IPB

Chào mừng Khách ( Đăng nhập | Đăng kí )

 
Reply to this topicStart new topic
> Tây Phi vật lộn kiểm soát dịch Ebola
member
bài Jul 30 2014, 09:02 AM
Bài viết #1


Thành viên dự bị
***

Nhóm: Members
Bài viết: 1,632
Gia nhập vào: 11-February 11
Thành viên thứ.: 93,759



Tây Phi vật lộn kiểm soát dịch Ebola
29/07/2014 15:49 GMT+7

Đợt bùng phát dịch Ebola tồi tệ nhất trong lịch sử hiện nay đang buộc Liberia phải đóng cửa phần lớn biên giới nước này. Trong khi đó, các chính phủ ở nhiều quốc gia Tây Phi đang chật vật ngăn chặn sự lây lan của Ebola, loại virus cực kỳ nguy hiểm, không có vắc-xin phòng ngừa và hiện cũng vô phương cứu chữa.

Đóng cửa biên giới quốc gia vì một căn bệnh truyền nhiễm là động thái hiếm khi xảy ra, nhưng nó cho thấy mức độ quan ngại nghiêm trọng của chính phủ và các quan chức y tế khi đợt bùng phát dịch chết người đã bước sang tháng thứ. Tính đến thời điểm hiện tại, virus Ebola đã gây bệnh cho ít nhất 1.200 người và cướp đi sinh mạng của 672 nạn nhân.

Liberia đã có động thái quyết liệt tiếp sau cái chết của một trong những vị bác sĩ hàng đầu của nước này hồi cuối tuần trước, cũng như trước những thông tin rằng 2 nhân viên y tế Mỹ đang làm việc ở Liberia đã bị nhiễm bệnh.

Tổng thống Liberia Ellen Johnson Sirleaf đã ra lệnh, việc lưu thông xuyên biên giới chỉ được diễn ra ở một vài cửa khẩu nhất định, nơi nhà chức trách có thể theo dõi và xét nghiệm virus Ebola. Các sân bay vẫn mở cửa nhưng hành khách sẽ trải qua các thủ tục soi kiểm nghiêm ngặt tương tự. Arik Air, hãng hàng không lớn nhất Tây Phi, đã hủy các chuyến bay tới Liberia từ cuối tuần trước vì e sợ dịch.

Nữ Tổng thống Liberia cũng cấm tụ tập đám đông, chẳng hạn như biểu tình, tuần hành. Bà cũng đang cân nhắc cách ly một số khu dân cư nhất định ở khu vực thành thị, theo tiết lộ của trợ lý Bộ trưởng Y tế Liberia.

Các diễn biến phức tạp đã buộc Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa bệnh dịch của Mỹ (CDC) ở Atlanta hôm 28/7 phải đưa ra cảnh báo y tế, khuyến nghị các chuyên gia chăm sóc sức khỏe của nước này giám sát những bệnh nhân từng đi tới Tây Phi mới đây và có các biểu hiện giống nhiễm Ebola, kể cả sốt, đau đầu và tiêu chảy.

CDC cũng đưa ra khuyến cáo du lịch mức 2, đề nghị các du khách tránh tiếp xúc với máu và dịch cơ thể của người nhiễm virus. Khuyến cáo này thấp hơn một mức so với đề xuất tránh các chuyến đi không cần thiết tới những nước có dịch. Tuy nhiên, CDC nhấn mạnh, hiện ít có nguy cơ dịch Ebola sẽ lan tới Mỹ.

Dịch Ebola bắt đầu bùng phát ở nam Guinea hồi tháng 2, rồi lan tới Liberia và Sierra Leone. Cho tới thời điểm hiện tại, đây là căn bệnh giết người nguy hiểm nhất thế giới do không có vắc-xin phòng ngừa và hiện cũng vô phương cứu chữa.

Bệnh do virus Ebola xuất hiện lần đầu tiên ở Congo năm 1976. Virus Ebola có khả năng gây tử vong tới 90% người mắc phải. Dẫu vậy, các bệnh nhân sẽ có cơ hội sống sót lớn hơn nếu được chữa trị sớm.

Bệnh lây lan chủ yếu do việc tiếp xúc với các dịch tiết trong cơ thể của người hoặc động vật nhiễm virus. Thời kỳ ủ bệnh kéo dài khoảng 2-21 ngày.

Bệnh khởi phát ở người với các triệu chứng không đặc hiệu, như sốt, đau đớn, khó chịu,… dễ bị nhầm với các bệnh virus khác. Tuy nhiên, sau đó, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng đặc thù của bệnh là mất dịch, biểu hiện qua việc tiêu chảy, nôn, xuất huyết hay khạc ra máu (lí do khiến bệnh còn được gọi là bệnh xuất huyết Ebola). Bệnh nhân cũng có thể bị nổi ban, mắt đỏ và nấc.

Một số bệnh nhân có thể hồi phục, trong khi một số khác không thể qua khỏi. Đây vẫn là một điều chưa được các nhà lâm sàng giải thích cặn kẽ. Chẩn đoán bệnh trong giai đoạn sớm thường là khó, nhưng khi đã nghi ngờ nhiễm virus Ebola thì việc thực hiện các biện pháp cách ly hợp lý là rất cần thiết.

Tuấn Anh (Theo WSJ, BBC)

http://vietnamnet.vn/vn/khoa-hoc/188591/tay-phi-vat-lon-kiem-soat-dich-ebola.html



--------------------
Theo các cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, giống như một số loại bụi khác có trong môi trường lao động, tất cả các dạng amiăng (tấm lợp amiăng dùng phổ biến ở VN) đều có thể gây ung thư và một số bệnh trầm trọng khác cho con người. Sợi amiăng có thể gây độc hại cho phổi sau 10-20 năm, gây ra một số các căn bệnh như bệnh phổi, ung thư màng phổi và ung thư phổi.
Go to the top of the page
 
+Quote Post
member
bài Aug 4 2014, 11:03 PM
Bài viết #2


Thành viên dự bị
***

Nhóm: Members
Bài viết: 1,632
Gia nhập vào: 11-February 11
Thành viên thứ.: 93,759



Bệnh nhân Ebola tử vong đáng sợ như thế nào?

Bùng phát gần 6 tháng, Ebola đã giết chết 729 người, nhiều người khác đang nguy kịch. Bệnh nhân nhiễm Ebola sẽ tử vong khi máu liên tục chảy ra từ mũi, mắt, tai, miệng và bất cứ vết hở nào trên cơ thể


Đây là cánh tay của một bệnh nhân mắc bệnh Ebola giai đoạn cuối. Các cục máu đông bắt đầu vỡ, bệnh nhân chết vì mất máu nhiều.

Ebola tấn công cơ thể thế nào?

Virus Ebola tấn công cơ thể một cách có hệ thống, có nghĩa là nó tấn công mọi cơ quan và tế bào của cơ thể, ngoại trừ xương và cơ xương.

Theo các nghiên cứu của Trường đại học Y Pennsylvania, Ebola đã vô hiệu hóa protein tetherin, loại protein có chức năng ngăn chặn sự lây lan của virus từ tế bào này sang tế bào khác, từ đó đẩy lùi hệ miễn dịch của cơ thể.


Hình ảnh virus Ebola qua kính hiển vi.

Sau đó, chúng lấy tế bào này làm nơi sản xuất một lượng lớn virion (hạt virus). Những virion này sau đó sẽ được phóng ra để nhiễm vào các tế bào khác và ngày càng lan rộng ra khắp cơ thể.

Virus Ebola gây ra các cục máu đông nhỏ trong máu của bệnh nhân; cục máu ngày càng nhiều lên và dòng chảy của máu chậm lại. Các cục máu đông bị tắc vào các mạch máu hình thành lên các đốm đỏ trên da bệnh nhân.

Những đốm đỏ này sẽ ngày càng to khi bệnh càng nặng. Ngoài ra, chúng còn cản trở dòng máu đi nuôi các cơ quan trong cơ thể như gan, não, phổi, thận, ruột, mô vú, tinh hoàn…của bệnh nhân.

Đến giai đoạn cuối, bệnh nhân sẽ bị chảy máu từ miệng, mắt, tai, mũi và những vết hở trên da. Bệnh nhân sẽ chết do mất quá nhiều máu, suy thận, hoặc bị sốc.

Bệnh có tỷ lệ tử vong lên tới 90%, chưa có thuốc đặc trị và chưa có vắc-xin phòng bệnh. Do đó, điều cần làm lúc này là phòng bệnh.

Dưới đây là một số biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh Ebola theo khuyến cáo của Tổ chức y tế thế giới (WHO).

1. Không ăn thịt sống

Con người có thể bị nhiễm virus Ebola khi tiếp xúc gần với máu, dịch tiết, các cơ quan hoặc những chất dịch khác của động vật bị nhiễm bênh. Ở châu Phi, đã có trường hợp bị nhiễm bệnh khi xử lý những động vật đang bị nhiễm bệnh hoặc đã chết vì nhiễm bệnh trong rừng như: tinh tinh, khỉ đột, dơi ăn quả, linh dương, nhím…


Một bệnh nhân đang bị xuất huyết do Ebola. Ảnh: Reuters.

Thường xuyên khử trùng và dọn dẹp các trang trại, chuồng lợn, khỉ…bằng sodium hypochlorite hoặc các chất tẩy rửa khác.

2. Cách ly người bệnh

Ebola cũng có thể lây từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, các cơ quan hay các chất dịch khác của người bị nhiễm, và tiếp xúc gián tiếp với môi trường bị nhiễm những dịch tiết này.

Do đó, cần phải kiểm tra và tạm thời cách ly những người đã từng tiếp xúc trực tiếp hay gián tiếp với người nhiễm bệnh. Người nhiễm bệnh cần được cách ly hoàn toàn. Đồng thời, cần có biện pháp khử trùng nơi ở, vật dụng cá nhân của những bệnh nhân đã tử vong hay nhiễm Ebola.

3. Xử lý kịp thời và đúng quy trình thi thể bệnh nhân tử vong do Ebola

Người tiếp xúc với thi thể bệnh nhân tử vong do nhiễm Ebola cũng có thể bị nhiễm bệnh. Do đó, cần xử lý kịp thời và đúng quy định về an toàn thi thể bệnh nhân bị tử vong do Ebola.

Thậm chí, virus Ebola có thể tồn tại trong tinh dịch tới 7 ngày sau khi người nhiễm bệnh đã bình phục.

4. Mặc quần áo bảo hộ y tế

Nhiều nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh khi điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm Ebola vì đã không thực hiện nghiêm ngặt các quy định về bảo hộ y tế.

Nội dung được thực hiện qua tham khảo trang web của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), trang cộng đồng các chuyên gia Brighthub và trang Sciencedaily của Mỹ.

Theo Infonet

http://tientri.net/tham-hoa/benh-nhan-ebol...so-nhu-the-nao/


--------------------
Theo các cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, giống như một số loại bụi khác có trong môi trường lao động, tất cả các dạng amiăng (tấm lợp amiăng dùng phổ biến ở VN) đều có thể gây ung thư và một số bệnh trầm trọng khác cho con người. Sợi amiăng có thể gây độc hại cho phổi sau 10-20 năm, gây ra một số các căn bệnh như bệnh phổi, ung thư màng phổi và ung thư phổi.
Go to the top of the page
 
+Quote Post
member
bài Aug 4 2014, 11:08 PM
Bài viết #3


Thành viên dự bị
***

Nhóm: Members
Bài viết: 1,632
Gia nhập vào: 11-February 11
Thành viên thứ.: 93,759



Mọi điều cần biết về Ebola – Đại dịch đang đe dọa thế giới
Trong lịch sử, thế giới đã từng đối mặt với rất nhiều dịch bệnh khủng khiếp, ảnh hưởng nặng nề tới dân số loài người. Một trong số những đại dịch tồi tệ nhất trong lịch sử loài người mà chúng ta có thể kể đến là đại dịch Cái chết đen với bệnh dịch hạch. Chỉ trong 4 năm, đại dịch này đã cướp đi gần một nửa dân số châu Âu, cũng như reo rắc sự kinh hoàng cho tới hơn 200 triệu người trên Trái Đất.

Tiếp đó, đại dịch Ebola xảy ra vào năm 1976 ở Tây Phi cũng được ghi dấu ấn như một trong những dịch bệnh tồi tệ nhất của nhân loại. Virus Ebola đã lây lan cho 2.400 người và giết chết 1/3 số bọn họ. Điều tồi tệ đó là, Ebola đang quay lại và tàn phá chính nơi mà nó sinh ra: Tây Phi. Còn điều tồi tệ hơn? Các nhà chức trách và y tế đang quan ngại dịch Ebola sẽ trở thành một dịch bệnh toàn cầu bởi tình hình ở châu Phi hiện tại là: Ngoài tầm kiểm soát.



Quay ngược thời gian một chút, vào ngày 22/3/2014, người ta phát hiện một loại virus hoành hành ở một vùng rừng phía nam Guinea và giết chết 59 người. Lúc này, các nhà khoa học tại Pháp mới xét nghiệm và phát hiện ra đây chính là virus Ebola. Tuy nhiên, người ta lại tìm hiểu được dường như dịch bệnh này đã nhen nhúm từ trước đó, cụ thể là vào tháng 12/2013, một bé gái 2 tuổi đã chết ở Guinea với một vài triệu chứng khả nghi. Người ta cho rằng, các nhân viên y tế đã bị lây và mang virus đó tới những vùng khác của Guinea. Tuy nhiên, quay lại với cái mốc 22/3, chỉ 5 ngày sau khi được ghi nhận tại một vùng rừng xa xôi, Ebola từ rừng sâu đã lan tới thủ đô của Guinea và đến ngày 31/3, Ebola đã xuất hiện ở Liberia.Tính đến thời điểm này, tức là chỉ 4 tháng trôi qua kể từ khi Ebola được phát hiện, virus này đã lan tới 4 nước Tây Phi, bao gồm: Guinea, Liberia, Sierra và Nigeria, với số người nhiễm bệnh lên đến hơn 1300 người và số người tử vong là hơn 729 người. Trong số những người đã mắc Ebola, có rất nhiều người Mỹ và các quốc gia khác bị nhiễm do tới các vùng dịch để kiểm soát dịch bệnh lây lan. Trước sự bùng phát dữ dội này, Ebola được ví như một cơn cháy rừng và các nước châu Âu, châu Á đang đặt cảnh giác cao độ bởi Ebola có thể tràn sang các châu lục khác bất cứ lúc nào.


Bản đồ lây lan của Ebola, với những vùng màu cam nâu là vùng xác nhận có dịch, những vùng màu ghi là những vùng nghi ngờ có dịch.
Để các bạn ý thức được rõ hơn về sự nguy hiểm của Ebola cũng như cách bảo vệ mình một khi dịch bệnh bùng phát, chúng ta hãy cùng tìm hiểu qua một vài thông tin sơ bộ về Ebola và đại dịch lần này.

1. Ebola là gì?

Bệnh do virus Ebola hay còn được biết đến như bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, được phát hiện lần đầu tiên tại Sudan và Cộng hoà Congo vào năm 1976. Vì nó được phát hiện tại một khu làng ven sông Ebola, vậy nên người ta lấy tên con sống này để đặt cho nó. Đây là một trong những chủng virus nguy hiểm nhất thế giới, tổ chức Y tế thế giới cảnh báo tỉ lệ tử vong do Ebola có thể lên đến 90%.


Virus Ebola.
2. Triệu chứng

Triệu chứng của Ebola thường giống với những triệu chứng ốm, sốt như suy nhước, đau cơ, đau đầu và đau họng. Tiếp đến, bệnh nhân sẽ ói mửa, tiêu chảy và phát ban, suy giảm chức năng của thận và gan. Ebola cũng có thể gây ra chảy máu từ mắt, tai, mũi, miệng và trực tràng, làm sưng mắt và bộ phận sinh dục. Thông thường, các triệu chứng sẽ bắt đầu xuất hiện rõ rệt từ 8 – 10 ngày sau khi tiếp xúc.

3. Ebola lây lan như thế nào?

Có lẽ đây là câu hỏi mà nhiều người trong chúng ta quan tâm nhất. Trước hết, chúng ta cần phải hiểu rõ, Ebola không lây qua đường không khí. Ebola có thể lây từ vật sang người và từ người sang người. Động vật được xác định là vật chủ mang virus là dơi, cụ thể ở đây là dơi quạ ăn quả. Từ dơi, vượn, khỉ hay lợn sẽ bị nhiễm virus Ebola và từ đó mang virus tới con người. Vậy nên, chúng ta có thể xác định trước một cách để phòng tránh Ebola, đó là tránh ăn thịt động vật hoang dã cũng như các loại thịt sống. Chúng ta nên nhớ, bệnh nhân đầu tiên mắc Ebola vào năm 1976 đã bị bệnh sau khi tiếp xúc với thịt khỉ và linh dương.



Với con người, Ebola lây lan qua các tiếp xúc trực tiếp với máu và chất tiết từ cơ thể như phân, nước bọt, tinh dịch hoặc chất nhờn. Ebola có thể lây qua các vết xước nhỏ hoặc những tiếp xúc từ niêm mạc của người lành với người bệnh, hoặc thậm chí là qua một vật trung gian như chăn đệm, ga giường, quần áo và kim tiêm. Đó cũng chính là lý do mà các cán bộ y tê tại Châu Phi là những người có nhiều nguy cơ bị nhiễm Ebola nhất.



4. Không có vaccine

Đúng vậy, tính đến thời điểm này, chúng ta không có một phương thuốc và vaccine nào có thể chích ngừa Ebola. Tuy nhiên, chúng ta có quyền được hy vọng bởi theo một vài báo cáo của WHO thì đang có một vài loại vaccine được thử nghiệm, một trong những loại vaccine đó có hiệu quả khá hứa hẹn trên khỉ.

5. Ai có nguy cơ cao mắc phải Ebola

Những người có nguy cơ mắc phải Ebola là những người phải tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh. Đó có thể là: Người nhà bệnh nhân, những người tiếp xúc gần với bệnh nhân, người dự tang lễ bệnh nhân và có tiếp xúc trực tiếp với thi thể người nhiễm bệnh, người đi săn tiếp xúc với xác động vật chết do nhiễm Ebola và các cán bộ y tế chăm sóc người bệnh Ebola.



6. Phòng ngừa Ebola như thế nào

Cho đến nay, “Nâng cao nhận thức” về bệnh là một trong những cách để bạn cứu mình khỏi Ebola. Như bạn đã biết, trường hợp đầu tiên bị mắc Ebola là do tiếp xúc trực tiếp với thịt thú rừng nhiễm bệnh thì trường hợp thứ hai lại xảy ra do tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của người bệnh. “Hầu hết ngwoif bị lây nhiễm Ebola là những người sống cùng và chăm sóc người mắc bệnh” – WHo cho biết. Vậy nên, khi bạn ở trong vùng dịch, bạn có thể tham khảo các gạch đầu dòng dưới đây:

- Hiểu rõ về dịch. Ví dụ như hiểu làm thế nào mà dịch bệnh bị lây từ người sang người, làm thế nào để ngăn nó lan rộng thêm.

- Nếu người nhà bạn bị bệnh, hãy thông báo ngay cho các quan chức y tế công cộng để có biện pháp cách ly.

- Thực hiện các biện pháp vệ sinh, tiệt trùng tuyệt đối sau khi tiếp xúc với người bệnh Ebola.

- Mặc các trang phục bảo hộ theo đúng tiêu chuẩn y tế khi tiếp xúc với bệnh nhân Ebola.

Bạn cũng cần đặc biệt chú ý khi người xung quanh mình có các triệu chứng như đau nhức, sốt, tiêu chảy, hắt xì. Bởi đây là giai đoạn đầu của căn bệnh, sẽ rất khó để phát hiện ra cho đến khi bệnh đã nặng hơn và có dấu hiệu xuất huyết.

Ngoài ra, tại Việt Nam, bạn có thể tự mình tạo những thói quen có thể giúp phòng tránh dịch Ebola nhiều nhất có thể như không ăn thịt thú rừng, tránh bay tới những vùng đang có dịch.



7. Ebola có chữa được không?

“Với AIDS, hiện tại chúng ta đã có một vài biện pháp cứu chữa và người bệnh sống lâu hơn, họ có hy vọng. Với Ebola, vào thời điểm này chúng ta không có hy vọng”. Lugli, một bác sĩ của tổ chức Bác sĩ không biên giới đang làm việc tại các vùng dịch cho biết.

Mặc dù Tổ chức Y Tế Thế Giới đã nâng tỉ lệ nguy cơ chết do Ebola lên tới 90%, nhưng không phải là không có cơ hội cứu chữa cho những người bị bệnh Ebola. Theo những con số mới nhất từ WHO thì đã có khoảng 40% bệnh nhân sống sót sau khi mắc Ebola. Tuy nhiên, những bệnh nhân này cần được phát hiện sớm để có sự chăm sóc kịp thời.

8. Có nguy cơ Ebola lan tới toàn thế giới, cụ thể là châu Á không?

Có! Ebola đang là một trong những mối đe doạ hàng đầu của cộng đồng quốc tế. Hiện tại, Ebola đang lan truyền với tốc độ chóng mặt tại khắp Tây Phi và khả năng nó vươn tới châu Âu, châu Mỹ và châu Á là hoàn toàn có thể. Hiện tại, nhà chức trách các nước đang ban bố lệnh cấm cũng như khuyến cáo các công dân nước mình tránh tới những nước châu Phi đang có dịch. Thậm chí, tại nhiều sân bay lớn, các biện pháp xét nghiệm đã rục rịch được chuẩn bị để phòng tránh tối đa Ebola xuất hiện.

Theo Trithuctre



--------------------
Theo các cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, giống như một số loại bụi khác có trong môi trường lao động, tất cả các dạng amiăng (tấm lợp amiăng dùng phổ biến ở VN) đều có thể gây ung thư và một số bệnh trầm trọng khác cho con người. Sợi amiăng có thể gây độc hại cho phổi sau 10-20 năm, gây ra một số các căn bệnh như bệnh phổi, ung thư màng phổi và ung thư phổi.
Go to the top of the page
 
+Quote Post
member
bài Aug 6 2014, 12:00 PM
Bài viết #4


Thành viên dự bị
***

Nhóm: Members
Bài viết: 1,632
Gia nhập vào: 11-February 11
Thành viên thứ.: 93,759




Bộ Y tế cảnh báo dịch Ebola tràn vào Việt Nam
Theo Bộ Y tế, virus Ebola gây thành dịch đầu tiên trên thế giới tại Sudan năm 1976 với hơn 600 người mắc. Từ đó đến nay, dịch đã xảy ra tại 11 quốc gia châu Phi. Từ tháng 12/2013 đến 30/7/2014 thế giới đã ghi nhận 1.323 người mắc vi rút Ebola, trong đó có 729 người tử vong tại 4 quốc gia vùng Tây Phi (Guinea, Leberia, Siera Leone và Nigeria).

Tới nay, dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm tại các quốc gia trên và có nhiều nguy cơ lan truyền sang quốc gia khác.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Ebola, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người từ các quốc gia có dịch.

Đồng thời thực hiện tốt việc giám sát tại cộng đồng và cơ sở y tế; chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, phòng cách ly, trang thiết bị, thuốc, hóa chất…

Bệnh do virus Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao tới 90%. Theo Thứ trưởng Long, virus lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm.

Tại châu Phi, virus lây truyền khi người lành tiếp xúc với các động vật như tinh tinh, gôrila, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím ốm, chết… Ngoài ra, virus này cũng lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh…

Người mắc bệnh do vi rút Ebola thường xuất hiện các triệu chứng sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài.

Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng cảnh báo, bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.


Hình ảnh virus Ebola qua kính hiển vi.

Trong cuộc họp mới đây về dịch bệnh, tiến sĩ Margaret Chan, Tổng giám đốc Toor chức Y tế Thế giới nhân định, Tây Phi đang đối mặt với dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola.

Đây là đợt bùng phát dịch chưa từng có, đi kèm với những thách thức khôn lường và rất khó kiểm soát. Đây là vụ dịch lớn nhất trong lịch sử gần 4 thập kỷ của căn bệnh này.

Dịch bệnh diễn ra tại những khu vực có dân di biến động qua biên giới và lây truyền qua đường hàng không, điều này trái ngược với những gì diễn ra trong các vụ dịch trước đây.

“Dịch này lan truyền nhanh hơn những nỗ lực kiểm soát và phòng chống của chúng ta. Nếu tình hình tiếp tục trở nên xấu hơn, hậu quả có thể rất thảm khốc. Nhiều sinh mạng sẽ mất, kinh tế xã hội sẽ suy thoái trầm trọng và nguy cơ dịch sẽ lan truyền sang các nước khác là rất lớn”, tiến sĩ Chan nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, dịch bệnh đang gây ảnh hưởng tới một số lớn các y, bác sỹ và nhân viên y tế. Tính đến nay, dịch bệnh đã cướp đi sinh mạng của hơn 60 cán bộ y tế, đã quên thân mình để chăm sóc cho các bệnh nhân nhiễm vi rút chết người này.

Theo bà, hiện vẫn chưa có vắcxin hay phương pháp điều trị đặc hiệu, nhưng dịch bệnh sốt xuất huyết do virus ebola hoàn toàn có thể được khống chế.

Để phòng chống bệnh, ngành y tế khuyến cáo người dân:

- Thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn…)

- Tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh.

- Không cầm/nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó.

- Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử trí kịp thời.

Theo Hà Linh



--------------------
Theo các cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, giống như một số loại bụi khác có trong môi trường lao động, tất cả các dạng amiăng (tấm lợp amiăng dùng phổ biến ở VN) đều có thể gây ung thư và một số bệnh trầm trọng khác cho con người. Sợi amiăng có thể gây độc hại cho phổi sau 10-20 năm, gây ra một số các căn bệnh như bệnh phổi, ung thư màng phổi và ung thư phổi.
Go to the top of the page
 
+Quote Post
member
bài Aug 6 2014, 06:11 PM
Bài viết #5


Thành viên dự bị
***

Nhóm: Members
Bài viết: 1,632
Gia nhập vào: 11-February 11
Thành viên thứ.: 93,759



Nhìn từ dịch virus Ebola: Lời tiên tri 2014 của Vanga ứng nghiệm?


Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo “virus Ebola đang lan rộng ngoài vùng kiểm soát” với hơn 627 người ở Tây Phi. Nạn dịch này đã làm cho nhiều người băn khoăn về việc phải chăng lời tiên tri của Vanga đang ứng nghiệm.




Theo lời tiên tri của bà Vanga rằng “Năm 2014 – Phần lớn loài người sẽ bị mắc chứng bệnh mưng mủ, ung thư da và các loại bệnh khác về da do hậu quả cuộc chiến tranh hóa học.”, khá nhiều bạn trẻ đang rất hoang mang vì không biết liệu rằng dịch bệnh này có phải là điềm ứng nghiệm hay không. Tuy nhiên, dù sao thì dịch bệnh Ebola phát tán cũng không phải là do chiến tranh hóa học.

Dịch bệnh virus Ebola lây lan như cháy rừng!

Dịch bệnh virus Ebola bùng phát gần đây đã lây lan như cháy rừng tại các nước ở Tây Phi khiến ít nhất 672 người chết và ảnh hưởng tới hơn 12.000 người. Mức độ lây lan và tử vong của người mắc virus Ebola là chưa từng có trong lịch sử.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), virus Ebola đã khiến ít nhất 1.200 người nhiễm, trong đó 672 người tử vong, tại các nước Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria kể từ khi bùng phát hồi tháng 2 năm 2014. Tỉ lệ tử vong của dịch bệnh này hiện ở mức 60% nhưng Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo nó có thể tăng lên 90%.



Ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và Chính sách thuộc Trường ĐH Minnesota (Mỹ), cho biết virus Ebola có thời gian ủ bệnh từ vài ngày đến 3 tuần nên có thể dễ dàng xuất hiện ở Mỹ thông qua những hành khách nhiễm bệnh.

Ông Osterholm, từng là cố vấn về chống khủng bố sinh học dưới thời Tổng thống George W. Bush, nói với báo USA Today: “Nguy cơ ở đây là một người nhiễm virus có thể bay khỏi châu Phi trước khi bị phát hiện ở một nước khác”.

Tuy nhiên, ông Osterholm trấn an rằng virus Ebola sẽ không là mối đe dọa sức khỏe lớn với công chúng Mỹ bởi cần có sự tiếp xúc gần gũi để virus này lây lan. Theo ông, virus Ebola thật ra khó lây hơn những bệnh lây nhiễm qua đường hô hấp như cúm hoặc sởi.

Công dân Mỹ còn được yêu cầu cảnh giác cao độ khi đến Tây Phi sau khi 2 người Mỹ – một bác sĩ và một nhân viên y tế – bị nhiễm virus Ebola tại thủ đô Monrovia của Liberia.

Cùng ngày, giới chức Mỹ cho biết Tổng thống Barack Obama đang được cập nhật thông tin về dịch bệnh virus Ebola tại Tây Phi. Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức cấp cao cho biết Washington đã tăng cường hỗ trợ cuộc chiến chống virus Ebola trong mấy tuần qua, như cung cấp các trang thiết bị y tế cần thiết.

Dù vậy, CDC vẫn không dám xem thường khi bắt đầu yêu cầu các cơ sở y tế khắp nước Mỹ để ý những ai có triệu chứng nhiễm virus Ebola – sốt, đau khớp, tiêu chảy, nôn mửa, xuất huyết… – và cách ly trường hợp bị nghi ngờ từ hôm 28 tháng 7.

Nỗi lo càng gia tăng sau khi một người đàn ông nhiễm virus Ebola đã lên được máy bay đến thủ đô Lagos của Nigeria và tử vong ở đó hôm 25 tháng 7. Những trường hợp nhiễm virus Ebola đầu tiên cũng được ghi nhận tại thủ đô Freetown của Sierra Leone. Lagos và Freetown là 2 trong số những thành phố lớn nhất châu Phi, qua đó đánh dấu bước phát triển đáng báo động của dịch bệnh.

Dịch virus Ebola cũng tiếp tục đặt một số nước Tây Phi trong tình trạng báo động cao. Chính phủ Liberia vào cuối tuần rồi đã cho đóng cửa phần lớn biên giới trên bộ. Trong khi đó, hãng hàng không lớn nhất Nigeria là Airk Air quyết định ngưng các chuyến bay đến Liberia và Sierra Leone.

Theo Vietdaikynguyen

http://tientri.net/tien-tri/nhin-tu-dich-v...nga-ung-nghiem/y



--------------------
Theo các cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, giống như một số loại bụi khác có trong môi trường lao động, tất cả các dạng amiăng (tấm lợp amiăng dùng phổ biến ở VN) đều có thể gây ung thư và một số bệnh trầm trọng khác cho con người. Sợi amiăng có thể gây độc hại cho phổi sau 10-20 năm, gây ra một số các căn bệnh như bệnh phổi, ung thư màng phổi và ung thư phổi.
Go to the top of the page
 
+Quote Post
member
bài Aug 7 2014, 10:16 AM
Bài viết #6


Thành viên dự bị
***

Nhóm: Members
Bài viết: 1,632
Gia nhập vào: 11-February 11
Thành viên thứ.: 93,759



Bệnh do vi rút Ebola: Nguyên nhân, triệu chứng, cách phòng bệnh

Trong thời gian xảy ra dịch bệnh Ebola, WHO thường xuyên theo dõi và đánh giá tình hình sức khỏe cộng đồng. Đến nay (1/8/2014) đã có 729 người tử vong vì vi rút này.


Bệnh sốt xuất huyết Ebola.
1. Bệnh do vi rút Ebola là gì?

Bệnh do vi rút Ebola (Ebola virus disease), từng được biết đến là bệnh Sốt xuất huyết do vi rút Ebola (Ebola haemorrhagic fever), là bệnh nguy hiểm dễ gây tử vong ở người. Tỷ lệ tử vong do Ebola virus disease (EVD) lên đến 90%.

Dịch bệnh EVD được phát hiện lần đầu tại những bản làng xa xôi hẻo lánh tại khu vực Trung và Tây Phi, gần rừng nhiệt đới. Vi rút Ebola xuất hiện lần đầu tại Sudan và Cộng hòa Công Gô vào năm 1976.

Tại Công Gô, vi rút được phát hiện ở một ngôi làng ven sông Ebola, vì vậy người ta đặt tên là vi rút Ebola. Tại châu Phi, dơi ăn quả được xem là các vật chủ tự nhiên của vi rút này.

2. Vi rút Ebola lây nhiễm sang người như thế nào?

Vi rút Ebola lây truyền từ động vật sang người khi tiếp xúc gần với máu, chất tiết của động vật bị nhiễm. Tại châu Phi, vi rút lây truyền khi người lành tiếp xúc với các động vật như tinh tinh, gôrila, dơi ăn quả, khỉ, linh dương và nhím ốm, chết hoặc các động vật trong rừng nhiệt đới.

Vi rút Ebola lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với máu, các chất tiết của cơ thể (phân, nước tiểu, nước bọt, tinh dịch) của người mắc bệnh, hoặc các vết xước trên da hay niêm mạc của người lành tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm với các chất tiết của người nhiễm vi rút (quần áo, ga trải giường nhiễm bẩn hay kim tiêm đã qua sử dụng).

Cán bộ y tế rất có nguy cơ nhiễm vi rút Ebola khi chăm sóc bệnh nhân mắc hoặc nghi ngờ mắc bệnh này nếu không áp dụng các biện pháp phòng hộ thích hợp. Cán bộ y tế cần được trang bị kiến thức cơ bản về điểm của bệnh, đường lây truyền và tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.

3. Đối tượng nào có nguy cơ cao nhiễm vi rút này?

Trong một vụ dịch bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola, các đối tượng sau có nguy cơ cao nhiễm vi rút gồm:

Thành viên gia đình hay người tiếp xúc gần với người mắc bệnh;

Người đi dự tang lễ tiếp xúc trực tiếp với thi thể người chết do nhiễm vi rút Ebola;

Người đi săn tiếp xúc với động vật chết do nhiễm vi rút Ebola trong rừng;

Cán bộ y tế.

4. Các dấu hiệu nhận biết và triệu chứng của bệnh do vi rút Ebola là gì?

Người mắc bệnh do vi rút Ebola thường xuất hiện các triệu chứng sau: sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là từ 2 đến 21 ngày.

Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

5. Khi nào nên đi khám?

Bạn nên đến ngay cơ sở y tế nếu sống trong khu vực có dịch bệnh do vi rút Ebola hay khi tiếp xúc với người nhiễm hay nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola và khi bắt đầu thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh.

Bất kỳ trường hợp nghi ngờ mắc bệnh nào cũng cần được thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất và được chăm sóc y tế nhằm giảm nguy cơ tử vong. Cần kiểm soát sự lây truyền của bệnh và tiến hành ngay các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn.

6. Phương pháp điều trị bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola là gì?

Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết do vi rút Ebola cần được điều trị tích cực, được bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp.

Để kiểm soát sự lây truyền của vi rút, người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần được cách ly với các bệnh nhân khác trong cơ sở y tế và được nhân viên y tế điều trị với việc tuân thủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.

7. Có thể làm gì để phòng nhiễm vi rút Ebola?

Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh do vi rút Ebola. Nâng cao nhận thức về các yếu tố nguy cơ của bệnh và các biện pháp phòng tránh cho người dân hiện đang là biện pháp duy nhất để giảm số ca mắc và tử vong do vi rút Ebola.

Các biện pháp phòng lây nhiễm

Do vi rút Ebola lây truyền từ người sang người, các biện pháp sau đây có thể được thực hiện để phòng chống lây nhiễm và hạn chế hay cắt đường lây truyền bệnh.

Hiểu rõ đặc điểm của bệnh, đường lây truyền, biện pháp phòng chống dịch bệnh.

Theo dõi và tuân thủ các hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành

Nếu bạn nghi ngờ một ai đó nhiễm vi rút Ebola, cần động viên và giúp đỡ họ đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Nếu bạn có ý định chăm sóc bệnh nhân mắc vi rút Ebola tại nhà, cần thông báo cho cán bộ y tế để được cung cấp găng tay, phương tiện phòng hộ cá nhân (PPE) và được hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, cách bảo vệ bản thân và gia đình khỏi bị lây nhiễm và cách tiêu hủy PPE sau khi sử dụng.

Khi thăm bệnh nhân trong bệnh viện hay chăm sóc bệnh nhân tại nhà, cần rửa tay với xà phòng hoặc chất sát khuẩn sau khi tiếp xúc với người bệnh, hay tiếp xúc với dịch tiết cơ thể hoặc sờ vào các vật dụng của người bệnh.

Ngoài ra, cần tránh tiếp xúc với các động vật có nguy cơ cao nhiễm vi rút Ebola (ví dụ như: dơi ăn quả, khỉ, hay vượn) tại khu vực có rừng nhiệt đới. Không giết mổ động vật nghi ngờ bị nhiễm bệnh. Thịt và tiết canh của động vật nên được nấu chin kỹ trước khi ăn.

8. Cán bộ y tế phải tự bảo vệ như thế nào để tránh nguy cơ mắc bệnh khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm vi rút Ebola?


Cán bộ y tế khi chăm sóc và điều trị bệnh nhân mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh do vi rút Ebola có nguy cơ lây nhiễm cao hơn các đối tượng khác.

Ngoài các biện pháp phòng ngừa chung, cán bộ y tế cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo nhằm tránh phơi nhiễm với máu, dịch tiết của người bệnh hoặc môi trường hay vật dụng của người bệnh bị ô nhiễm như: khăn trải giường hay kim tiêm đã qua sử dụng.

Cán bộ y tế cần sử dụng các phương tiện phòng hộ cá nhân như áo choàng, găng tay, khẩu trang y tế và kính bảo hộ.

Không nên sử dụng lại các phương tiện phòng hộ đã qua sử dụng nếu chưa được khử trùng đúng cách.

Cần thay đổi găng tay khi chăm sóc cho từng bệnh nhân nghi ngờ nhiễm vi rút Ebola..

Các quy trình điều trị, chăm sóc y tế có thể làm cho bác sĩ, y tá hay cán bộ y tế khác dễ phơi nhiễm với bệnh cần được thực hiện trong điều kiện an toàn và nghiêm ngặt.

Cần cách ly bệnh nhân mắc bệnh do vi rút Ebola khỏi các bệnh nhân khác và người khỏe mạnh.

Khánh Ngọc

http://infonet.vn/benh-do-vi-rut-ebola-ngu...post139218.info



--------------------
Theo các cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế, giống như một số loại bụi khác có trong môi trường lao động, tất cả các dạng amiăng (tấm lợp amiăng dùng phổ biến ở VN) đều có thể gây ung thư và một số bệnh trầm trọng khác cho con người. Sợi amiăng có thể gây độc hại cho phổi sau 10-20 năm, gây ra một số các căn bệnh như bệnh phổi, ung thư màng phổi và ung thư phổi.
Go to the top of the page
 
+Quote Post

Fast ReplyReply to this topicStart new topic
1 người đang đọc chủ đề này (1 khách và 0 thành viên dấu mặt)
0 Thành viên:

 



.::Phiên bản rút gọn::. Thời gian bây giờ là: 27th April 2024 - 10:47 AM