Trợ giúp - Tìm kiếm - Thành viên - Lịch ghi nhớ
Phiên bản đầy đủ: Con trẻ cần gì ở cha mẹ?
Thực Dưỡng > Nguyên lý Thực Dưỡng > Thai giáo và nuôi dạy bé
ofamily
Cám ơn các bạn trên diễn đàn đã chịu khó đưa những thông tin bổ ích trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, nuôi dậy con cái. Để đóng góp cho diễn đàn, tôi xin phép được đánh máy một số tài liệu mà tôi có về lĩnh vực này. Mong các bạn thông cảm và đón chờ, nếu các bạn thấy nó thật sự bổ ích cho đời sống của mình.

Dưới đây bài Con trẻ cần gì ở cha mẹ :



Để thực sự trở thành những ông bố, bà mẹ tuyệt vời, bạn phải có kiến thức, động lực và sự nhất quán. "Con trẻ cần gì ở cha mẹ" sẽ giúp ích thiết thực cho bạn ở cả ba khía cạnh trên.

Làm cha mẹ chắc hẳn ai cũng tha thiết mong cho con cái mình sẽ lớn khôn và trở thành những người trưởng thành đầy trách nhiệm. Song nhiều bậc phụ huynh lại không nhận thức được đầy đủ rằng, phương pháp nuôi dưỡng của cha mẹ có ảnh hưởng sâu sắc tới tương lai của con cái sau này. Hiện nay, việc nuôi dạy con trở nên khó khăn hơn nhiều. Những luồng thông tin được tiếp nhận qua truyền hình, phim ảnh, mạng Internet và các hệ thống giáo dục làm con trẻ cảm thấy bối rối. Hơn bao giờ hết, trẻ em giờ đây cần được sự chỉ bảo đúng đắn từ bậc cha mẹ.

Vấn đề nằm ở chỗ, rất nhiều người làm cha, làm mẹ bản thân họ đã không được thụ hưởng sự giáo dục tốt từ chính cha mẹ mình, hoặc họ chưa tìm ra những nguyên tắc cơ bản của nghệ thuật giáo dục con cái hiệu quả. Ngay cả những người có những ông bố, bà mẹ tuyệt vời cũng cảm thấy bối rối trong nền văn hóa đang đổi thay này. “Liệu những phương pháp mà cha mẹ tôi từng áp dụng có còn hiệu quả đối với con cái tôi nữa hay không?” là câu hỏi mà rất nhiều phụ huynh đang đặt ra.

Có lẽ, thật khó có thể giới thiệu một người xứng đáng hơn Bác sĩ Ross Campbell với vai trò là người tâm sự cùng các bậc cha mẹ thực sự mong muốn làm tốt vai trò nuôi dưỡng, giáo dục con cái hiện nay. Bác sĩ Ross Campbell là một chuyên gia tâm thần học. Ông đã có hơn 30 năm kinh nghiệm làm việc với trẻ em và các bậc cha mẹ. Trong cuốn sách Con trẻ cần gì ở cha mẹ? Bác sĩ Campbell sẽ giúp các bậc cha mẹ học cách nuôi dạy con cái chủ động thay vì bị động, hay nói cách khác, đáp ứng nhu cầu được yêu thương của con trẻ thay vì phản ứng lại trước hành vi của chúng. Bác sĩ Campbell bắt đầu bằng một nền tảng cơ sở vững chắc, đó là: đáp ứng nhu cầu tình cảm được yêu thương của đứa trẻ.

Là chuyên gia tư vấn, tôi cũng đã từng tiếp xúc với nhiều trường hợp con cái không cảm thấy mình được yêu thương. Trong khi đó, cha mẹ các em lại hết sức bức xúc, bởi trong suy nghĩ của mình, họ đã luôn hết mực yêu thương con mình kể từ lúc đứa trẻ chào đời. Yêu thương con cái không thôi chưa đủ; chúng ta phải học cách để làm sao có thể lấp đầy khao khát yêu thương của một đứa trẻ. Cha mẹ thường yêu thương con mình bằng tình yêu thương có điều kiện dựa trên cách cư xử của đứa trẻ thay vì yêu thương con trẻ vô điều kiện - điều mà một đứa trẻ luôn khát khao và cần có nhất (yêu thương có điều kiện như là: nếu con là đứa trẻ ngoan thì mới được bố mẹ cho đi chơi - ofamily). Phương pháp nuôi dạy con chủ động bằng cách bày tỏ tình yêu thương vô điều kiện của Bác sĩ Campbell sẽ giúp ích rất lớn cho các bậc cha mẹ.

Khi con trẻ cảm thấy an toàn trong vòng tay thương mến của cha mẹ, chúng sẽ dễ dàng tiếp nhận những kỉ luật và hướng dẫn từ cha mẹ mình hơn. Bác sĩ Campbell đã chỉ ra phương cách giúp các bậc cha mẹ có thể nghiêm khắc kỉ luật con cái bằng tình thương: luôn đặt lợi ích của con cái lên hàng đầu thay vì phản ứng giận dữ với hành vi của đứa trẻ. Người cha, người mẹ nắm bắt được cách nuôi dạy con cái này sẽ là những người thành công trong việc hướng con cái mình tới những hành vi, lối cư xử có trách nhiệm.

Một trong những khó khăn của các ông bố bà mẹ là việc không thể kiểm soát được cơn giận của mình. Rất nhiều bậc phụ huynh cố gắng dạy bảo con cái mình làm sao để kiểm soát sự tức giận một cách có trách nhiệm, song chính bản thân họ lại không hành xử như vậy. Đối với những bậc cha mẹ sẵn sàng thành thật với bản thân và chân thành mong muốn học hỏi những phương thức tích cực để xử lí cơn giận của mình, cuốn sách chắc chắn sẽ là một người bạn đồng hành đắc lực.

Cho dù nền văn hóa đương đại của chúng ta đang ẩn chứa những ảnh hưởng có hại, song cha mẹ vẫn có thể giúp con cái mình xây dựng những tính cách tích cực để chuẩn bị cho tương lai. Tất cả các nghiên cứu đều chỉ ra rằng cha mẹ vẫn luôn là những người có ảnh hưởng lớn nhất đến cuộc đời của con cái họ. Trên thực tế, những bậc phụ huynh có trách nhiệm thường xem xét và quản lý thời gian cho con tiếp xúc với phim ảnh, truyền hình, chơi điện tử hay dùng máy vi tính. Rõ ràng, chúng ta không thể cô lập bọn trẻ khỏi nền văn hóa đang thay đổi từng ngày. Tuy nhiên, chúng ta phải có trách nhiệm giúp con em mình sàng lọc những ảnh hưởng không tốt có thể phá hoại cuộc đời của chúng.

Để thực sự trở thành những ông bố, bà mẹ tuyệt vời, bạn phải có kiến thức, động lực và sự nhất quán. Con trẻ cần gì ở cha mẹ? sẽ giúp ích thiết thực cho bạn ở cả ba khía cạnh trên. Ước mơ được thấy con cái bạn khi trưởng thành sẽ là người có trách nhiệm hoàn toàn có thể trở thành hiện thực. Nếu bạn thành công trước thách thức này, con cái bạn chắc chắn sẽ phát triển hết tiềm năng tốt đẹp của nhân loại. Đối với cha mẹ, liệu còn có phần thưởng nào cao quý hơn thế nữa hay không?

T.S GARY D. CHAPMAN
Tác giả cuốn The Five Love Languages
Chủ tịch Công ty Tư vấn Hôn nhân và Gia đình
Winston-Salem, North Carolina

(mời các bạn đón đọc phần kế tiếp)
Diệu Minh
Đức Phật dạy rất rõ về chuyện này, chờ tớ đưa lên nữa nhá, hi
ofamily
NHÌN XA TRÔNG RỘNG

Không quan trọng chúng ta đang bàn đến chuyện gì, quan trọng hơn là bạn sẽ tìm thấy lẽ phải khi suy ngẫm về mọi thứ với cách nhìn xa trông rộng. Chúng ta gọi đó là tầm nhìn xa hay nói đúng hơn là sự sáng suốt.

Tầm nhìn xa là sự nhận thức có chiều sâu. Chúng ta thích thú ngắm cảnh dãy núi Rocky Mountains hay Grain Canyon - bởi chúng ta có thể quan sát được vẻ đẹp của chúng nhờ có khoảng cách. Nếu bạn có thể nhìn thấy tính cách và thái độ của một đứa trẻ và hiểu được cô bé hay cậu bé đó sẽ như thế nào trong tương lai thì hẳn đó là một điều tuyệt vời.

Trong tất cả những việc chúng ta làm, nhìn xa trông rộng luôn mang lại sự sáng suốt. Nếu bạn chỉ sống cho ngày hôm nay, bạn có thể sẽ ăn nốt chỗ kem còn lại hay hoãn lại những công việc cần làm. Song nếu bạn khôn ngoan hơn, nếu bạn lùi lại hai bước và quan sát mọi thứ từ tầm nhìn xa hơn, bạn sẽ không hành động dựa vào những gì khiến bạn thấy dễ chịu ngày hôm nay mà sẽ nghĩ xem điều gì có lợi cho ngày mai và sau này.

Qua quá trình nhiều năm tư vấn cho các gia đình, tôi nhận thấy rất nhiều bậc cha mẹ chỉ biết nuôi dậy con cái cho hiện tại thay vì có tầm nhìn xa hơn cùng sự sáng suốt như chúng ta đã chỉ ra ở trên. Họ quá chú ý tới cách cư xử khó chịu của đứa trẻ ở thời điểm hiện tại mà hoàn toàn quên mất những ẩn ý lớn hơn. Kết quả của chiến lược sai lầm đó là họ đang nuôi dạy con cái dựa vào hành động của đứa trẻ thay vì nhu cầu của chúng. Xin hãy cho phép tôi được giải thích điều này rõ hơn.

Jill đang rất giận dữ và cáu kỉnh. Cô bé muốn được qua nhà Amanda ngủ qua đêm cùng bạn gái. Nhưng điều này lại không phù hợp với kế hoạch của cả gia đình vì, tối hôm đó Jill và cả gia đình em cần đi thăm bà. Vậy nên bố mẹ đã từ chối Jill một cách thẳng thừng, cuộc nói chuyện kết thúc cùng với tiếng rên rỉ của Jill.

Bạn mệ mỏi, chồng bạn cũng đã mệt, điều cuối cùng là bạn nghe là tiếng rên rỉ của con gái. Bạn không còn tâm trạng nữa. Đó là điều mà bạn đang nghĩ bây giờ.

Nhưng điều gì đang diễn ra trong đầu con gái bạn? Jill đang rất bất mãn với bố mẹ, cô bé nghĩ bố mẹ không chịu nghe khi cô trình bày hoàn cảnh của mình. Cô bé quá xúc động và chỉ có thể tập trung vào mong muốn của mình mà đối với cô bé lúc đó là vấn đề khẩn thiết nhất.

Điều này không có nghĩa là bạn nên nhân nhượng, song nó có nghĩa bạn đang đứng trước một ngã rẽ nhỏ trong cuộc đời làm cha, làm mẹ. Có một điều chắc chắn là nhiều ngã rẽ nhỏ sẽ tạo nên những ngã rẽ lớn hơn. Jill sẽ trải qua sự kiện này với sự tức giận không được giải tỏa. Đó giống như một kinh nghiệm đau thương đối với cô bé.


(mời các bạn đón đọc phần kế tiếp)
anhsao
Các bậc phụ huynh thường chỉ tập trung vào hành vi của con cái mà quên chú ý đến cách cư xử của chính mình. Tại sao các ông bố bà mẹ không nhìn lại bản thân từ những mong chờ của con trẻ?

Trong một cuộc khảo sát tiến hành ở 100.000 đứa trẻ, với câu hỏi con cái cần gì nhất ở cha mẹ, 10 câu trả lời dưới đây rất đáng cho các đấng sinh thành suy ngẫm:

1. Con cái không muốn cha mẹ cãi nhau trước mặt chúng

Trẻ con có khuynh hướng bắt chước bố mẹ. Cách bạn giải quyết những mâu thuẫn, xung đột gia đình sẽ tác động đến tâm lý và hành vi cư xử của trẻ. Hãy kiềm chế và xử lý bất đồng trong ôn hòa, nhã nhặn.

2. Muốn được cha mẹ đối xử công bằng như mọi thành viên khác

Đối xử công bằng với con cái không phải là cào bằng mọi thứ. Mỗi đứa con là một cá thể độc lập, nhưng tất cả đều cần tình yêu thương và sự cảm thông như nhau.

3. Cha mẹ là những người lương thiện, thành thật

Khi bạn bảo người tiếp thị qua điện thoại rằng bạn không có ở nhà nhưng thực tế bạn đang ngồi cạnh các con trong nhà, bạn đã gieo vào đầu con ý nghĩ không tốt về sự nói dối của người lớn.

4. Cha mẹ là những người bao dung, rộng lượng

Khi bạn có lòng khoan dung với mọi người, trẻ sẽ học được điều đó trong cư xử với những người xung quanh.

5. Niềm nở với các bạn của con

Khi con đưa bạn về nhà chơi, bạn sẽ dễ dàng nhận biết con mình kết thân với những ai và giúp con định hướng tình bạn. Hãy rộng mở cánh cửa đón chào bạn của các con.

6. Cha mẹ xây dựng tinh thần tập thể cho con cái

Mọi thành viên trong gia đình sẽ có trách nhiệm với nhau hơn, gắn bó hơn. Ý thức tập thể sẽ giúp con bạn phát triển tốt hơn trong môi trường học đường.

7. Cha mẹ là những người biết lắng nghe và giải đáp thắc mắc của con

Có bao giờ bạn cảm thấy có lỗi khi bảo "Bây giờ bố/mẹ bận lắm. Chúng ta hãy nói về việc này sau nhé". Và vấn đề ấy bị lãng quên, không được đề cập đến dù thời gian "sau này" đã qua không biết bao lần. Hãy dành thời gian để giải đáp những thắc mắc của con cái. Nếu bạn không có câu trả lời thì nên ghi nhận lại và giúp con tìm lời giải đáp sau.

8. Tránh kỷ luật con trước mặt người ngoài

Cha mẹ có thể phạt trẻ khi cần thiết nhưng không nên thực hiện trước mặt người lạ, đặc biệt là trước bạn bè của con. Chúng cũng cần được tôn trọng và đối xử như người lớn.

9. Cha mẹ nên tập trung vào ưu điểm hơn là khuyết, nhược điểm của con

Hãy ghi nhận những điểm tốt và điểm chưa tốt của con và lựa lúc thích hợp chỉ ra cho chúng thấy để phát huy mặt mạnh và hạn chế mặt yếu.

10. Cha mẹ nên nhất quán và kiên định

Đôi khi sự linh động và mềm dẻo của bạn không làm hỏng trẻ; nhưng cần làm cho con cái hiểu tình yêu mà bạn dành cho chúng là không thay đổi và những nguyên tắc, những giới hạn bạn đặt ra cho trẻ là nhất quán.

(Theo Người Lao Động)
ofamily
NUÔI DẠY ĐA CHIỀU

Nếu chỉ tập trung vào những nhu cầu hiện tại, bạn chỉ cần vặn chiếc chốt làm cô bé ngừng kêu than. Bạn sẽ tập trung ngăn chặn hành vi không được hoan nghênh của Jill thật nhanh chóng. Nhưng việc làm đó chỉ khiến cho mọi việc như đổ thêm dầu vào lửa: Jill ôm tâm trạng thất vọng không chỉ lần này mà còn nhiều lần khác khi cô bé cảm thấy không ai thèm để ý đến mong muốn cua mình. Sự thất vọng sẽ dần biến thành giận dữ.

Nếu bạn xem xét sự việc không phải từ cái nhìn một chiều, nếu bạn tập trung vào nhu cầu phát triển của cô bé bằng cách nhìn xa trông rộng tới tương lai và sự trưởng thành của Jill, hẳn bạn sẽ lắng nghe cô bé và sẽ có những cách khác để tiếp cận vấn đề này.

Bạn sẽ vẫn phải nghe những lời rên rỉ than vãn của Jill cũng như không thể đồng ý với cô bé, song điều đó không chỉ đơn giản là phản ứng lại với thái độ của con. Sẽ khôn ngoan hơn nếu bạn hành động dựa trên nhu cầu của Jill và giúp cô bé vượt qua điều này với những kinh nghiệm tích cực hơn. Chắc chắn đây không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Chìa khóa lúc này chính là việc bạn nên xem xét vấn đề ở khía cạnh lâu dài thay vì chỉ tính đến sự hài lòng hiện tại bằng cách cắt bỏ những hành vi không mấy dễ chịu của con cái.

Hãy nghĩ về điều này theo một cách khác. Nếu bạn đối xử với con cái mình chỉ hoàn toàn dựa vào thái độ của chúng, bọn trẻ sẽ hiểu điều đó. Chúng sẽ chỉ xem bạn như những cảnh sát trong gia đình cố gắng giữ gìn yên ổn, trật tự. Chúng biết rằng những hành động của chúng quyết định tất cả những gì diễn ra trong gia đình, do đó sẽ chọn những hành động có thể tạo đòn bẩy để thử đo quyền lực này. Và quyền lực thì lại là một vấn đề lớn trong gia đình. Khi con bạn tức giận, chúng có thể sẵn sàng chịu kỉ luật mạnh chỉ để thử thách giới hạn của quyền lực đó.

Giống như một đứa bé cáu giận chỉ vì điều đó giúp nó gây sự chú ý, con bạn cũng hành động phá phách khi bước vào tuổi vị thành niên và giai đoạn sau đó. Chúng gây chuyện để tạo ảnh hưởng lên môi trường xung quanh theo cách duy nhất mà chúng có thể. Tất nhiên, con bạn sẽ làm tổn thương không chỉ bạn và những người xung quanh chúng mà hơn thế nữa, chúng làm đau chính bản thân mình nhiều nhất.

Đối xử với con dựa trên thái độ của chúng, đặt con bạn vào tầm kiểm soát của gia đình. Song việc xem xét những nhu cầu lâu dài của con sẽ giúp các ông bố bà mẹ có thể chủ động. Điều đó giúp hành trình đến tuổi trưởng thành của con bạn luôn đúng hướng.

Như vậy, nuôi dạy con thụ động là cách nuôi dạy dựa trên hành vi, thái độ tức thời của con cái. Nuôi dạy con chủ động là cách nuôi dạy con dựa trên việc quan tâm, xem xét tìm hiểu nhu cầu của con, từ đó bạn sẽ giúp con mình khám phá ra những cơ hội phát triển mới.


anhsao
Tình yêu của cha mẹ

(Dân trí) - Ông lão 80 tuổi ngồi trên chiếc ghế sô-pha cùng người con trai trí thức 45 tuổi. Đột nhiên có tiếng một con quạ gõ gõ cái mỏ vào ô của sổ của căn nhà.

Người cha già hỏi con trai: “Cái gì vậy?”.


Người con trai trả lời: “Một con quạ”.

Vài phút trôi qua, người cha lại hỏi con trai: “Cái gì vậy?”.


Người con trả lời: “Cha, con đã nói với cha rồi. Đó là một con quạ”.

Một lúc nữa lại trôi đi, người cha già lại hỏi: “Cái gì thế?”.

Đến lúc này, có chút bực dọc, khó chịu trong giọng điệu của người con trai khi anh ta trả lời cha: “Đó là một con quạ, một con quạ”.

Một lúc lâu sau, người cha lại hỏi con trai cũng vẫn câu hỏi “cái gì thế?”.


Lần này người con trai thực sự tức giận hét vào mặt người cha già mà rằng: “Tại sao cha cứ hỏi đi hỏi lại con cùng một câu hỏi thế hả? Con đã nói bao nhiêu lần rồi, đó chỉ là một con quạ. Cha không hiểu hả?”.

Thoáng chút ngần ngừ, người cha đi vào phòng mình, mang ra một cuốn nhật kí đã cũ nát. Cuốn sổ ông giữ gìn kể từ khi người con trai ra đời. Mở một trang, người cha đưa cho cậu con trai đọc. Khi người con trai đón lấy, anh ta thấy những dòng chữ được viết trong nhật kí như sau:

“Hôm nay, đứa con trai bé bỏng 3 tuổi ngồi cùng tôi trên chiếc ghế sô-pha. Khi một con quạ đậu trên cửa sổ, con trai đã hỏi tôi 23 lần rằng đó là cái gì, và tôi cũng đã trả lời 23 lần rằng đó là một con quạ. Tôi nựng con mỗi lần nó hỏi tôi cùng một câu hỏi, lặp đi lặp lại 23 lần. Tôi không hề cảm thấy khó chịu, mà trái lại, càng yêu thương đứa con ngây thơ bé bỏng này hơn”…

Khi cha mẹ bạn trở nên già cả, đừng chối bỏ và coi họ như một gánh nặng. Hãy nói với họ bằng những từ ngữ lịch sự, tử tế, kính trọng, và khiêm tốn. Hãy quan tâm, ân cần với họ. Bởi chính họ đã nuôi nấng bạn từ tấm bé, luôn thể hiện tình yêu vị tha, lớn lao đối với bạn, không quản ngại nắng mưa, bão tố, cho bạn có được ngày hôm nay.


Ánh Nguyệt

Theo Inspirational
Đây là phiên bản "lo-fi" của nội dung trang chính. Để xem phiên bản đầy đủ với nhiều thông tin hơn , xin hãy nháy vào đây.
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.