Mùi người, thức ăn và sức khỏe
Thường ngày, khi phải mặc quần áo của người khác hoặc khi đến chơi một nhà nào đó… bạn hay ngửi thấy mùi lạ! Khi bạn đi trên xe khách hoặc vào nơi đông người, các thứ mùi bốc ra càng đa dạng và nồng nặc hơn. Các nhà sinh học đã đặt tên cho thứ mùi đó cái tên là “mùi người”.
Bằng các phương pháp phân tích tinh vi, người ta đã xác định thấy trong “mùi người” có tới vài trăm chất khác nhau, 149 loại chất bài tiết ra theo hơi thở, 229 chất trong nước tiểu, 196 chất trong phân và 151 chất trong mồ hôi. Trong các chất bài xuất ra đó các carbon dioxide, carbon monoxide, hydrogen sulfide, còn có cả aldehyde, ketone ester, fenol, benzene v.v… Mùi người khác nhau là tuỳ thuộc vào quá trình trao đổi chất trong cơ thể và tập quán ăn uống. Mỗi người có một mùi riêng, mỗi gia đình cũng có một mùi riêng, thậm chí mỗi cộng đồng, mỗi dân tộc cũng có những mùi đặc trưng. Một bác sĩ người Bỉ đã tiến hành công trình nghiên cứu về mối quan hệ giữa mùi người và tập quán ăn uống của các dân tộc trên thế giới. Gần đây, kết quả nghiên cứu đó của ông đã được trình bày tại một hội nghị quốc tế về sinh học. Theo báo cáo khoa học đó, tại những nước có mức sống cao, người ta ăn nhiều thịt và bất kể nam hay nữ đều “nặng mùi” hơn. Còn những dân tộc có thói quen ăn nhiều rau tươi hoặc ăn chay thì “nhẹ mùi” hơn.
Theo các kết quả nghiên cứu, thành phần các chất hữu cơ và vô cơ tiết ra từ cơ thể phụ thuộc nhiều vào độ chua (độ pH) của máu. Khi ăn nhiều thịt, độ chua của máu tăng lên và làm cho mùi người trở nên đậm đặc. Tại những nơi rộng rãi thoáng gió, mùi người mau chóng tiêu tan. Xong, ở những nơi trật hẹp, đông người, nồng độ mùi người quá cao sẽ làm ô nhiễm cả không khí chung quanh. Và đó sẽ là điều kiện thuận lợi để các loại vi trùng gây bệnh nảy sinh và phát triển mạnh. Trong điều kiện như vậy, trẻ em và người già thường hay bị mắc các chứng bệnh truyền nhiễm, những người cao huyết áp, suy tim, hen suyễn v.v… cũng dễ bị lâm vào trạng thái nguy hiểm.
Ngược lại, khi ăn ít thịt nhiều rau, ăn nhiều các loại củ, loại đậu và hải sản, thì nồng độ kiềm trong máu sẽ tăng lên, độ chua của máu sẽ giảm xuống: mùi người sẽ nhẹ nhàng dễ chịu và ít gây ô nhiễm môi trường xung quanh. Không những thế, theo quan điểm của dinh dưỡng học: phương thức ăn chay, ít sử dụng mỡ động vật, còn rất có ích cho sức khoẻ. Cụ thể là người ăn chay ít bị táo bón, ít mắc các chứng đau bụng cấp (viêm ruột thừa, sỏi mật,…) niêm mạc ruột được bảo vệ tốt hơn, phòng ngừa được ung thư kết tràng, ít mắc bệnh đái đường và béo phì, lượng mỡ và cholesterol trong máu được điều hoà v.v… Đặc biệt là những người ăn chay thường có tuổi thọ cao hơn những người ăn thịt.
Theo Tiền Phong chủ nhật số 38, 1994 ngày 18 - 9 - 1994