Người trẻ bị ung thư "tấn công"

- Cầm kết quả xét nghiệm mắc ung thư vú giai đoạn 3A, chị Q. choáng váng. Chị Q. đâu ngờ chưa đầy 30 tuổi chị đã mắc căn bệnh ung thư quái ác. Những trường hợp như chị Q. không phải hiếm. Bệnh ung thư đang ngày càng có dấu hiệu trẻ hoá.






Bệnh nhân ung thư truyền hoá chất tại Bệnh viện K Trung ương.
Ảnh: Lệ Hà


Mới qua 1/3 cuộc đời đã mắc ung thư


Đã 11h trưa, Khoa Nội 2 nằm trên tầng 4 của Bệnh viện K Trung ương vẫn đông bệnh nhân đợi khám, truyền hóa chất. Dãy hành lang chật hẹp, người đông cộng với mùi thuốc men khiến không khí càng ngột ngạt.

Trong phòng khám, các bác sỹ Khoa Nội 2 không có thời gian nghỉ ngơi, hết bệnh nhân vào khám, tư vấn, truyền hóa chất rồi hồ sơ bệnh án. Bên ngoài, bệnh nhân ung thư ngồi kín cả ghế đợi, người mới phát hiện bệnh thì đang ngồi đợi bác sĩ khám tư vấn, người nặng hơn thì đợi truyền hóa chất. Những gương mặt mệt mỏi, đau đớn, đầu trọc lốc do hóa chất làm rụng hết tóc ngồi khắp nơi.


Bước ra từ phòng khám, chị N. T. Q., 27 tuổi ở Hà Nội thẫn thờ. Chị không ngờ tế bào ung thư lan nhanh đến thế. Mới phát hiện ung thư vú mà đã sang giai đoạn 3A (một giai đoạn nặng của ung thư).

Ngồi sụp xuống ghế bên ngoài phòng khám, chị Q. nói với người đàn ông đi cùng: "Các bác sĩ nói còn nước còn tát. Bệnh này nhiều người trẻ tuổi cũng mắc, không phải đã hết thuốc chữa".

Theo lời kể của BS Đỗ Kim Anh (Khoa Nội 2) đang trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Q., gần 1 năm trước, chính bệnh nhân này tự phát hiện u ở vú mình bằng cách sờ nắn bằng tay. Sau khi phát hiện ra u, bệnh nhân đã không đi khám ngay mà để đến tận bây giờ mới đi bác sĩ kiểm tra.

"Hiện ung thư của Q. đã ở giai đoạn 3A. Đối với trường hợp của Q. chúng tôi sẽ tiến hành mổ cắt hết toàn bộ vú và điều trị hóa chất. Nếu kết quả điều trị tốt, sau 5 năm không có dấu hiệu di căn tái phát coi như đã khỏi. Tuy còn trẻ nhưng rất may Q. đã có con nên việc cắt bỏ hai bên vú không ảnh hưởng gì" - BS Anh cho biết.


BS Kim Anh cho hay, trước đây ung thư, nhất là ung thư vú, tử cung chỉ gặp ở những người trung cao tuổi, nhưng nay đã có cả những bệnh nhân còn trẻ. Trong khi đó, ở nam giới ung thư phổi cũng thường gặp.

Cũng đang ở độ tuổi của bệnh nhân Q., chị H.T.P., 28 tuổi ở Nghệ An cũng bị ung thư vú ở giai đoạn T4. Dù mới phát hiện ra vài tháng nhưng tế bào ung thư phát triển nhanh. BS Kim Anh cho biết, đối với bệnh nhân P. phải điều trị hóa chất trước rồi mới mổ. Sau khi phẫu thuật sẽ theo dõi để có hướng điều trị tiếp.

Không chỉ ung thư vú, mà ung thư tử cung cũng xuất hiện ở người trẻ tuổi. BS Kim Anh nhớ lại một trường hợp vừa kết thúc đợt điều trị. Đó là bệnh nhân P.T.N., sinh năm 1979 ở Nam Định bị ung thư tử cung. N. lấy chồng từ năm 18 tuổi, đến khi phát hiện bệnh thì đã có 3 con.

Rất may, N. phát hiện ra ung thư ở giai đoạn 2B, tế bào ung thư mới ở tử cung chưa xâm lấn sang các bộ phận xung quanh. Sau một thời gian tia xạ phối hợp với hóa chất hiện sức khỏe N. tiến triển khả quan.

BS Kim Anh cho biết, trước đây, mặc dù chưa có con số thống kê cụ thể, nhưng qua quá trình điều trị các bác sĩ nhận thấy ung thư thường gặp ở tuổi trung niên 45-50 tuổi trở lên. Nhưng hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa, tăng lên trong giới trẻ chưa lập gia đình.

Đối với nữ thanh niên bị ung thư vú, cổ tử cung, buồng trứng... đang có xu hướng gia tăng. Nam thanh niên cũng mắc ung thư vòm họng khi mới 20 thậm chí 14, 16 tuổi.

Mắc ung thư chưa phải đã "lĩnh án tử hình"

Theo thống kê của Bệnh viện K từ những năm trước, mỗi năm cả nước có khoảng 150.000 ca ung thư mới mắc và 75.000 ca chết vì bệnh ung thư. Tuy nhiên, không phải cứ mắc ung thư là đã mang "án tử hình". Có nhiều bệnh nhân đã chiến thắng với căn bệnh này.


Bác sỹ Lê Thành Đức, Phó trưởng Khoa Nội 2, Bệnh viện K Trung ương cho biết, nhiều bệnh nhân phát hiện sớm ung thư và chữa đúng bệnh đã có hiệu quả cao.

Hiện BS Thành đang điều trị cho bệnh nhân mới 17 tuổi nhưng đã mắc ung thư hạch 5 năm nay. Đó là trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Việt D. ở HD.

Năm 2003, D. nổi nhiều hạch ở cổ và được sinh thiết với kết luận ung thư tuyến giáp. Sau một thời gian theo đuổi chạy chữa, hiện hạch đã được lấy hết và D. đang được điều trị bằng hóa chất.

Sức khỏe của D. có biểu hiện tiến triển tốt và D. vẫn đi học bình thường mà không hay biết mình bị bệnh ung thư.

"Có tới 70% bệnh nhân ung thư vú đến viện khi đã ở giai đoạn muộn, bệnh đã có biểu hiện di căn hạch hoặc di căn xa. Tế bào ung thư từ khi hình thành đến khoảng 1cm thì phát triển chậm, nhưng khi đã 1cm thì phát triển rất nhanh. Do đó, cách tốt nhất để có thể điều trị ung thư thành công là phát hiện bệnh sớm và chữa kịp thời" - BS Kim Anh nói.

Đối với những người trẻ tuổi, việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng hết sức quan trọng. Quá trình kiểm tra giúp phát hiện ra bệnh sớm. Các bác sĩ cảnh báo, khi bị phát hiện ung thư, đặc biệt là ở giới trẻ sẽ gặp phải khó khăn về tâm lý trong quá trình điều trị. Điều đó cũng dễ hiểu bởi họ còn trẻ, còn tương lai nên việc điều trị để có kết quả tốt sẽ là áp lực về tâm lý.
  • Lệ Hà


Theo báo điện tử Vietnamnet