IPB

Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

 
Reply to this topicStart new topic
> Từ “Ngôi trường dành cho những người không biết gì” (Maison Ignoramus), - qua một chuyến đi thăm Nhật
Diệu Minh
bài May 5 2016, 12:35 PM
Bài viết #1


Bạn của mọi người
***

Nhóm: Administrators
Bài viết: 16,915
Gia nhập vào: 13-February 07
Từ: 103 ngách 2 ngõ Thái Thịnh I
Thành viên thứ.: 5



Từ “Ngôi trường dành cho những người không biết gì” (Maison Ignoramus) – qua một chuyến đi thăm Nhật


“Thực dưỡng là một cách sống, dựa trên hiểu biết về nhịp điệu, dao động của tự nhiên. Cội rễ của Thực dưỡng có thể tìm lại qua nền văn mình từ khởi thủy của loài người. Mặc dù cần phải học hiểu và dường như có những điều chỉnh lớn, Thực dưỡng là một cách sống hướng tới hạnh phúc. Từ Nippon C.I. hay Maison Ignoramus (Ngôi trường dành cho những người không biết gì), rất nhiều người đã ra nước ngoài và mở những trung tâm Thực dưỡng ở châu Âu, Mỹ và Brasil. Michio Kushi là một học sinh đầu tiên rời Nhật từ ngôi trường này” – Herman Aihara (trích trong cuốn sách: Thực dưỡng cơ bản)
Chúng tôi đã ở đây, ngày 12/4/2016, tại Maison Ignoramus (Ngôi trường dành cho những người không biết gì) do cựu chủ tịch và nhà sáng lập Thực Dưỡng George Ohsawa , giờ đây là Nippon C.I.Kyokai (Hội thực dưỡng Nhật) do ngài Katsumata tiếp nối dẫn dắt.
Đúng là nhân duyên! Cách đây 20 năm tôi cũng làm với người Nhật trong một văn phòng đại diện của một công ty Nhật tại Hà Nội, rồi thời gian trôi đi, và giờ đây tôi đặt chân lên nước Nhật ở một hoàn cảnh hoàn toàn khác, và gặp những con người hoàn toàn khác.
Chị Ngọc Trâm, người cùng đi với tôi, đại diện của phong trào thực dưỡng ở Hà Nội, đã vui như một bé thơ khi đặt chân lên nước Nhật. Chị đã thổ lộ với tôi, đây là một chuyến đi “chưa từng có”, và tôi cũng thấy thế!
Hai ngày đầu tiên ở Kyoto, chúng tôi được ông bà Ando, hai người chúng tôi luôn coi là những bậc thầy về Thực dưỡng Nhật, dẫn đi thăm các đền thờ nổi tiếng và thưởng ngoạn Hoa Anh Đào (Sakura) đúng lúc nở đẹp nhất trong mùa. Cái cảm giác se lạnh và những cánh hoa Sakura lất phất bay, đậu nhẹ trên nền gạch và bạn có thể xòe tay để hứng cánh hoa một cách thanh tịnh. Nền trời xuân trong vắt pha những mảng xanh xám bàng bạc, và bạn sẽ dần cảm thấy cái vị “Zen” (Thiền) Nhật đã thấm dần vào thân thể.
Kyoto,
Vương vấn cành đào rơi
Nắng mới
Xuân chơi vơi…
Một trong những đền thờ chúng tôi đi thăm ở Kyoto là Tenryuji, gợi nhớ tới lời tự thuật đầy thi vị của chính tiên sinh Ohsawa về nơi ra đời của ông rằng, “Vào một ngày mùa thu năm 1893, một cặp vợ chồng trẻ đi ngang qua lối cổng phủ rêu của đền thờ, nơi những cây anh đào nở hoa vào tháng Tư phản chiếu lên mặt sông và lên con cầu dài bắc ngang, và một đứa trẻ đã được sinh hạ tại nơi đây”. Tôi man mác nghĩ đến ông, và thầm tri ân ông. Thật tuyệt cái cảm giác khi nghĩ đến tiên sinh dưới những cánh hoa Sakura lất phất rơi! Trong đền thờ, mọi người đều im lặng, mọi vật đều im lặng, chỉ cảm nhận hương vị Zen của các thiền sư đã tĩnh tọa tại nơi đây. Và luôn luôn là vườn, đá và cây cỏ nằm xen kẽ, có chỗ có cả cát trắng phủ lên… Có lẽ chính cái lặng im đó đã là nơi trú ngụ của bao tâm tư phiền muộn trần thế, rời bỏ cõi tục đi vào đền thờ của chính mình.
Ngày đầu tiên chúng tôi chỉ ăn những thức ăn mang theo, sang ngày thứ hai chúng tôi được ông bà Ando đón tiếp tại một nhà hàng Thực dưỡng theo kiểu xưa, nơi có rất nhiều bậc thày Thực dưỡng đã tới ăn như Michio Kushi… Bà chủ nhà hàng với dáng người nhỏ nhắn và dong dỏng điển hình của người Thực dưỡng, giới thiệu thực đơn là những món nấu theo kiểu dành cho các vị chư tăng, và chúng tôi hôm đó là khách hàng duy nhất của quán. Có bốn đĩa thức ăn và 2 bát xúp dành cho mỗi người, được mang lên cách nhau 30 phút một, mỗi đĩa lại gồm nhiều món đựng bằng các chén bát nhỏ xinh khác nhau, và có tới 3 người phục vụ bữa ăn đó.
“Welcome to Japan” (Chúc mừng tới Nhật) – đó là tên của bữa ăn ông Ando đã nói với chúng tôi.
Rời Kyoto về Tokyo trên một chuyến tàu nhanh, có bạt ngàn những cây hoa anh đào vụt qua trước mắt, và trên đường cũng thật là may mắn một cách lạ lùng, chúng tôi được ngắm cảnh núi Phú Sỹ phủ tuyết trắng, sừng sừng và tráng lệ. Tôi nhớ đến các bức tranh núi Phú Sỹ của Katsushita Hokusai mà thấy lòng mãn nguyện.
Tới Tokyo, chúng tôi tới một nhà hàng Thực dưỡng theo lối truyền thống lâu đời duy nhất ở Nhật, ở đó họ chỉ phục vụ ăn trưa và chỉ có 3 loại đĩa cơm lứt với súp miso. Phía ngoài có bán các đồ Thực dưỡng, và có cả cơm lứt nắm có thể mua mang về. Chính là sự đơn giản đã tạo nên sức cuốn hút của nhà hàng, và tinh thần của Thực dưỡng. Tôi nhớ như in từng chi tiết của quán, và cả cách bố trí bếp ăn hơi cao một chút so với nền nhà.
Tại Nhật hình như nơi nào có quán ăn thì nơi đặt bếp và chỗ làm thức ăn luôn cao hơn chỗ ngồi ăn của Thực khách!
Người được ăn giống như được ban ơn? Thức ăn luôn luôn được cung kính ở vị thế cao hơn con người? con người hình như là được sống bởi sự gia ơn của Tạo hóa?


Và tới ngày 12/4/2016 chúng tôi đã có mặt tại Ignoramus.
Ignoramus vốn là tên một nhân vật trong một vở kịch cùng tên của nhà biên kịch cổ điển George Ruggle, một luật sư tưởng mình rất thông minh và khôn ngoan, nhưng thật sự thì rất ngu ngốc. Và đó chính là ý nghĩa châm biếm của vở kịch.
Giờ đây, ngài Katsumata tiếp nối con đường của cố tiên sinh Ohsawa, mang thông điệp hòa bình tới thế giới bằng Đại hội Olympic 2020 tại Tokyo. Ngài là học trò cuối cùng của tiên sinh Ohsawa được đặt tên PU (nguyên lý vô song) là Thomas. Chúng tôi đã có buổi nói chuyện thân mật và ăn trưa cùng ngài. Ngài nhỏ nhắn, giản dị và thanh đạm. Ngài kể cho chúng tôi những điều thật đơn giản nhưng lại rất “âm-dương” mà tôi nhớ như in. Ngài kể rằng khi cháu của ngài đang bò và không chịu đứng dậy, ngài đã bước tới bên cạnh, và đứa bé liền đứng dậy. Rồi, một cặp vợ chồng, nếu người này chỉ cần nghĩ rằng người kia giống mình thì vấn đề sẽ nảy sinh, còn nếu nghĩ rằng người kia khác mình thì mọi thứ đều được giải quyết. Khi tặng chị Trâm cuốn sách của ngài, ngài đã viết lời đề tặng rằng, người thực dưỡng là người nhẹ nhàng, thảnh thơi. Buổi gặp gỡ dù ngắn ngủi, nhưng thật có ý nghĩa.
Chúng tôi tạm biệt ngài và hòa vào nhịp điệu của thành phố Tokyo, trong nắng vàng nhạt và dòng người trôi ngược xuôi. Điều đặc biệt xảy ra với tôi, tôi không hề thấy khát nước trong suốt hành trình, mặc dù khí hậu ở Nhật khô hơn Việt Nam và chúng tôi đi bộ khá nhiều.
Và tuyệt vời hơn nữa, chúng tôi được một bậc thày Thực dưỡng là ngài Saito mời về nhà ăn bữa ăn thân mật và


thưởng ngoạn bộ sưu tập sách Ohsawa vô giá của ngài.



Khác với ngài Katsumata với dáng vẻ của một nho sĩ, ngài Saito cởi mở và lịch lãm với nụ cười luôn ở trên môi. Ngài sống ở làng Bonsai, nơi sẽ tổ chức Festival Bonsai thế giới vào năm 2017, và đưa chúng tôi đi xem bảo tàng Bonsai và một nhà trồng Bonsai rất nổi tiếng ở đó. Có những cây Bonsai hàng vài trăm năm, trong một thế giới thu nhỏ như những câu chuyện cổ tích thú vị. Và tận mắt chúng tôi được ngắm nhìn, cảm nhận. Vợ ngài từng là học trò của bà Lima Ohsawa, đã chuẩn bị cho chúng tôi một bữa ăn chưa từng có. Có rất nhiều món được bày trong các đĩa bát khác nhau, và bà đã phải thức dậy rất sớm hôm đó để chuẩn bị bữa ăn chiều này. Chúng tôi cũng chỉ ăn độ 2/3, còn lại xin gói mang về, và bà còn chuẩn bị cho chúng tôi cả thức ăn đi đường cho mỗi người. Thư viện sách của ông Saito thì vô cùng ấn tượng, những cuốn sách cũ đã úa vàng nhưng vẫn mang phong vị của tiên sinh Ohsawa, và một bộ tất cả thư tịch của tiên sinh Ohsawa được đóng và xếp ngăn nắp trên giá sách. Và chúng tôi đã có buổi sinh hoạt văn hóa thư giãn sau bữa ăn, được nghe giọng tiên sinh Ohsawa qua băng cassette, ông bà Saito và ông bà Ando hát tiếng Nhật bài hát của tiên sinh Ohsawa, chị Ngọc Trâm ngâm thơ, em Ngọc hát bài hát tự sáng tác và tôi cũng chơi một bài đàn guitar cổ điển.
Còn đây là món quà nhỏ nhưng vô cùng ý nghĩa của bạn Shugo làm tặng chị Ngọc Trâm, quả cầu năng lượng Kagome, khép lại hành trình của chúng tôi.



Tạm biệt nước Nhật, tạm biệt những bậc thày thực dưỡng và các bạn lành Nhật, tôi mong ước mơ của chị Ngọc Trâm về một ngôi trường Ignoramus trong tương lai cho các bạn trẻ Việt Nam sẽ trở thành hiện thực.

Bùi Xuân Trường.


--------------------
________Ngọc Trâm_________
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Fast ReplyReply to this topicStart new topic
2 người đang đọc chủ đề này (2 khách và 0 thành viên dấu mặt)
0 Thành viên:

 



.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 29th March 2024 - 12:40 AM