IPB

Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

 
Reply to this topicStart new topic
> 40 năm nghiên cứu,thực hành,truyền bá DS
huynhdoan2000
bài Jan 31 2009, 08:31 AM
Bài viết #1


Hội viên năng động
***

Nhóm: Members
Bài viết: 1,189
Gia nhập vào: 21-January 08
Thành viên thứ.: 203



40 NĂM NGHIÊN CỨU, THỰC HÀNH VÀ
TRUYỀN BÁ DƯỠNG SINH


Thiện Tuệ Nguyễn Khoa Huân (ĐS 2)

(Bài này tôi viết riêng để tặng tập san CSVQGHC Liên Bang Úc Châu ấn hành 2007)

Theo đề tài trên thì có thể viết một cuốn sách mới hết. Song nay chúng tôi chỉ tóm tắt sơ lược một số sự việc trong lúc nghiên cứu, thực hành và truyền bá Dưỡng-Sinh từ năm 1965 đến nay là 2007, từ lúc còn ở quê nhà cho đến khi sang định cư ở Úc. Thời gian tính đến nay trên 40 năm.

Trước hết tôi không thể quên được ngày tôi gặp tiên sinh Nyoiti Sakurazawa (hay G.OHSAWA) từ Nhật đến Huế để gặp gỡ chúng tôi và truyền bá lý thuyết ăn-uống theo âm-dương quân-bình hôm 16-05-1965 (1).

Trước đó, 12-04-1965 anh Ngô Thành Nhân, chủ tiệm sách Anh Minh ở số 159 Phan Bội Châu ở Huế đã ấn hành đặc san "Sống Vui" số 1 mở đường cho việc truyền bá dưỡng sinh ở Huế và đến Sống Vui số 51 ngày 21-04-1974 thì tự ý đình bản tại Sài Gòn. Chúng tôi cộng tác với tạp chí Sống Vui và có viết một số bài. Nhà xuất bản A.M. Ngô Thành Nhân lần lượt xuất bản rất nhiều sách dịch của G. OHSAWA, quan trọng nhất là cuốn "Tân Dưỡng Sinh" dịch từ cuốn "Le Zen et la macrobiotique" do B. CAUVET - DUHAMEL dịch từ bản Anh ngữ. Tái bản rất nhiều lần ở trong nước và tại hải ngoại.

Sự nghiên cứu về dưỡng sinh bắt đầu từ đó. Vì tiên thiên ốm yếu nhiều bệnh tật nên tôi đã đọc rất nhiều sách của OHSAWA bằng nguyên văn và cả bản dịch. Năm 1965, lúc ở Huế tôi chưa áp dụng triệt để phương-pháp này vì còn Bà Mẹ thích ăn cơm gạo trắng nên rất ít khi chúng tôi được ăn cơm gạo lứt, có khi chỉ ăn cơm gạo ruộng là thứ gạo mà nông dân đã giã bằng chày tay (gỗ) và còn chút ít cám. Về mặt thực hành thì rất kém nhưng về mặt lý thuyết thì chúng tôi đã tổ chức những buổi nói chuyện tại Hội quán Chi-bộ Chơn Lý của Hội Thông Thiên Học Huế và chiều chiều đi làm việc về thì tôi hay đến tiệm sách LIỄU QUÁN ở đường Phan Bội Châu để uống trà và nói chuyện với anh Lê Văn Mừng - một học giả ăn chay trường, chủ tiệm và có khi thì họp tay ba có anh Thái Khắc Lễ ở thư viện Đại Học Huế đến dự.

Chị Ngô Thành Nhân thì làm nhiều món dưỡng sinh để bán và thỉnh thoảng chúng tôi cũng họp tại tiệm sách anh Nhân để bàn về tạp chí Sống Vui hoặc để dùng cơm với anh chị và các bạn dưỡng sinh Huế trong các buổi tiệc.

Năm 1966, chúng tôi từ giã Huế để vào làm việc tại Nha Trang. Năm 1968, sau khi Mẹ tôi từ trần thì chúng tôi mới áp dụng gạo lứt nhiều hơn để chữa bệnh vì tôi bị thương trong Tết Mậu Thân (2).

Sau khi lành bệnh và lên cân, tôi có tổ chức một buổi nói chuyện 15-03-1969 về phương-pháp OHSAWA tại trụ sở Hội Hồng Thập Tự Nha Trang đề nghị cách ăn này cho các bệnh nhân phong cùi tại địa phương. Tôi không rõ họ có nghe lời không và kết quả ra sao (?).

Năm 1971, tôi đổi vào làm việc tại Sài Gòn và gặp lại anh chị Ngô Thành Nhân đã từ Huế vào lập nghiệp tại Sài Gòn. Anh Nhân dựng một bảng lớn để "NHÀ OHSAWA" ở số 390 Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh (TPHCM). Tại đây chị Ngô Thành Nhân cũng sản xuất các món ăn dưỡng sinh như tương đặc Miso, tương nước Tamari, mậu muối, bơ mè, sữa thảo mộc, cà phê Ohsawa và các loại dược thảo khác như bột sắn cơm (KUZU), trà già (bancha), rong biển, đậu đỏ, bánh tráng v.v... Lúc này chúng tôi ăn cơm gạo lứt nhiều hơn vì ở Sài Gòn có thứ gạo huyết ròng lứt màu đỏ thắm rất dương và bổ. Tuy nhiên tìm gạo lứt rất khó. Ở mỗi chợ chỉ có một vài người bán và chỉ độ một hai mủng, có khi đến mua không có vì đã bán hết.

Ở chợ gạo tại Chợ Lớn thì có độ một hay hai bao, mỗi bao độ 100 kilô. Tôi thường dùng bơ mè và bơ đậu phụng tương đặc và tương lỏng làm bằng đậu nành. Tuy nhiên tôi vẫn còn ăn mặn thịt cá và ăn gạo trắng xen lẫn chưa phải là triệt để. Tôi bị đau bao tử kinh niên, không lành chỉ giảm đau khi tôi ăn đúng phuơng pháp. Năm 1973 trong chuyến công du Hoa Kỳ, tôi đã có dịp gặp 2 vợ chồng ông M. Kushi là một đại đệ tử của G. OHSAWA tại Boston. Sau năm 1975, tôi rảnh nên nghiên cứu Đông y ,Tây Y và Y học Dân tộc, đọc rất nhiều sách và dành nhiều thì giờ vào thư viện.

Năm 1991 tôi đến định cư ở Úc. Việc đầu tiên là vào siêu thị Tây để tìm mua gạo lứt. Rất may tôi tìm được gạo lứt sản xuất ở Úc và bắt đầu nấu ăn. Chính trong thời gian này tôi nghiên cứu Sâm (ginseng), Bồ công anh (Dandelion), trà (tea), nhiều loại dược thảo, trái cây, rau củ và các loại cốc lứt như Oat (kiều mạch), Barley (đại mạch - nôm na là Bo Bo) Buckwheat (hắc mạch), Kê (millet), bắp (corn) và nhiều loại khác và đích thân dùng trong ăn uống.

Tôi xin đơn cử vài ví dụ. Cây Bồ công anh trong Đông Y không có giá trị gì lớn lao cả. Tây y thì không biết, chỉ có giới dưỡng sinh trong Health Food là có bán. Song họ không ghi rõ công năng trị bệnh và cách dùng nên có vào xem thì cũng không biết để mua dùng. May nhờ tôi có cuốn sách "Zen và ý thức" nói về ăn chay của Thái Khắc Lễ, một đệ tử của OHSAWA và là bạn thân của tôi là có đề cập đến cây này. Công dụng của nó rất đa đạng, sau này tôi tham khảo thêm "The Healing Power of herbs" và "The natural way to better health and long life" của Tiến sĩ Vaugham Ballivant ở Úc nên tôi đã hướng dẫn nhiều người dùng và trị được nhiều bệnh như tuyến tiền liệt, viêm gan, đái đường, bao tử, ruột, ung thư và rất nhiều bệnh khác. Lạ nhất là trà Bồ công anh này có rất nhiều sinh tố K nên nó chữa bệnh loãng máu quá hay và đã cứu được ba bà già (chị em ruột, một ở Úc, 2 ở Việt Nam) thoát khỏi tử vong và sống cho đến ngày nay.

Một chuyện khác là một trường hợp trị bệnh ung thư ở Hoa Kỳ (USA) tại tiểu bang Michigan. Chúng tôi đã áp dụng lý thuyết đã học trong sách vở và cả kinh nghiệm trong thực tiễn nên kết quả rất khả quan. Anh NHH bị ung thư ruột thời kỳ thứ ba. Sau khi theo Tây y xạ trị và hóa học trị liệu không có kết quả và anh đã xuất viện chờ chết. Rất may anh liên lạc được với tôi sau hơn hai mươi năm xa cách. Cách chữa trị cho anh như sau: Bỏ tất cả sản phẩm động vật và qua ăn chay trường. Căn bản thực đơn là gạo lứt, rau, củ, mè, rong biển, tương đậu nành, đậu đỏ v.v... Về thuốc men thì bỏ tất cả thuốc hóa học sang dùng 2 loại dược thảo chính là Bồ công anh để tẩy các chất độc và uống Sâm Đại Hàn (Korean Ginseng) để trị ung thư. Ngoài ra còn phải vận động, như tập Dịch cân kinh và đi bộ mỗi ngày, thiền quán và luyện thở. Nhờ vậy, sau sáu tháng anh đã lành bệnh ung thư, có xác nhận của bệnh viện Mỹ. Song sau đó anh nghe lời bác sĩ ở Mỹ khuyên ăn thịt gà để bồi dưỡng sức khỏe, nên trái lại bệnh ung thư lại phát hiện ở tuyến tiền liệt (prostate).

Anh liên lạc với tôi báo cáo tình hình và xin ý kiến. Tôi khuyên anh bỏ thịt gà và ăn chay lại. Một thời gian sau thì anh lành và hứa ăn chay suốt đời. Tôi được biết một người khác cũng lành ung thư tuyến tiền liệt sau khi đọc bài của tôi trên bản tin của Hội QGHC Thế giới. Một bạn khác theo Tây y không lành cũng đang áp dụng dưỡng sinh để chữa bệnh bướu ung thư ở ngực (vẫn còn sống) và một phụ nữ ung thư vú tái phát lần thứ 2 ở Úc vẫn còn sống nhờ theo phương pháp dưỡng sinh.
Các bệnh khác cũng nhiều không kể hết. Năm 1997, bác sĩ chuyên khoa bao tử đã dùng trụ sinh tiêu diệt vi trùng và tôi đã lành bệnh loét tá tràng. Khi lấy tế bào khám xem có ung thư hay không tôi đã thầm nguyện nếu tôi bị ung thư thì tôi sẽ đốt hết sách của OHSAWA. Nhưng bác sĩ tuyên bố tế bào lành mạnh không có gì. Điều này chứng minh nhờ tôi dùng gạo lứt gần 20 năm qua và áp dụng các yếu tố đem lại sức khỏe như tôi đã viết trong cuốn "Con đường dưỡng sinh". Phần tôi năm 1994, đã bỏ ăn mặn qua ăn chay trường khi tôi gặp một vị Thầy về Tâm linh (sẽ tường thuật trong cuốn Con Đường Tâm Linh).

Vì lẽ đó tôi đã lành được nhiều bệnh và sức khỏe còn tăng mặc dầu tuổi già càng ngày càng cao. Do đó tôi đã đoạt được huy chương vàng trong cuộc đi bộ quốc tế ở Thủ đô Canberra vào năm 2005.

Hoạt động truyền bá dưỡng sinh từ 1991 tại Úc:

1. Thuyết trình tại Đại Hội Vô Vi (Thầy Tám) và Chùa Pháp Hoa (Hòa Thượng Thích Như Huệ) tháng 12/1995 Adelaide Nam Úc.
2. Cô Ngọc Hân Đài SBS Sydney phỏng vấn chúng tôi và anh Lương Trung Hưng về vấn đề dưỡng sinh ngày 17-07-1996 và 23-07-1996.
3. Thuyết trình tại Hội Thiền Định Quốc Tế Thanh Hải Vô Thượng Sư Sydney 2 buổi (12/1996).
4. Thuyết trình tại Hội Cao niên Canterburry 10/1997.
5. Tham dự lễ Thượng thọ bà LIMA (phu nhân G. OHSAMA) trong dịp bà hưởng thọ 100 tuổi tại Tokyo Nhật 4/1998 (3).
6. Thuyết trình tại Chùa Thiên Ấn và nhà thờ Công giáo tại Minnesota (USA) và tại Đại Hội Cựu Sinh Viên QGHC ở California trong dịp ra mắt sách "Con đường Dưỡng sinh" ngày 5-9-2004.
7. Thuyết trình tại lễ ra mắt sách "Con đường dưỡng sinh" tại Trung tâm Sinh hoạt Văn hóa Cộng đồng ở Sydney (NSW) ngày 21-11-2004.
8. Cộng tác viên Đài phát thanh Tiếng Việt hải ngoại 99.90 FM mỗi sáng Chủ Nhật về đề tài Dưỡng Sinh (và được Đài 2VNR tiếp vận) từ 5-12-2004.
9. Nói chuyện Dưỡng Sinh sau Đại hội Cựu sinh viên QGHC Úc họp tại Brisbane Qld đầu năm 2006.
10. Phát hành sách "Con đường dưỡng sinh" tại Hội Cao niên Cabramatta, Marrickville, Chùa Phước Huệ, Hội Tây Ninh Đồng hương, Tu viện Vạn hạnh và Hội Cao niên ở Canberra (ACT) 2005/06.
11. Thường xuyên viết bài về Dưỡng sinh trên tạp chí "Phước Huệ Công đức Tòng lâm" và các bản tin của Hội CSVQGHC Tiểu bang, Liên bang và Thế giới từ năm 1995.
12. Mở trang mạng W.W.W.free.vebs.com/thientue.

* ÍCH LỢI CỦA PHƯƠNG PHÁP DƯỠNG SINH

Quan niệm sống của nhiều người khác nhau. Có người theo khoái lạc chủ nghĩa thì cho rằng con người sống là để hưởng thụ, việc gì phải tuân thủ ăn uống kiêng cử, phải theo một lối sống có quy tắc cho mệt, làm mất tự do cá nhân! Họ thường bị nhiều bệnh tật, kể cả bệnh nan y và thường không sống lâu.

Một số người khác thì cho rằng trong tứ khổ mà đạo Phật đã rao giảng thì bệnh tật là một thứ khổ. Vậy cố gắng làm sao cho có sức khỏe, tránh nhiều bệnh tật, đừng mắc bệnh nan y hay về già đừng để con cháu phải buồn phiền vì mình. Vả lại có bệnh thì phải tốn rất nhiều chi phí về thuốc men. Vì vậy họ đi tìm một cách "sống khỏe".

Do đó mà hạng người này tìm đến Dưỡng sinh. Tuy nhiên sau 40 năm truyền bá dưỡng sinh, tôi thấy số người theo dưỡng sinh rất ít vì các lý do sau đây:

1. Lý thuyết thì dễ đọc, dễ nghe nhưng thực hành thì khó (tri dị, hành nan).
2. Nhiều người mua sách "Con đường dưỡng sinh" hoặc sách biếu tặng, song họ đem về cất trong tủ chỉ đọc sơ sơ. Đợi đến khi có bệnh họ mới vội xem.
3. Nhiều người thực hành một thời gian rồi bỏ.
4. Có người mắc bệnh (thường hay nan y) song khuyên họ ăn cơm gạo lứt họ không ăn được, nói khó ăn và họ chỉ biết uống thuốc và sau đó chết.
5. Nhiều người tin ở Thượng đế vì tín đồ của các tôn giáo thờ Thượng đế, song khi nói họ ăn cơm gạo lứt là sản phẩm thiên nhiên của Thượng-Đế thì họ từ chối vì có người bệnh nặng phải tử vong. Thật là mâu thuẫn!
6. Tuy nhiên tôi cũng gặp được một số ít người hoàn toàn tin tưởng vào phương pháp dưỡng sinh này. Họ ăn mặn với cơm gạo lứt và số tiến bộ hơn thì ăn chay với cơm gạo lứt nên họ đã giảm hoặc lành được nhiều bệnh kể cả bệnh nan y như ung thư và sống vui sống khỏe.

Anh Trương Đình Tuấn, chủ tiệm sách Lê Tuấn, số 2 Droop St - Footcray Vic 3011 bán sách "Con đường dưỡng sinh" tuyên bố trong điện thoại với tôi là "bệnh chi cũng lành cả bác ơi". Viết câu này mục đích của tôi không phải là để quảng cáo cho cuốn sách do tôi biên soạn, song để dẫn chứng một nhân chứng sống, hầu các bạn tin vào phương pháp này.

Tin mới nhất mà tôi nhận được là tại hai cuộc thiền quốc tế, cầu nguyện cho nền hòa bình thế giới, do Hội quốc tế Thanh Hải Vô Thượng sư tổ chức tại Thái Lan cuối năm 2006 và tại Đài Loan đầu năm 2007, các thiền sinh ăn chay trường đều dùng cơm gạo lứt do nhà bếp nấu. Đây là tổ chức ăn chay trường đã bỏ gạo trắng. Trước đây có tin Ngài Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng đã bỏ ăn mặn và qua ăn chay trường cũng đáng làm gương cho các nhà lãnh đạo các tôn giáo trên thế giới noi theo. Lành thay!

Ngày 18-04-2007 tôi về thăm quê hương Việt Nam. Trong bài này tôi chỉ đề cập đến việc truyền bá dưỡng sinh của tôi trong chuyến đi này mà không đề cập đến các chuyện khác.

Khi đến Sài Gòn tôi có tặng sách "Con Đường Dưỡng Sinh" cho một bác sĩ bà con hiện làm việc tại bệnh viện Ung-bướu ở Sài Gòn, một cuốn cho một đạo hữu ăn chay trường và thảo luận với anh Ngô Ánh Tuyết (có anh Ngô thành Nhân) về phong trào dưỡng sinh ở Việt Nam và có trao cho anh nhiều tài liệu do tôi sưu tầm và biên soạn.

Sau đó chúng tôi đi thăm một bạn ăn chay trường lâu năm, sau đó bị bệnh và bị các bác sĩ Việt Nam và gia đình ép buộc bỏ ăn chay qua ăn mặn. Anh này nay bị bại phải đi xe lăn, lú lẫn, và đau đớn mỗi đêm la khóc. Bà vợ bị bướu độc tính mắt lồi và mờ. Tôi có tặng anh một cuốn sách CĐDS. Tội nghiệp anh nói với vợ trước mặt chúng tôi "Bà đâu có nấu gạo lứt cho tôi ăn?" Nhưng anh có lỗi là đã bỏ ăn chay. Tôi đến Huế 24-04-2007, tôi đến thăm một bạn khác. Bạn này trong 10 năm qua, mỗi khi viết thư thăm anh, tôi đều khuyên anh ăn gạo lứt nếu còn ăn mặn, hoặc qua ăn chay trường, song anh không nghe. Lúc tôi đến thì anh chống gậy tiếp tôi. Anh nói mới bị tai biến mạch máu nhẹ trước đó vài hôm. Tôi dặn anh phải cấp tốc ăn chay và dùng gạo lứt ngay, nếu không sẽ bị tai biến mạch máu não lần thứ hai nặng hơn. Anh nói ngọng ú ớ không ra tiếng, đồng ý và tôi cũng cảnh cáo vợ anh phải lo cho anh ăn uống và ngay cả chị cũng vậy.

Tôi đến thăm một bạn đồng nghiệp cũ, anh lớn tuổi hơn tôi song đi đứng chậm chạp mắt mờ. Tôi tặng anh sách và cũng khuyên vợ con anh giúp anh ăn uống và vận động trước khi chưa muộn. Tôi cũng đến thăm anh Lê Văn Thái con của anh Lê Văn Mừng, nguyên chủ tiệm sách Liễu Quán và tặng anh sách và 2 CD về bệnh ung thư và điểm sách OHSAWA. Anh này ăn chay trường song thấy ốm yếu. Tôi khuyên anh đọc sách kỹ để làm đúng cách ăn uống (anh có 4 có em gái, đều ăn chay trường và độc thân như anh. Anh còn có một em trai bác sĩ cũng ăn chay trường và đã lập gia đình). Thật là hiếm có!

Ngày Chủ Nhật 29-04-2007 tôi mời bà con họ Nguyễn Khoa đến chùa Bala, là chùa của ông Cố tôi sáng lập tại Vỹ Dạ, thết tiệc chay đãi bà con và thuyết trình về dưỡng sinh và ăn chay, vì tôi nghĩ rằng truyền bá trong bà con thì dễ hơn người ngoài. Tại đây tôi tặng sách cho tủ sách của Chùa do Thầy Thích Thường Chiến làm trụ trì và chùa Tịnh Nghiêm do sư cô Tịnh Hoa làm trụ trì.

Ngày 03-05-2007 tôi đến Nha Trang và hướng dẫn một cặp vợ chồng bà con bị nhiều bệnh và người con gái có chồng đã 5 năm không con, về cách ăn uống theo âm dương quân bình và tặng nhiều tài liệu.

Ngày 07-05-2007 tôi trở về Sài Gòn, tặng sách cho một bác sĩ hưu trí bà con với nhà tôi và chủ nhật 13-05-2007 tổ chức tiệc cơm chay khoản đãi bà con họ Nguyễn Khoa, khuyên bà con ăn chay và tặng sách cho bạn đại diện họ. Nhiều bà con hoan nghênh, có bà con hứa về dùng gạo lứt liền.

Tôi cũng có tặng sách cho Tu viện Gia Lam do Viện chủ Thích Đức Chơn nhận. Trong thời gian ở Sài Gòn tôi đã hướng dẫn cho 2 vợ chồng lớn tuổi ăn chay trường bị nhiều bệnh vì họ không dùng gạo lứt. Khi họ áp dụng độ 10 ngày thì thấy sức khỏe khá hơn. Gia đình này trước đây mấy năm tôi gửi tài liệu về Dịch cân kinh cho họ tập. Hai ông bà và các con tập, khen rất hay chữa được nhiều bệnh. Một người con chủ một tiệm may lớn gần chợ Bến Thành, sau khi may mỗi ngày hai buổi đều tập. Họ in tài liệu phát cho cả mấy trăm người. Có một sự kiện là trước đây vài năm tôi có gửi hai cuốn sách tặng cho hai bà cháu gái. Một bà ăn gạo lứt và theo dưỡng sinh thì mạnh khỏe, còn bà chị không chịu ăn gạo lứt và vận động thì bị rất nhiều bệnh. Khi gặp tôi bà chị hứa sẽ thực hành theo sách tôi chỉ dẫn.

Câu chuyện thật là rõ ràng.

Một chuyện khác là, có bà tình nghi bị ung thư di căn, ban đêm ngủ không được la lối om sòm nằm ở bệnh viện, mặc dù thuốc men đầy đủ vậy mà khi uống trà gạo lứt rang trong một đêm đã ngủ ngon. Gia đình đều mừng hứa theo dưỡng sinh. Một chuyện hy hữu khác là, nhà tôi và tôi đi dạo đọc bờ sông Sài Gòn (bến Bạch Đằng) chẳng may nhà tôi vấp té sấp, mặt bị thương và nhiều vết bầm tím, môi miệng nứt ra nhiều máu, thế mà hai hàm răng không có cái nào bị gãy. Có người nói nhờ hai vợ chồng tôi ăn chay trường nên chư thiên độ, có người nói vì chúng tôi chữa bệnh miễn phí cứu nhiều người nên được quả báo tốt. Cả hai đều đúng, song phần chính yếu chúng tôi nghĩ là do chúng tôi theo đúng dưỡng sinh và chúng tôi có chế một loại thuốc trị trong miệng nên hàng ngày ngậm thuốc mà hai hàm răng cứng chắc. Khi té hai hàm răng bị ê ẩm song ngậm thuốc đó hai hôm là hết. Thật là thần dược!
Xin cảm tạ Thượng Đế vì các dược thảo này là do Ngài sinh ra. Ích lợi của dưỡng sinh thật vô cùng to lớn đáng để chúng ta thực hành noi theo./-


Thiện Tuệ Nguyễn Khoa Huân (ĐS 2)
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Reply to this topicStart new topic
1 người đang đọc chủ đề này (1 khách và 0 thành viên dấu mặt)
0 Thành viên:

 



.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 10th July 2025 - 04:51 AM