IPB

Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

 
Reply to this topicStart new topic
> CÁC CÂY RAU họ CẢI và vấn đề Ức chế Chức năng Nội tiết
KinhThanh
bài Dec 19 2010, 02:30 AM
Bài viết #1


Advanced Member
***

Nhóm: Members
Bài viết: 405
Gia nhập vào: 29-July 09
Thành viên thứ.: 4,110



CÁC CÂY RAU họ CẢI và vấn đề Ức chế Chức năng Nội tiết
Dược sĩ Trần Việt Hưng

Các cây rau họ Cải (Cruciferea), hiện đang được nghiên cứu rất nhiều trong lãnh vực ngừa và trị ung thư. Tuy nhiên bên cạnh đó, các cây rau này còn có thêm một hoạt tính cần chú ý khác : đó là khả năng gây ra tình trạng bướu cổ hay goiter. Bài này xin trình bày một số dữ kiện về tác dụng ức chế chức năng Nội tiết của các cây họ Cải.
Bắp cải là thực phẩm đầu tiên bị khám phá là gây ra bướu cổ khi được dùng trong thành phần thực phẩm cho thỏ ăn hàng ngày trong một cuộc nghiên cứu về bệnh giang mai vào năm1928 (John’s Hopkins Hosp. Bulletin No 43).
Khám phá này sau đó được các nhà nghiên cứu khác xác nhận vào các năm1929, 1933. Bắp cải thu hoạch vào mùa Ðông có tác dụng mạnh hơn loại thu hoạch vào mùa Hè, và tác dụng này gia tăng khi bắp cải được hấp chín..và sau đó các nhà nghiên cứu ghi nhận nếu cho thỏ ăn thêm iodine trong khẩu phần hàng ngày chung với bắp cải, dù sống hay hấp chín, thì thỏ sẽ không bị bướu cổ (Endocrinology 1932, 1933).
Một số cây rau họ cải sau đó đã được nghiên cứu để tìm hiểu thêm về tác dụng gây ra goiter: Rutabaga tươi cho thấy có tác dụng mạnh nhất trong khi đó turnip tươi hay nấu chín, rutabaga nấu chín và bắp cải tươi tuy có tác dụng nhưng không đều đặn, còn broccoli và bông cải (chou-fleur) lại không có tác dụng.(Endocrinology Số 43-1948).
Ngoài ra, tác dụng gây goiter của các cây rau họ Cải còn thay đổi tùy theo điều kiện thổ nhưỡng, địa phương nuôi trồng... Dựa trên lý thuyết cho rằng tác dụng gây ra goiter là do một glycoside trong rau, được kích hoạt do các men (enzyme) nên các nhà nghiên cứu đã tiếp tục dùng hạt của các loại cruciferae để thử nghiệm (vì hàm lượng glycoside trong hạt tương đối ổn định): kết quả cho thấy tình trạng giáp trạng phì trướng (hyperplastic thyroids) xẩy ra nơi chuột cho ăn hạt mù tạt trắng và đen (đã hấp chín), hay ăn hạt bắp cải và hạt rape (tươi), trong khi đó hạt rape đã hấp chín lại không gây bệnh.
Hạt turnip và hạt rutabaga cũng gây ra phì trướng tuyến giáp trạng (thyroids). Ðiểm đặc biệt là khi cho dùng chung với iodine, tất cả các hạt cải thử nghiệm đều vẫn tạo ra bướu cổ.
Mặt khác tình trạng thyroid hyperplasia gây ra bởi các loại hạt cải giảm bớt rất nhanh nơi chuôt, khi cắt bỏ tuyến yên (pituitary): điều này chứng tỏ : Sự sản xuất các kích thích tố giáp trạng bị ức chế bởi một số yếu tố hiện diện trong các cây rau họ Cải, đã gây ra phản ứng kích thích loại feedback vào tuyến yên để tạo ra sự gia tăng sản xuất các kích thích tố loại thyrotropic, đưa đến sự tạo bướu cổ..
Các hoạt chất gây bướu cổ trong Cải:
1- Các Thiocynates (SCN) :
Những nghiên cứu sơ khởi cho rằng hoạt tính gây goiter cũa các cây họ Cải là do ở những hợp chất cyanide, chứ không phải do SCN, tuy nhiên khi thử nghiệm dùng SCN làm phương tiện kiểm soát huyết áp nơi người, nhiều bệnh nhân đã bị phì tuyến giáp trạng, và tình trạng phì này thuyên giảm khi cho bệnh nhân uống kèm thyroid sấy khô.
Sau đó, các nghiên cứu cho thấy SCN ngăn chặn sự hấp thu iodine nơi giáp trạng, nhất là khi nồng đ trong máu xuống thấp (Endocrinology Số 39-1946), và khi bị oxy-hóa do lactoperoxidase, SCN cũng giúp ngăn sự oxyhóa iodide thành iodine.. Sự biến đổi từ T4 sang thành T3 trong gan nơi chuột thử nghiệm (in vivo) cũng bị ức chế (Endocrinology Số 18-1984).
SCN được chuyển biến từ Glucosinolates (GS), và hiện hữu nhiều nhất trong rau Brassica (hơn mọi loại rau khác) như Brussels sprouts, Bông cải (cauliflowers), cải Savoy (Savoy kale), turnip, bắp cải, su-hào và cải rape (xếp theo thứ tự từ cao xuống thấp). Lượng hoạt chất trong các cây rau này lên cao nhất vào mùa xuân. Nồng đ SCN trong bông cải=xúp lơ cauliflower và broccoli cao nhất ở giai đoạn rau chưa phát triển tuy vẫn còn cao khi rau đã trưởng thành..
Ngoài nhóm rau Brassica, Củ cải trắng (radish) là cây rau có chứa lượng đáng kể SCN. Nồng đ SCN cũng cao nhất nơi radish trồng vào đầu mùa xuân và tương đối cao khi trồng nơi đất hữu cơ (organic).
2- Isothiocyanates (ITC):
Sữa lấy từ bò thả cho ăn tại những vùng có rau cải hoang dại (loại pennycress và turnip) tại Úc cho thấy có ảnh hưởng trên việc hấp thu iodine nơi những người uống sữa. Các nghiên cứu trên chất methyl-sulphonylpropyl- ITC trích từ hạt turnip cho thấy chất này có hoạt tính mạnh khoảng 40 % so với thiouracil trong việc ức chế tuyến giáp trạng hấp thu iodine (thử nơi chuột) (Nature Số 185-1960). Các cây họ Crucifere thường chứa glucosinolate loại sinigrin, được biến đổi trong cơ thể thành allyl-ITC, Hàm lượng chất này trong bắp cải còn cao hơn cả SCN. Trong bắp cải tươi, ngoài allyl-ITC còn có 3-butenyl-n-butyl-, methyl- và methylthiopropyl-ITC.
Các cây rau cải Á đông như Cải trắng (bokchoy), Cải bẹ, cải làn.. đều có chứa, phần chính là 3-butenyl- và 4-pentenyl-ITC, trong khi đó cải xanh lại chứa lượng cao allyl-ITC.
Bắp cải tím chứa nhiều allyl-ITC hơn bắp cải trắng, trong khi đó bông cải (chou-fleur) và turnip lại không có allyl ITC. Trong số các cây Cruciferes, không thuộc nhóm Brassica, củ horse radish chứa rất nhiều allyl-ITC..
Allyl-ITC cho thấy có hoạt tính ức chế hấp thu iodine nơi giáp trạng của chuột, tương tự như khi cho chuột ăn bắp cải. Benzyl-ITC cũng có tác dụng gây bướu cổ nơi thú vật (Endocrinology Số 76-1965).
Ngoài tác dụng ức chế nồng độ iodide vô cơ nơi tuyến giáp trạng, allyl-ITC và methyl-, butyl-ITC (tuy yếu hơn) còn ngăn cản sự tạo thành dìodotyrosine, và iodothyronines nơi các thùy giáp trạng chuột (thử in vitro). Tuy nhiên do ở đặc tính của ITC, không bền khi ở trong nước nên tác dụng ‘in vivo’ kém đi nhiều. (Metabolism Số 17-1968)
Ða số hạt các cây Brassica như hạt mù tạt đen, hạt bắp cải, hạt chou-fleur, hạt Brussel sprouts.. đều chứa lượng cao allyl-ITC, trong khi đó hạt turnip, hạt rape lại chứa phần lớn là 3-butenyl-ITC. Trong hạt cải mù tạt trắng (Sinapis alba), chất có tác dụng gây bướu cổ là p-hydroxybenzyl-ITC
3- Oxazolidinethiones/ Goitrin:
Tại vùng phía Tây Canada, có loài cải hoang ‘tai thỏ’ (Hare’s ear mus tard), mọc rất mạnh trên các cánh đồng lúa mì và có hạt rất đắng. Vị đắng này là do một glucosinolate có chứa một nhóm hycroxyl không bền, sẽ tạo thành vòng ngay sau khi bị thủy phân.
Hợp chất này được xác định là 2-mercapto-5, 5-dimethyl-oxazoline (5,5-dimethyl-OZT). Chất này có hoạt tính ức chế hoạt động của tuyến giáp trạng nơi chuột, mạnh khoảng 40% khi so sánh với thiouracil. Nơi người, hợp chất này sau khi bị khử nhóm methyl, hoạt tính tương đương đến 75 % thiouracil.
Một hợp chất có cấu trúc vòng tương tự (dẫn xuất từ 2-hydroxy-3-bute nyl-ITC) được tìm thấy trong rurabaga, rễ turnip và khá nhiều trong hạt các cây rau (xếp theo thứ tự từ nhiều xuống ít) kale, rutabataga, rape, broccoli, bắp cải, xu hào, turnip, cải xanh..Hợp chất vòng này sau đó được xác định là L-5 vinyl 2-thio-oxazolidone có hoạt tính tương đương với thiouracil.. và sau đó được gọi là 5-vinyl OZT hay goitrin.
Các nghiên cứu sâu rộng hơn ghi nhận sự hiện diện của goitrin trong những phần lá xanh của rape, turnip, kale và rutabaga..những lá xanh này đã được dùng làm thực phẩm cho bò, ngựa tại những vùng có tỷ lệ cao bệnh bướu cổ tại Úc, dù dân chúng đã được cho dùng thêm iodine, do đó đã có nghi ngại về khả năng OZT có thể chuyển theo vảo sữa bò, tuy nhiên giả thuyết này chưa được xác nhận rõ rệt vì trong các lá kể trên ngoài OZT còn có khá nhiều ITC..
Một số nghiên cứu cho thấy bệnh bướu cổ gây ra do ăn bắp cải có thể được ngừa trước bằng cách cho ăn kèm thêm iodine, nhưng loại bướu cổ gây ra bởi OZT trong hạt các cây Brassica lại không ngừa được bằng iodine.
Ngoài ra, nếu nấu chín hay đun nóng rau và hạt ngay sau khi thu hoạch thì hoạt tính gây bướu cổ bị hủy diệt nhưng nếu nghiền hạt hay ngâm hạt trong nước trước khi đun nấu thì hoạt tính gây bướu cổ lại ... không bị phân hủy hoàn toàn, lý do là nhiệt có tác dụng hủy diệt các men, nhưng không phân hủy được OZT.
Goitrin được chuyển biến từ progoitrin (cũng là một glucosinolate). Dưới sự xúc tác của các men, progoitrin được chuyển thành L-2-hydroxy- 3-butenyl-ITC và sau đó tạo vòng để thành 5-vinyl-OZT. Goitrin trích từ rễ và hạt Brassica chỉ hiện diện ở dạng tả-triền (levogyre). Khi vào cơ thể, goitrin sẽ đạt đến nồng độ cao nhất trong máu sau 4 giờ, trong khi đó progoitrin phải mất 35 giờ mới đạt đến nồng độ tối cao (sự kiện này giúp giải thích lý do goitrin gây ra buồn nôn và ói mửa chỉ vài giờ sau khi vào cơ thể, còn progoitrin..không gây phản ứng)..
Cà hai dạng đồng phân (levo và dextro) của goitrin đều có hoạt tính kháng-thyroid tương đương, (tiềm lực so với PTU là 2% nơi chuột và 133% nơi người)..
4- Tương tác giữa các chất gây bướu cổ:
Với sự xác định được ít nhất là 3 chất chính trong các cây rau họ cải có khả năng độc lập gây ra bướu cổ, vấn đề được đặt ra là khi một cây rau có chứa cả 3 chất trên..liệu hoạt tính gây bướu cổ có gia tăng thêm không ?
Một nghiên cứu trên chuột đã dùng SCN (1mg), allyl-ITC (2 mg) và goitrin (50 mcg) [số lượng có trong khẩu phần bắp cải cho ăn hàng ngày] các chất này được cho ăn đơn độc hay phối hợp từng cặp và phối hợp cả 3 chất trong 21 ngày liên tục. Các amino-acid có iodine tổng hợp được so sánh và kết quả cho thấy hổn hợp 3 chất có hoạt tính ức chế cao nhất, hơn phối hợp từng cặp hay dùng đơn độc. Lượng tổng cộng các iodothyronines (T3 và T4) trong các nhóm ăn cải sụt giảm rõ rệt so với nhóm đối chứng. (Nhóm dùng 1 chất đơn đc có trị số trung bình 15%, nhóm dùng 2 chất phối hợp, hay cả 3 chất chỉ có trị số 10 % so với nhóm đối chứng có 24 % iodothyronines).
Hoạt tính cộng hưởng của 3 tác nhân gây bướu cổ trên khiến việc chọn lựa loại rau cải để ăn hầu tránh bị bướu cổ gặp nhiều khó khăn, chưa kể tỷ lệ các chất này lại còn thay đổi tùy mỗi giống cải.. :
- Trong broccoli chủng Rapine chứa OZT, có lượng ITC cao, nhưng SCN thấp; trong khi đó chủng Premium lại không chứa OZT, lượng ITC thấp nhưng SCN lại cao !
- Bắp cải trắng có SCN cao, OZT thấp trong khi đó bắp cải tím lại chứa OZT cao hơn bắp cải trắng.
- Su hào, trắng và tím chứa ít SCN và ITC, không chứa OZT.
- Cài xanh (Á đông) chứa lượng cao ITC, nhưng ít SCN và OZT.
Nói chung, xét về phương diện gây bướu cổ, Rễ và hạt các cây rau họ Cải thường chứa OZT, trong khi đó lá và hoa thường có nhiều SCN và indo les, còn lượng ITC rất thay đổi.. (Journal of Agriculture and Food Chemistry Số 24-1976).
5- Vài vấn đề nên lưu ý:
Sau khi phân chất khoảng trên 80 chủng bắp cải, các nhà nghiên cứu đã ghi nhận những điểm đáng chú ý :
- Bắp cải càng lớn càng chứa ít glucosinolates.
- Bắp cải Savoy chứa lượng SCN cao nhất, trong khi đó bắp cải tím chứa nhiều OZT, còn bắp cải trắng chứa allyl-ITC.
- Broccoli là loại rau có nhiều biến đổi nhất về hàm lượng các chất glucosinolates: các chủng rau chứa lượng OZT và ITC rất khác biệt, và SCN cũng không cố định.
- Củ cải turnip chứa lượng glucosinolate trong hạt cao từ 30 đến 110 lần so với trong lá.
- Tác dụng gây bướu cổ bị hủy diệt phần lớn khi ăn rau đã nấu chín. Do đó nên giới hạn việc ăn rau sống (nhất là bắp cải)
- Các glucosinolate, tuy có thể có tác dụng kháng-giáp trạng nhưng lại là những chất có hoạt tính chống u- bướu, ức chế sự phát triển của mt số loại tế bào ung thư (xin đọc bài ‘Tác dụng ngừa và trị ung thư của các cây rau họ Cải’)

Tài liệu sử dụng:- Journal of Naturopathic Medicine Vol.1, No1, 1991
- Encyclopedia of Natural Medicine ( Murray & Pizzorno)
- Phytochemicals, Mechanisms of Action (CRC Press)
- Pharmacodynamic basis of Herbal Medicine (Ebaldi)

Dược Sĩ Trần Việt Hưng

http://www.yduocngaynay.com/5-5TrVHung_Cruciferea_goitre.htm
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 người đang đọc chủ đề này (1 khách và 0 thành viên dấu mặt)
0 Thành viên:

 



.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 29th March 2024 - 04:37 AM