"Có một pháp, này các Tỷ kheo, được tu tập, được làm cho sung mãn, có quả lớn, có lợi ích lớn. Thế nào là một pháp? Niệm hơi thở vô, hơi thở ra. Và này các Tỷ kheo, niệm hơi thở vô hơi thở ra, tu tập thế nào, làm cho sung mãn thế nào, có quả lớn, có lợi ích lớn?".

"Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo đi đến rừng hay đi đến gốc cây, hay đi đến chỗ nhà trống, và ngồi kiết già, lưng thẳng. Đặt niệm trước mặt, vị ấy chánh niệm thở vô, chánh niệm thở ra".

"Thở vô dài, vị ấy rõ biết "Tôi thở vô dài". Thở ra dài, vị ấy rõ biết: "Tôi thở ra dài". Thở vô ngắn, vị ấy rõ biết: "Tôi thở vô ngắn". Thở ra ngắn, vị ấy biết biết: "Tôi thở ra ngắn".

"Cảm giác toàn thân tôi sẽ trở vô", vị ấy tập. "Cảm giác toàn thân tôi thở ra", vị ấy tập. "An tịnh thân hành tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh thân hành tôi sẽ thở ra", vị ấy tập".

"Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô ra", vị ấy tập. "Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập".

"Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập, "Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập".

"Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập".

"Quán vô thường, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán vô thường, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán ly tham, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán ly tham, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra", vị ấy tập. "Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô", vị ấy tập. "Quán từ bỏ tôi sẽ thở ra", vị ấy tập".

"Tu tập như vậy, nầy các Tỷ-kheo, làm cho sung mãn, như vậy, niệm hơi thở vô, hơi thở ra có quả lớn, có lợi ích lớn".

"Niệm hơi thở vô và hơi thở ra, được tu tập như vậy, này các Tỷ-kheo, được làm cho sung mãn như vậy, được chờ đợi một trong hai quả sau: "Ngay trong đời hiện tại được Chánh trí. Nếu có dư y, chứng quả Bất lai". (Tương Ưng Bộ).

"Nhờ tu tập như vậy, định niệm hơi thở vô hơi thở ra, này các Tỷ-kheo nhờ làm cho sung mãn như vậy, nên thân không bị rung động hay giao động, tâm không rung động, không giao động" (Kinh Kappina, Tương Ưng V).

"Này các Tỷ-kheo, Ta trước khi giác ngộ, chưa chứng Chánh đẳng giác, khi còn là Bồ-tát, Ta trú nhiều với an trú này (Niệm hơi thở vô hơi thở ra); Do Ta trú nhiều với an trú nầy, thân Ta và con mắt không có mệt nhọc, và tâm Ta được giải thoát các lậu hoặc, không có chấp thủ. Do vậy, này các Tỷ-kheo, nếu Tỷ-kheo ước muốn rằng: "Mong rằng thân và mắt khỏi bị mệt mỏi và mong rằng tâm tôi được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ, thời định niệm hơi thở vô hơi thở ra này cần phải khéo tác ý". (Kinh Ngọn đèn, Tương Ưng V).

"Này các Tỷ-kheo, định niệm hơi thở vô hơi thở ra này, được tu tập, được làm cho sung mãn là tịch tịnh, thù diệu, thuần nhất (Arecanako), lạc trú, làm cho các ác bất thiện pháp đã sanh hay chưa sanh, làm chúng biến mất, tịnh chỉ lập tức. Ví như, này các Tỷ-kheo, trong cuối tháng mùa hạ, bụi và nhớp bay lên, là đám mưa lớn trái mùa lập tức làm chúng biến mất, chỉ tịnh. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, định niệm hơi thở vô hơi thở ra, được tu tập, được làm cho sung mãn, là tịch tịnh thù diệu, thuần nhất, lạc trú, làm cho sung mãn, là tịch tịnh thù diệu, thuần nhất, lạc trú, làm cho các ác, bất thiện pháp đã sanh biến mất, tịnh chỉ lập tức" (Kinh Vesali, Tương Ưng V).