Trợ giúp - Tìm kiếm - Thành viên - Lịch ghi nhớ
Phiên bản đầy đủ: Sống thiền
Thực Dưỡng > Thiền & Đạo Phật > Miến Điện - Đất nước quốc giáo.
Thelast


Sống thiền - Đạo lý tỉnh giác trong đời sống thường ngày*:



Tiếp theo:



---------
* Nguyên tác: "Living Meditation: Living Insight", Dr Thynn Thynn

Thelast



SỐNG THIỀN

Ðạo Lý Tỉnh Giác Trong Ðời Sống Thường Ngày


Lời mở đầu cho ấn bản 2

Sau khi ấn bản 1 được phát hành vào năm 1992, tôi nhận được nhiều lời phê bình cho rằng lối giảng dạy của tôi giống như Krishnamurti và Thiền tông. Khi có người nói với bạn đạo của tôi, Sư Cô Phật giáo Nguyên thủy tên là Shinna Dhammadina, về điểm nầy thì Sư Cô trả lời: 'Ðó là bởi vì sư phụ của Thynn Thynn dạy giáo pháp rất giống như Krishnamurti và Thiền tông'

Hai sư phụ của tôi là người Miến-điện, viện chủ Sayadaw U Eindasara ở Rangoon và viện chủ Sayadaw U Awthada ở Henzada. Hai ngài là sư Phật giáo Nguyên thủy, nhưng giảng dạy Phật pháp theo lối không chính thống và rất năng động. Hai ngài tách rời khỏi lề lối cổ truyền là nhấn mạnh phương pháp ngồi thiền, thay vào đó hai ngài đặt trọng tâm vào cách 'nhìn thẳng vào bên trong và thực tập tỉnh giác trong mọi sinh hoạt thường ngày'.

... Tôi muốn nhấn mạnh tiến trình quán chiếu vào bản thể của tâm thức. Các đề mục của tôi nhằm mục đích giúp hành-giả tạo được cho mình một nền tảng vững chắc về tỉnh giác như là một lối sống thực tế, chớ không phải là một lối tu tập xa rời nếp sống thường ngày. Ðối với những hành giả đang chánh thức thực tập thiền định thì đường lối nầy có thể giúp họ đem sự thực tập tỉnh giác vào các kinh nghiệm thường ngày. Tiến trình thực tập tỉnh giác cũng như nhau, chỉ trừ một điểm quan trọng: thay vì ngồi yên nhắm mắt và quán tâm thì lối thực tập nầy được áp dụng trong khi chúng ta đang sinh hoạt thường ngày.

... Hai sư phụ của tôi là người Miến-điện, viện chủ Sayadaw U Eindasara ở Rangoon và viện chủ Sayadaw U Awthada ở Henzada. Hai ngài là sư Phật giáo Nguyên thủy, nhưng giảng dạy Phật pháp theo lối không chính thống và rất năng động. Hai ngài tách rời khỏi lề lối cổ truyền là nhấn mạnh phương pháp ngồi thiền, thay vào đó hai ngài đặt trọng tâm vào cách 'nhìn thẳng vào bên trong và thực tập tỉnh giác trong mọi sinh hoạt thường ngày'.

... Nhiều người thường hỏi tôi về hai vị sư phụ của tôi là người như thế nào? Thật ra hai ngài rất khác tánh nhau. Ngài Sayadaw U Eindasa là một nhà huyền học thâm sâu kiêm nhà thơ, ngài là người im lặng hơn. Chúng tôi thường thích thú gọi ngài là 'vị Phật tươi cười' Ngài ít khi xuất hiện hay giảng pháp cho công chúng, nhưng dành năng lực đặc biệt của ngài để dạy dỗ học trò. Còn ngài Sayadaw U Awthada thì sáng chói và nhạy bén, chúng tôi gọi ngài là 'vị Thiền sư Miến-điện' bởi vì ngài có khả năng giống như các Thiền sư là thắt gút tâm học viên và đẩy họ ra khỏi phạm trù trí thức.

Hai sư phụ nầy giống Krishnamurti ở điểm hai ngài sống cuộc đời bình dị, không cầu tìm tín đồ, không cầu thành lập tự viện hay giáo đoàn riêng, và xa lìa danh lợi. Hai ngài vẫn sống và giảng dạy trong khuôn khổ của giáo hội, nhưng vẫn giữ được đạo phong và sự cởi mở hiếm thấy trong Phật giáo Á đông.


Thelast


Tự Do Ðể Bắt Ðầu

Thế nào là được tự do?

Theo ý nghĩa Phật giáo, 'tự do' có nghĩa là không còn đau khổ, là đạt được sự tự tại của nội tâm trong đó đau khổ đã chấm dứt. Dĩ nhiên đây là một điều kiện tâm thức lý tưởng - nhưng làm sao chúng ta đạt được đây? Muốn đạt được tự do nội tâm, chúng ta phải tìm nó với một 'tâm hồn tự do'. Cũng như câu nói: 'Muốn bắt được trộm, ta phải biết suy nghĩ như kẻ trộm'. Thứ tự do mà chúng ta đang tìm đây là một tình trạng tuyệt đối - đúng vậy - đó là thứ tự do vô biên, hoàn toàn giải thoát và vô giới hạn. Chúng ta bắt đầu cuộc tìm kiếm với một tâm thức hữu biên, bị trí thức cột trói và trong chính nó đã bị giới hạn rồi. Nếu chúng ta còn nhồi nhét thêm vào đó đủ thứ lý tưởng, quan niệm, giáo thuyết và phán đoán - thì tâm thức vốn đã nặng nề của chúng ta không bao giờ có đủ tự do để thể nghiệm trọn vẹn chân lý. Nó chỉ có thể đạt tới những sự thật hay kinh nghiệm trong giới hạn của giáo thuyết, niềm tin và quan niệm đó - những thứ nầy đều là sản phẩm của trí thức. Do đó tâm thức không bao giờ có thể phá vỡ được sự điều-kiện-hóa (khô cứng) của trí thức mà chúng ta đang cố gắng vượt thoát. Bởi vì chúng ta bám níu vào một hệ thống hay khuôn mẫu nào đó trên đường tìm chân lý, chúng ta chỉ có thể kinh nghiệm được những gì mà hệ thống hay khuôn mẫu đó cho phép. Nhưng chân lý là vô hạn, bất khả đắc và hoàn toàn tự tại. Chân lý không thuộc về bất cứ một tôn giáo, giáo phái hay hệ thống nào. Mọi tôn giáo, phương pháp và hệ thống do loài người đặt ra chỉ có mục đích hướng dẫn chúng ta trên con đường tìm chân lý. Nhưng chúng ta thường lầm lẫn con đường với chân lý.

Nếu chúng ta muốn đạt được tâm thức tự do thì trước hết phải có một thái độ vô ngã, để tâm thức được tự do dò tìm, tra cứu, xem xét - và nhất là thể nghiệm chân lý. Nhưng đa số chúng ta bắt đầu với một nhu cầu cá nhân nhằm tìm kiếm tự do nội tâm. Với tâm trạng như vậy, thật là khó có được một thái độ vô ngã, nhưng đây chính là mâu thuẫn của con đường tu tập nội tâm. Khi còn ngã chấp thì chúng ta có khuynh hướng phán đoán, khái niệm hóa vấn đề. Phán đoán và phân biệt bắt nguồn từ nội tâm bị trí thức chi phối và điều kiện hóa. Ngay khi chúng ta bắt đầu phán đoán và phân biệt thì trí thức đã hoạt động và bịt mắt chúng ta rồi.

Ngày nào trí thức còn chi phối thì chúng ta còn bị nó che lấp khả năng thể nghiệm trọn vẹn chiều sâu và bản thể tuyệt diệu của tâm thức. Ðó là lý do tại sao mọi giáo pháp và phương tiện - gọi là tâm pháp hay tâm đạo - đều cố gắng vượt thoát phạm trù trí thức để đi vào lãnh vực trực giác hay tâm linh, bởi vì chỉ có khía cạnh trực giác của tâm mới thể-nghiệm được trọn vẹn chân lý hay tự do. Nhiều hệ thống tôn giáo khác nhau đã phát triển các phương pháp và đường lối tu tập riêng biệt cho lịch sử, văn hóa và tình cảm của dân tộc họ. Chúng ta chỉ cần chọn con đường thích hợp cho mình.

Dù bạn chọn con đường nào, điều nguy hiểm nhất vẫn là sự gom chứa các sở đắc dựa vào tình cảm. Ðây là đạo sư 'của tôi', đức tin 'của tôi', tiến bộ 'của tôi', kinh nghiệm 'của tôi'. Ở đây chúng ta lại phải đối diện với một mâu thuẫn. Sự hướng dẫn của sư phụ lúc nào cũng là cần thiết để giúp chúng ta tiến bộ vững chắc, nhưng đây có thể là một trở ngại nếu chúng ta thiếu cẩn thận. Người ta thường bám níu vào đạo sư hay thầy của mình. Thật ra đây là một trong những trở ngại khó vượt qua nhất trên con đường tìm tự do cho nội tâm. Xả bỏ mọi tín điều, giáo thuyết, đạo sư, lý tưởng, phán đoán của mình, vv... là công việc cực kỳ khó khăn bởi vì chúng nó quá thân yêu đối với chúng ta. Nhưng nếu để chúng trở thành sở hữu của chúng ta, như là tài sản và quyền thế, thì chúng ta không còn tự do để tiếp tục tiến bước xa hơn nữa.

Vậy chúng ta phải làm sao đây? Chỉ có cách chúng ta phải nhìn mọi sự vật với tâm bình đẳng (không khen chê, lấy bỏ), dù đó là đạo sư, giáo thuyết, lý tưởng, và ngay cả công phu tu tập và tiến bộ của mình nữa. Chỉ như thế chúng ta mới có thể nhìn sự vật một cách khách quan được.

Tự do không phải chỉ là kết quả sau cùng. Nó không phải là cái gì chờ đợi chúng ta sau những cố gắng miệt mài. Tự do nầy là tức khắc, ngay lúc nầy, ngay từ lúc ban đầu. Chúng ta có thể được tự do ngay trong tiến trình tìm kiếm, trong kinh nghiệm, ở từng bước một trên suốt con đường.


QUOTE
Muốn được tự do ta chỉ cần hai điều: tâm hồn im lặng & trái tim cởi mở.


(Còn tiếp)
Đây là phiên bản "lo-fi" của nội dung trang chính. Để xem phiên bản đầy đủ với nhiều thông tin hơn , xin hãy nháy vào đây.
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.