày. Tôi đã thấy tự tính sabhava, chân lý vô ngã, và giây phút ấy phiền não trở nên thật lu mờ. Tôi nghĩ nếu xẩy ra trong đời thường thì điều ấy sẽ gây ấn tượng sâu xa hơn, nhưng tôi biết đây chỉ là do thực tập. Vì qúa quen thuộc với sự cố này nên tôi lại cố trở về giắc ngủ. Nhưng chỉ một tiếng đồng hồ sau, vào lúc nửa đêm, lại thêm một chuyện nữa xẩy ra. Tôi đang chập chờn nửa tỉnh nửa mê, chưa vào sâu trong giấc ngủ thì mơ thấy mình đang soi gương. Nhưng lạ thay, sao khuôn mặt đang phản chiếu trong gương lại không phải là khuôn mặt của tôi mà lại là một tu sĩ Thái? Những nét chính trên khuôn mặt ấy vẫn là tôi, một thanh niên trẻ trung, nhưng nhìn kỹ lại thì da màu nâu sạm và đôi mắt lại là của một người phương Ðông. Tôi bàng hoàng sửng sốt trong giấc mơ mà tôi tưởng như thật ấy, và không muốn nhìn vào khuôn mặt ấy nữa, nhưng giường như có ai đó đang ghì lấy đầu tôi, bắt tôi cứ phải đối diện với "nó". Tôi tỉnh giấc người run lật bật. Tôi vẫn cứ băn khoăn mãi về chuyện này dù không biết nó có quan trọng hay không. Thầy tôi bảo rằng kinh nghiệm này không phải là tuệ giác, vì muốn thấy được tự tánh, chân lý tối hậu (sabhava), bạn phải có chánh niệm và trí tuệ sáng suốt, thế mà tình trạng này lại không thể xẩy ra trong mơ.

...............

Đọc nguyên bản tại đây:

http://www.buddhismtoday.com/viet/thien/049-minhsattue.htm
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 người đang đọc chủ đề này (1 khách và 0 thành viên dấu mặt)
0 Thành viên:

 



.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 29th March 2024 - 10:41 PM