Trợ giúp - Tìm kiếm - Thành viên - Lịch ghi nhớ
Phiên bản đầy đủ: Hà Nội đang dùng nước sinh hoạt nhiễm độc
Thực Dưỡng > Mục tin tức > Thông tin
macrobiotic
Hà Nội đang dùng nước sinh hoạt nhiễm độc

Nước máy sinh hoạt tại nhiều khu dân cư trên địa bàn Hà Nội có nồng độ amoni vượt mức cho phép hàng chục lần, có nơi nước còn chứa cả asen (thạch tín).

Đây là kết quả tổng hợp của tiến sĩ khoa học Trần Văn Nhị và cộng sự (Viện Công nghệ sinh học -Viện Khoa học công nghệ VN) trong quá trình lấy mẫu thử nước máy tại các khu dân cư trên khắp địa bàn Hà Nội.

Theo đó, mẫu thử của các hộ dân dùng nước từ nhà máy nước Hạ Đình, Pháp Vân, Tương Mai... nhiễm amoni, asen vượt mức cho phép nhiều lần. Mẫu thử từ các trạm cấp nước Bách Khoa, Phòng không không quân, Hào Nam và các trạm khu vực phía Nam Hà Nội, khu vực đường Tam Trinh đều nhiễm amoni.

Nặng nhất là các hộ dùng nước nhà máy Pháp Vân với hàm lượng amoni vượt 10-40 lần mức cho phép 1,5 mg/l. Các nhà máy Hạ Đình, Tương Mai có mức nhiễm gấp 5-13 lần cho phép. Hàm lượng asen từ nước máy Pháp Vân, Hạ Đình cao gấp 2-5 lần mức giới hạn...

Tiến sĩ Nhị, hiện là nghiên cứu viên cao cấp của Viện Công nghệ sinh học, cho biết bản thân amoni (NH4+) không độc. Nhưng trong quá trình khai thác, xử lý và lưu trữ nước, nó chuyển hóa thành nitrit và nitrat. Nitrit là chất độc hại đối với cơ thể.

"Nitrit khi vào bên trong cơ thể, kết hợp với các axit amin tạo thành chất có khả năng gây ung thư gan, dạ dày. Đối với trẻ sơ sinh, chất này còn gây bệnh về đường hô hấp", ông giải thích.



Nước cùng một nguồn trước và sau khi thử định tính với amoni. Ảnh: H.H.



Trong quá trình lấy mẫu, ông Nhị đã thử định tính tại hàng chục gia đình. Chỉ tính từ sau Tết Nguyên đán, hơn 20 gia đình dùng nước máy đã được ông lấy mẫu thử và cho kết quả ngay. Điển hình nhất là tại gia đình anh Vũ Đức Thuấn, tổ 76, phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân), với 2 mẫu thử, lọ thứ nhất, chưa đầy một phút sau khi nhỏ hoá chất thử amoni, nước chuyển màu vàng đục. Lọ thứ hai được nhỏ vài giọt hoá chất để thử phản ứng nitrit, sau gần một phút, nước cũng chuyển màu tím sẫm.

Tiến sĩ Nhị cho biết, nguồn nước ở đây bị nhiễm amoni rất nặng. Thậm chí đã chuyển hoá thành nitrit độc hại. Lọ màu vàng đục là biểu hiện nước bị nhiễm amoni. Lọ màu tím biểu hiện nước nhiễm nitrit với tỉ lệ quá cao.

Cũng theo ông Nhị, nguồn gốc amoni trong nước ngầm là do tích tụ từ cặn bã, chất thải sinh hoạt, phân bón... Không chỉ Hà Nội, những vùng đồng bằng, vùng trũng tập trung đông dân cư thì nước ngầm càng dễ bị nhiễm chất này. Hoạt động khoan giếng thủ công dày đặc càng khiến cho nguồn nước ngầm dễ bị nhiễm bẩn.

Riêng việc tiếp xúc lâu dài với asen rất dễ gây ung thư da, ung thư phổi, bàng quang... Thậm chí làm rối loạn gene. Người uống nước nhiễm asen lâu ngày còn có các triệu chứng xuất hiện các đốm màu sẫm trên cơ thể, đôi khi gây niêm mạc trên lưỡi hoặc sừng hoá trên bàn tay, bàn chân.

Theo tiến sĩ Trần Văn Nhị, nếu Hà Nội tiếp tục khai thác nước ngầm làm nước sinh hoạt, việc loại trừ amoni và asen là không thể. Công nghệ xử lý hiện tại bằng dàn phun mưa cấp oxy của các nhà máy nước sạch chỉ xử lý được cặn và sắt.

"Biện pháp hữu hiệu nhất để loại bỏ amoni và asen là dùng nước sông Đà thay thế hoàn toàn nguồn nước ngầm", ông Nhị nói.

Tuy nhiên, mục tiêu của Hà Nội tới năm 2015 chỉ mới cung cấp được 200.000 m3 nước sinh hoạt cho người dân từ nguồn nước sông Đà. Trong khi người dân nội thành mỗi ngày đang dùng hơn 750.000 m3.


Năm 2002, các nhà khoa học Việt Nam đã công bố tình trạng nhiễm amoni trong nước ngầm đến mức báo động ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Tại nhiều tỉnh, xác suất các nguồn nước ngầm nhiễm amoni ở nồng độ cao hơn tiêu chuẩn lên tới 80%. Tuy nhiên, cho đến nay, chưa có một phương pháp xử lý hữu hiệu nào được áp dụng tại các trạm cấp nước, nhà máy khai thác nguồn nước ngầm phục vụ sinh hoạt.


Nguyễn Hưng - Vnexpress
Diệu Minh
“Để có nước sạch, người Hà Nội phải tự cứu mình”

Hàng loạt các nhà máy nước ở khu vực phía nam Hà Nội bị nhiễm amoni - một thực trạng đã được các nhà khoa học cảnh báo từ lâu, nhưng theo Tiến sĩ Trần Văn Nhị (Viện Khoa học & Công nghệ), trong tương lai “xa”, người dân Hà Nội vẫn phải sống chung với nước “bẩn”.
>> Nước giếng khoan ở Hà Nội: Những mẫu thử kinh hoàng

Người dân nên tự khử độc nước trước khi sử dụng.



Nhà chức trách chậm chạp

Từ năm 2002 các nhà khoa học Việt Nam đã công bố tình trạng nhiễm amoni trong nước ngầm ở khu vực đồng bằng Bắc Bộ. Theo tiến sĩ Trần Văn Nhị thì các cơ quan chức năng có biết, thậm chí một Phó Giám đốc Sở Giao thông Công chính Hà Nội đã xây dựng đề tài: Nghiên cứu công nghệ xử lý amoni và làm mô hình thí nghiệm tại Nhà máy nước Pháp Vân. Nhưng đề tài không được duyệt với lý do: Công nghệ chưa đủ mức để có thể cấp tiền.

Trên thực tế, nếu áp dụng các biện pháp khoan sâu như khu vực Trung Hòa - Nhân Chính hoặc thay đổi nguồn nước như khu Linh Đàm thì hoàn toàn có thể tránh được tình trạng nhiễm độc.

Ngoài nhà máy nước Nam Dư được ứng dụng công nghệ nước ngoài để xử lý amoni, tại các nhà máy bị nhiễm độc khác, đến thời điểm này các cơ quan chức năng vẫn chưa có động thái nào để cải thiện tình hình và luôn khẳng định “nước máy của công ty hoàn toàn sạch, đảm bảo theo đúng tiêu chuẩn...” (lời ông Trần Quốc Hùng - Phó TGĐ Công ty Kinh doanh nước sạch Hà Nội - trả lời báo GĐ&XH).

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc ngày ngày, hàng trăm nghìn người dân Hà Nội phải ăn uống những chất độc có khả năng gây ung thư cao mà không biết đến bao giờ nỗi lo về nguồn nước ô nhiễm mới chấm dứt.

Người dân phải tự khử độc nguồn nước

Theo Tiến sĩ Trần Văn Nhị, để loại bỏ tình trạng nhiễm độc nước ngầm như hiện nay, biện pháp tốt nhất là nên thay… nguồn nước mà theo như cách nói của nhiều người là chờ nước Sông Đà về. Nhưng khả năng này không dễ và không thể nào nhanh được. Trong nhiều năm tới, Hà Nội vẫn phải đối mặt với thực trạng: nguồn nước ngầm bị nhiễm độc nặng.

Và trong khi chờ đợi “phép màu” từ phía các nhà chức trách, theo Tiến sĩ Nhị, mỗi hộ dân nên tìm cách tự cứu lấy mình. Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, các hộ nên chủ động tiến hành xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt của gia đình, xác định các độc tố có trong thành phần nước.

Công việc xét nghiệm nên nhờ đến các cơ quan chuyên trách và có uy tín như Viện Khoa học công nghệ sinh học (phát hiện chất amoni trong nước), Viện Hóa học (phát hiện chất asen)...

Theo Thu Hiền

VTCNews


Diệu Minh
Tôi nghe thấy phụ nữ thủ đô mình dạo này có nhiều người nói bị khan tiếng... tôi vẫn nghĩ đó là do họ bị stress; nhưng tới hôm nay tôi chợt nhớ tới điều các cụ nói rằng ở các vùng nước ngọt ngon.. con gái vùng đó vừa đẹp vừa có giọng nói hay và trong...còn các kiều nữ Hà Nội giọng điệu cứ gay gắt???? có lẽ do nguồn nước bị nhiễm độc chăng?

Biết đâu đây là sự thật?
Làm gì bây giờ nhỉ?

Tôi đang lấy hai mẫu nước nhà tôi hiện có để đi thử:
1. Nước khoáng Kim bôi
2. Nước máy đã được lọc qua cái bình lọc của Hàn Quốc.
hoa cỏ may
nước uống đóng chai , đá cũng bị ô nhiễm roài


"Mục sở thị" nước đá được sản xuất mất vệ sinh

Sáng 22/3, đoàn thanh tra sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra nước tinh khiết, nước đóng chai trên địa bàn thành phố và đã đình chỉ một cơ sở sản xuất nước đá.


Trong căn phòng của tầng hầm tối om, rộng chừng 20m2, ẩm thấp là nơi 3 nhân viên của sở kinh doanh nước uống tinh khiết nhãn hiệu Water Fine Quality, thuộc Công ty TNHH Du lịch vận tải thương mại Quang Tuấn tại địa chỉ số 143, Tổ 6 phường Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội đang làm đá. Những nhân viên này đều không có bảo hộ lao động đang cởi trần, chân đất lội bì bõm trong hầm để làm đá.


Cơ sở sản xuất nước đá mất vệ sinh. Ảnh: L.Hà
Toàn bộ dụng cụ sản xuất trong hầm đều bẩn thỉu, hoen rỉ. Những chiếc khay sắt dùng để làm đá đã ngả vàng, cáu bẩn đầy rỉ sắt xung quanh. Không hề cọ rửa, nhân viên của công ty thản nhiên bơm nước vào những khay này để làm đá. Trên mặt những khay sắt đang hứng nước, gỗ, chăn, bạt cũ ướt sũng, đen đúa vứt ngổn ngang. Những cây đá sau khi thành phẩm được những công nhân đổ ngay ra sàn nhà lênh láng nước, sau đó lại kéo lê hàng mét rồi mới xếp vào giá.

TIN LIÊN QUAN
Tạm đình chỉ cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng bình
Lại phát hiện nước tinh khiết “bẩn” và tái nhiễm khuẩn độc
Có thể đề nghị khởi tố cơ sở nước tinh khiết "bẩn"
Đình chỉ thêm 4 cơ sở sản xuất nước tinh khiết “bẩn”

Khi được hỏi về giấy tờ kinh doanh, chủ cơ sở thừa nhận, cơ sở không hề có hồ sơ đăng kí cấp phép sản xuất mặt hàng đá cây, cũng không hề có giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm.

Cũng theo chủ cơ sở này thì sản phẩm đá cây của công ty không dùng cho ăn uống mà thường xuất cho các cửa hàng kinh doanh hải sản dùng để ướp lạnh.

Trước những sai phạm của công ty, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, dù là sản xuất đá ướp lạnh cũng phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và quy trình sản xuất phải đảm bảo vệ sinh vì có thể sản phẩm đá đó vẫn được dùng trong ăn uống. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở sản xuất đá cây này tạm thời đóng cửa và tiến hành dọn vệ sinh sạch sẽ toàn bộ khu sản xuất, đồng thời phải làm hồ sơ đăng kí tiêu chuẩn sản phẩm mới được tiếp tục sản xuất.

Cũng tại đây, đoàn đã kiểm tra toàn bộ quy trình sản xuất nước tinh khiết đóng bình của công ty và lấy mẫu nước để kiểm tra chất lượng.

Lệ Hà
DIEUHANG
QUOTE(hoa cỏ may @ Mar 23 2009, 11:11 AM) *
nước uống đóng chai , đá cũng bị ô nhiễm roài
"Mục sở thị" nước đá được sản xuất mất vệ sinh

Sáng 22/3, đoàn thanh tra sở Y tế Hà Nội đã tiến hành kiểm tra nước tinh khiết, nước đóng chai trên địa bàn thành phố và đã đình chỉ một cơ sở sản xuất nước đá.
Trong căn phòng của tầng hầm tối om, rộng chừng 20m2, ẩm thấp là nơi 3 nhân viên của sở kinh doanh nước uống tinh khiết nhãn hiệu Water Fine Quality, thuộc Công ty TNHH Du lịch vận tải thương mại Quang Tuấn tại địa chỉ số 143, Tổ 6 phường Vĩnh Tuy, Hai Bà Trưng, Hà Nội đang làm đá. Những nhân viên này đều không có bảo hộ lao động đang cởi trần, chân đất lội bì bõm trong hầm để làm đá.


Cơ sở sản xuất nước đá mất vệ sinh. Ảnh: L.Hà
Toàn bộ dụng cụ sản xuất trong hầm đều bẩn thỉu, hoen rỉ. Những chiếc khay sắt dùng để làm đá đã ngả vàng, cáu bẩn đầy rỉ sắt xung quanh. Không hề cọ rửa, nhân viên của công ty thản nhiên bơm nước vào những khay này để làm đá. Trên mặt những khay sắt đang hứng nước, gỗ, chăn, bạt cũ ướt sũng, đen đúa vứt ngổn ngang. Những cây đá sau khi thành phẩm được những công nhân đổ ngay ra sàn nhà lênh láng nước, sau đó lại kéo lê hàng mét rồi mới xếp vào giá.

TIN LIÊN QUAN
Tạm đình chỉ cơ sở sản xuất nước tinh khiết đóng bình
Lại phát hiện nước tinh khiết “bẩn” và tái nhiễm khuẩn độc
Có thể đề nghị khởi tố cơ sở nước tinh khiết "bẩn"
Đình chỉ thêm 4 cơ sở sản xuất nước tinh khiết “bẩn”

Khi được hỏi về giấy tờ kinh doanh, chủ cơ sở thừa nhận, cơ sở không hề có hồ sơ đăng kí cấp phép sản xuất mặt hàng đá cây, cũng không hề có giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm.

Cũng theo chủ cơ sở này thì sản phẩm đá cây của công ty không dùng cho ăn uống mà thường xuất cho các cửa hàng kinh doanh hải sản dùng để ướp lạnh.

Trước những sai phạm của công ty, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, dù là sản xuất đá ướp lạnh cũng phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm và quy trình sản xuất phải đảm bảo vệ sinh vì có thể sản phẩm đá đó vẫn được dùng trong ăn uống. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu cơ sở sản xuất đá cây này tạm thời đóng cửa và tiến hành dọn vệ sinh sạch sẽ toàn bộ khu sản xuất, đồng thời phải làm hồ sơ đăng kí tiêu chuẩn sản phẩm mới được tiếp tục sản xuất.

Cũng tại đây, đoàn đã kiểm tra toàn bộ quy trình sản xuất nước tinh khiết đóng bình của công ty và lấy mẫu nước để kiểm tra chất lượng.

Lệ Hà


Ôi!!!! Ghê quá, ghê quá ...khiếp...khiếp...
May mà mình không uống được nước đá ... Dân ở trong nam này do khí hậu quanh năm nóng bức nên hầu như người nào cũng có thói quen lạm dụng nước đá. Họ uống nước đá một cách sảng khoái. Ban đêm có hôm trời se lạnh vậy mà công nhân đi làm đêm cũng mang theo một bình đựng đá, nước không có đá thì họ không uống. Nếu đọc những thông tin này không biết họ còn ''mê'' nước đá nữa không nhỉ(?!)
hoa cỏ may
đây là ở HN mọi ng nhe

Nước máy Pháp Vân và Hạ Đình có amoni cao gấp 6-18 lần

Ông Đỗ Lê Huấn, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, thông báo kết quả kiểm tra nước chiều nay. Tuy nhiên, đại diện Sở Y tế cho biết mức vượt ngưỡng này chưa ảnh hưởng đến sức khỏe của dân.
> 'Nước máy nhiễm độc có thể do đường ống cũ'

Theo kết quả kiểm tra mẫu nước của tiến sĩ khoa học Trần Văn Nhị và cộng sự (Viện Công nghệ sinh học -Viện Khoa học công nghệ VN) thì hàm lượng amoni ở nhà máy Pháp Vân vượt 10-40 lần mức cho phép 1,5 mg/l, nhà máy Hạ Đình gấp 5-13 lần. Hàm lượng asen ở hai nhà máy này đều cao gấp 2-5 lần mức giới hạn...

Trước thông tin này, Sở Y tế Hà Nội mới đây đã lấy 7 mẫu nước đưa đi xét nghiệm ở 3 cơ sở độc lập (trong đó có 2 mẫu của hai nhà máy Pháp Vân, Hạ Đình và 5 mẫu còn lại của các hộ dân). Kết quả là hàm lượng asen ở trong ngưỡng cho phép. Tuy nhiên, hàm lượng amoni dao động từ 10 đến 28 mg/l, cao 6-18 lần.


Sở yYtế Hà Nội đi kiểm tra tại nhà máy nước Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội). Ảnh: N.P.

Ông Nguyễn Việt Bắc, đại diện Cục Y tế dự phòng và môi trường, cho rằng amoni ở mức này chưa gây hại cho sức khỏe.

"Hàm lượng amoni như trên chưa phải là liều độc cho cơ thể, mà chỉ báo hiệu sự ô nhiễm nguồn nước. Amoni trong nước không phải là nguyên nhân gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và tác hại xuất hiện ở con người khi hàm lượng phải là trên 200 mg/l (theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới)", ông Bắc nói.

Ông Nguyễn Bá Đức, Phó chủ tịch Hội Ung thư Việt Nam, cũng đồng tình với quan điểm trên. Theo ông, hàm lượng amoni như vậy chưa ảnh hưởng đến sức khỏe, phải liều quá cao mới gây độc.

Lý giải sự khác nhau về hàm lượng amoni giữa kết quả của một số nhà khoa học và kết quả kiểm tra mẫu lần này, ông Trần Quốc Hùng, Phó tổng giám đốc Công ty kinh doanh Nước sạch Hà Nội, cho rằng không phải nước chỗ nào cũng giống nhau, có thể chỗ này hàm lượng cao hơn một ít, chỗ kia thấp hơn một ít. Ngoài ra có thể do vị trí lấy mẫu nước khác nhau, hàm lượng amoni có thể chịu ảnh hưởng của những yếu tố thời tiết, mùa...

Ông cũng cho biết, hiện tại hai nhà máy này đã giảm 1/3 công suất cung cấp nước, tăng cường xúc rửa bể lọc, tăng cường khâu xử lý nước, giảm tốc độ lọc để đưa hàm lượng amoni về ngưỡng cho phép.

Theo ông, nguyên nhân dẫn đến hàm lượng amoni cao là do ô nhiễm chất thải sinh hoạt ảnh hưởng đến mạch nước ngầm, quy trình công nghệ cũng như cách bảo quản. Người dân chứa nước bằng các bể xi măng nếu không thường xuyên xúc rửa bể cũng có thể làm cho hàm lượng amoni cao lên.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cũng cho biết, 1-2 tháng tới, Sở sẽ tiếp tục lấy mẫu ở hai nơi này và gửi đi kiểm tra xem hàm lượng amoni đã ở trong ngưỡng cho phép chưa.

Ông cũng khẳng định nước sinh hoạt từ 10 nhà máy còn lại của Hà Nội đều đảm bảo an toàn với người dân.

Nam Phương
anhsao
Loại bỏ Asen, Amoni khỏi nước ăn thế nào?

Giadinh.net - Sau khi Báo GĐ&XH có bài phản ánh về tình trạng nguồn nước ở nhiều khu vực trên địa bàn Hà Nội bị nhiễm Asen (thạch tín) và Amoni, nhiều độc giả đã gọi điện đến đường dây nóng đề nghị Báo cung cấp biện pháp phát hiện và xử lý nguồn nước nhiễm độc này.

Phát hiện độc tố

Trao đổi với PV Báo GĐ&XH, GS.TS Trần Hồng Côn, Khoa Hoá, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) khẳng định: Không thể phát hiện được độc chất Amoni hay Asen có trong nguồn nước bằng mắt thường, vì Asen là một nguyên tố hoá học không màu, không mùi.

Theo TS Côn, người dân có thể phát hiện nguồn nước hiện đang sử dụng có bị nhiễm độc chất Asen hay không bằng cách thử test nhanh với một dụng cụ thử có tên gọi là test Asen hoặc Arsen check, hiện đang được bán tại một số công ty hoá chất, hoặc Phòng phân tích địa chất (Viện Hoá học) và Công ty TNHH Công nghệ HCTH có trụ sở tại huyện Mỹ Hào, Hưng Yên với giá khoảng 25.000đ/ sản phẩm test Asen hoặc 38.000đ/Arsen check. Sau khi nhỏ dung dịch từ 7-10 phút, nếu cốc nước thử chuyển màu vàng đục thì nguồn nước đã bị nhiễm độc.



Test thử nhanh nước nhiễm Asen có giá khoảng 38.000đ.

Theo quy định của Bộ Y tế, nồng độ Asen trong nước không được vượt quá 0,01mg/l lít nước ăn. Tuy nhiên, nếu muốn biết nồng độ nhiễm Asen trong nguồn nước sau khi thử test nhanh là bao nhiêu, thì người dân cần phải đến Phòng phân tích của Viện Địa chất (Viện Khoa học Công nghệ) để thử. Do nồng độ Asen nhiễm trong nguồn nước thay đổi theo mùa, nên phải kiểm tra nước theo định kỳ từ 4 - 6 tháng 1 lần.

Cũng theo GS.TS Trần Hồng Côn, sử dụng nước nhiễm Asen trong một thời gian dài có thể gây ngộ độc hoặc ung thư gan, phổi, da hoặc khuyết tật bẩm sinh. Tài liệu của Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cũng cho thấy, người uống nước nhiễm Asen quá mức cho phép dễ mắc các bệnh ung thư, tiêu chảy, thuỷ đậu và nhất là ung thư da. Nếu dùng nguồn nước nhiễm Asen ở nồng độ 0,1mg/lít, sẽ dẫn đến hệ tuần hoàn bị đầu độc.

Ngộ độc Asen có hai dạng: Ngộ độc cấp tính và ngộ độc mãn tính. Dấu hiệu của ngộ độc cấp tính thường có triệu chứng giống như bệnh tả: Nôn mửa, đau bụng, tiêu chảy liên tục, khát nước dữ dội, mạch đập yếu, mặt nhợt nhạt rồi thâm tím, bí tiểu và có thể tử vong; Ngộ độc mãn tính xảy ra do tích luỹ liều lượng nhỏ Asen trong thời gian dài. Asen thâm nhập vào cơ thể chủ yếu qua thực phẩm, nước uống và không khí. Việc phát hiện người nhiễm Asen mạn tính rất khó do triệu chứng của bệnh phải từ 5- 15 năm sau mới xuất hiện.

Về tác hại của nguồn nước nhiễm Amoni, TS Lê Văn Cát (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, bản thân chất Amoni không gây hại trực tiếp cho cơ thể người mà chỉ ảnh hưởng xấu đối với sự sống của các loài vật dưới nước như: Tôm, cá... Tuy nhiên, trong quá trình khai thác, xử lý và lưu trữ nước, Amoni chuyển hoá thành nitrit và nitrat. Nitrit là chất rất độc hại cho cơ thể, có thể gây ung thư.

Những biện pháp loại bỏ Asen, Amoni khỏi nước ăn

Theo GS.TS Trần Hồng Côn, cách đây nhiều năm, ông và các cộng sự tại Khoa Hoá, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên đã nghiên cứu và áp dụng thành công thiết bị xử lý Asen trong nước sinh hoạt bằng đất sét, đá ong, đá son.


Sản phẩm loại bỏ Asen trong nước theo công nghệ của GS.TS Trần Hồng Côn.


Thiết bị này được cấu tạo như chiếc bình lọc nước thông thường, gồm: Một chiếc thùng có 2 ngăn bằng inox. Ngăn thứ nhất (đầu vào) chứa một cột lọc. Khi nước chảy qua cột lọc, Asen trong nước bị ôxy hoá, các hạt đất sét, đá ong và đá son sẽ biến tính trong đó để giữ lại Asen. Người dân có thể yên tâm sử dụng nước sạch ở thùng thứ hai. Mỗi năm, thay cột lọc một lần.

Theo GS.TS Côn, thiết bị này đã được thử nghiệm để lọc giếng khoan tại khu vực tập thể 51 Cảm Hội (phường Đống Mác, Hai Bà Trưng, Hà Nội) trong 10 ngày liên tục và cho kết quả: Trước khi nước lọc, nồng độ Asen trong nước giao động từ 0,186-0,189mg/1 lít nước vào mùa khô. Sau khi đưa vào bình lọc, tỉ lệ Asen trong nước còn nhỏ hơn 0,01mg/lít, dưới giới hạn của Bộ Y tế về tiêu chuẩn của Asen trong nước ăn.

Cuối năm 2008, công nghệ loại bỏ chất Asen trong nước sinh hoạt của GS.TS Trần Hồng Côn và cộng sự đã được một công ty chuyên về xử lý nước công nghệ cao của Thụỵ Sỹ mua toàn bộ công nghệ vào đưa vào sản xuất thiết bị lọc nước sử dụng trong gia đình với tên gọi là Arsen FREE có giá bán khoảng 1.600.000đ/bình.

Ngoài phương pháp loại bỏ Asen bằng đất sét, đá ong và đá son như trên một biện pháp khác có thể áp dụng dễ dàng tại nông thôn là sử dụng bể lọc có giàn mưa và cát vàng dầy khoảng 40- 60cm. Biện pháp này đang được một số hộ dân ở tỉnh Hà Nam lắp đặt thí điểm dưới sự hỗ trợ của Unicef, kết quả cho thấy loại bỏ được 94-99% tỉ lệ Asen có trong nước.

Bác sỹ Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh, Viện Da liễu Quốc gia cho biết, Asen ngấm vào cơ thể qua đường uống một cách từ từ, không rầm rộ để người bệnh thấy khác thường mà đi khám ngay. Tuy nhiên, có thể nhận biết sớm loại nhiễm độc này thông qua các biểu hiện ngoài da như: Rối loạn sắc tố (có những chấm nhạt hoặc đậm hơn màu da), dày sừng ở những vùng da ít tiếp xúc như giữa lòng bàn tay, lòng bàn chân.

Mai Thúy
Đây là phiên bản "lo-fi" của nội dung trang chính. Để xem phiên bản đầy đủ với nhiều thông tin hơn , xin hãy nháy vào đây.
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.