Trợ giúp - Tìm kiếm - Thành viên - Lịch ghi nhớ
Phiên bản đầy đủ: Kính vạn hoa - Phổ chiếu
Thực Dưỡng > Nguyên lý Thực Dưỡng > Sách Thực Dưỡng
Trang: 1, 2
Just Mini
KÍNH VẠN HOA

Phổ chiếu


Herman Aihara


Lời giới thiệu

Vào đầu thập niên 90, toàn thể dân Mỹ sống trong tinh thần căng thẳng vì sợ chiến tranh hạt nhân, ung thư, AIDS.

Giữa lúc ấy, bác sĩ Anthony Sattilaro, giám đốc bệnh viện lớn nhất ở Philadelphia, trình bày trên màn ảnh truyền hình, trước nhiều ký giả đại diện cho nhiều tờ báo nổi tiếng, về thành quả tự trị lành ung thư đã di căn của mình ở tinh hoàn, bẹ sườn, xương sống và bàng quang bằng phương pháp Thực Dưỡng (Macrobiotics).

Mọi người thở phào nhẹ nhõm, như vớ được chiếc bè lúc sắp chết đuối. Hàng triệu người đổ xô đến thăm các trung tâm Vega (trung tâm Thực Dưỡng) rải rác trên toàn nước Mỹ để mong thuốc thần đem lại cho sức khoẻ hoàn hảo.

Cuốn Kính vạn hoa còn gọi là Phổ chiếu (Kaleidoscope) của Herman Aihara - người kế tục xuất sắc của Ohsawa - kịp thời tu bổ những sai sót của những môn sinh đã và đang thực nghiệm phương pháp Thực Dưỡng, giúp ổn định tâm tư một số người sắp nhập môn và đang tôn thờ Thực Dưỡng như tiên dược vạn năng.

Chỉ cần lắc nhẹ ống kính vạn hoa thì tức khắc mọi hình sắc bên trong đều đổi thay. Cũng thế, cuộc sống con người đổi thay theo luật tuần hoàn của vũ trụ, mặt trời, mặt trăng, sáng, chiều, xuân, hạ, thu, đông... trôi dạt theo từng làn sóng tư tưởng, và nhất là sức khoẻ của con người cũng thay đổi theo sự biến đổi đó, mà nguồn gốc là phẩm chất của các món ăn, thức uống.

Tác giả Herman Aihara đã tiếp bước tiên sinh Ohsawa đi du thuyết khắp nơi trên thế giới và cùng với Michio Kushi (hiện đang ở Massachusettes) tiếp tục phong trào Thực Dưỡng ở Mỹ và ở các nơi khác. Trong lúc đi thuyết giảng, ông trả lời rất nhiều câu hỏi của người nghe và các môn sinh. Từ kinh nghiệm của bản thân và từ những buổi tham vấn ấy, tác giả viết ra cuốn sách này.

Những ai muốn hiểu rõ bản chất phương pháp Thực Dưỡng, của Ohsawa, muốn học âm dương theo cách tiếp cận phương Tây, muốn thấu hiểu AIDS, ung thư theo nhãn quan y lý phương Đông, muốn khỏi mất thì giờ, tiền bạc vì bệnh tật..., xin mời đọc Kính vạn hoa (Phổ chiếu). Cuốn sách còn giúp bạn đọc hiểu nguồn gốc con người, hiểu thấu nguyên lý Thiền, để sống hợp với Đạo, với cõi đời vô tận, để sống vui với gia đình, bạn bè và với mọi người trên quả đất này bằng tấm lòng từ bi bác ái, bằng tấm lòng bao dung, đại đồng.

Cuốn sách bao gồm 63 bài ghi chép, bài giảng, tùy bút... độc lập, được viết trải dài theo địa lý (từ châu âu đến châu Mỹ) và theo thời gian từ tháng 1-1979 đến cuối năm 1985. Bạn đọc có thể đọc riêng từng bài như một câu chuyện độc lập. Cũng do vậy, bạn đọc sẽ thấy nhiều ý tưởng, sự kiện được trình bày lặp đi lặp lại trong nhiều bài. Tư tưởng chủ đạo của Thực Dưỡng - như tác giả trình bày trong sách đã ngày càng được minh chứng là đúng đắn và được các môn đệ phái Thực Dưỡng phát triển. Do vậy, để góp phần giúp bạn đọc tìm hiểu quá trình tư tưởng cũng như các giai đoạn phát triển của phong trào Thực Dưỡng, chúng tôi dịch gần như nguyên văn bản "Kaleidoscope" của tác giả Herman Aihara (George Ohsawa Macrobiotic Foundation, Oroville, California, 1986).
Just Mini
1.Thông điệp đầu năm 1980
Tháng 1 năm 1980


... Bên kia đại dương, bờ phía tây
Phái bộ Phù Tang thẳng đến đây
Nét lịch duyệt da hồng đẹp nắng
Đầu không mũ lấp loáng gươm bên mình
Thản nhiên lưng khẽ tựa thành ghế
Trên cỗ xe mui trần
Qua khu phố Manhattan
Nhộn nhịp ngày mở hội.


Đấy! Thi sĩ Mỹ Walt Whitman đã đón tiếp 77 hiệp sĩ samurai Nhật Bản vào ngày 17-6-1860 bằng mấy vần thơ trên, cách nay đúng 120 năm. Dân chúng thành phố Nữu Ước đứng đông nghẹt trên phố Broadway để chào mừng những vị khách quí.

Phó đại sứ Awaji Nokami Muragaki viết trong nhật ký:

Lúc ấy đúng 2 giờ chiều, thuyền chúng tôi cặp bến Nữu Ước. Nơi đây nhiều tầu bè đã thả neo, hàng ngàn người chờ sẵn trên bến. Chúng tôi diễu hành trên đại lộ, theo sau là đội hình quân đội bản xứ. Người ta đồn rằng có 8.000 quân lính và sĩ quan tham dự buổi diễu hành và nhiều thường dân cũng có mặt. Hai bên vệ đường dân chúng đứng đông nghẹt. Không còn chỗ nào trống cả. Xế chiều chúng tôi đến khách sạn, đó là một toà nhà 6 tầng rất sang trọng. Cửa sổ nào cũng treo cờ Nhật Bản. Trẻ con cũng cầm cờ Nhật Bản vẫy chào.

Theo cuốn hồi ký thì trên mỗi cửa sổ và mái nhà người ta chen nhau tìm chỗ đứng để có thể nhìn thấy những người Nhật lạ lùng mà họ chưa từng nghe hoặc thấy bao giờ. Các chủ cửa hàng lanh lợi đem xếp những hàng ghế trước mặt tiệm để bán 1 đôla một chỗ ngồi xem diễu hành. Tờ Nữu Ước Thời Báo đã cho biết rằng thành phố Nữu Ước phải chi phí 91.380 đôla trong 14 ngày tiếp đón 77 hiệp sĩ này. Tính theo giá đôla hiện tại thì số tiền này tương đương 1 triệu đôla.

Đoàn sứ giả Nhật Bản đến Mỹ để trao đổi hiệp ước hữu nghị và thương mại giữa Mỹ và Nhật Bản, đại diện Nhật là Ngài Massaki Shinmi dẫn đầu phái bộ.

Tuy nhiên, sự đón tiếp nồng hậu chỉ do tính hiếu kỳ trước cảnh tượng lạ lùng mà thôi, lúc đó người Mỹ không quan tâm nhiều đến Nhật Bản. Trái lại dân Nhật Bản suốt 300 năm qua đã sống cách biệt với các dân tộc khác, chính vì vậy họ đã dành được sự quan tâm rất lớn của người Mỹ. Nhiều sinh viên, học giả, chính khách và thương gia Nhật Bản đã khởi sự thăm viếng nước này. Cách đây khoảng 100 năm, vào ngày 27-5-1869, nhóm di dân Nhật Bản đầu tiên đến Mỹ. Họ định cư tại Gold Hill, bang California, sau đó thành lập công ty chè Wakamatsu Tea và công ty tơ tằm Silk Farm Colony. Từ đó các khách tham quan và người di dân Nhật Bản gia tăng hàng năm. Đến cuối 1970, số dân Mỹ gốc Nhật lên đến 591.290 người. Ngoài dân da trắng và da đen, người Nhật chỉ đứng sau dân da đỏ.

Sau khi hai nước ký hiệp định, người Nhật tích cực học hỏi các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật và văn hóa của phương Tây từ người Mỹ. Tuy nhiên, đôi bên không thực sự hiểu nhau, mãi cho đến Thế chiến 2 thì Nhật Bản đã nắm vững công nghệ vũ khí phương Tây và cho rằng ngành công nghiệp của mình đã đủ lớn mạnh để chinh phục Mỹ và các nước châu Âu.

Mối bang giao đôi bên được tốt đẹp hơn sau khi Thế chiến II kết thúc. Do tổn thất nhiền nam công nhân trẻ ngoài mặt trận và hậu phương, Nhật Bản lâm vào cảnh thiếu nhà ở, áo quần và thực phẩm - hàng hóa chợ đen trở nên đắt đỏ – thâm chí không có trường học, không hệ thống vận tải, không ngành giải trí. Sự thiếu thực phẩm là điều cực khổ nhất, đó là nguyên nhân chính khiến cho Nhật Bản vươn lên trở thành nước công nghiệp hàng đầu thế giới. Thanh niên Nhật trở thành những người chạy theo vật chất và có đầu óc kinh tế nhất. Trái với Nhật Bản, nhờ chiến tranh mà công nghệ Mỹ phát triển, nhất là công nghệ vũ khí đã đem lại lợi nhuận kếch sù cho Mỹ. Sự giàu sang và tiện nghi làm cho thanh niên lười nhác, thích trí thức và có tâm tư hướng về siêu hình. Càng ngày họ càng thích triết học phương Đông, văn học, y học và nếp sống phương Đông.

Vừa lúc khuynh hướng này khởi xuất, đúng 100 năm sau khi nhóm hiệp sĩ Phù Tang viếng thăm nước Mỹ, thì hàng trăm người Mỹ trí thức thuộc tầng lớp trung lưu tham dự trại hè New Horizon tại Long Island (Nữu ước) đã đón chào một người khách Nhật Bản phong lưu ăn mặc trang nhã, có giọng nói thâm trầm tới thăm họ. Người đó là George Ohsawa, cái tên được người phương Tây đặt cho, còn tên chính của ông là Yukikazu Sakurazawa. Mỗi ngày vị khách này đến thuyết trình và tư vấn trong nhiều giờ, suốt 2 tháng. Kiến thức, trí tuệ pha lẫn với nét hài hước của ông quả thật tuyệt vời. Các bài thuyết trình rất nhẹ nhàng, khôi hài và dễ nhập tâm. Ông hướng dẫn thảo luận với nhiều câu hỏi phong phú. Người tham dự càng có học thức thì càng thấy mình dốt nát. Bất cứ ai chịu lắng nghe thì đều bị triết lý và phương pháp ăn uống của vị khách này thuyết phục. Ngay cả khi vị khách này tới châu Âu cũng bị đông đảo các sinh viên Mỹ nhiệt tình và hâm mô đeo bám.

Dân Mỹ lắng nghe G. Ohsawa và quan tâm đến phương pháp Thực Dưỡng không phải do hiếu kỳ mà chính vì vấn đề sinh tử của họ. Khi chúng ta có đầy đủ mọi thứ thì chúng ta lại bắt đầu tìm kiếm thứ khác, chẳng hạn như thám hiểm mặt trăng, vũ trụ, quan tâm vấn đề môi trường, ngăn ngừa tình trạng ô nhiễm... Chúng ta có đủ thời gian để xem xét những việc đã làm trong "nền văn minh của thế kỷ XX". Ngược lại với niềm tin rằng nên y học đã được phát triển tới mức có giúp cho con người có thể thoát khỏi bệnh tật, chúng ta lại nhận thấy y học hiện đại không có giải pháp cho bệnh ung thư, bệnh tim mạch và nhiều bệnh suy thoái khác. Ohsawa đã giải thích căn nguyên của những bệnh tật mới này và chỉ ra cách duy trì sức khoẻ, đó là chữa những bệnh nan y bằng lối ăn uống đơn giản nhất.

Phương pháp của ông như một quả bom hạt nhân cho dân Mỹ. Nó hàm chứa quá nhiều tri thức và có khả năng thay đổi toàn bộ nếp sống của nhiều người dân Mỹ. Do hướng dẫn sai lầm và thiếu công bằng của một số báo chí, một số người đã từ bỏ phương pháp này sau khi có một vài trường hợp không may mắn xảy ra. Tuy nhiên, công lý không thể bị ngăn chặn và giá trị đích thực của phương pháp Thực Dưỡng không thể bị che mờ. Với tôi, dường như qua phương pháp Thực Dưỡng, Đông-Tây đã gặp nhau. Nói cách khác, chúng ta là một, dù là người thuộc Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ, da trắng hay da đen...

Cho đến bây giờ, Đông và Tây đã gặp nhau tại mức độ mang tính cảm giác và tri thức. Trong những năm cuối cùng của thế kỷ XX sẽ là sự thử thách của hai nền văn minh Đông và Tây: họ phải gặp nhau tại các mức độ phán đoán cao hơn, chẳng hạn có cùng các quan niệm về tôn giáo, xã hội, kinh tế và sự tột cùng.

Tron thế giới ngày nay phương Đông không thể thoát khỏi sự ảnh hưởng của phương Tây. Phương Tây không thể sống một ngày không có sự ảnh hưởng của phương Đông. Thế giới này hầu như đã thống nhất làm một, đó là nhờ khoa học, kỹ thuật, công nghệ, giao thông vận tải. Nhưng sinh học, sinh lý học và y học vẫn còn chưa đáp ứng được nhiều vấn đề trong cuộc sống. Chẳng hạn, chúng ta chưa biết rõ về nguồn gốc ra đời của mình, tại sao ta như thế này, ta sẽ về đâu, cơ thể của chúng ta sinh hoạt ra sao... Do vậy chúng ta cũng không thực sự hiểu được những người mà ta tiếp xúc. Vấn đề trở nên sâu rộng hơn khi bàn về tâm thức. Trên đường tìm hiểu, ta chỉ gặp bí ẩn, thắc mắcvà một loạt câu hỏi. Chúng ta không hiểu làm thế nào mà ta suy nghĩ được, các tế bào óc được cấu tạo ra sao và tại sao mà ta suy xét được. Tại sao ta nhớ được, cơn giận, niềm vui, lòng oán thù được cấu tạo ra sao? Từ đâu và cách nào ta gây dựng nên quan niệm sống? Hạnh phúc và công bằng là gì?

Vì chúng ta không biết rõ tâm trí của mình, không biết nó hoạt động và cấu tạo ra sao, nên rất khó khăn khi muốn hiểuvà cảm thông với những người khác. Vấn đề này trở nên phiền phức hơn với chướng ngại ngôn ngữ. Hiểu rành rẽ một ngôn ngữ có thể mất tới ít nhất 20 năm khổ luyện.

Hơn nữa chúng ta có nhiều thành kiến và nền tảng khác nhau về giáo dục, văn hóa, phong tục và truyền thống gia đình, tạo ra những nhóm người cố chấp. Những điều này chỉ làm tăng thêm bản ngã và tạo ra sự cách biệt giữa con người. Tính cố chấp này, Ohsawa gọi là kiêu ngạo, gây nên bao đau khổ cho con người.

Quan niệm Âm và Dương có khả năng giúp ích rất lớn trong việc phát triển các ngành sinh học, sinh lý học và y học, vì thế giới tự nhiện được hình thành do hai lực Âm và Dương, và cơ thể của ta là thành phần của vũ trụ hiện hữu đó.

Để mọi người thấu suốt bản tính hằng giác của mình, hiểu được tâm thức, sự cố chấp và kiêu ngạo của mình, Ohsawa đã để lại cho ta sự giáo dục tuyệt vời. Dù sao, tôi cũng không thể được như tiên sinh. Tôi chỉ cầu nguyện sao cho tôi có thể trở thành một người không cố chấp, không còn tính tự phụ. Sau vài năm nữa, Cornellia và tôi tiếp tục điều hành Học viện Thực Dưỡng, chúng tôi hy vọng sẽ cùng các bạn phát triển được sự giác ngộ sâu sắc và tinh thần cộng đồng chung.
Just Mini
2. những bài giảng trong chuyến đi Châu Âu
Tháng 1 năm 1979


Luân Đôn

Hội thảo Thực Dưỡng Châu Âu đầu tiên diễn ra tháng 11-1978 tại Nhà xuất bản Sức khoẻ Cộng đồng ở Luân Đôn. Nhờ có các tiệm ăn, nhà hàng và nhiều phòng hội thảo lớn, tòa nhà này đã phục vụ rất tốt cho cuộc hội thảo Lịch trình Hội thảo được sắp xếp trước đã bất ngờ bị thay đổi do vài trở ngại. Nhưng rồi cuối cùng nó cũng được tổ chức tốt.

Khoảng 200 thành viên kỳ cựu dẫn đầu về Thực Dưỡng từ châu Âu cùng một vài nơi tại Mỹ đã tụ họp để chào đónbà Lima Ohsawa và ông Shuzo Okada. Cuộc mít tinh bắt đầu bằng những giây phút tưởng niệm về tiên sinh Ohsawa. Bức ảnh của tiên sinh được chiếu sáng trên tường. Ngài Michio Kushi trong bài diễn văn khai mạc thông báo rằng năm 1979 sẽ diễn ra Hội nghị Thực Dưỡng tại Bắc Mỹ, sau đó sẽ lần lượt tiếp tục diễn ra tại Nam Mỹ và châu á.

Ngày hôm sau, tôi được yêu cầu thuyết trình sau bà Lima Ohsawa và ông Shuzo Okada. Tôi nói:

"Ngài Michio Kushi nói sẽ tổ chức các hội nghị tương tự ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu á. Đây là một ý kiến hay khiến nhiều người hứng thú và sẽ quan tâm đến Thực Dưỡng, nhưng tôi thấy có 2 điều trở ngại. Trước tiên là sự đố kỵ trong số những người lãnh đạo. Người ít nổi tiếng sẽ ghen tỵ với người nổi tiếng hơn. Sự đố kỵ này sẽ tạo nên hiềm khích gây nguy hiểm cho tư tưởng hòa bình. Ngay cả nếu như dù chúng ta có tạo dựng được một thế giới hòa bình, nhưng mỗi cá nhân còn chưa hòa bình thì liệu một thế giới như vậy có tốt đẹp gì."

"Vấn đề thứ hai có liên quan đến việc phân phối thực phẩm (phong trào Thực Dưỡng có liên quan đến thực phẩm), những loại thực phẩm đặc biệt không kiếm được ở thị trường. Như vậy phân phối thực phẩm là một trong những nhân tố quan trọng của Thực Dưỡng cũng như việc kinh doanh nó sẽ tạo nên nguồn thu nhập cho một số người. Nhiều đệ tử Thực Dưỡng cũng như một số người khác đã đứng ra điều phối hoạt động kinh doanh thực phẩm Thực Dưỡng. Kinh doanh sẽ tạo nên sự thèm khát độc quyền - những đặc tính không hề là của Thực Dưỡng. Nếu điều đó xảy ra, sự phẫn uất, sự đơm đặt, mọi mánh lới thủ đoạn, ngay cả tính kiêu ngạo cũng sẽ được “đọc vị" trên gương mặt của các đệ tử Thực Dưỡng. Chúng ta phải khiêm tốn và gây ảnh hưởng nhiều hơn để đạt được kết quả tốt đẹp cho một phong trào như vậy."

Amsterdam

Tối 14-11, tôi rời Luân Đôn đi Amsterdam cùng với Ineke Niermeyer, người đã ở tại trung tâm Vega hai năm về trước cùng chồng cô ta và hai đứa con. Sáng sớm hôm sau chúng tôi đến cảng Hà Lan - phong cảnh thật đẹp nhưng hơi lạnh. Chúng tôi tới Amsterdam sau 2 giờ vi vu trên tầu hoả. Thành phố tấp nập, sống động và rất sạch.

Trụ sở Trung tâm Đông-Tây được ông Adelbert Nelessen thành lập 8 năm trước là một toà nhà nằm bên một con kênh, nó gồm có một hội trường lớn, một phòng thực hành, một phòng chứa đồ ăn, một phòng in ấn, một phòng quay phim, một phòng nấu nướng và phòng của gia đình ông. Adelbert Nelessen có 8 kho, lò bánh mỳ và toà nhà trung tâm. Ông xay một tấn bột mỳ mỗi ngày bằng cối xay gió. Tôi cho rằng đây là một tổ chức tốt nhất ở châu âu.

Tôi bắt đầu bài nói chuyện đầu tiên lúc 8 giờ tối với 70 người. Họ khoảng 20-30 tuổi. Tôi nói về việc làm sao tôi gặp Ohsawa và những điều khó khăn khi nhập cảnh. Tôi kết thúc bài nói chuyện lúc 10 giờ 30 phút.

Ngày 16-10, Abe Nakamura mời tôi tới nhà anh ở Duseldorf. Kinh doanh của anh ta phát đạt ở Đức mặc dù có bị mất khách do một số đệ tử của ngài Michio Kushi mở hàng bán cũng tại những thành phố ấy. Điều đó làm cho anh ta phải miễn cưỡng giúp đỡ Michio. Tôi thấy những điều như vậy trong số những người lãnh đạo Thực Dưỡng ở châu Âu. Những điều này liên quan đến sự thu nhập của họ và khó giải quyết.

Tối hôm đó, tôi nói về bữa ăn Thực Dưỡng, triết học cùng các nguyên lý âm dương cân bằng natri và kali, cân bằng axit và kiềm.

Ngày 17, tôi nói về cân bằng hooc môn, hệ thần kinh và lý thuyết stress của Selye, trong đó có nói chúng ta không thể có hòa bình tuyệt đối trong tư tưởng nếu chúng ta không hoàn toàn nhất trí và tin tưởng tuyệt đối vào trật tự vũ trụ.

Ngày 18, mít tinh vào buổi sáng. Tôi nói chuyện về các khái niệm vòng xoắn trên cơ thể con người. Con người thực là toàn bộ vũ trụ. Thực Dưỡng có nghĩa là trở thành con người như vậy. Buổi chiều, tôi nói về thực hành làm Sotai là món ăn mà họ rất thích. Sau đó tôi điều trị bằng bàn tay cho gia đình và vợ chồng và cách đọc bàn tay. Điều này tạo nên tính hiếu kỳ nơi họ. Họ vây quanh tôi và hỏi cách đọc bàn tay.

Anatwerp

ở ngoài trạm, ông Rik Vermuyten - người đã gặp tôi ở Luân Đôn - đang chờ tôi. Ông lái xe đưa tôi đến tiệm ăn ở Anatwerp của ông bà Peter Doggen và hai cặp khác. Tôi đã ăn trưa ngày thứ hai ở đó.

Sau bữa trưa, tôi hướng dẫn cách làm bánh mỳ tại nhà cho Peter. Cửa hàng và trung tâm ở tại những vị trí khác nhau. Trung tâm thì có nhiều. Trung tâm Amsterdam nhỏ hơn chứa những tiệm ăn, công sở, nhà văn hoá và những toà nhà ở.

Cuộc gặp bắt đầu lúc 8 giờ sáng. ở đó có nhiều gia đình với những vấn đề rắc rối, tôi trò chuyện làm sao để có được một đại gia đình thống nhất. Khoảng 50 người đã đến tham dự; có người đi cùng gia đình và những người già hơn ở tại Amsterdam. Họ đáp lại rất tốt. Những người lãnh đạo Thực Dưỡng ở Anatwerp là những gia đình hầu hết ở độ tuổi ngoài 30.

Luân Đôn

Sáng sớm hôm sau, Peter chở tôi đến sân bay và từ đây tôi bay về Luân Đôn. Buổi tối tôi đến Trung tâm Cộng đồng Sức khoẻ bằng xe điện ngầm. Bill Tara đón tôi và chúng tôi ăn tối cùng nhau.

Có nhiều thính giả trẻ tuổi ở Luân đôn - hầu hết họ đều ở lứa tuổi đôi mươi. Tôi trò chuyện về những vấn đề thông thường như ở Amsterdam. Trong ngày thứ ba có nhiều câu hỏi và nhiều cuộc tranh luận.

Bologna

Ngày 24-10 tôi đến Bologna. Chàng thanh niên Italia trẻ tuổi Alois Grasani tới đón chào tôi. Trung tâm là một tòa nhà ba tầng, có cửa hàng rất đông đúc, bếp, phòng ăn và văn phòng. Họ phục vụ bữa ăn trưa, còn bữa ăn tối theo kiểu tự phục vụ. ở đó, tôi gặp một cô gái Mỹ tới từ Philadelphia. Cô giới thiệu cho tôi về việc in ấn của họ và văn phòng giao dịch trong tòa nhà. Họ xuất bản hàng tháng tạp chí Ting với 3 thứ tiếng: ý, Pháp và Anh.

Họ không gọi hoạt động của mình là "Thực Dưỡng”, mà là “Con đường mới”. Cũng vậy, họ có ý tưởng khác về việc nấu ăn. Thay vì nấu nướng thức ăn trên lửa theo cách thông thường, họ nấu lúa gạo, đậu đỗ và rau trên lửa trong 15 phút và sau đó đậy kín trong vòng 1 - 2 tiếng.

Tôi nếm thức ăn được nấu nướng theo cách này. Đậu ngon tuyệt. Cơm càng ngon hơn. Họ nói rằng rau tốt hơn khi nấu theo cách này. Phương pháp nấu nướng này có thể tốt ở California, Nevada, Arizona hay Texas, nơi nóng bức. Họ làm như vậy để tiết kiệm năng lượng và vì lý do tâm lý là lửa tạo ra cảm xúc. Tôi khuyên họ rằng cách làm này có thể tốt cho những người thuộc dương, nhưng có thể là không tốt cho những người thuộc âm, người cần nhiều yếu tố dương (tức là lửa trong quá trình nấu nướng).

Bài giảng của tôi được yêu cầu bắt đầu vào lúc 10 giờ sáng, nhưng mãi tới 10 giờ rưỡi mới bắt đầu. Họ nói rằng đó là thời gian Italia. Tôi bảo, “đây cũng là thời gian ở Nhật Bản” và họ cười. Buổi trưa, chúng tôi nghỉ ngơi rồi bắt đầu lại vào lúc 2 giờ, kết thúc vào 6 giờ chiều và bắt đầu lại vào lúc 8 giờ tối. Đến 10 giờ đêm, tôi mới kết thúc một ngày dài.

Ngày 26-10, cuộc gặp gỡ bắt đầu vào lúc 12 giờ trưa và kéo dài đến 6 giờ chiều. Vào cuối buổi, tôi xem lòng bàn tay - nhiều người vây xung quanh tôi. Tối đó, tôi được mời đến dự tiệc do những người làm ở Trung tâm tổ chức. Khoảng 20 người và vài người bạn tới từ những Trung tâm khác tụ họp lại. Mới đầu, họ bàn tán về các Trung tâm Thực Dưỡng ở châu Âu và người lãnh đạo của những Trung tâm này. Alois yêu cầu họ ngừng kiểu nói chuyện đó lại. Anh ta dường như hiểu thông điệp của tôi trong 2 ngày mà tôi giảng dạy, nói chuyện.

Ngày 27-10, tôi tổ chức thảo luận trong cả buổi sáng. Buổi chiều, tôi tham quan những ngọn đồi ở Bắc Italia. Những thành viên của Trung tâm đã thuê 7 phòng ngủ để tu sửa lại căn nhà tồi tàn. Vài gia đình sẽ chuyển đến sớm. Thậm chí, họ còn trù tính làm trại hè ở đó vào năm tới.

Vì tôi bỏ quên áo mưa trên chuyến tàu gần Paris nên mọi người trong Trung tâm mua một cái áo mưa cho tôi như một món quà. Món quà này sau đó đã giúp tôi rất nhiều trong thời tiết lạnh giá ở Pháp, Bỉ và Anh.

Paris

Chuyến tàu đến nhà ga Lyon ở Paris rất đúng giờ. Tôi đi taxi tới trụ sở Tenryu, nơi tôi được đón chào bởi Clim Yoshimi và Francoise Riviere. Tenryu thuê ba căn nhà để mở cửa hàng, phòng học, văn phòng và nhà ăn. Họ là những nhà kinh doanh giỏi. Như mọi nơi khác, thực phẩm buôn bán của họ giúp cho việc xuất bản tạp chí. Tờ tạp chí xuất bản hàng tháng ở đây được gọi là Nguyên lý vô song, một trong những tên mà Ohsawa đặt ra để giải thích triết lý của mình.

Khoảng 20 người tập trung lại để nghe tôi nói chuyện tối đó. Phần lớn họ là môn sinh Thực Dưỡng ở Pháp. Tôi nói về lịch sử Thực Dưỡng ở Mỹ, đặc biệt là ở Bờ biển Tây. Sau đó, chúng tôi hưởng bữa ăn tối ở nhà hàng biển ở Paris. Những người theo dưỡng sinh là thực khách chính ở đây.

Ngày hôm sau, Clim đưa tôi tới hiệu sách ông Loc, đó là một cửa hàng nhỏ có những ấn phẩm in ốp-xet và có camera theo dõi ở tầng 2. Sau khi rời khỏi hiệu sách, tôi tới thăm tập san Le Compas. Ông Philip, chủ tạp chí nói rằng Compas lưu hành 6.000 bản mỗi quý, không tốn tiền giấy mà cũng chẳng tốn tiền lương gì cả (tiền bán tạp chí đủ bù đắp chi phí giấy, còn ba người đàn ông và một người phụ nữ Pháp làm việc tự nguyện). Tôi cảm kích trước lòng nhiệt thành của họ đối với Thực Dưỡng. Chính nhờ nhiều người hưởng ứng mà Thực Dưỡng được như ngày nay.

Clim và tôi ăn bữa tối ở hiệu ăn Nhật Bản với 2 người bạn Thực Dưỡng khác từ Nhật Bản tới. Chúng tôi nhận thấy thức ăn Nhật Bản rất phổ biến ở Paris. Sau đó, chúng tôi tới hiệu cà phê nổi tiếng Dome để trò chuyện. Chúng tôi cười đùa và nói chuyện cho tới giờ đóng cửa (2 giờ sáng) chỉ với 2 tách cà phê mỗi người. Chúng tôi trả 10 đôla - giá cả ở Paris quả là đắt đỏ.

Ghent

Sáng hôm sau là ngày cuối cùng của tháng 10, Clim đưa tôi đến Ghent. Anh ấy đưa tôi tới xưởng Lima, nơi tôi đã làm việc ở đó 17 năm trước đây, sau khi tôi bị trục xuất khỏi Mỹ. Giờ đây, xưởng Lima rất lớn và được thiết lập tốt. Họ nướng 5 tấn bánh mì hàng ngày bằng củi. Tất cả các sản phẩm làm ra như lúa gạo đóng bao, bột mì, mi-sô, tương và ta-ma-ri được làm tự động. Tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy họ có phòng pha chế, nơi họ có thể kiểm tra thực phẩm để tránh thuốc trừ sâu, màu thực phẩm, hóa chất... Thậm chí họ có thể phân biệt bột sắn dây với bột hoàng tinh (bột dong).

Sau khi thăm xưởng Lima, Clim đưa tôi tới Trung tâm của anh, nơi anh thuê gần đó. Nó nằm ở trước nhà ga Ghent và có 4 cửa hàng. Anh đang có kế hoạch rời Tenryu tới làm việc ở Trung tâm này để mở cửa hàng thực phẩm, mở lớp nấu ăn, giảng dạy và cho thuê phòng. Năm tới, anh sẽ rất bận rộn. Tôi hy vọng anh sẽ trở nên một nhà lãnh đạo lớn của Thực Dưỡng ở châu Âu cũng như của thế giới.

Kết luận

Ngày 1-12, Abe Nakamura tới thăm tôi lần nữa tại sân bay Brussels (Bỉ). Chúng tôi nói chuyện về mọi chủ đề, cả những vấn đề như: làm thế nào để sáng tạo ra hay kích thích sản xuất hooc môn, đặc biệt là axêtyl colin? Tại sao lúa gạo lại là thực phẩm chính của loài người? Sự thay đổi lực hút trên trái đất? Đây là nền tảng cho quan điểm của tôi về thời kỳ văn minh đồ đá trên trái đất cách đây 6.000 năm hoặc lâu hơn nữa.

Chúng tôi cảm thấy thật khó nói lời tạm biệt sau khi gặp lại nhau lần đầu sau 17 năm. Thời gian trôi qua thật nhanh - chuyến đi 3 tuần của tôi tới châu Âu đã qua. Có nhiều người bạn và các Trung tâm mời tôi trở lại để tới thăm họ lần nữa.

Số người theo Thực Dưỡng ở châu Âu nhiều hơn và tập trung hơn ở Mỹ. Họ khuyến khích và giúp đỡ nhau phát triển nhanh hơn ở Mỹ. Môn sinh Thực Dưỡng châu Âu ở cả hai dạng: chuyên sâu và người mới bắt đầu; ở Mỹ thì dường như là ở giữa hai dạng này. Do đó, môn sinh Thực Dưỡng ở châu Âu và châu Mỹ hợp tác với nhau sẽ rất tốt và sẽ tạo ra phong trào Thực Dưỡng mạnh hơn. Vì điều này, chúng ta cần phải phát triển sự liên lạc và thông tin tốt hơn.
Just Mini
3. Thị trấn jones
Tháng 2 năm 1979


Gần cuối năm 1978, thế giới sửng sốt khi nghe tin một vụ tự tử tập thể của những thành viên của giáo phái “Vì con người” (People’s Temple) ở Guyana. Loài người chưa từng trải qua việc như vậy trong lịch sử hiện thời. Chín trăm mười hai người tự tử theo yêu cầu của một người điên, mà họ tin rằng đó là Chúa. Tôi không hiểu tại sao gần một nghìn người tự tử giống như các người máy được lên chương trình tự động. Họ đã mất đi óc phán đoán của mình để tồn tại chăng?

Dù sao cũng chẳng có sự ngẫu nhiên nào trên thế giới này. Mọi thứ đều có nguyên nhân. Đâu là nguyên nhân của vụ tự tử tập thể này, của 912 người mà phần lớn là những người vô hy vọng? Những con người vô hy vọng là những người nô lệ, không có tự do, bần cùng và bất hạnh. Vì thế họ đã tìm một điều gì đó có thể cứu giúp họ. Chính vì điều này, họ tin rằng Jim Jones là nhà tiên tri. Jones đối với họ gần như là vị cứu tinh, người thuyết giáo và hứa hẹn một vùng đất, nơi mà mọi người được công bằng trong cuộc sống.

Jim Jones là người diễn thuyết có tài, và những người tin tưởng theo hắn ngày càng nhiều. Khi lòng tin của họ tăng lên, họ gọi hắn là “Cha”, cầu xin hắn chữa bệnh. Jones chữa bệnh bằng cách vẩy cành cọ. Chẳng mấy chốc, họ gọi hắn là “nhà tiên tri”. Lòng tin của họ càng tăng thì quyền lực của Jones càng nhiều. Cuối cùng, Jones tuyên bố hắn là vị cứu tinh của những con người vô hy vọng.

Khi những hội viên của giáo phái “Vì con người” lên đến khoảng 500 người, hắn chuyển về Bắc California, tới Trụ sở phân khu Mendocino, ở Ukiah. Cuộc di chuyển này bắt đầu như thế. Nếu hắn ta không di chuyển, thì cuộc tự sát tập thể có thể đã không xảy ra. Tôi tin chắc như vậy bởi vì sau khi di chuyển tới California, hắn ta bắt đầu “tăng mạnh liều ma tuý” lên. Tại sao hắn bắt đầu tăng lên? Bởi vì hắn có quá nhiều việc phải làm. Trong tạp chí New West phát hành ngày 18-12 (1978), Phil Tracy nói: “ Vài trăm con người rốt cuộc đã làm cuộc hành trình. Những căn nhà được thuê cho họ. Các công việc được tìm cho những người có thể làm việc”.

Điều này gợi cho tôi nhớ lại năm 1961, khi 16 gia đình Thực Dưỡng chuyển từ Nữu Ước tới Chico ở California. Sau khi chuyển tới Chico, họ bắt đầu với Công ty liên hợp Chico-San và khởi đầu thành lập Trung tâm Ohsawa ở Chico. Họ là cộng đồng Thực Dưỡng và sản xuất thực phẩm dưỡng sinh đầu tiên ở thành phố này. Nhóm này cũng tin tưởng vào người lãnh đạo là Geogre Ohsawa, như những thành viên của giáo phái “Vì con người” với người lãnh đạo của họ, Jim Jones. Dù sao, có sự khác nhau lớn là nhóm Thực Dưỡng không dùng tý ma túy nào cả.

Đưa tin này, tạp chí New West nói:

Không lâu sau khi đến Bắc California, Jones bắt đầu dùng thuốc kích thích để giữ nhịp độ. Jones thuyết phục nhóm người này rằng hắn ta được Chúa đề cử. Sau đó, có tin đồn là các bác sĩ thân thiết ở vùng Mendocino cung cấp ma túy bằng đơn thuốc... Jones bắt đầu tới thăm vùng vịnh San Francisco, tôn trọng các bổn phận công dân, và củng cố lại niềm tin. Jones đi tới tin rằng thuốc độc của hắn là để cạnh tranh với không chỉ Chúa Jesu mà còn cả với Lênin và Mao Trạch Đông. Hắn đã tạo ra trật tự xã hội mới mà nền tảng dựa trên sự bình đẳng dòng giống, cộng đồng cách mạng và giải phóng tình dục.

Từ thời điểm này, có lẽ vào khoảng năm 1970, sự mất trí của Jones trở nên càng ngày càng rõ ràng hơn, những hành động bất thường và chứng hoang tưởng tăng cao, theo tạp chí New West:

Những thành viên cộng đồng đã khai báo rằng hôn nhân và quan hệ tình dục của họ trở nên đồi bại. Những người chồng và vợ bị bắt buộc phải ngủ với những thành viên khác. Để việc theo dõi có hệ thống, Jones tuyên bố rằng những tay sai của chính quyền đang cố gắng để lọt vào điều tra và sau đó. mỗi thành viên phải chuẩn bị để thông báo cho hắn ta những hoạt động và tuyên bố của bất cứ thành viên nào khác... Không lâu sau đó, Martin Luther King đã bị giết, Jones làm giả vụ tự sát với sự giúp đỡ của một người phụ tá, đốt cuộn phim chụp và một túi nhỏ đầy máu gà để gây vết máu trên áo anh ta. Jones xuất hiện một tiếng sau, tuyên bố hắn ta đã trở về từ cõi chết. Trò hề này dần dần hấp dẫn chủ bút tôn giáo San Francisco Examiners sau đó; trong tháng 12 năm 1972, ông ta viết một loạt bài về quyền năng chữa bệnh của Jones. Nhưng Jones đã làm chấm dứt những sự điều tra tiếp theo bằng cách tổ chức ồ ạt những bức thư viết tay và chiến dịch biểu tình chống lại bài báo.

Mặc dù thói quen của Jones trở nên quá bất thường, những kẻ vô hy vọng vẫn tin hắn là Chúa - thậm chí khi hắn ta bắt đầu nói với họ rằng chẳng có Chúa nào cả và rằng hắn là sự hiện thân của Lênin. Khi Jones tăng sự sợ hãi tâm lý lên và bóp méo trật tự xã hội ở Mỹ, hắn đòi hỏi rằng các thành viên chuẩn bị để chuyển tới vùng đất hứa mới, nền cộng hòa mác xít của Guyana, Nam Mỹ, để thoát khỏi “chế độ độc tài phát xít” của chính phủ Mỹ.

Sau khi thu thập một lượng lớn vật chất và tiền bạc, họ chuyển tới Guyana và cuối cùng, Jones trở nên điên cuồng và yêu cầu các thành viên theo hắn ta đi tới kết thúc cuộc sống.

Tôi hiểu rằng sự điên cuồng của Jones là nguyên nhân của việc sử dụng ma tuý. Nhưng khó mà hiểu tại sao những con người vô hy vọng lại tin tưởng Jones như vậy. Họ chết cho cái gì? Họ học được gì từ hành động của mình? Có lẽ chẳng có ai có thể giải thích được ngoại trừ những người đã chết. Nghiệp chướng từ tổ tiên và từ những hành động của họ trong quá khứ có thể là nguyên nhân của hành động tiền định này. Theo sự suy đoán của tôi, việc Jones và các thành viên này sử dụng ma túy và đường ăn quá nhiều có thể là nguyên nhân chính và trực tiếp dẫn tới tấm thảm kịch này (đường ăn có thể gây hiệu quả tàn phá: tạo ra sự phục tùng mù quáng, sự tiêu cực và tính cách ngớ ngẩn).
Just Mini
4. Trung Hoa trở mình
Tháng 3 năm 1979


Trung Hoa là một cường quốc và dù chiến tranh lạnh hay nóng trong vòng 3 thập niên tới có xảy ra hay không, Trung Hoa vẫn tiếp tục phát triển. Trong cuốn sách “Trung Quốc 2001” bà Suyin Han nói rằng nước này sẽ là một đại cường quốc kỹ nghệ xã hội chủ nghĩa vào năm 2001 (Basic Books, 1967). Lời tiên đoán của bà có thể đúng, nhưng bà không tiên đoán được đường lối kỹ nghệ của xứ này. Không ai ngờ rằng thái độ đối ngoại của Trung Hoa thay đổi đột ngột như vậy, tức là mở cửa để trao đổi văn hóa, khoa học, kỹ thuật và kinh tế.

Tạp chí Times (Thời báo) phát hành ngày 1-1-1979 viết: “Cả một ý đồ to lớn, táo bạo và độc đáo trong lịch sử loài người! Trước đây chưa ai dám nghĩ đến việc chuyển hướng 1 tỷ người ra khỏi nếp sống khép kín, rập theo giáo điều để đem 1/4 nhân loại này lại gần các cộng đồng khác vào cuối thế kỷ XX. Đây là một trong những quyết định táo bạo nhất trong thế kỷ này, vì lịch sử thế giới sẽ do đó mà biến cải cũng như Hittle và Tojo đã khai màn Thế chiến thứ 2 cho lịch sử thêm đậm nét vậy.”

Dân Trung Hoa có tính hay tin một cách mặc nhiên rằng cuộc sống luôn biến dịch giữa hai cực, lịch sử cũng thế: một giang sơn chia cắt mãi rồi cũng có lúc thống nhất, thống nhất mãi rồi cũng phân ly. Trước kia nếu một nông dân được hỏi làm thế nào để tăng gia sản xuất gạo thì anh ta cứ trả lời như máy: “Thông suốt tư tưởng Mao Chủ tịch”, giờ đây câu trả lời thường là: “Thêm phân hóa học” (theo Times).

Gần 30 năm sau khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa được thành lập, các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhận ra sai lầm trong đường lối cải cách của Mao. Sai lầm trầm trọng nhất là cuộc Cách mạng Văn hóa mà chính sách bế quan toả cảng đứng hàng đầu, khiến cho nông nghiệp không thoát được lề thói cổ xưa, nên dân chúng phải chịu thuế lương thực và làm cho kỹ nghệ chiến tranh phải thụt lùi 20 năm so với các siêu cường. Chính sách ấy loại trừ tri thức nên khoa học kỹ thuật trì trệ suốt 20 năm.

Thủ tướng Đặng Tiểu Bình quả thực là cương nghị. Ông đã sửa sai đường lối của Mao Chủ tịch, một chính sách mà trước đây tất cả dân Trung Hoa xem như là kinh thánh. Đặng Tiểu Bình đặt tên cho phong trào sửa sai này là “Phong trào 4 hiện đại hóa”, nhằm cải tiến một loạt các ngành nông nghiệp, công nghệp, khoa học, kỹ thuật và quốc phòng. ý đồ này quá ư bất thường và độc đáo nên chúng ta chỉ có thể so sánh kế hoạch ấy với việc canh tân đất nước của Nhật Bản và Đức sau Thế chiến thứ II và với việc kỹ nghệ hóa toàn nước Mỹ sau Thế chiến I.

Từ lâu, Trung Hoa đã có nền văn minh và văn hóa cổ, có số dân đông nhất trên hành tinh này và một lề lối bang giao kín cổng cao tường. Napoleon đã từng gọi xứ này là “Con cọp ngủ” và đã cảnh báo thế giới đừng đánh thức nó - giờ đây cọp đã thức rồi!

Đến năm 1978, Trung Hoa quyết định khai thác tất cả tài nguyên của mình; điều này gây ảnh hưởng to tát đến nền bang giao quốc tế xuyên qua thị trường hàng hóa, đường hàng không, thông tin, các chương trình tivi, khoa học, chính trị và đặc biệt ảnh hưởng đến cán cân quân sự thế giới.

Chính sách cởi mở này nhằm kề vai sát cánh với các quốc gia khác để sống chung hòa bình trong thịnh vượng, và đều được mọi người hưởng ứng. Nhưng cũng có một trọng điểm đáng lo ngại là ông Đặng sẽ gây một lỗi lầm y như các quốc gia được công nghiệp hóa khác, nếu cho sử dụng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu trong nông nghiệp.

Ông nên học phương pháp cải tiến nông nghiệp bằng phân hữu cơ và sử dụng nguyên tử cho hạnh phúc nhân sinh, để vùng đất tươi tốt của Trung Hoa không bị phân hóc học làm tàn úa.

Chúng tôi còn một đề nghị nữa có ích cho chuyến vạn lý trường chinh: xin đừng đem đường vào các bữa ăn của nhân dân. Tờ thời báo Times có nói là Nhà nước đã cho hãng Coca Cola được đặc quyền bán ở Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Ôi, thương đau! Tin buồn quá. Nếu thế thì Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa cũng đang đi vào nẻo tự diệt như bao nhiêu quốc gia khác đang phủ lên mình lá cờ mang mấy dòng chữ “Nền văn minh tột đỉnh” - “Nền công nghiệp chói sáng rực trời”.

Trung Hoa cần thấy rõ rằng các nước tiến bộ vượt mức cũng trội vượt các xứ khác về tiểu đường, áp huyết cao và thấp, xơ cứng động mạch, chai gan, ung thư, tim mạch... , tức là các bệnh suy thoái. Căn nguyên của các bệnh này là dùng quá nhiều thực phẩm chế biến và tinh chất (các hạt ngũ cốc bị chà xát), các món quá béo, các món cực âm như đường, phụ liệu hóa chất (như đường hóa học saccharine, chất nhuộm và thuốc bảo quản thực phẩm).

Hầu hết các khoa học gia đều bất đồng ý kiến về quan điểm này. Có thể vì họ làm việc cho các công ty sản xuất thực phẩm! Nhưng cũng còn vài người lương thiện, họ khẳng định là có mối tương quan mật thiết giữa các bệnh suy thoái với đường và các loại hóa chất trong thức ăn uống. Đã có hàng ngàn cuốn sách và bài báo về đề tài này được phổ biến bằng nhiều ngôn ngữ kể cả tiếng Trung Hoa.

Tôi thành thực hy vọng các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ điều tra và nghiên cứu tác hại của các hoá chất và đường trước khi sử dụng các chất này trong chăn nuôi trồng trọt cũng như trong việc sản xuất và nhập khẩu thức ăn.

Tuy nhiên tôi thấy có một thất bại nhỏ trong công cuộc "4 hiện đại hoá" của Trung Hoa có thể làm hỏng tương lai của Trung Quốc. Đó chính là việc đưa hoá chất và đường sử dụng trong nông nghiệp và chế biến thực phẩm.
Just Mini
5. Nội Kinh, Chương 1
Tháng 4 năm 1979


Ngày xưa có một minh vương ở Trung Hoa rất thông tuệ. Ngay lúc sơ sinh ngài đã hiểu các lời đàm thoại. Khi còn trẻ tuổi, nhà vua đã là một người uyên bác. Vào tuổi trung niên, ông rất chính trực và trở thành hoàng đế. Tục truyền, khi băng hà hoàng đế cưỡi rồng về thiên cung.

Bữa nọ hoàng đế hỏi Kỳ Bá, vị thày của mình: “Trẫm có nghe rằng người xưa sống trên trăm tuổi mà vẫntráng kiện. Còn người đời nay, trái lại, khó sống ngoài 50 tuổi. Sao thế? Vì khí hậu đổi thay hay vì nếp sống?”

Kỳ Bá trả lời: “Cổ nhân thường chỉ dạy cho người bảo toàn mạng sống bằng cách tham khảo khoa bói toán và khoa chiêm tinh. Xưa con người sống thuận lẽ trời. Họ ăn uống điều độ, sống ngăn nắp và tránh mọi dồn ép tinh thần hay quá gắng sức, thể xác và tinh thần được quân bình nên thọ trên trăm tuổi. Thời nay thiên hạ sống bừa bãi, họ uống rượu, ăn thịt và sinh hoạt tình dục vô độ. Họ chạy theo dục lạc nên không chủ động được cuộc sống, nên họ phải già nua trong 50 năm. Nếu tránh được dục vọng thái hóa thì nguồn tinh lực sẽ luân lưu khắp thân thể và các cơ quan hoạt động điều hoà, do đó dòng máu chảy được thông suốt, thận tiết ra chất kích thích tố một cách đều đặn (điều này cũng có ý nghĩa là bộ phận sinh dục và năng lực tình dục được bảo toàn) và vi khuẩn không gây bệnh được."

"Nên tránh nhiều ham muốn; làm một việc vừa đủ tốt thôi, giúp cho tinh thần được thanh tịnh ít bị dồn nén. Hãy tránh những việc quá vất vả để sinh lực do dinh dưỡng và sinh lực đề kháng có thể lưu chuyển khắp cơ thể. Nói rõ hơn, kẻ nào ít dục vọng sẽ sống trong sảng khoái. Đối với loại người này món ăn nào cũng ngon, áo quần nào cũng mặc được, danh vọng cao sang không cám dỗ được họ, họ không trọng phú, khinh bần. Xã hội nào có nhiều người như thế sẽ ổn định và bình an. Con người trong xã hội đó sẽ sống hạnh phúc vì không bị lầm lạc trong các thú vui tạm bợ, ngay cả kẻ khùng hay người trí cũng không phải lo âu. Điều này có nghĩa là nếp sống của họ đã được ngăn nắp mà không vi phạm trật tự thiên nhiên, vì vậy họ sống hơn trăm tuổi”.

Hoàng đế hỏi: “Tại sao chúng ta không sinh con được sau một độ tuổi nào đó? Chỉ vì tuổi đời hay vì đã hết mầm mống sinh con?”.

Kỳ Bá đáp: “Đầu tiên, tôi xin nói về phụ nữ. Lúc 7 tuổi, cô gái có được tinh lực của 2 quả thận nên có răng tóc đầy đủ. Lên 14 tuổi có khả năng tình dục, đường kinh lạc trung tâm đã hoàn thiện và có kinh nguyệt đều đặn và có thể sinh con. Vào tuổi 21 (7x3) tinh lực của thận lưu chuyển điều hòa khắp thân thể, răng khôn mọc ra. Vào tuổi 28 (7x4), cơ bắp và tóc phát triển trọn vẹn và đạt độ chín muồi của người đàn bà. Vào tuổi 35 các vết nhăn xuất hiện, tóc rụng. Vào tuổi 42, mặt tiều tuỵ, thêm vết nhăn, tóc bạc. Đến 49 tuổi máu huyết suy kém, kinh kỳ ngưng, hết khả năng sinh con."

"Đối với đàn ông, sinh lý thay đổi theo chu kỳ 8 năm. Khi được 8 tuổi, tinh lực của thận phát triển tốt, răng tóc đầy đủ. Vào tuổi 16 sinh lực tình dục trưởng thành. Đến 24 tuổi tinh lực của thận (năng lực tình dục) lưu chuyển khắp cơ thể, bắp thịt tăng trưởng, mọc răng khôn cuối cùng. Vào tuổi 32 (8x4) bắp thịt rắn chắc, nam tính ở cao điểm. Đến tuổi 40 khả năng tình dục suy giảm, tóc rụng bớt, răng hư. Vào tuổi 48, việc lưu thông của dương lực bị suy nhược nên gương mặt bắt đầu tiều tuỵ vì thiếu chất dinh dưỡng, da nhăn, tóc bạc. Vào tuổi 56 tinh lực của gan yếu đi và các cơ bắp mất khả năng co giãn, thận yếu, tình dục yếu, cơ thể bị lão hoá. Vào tuổi 64, răng tóc rụng và không còn mọc lại, vì tóc và răng có tương quan mật thiết với thận nên thận lúc này coi như yếu thật sự. Thận là cơ quan lưu trữ năng lực để điều hành các cơ quan nội tạng. Thận yếu làm các cơ quan trong thân thể bị suy yếu cho nên tóc bạc, bắp thịt nhão, chân yếu, thân thể trở nên khô cứng, khả năng sinh con không còn nữa”.

Hoàng đế hỏi: “Tuy nhiên người già đôi khi cũng có con. Đâu là nguyên nhân của điều này?”.

Kỳ Bá đáp: “Vì người đó sinh ra với thận đặc biệt cường tráng nên tinh lực lưu chuyển đều đặn qua các kinh mạch. Tuy nhiên, việc thích thú tình dục thật là hi hữu đối với phụ nữ sau tuổi 49 và đàn ông sau tuổi 64”.

Hoàng đế hỏi: “Nếu có người luyện tập như Lão gia nên biết cách bảo tồn tinh lực thì ông ta có khả năng duy trì tình dục cho đến tuổi 100 không?”.

Kỳ Bá đáp: “Được. Tôi có nghe về các đạo gia. Vào thời cổ, có những chân nhân, người nhận thức được trật tự vũ trụ, người sống hòa hợp với nguyên tắc âm dương và điều hòa được khí. Do đó, họ vượt khỏi mọi bệnh tật, họ bảo tồn được sinh khí. Cơ thể và tâm trí hoạt động hài hòa với trời đất, vì vậy họ sống trường thọ."

"Thời Trung cổ có những hiền nhân ngộ nhập được trật tự thiên nhiên, sống thuận lẽ âm dương và hòa hợp với bốn mùa. Họ bỏ xã hội lên vùng núi cao, thở không khí trong lành, duy trì được sinh lực tuyệt vời. Ngày nay cũng có các hiền nhân sống hòa hợp với 4 mùa, thích nghi với ngày đêm nên không bao giờ đau khổ vì bệnh dịch hay vi khuẩn. Họ luôn luôn biết đủ, ít ham muốn, không bao giờ sân hận và được thiện cảm của mọi người. áo quần không quá lệ thuộc thời trang, không làm việc quá sức, giữ tinh thần an tịnh, mãn nguyện với cuộc sống đạm bạc. Họ sống hơn trăm tuổi. Hiện nay có nhiều người khôn ngoan muốn noi gương chân nhân. Nhưng họ không phải chân nhân cho nên cuộc sống không được trường cửu dù họ có thể kéo dài cuộc sống vì biết thuận theo trật tự vũ trụ và hài hòa với sự thay đổi thời tiết”.

Hoàng đế nói: “Điều này trẫm hiểu. Trẫm mong ước thành chân nhân để cưỡi rồng về thiên cung”.
Just Mini
6. chứng Bệnh âm thịnh
Tháng 6 năm 1979


Ngày 25-3 vợ tôi đi San Francisco để hội họp. Sau buổi họp chúng tôi đi xem phim China Syndrome (Hội chứng Trung Hoa). Phim hay, thực tiễn và có mục đích nhân đạo chỉ trừ tựa đề chưa được ưng ý. Đúng ra tựa đề nên đặt là Yin Syndrome (Hội chứng âm thịnh), vì nỗi lo sợ phóng xạ nguyên tử là triệu chứng âm thịnh của nền văn minh hiện đại.

Vài bữa sau, đúng ngày 28-3, tôi ngạc nhiên vì chuyện phim trở thành sự thật ở Three Mile Island. Biến cố đúng lúc này góp phần quảng cáo rầm rộ cho hãng phim Columbia nên lợi nhuận tăng gấp 5 lần, theo nhận định của tờ Thời báo.

Vì phong trào chống đối chiến tranh hạt nhân do các nhà môi sinh học, các nhà tự nhiên học, các nhà nghiên cứu sức khoẻ cổ động các quy đinh về an toàn được thắt chặt hơn đã làm đẩy giá điện tăng vọt. Đấy là bệnh chứng âm thịnh số một. Bệnh chứng âm thịnh số hai là nỗi lo sợ phóng xạ nguyên tử. Các nhà khoa học nóirằng một lượng lớn phóng xạ sẽ gây nguy hại không lường được. Nếu 100 rems vào cơ thể thì người nhiễm phóng xạ mang các triệu chứng thiếu máu, băng huyết và nhiễm trùng; 500 rems gây tử vong. Hầu hết mọi người tiếp nhận 200 mili rems hàng năm, mà trong đó 100 mili rems là do thiên nhiên - lượng phóng xạ này là nguyên nhân gây ra 1 - 2% các trường hợp ung thư. Còn 100 mili rems thì do các nguồn phóng xạ nhân tạo như các dụng cụ y khoa, đồng hồ đeo tay, các lò vi sóng, các hoạt động khai khoáng và phát điện. Tuy nhiên, mức độ an toàn về nhiễm phóng xạ đang còn là điều tranh cãi. Trong những năm gần đây, vài nghiên cứu cho thấy số lượng bệnh nhân ung thư tăng lên chỉ do nhiễm một lượng phóng xạ thấp.

Theo nguyên lý Thực Dưỡng, phóng xạ là chất âm và ung thư thì cực âm. Do đó bị nhiễm phóng xạ quá nhiều thì sẽ bị ung thư. Dù sao, như Ohsawa nói là không có "bệnh vì phóng xạ". Nếu chúng ta tránh không sử dụng thường xuyên các thức ăn cực âm như đường, rượu, dấm, cà phê, trái cây nhiệt đới (với các nước ôn đới)..., chúng ta có thể miễn dịch đối với phóng xạ.

Ta không cần sợ phóng xạ, sợ phóng xạ là bệnh chứng “âm thịnh”. Theo bảng thống kê thì Nhật Bản, nước đã nhận 2 quả bom nguyên tử, là xứ có mức bệnh bạch cầu không phải cao nhất, mà lại là thấp nhất. Tất cả bệnh bạch cầu ở trẻ em và người lớn ở các nước phát triển lại có mức cao nhất: Đan Mạch (khoảng 7,5 trong 100.000 người), Mỹ (khoảng 6,2), Thuỵ Sĩ (khoảng 6,0). Thấp nhất là ở Nhật (2,8), Bồ Đào Nha (3,3) và Iceland (4,7) (Trích từ The Savage Cell của Pat McGrady, Basic Books, 1964).

Tóm lại, có 2 loại bệnh chứng âm thịnh. Loại thứ nhất thuộc tâm lý: căng thẳng, lo âu, thụ động, trầm mặc, cách sống thiếu lành mạnh, thiếu tập trung, mất trí nhớ, quyết đoán chậm. Loại thứ hai thuộc sinh lý: dư axit trong bộ tiêu hóa, thiếu máu, băng huyết, sưng phù hay da bị đỏ, mắt uể oải, thiếu sinh lực, chậm chạp, táo bón (đôi khi do dương thịnh), tiêu chảy, ăn mất ngon, hoại huyết, ung thư, áp huyết thấp. Tóm lại đó là tất cả các bệnh thời nay trừ vài thứ bệnh như tim, da, táo bón nhất định...

Nguyên do chính khiến cơ thể bị âm thịnh là vì chế độ ăn. Bằng cách quân bình các bữa ăn, chúng ta có thể giữ cho cơ thể không bị âm thịnh mà lại có đời sống vui khoẻ.

ở vùng ôn đới (tại Mỹ), các bữa ăn quá âm là do các thực phẩm sau đây được ưa dùng thường xuyên:

1. Đường và sản phẩm có đường.
2. Thức ăn tinh chế, đặc biệt là cốc loại tinh chế.
3. Các chất nhuộm mầu thức ăn và chất phụ gia bảo quản.
4. Thực phẩm động vật (đặc biệt là được nuôi tăng trọng).
5. Dấm, gia vị, cà phê.
6. Nước giải khát, bia, rượu và mọi đồ uống có cồn.

Theo bảng kê khai trên đây thì 3 món đầu phải được loại trừ vì quá độc hại. Đó cũng là bước đầu tiên giúp cơ thể có đủ sức đề kháng phóng xạ nguyên tử.
Just Mini
7. câu chuyện về Sagen Ishizuka
Tháng 2 năm 1980


Sagen Ishizuka sinh ngày 4-2-1851 tại làng Kukui. Lúc 18 tuổi ông đã hiểu rành 4 ngoại ngữ: Đức, Pháp, Hà Lan và Anh. Ông dùng 4 ngoại ngữ này để tìm hiểu hóa học, y học và thiên văn học.

Khi lên 4 tuổi ông bị bệnh ngoài da, đến 5 tuổi thận bị bệnh nặng và đó là nguyên nhân cái chết của ông sau này vào tuổi 59. Căn bệnh ngoài da này sinh ra do chứng thận suy, mà chứng này sinh ra do bà mẹ ông ăn rất nhiều cá và gia vị cay nóng lúc mang thai. Về sau qua nghiên cứu phương pháp Thực Dưỡng và Đông y, ông tìm thấy mối tương quan ấy.

Đến 28 tuổi, ông là bác sĩ phục vụ trong quân đội. Bệnh thận làm sưng chân và phù mí mắt rất nặng.

Đến 32 tuổi, bệnh thận lại tái phát trầm trọng. Đó là lúc ông tìm ra tương quan giữa thức ăn và bệnh tật.

Đầu tiên ông cố chữa căn bệnh của mình thông qua Tây y. Nhưng sau khi thấy rằng Tây y không giúp ích gì được gì nhiều, ông bèn bước sang Đông y. Sau khi nghiên cứu cả hai nên y khoa, ông thấy rằng thức ăn thích hợp đem lại sức khoẻ cho con người. Cuốn Nội kinh viết có 3 loại thuốc:

1. Loại kém nhất trị được 6 trong 10 bệnh nhân, để lại chút ít chất độc trong cơ thể.
2. Thuốc tốt nhất chỉ trị được 8 hay 9 bệnh nhân.
3. Thực phẩm là thuốc, các bệnh mà y học đầu hàng chỉ trị lành bằng thực phẩm.

Sau nhiều năm nghiên cứu Tây y ông kết luận là thức ăn là loại thuốc cao nhất, ông nhận thấy rằng tất cả bệnh và suy nhược cơ thể đều do sai lầm trong ăn uống. Ông lập nên ngành khoa học về thức ăn tạo ra sức khỏe và hạnh phúc, hay còn gọi là “Shokuyo”, sau này Ohsawa gọi là Pháp môn Thực Dưỡng.

Vậy “Shokuyo” là gì? “Shoku” là tất cả chất và năng lượng dùng tạo ra và nuôi dưỡng con người. “Yo” là phương cách áp dụng Shoku để nuôi dưỡng và cải thiện chúng ta.

Tinh thần và cách trị liệu của Shokuyo hoàn toàn trái ngược với Tây y. Sagen Ishizuka khuyên ta nên dùng đậu đỏ, gạo lứt để trị bệnh dạ dày nhưng Tây y lại cho rằng gạo lứt khó tiêu. Ông cũng khuyên mọi người nên dùng củ ngưu bàn, nước củ cải và gạo lứt …, những thứ mà con người ngày nay đều cho rằng không có giá trị chữa bệnh. Ông nhấn mạnh vào việc nâng cao sức đề kháng để đối kháng bệnh tật hơn là đối trị triệu chứng.

Để dễ áp dụng Shokuyo vào cuộc sống thực tiễn, ông chia thức ăn thành 2 loại: một loại là Kali và một loại là Natri. Ông lý giải không chỉ bệnh tật mà tất cả các hiện tượng tự nhiên như thay đổi thời tiết, khác biệt của các sinh vật..., đều do tỉ lệ Kali và Natri.

Vào thời của Ishizuka, lý thuyết về dinh dưỡng chỉ chú trọng vào 3 yếu tố dinh dưỡng: chất đạm (protit), chất béo (lipit), chất đường bột (gluxit). Theo ý kiến của ông, hầu hết các thành phần của thân thể đều được cấu tạo nhờ thực phẩm vô cơ. Các khoáng chất vô cơ điều hòa sinh hoạt nội tạng, sự biến dưỡng và hoạt động của hệ thần kinh. Hai chất khoáng vô cơ hệ trọng là kali và natri, đặc tính của chúng rất giống nhau nên khó phân biệt. Tuy nhiên khi phối hợp với axit để trở thành muối, thì muối kali và muối natri lại hoàn toàn khác biệt. Tác dụng của muối kali và natri tương phản trong cơ thể như vợ chồng vậy, chúng không chỉ đối nghịch mà còn bổ túc cho nhau. Theo quan niệm của ông, nếu đem so sánh các chất dinh dưỡng với quân đội thì gluxit là binh lính, còn chất béo và protein là sĩ quan, kali là thiếu tướng còn trung tướng là natri.

Muối kali làm tăng sự ôxy hóa, còn muối natri lại cản trở. Để chứng minh, ta nhồi tro (K) vào sợi dây, để cho thật khô. Buộc một cái kẹp vào một đầu, đầu kia treo lên và đốt sợi dây, dây cháy và kẹp rơi xuống. Nếu dùng clorua natri thay vì tro (K) thì dây cũng dễ cháy nhưng kẹp không rơi, vì muối natri trên dây ngăn trở sự oxy hóa hoàn toàn. Sự cháy không trọn vẹn tạo ra tro màu đen.

Vì thế nếu người nào ăn ngũ cốc và rau củ có chứa nhiều kali, máu sẽ oxy hóa hoàn toàn, do đó chức năng hoạt động của cơ thể cũng được tốt hơn. Ngược lại người dùng thịt, cá, trứng chứa nhiều natri thì máu oxy hóa kém và để lại nhiều axit độc hại. Vậy người dùng thức ăn thảo mộc sống thọ hơn người dùng thức ăn gốc động vật. Không khí vùng biển chứa nhiều natri hơn vùng núi, nên dân ở ven biển không sống lâu bằng dân miền núi.

Muối kali bắt lửa, cháy nhanh nhưng cũng có đặc tính giải nhiệt và giữ độ mát, nên kali được dùng trong y dược để giải nhiệt. Ngược lại muối natri cháy chậm và có đặc tính tăng và giữ nhiệt. Củi ở vùng xa biển dễ bắt lửa và cho tro trắng. Ngược lại, củi ở ven biển khó bắt lửa và cháy chậm, tro đen.

Nhật Bản có phong tục thiêu xác chết, người ta thấy tro của xác người ăn chay thì trắng, còn của người ăn thịt thì tro đen. Nhờ thế mà ta có thể biết trình độ tâm linh của tu sĩ. Nhìn thấy tro trắng có thể đoán biết ngay là vị tu sĩ quá cố là vị tăng sống cho tâm linh.

Bác sĩ Ishizuka nói rằng sự sai biệt về sinh lý (như màu da, thể tạng mập hay ốm, tốc độ tăng trưởng, thể lực, tuổi thọ, bệnh, giọng nói, trí nhớ...) tùy thuộc hoàn toàn vào môi trường sống và lượng muối kali hay natri đã dùng qua các món ăn. Nhờ phát hiện này, ông đã thành công trong việc trị liệu. Sách của ông được phát hành, tiếng tăm vang lừng nên hằng ngày có hàng trăm bệnh nhân đến khám. Ông trị liệu bằng cách chỉ bảo cách ăn uống, chỉ có thế! Thư các bệnh nhân gởi cho ông có đề địa chỉ: "Bác sĩ chống lại bác sĩ" (D.r Anti-Doctor).

Sau khi ông tạ thế, các môn đệ thành lập Hội Thực Dưỡng Shokuyokai. Khi Hội này gần phá sản, một thanh niên đã từng dùng gạo lứt để tự trị lành mọi bệnh tật, bỏ tiền ra để tổ chức lại Hội. Họ lấy lại được tiếng tăm và hàng trăm người lại đến để chẩn trị bệnh hàng ngày. Người thanh niên đó là Ohsawa, người giỏi doanh thương và nghiên cứu tích cực học thuyết của Ishizuka.

Khi Ohsawa nghiên cứu lý thuyết của Ishizuka ông nhận thấy luận điểm để giải thích mối quan hệ giữa hai loại muối Ka và Na đã có ở phương Đông từ hàng ngàn năm trước đây. Sau nhiều năm nghiên cứu, Ohsawa chuyển cách gọi muối kali, natri thành cách gọi mới, đó là âm và dương.
Just Mini
8. ấn Loát và món Tempura
Tháng 2 năm 1980


Việc in opset và việc nấu món tempura đều dựa vào cùng một nguyên tắc.

Trong vũ trụ, nước là chất quan trọng, hữu ích và lý thú nhất. Ai cũng biết nếu không có nước thì không có đời sống. Trên lĩnh vực sinh vật học, nước là nguồn sống. Trên lĩnh vực hóa học, nước là chất hòa tan. Nước làm tiêu tan mọi vật ra từng mảnh vụn. Nó phân huỷ nguyên tử ra thành ion... Do đặc tính hòa tan và phân huỷ này, chúng ta xếp loại nước vào chất âm.

Tuy nhiên theo lý tính của nó, nước đi từ cao xuống thấp, nên lại mang tính chất dương. Nó chảy thẳng xuống, như các con suối, thác nước, con sông. Các dòng sông không bao giờ chảy từ biển về núi. Nước mưa luôn đổ từ trên cao xuống. Hơn nữa, về mặt vật lý, nước là rất dương bởi vì nó không thể bị huỷ hoại, đây là đặc tính khó tưởng tượng được. Dù dưới áp suất hàng triệu tấn, nước (mọi chất lỏng) vẫn không bị phân huỷ, nên được dùng trong thuỷ lực để phục vụ kỹ nghệ.

Nước mang âm tính vì nó khắc hoả, làm dịu hơi nóng, hút hơi nóng. Vì thế sai biệt nhiệt độ giữa ngày và đêm ở miền biển rất ít. Còn ở miền núi sai biệt này rất cao.

Bạn cần tính xem ta cần bao nhiêu nước thì dội tắt được mặt trời! Dầu là chất lỏng, cũng như nước, dầu cũng không bị phân huỷ dưới áp suất nên được làm chất nhờn để làm trơn máy. Ta thay đổi dầu nhớt khi nó bẩn. Đây là tính chất dương của dầu. Tuy nhiên nó cũng âm! Sao thế? Nó nhẹ hơn nước. Còn một sự kiện nữa khiến ta có thể bảo rằng dầu có tính chất âm, là dầu không hòa hợp với nước. Do đó dầu âm thì nước cũng âm (âm và âm đẩy nhau ra). Vì hai đặc tính không hợp nhau này nên dầu và nước đều được sử dụng trong kỹ nghệ ấn loát và trong thuật nấu ăn của phương Đông.

Trang sách các bạn đang đọc đây được in ôpxet. Chữ và hình ảnh đã ấn hoạ vào bản khắc. Bản khắc thụ cảm nước nên loại trừ mực. Vải hay giấy dùng để in ra chữ hay hình lại thụ cảm mực có chất dầu, nên không dung nạp nước. Hình đã tẩm mực được chuyền lên lớp cao su bao bọc một ống hình trụ rồi vào giấy...

Trong thuật nấu ăn, món ăn khá đặc thù của người Nhật có tên là tempura, khi dầu được đun nóng đến cao độ, thì thả các lát rau củ tẩm bột vào. Đây là món vừa ngon vừa đẹp, mà các cao lâu Nhật Bản đều có. Theo giáo sư Ohsawa, đây là cách dương hóa món ăn. Lối nấu ăn này sử dụng tính chất không hòa hợp của nước và dầu khi rau củ tẩm bột được thả vào dầu sôi, dầu tráng một lớp mỏng trên món này, nước trong bột nhồi, trong rau bốc hơi, nhưng bị lớp dầu bọc xung quanh ngăn trở làm tăng áp suất và nhiệt độ hơi nước. Nước trong rau củ không mất và các chất dinh dưỡng cũng được bảo tồn nên các món chiên nấu theo lối này rất ngon, bổ. Điều này là lý do mà các thực phẩm, đặc biệt là rau củ, nấu theo phương pháp tempura rất ngon.

Phương pháp ấn loát và nấu ăn trên là một trong những ứng dụng của nguyên tắc âm đối kháng âm. Bạn có thể sáng tạo ra nhiều cách sử dụng nguyên tắc âm đối âm, cũng như âm thu hút dương hay dương đối dương. Hãy ứng dụng nguyên tắc của âm và dương trong cuộc sống của bạn và hãy sáng tạo.
Just Mini
9. câu chuyện về soba
Tháng 4 năm 1980


Lịch sử ghi lại rằng soba đã từng là món ăn vào khoảng năm 710 ở Nhật. Vào thời đó, soba không phải mì sợi, mà giống như bánh mì ngô. Nó được ăn sau khi nướng trên lửa. Sau đó món soba-gaki được phát triển. Đó là vào khoảng năm 1700, khi mì sợi soba bắt đầu xuất hiện. Điều kỳ lạ là, theo thói quen ở các nhà hàng, mì sợi soba chỉ được ăn một bát. Người ta không thể yêu cầu bát thứ hai. Dĩ nhiên, mì sợi được làm thủ công.

Soba được coi là món ăn tốt nhất ở núi Kurohime, vùng Nagano-ken. Có một truyền thuyết nói rằng tỉnh này có tên là Sarashina ở vùng Nagano-ken, được đặt tên như vậy bởi vì một người nào đó đã trồng kiều mạch ở vùng này, mà hạt giống đem về từ Saracen Empire (Trung Đông). Từ huyền thoại này, Sarashina soba là một loại tên nổi tiếng của mì sợi soba ở Nhật.

Vào lúc ban đầu, mì sợi soba được phục vụ đơn giản ở ba dạng: mori (mì được dọn ra bát với nước xốt ở bên cạnh); kake (mì sợi trong món súp); và soba-gaki (mì sợi kiều mạch được trộn với nước nóng và ăn với nước xốt) (?). Dù sao, khoảng 100 năm sau, cảng ở Nagasaki được mở cửa và đĩa châu Âu và Trung Quốc được nhập cảng. Nhiều người bắt đầu dùng đĩa để ăn. Kết quả là nhà hàng soba trở nên phổ biến. Để tăng khách, một loại đĩa mới được cải tiến, thêm vào fishcake (bánh nhỏ dẹt bằng cá luộc và khoai tây thái, thường có phủ vụn bánh mì), trứng, thịt gà, nấm, fu (gluten lúa mì, chính là mì căn, một thứ thực phẩm có độ dai như thịt lấy từ bột mì, thường dùng làm thức ăn), yuba (tào phở) và rau để trên cùng. Một số được gọi bằng những tên sau đây:

Tempura soba: con tôm tempura đặt ở trên mì, dọn theo kiểu kake. Đây là món ăn phổ biến cho những người nước ngoài.

Yamakake soba: mì sợi đặt lên trên với yama-imo nạo (jinenjo-imo trồng trọt, củ cải dương, khoai tây cắt lát). Món này được dọn theo kiểu kake.

Tsukimi soba: trứng tráng hơi quá lửa đặt trên mì. Dọn theo kiểu kake.

Ankake soba: mì được phủ bởi nước xốt sắn dây và dọn theo kiểu kake.

Mori soba với yama-imo: mì nấu và nhúng vào yama-imo nạo, dọn theo kiểu mori.

Mori soba với củ cải nạo. Khi tôi ở Boston vài năm, tôi tới gặp ông Hayahi, đầu bếp quán Thứ Bảy. Lúc đó gần nửa đêm, vì vậy ông phục vụ chúng tôi món soba dùng ngay, đó là món ăn soba ngon tuyệt mà tôi đã từng được ăn. Nó ít đòi hỏi nấu nướng, vì vậy bạn có thể dọn nó cho những thực khách bất thình lình. Mì soba đun sôi, để ráo nước và dọn với củ cải daikon, nước xốt tự nhiên, hành xanh và nori.

Kaki tama soba hay Tanuki (badger) soba: Món súp được làm bằng cách dùng vài miếng bột rán được để riêng trong lúc nấu món tempura. Đây là món ăn không đắt lắm, một cách nhanh chóng để làm món súp mì. Mì được dọn ra với món súp này theo kiểu kake.

Tori- nanban soba: mì được phủ bởi thịt gà và hành lát theo kiểu kake.

Kitsune soba: theo truyền thuyết, kitsune là một người tinh ranh, giống như đậu rán (già). Do vậy, đây là đĩa mì soba phủ đậu rán và dọn theo kiểu kake.

Còn có nhiều món soba nữa.

Kiều mạch là một loại ngũ cốc rất dương, nó có lẽ là loại ngũ cốc dương nhất. Do vậy, mì soba được phục vụ trong thời tiết lạnh giá - nhất là ở bắc Nhật Bản. Nhà hàng soba tồn tại chỉ ở Tokyo và bắc Tokyo. Tương tự như vậy, mì sợi làm bằng bột mì (được gọi là udon) thuộc dương. Udon được ăn ở Nam Nhật Bản và các nhà hàng udon tồn tại chỉ ở Nam Nhật Bản trong những vùng như Kyoto, Osaka và Kyushu. Ngày nay, không còn sự phân biệt khoảng cách nữa; bạn có thể ăn soba ở miền Nam và udon ở miền Bắc. Dù sao, ở miền Bắc thì cửa hàng mì được gọi với tên Soba-ya và ở miền Nam thì được gọi với tên là Udon-ya.

Nếu bạn sống ở vùng rất lạnh hoặc bạn có thể tạng âm thì soba (làm bằng kiều mạch) có thể tốt hơn gạo. Ngược lại, nếu bạn sống ở nơi khí hậu ấm áp hoặc bạn có thể tạng dương thì hãy ăn mì (làm bằng bột mì) nhiều hơn.

Ông Makoto Kano, một người đi tiên phong và cộng đồng sống theo tự nhiên ở Nhật sau thế chiến thứ II, hàng ngày đã ăn soba tự chế biến trong hơn 20 năm, bởi vì soba là món ăn duy nhất có thể kiếm được. Và kết quả là, ông trở nên rất dương vì ông đã ăn món soba tự chế chứ ông chưa từng đến gần một nhà hàng soba nào cả. Đơn giản bởi vì ông không thể ngửi được mùi soba ở tiệm ăn!
Just Mini
10. Lòng tri ân
Tháng 4 năm 1980


Khi lành bệnh, ta hay quên rằng y dược đã xoa dịu nỗi đớn đau của ta. Hình như thái độ bội bạc cũng có trong lĩnh vực Thực Dưỡng. Một thời gian sau khi nhờ phương pháp Thực Dưỡng mà ta lành bệnh thì ta lại quên mất giá trị của phương pháp này. Khi chúng ta quên đi giá trị của Thực Dưỡng thì chúng ta cũng đồng thời quên đi sự tri ân đối với sự cống hiến của tiên sinh Ohsawa.

Thật là khó khăn khi phải tri ân một người mà ta chưa từng gặp. Những người mới bước vào Thực Dưỡng chưa bao giờ găp tiên sinh nên họ không thể tri ân ông được. Nhưng tôi cảm thấy nếu chỉ thuần túy áp dụng phương pháp mà không có sự tri ân thì sẽ thiếu mất gốc rễ và không sớm thì muộn chúng ta sẽ lại chết vì căn bệnh. Một điều rõ ràng là nếu không có Ohsawa thì không thể có ngành Thực Dưỡng như ngày nay.

Ohsawa từng dạy rằng lòng tri ân là nền tảng của hạnh phúc. Tôi cũng đồng ý với tiên sinh. Có ít nhất 6 loại tri ân:

1. Tri ân các nguồn tài nguyên bao gồm cả không khí, nước, thực phẩm và dầu xăng.
2. Tri ân xã hội đã cung cấp cho ta nhữn thứ cần thiết.
3. Tri ân tổ tiên ông bà, cha mẹ đã nuôi nấng ta.
4. Tri ân bè bạn đã giúp ta trong những lúc thăng trầm của cuộc đời.
5. Tri ân thầy cô và các bạn ta, những người đã dạy ta sống hạnh phúc ngay cả khi họ chỉ trích và cả mắng ta nữa.
6. Tri ân bản thân chúng ta đã và đang tạo ra nếp sống cao đẹp với niềm tin vào trật tự vũ trụ và không đầu hàng trước mọi khó khăn.
Just Mini
11. Năm người phụ nữ Mỹ
Chuyến thuyết giảng Âu châu


Tháng 7 năm 1980


Đầu năm 1979 tôi bắt đầu kế hoạch đi châu Âu để thuyết giảng và mở các lớp dạy nấu ăn. Về sau, khi Cornellia và tôi tới Nhật với Bob và Betty Kenedy, chúng tôi gặp gỡ với Clim Yoshimi và Francoise Riviere ở Tokyo và đã cùng đáp tầu đi Kyoto và Osaka. Vào thời điểm đó, Cornellia đã hứa với Clim rằng tháng 5 tới chúng tôi sẽ có mặt ở Trung tâm của anh ta tại Paris để trợ lực cho việc thúc đẩy Trung tâm này.

Ngay khi tôi quay lại Mỹ vào tháng 10, tôi đã bắt đầu sắp đặt chuyến công du châu Âu. Tôi lo rằng chúng tôi chẳng thể giúp Trung tâm của anh ấy được nhiều, thay vào đó anh ấy sẽ phải giúp chúng tôi thì đúng hơn. Chuyến đi này ít nhiều đã có kết cục ngược lại với điều tôi trông mong. Tôi đã thất bại ở chỗ mà tôi đã mong thành công và đã thành công ở nơi mình đã không trông mong.

Những địa điểm tôi đã thăm ở châu Âu trong tháng 12-1978 kém thú vị hơn nhiều so vớinhững chỗ chúng tôi tới thăm lần này. Chúng tôi đã được đón tiếp và thú vị ngập tràn. Sự trọng thị và thích thú này chủ yếu nhờ vào năm người phụ nữ Mỹ đã lấy chồng châu Âu và bắt đầu mở những Trung tâm Thực Dưỡng ở đó. Không có 5 người này thì chuyến thuyết giảng của tôi có lẽ đã không thành công.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là Barbara Berger Gertsen, đã thành hôn với Tue Gertsen khoảng mười năm trước ở Copenhagen. Họ đã mở một Trung tâm Thực Dưỡng ở đó. Barbara chưa từng học Thực Dưỡng từ bất kỳ ông thầy nào, cô học mọi thứ từ sách vở - kể cả nấu ăn. Lớp dạy nấu ăn của Cornellia là lớp đầu tiên mà cô tham dự. Cho nên các bạn có thể hình dung lúc ban đầu cô đã nấu những bữa ăn dưỡng sinh kiểu gì. Sự độc đáo của cô không chỉ có thế. Cô được giáo dục ở một trường rất chuyên biệt là trường nữ sinh Ivy League ở Nữu Ước. Bố cô là sĩ quan cấp cao ở Lầu Năm Góc từng chỉ đạo chiến tranh Việt Nam, mà cô lại là một nhà hòa bình chống đối chiến tranh. Cô đã kết hôn với một người từ chối nhập ngũ vì cho rằng nhập ngũ là sai lầm. Mẹ cô là một người dạy môn golf chuyên nghiệp vốn chẳng bao giờ nấu nướng ở nhà.

Cô đã đi khỏi nhà ở tuổi 19, bỏ cả trường học, trốn tới khu nhà tạm của thành phố Nữu Ước và sống ở phía hạ Đông. Cô đã hòa mình vào nghệ thuật, trí thức, chính trị và chịu ảnh hưởng của Camus, Bob Dylan, cần sa, thuốc lá, chất gây nghiện... Rồi cô du lịch với chồng, đầu tiên là tới Hà Lan, Bỉ, Pháp, Italia, Israel, Tây Ban Nha, rồi trở lại Nữu Ước, đi Anh, về Nữu Ước, đi Canada, quay về Nữu Ước và rồi tới Mexicô. Cô hầu như sống dở chết dở khi tới Mexicô, nơi cô gặp một hoạ sĩ nổi tiếng Thuỵ Điển, Ragnar Johansson, người đã mời họ tới Thuỵ Điển.

Cô đã viết những trải nghiệm của mình dưới hình thức một cuốn sách và xuất bản năm 1967. Nó đầy ngờ vực, khốn khổ và buồn chán. Cô đã viết “liệu mình sẽ châm ngòi nổ quả bom là mình này chăng? Mình/ quả bom nổ chậm/ rồi nổ tung, nổ tung ra ghê gớm vào cõi vũ trụ/ quả bom nổ chậm/ tôi giao mọi thứ cho vụ nổ này và cái khoảnh khắc đó sẽ là năng lượng tinh khiết chứ?" Bây giờ cô là mẹ của ba đứa con, một giáo viên giỏi về Thực Dưỡng, ở một nước có tỉ lệ phá thai cao nhất thế giới. Cuốn sách Thực Dưỡng thứ hai của cô “Những phản ánh của một bà nội trợ Thực Dưỡng”, là một trong những sách Thực Dưỡng bán chạy nhất ở châu Âu. Cô đã tự thay đổi mình hoàn toàn từ bất hạnh thành hạnh phúc.

Điều li kỳ nhất về cô, đó là cô có vẻ không bận tâm về điều kiện sống ở nhà mình. Điều kiện sinh hoạt của cô hiện tại không thể là tiện lợi cho một phụ nữ như cô vốn lớn lên trong gia đình khá giả của một sĩ quan trong Chính phủ Mỹ. Cô là người phụ nữ Mỹ duy nhất tôi gặp, là người sau khi lấy chồng rồi thì không về nhà bố mẹ của mình nữa, mà sống ở tận nơi xa xôi cách biệt. Cô quá nghèo và bận rộn, như cuộc sống của chúng ta khi sống ở Nữu Ước. Đa số phụ nữ Mỹ không dám hy sinh như vậy. Cô có vẻ không lo nghĩ gì khi hy sinh đời mình. Không! Cô không hy sinh bởi cô đang làm điều cô thực sự muốn làm. Trong đầu cô không có khái niệm nào như là hy sinh. Cô là một phụ nữ hiếm hoi. Điều khiến cuộc công du của chúng tôi thành ý nghĩa nhất là việc gặp gỡ với cô và Tue. Vì điều này tôi bày tỏ lòng biết ơn chân thành nhất của tôi tới họ.

ở Bỉ, Marc Van Cauwenberghe đã đưa tôi một tập 4.000 trang viết, đều của Ohsawa (những bản dịch sang tiếng Pháp và Anh), vốn chưa từng được xuất bản dưới hình thức sách dù nhiều phần trong đó đã được in ra trong các tạp chí đủ loại. Tập ghi chép này là kết quả của hơn mười năm liên tục nghiên cứu chuyên tâm và nhận định của G. Ohsawa cùng đồng sự của mình. Tôi đã hứa với anh ấy rằng G.O.M.F (George Ohsawa Macrobiotics Foundation) sẽ xuất bản tập này thành sách.

Một cô ngồi cạnh Marc đã nêu ý kiến chẳng mềm dẻo gì chống lại bài thuyết diễn của tôi khi tôi đã nói về trật tự của con người mà không về trật tự vũ trụ. Mới vỡ lẽ cô là vợ của Marc, một cô gái Mỹ được phân biệt với con gái châu Âu bởi việc phát biểu ý kiến một cách tự do. Cô ta rất dương và mang tinh thần kiểu Mỹ. Cô sẽ là một bù trừ hay với Marc, vốn là nhà khoa học và thiên về kiểu người hướng nội. Cô sẽ khiến đời Marc thú vị đấy.

Người phụ nữ Mỹ tiếp theo tôi gặp là cô Sook không thực sự là người Mỹ mà là gốc Triều Tiên. Sook là vợ của Rob de Nies ở Hasselt, Bỉ và cũng rất dương tạng. Rob ở San Francisco hai năm trước và đã được hưởng một thời gian tốt lành khi tôi gặp anh trong đợt thuyết giảng tại Fort Masen. Tôi đã dự bữa cơm trưa do anh phục vụ hôm diễn thuyết. Lúc đó tôi không gặp Sook, nên cô đợi Corrnellia và tôi tới Hesselt, một thị trấn nhỏ nằm ở phía Đông nước Bỉ, gần Đức. Thực Dưỡng đã lan rất nhanh quanh đấy bởi một cậu thanh niên đã chữa khỏi bệnh xơ cứng bằng chế độ ăn theo Thực Dưỡng. Egidius Musiek đã mở một cửa hàng thực phẩm và nhà hàng ăn ở đây hai năm trước. Công việc quá bận, nên quầy thực phẩm và nhà hàng đã được tách ra. Trong nhà hàng, Rob đang giúp Egidius, còn các thành viên khác của Trung tâm đang làm ở cửa hàng thực phẩm. Theo tôi, tính cách dương của Sook sẽ là năng lượng trợ lực cho Rob và cộng đồng này trong khí hậu âm của Bỉ.

Khi chúng tôi tới Lausanne thì đã quá nửa đêm. Tôi sợ rằng sẽ không ai đón chúng tôi ở ga Thuỵ Sĩ bởi tàu của tôi đã thay đổi theo bảng giờ mùa hè, tôi không chắc liệu một người bạn Pháp có kịp thông báo được về chuyến đi của chúng tôi với Mario và Marlise ở Lausanne hay không. Tôi nhẹ người khi chúng tôi thấy một đôi cao lớn lại gần chúng tôi với một bó hoa ở ga đêm. Đấy là Mario và Marlise Binett.

Về sau tôi được nhắc rằng tôi đã bảo Mario ở trại hè đồng cỏ Pháp rằng anh ta sắp có vợ. Sau trại hè, anh trở lại Texas, nơi đang học đại học, rồi cưới Marlise. Sau hôn lễ, họ chuyển tới Lausanne bởi Thuỵ Sĩ là quê hương của Mario. Mười tám năm trước, họ (?) đã bắt đầu trợ giúp Paul Simon, người mở trung tâm Thực Dưỡng ở đây. Trung tâm này gồm hai toà nhà. Phòng hội trường, gian hàng thực phẩm và phòng thương mại nằm ở một toà nhà, còn một nhà hàng ăn thì ở tòa nhà kia. Trại hè cuối cùng của họ đã rất thành công, có 300 người tham dự mỗi ngày. Trung tâm đã phát triển nhiều. Xét trên thực tế, nó được bắt đầu mới 3 năm trước. Điểm yếu duy nhất của Trung tâm này là thiếu một người lãnh đạo. Trong tình trạng lộn xộn này, sự hiện diện của một cô gái Mỹ cứng rắn sẽ là một sự cân bằng hay. Là con gái của một người đi khai hoang đất mới, Marlise sẽ là một người "khai phá" của Thực Dưỡng trên một lục địa khác.

Người phụ nữ Mỹ cuối cùng tôi gặp là Kim Bradford, cũng là một người mở đường. Cô đang sống ở Luân Đôn, không phải Thuỵ Sĩ và đến từ California, không phải Texas. Peter Bradford là một trong những người sáng lập của Sunwheel, một nhà nhập khẩu Thực Dưỡng, bán sỉ và kinh doanh nhà hàng ở Luân Đôn. Tôi quên hỏi Peter đã thành hôn với Kim như thế nào. Tuy nhiên Kim thì hệt như kiểu Marlise, còn Peter giống kiểu Mario. Peter đang làm một việc tương tự như Mario ở Lausanne và tỏ ra có tính cách tương tự. Kim đang giúp Peter như Marlise đang giúp Mario. Kim sẽ là một sự trợ giúp lớn nhờ bản tính tích cực kiểu Mỹ của cô.

Điểm yếu duy nhất của ba trong năm người phụ nữ trên là họ quá tình cảm. Họ phải thăm Mỹ quá thường xuyên.

Tôi đánh giá cao sự giúp đỡ của họ với chuyến đi của chúng tôi. Tôi cũng hy vọng vào sự phát triển óc phán đoán của họ, qua đó họ sẽ có được hạnh phúc thật sự.
Just Mini
12. Những suy nghĩ về tai nạn bản thân
Tháng 9 năm 1980


Cornellia và tôi bay tới St. Louis, Missouri bằng cách sắp xếp trước chuyến bay vào ngày 13 tháng 6 từ Sacramento. Sacramento và Denver chênh nhau một tiếng đồng hồ, Denver và St. Louis lại chênh thêm một tiếng nữa. Toàn bộ thời gian bay khoảng 4 tiếng đồng hồ nhưng kể cả thời gian chênh lệch là 6 tiếng. Chúng tôi được phục vụ hai bữa ăn - bữa sáng giữa Sacramento và Denver, bữa trưa giữa Denver và St. Louis. Tôi rất tham ăn, tôi ăn hết suất kể cả xúc xích thịt, tuy nhiên, tôi không chạm tới món bánh có đường. Những bữa ăn này là nguyên nhân đau đầu cho 2 ngày.

Tại St. Louis, hai người tên là Tom đang đợi chúng tôi. Một người trong đó làm misô, sống tại Massachusetts. Trước đây anh ta làm cho Công ty Misô Ohio. Anh ta cho biết đã rời công ty đó và bắt đầu làm một công ty sản xuất misô riêng ở Massachusetts.

Tôi mất khoảng 3 tiếng đồng hồ từ St. Louis tới địa điểm cắm trại ở trang trại Moniteau, nơi tôi dừng lại vào cuối mùa hè năm ngoái trong chuyến thuyết giảng. Lúc trước khi chúng tôi mới tới thì khu này đang được rao bán. Giờ đây, gần như tất cả đất đai đã được mua hết, chỉ trừ một mảnh đất. Có khoảng 50 người đang sống ở đây, kể cả lũ trẻ.

Gia đình Bill và Dale bắt đầu hạ trại tại Bowling Green thuộc Missouri, nơi mà Cornellia và tôi tham dự và giảng dạy 2 năm trước đây. Thời gian này, trại đã khác nhiều so với 2 năm trước. Họ sở hữu vùng đất đó. Khu đất 400 mẫu đất được chia thành 30 lô. Theo tôi được biết, việc mua bán như vậy không thể diễn ra được ở California. Tôi thử làm cộng đồng Thực Dưỡng ở gần Chico khoảng 7 năm về trước nhưng thất bại bởi vì quá nhiều hạn chế về mặt quy định trong việc phát triển và phân chia đất đai.

Khoảng 7 giờ tối thì chúng tôi đến trại. Chúng tôi gặp gỡ những người thân quen: Bill, Dale, Rita, Sandy, Jean (vợ của Tom - tôi biết cô hồi ở San Francisco), Pat và Meredith McCarty và Bill Tims. Bữa tối được phục vụ và đầu bếp là người bạn cũ Loren, người lúc nào cũng vui vẻ. Có vài người nữa mà tôi biết. Sau khi nói chuyện với họ một lúc, chúng tôi đi ngủ. Tôi đã thấm mệt.

Ngày hôm sau (thứ Bảy, 14-6), trại hè bắt đầu. Tôi thuyết trình trong ba buổi sáng, tiếp theo là Cornellia dạy nấu ăn và cách chăm sóc lũ trẻ. Jerome, Bill, Pat và Jean Kohler cũng tham gia thuyết trình. Tất cả các bài thuyết trình đều rất được quan tâm. Có một đêm, bác sĩ Kohler tổ chức biểu diễn piano ở kho thóc cũ. Tôi chưa bao giờ nghe piano ở kho thóc cả. Mọi người ngồi nghe ở mọi nơi - trên ghế, dưới đất, trên sàn và cả ở đống cỏ. Đó là cuộc biểu diễn tuyệt vời.

Tối ngày 18, họ tổ chức buổi trình diễn năng khiếu. Đó là buổi trình diễn kỳ lạ và họ đã tổ chức tốt. Tôi rất thích nó. Khi kết thúc, tôi hỏi Dale ai sẽ chở chúng tôi ra sân bay vào sáng hôm sau. Anh ta giới thiệu tôi với Tom - người đã đưa và tặng cho tôi những bức tranh minh hoạ cho bài thuyết trình của tôi. Tôi dặn anh chúng tôi sẽ khởi hành vào 5 giờ sáng.

Thứ Năm, ngày 19-6, Cornellia và tôi dậy lúc 4 giờ sáng, gói đồ đạc và đợi Tom bên ngoài lều. Lúc đó khoảng 4 giờ rưỡi, trời vẫn còn tối và im lìm. Chúng tôi lo lắng. Tôi định đi xem liệu có dấu hiệu của chiếc ô tô nào xung quanh lều của Jerome không, bởi vì ô tô của anh ta được dự định chở chúng tôi vào sáng đó. Cornellia phát cáu và cô ấy yêu cầu tôi đứng yên một chỗ, đừng đi lại.

Khoảng 5 giờ 15', Tôm lái một chiếc xe tải tới. Anh không tìm thấy chìa khoá xe, vì là phải mượn chiếc xe tải này mặc dù chẳng biết nó là của ai cả. Vì thời gian đã trễ nên chúng tôi khởi hành ngày, đi cùng còn có bạn gái của Tom. Đi được 5 phút, Tom phát hiện để quên tờ séc thanh toán một số sách về Thực Dưỡng và cả vài lọ misô ko-ji mà Cornellia mua ở quán Spiral Inn. Anh hỏi tôi liệu anh có thể lái xe quay trở lại hay không. Tôi bảo được. Thế là chiếc xe quay trở lại. Trên đường quay lại, tôi nhận ra rằng chiếc xe tải là của Jean. Cornellia nói lều của Jacque cũng ở đó, hướng về phía khu rừng phía bắc. Tôi nói lều của anh ta ở xa hơn về phía đông, sau cây cầu. Cornellia tiếp tục thuyết phục tôi về ý kiến của mình, còn tôi thì biết lều của Jacque ở xa hơn, tôi la lên: “Cô điên à?”. Điều này làm Cornellia và có thể cả Tom khó chịu.

Khi chúng tôi khởi hành trở lại thì đã là 5 giờ rưỡi. Mặt trời vẫn chưa lên nhưng bóng tối của màn đêm đang mờ dần. Trời sáng dần. Sau khi đi qua thị trấn James, tôi đã thiếp đi. Tôi thức dậy khi nghe thấy ai đó cố đánh thức . Tôi đang nằm sấp dưới đất và không thể cử động được. Tôi nhận ra rằng mình đã gặp tai nạn. Tôi nhìn thấy Cornellia và bạn gái của Tom. Họ bị sốc nhưng họ còn có thể cử động được.

Một lát sau, Tom quay trở lại sau khi gọi điện về Spiral Inn. Anh ta hầu như không bị thương gì cả. Cornellia nói với tôi rằng chiếc xe đã bị lật một vòng và lăn xuống mương. Tất cả kính xe bị vỡ ngoại trừ kính chắn gió. Tom nói chiếc xe tải bị lăn 2 vòng sau khi trượt trên con đường cong trơn ướt. Anh mất lái vì chiếc xe rung mạnh đằng sau. Khi phanh lại thì chiếc xe bị lật - tôi nghĩ như vậy. Dù sao, chúng tôi đã may mắn vì chiếc xe vẫn đứng trên bốn bánh sau khi lật xuống mương. Tom nói anh ta không bị đau, trừ vài chỗ trầy xước, bởi vì anh vẫn giữ tay lái. Túi xách và hộp mi-sô ko-ji của Cornellia bị văng ra ngoài xa và cô phải đi lượm lại. Cô cũng nói rằng chúng tôi thật may mắn vì không ai bị văng ra khỏi xe. Nếu chúng tôi bị văng ra ngoài, chúng tôi sẽ bị thương rất nặng thậm chí bị chết.

Một lúc sau, Sandy tới trên chiếc xe của mình. Hai người giúp tôi ra khỏi mương và đưa tôi lên xe. Tôi không thể cử động được, nhưng tôi không bị đau. Tại Spiral Inn, Robert bảo tôi vào nằm trong căn nhà di động của anh và anh trát đậu phụ lên tôi. Đậu phụ được đem đến từ thị trấn gần đấy và Cornellia áp nó vào vai và lưng tôi. Cô thay đổi chúng ba bốn tiếng một lần.

Vì vé của chúng tôi không còn giá trị, Bill bảo chúng tôi phải đi gặp bác sĩ xin xác nhận tai nạn để hãng hàng không gia hạn bay cho chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu bác sĩ tới, nhưng Bill cho biết ông ấy không tới được. Cornellia muốn trở về nhà vào ngày hôm sau (ngày 20), vì vậy chúng tôi sắp xếp để đến văn phòng bác sĩ vào ngày hôm sau, nhận giấy tờ và ra sân bay.

Rita tới và kiểm tra huyết áp của tôi: 160/90. Tôi vẫn ăn ngon miệng. Tôi ăn 2 lần vào ngày 19 và cũng như vậy vào ngày 20. Tôi uống trà bằng thìa. Hugh tặng tôi một chai Tamari cùng với trà. Tôi có thể uống trà cả ngày được. Vấn đề là ở chỗ đi vệ sinh. Tôi thử đi tiểu trên giường mà chẳng ăn thua gì. Vậy là tôi không đi vệ sinh vào ngày 19.

Tối đến, tôi ngẫm nghĩ: tại sao mình gặp phải tai nạn? Ohsawa nói người theo Thực Dưỡng không bao giờ gặp tai nạn. Tôi chắc hẳn đã làm điều gì sai. Tôi nhớ lại những chuyện xảy ra vào buổi sáng. Tôi đã la lối. Tôi làm điều này bởi vì tôi muốn Cornellia dịu dàng hơn và lắng nghe ý kiến của người khác. Năm ngoái, tôi viết một bài báo trong đó có nói cô đã gặp tai nạn bởi vì cô không nghe lời phê bình của tôiTôi muốn dạy Cornellia thành một môn sinh giỏi hơn là thành một giáo viên. Tôi biết cô cảm thấy buồn ngủ khi lái xe bởi vì cô đã không ngủ đủ giấc khi chuẩn bị cho trại hè. Lẽ ra tôi không nên khiển trách cô theo cách đó. Tôi khuyên cô hãy là một học viên, để tôi làm thày giáo. Tôi cố gắng thay đổi tính cách cô. Bây giờ tôi nghĩ: đó là sự kiêu căng của tôi. Vì vậy, tôi đã bị tai nạn. Tôi không thể thay đổi cô. Không ai có thể thay đổi cô ngoại trừ bản thân cô. Tôi sẽ chấp nhận cô như cô vốn thế.

Khi suy nghĩ của tôi được như vậy thì tâm trí tôi trở nên thoải mái. Tôi nghĩ mình đã tìm thấy nguyên nhân của tai nạn và tôi đi ngủ.

Sáng hôm sau (thứ Sáu, ngày 20), không còn đau đớn nhưng tôi không thể dậy được. Kế hoạch đã thay đổi. Bill yêu cầu bác sĩ tới thăm. Bill nói với chúng tôi anh ấy sẽ tới vào hôm sau. Không còn đau đớn nhiều khi tôi nằm ngửa. Tôi không cử động được. Tôi nằm nghiêng sang phía tay phải, nơi làm tôi đau ít hơn. Đau đớn nhiều hơn khi tôi ho. Khi đờm dãi bị đưa lên và nghẹt lại ở ống phổi hay khí quản thì tôi ho và đau nhiều hơn. Vì vậy bất cứ khi nào ho thì tôi cố gắng không ho một cách vô ý thức. Tôi uống một ít trà và thấy có kết quả. Nếu không có kết quả và đờm chặn lại ở khí quản hay ống phổi thì tôi rất khổ sở.

Tôi nhận ra rằng hơi thở của mình rất cạn. Tôi không thở từ bụng. Bắp thịt ở bụng bị căng. Hugh xoa bóp bụng cho tôi để cố gắng giảm sự căng thẳng ở trung tâm hơi thở (gần rốn - có lẽ là đan điền - kiketsu - ở đỉnh quả thận). Nó làm tôi thở dễ dàng hơn.

Hugh giới thiệu tôi với David Wilson, người này là bác sĩ nội khoa và đã theo Thực Dưỡng sau khi bị ung thư. Ông bảo tôi có lẽ bị gẫy một hay hai cái xương sườn và điều đó có lẽ là nguyên nhân làm bụng tôi bị căng và khó thở.

Cuối cùng tôi xoay xở được để tiểu tiện trên giường. Tôi rất vui mừng. Khi tôi khoẻ mạnh thì tiểu tiện bình thường nên tôi không chú ý đến nó. Còn giờ đây, tôi không thể đứng dậy, và đi tiểu là một công việc chính. Tôi hiểu rõ hơn giá trị của việc đi tiểu rất nhiều.

Tối đó, tôi có giấc mơ buồn cười. Tôi ở trên một cánh đồng lớn, nơi đầy vật liệu chất dẻo - các bộ phận ô tô. Chúng từ từ chuyển động thành vòng tròn. Tôi chưa từng nhìn thấy những điều như vậy. Vậy giấc mơ đó là gì? Tôi đã nhìn thấy cái mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy trước đó. Tất cả những cái tôi nhìn thấy là ảo ảnh. Tôi băn khoăn liệu mình có thể bị tổn thương ở não không.

Sáng hôm sau (ngày 21), tôi có thể cử động được cổ dễ hơn, vì thế tôi giữ thẳng được đầu của mình. Nhưng rồi dần dần tôi thở khó khăn. Hugh và David tới thăm tôi. Khi tôi nói chuyện với họ thì hơi thở của tôi bị nghẹt. Tôi thở càng ngày càng khó khăn hơn. Buổi chiều, bác sĩ tới kiểm tra sức khoẻ cho tôi. Sức khoẻ của tôi xấu hơn - tôi gần như hấp hối. Tôi không thể thở được. Bác sĩ khăng khăng chiếu tia X ngay tức thì. Tôi bảo ông ấy tôi sẽ đợi tới thứ Hai. Tôi bị nghẹt thở. Tôi rên rỉ. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra. Cornellia lo lắng. Cô cầu nguyện Thượng đế làm dịu cơn đau của tôi. Tôi bị nghẹt thở, nghẹt thở và nghẹt thở. Hơi thở nặng nhọc liên tục từ 9 giờ sáng cho đến 3 giờ chiều.

Cornellia xin lỗi vì đã quá bướng bỉnh. Tôi đã chấp nhận sự bướng bỉnh của cô, tôi bảo: “Đấy không phải lỗi của em”. Cô khóc và tôi cũng khóc. Sau tất cả sự đột ngột đó, tôi nhận ra sự thật về nguyên nhân của tai nạn.

Lý do thực sự là tôi đã quên lời hứa của mình với Thượng Đế. Tôi đã hứa rằng tôi sẽ tuân theo cách ăn số 7 và cầu nguyện vào ngày 18 và 24 hàng tháng để tri ân George Ohsawa và lời dạy của tiên sinh. Tuy nhiên, tôi đã quên mất lời hứa của mình hoàn toàn. Tôi đã không ăn theo cách số 7 hay cầu nguyện gì cả. Thậm chí tôi còn đi câu cá. Tai nạn của tôi là kết quả của việc thấthứa. Tôi đã hiểu rõ lý do tại sao tôi có tai nạn này.

Ngay khi tôi có suy nghĩ này, tôi nhớ tới lời dạy của Sotai, lời dạy đó khuyên chúng ta hãy luôn tìm tư thế cơ thể mà chúng ta cảm thấy thoải mái. Vì tôi đã có thể cử động được đầu mình nên tôi thử quay đầu về bên phải. Thật là kỳ lạ - việc thở khó khăn và cơn ho ngừng hẳn. Hơi thở tôi trở lại như ngày hôm qua. Tối thứ Sáu, tôi bị đau ở vai trái, vì vậy tôi có thể quay đầu về bên phải. Tuy nhiên, sáng thứ Bảy, vai tôi đã bớt, vì vậy tôi đã nói chuyện được với người đối diện ở tư thế nằm thẳng. Vị trí này trước đây đã làm tôi nghẹt cuống họng hay ống phổi. Một chuyển động đơn giản đã tạo ra một sự thay đổi kỳ diệu. Tôi tri ân lời dạy của Sotai, nó đã cứu cuộc sống của tôi.

Sau đó, hơi thở của tôi trở lại bình thường, tôi quyết định trở về nhà. Hugh tìm một chuyến bay thẳng từ Louis tới San Francisco, thay vì phải đổi máy bay ở Denver. Anh liên lạc với gia đình mình để họ có thể đón chúng tôi ở sân bay San Francisco và đưa chúng tôi về Sacramento, nơi chúng tôi có thể lấy xe của mình ở bãi đỗ xe sân bay dễ dàng hơn.

Chủ nhật ngày 22, tôi đã thở được bình thường. Cơn nghẹt thở khốc liệt ngày hôm trước đã qua như cơn ác mộng. Sau hai lần thay đổi đắp cao đậu phụ ở vai và ở lưng, Hugh và David tới và băng bó xương sườn phải cho tôi. Tôi đã có thể nâng từ từ cơ thể mình lên; thậm chí tôi có thể ngồi ở trên ghế. Nằm ngửa trong 4 ngày làm tôi yếu hẳn, nhưng tôi đã có thể đi lại. Đến tối, Tom lái xe tới. Với sự giúp đỡ của hai người, tôi từ từ di chuyển được tới ô tô của anh ấy. Tôi cố gắng ngồi ở ghế trước. Không còn đau nữa. Thật tuyệt vời. Cuối cùng, tôi có thể về nhà. Khi Tom lái xe, tôi ngồi ở ghế trước. Tôi thấy rất thoải mái. Tôi rất cảm kích về việc làm của David và Hugh; nếu không có sự giúp đỡ của họ, tôi không biết làm cách nào để quay về. Tại St. Louis, Tom đề nghị chúng tôi ở lại nhà anh ấy. ở đó rất nóng. Tôi không thể nằm được, vì vậy tôi ngồi ngủ trên giường.

Thứ Hai, ngày 23, Tom đưa chúng tôi tới sân bay. ở đó, tôi được đưa ra bằng xe đẩy và hãng hàng không cho chúng tôi lên máy bay trước. Không có khó khăn trong việc lên xuống như tôi đã lo lắng trước đó. Vết băng của tôi vẫn tốt. Tôi có thể viết hồi ký trên máy bay và đọc sách. Cornellia mang theo cơm nắm cho tôi lên máy bay. Tôi ăn chúng thay vì suất ăn trên máy bay. Chuyến bay hạ cánh ở San Francisco đúng giờ.

Chúng tôi gặp Betsy và hai con trai của cô ở sân bay. Họ tới từ Sacramento để đón chúng tôi. Tôi rất cảm kích vì lòng tốt của họ. Hugh và sau đó là Betsy lái xe của họ. Lúc đó khoảng 5 giờ chiều, khi chúng tôi về tới sân bay Sacramento, nơi chúng tôi có chuyến tham quan đã được Betsy chuẩn bị trước.

Sau đó, chúng tôi chuyển sang ô tô của mình đã đỗ ở đó 11 ngày trước đây. Bộ ắc quy bị hỏng vì nước đã khô do nắng gắt suốt 11 ngày. Chúng tôi thêm nước và sạc lại ắc quy ở trạm gần đó. Nó làm việc tốt. Betsy lái xe của cô về nhà, còn Hugh lái xe đưa chúng tôi về nhà ở Oroville.

Chúng tôi trở về nhà vào 8 giờ tối. Hugh tháo băng cho tôi. Tôi lại thở khó khăn vì vậy phải ngồi thay vì nằm xuống. Chừng nào mà đầu tôi ở vị trí cao, thì tôi có thể thở dễ dàng hơn. Do vậy, anh ta dặn Cornellia mua cái giường gấp để có thể điều chỉnh vị trí đầu tôi.

Thứ Ba, ngày 24, Carl và Sandy mua chiếc giường cho tôi từ Chico. Nó giúp tôi rất nhiều; đó là vật duy nhất mà tôi cần lúc này. Sử dụng nó, tôi có thể nằm trên giường hay ra khỏi giường, vào nhà tắm một mình một cách dễ dàng.

ở nhà, Cornellia cạo đầu tôi và đắp cao đậu phụ để tránh khả năng chảy máu nãotrong một tuần liền, cho tới thứ hai tuần sau. Thỉnh thoảng, cô đắp cao gạo trên vai cho tôi.

Tôi khoẻ lên hàng ngày. Tôi có thể cử động đầu và thắt lưng mỗi ngày một ít. Tôi có thể lái xe vào mùng 9 tháng 7, 20 ngày sau tai nạn.
Just Mini
13. chữa lành ung thư chưa đủ!
Tháng 10 năm 1980


Nhìn vào bảng thống kê, ta thấy nguyên nhân tử vong của dân chúng Mỹ đã chuyển từ bệnh tim mạch sang bệnh ung thư và tỷ lệ tử vong vì ung thư đang tăng vọt. Điều này có ý nghĩa gì?

Bệnh tim mạch giết người đột ngột gần như không báo hiệu trước. Đó là triệu chứng dương quá thịnh do dùng quá nhiều loại thực phẩm dương như thịt bò, thịt gà, cá, thịt lợn, pho mát...

Trái lại ung thư phát hiện rất chậm. Bệnh nhân không biết được bệnh chứng ở giai đoạn đầu. Hầu hết đều nhận biết quá trễ. Vì thế ung thư là bệnh thuộc âm tính (bành trướng) hay âm thịnh do lạm dụng các chất cực âm như đường, rượu và hóa chất.

Giữa bệnh tim và ung thư còn có một khác biệt nữa. Bệnh tim là bệnh của máu và của bắp thịt, còn ung thư là bệnh của tế bào. Đó là một trong những nguyên nhân khiến cho ung thư khó chữa. Y khoa hiện đại chưa hiểu rõ về sự phát triển của tế bào, nên không biết cách nào chữa trị sự tăng trưởng bất thường của nó. Arthur Guyton phát biểu trong cuốn Chức năng cơ thể con người: “Trong cơ thể của một người bình thường, việc điều tiết sự sản sinh và tăng trưởng tế bào vẫn còn là điều bí ẩn. Chúng ta gần như không biết gì về cơ chế điều chỉnh số lượng thích hợp của các loại tế bào khác nhau trong cơ thể”.

Tại sao y học hiện đại không hiểu nổi sắp xếp và cơ cấu phát triển của các tế bào? Theo tôi, vì họ hiểu sai nguồn gốc của tế bào bình thường và tế bào ung thư.

Bác sĩ Morishita có nói trong cuốn Sự thật tiềm ẩn trong bệnh ung thư: “Sự tin tưởng vào quan niệm của Virchow cho rằng một tế bào chỉ sinh ra từ một tế bào khác là trở ngại khắt khe nhất để nghiên cứu nguồn gốc thật sự của tế bào ung thư. Nhận định này đưa đến các luận điểm về nguồn gốc của tế bào ung thư:

1. Tế bào ung thư xâm nhập từ ngoài vào.
2. Tế bào ung thư đã hiện diện trong cơ thể ngay từ lúc nó ở thời kỳ phôi thai.
3. Sự đột biến từ tế bào lành mạnh thành tế bào ung thư.

Y học hiện đại ít tán thưởng 2 luận điểm đầu, luận điểm thứ 3 được ủng hộ nhiều nhất. Do đó các nhà khoa học đang tìm tác nhân tạo ra sự biến thể tế bào lành thành tế bào ung thư. Kết quả họ đã tìm ra hàng ngàn chất sinh ung thư và nhiều nguyên nhân có thể gây ra ung thư. Theo y học hiện đại, các nguyên nhân chính là:

- Các chất gây ung thư: hắc ín, thuốc nhuộm, kích thích tố nữ (eustrogen), thạch cao, asbestos...
- Chất phóng xạ
- Khói thuốc lá
- Vi khuẩn
- Tế bào lành mạnh biến thành tế bào ung thư do thiếu oxy (học thuyết của Warbury)
- Trầm uất (stress): tế bào lành trở thành ung thư do cảm xúc tiêu cực.

Nguyên nhân sau cùng (trầm uất) không phải lúc nào cũng là căn nguyên; đôi khi có người sống trong gia cảnh đầm ấm vẫn bị ung thư. Cách đây vài năm ông Suzukiroshi, người sáng lập trung tâm Zen ở San Francisco đã chết vì ung thư. Ông ta có tinh thần an định và chan chứa tình thương trong suốt cuộc đời. Tạp chí Bungei Shunju trong năm 1979 có viết một bài về thái độ của 50 bệnh nhân đã chết vì ung thư: “Họ đã tỏ ra rất yên tâm, đầy lòng nhân ái đến độ làm mọi người phải ngạc nhiên”.

Ngược lại với quan niệm của y học hiện đại, các bác sĩ K. Chishima và K. Morishita cho rằng máu tạo ra tế bào: “Các tế bào được hình thành từ chất hữu cơ, mà chất này thì không hội đủ điều kiện để tạo ra tế bào. Protein tạo ra nhân tế bào và DNA” (Theo cuốn Nguyên nhân, ngăn ngừa và trị liệu ung thư của K. Chishima, Hội Tân Huyết học Nhật Bản, trang 8).

Theo ý tôi, tế bào ung thư có thể tạo ra hoặc do các tế bào lành mạnh hoặc do máu. Dĩ nhiên máu và tế bào được hình thành từ thức ăn. Thực phẩm là nguồn gốc của tế bào. Không có thực phẩm thì không có tế bào. Không có thực phẩm thì không có phôi tế bào và thể tế bào (germ cells and soma cells). Thực phẩm tạo ra tế bào ung thư. Thực phẩm gây ra sự biến thái từ tế bào lành thành tế bào ung thư. Không hiểu như vậy đừng mong chữa lành ung thư.

Làm thế nào thực phẩm gây ra tế bào ung thư hay biến đổi tế bào lành thành tế bào ung thư?

Tế bào sống trong thể dịch của cơ thể, luôn luôn có kiềm tính như Alexis Carrel đã xác minh: “Môi trường nội quan không bao giờ bị axit hóa” . Sự việc này càng gây ngạc nhiên, nếu ta biết rằng các mô không ngừng thải ra và đưa một số lượng lớn khí carbonic, axit lactic và axit sulphuric... vào bạch huyết. Những loại axit không gây phản ứng với huyết tương vì chúng trung tính do có chứa muối cacbon và photphat (Con người – một thực thể chưa được biết, NXB Harper & Row, 1961).

Cơ thể duy trì kiềm tính của thể dịch không chỉ nhờ hệ thống điều hòa tự nhiên của nó, mà còn do các thực phẩm ta ăn vào. Có 2 loại thực phẩm: một tạo ra tính axít, một tạo ra tính kiềm. Nếu ăn nhiều thực phẩm tạo ra axit trong một thời gian dài, thể dịch sẽ bị axit hóa tới mức độ có tính chất gần như axit. Tức là độ pH nhỏ hơn 7.

Khi thể dịch có pH 6,9 thì tình trạng hôn mê xảy ra. Do đó nếu thể dịch giao động giữa 7,0 và 6,9 thì các tế bào chỉ có khả năng hoạt động cầm chừng. Một số chết và và một số biến đổi để thích nghi với môi trường này. Sự thích nghi này là kết quả của sự biến đổi gen. Với gen mới, các tế bào có thể sống trong điều kiện axit, thiếu ôxy. Đây là sự sinh ra của các tế bào ung thư. Tế bào ung thư có thể sống trong điều kiện tồi tệ nhất của thể dịch - thể dịch axit.

Vì vậy, theo tôi, ung thư là kết quả của khả năng thích ứng của cơ thể và kết quả của sự nỗ lực để tồn tại trong môi trường nội quan bị ô nhiễm (có dịch thể axit). Do đó, các tế bào ung thư hấp thụ chất thải của các tế bào lành trong cơ thể. Nói cách khác, một số tế bào lành sẽ thay đổi thành tế bào ung thư hay các tế bào ung thư là sản phẩm từ máu, có thể sống vô hạn sau khi các tế bào lành chết đi (dĩ nhiên, nếu các tế bào ung thư phát triển nhanh hơn các tế bào lành ở một cơ quan nào đó, thì cơ quan đó ngừng hoạt động và chết). Nếu tế bào ung thư phát triển, nó gần như không thể thay đổi trở lại thành tế bào lành được nữa, bởi vì nó được cung cấp thức ăn là chất thải của các tế bào lành, luôn luôn có mặt trong cơ thể trong quá trình sống.

Do đó, một khi tế bào ung thư phát triển, điều duy nhất ta có thể hy vọng là không để nó phát triển thêm nữa. Để làm được điều này, chúng ta phải tránh việc ăn những sản phẩm giàu axit như đường, rượu, bia, thịt gà, thịt lợn, cá, trứng và pho-mát. Mặc dù hoa quả là những thực phẩm giàu kiềm, bệnh nhân ung thư cũng nên tránh hoa quả bởi vì hoa quả chứa nhiều axit sacaric, là nhân tố phát triển tế bào ung thư. Bệnh nhân ung thư phải tuân theo chế độ ăn uống bao gồm cốc loại, đậu đỗ, tất cả các loại rau (trừ những loại rất âm như khoai tây, cà và cà chua), tảo biển, các loại hạt; gia vị chứa kiềm tự nhiên như misô, tương và muối biển; và trà như trà xanh (không phân hóa học, thuốc trừ sâu), trà bancha. Cố gắng tránh các thức ăn nguồn gốc động vật (trứng, bơ, sữa, sản phẩm của sữa) và thực phẩm có phụ gia hóa học và nhuộm màu...

Nói tóm lại, bệnh nhân ung thư phải tuân thủ nghiêm ngặt chế độ ăn uống thực dưỡnghàng ngày và áp dụng cách nấu ăn để phòng chống bệnh ung thư. (Tìm đọc Cách nấu ăn phòng chống bệnh ung thư theo phương pháp Thực Dưỡng - ND)

Như vậy, liệu đã đủ để chữa ung thư chưa?

Một người bạn của tôi mắc bệnh ung thư mà ông ta không hay biết. Sau khi tới gặp Ohsawa, ông bắt đầu ăn theo Thực Dưỡng rất trung thành. Ông học hỏi rất tốt từ Ohsawa. Ohsawa như một người cha tinh thần, một guru đối với ông. Ông trở thành người hướng dẫn Thực Dưỡng, giảng dạy và in tạp chí. Ông rất gắn bó với Ohsawa - ông gần như mất trí khi Ohsawa mất năm 1966. Sau đó, theo lời vợ ông kể lại, ông bắt đầu ăn uống ở nhà hàng và uống cà phê. Rồi bệnh ung thư tái phát trở lại. Năm 1967, ông đau ốm đến mức phải tới Nhật để điều trị ung thư, nhưng đã quá muộn và ông chết ở Nhật. Qua mổ xác, người ta khám phá ra rằng ông đã bị ung thư nhiều năm rồi. Nói cách khác, 7 năm ăn uống Thực Dưỡng không chữa được nó, mà chỉ dừng sự phát triển của nó mà thôi.

Một người bạn khác của tôi cũng mắc ung thư khi ở Nhật. Sau đó, ông tới gặp Ohsawa và bắt đầu chế độ ăn kiêng và ngăn được ung thư, nhưng ông nghĩ ung thư đã được chữa khỏi hẳn. Sau đó, ông tới Mỹ và bắt đầu mở các nhà hàng Thực Dưỡng. Tiếp đó, ông mở dịch vụ hướng dẫn du lịch cho khách Nhật Bản. Ông thường đi ăn với khách du lịch người Nhật ở các nhà hàng sang trọng, nơi thức ăn được dùng với đầy phụ gia, chất hóa học và màu thực phẩm trông giống như thực phẩm động vật.

Ông theo nguyên tắc Thực Dưỡng 20 năm, đáng lẽ ung thư phải nhỏ đi, nếu không nói là dứt hẳn. Đằng này ung thư lại phát triển lại. Ông đi Nhật Bản để phẫu thuật và mất tại đó.

Ông Ohmori, một y sĩ chữa bệnh ung thư, có lần đã nói là các bệnh nhân ung thư không sống quá 5 năm sau khi được chữa lành bằng pháp Thực Dưỡng. Theo ý tôi, ung thư không được trị lành hẳn mà chỉ ngưng phát triển. Tuy nhiên, bệnh ung thư có thể được kiểm soát chừng nào bệnh nhân còn theo đúng phương pháp Thực Dưỡng. Đây không phải là cái cớ chứng tỏ Thực Dưỡng là lối trị liệu tạm thời có giá trị trong vòng 5 năm, nhưng nó chứng tỏ lời Ohsawa thường nói rằng Thực Dưỡng chỉ cứu người ta một lần thôi.

Muốn trị dứt ung thư ta phải hiểu rõ trật tự vũ trụ vô biên, đó là sự công bằng, để bệnh nhân tuân thủ phương pháp ăn uống Thực Dưỡng với niềm tin yêu chân thành. Thực Dưỡng không phải lối chữa đối chứng trị liệu. Hiểu rõ như thế, ta sẽ sống trọn đời với nguyên lý Thực Dưỡng. Như vậy bệnh nhân sẽ phải thay đổi hoàn toàn về chế độ ăn uống, nếu không như vậy thì khó chữa lành được bệnh ung thư.

Tiên sinh Ohsawa dạy rằng: “Niềm tin là hiểu được trật tự vũ trụ vô biên. Thiếu niềm tin thì bệnh ung thư không lành. Ung thư là một thử thách khiến bệnh nhân phải tái lập niềm tin để hòa nhập vào vũ trụ vô biên. Đánh mất niềm tin, ngay cả pháp Thực Dưỡng cũng chỉ là lối chữa trị tạm thời”.

Trong “Thiền Thực Dưỡng” (Zen Macrobiotics - Tân Dưỡng Sinh), xuất bản năm 1965, Ohsawa nói: “Nếu bạn có niềm tin thì không có cái gì khó khăn cả. Vì niềm tin của bạn chưa bằng hột cải nên mới có khó khăn. Tội lỗi, thù nghịch, nghèo nàn, chiến tranh và những chứng bệnh bất trị rốt cuộc chỉ là hậu quả của sự thiếu vắng niềm tin”.

Niềm tin là sự đánh giá vô biên. Không hiểu rõ trật tự vũ trụ, bạn không có được niềm tin. Nếu bạn chỉ tin vào các sự việc người đời bày vẽ ra như luật pháp, quyền uy, kiến thức, khoa học, tiền, thuốc men… thì bạn chỉ tin vào thế gian tương đối, chứ không phải vô biên. Mọi sự đánh giá tương đối chỉ là tạm thời, ít có giá trị, nên bạn phải học quán chiếu siêu thể của vô biên hay Thái cực, học về quyền năng tạo hóa vĩnh cửu.

Cấu trúc của vô biên thì toàn năng (omnipotent), toàn trí (omniscient), trùm khắp (omnipresent). Vô biên thì tối thượng và còn được gọi bằng một cái tên khác nữa là Thượng đế. Thượng đế tạo ra vạn vật, vì thế bệnh tật hay sức khoẻ cũng do ý muốn của Thượng đế. Thượng đế hiện ra khắp nơi ở 2 thể trạng: bệnh tật và sức khoẻ. Con người được tự do chọn lựa ốm đau hay khỏe mạnh, điều dĩ nhiên là chúng ta luôn lựa chọn sức khoẻ. Để làm được điêu này, chúng ta phải học để hiểu trật tự vũ trụ. Nói cho rõ hơn, ta phải sống an nhiên tự tại thay vì bị dính mắc vào giác quan, lệ thuộc xác thân có khuynh hướng chọn thức ăn vì lợi dưỡng. Con người tự do chọn thức ăn để khai mở tâm linh, để sống với thể tánh tinh minh.

Vậy ung thư là sản phẩm của Thượng đế, mà nhờ đó con người học được cách sống lành mạnh. Chỉ đến khi bệnh nhân hiểu điều này thì ung thư mới được chữa lành. Nhưng ai đã được một lần chữa khỏi bệnh ung thư nhờ pháp Thực Dưỡng và bị bệnh trở lại, thì hầu hết đều là những người không thể hết bệnh. Trong Thiền Thực Dưỡng trang 9, Ohsawa viết cách đây 20 năm: “Không có bệnh nào bất trị, nếu ta sống hòa hợp với Thượng đế, Đấng tạo hóa của vũ trụ vô biên này, của thế giới tự do, hạnh phúc và công bằng này. Nhưng vẫn có một số người bệnh không thể được chữa lành, hay không thể được giáo dục để tự chữa lành.

Kẻ ốm đau không ngớt cầu xin được chữa lành. Họ mong có được ý chí để thoát khỏi bệnh chứng khổ đau. Ước muốn như thế, chỉ là khát vọng trốn khỏi hiện trạng mà thôi. Ôi ! Cả một tư tưởng chủ bại. Đó là thái độ muốn chối bỏ trật tự vĩnh hằng của vũ trụ, một trạng thái dao động giữa khó khăn và khoái lạc, giữa bệnh tật và sức khoẻ. Muốn sống trong tâm tĩnh lặng, mà bám chặt một trong hai cực đối lập thì không thể được. Chúng ta phải thường xuyên tái tạo hạnh phúc cho chính chúng ta, bằng cách công nhận bệnh chứng và chữa lành vào mỗi khoảnh khắc của đời ta.

Một số người trông chờ người khác, hoặc máy móc chữa lành bệnh, ngay sau đó họ tỏ ra không can hệ gì đến bản thân, và đấy chính là căn nguyên của bao bệnh tật.”

Nói tóm lại, người nào chữa lành ung thư nhờ phương pháp Thực Dưỡng mà không tự suy xét cặn kẽ rằng chính họ (hay tự ngã) là duyên cớ của ung thư và rằng dục vọng của họ đã vượt quá xa mức trung bình của sức khoẻ (mức đó là sống đạm bạc, thức ăn hầu hết thuộc cốc loại hay rau quả) thì người đó vẫn còn bệnh.
Just Mini
14. Nấu ăn với lòng từ ái
Tháng 11 năm 1980


Tôi vừa nhận một bức thư của người bạn cũ. Anh viết: “Tôi đã dùng nhiều bữa ăn Thực Dưỡng do nhiều vị đầu bếp nấu nhưng thỉnh thoảng mới thưởng thức được món ăn nấu với lòng từ ái. Rất nhiều người cố gắng nấu ăn sao cho quân bình âm dương và phân phối liều lượng thích hợp.Phải chi họ nấu với lòng từ ái thì họ chả cần lo lắng như vậy.” Anh đưa ra một ví dụ về bánh sinh nhật của mẹ anh làm mà mọi người đều thích, nhờ vậy, buổi tiệc chan hòa vui tươi.

Tôi đồng ý với ý tưởng phải có lòng từ ái trước đã. Tuy nhiên, anh hơi quá đà và quên rằng cố gắng quân bình bữa ăn và pha chế cho hợp khẩu vị cũng là từ ái vậy.

Tôi có biết một phụ nữ có lòng từ ái vĩ đại. Bà để tâm tới toàn nhân loại hay tất cả các vị thiên thần khi nấu ăn, đến độ quên cả việc nêm muối hay chưa, đã bỏ vào nồi bao nhiêu misô rồi... Do đó súp misô của bà có khi quá mặn, khi thì lại nhạt.

Vì lòng từ ái quá rộng rãi, bà thường hay nghĩ ngợi về bè bạn trong khi nấu. Kết quả là tâm trí của bà để đi đâu đó chứ không phải ở việc nấu nướng, nên đôi khi thức ăn có mùi vị mới lạ.

Đối với tôi, bà ta có quá nhiều tình thương và thiếu tập trung trong sự việc hiện tại, như lửa trên lò, rau và gạo trong nồi, hương vị và màu sắc của thức ăn, các món còn lại của bữa ăn trước, món nào cần thiết cho bữa ăn hôm sau.

Bà sẽ được hạnh phúc hơn nếu có tình thương thực tiễn thay vì tình thương tận thiên cung.
Just Mini
15. Sinh nhật george ohsawa lần thứ 87
Tháng 11 năm 1980


George Ohsawa sinh ngày 18-10-1893. Trong tạp chí “Kusa” phát hành năm 1954 tại ấn Độ, trước khi sang Mỹ, ông có viết về ngày chào đời của ông như sau:

Cố đô Kyoto là trung tâm Phật học do hoàng đế Kanmu xây dựng cách nay 1300 năm, có hơn 4.000 ngôi chùa, mà hầu hết đều là nơi chỉ đạo nhiều pháp môn Phật giáo. Cố đô được bao quanh bởi các dãy núi xanh tuyệt đẹp, với rất nhiều đền chùa nằm dọc bên sườn và trên đỉnh núi.

ở ven đô phía Tây, dưới chân núi Atago có con sông lớn, nước màu cẩm thạch, trôi êm đềm, uốn khúc theo lòng chảo Kyoto, sau khi trải qua các ghềnh đá, có rừng rậm xanh tươi che phủ. Thỉnh thoảng, trên tấm thảm màu xanh lục mát mẻ đó, nổi bật vài lùm cây đỗ quyên màu hồng khi tiết trời vào xuân. Dọc theo bờ sông và trên sườn đồi, hàng ngàn cây anh đào trổ hoa, rực rỡ toả sắc hương trên khắp xóm làng. Có một cây cầu gỗ dài, ngay đầu cầu là một ngôi đình cổ kính.

Một ngày vào thu năm 1893, có đôi vợ chồng trẻ đi qua cổng đình rêu phủ này. Họ từ miền xa đến đây lập nghiệp, tay và lưng mang hành trang nặng trĩu. Bất chợt, người vợ đang mang thai, gọi chồng lại trước cổng đình... và... hài nhi ra đời.

Hôm nay là ngày 18-10-1980, chúng ta – những thành viên của Hiệp hội Thực Dưỡng và những người bạn từ Argentina, Nhật Bản và nhiều nơi khác tới đây để dự lễ sinh nhật của tiên sinh Ohsawa. Nếu còn sống thì năm nay tiên sinh cũng đã 87 tuổi. Giờ đây tiên sinh đã an nghỉ ở bên kia thế giới. Trong buổi gặp gỡ hôm nay, tôi xin bày tỏ những suy nghĩ của mình về tiên sinh và chia sẻ cùng các bạn.

George Ohsawa là người sáng lập ra cách ăn uống theo phương pháp Thực Dưỡng tại Mỹ, châu Âu và nhiều nơi khác. Tuy nhiên ông không phải chỉ là nhà dinh dưỡng mà còn là nhà tư tưởng, triết gia, người bán hàng, nhà doanh thương, thi sĩ, văn sĩ, nhà hùng biện, nhà phê bình, người thám hiểm, lương y, nhà giả kim, nhà tiên tri, đặc biệt hơn cả, ông là người có lòng bác ái. Tiên sinh thương mến mọi người, không kể người nghèo hay giàu, bệnh hay khoẻ, khôn ngoan hay u mê, khổ đau hay hạnh phúc. Trong nguyệt san phát hành trước kia ở Nhật, ông có viết : “Con người có tự do, có tình thương, cảm ứng được vĩnh cửu”. Ông đã thấm nhuần nhân sinh quan này.

Từ tuổi 34 (1928) đến tuổi 63 (1957), ông đã phổ biến 120 cuốn sách, trung bình 4 cuốn mỗi năm, và viết nhiều bài báo trên các tạp chí ở Pháp, Nhật. Ông đã nghiên cứu kinh tế, xã hội của các nước phương Tây và đã viết 54 cuốn sách về đề tài này (hiện rất khó tìm, có thể đã bị chính quyền quân phiệt Nhật thiêu huỷ). Hàng ngày, ông viết nhiều thư từ cho các môn sinh, học giả và các lãnh tụ trên thế giới. Từ tháng 10-1953 đến 9-1962, ông đã viết 3.600 lá thư, tức mỗi ngày 1 lá. Nếu bạn là nhà doanh thương thì không có gì là lạ, nhưng nếu người nào khác đọc mấy lá thư ấy thì sẽ kinh ngạc vì đó không phải là các bưu thiếp mà là các tường trình về đặc tính của các địa phương mà ông đã viếng thăm, là các kinh nghiệm trị các bệnh bất trị như viêm loét nhiệt đới ở châu Phi, là các bài chỉ trích khuynh hướng xã hội, chính trị và y khoa, là các bài thơ, là các khám phá về nghiên cứu Thực Dưỡng và các ý nghĩ về nguyên tắc áp dụng. Đôi khi, thư dài tới 50 trang giấy.

Tại sao tiên sinh viết nhiều đến thế? Lòng từ bi khiến tiên sinh ngủ không được, tiên sinh phải dành thời giờ cho những người bất hạnh để giúp họ an vui. Giống như thân mẫu, tiên sinh không thể không xúc động trước cảnh bệnh tật và lầm than. Kể cả cảnh đau thương của một quốc gia.

Khi Nhật vừa khai chiến với phe đồng minh, Ohsawa đã tiên tri sự thảm bại và bần cùng của đất nước. Trong cuốn sách Đối đầu với mặt trận sức khoẻ, tiên sinh đã so sánh điều kiện sức khoẻ của dân Mỹ và của dân Nhật và đã cảnh báo chính quyền quân phiệt Nhật sẽ bị đánh bại nếu dân Nhật không trở lại lối ăn uống đúng truyền thống để có đủ sức khoẻ. ở trong bìa sau cuốn sách, Ohsawa tiên đoán các vị lãnh đạo chiến tranh sẽ bị kết án tội phạm chiến tranh, nên ông bị bắt giam với án tử hình. Ông không thù hận, mà trái lại, ông lo âu, gắng tìm phương cách ngăn cản chiến tranh.

Ông đã mời bệnh ung thư nhiệt đới (một bệnh bất trị ở châu Phi) đến “thăm” ông để chứng minh cụ thể là phương pháp Thực Dưỡng có toàn năng cứu rỗi dân châu Phi bất hạnh. Tình thương của ông không chỉ dành cho loài người, mà còn cho các loại vi khuẩn, nên ông đã chống đối kịch liệt việc tàn sát chúng, để trốn chạy đớn đau. Tình thương này làm nền tảng cho y học Thực Dưỡng. Ông không hoang phí, cả những mảnh giấy báo hay bì thư đã sử dụng rồi cũng được xài đi xài lại cho các việc thích hợp. Ông đã mắng nhiếc chúng tôi nếu hoang phí hạt cơm, miếng rau, hạt vừng... Nếu chậm hồi âm thư của ông, chúng tôi bị khiển trách vì hoang phí thì giờ. Trong thư, ông hỏi chúng tôi nhiều câu khó trả lời để chúng tôi không có giờ rỗi rảnh đi lang thang ăn nhậu.

Tình yêu của ông cũng nên thơ, ông yêu mến vẻ đẹp nước Nhật, nước Pháp và các phụ nữ kiều diễm, ông yêu mến sự thông minh, kiến thức, ý tưởng... Tình thương của ông là lo cho hạnh phúc xã hội, ông mơ ước một thế giới thanh bình, đó là thế giới đại đồng, vô biên, hòa hợp chủng tộc. Khi phe Đức, Nhật, ý được thành lập, tại hội trường của một trường đại học ông hỏi cử toạ “Quốc gia là gì?”, ông quan niệm quốc gia ở trong vũ trụ, làm gì có chiến tranh giữa các vì sao. Tình thương xã hội của ông được biểu lộ như thế đấy. Khi tình thương của ông đạt đến mức lý tưởng và siêu đẳng thì nó trở nên tự tại và thanh thản. Suốt đời tiên sinh dạy tôi sống với tình thương người. Nếu không ngộ nhập được tình thương siêu đẳng, chúng ta không đáng sống. Đạt tới tình thương này, ta sẽ sống tự tại với tâm hồn rộng mở, mới cảm nghĩ được vĩnh cửu. Đó là nền tảng học thuyết Thực Dưỡng. Vậy tình thương siêu đẳng là gì? ông phúc đáp: “Không chấp nhất, không độc tôn, thương sự nghèo như sự giàu, thương điều bất lợi như tiện ích, mến duy vật như duy tâm, thương kẻ lười nhác như người siêng năng, yêu cái xấu như cái đẹp - thế thì đâu có li dị”, đấy là bí quyết của y khoa Thực Dưỡng.

Không một chúng sinh nào là kẻ thù, không nên giết hại vi trùng. Ung thư, dị ứng, bệnh thần kinh..., tội phạm, thiếu niên phạm pháp, chính quyền hiếu chiến..., tất cả đều là môn học lý thú, mà Đấng Vô cùng, vị thầy vô hình, thường xuyên cho ta đối đầu, để khai mở cho ta trí phán đoán siêu đẳng, tức lòng từ bi hay bác ái.

Tại sao người văn minh không chịu nổi các thử thách này? Tại sao họ mê chấp đến thế? Ohsawa quan niệm ngã chấp đồng nghĩa vói nhị nguyên. Do đó mà phân biệt y học Đông và Tây. Ngã mạn là vì vướng mắc sắc tướng, thuộc giai tầng thứ 6 của trí phán đoán. Nhị nguyên luận là cái lý ẩn tàng làm dấy khởi tâm ý ngạo mạn này. Chỉ có những ai cảm nghiệm được hai mặt của một hiện tượng - hữu hình hay vô hình, mặt và lưng, thuỷ và chung của một thực thể, thì những người ấy mới đủ khả năng đón nhận nghịch cảnh, thấy được sự bổ sung của nghịch cảnh, mới giúp được tha nhân, xử sự an hòa trong mọi tình huống. Từ đó mới có được an bình nội tâm và ở khắp nơi. Tất cả những ai dễ nổi nóng, không có lòng khoan dung với mọi vật ở thế gian này đều mạo hiểm trong nhị nguyên luận, đều ngã mạn.

Người có óc nhị nguyên nhìn bệnh ung thư với ý niệm khác người có óc nhất nguyên. Trong cuốn Thực Dưỡng: cách điều trị, Ohsawa diễn đạt hai ý niệm ấy như sau: “Người văn minh xem ung thư như tai ách ghê rợn nhất mà xã hội loài người xưa nay chưa từng gánh chịu. Thái độ kinh hoàng đó do chấp ngã, sự cô độc và lòng tự kỷ tự tôn sinh ra. Nỗi lo sợ và sự thù nghịch này càng lúc càng gia tăng và có thể biến thành hành vi bạo động. Vận dụng cả thể lực và trí lực, cả thiện lẫn ác vào việc xung trận để tiêu diệt kẻ thù kinh tởm là ung thư, loài người liều lĩnh phá vỡ cả bản thân vì ung thư và thân thể đều được nuôi dưỡng cùng một nguồn”.

Người sống với nhất nguyên cũng ngạc nhiên trước bệnh ung thư, nhưng không sợ hãi, không oán hận. Khi bị ung thư dọa nạt, họ tự xét mình thật nghiêm minh, để tìm cho ra lý do nào khiến họ bị quở mắng thích đáng như thế.

Tóm lại, lối tư duy nhị nguyên, vướng mắc, với tâm trạng đối đầu, khiến cho khoa học nghĩ rằng vi khuẩn và môi sinh ô nhiễm... là căn nguyên của bệnh tật và họ đã phát huy lối đối chứng trị bệnh.

Do tâm nhị nguyên đối đãi, thuộc giai tâng thứ 6 của trí phán đoán, nên ngay cả các bác sĩ lỗi lạc cũng chỉ dừng lại ở tầng mức này mà không đạt được đến tầng thứ 7, cũng là tầng sau cùng, biểu tượng cho trí phán đoán siêu xuất, tức tình thương tối thượng thừa. Bác sĩ Schweitzer ở Lambarenée (châu Phi) là điển hình. Ông ấy là nhân tài nhưng chưa đạt tới tình thương nầy, vì chủ trương đối chứng trị liệu.

Ohsawa dạy rằng: “Yêu kẻ thù vẫn rơi vào nhị nguyên”. Tình thương cao cả là tâm thể trong đó không có kẻ thù hiện hữu. Ông đã áp dụng tình thương này vào y học tức là y học nhất nguyên (phi nhị nguyên), nhờ cảm nghiệm được tổng thể hay nhất thể, mà ông gọi là “trật tự thiên nhiên”. Trong cuốn Thực Dưỡng: cách trị liệu, ông quả quyết: “Một lần nữa và là lần sau cùng, tôi xin khẳng định là tất cả y học triệu chứng không chữa lành được ung thư mà cũng không chữa lành được bất cứ bệnh gì, kể cả cái cảm lạnh thông thường”.

Khi thuyết giảng ở châu Âu năm 1980, tôi (H. Aihara) bảo là ngay cả phương pháp Thực Dưỡng (trong đó có gạo lứt muối mè) cũng không trị lành được ung thư. Sau buổi giảng có người đến hỏi: “Ông chống đối Ohsawa à? Tiên sinh đã bảo rằng có bệnh nào bất trị đâu”.

Nếu áp dụng pháp Thực Dưỡng theo đối chứng trị liệu thì nó trở thành y học triệu chứng đối trị sắc thân, thì làm sao trị lành ung thư.

Bất cứ ai muốn trị lành một bệnh nào đó, thì người ấy phải hiểu được rằng bệnh là hậu quả của hành vi sai lầm do vi phạm trật tự vũ trụ (công bằng tuyệt đối) trong nếp sống hàng ngày, đặc biệt trong ăn uống. Phải hiểu được rằng ta là thành phần của tổng thể vô biên, phải phấn đấu, giác ngộ được tâm thể nhất nguyên, nếu không, cũng đành bó tay. Đây là điểm khác biệt giữa y học Thực Dưỡng và Tây y, kể cả cái được gọi là Đông y.

Ohsawa lớn lên trong tinh thần hiệp sĩ đạo, do cha, thân quyến và đặc biệt là mẹ truyền cho. Với sự phối hợp tinh thần hiệp sĩ đạo và lòng từ ái, ông lĩnh hội được quan niệm công bằng và chính quan niệm này có liên hệ đến tư tưởng và hành động của ông.
Just Mini
16. điều kiện thứ 7 của sức khoẻ
Tháng 12 năm 1980


Ohsawa là người sống với lòng từ ái. Nhờ tình thương này ông đã chỉ dạy cách ăn uống đúng phép hợp với thiên nhiên để trị bệnh khắp hoàn cầu và đã chống đối chính quyền quân phiệt Nhật vào thời đệ nhị thế chiến đến nỗi phải vào tù chờ án tử hình.

Vì tình thương tối thượng này, ông thường quở trách nghiêm khắc vợ ông, học viên và các cử toạ nếu họ không sống hợp với tâm hồn vô ngã, quảng đại, không tỏ lòng tri ân... Có người rời bỏ ông và có người mang cả lòng oán hận với ông. Họ không hiểu rằng tình thương của ông biểu lộ qua thái độ công bằng - công bằng của vô biên.

Trong cuốn Đời sống và môi sinh, một trong các sách đầu tay phát hành vào năm 1942, ông viết: “Tôi thích thiên nhiên, yêu thiên nhiên và tuân phục tính công minh của thiên nhiên, dù tôi thường vi phạm luật thiên nhiên, một cáchvô tình hay hữu ý”.

Trong thời gian làm việc tại Hội Thực Dưỡng Shoku Yokai, ông đúc kết các kinh nghiệm bản thân để ấn định ý niệm về sức khoẻ rồi viết thành sách. ở phần phụ lục có ghi:

Điều kiện sức khoẻ sinh lý:

1. Không bao giờ mệt mỏi hay cảm lạnh, sẵn sàng làm việc.
2. Ngon miệng dù với món đạm bạc nhất.
3. Ngủ ngon, nhắm mắt được sau 3 phút lên giường và thức dậy sau 4 hay 5 giờ yên giấc, không mộng mị hay cựa quậy lúc ngủ.

Điều kiện sức khoẻ tâm lý:

4. Có trí nhớ tốt, không bao giờ quên. Có thể nhớ 50. 000 tên người.
5. Vui vẻ từ sáng đến tối. Tri ânmọi vật.
6. Sống với tinh thần vô ngã. Không ích kỷ. Cống hiến cả cuộc đời cho chân lý vì hạnh phúc của người khác.
Khi đến Mỹ, ông cho phát hành cuốn Thiền và Thực Dưỡng (1960), ông thay đổi điều kiện năm và sáu.

“Điều kiện thứ năm - tính hài hước. Không có giận dữ. Một người khoẻ mạnh phải vui vẻ, dễ mến dù ở hoàn cảnh nào, không sợ hãi, không oán trách kêu than đớn đau. Đối đầu với trở ngại và thù hận, kẻ đó cảm thấy hạnh phúc hơn, dũng cảm hơn và nhiệt tình hơn. Sự hiện diện của bạn, giọng nói của bạn, hành vi của bạn, thậm chí cả sự chỉ trích của bạn phải mang theo được sự tri ân và lòng biết ơn tới những người bạn gặp.”

Ông đã thay đổi cơ bản điều kiện thứ 6:

“Điều kiện thứ sáu - thông tuệ trong suy tư và hành động. Người khoẻ mạnh phải có khả năng suy tư đúng đắn, đánh giá và hành động một cách nhanh nhẹn và thông minh. Nhanh nhẹn là biểu hiện của tự do. Những ai hành động một cách nhanh nhẹn, chính xác là những người sẵn sàng đáp ứng mọi thử thách, mọi tai nạn, mọi nhu cầu và có sức khỏe tốt.

Ohsawa hội đủ các điều kiện này, ông rất nhanh nhẹn và thông minh trong hành động, thường phản ứng sâu sắc, lanh lợi trước mọi biến cố, mọi dư luận chỉ trích. Tuy vậy ông chưa hài lòng với điều kiện này và còn bổ sung thêm: “Người khoẻ mạnh phải có khả năng thiết lập trật tự mọi nơi trong cuộc sống. Vẻ đẹp của hành động là biểu hiện của trật tự vũ trụ; Sức khoẻ và hạnh phúc là những biểu hiện cụ thể của trật tự vũ trụ trong cuộc sống.”

Năm 1962, ông thêm một điều kiện nữa và gửi thư cho các môn đệ tại Trung tâm Nippon Center Ignoramus ở Tokyo:

“Tôi rời Nhật Bản vào tuổi 60 và đã viếng thăm ấn Độ, châu Phi, châu Âu, châu Mỹ và ngay cả các xứ sở của Vikings và đã truyền bá phương pháp Thực Dưỡng được 10 năm. Giờ đây, tôi đang bước vào tuổi 70 mà theo Khổng Tử đó là số tuổi ít ai đạt tới. Và Thượng đế đã cho tôi món quà sinh nhật vô giá: trạng thái thứ 7 của sức khoẻ.

Sáu trạng thái trước tôi đã đề ra 30 năm trước đây và chưa ai yêu cầu chỉnh lý. Giờ đây, tôi đã tìm thấy thêm nấc thang thứ 7 để bước vào cõi vạn hạnh do công trình của tôi đã hiến dâng trọn vẹn cho tha nhân: hy sinh tính mạng suốt 10 năm qua.

Ôi sao tâm trí tôi còn chậm chạp thế! Đến 70 tuổi đầu mới tìm ra được biểu tượng của sức khoẻ này, tôi là kẻ đáng thương.

Tôi phát hiện được điều kiệng này do một tình cờ. G, một môn sinh kỳ cựu của tôi, đã từng dự 20 buổi hội thảo. Một hôm nọ anh ta giãi bày: “Mấy con tôi đã nói dối với thầy vì sợ thầy mắng”. Tôi quá kinh ngạc nên không nói được lời nào.

Liệu anh ta có bị làm sao không? Nếu lũ trẻ có nói dối thì anh ta nên bảo ban chúng, vậy mà anhg ta lại không hổ thẹn vì sự dối trá của chúng. Thế thì làm sao anh ta có sức khoẻ hoàn hảo. Nói cách khác, anh ta thiếu mất điều kiện thứ 7 của sức khoẻ dù đã theo phương pháp Thực Dưỡng trên 30 năm.

Biểu tượng của giai tầng sức khoẻ này rất quan trọng so với điều kiện trước và hàm chứa các điều kiện ấy. Đó là công bằng. Công bằng là gì. Bạn sống với công bằng chứ?

Theo cuốn Britania Syntopticon thì không có công bằng tuyệt đối trên thế giới này, chỉ có công bằng luật pháp và công bằng đạo đức. Theo tôi thì: công bằng chỉ là một tên khác của Trật tự vũ trụ. Do đó ai sống hòa hợp với trật tự thiên nhiên sẽ đạt được công bằng tuyệt đối. Có nhiều quan niệm ta không nhìn thấy, nghe thấy, được truyền đạt lại. Công bằng là một trong các quan niệm đó. Tự do, hạnh phúc, đời sống, hòa bình, vĩnh cửu, sức khoẻ, hòa hợp, sắc đẹp, sự thật là những ý niệm mà chưa ai từng giải nghĩa thoả đáng. Mọi người đều mong ước các thứ đó mà trái lại chỉ nhận thức được và sống với các trải nghiệm bất hạnh, chết chóc, đau ốm, gây gổ, chiến tranh, xấu xa, dối gạt, nóng giận, hận thù.

Trên thế giới này có những sự vật thấy được, kiểm chứng được và những sự vật không thấy được, không kiểm chứng được.

Có người như Democritus, Aristotle, Descard, Locke, Darwin... cho rằng không có các sự kiện không cảm nhận được. Họ thuộc nhóm duy vật. Nhóm khác chủ trương: có những sự vật nhận thấy được và cũng có cái không nhận thấy được và cả hai loại này đều là thực thể. Đó là nhóm Lão Tử, Tôn Tử, Đức Phật, Nagarjuna, chúa Jesu...

Hai luồng tư tưởng này đã được đem ra tranh luận trên 2.000 năm nay. ở thế kỷ XX này, có vài học giả duy vật phát giác được các vật hữu hình có thể xuất phát từ thế giới vô hình. Tuy vậy, hầu hết nhân gian đều tin ý niệm của nhóm duy vật.

Pháp Thực Dưỡng dung hòa cả hai ý niệm: thế giới mà ta thấy và cảm nhận được là thế giới hữu hình; thế giới hữu hình này bị chi phối bởi 2 lực gọi là Âm và Dương, xung khắc mà bổ sung cho nhau. Thế giới hữu hình phát xuất từ thế giới vô hình và là một phần của thế giới này. Quy luật điều chỉnh thế giới vô hình là trật tự vũ trụ, tức là sự công bằng vậy.

Trong cuộc sống này, thực thi công bằng là điều quan yếu nếu ta muốn có sức khoẻ và hạnh phúc. Lão Tử nói rằng khi công bằng bị bỏ quên thì đạo đức, luật pháp, y học phải được khai triển. Nói cách khác, nếu loài người tôn trọng trật tự vũ trụ, sống với tâm hồn rộng lượng thì họ không cần tới nguyên tắc đạo đức, luật pháp và y học. Vì thế tôi mới để công bằng vào điều kiện thứ 7 của sức khoẻ.

Tôi đã cố gắng trị lành nhiều bệnh nhân suốt 50 năm và nhận thấy những người lành bệnh là người dễ dàng thông suốt và tuân theo sự công bằng của thiên nhiên. Kẻ nào không hiểu và không tìm hiểu công bằng, thì không bao giờ khỏi hẳn bệnh tật.

Cuộc đời là phép lạ vĩ đại nhất. Chúng ta sống đây là bằng chứng hùng hồn xác minh một năng lực đóng vai trò phép lạ. Thiên hạ luôn mong tìm một quyền năng kỳ diệu để rồi bỏ quên một thực tế là chính họ có sẵn quyền năng đó. Ai hiểu được điều này thì sẽ trị lành bệnh. Người sống bằng tinh thần của phép lạ và sống hòa hợp với quyền lực vô biên là người hội đủ điều kiện thứ bảy của sức khoẻ. Việc tuân thủ phép lạ là sự công bằng trong thế giới hữu hình này. Chữa lành bệnh là thành phần nhỏ của phép lạ ấy. Sau cùng, người đạt tới điều kiện thứ bảy của sức khoẻ là người suy tư và hành động theo sự công bằng. Người đó có tâm trạng sau:

1. Không bao giờ giận dữ, tri ân mọi vật kể cả các khó khăn hay bất hạnh nhất.
2. Không bao giờ sợ hãi.
3. Không bao giờ nói “tôi mệt”.
4. Tri ân mọi thứ thức ăn, kể cả các món không ngon.
5. Ngủ ngon không mộng mị, 4-5 giờ là đủ.
6. Không bao giờ quên, đặc biệt là nợ nần hay lòng tốt của người khác.
7. Có niềm tin tuyệt đối vào công bằng (trật tự vũ trụ).

Người đạt đến nấc thang thứ bảy có thái độ xử thế như sau:

- Không nói dối để tự bào chữa.
- Hành động đúng đắn và chính xác.
- Hòa hợp với mọi người.
- Không bao giờ nghi ngờ điều người khác nói.
- Muốn sống để tìm ý nghĩa cuộc sống vĩnh cửu cao đẹp.
- Hạnh phúc nhất khi tìm được trật tự vũ trụ trong cuộc sống thường nhật và trong các sự vật cực nhỏ.
- Không dành cuộc đời cho việc kiếm tiền mà chỉ dành thực hiện những điều thực sự muốn làm.
- Dùng cả cuộc đời để giảng giải trật tự vũ trụ vì đó là một tác phẩm kỳ diệu.

Trí phán đoán của Ohsawa luôn phát triển như tiên sinh thường bảo với chúng tôi vì tiên sinh luôn luôn học hỏi một cách khiêm tốn, tự nhận lỗi và chấp nhận lời phê bình của kẻ khác.

Tiên sinh đã mất. Đã đến lúc chúng ta cần học hỏi các lời giáo huấn của tiên sinh để trí phán đoán cũng như sức khoẻ của chúng ta tiến lên tầng cao hơn.
Just Mini
17. Quan niệm về kẻ thù
Mừng năm mới 1981
Tháng giêng năm 1981


Loài người đã bước qua năm 1981, còn 19 năm nữa thì tới thế kỷ XXI. Điều gì sẽ xảy ra vào năm 1981? Chúng ta sẽ làm gì vào năm 1981? Để tôi dự đoán một lúc xem sao.

Năm 1981 sẽ là một năm quyết định của loài người. Khả năng cho chiến tranh giữa Nga và Mỹ lớn nhất vào năm 1961, khi J. F. Kennedy gửi quân đội ngăn cản những hạm đội Nga mang đầu đạn hạt nhân. Chiến tranh ở Trung Đông có thể bắt đầu châm ngòi cho chiến tranh thế giới thứ III.

Theo một vài chính trị gia và phần lớn những người cánh hữu thì vũ khí hạt nhân là vũ khí cho hòa bình: giúp chống lại kẻ thù của mình. Do đó, 2 quả bom hạt nhân đầu tiên đã được thả xuống Hiroshima và Nagasaki và đã giết đi 350.000 người vô tội. Ngày nay, chính phủ Mỹ sản xuất 3 quả bom mang đầu đạn hạt nhân mỗi ngày - mỗi quả mạnh gấp 20 lần hoặc hơn nữa so với quả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima và Nagasaki. Theo báo cáo của Liên hợp quốc, cả thế giới có khoảng 50 ngàn vũ khí hạt nhân và chúng có khả năng tiêu diệt 8 tỉ rưỡi người. Nguyên do nào đưa đến sự điên khùng này? Theo tôi đó là tại hậu quả của giáo dục học đường về quan niệm “kẻ thù”.

Một mối đe doạ nữa cho loài người là ung thư. Hiện giờ số tử vong vì bệnh tim đang giảm nhiều, nhưng số tử vong vì ung thư lại gia tăng. Hàng năm có gần 1 triệu người Mỹ chết vì bệnh này. Đấy là tai ách ghê rợn nhất cho loài người hiện nay, không phải chỉ vì con số tử vong vừa kể mà vì tính chất bí hiểm, vì căn nguyên chưa được xác minh.

Các khoa học gia xem các loại bệnh là kẻ thù. Do đó họ tìm mọi cách để tiêu diệt. Vũ khí của họ là mổ xẻ, phóng xạ, hóa chất và họ tuyên bố là có thể trị lành 1 trong 3 trường hợp ung thư. Thực ra họ chỉ kéo dài đời sống bệnh nhân thêm được 5 năm, thêm 5 năm đau đớn, khổ sở. Năm 1979 nước Mỹ phải tốn 3 tỉ Đôla cho bệnh này. Thật là lãng phí! Thế giới này buồn thảm quá! Vì sao? Chúng ta bị giáo dục học đường tiêm nhiễm về quan niệm “kẻ thù”. Nhưng ung thư đâu phải là thù! Nó chỉ là dấu hiệu báo cho ta biết nếp sống của mình không hòa hợp với thiên nhiên.

Bom nguyên tử, cũng như cách trị liệu ung thư nảy sinh từ quan niệm “kẻ thù”. Chừng nào mà quan niệm này còn tồn tại thì hòa bình và sức khoẻ không có. Không có kẻ thù ở thế giới này. Nếu không tiến tới khái niệm “không kẻ thù” này thì hòa bình thế giới hay sự khoẻ mạnh không thể tồn tại được.

Với chúng ta, năm 1981 sẽ là năm để bắt đầu cho sự giáo dục như vậy. Chúng ta hãy làm việc cùng nhau về điều này.
Just Mini
18. Một đêm tại trung tâm Vega
Tháng 3 năm 1981


Vào một chiều thuyết trình và hội thảo tại Vega, một cô học viên đến thăm chồng. Chồng cô đã có mặt ở Vega từ đầu khoá. Vì cô là học viên mới nên tôi hỏi cô có điều gì tham vấn không? Cô nói cô không hiểu nổi mùa hè lại dương, còn mùa đông lại âm, có phải vì cỏ cây phát triển vào mùa hè và thu rút lại vào mùa đông. Nếu sự giãn nở biểu tượng cho âm và sự thu rút thuộc dương thì hè phải âm và đông phải dương chứ?

Tầm nhìn của cô ta về âm dương làm tôi thích thú quá vì cô rất năng động vào mùa đông như chạy chậm rãi, trượt tuyết... Cô ta không co rút trong trời đông mà cô lại nhìn cảnh vật co rút trong băng giá. Cô không nhìn về cô mà nhìn ra ngoại cảnh.

Tôi trả lời như sau: ở Bắc bán cầu hè nóng đông lạnh. Vậy hè thì dương và đông thì âm. Cây cối phát triển vào hè là do hơi nóng (dương) có nhu cầu thu hút âm như nước, kali... Do đó âm gây ra sự phát triển của cây cối chứ đâu phải dương. Cô nghĩ hè là âm vì thấy cỏ cây phát triển. Lối suy nghĩ này là hậu quả của sự nhầm lẫn về nguyên nhân (trong trường hợp này là hơi nóng dương), về tác động (Sự hấp dẫn của âm) và về kết quả (thảo mộc phát triển).

Cây cối phát triển vào mùa hè không phải vì âm mà vì dương hấp dẫn các nguyên tố âm trong cây cối như nước, kali... Do đó không có nguyên tố âm trong một vùng nào đó thì thảo mộc không phát triển, như vùng sa mạc chẳng hạn. Đối với súc vật, có dương tính, thì mùa hè dương hấp dẫn nguyên tố âm như nước, kali, nhưng các nguyên tố này không đủ cho thú vật phát triển nên chúng bị sụt cân vào mùa hè.

Dương, khí nóng mùa hè thu hút các nguyên tố như nước, kali... → cây cối phát triển (âm).

Cô nghĩ đông thì dương và hạ thì âm vì cây cối co rút vào mùa đông. Lại nữa, lối suy luận này do sự nhầm lẫn về nhân-quả. Cái lạnh mùa đông (âm) gây ra sự tống khứ âm chất (nước, kali...) ra khỏi cây cối làm cho chúng thiếu điều kiện nảy sinh. Cái lạnh mùa đông là nguyên nhân, âm xô đẩy âm là duyên cớ và hậu quả là sự thu hút.

Âm, (cái lạnh mùa đông) → tống khứ âm chất (nước, kali...) → cây cối ngưng phát triển hay co rút (dương).

Giữa cơ quan nội tạng và thực phẩm cũng có mối liên quan tương tự. Theo quan điểm Thực Dưỡng thì bao tử và ruột (rỗng) được coi là các bộ phận âm nên bị các thực phẩm dương tác dụng: súp miso, rau cải nấu thật chín... Điều đó cũng giống như trường hợp sức nóng mùa hè tác động cho thảo mộc (âm) phát triển. Tuy nhiên, cơ chế thực phẩm (dương) tác động cơ quan nội tạng (âm) như thế nào thì vẫn còn là bí ẩn vì thực phẩm dương kích thích các dây thần kinh dương (hệ thống thần kinh đối giao cảm) và rồi các dây thần kinh đó tác động các bộ phận âm.

Theo nguyên lý âm-dương, thì âm dương hấp dẫn nhau và kích động nhau, còn âm đẩy âm và dương đẩy dương. Nếu nguyên lý này đúng thì sao thức ăn dương lại kích thích dây thần kinh dương? Sự kiện này được giải thích như sau: Có một lớp tế bào đệm giữa các mao mạch và các tế bào thần kinh. Tất cả các nguyên tố âm hay dương trong thực phẩm đều đi xuyên qua lớp tế bào đệm này để đi đến hoặc sợi dây thần kinh đối giao cảm hoặc thần kinh giao cảm. Điều khá kỳ lạ là các tế bào đệm hành động như các kiểm soát viên. Nói cách khác, vài tế bào đệm chỉ cho vài nguyên tố dương đi qua(hình 1). Trong trường hợp này các tế bào đệm lại là âm cho nên chúng liên kết với dây thần kinh dương (đối giao cảm). Các phần tử dương đi xuyên qua các tế bào đệm này, đồng thời kích thích dây thần kinh đối giao cảm để tạo ra acetylcholine mà chất này làm co rút (dương) hay tác động ruột, bao tử, bàng quang... (âm).

Tuy nhiên vài tế bào đệm chỉ cho các nguyên tố âm qua thôi (hình 2). Trong trường hợp này các tế bào đệm lại là dương cho nên các tế bào đệm nối kết với dây thần kinh âm (giao cảm), các nguyên tố âm đi qua các tế bào đệm đồng thời kích thích dây thần kinh giao cảm để tiết ra chất norepinephrine, chất này làm giãn nở hay khơi động... (âm) tim, gan, thận... (bộ phận dương).

Liên hệ nhân quả này được vẽ thành biểu đồ: thực phẩm dương → các tế bào đệm âm → dây thần kinh đối giao cảm dương → kích động các bộ phận dương (tim, gan, thận).

Thế thì âm tác động dương và ngược lại, âm được dương bám sát và dương được âm theo đuổi. Đấy là trật tự vũ trụ

Giải đáp xong câu hỏi, các học viên ngưng một chốc, một học viên khác nêu lên thắc mắc:

Học viên 1: Thày có tin việc tái sinh?

H.Aihara: Không, tôi không tin, vì tôi biết việc đó.

Học viên 2 : Em tin là có hiện tượng tái sinh

H.Aihara : Tôi không tin vì tôi biết.

Học viên 2 : Xin thày giảng rõ cho.

H.Aihara : Nguồn cội của các bạn là gì? Các bạn từ đâu đến???

Các học viên không trả lời được.


H.Aihara: Nguồn cội của các bạn là thực phẩm. Nguồn cội của thực phẩm là ánh sáng, không khí, nước, khoáng chất thuộc thế giới nguyên tử. Nguồn gốc của thế giới nguyên tử là thế giới tiền nguyên tử như electron, proton và neutron. Gốc gác của tiền nguyên tử là năng lượng (sự rung động). Nguồn gốc của năng lượng xuất phát từ sự phân cực âm và dương. Âm dương bắt nguồn từ vô cực hay vô biên. Đời sống chúng ta khởi sự từ vô biên và khi chết ta về vô biên. Rồi cuộc sống khác bắt đầu. Đó là sự giải thích của tôi về tái sinh. Do vậy, tôi biết rằng mình sẽ trở lại thế giới này, vì chúng ta sống trong thế giới vô biên.

Học viên 2: Vâng, tôi đã hiểu nguồn cội sinh lý của chúng ta. Còn linh hồn làm cách nào tạo nên tính tình, nét đặc thù tâm lý, đạo đức...

H.Aihara: Bạn đặt một câu hỏi mà nhiều tư tưởng gia, Đông cũng như Tây đã phải làm ngơ từ buổi đầu của nền văn minh loài người. Một cao tăng Nhật Bản, người sáng lập ra môn phái Shingon tên Kukai, đã diễn tả linh hồn bằng 9 giai tầng, nhưng đã không minh giải được. Jean Paul Sartre đã cố gắng giải đáp trong tác phẩm Hiện sinh và hư vô, nhưng theo tôi nghĩ ông cũng thất bại. ở Mỹ các ông Wiliam James và Alfred Adler đã tìm cách giảng giải bản thể của linh hồn nhưng rồi cũng chưa ai thấu hiểu. Theo tôi thiển nghĩ, họ không giảng nghĩa được vấn đề là vì họ không thể kết hợp thể xác và linh hồn. Nhờ xem xác và hồn là nhất thể nên quan niệm Thực Dưỡng minh giải vấn đề này dễ dàng.

Sau đây là ý của tôi: trước nhất ta hãy tìm về nguồn cội của thể xác. Thân thể ta được cấu tạo bằng hàng tỉ tỉ tế bào do các tế bào máu biến thành. Tế bào máu là sản phẩm của thức ăn (1). (Hầu hết các khoa học gia trừ vài người, không đồng ý về ý niệm này. Nhưng rõ ràng là nếu ta không ăn chúng ta sẽ không có máu và không có tuỷ xương). Thực phẩm chúng ta dùng là thảo mộc hay sản phẩm của thảo mộc. Vậy gốc gác tiên khởi của thể xác của ta là giới thảo mộc (2). Gốc gác của thảo mộc là giới nguyên tử (3). Nguồn cội của giới nguyên tử là giới tiền nguyên tử (4). Nguồn cội của giới tiền nguyên tử là năng lượng(5) như điện từ, trọng lực, động năng, thế năng, nhiệt năng... Năng lượng do phân cực âm dương sinh ra (6). Sự phân cực bắt nguồn từ Một, Vô biên hay Hư vô của Lão giáo (hay Thái cực của triết học Trung Quốc) (7) (Hình 3).

Hư vô là nguồn cội tối thượng của thể xác chúng ta và tinh thần chúng ta. Hư vô là cái tôi - hư vô hay nhất thể là tình trạng nguyên thuỷ của thể chất và tinh thần. Từ cái hư vô này (hay hư vô) thế giới vật chất và tinh thần phát sinh. Mỗi thể chất và tinh thần đều có 7 giai tầng và tầng 7 cũng là giai tầng chung cho cả hai và đó là vô cực, đại giác, hư vô hay Thượng đế.

Vô cực giống như trung tâm truyền hình. Nó phát ra các loại phê phán, tư tưởng, kiến thức, cảm nghĩ, cảm xúc. Linh hồn con người giống như chiếc máy thu hình và tùy cách cấu tạo thể xác và điều kiện cá nhân mà linh hồn đón nhận được sự phán đoán của tư tưởng, kiến thức... và cũng tùy phương cách này mà linh hồn phát sinh ra tính tình, sắc thái nội tâm và hành vi. Do đó gốc của linh hồn con người là vô cực. Bắt được tầng phê phán, băng tần cảm xúc v.v... tùy thuộc vào chiếc máy thu hình của ta và phẩm chất của chiếc máy, được xác định bằng tư tưởng, hành vi và thức ăn của tổ tiên ta, cha mẹ ta và của chính chúng ta. Dĩ nhiên, bữa ăn của ta là yếu tố hữu hiệu nhất giúp ta thu nhận tín hiệu của đài truyền hình.

Ngay khi còn là bào thai, chúng ta có bản năng dò cảm nhận trên phương diện thân thể. Khi máu biến thành các tế bào, thì các tế bào đầu tiên này tìm băng tần để thu được sự cảm nhận từ thân thể cho tới sự vô biên. Sau đó óc, hệ thần kinh, bộ tiêu hóa, tim được hình thành và vận hành theo nguyên lý âm dương.

Khi ta dùng giác quan để nhận thức thì ta có thể phân biệt được các thứ màu sắc, âm thanh, hương vị.

Khi ta tơ vương đến tình cảm thì ta có thể phân biệt được các thứ cảm xúc: vui, buồn, ghét, thù, giận, hạnh phúc, nuối tiếc.

Khi ta vận dụng trí tuệ ta có thể nghiên cứu các quan niệm, kiến thức khoa học...

Khi nghĩ về xã hội hay vấn đề kinh tế thì chúng ta trở nên một thành viên của chủ nghĩa xã hội, nhà tư bản, người cộng sản hay là một chính khách.

Khi bàn về triết lý, tôn giáo hay nhị nguyên luận, chúng ta phân chia sự vật thành tinh thần và vật chất (6) tốt hay xấu, đúng hay sai, bạn hay thù, thiện hay ác, thiên đàng hay địa ngục...

Lúc tìm đến băng tầng của bậc thang thứ 7 (7) của trí phán đoán tức là tiếng nói của Vô biên và Công bằng thì hồn ta trở nên rộng khắp và thân thể ta trở nên vô biên. Lần này thân tâm lại hợp nhất. Mọi sự vật ở trong tầm tay ta. Tư tưởng của chúng ta không phải do ta sáng tạo mà là do sự sáng tạo của Vô biên. Chúng ta chỉ góp nhặt được vài ý kiến. Khi chúng ta làm một điều gì đó thì chúng ta cho rằng “Chúng ta đã suy nghĩ về nó”. Tuy nhiên, tất cả các ý tưởng, tất cả các cảm giác, tất cả các cảm xúc không phải của ta mà do vũ trụ tạo ra và truyền đi. óc của ta rà bắt vài băng tần ấy thôi. Rồi ta cảm thấy được điều gì đó.

Trên đây là các diễn giải của tôi về linh hồn. Hãy cho tôi nghe lời bình phẩm.

Các học viên tại Vega tỏ ra sung sướng được nghe các điều này. Có người bảo: giải bày về linh hồn thật tuyệt vời.
Just Mini
19. Khoản cá cược nặng đô
Tháng 5 năm 1981


Khi tôi tới khách sạn Sheraton Palace ở San Francisco vào ngày 10 tháng 3 để nghe bác sĩ Anthony Sattilaro và Michio Kushi thuyết giảng, tôi thấy một ông người thấp đậm đi qua bên cạnh mình. Nhận ra đấy là bác sĩ A. Sattilaro, tôi bèn chủ động tự giới thiệu. Trước sự ngạc nhiên của tôi, trước khi tôi kịp nói tên mình thì ông bắt tay tôi mà nói “Chào Herman”. Ông hành động như thể chúng tôi đã biết nhau từ lâu. Ông rất thân thiện.

Ông bắt đầu bài phát biểu bằng lòng tri ân tới các giảng viên về Thực Dưỡng, kể cả tôi. Tôi ngạc nhiên bởi sự tôn vinh tôi của ông như là thầy ông bởi tôi chưa từng dạy ông. Ông đã giảng giải chế độ ngừa ung thư không chỉ từ quan điểm tây y mà cũng từ đường lối Thực Dưỡng. Tôi ngạc nhiên khi ông hơi đi vào chi tiết về y học Trung Hoa để giải thích những bệnh ung thư khác nhau. Ông kết thúc bài nói của mình bằng một lời khuyến nhủ dùng chế độ Thực Dưỡng100% đối với bệnh ung thư. Tôi nghĩ mình đang mơ. Điều kỳ diệu là ông đã chữa khỏi ung thư cho mình bằng chế độ Thực Dưỡng. Tuy nhiên đức tin và lời kêu gọi áp dụng chế độ Thực Dưỡng với tư cách một bác sĩ Tây y - thì còn hơn là phép mầu.

Hai mươi năm trước, khi Giáo sư Ohsawa bắt đầu những bài diễn thuyết Thực Dưỡng ở Nữu Ước thì có một bác sĩ y khoa bắt đầu ăn kiêng. Trước sự ngạc nhiên của ông này, vợ ông cũng đã chữa khỏi tật nghiện rượu bằng áp dụng Thực Dưỡng qua sách. Rồi ông bắt đầu khuyên nhủ các bệnh nhân ăn kiêng. Tôi có cửa hàng Thực Dưỡng đầu tiên ở Mỹ, ở làng Greenwich vào lúc đó. Mỗi ngày tôi có ít nhất mười khách hàng do bác sĩ đó giới thiệu tới. Sự ảnh hưởng từ một bác sĩ y khoa thì rất mạnh. Tuy nhiên, ông này đã bỏ dạy Thực Dưỡng vì sợ giới Tây y kết án và sợ mất bệnh nhân. Các bệnh nhân một khi đã học được ăn kiêng thì thường không quay lại chỗ bác sĩ, bởi họ đã tự chữa khỏi bệnh mình, hay bởi họ chẳng thích một bác sĩ đã chẳng đưa thuốc cho họ uống. Dù sao, ông đã thôi dạy Thực Dưỡng và hình như ông cũng bỏ ăn kiêng nữa. Vợ ông lại tái nghiện và họ sớm chia tay. Kể từ đó phong trào Thực Dưỡng ở nước này không bao giờ được giới bác sĩ y khoa chấp nhận. Hơn nữa, họ còn tuyên bố Thực Dưỡng là chế độ ăn kiêng nguy hiểm nhất.

Ohsawa đã thuyết phục và chuyển đổi được nhiều y sĩ chuyên nghiệp sang Thực Dưỡng ở Nhật. Nhiều người trong họ ngày nay đang trợ lực cho Thực Dưỡng ở Nhật. Tuy vậy ông đã không thành công ở nước ngoài. Ông đã cố thuyết phục bác sĩ Schweitzer bằng cách tự gây nhiễm một bệnh ung thư nhiệt đới rồi chữa khỏi nó bằng Thực Dưỡng. Bất kể những nỗ lực hy sinh như vậy, nhưng không có bác sĩ y khoa có ảnh hưởng lớn nào gia nhập phong trào Thực Dưỡng.

Giờ đây chúng ta có bác sĩ Sattilaro, một bác sĩ y khoa tầm cỡ lớn, là trưởng khoa một bệnh viện lớn của thành phố, đứng về phía chúng tôi. Đây là một khoản đặt cược, một khoản cược đáng giá cả triệu đô la cho phong trào Thực Dưỡng. Ông sẽ tiếp dẫn hàng trăm bác sĩ chuyên nghiệp sang Thực Dưỡng và tiếp đó sẽ thuyết phục tới hàng triệu người nữa về giá trị của nó. Sean Mc Lean và Bill Bochbracher, hai người đi nhờ xe (chuyện này chúng tôi đã cho đăng trong “Phương pháp ăn uống để phòng chống bệnh ung thư”, NXB VHTT, 2001- ND), đã hướng dẫn bác sĩ Sattilaro tới Thực Dưỡng, hẳn xứng là những thành viên Thực Dưỡng giá trị. Denny Waxman nên được vinh danh ở hội trường Thực Dưỡng Fama, sau Michio Kushi. (cuốn sách hướng dẫn trị ung thư bằng Thực Dưỡng của bác sĩ Sattilaro “Vui sống tự nhiên” đã được dịch ra tiếng Việt, NXB TP. HCM, 1992 - ND).

Dù cho hàng trăm ca ung thư đã được chữa khỏi bằng cách tiếp cận ThựcĐưỡng, giới chức y tế Hoa Kỳ đã không thừa nhận liệu pháp ăn kiêng. Tuy nhiên, trường hợp của bác sĩ Sattilaro thì khác. Ông là một bác sĩ nổi danh đã tự chữa khỏi ung thư ác tính bằng chế độ Thực Dưỡng dưới sự chứng kiến của nhiều chuyên gia y tế. Thực tế này không phủ nhận được. Nhiều bác sĩ nữa sẽ áp dụng chế độ Thực Dưỡng cho các bệnh nhân của họ. Điều này sẽ mang lại một cuộc cách mạng ghê gớm về y học. Bác sĩ Sattilaro sẽ là người đứng đầu bảng.

Tôi đã từng ngạc nhiên là làm sao bác sĩ Sattilaro đã có thể chữa khỏi bệnh ung ác của ông trong một thời gian ngắn vậy. Cho dù bằng những tiêu chuẩn Thực Dưỡng thì sự chữa lành của ông vẫn kỳ diệu đến khó tin. Khi tôi nghe bài ông phát biểu, tôi mới hiểu nguyên do. Ông là một người vô cùng thân thiện, cởi mở. Ông không có tính trịch thượng. Do vậy, ông đã cho hai người vốn trông có vẻ giang hồ đi nhờ xe. Với tính cách này, ông đã dám nghe những lời của một người không chuyên về chữa ung thư. Ông đã bắt đầu chế độ Thực Dưỡng không đơn giản bởi đã thất vọng, mà bởi không có định kiến nào về bất kỳ ý tưởng mới nào. Nếu ông thuộc loại có tâm hẹp lượng thì đã chẳng bao giờ thử Thực Dưỡng cả, ông là một bác sĩ, còn Thực Dưỡng mới chỉ có tiếng tăm yếu ớt trong ngành.

Tuy vậy, tính cởi mở của ông cũng không phải không có lý do. Chẳng lẽ ông đã không lo ngại về những chỉ trích có thể bị nêu ra trong những khoá họp y khoa ư? Chẳng lẽ ông không sợ sự lên án của giới y tế bởi thái độ của ông thật trái ngược với mọi giáo huấn của y học đương đại ư? Có thể ông đã bị rồi. Tuy nhiên, theo ý tôi, ông hẳn đã đứng dậy và bảo người ta rằng ông khuyến nhủ chế độ Thực Dưỡng cho điều trị ung thư không chỉ bởi lòng biết ơn mà còn vì sự công bằng.

Bác sĩ Sattilaro đã có thể chữa lành bệnh ung thư giai đoạn chót của ông trong một năm thôi là bởi ông có chính kiến, vốn là điều kiện cao nhất của sức khoẻ. Nói cách khác, bác sĩ Sattilaro chưa từng là người bệnh hoạn. Bệnh duy nhất của ông chỉ thuộc thể xác, gây nên bởi việc ăn uống tội nghiệp do bị giáo dục sai lầm. Do vậy, vừa nhận ra lỗi lầm là ông đã có thể sửa chữa điều kiện thể chất rất dễ. Ông đã không cần tu sửa trong tâm tưởng mình. Trí phán đoán của ông rất cao.

Đây là nguyên do bác sĩ Sattilaro đã chữa khỏi bệnh ung thư của mình và đây là lý do bây giờ ông đang rao giảng Thực Dưỡng cho thế giới. Việc chúng ta có được một người như vậy vào thời điểm này là một điều kỳ diệu còn hơn việc chữa khỏi ung thư.
Just Mini
20. Một bệnh nhân ung thư hạnh phúc
Tháng 5 năm 1981


Vào đầu năm 1981, Vega đón chào một bệnh nhân ung thư, một người đàn bà tới từ thành phố California. Bà bị ung thư vú; vú bên trái bị cắt bỏ vào cuối mùa hè năm ngoái và bây giờ vú bên phải bắt đầu bị ác tính. Bà tới gặp tôi vào cuối tháng 10 năm ngoái để hỏi ý kiến về việc ăn kiêng. Sau khi hiểu rõ, bà về nhà và tiếp tục ăn uống theo Thực Dưỡng. Để nghiên cứu các nguyên tắc và cách nấu ăn Thực Dưỡng, bà lại tới Vega.

Khi lần đầu tiên tới, bà bị đau ở lưng cả đêm. Nếu từng bị như vậy, bạn sẽ cảm thông biết chừng nào. Bà không thể đặt lưng nằm xuống vì sự đau đớn. Hàng sáng chúng tôi tập Sotai, tự tập cho mình và hai người làm cho nhau. Một tuần sau, cơn đau của bà biến mất. Bà có thể ngủ ngon và không bị cơn đau hành hạ nữa. Thật là vui mừng. Bà có thể nằm trên sàn mà không bị đau. Bà thích thú với việc chế độ ăn kiêng của mình. Sức khỏe bà tốt lên từng ngày.

Tôi chưa từng nghe lời phàn nàn nào của bà. Bà mạnh khỏe hơn nhiều so với những người gọi là khỏe mạnh. Bà gây một sự ngạc nhiên lớn cho tôi. Sự ngạc nhiên lớn nhất là vào buổi giảng cuối tại Vega. Khi đó tôi đang nói về “bản chất hạnh phúc”. Tôi nói: George Ohsawa có lần nêu định nghĩa về một con người hạnh phúc. Ông nói người hạnh phúc là người muốn làm lại cuộc đời mình từ lúc bắt đầu sinh ra cho tới giờ.

Ngay khi tôi nói ra điều này, bà nói: “Tôi cũng thế!”. Thực tế, bà đã tâm sự cảm giác của mình với những học viên khác trước khi tôi nói ra điều đó. Do đó, suy nghĩ của bà không phải là kết quả của điều mà tôi nói ra.

Tôi chưa từng gặp người nào sẵn sàng làm lại cuộc đời của mình lần nữa, chính xác theo cách như vậy. Phần lớn con người ta đưa ra những điều kiện mà họ muốn thay đổi. Nhưng bà chắc chắn là một người hạnh phúc.

Bà là một bệnh nhân ung thư hiếm hoi.
Just Mini
21. Từ bệnh tim đến bệnh ung thư
Tháng 7 năm 1981


Trước kia tại Mỹ số tử vong vì bệnh tim và tim mạch là mối lo sợ hàng đầu của dân chúng. Đến nay thì thống kê của chính phủ cho biết tỷ lệ tử vong vì các bệnh này đã giảm đi 10% đối với bệnh tim và 16% đối với bệnh tim mạch (từ 1960-1977).

Sức khoẻ của dân chúng đã cải thiện rồi chăng? Trong 20 năm qua, các ăn uống đã đổi thay rất nhiều. Có 5 điểm sau đây giải thích sự thay đổi này:

1. Vào năm 1962, sau khi Rachel Carson viết cuốn “Mùa xuân yên tĩnh” thì vấn đề ô nhiễm môi sinh được chú ý rất nhiều. Mọi người quan tâm đến thực phẩm và chọn các thực phẩm thiên nhiên, không tinh chế, không bị pha trộn thuốc bảo quản hay màu thực phẩm.

2. Ancel Keys đã hướng dẫn một cuộc thực nghiệm với 12.000 người, suốt thời gian từ 1948 đến 1960 và kết luận rằng các bệnh tim và tim mạch đều do lượng cholesterol cao trong thực phẩm gây ra. Bản báo cáo của A. Keys đã được đăng ở trang bìa của thời báo Times khoảng năm 1960. Lúc ấy tiên sinh Ohsawa đang ở căn chung cư của tôi tại Nữu Ước và tiên sinh rất thích bài báo ấy. Bài báo khuyến cáo dân Mỹ hãy giảm bớt các thức ăn quá béo như thịt bò, heo, gà, trứng và pho mát, khuyến khích nên dùng dầu thực vật thay cho mỡ động vật, bơ thảo mộc thay cho bơ động vật, dùng sữa ít chất béo hơn sữa thường dùng...

3. Có một sự thay đổi lớn lao trong chế độ ăn uống của người Mỹ là nhờ bác sỹ người Anh tên là Denis Burkitt. Ông từng làm việc tại một bệnh viện ở Nam Phi vào thập niên 1950 và ghi nhận rằng có một bộ lạc không có bệnh tim mạch trong suốt 5 năm. Ông rất thắc mắc và muốn tìm rõ nguyên nhân. Ông thấy dân bản xứ chỉ ăn 10% chất béo trong số thực phẩm thường dùng hàng ngày mà họ còn ăn thức ăn nhiều xơ. Ông cũng thấy rằng những người nào trong bộ lạc ăn uống theo chế độ của dân da trắng (đường, thức ăn bị tinh lọc, mất chất xơ...) đều bị bệnh tim và tim mạch. Người dân nào ăn uống theo lối cổ truyền thì vẫn tráng kiện.

4. Tác dụng của chất cholesterol và chất xơ đã được nhiều nhà khoa học nghiên cứu. Họ kết luận: Thực phẩm chứa nhiều cholesterol và có ít chất xơ là căn nguyên quan trọng nhất gây ra bệnh tim và tim mạch. Khám phá mới này đã được in thành cuốn sách “Các mục tiêu dinh dưỡng của nước Mỹ ”, do Uỷ ban Thượng viện chuyên trách về dinh dưỡng soạn thảo, đứng đầu là Thượng nghị sĩ McGovern – tháng Giêng, 1977). Về sau, khuyến nghị trong sách đã phải sửa đổi do áp lực của các kỹ nghệ gia sản xuất thịt, sữa và đường.

5. Hiện nay cách ăn uống dành cho bệnh tim được phổ biến nhất là chế độ ăn kiêng của Pritikin: không muối, không đường, ít protein và chất béo (10% thực phẩm gốc động vật) và không dùng thêm chất dầu, do đã có sẵn trong ngũ cốc lứt, rau củ và trái cây. Lối ăn uống này rất giống với ăn uống của phương pháp Thực Dưỡng và rất thích hợp cho mọi người. Nhưng vì không am tường nguyên lý Âm Dương nên muối bị cấm dùng còn trái cây thì lại được khuyên dùng. Trái cây, nếu dùng nhiều, sẽ làm cho một số người bị âm thịnh và sức khoẻ bị mất quân bình.

Những sự thay đổi về chế độ ăn là nguyên do chính khiến cho tỷ lệ tử vong vì bệnh tim giảm trong thời gian từ năm 1960-1977. Tuy vậy sức khỏe người dân Mỹ vẫn không được cải thiện vì trong thời gian này (1960-1977), tỷ lệ chết về ung thư lại tăng 16%. Rõ ràng là số người chết vì ung thư đã thế mạng cho số người chết vì tim mạch và chính quyền đã cải cách lối ăn uống cho người bệnh tim, chứ không phải cho người mắc bệnh ung thư. Giờ đây chính phủ lại tìm phương cách ăn uống ngừa và trị ung thư.

Tại sao số bệnh nhân về tim và tim mạch giảm đi trong khi số bệnh nhân ung thư lại tăng? Bệnh tim đã giảm vì dân chúng dùng ít chất béo và dùng nhiều chất xơ hơn. Ung thư hoành hành vì lượng đường và lượng hóa chất tiêu thụ đã tăng vọt. Nhưng nguyên do lớn nhất là muối bị khai trừ.

Các chuyên viên dinh dưỡng và y khoa sợ muối, tất cả đều chống đối muối. Vì thực phẩm gốc động vật và thực phẩm chế biến đã chứa nhiều muối nên các vị này vin cớ đó để khuyên bệnh nhân đừng dùng muối để nêm khi nấu ăn và muối gia vị trên bàn ăn. Nhưng ta nên nhớ muối là món tạo ra chất kiềm mạnh nhất. Thiếu chất này cơ thể thiếu sức đề kháng, sức miễn nhiễm và không ngăn chặn nổi sự phát triển của tế bào ung thư. Muối có nhiều dương tính nên cản trở sự phát triển của các tế bào u ác mang âm tính. Những người ăn chay dùng thực phẩm thảo mộc và những người không dùng thực phẩm chế biến, nếu không dùng muối để nêm khi nấu ăn thì không đủ lượng Na để duy trì môi trường kiềm trong thể dịch, nói cách khác là đã tạo ra sự mất quân bình giữa kali và natri (K/Na) trong dung dịch ở phần liên bào hay phần nội vi tế bào.

Thiếu muối, ung thư không thể bị kiềm chế. Nhưng muối tinh chế cũng không tốt. Ta nên nêm thức ăn bằng muối thiên nhiên khi nấu nướng để chất natri phối hợp dần với chất bột, chất đạm hay chất béo mà không cản trở hoạt động của tim. Ngược với muối dùng để nấu ăn, muối ở bàn ăn (muối tinh) làm thay đổi hàm lượng Na trong máu quá nhanh gây tác hại cho nhịp tim dễ đưa đến bệnh tim.

Khi dùng cốc loại, rau trái tươi không nấu với muối thì bữa ăn thiếu hẳn natri. Vậy thì thế quân bình (tỉ lệ) K/Na trong cơ thể cũng bị chao đảo, bệnh tật lại sinh ra. Vậy là dân Mỹ giảm lượng muối để ngừa bệnh tim mà không cứu xét tường tận cách chọn thức ăn.

Nếu thực phẩm động vật hay thực phẩm đã được chế biến sẵn thì muối không cần thiết, nhưng khi dùng thực phẩm thảo mộc tươi hoặc không dùng thực phẩm gốc động vật thì muối lại cần thiết.

Sự thay đổi lượng Natri và Kali trong đậu đỗ
Thực phẩm (100g) Na (mg) K (mg)
Đậu tươi 0, 9 380
Đậu đông lạnh 100, 0 160
Đậu đóng hộp 230, 0 180

Khi nấu ăn theo phương pháp Thực Dưỡng, misô và tương được sử dụng làm gia vị thay thế muối. Hai loại này chứa nhiều natri, ngoài ra còn có kali và chất đạm, như vậy chúng không chỉ cung cấp muối mà còn có axit amin (đặc biệt là vitamin B12), chất trở thành quan trọng khi ta không dùng thực phẩm động vật. Hơn nữa, misô và tương còn giầu chất kiềm. Vì vậy sử dụng chúng tốt hơn muối.

Y học hiện đại biết nguyên nhân của bệnh tim nhưng chưa rõ nguyên nhân của ung thư, mặc dù theo thống kê, ăn uống hàng ngày có thể là nguyên nhân chính. Theo Cẩm nang của Hiệp hội Ung thư Mỹ năm 1980, 58,04% trường hợp chết liên quan đến thực phẩm hàng ngày, bao gồm cả bệnh tim, đột quỵ, đái đường, xơ gan, viêm thận, xơ cứng động mạch và ung thư vú, ung thư ruột kết. Mặc dù họ thừa nhận nguyên nhân ung thư vú và ung thư ruột là do sự tiêu thụ nhiều chất béo, họ vẫn không lưu ý, cân nhắc rằng ăn uống hàng ngày là nguyên nhân của các loại ung thư khác.

Ví dụ, kẻ giết người số một là ung thư phổi. Theo các chuyên gia về ung thư, hút thuốc là nguyên nhân của ung thư phổi. ở Mỹ, hàng năm có 100.000 người chết vì ung thư phổi, trong số đó có 80% nghiện thuốc lá. Hiệp hội Ung thư Mỹ vin vào cớ đó đế tuyên bố là hút thuốc gây ra ung thư phổi. Tuy nhiên, 80% đàn ông Nhật hút thuốc, nhưng tỷ lệ chết do ung thư phổi lại thấp thứ hai trên thế giới. Vậy nếu hút thuốc lá là nguyên nhân của ung thư phổi thì lẽ ra phải ngược lại. Theo tôi, thực phẩm và các chất gây ung thư trong ăn uống hàng ngày là tác nhân của ung thư phổi và hút thuốc là nguồn kích hoạt (tác nhân là một chất hay một lực tác động làm thay đổi gen trong các tế bào, còn nguồn kích hoạt làm tế bào ác tính phát triển). Do đó, nếu ăn uống đúng, người ta sẽ không thể bị bệnh ung thư phổi.

Do không hiểu biết nguyên nhân của ung thư, y khoa hiện đại có 3 cách điều trị cho bệnh ung thư. Tất cả đều tìm cách xoay sở để phá huỷ hay loại trừ tế bào ung thư: phẫu thuật, xạ trị và truyền hóa chất. Theo báo cáo chính thức, những phương cách điều trị này được Hiệp hội Y khoa Mỹ phê chuẩn. Việc “chữa trị” này có nghĩa là bệnh nhân sống được 5 năm sau khi tế bào ung thư được loại trừ. Nói cách khác, người bệnh không cần trở nên khoẻ mạnh (hay ít ra là hạnh phúc), mà việc điều trị chỉ loại trừ tế bào ung thư. Thông thường, ung thư xuất hiện trở lại, sớm hay muộn. Những cách điều trị này chỉ có hiệu quả trong 1/3 các trường hợp ung thư và chúng còn để lại hậu quả xấu. Nhiều người không thích cách chữa trị này. Họ thích cách điều trị không chính thống hơn, ví dụ như họ sẵn sàng điều trị ở các phòng khám ở ngoài nước Mỹ.

II


Theo tôi, tất cả cách chữa trị ung thư - chính thống hay không chính thống, phương pháp Hoxsey, Gerson, Krebiozen, Interferon, Laetrile và Thymosin - đều là phương pháp đối chứng trị liệu (chữa trên bệnh mà không chữa từ nguyên nhân). Nếu họ có thành công đi nữa thì đó cũng không phải cách chữa trị thật sự, bởi vì họ không chữa căn nguyên của ung thư. Thực tế, khoa học không biết nguyên nhân của ung thư.

Đâu là nguyên nhân của ung thư? Đâu là nhân tố làm thay đổi DNA và RNA? Hiệp hội Ung thư Mỹ dự đoán rằng 58,04% trường hợp chết vào năm 1980 có liên quan đến ăn uống. Theo họ, ung thư vú và ruột liên quan đến ăn uống hàng ngày. Tổ chức ACS không cho rằng chế độ ăn uống là nguyên nhân của ung thư phổi; thay vì đó, họ tuyên bố hút thuốc lá là nguyên nhân của ung thư phổi. Điều này không đúng với trường hợp ở Nhật. Số người chết vì ung thư ở Nhật phần lớn là do ung thư dạ dày. Tại sao đàn ông Nhật không chết vì ung thư phổi?

ở Mỹ, 100.000 người chết hàng năm là kết quả của ung thư phổi và 80% số này là người hút thuốc. Do vậy, tổ chức ACS tuyên bố thuốc lá là nguyên nhân của ung thư phổi. Vậy thì đâu là nguyên nhân cho 20% còn lại, những người không hút thuốc mà bị ung thư phổi, như đàn ông Nhật?

Nguyên do gây ung thư được chứng minh qua số người Nhật di dân sang Mỹ. Tôi là một người trong số đó. Số tử vong vì ung thư bao tử ở Nhật được xếp hạng thứ nhì trên thế giới và dân Nhật lại ít bị ung thư vú và ruột già. Còn tại Mỹ, số bệnh nhân ung thư ruột già rất cao và ung thư dạ dày ở mức độ thấp.

Những người Nhật khi di cư qua Hawaii thích ăn gà, bò, pho mát... hơn là cá, là món ăn chứa ít chất béo. Họ cũng thường dùng đường qua các loại nước giải khát, thay vì dùng đường qua các món nấu nướng.

Càng sống lâu trên nước Mỹ họ càng dùng nhiều thức ăn Mỹ nhiều hơn nên có nguy cơ cao mắc ung thư vú và ruột, là những căn bệnh phổ biến tại đây.

Bác sĩ Gio Gori, phó giám đốc viện ung thư quốc gia có thông báo cho ủy ban Thượng viện vào tháng 7,1976:

Hẳn có liên hệ mật thiết giữa chất béo trong các món ăn với bệnh ung thư ruột già và ung thư vú. Lượng chất béo tiêu dùng càng tăng thì nguy cơ bị ung thư ruột già và ung thư vú cũng tăng cao theo biểu đồ tuyến tính. Chúng tôi thấy rằng ung thư ruột già có liên quan chặt chẽ với thịt trong các bữa ăn, dù chúng tôi chưa rõ là đạm hay chất béo chứa trong thịt là tác nhân.

Theo các bác sĩ Nhật - K. Chishima và K. Morishta - các tế bào cơ thể được biến đổi từ tế bào máu (hồng huyết cầu). Vậy thì nguyên nhân của ung thư là sự thay đổi ác tính từ máu sang tế bào. Theo Ohsawa và Ohmori, là các bậc trưởng thượng của phương pháp Thực Dưỡng, thì ung thư sinh ra do dùng quá nhiều đường và thực phẩm gốc động vật như phó mát, cá, thịt và trứng; và chính các thực phẩm ấy làm suy thoái phẩm chất của máu, từ đó ung thư phát sinh.

III


Trong cuốn Trận chiến vĩ đại nhất (The Greatest Battle) do nhà xuất bản Random phát hành năm 1976, trang 41, bác sĩ Ronald J. Glasser trình bày rõ ràng cách phát triển của tế bào ung thư:

Dựa trên quan điểm sinh vật học mà tìm hiểu thì các protein trong nhân tế bào bị các chất gây ung thư làm tổn thương. Cội gốc của các protein này được bảo toàn hàng tỷ năm trong các nhân tế bào. Qua mười năm nghiên cứu công phu, chúng tôi thấy rằng dù cho các chất gây ung thư là hóa chất hay có công năng vật lý, dù các sắc chất của chúng có biến đổi thế nào, các thuốc nhuộm benzopyrene hay aniline, chất amian hay tia X, thì chúng vẫn giữ nguyên đặc tính căn bản: chúng tác hại đến vật chất di truyền của tế bào, khi nhập vào trong tế bào chúng đi ngay vào nhân và phá huỷ các axit nucleic. Với liều lượng cao, các chất gây ung thư tiêu diệt tế bào, chúng là thuốc độc của tế bào. Với liều lượng thấp, chúng không tiêu huỷ tế bào mà làm tế bào biến đổi và sự đột biến gen do chất gây ung thư là nguyên nhân của ung thư.

Theo bác sĩ Glasser, chất gây ung thư, mà đối tượng là các tế bào bình thường, được gọi là chất khai mở và chất kích thích - nguyên nhân của việc chuyển hóa tế bào thành u ác, được gọi là chất thúc đẩy. Kết luận của bác sĩ về chất khai mở và chất thúc đẩy có ý nghĩa rất quan trọng: “Như vậy một khi tế bào bị chất gây ung thư đe dọa, nó sẽ trở thành u tiền ác tính và sẽ không bao giờ quay trở lại trạng thái bình thường, sẽ luôn là đối tượng tiềm năng của chất kích thích - không phụ thuộc vào thời gian dài hay ngắn trong tương lai, tức là không phụ thuộc vào thời gian kể từ tiếp xúc lần đầu tiên của tế bào với chất gây ung thư để chuyển hoá từ tiền u ác thành u ác.” Dường như suy nghĩ của bác sĩ Glasser về bệnh ung thư đã hoàn toàn đúng, nhưng ông đã không giải thích rõ chất khai mở và chất kích thích là những chất nào.

Theo tôi, chất khai mở là chất gây ung thư (chất hóa học, bức xạ, chất amian...) còn chất kích thích là dohút thuốc; và ăn các thực phẩm chứa nhiều axit như đường; thực phẩm nhiều chất béo như thịt, cá, trứng, phomát. Dẫn đến môi trường axít trong dịch thể. Theo sinh lý học, môi trường dịch thể (chất lỏng ở giữa các nội bào) có tính kiềm nhẹ. Nếu chúng trở thành axit, tế bào sẽ bị chết. Nếu dịch thể tế bào não tới 6.9 pH, chúng ta bị hôn mê. Nếu chúng ta duy trì điều kiện axit nhẹ nhưng không đủ độ axit để giết tế bào thì dịch thể axit này sẽ xúc tác sự phát triển của tế bào ác tính hay sản sinh các tế bào ác tính. Nói cách khác, dịch thể axit nội bào sẽ là điều kiện để tế bào ung thư hình thành và phát triển.

Vậy đâu là nguyên nhân để xác định tình trạng các chất dịch trong cơ thể có tính axít? Tất cả các thực phẩm có thể phân chia thành 2 nhóm: nhóm axit và nhóm kiềm. ăn quá nhiều thực phẩm tạo axit sẽ là nguyên nhân làm axit hóa dịch thể.

Giữa 2 loại này, đậu đỗ và ngũ cốc là thực phẩm axit nhẹ. Thực phẩm động vật và đường là thực phẩm axit nặng. Do đó, ăn chay phòng chống được ung thư. (Tìm đọc “Axít và kiềm”, NXB Văn hoá Dân tộc, 2004 - ND)

Thực phẩm tạo axit

(Theo thứ tự từ âm đến dương, từ trên xuống dưới cũng như đối với từng loại)

Phần lớn các chất hóa học, thuốc ngủ, ma tuý, đường, kẹo, nước ngọt, dấm, sacarin, rượu vôtca, một số rượu khác, rượu uýtky, rượu sakê, bia.

Dầu ngô, dầu ô liu, dầu vừng, bơ mè, bơ vừng.
Đào lộn hột, lạc, hạnh nhân, hạt dẻ.
Tương đậu nành, đậu xanh, đậu phụ, đậu trắng, đậu ngựa, đậu bầu dục, đậu đen, đậu nhỏ, đậu đỏ.
Mì ống, spaghetti.
Bắp ngô, yến mạch, lúa mạch, lúa mạch đen, lúa mì, lúa gạo, kiều mạch.
Tôm cua, sò hến, lươn, cá chép, cá thịt trắng, phó mát, chim, thịt đỏ, cá ngừ, cá hồi, trứng.
Thực phẩm tạo kiềm

(Theo thứ tự từ âm đến dương, từ trên xuống dưới cũng như đối với từng loại)

Rượu tự nhiên, sakê tự nhiên, côla, cacao, nước hoa quả, cà phê, trà (xoăn), nước khoáng, nước sôđa, nước giếng.
Mật ong, mù tạc, gừng, hạt tiêu, bột cà-ri, quế.
Hoa quả nhiệt đới, quả chà là, quả sung, quả vả, quả cam, quả nho, nho khô, chuối, táo, quả anh đào, quả dâu tây.
Khoai tây, cà, cà chua, shiitake (nấm Đông Cô), khoai sọ, dưa chuột, khoai lang, nấm, rau bina, măng tây, bí đỏ, súp lơ (bông cải), cần tây, bắp cải, bí, bí ngô, hành, củ cải, cải, củ cải (daikon), nori, hijiki, cà rốt.
Hạt bí, hạt bí ngô, hạt hướng dương, hạt vừng.
Wakame, kombu (phổ tai), hạt kê, củ sen, củ burdock (ngưu báng), rễ bồ công anh, jinenjo.
Trà bancha, trà sắn dây (cát căn), trà gạo lứt, trà bồ công anh, trà mu, trà gừng.
Muối vừng, nước xốt đậu nành, mi-sô, ô mai, muối.

Theo triết lý phương Đông, mọi thứ đều có thể chia ra thành 2 loại: âm và dương. Âm là sự bành trướng (đi lên, lạnh, trọng lượng nhẹ, về phía tím hay lạnh của quang phổ), trong khi dương thì đối lập lại (đi xuống, nóng, về phía đỏ và ấm của quang phổ...). Thực phẩm axit thì trội âm, như chất béo, dầu, đường là nguyên nhân của ung thư ở phần trên của cơ thể, bởi vì âm đi lên. Ngược lại, thực phẩm axit trội dương hơn như sản phẩm động vật sẽ sinh ra ung thư ở phần dưới của cơ thể, bởi vì dương có xu hướng đi xuống. Thực phẩm giữa hai loại này là đậu đỗ và ngũ cốc (gạo trắng, bột mỳ trắng, tôm, cua, sò, hến...) sinh ra ung thư ở phần giữa cơ thể.

Mặc dù đậu đỗ và ngũ cốc loại là thực phẩm chứa axit, nhưng chúng lại cần thiết trong việc ăn uống để giữ gìn sức khoẻ. Chúng là nguồn gốc của hydratcacbon, protein, chất béo, chất khoáng, các vitamin và enzim. ở Trung Quốc và Nhật Bản, người ta xem chúng là nguồn thực phẩm chính từ hàng ngàn năm nay. Dù sao, lúa gạo và đậu đỗ là loại thực phẩm tạo axit, do đó ta cũng cần cả thực phẩm tạo kiềm để đạt được sức khoẻ quân bình.

Để kiềm hóa máu và dịch thể, một người cần phải ăn thực phẩm kiềm tính. Quan trọng là phải lựa chọn được thực phẩm kiềm tính âm cho người thặng dương hay cho bệnh nhân ung thư thuộc loại dương (như ung thư ruột). Mặt đỏ là kết quả của ăn uống thặng dương với quá nhiều thực phẩm động vật và natri (có khi lại do rượu). Những người này sẽ cần cân bằng với rau quả âm. Người nhợt nhạt, xanh xám (hay ung thư thuộc âm tính) cần thực phẩm dương giàu kali như cà rốt, củ ngưu báng, củ sen, mi-sô, trà nhân sâm, trà mu.

Hoa quả là thực phẩm giàu kali. Tuy nhiên, dư thừa đường hoa quả (fruco) sẽ trở thành chất béo, nguyên nhân của tắc động mạch. Do đó, hoa quả không nên dùng nhiều. Mật ong và xirô giàu kali. Chúng giàu disaccharide như đường tinh chế, nên không nên dùng nhiều, đặc biệt với bệnh nhân ung thư. Cà phê là loại kali nhưng rất âm. Bệnh nhân ung thư âm tính nên tránh dùng. Những thực phẩm âm làm tăng sự lan rộng của ung thư di căn.

IV


Tháng Tư năm 1981, tạp chí Khoa học có đăng bài “Tại sao các tế bào ung thư chạy tán loạn?” của tác giả Ben Patrusky. Bài viết này đã đặt ra các vấn đề mà hầu hết mọi người ngày nay đều quan tâm. Mỗi một nhà ung thư học cũng đang đi tìm câu trả lời để cứu chữa cho hàng triệu bệnh nhân hoặc để có được danh tiếng cho đời. Theo tôi, vấn đề thật đơn giản nhưng không được các nhà khoa học giải đáp vì họ đang đi tìm câu trả lời trong khi không thừa nhận thực tế đơn giản là tất cả các tế bào, dù lành tính hay ác tính, đều hấp thụ thực phẩm chúng ta ăn vào. Bí mật của căn bệnh ung thư nằm ở các thực phẩm này.

Do vậy tôi cố gắng trả lời các câu hỏi do tác giả đặt ra với hy vọng là các suy nghĩ của tôi sẽ thu hút được sự chú ý của các nhà khoa học để điều tra các thực phẩm mà tế bào hấp thụ.

Tại sao tế bào không phát triển một cách vô hạn?

Tế bào trong cơ thể chúng ta bao gồm chất đạm, axít amin, đường, mỡ, khoáng chất, enzym, vitamin... Một số chất hoạt động bành trướng (âm) và một số chất lại hoạt động co cụm (dương). Nếu các nhân tố có tính bành trướng chiếm ưu thế, tế bào sẽ phát triển lớn hơn. Ngược lại các nhân tố có tính co cụm chiếm ưu thế, tế bào sẽ thu nhỏ lại. Cần lưu ý là tế bào lớn lên hoặc nhỏ lại phụ thuộc vào tỷ lệ giữa các chất có tính bành trướng (K, P, S, Cl, O và N) và các chất có tính co cụm (Na, Mg và H).

Tuy nhiên, tế bào không phát triển một cách vô hạn vì phụ thuộc vào thực phẩm cung cấp. Chất dinh dưỡng đi vào tế bào bằng cách thẩm thấu qua màng của nó. Muốn cung cấp đủ chất dinh dưỡng thì bề mặt của màng phải đủ lớn để các chất đó thẩm thấu và đủ để duy trì hoạt động của mỗi tế bào. Nếu r là bán kính của một tế bào, với giả thiết tế bào đó là hình cầu, A là diện tích bề mặt của tế bào, và V là thể tích tế bào thì ta có mối quan hệ sau giữa r, A và V:

V = 4/3  r3 A = 4  r2

Các đẳng thức này cho thấy bán kính của tế bào liên quan tới thể tích của nó theo hàm mũ 3 (lập phương) và liên quan tới diện tích bề mặt thì theo hàm mũ 2 (bình phương). Nói cách khác, khi bán kính tăng lên thì thể tích phát triển nhanh hơn diện tích bề mặt. Khi tế bào đạt tới kích thước nhất định (điểm cân bằng), thì các chất dinh dưỡng qua bề mặt không đủ nuôi sống tế bào và tế bào sẽ dừng phát triển. Đây là cơ chế kiểm soát tự động của tế bào lành tính.

Tại sao tế bào phân chia?

Khi diện tích bề mặt và thể tích tế bào đạt tới điểm cân bằng thì tế bào dừng phát triển. Tuy nhiên, nếu các nhân tố có tính bành trướng chiếm ưu thế so với các nhân tố có tính co cụm trong thực phẩm cung cấp thì tế bào sẽ hấp thụ chúng ngay cả sau khi dừng phát triển, lực bành trướng hoặc co cụm sẽ làm phân chia tế bào, tạo thành tế bào con. Khi tế bào phân chia, diện tích bề mặt lớn hơn so với thể tích, do vậy tế bào lại phát triển. Khi đạt tới điểm cân bằng, nếu nhân tố bành trướng tiếp tục chiếm ưu thế thì tế bào sẽ lại phân chia.

Tại sao tế bào ác tính lại phát triển lộn xộn?

Tế bào ác tính cần thức ăn để sống và phát triển. Tuy nhiên chất dinh dưỡng chúng hấp thụ khác với tế bào bình thường. Tế bào ác tính duy trì đời sống bằng các chất thải của tế bào bình thường. Hơn nữa tế bào ác tính không cần ôxy. Đây chính là lý do vì sao các tế bào ung thư hầu như không bị diệt hết (tham khảo bài viết “Các tế bào không thể chết” đăng trên tạp chí Khoa học, tháng Tư 1981). Kích thước của tế bào ác tính cũng bị giới hạn bởi tỷ lệ giữa diện tích bề mặt A và thể tích V. Nhưng nếu tế bào ác tính nhận được các chất dinh dưỡng có tính axít (bành trướng), thì chúng sẽ phát triển và phân chia nhanh hơn tế bào bình thường.

Nguyên nhân gì làm cho tế bào bình thường chuyển thành tế bào ác tính?

Tôi tán thành ý kiến của bác sĩ Glasser cho rằng chất gây ung thư là chất khai mở của bệnh ung thư. Tuy nhiên bệnh ung thư không hoành hành ngay khi các chất gây ung thư hoạt động. Phải có một chất thúc đẩy làm phát triển tế bào ung thư. Có hai luận thuyết về việc hình thành bệnh ung thư, chất khai mở và chất thúc đẩy, giải thích cơ chế gây bệnh ung thư khá rõ ràng.

Theo tôi, môi trường axít của dịch bào là chất thúc đẩy mạnh nhất. Nguyên nhân tạo ra môi trường axít là do hô hấp kém và tiêu thụ quá nhiều thức ăn tạo axít so với thức ăn tạo kiềm.
Just Mini
22. Chuyến du thuyết hè năm 1981
Tháng 10 năm 1981


Các gia đình Thực Dưỡng

Tôi cảm thấy vui mừng được gặp lại các bạn cũ , nhất là thấy thân quyến của họ được khoẻ mạnh và hạnh phúc hơn xưa. Đầu tiên chúng tôi ghé lại thành phố Salt Lake và cảm nhận được niềm vui sướng này, nhưng có vài cặp vợ chồng gặp khó khăn. Bà A. quá dương nên dùng ít muối để nấu ăn, do vậy nên chồng con quá âm: chồng không còn tha thiết với tình dục, con cái thì hay càu nhàu. Vì không còn thích chăn gối với vợ, nên chồng tìm việc làm thêm ngoài giờ, bỏ vợ phòng không gối chiếc với thời gian dài, và khủng hoảng nhất định phải xảy ra.

ở vài trung tâm Thực Dưỡng, có nhiều người sợ muối. Họ còn chưa thành thạo về nấu ăn. Hãy nấu sao cho thức ăn có vị ngọt khi đã nêm muối, nước tương hay misô. Thiếu các phụ liệu này mùi vị sẽ không thơm ngon và thức ăn sẽ thiếu năng lượng. Khi bước vào ngưỡng cửa Thực Dưỡng, người ta hay lạm dụng muối, bây giờ thì phản ứng ngược lại! Đừng phản ứng mà hãy dùng trí phán xét cho chín chắn.

Một cựu môn sinh của tôi đã ly dị vợ cũ mấy năm. Nay cậu ấy mời tôi thuyết giảng và dạy cách nấu ăn. Tôi cảm thấy vui sướng vì cậu có được người vợ đẹp, dịu dàng, hiện sống trong một ngôi nhà xinh xắn. Cậu nói là cậu không tái phạm lỗi lầm. Lỗi lầm gì vậy? Tôi nghĩ là cậu đã trông đợi nhiều điều lý tưởng nơi cô vợ trước. Tuy nhiên cậu lại tái phạm lỗi cũ: đòi hỏi quá nhiều! Theo vợ cậu nói thì cậu thường bảo là cô ấy ăn quá nhiều các chế phẩm từ sữa. Nghe mấy lời đó vài lần đầu thì còn được, nhưng nghe mãi thì vợ mới cưới chịu không nổi! Làm sao cô ta có thể thay đổi thói quen trong một thời gian ngắn! Tình vợ chồng sẽ phải nát tan thôi!

Quan niệm này của cánh đàn ông là do tính quá thiên về lý tưởng đến độ cực đoan, cuồng tín. Vì pháp Thực Dưỡng dễ làm cho người áp dụng có cái nhìn lý tưởng về cuộc đời, cho nên nó dễ tạo cho họ một thái độ cuồng tín và dĩ nhiên nó sẽ phải gặp rắc rối.

Ông B. cũng là người sống với lý tưởng, cuồng tín cho nên không sống êm thấm đối với bà vợ trước. Ông ta kết bạn với cô gái khác, rồi cũng bẽ bàng do óc cực đoan, không quảng đại.

Tại trại hè Mid - Atlantic có đôi vợ chồng đến cám ơn tôi vì lời khuyên của tôi có ích cho hạnh phúc của họ. Cô vợ tâm sự với tôi là có một đêm cô gặp chuyện rắc rối khổ tâm với chồng, nhưng nhờ giấc mơ nhắc lại lời khuyên của tôi nên sau đó gia đình lại êm ấm. Đây là niềm vui bất ngờ trong chuyến đi này.

ở Spokane tiểu bang Washington tôi cũng nhận được niềm hân hoan tương tự. Một đôi vợ chồng sống với nhau có ba đứa con. Đêm nọ họ đến tham vấn tôi và bảo rằng họ có tham dự trại hè French Meadows vào 1977. Cô vợ nhớ lại là tôi đã khuyên cô: “Cô nên lập gia đình với cậu ấy”. Chẳng những cô đã thực hiện lời khuyên, mà còn sinh được 3 đứa con. Mặc dù sống hạnh phúc, nhưng họ vẫn gặp khó khăn. Cô quá bận chăm sóc những đứa con khiến cho chồng ganh tỵ. Cornellia, vợ tôi khuyên cô nên vui chơi dã ngoại với chồng mỗi tuần một lần. Họ nhận ra thiếu sót và lại hòa hợp với nhau.

Nông dân Thực Dưỡng ở Mỹ

Trên quãng đường sau cùng của chuyến đi, tôi gặp vài nông dân theo phương pháp Thực Dưỡng. Họ không dùng hóa chất làm phân bón và không sử dụng máy kéo lớn. Các vị nông dân đó là ông bà Tom Mc Donald đang sống ở Trumansbarg thuộc Nữu Ước, dân số độ 1.000 người, gần Ithaca. Họ mua 30 mẫu đất cách đây 60 năm và đã thành công trong việc trồng tỉa.

Vừa nghỉ ngơi sau chuyến đi, thì Shellev đưa chúng tôi đến đó: họ trồng cải xoắn, cải bắp, hành scallion, củ hành, cà rốt và lúa mạch (chỉ có một cốc loại). Sản phẩm chính là dưa leo và cải bắp. Đây là hai thứ dùng ngâm dấm và bán ở thị trường dưới nhãn hiệu rất nổi tiếng: Samurai Pickles. Mùa đông quá khắc nghiệt nên không ai trồng trọt gì được. Do đó ngâm dấm hoa quả là việc làm rất hay.

Ngày hôm sau trời nhiều mây và lạnh. Trên 40 người đến dự lớp nấu ăn của vợ tôi, Cornellia và nghe tôi thuyết trình. Một thị trấn nhỏ như vậy mà nhiều người đến họp mặt là một điều kỳ thú. Đó là nhờ ảnh hưởng của Tom, Shelley và chị của bà là Kay. Gia đình của họ sống hạnh phúc với 3 đứa con. Tôi ước mong gia đình của họ được vững bền mãi.

Miền Đông và miền Tây nước Mỹ

Thật là ẩm ướt khi chúng tôi đến nhà ở New Jersey từ Washington. Tôi thắc mắc tại sao miền Đông ẩm ướt còn miền Tây (trừ vài nơi ở Oregon và Washington) lại khô ráo?

Tôi thấy lý do như sau: miền Đông ẩm ướt nên cỏ cây mọc nhiều hơn, miền Tây thì giống sa mạc. Tại vì sao? Cây cỏ ở miền Đông rậm rạp hơn, ẩm hơn, lâu đời hơn, đã qua thời kỳ băng giá và có mưa nhiều. Trái lại miền Tây đất mới hơn, có nhiều sỏi đá hơn như: ở Black Hills và Badlan thuộc tiểu bang South Dakota, ở Big Horn Nation Forest và Shell Canyon thuộc tiểu bang Wyoming, Zion National Forest thuộc tiểu bang Utah và Gra Canyon ở tiểu bang Arizona.

Sai biệt về môi sinh tạo ra sai biệt về sinh hoạt và nếp sống. Xã hội miền Đông đã khởi sự bằng nông nghiệp, kế đó là kỹ nghệ và thương mại. Xã hội miền Tây khởi đầu bằng nghề nông cá thể rồi đến khai thác quặng mỏ và cứ thế cho đến khi có người di dân đến thì nông nghiệp mới phát triển mạnh.

ở miền Đông dân chúng sống bảo thủ theo nghi thức. Các môn sinh Thực Dưỡng tham dự trại hè với sơmi trắng, cà vạt, mang giày. Trại hè miền Tây chẳng có ai mặc áo sơ mi trắng, cà vạt cả. ở miền Đông dân chúng quá bảo thủ nên phương pháp Thực Dưỡng bị xem là quá cấp tiến. Ngược lại dân miền Tây cho phương pháp Thực Dưỡng là quá chậm tiến, họ quá cấp tiến.

Lái ô tô từ Tây sang Đông rồi quay về, tôi thấy sự khác biệt giữa hai miền: rừng rậm và đất đá, kỹ nghệ và quặng mỏ, thương mại và nông nghiệp, bảo thủ và cấp tiến - Âm và Dương.
Just Mini
23. nhỏ là mạnh
Hội chứng ruồi med
Tháng 11 năm 1981


Vào đầu tháng Bảy, một gia đình từ vùng San Jose chuyển tới Trung tâm Vega của chúng tôi bởi thống đốc bang California Jerry Brown đã đồng ý miễn cưỡng cho phép xịt toàn vùng bằng thuốc diệt bọ malathion vào ngày mười tháng Bảy, với hy vọng dập được nạn ruồi gốc Âu.

Vì biết tôi từ lâu và có đứa con mới sinh mới được một tuần tuổi, nên bà mẹ trẻ này xin tôi cho cô cùng ba đứa con của cô được ở tại Vega trong thời gian đó để tránh dịp phun thuốc, vì sợ đứa bé mới sinh sẽ bị ốm. Tôi đã đồng ý và họ đã ở hai tháng. Chúng tôi đã tận hưởng cái gia đình tăng người đột ngột của mình.

Tại sao phải phun thuốc xịt malathion?

Tháng Sáu năm 1980 – có thể do một khách du lịch đã mang lậu một loại trái cây nhiệt đới đã qua mắt thanh tra nông nghiệp ở Hawai - ruồi lạ từ trái cây đó đầu tiên xuất hiện ở Santa Clara cách khoảng 50 dặm phía Nam San Francisco.

Tới tháng Giêng, côn trùng này đã lan tràn trong khoảng 500 dặm vuông quanh tỉnh. Thống đốc cố gắng kiểm soát nạn ruồi và quyết định tiêu diệt trên diện rộng vào ngày 6-1. Hàng nghìn nhân viên cùng những người tình nguyện đã bắt đầu chiến dịch và tới những khu vườn bị nhiễm, mang theo chổi và túi nhựa, đi thu lượm bất kỳ loại quả nào từ bơ đến cam. Sau đó, họ phun thuốc diệt côn trùng từ mặt đất. Thêm nữa, chính quyền ở California còn nhập khẩu hàng triệu ruồi med từ Peru rồi khử giống nó bằng phóng xạ, sau đó thả ra cho đi giao phối với ruồi cái để chúng chỉ đẻ trứng không được thụ tinh.

Tuy nhiên khoảng 6 tháng sau, người ta thấy rằng nhiều con đực vẫn phối giống được. Nhận ra rằng ruồi med ở California đang bành trướng số lượng và gây hại, Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ John Block cảnh báo sẽ cấm xuất khỏi bang những rau quả trị giá 14 tỉ đôla do California sản xuất.

Hai giờ sau lời cảnh báo, ngày 10-7, thống đốc Brown đã cho phép phun malathion trong địa hạt.

Kể từ đó ba tháng đã qua, các nhà môi trường học không thể đấu tranh chống việc phun diệt ruồi - vốn có thể đe doạ gây bệnh cho người, mọi người đều biết rằng ruồi med có thể sẽ phá huỷ ngành nông nghiệp hàng tỉ đô la của California nếu không hạ thủ được nạn ruồi này. Do vậy vùng rải thảm malathion vẫn đang tăng. Bây giờ thêm 6 tỉnh bắt đầu phun rải, bao gồm cả vùng trung du Central Valley. Liệu chúng ta có thắng trong cuộc chiến chống ruồi? Với tôi câu trả lời có vẻ là không. Ngày 9-10, bản tin truyền hình tường thuật rằng người ta phát hiện ra khảng 45 trứng ruồi med trên trái cây ở tỉnh Alameda.

Ruồi med là gì?

Ruồi med là một trong họ nhà ruồi hút trái và là loại đáng sợ nhất. Từ lâu nó là loại hại mùa màng ở châu Phi, úc, Nam Mỹ và trên các đảo thuộc Hawai và Bermuda, phá hoại đào, mơ, lê, cam, quýt và các loại trái cây khác. Tên gọi của nó sai vì ruồi này mới được xâm nhập vào vùng lân cận Địa Trung Hải. Có kích cỡ bằng một hạt gạo, nhỏ hơn ruồi nhà thông thường và với những sọc vàng trên cánh, trông nó đẹp mắt. Tuy nhiên, đối với nông dân và chủ trang trại thì nó là kẻ thù số một. Theo Masanobu Fukuoka, một nhà triết học và nông trại học thiên nhiên người Nhật thì ruồi med là kẻ tấn công đáng sợ nhất cho trái cây bởi một khi trứng nó được đẻ ra (đôi khi tới 500 trứng mỗi lần), ấu trùng liền chui vào quả và khiến thịt quả bị thối rữa, không còn dùng được nữa. Theo tờ tuần báo “Thương mại” số ra ngày 19-1-1981, nó sẽ gây hại 250 loại rau và quả gồm cam, đào, táo, mơ, cà chua, cà tím... Nó xuất hiện ở Florida năm 1956 và bằng cách phun thuốc mạnh khắp vùng nó đã bị dập tắt năm 1957. Nhờ sự phản kháng mạnh chống mọi loại thuốc trừ côn trùng và khả năng tiềm tàng gây hại cho quả, thời đó đã hình thành các điều luật kiểm dịch trên thế giới, để quy định việc nhập khẩu trái cây vào các nước khác.

Hiện tại, các lục địa chưa bị ruồi med lan tràn là Bắc Mỹ và châu á. Các lục địa còn lại đều bị. Do vậy, Mỹ cấm nhập trái cây từ châu Âu, Cận Đông, châu Phi, châu úc và Brazil. Nếu Mỹ kiểm soát thất bại ruồi med thì Nhật sẽ sớm bị nhiễm. Nhật nhập trái cây giá trị khoảng một tỉ đô la mỗi năm từ California. Ngay cả biện pháp kiểm dịch cũng không thể chặn ruồi lan phát bởi người thích trái cây nào đó có thể không biết hay các thương gia tham lam sẽ buôn lậu trái cây cùng ruồi vào Nhật. Thế thì ruồi med sẽ lan sang Triều Tiên và Trung Quốc, để hoàn thành việc xâm chiếm toàn cầu.

Để chặn ruồi med lây lan, chính quyền bang California đã dùng hai biện pháp. Một là phun thuốc diệt trừ và hai là kiểm dịch. Đó chưa phải là giải pháp tốt nhất, nhưng vì không còn cách nào khác hay hơn. Chúng tôi nhận được một phản ánh từ một người bạn sống trong vùng phun thuốc. Cô ấy thuật cho chúng tôi: “Thái độ đa số ở đây có vẻ không thích với việc phun thuốc, nhưng mà vẫn phải sống trong đó, thích nghi với cuộc sống đó”. Theo cô, nhiều người đang phàn nàn về các chứng bệnh viêm họng, ho và cảm nhưng có xu hướng đổ thừa điều này lên thời tiết, rằng nó đang trở lạnh. Một y tá tại một bệnh viện địa phương nói cô nghĩ rằng bất kỳ lời phàn nàn về sức khoẻ nào đều có thể xuất phát từ việc hít phải thuốc. Điều này ngược lại với thông cáo do Sở Thông tin nêu ra - họ nhấn mạnh rằng chỉ có phản ứng với phân bón hữu cơ mới bị đau đầu và gây buồn nôn.

Theo cuốn Đánh giá về những nguy cơ cho sức khoẻ do việc áp dụng phun thuốc malathion toàn vùng, soạn bởi Sở Y tế California, tháng 12-1980, thì mối nguy hại cực tồi tệ là cứ một trên một triệu đứa trẻ có thể phát triển khối u do tiếp xúc với malathion. Điều này có vẻ đúng, nhưng vấn đề là có quá nhiều nguy cơ ung thư trong xã hội hiện tại của chúng ta - tia X, phẩm mầu hoá học, các chất bảo quản thực phẩm, thức ăn tổng hợp, thức ăn hooc môn, ô nhiễm nước và khí,… đến nỗi trong khi nguy cơ của mỗi thứ có thể là một trên một triệu, khi những thứ này được thêm vào thì xác suất một trên một triệu có thể thành ra một trên hàng trăm hay hàng chục. Đây là lý do theo những số liệu mới đây rằng cứ 4 người thì có một nạn nhân bị ung thư. Ngay cả nếu ta không tính những nguy cơ gây ung thư, thì vẫn có những rủi ro khác cho sức khoẻ gây ra bởi việc phun malathion.

Một tư tưởng tương tự đã được Rachel Carson diễn tả 20 năm trước trong “Mùa xuân yên lặng” (NXB Houghton Mifilen, 1962):

“Vài năm trước, một nhóm các nhà khoa học của Cơ quan Quản lý Dược phẩm đã khám phá ra rằng khi thuốc sâu malathion và một số loại phân lân hữu cơ khác bị áp dụng đồng thời thì một loạt hậu quả độc hại - ước đoán nghiêm trọng gấp 50 lần tính độc của hai thứ đó cộng lại. Nói cách khác, 1/100 của liều gây chết người của mỗi hỗn hợp có thể đủ gây chết khi hai thứ phối hợp lại. Khám phá này dẫn đến việc thử những phối hợp khác. Người ta biết rằng kết hợp thuốc diệt sâu bọ với phân lân hữu cơ có mức nguy hiểm cao, tính độc hại tăng thêm hoặc được tiềm ẩn trong việc phối hợp. Cả hai không nên áp dụng cùng một lúc. Nguy cơ không chỉ đối với người đi phun - tuần này phun loại thuốc trừ sâu này, rồi tuần sau phun một loại phân kia - mà còn đối với người tiêu thụ sản phẩm bị phun. Món nộm xà lách có thể dễ dàng tích một hỗn hợp các loại thuốc trừ sâu - phân lân hữu cơ.

Tính độc hại của một loại lân hữu cơ có thể bị tăng thêm do một tác nhân thứ hai vốn không nhất thiết là một loại thuốc sâu. Chẳng hạn, một trong những tác nhân từ đồ nhựa có thể hoạt động còn mạnh hơn loại thuốc sâu khác khiến malathion nguy hiểm hơn lên. Thêm nữa, nó ngăn cản enzym của gan người, khiến việc đào thải chất thuốc trừ sâu độc hại kém đi”.

Với tôi, có vẻ rằng malathion kém độc so với các loại thuốc trừ sâu khác dù rằng nó không hoàn toàn an toàn. Tuy nhiên, rắc rối chính không phải là tính độc của nó mà là tính hiệu quả. Phun malathion không tận diệt được ruồi med, nó còn tăng sức đề kháng của chúng lên nữa. Do vậy vài tháng sau khi phun, ruồi thường quay lại. Hầu như trước khi ta tận diệt được ruồi med bằng phun thuốc thì đã giết chết con người nếu không tìm được cách tốt hơn.

Cách bảo vệ khác là kiểm dịch, là biện pháp âm hơn phun thuốc trừ sâu, bởi nó cố gắng loại trừ trái cây từ vùng bị nhiễm. Điều này gây ra những vấn đề tài chính và chính trị thay vì những vấn đề sức khoẻ. Trước khi việc phun thuốc vào mùa hè này được bắt đầu, chính phủ Nhật đã ngưng mua trái cây của California từ vùng bị nhiễm vì sợ khả năng bị nhiễm ấu trùng hay trứng ruồi med. Điều này sẽ gây thất thu khoảng gần một tỉ đô la cho California. Vấn đề không dừng ở đây. Các vấn đề chính trị cũng nảy sinh. Một nghị sĩ ở California nói: “Bang California nên tẩy chay đồ Nhật”. Ông ta đã không hiểu nguyên do Nhật ngưng mua trái cây từ California. Hình như ông chẳng muốn hiểu mà thiên về muốn gắng giải quyết vấn đề một cách chính trị. Một giải pháp như vậy sẽ chỉ khiến tình hình tồi tệ thêm.

Tháng Chín, ba cán bộ nông nghiệp Nhật Bản được mời tới vùng Santa Clara, họ nêu một khuyến nghị lên chính phủ Nhật rằng nên cho phép nhập trái cây. Vào ngày 10-10, những lứa cam Sunkist đầu tiên đã lại tới Nhật Bản sau khi việc thương mại trái cây từ California được khai thông.

Các nông dân California vui mừng nghĩ mình đã giải quyết được ít nhất một vấn đề do ruồi med gây ra. Tuy nhiên, những giải pháp phiến diện như là phun thuốc trừ sâu thì luôn gây những vấn đề khác. Hãng thông tấn UPI Nhật Bản tường thuật vào thứ Bảy ngày 10-10:

“Ngày thứ Sáu, các công nhân bến tầu ở Nhật đã từ chối bốc dỡ một tàu hàng chở trái cây California vốn bị xịt thuốc sâu độc hại được tuyên bố gây ung thư ở Mỹ. Chủ tịch Kaneo Hanada của công đoàn thợ thuyền ở Yokohama nói, các công nhân đã dỡ xuống 11 côngtenơ chứa cam và các loại trái khác từ California do tàu Sealand Leberator tải trọng 25 tấn chở tới.

Ông tuyên bố: “Nhưng chúng tôi sẽ không mở các kiện hàng hay chuyển chúng khỏi bãi cho đến khi các quan chức y tế chứng nhận rằng trái cây hay các toa hàng của họ không bị nhiễm khí độc etylen dibromid (EDB)”.

Chuyến hàng này là những trái cây đầu tiên được khử trùng bằng khí EDB từ khi phát hiện ruồi med hại trái cây ở California.

Chính phủ Nhật đã đồng ý với các viên chức nông nghiệp Mỹ vào ngày 8-9 về việc khử trùng bằng EDB đối với các loại cam, chanh, nho, bưởi, bơ được thu hoạch ngoài vùng bị nhiễm ruồi med khi xuất đi Nhật. Nhưng Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ khi tiến hành các thí nghiệm lên động vật đã phát hiện rằng EDB có thể gây ung thư và rối loạn gan. Cục này dự định cấm EDB từ 1983 vì lý do đó.

Hanana nói: “Thật không công bằng khi dùng loại thuốc trừ sâu này, vốn đã được phát hiện là nguy hiểm ở Mỹ, phun lên trái cây nhập vào Nhật”.

Một tầu hàng 30.000 tấn, chiếc Queen' Way Bridge, theo kế hoạch sẽ cập cảng Kôbê với 86 tấn cam và 17 tấn chanh”.

Chẳng ai biết vấn đề sẽ được giải quyết thế nào. Tôi hình dung rằng quan chức Nhật Bản đã đàm phán với các viên chức nông nghiệp Mỹ và đã cấp phép cho tầu trái cây California vốn bị xịt EDB, có lẽ sẽ từ chức do không việc thực hiện trách nhiệm bảo vệ dân Nhật trước việc nhập khẩu các trái cây không tốt. Vị quan chức đó đã bị thuyết phục trước tuyên bố của các nông dân và khoa học gia Mỹ rằng trái cây California tuyệt đối an toàn cho nông nghiệp Nhật. Nhưng ông ta đã chẳng nghĩ liệu trái cây California có thực an toàn cho người Nhật không. Do vậy, vấn đề là cái nào quan trọng hơn - sức khoẻ của người dân hay thu nhập của nông dân.

Thống đốc Brown thì đã chọn xếp sức khỏe của dân lên trước, sau đó mới tới lợi ích của nông dân. Còn quan chức Nhật thì đã xếp cái thứ hai lên hàng đầu - bảo vệ các nông dân Nhật (do Mỹ cấm nhập một số các sản phẩm nông nghiệp khác của Nhật). Tuy nhiên, bây giờ họ đang phải đối mặt một vấn đề lớn: công đoàn phản đối và tẩy chay.

Thuốc trừ sâu và kiểm dịch không thể giải quyết vấn đề kép này - tức là liệu sức khoẻ của người dân hay thu nhập của nông dân quan trọng hơn.

Từ quan điểm Thực Dưỡng, tôi gợi ý giải pháp sau:

Thay đổi các phương pháp trồng trọt sao cho ruồi med hay các côn trùng khác không gây hại nghiêm trọng cho tăng trưởng của mùa vụ mà không phun thuốc trừ sâu. Đưa vào nhiều phân bón, nhất là loại hoá học, khiến cây và trái yếu đi và âm thêm (âm thường biểu hiện mọng hơn, ngọt hơn, to hơn; do vậy nông dẫn cũng như người tiêu thụ thích kiểu này). Hậu quả là, trái cây dễ dàng bị ruồi hay các côn trùng gây hại. Đây là biểu hiện của chọn lọc tự nhiên. Tuy nhiên, nếu trái cây trưởng thành mà không dùng phân bón, thuốc trừ sâu, chỉ làm đất và nhổ cỏ như cách canh tác tự nhiên theo phương pháp của Fukuoka, thì cây cối lớn tự nhiên và rất hợp môi trường. Cây trái sẽ rất dương. Điều này có nghĩa chúng sẽ không dễ bị ruồi chích trái tấn công hay xâm chiếm. Ruồi hại trái không thích những trái dương, chúng thích những loại âm vốn rất mọng nước và ngọt.

Theo giáo sư Fukuoka, nếu ta canh tác theo thiên nhiên, ta không cần thuốc trừ sâu. Canh tác theo thiên nhiên là phương pháp lý tưởng cho bất kỳ loại nông nghiệp nào, tuy vậy, nó sẽ không được thực hiện một sớm một chiều. Do vậy ta cần chiến thuật khác.

Năm 1977, chính phủ Mỹ xuất bản cuốn “Những mục tiêu dinh dưỡng ăn kiêng của nước Mỹ”, khuyến cáo giảm tiêu thụ thực phẩm động vật. Tuy vậy, nếu chỉ giảm thực phẩm động vật thì có thể gây mất quân bình trong chế độ ăn.

Thực phẩm động vật là những thức tạo axit mạnh và chứa nhiều đạm, mỡ và natri. Ngược với thực phẩm động vật, trái cây là những thức tạo kiềm mạnh và chứa nhiều đường, vitamin và kali. Do vậy, trong chế độ ăn, thực phẩm động vật cân bằng tốt với trái cây là đồ tráng miệng. Tuy nhiên, nếu việc tiêu thụ thực phẩm động vật bị giảm như được khuyến cáo thì việc tiêu thụ trái cây cũng phải giảm. Nếu không ăn thực phẩm động vật và lạm dụng trái cây sẽ dẫn đến tình trạng âm hoá gây ra bởi quá nhiều vitamin và đường trái cây (triệu chứng âm là người lạnh, mệt mỏi, béo phệ, các chứng sưng viêm đủ kiểu, mất kinh, thiếu hồng cầu, lãnh cảm...).

Ta hãy khuyến khích nông dân thay đổi từ canh tác trái cây sang cốc loại. Điều này khiến cốc loại giảm giá thì người ta sẽ ăn nhiều cốc loại trong chế độ ăn, vốn sẽ cải thiện sức khoẻ của họ. Nếu giá cốc loại giảm, nông dân trồng cốc loại phải đối mặt trước việc thu nhập thấp. Để bù lại trở ngại này, ta có thể đánh thuế lên sản xuất trái cây rồi chi lại cho người trồng cốc loại. Thuế cao sẽ tăng giá trái cây và điều này sẽ cản người ta khỏi lạm dụng trái cây. Cũng vậy, để thành công trong việc giảm canh tác trái cây, chính phủ Mỹ phải giáo dục công chúng rằng việc tiêu thụ trái cây có thể giảm xuống đến 1 kg một tuần mỗi người.

Nếu người ta ăn ít trái cây đi và tăng thêm cốc loại thì nông dân sẽ giảm trồng trái cây và tăng cốc loại, thế thì sẽ không cần phun thuốc diệt ruồi med. Đây là giải pháp thực sự cho hội chứng ruồi med.
Just Mini
24. Hoa Kỳ học tập từ Nhật Bản
Tháng 3 năm 1982

I


Vào ngày 7-12-1941, hơn 40 năm về trước, hàng không mẫu hạm Nhật Bản đã tấn công Trân Châu cảng để phá hủy sự phong tỏa tuyến đường nhập khẩu dầu lửa từ Indonesia. Trước cuộc tấn công này, Nhật Bản gia nhập liên minh Berlin-Roma và cuối cùng tuyên chiến chống lại khối đồng minh để qua khỏi cái chết đang đe dọa mình. Vì chiến lược chiến tranh học từ nhà chiến lược Trung Hoa cổ đại Tôn Tử, quân đội Nhật Bản quyết định tấn công Trân Châu cảng trước khi nước Mỹ sẵn sàng. Hành động này làm bàng hoàng người Mỹ, nền công nghiệp Mỹ và thế lực chính trị Mỹ thả bom nguyên tử xuống Hiroshima và Nagasaki, làm chết 313.814 phụ nữ, trẻ em và người vô tội. Đây là nguyên nhân mà chính phủ Nhật Bản đầu hàng hoàn toàn. Bởi sự đầu hàng này mà Nhật Bản đã mất tất cả sự đầu tư và quyền lợi của mình ở Manchiria, Formosa, Okinawa và Karafuto. Gần 75 triệu người bị dồn vào sống trong một đảo nhỏ hơn California, nơi sản xuất chỉ một ít dầu, gỗ, than đá, sắt thép và các kim loại khác, không sản xuất ra len, bông, vật nuôi, sữa... Thứ duy nhất mà Nhật Bản có thể sản xuất đủ cho nhu cầu của mình là lúa gạo, cá và rau quả. Điều này lại có thể giúp cho sức khoẻ, vì toàn bộ lúa gạo và rau xanh khi đó được dùng không qua chế biến và không có hóa chất.

Khi chiến tranh kết thúc vào ngày 15-8-1945, phần lớn các thành phố của Nhật Bản đã bị phá hủy. Nhà cửa, trường học, bệnh viện, nhà máy, cửa hàng, văn phòng, các ngành kinh doanh, hệ thống thông tin và vận tải bị đóng cửa. Chính phủ cung cấp thực phẩm: gạo trắng, khoai lang và đậu tương. Theo “Nhật Bản: hôm qua và hôm nay” của Paul Langer (NXB Holt, Rinehart, and Winston, Inc., 1966): “Trong suốt năm đầu sau chiến tranh, thực phẩm tiêu thụ chủ yếu ở Tokyo giảm xuống 1.300 calo, so với 2.200 calo trong những năm 1930 và hơn 3.000 calo là lượng trung bình ở Mỹ. Số lượng thực phẩm ở các khu vực thành thị bị giảm mạnh do không đủ phương tiện vận tải và nhiên liệu. Điều này gây khó khăn cho việc cung cấp thực phẩm cho các thành phố. Để tồn tại, hàng ngàn người thành thị ra nông thôn hàng ngày để tìm kiếm sự đổi chác quần áo và các vật dụng khác lấy thức ăn”. Nói cách khác, những con người thất nghiệp đã về nông thôn trao đổi quần áo hay những vật dụng khác lấy khoai tây, lúa gạo và rau quả, misô và tương... với giá chợ đen; sau đó họ quay trở lại thành phố, thị xã và bán chúng với giá cao hơn. Thỉnh thoảng họ bị cảnh sát và những người kiểm tra ở các sân ga bắt. Cảnh sát lấy những thực phẩm này từ những người buôn bán nghèo khổ (yamishi) và giữ chúng lại như một món tiền thưởng phụ.

Sức khoẻ của khoảng 1/4 dân số đất nước bị hủy hoại bởi không khí. Nhật Bản đã thiếu mọi thứ, kể cả nhà ở, quần áo và nhiên liệu. Đặc biệt, thực phẩm rất khan hiếm đến nỗi người ta phát điên lên về thức ăn. Nông dân bán sản phẩm của họ với giá đắt đỏ. Sau chiến tranh, nhiều nông dân trở nên giàu có, nông nghiệp được đưa vào cơ giới hóa và sản xuất được nhiều thực phẩm hơn. Nền kinh tế sau chiến tranh của Nhật bắt đầu khôi phục lại nhờ những người nông dân.

Vào năm 1945 có 72,4 triệu người Nhật Bản được cung cấp thực phẩm nhập khẩu trị giá khoảng 1 triệu đô la hàng ngày từ Mỹ cho tới năm 1950 (“Nhật Bản: hôm qua và hôm nay”). Gạo, lúa mì, đậu tương... là loại hàng chính.

Cái mà người Nhật cần không chỉ là thực phẩm mà còn mọi thứ khác như quần áo, khí cụ, xe đạp, xe ngựa, ô tô và xe tải... Tại nhà máy của cha tôi, nhà máy luyện kim, công nhân làm xoong chảo nhôm; họ lấy và bán chúng trên đường. Họ bán giống như bán bánh vậy. Mọi thứ đều được bán ngay lập tức, bởi vì mọi thứ đều bị phá hủy bởi bom đạn. Dần dần, mọi đường phố được làm sạch và các cửa hàng được mở lại. Nhiều nhà máy bắt đầu làm việc lại. Khi nhiều người quay trở lại từ nơi sơ tán ở ngoại ô, sự chuyên chở bằng xe cộ được dùng đến. Xe máy bắt đầu được sản xuất lại và sau đó là ô tô: Honda, Nissan và Toyota. Chúng bắt đầu từ con số không. Thật đáng ngạc nhiên là Toyota và Nissan đạt tới 13 tỷ đôla xuất khẩu vào năm 1980.

Vào năm 1963, các hãng xe hơi Nhật Bản mới chỉ xuất khẩu sang Mỹ 7.500 xe ôtô con và xe tải với trị giá khoảng 7 triệu đôla (theo Tạp chí Xe hơi, tác giả John B. Rae, ấn phẩm của trường đại học Chicago, năm 1965); Đến năm 1980 họ đã xuất khẩu được 2.4 triệu xe với trị giá 10 tỷ đôla. Ngược lại, các hãng sản xuất xe hơi của Mỹ lại đang gặp khủng hoảng vì số lượng xe bán ra. Năm 1978, hãng Chrysler thua lỗ 200 triệu đôla, năm 1979 lỗ 1.1 tỷ đôla và năm 1980 lỗ 1.7 tỷ đôla. Năm 1980, hãng xe Ford lỗ 1.5 tỷ đôla và General Motor lỗ trên 700 triệu đôla. Cũng trong năm này, 15 các nhà sản xuất ôtô và 600 các đại lý bán xe ôtô của Mỹ phải đóng cửa (theo tạp chí Chiến lược Kinh doanh của Nhật Bản, Viện Nghiên cứu Nomura, 1981).

Từ khi ngành công nghiệp ô tô của Mỹ chiếm từ 16 - 20% tổng thu nhập quốc dân (GNP), sự suy thoái của ngành công nghiệp ô tô cũng là một nhân tố quan trọng làm suy thoái nền kinh tế Mỹ. Đây là lý do mà chính phủ và các nghiệp đoàn Mỹ gây sức ép với chính phủ Nhật để quản lý việc xuất khẩu xe hơi Nhật, mặc dù giới doanh nghiệp Mỹ vẫn hoạt động dựa trên quan điểm tự do cạnh tranh. Cuối cùng, vào năm 1981, chính phủ Nhật Bản đã chấp thuận trước sức ép của Mỹ và công bố chính sách tự kiểm soát đối với việc xuất khẩu xe hơi. Hiện nay, các nhà sản xuất xe hơi Nhật chỉ xuất khẩu 65,5% khả năng của mình (Chiến lược Kinh doanh Nhật Bản). Tuy nhiên, đó cũng không phải là một giải pháp. Vào cuối năm 1981, tình trạng kinh doanh xe hơi của Mỹ trở nên xấu hơn. Theo báo Newsweek số ra ngày 9-11:

Chủ tịch hãng xe hơi General Motor gọi sự việc này “xẩy ra đối với GM trong ngành công nghiệp ô tô, và theo chúng tôi cũng xảy ra đối với bất kỳ một nhà sản xuất xe hơi lớn nào của Mỹ”. Ông ta đã không quá cường điệu. Trong một buổi lễ vào cuối tuần trước tại Clark, bang New Jersey, Smith đã giao hợp đồng cho nhà máy sản xuất vòng đệm Hyatt để đổi lấy 15 triệu đô la đặt trước bằng tiền mặt và 100.000 cổ phiếu ưu đãi. Người nhận hợp đồng này là Alan V. Lowenstein, đại diện cho một nhóm những người nguyên là công nhân của GM, họ đã quyên góp được 60 triệu đô la để mua lại nhà máy và đồng ý cắt giảm lương của mình 25% - tất cả vì một lý do để cứu lấy công việc của mình.

Ngay cả cho tới gần đây, việc bán một phần nhà máy của GM cho công nhân của mình là điều không thể nghĩ tới. Đây là việc đánh dấu thời kỳ đáng buồn của ngành công nghiệp xe hơi, hiện tại là năm thứ ba của thời kỳ khủng hoảng tồi tệ nhất trong vòng nửa thập kỷ qua. Doanh số bán trong vòng 20 ngày của tháng Mười sụt giảm 130.480 cái so với cùng thời kỳ năm ngoái. Cuối tuần trước, công ty Ford và Chrysler báo cáo kết quả quý 3 lỗ tương ứng là 355 triệu và 149 triệu đôla. Trước đó, GM đã công bố lỗ 468 triệu đôla.

Ngành công nghiệp ô tô Mỹ trở nên tồi tệ hơn nhiều vào vào đầu năm 1982 khi mà chủ tịch của UAW, ông Douglas A. Fraser, đề nghị chủ tịch GM cắt giảm lương công nhân để nhằm hạ thấp giá xe bán lẻ nhằm giúp công ty cạnh tranh với các xe hơi của Nhật (Business Week, ngày 25-1-1982). Thái độ này giữa lãnh đạo công nhân và giới chủ là dấu hiệu cho thấy giới doanh nghiệp Mỹ sẽ buộc phải đạt được sự hợp tác giữa giới chủ và công nhân, điều mà Nhật Bản đã thực hiện trong nhiều năm qua.

Một ngành công nghiệp khác cũng rất phát triển mà chính phủ Nhật buộc phải kiểm soát xuất khẩu, đó là ngành công nghiệp sắt thép, mặc dù Nhật Bản phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất. Với sản lượng 32,9 triệu tấn thép năm 1980, Công ty Shin Nippon Seitetsu K.K. là nhà sản xuất thép lớn nhất trên thế giới, hơn cả tổng sản lượng của Italy (26.5 triệu tấn) hay Pháp (23,1 triệu tấn). Các công ty thép Nhật Bản dẫn đầu cả những nước từng là thầy của minh về công nghệ - Mỹ và châu Âu, không chỉ về số lượng mà cả về chất lượng. Sau đây là một số ví dụ. Năm 1980, công ty thép Sumitomo Metal Industries xuất khẩu kỹ thuật sản xuất thép ống cỡ lớn cho Mỹ; năm 1981, công ty New Nippon Seitetsu nhận được đơn hàng của công ty Pittsburgh Steel Company để xây dựng nhà máy xử lý thép phế liệu trị giá 100 triệu đô la, và Nippon Kokan đang thỏa thuận với Ford đẻ sáp nhập với công ty sản xuất thép, Rouge River Steel (Tạp chí Chiến lược Kinh doanh Nhật Bản).

Người Nhật là những công nhân chăm chỉ, nhưng họ không phải là những người nô lệ cho công việc. Họ yêu thích thể thao, ca nhạc, nhảy múa và các nghệ thuật giải trí khác. Họ thích hưởng thụ cuộc sống. Đây là lý do mà hai kỹ sư quân sự đã bắt đầu khởi nghiệp một công ty chuyên về sản xuất máy thu chỉ với 500 đô la vào tháng 5-1946, một năm sau khi Nhật Bản đầu hàng. Đường phố Tokyo còn khét lẹt mùi khói, tình hình an ninh mất trật tự, nhiều người còn ngủ trong các căn lều quây bằng tấm thiếc. Các cửa hàng thì hầu như đều đóng cửa. Hai kỹ sư đó, Masaru Ibuka và Akira Morita, biết rằng người Nhật đều thích giải trí. Họ cảm thấy rằng máy thu và rađiô sẽ là các mặt hàng bán chạy. Công ty này chính là Sony. Họ đã mua quyền sử dụng bóng bán dẫn từ công ty Western Electric vào năm 1953 với khoản thanh toán trước là 25.000 đôla. Đó là một khoản tiền quá lớn đối với khả năng tài chính của họ. Đây là một canh bạc lớn, nhưng là một quyết định quan trọng để 25 năm sau đó, công ty Sony trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới.

Tuy thất bại tại Trân Châu Cảng năm 1941, nhưng Nhật Bản đã thắng Mỹ bằng các sản phẩm của mình.

Khi tôi đến Mỹ vào năm 1952, hầu hết các sản phẩm của Nhật đều được coi là hàng hóa rẻ tiền và chỉ được bán trong các cửa hàng cấp thấp. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, sự ra đời của đài bán dẫn Sony và đặc biệt là tivi của hãng đã làm thay đổi cách nhìn này. Năm 1946, tivi màu của Sony, Matsushita, Hitachi, Toshiba, Sharp và Sanyo chiếm tới 40% thị trường Mỹ. Họ đã sản xuất với số lượng gần gấp đôi các công ty Mỹ sản xuất trong năm 1975. Việc nhập khẩu các sản phẩm của Nhật Bản tăng quá nhanh khiến các nhà máy của Mỹ bị đóng cửa và khoảng 65.000 công nhân bị sa thải. Uỷ ban bảo vệ ngành sản xuất tivi màu của Mỹ đã yêu cầu chính phủ tăng thuế suất nhập khẩu hàng Nhật, nhưng đã bị Tổng thống Carter từ chối. Tuy nhiên, sau khi nhìn nhận tình hình kinh tế Mỹ, chính phủ Nhật Bản đã khống chế số lượng tivi tối đa xuất sang Mỹ là 1,75 triệu cái mỗi năm và thực hiện trong vòng 3 năm. Số lượng này chiếm 41% khả năng xuất khẩu của Nhật Bản trong năm đó (Tạp chí Chiến lược Kinh doanh Nhật Bản).

Xuất khẩu của Nhật Bản về thép, ô tô, tivi và sản phẩm bán dẫn đã tạo ra nhiều xung đột trong nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, xe máy, máy ảnh, máy photocopy, đàn piano và dây kéo khóa của Nhật không có đối thủ cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Nếu Mỹ sản xuất các sản phẩm này thì Nhật Bản sẽ là đối thủ cạnh tranh lớn nhất.

Sức mạnh kinh tế thần kỳ của Nhật Bản không chỉ ở số lượng hàng hóa xuất khẩu mà còn biểu hiện cả trong tình hình kinh tế của mình. Trong khi Mỹ và các nước châu âu đang bị lạm phát ở mức hai con số và kinh tế phát triển trì trệ thì Nhật Bản lại là một ngoại lệ. Nhật Bản giữ được lạm phát ở mức một con số, duy trì lãi suất cho vay thấp và đạt tỷ lệ thu nhập quốc dân cao (GNP). Các công ty Nhật Bản nổi trội hơn các công ty của Mỹ và châu âu trong việc duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp, có ít các cuộc bãi công, lợi nhuận công ty cao hơn và hoạt động thị trường cổ phiếu tốt hơn.

II


Tại Mỹ và châu âu, nhiều học giả và các nhà văn đã viết về sự tăng trưởng kinh tế kỳ diệu của Nhật Bản từ sau Thế Chiến II. Ezra F. Vogel, giáo sư xã hội học của trường Đại học Harvard, viết trong bài Nhật Bản là số 1 (tập san của Đại học Harvard, 1979) rằng nước Mỹ cần phải học tập Nhật Bản. Nhật Bản đã học từ Mỹ và châu âu để cải thiện hệ thống kinh tế của mình - và vẫn còn tiếp tục học, nhưng Mỹ chưa bao giờ học ai khác ngoài các nước châu âu, mặc dù họ đã thấy hệ thống của mình chưa hoạt động tốt. Giáo sư Vogel đã đưa ra lý do tại sao Nhật Bản thành công. Điều đầu tiên là họ luôn cố gắng thu thập kiến thức và thông tin - dù đó là công ty, hiệp hội, cơ quan chính quyền trung ương hoặc địa phương hay một cá nhân. Ví dụ, không có một công ty Mỹ nào có thể cạnh tranh về số lượng và độ chính xác của thông tin do các công ty thương mại của Nhật Bản thu thập. Thứ hai, trong hoạt động kinh doanh của người Nhật thì kiến thức và thông tin thu thập được sử dụng trong việc ra quyết định của cả tập thể. Do vậy, nhìn chung các quyết định đưa ra là kết quả của việc nghiên cứu kỹ lưỡng và hỗ trợ của tập thể. Thứ ba, các thương gia Nhật Bản học tập hệ thống kinh doanh của châu âu ngay từ đầu thế kỷ 20 nhằm cải cách hệ thống của mình. Đặc trưng trong hệ thống của Nhật Bản là thực hiện kế hoạch dài hạn, chế độ tuyển dụng suốt đời với mức lương tăng theo độ tuổi và sự trung thành đối với công ty.

Về kế hoạch dài hạn, các doanh nghiệp Nhật Bản thường coi trọng lợi ích lâu dài trong tương lai hơn là những cái lợi trước mắt. Chính vì vậy mà các công ty Nhật đầu tư nhiều vào máy móc thiết bị và nghiên cứu. Hình thức hoạt động như vậy có thể thực hiện thông qua vốn vay ngân hàng mà không cần huy động vốn đầu tư từ công chúng. Theo nghiên cứu của giáo sư Vogel, 50% vốn của các công ty Mỹ được huy động từ công chúng, trong khi con số này ở Nhật chỉ chiếm 10%. Nhờ vậy các công ty Nhật có thể tập trung vào lợi ích tương lai mà không bị sức ép từ các cổ đông, vì cổ đông là những người mong muốn lợi nhuận tức thời hơn là lợi nhuận trong tương lai.

Kế hoạch dài hạn liên quan mật thiết với việc tuyển dụng suốt đời. Tại Nhật Bản, phần lớn mọi người làm việc tại một công ty từ khi tốt nghiệp cho tới lúc nghỉ hưu, lúc khoảng 57 tuổi. Theo hệ thống này, công ty sẽ tăng lương, thăng chức, cung cấp phúc lợi và lương hưu đều đặn. Nhân viên không phải lo bị mất việc làm trừ khi có khủng hoảng bất thường và trừ trường hợp công ty lâm vào tình trạng phá sản, phải bố trí công việc mới cho nhân viên của mình. Các công ty lớn tại Nhật Bản được sự hỗ trợ của ngân hàng, còn ngân hàng thì được sự hậu thuẫn của chính phủ, vì vậy nếu nhân viên thẳng thắn và trung thực thì các công ty khó có thể bị phá sản. Do các nhân viên làm việc trong cùng một công ty trong suốt cuộc đời, tự nhiên họ trở nên trung thành với công ty. Đa số hết lòng tận tuỵ vì công ty. Sự tận tụy này làm cho hệ thống kinh doanh trở nên bất thường – nó là một hệ thống "vắt kiệt'. Các nhân viên ở vị trí thấp phải lên kế hoạch, nghiên cứu, thu thập thông tin và tham khảo với các nhân viên khác và đề xuất ý kiến cho người phụ trách.

Cuối cùng, lãnh đạo và nhân viên trong các công ty Nhật đều thống nhất trong tinh thần một gia đình. Điều này cũng tương tự như tình đồng môn của các sinh viên đại học Mỹ. Nhiều doanh nghiệp lớn có khu nghỉ mát và nhà ở riêng, thậm chí có cả đội thể thao nữa. Các đội thể thao chuyên nghiệp của Mỹ do cá nhân sở hữu, còn ở Nhật Bản thì do các công ty sở hữu. Các nhân viên đều thống nhất vì tinh thần thể thao chung.

Người Nhật có xu hướng tập thể hóa. Ví dụ, nhân viên Mỹ thường lo lắng về vị trí và tiền lương nhận được vì đó là thước đo sự thành đạt của họ. Còn đối với nhân viên Nhật thì không phải vậy. Giá trị quan trọng nhất là sự kính trọng và tin tưởng của các nhân viên khác đối với mình. Giáo sư Vogel chỉ ra rằng giám đốc Mỹ thường sa thải nhân viên để duy trì mức chi trả cổ tức cho các cổ đông, từ đó tạo ra sự không tin tưởng của người lao động vào ban lãnh đạo. Các giám đốc Nhật không bao giờ làm một việc như vậy.

Giáo sư Vogel cho rằng hệ thống của Nhật Bản hoạt động tốt trong nhiều lĩnh vực, như chính phủ và chính trị, kinh doanh, giáo dục, phúc lợi xã hội và các vấn đề về chống tội phạm. Những ý kiến quan sát rất xác đáng. Từ đó ông khuyên người Mỹ chúng ta nên học tập Nhật Bản. Tuy nhiên, ông không thuần túy ngưỡng mộ Nhật Bản, ông cũng chỉ ra nhiều thiếu sót mà chúng ta không nên học tập.

Một nhà kinh tế khác tên là Peter F. Drucker, cũng rất ngưỡng mộ sự tăng trưởng của nền kinh tế Nhật Bản, viết về nguyên nhân của sự thành công này. Ông ta viết về sự phát triển kinh tế thần kỳ của Nhật Bản trong cuốn sách Con người, ý tưởng và chính trị (NXB Harper & Row, 1971) như sau:

Chỉ trong một vài năm, Nhật Bản đã được nói tới quá nhiều bởi các nhà kinh tế, nhà ngân hàng và nhà công nghiệp - những người tới nghiên cứu về sự thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản. Arthur Burns, chủ tịch ủy ban Cố vấn Kinh tế dưới thời Tổng thống Eisenhower, đã tới thăm Nhật Bản vào năm 1963. Ông đã có ấn tượng mạnh đến nỗi đã kiến nghị Tổng thống Kenedy áp dụng một số chính sách về thuế và tiền tệ của Nhật Bản để thúc đẩy nền kinh tế Mỹ đang tụt hậu. Điều xảy ra tại Nhật Bản kể từ khi kết thúc sự chiếm đóng của Mỹ vào 4-1951 là sự thành công tuyệt diệu nhất trong lịch sử phát triển kinh tế.

Drucker chỉ ra những nguyên nhân thành công của Nhật Bản như sau. Đầu tiên, người Nhật đã đầu tư hơn một phần tư thu nhập quốc dân của mình. Thứ hai, họ đã tạo ra một thị trường tiêu dùng khổng lồ và một thị trường chứng khoán lớn thứ hai trên thế giới (sau Mỹ) với nguồn tài nguyên hầu như không có gì. Thứ ba, họ có những sinh viên đại học giỏi nhất trên thế giới , chỉ sau Mỹ và Israel. Thứ tư, tuổi thọ của người Nhật đã tăng từ 50 lên 70, ngang bằng với các nước phương Tây.

Trong nghiên cứu của tôi về thành công kinh tế của Nhật Bản, giáo sư Drucker là người duy nhất đã chỉ ra những điều kiện sức khỏe là nguyên nhân của sự thành công mà tôi sẽ có dịp thảo luận sau.

Đối với sự phát triển kinh tế Nhật Bản, giáo sư Drucker coi ba hệ thống sau đây là quan trọng nhất:

- Ra quyết định đồng thuận.

Trong cuốn Con người, ý tưởng và chính trị, giáo sư giải thích tại sao nên áp dụng việc ra quyết định đồng thuận: “Đầu tiên, nó thực sự giúp cho việc ra quyết định nhanh chóng và có hiệu quả. So với phương Tây, việc ra quyết định ở Nhật Bản mất nhiều thời gian hơn. Nhưng ở phương Tây, chúng ta mất hàng năm để thực hiện một quyết định. Đầu tiên chúng ta ra quyết định và sau đó tập hợp mọi người để thực hiện. Và quyết định thường xuyên bị đổ bể hoặc phải mất thời gian để thực hiện có hiệu quả và khi đó nó đã trở nên lỗi thời”.

- Tuyển dụng suốt đời.

Giáo sư thừa nhận hệ thống tuyển dụng suốt đời của các công ty Nhật có thể gây ra các hạn chế: “Do vậy, doanh nghiệp Nhật Bản bị quá tải về số lượng nhân viên, hàng ngàn người được giữ lại công ty hoặc nhà máy mà không có việc để làm”. Đối với tôi đó là một thái cực và hầu hết các công ty Nhật phải được quản lý tốt để không có nhân viên nào là không có việc. Tôi cũng tán thành đôi khi không thể thực hiện chế độ tuyển dụng suốt đời (do vậy, một giáo sư khác là William Ouchi đã đưa ra chế độ tuyển dụng dài hạn để thay thế). Tuy nhiên, giáo sư Drucker cũng thừa nhận về mặt tâm lý hệ thống tuyển dụng này tốt hơn so với hệ thống của phương Tây: “Về mặt kinh tế, có thể nói chúng ta có sự đảm bảo tốt hơn và chúng ta phải trả giá cho nó. Tuy nhiên chúng ta lại không có được cái mà hệ thống của Nhật Bản đã tạo ra: sự chắc chắn về mặt tâm lý của việc tuyển dụng suốt đời, đó là công việc và thu nhập được đảm bảo.”

- Đào tạo lớp trẻ.

Nhân viên trẻ được cơ cấu vào đội ngũ lãnh đạo tương lai sẽ được công ty đào tạo và chăm lo. Theo giáo sư Drucker, công ty Nhật có các “bố già” là những người chuyên đào đạo các nhân viên trẻ tài năng để họ trở thành lãnh đạo tương lai. Giáo sư cũng không chắc liệu việc này có thể áp dụng vào hệ thống của Mỹ hay không, nhưng nếu thực hiện được thì nó sẽ làm giảm khoảng cách về độ tuổi của ban lãnh đạo. Tuy nhiên, giáo sư cũng thấy áp dụng cách làm này sẽ mang lại lợi ích cho các công ty Mỹ vì nó giảm thiểu được khoảng cách về thế hệ trong đội ngũ quản lý.

Nhà văn Anh P.B. Stone cũng là một người ngưỡng mộ sự phát triển thần kỳ của nền kinh tế Nhật Bản sau Thế Chiến. Ông miêu tả điều này trong dịp giới thiệu cuốn sách Nhật Bản vượt lên phía trước (Frederick A. Praeger, 1969): “Một người làm công Anh quốc khoảng 25 tuổi thì không thể hy vọng nhân đôi số thu nhập thực tế cho tới khi anh ta ở vào độ tuổi 50. Một người làm công Nhật Bản có thể đạt được điều này trong vòng 7 đến 8 năm - đó là điều thần kỳ về kinh tế theo cảm nhận của một người bình thường”. Trong chương đầu tiên ông ta viết: “Sự khan hiếm tài nguyên là đặc trưng quan trọng nhất của Nhật Bản. Với sự bất lợi như vậy mà Nhật Bản vẫn đạt được tăng trưởng kinh tế thì rất đáng kinh ngạc. Nếu Nhật Bản nắm giữ được úc hoặc Alaska - là hai nơi rất giàu tài nguyên - có thể thế giới sẽ được chứng kiến sự phát triển kinh tế ngoạn mục hơn nữa, đưa Nhật Bản ngang bằng với Mỹ vào năm 1980”. Tuy nhiên, tôi không tán thành với ý kiến này. Theo tôi, chính sự khan hiếm tài nguyên đã tạo nên sự thần kỳ của Nhật Bản. Giả sử nếu Nhật Bản có nguồn tài nguyên phong phú giống như Mỹ hoặc Trung Quốc thì họ không thể có các công ty thương mại nổi tiếng trong việc mua giá gốc và bán giá trần khắp toàn cầu. Ví dụ, tòa nhà World Trade là tòa nhà cao nhất tại thành phố New York, được xây dựng bằng thép của Nhật. Tại sao vậy? Vì các công ty thương mại của Nhật bán rẻ hơn giá của các nhà sản xuất thép Mỹ. Nghiên cứu khả năng cạnh tranh giúp họ có thể mua và bán với giá lời nhất. Ví dụ, nguyên liệu được chuyên chở tới nhà máy bằng tàu thuyền thay vì tàu hỏa hoặc xe tải sẽ giảm chi phí. Cụ thể, chi phí bằng tàu thủy từ New York tới Nhật Bản thấp hơn từ Pittsburgh tới New York bằng xe tải.

Stone cho rằng nhân tố con người là quan trọng nhất trong sự phát triển kinh tế Nhật. Tôi tán thành nhận định này. Tuy nhiên, ông ta hiểu không đúng tâm lý người Nhật. Theo ông “sự trung thành với nước Nhật là nhân tố hiệu nghiệm trong việc khuyến khích xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu”. Đây là một sự hiểu lầm vì người Nhật rất say mê sản phẩm và văn hóa nước ngoài. Người Nhật luôn tìm kiếm hàng ngoại và rất tự hào sở hữu chúng. Lý do duy nhất giải thích việc xuất khẩu nhiều hơn nhập khẩu là vì họ phát triển được công nghệ sản xuất. 10% GNP của Nhật Bản được chi dùng vào việc nhập khẩu nguyên liệu trên khắp thế giới. Thành phẩm được bán gấp 10 lần sau khi đã bổ sung thêm chất xám, máy móc và nhân công. Chỉ có 1/10 giá trị thành phẩm được giữ lại để sử dụng. Nhờ vậy, Nhật Bản là một nước có lợi thế xuất khẩu hơn là nhập khẩu. Năm 1974, giá trị xuất khẩu của Nhật Bản chiếm 9,8% GNP, thấp hơn Pháp (12,3%), Anh (16,6%) hay Đức (18,8%) - thấp hơn bất kỳ quốc gia nào, trừ Mỹ (4,4%) và Liên Xô (Tạp chí Nhật Bản Ngày nay, William H. Forbes, NXB Harper&Row, 1975).

Hai cuốn sách hiện bán chạy nhất đều viết về thành công của kinh tế Nhật. Một cuốn là Nghệ thuật quản lý của người Nhật (NXB Simon and Schuster, 1981) của tác giả Richard Pascal, giảng viên môn quản trị kinh doanh của trường Đại học Standford và Anthony G. Athos, giáo sư khoa Kinh doanh của trường Đại học Harvard. Cuốn kia là Thuyết Z (nhà xuất bản Addison Wesley, 1981) của tác giả William Ouchi, giáo sư môn Quản trị kinh doanh của trường UCLA. Cả hai cuốn đều được viết tốt.

“Có một xu hướng gây xáo động tại Mỹ nhằm làm rõ vào một số đặc điểm của phương pháp Nhật Bản, ví dụ về bài hát của công ty, bài thể dục buổi sáng và chế độ tuyển dụng suốt đời,” Pascal viết “Những đặc điểm tuyệt vời đó là lý do chính giải thích cho sự thành công của Nhật Bản. Rất nhiều thành công là do họ có chiến lược marketing tuyệt hảo. Người Nhật tìm cách đưa xe máy vào Mỹ thông qua mạng lưới đại lý thông thường, họ bỏ qua các cửa hàng của Harley-Davidson. Họ quyết định thành lập đại lý và thực hiện kế hoạch thị trường riêng của mình.

Họ tiên phong trong thị trường xe máy giải trí và thay đổi toàn bộ bản chất về ngành kinh doanh xe máy. Không còn cảnh xe máy chỉ được bán cho các tay chơi mà cho tất cả mọi người. Đây là một quyết định quan trọng của hãng Honda vì thành công của họ không liên quan gì tới bài hát công ty hay chế độ tuyển dụng suốt đời. Đơn giản chỉ là vì họ thông minh hơn chúng ta.”

Trong cuốn Thuyết Z, giáo sư Ouchi so sánh một cách hệ thống các công ty kinh doanh của Nhật Bản và Mỹ. Ông cho rằng chế độ tuyển dụng suốt đời, thăng tiến chậm, không chuyên môn hóa nghề nghiệp và ra quyết định tập thể là những lý do giải thích cho sự phát triển tốt của các doanh nghiệp Nhật. Ông cũng nhận thấy một số công ty theo mô hình của Nhật Bản cũng đã có ở Mỹ. Ông gọi chúng là công ty theo mô hình Z. Theo ông, trong mô hình Z nên sử dụng các hình thức trên trừ “chế độ tuyển dụng suốt đời” được đổi thành “dài hạn”. Ông giải thích về tầm quan trọng của các hình thức này. Chế độ tuyển dụng dài hạn tạo ra niềm tin giữa nhân viên và giới chủ. Nhân viên chấp nhận thăng tiến chậm và việc không chuyên môn hóa nghề nghiệp vì họ biết rằng mình sẽ làm việc trong một thời gian dài tại công ty. Việc này tránh được thái độ cạnh tranh giữa các nhân viên, mà thay vào đó họ sẽ giúp đỡ lẫn nhau. Theo giáo sư Ouchi, việc ra quyết định tập thể tạo ra sự sẵn sàng làm việc của các nhân viên hơn là việc ra quyết định cá nhân. Kế hoạch do tập thể quyết định sẽ dễ dàng dành được sự ủng hộ của tất cả mọi người, trong khi kế hoạch quyết định bởi một số ít sẽ gặp phải khó khăn trong việc đồng thuận sau này. Đó là một số đặc điểm của công ty theo mô hình Z. Theo giáo sư Ouchi thì General Motor, IBM, Hewlett-Packard, Rockwell International, Intel và Procter & Gamble là các công ty theo mô hình Z.

Đặc điểm của phương pháp tiếp cận này nhấn mạnh việc nâng cao tâm lý cần thiết hơn so với việc nâng cao về cơ chế hay cấu trúc trong biện pháp quản lý của một công ty theo mô hình Z để đạt được kết quả. Nói một cách khác, công ty theo mô hình Z được tổ chức tốt và có lợi nhuận cần có sự tin tưởng lẫn nhau, suy nghĩ chín chắn trong hành động và sự gần gũi giữa các nhân viên, trong đó có cả ban lãnh đạo. Một công ty như vậy sẽ có điều kiện làm việc có tình người hơn chứ không phải là một nơi lạnh lẽo, làm việc máy móc và không có tình người. Theo giáo sư Ouchi, nếu mọi người làm việc thân mật với nhau thì tỷ lệ ly hôn của người Mỹ sẽ được giảm xuống. ở nơi làm việc thiếu sự gần gũi, các nhân viên không thể chia sẻ với nhau về những vấn đề khó khăn trong gia đình. Do vậy, khi trở về nhà vợ chồng sẽ trút lên đầu nhau những sự bực dọc. Không khí gia đình bất an sẽ làm cho mọi người không thể làm việc tốt. Để cải thiện tình hình của doanh nghiệp Mỹ, giáo sư Ouchi khuyên nên cải thiện “phần mềm”, còn giáo sư Vogel tiếp cận theo “phần cứng”.

III


Sự thành công của nền kinh tế Nhật Bản phụ thuộc vào một phong cách quản lý đặc trưng mà tôi đã có dịp giới thiệu cho các nhà văn và nhà kinh tế phương Tây. Theo ý kiến tôi, mặc dù có một số cách ứng xử xã hội của người Nhật chưa phù hợp nhưng hầu hết đều đúng đắn - chẳng hạn họ có xu hướng quá quan tâm tới các mối quan hệ và sự thừa nhận xã hội. Trong bất kỳ trường hợp nào, để thành công về mặt kinh tế, Nhật Bản đã tạo ra phong cách kinh doanh khác biệt mà chính nó đã tạo ra tư duy của người Nhật. Cách suy nghĩ nào của người Nhật đã tạo nên sự thần kỳ về kinh tế sau Thế Chiến thứ II?

Một trong số đó là thái độ làm việc. Mitsuko Shimomura viết trong Tạp chí Khoa Học xuất bản tháng 11- 1981:

Tôi cảm thấy sự khác biệt về quản lý giữa phương Đông và phương Tây có nguồn gốc từ thái độ làm việc. Nhìn chung, người phương Tây coi công việc là rào cản đối với tự do cá nhân, họ đánh đổi tự do của mình qua việc làm công ăn lương. Các nhà quản lý không tin tưởng vào công nhân để thúc đẩy lợi ích công ty, còn công nhân thì cảm thấy bị công ty lợi dụng.

Tuy nhiên tại Nhật Bản, công việc không bị coi là xung đột với tự do nhân quyền. Người Nhật cho rằng làm việc là để sống và qua công việc họ thiết lập tính cách của mình. Không có công nhân cổ xanh hay cổ trắng nào coi quyền lợi của họ đối lập với quyền lợi của công ty; tiền lương và thưởng của một công nhân phản ánh sự thành công của công ty.

Một cách suy nghĩ khác nữa có ảnh hưởng tới phong cách kinh doanh của người Nhật là trật tự suy nghĩ của họ. Ví dụ, khi viết một địa chỉ người Nhật bắt đầu bằng tên quốc gia, tiếp đó là thành phố, tên đường và cuối cùng mới là tên của mình. Ngược lại, người phương Tây ghi địa chỉ bắt đầu bằng tên của mình và kết thúc bằng tên quốc gia. Trong tương lai khi con người có khả năng sống trên các hành tinh khác nhau, người phương Tây sẽ kết thúc địa chỉ bằng tên hành tinh, còn người Nhật thì lại bắt đầu bằng tên hành tinh đó. Tôi gọi cách tiếp cận của người Nhật là “tư duy hướng tâm”, có nghĩa là trật tự suy nghĩ đi từ ngoài vào trong, hoặc từ lớn đến nhỏ hay từ sau cùng đi lên. Điều này được thể hiện qua ví dụ về ghi địa chỉ. Tôi gọi cách tiếp cận của người phương Tây là “tư duy ly tâm”, thường bắt đầu từ đối tượng nhỏ và cố gắng đạt tới quy luật hay kết luận chúng. Ví dụ vật lý học thường bắt đầu với những đơn vị nhỏ nhất. Khoa học là kết quả của lối tư duy ly tâm, do vậy nó phát triển ở phương Tây. Mặt khác, tôn giáo và triết học phát triển ở phương Đông thông qua sự chiêm nghiệm về kết quả rốt ráo, hay chiêm nghệm về sự tự nhiên của các đạo gia. Người Nhật quen với lối tư duy này và họ bao giờ cũng bắt đầu từ quy luật chung và kết thúc bằng các trường hợp cụ thể. Khoa học bị giới hạn bởi quan sát thuần túy và các giác quan, trong khi tôn giáo và triết học lại mang tính giáo điều.

Hầu hết người Nhật đều quen thuộc với cách tư duy hướng tâm - tư tưởng triết học và tôn giáo, nó có thể được gọi là nhóm hóa - chịu ảnh hưởng trong một thời gian dài của Thần đạo và Phật giáo. Tuy nhiên, sau khi bang giao với phương Tây qua việc ký kết Hiệp ước Kanagawa ngày 31 tháng 3 năm 1854, người Nhật cũng đã tiếp thu được cách tư duy của người phương Tây. Họ đã hòa quyện được cách suy nghĩ của phương Đông và phương Tây. Đây là một trong các nguyên nhân quan trọng để Nhật Bản trở thành nước đứng thứ ba thế giới về phát triển kinh tế trong vòng có 100 năm. Mặc dù họ đã học rất giỏi phương Tây cách suy nghĩ cá nhân, nhưng lối tư duy phương Đông vẫn còn ăn sâu trong người Nhật. Chính vì vậy, người Nhật coi quốc gia, xã hội, gia đình và tập thể quan trong hơn cá nhân. Edwin O.Reischauer viết trong bài Người Nhật (ấn phẩm Đại học Havard, 1979) như sau:

Chắc chắn không có sự khác biệt nào quan trọng giữa người Nhật và người Mỹ hay người phương Tây nói chung, hơn là xu hướng người Nhật tập trung vào tập thể, ở mức độ nào đó họ quên cả lợi ích cá nhân. Người Nhật thường có khả năng hơn người phương Tây trong hoạt đông tập thể và ít nhất cũng coi mình là một phần của tập thể. Trong khi người phương Tây thường thể hiện tính độc lập và cá nhân, còn hầu hết người Nhật thường tuân thủ về trang phục, nội quy, phong cách sinh hoạt và thậm chí là cả cách suy nghĩ của tập thể.

Do cách suy nghĩ này, họ không chỉ làm việc vì ông chủ công ty mà còn vì miếng cơm manh áo của mình. Họ tôn trọng ông chủ và trung thành với công ty. Ngược lại, những người lãnh đạo công ty có trách nhiệm đáp lại sự trung thành này và cố gắng giữ công nhân cho tới khi nghỉ hưu bằng mọi cách. Vì vậy, kinh doanh của người Nhật đã tạo ra hệ thống tuyển dụng trọn đời, tăng lương theo tuổi ... mà các nhà kinh tế và thương gia phương Tây đều khiếp phục.

Ngày 19-10-1981 tạp chí Times đăng bài báo của John Leo có tiêu đề “Tiêu diệt Samurai trên thị trường” cho biết cuốn sách của Miyamoto Musashi đã trở thành cuốn sách ăn khách nhất trong giới kinh doanh tại New York. Cũng theo bài báo, điều này xảy ra vì George Lois, phụ trách về quảng cáo viết cho tờ Adweek rằng “thương gia Nhật không được đào tạo kiểu giáo dục tương tự của khoa Kinh doanh Havard mà anh ta nghiên cứu, họ sống và làm việc theo một tạng sách huyền bí của một samurai vĩ đại, Miyamoto Musashi”.

Tôi chắc rằng hầu hết các độc giả đọc bản dịch tiếng Anh sẽ không hiểu ý nghĩa mà Musashi muốn truyền đạt trong chương cuối cùng, Ku hay là Vô hữu (nothingness). Chương này giải thích quan điểm mang tính triết học của ông ta về nhất thể. Musashi đấu tranh để đạt được sự thống trị về kiếm đạo sau khi chiến đấu sáu mươi lần bất khả chiến bại, với chiêm nghiệm sâu sắc của mình ông ta đã đạt tới trạng thái nhất thể. Trong chương này ông ta nói về mục đích của kiếm đạo là để hiểu được nhất thể, vì không nơi nào có kẻ thù tồn tại cho nên việc chiến đấu là không cần thiết. Người nào không hiểu được chương cuối cùng này sẽ có thể hiểu sai toàn bộ sự vĩ đại của Musashi cũng như tâm lý người Nhật. Điều đó có nghĩa là Nhất thể là quan trọng nhất và mỗi cá nhân là một phần của Nhất thể.

Điều tiếp theo tôi tin rằng là nguyên nhân quan trọng nhất để kinh tế Nhật phất lên, đó chính là tình trạng sức khỏe tốt được duy trì sau Thế Chiến II khi so sánh với các nước châu âu và châu Mỹ. Thực tế này đã được ghi lại qua thống kê trong Cuốn sách về các con số (NXB Heron House Publishing, LTD, A & W Publishers, 1978):

- Năm 1977, 13% dân số Mỹ bị mắc chứng đau đầu trong khi ở Nhật tỷ lệ này chỉ là 0,47%.

- Năm 1976, 540.000 người Mỹ nghiện sử dụng thuốc ngủ và 92.600 người lạm dụng thuốc (aspirin, thuốc giảm đau, thuốc an thần và các thuốc bất hợp pháp khác) trong khi số người Nhật sử dụng thuốc ngủ là 6.400 và số người lạm dụng thuốc là 9.700. Số người Nhật nghiện hút chỉ chiếm 1% số người Mỹ nghiện hút, mặc dù dân số Nhật bằng một nửa dân số Mỹ.

- Số người chết vì bênh tim mạch trên tổng số 100.000 người ở Mỹ là 338,2 nhưng chỉ 109,1 ở Nhật vào năm 1976.

- Số người chết vì bệnh ung thư ở Mỹ cao hơn gấp đôi so với ở Nhật vào năm 1974.

- Một so sánh khủng khiếp nhất về tâm thần chậm phát triển: 30,4 trong số 10.000 người Mỹ được đưa tới bệnh viện tâm thần trong năm 1970 trong khi ở Nhật chỉ là 13.2. Cũng trong năm này, 63.3 trên 10.000 người Mỹ được chẩn đoán có bệnh về tâm thần; tuy nhiên con số này tăng lên 104,2 trên 10.000 người năm 1974. Cứ 100 người có một người bị mắc bệnh tâm thần.

Khi nghiên cứu các số thống kê này, chúng ta rõ ràng nhận thấy lý do tại sao tình hình kinh doanh và kinh tế Mỹ tụt dốc trong khi kinh tế Nhật tăng trưởng.

Điều gì gây ra sự khác biệt về sức khỏe qua con số thống kê giữa Nhật Bản và Mỹ, theo tôi đó chính là vấn đề về ăn kiêng. Điều này đã được các nhà khoa học và quan chức chính phủ Mỹ đề cập tới. Trong bài viết này tôi không có ý định thảo luận sâu về vấn đề này. Độc giả quan tâm có thể đọc trong các tài liệu về sức khỏe có liên quan. Tuy nhiên tôi muốn nói rằng việc ăn kiêng của người Nhật là một trong các nguyên nhân quan trọng nhất đóng góp cho sự phát triển kinh tế thành công của Nhật Bản.

Vì gần đây truyền thống ăn kiêng của người Nhật đã bị Mỹ hóa nên sức khỏe của họ đang suy giảm. Do vậy thành công trong kinh doanh không thể kéo dài, trừ khi họ quay trở lại chế độ ăn kiêng.

IV


Một khi công nhân Mỹ có được lòng trung thành đối với công ty như công nhân Nhật, thì chất lượng sản phẩm, nhiệt tình công việc, việc kiểm soát chất lượng và việc tuyển dụng dài hạn sẽ được cải thiện như ở các công ty Nhật. Theo ý kiến tôi, lãnh đạo của các tập đoàn Mỹ đã không nhận thấy thực tế rằng phần đông bản chất con người là như nhau, dù ở phương Đông hay phương Tây. Thực tế, sự trung thành của công nhân Nhật đối với công ty của mình chính là sự cạnh tranh giữa các công ty tương tự nhau. Hai công ty kinh doanh lớn nhất của Nhật là Mitsui và Mitsubishi là đối thủ cạnh tranh trên 100 năm qua. Sự cạnh tranh này tạo cho công nhân lòng trung thành đối với công ty của mình.

Đây cũng là tâm lý chung, ví dụ sinh viên của trường UCLA hay USC trung thành với đội bóng của trường mình. Nếu không có các trận đấu bóng giữa UCLA và USC thì lòng trung thành đó không thể được tạo dựng. Cũng tương tự như vậy đối với các thành phố, người dân San Francisco hay Bắc California là các fan trung thành của đội 49ers, còn người dân Los Angeles là các fan trung thành của Rams. Khi lòng trung thành với đội bóng được thiết lập, nó sẽ ở lại trong lòng các fan dù họ có đi bất kỳ nơi đâu. Một người bạn của tôi là fan của đội Đại bang Philadelphia, mặc dù anh ta đang sống tại Bắc California.

Người Nhật sử dụng tâm lý hay thái độ tình cảm này để kích thích lòng trung thành của công nhân: chẳng hạn các đội bóng chày chuyên nghiệp của Nhật Bản do các nhà kinh doanh hay công ty sở hữu. Đội bóng chày chuyên nghiệp nổi tiếng nhất là Tokyo Giants được đặt theo tên của đội San Francisco Giants, hiện vẫn đang chơi tại New York. Là một đội bóng mạnh nhất tại Nhật và đặt tại thành phố đông dân nhất thế giới, Tokyo Giants được nhiều người biết tới. Các fan của đội này không chỉ là nhân viên của công ty sở hữu đội bóng, Yomiuri News Publishing, mà còn là những người dân sống tại Tokyo và các vùng phụ cận. Theo dõi các trận đấu qua báo chí hay truyền hình, tất cả họ đã trở thành bạn bè do có cùng một điểm chung - mọi người đều là fan của cùng một đội bóng. Người dân Tokyo tự hào vì có một đội bóng nổi tiếng tại thành phố của mình, còn nhân viên công ty là cổ động viên nhiệt tình cho các người hùng của họ. Các trận thi đấu diễn ra khi có hoạt động giao tế xã hội của công ty, và đội bóng là niềm tự hào, biểu tượng của họ.

Hệ thống này cần được áp dụng cho các công ty sản xuất hàng đầu của Mỹ như General Motor, Ford, Chrysler, U.S. Steel, Arco, Shell, Standard, Exxon ... Các công ty này cần có trong tay đội bóng riêng của mình và tiến tới thi đấu trong khuôn khổ của hiệp hội các ngành công nghiệp. Bằng cách như vậy, các môn thể thao chuyên nghiệp và không chuyên sẽ đem lại lợi ích cho ngành công nghiệp và kinh tế Mỹ, thay vì một số ít người sở hữu. Các tập đoàn sẽ được đông đảo công chúng biết tới qua việc sở hữu một đội bóng.

Nhớ lại trước đây việc một đội hockey trẻ của Mỹ đã chiến thắng đội bất khả chiến bại của Nga tại Thế vận hội Mùa đông 1980 đã khơi dậy tinh thần yêu nước cho biết bao nhiêu người. Cũng như vậy, các đội thể thao của công ty là công cụ để nuôi tinh thần tập thể trung thành với công ty. Theo ý kiến tôi, ưu thế của Nhật Bản so với Mỹ trong kinh doanh xuất phát từ một nhân tố: người Nhật có tính tập thể tốt hơn, không chỉ giữa các thành viên trong cùng một hiệp hội mà còn giữa giới chủ và nhân viên. Tạo ra các đội thể thao thi đấu sẽ tạo nên sự gắn kết tập thể và lòng trung thành giữa các nhân viên. Đây là điều mà công nhân và các nhà sản xuất Mỹ cần nhất hiện nay.

Ngày 24-1-1982, đội San Francisco 49ers thắng đội Cincinnati Bengals trong giải Super Bowl Championship. Trên 500.000 cổ động viên cuồng nhiệt đã chào đón các cầu thủ tại trung tâm thành phố San Francisco vào đêm ngày hôm sau. Lễ chào mừng với trên nửa triệu người của thành phố với dân số khoảng 600.000 đã thực sự có ý nghĩa. Điều này chưa hề xảy ra đối với bất kỳ một minh tinh màn bạc hay ca sĩ nhạc rốc nào. Mọi người nói rằng chưa bao giờ tại San Francisco có một sự náo nhiệt đến như vậy. Nói cách khác, chiến thắng trong thi đấu thể thao cũng kích khích mọi người như chiến thắng một cuộc chiến.

Ngày 26-1-1982, phóng viên Randy Shilts của tờ Thời báo San Francisco đã viết:

Ngày hôm qua, các nhà xã hội học đô thị và giới thương gia đã dự đoán chiến thắng của đội bóng 49ers Super Bowl sẽ làm tăng trưởng du lịch, tinh thần cộng đồng và nâng cao hình ảnh của thành phố San Francisco.

Richard Legates, giáo sư thỉnh giảng Khoa Nghiên cứu Đô thị của trường Đại học Tổng hợp San Francisco nói “rất nhiều bức ảnh chụp những người da trắng, da đen, Mỹ Latin, người gốc Tàu, tất cả hồ hởi ôm lấy nhau và cùng hòa ca, đó là dấu hiệu chính về sự thống nhất đầy sức sống của thành phố.”

E. Barbara Phillips, một nhà xã hội học tại Đại học Tổng hợp San Francisco thì so sánh sự cuồng nhiệt đó với việc nâng cao tinh thần quốc gia thông qua việc giải thoát các con tin tại Iran vào năm ngoái.

Tại Trung tâm Phòng ngừa Tự sát của San Francisco, giám đốc điều hành Dorothy Stapp cho biết rằng số các cuộc gọi tự sát đã giảm 50% sau chiến thắng của đội 49ers Super Bowl. “... Điều này có xu hướng xảy ra khi mọi người cùng thống nhất về một sự kiện xã hội chung có tính lôi cuốn và cuồng nhiệt”, Stapp nói. “Mọi người cảm thấy mình là một phần của cái gì đó, một sự nối kết.”

Báo cáo trên về quang cảnh của San Francisco cho chúng ta thấy đội thể thao của công ty đã thống nhất các nhân viên trong công ty tới mức nào. Điều đó được duy trì ngay cả khi đội bóng bị thua, vì thua chính là sự bắt đầu của chiến thắng. Trong bất kỳ tình huống nào, lợi ích lớn nhất mà công ty nhận được do có đội bóng là tăng sự gần gũi giữa nhân viên và lãnh đạo công ty.

V


Người thầy của tôi, George Ohsawa, tiên đoán sự suy thoái của kinh tế Mỹ cách đây 20 năm. Ông viết trong cuốn Thiền Thực Dưỡng: “Đế chế Mỹ, thành tựu vĩ đại của văn minh hiện đại, đang quằn quại chết. Đoạn kết này dường như là định mệnh của nhân loại, nó sẽ xảy ra vào lần thứ 25 trong lịch sử thế giới. Nó bắt nguồn từ khái niệm có tính logíc, phân tích, vi mô, cơ học, mổ xẻ và khoa học về vũ trụ của con người.”

Sau đó Ohsawa trao một món quà cho phương Đông - ông gọi đó là “nguyên lý vô song”, phương pháp ăn kiêng Thực Dưỡng và ứng dụng của nó.

Vào thời điểm quan trọng này, nhiệm vụ của chúng ta là trao cho người dân Mỹ món quà lớn nhất chúng ta có được từ phương Đông - một báu vật tối cao, vô hình và được kế thừa từ ông bà từ 5.000 năm. Do chúng ta mắc nợ quá nhiều nền văn minh phương Tây từ chuyến thăm lần đầu tiên của Đô đốc Perry tới Nhật Bản cách đây 100 năm, món quà của chúng ta là một phần để trả cho món nợ đó. Khiêm tốn nhưng đầy tự tin, chúng tôi trao tặng “nguyên lý vô song” của tự do, sức khỏe, hạnh phúc và hòa bình cho thế giới; nó sẽ hữu ích và có đầy đủ thông tin cho các bạn bè Mỹ của chúng ta.
“Nguyên lý vô song” (nguyên lý về âm và dương) đã được phát triển qua triết học cổ. So với triết học phương Tây và khoa học kỹ thuật mang tính quyết đoán, vật chất, phân tích, mổ xẻ và nguyên tử, quan điểm của chúng tôi lại mang tính nghịch lý, biện chứng, toàn cảnh và vũ trụ - một hệ thống về chứng nghiệm có tính toàn thể, thống nhất và sáng tạo. áp dụng vào phương Tây lý thuyết cổ của phương Đông sẽ rất thú vị. Kỹ thuật sinh học và tâm lý học - Thực Dưỡng (macrobiotics) - chính là ứng dụng của lý thuyết đó vào nghệ thuật sống thọ và hồi xuân. Nó có thể làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống phương Tây. Đây chính là điểm “Đông gặp Tây” để có thể tạo ra nền văn minh mới nổi trội.

Đã có hàng ngàn, hàng ngàn người châu âu và Mỹ thực hiện ăn kiêng và sinh hoạt thực dưỡng. Họ đã cải thiện được sức khỏe và sống rất hạnh phúc. Triết học và ăn kiêng thực dưỡng là nguyên nhân thực tế về thành công kinh tế của Nhật Bản, thậm chí họ không nhận biết được điều đó - vì cách ăn kiêng của họ có đôi phần khác với phương pháp thực dưỡng. Đó là cách ăn kiêng ban đầu tại Nhật Bản trước khi du nhập lối sống phương Tây, và người Nhật quay trở lại cách thức này một thời gian sau Thế chiến II do sự thiếu thốn về thực phẩm.

Từ kinh nghiệm 20 năm giảng dạy của mình, tôi tin rằng nước Mỹ sẽ là một trong những quốc gia lớn trên thế giới nếu người Mỹ tiếp thu được triết học và ăn kiêng Thực Dưỡng. Tôi đồng ý với Ohsawa khi ông nói “Nếu người Mỹ hiểu về tâm lý và triết học phương Đông sâu hơn, và nếu Mortimer Adler biên soạn một cuốn từ điển bách khoa toàn thư khác trong đó có tư tưởng phương Đông thì sẽ không bao giờ sẽ xảy ra các cuộc chiến tranh trong tương lai; một nền văn minh mới sẽ kéo dài ít nhất 2.000 năm.”
Just Mini
25. sự giáo dục của người mẹ
Tháng 5 năm 1982


Có hai loại giáo dục: một loại thuộc giáo dục thiên về vật chất, loại kia là giáo dục tâm linh. Giáo dục vật chất trong các trường học hiện tại đang cống hiến kiến thức khoa học, kỹ thuật, văn hóa và nghệ thuật, thủ công và kỹ nghệ. Vì hầu hết mọi người quan niệm hạnh phúc là đạt được điều gì họ mong muốn, là thực hiện được tiện ích vật chất. Nền giáo dục tân thời hay giáo dục duy vật nhằm tiến tới hạnh phúc đó bằng phương tiện duy vật và bằng tích trữ vật chất được gọi là tiền bạc.

Có một số người nghĩ rằng nền giáo dục hiện nay cũng hướng tới tâm linh. Đúng thế, nhưng các lối giáo dục ngày nay, phần lớn là duy vật vì chú tâm truyền dạy kiến thức và kỹ thuật, liên hệ đến lạc thú và tiện ích vật chất là yếu tố quan trọng cho hạnh phúc toàn diện. Nhưng hạnh phúc đó không tuyệt đối mà chỉ tương đối thôi. Nói cách khác, các thứ hạnh phúc đó sẽ trở thành bất hạnh và bất ổn sớm hay muộn thôi. Vả lại, hạnh phúc của người này là bất hạnh của kẻ khác. Do đó, lối giáo dục hiện tại, nhằm giải quyết hạnh phúc của đa số, nhưng không phải của tất cả, một thứ hạnh phúc trần tục, hạn hẹp, chứ không phải loại hạnh phúc miên viễn.

Giáo dục tâm linh đưa con người đến hạnh phúc tuyệt đối và trường cửu. Loại giáo dục này rất khó truyền dạy và hiếm có người tiếp thu được. Những người lĩnh hội được loại giáo dục này luôn luôn trở thành vĩ nhân trong lịch sử loài người.

Vì tinh thần và đức hạnh biểu lộ qua cơ thể nên điều kiện sinh lý là một yếu tố quan trọng trong việc phát triển tâm linh. Như vậy một đường lối giáo dục mới bắt đầu - giáo dục Thực Dưỡng sẽ giải quyết vấn đề làm cho con người hưởng được hạnh phúc vô tận, vui sống với sự sung mãn vật chất và tiện nghi.

Giáo dục Thực Dưỡng cũng có thể chia làm hai phần. Phần thuộc về vật chất: một nhà Thực Dưỡng phải có hiểu biết về phương pháp lựa chọn thực phẩm, nấu ăn, cách ăn uống để phòng và chữa trị bệnh tật; giải thích tất cả các hiện tượng và khoa học thông qua nguyên lý âm dương và trật tự vũ trụ. Phần kia là giáo dục tâm linh, nó cũng giống như mọi sự giáo dục tâm linh khác vì chỉ có một loại giáo dục tâm linh thôi.

Vậy thì giáo dục tâm linh là gì? Giáo dục tinh thần là một nền giáo dục chỉ cho ta trí phán đoán siêu tột như là lòng ngay thật tuyệt đối, lòng tri ân chứ không phải phàn nàn, không kỳ thị, không thù hận căm phẫn.

Làm cách nào và ai có thể giáo dục được các điều ấy? Trong lịch sử loài người, các vĩ nhân thường xuất hiện và dạy ta trí siêu đẳng, như Chúa Jesus, Phật Thích Ca, Lão Tử. Làm thế nào các vị đó đã học được lý tính siêu xuất này? Họ sinh ra đã biết rồi ư? Thực ra, hạt giống đức hạnh này mọi người đều có. Mọi người đều có năng lực tiềm ẩn để trở thành bậc trưởng thượng. Nhưng ít có ai nhận ra được trí siêu đẳng và thánh đức ấy, mà có nhận được thì cũng nhờ giáo dục tâm linh? Vậy thì ai truyền cho các bậc thánh đó? vì có khi họ không tốt nghiệp trung học hay đại học, có thể không học cả bậc tiểu học nữa.

Đó là người mẹ. Nhà giáo dục vĩ đại nhất trên trần gian này đã là và sẽ là mẹ hiền, người có thể chưa từng tốt nghiệp trung hay đại học. Người mẹ có thể không biết đọc hay biết viết nhưng có thể làm cho con bà trở thành một con người vĩ đại.

Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16 của Mỹ, một lần nói với bạn ông ta là Billy Herndon rằng: “Tất cả những điều tôi có được ngày hôm nay là nhờ mẹ tôi, cầu Chúa phù hộ cho bà”. Những điều Lincoln nói gần như không thể tin được bởi vì mẹ ông ta, Nancy Hanks, đã mất khi ông ta mới lên 9 tuổi. Làm sao mà một chú bé 9 tuổi có thể học được đức hạnh và sự công bằng đã làm ông trở thành tổng thống của nước Mỹ tốt nhất trong những nhà chính trị đáng kính trong lịch sử? Lincoln được giáo dục theo hệ chính quy chưa đến một năm. Sau đó, ông ta tự học với sự giúp đỡ của bà mẹ khoảng ba năm cho đến khi bà mất. Lincoln đã học được lòng nhân hậu và óc phán đoán cao, điều đó nói lên rằng: tính chân thành, sự chính trực, lòng nhân hậu và dũng cảm. Ông đã có nó trong một thời gian rất ngắn. Sao mẹ ông ta đã truyền lại được cho cậu con trai đức hạnh và óc phán đoán cao trong thời gian rất ngắn như vậy? Đây là một ví dụ của sự giáo dục tâm linh không phải từ trường lớp hay ngôn ngữ. Điều này do sự giáo dục của bà mẹ. Bà dạy bảo chỉ với vài câu nói cùng những ví dụ đơn giản.

Mahatma Gandhi, một nhà lãnh đạo tinh thần không chỉ của dân tộc ấn Độ mà của cả thế giới, sống với bà mẹ cho đến tuổi 18. Khi ông trở về nhà từ Luân Đôn, mẹ ông đã mất. Một điều quan trọng ông học được từ bà mẹ của ông là tính thánh thiện. Ông nói trong tiểu sử của mình: “Cảm tưởng sâu sắc về mẹ tôi đã để lại trong tôi là tính thánh thiện”. Nhờ học được tính thánh thiện của người mẹ mà ông được gọi là linh hồn của ấn Độ.

Một ví dụ nữa về lối giáo dục của người mẹ được kể lại bởi George Ohsawa, người sáng lập phong trào Thực Dưỡng ở những nước Tây Âu. Một hôm ở Tokyo vào khoảng năm 1963, tại một cuộc hội thảo, tiên sinh kể với chúng tôi về bà mẹ của mình như một nhà giáo dục trong suốt cuộc đời của tiên sinh:

Mẹ tôi ly hôn khi bà 25 tuổi, sau năm năm lấy chồng. Sau đó, bà học y tá đỡ đẻ ở Đại học Do-Shi-Sha (một trường công giáo ở Tokyo) để giúp đỡ gia đình bà. Sau khi tốt nghiệp, bà bận rộn giúp đỡ những kẻ ốm đau và nghèo khó. Bà luôn tận tình làm việc giúp đỡ người nghèo. Quan điểm của bà sau này đã ảnh hưởng đến tôi. Tính cách nổi bật nhất ở bà là chưa bao giờ bà phàn nàn về sự mệt mỏi, sự thiếu vắng chỗ dựa của người chồng hay khó khăn về tài chính của mình... Sau 5 năm làm lụng vất vả, mẹ tôi bị bệnh lao và có thể tại vì bà ăn uống kiểu phương Tây. Lúc bệnh tình đã trầm trọng, bà gọi chúng tôi lại cạnh giường và bảo tôi hãy theo nghiệp học hành vì tôi thuộc âm, còn em trai tôi thì quá dương nên hãy theo binh nghiệp. Nằm yên lặng được nửa giờ thì bà lâm chung. Bà không bao giờ khóc hay than vãn dù rất lo âu về tương lai của hai con, rất căm giận về sự bội bạc của cha tôi và bận tâm về tài chính eo hẹp của gia đình. Đó là một đường lối giáo dục. Mọi người thường nói quá nhiều. Vì vậy họ không gây nổi ấn tượng cho người khác về đức hạnh hay thái độ cao cả. Không dùng lời nói là mẹ tôi đã dạy cho tôi nết hạnh không than trách vào giờ phút mòn mỏi kiệt lực. Nhờ theo cách cư xử như vậy tôi đã hướng dẫn được hàng ngàn người vào phương pháp Thực Dưỡng. Tôi được như hiện nay và mong muốn của tôi trong tương lai đều do ảnh hưởng của bà, người đã mất khi tôi 10 tuổi”.

Thế thì Lincoln, Gandhi và Ohsawa đều dạy cho ta óc phán đoán tối cao mà họ đã học được từ những bà mẹ của mình. Người mẹ là nhà giáo dục tâm linh vĩ đại nhất, mà cũng có thể là những tấm gương của tính biếng nhác, không trung thực và sự cẩu thả. Vì vậy tương lai của thế giới - hạnh phúc hay bất hạnh, hòa bình hay chiến tranh, khỏe mạnh hay đau ốm - tùy thuộc vào người mẹ. Bà là nhà giáo dục có ảnh hưởng nhất.
Just Mini
26. tại sao phương pháp Thực Dưỡng khuyến nghị nên dùng cốc loại?
Tháng 6 năm 1982


Khi tôi đi thuyết giảng về lối ăn uống theo phương pháp Thực Dưỡng cho giáo viên, y tá, bác sĩ, sinh viên tại Đại học California (phân khoa dinh dưỡng của đại học Berkeley) thì có một câu hỏi được nêu lên: tại sao phương pháp Thực Dưỡng khuyến nghị nên dùng cốc loại nhiều như vậy? (Thật ra lúc ấy có hai câu hỏi, câu hỏi kia là làm sao cách ăn uống Thực Dưỡng có thể cung cấp đầy đủ B12?).

Tôi trả lời rằng: xét đoán theo hình thể, 32 cái răng của ta gồm có 20 cái dùng cho hạt, 8 cái cho rau quả và 4 cái còn lại dùng cho thịt. Do đó ta nên thuận theo thiên nhiên mà dùng các loại thực phẩm theo tỷ lệ vừa kể. Còn một lý do nữa dựa trên quan điểm kinh tế và xã hội. Nói rõ hơn, ngũ cốc rẻ tiền nhất và dồi dào calo nhất, chỉ có ngũ cốc mới chống nổi nạn đói kém... Tuy nhiên lúc ấy tôi không có đủ lập luận vững chắc để dẫn chứng giá trị dinh dưỡng và trị liệu hữu hiệu của cốc loại. Không những tôi không đủ khả năng, mà theo tôi biết được, chưa có vị trưởng thượng nào của phương pháp Thực Dưỡng giải thích tại sao chúng ta cần ăn tỉ lệ ngũ cốc như vậy: 50-60% cho mỗi bữa ăn. Ngay cả Ohsawa cũng không nói về điều này.

Thế rồi niềm vui bất chợt đến với tôi, khi cuốn “Các mục tiêu ẩm thực Mỹ” do ủy ban Thượng viện chuyên về dinh dưỡng xuất bản năm 1977, đã cho biết mục tiêu thứ nhất như sau: gia tăng tiêu dùng cácbon hyđrát để tiếp thu 55-60% năng lượng. Bản tường trình dẫn giải: trước nhất bữa ăn có năng lượng cácbon hyđrát phức hợp cao có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim. “Hầu hết các dân tộc hấp thụ 65%-85% năng lượng dưới hình thức cácbon hyđrát do cốc loại lứt và củ đem lại, đều ít bị tai biến tim mạch” (Kiến thức dinh dưỡng ngày nay của bác sỹ William E. và Sonja J. Connor xuất bản năm 1976). Sách viết tiếp: Trong bài tường trình, anh em bác sĩ Connor kết luận là các bữa ăn dồi dào cácbon hyđrát đều thích ứng cho cả người khoẻ lẫn người dư mỡ trong máu, miễn là cácbon hyđrát phải hầu như xuất phát từ cốc loại và rau củ.

Việc sử dụng số lượng cao cácbon hyđrát phức hợp (ngũ cốc lứt) của người thượng cổ có căn bản lịch sử hẳn hoi, tiết kiệm được chi tiêu và tỏ ra ít gây bệnh, đặc biệt là bệnh có mỡ ở tim mạch. Anh em bác sĩ Connor cũng báo cáo rằng cácbon hyđrát phức hợp là cần thiết trong việc trị bệnh tiểu đường vì nó làm giảm nguy cơ bị bệnh xơ cứng động mạch và dư mỡ trong máu, là hai chứng liên quan đến bệnh tiểu đường. Nhờ cácbon hyđrát phức hợp mà mức cholestrol và chất béo trong cơ thể được hạ thấp. Theo dõi vài bệnh nhân tiểu đường họ nhận thấy lối ăn uống dồi dào cácbon hyđrát cũng đưa đến kết quả tốt, tức là khả năng dung nạp đường glucô được cải thiện. Có người thì mực insulin được quân bình. Một lý do nữa khiến ta phải tăng lượng cácbon hyđrát trong các bữa ăn là để thêm chất xơ. Bác sĩ Denis P. Burkitt, người biện hộ cho việc tận dụng chất xơ trong các bữa ăn đã quy định rằng: thêm món ăn có chất xơ, chất xơ thiên nhiên của chính món ấy thay vì chất xơ trộn thêm vào các sản phẩm tinh chế (chà xát) như bánh mì trắng chẳng hạn, sẽ làm giảm đi rõ rệt số bệnh ung thư và các bệnh khác, đặc biệt là bệnh về đường ruột.

Sau cùng, gia tăng dùng cácbon hyđrát phức hợp có thể dễ dàng giúp cho cơ thể không tăng trọng lượng. Giáo sư Olaf Mickelson tại Đại học ở tiểu bang Michigan báo cáo trong General Foods World, tháng 7-1985: “Ngược lại với nhiều người nghĩ: dùng nhiều bánh mì là cách ăn làm tăng cân thì công trình nghiên cứu mới đây ở Viện của chúng tôi cho thấy rằng, các thanh niên trẻ và hơi nặng cân đã làm sụt cân bằng phương cách không đau đớn và không phải gắng sức nếu họ dùng 12 lát bánh mì hàng ngày. Kết quả là họ no trước khi họ tiếp thu hết liều lượng calo tiêu chuẩn thông thường. Các đối tượng này trước kia bị nhồi sọ là phải hạn chế ăn bánh mì. Chỉ trong 8 tuần lễ, trung bình mỗi đối tượng mất được 12,7 cân Anh (khoảng gần 6kg –ND)Thượng viện Mỹ đề nghị nên dùng nhiều cácbon hyđrát vì họ theo dõi các thống kê chứ không lý giải theo khoa học. Cuốn sách bán chạy nhất “Hãy sống lâu hơn” của Nathan Pritikins giải thích rất rõ ràng. Để nuôi sống cơ thể, mỗi ngày ta cần dùng một số lượng calo từ protein, chất béo và cácbon hyđrát. Ta không tùy thuộc quá nhiều vào protein (thịt cá, trứng, sữa...) vì nó thải ra chất độc khi thức ăn nằm quá lâu trong ruột. Chất kế tiếp phải được loại trừ ngay là cácbon hyđrát (chất bột tinh chế) vì nó chứa đường đơn thuần nên gây hậu quả độc hại nếu ăn nhiều (tìm đọc phần Đường trắng - chất độc trắng, trong Khoa học ăn chay, NXB Khoa học Kỹ Thuật, Hà Nội, 1993 - ND). Cũng vì lý do này mà các chuyên viên nghiên cứu dinh dưỡng đã yêu cầu dùng chất đường từ việc ăn ngũ cốc lứt gọi là đường kép hay còn gọi là carbonhydrat phức hợp vì nó ngấm vào máu từ từ mà không gây đột biến và không gây hại lá lách như khi ta ăn ngũ cốc xát trắng, chất đường đơn trong ngũ cốc xát trắng ngấm vào máu nhanh gây hại lá lách. Vì lý do này ta giải thích dễ dàng lý do vì sao có nhiều người ăn chay theo lối phi Thực Dưỡng vẫn bị các bệnh như đái đường, nhức mỏi... Còn chất béo ta nên tìm từ ngũ cốc lứt như món muối vừng, bơ vừng,... và ngay trong hạt gạo lứt cũng có chất dầu cám nằm ở lớp vỏ cám...

Thế rồi học thuyết của Ancel Keys xuất hiện: qua 15 nghiên cứu các trường hợp của 281 thương gia, rằng mức cholesterol và huyết áp cao là nguyên nhân của tử vong vì bệnh tật. Nghiên cứu của A. Keys về sau được mở rộng hơn, với 12.000 người thuộc 7 quốc gia. Một lần nữa, bác sĩ Keys lại nhận xét rằng, các chất béo trong máu có liên quan đến nhiều trường hợp bệnh tim cũng như mức cholesterol.

Sau đó các khoa học gia nghiên cứu mấy sắc dân sơ khai như là dân Bantus, dân Tân Ghinê và dân Ecuador. Kết quả luôn như sau: mức chất béo và cholesterol trong cơ thể thấp có nghĩa là nguy cơ bệnh tim cũng thấp.

Hơn nữa, để xác minh rằng thực trạng này không phải do sức đề kháng thiên nhiên của các giống dân ấy, bác sĩ Keys tìm hiểu cư dân Nhật Bản ở 3 nơi khác nhau, cũng như trong cuốn “Hãy sống lâu hơn” có viết: ở Nhật, dân chúng ít bị bệnh tim. Trái lại rất nhiều người Nhật ở Hawaii bị bệnh tim. Trong khi nhóm ở Los Angeles thì rõ ràng có tỷ lệ bệnh nhân tim mạch ngang hàng với tỷ lệ bệnh nhân về tim mạch của Mỹ. Nhờ nghiên cứu này mà màn bí mật về sức đề kháng của dân Nhật được bật mí. Và chính món ăn là nguyên nhân bệnh tim.

Suốt 20 năm (50-70), nhiều phòng thí nghiệm được chỉ thị tìm cho ra manh mối về bệnh tim của súc vật. Đến năm 1959, một số khỉ được nuôi với các thức ăn gần giống như của người Mỹ dùng hàng ngày - khoảng 42% là chất béo và khoảng 30gr cholesterol. Kết luận cho thấy là các con khỉ này đều bị chứng rối loạn tim. Từ đấy, việc thử nghiệm được thực hiện nhiều lần với các loại thú khác; nhiều chất béo, nhiều cholesterol gây ra bệnh tim. Có một thời người ta nghĩ rằng chất béo không no có ích lợi cho sức khoẻ của tim, nhưng các cuộc thí nghiệm cho thấy các chất ấy không tốt hơn các chất béo no (Friedman. M. et al., JAMA 193: 882, 1965; Bierenbaum, M et al. ; Circulation 42: 943, 1970).

Thế thì việc nghiên cứu về bệnh tim đã loại bỏ các thức ăn quá béo, chỉ còn phương cách duy nhất đem năng lượng cho cơ thể là ăn nhiều cácbon hyđrát. Tuy nhiên thức ăn dồi dào cácbon hyđrát đã từng bị cấm đối với bệnh tiểu đường do tin tưởng rằng chất này gây tình trạng hôn mê cho bệnh nhân, mà thực ra triệu chứng này chỉ xảy ra khi họ lạm dụng đường. Mỉa mai thay bữa ăn nhiều cácbon hyđrát được khuyến cáo áp dụng không chỉ cho cho bệnh tim mà còn cả bệnh tiểu đường. I.M. Rabinowitch vào năm 1935, Wolff và Priess năm 1956 và W.E. Connor năm 1963 đã nghiên cứu cách trị liệu tiểu đường bằng thực phẩm ít béo. Họ nhận thấy rằng bệnh trạng được cải thiện hơn hẳn với các lối ăn khác dành cho bệnh nhân tiểu đường.

Trên thực tế, điều quan trọng mà các khoa học gia ấy đã hiểu được là có một sự khác biệt rõ rệt giữa cácbon hyđrát phức hợp (ngũ cốc lứt) và cácbon hyđrát đơn chất (ngũ cốc xát trắng). Cácbon hyđrát đơn chất trong bữa ăn biến thành chất béo, tăng chất béo trong máu và gây ra bệnh tiểu đường. Trái lại cácbon hyđrát phức hợp có tác dụng ngược lại. Theo Pritikin, cácbon hyđrát đơn chất tăng lượng béo và cholesterol, vậy thì cái gì không tốt lành cho tiểu đường cũng không hay cho bệnh tim. Ông viết: kinh nghiệm về các bữa ăn ít béo và việc không có bệnh tiểu đường trong các bộ tộc tiền sử đưa đến sự phòng ngừa chứng bệnh ấy trong nhiều trường hợp bằng cách ăn ít chất béo và nhiều cácbon hyđrát. Dĩ nhiên, cácbon hyđrát này không có nghĩa là cácbon hyđrát đơn chất như đường, mật ong, mật mía...

Theo quan điểm Thực Dưỡng, thực phẩm là nền tảng của đời sống và đời sống là biểu tượng của thức ăn. Do đó thuyết tiến hóa có thể được luận giải trên quan điểm Thực Dưỡng.

Khoảng 4 tỷ năm trước đây, trái đất bị nước bao phủ (chất vô cơ), rồi một thành phần được biến thành (khoảng 3,5 tỷ năm trước) cácbon hyđrát, chất béo hay protein (chất hữu cơ). Từ 3 tỷ năm, vi khuẩn xuất hiện trong nước; có thể sấm sét là nguyên nhân gây ra biến chuyển từ chất hữu cơ thành vi khuẩn. Những vi khuẩn này là các sinh vật đầu tiên trên mặt đất (đời sống thảo mộc).

Từ những loại thảo mộc đơn sơ này, loài phiêu sinh vật (planton) phát sinh ra. Một số phiêu sinh vật này năng động (dương) hơn, vì thời tiết lạnh hơn (âm). Trong khí hậu lạnh loài thảo mộc có âm tính phải chết và loài có dương tính tồn tại (âm dương hút nhau). Do đó sinh thể nào được nuôi dưỡng bằng phiêu sinh vật (những sinh vật trôi nổi ở biển, sông hồ) có nhiều dương tính đương nhiên trở nên dương thịnh. Khi các sinh vật thảo mộc trở nên dương thì biến dạng thành động vật. Sự kiện này xảy ra 1,5 tỷ năm. Khoảng 1 tỷ năm về trước, bọt biển xuất hiện. Đời sống thú vật và các loài sò ốc xuất hiện 500 triệu năm về trước và cách đây 400 triệu năm các loài cá phát sinh. Khi lục địa xuất hiện cách đây 300 triệu năm, cây cối bắt đầu mọc. Xuất hiện các loài lưỡng cư, sống được trên đất và dưới nước. Chừng 250 triệu năm về trước có các loài dương xỉ và rêu; loài bò sát phát sinh rồi đến côn trùng, cách nay khoảng 200 triệu năm; khí hậu ấm áp đã khiến khủng long và dương xỉ xuất hiện.

Rồi khí hậu trở lại lạnh lẽo, dương xỉ chết dần mòn và được thay thế bởi loại thực vật hạt trần. Cách đây 150 triệu năm, các loài thú sống nhờ mấy thứ cây ấy như chim và động vật có vú xuất hiện. Cách đây 100 triệu năm, thực vật, ngũ cốc xuất hiện tạo thành thức ăn dương cho động vật có vú. Động vật có vú có dương tính thịnh hơn ăn thịt động vật khác. Vậy có thú ăn thịt xuất hiện. Một vài loại thú khác sống trên cây, tạo nên nguồn cội loại dã nhân. Cách nay 75 triệu năm, vì cây cối thưa mỏng đi nên các loài dã nhân phải rời cây cối, từ đó loài khỉ không đuôi và khỉ có đuôi xuất hiện (dù thực phẩm của chúng vẫn ở trên cây nhưng chúng có khả năng sống cả dưới đất hay trên cây) cách đây 50 triệu năm.

Cỏ bắt đầu mọc từ khoảng 25 triệu năm nay. Loài khỉ không đuôi tìm được cốc loại để ăn. Chúng khởi sự đứng trên 2 chân cách đây 10 triệu năm. Theo tôi, nhờ ăn hạt mà loài khỉ đứng lên được và phát triển bộ óc. Nhờ đứng được, 2 tay mới rảnh rang để sử dụng vào việc thủ công. Đây là nguồn cội của người tiền sử (homo-sapiens). Họ tìm ra lửa cách đây một triệu năm. Đây là giống người khôn ngoan đầu tiên.

Phải qua hàng trăm ngàn năm, người tiền sử mới khai triển nghề nông. Quyển bách khoa Britanica nói rằng: Xuyên suốt hàng trăm ngàn năm qua thời kỳ đồ đá, giống người tiền sử sống bằng nguồn lợi thiên nhiên, sử dụng cả thực vật lẫn động vật. Loài người khác biệt loài thú ở chỗ họ có thể lực yếu kém hơn nhưng lại có dụng cụ và vũ khí do trí óc phát triển tạo ra - theo ý tôi, đây là kết quả của sự ăn cốc loại. Cuốn Britanica viết tiếp: Vào giai đoạn cuối cùng của thời kỳ băng hà, băng tuyết tan đi, đưa đến một khí hậu khác biệt khoảng 10.000 năm trước công nguyên. Sự thay đổi môi sinh gây ra một thử thách khiến loài người phải tìm ra cách kiểm soát và khai thác môi trường ấy, nghĩa là phải trồng trọt và chăn nuôi súc vật. Tiến được bước này, con người không còn phải theo đuổi các loài thú di cư tùy mùa hay truy tìm cả chỗ cốc loại mọc, mà tự sản xuất lấy thực phẩm quanh vùng họ ở. Việc định cư tùy thuộc vào sự cung và cầu của thực phẩm do nông nghiệp và chăn nuôi tiếp trợ. Từ các thôn ấp đầu tiên, người ta phát triển xây cất thị xã rồi sau tiến đến nền văn minh cao hơn: các xứ Babylon, Ai Cập, Hy Lạp và La Mã đều phát triển từ việc canh tác lúa mạch, lúa mì và hạt kê. Nền văn hóa cổ xưa của ấn Độ, Trung Hoa và Nhật Bản xuất phát từ nông nghiệp trồng lúa gạo. Các giống dân cổ xưa của nền văn minh Inca, Maya và Aztec ở Tân Thế Giới đều dùng lúa mì, ngô, trước khi Christoph Columbus tìm ra châu Mỹ. Do đó có vài nền văn minh sáng tạo ra các chuyện thần thoại tôn sùng cốc loại như thần linh.

Có xã hội làm ra bộ luật về thực phẩm căn cứ trên cốc loại. Đạo Mormon dạy rằng tất cả cốc loại được chỉ định nuôi người và thú vật, chăm lo sự sống chẳng những của người mà còn của loài thú ở ngoài đồng, trên trời và của tất cả thú hoang hoặc chạy bằng chân hoặc loài bò sát (chương 25, cuốn Một kỳ công và một kỳ quan, Le Grand Richards, Công ty sách Deseret, 1969).

Theo cuốn sách nghi lễ “Gegu” viết vào năm 804 trước CN thì Hoàng đế của Nhật Bản, hiệu là Yuryaku dựng nên lăng tẩm Ise (năm 457 trước CN) để tôn thờ nữ thần Amaterasu, vị nữ thần cao nhất của Thần đạo Nhật Bản . Một đêm nọ, Hoàng đế nằm mơ thấy nữ thần nói với ông rằng: “Tôi rất lấy làm cảm kích việc ông ban tặng tôi, nhưng ông lại phạm lỗi lầm nghiêm trọng vì đã bỏ phế Toyoke No Okami, thần của lúa gạo mà tôi mến mộ nhất. Xin ông hãy cho dời ngài đến đây ngay.” Hoàng đế ngạc nhiên, bèn cho xây cất đền Toyoke No Okami liền ngay năm sau. Đền này được gọi là Gegu (đền dành cho du khách) và đền thờ Amaterasu được gọi là Naigu (đền dành cho bản quốc). Huyền sử Nhật Bản cũng có truyền rằng Amaterasu Ohmikami bảo người Nhật phải dùng gạo như thức ăn chủ yếu. Tuyên cáo của vị nữ thần này là một trong những giáo lệnh quan trọng nhất của xứ Phù tang. Tuy nhiên, điều răn này bị mọi người bỏ quên, ngoại trừ vài người trong đó có Ohsawa.

Tóm lại, phương pháp Thực Dưỡng yêu cầu nên dùng cốc loại như thực phẩm chính (50-60% của thực
phẩm dùng hàng ngày) vì các lý do sau đây:

1. Con người tiến hóa từ thể đơn bào đến con người khôn ngoan (homo sapiens) nhờ sự biến đổi thức ăn. Đến giai đoạn hiện nay, thực phẩm chính của con người là cốc loại vì tỷ lệ răng 5/8 dành cho cốc loại, 1/4 cho rau quả và chỉ có 1/8 dùng để ăn thịt.

2. Tỷ lệ Kali/Natri của cốc loại rất gần với tỷ lệ của tế bào thân thể (10K/1Na). Do đó cốc loại có phẩm chất lý tưởng để vun bồi và bảo trì cơ thể.

3. Cácbon hyđrát chứa trong cốc loại lứt là cácbon hyđrát phức hợp, nên biến thành đường glucô rất chậm. Do đó ăn cốc loại không gây rối loạn chức năng biến dưỡng đường.

4. Bữa ăn quá nhiều protein (vượt quá 16% calo cần dùng cho cơ thể) gây ảnh hưởng tiêu cực cho công năng khoáng chất - chủ yếu là mất canxi - và do đó làm chua máu và thể dịch. Vì vậy protein không thể có vai trò dinh dưỡng chính yếu được. Theo kết quả nghiên cứu mới đây, các chất béo dù no hay không no cũng gây ra bệnh xơ cứng động mạch, từ đó dẫn đến bệnh tim mạch, tiểu đường. Dù chất béo có cho ta năng lượng nhiều nhất, nhưng nó không thể là món ăn chủ yếu được.

5. Trên quan điểm dinh dưỡng, cốc loại lứt, các loại rau quả có một hạt hầu hết đều chứa cácbon hyđrát, chút ít chất béo (lipit), protein, khoáng chất và các vitamin. Nhiều nhà dinh dưỡng học khuyên ta nên dùng cácbon hyđrát phức hợp vì nó là món ăn cần thiết nhất cho loài người.

6. Trên quan điểm kinh tế, cốc loại là nguồn dinh dưỡng và có lượng calo kinh tế nhất. Cốc loại có dạngđặc cứng và khô ráo nên dễ bảo quản khỏi hư thối.

7. Cốc loại được trồng khắp mọi nơi trên thế giới, chỉ có cốc loại mới đủ nuôi sống hết loài người. Nên dùng luôn lớp vỏ cám (lứt).

Cốc loại cho cơ thể một liều lượng calo nhiều nhất so với các loại thức ăn khác, tính trên diện tích đất. Độ chừng 20-30 người có thể sống trên một mẫu đất nếu họ dùng cốc loại lứt. Ngược lại một con bò cần 10-15 mẫu đất trong một năm để ăn cỏ và chỉ cho có 300-400 pound thịt (khoảng 150-200 kg). Nếu mỗi người dùng ít nhất 250 pound thịt mỗi năm thì rõ ràng dùng thịt như món ăn chính là vấn đề nan giải vì không đủ đất để nuôi sống cả một thế giới gồm toàn loài ăn thịt! Hậu quả phải đến là xung đột. Quá khứ đã chứng minh rằng chiến tranh là để chiếm đất và tương lai của chúng ta cũng không sáng sủa gì. Chiến tranh không tránh khỏi trên hành tinh này vì thiếu ăn, trừ khi ta dùng cốc loại như thức ăn chính (khoảng 50% thực phẩm ta dùng phải là cốc loại và rau quả).

Từ ngữ Trung Hoa “wa” (hòa) có nghĩa là “hòa bình” hay hòa hợp. Đó là sự phối hợp của hai từ “ ” (cây sinh ra cốc loại) và “ ” (khẩu,- miệng). Vậy từ này gợi ý: ăn cốc loại thì có sự hòa hợp trong cơ thể, có sự hòa bình trên thế giới.

Hiện nay, có nhiều phong trào đòi hòa bình (1982). Tuy nhiên những ai không sống bằng cốc loại lứt mà lại ủng hộ phong trào này thì rõ ràng chỉ vì tình cảm thiên lệch mà hành động.

8. Cốc loại đặc biệt là lúa mì, lúa gạo, bắp ngô... từng là thức ăn căn bản trải qua bao thế kỷ. Giá trị dinh dưỡng và hương vị của nó đã được hằng triệu người thử nghiệm và được xác nhận là tuyệt hảo.

9. Theo triết học phương Đông, dương tùy thuộc âm và dương thu hút âm. Do đó loài thú có dương tính (kể cả con người) phải sống nhờ loài thảo mộc (âm) mà trong loài này cốc loại lại có đặc tính duy nhất: đặc cứng, khô, dồi dào natri. Cốc loại là món ăn tốt nhất trong vương quốc rau quả, giúp cho con người được tráng kiện (dương).

Đấy là lý do vững vàng nhất, khuyên con người dùng cốc loại.

10. Sau cùng, do kinh nghiệm của nhiều người, cốc loại dùng như món ăn chính yếu đã thoả mãn được dạ dày loài người và vị giác của con người. Cốc loại chắc chắn cải thiện được sức khoẻ, không biệt lệ, nếu không bị chà xát mất vỏ cám, được nấu kỹ và ăn điều độ. Theo đông y, ngũ cốc sinh tinh. Tinh là thành phần quí nhất trong thể vật lý của con người. Theo quan niệm cổ, con người có 3 thứ quí nhất: Tinh - Khí - Thần.

Vì các lý do này, chúng tôi xin đề nghị hãy dùng cốc loại như thức ăn chính yếu.
phannhathieu
Chị Trâm ơi,

E định scan từ từ những bài trong cuốn sách "kính Vạn Hoa" gửi cho một số bạn bè, và đặc biệt là e gái e đọc. Nhưng chị và mọi người đã tải lên hết trên trang web này thì thật là tuyệt vời. E chỉ cần gửi địa chỉ web thôi, thật là nhanh và nhiều!Ôi! E cảm kích những nhân vật làm nên công trình này quá!

Thelast
27. nền Kinh tế nước Mỹ
Tháng 8 năm 1982


Tháng 4-1982, tôi nghe báo rằng tập đoàn AM quốc tế (Adressograph Multigraph Corporation), một trong những công ty máy văn phòng lớn ở Mỹ thành lập đã 59 năm, vừa tuyên bố phá sản. Hai năm trước chúng tôi đã mua một máy xếp chữ do họ sản xuất và vẫn đang trả góp. Sự phá sản của họ khiến nhiều thương gia ngạc nhiên. Nguyên nhân phá sản là nợ quá nhiều (465 triệu USD năm 1982) và sa sút trong kinh doanh. Năm 1981 lỗ 245 triệu USD.

Một tháng sau khi AM tuyên bố phá sản, hãng hàng không Braniff cũng làm thế. Nguyên nhân là tỉ suất vay vốn quá cao, khiến những khoản vay thành quá đắt để có thể mua những máy bay mới.

Công ty Máy nông nghiệp quốc tế, International Havester, lỗ 393 triệu USD năm 1981 và dự đoán năm 1982 lỗ 518 triệu USD. Họ đang yêu cầu trợ giúp tài chính từ vài công ty Nhật Bản. Sức bán thấp xuống thảm hại bởi nông dân Mỹ đang hoãn mua máy nông cụ nông trang vì lãi suất vay vốn cao.

Ngay cả RCA, một trong những thương hiệu lớn nhất trong sản xuất đồ điện tử và thiết bị, cũng đang ở trong hình ảnh tồi tệ với khoản nợ 3 tỉ USD. Họ đang cố bán công ty con Hertz Rent-A-Car, cho một công ty săm lốp với giá 700 triệu USD để giảm nợ. Còn hãng A&P, một tập đoàn siêu thị lớn nhất nước đang giảm số cửa hàng từ 3.600 xuống còn 1.200.

Hiệp hội quỹ tín dụng và cho vay cơ sở Oakland có tin đồn phá sản nên các khách hàng đua nhau rút tiền. Trong một ngày 25 triệu USD bị rút khỏi 80 chi nhánh ở Oakland. Cuối cùng, Chính phủ liên bang và Hãng bảo hiểm tiết kiệm và cho vay đã phải nắm quyền điều khiển để tránh phá sản.

Hãng Dun & Bradstreet tường trình rằng năm trước có 17.043 vụ phá sản kinh doanh, chỉ đứng sau năm 1961 với số vụ lên tới 17.075. Năm nay còn tồi tệ hơn. Trong 7 tuần đầu đã có 3.065 vụ, tăng 50% với năm ngoái. Các triệu chứng suy yếu của nền kinh tế Mỹ không chỉ là những vụ phá sản, mà còn là việc kinh doanh chậm chạp, đặc biệt trong công nghiệp chế tạo ô tô và nhà ở. Tổng giám đốc điều hành hãng General Motors nói: “Nếu nền kinh tế không xoay chuyển cuối năm nay, thì đó sẽ là khởi đầu của việc kết thúc đối với ngành công nghiệp xe hơi Mỹ” (Thời báo, 8-3-1982).

Nguyên nhân khiến kinh tế Mỹ tồi đi là do thất nghiệp gia tăng. Tờ Thời báo ngày 17-5-1982 tường thuật: “Thất nghiệp đã thay thế lạm phát thành mối quan tâm số 1 của dân Mỹ. Theo một điều tra của Viện Gallup tiến hành tháng trước, 44% tin rằng thất nghiệp là vấn đề quan trọng nhấtMỹ đang đối mặt”. Thất nghiệp giờ là vấn đề rất nghiêm trọng, đạt tới kỷ lục cao 9,4% vào tháng 5. Ngày 15-6, một tờ báo ở Wisconsin đưa tin rằng các vùng Michigan, Ohio, Wisconsin, Indiana, Alabama và Washington đã vượt quá 14% thất nghiệp. Ngay cả California cũng là 9,7%.

Tại Michigan và Ohio, các nỗ lực thu hút ngành công nghiệp mới và giữ công nhân đang bị cạn kiệt vì thiếu vốn. Điều này chủ yếu tại lãi suất vay vốn cao.

Như đã liệt kê ở trên, một trong những lý do chính gây các vụ phá sản là lãi suất cho vay cao và điều đó ứng với tỉ lệ thất nghiệp cao.

Tại sao lãi suất cho vay cao thế? Mỗi nơi tổng thống Reagan tới, người ta đều hỏi ông câu đó. Thậm chí ông bị các sinh viên tại Trường thánh Peter ở Geneva, Illinois hỏi các câu đó. Nhưng những sinh viên đó bị rối vì câu trả lời của ông ta, theo tờ “Thời báo”, ngày 3 tháng 5, 1982. Với tôi không chỉ những sinh viên trẻ đó bị rối bởi giải thích của Reagan mà hầu như bất kỳ ai - từ những người làm kinh doanh tới những chủ gia đình đang muốn mua nhà riêng. Khi lãi suất cho vay cao, các thương gia không thể mượn tiền ngân hàng và các gia đình không thể mua một ngôi nhà. Các vụ làm ăn bị gác lại, nhà cửa không bán được, xe mới không xuất ra. Hậu quả là nhiều vụ phá sản, kinh doanh chậm chạp trong các ngành xẻ gỗ, xe hơi và nhiều ngành nữa.

Lãi suất cho vay là giá cả trong việc vay mượn tiền và được quyết định bởi việc cung - cầu đối với tiền tệ. Nếu không đủ tiền lưu hành, lãi suất tăng lên. Bộ phận kiểm soát lãi suất tiền tệ là Cục Dự trữ liên bang. Kể từ khi Cục Dự trữ kiềm chế lạm phát, họ phát hành ít tiền đi. Đây là lý do lãi suất cho vay tăng.

Do vậy, cách duy nhất để hạ lãi suất cho vay là giảm mặt cầu. ở Mỹ ảnh hưởng lớn nhất lên cán cân tiền tệ gây nên bởi Chính phủ liên bang. Chính phủ vay từ ngân hàng Dự trữ liên bang để cân bằng thâm hụt ngân sách của họ, khoảng 100 tỉ USD năm 1983 (10% của tổng số thuế).

Từ khi Chính phủ yêu cầu quá nhiều tiền, những quỹ cho kinh doanh hay cá nhân vay bị sút giảm. Do vậy lãi suất cho vay tăng lên. Tai sao Chính phủ yêu cầu quá nhiều tiền? Bởi vì ngân sách quân đội của nó quá lớn để thuế liên bang có thể trang trải (ngân sách Chính phủ cho chi tiêu quân sự năm 1983 là 215 tỉ USD).

Cách duy nhất để giải quyết tình hình kinh tế trong nước lúc này có lẽ sẽ là cắt chi tiêu quân sự 100 tỉ USD, để Chính phủ không cần mượn tiền từ Cục Dự trữ liên bang. Đây là bước đầu để kinh tế hồi phục. Nhật Bản là một minh chứng về điều này. Sau khi đầu hàng lực lượng đồng minh vào cuối thế chiến II, Nhật buộc phải thay đổi Hiến pháp rằng mình sẽ không có lực lượng quân đội trừ một lượng vệ binh quốc gia nhỏ. Từ đó Nhật tận hưởng ngân sách quân sự thấp, các khoản thuế cũng thấp. Một trong những lý do chính khiến Nhật Bản phục hồi kinh tế sau chiến tranh nhanh vậy là nhờ thuế thấp. Với thuế thấp, người Nhật có thể tiết kiệm và đầu tư từ thu nhập của họ nhiều hơn so với người Mỹ. Bây giờ Chính phủ Mỹ đang yêu cầu Nhật Bản tiêu nhiều tiền hơn cho lực lượng quân đội và vũ khí. Kỳ cục thay, điều này ngược lại Hiến pháp của Nhật Bản, vốn từng bị Mỹ buộc phải tạo lập.

Thật nguy hiểm và vô dụng khi chi tiêu quá nhiều vào vũ khí quân sự. Vũ khí ngày nay, đặc biệt là vũ khí nguyên tử, quá mạnh tới nỗi chẳng cần nhiều để hủy diệt. Một quả bom khinh khí sẽ hủy diệt nhiều gấp một trăm nghìn lần so với quả bom nguyên tử từng phá hủy Hiroshima và Nagasaki và đã giết chết 35.000 người vào 37 năm về trước.

Nichidatsu Fuji, một nhà sư Nhật nổi tiếng, người đã dẫn đầu một cuộc diễu hành hòa bình từ Nhật Bản tới Mỹ, đã viết trong “Thời khắc đã tới” rằng hiện nay cả Nga và Mỹ sở hữu số tên lửa và đầu đạn hạt nhân tương đương một triệu lần loại đã dùng ở Hiroshima và Nagasaki. Do vậy, 350 tỉ người sẽ bị giết trong trường hợp nổ ra chiến tranh hạt nhân . Có nghĩa là lượng người gấp 50 lần dân số toàn thế giới sẽ bị giết chết trong vòng một giây nếu Mỹ và Nga bắt đầu tiến hành chiến tranh hạt nhân. Trong thế chiến II đã phải mất 6 năm để giết gần 50 triệu lính và dân thường. Sẽ chỉ cần một giây để giết 50 lần tổng dân số thế giới trong cuộc chiến tranh hạt nhân.

Hiểu biết của tôi là Mỹ và Nga cùng bảo vệ đất đai của họ như là thánh địa, nơi các vũ khí nguyên tử chiến lược không được dùng. Họ lập mưu để có chiến tranh hạt nhân chỉ trong lãnh thổ những nước nhỏ hơn và yếu hơn hay nước lân cận.

Tuy vậy, không chỉ Mỹ và Nga đang sở hữu sức mạnh nguyên tử. Theo IAEA (Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế) thì có khoảng 340 lò phản ứng nghiên cứu và 475 lò sản xuất nguyên tử đang vận hành hay xây dựng trong tất cả 46 nước (theo Thời báo, 22-6-1981). Trên thực tế, có vẻ rằng bất kỳ nước nào cũng có thể sản xuất bom hạt nhân nếu họ thực sự muốn.

Tình hình còn tồi tệ hơn, nếu những bí quyết sản xuất nguyên tử lọt vào những tổ chức khủng bố quốc tế. Như nhà vật lý học Theodore Taylor - một kỹ sư chế tạo bom nguyên tử, một thời từng lo sợ.

Không ai có thể phủ nhận rằng, đôi khi một kẻ khủng bố hay một Hingkley khác có thể kích nổ một quả bom A tự tạo và khởi động một phản ứng dây chuyền dẫn tới thế chiến III.

Nỗi lo rằng người Âu có thể bị đốt cháy trong một cuộc chiến giữa hai siêu cường (Mỹ và Nga) được thể hiện trong cuộc tuần hành vì hòa bình năm 1981 ở Born. Khoảng 7 tháng sau, ngày 12-5-1982, gần nửa triệu người từ khắp thế giới đã phản đối vũ khí hạt nhân tại cuộc nhóm họp của lực lượng vũ trang ở quảng trường trung tâm Nữu Ước. Cuộc biểu tình này là cuộc quần tụ lớn nhất tại Nữu Ước trong một ngày ở một địa điểm và đã được dàn xếp tốt đẹp và bình an. Đã không có cảm giác về sự sợ hãi từ phía những người biểu tình như đã hiện hữu ở Born. Tâm thức người ta có vẻ đang cải thiện. Tuy vậy, tôi có một ý nghĩ giống như Thị trưởng Nữu Ước Edward Kock bày tỏ: “Thật kinh khủng khi cố gắng gây ảnh hưởng lên lương tâm của thế giới. Thật tiếc là họ không có một cuộc biểu tình tương tự ở Matxcơva” (Thời báo, 21-6-1982).

Mỹ và Nga, những nước quân sự lớn nhất thế giới, chi tiêu lần lượt 134 tỉ và 118 tỉ USD năm 1981..Nếu Mỹ và Nga đạt được thoả thuận ngưng chạy đua vũ trang thì sự kiện này sẽ gây ảnh hưởng quan trọng về chính trị lẫn kinh tế trên toàn thế giới.

Thật lý tưởng rằng, mọi quốc gia trên thế giới giải giáp vũ khí và binh lính. Liệu đây là một giấc mơ ngày hay một ý tưởng trẻ con và không tưởng khi nghĩ tới một thế giới như vậy? Tôi thường nghĩ thế, nhưng bây giờ tôi nghĩ khác.

Chúng ta nên hỏi tại sao chúng ta có binh lính và vũ khí? Chúng ta nên học cách loại trừ chúng như Nhật đã làm sau khi đầu hàng đồng minh. Không học như vậy thì chỉ những cuộc biểu tình giải giáp đầy cảm tính sẽ không ngăn được thế chiến III, mà hình như đã đang bắt đầu nó.

Theo ý kiến tôi, một trong những lý do khiến nhiều chính phủ chuẩn bị vũ khí (nguyên tử hạt nhân) là lo sợ thiếu hụt năng lượng. Đời sống chúng ta phụ thuộc nặng nề vào dầu hoặc các sản phẩm dầu lửa. Mọi nước đều phụ thuộc vào nhập khẩu dầu, trừ một số ít nước. Mục đích chính khi tàng trữ vũ khí quân sự là vì dầu lửa. Do vậy, để tránh phát triển quá nhiều vũ khí, chúng ta phải thoát khỏi việc phụ thuộc vào dầu lửa.

Có hai cách để làm điều này. Một là học cách dùng ít đi những sản phẩm từ dầu thô như là túi nhựa, vật liệu tổng hợp... Cách khác là phát triển năng lượng khác như mặt trời, gió, sóng biển... Vô vàn năng lượng đang tồn tại trong toàn vũ trụ. Chúng ta phải tìm loại năng lượng nguyên tử không phóng xạ âm tính. Chúng ta phải tìm ra nguồn năng lượng. Đâu là nguồn năng lượng kiến tạo nên sự xoay chuyển của quả đất quanh chính nó cũng như quanh mặt trời? Năng lượng mặt trời được tạo ra như thế nào? Chính trong ta cũng có nhiều năng lượng. Làm sao nhịp tim đập được? Cơ chế gì khiến nhịp tim đập từ trước khi chúng ta ra đời tới khi chết mà không phút nào nghỉ ngơi? Cái gì khiến đại dương vỗ sóng vốn tiềm tàng năng lực ghê gớm thế?

Chỉ khi ta tìm được hay sử dụng được những nguồn năng lượng khác mà vừa thuận về giá cả và số lượng đối với số dân 6 tỉ người của thế giới, thì mới vượt được cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện tại. Các Chính phủ nên tiêu tiền vào việc nghiên cứu những nguồn năng lượng khác thay vì chi tiêu cho vũ khí và chuẩn bị chiến tranh. Một lý do khác khi chuẩn bị chiến tranh là nỗi sợ đói. Trong chính sách thế giới ngày nay, thực phẩm là một vũ khí. Các Chính phủ trang bị vũ khí để bảo đảm lương thực. Điều này chỉ đúng cho những nước mà người ta phụ thuộc vào thực phẩm động vật. Lý do cho điều này là trên thế giới không đủ đất cho đồng cỏ để sản xuất thực phẩm động vật (trừ cá) để đáp ứng chỉ tiêu nhiệt lượng (calo) và đạm (protein) cho toàn bộ dân số thế giới. Một con bò đòi hỏi 10 sào đất (4ha) và cung cấp 20 kg thịt vốn chỉ đáp ứng được 1 người/năm. Có cách khác, nếu ta canh tác cốc loại thì 10 sào sản sinh khoảng 2.200 kg cốc loại, vốn có thể đáp ứng nhu cầu calo cho khoảng 20 người/năm. Do vậy, khi cốc loại là thức ăn chính thì sẽ không bị thiếu đất để sản xuất mà sẽ đủ thực phẩm cho cả trái đất. Phụ thuộc vào thực phẩm động vật tạo ra thiếu đất đai và kéo theo là thiếu thực phẩm cho toàn cầu. Do vậy, các nước mới xảy ra chiến tranh để bành trướng đất đai. Vì điều này, chuẩn bị cho chiến tranh và tàng trữ vũ khí là không thể tránh được.

Để có một nền kinh tế bảo đảm, chúng ta phải biết rằng ngũ cốc là thực phẩm căn bản tốt nhất.

Tình hình kinh tế nước Mỹ không mấy sáng sủa. Chừng nào Chính phủ còn chi tiêu nhiều vào vũ trang, thì thuế còn bị đánh cao và lãi suất cho vay và tỷ lệ lạm phát còn cao. Hơn nữa, sự khan hiếm thực phẩm, nạn bệnh tật và tỷ lệ tội phạm cao sẽ đe doạ đời sống. Điều quan trọng là ta tự giữ mình lành mạnh về cơ thể cũng như tinh thần. Đối với sức khỏe của cơ thể, tôi thấy rằng chế độ ăn Thực Dưỡng là tốt nhất, bao gồm cốc loại, rau củ, thực phẩm lứt và không hóa chất. Đây là một chế độ lành mạnh, kinh tế và mang lại hòa bình. Các nhà lãnh đạo của mọi quốc gia nên xem xét, quán triệt chế độ dinh dưỡng này. Nếu có mười nghìn quan chứcChính phủ khắp thế giới thực hành phương pháp này thì chiến tranh giữa các nước sẽ không còn nữa. Lý do là một chế độ ăn uống Thực Dưỡng sẽ loại trừ thái độ, tinh thần hung hãn và lo sợ, nên nhiều căn nguyên của chiến tranh sẽ bị tiêu biến.

Tuy vậy, thật khó trông mong có nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới áp dụng phương pháp này. Do vậy, chẳng thể sớm hy vọng có hòa bình thế giới. Chiến tranh hạt nhân có thể nổ ra. Những ai sống sót qua cuộc chiến tranh này là những người biết những nguyên lý sức khỏe và có thể thực hành chúng trong cuộc sống hàng ngày. Phương pháp ăn uống dưỡng sinh (Thực Dưỡng) đã chứng tỏ lực sinh tồn và chữa lành của nó trong chiến tranh nguyên tử ở ngay bệnh viện Thánh Francis ở Nagasaki. Người ta nên bắt đầu nhìn lại cách ăn uống của mình ngay từ bây giờ không chỉ vì khả năng bị nhồi máu cơ tim mà còn vì khả năng bị tấn công hạt nhân.

Đối với sự lành mạnh về tinh thần, tôi khuyên sống theo nguyên lý của Lão Tử, đó là sự điều độ. Sự sụp đổ của Hãng hàng không Braniff là kết cục của một chương trình mở rộng đầy tham vọng vào cuối những năm 70. Họ đã không điều hành công ty với sự điều độ. Đây là nguyên nhân cho nhiều vụ phá sản khác.

Không chỉ đối với việc kinh doanh mà cả các vấn đề khác nữa, Chính phủ nên tiến hành với nguyên lý trung dung. Từ khi chính phủ Mỹ chi tiêu không điều độ, nợ quốc gia của Mỹ đã lên tới quá 1.000 tỷ đôla, riêng tiền lãi vay quá 100 triệu đôla vào tháng 6 năm 1982. Đây là một trong những lý do khiến lãi suất vay ở Mỹ quá cao, như đã nêu trước. Thuyết trung dung không chỉ dành cho việc kinh doanh và các chính phủ mà còn cho các gia đình và cá nhân. Nói cách khác, chúng ta phải thực hành trung dung trong thực phẩm ta ăn, quần áo ta mặc và nhà ta ở.

Theo Thời báo ngày 31--5-1982 thì hàng triệu dân Mỹ đang lo lắng bởi nợ cá nhân. Năm 1981, bình quân là 6.737 đôla/người. Người ta không thể trả nợ là việc ngày càng thường xuyên hơn; vỡ nợ cá nhân năm 1978 là 179.194 vụ, năm 1981 lên tới 465.914 vụ. Cũng tờ báo đó đăng bài một luật sư và vợ cùng kiếm được 40.000 đôla/năm. Họ có một xe hơi mới và một căn nhà mới. Họ giống như mọi gia đình Mỹ đang sống mọi giấc mơ Mỹ. Họ cũng bị phá sản. Họ không chỉ phá sản, mà còn nợ 18.000 đôla. Tại sao điều này xảy ra? Bởi họ quên nguyên lý trung dung, từng được Benjamin Franklin dạy rồi. Nguyên lý sống ngày nay là cứ tiêu tiền nhiều nhất có thể - tiêu đã, trả sau; vay trước, lo sau.

Khi người ta mất sự điều độ – nói cách khác là quân bình, hay hài hòa - thì họ đang mời rắc rối đến. Tờ “Thời báo” viết tiếp:

“Họ mắc nợ bởi tín dụng trả góp rẻ, khiến đời sống dễ dàng bởi vì lạm phát có vẻ đảm bảo sẽ có lương nhiều và viễn cảnh trả được nợ khi tiền rẻ đi. Nhưng giờ rất nhiều dân tiêu thụ đối mặt với những hậu quả rất khó chịu. Sự suy thoái và tỷ suất cho vay cao đang đe dọa mọi ảo tưởng...”. Với những người thừa nhận họ không thể có đủ những thứ họ muốn là có nghĩa họ đang tự đặt mình vào vị trí yếu kém. Giáo sư phân tâm học ở Đại học Y Harvard - ông Edward J. Khantzian nói: “Họ phải nói “không” với chính họ và chẳng ai muốn thế. Tất cả, tóm lại là không thể chấp nhận được giới hạn”.

Điều này có nghĩa người Mỹ mất nguyên lý trung dung và quân bình. Không chỉ những cá nhân mà các quan chức Chính phủ và các nhà hành pháp đều mất trung dung. Đây là nguyên nhân rối loạn kinh tế hiện nay ở Mỹ. Chừng nào Chính phủ không cân bằng ngân sách, kinh tế Mỹ sẽ tiếp tục tồi tệ cho tới thảm họa cuối cùng, có thể là thế chiến III trong 15 năm tới, trừ khi ta có thể thay đổi khuynh hướng này.

Tóm lại, trong những ngày bất ổn kinh tế này, tài sản thực sẽ không được đo bằng tiền trong ngân hàng hay bảo đảm về chính trị. Tài sản thực được đo bằng việc có đầy đủ ngũ cốc, một nguồn nước sạch ở gần, sức khỏe tốt, một khu vườn nhỏ màu mỡ, phong phú, một ngôi nhà ấm áp và an toàn, không quá đồ sộ và một số thành viên gia đình cùng bạn bè tốt.
Thelast
28. cốt tủy của Thực Dưỡng
Giảng tại trại hè Đồng cỏ Pháp
Tháng 10 năm 1982


Hôm nay, tôi nói về Thực Dưỡng rất căn bản.

Các bạn phải hiểu cốt tủy của Thực Dưỡng. Chữa ung thư, lao hay bệnh tim mạch... không phải là vấn đề cốt tủy - đấy chỉ là sản phẩm phụ. Khi các bạn đã hiểu được vấn đề cốt tủy thì hệ quả hay sản phẩm phụ của nó sẽ đến một cách tự nhiên. Làm khác đi thì bạn sẽ gặp khó khăn rất nhiều.Nếu các bạn ngay lập tức muốn chữa lành bệnh thì rất khó khăn, nhưng nếu các bạn tuân thủ theo cái cốt lõi, chính yếu của Thực dưỡng thì phần còn lại tự tới. Vậy tinh hoa Thực Dưỡng là gì?

Khi suy nghĩ, thì ta luôn luôn nghĩ dưới hai dạng - tất nhiên là dương và âm. Thực Dưỡng có mặt âm và có mặt dương. Mặt âm của Thực Dưỡng là tinh thần. Ta không thể nhìn thấy, sờ thấy, cảm thấy hay nhai nó được. Mặt dương của Thực Dưỡng gồm vật chất (hữu hình). Ta có thể gọi nó là ăn uống hay luyện tập, làm chủ thân thể. Ta có thể tiếp cận nó bằng các giác quan thông thường. Đa số người bắt đầu từ mặt dương và nhiều người chỉ nắm bắt mặt dương mà không bao giờ với tới mặt âm. Tôi lại bắt đầu từ mặt âm, sau đó chuyển sang mặt dương. Thế cũng được. Nhiều người bắt đầu ở mặt dương và lâu sau mới sang mặt âm. Thế cũng tốt thôi. Nhưng cuối cùng thì cần phải có cả hai. Tùy ta muốn bắt đầu từ mặt nào cũng được.

Ta hãy nói về mặt dương trước. Mặt dương bao gồm ăn uống, nó gần gũi với các bạn. Thứ chính yếu của ăn uống Thực Dưỡng là cốc loại. Ta có thể quên rau, rong biển, gia vị..., thức ăn chính của ta là cốc loại. Do vậy, giáo sư Ohsawa khuyên cách ăn số 7. Nhưng để mà sống chỉ bằng cốc loại thì ta phải khỏe; do đó, tôi chỉ khuyên chế độ toàn ngũ cốc cho những thành viên Thực Dưỡng tiên tiến. Rau có tác dụng gì trong cơ thể ta? Chúng cung cấp cho ta các enzym tiêu hóa, co-enzym và một lượng nhỏ các cácbon hydrat, đạm và chất béo (lượng nhỏ). Ba chất cácbon hydrat, đạm và chất béo này chủ yếu là do cốc loại cung cấp, chúng trợ lực cho sự sống của ta, tạo nên máu và các tế bào. Chúng ta phải ăn rau quả và rong biển để có các enzym và co-enzym. Enzym là gì? Chúng là hoạt chất, thúc đẩy các phản ứng hóa học. Nếu không có các enzym thì các phản ứng hóa học trong cơ thể xảy ra rất chậm chạp và không hội tụ được những yêu cầu cần để phân giải và tiêu hóa thức ăn. Đôi khi không đủ enzym cho hoạt động này, nên cần trợ giúp. Các tác nhân trợ giúp gọi là co-enzym, còn gọi là vitamin. Vitamin chỉ được sinh ra trong rau quả. Cho nên nếu ta không có đủ enzym thì ta phải ăn rau quả. Đó là lý do tại sao ta ăn rau quả.

Khi khỏe mạnh, có vẻ ta không cần nhiều rau quả đến vậy. ở Nhật Bản có những người dân miền núi chỉ sống bằng các loại hạt - họ vẫn đủ vitamin. Chúng ta không có môi trường như vậy, nên ta phải có vài loại rau quả, nhất là lúc bắt đầu. Nếu đã từng ăn nhiều thịt động vật, thì bị thiếu nhiều enzym và vitamin. Do vậy khi mới đến với Thực Dưỡng, các bạn cần nhiều rau quả và rong biển... Khi cải thiện được sức khỏe mình, dần dần ta không cần nhiều rau quả nữa. Điều cốt yếu của ăn uống là thay đổi cách ăn khi sức khỏe thay đổi.

Khi tình trạng cơ thể thay đổi thì các nhu cầu cũng thay đổi theo. Nhu cầu ăn uống của mọi người không giống nhau và ngay cả cho cùng một người cũng không giống nhau. Các bạn phải hiểu thấu cốt lõi của cốt lõi: sự biến dịch. Thực chất không có gì cố định, rạch ròi, theo kiểu “điều này phải như thế này” trong Thực Dưỡng. Khi tình trạng sức khoẻ của các bạn được cải thiện, các thứ thay đổi theo. Đôi khi các bạn cần nhiều rau, rong biển, muối vừng v.v... - nhưng đôi khi không nhiều thế. Hãy nhớ, điều ta cần là thay đổi, biến dịch. Nhiều lỗi lầm thường xảy ra. Chẳng hạn, bố mẹ không ăn được nhiều muối mặn nên họ không cho con cái ăn, rồi con trẻ trở nên yếu ớt. Điều gì đã xảy ra vậy? Các bậc cha mẹ đã ăn thịt động vật nhiều năm rồi và đã tích một lượng muối. Do vậy, muối không phải là chủ yếu và cần thiết đối với họ. Nhưng nếu con nhỏ của họ được nuôi theo Thực Dưỡng thì với nó việc dùng muối dưới hình thức nào đó lại là điều chính yếu. Cho nên những nhu cầu chủ yếu của bố mẹ và các con họ khác nhau trong những trường hợp như vậy. Điều này phải được hiểu. Và nhiều điều khác nữa cũng khác nhau giữa mỗi người.

Trong khi tổ tiên ta, từ bất kỳ chủng tộc hay văn hóa nước nào, hàng nghìn năm trước đã biết rằng thực phẩm chính của con người là ngũ cốc, thì khoa học hiện đại mới nhận ra thực tế này gần đây thôi. Nhiều nước có những tôn giáo nói rằng cốc loại là thực phẩm chính. Trong tôn giáo La Mã, người ta đã thờ những cây lương thực như là thần linh. ở Mêhicô và đối với dân da đỏ thì ngô được thờ làm thực phẩm chính. ở Nhật thì có thần lúa, thần nông. Hai nghìn năm trước, lúa gạo được coi là thực phẩm quan trọng nhất. Thần lúa đã dạy dân Nhật: “Nếu các ngươi ăn cơm gạo”, tất nhiên là gạo lứt, “giống nòi Nhật sẽ không bao giờ tiêu vong”. Nhưng phải gần 2.000 năm sau CN, vào khoảng năm 1976, khoa học và Chính phủ Mỹ cuối cùng mới thừa nhận cốc loại là thực phẩm chính.

Nguồn năng lượng chính của ta là từ ba loại chất bổ: cacbon hydrat, protein và chất béo. Khoa học dinh dưỡng hiện đại đang nghiên cứu tìm loại nào quan trọng nhất.Cacbon hydrat không được chọn bởi chúng chủ yếu cấu tạo từ các chất đường ngọt phức hợp, mà đường đã gây đầy rắc rối, nhất là tiểu đường. Tiếp đó, người ta loại chất béo, nó không phải nguồn dinh dưỡng chính yếu. Khoảng những năm 60, Ancel Keys đã tìm ra rằng kẻ thù đầu sỏ cho sức khỏe con người - bệnh tim mạch - là do có quá nhiều chất béo trong chế độ ăn. Sau đó là đạm, nhưng đạm sớm bị phát hiện không phải là một nguồn năng lượng tốt, chủ yếu tại vì nó có xu hướng loại các khoáng chất và axit hóa cơ thể. Cho nên trong thế kỷ này, ta đã tìm ra rằng chẳng thứ nào tốt cả - dù là đường, đạm hay chất béo. Rồi một nhà khoa học đã thí nghiệm với cốc loại lứt cho bệnh nhân tiểu đường. Có quan niệm rằng cho bệnh nhân tiểu đường ăn chất đường có từ tinh bột chế biến quá kỹ - bánh mì trắng, cơm trắng... thì rất nguy kịch, nhưng bác sĩ này cho họ ăn cốc loại lứt (còn nguyên vỏ cám) thì họ khỏi bệnh. Cho nên cuối cùng các nhà khoa học thừa nhận rằng đường (từ cốc loại tinh chế) với cốc loại lứt là khác nhau.

Đó là khoa học đã không nhận ra rằng chất đường khác với cốc loại lứt. Chúng ta đã bảo họ lâu rồi. Tôi không biết tiên sinh đã tìm ra thế nào, nhưng nhiều năm trước Ohsawa đã bảo cho bệnh nhân tiểu đường ăn cơm lứt (với muối vừng, kèm món đỗ đỏ hầm bí đỏ) mà họ chẳng nghe theo. Gần 80 năm trước, bác sĩ Thực Dưỡng gốc Nhật - Sagen Ishizuka - đã nói chính điều đó, mà điều đó cũng được biết tới từ 2.000 năm trước rồi. Cốc loại lứt - đường phức hợp - cũng được cấu tạo từ đường, nên các nhà khoa học đã từng lầm tưởng rằng nó cũng tương tự các đường đơn từ cốc loại tinh chế, bánh mứt kẹo, hoa quả.... Khi họ nhận ra khác biệt thì cốc loại mới được coi trọng hơn.

Nhà khoa học người Anh, Denis Burkitt từng làm việc tại một bệnh viện châu Phi và nhận ra rằng các thổ dân không bị bệnh tim mạch. Năm năm liền ở bệnh viện không có bệnh nhân tim mạch nào là thổ dân cả, trừ những người da trắng và vài dân bản xứ Âu hóa sống ở thành phố. Ông đã rất tò mò - khác biệt ở đâu vậy? Kết luận của ông là: do chế độ ăn - cốc loại lứt.

Những phát hiện này cùng với khuyến cáo của Thượng nghị viện Mỹ rằng cốc loại thô nên chiếm 55% khẩu phần ăn, đã khiến cốc loại thành thượng phẩm.

Cuối cùng, về cốt lõi chế độ ăn kiêng: xin hãy nhai kỹ. Như các bạn biết, cốc loại chủ yếu là đường (hydrat cacbon), vốn đa phần được nước bọt tiêu hóa. Nếu chúng không được nhào kỹ với nước bọt thì chúng khó mà tiêu hóa. Nên, hãy nhai kỹ.

Đây là cốt lõi của mặt dương trong Thực Dưỡng.

Giờ đến mặt âm - mặt tinh thần. Tôi nhấn mạnh thiên về mặt tâm hơn là mặt thân. Để hiểu mặt âm của Thực Dưỡng, trước hết phải hiểu sự sống là gì. Sự sống là gì? Hiện tại, để hiểu được điều này sẽ phải bắt đầu từ Thực Dưỡng. Nhưng có thể thực hành điều này. Ta đang sống. “Ta đang sống” có nghĩa ta biết sự sống. Ta đã sống bao năm rồi? 30 năm ư? Ta đã thực hành quan niệm sống từ 30 năm. Ta biết đời sống là gì - do vậy ta sống. ý thức không biết, nhưng vô thức vẫn biết.

Không có thực thì sự sống không biểu lộ. Có sự sống vô hình vốn tiêu thụ thức ăn xác định (là vật chất) và có lực sống, và dần dần sự sống vô hình đó vật chất hóa thành thứ ta có thể nhìn thấy. “Sự sống lớn lao” này biểu lộ trong cá nhân và ta phải hiểu rằng sự sống cá nhân này tự tạo nên sức khỏe. Nếu bị đau ốm, thì đấy là phi tự nhiên, có gì đã không ổn rồi. Cho nên chữa bệnh chỉ là thay đổi một điều phi tự nhiên cho trở lại tự nhiên. Chẳng cần máy móc hàng triệu đô-la để chữa bệnh. Các bác sĩ tự hào về máy đo chụp cả triệu đô-la, nhưng với tôi, điều này không thật tự nhiên. Mạnh khỏe là tự nhiên, bệnh tật là phi tự nhiên. Cho nên rất dễ chữa bệnh, trong khi rất khó bị bệnh. Cần phải hiểu điều này rất rõ ràng, đó là cốt lõi của Thực Dưỡng. Về bản chất ta không bị ốm. Người ta bị ốm và sợ hãi: “Ôi, mình sắp chết. Mình phải đi bác sĩ và đi bệnh viện”. Có tư tưởng như vậy bởi họ không hiểu rõ ràng: bệnh tật là không tự nhiên. Đa số thời gian ta mạnh khỏe, tự nhiên; thỉnh thoảng, thường trong khoảng thời gian ngắn so với tỷ lệ quãng đời, ta mới ốm, bất tự nhiên. Ta trở nên bất tự nhiên trong một khoảng thời gian ngắn mà ta đã ngạc nhiên, sợ hãi và nghĩ rằng bệnh sẽ tiếp diễn mãi. Điều đó khiến ta ốm hơn là bệnh gốc (bệnh tưởng). Nếu ta bị một chứng đau dạ dày, chứng đau này sớm khỏi bởi ta có một lực sống tự nhiên vốn trội hơn bệnh tật và cho phép sức khoẻ ta tự thể hiện trong trạng thái tự nhiên của nó. Nhưng khi bị đau mà ta lại uống thuốc cắt cơn... thì điều đó khiến sự việc trở nên phi tự nhiên thêm. Do đó, bệnh tật cứ đi sâu thêm, sâu hơn. Đó là điều ta đang thấy bây giờ. Thay vì cho phép lực sống của ta thể hiện, thì ta lại thao túng nó và khiến cho mọi thứ trở thành phi tự nhiên. Đây là cốt lõi: ta phải hiểu rằng sinh lực tự nhiên là sức khoẻ. Khi ta được một đức tin như vậy thì ta rất an toàn, đời ta lại được bảo đảm.

Ta cũng cần phải hiểu rằng khi bị ốm, nguyên nhân của bệnh là lỗi lầm của ta. Không phải ai đó hay gì đó khác, đấy là chính ta, trừ trường hợp trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ. Từ khi ta bắt đầu sống tự lực, mọi bệnh tật và bất hạnh đều do ta gây nên. Chẳng có gì để trách bất kỳ ai khác. Điều này cũng được nhà hiền triết La Mã Epictetus nói tới, còn chủ yếu là quan điểm của Thực Dưỡng. Epictetus là một nô lệ của đế chế La Mã, ông bị xiềng xích đến 80 tuổi. Nhưng khi là nô lệ, ông luôn học. Cho nên một hôm, vua La Mã tháo xích ông và tôn ông làm thầy mình. Rồi Epictetus viết bốn cuốn sách, ba tập đã thất lạc, chỉ còn một, trong đó viết Mọi người đều hạnh phúc, nếu không, đấy là lỗi của chính mình. Ông làm nô lệ 80 năm liền. Nếu bạn bị ốm 80 năm rồi khỏi và còn có thể nói “Lỗi tại ta” thì đấy cũng là điều ông ấy đã làm.

Hai năm trước, tôi có một bệnh nhân bị ung thư vú - một bên đã từng bị phẫu thuật và ba tháng sau, bên kia thành ác tính. Cô đã tới tôi, cô không muốn bị mổ nữa và đã theo chế độ ăn uống tự nhiên. Cô về nhà và bắt đầu chế độ ăn uống mới. Ba tháng sau, cô quay lại Vega và học thêm. Khi cô ở tại Vega, cô liên tục bị đau lưng, luôn dùng thuốc giảm đau. Sau một tuần, cô khỏi đau và không cần thuốc. Cô thật sung sướng. Cô nói: “Con thật là mừng, con muốn làm lại cuộc đời, cũng như cách này”. Có nghĩa là cô có thể bị lại ung thư lần nữa. Dù nếu bạn bị ung thư, bạn vẫn có thể hạnh phúc. Điều đó thật ngạc nhiên. Điều đó tùy thuộc vào tâm thức bạn. Bệnh tật là ở thân, nhưng hạnh phúc hay bất hạnh là ở tâm. Điều này rất quan trọng. Khi bị ốm, làm sao ta có thể hạnh phúc? Nếu ta được ăn thực phẩm chuẩn (ngũ cốc lứt không bón phân hoá học, không phun thuốc trừ sâu), tỷ lệ và lượng đều tốt thì ta có thể hạnh phúc dù đang bị ốm. Điều đó gây lạ lẫm. Bệnh của bạn không khỏi qua đêm, nhưng nếu bạn đủ thức ăn tốt lành thì có thể hạnh phúc. Đây là một trợ lực lớn lao. Cho nên xin hãy hiểu rằng bệnh tật hay bất hạnh (cơ thể hay tinh thần) của ta tùy thuộc vào chính ta.

Nếu các bạn hiểu rằng bệnh tật hay bất hạnh tùy thuộc vào chính mình thì điều khó nhất liền xảy tới tiếp theo: Chẳng có gì để phàn nàn. Các vị phải định hình “Mình sẽ không phàn nàn”. Đây là một cốt lõi quan trọng của Thực Dưỡng, khi phàn nàn là ta đang không “Thực Dưỡng”. Tôi nói rằng những khó khăn nhất đời bắt đầu từ phàn nàn.

Trong chuyến thuyết giảng, tôi đã gặp một đôi vợ chồng trẻ, họ đang hầu như ly thân. Anh chồng đã kiếm được một cô gái trẻ trung, xinh xắn, rất dễ thương và họ thường gặp nhau. Cô vợ càng phàn nàn thì anh chồng càng đến với cô gái đẹp kia - vốn không (vẫn chưa) phàn nàn. Rồi anh ta hỏi vợ: “Mỗi tuần tôi ở với cô ấy hai đêm nhé?”. Phải bạn thì sao? Cô vợ đáp: “Tùy anh”. Cô nói thế, nhưng tất nhiên, trong bụng không sung sướng gì. Nhưng vì cô hiểu chút về Thực Dưỡng, cô đã cố ôm tất cả. Nên cô vợ đã chấp nhận cô gái kia, và cố gắng nói: “Được thôi”. Họ hỏi tôi nghĩ sao? Tôi đáp: “Đừng ôm đồm. Anh không được ôm đồm điều đó. Anh có thể ôm đồm về tinh thần chứ không phải thân xác. Về mặt thể xác, anh không được ôm đồm hai cô gái”. Anh ta không hài lòng: “Tối nay tôi tới chỗ cô gái đó và ở qua đêm”. Tôi nói: “Đừng, nếu sống tâm linh cao thì anh không làm thế được”. Tôi đã bảo thế. Họ đã bị lầm lẫn thân với tâm. Tối hôm sau, vợ anh ta bảo tôi: “Con đã gây một lỗi lầm lớn rồi. Rắc rối này đã xảy ra vì con đã phàn nàn quá nhiều. Con đã luôn luôn phàn nàn với chồng mình nên anh ấy đã đi với cô gái khác”. Cô đã bảo với chồng: “Em xin lỗi vì đã kêu ca quá nhiều”. Và cả hai đều hiểu. Vài tháng sau, tôi gặp lại anh chồng, anh ta bảo sự việc đã ổn, anh ta đã tách khỏi cô bồ trẻ. Cho nên, điều quan trọng là không phàn nàn, nếu phàn nàn là mọi sự đổ vỡ.

Điều này trong Thực Dưỡng rất khó. Thường thì người dương tạng là những người hay phàn nàn, còn , người âm tạng cũng phàn nàn nhưng không bộc lộ ra. Các bạn phải nói chuyện thay vì phàn nàn. Phàn nàn là phá hoại, nhưng khuyên nhủ hay gợi ý, hoặc cố gắng để hiểu - thì quan trọng. Nếu bạn đã tự soi xét mình và muốn nói gì đó với người khác thì đấy không phải là phàn nàn, nhưng nếu bản ngã bạn nói “Tôi không thích thế này, thế nọ” thì bạn đang phàn nàn. Giữa hai điều này có sự khác biệt rất tinh vi. Nếu bạn thực sự chân thành trong tư tưởng đối với người khác thì đấy không phải là phàn nàn. Bạn chỉ bày tỏ cảm xúc của mình ra.

Cho nên hãy tự soi xét bản thân hơn trước khi định phàn nàn. Ngay khi bắt đầu phàn nàn thì hãy nhấn nó xuống. Gần như khi nó bắt đầu thoát khỏi miệng thì hãy nuốt nó cái ực - rồi tiêu hóa nó đi. Hãy nhai kỹ nhé! Thế thì bạn sẽ thấy nó không quá quan trọng để phải phàn nàn. Thái độ này cần phải âm tính. Dương thì không nuốt xuống, với người dương tính thì nó phóng thẳng ra. ở người âm tính thì phàn nàn lại quay vào, đôi khi nó ở trong và không được tiêu hóa và gây ra “táo bón”. Điều đó lại cũng không hay, cho nên ta phải lôi nó lại và tiêu hóa hoàn toàn.

Nếu bạn có điều gì phàn nàn, bạn phải đưa ra một giải pháp. Làm thế nào để giải quyết vấn đề - trước khi phàn nàn. Nếu bạn nghĩ ai đó gây một lỗi lầm, thì hãy nêu ra một gợi ý thay vì phàn nàn. Điều này có thể làm thay đổi cách xử sự của ai đó. Trong hầu hết trường hợp, ta không làm được điều này. Nếu bạn có thể thay đổi được cách cư xử của ai đó thì bạn quả là một đại nhân. Nếu bạn không thể, thì cũng đừng phàn nàn, bởi điều đó vô dụng. Nguyên nhân bạn phàn nàn là bạn thích thay đổi cách xử thế của người kia. Nếu điều đó không thành thì phàn nàn là vô dụng. Bạn hiểu chứ? Phàn nàn chỉ đáng giá khi là vì lợi ích, hạnh phúc lẫn nhau. Nếu phàn nàn không mang lại sung sướng cho lẫn nhau thì nó không tốt. Nếu bạn muốn thay đổi lối ứng xử của một ai đó thì hãy gợi ý. Nếu ta có nhân cách thì gợi ý sẽ được chấp nhận. Nếu bạn ở cùng cấp độ cảm tính thì gợi ý không được chấp nhận. Đây là điều đáng phải suy ngẫm.

Ta cần phải nâng cao sức mạnh tinh thần của mình. Để các gợi ý của ta được đón nhận, hãy nói “Làm ơn sửa cách cư xử của tôi” hay “Những hành động này khiến tôi mệt mỏi, xin hãy sửa đổi đi”. Thay vào đó, bạn lại phàn nàn. Làm thế nào để có thể nâng cao những sức mạnh tinh thần của ta? Đấy là mục tiêu của chúng ta. Mục đích của Thực Dưỡng là khiến tinh thần ta an lạc hơn, chẳng gì khác. Để làm thế, ta ngưng ăn đường. Điều này khiến ý chí ta cao. Tại sao? Bởi vì ta thích đường. Khi ta ngưng ăn đường, ta nâng cao sức mạnh tinh thần ta. Khi ta ngừng ăn thịt, ta cũng nâng cao sức mạnh ý chí ta, bởi cái ta muốn thuộc cảm giác. Tuân theo cái mình thích là phán đoán thuộc căn trần - cảm tính, ngã chấp - trí phán đoán rất thấp. Khi bạn vượt được điều này thì bạn có thể kiểm soát được trí phán đoán cảm tính, có được giác quan này, bạn ở đẳng cấp tâm linh cao hơn.

Khi bắt đầu Thực Dưỡng, bạn ngừng cái bạn đã từng thích. Nếu bạn đã thích phó mát thì bạn ngừng phó mát. Cho nên bạn tăng ý chí nhiều từ lúc đầu. Đầu tiên, bạn không thích cơm lắm, nhưng cốc loại sớm trở nên rất ngon. Sau khi ngưng ăn đường, bạn sớm thích gạo lứt, nó trở thành phán đoán thuộc giác quan. Kế tiếp, bạn ngưng gạo lứt - thế là bạn hoàn thiện trí phán đoán căn trần! Cũng vậy, bạn bỏ gì đó - hút thuốc chẳng hạn. Tôi đã cố cải thiện trí phán đoán của mình. Tôi đã rất thích hút thuốc từ 25 năm liền; thật rất khó bỏ thuốc, nên tôi bỏ nó. Rồi tôi bỏ câu cá. Tôi đã rất thích câu cá, tôi đã cắt luôn không nghĩ về câu cá. Cái gì bạn thích, thì hãy cắt. Dừng lại. Thế thì bạn siêu vượt trí phán đoán cảm tính.

Phần lớn chúng ta không làm được điều này, Vậy bạn đã hiểu ý tưởng về sự hy sinh chưa? Người thượng cổ sẵn sàng hy sinh vì Thượng Đế. Cái mà bạn yêu thích nhất thì hãy dành cho Thượng Đế. Điều đó sẽ làm tăng trí phán đoán cảm tính của bạn. Bạn phải học cách hy sinh. Ví dụ, theo truyền thống Nhật Bản, khi nấu cơm xong, bát cơm đầu tiên được dành để cúng Trời. Đó là sự hy sinh. Còn trong đời sống của chúng ta, bạn dành bát cơm đó cho người hàng xóm, như vậy bạn sẽ phải ăn ít đi, đó là sự hy sinh. Nếu thực hành được như vậy thì đời sống tâm linh của bạn sẽ được nâng cao. Hãy ghi nhớ luôn luôn sống trong sự hy sinh để nâng cao mình. Đó chính là tinh thần của Thực Dưỡng. Hãy dành cả thời gian của bạn, chứ không phải chỉ có thức ăn. Hãy dành thời gian và sự giúp đỡ của mình cho những người khác. Vì thời gian là tiền bạc, thời gian là cuộc sống, hãy dành nó cho người khác. Nếu bạn chỉ dành toàn bộ đời sống cho riêng mình thì đó chưa phải là cách Thực Dưỡng. Nếu bạn sống được 50 tuổi, hãy dành 25 năm cho những người khác. Đó là cách để làm tăng trí phán đoán của bạn. Có như vậy mọi người sẽ bắt đầu lắng nghe bạn. Nếu không tự nâng cao mình thì sẽ không có ai lắng nghe bạn cả. Nếu bạn ăn đường và thịt thỏa thích thì sẽ không có ai lắng nghe bạn. Gandhi là vị lãnh tụ tinh thần của 400 triệu người ấn Độ vì ông có một tinh thần cao cả. Ông luôn kiểm soát việc ăn uống và có một tinh lực mạnh mẽ. Đó là điều các bạn cần học tập nếu tiếp tục theo con đường này.

Hàng ngày trong khi ăn, bạn phải nâng cao tinh thần. Nếu muốn uống sữa, bạn hãy dừng nó lại, muốn ăn kem cũng vậy, cần dừng lại. Mỗi lần vượt qua được nhu cầu giác quan thì bạn đang được nâng cao. Khi không thể dừng được thì cũng đừng đổ lỗi cho bản thân, vì nhân bất thập toàn. Chúng ta biết rằng mình hãy còn yếu. Cách suy nghĩ như vậy cũng rất quan trọng. Sau đó hay quay trở lại với cách ăn uống Thực Dưỡng.

Trên đây là suy nghĩ của tôi về cốt tủy của Thực Dưỡng.
Thelast
29. Nỗi sợ tylenol
Tháng giêng năm 1983


Cái chết của bảy người vào ngày 6 tháng 10 năm 1982 do uống thuốc giảm đau tylenol đã khiến mọi người bàng hoàng và cả nước Mỹ hoảng sợ, bất an. Đây là một nỗi khủng khiếp lớn bởi chẳng có manh mối nào để giải quyết bí ẩn, tại sao ai lại sát hại người hàng loạt thế.

Kể từ đó đã gần hai tháng trôi qua. Đã vẫn chẳng tìm ra tội phạm lẫn nguyên do. Theo tờ “Newsweek” (11-10-1982), trường hợp trên xảy ra thế này: “Giả thuyết khả dĩ nhất, đó là ai đó đơn giản đã lấy những lọ thuốc từ những cửa hàng bán lẻ - có thể có lựa chọn, có thể ngẫu hứng - rồi đổ thuốc độc chết người vào vài vỏ đựng thuốc và lén trả lại các ngăn để các khách hàng tình cờ mua phải. Nếu vậy, thủ phạm có thể hầu như là bất kể ai - một nhân viên cáu bẳn, chẳng hạn, của hãng Mc Neil hay của Johnson và Johnon hay một kẻ cạnh tranh quá ghen tuông khác. Nhưng nhiều chuyên gia nghĩ rằng thủ phạm đơn giản là một kẻ điên cuồng có ý tưởng độc ác muốn trở thành sát nhân nổi tiếng.”

Nếu đây là chuyện về loạn tâm thần, thì làm sao có thể tránh cho các nạn nhân tương lai? Có thể tất cả loại thuốc sẽ được niêm phong, đóng kín. Nhưng theo các nhà chức trách thì không có sự bảo đảm tuyệt đối rằng chúng sẽ an toàn. Trong sự cố đáng sợ và lộn xộn này, giáo lý và lối sống Thực Dưỡng có thể đưa ra một giải pháp nào chăng. Sau đây là nhận định của tôi.

Tại sao vụ tylenol đã xảy ra vậy? Thói quen và tư tưởng lệ thuộc thuốc là nguyên nhân thực sự của vụ tylenol. Tờ “Thời báo” (11-10-1982) tường trình:

“Adam Jamus 27 tuổi, sáng thứ tư trước (6-10) hơi bị tức ngực, nên anh ta đi mua một lọ tylenol loại mạnh. Khoảng một giờ sau tại nhà mình ở Arrlington Herghts thuộc ngoại ô Chicago, Jamus bị suy tim phổi. Anh ta được chở đi cấp cứu ở bệnh viện, các y bác sĩ đã tận tình làm hết khả năng để cứu sống anh ta. Nhưng bác sĩ Thomas Kim, trưởng khoa cấp cứu của bệnh viện cho biết: ’Có vẻ vô phương cứu chữa rồi, anh ta bị chết đột tử. Một điều gần như bất thường.’ ”

Sáu nạn nhân còn lại cũng đã uống phải tylenol và đã chết theo cách tương tự. Người ta cứ quen lấy thuốc không được kê đơn theo chỉ dẫn thầy thuốc. Nếu bị đau đầu, họ liền ra quầy thuốc gần nhà mua một lọ rồi về uống. Do vậy, năm 1979 người Mỹ tiêu khoảng 1 tỉ USD cho thuốc ho và cảm lạnh và khoảng 1,2 tỉ USD cho thuốc giảm đau. Việc tiêu tốn này đang tăng lên mỗi năm (theo “Thuốc chuyên đề, hướng dẫn về thị trường”, NXB Kinh tế, Oradell, New Jersey).

Thật là ngây ngô và nhẹ dạ! Người ta đã bị tẩy não, nhồi sọ để nghĩ rằng cần cắt cơn đau bằng bất kỳ giá nào và nếu hết cơn là khỏi bệnh. Tư tưởng này - cố cắt cơn bằng bất kỳ giá nào và chẳng bao giờ nghĩ rằng đâu là nguyên nhân thực của cơn đau, đâu là cách chữa khỏi thực sự - là nguyên nhân của vụ tylenol.

Tuy nhiên, có vẻ chẳng ai quan tâm tới những căn nguyên như vậy; thay vào đó họ trách cách đóng thuốc hay chứng điên rồ của xã hội. Chẳng hạn, một bài trong tờ “ Francisco Chronicle” (7-10-1982) nói rằng các nghị sĩ đang kêu gọi ra luật buộc các hãng phải niêm phong miệng lọ của mọi loại thuốc được báng. Tuy nhiên, tôi cảm thấy rằng việc gắn niêm phong chai lọ không phải là cách bảo vệ tuyệt đối chống lại sự việc này. Sự an toàn tuyệt đối duy nhất là đừng bao giờ để bị đau tới nỗi phải mua thuốc như vậy.

Khi tôi mới nghe tin vụ tylenol, tôi tưởng điều này sẽ có lợi cho nhiều người bởi họ có thể ngưng uống. Tôi đã lầm. Bảy cái chết do nhiễm độc thuốc đã chẳng thay đổi tâm trí người ta chút nào. Một tháng rưỡi sau, tờ “Chronicle” đưa tin: bảy cái chết do chất độc trong thuốc nhộng tylenol loại mạnh đã khiến ngành công nghiệp sợ rằng dân chúng có thể tránh xa sản phẩm của họ. Nhưng có vẻ dân chúng ít quan tâm tới việc đó hơn ngành công nghiệp thuốc. Cùng tờ đó đưa tin rằng một cuộc điều tra khách hàng cho thấy rằng 54% trong số họ cảm thấy uống thuốc không theo đơn vẫn an toàn. Do vậy, người ta vẫn tiếp tục mua thuốc tây và tin rằng đó là phao cứu mạng của họ. Tuy nhiên, sự thật là thuốc không an toàn cho dù nó có được niêm phong. Uống thuốc là tự tử dần, ngay cả nếu không bị đột tử trong vòng 15 phút như trong vụ tylenol.

Tại sao uống thuốc giảm đau lại là tự tử dần? Câu trả lời rất đơn giản. Thuốc giảm đau là giải pháp tình thế về triệu chứng thôi. Nó không chữa khỏi bệnh chút nào mà chỉ gây tê cảm giác đau. Điều tồi tệ nhất là thuốc cắt cơn không chỉ ngưng đau mà còn ngưng cả tiến trình tự chữa của thân thể. Chẳng hạn, thuốc antihistamin (một trong nhiều dạng thuốc dùng để chữa dị ứng) hay các loại khác để chống sổ mũi.Người ta không nhận thức rằng việc xổ mũi này là hệ thống chữa trị tự nhiên của thân hoạt động bằng cách tống xuất chất độc ra ngoài. Trong “Ai là thầy thuốc của bạn và tại sao” (của Alonô J. Sadman, MD, NXB Keats Pulishing. Inc., 1980), bác sỹ J.Haskel Kritzen trích dẫn:

Tuy vậy, việc mệt mỏi và khó ở khi bị cảm thông thường lại là một nỗ lực có ích của tự nhiên để thải khỏi cơ thể những chất nhầy gây hại đã tích tụ. Do đó, cảm lạnh là một kiểu van an toàn tự nhiên, một biện pháp sửa chữa để thêm cho việc thải cặn chưa hoàn chỉnh. Thời gian, công sức và tiền bạc tiêu vào việc điều tra chứng cảm thông thường, những cố gắng để nhận diện những vi trùng đặc thù suy cho cùng là vô hiệu. Những kết luận rút ra duy nhất là việc sản xuất vô tội vạ hàng loạt thuốc lang băm diệt cảm, các vắc xin phòng ngừa và huyết thanh (serum) vốn không chỉ không đáng mà vô cùng tai hại hơn cả chứng cảm mà người ta đang định chữa.

Năm 1979 các đơn thuốc của bác sĩ có giá trị thuốc lên tới 11 tỉ USD. Mỗi người Mỹ từ trẻ tới già tiêu ít nhất 4 USD vào thuốc cảm, 4 USD cho thuốc giảm đau trong và 50 USD cho các đơn thuốc của các bác sĩ mỗi năm. Tại sao quá nhiều tiền bị lãng phí thế? Thuốc không chữa khỏi mà làm cho tình trạng sức khoẻ tệ hại đi. Một khi đã dùng thuốc thì càng lệ thuộc thêm. Nếu thuốc có thể chữa khỏi lập tức thì lẽ ra đã chẳng còn bệnh nhân nào và các nhà chế thuốc lẽ ra đã phá sản rồi. Tuy vậy, sự thật là việc tổng tiêu thụ thuốc đang tăng mỗi năm (14 tỉ USD năm 1975 và 20 tỉ USD năm 1979).

Bác sĩ Shadman, một trong những bác sĩ (phẫu thuật) hiếm có, vốn chống việc dùng thuốc và tin vào lực chữa của tự nhiên, đã viết ra cách thức mà các nhà sản xuất thuốc lừa dân chúng như sau:

“Mỗi tuần, thùng rác của mọi bác sĩ đều đầy những văn bản ca tụng công dụng của một loạt dài dằng dặc các loại thuốc. Nhiều bản còn kèm mẫu thuốc. Tôi đã không thể tìm được sản phẩm nào có bất kỳ công dụng chữa khỏi bệnh gì, thế mà 14 tỉ USD hoặc hơn bị tiêu tốn mỗi năm để mua chúng.

Công nghiệp thuốc là một trong những ngành có mức tăng giá sản phẩm cao nhất trong nước. Ngân sách cho quảng cáo của nó cũng chiếm tỉ lệ % khá tầm cỡ trong giá tiêu thụ. Tại sao phải tiêu nhiều vào quảng cáo? Bởi cần tạo ra một thị trường. Họ phải khiến cho mọi người tưởng rằng mình phải uống viên thuốc nào đó khi có dấu hiệu đau đầu hay đau bụng đầu tiên”.

Từ quan điểm Thực Dưỡng, các thuốc giảm đau và y học đối trị chỉ ngăn các triệu chứng vốn là tiến trình thải độc của tự nhiên. Do vậy, việc dùng những thuốc như vậy sẽ tạo sự tích độc trong cơ thể. Điều này kéo theo sự kém vận hành của lục phủ ngũ tạng, nhất là thận và cuối cùng dẫn tới tình trạng axit hoá của dịch tế bào. Theo tôi, điều này có thể dẫn tới sự hình thành các u ác. Do đó, việc bắt đầu của các tế bào ung thư có thể bị gây ra bởi sự hoại tử cũng như việc thường xuyên dùng các thuốc diệt triệu chứng. Mỗi khi người ta uống một loại thuốc cắt cơn hay đối trị nào khác là họ đang sửa soạn cho việc hình thành tế bào ung thư.

Sau đây là diễn tiến điều trị cho Gabrielle, nữ, 9 tuổi, do bác sĩ Eugen Underhill, trích từ một bài trong “Ai là bác sĩ của bạn và tại sao?”:

Nằm giường và cứ 3 tiếng uống một viên aspirin.

Chỉ định thuốc giảm đau codeine qua điện thoại.

Khả năng nhiễm viêm gan hoặc viêm xổ vàng da.

Tăng Codeine nhưng không có tác dụng.

Phát hiện gan bị sưng.

Bác sĩ nghĩ bệnh nhân có vẻ bị loạn trí nhưng điều này bị bác bỏ.

Bệnh nhân được nhập viện ở một trong những trung tâm y tế hạng nhất.

Thực hiện xét nghiệm nhưng không thể tưởng tượng được lại nhiều thế.

Lấy máu từ cánh tay hai lần, ngón tay bị chọc vài lần.

Tiêm bằng kim tiêm17 lần trong tuần đầu tiên, rồi không tính được ở các tuần sau.

Cuối cùng chuẩn đoán đó là viêm gan.

Trường hợp này được đưa ra trước cuộc họp hội đồng hàng tuần.

Các bác sĩ có nhiều ý kiến khác nhau về nguyên nhân bệnh.

Một bác sĩ bắt đầu bàn tới giải phẫu thăm dò.

Liệt kê khả năng bị khối u nhỏ.

X - quang cho thấy các vết mờ trong khoang phổi.

Lệnh phẫu thuật.

Tiếp máu chuẩn bị phẫu thuật.

Phát hiện khối u từ xương sống lan phát mọi nơi.

Kiểu u không hiển thị với chiếu xạ.

Không thuốc nào ích lợi cho kiểu ung thư này.

U ác và hoàn toàn không thể trị.

Bệnh nhân ở bệnh viện tốt nhất và với những bác sĩ tốt nhất.

Chỉ định thuốc demerol.

Tiêm codeine, rồi loại khác, rồi demerol.

Tăng demerol, rồi phenobarbital (gây mê và giảm đau).

Demerol bị mất hiệu nghiệm, phải chuyển sang morphine.

Thịt da xạm đen, tái xám và rất viêm nhức do bị tiêm quá nhiều.

Tiêm thường xuyên vitamin K.

Thỉnh thoảng tiêm penicillin.

Tiếp đạm hai lần vì mắc sởi trong viện.

Vài ngày truyền máu một lần, một thủ tục lê thê và mệt mỏi.

Loạn triệu chứng. Các bác sĩ đoán mò diễn biến tiếp sau.

Ngay cả bệnh nhân cũng thấy các bác sĩ chẳng biết gì cả.

Tiêm luminol.

Tiêm paraldehyde trị co giật. Lặp lại khi lên cơn.

Ghi chú: bệnh nhân chết.


Đây chỉ là một trong những chuyện buồn về bệnh mà thuốc men điều trị duy nhất là cắt cơn. Câu chuyện cho thấy ngành y chẳng dính gì tới chữa lành mà chỉ dừng đau lại. Thế nhưng, chế độ Thực Dưỡng đã tỏ ra ưu việt hơn bất kỳ thuốc cắt cơn nào, ngay cả những bệnh nhân ung thư nghiêm trọng cũng đã giảm đau rất nhiều sau khi tuân thủ nghiêm ngặt liệu pháp Thực Dưỡng từ một tuần trở lên.

Tóm lại, vụ tylenol là một cảnh báo cho những người phụ thuộc vào thuốc và bác sĩ để giảm đau và dịu triệu chứng nhất thời. Nó khuyên họ thay đổi cách ăn và nên ăn kiêng, để cho chẳng cần thêm thuốc tây hay thuốc cắt cơn nào.

Ta nên không bị đau đầu chút nào vào bất kỳ lúc nào. Nếu bị, bạn phải ngừng ăn đường và thức ăn chứa đường, đồ uống xổi (nước ngọt đóng lon, chai...) và giảm lượng nước mà bạn nạp vào. Bạn có thể ngạc nhiên khi thay đổi chế độ ăn uống đơn giản chữa được đa phần chứng đau nhức đầu. Thế rồi bạn sẽ ngạc nhiên là tại sao người ta phải tiêu 1 tỉ đô la để đình chỉ một chứng đau đơn giản như vậy.
Thelast
30. Chúc mừng năm mới 1983
Tháng giêng năm 1983


Theo lịch ta, năm nay rơi vào quẻ bĩ: thịnh âm, hành thuỷ, Quí Hợi. Đây cũng là năm cuối của vòng can chi 60 năm. Điều này cũng như một hạt giống vùi trong đất đang hấp thụ chất dinh dưỡng nhưng chưa nảy mầm. Có nghĩa những điều tốt lành chưa tới.

Với tôi, có vẻ Thực Dưỡng hiện nay đang ở trong lòng đất và chưa được biết đến trong quảng đại quần chúng. Nó đang lớn nhưng không được biết tới. Những bài của bác sĩ Sattilaro, sách báo, việc xuất hiện trên tivi đã quảng cáo một chút cho Thực Dưỡng, nhưng chân giá trị của Thực Dưỡng vẫn chưa được giới thiệu. Tiềm năng của nó, giá trị và tính bất tử của nó còn mờ mịt với đại đa số.

Tôi đã tra Kinh Dịch về tình hình của Thực Dưỡng năm nay. Đó là quẻ 54 (hôn nhân) bằng 7 dương, 9 dương, 6 âm, 7 dương, 8 âm, 8 âm. Điều này có nghĩa Thực Dưỡng gây nên việc kết duyên giữa triết học phương Đông và y học phương Tây. Tuy vậy, có nhiều khó khăn trong cuộc kết duyên này bởi tính “xung” trong âm và dương. Khi tôi đổi đệ nhị dương (9) thành âm và đệ tam âm (6) thành dương, thì tôi được quẻ 49 (Biến dịch, hay cách tân).

Cuộc tương phùng giữa triết học phương Đông và y học phương Tây sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong lối sống và văn hoá phương Tây. Vài mầm mống cho một cuộc cách mạng như vậy sẽ bắt đầu vào cuối năm nay. Nếu một cuộc cách mạng như vậy được thực hiện, đó sẽ là cuộc cách mạng lớn nhất trong lịch sử nhân loại.
Thelast
31. “lời Phán quyết”
Tháng 2 năm 1983


Một bài báo về bộ phim “Lời phán quyết” của Paul Newman, đã khiến tôi đi xem nó ở Oakland trong kì nghỉ vừa rồi.

Câu chuyện xoay quanh một luật sư công giáo người Ailen nghiện rượu, theo kiện bốn vụ án trong ba năm và đều bị bại. Tại sao? Chẳng ai biết, nhưng Thực Dưỡng có một lời đáp. Giờ anh ta đang khởi sự một vụ kiện về bất cẩn chống một bác sĩ bị tố cáo đã dùng nhầm thuốc gây mê. Anh ta tin vào thắng lợi tới mức từ chối chấp nhận khoản tiền thanh toán kếch xù do luật sư bào chữa biếu.

Tuy vậy, những khả năng thắng lợi của anh ta rơi rụng dần vì sự phản bác khôn ngoan ranh mãnh và cách điều khiển các nhân chứng của luật sư bào chữa. Hy vọng thắng lợi duy nhất và cuối cùng của anh ta - lời chứng của cô y tá đã tiến hành gây mê cho bệnh nhân theo lệnh của bác sĩ - đã bị sự biện luận khôn ngoan của luật sư bào chữa vô hiệu hoá.

Anh ta đã thua, thất bại hoàn toàn, tại sao? Giác quan thường bảo ta đấy là tại tật nghiện rượu của anh ta. Tại sao anh ta không thể ngừng uống? Bởi anh ta không hạnh phúc. Một cách để có hạnh phúc đối với anh ta là thay đổi lối sống, bao gồm thay đổi chế độ ăn uống. Đây không phải chuyện của bộ phim, tất nhiên, phim rất thực tế. Nó không đưa ra một kết cục sung sướng. Từ đầu tới cuối, phim tỏ ra rằng viên luật sư nghiện rượu hẳn thua kiện. Các tình tiết được sắp xếp hợp lý. Cả từ nhãn quan Thực Dưỡng nữa, anh ta phải thất bại bởi đang sống một cách không lành mạnh và do vậy trí phán đoán không tốt. Tuy nhiên, tính thật thà, chân thành và trung thực của viên luật sư tội nghiệp - vốn là đức hạnh duy nhất anh ta có - đã gây được một điều thần kỳ. Điều này là nhờ hệ thống hội thẩm khi được áp dụng trong xử án tại Hoa Kỳ. Chế độ ban hội thẩm xuất xứ từ đâu? Ưu và nhược điểm của nó thế nào? Những câu hỏi này nảy sinh trong trí óc tôi.

Sự ra đời của ý tưởng đầu tiên về chế độ ban hội thẩm hình như đã có từ thời xa xưa, ở Hy Lạp cổ. Tuy vậy, hệ thống đó đã bị Hoàng đế Hy Lạp bãi bỏ vào khoảng năm 352 trước CN, bởi nó trở nên quá mạnh và độc lập. Rồi nó xuất hiện ở Bắc Âu rồi tới Normandy (Pháp) khoảng năm 890. Nó đã vượt sang Anh khi William De Conqueror chinh phục xứ Anh năm 1066 trước CN.

Khi thực dân Anh tới Tân thế giới, hình thức ban hội thẩm là một phần của văn hoá Anh mà họ mang vào Mỹ. Tháng 10-1765, các đại diện của 9 thuộc địa nhóm họp tại Nữu Ước và công bố “Tuyên ngôn về các quyền con người” vốn dựa trên các quyền thông luật của dân Anh. Một trong những quyền mà các thuộc địa tuyên bố trong bản tuyên ngôn đó là quyền xét xử bởi ban hội thẩm.

Chế độ ban hội thẩm ở Hoa Kỳ bắt đầu như vậy khi mỗi thuộc địa đã được thừa nhận thành bang. Khi đó mỗi bang lập một Hiến pháp và bảo kê quyền xử án do ban hội thẩm - trừ bang Louisiana, vốn do Pháp điều hành trước khi Hợp chủng quốc Hoa Kỳ mua lại tiểu bang này. Tóm lại, hệ thống ban hội thẩm ở Hoa Kỳ là phần mở rộng trực tiếp và tương ứng với hệ thống hội thẩm đoàn của Anh quốc.

Câu hỏi thứ hai xảy ra trong đầu tôi, đó là về mặt hay và mặt dở của hệ thống đó. Theo luật sư xét xử Morris J. Bloomstein, có nhiều điều mà theo đó việc áp dụng một ban hội thẩm trong mọi trường hợp là lãng phí thời gian và tiền bạc. Điều quan trọng nhất chống lại hệ thống ban hội thẩm là chất lượng của công lý có thể được cải thiện chăng nếu các phiên xử được quyết định bởi một quan toà thay vì bởi các bồi thẩm. Theo ý tôi, toàn bộ vấn đề về chế độ bồi thẩm đoàn có thể gói gọn thành vấn đề sau: “Liệu 12 bồi thẩm có mang lại phán quyết chuẩn hơn là một quan toà hay không?”

Trong hầu hết trường hợp, đối với phán quyết thuộc loại tiêu cực, một nhóm đông người đưa ra một phán quyết dở hơn mỗi người độc lập đưa ra. Chẳng hạn, lịch sử cho ta thấy rằng trong chiến tranh, nhiều binh lính thuộc nhiều nơi đã giết cả người dân thường vô tội, gồm luôn trẻ em và người già. Nhiều người trở nên bạo lực khi họ tụ thành nhóm, như là trong sinh viên hay thổ dân bạo loạn. Người đơn lẻ thì có thể có ý thức, nhưng đám đông có thể phi lý trí. Cũng như vậy thì một nhóm bồi thẩm có thể giảm chất lượng phán quyết và khi các bồi thẩm không có trí tuệ thông minh hơn dân thường, thì làm sao có thể trông mong rằng phán quyết của những người thường này tốt hơn là từ một chuyên gia luật được huấn luyện chính qui?

Theo ý tôi, trong trường hợp một nhóm nhỏ như ban hội thẩm, phán quyết cá nhân thêm vào để sinh ra phán quyết chuẩn, cân bình hơn là từ một người, dù là quan toà được đào tạo cao cấp. Về điều này, Morris Bloomstein nói trong cuốn sách của ông “Phán quyết: ban hội thẩm” (Dold, Mead và Co. 1972: “Nhìn vào trí nhớ và trí tuệ của các bồi thẩm, đa số các luật sư xét xử thấy rằng các bồi thẩm không quên các sự kiện và thể chế luật pháp một cách quá dễ dàng được. Nếu một người quên thì người khác nhớ. Đấy là việc tái thu nhập tập thể và trí tuệ của 12 hội thẩm viên cộng lại, không phải của riêng người nào”.

Cuối cùng, chế độ hội thẩm thành một áp dụng dân chủ của thi hành luật. Đây là tin vào chính ta thay vì tin vào chính phủ và đó là một thể hiện của công lý, vốn là điều mọi người đều có. Đây là một hệ thống hay, ta nên giữ và phát triển nó. Bloomstein viết; “Ngài Patrick Devlin đã gọi ban hội thẩm là “Cây đèn của tự do”. Cầu mong rằng cây đèn đó không bao giờ bị tắt vì nếu để bóng tối lấn lướt, những quyền cao xa hơn chắc chắn sẽ bị mất đi... Như trong những ngày mà các bậc ông cha thành lập nên nước Mỹ của Thomas Jefferson của Datrichk Henry, hệ hội thẩm vẫn còn là trụ cột trung tâm của “ngôi đền công lý”, một trụ cột mà phải còn vững chắc để cho tự do có thể biểu lộ”.

Sự kiện sau đây chỉ ra công lý của người Anh vốn đã tạo nên hệ bồi thẩm đoàn hiện tại, lại trích từ “Phán quyết” của Bloomstein. Chừng nào tinh thần công lý này còn tồn tại, thì còn tự do nhân loại.

“Điều kinh ngạc, tuy vậy, đó là duy lý vẫn còn được áp dụng cho ban hội thẩm tới tận năm 1670. Vào thời đó, có hai người vốn bị hành hạ vì niềm tin tôn giáo của họ bị dẫn tới toà vì hội họp với đồng đạo của họ một cách bất hợp pháp. Dưới những khuôn mẫu thịnh vượng thời đó, không nghi ngờ gì rằng họ phạm tội. Nhưng với ý thức nổi dậy chống lại tính nghiệt ngã của luật, vị quan toà thấy rằng bị cáo không bị phạm tội. Toàn bộ ban hội thẩm lập tức bị quan toà qui là có tội vì ép cung. Bạo loạn bộc phát khắp nước Anh. Cuối cùng khi phúc thẩm, toàn bộ quan niệm về duy lý sụp đổ. Một trong hai bị cáo là William Penn, sáng lập nên Pennsylvania.”

Trong tình hình đầy bệnh hoạn, kinh tế bất ổn, lo sợ chiến tranh thế giới nhiễm tội lỗi này, một nhóm người (trong “Phán quyết”) đã đứng lên vì công lý. Bộ phim này đưa ra một hy vọng cho nhân loại: chừng nào công lý này còn tồn tại trong chúng ta thì nhân loại còn chưa diệt vong. Như Ohsawa nói, điều kiện thứ bảy của sức khoẻ là chân thực. Chừng nào ta còn chân thực, thì ta lành mạnh.
Thelast
32. lợi ích của muối
Tháng 3 năm 1983


Phương pháp Thực Dưỡng không bao giờ dùng muối tinh chế mà lại dùng muối thiên nhiên vì muối tinh chế đã bị mất rất nhiều chất khoáng, đặc biệt là các loại khoáng chất vi lượng, khó tìm được trong các thức ăn khác. Các loại khoáng chất này giúp enzym có tác dụng trong việc tiêu hóa và biến dưỡng. Thiếu các khoáng chất này, muối sẽ là chất kích thích có thể gây hại cho tim.

Thay vì dùng muối tinh chế, ta chỉ nên dùng muối thiên nhiên trong việc nấu ăn hay dùng gia vị phù hợp với dầu hay các chất hữu cơ khác, để mao trạng ở ruột có thể hấp thu.

Dùng muối trong khi nấu ăn hay giã với vừng (“muối vừng” còn được dùng như món gia vị cho vào đồ nấu, xào, kho... làm thức ăn rất thơm ngon - Xem “Cách nấu ăn phòng chống ung thư theo phương pháp Thực Dưỡng”, NXB KHKT, 2003 - ND) là cách thức chế biến muối thành chất hữu cơ. Muối ở dạng này không tác động đến hệ thần kinh nhiều như muối tinh chế khi ngấm qua mạch máu và cũng không kích thích thận nhiều, do đó có thể thấm vào các chất lỏng ở trong và giữa các tế bào. Bấy giờ thành phần hữu cơ tách rời ra khỏi muối và muối tiếp nhận ion, rồi giữ vững kiềm tính của các chất lỏng này cho chúng được dương hóa.

Nhờ vậy hệ thần kinh, nhất là thần kinh ở não được ổn định. Nói cách khác nếu các chất lỏng này được dương hóa và có kiềm tính thì hệ thần kinh và kích thích tố ở nội tạng được quân bình, kể cả khi ta bị vi khuẩn xâm nhập.

Phương pháp Thực Dưỡng đề nghị thêm muối, rồi nấu ít nhất 20 phút để muối kết hợp với chất hữu cơ như dầu ăn, chất béo hay chất đạm và ngược lại cũng đủ thời gian để thực phẩm có độ đậm của muối.

Quan điểm thông thường cho rằng muối là nguyên nhân tích nước là sai lầm. Nước bị lưu giữ do thẩm thấu của hai chất lỏng ngăn ra bởi một màng mỏng. Nếu lượng muối trong huyết tương cao hơn trong các thể dịch trong tế bào thì nước đi từ các thể dịch đó qua huyết tương rồi ra nước tiểu, và ta bị mất nước. Nếu muối tập trung trong thể dịch của các phần liên tế bào thì nước ngấm qua đó, tTa lưu trữ nước, cơ thể bị ứ nước.

Nguyên nhân gây ra lượng muối cao trong các liên bào và dịch thể là do lượng muối cũ đã được hấp thụ trước đây. Lượng muối này tăng lên khi chúng ta ăn nhiều thịt. Người nào ăn pho mát, thịt thì cơ thể giữ nước và chất béo, họ có thể phát phì. Nếu muối cũ chưa tiêu thì không nên thêm muối mới, vì lượng nước cứ tăng theo bữa ăn sẽ gây ra chứng áp huyết cao. Nếu thải trừ được lượng muối và chất béo ta sẽ được khoẻ mạnh và trẻ trung tức khắc. Không tống khứ được muối cũ và chất béo thì ngay cả cách ăn đúng theo phương pháp Thực Dưỡng cũng đem lại ít lợi ích.

Làm cách nào loại trừ muối cũ?

Qua mồ hôi, nước với muối và chất béo có từ các mô, các cơ bắp bài tiết ra ngoài bằng mồ hôi làm ta giảm được số cân dư thừa, bớt được sự béo phì. Làm cách nào để ra mồ hôi? Hãy làm việc chân tay vất vả. Lười nhác sẽ đưa đến tình trạng mập phì bạc nhược. Ai làm việc vất vả sẽ cường tráng nhờ tiêu dùng được hết lượng muối cần thiết, mà không lưu giữ muối cũ. Muối cũ làm cho các mô bị cứng và cơ thể bị lão hóa nhanh chóng. Mỗi ngày ta đổ mồ hôi được 10 phút sẽ trẻ ra 10 tuổi. Ta có thể đi bộ, thể dục, tắm hơi... Tốt hơn là làm vườn, hoặc thu dọn lau chùi nhà cửa... Chăm lao động sẽ có sức khoẻ tốt lại được nhiều người thương quí, hãy làm những việc trong nhà không ai muốn làm như cọ toilet hay rửa bát...

Muối tạo ra chất kiềm mạnh nhất. Do đó rau quả nấu với muối sẽ trở nên giàu chất kiềm. Nhiều bệnh do axit tác dụng, vậy sử dụng muối nêm tương ứng sẽ trị lành, ví dụ dùng món củ cải dầm tương lâu năm để nấu, xào các món canh hay xúp.

Ung thư (có âm tính vì bành trướng) phải được trị liệu bằng muối (có dương tính vì co rút).

Muối tạo năng lượng và sức đối kháng hùng mạnh để phòng chống các bệnh do vi khuẩn. Nhờ vậy người dùng thức ăn mặn mới đạt được hệ thống miễn dịch kiên cố.

Khi ngưng ăn thịt ta phải dùng muối, nếu không thì dễ mắc bệnh truyền nhiễm, dễ bị các bệnh giun, ghẻ, vết thương dễ làm độc, tinh thần hay u uất, nhu nhược..

Một môn sinh phải chia tay chúng tôi sau sáu tháng chung sống. Anh ta nói rằng vì đồ ăn quá mặn và dương nên anh ta buộc phải thường xuyên ra ngoài ăn kem. Có nhiều người cũng như vậy, đặc biệt là đối với những người trước đây ăn thịt. Họ không thể ăn thức ăn mên nhiều muối hay hoa quả dương, mặc dù đối với những người khác chúng lại không quá mặn. Chính là do muối cũ còn lưu trữ lại trong cơ thể họ.

Sở dĩ một số người không ăn được mặn vì:

Thứ nhất, muối từ các bữa ăn nhiều thịt trước kia còn tồn lại.

Thứ hai, thận suy không lọc được khoáng chất, đặc biệt là natri trong muối nên chất này kích thích hệ thần kinh giao cảm làm ta khát nước, ngăn trở hoạt động của gan, thận, tim, lá lách... để rồi do phản ứng dây chuyền tạo ra tình trạng chán ngán lười nhác...

Thứ ba, cảm thấy quá mặn vì phán đoán sai lệch. Môn sinh Thực Dưỡng tưởng rằng mình quá dương nên ăn mặn không được (dương không thu hút dương), trái lại cơ thể của môn sinh còn âm thịnh. Hầu hết các trường hợp như thế đều do thận suy, không đủ khả năng thải trừ các chất độc và natri. Các chất này phải ở lại trong máu và trong các thể dịch khác, trong các tế bào để tạo ra phản ứng sinh lý hay tâm lý. Đổ lỗi cho các món ăn quá dương nên anh mới háu ăn các món âm . Đổ lỗi cho thức ăn chứ không quay về nhận xét bản thân, không nghĩ cách điều trị thận mà tìm cách dập tắt những triệu chứng ở thận bằng các thức ăn âm. Vì vậy tình trạng làm việc của thận không được cải thiện, dù bạn có ăn kiêng trong nhiều năm. Đây là trường hợp khó giải quyết. Người mê lầm có thể oán trách cách ăn Thực Dưỡng rồi từ bỏ vì nghĩ rằng không thích hợp.

Để khỏi rơi vào tình trạng này chúng ta hãy tìm hiểu cho thật kỹ phương pháp Thực Dưỡng. Không quá lệ thuộc vào cân lượng chất liệu chế biến thực phẩm trong sách dạy nấu ăn. Mỗi người tự nấu cho mình và tự nhận biết lỗi lầm. Đây là lối giáo dục: hành để hiểu rõ, để khai triển trí phán đoán. Lúc đầu bạn nấu với liều lượng ghi trong sách chỉ dẫn nấu ăn, rồi dần dần lờ nó đi, để suy nghiệm ra liều lượng khác thích hợp với bạn và gia đình hơn.

Natri và clo nằm ở ngoài tế bào, còn Ka và photphat ở bên trong. Chúng phối hợp với nhau nhằm giữ quân bình cần thiết cho hoạt động của tế bào các cơ quan. Trong huyết tương, natri giúp quân bình axit và kiềm. Natri cũng góp phần kích thích hoạt động thần kinh và có ảnh hưởng đến sự co dãn cơ bắp.

Trong tiến trình tiêu hóa các thức ăn, muối đóng vai trò quan trọng. Trong dịch vị thì clo của muối (NaCl) giúp tạo ra axit clo hydric (HCl) cần cho tiêu hóa ở dạ dày. Clo (Cl2) cũng nhập vào chất lỏng ở các mô như natri vậy.

Muối giúp tạo ra nước mật để tiêu thực trong ruột, ngoài ra nó còn giúp sự nhu động của hệ tiêu hóa và tác dụng đến năng lực của cơ bắp.

Muối giúp vận chuyển chất iốt, chỉ cần cho ít iốt đủ ngừa bướu cổ.

Muối có gây độc hại hay không tùy thuộc vào lượng dùng. Lượng làm biến chất. Luật thiên nhiên đơn giản này do tiên sinh Ohsawa truyền dạy có giá trị với việc sử dụng mọi thực phẩm. Thiếu muối món ăn không ngon, quá nhiều muối sinh độc tố. Nhưng nếu chỉ nói muối có hại là kết luận vội vàng. Bác sĩ dùng Arsenic (thạch tín) trị giang mai, dĩ nhiên với liều lượng thích hợp. Đó là dược liệu độc hại nhất ở trên thế gian này.

Độc dược và tiên dược là bề phải và bề trái của mọi sự vật. Bệnh tật và sức khoẻ, xấu và tốt... là hai mặt của nhất thể. Không có món ăn, thức uống nào lại không có hai đặc tính này.

Tuy nhiên thực phẩm chế biến với hóa chất luôn luôn độc hại (chỉ có một khía cạnh) vì nghịch với trật tự tự nhiên.

Nhà khoa học người Pháp Kervan đã công thức hóa giả thuyết “sự biến đổi nguyên tử của sinh vật”. Nếu ta chấp nhận quan điểm này thì natri từ thịt được chứa lâu ngày trong cơ thể, có thể biến thành kali :

Na23 + O16 → K39

Sự biến đổi này chỉ xảy ra được nếu ta làm việc vất vả sao cho để ra mồ hôi thật nhiều - trong điều kiện này, natri trở nên quá dương, do đó sẽ hòa hợp vững vàng với ôxy đến độ biến đổi cả nhân nữa.

Như đã đề cập ở phần trên, hàm lượng nhỏ chất khoáng trong muối rất quan trọng trong sự trao đổi chất. Dầu sao, phần lớn muối bán trên thị trường bị thiếu các chất khoáng hàm lượng nhỏ này. Vì vậy, muối tinh không bổ dưỡng lại có hại cho sức khoẻ nếu dùng quá nhiều.

Dưới mắt chúng tôi, những người bị huyết áp cao, nhờ ăn ít muối mà hạ được áp huyết vì hầu hết họ đã ăn nhiều thịt. Động mạch bị cholesterol làm nghẽn và chất muối cũ còn lại làm cho các bắp thịt và động mạch bị cứng.

Do đó dùng ít hay không dùng muối, hoặc dùng các món ăn có chứa kali sẽ làm dịu chứng áp huyết cao. Nhưng cứ kéo dài lối ăn uống này có thể bị thiếu hụt natri nên dễ mệt mỏi, tay chân lạnh, thường bị chuột rút...

Muối thiên nhiên quả thật cần thiết cho sức khoẻ.
Thelast
33. Bệnh tái phát
Tháng 3 năm 1983


Cô C. chữa bệnh theo phương pháp Thực Dưỡng một cách trung thành trong vòng 4 năm. Cô trở nên khoẻ mạnh. Cô thích thú với việc ăn kiêng của mình, nhưng cô đã áp dụng nó quá khắt khe. Rồi sau đó, cô bắt đầu ăn uống buông thả. Theo những thư để lại của cô, khoảng tháng 3-1982, cô bắt đầu ăn uống buông thả ít một, sau đó nhiều lên. Hàng ngày, cô ăn trưa với trứng luộc, bánh mì nướng với 2 đến 3 tách cà phê. Thỉnh thoảng cô ăn bánh sandwich và gà tây. Cô cũng ăn bánh quy và phomát vào buổi tối nếu cô cảm thấy thèm, mặc dù cô thường không thích ăn chúng.

Đến tháng 10 cô bắt đầu sụt cân, miệng và bộ phận sinh dục bị bỏng, nóng rát. Cô liền quay lại dùng ngũ cốc, rau quả lần nữa một cách nghiêm khắc, nhưng tình huống không khả quan. Cô bắt đầu lo âu, thắc mắc.

Tôi có nhận một bức thư của cô, chữ viết rất khó đọc nên tôi để lưu trong bàn làm việc trong hồ sơ “sẽ trả lời” trong vòng 2 – 3 tuần. Vì không nhận được thư phúc đáp, cô đã tìm hỏi nhiều người. Họ trả lời hay khuyên bảo khác nhau, do đó cô bị bối rối.

Tới giai đoạn này cô đành gửi tiếp thư cho tôi, khiến tôi phải suy nghĩ. Tại sao lần đầu cô hết bệnh dễ dàng, mà lần này lại như thế? Tôi đã theo dõi nhiều trường hợp tương tự của mấy người bạn theo pháp Thực Dưỡng. Ông O. trị dứt bệnh ung thư nhờ phương pháp này, rồi sau đó suốt 7 năm ăn uống không đúng pháp, bệnh tái phát. Lần này không điều phục được bệnh nên phải chết. Ông N. áp dụng Thực Dưỡng trong 20 năm do trị dứt ung thư bằng lối ăn kiêng khem, sau đó lại ăn uống không đúng hướng, ung thư trở lại và ông chết sau đó.

Trong khi tôi đang miên man suy tư thì một bức thư từ Nhật Bản gửi đến cho biết một bậc trưởng thượng Thực Dưỡng vừa tạ thế. Dù đã 80 tuổi nhưng ông ta có thể sống thêm nữa chứ. Nghiền ngẫm về cái chết này, tôi hiểu được bí ẩn của phương pháp Thực Dưỡng.

Người trị liệu bằng phương pháp Thực Dưỡng không trị dứt hẳn bệnh nên chất độc hay phần suy yếu của cơ quan nào đó vẫn tồn tại. Triệu chứng không xuất hiện được vì thức ăn hữu hiệu đã kiềm giữ nó. Nhưng khi trở lại ăn uống bừa bãi thì chất độc lại phát triển, bệnh tái phát. Độc tố lần này mạnh hơn, vì bệnh tiềm ẩn sâu hơn, do đó khó điều trị hơn lần đầu. Bệnh nhân thắc mắc nhiều, nhận nhiều ý kiến bên ngoài nên dễ bối rối hơn và bệnh phát triển mạnh hơn.

Vậy điều quan trọng nhất là hiểu và đặt niềm tin vào phương pháp Thực Dưỡng. Từ niềm tin này, ta sẽ tìm và hiểu tường tận thuyết Thực Dưỡng.

Dù bệnh đã lành được 4 năm, nhưng cô C. không bao giờ nghiên cứu triết học và nguyên lý Thực Dưỡng nên phải bị gian nan lần thứ nhì. Tôi xin nhận trách nhiệm về khuyết điểm này. Thay vì chỉ dẫn cho cô hiểu các nguyên lý để giúp cô tự chữa lành bệnh hay ít ra cũng không bị bối rối, thụ động, tôi lại chỉ cho cô cách ăn uống mà thôi!



Ung thư là một trong những bệnh tật nan y của nhân loại trong thời thời đại ngày nay. Càng ngày càng nhiều người mắc phải căn bệnh oái oăm mà tây y gần như hoàn toàn bó tay này. Trước khi ra mắt cuốn sách Cách nấu ăn phòng chống ung thư theo phương pháp Thực Dưỡng (NXB KHKT, 2003) và Cuốn Axít và kiềm (NXB VHDT, 2004) với nhiều cảnh báo về nguy cơ ung thư và cách phòng ngừa nó bằng cách ăn uống và phương thức sinh hoạt hữu hiệu ra sao,. chúng tôi xin nêu ra vài điều căn bản mà chúng ta cần nên lưu ý trong đời sống.

Từ nhiều năm nay chúng tôi theo dõi rất nhiều người tự chữa lành ung thư theo phương pháp Thực Dưỡng Ohsawa do sách hoặc do chúng tôi hướng dẫn trực tiếp, có nhiều người đã hoàn toàn lành mạnh và tươi khoẻ như báo chí đã đăng tin (ví dụ, báo An ninh thế giới ngày 25-7-2002). Trong khi đó không ít người đã thu hoạch một cách mỹ mãn sức khoẻ lúc ban đầu, có người được 2-3 năm, có người 5 năm... rồi cuối cùng cũng bị chết trong sự ái ngại thông cảm của chúng tôi. Và điều này trở nên một sự nhức nhối nội tâm làm cho chúng tôi trăn trở bấy lâu. Một số người thấy bệnh tình ổn định, chỉ ăn có miếng gan gà cũng phát bệnh trở lại và chết rất nhanh. Có người bệnh ổn định 3 năm, gặp khi nhà có cỗ, ăn có miếng thịt gà, sau đó người nổi hạch, lập tức ăn uống nghiêm chỉnh trở lại cũng không ngăn nổi bệnh tái phát nhanh chóng. Tại thành phố Hồ Chí Minh có người bị hai khối u hai bên gan, đọc sách thấy ăn gạo lứt chữa được bệnh, ăn theo được 3 tháng thấy yên ổn khoẻ khoắn bèn mở rộng cách ăn (chắc chắn có ăn thêm cá thịt) thì thấy bệnh trở lại nặng hơn và không biết làm sao... Ông này chắc chưa đi kiểm tra lại kết quả của bệnh viện xem ung thư đã hết chưa và chưa biết rõ nguồn gốc bệnh tật, dùng gạo lứt như một món thuốc, ăn vào cốt mau hết bệnh để lại sống như trước đó (ăn uống những thứ khoái khẩu như trước), để quay lại nếp sống tạo bệnh cũ... Những người quan niệm về gạo lứt như một thứ đối chứng trị liệu như vậy là do trí phán đoán còn ở giai đoạn thấp và giáo sư Ohsawa tuyên bố là nếu trí phán đoán không tăng trưởng thì trước sau gì bệnh cũng sẽ quay trở lại. Căn nguyên là ở trí phán đoán. Tiên sinh còn nói nếu bạn ăn theo cách này mà để bệnh trở lại thì thường khó chữa hơn rất nhiều so với lúc đầu. Điều này gieo vào chúng tôi bao nghi nan và ngày nay chúng tôi đã bắt đầu sáng tỏ ý chỉ của tiên sinh. Tại sao có những người biến chuyển nhanh và đôi người thì lại ì ra? Căn nguyên là gì? Có rất nhiều lý do cho điều này nhưng chắc chắn là còn do đức tin và sự hiểu biết của bạn tới đâu và bạn thực hành ra sao?

Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy nếu người nào mắc những bệnh hiểm nghèo được chữa lành theo phương pháp Thực Dưỡng, mà phát nguyện sống cuộc sống học tập và cống hiến sự hiểu biết cho mọi người thì dễ dàng chuyển hoá sâu xa, nhất là những người nghiên cứu và thực hành Phật Pháp, Thiền, Yoga, mà có thầy giỏi chỉ dẫn, thì dễ dàng từ bỏ những thói quen xấu và làm chủ miếng ăn dễ dàng, vì khi nào làm chủ hoàn toàn được ăn uống thì bệnh tật mới không có nguy cơ tái phát. Để thực hiện được điều này dễ dàng trong khi bạn bị những chứng bệnh nan y thì chúng tôi khuyên và thấy được những ai ăn chay trường theo phương pháp Thực Dưỡng thì mới có thể yên tâm về bệnh tật được. Và nếu bạn bị ung thư mà biết đến gạo lứt muối mè thì từ nay hãy tự xác định là trường chay suốt đời cho khoẻ nhẹ tấm thân- ND.
DM

Thelast
34. Gandhi
Tháng 4 năm 1983


Chắc hẳn bạn đã xem những bộ phim về Gandhi. Nó sẽ cho bạn thấy một tinh thần đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, cũng như sự ngờ vực sâu sắc liên quan đến tính tự nhiên của con người, bởi vì thậm chí sự vĩ đại của Gandhi cũng không thể chữa lành bệnh bạo lực của con người. Dù sao, trước khi xem phim, bạn chắc đã đọc tiểu sử của Gandhi. ở đây, để bạn tham khảo, tôi trích vài lời giới thiệu trong cuốn sách mà tôi học được từ nhà văn người Pháp, Romain Rolland nhan đề Mahatma Gandhi (NXB Garland, 1973) và cuốn Tuổi trẻ vĩnh cửucủa George Ohsawa.

Trong toàn bộ cuộc đời, Gandhi theo đuổi chân lý và bên ngoài ông đấu tranh với sự bất công của chính phủ Anh. Vũ khí của ông là “sự bất hợp tác và bất bạo lực”. Gandhi có lẽ học được điều này từ “phong trào chống luật pháp” của Thoreau và Tolstoy. Chiến lược bất hợp tác của Gandhi và Uỷ ban của sự bất hợp tác, bao gồm:

Từ bỏ tất cả các chức vụ

Tẩy chay nền giáo dục Anh.

Không tham gia các đảng phái và các chức vụ chính quyền trong chính phủ Anh.

Không chấp nhận bất cứ nghĩa vụ công dân hay quân sự nào.

Truyền bá học thuyết của Swadeshi (phong trào bài trừ hàng ngoại: Swa là bản thân hay cái tôi; deshi là đất nước. Vì vậy Swadeshi là sự độc lập dân tộc. Sự bất hợp tác thường được giải thích với cảm giác hẹp hơn là sự độc lập kinh tế).


Những nhà lãnh đạo nền công nghiệp Mỹ trong những năm 80, cũng theo đường lối của Gandhi tẩy chay hàng hóa Nhật, để giữ vững nền công nghiệp của họ.

Gandhi thuyết giảng học thuyết của Swadeshi chỉ để củng cố sự độc lập kinh tế của ấn Độ. Sự áp dụng đầu tiên học thuyết của Swadeshi là sự tẩy chay rượu châu Âu. Ông khẩn cầu những nhà buôn bán rượu dừng việc bán rượu ngoại. Toàn bộ ấn Độ đáp lại lời thỉnh cầu của Gandhi, nhưng có quá nhiều đám đông bắt đầu phá phách các cửa hàng rượu và buộc chúng đóng cửa đến nỗi Gandhi phải nói với họ: “Các bạn không cần phải cố gắng bắt buộc người khác bằng vũ lực”.

Bước tiếp theo của Gandhi là từ bỏ nhập khẩu quần áo vải bông, thay vì đó, ông khuyến khích dân ấn Độ sử dụng thời gian nhàn rỗi của mình để may quần áo. Romain Rolland giải thích: “80% dân số ấn Độ làm nông nghiệp và thực tế không có công ăn việc làm 4 tháng trong một năm. Một phần mười dân số thường bị rơi vào nạn đói kém...”

Dù sao, Gandhi đã đi quá xa trong yêu cầu đốt cháy tất cả hàng hoá nhập ngoại ở Bombay vào tháng 8 năm 1921. Theo Rolland, Gandhi giải thích hành động này như sau: Các nguyên liệu được đốt cháy như một sự biểu lộ lòng căm thù với nước Anh, và là dấu hiệu sự quả quyết của ấn Độ để cắt đứt với quá khứ. Nó là ca phẫu thuật cần thiết”. Hành động này là nguyên nhân của những cuộc tranh luận giữa những nhà trí thức, người ủng hộ phong trào bất hợp tác.

Vì mục đích chính của Gandhi là thống nhất ấn Độ - điều đó nói lên sự thống nhất tất cả các tôn giáo, chủng tộc, đảng phái và các giai cấp nên ông nghĩ việc giảng dạy thống nhất là quan trọng và ông chọn trường gọi là Satyagrah Ashram (ashram có nghĩa là nơi của kỷ luật). Đặc tính của trường Ashram này là duy nhất bởi vì nó liên quan đến người dạy nhiều hơn là người học. Người thầy phải theo những lời nguyện sau:

Lời nguyện của chân lý: điều này vô cùng giống với điều kiện sức khoẻ số 7 của Ohsawa, đó là tính ngay thẳng (trung thực, lương thiện) và công bằng. Ohsawa nghĩ rằng tính ngay thẳng trong tất cả mọi thời đại là dấu hiệu quan trọng của sức khỏe, hạnh phúc và sự vĩ đại. Ohsawa khâm phục Gandhi chính bởi tính thẳng thắn của ông.

Lời nguyện không giết tróc (Ahimsa): Nhiều người bắt đầu việc ăn chay của mình từ điều này; tuy nhiên, họ không nhận ra rằng nếu họ dùng thuốc kháng sinh hay thực phẩm có phun thuốc trừ sâu thì họ đã vi phạm lời nguyện này rồi.

Lời nguyện sống độc thân: lời nguyện này không có nghĩa là không lập gia đình, mà ý là một người lập gia đình sẽ xem vợ mình như là một người bạn đời. Người đó không quan hệ tình dục với người khác, không chỉ về mặt thể xác, mà cả về mặt tinh thần, tôn trọng và giữ lời cam kết.

Làm chủ khẩu vị: Gandhi là một nhà vô địch của chế độ ăn uống Thực Dưỡng bởi vì ông chỉ ăn một lượng nhỏ lúa gạo và rau quả trong suốt cuộc đời mình. Thậm chí ông thề không uống cả sữa bò, bởi vì nó chống lại lời nguyện ashima. Ông tự soi xét bản thân sâu sắc và thú nhận ông đã khổ sở như thế nào khi ăn thịt.

Lời nguyện không trộm cắp: Ohsawa thường nói với chúng tôi rằng: sẽ là ăn cắp nếu chúng tôi sở hữu thêm nhiều quần áo, nhà cửa, hay thậm chí thực phẩm nhiều hơn số chúng tôi cần. Chúng ta ăn cắp chúng, thậm chí nếu chúng ta nghĩ mình đã trả tiền chúng. Ví dụ, nếu chúng ta ăn hơn một quả táo mỗi ngày, chúng ta đang ăn cắp quả táo của người khác bởi vì táo không đủ cung cấp cho toàn bộ dân số quả đất. Tương tự với thực phẩm động vật. Người giàu trả giá cao cho thức ăn và người nghèo không thể mua chúng. Chúng ta không suy nghĩ rằng điều này là ăn cắp nhưng ý thức của Gandhi về điều này là như vậy.

Lời nguyện không sở hữu: một trong những nguyên tắc mà Ohsawa dạy là hãy sống chỉ với những đồ vật hoàn toàn cần thiết. Vì vậy vào khoảng vào đầu những năm 70, nhiều kẻ híp pi bỏ nhà cửa và cố gắng sống không có vật sở hữu. Giờ đây, nhiều thanh niên Mỹ gia nhập lối sống đó, tức là ném đi mọi thứ sở hữu của mình. Các bậc cha mẹ Mỹ không hiểu rằng không sở hữu là một phẩm chất đạo đức ở phương Đông, nhưng lại là thứ điên rồ ở phương Tây.

Nhiều nhà tư tưởng cố gắng vô ích để thành lập các cộng đồng với nguyên tắc này. Có một cộng đồng ở Nhật đã thành công khi theo nguyên tắc này hơn 80 năm, gọi là Itto-En, thành lập bởi Tenko Nishida. Người sống ở trong cộng đồng này không sở hữu bất cứ thứ gì. Mọi thứ đều được sở hữu bởi cộng đồng.

Lời nguyện của Swadeshi: Gandhi dạy không sử dụng hàng công nghiệp và hàng hóa ngoại nhập. Nguyên tắc Thực Dưỡng dạy ăn thực phẩm đúng mùa và tại địa phương. Lời khuyên Thực Dưỡng cuối cùng của Ohsawa là nên dùng thực phẩm Thực Dưỡng chỉ trong vòng bán kính 50km. Nói cách khác, chúng ta nên giữ lời nguyện của Swadeshi trong ăn uống.

Lời nguyện không sợ hãi: theo Ohsawa, một người hoàn toàn tin tưởng vào Thượng đế (luật của vũ trụ) thì không sợ hãi. Vì vậy người ấy sống trung thực. Thêm nữa, tính không sợ hãi là đặc điểm của người đã đạt tới trí phán đoán siêu xuất.

Sự vô song của ashram không chỉ với lời nguyện của người thầy, mà cũng có những quy định đối với đệ tử:

Học viên được thừa nhận ở bất cứ độ tuổi nào; dù sao, họ phải thuộc Ashram trong toàn bộ khoá học, nó kéo dài khoảng 10 năm.

Học viên sống tách rời gia đình và không thăm cha mẹ.

Học viên mặc áo quần và ăn uống đơn giản, ăn chay nghiêm khắc.

Không có ngày nghỉ, mặc dù hàng tuần học có một ngày rưỡi cho công việc sáng tạo cá nhân.

Học viên đi bộ khắp ấn Độ trong 3 tháng một năm.

Tất cả học viên nghiên cứu đạo Hindu và những phương ngôn Dravidi cũng như năm ngôn ngữ viết tay ấn Độ, tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.

Họ học nông nghiệp, dệt may cũng như lịch sử, địa lý, toán học, kinh tế và tiếng Phạn (Sanskrit).

Họ được học miễn phí.

Gandhi suy nghĩ phương pháp này như một động cơ chính của toàn bộ phong trào. Gandhi là một người có quyền lực như một nhà chính trị và người lãnh đạo tinh thần vào năm 1921. Mọi người coi ông như một vị thánh. Ông là nhà lãnh đạo vĩ đại mãi mãi của ấn Độ.

Bề mặt càng rộng, bề lưng càng lớn - đó là trật tự vũ trụ. Bề mặt của Gandhi là sự thành công của ông như một người lãnh đạo. Bề lưng là sự tương phản lý thuyết với Rabindranath Tagore. Tagore chỉ là một nhà thơ, nhưng ông tự xem mình là sứ giả tinh thần từ châu á tới châu Âu. Ông vừa quay lại từ châu Âu, nơi ông yêu cầu mọi người chung sức hợp tác để tạo ra một trường thế giới ở Santiniketan. Tinh thần bất hợp tác của Gandhi tương phản với cách suy nghĩ, tinh thần và sự hiểu biết của Tagore, cái được nuôi dưỡng bởi tất cả mọi nền văn hóa trên thế giới.

Gandhi cố gắng thống nhất ấn Độ vì sự từ chối nước Anh. Với Tagore thì điều này đối lập lại. Với ông, thống nhất là cái bao trùm và hiểu biết mọi thứ; do đó nó không thể đạt được thông qua sự phản đối. Tagore nghĩ thế kỷ hiện tại bị chi phối bởi văn minh Âu Tây bởi vì văn minh phương Tây có nhiệm vụ hoàn thiện. Nền văn minh phương Đông phải học từ văn minh phương Tây. Vì thiếu sự suy nghĩ này, nước Nhật bắt đầu thế chiến thứ II và bị thua trận. Sau khi thua trận, Nhật Bản cố gắng học mọi thứ từ phương Tây. Nhật Bản sử dụng thành thạo kỹ thuật, công nghệ phương Tây hơn hẳn các nước phương Tây và là nền kinh tế vĩ đại nhất trên thế giới.

Nếu chúng ta muốn tìm nhược điểm nào của Gandhi thì nó là sự loại trừ nền văn hoá phương Tây - trong khi Tagore từ chối sự phủ nhận văn hoá phương Tây. Tagore lo ngại sự phát triển của tinh thần loại trừ. Tagore không sợ Gandhi, mà ông sợ những kẻ mù quáng theo sau tư tưởng bất bạo lực của Gandhi trong phong trào chống lại nước Anh. Thực tế, tinh thần bài trừ đó thậm chí còn gây ra tinh thần chống Hồi giáo hay tinh thần chống đạo Hindu giữa những người ấn. Điều này là sự vỡ mộng lớn nhất của Gandhi và cuối cùng dẫn tới cái chết của ông.

Tự bản thân Gandhi không có tính bài trừ gì cả, mà sử dụng nó chỉ như là một chiến thuật để phục hồi lại ấn Độ. Nhưng chiến thuật này đã phá huỷ cả ấn Độ cũng như cả ông. Ohsawa, do đó, đã dạy chúng ta đừng bao giờ loại trừ.

Theo Ohsawa, bài học lớn nhất và đức hạnh cao cả của Gandhi là đã biết tự soi xét mình. Gandhi có lẽ đã làm xong công việc lớn hơn cả Phật hay Chúa Jesu. Dù sao, sự vĩ đại của ông không những là sự hoàn thành thuộc chính trị hay tính thánh thiện của ông, mà còn là sự tự soi xét mình và tính khiêm tốn. Gandhi luôn luôn tự đánh giá mình là kẻ nói dối, người vi phạm lời thề và người không khiêm tốn. Thú vị thay, người nghĩ mình là bình thường lại thường là con người vĩ đại. Gandhi là một con người vĩ đại. Ông luôn coi là lỗi của mình khi nào có người ấn liên quan tới hành động bạo lực và mỗi khi như vậy là ông bắt đầu làm trong sạch linh hồn mình bằng ăn kiêng. Ông ăn kiêng bởi vì ông nghĩ linh hồn mình xấu xa, tội lỗi. Tính tự xem xét bản thân của ông đã dẫn dụ 30 triệu người ấn mà chẳng cần đến quyền lực hay tiền bạc.

Gandhi nói: “Không có sự tự soi xét bản thân và tự làm trong sạch mình thì sẽ khó mà nhận ra chân ngã”.
Thelast
35. Nghệ thuật ăn uống phá lệ
Tháng 5 năm 1983


Theo quan niệm Thực Dưỡng, việc ăn uống ngoại lệ cũng đòi hỏi phải đem lại sự hạnh phúc. Để làm được điều đó, ta cần phải học nghệ thuật ăn uống phá lệ.

Trước nhất không cần cảm thấy tội lỗi khi ăn uống phá lệ, vì mặc cảm tội lỗi gây ung hại cho cuộc sống hơn là chính việc ăn uống buông thả.

Vào buổi đầu theo phương pháp Thực Dưỡng, các môn sinh hay lén đi tiệm ăn không để các môn sinh khác trông thấy, vì sợ hổ thẹn. Hổ thẹn có sao đâu! Mặc cảm tội lỗi mới làm ta day dứt.

Ông Gandhi có lần lỡ ăn thịt, điều này trái với lời nguyền của ông với đấng thiêng liêng, nó làm ông khổ tâm. Theo tôi ông nên cảm thấy hổ thẹn do sự mềm lòng không giữ nổi lời hứa hơn là cảm thấy có tội. Ai đang sống hòa đồng với Thượng Đế hay trật tự vũ trụ sẽ không có cảm giác tội lỗi. Mặc cảm tội lỗi khởi lên khi ta tách ra khỏi Nhất thể, Thượng đế hay trật tự vũ trụ (dù sao, rất khó để tiến tới trạng thái tâm lý này, vậy không nên mặc cảm tội lỗi ngay cả khi mình có lỗi).).

Còn một lý do bị mặc cảm tội lỗi là ăn thực phẩm quá âm. Hãy ăn ít lại các món âm như các thức ăn ngọt làm với đường (bánh, nước giải khát, cà phê, dấm, rượu, trái cây...). Phải ghi nhận kỹ điều này.

Kế tiếp, ta không nên “thưởng thức” một mình, mà nên cùng với bạn bè, để ăn từ tốn và không xô bồ quá trớn.

Điểm thứ ba, đừng ăn liền nhau 3 món cực âm hay cực dương. Chúng ta có thể ăn kem và cà phê, chứ không nên vừa dùng kem vừa cà phê và thêm trái cây. Chúng ta có thể ăn cá và súp misô, chứ không nên ăn cá, súp misô lại thêm phó mát.

Điểm thứ tư, đừng dùng thức ăn quá âm hoặc nhiều dầu trong ba ngày liên tiếp. Khi tôi đi thuyết trình ở Los Angeles, tôi dùng bữa ở hiệu ăn, suốt ba đêm liền tôi chỉ tráng miệng bằng bánh kem. Hôm sau đến San Diego để thuyết trình tôi bị mất tiếng do dùng quá nhiều bánh kem. Phải gần một tuần tôi mới trở lại bình thường do ăn bánh kem ba lần liên tiếp. Nếu tôi chỉ ăn hai tối, tôi đã không bị như vậy. Tôi sẽ không bao giờ ăn bánh kem ba lần liên tiếp như vậy nữa.

Nếu bạn đến dự tiệc, đừng sợ ăn uống phá lệ. Một bữa ăn sẽ không giết chết bạn được đâu. Giữ tình bạn tốt hơn là giữ việc ăn kiêng. Ăn uống quan trọng, nhưng đừng quá khắt khe về mặt tinh thần. Nếu chúng ta có óc quan sát, chúng ta sẽ đạt được sự linh hoạt trong ăn uống.

Nếu bạn biết nghệ thuật ăn uống phá lệ, bạn sẽ ít khổ sở hơn.
Thelast
36. Từ suy nghĩ đến phán đoán
Tháng 6 năm 1983


Phương pháp Thực Dưỡng mà bạn đang nghiên cứu hay dự định nghiên cứu, gồm cả cách ăn uống cổ xưa đã bị quên lãng trong dòng sự kiện lịch sử nhân loại. Do đó hiện thời cách ăn uống ấy lại trở nên mới lạ đối với nhiều người ở phương Đông cũng như phương Tây. Còn có một hình thái nữa của phương pháp Thực Dưỡng, đó là phương cách tư duy. Lối suy nghĩ của Thực Dưỡng cũng đã có từ xa xưa nhưng nó cũng bị mai một vì phần nào nó chịu ảnh hưởng của nền giáo dục học hiện đại, mà lề lối giáo dục theo khuôn mẫu gây nguy hại cho trực giác hay tư duy tự phát.

Tư duy tự phát là gì? Mẩu chuyện sau đâysẽ mô tả cho bạn thấy:

Trước kia, một hãng giầy Mỹ có hai đại diện đến châu Phi nghiên cứu thị trường tiêu thụ giày. Người thứ nhất báo cáo về: giầy bán không chạy ở đây vì không ai đi giầy cả. Còn người thứ hai nói: vì chưa có ai đi giầy nên tiềm năng bán hàng là rấtlớn. ý kiến của thương gia thứ nhất có tính cách khuôn sáo. Suy nghĩ của thương gia thứ hai thanh thoát hơn. Luôn luôn có tư duy khuôn sáo và tư duy tự phát. Trong nhiều trường hợp tư duy theo kiến thức ngày nay khởi đầu đã từng là tư duy tự phát trước kia.

Khi Nicholas Copernicus (1473-1543) viết cuốn “Bàn về sự quay của các thiên thể” thì phái tư duy theo khuôn sáo cho là trái đất nằm yên ở trung tâm vũ trụ. Nhưng ông ta nảy ra ý tưởng rằng trái đất có thể xoay quanh mặt trời. Đó hoàn toàn là lối tư duy tự phát. Quan sát các hành tinh di chuyển bằng ống kính viễn vọng, Galileo Galilei xác nhận là trái đất quay xung quanh mặt trời. Hiện giờ thì ý tưởng khuôn sáo chấp nhận ý kiến của Galileo truyền dạy. Giữa hai nhà tư tưởng cấp tiến này, Copernicus không vướng chấp kiến thức nào có sẵn, trong khi đó Galileo nương theo lý luận sẵn có mà trở thành tư tưởng gia logic.

Lúc nào tư tưởng theo khuôn sáo không giải đáp được các nghi vấn thì khi đó tư tưởng tự phát mới soi sáng được vấn đề. Hầu hết các lý thuyết khoa học do tư duy tự phát tạo ra. Nhiều khoa học gia đã sử dụng cách thức này để khai thông các khó khăn, khi tư duy theo khuôn mẫu không kết quả.

Khi Einstein tìm ra thuyết tương đối, ông không làm một thực nghiệm nào cả. Ông chỉ dò xét luận thuyết liên quan đến cấu trúc của hệ thống Newton mà trước kia các khoa học gia xem là hoàn hảo, nhưng có đưa khái niệm về tương đối vào trong đó. Đó là cách vận dụng tư duy tự phát không lệ thuộc định kiến.

Có một cuốn sách quý tựa đề là Suy nghĩ mới lạ (New think) của Edward de Bono (Basic Books Inc., 1968) trong đó nói có hai loại tư duy: tư duy theo chiều đứng và tư duy phi logíc(vertical thinking and lateral thinking), theo Bono thì:

Tư duy theo chiều đứng đắc dụng nhất từ trước đến giờ. Các máy vi tính điện tử là điển hình của lối suy nghĩ này. Giải pháp được xác định bởi lập trình viên, người này chỉ định chiều hướng để tháo gỡ các gút mắc của vấn đề. Rồi thì máy tính xúc tiến giải đáp vấn đề một cách hợp lý và hữu hiệu các vấn đề đặt ra.

Giống hệt như nước đổ xuống triền núi, nó ngưng đọng ở các hốc đá và quy tụ ở các lòng sông, tư duy theo chiều đứng cũng diễn ra theo cách tương tự, theo những đường có thể dự đoán được. Nhờ dòng liên tiếp đó mà định hình được khả năng của hướng chảy trong tương lai.

Kiểu tư duy phi lôgíc được đánh giá dễ dàng nhất qua hành động. Biết bao người đã từng vướng mắc một vấn đề mà tưởng chừng như không bao giờ giải quyết nổi, rồi đến lúc nào đó bất chợt họ bừng ngộ - một giải pháp hết sức đơn giản phơi bày trước mắt. Vừa nghĩ đến vấn đề, giải pháp liền hiển lộ, quá sáng tỏ đến độ ta không hiểu sao lúc trước ta lại tối tăm đến vậy.

Nếu tư duy theo chiều đứng có giá trị xác suất cao thì tư duy phi lôgíc lại có giá trị xác suất thấp. Nhưng đó là những đường kênh mới được khai mở để đổi dòng chảy. Mấy kênh cũ bị lấp đi với hy vọng nước tự tìm ra được hướng lưu thông mới êm xuôi hơn. Khi luồng tư tưởng với giá trị xác suất thấp dấy lên một ý tưởng mới và hữu ích thì có một thời điểm phát kiến (Eureka moment) và tức khắc giá trị xác suất đang ở mức thấp nhảy vọt lên tầng tột đỉnh. Đó là khoảng cách nước ở trong ống xi phôn được hút lên cao một cách gắng gượng rồi bỗng chốc chảy thông thương nhẹ nhàng. Đây là thời điểm mà lối tư duy phi lôgíc luôn nhằm vươn tới.

Tóm lại, tư duy theo chiều đứng giống như trong trò giải trí mà người ta để các khối vuông chồng lên từng cái một, một cách cẩn thận. Còn trong trường hợp suy tư theo chiều rộng thì các khối vuông ấy nằm ngổn ngang không theo khuôn mẫu nào.

Thông điệp hệ trọng trong cuốn “Suy nghĩ mới” khuyên ta trải tầm suy nghĩ lên cả hai bên cạnh nếu muốn có óc sáng tạo tự do và khắc phục mọi khó khăn. Các thầy thuốc phương Đông có dạy ta cách suy tư theo chiều rộng và muốn đạt kết quả về sức khoẻ phải tuân thủ kỹ thuật và tập luyện.

ở phương Đông, nhiều kỹ thuật tư duy đã từng được phổ biến. Một trong các kỹ thuật đó là lối suy nghĩ theo nguyên lý âm dương và cũng là lối suy nghĩ có chiều rộng, dựa vào diệu dụng của âm dương. Colombus cho thuyền về phía Tây để rồi cập bến đảo West Indies (thuộc bờ biển trung Mỹ). Nếu về phía Đông có lẽ ông đã gặp xứ ấn Độ như đã dự định lúc đầu. Thế thì người ta có thể tìm hai hướng suy nghĩ và hành động.

Sau hàng trăm cuộc thí nghiệm, các khoa học gia đã nhận thấy rằng: hai bán cầu não sinh ra khác biệt nhau. Phần bên trái nghiêng về tư duy lý luận, logic. Phần bên phải chuyên về hình dáng và ảnh tượng, thuộc về trực giác, phi logic, thơ ca, lãng mạn, huyền bí. Xem tivi tăng cường hiệu năng phần não bên trái. Cho nên thế hệ mới thời nay chỉ giỏi với các trò giải trí điện tử mà kém về trí học và khả năng trực giác, thơ ca, tâm linh. Dùng lý Âm Dương mà quán chiếu thì sự sai biệt càng thấy rõ: phần óc bên trái thì âm, bên phải thì dương. Không cần đến khoa học hiện đại chúng ta cũng có thể tưởng tượng sự khác biệt giữa phần óc trái và óc bên phải nếu ta hiểu được diệu dụng của Âm và Dương.

Suy luận theo âm dương khuyên ta cũng nên nghĩ ở một hướng rồi xoay ý nghĩ ngược lại để thành được vòng tròn đầy sung mãn. Suy luận của ta dễ bị phiến diện nếu chỉ vận dụng công năng của phần bên này óc nhiều hơn bên kia. Thấu suốt dịch lý âm dương giúp ta tư duy thoải mái trong cõi tương đối này.

Phương pháp Thực Dưỡng có đặc tính là suy luận theo nghịch lý (paradoxical). Lối suy tư này là của phương Đông. Theo cảm nghĩ của nhà tâm lý học danh tiếng Erich Foremm, theo ông có hai loại logic mà từ đó phát sinh ra hai cách tư duy. Một là tư duy Aristote là logic hợp lý; và loại kia là tư duy nghịch lý mà nền tảng là logic nghịch lý.

Logic Aristote nền tảng là luật đồng nhất (A là A), quy luật mâu thuẫn (A không phải là không-A) và quy luật loại trừ (X không thể là A và không-A cùng một lúc).

Quy luật logic này là nền tảng của tư duy khoa học phương Tây. Dù sao, trong cuốn Nghệ thuật của tình yêu (Harper & Row, 1974), Erich Fromm nói: “Tiên đề logic Aristote thấm đẫm thói quen của tư tưởng cảm giác rõ ràng và hiển nhiên, trong khi mặt khác lại tuyên bố rằng X là A và không A cùng một lúc dường như là phi lý”.

Với tâm trí đơn giản, không suy nghĩ sâu sắc, lời tuyên bố “A là A” là phải. Nhưng nếu quan sát tỷ mỉ về thế giới và kinh nghiệm, nó rõ ràng là không A trong sự tồn tại cũng đồng nhất với A khác. Nói cách khác, “A là A” là tư duy tưởng tượng, không có thực, không thực tế, bởi vì A luôn luôn thay đổi. A không còn là A nữa ở khoảnh khắc sau. Suy nghĩ như vậy là nghịch lý, được nói rõ qua sự thuyết giảng của Lão Tử, Phật và những nhà hiền triết phương Đông khác.

Ohsawa gọi tư duy nghịch lý là “Trí phán đoán siêu xuất”. Trong 7 tầng (giai đoạn) phán đoán, nó là cái cuối cùng hoặc là cái đầu tiên.

Giai tầng 7 của phán đoán: trí phán đoán siêu xuất (supreme judgment) có thể được miêu tả như sau:

1. Không có gì là đồng nhất cả. Đây là quy luật phủ nhận sự đồng nhất và có giá trị ở mọi lúc, mọi nơi. Nó là chân lý và trí phán đoán siêu xuất.

2. Cái bắt đầu cũng là cái kết thúc (A → không A).

Đây là sự phủ định của quy luật mâu thuẫn. Nó cũng nói lên rằng mọi sự đều thay đổi. “Mọi thứ đều biến dịch” là quan niệm nền tảng của ấn Độ, Trung Quốc và Nhật Bản. Một nhà thơ lớn Trung Hoa, Ri Tei Pei, viết: “Thế gian là nhà trọ mà ta không thể dừng lại hoặc thời gian là nhà lữ hành mà ta gọi là giấc mơ cuộc đời”.

Một nhà thơ lớn người Nhật, Basho, bắt đầu trong cuốn Haiku của ông Okuno Hosomichi bằng câu: “... Cuộc đời của chúng ta không là gì cả ngoài một cuộc phiêu lưu. Một vài người đi bằng ngựa, vài người khác thì bằng thuyền hay đi bộ. Trong nhiều sự việc, mọi thứ đều là cuộc phiêu lưu. Xa xưa, cuộc phiêu lưu tự bản thân nó là nơi nghỉ ngơi”. Nói cách khác, câu nói “mọi thứ đều biến dịch”lại không hề thay đổi. Vì vậy, đây là chân lý - trí phán đoán tối cao.

3. Cái gì có bề mặt thì cũng có bề trái. Giống như bề phải và bề trái của mọi sự vật, âm và dương là hai khía cạnh của X (vô cực hay nhất thể), nói ngắn gọn âm và dương là hai mặt của vô biên.

Điều chúng ta vừa nghị luận có thể trình bày như sau: thái cực tự phân thành Âm và Dương, Âm và Dương sinh ra vạn vật, mọi hiện tượng.

Ohsawa gọi trí phán đoán siêu xuất là “Trật tự vũ trụ”, tương quan giữa trí siêu đẳng và trật tự vũ trụ được lý giải như sau: Trí siêu đẳng là tính giác ngộ vô biên, trong khi đó thì trật tự vũ trụ là ý niệm về sự cấu trúc của vô biên.

Vì trí siêu đẳng là tính nhận biết thường xuyên về vô biên hay chính là vô biên nên tự tính của nó là toàn hảo chân thật và là tình thương bao la. Tự tính ấy hiện hữu khắp nơi và mọi lúc. Nó giống như làn sóng vô tuyến truyền thanh và truyền hình. Nó ở trong không gian, nhưng ta không nhận biết được nếu không rà bắt đúng tần số. Các trí phán đoán thấp kém hơn cũng giống như làn sóng vô tuyến truyền thanh hay truyền hình chứ không phải riêng trí phán đoán siêu đẳng.

Khi vô biên (hay thái cực) kia hạ xuống giai tầng âm dương, rồi đến năng lượng, tiền nguyên tử, phân tử và thảo mộc, rồi đến động vật thì giai tầng của trí phán đoán siêu đẳng hay giai tầng thứ 7 cũng hạ thấp để biến thành các trí phán đoán thô hơn, vì hạ trí là thành phần của thượng trí.

Giai tầng 6 của trí phán đoán: tư duy tư tưởng (judgment of ideology) được xem như sát cánh với trí tối thượng. Nhân tính thiện hay ác, con người tội lỗi hay vô tội, thế gian này tuyệt vời, mỹ lệ hay loài người đang khổ đau, duy vật hay duy tâm, tất cả các ý nghĩ ấy đều dấy khởi từ giai tầng này.

Giai tầng 5 của trí phán đoán: do óc tư duy tư tưởng mà sự suy lường về xã hội, về tôn giáo nảy sinh vì trí óc đó vốn đã hàm xúc các sự kiện xã hội rồi. Chẳng hạn ý nghĩ “nhân chi sơ tính bản thiện” phát sinh ra Thần đạo (Shinto) và môn phái Nichiren - quan niệm “con người tội lỗi” đã ra đời Thiên Chúa giáo và pháp môn Shin (Phật giáo).
Suy nghĩ về kinh tế làm nẩy sinh các học thuyết kinh tế như Tư bản, Cộng sản.

Giai tầng 4 của trí phán đoán: từ óc phán đoán về xã hội và tôn giáo mà nảy sinh ra trí phán đoán trí thức (tức có sắc thái thuần túy và nghệ thuật), trí này cấu tạo ra những quan niệm khoa học và các học thuyết. Những tư tưởng về xã hội, tôn giáo có ảnh hưởng đến nghệ thuật, âm nhạc và văn học.

Giai tầng 3 của trí phán đoán: nương theo trí phán đoán trí thức, lý trí và óc phán đoán nghệ thuật, tâm thức cảm thọ (cảm xúc) dấy khởi ưa ghét, vui buồn, khoái lạc hay than phiền...

Giai tầng 2 của trí phán đoán: óc suy luận bằng giác quan như nhận thức màu sắc và âm thanh, nhiệt độ, hình thể, xúc giác.

Giai tầng 1 của trí phán đoán: giai tầng dưới cùng, đẳng cấp thấp nhất của trí phán đoán, hành động do hệ thần kinh tự trị dấy khởi chức năng máy móc có tính cách phản xạ của tính giác lộ diện.

Các trạng thái của trí phán đoán biến dịch từ nhất thể cho đến trực giác. Tuy nhiên trí này cần xác thân con người để thể hiện. Nói cách khác, thân thể người ta hay động vật cần vài điều kiện thích nghi để biểu lộ hành vi máy móc phản ứng theo trực giác, như ta thường thấy trên cơ thể đơn bào, hoặc trí phán đoán qua giác quan nơi các loài cá và loài thú.

Một người đã tiến hóa cao có thể dễ dàng biểu lộ óc phán xét tri thức (intellectual), xã hội (social), tôn giáo (religious) và tư tưởng (ideological).

Người nào chứng ngộ trí phán đoán tối thượng siêu đẳng tức là tình thương vạn vật và công bằng tuyệt đối, người đó là kẻ tự do nhất, hạnh phúc nhất, công bằng nhất.

Trí siêu đẳng hằng sáng ngời trong mọi người nhưng các đẳng cấp nào của trí ấy được tiếp thu và hiện trên màn ảnh cuộc đời ta lại tùy thuộc vào thể chất và điều kiện sinh lực của ta hiện có. Để lĩnh hội được trí phán đoán ở giai tầng cao hơn ta cần phải thường xuyên cải thiện điều kiện sinh lý, tâm linh. Bữa ăn bổ dưỡng, thiền định, luyện tập thân thể bằng phương pháp thích hợp, đọc kinh... và giữ kỷ cương giúp cho ta vươn lên giai tầng cao của trí phán đoán.

Cầu nguyện không là gì khác ngoài sự thỉnh nguyện sự rung động tinh thần để chúng ta có thể nhận thức sáng sủa hơn.

Vậy thì quán chiếu cõi vô biên ta nhận thấy 7 giai tầng: từ giai tầng của hành vi máy móc phản ứng theo trực giác cho đến trí cứu cánh siêu đẳng. Vào lúc chào đời, trí năng của ta ở giai tầng máy móc, nương theo trực giác. Vài ngày sau ta có khả năng nhận thức bằng giác quan, ta cảm thọ được nhiệt độ, hình dáng, màu sắc... Sau vài tháng chúng ta biết thương ghét, trí óc ta đang ở giai tầng cảm tình. Đến giai tầng 4 ta có thể suy luận hợp lý, phân biệt các hiện tượng. Lên đến giai tầng thứ 5, ta cảm ứng được tôn giáo như Phật giáo, Kitô giáo và hiểu được các học thuyết như Tư bản, Cộng sản... Đến giai tầng 6, trí phán đoán khởi xuất ra ý niệm về tư tưởng như nhị nguyên luận, duy tâm, duy vật, cuộc sống hư hay thực... Đến giai tầng thứ 7 là giai tầng của trí phán đoán tối thượng của tri giác vô biên. Đó là tình thương bao la, là trí quán chiếu cùng khắp vượt ngoài các đối đãi, hết vướng bận. Trí cứu cánh biểu lộ ở đây, bây giờ và mãi mãi. Nhưng sự cảm ứng chân lý, bác ái và hạnh phúc tùy thuộc vào điều kiện sinh lực hiện tại và thể chất bẩm sinh để bộc lộ.

Trong cuốn “Sách về trí phán đoán” Ohsawa có viết: “Dù sao ta không thể ngộ nhập trí siêu đẳng này ngay từ lúc đầu. Ta phải khai triển óc phán đoán ở tầng mức thấp hơn trước đã. Thế thì ta phải cam chịu nóng lạnh, đói khát và khổ cực không phải chỉ ở tuổi thiếu niên mà cả cuộc đời. Tuổi thọ càng cao cuộc đời lại thêm động loạn và buồn thảm, ta thương người, người lại bội bạc ta. Ta luôn luôn thất vọng mà cuộc sống không như thế thì óc phán đoán của ta không tiến hóa được”. Sau khi trải qua chướng ngại, ưu sầu, niềm vui và cãi vã, chúng ta lên đến giai tầng 6 rồi 7 của trí phán đoán.

Các giai tầng từ 1 đến 6 là các nhánh rễ của giai tầng 7. Ta không nên loại bỏ các đẳng cấp thấp của trí phán đoán để nhảy vọt lên trên trí siêu đẳng. Nhưng muốn hưởng phúc lạc, ta phải đạt đến giai tầng 7, tức ngộ được trí tối thượng thừa. Để an trí trong cõi đó ta phải ăn uống những món thích hợp cho sức khoẻ, phải thiền định, tụng niệm và thực hành các phương pháp thể dục nào thích hợp với thể lực của ta.

Điều tối quan trọng là phải tự thệ nguyện:

1. Nhất quyết không khai trừ bất cứ ai, bất cứ vật gì kể cả ung bướu ra khỏi danh sách bạn hữu.
2. Nhất quyết chấp nhận mọi khó khăn với cả tấm lòng hoan hỉ, kể cả kẻ ghét bỏ ta.
3. Nhất quyết không than trách bất cứ lúc nào ta gặp bất hạnh hay sự đối xử thậm tệ.
4. Nhất quyết giữ lời hứa bằng mọi cách.
5. Nhất quyết không nói dối.
6. Nhất quyết cám ơn tất cả, kể cả những kẻ bội bạc, bất chính và căm thù ta.
7. Nhất quyết xem mọi vật, mọi người đồng nhất, không phân biệt.


Chỉ cần thực hiện được một trong các lời nguyện trên đây là ta ngộ nhập được trí siêu đẳng.
Thelast
37. Làm sao khắc phục lo sợ?
Trích từ một bài giảng ở Vega
Tháng 6 năm 1983


Lo sợ là tâm trạng của hầu hết mọi người thời nay. Có vài phương cách giúp chúng ta vượt qua nó.

Cách thứ nhất liên quan đến sinh lý, đó là thân thể và phải được xử lý bằng ăn uống. Để chiến thắng nỗi sợ hãi, trước nhất đừng dùng đường, đường làm cho lo sợ thêm trầm trọng. Không dùng đường là bước đi đầu tiên để chiến thắng sợ hãi.Cách thứ hai là uống ít nước. Sự lo sợ liên quan đến chức năng thận hoạt động kém, nên hãy hạn chế việc dùng nước dưới mọi hình thức để thận đỡ vất vả. Càng uống càng sợ hãi, càng lo âu. Thú vị thay, bạn có thể biến đổi nhanh chóng tâm trạng này: chỉ cần một ngày uống một ít thôi cũng đủ cho sợ sệt giảm đi rõ rệt. Rất, rất đơn giản!

Cách thứ ba thuộc tâm lý và nhằm giác ngộ tâm linh nơi bản thân. Điều này khó hơn, cần hiểu sâu hơn, nên bạn cần thấu suốt định luật vũ trụ toàn diện vào phương pháp Thực Dưỡng. Trước nhất bạn phải quyết chí làm cho được lời thệ nguyện: “Tôi sẽ trị lành bệnh cho tôi”. Quyết chí là hết sợ vì ngay lúc ấy bạn trở thành một con người khác rồi! Lời nguyện ấy xuất phát từ đại ngã trong đó không có sợ sệt, chỉ có sự nhận biết êm ả, sáng suốt, chứ lời nguyện ấy không xuất phát từ cái phàm ngã của bạn. Thế thì lời thề đó được đại ngã khởi niệm và cái tiểu ngã chỉ là chiếc máy tiếp thu. Muốn suy lường mức độ thành công hay thất bại của bản thân, bạn hãy quán xét mức độ hiểu biết về một sự thật hiển lộ quanh bạn chỉ là thành phần của đại ngã mà thôi. Nếu bạn hiểu rõ điều này, bạn có thể san bằng mọi khó khăn. Tất cả mọi khó khăn dù là ung thư hay chỉ là sự thèm thuồng ray rứt muốn đi ăn kem lạnh ngay, đều mọc rễ trong nếp sống theo tiểu ngã chứ không phải đại ngã.

Mỗi sáng tại phòng học của Viện Nghiên cứu Thực Dưỡng Vega, chúng tôi đều hợp xướng bài Hannya Shin Gyo, để hướng tâm về đại ngã. Trong lĩnh vực tâm lý học, các học giả lập luận với cái tiểu ngã và giúp người đời tìm cách chiến thắng nó, nhưng họ không cho bạn điều kiện để liên lạc với đại ngã. Bạn phải vượt qua tiểu ngã để đến chân ngã. Uy lực hợp nhất đại ngã và tiểu ngã được gọi là Hannya trong Hoa ngữ hay Phạn ngữ. Hannya là gì? Là tiểu ngã đạt tới đại ngã hay nhất thể. Khi ta đạt đến đại ngã và hòa hợp với thể ấy ta không còn sợ hãi hay lo âu. Cố gắng vươn lên cái ngã cao quý là mục tiêu của đạo học phương Đông, là kỷ cương phương Đông. Các samurai Nhật phải qua giai đoạn huấn nhục cam go và thái độ quan trọng nhất phải tự luyện cho kỳ được là vươn tới đại ngã. Khi hội nhập với nhất thể họ không còn ngại chiến đấu nữa. Còn dính dáng với tiểu ngã là còn lo âu “ồ, tôi sắp mất mạng”, chúng ta luôn luôn lo sợ một ngày nào đó kẻ mạnh hơn ta sẽ uy hiếp ta. Chừng nào mà ta còn sống với cái nhỏ thì sợ hãi và lo âu cứ quấy nhiễu ta mãi.

Thành thử dù bạn có sức khoẻ hay một triệu đôla bạn vẫn không tránh khỏi băn khoăn và mất mát. Nếu tâm tư bạn vướng mắc cái tiểu ngã phàm tục và dù bạn rất tráng kiện, bạn vẫn phập phồng trong vọng tưởng một tương lai ốm đau! Khi bạn bệnh và tâm bạn bị phàm ngã điều khiển thì bạn nghĩ ngợi: làm sao cho hết bệnh đây! Chắc chắn phải chết! Nhưng nếu bạn biết được bạn có cái đại ngã chân thường trùm khắp cả hư không, thế là bạn sống thanh thản ở mọi hoàn cảnh. Tại sao vậy? Vì đại ngã là vĩnh cửu, tiểu ngã là giả tạm, yểu số, chỉ 50 năm thôi thế mà ta dính chặt vào nó, chỉ cảm giác được nó mà thôi. Ta mê luyến nó quá. Ta nghĩ ta là cái ngã thô thiển đó và ta bị nhồi sọ như vậy từ trước đến giờ. Đây là lỗi lầm của nền giáo dục phổ thông đương thời.

Tôi sinh ở miền Nam Nhật Bản. Lên 9 tuổi, tôi lên Tokyo ở với cậu mợ tôi, cậu mợ không có con, còn ba má tôi có đến 10 đứa và rất nghèo. Nơi tôi sinh ra là vùng quê êm đềm, âm quá! Tôi lớn lên trong môi trường rất âm. Ngược lại, Tokyo là trung tâm công nghiệp. Gần nhà tôi có một xí nghiệp, tiếng máy inh ỏi cả ngày. Quá nhiều dương khí và tiếng động. Mẹ đỡ đầu của tôi cho tôi ăn cá mỗi ngày 2 lần, bữa ăn nào cũng có cá. Tôi càng ngày càng trở nên dương hơn. Thế là tôi đã thừa hưởng một thể chất âm và đang sống trong môi trường dương. Hai cực đoan đang xung đột trong tôi. Tôi lừng khừng trước mọi vấn đề. Hôm nay muốn làm việc theo cách này, ngày mai theo cách khác. Tôi rất đãng trí do có đột biến trong cách ăn và môi sinh, thật đáng buồn!

Khi tôi thôi học, tôi lại đi tán gái, ve vãn vũ nữ hoặc gái điếm. Khi quân đội Mỹ tới Nhật Bản, việc họ làm đầu tiên là xây cất các nơi giải trí cho quân đội. Tôi hay la cà đến các chỗ ấy! Nếp sống của tôi đổi thay mà tôi không hay biết. ở tận đáy lòng tôi càng hướng nhiều tới tâm linh, nhưng bên ngoài tôi lại theo đuổi sắc dục. Cậu tôi lo lắng hết sức nên đi tìm vợ cho tôi. Tôi ưng thuận. Rắc rối nổ bùng: vợ tôi và mợ tôi không hợp nhau. Vợ tôi khổ tâm nhưng không tâm sự với tôi điều này. Ngày nọ nàng bỏ nhà ra đi đem theo một lượng thuốc ngủ lớn để tự vẫn, mấy tháng sau thì nàng chết. Tôi bị quá đảo lộn đến mức mất cả trí nhớ. Tôi chỉ còn cách đến với Ohsawa để mong tìm được lẽ sống.

Thời ấy có khoảng hai hay ba mươi học viên, mỗi người có trách nhiệm với công việc, chẳng hạn như xuất bản sách rồi đi bán rong trên đường phố, dọn dẹp nhà cửa... Tôi không thể làm được việc gì hết, tôi như mất hồn vía; tôi chỉ ăn, ngủ và tham dự các buổi giảng của Ohsawa. Các buổi thuyết trình có tầm quan trọng sống chết đối với tôi nên tôi lắng nghe rất chăm chú, suốt một tháng.

Một tháng trôi qua, tôi đã hiểu ra. Tôi hiểu rõ rằng tôi không phải là cái ngã hẹp hòi mà tôi là thành phần của cái ngã rộng mênh mông. Các tế bào tạo dựng nên cả một thân thể, nhưng từng tế bào thì lại tách rời nhau bởi một màng mỏng. Các tế bào kết hợp thành thân thể. Thân xác của từng người cách biệt với thân xác của những người khác bằng một màng mỏng gọi là da. Và chúng ta sống liên kết với nhau trên địa cầu. Và hành tinh ta đang sống cách ly với các thiên thể khác bằng một lớp “da” khí quyển, nhưng nếu được kết hợp với nhau thì tạo nên vũ trụ. Những cá thể dù là tế bào hay con người được ngăn cách nhau bởi tấm màng mỏng, nhưng trên thực tế tất cả là một.

Trên tiến trình suy tư, bạn thường hòa mình với tiểu ngã, nhưng thật ra đại ngã vô biên đang suy tư và tiểu ngã hay bộ óc đang thu nhận, giống như tivi. Các tín hiệu, dưới hình thái rung chuyển, đến với ta từ khắp phía và bộ óc của ta thu nhận những tín hiệu này. Vậy thì lo lắng là từ bên ngoài vào, sợ sệt và niềm tin cũng thế. Mà bạn thì nhận loại tín hiệu nào? Cái đó tùy thuộc vào bộ máy thu của bạn. Tín hiệu ở khắp nơi, lúc nào cũng có sẵn. Tuy nhiên dù bạn có tivi mà không vặn lên thì làm sao bắt được băng tần. Có vặn lên mới bắt được đài phát. Đài này cho hát tuồng vui, đài kia cho hát tuồng buồn, tất cả tùy thuộc vào bạn. Muốn sống trong tâm trạng buồn thì chọn chương trình buồn, muốn vui thì chọn tuồng hát vui, từ trong ấy cả. Mọi tín hiệu đều bao quanh ta và tiểu ngã chọn lựa băng tần.

Nếu bạn ăn nhiều cốc loại và rau quả, uống ít lại không dùng đường, thì bạn thu nhập ít nỗi sợ sệt hơn. Đấy là điều tôi học được ở trường Ohsawa. Tiên sinh không dạy làm thuốc dán, hay áp gừng, không chỉ bảo cách ăn uống hay chọn thực phẩm, không nói món này âm món kia dương, cũng không bảo cách nấu nướng - món ăn ở trường đôi khi quá tệ nuốt không nổi! ở Nhật, chúng tôi không học âm dương. Sau khi đến Mỹ rồi, tôi mới tìm học. Michio cũng vậy, chúng tôi cùng tìm hiểu thêm. Tôi chỉ học được một điều của Ohsawa: đại ngã chính là tôi và cũng chính là bạn đấy. Các cá thể đều rời nhau và trông khác biệt. Đúng không bạn? Nhưng nguồn cội của cộng đồng các cá thể là một, là đại ngã. Đối với tôi đây là sự khám phá vĩ đại nhất, vui sướng nhất. Tôi nhận thấy mọi người đều như nhau, tất cả là anh, là chị, là người láng giềng như tôi. Người Mỹ trông khác tôi khi tôi vừa bước lên đất nước này, nhưng rồi họ cũng giống tôi, người thì âm thịnh hơn, kẻ thì dương thịnh hơn, nhưng vẫn là diệu dụng nhất thể.

Khi bạn bắt đầu hiểu thể tính này thì mọi lo âu phôi phai dần và lúc nào ngộ nhập được thể tính hằng giác đó, lo âu không còn nữa. Phải thấu hiểu rõ như thế mới chiến thắng được sợ hãi. Đó là con đường ngộ nhập nhất thể, là bản giác, tính hằng giác hay nhất thể. Lúc nào hiểu tường tận thế nào là chân ngã, thế nào là vọng ngã giả tạm thì lúc ấy bạn đang sống trong tự tại, trong thể tánh sáng suốt, thanh tịnh.
Thelast
38. Quan điểm quan trọng nhất của OHSAWA
Tháng 7 năm 1983


Hầu hết mọi người đều xem Ohsawa như là người sáng lập ra lối dinh dưỡng lấy cốc loại lứt làm nền tảng. Tính đến nay, hai mươi năm đã trôi qua từ khi ông bắt đầu thuyết giảng ở xứ này. Lối ăn uống Thực Dưỡng bị một số bác sĩ lên án là kẻ thù số một của quần chúng vì nó nguy hại nhất. Nhưng cách ăn uống theo phương pháp Thực Dưỡng vẫn được nhiều môn sinh ủng hộ, để rồi sau đó quan điểm về dinh dưỡng của khoa học cũng phải từ từ xoay chiều. Mấy năm gần đây, các tổ chức đặc trách về dinh dưỡng, hay nói cho rõ ràng hơn, về cách ăn uống cần thiết cho sức khoẻ (như cơ quan đặc trách về dinh dưỡng Mỹ, như cách ăn uống theo quan niệm Pritikin) có quan niệm rất gần với phương pháp Thực Dưỡng. Theo thiển ý của tôi khoa học càng tiến bộ thì cách ăn uống Thực Dưỡng càng tỏ rõ tính chất ưu việt của nó.

Đây là một trong các cống hiến lớn lao của tiên sinh Ohsawa cho nhân loại. Tuy nhiên ông còn nhiều cống hiến khác trọng đại hơn như thuyết giảng về tâm hồn, trí nhớ, suy tư và quán xét. Theo ý riêng của tôi, luận thuyết của ông về các lĩnh vực này còn rõ ràng hơn lối giảng giải của Phật, Chúa Kitô, Khổng Tử và cả của Lão Tử nữa.

Nhưng tôi không thể tìm thấy bản thảo nào của tiên sinh về vấn đề này chỉ trừ tác phẩm bằng Nhật ngữ. Tôi đã xem lại cuốn “Thiền Thực Dưỡng” (trung tâm OHSAWA xuất bản năm 1965), “Nguyên lý vô song” (The Unique Principle - 1976) và “Thời đại nguyên tử” (The Atomic Age - 1977). Thế mà tiên sinh luôn luôn giảng giải những vấn đề này trong các buổi thuyết trình. Thực ra tiên sinh ít nói đến ăn uống. Một luật sư người Mỹ, thân hữu của tôi, sau khi tham dự nhiều buổi thuyết giảng đã nói: quan điểm này thật phi thường.

Do đó những ai chưa được tham dự các buổi thuyết giảng của tiên sinh, thì được xem như thiếu mất những quan niệm cần yếu cho đời mình. Tôi cảm thấy có trách nhiệm thông tin những luận điểm này đến các người Mỹ và những ai chưa có dịp nghe tiên sinh nói chuyện.

Ohsawa đã dạy gì về quan điểm siêu xuất này?

Trong cuốn “Sách về trí phán đoán” do Trung tâm Ohsawa xuất bản năm 1980, tiên sinh viết:

Con người là chiếc máy thu thanh. Máy thu thanh này vận hành bằng hàng triệu, hàng tỷ ống tuýp chân không nho nhỏ. Đây là cội nguồn sinh ra khác biệt giữa các cá nhân. Giá trị của những ống tuýp này tùy thuộc vào chất thể và sự tinh xảo của kỹ thuật chế tạo chất thể là thực phẩm và kỹ thuật là cách chọn cách nấu nướng thức ăn cùng với thói quen ăn uống.

Đấy là lý do tại sao con người có thể suy nghĩ và hiểu về vũ trụ bao la và tất cả những gì tiềm tàng trong đó. Nhờ đó ta lý giải được tại sao có vô số ký ức, tại sao con người hiểu nhau... Mỗi người chỉ có một khối óc, thế mà nó tương ứng với khối óc của toàn thể loài người. Đó là lý do chính để ta có khả năng học bất cứ ngôn ngữ nào, có khả năng thu nhận các sự vật không ở trong tầm mắt của ta mà ở cách xa hàng ngàn dặm, dù ngủ hay thức. Và người ta còn có thể nhìn thấy được biến cố ở tương lai nếu tâm tư không vướng mắc cảnh đời, nếu tâm tư trùm khắp nó một cách đa năng và toàn giác.

Chính đây là cứ điểm của phép lạ. Trí nhớ, quả tim hay bộ óc để suy nghĩ và phán xét không trú ẩn trong cái hộp nho nhỏ, thường được gọi là cái đầu này. Trái lại chúng ta đang ở trong vũ trụ vô biên mà đó mới chính là cái đầu đích thực.

Cũng trong cuốn sách nói về trí phán đoán, Ohsawa có viết về nguồn gốc của loài người là thực vật, nguyên tố, tiền nguyên tử, năng lượng, phân cực âm dương và tận cùng là nhất thể. Đến đây, ta có thể kết luận rằng âm và dương là tay trái và tay phải của vô biên hay đấng sáng tạo, của kẻ phá hoại và của đấng tái tạo mọi sự vật hiện hữu. Tiên sinh gọi quan niệm về vũ trụ và biểu tượng của trật tự này là hình xoắn ốc. Tuy nhiên tiên sinh không dẫn chiếu vị trí của tâm linh hay tâm trí trên hình xoắn ốc này.

Vào năm 1940, tiên sinh cho xuất bản cuốn “Trật tự vũ trụ” (hiện cuốn sách này đã có bản dịch Việt ngữ - ND). Trong sách này tiên sinh có giảng về vấn đề nêu trên. Tôi xin cố gắng dịch một phần như sau:

Chúng ta hãy làm sáng tỏ về tâm linh (spirit). Trước nhất, tâm linh không có trọng lượng, kích thước, thời gian và tuổi thọ của nó không thể cảm nghiệm được. Nó có tuổi. Tâm linh lúc nào cũng thế, từ trước đến giờ. Nó không có năng lực vật chất, không tăng trưởng. Hiện nay tôi được tăng trưởng kiến thức nhưng tâm linh tôi như hồi còn thanh xuân.

Vậy thì tâm linh ở đâu? Có kẻ tin rằng ở trong óc, người thì nghĩ rằng nó ở trong tim. Nhưng qua bao cuộc khám nghiệm thể xác vẫn chưa tìm thấy tâm linh.

Để nhận thức được tâm linh, chỉ có một khả năng quán chiếu. Quán chiếu là công cụ tâm linh. Dẫu rằng ta không biết thể xác tạo dựng nên bằng cách nào, nhưng rõ ràng là tồn tại khả năng suy nghĩ, quán chiếu. Khi ta nghĩ thì cái gì xảy đến cho khả năng tư duy này? Nó biết chăng? Không, khả năng này vẫn tồn tại khi ngủ, nhưng xuất hiện dưới hình trạng thường được gọi là giấc mơ.

Có hai loại giấc mơ: một loại phi lý, không thể, tạm gọi là ảo mộng. Một loại gọi là thực mộng, nhờ đó mà người ta có thể thấy được biến cố xảy ra cách 1.000 dặm, hay cái người ta có thể gặp vào thời điểm sắp tới. Khi theo phép Thực Dưỡng tôi thường thấy có mộng thực như vậy và hàng ngàn người cũng xác nhận sự kiện ấy.

ở bất cứ hoàn cảnh nào, giấc mơ và suy tư đều là những điều huyền diệu. Thuở còn bé tôi mơ thấy mình là nhà viết tiểu thuyết, tôi mơ thấy cách cứu mẹ khỏi tay tử thần để tôi và anh tôi khỏi bị bơ vơ. Tôi mơ thấy đi Pháp và học Pháp ngữ. Huyền diệu thay, tất cả giấc mơ của tôi đều trở thành sự thật. Tôi không biết cuộc sống của mình là một giấc mơ hay giấc mơ là cuộc sống!

Các giấc mơ có nhiều đặc tính khác nhau. Trước nhất, giấc mơ không có giới hạn, ta có thể mơ mộng thấy bất cứ việc gì, bất cứ thời gian nào, ở đâu... Kế đó, thể xác không đau đớn. Thế giới giấc mơ thì vô biên. Các đặc tính này giống như đặc tính của thế giới tâm linh. Do đó giấc mơ và tâm linh giống hệt nhau. Khi ta đang mơ là ta đang ở trong cõi vô cùng, cõi tự do. Cũng thế, khi hòa nhập thế giới tâm linh là ta được tự do, không bị lệ thuộc thời gian.

Thế giới tâm linh thì vô tận, tự do, nên phiền não không hiện hữu và tất cả mọi sự vật đều bình đẳng. Cõi này được gọi là thái cực, thượng đế, vũ trụ hay cõi tuyệt đối. Cõi vô cực này tạo nên cõi hữu hạn, tương đối, âm và dương. Cuộc tạo dựng này không phải chỉ xảy ra cách đây hàng tỷ năm, mà kỳ thực hiện đang tiếp diễn. Đúng thế, tâm linh hay thượng đế là đáng sáng tạo ra vũ trụ, các nền văn minh của con người.

Có rất nhiều cuốn sách viết về đề tài này, chẳng hạn như Maka Hannya Hara Mitta Shin Gyo, Đạo đức kinh, Kinh Dịch, Upanishad, Kinh thánh... Dù sao, các học giả đã bóp méo ý nghĩa thực sự và con người hiện đại đã mất niềm tin vào ý nghĩa của tâm linh, suy tư và mối liên hệ giữa thượng đế và thế giới tương đối này. Vì sự bóp méo đó mà thế giới này đầy rẫy bất hạnh, chiến tranh và sự bất hoà. Để làm sáng tỏ sự hiểu biết về tâm linh (thế giới của suy tư và vĩnh cửu), tôi viết cuốn sách này và biểu đồ theo hình xoắn ốc. Con người ta đau khổ từ bất hạnh, hài lòng thưởng ngoạn sự xoay vần của tạo hóa. Từ đó, bạn sẽ tìm thấy con đường tới hạnh phúc.

Biểu đồ xoắn ốc vô song của Ohsawa ở cuối sách.
Thelast
39. Nguyên nhân của bệnh tật
Tháng 8 năm 1983


Y học hiện đại và con người ngày nay không hiểu rõ căn nguyên bệnh tật. Khi tôi tới thăm Nhật Bản với 16 người bạn Mỹ vào tháng 5 năm 1983, tôi có gặp bác sĩ nổi tiếng Akizuki ở bệnh viện St Francis tại Nagasaki, ông đã cứu sống các đồng nghiệp và bệnh nhân khỏi phóng xạ sau vụ bom nguyên tử thế chiến thứ II bằng cách ăn uống đúng phép Thực Dưỡng. Chúng tôi được mời tới dự buổi thuyết trình.

Ông nói: “Tây y đã phạm lỗi lầm vì lẫn lộn nhân và quả của bệnh lý. Cái mà Tây y cho là nguyên nhân thì hóa ra là hậu quả. Đó chỉ là triệu chứng. Vì thế trị liệu là ngăn chặn triệu chứng mà không xử lý gốc rễ nguyên nhân căn bệnh nên chỉ làm cho bệnh thêm trầm trọng. Điều này chứng tỏ sự sai sót của y học”. Tôi chưa từng nghe một bác sĩ nào đưa ra lời bình phẩm chính xác như vậy. Tôi đồng ý với ông ta: đó là triệu chứng, đó là kết quả của nguyên nhân.

Tây y nghĩ rằng sự đau đớn là nguyên nhân của bệnh nên tìm mọi cách xoá bỏ nó chứ không truy tìm cái gốc thực sự của cơn đau. Ví dụ như họ thấy chỗ sưng gây nhức nhối, họ bèn tìm cách cho giảm sưng mà không nhìn sâu về quá trình gây sưng phù. Vì sưng nhức không phải là căn nguyên bệnh, nên loại trừ nhức nhối không chữa được bệnh mà chỉ làm cho ta cảm nghĩ như chữa được. Đấy là cách trị liệu giả tạm, thật ra thì bệnh không lành hẳn mà sớm muộn gì bệnh cũng sẽ phát lại. Rồi bệnh nhân được cấp phát thuốc giảm đau, rồi lần nữa họ lại cho là bệnh đã lành khi cơn đau nhức qua đi. Mỗi lần tái phát là bệnh bám rễ sâu hơn.

Y khoa hiện đại giải phẫu vú bị ung thư, 4 hay 5 năm sau bệnh nhân đau trở lại. Thường thường họ cảm thấy như ung thư đi sâu vào cơ thể. Thường là đến tận hệ thống miễn dịch hay não bộ. Lần này bệnh di căn không thể giải phẫu được. Bác sĩ phải dùng tia phóng xạ hay hóa chất trị liệu. Bệnh nhân có thể sống 4 hay 5 năm nữa. Sau đó bệnh lại hoành hành, lần này thì vô phương...

Vào tháng 10 năm 1982, 7 thanh niên Mỹ chết vì thuốc giảm đau tylenol được bán ở các cửa hàng thuốc Tây y khắp nước Mỹ. Cảnh tang thương này làm chấn động toàn dân: mọi người lo âu và bất an. Từ đó đến nay (1983), 9 tháng trôi qua, tội phạm lẫn nguyên nhân vẫn chưa được phát giác.

Tại sao lại có vụ án tylenol này? Theo thiển ý tôi thì tâm lý lệ thuộc vào thuốc men là nguyên nhân chính. Nếu bị nhức đầu, người bệnh tìm mua ngay một lọ thuốc ở nơi nào gần nhà nhất để trị ngay cho xong. Dân Mỹ tiêu xài 1 tỷ đô la cho các thuốc cảm ho và 1,2 tỷ đôla cho các chứng đau nhức vào năm 1979 và hàng năm cứ gia tăng...

Thói quen này được hình thành do ý nghĩ rằng đau đầu là căn nguyên của bệnh tật dù bệnh đó là bệnh gì đi nữa hay là do suy nghĩ chủ quan: “Có cái gì nó làm tôi đau là tôi phải chặn ngay nó lại bằng mọi cách”.

Thái độ này được y khoa tán thành. Theo ý kiến của họ, căn nguyên của hầu hết mọi bệnh tật, dù có nhiễm trùng hay không, là do các mầm bệnh nhiễm khuẩn, độc tố... Do đó khi thiên hạ bị bệnh hay đau nhức chỗ nào đó thì họ xem các mầm bệnh là kẻ xâm lược nên thẳng tay trừng trị.

Ngay cả bệnh lao cũng không phải do vi khuẩn hay độc tố gây nên, mà chính khi thân thể suy nhược mới bị xâm nhập. Vì vậy, vẫn có một số người mang mầm bệnh trong thân thể mà bệnh không hoành hành nổi. Sao lại có người bị mầm độc gây bệnh, kẻ lại không bị? Sai biệt là do thể lực bẩm sinh, thức ăn, môi trường và thái độ xử thế của họ. Tất cả những nhân tố này định đoạt hiện tượng sinh lý.

Thể lực bẩm sinh được hình thành và nuôi dưỡng trong bào thai do chế độ ăn uống của mẹ, môi trường của mẹ đang sống và do các cảm xúc bị khơi động trong khi mang thai.

Một phụ nữ sống trong khí hậu lạnh (âm) có thể ăn nhiều thịt và các món dương lúc mang thai, cho nên đứa trẻ có thể lực tráng kiện và một tính khí lấn át người khác. Các bà mẹ sống ở khí hậu ấm áp có thể hay dùng trái cây hay các thực phẩm âm khi mang thai nên đứa trẻ ra đời với hình hài mảnh mai hơn và có nhân cách trầm lặng, hướng nội hơn.

Thể chất, môi sinh và tâm hồn đều ảnh hưởng mạnh mẽ đến sức khoẻ, hạnh phúc. Tuy nhiên, sức khoẻ và hạnh phúc lại không bị 3 sự kiện trên hun đúc. Chính ta làm cho ta khoẻ mạnh và hạnh phúc, dầu rằng ta ra đời với thể lực yếu kém, sống trong môi trường ô nhiễm và chịu nhiều căng thẳng tinh thần.

Đúng thế, nhiều vĩ nhân đã trưởng thành trong các điều kiện như vậy. Lòng dũng cảm được phát triển nhờ phải chiến thắng các ảnh hưởng tiêu cực trong cuộc sống.

Nói rõ hơn, những yếu tố quan trọng cấu tạo nên sức khoẻ và hạnh phúc hay một cuộc sống an lạc là các bữa ăn thường nhật và tinh thần của ta cùng với việc hiểu rõ rằng bệnh tật chỉ là một dấu hiệu của một đời sống mất thăng bằng. Nếu ta muốn quân bình được điều kiện sinh sống, ta sẽ vượt qua các trở ngại để được sức khoẻ và hạnh phúc.

Làm thế nào mà thực phẩm đem đến cho ta bệnh tật hay sức khoẻ?

Theo bác sĩ K. Morishita thì các thức ăn đã tiêu hóa xong (chất hữu cơ) biến thành mạch sống đơn nhất, một tế bào máu đỏ, rồi chuyển lên một hình thái cao hơn, một tế bào cơ thể. Theo cuốn “Sự thật ẩn sau ung thư” (G. O. M. F, 1976), bác sĩ K. Chishima cũng nêu lên ý kiến như thế trong cuốn sách tiếng Nhật K. Chishima’s work số 9. Tuy nhiên khoa sinh lý hiện đại không chấp nhận học thuyết ấy mà lại nói rằng thực phẩm cung cấp năng lượng, protein, lipit, sinh tố và khoáng chất cho tế bào nhưng không có liên hệ trực tiếp với việc hình thành máu. Y khoa hiện đại tin rằng máu được hình thành trong tủy xương.

Sau khi các bác sĩ Donn, Cunningham, Sabin, Zordan vào năm 1952 đã bỏ đói gà và bồ câu suốt 2 tháng thì kết luận được công bố: tuỷ làm ra tế bào máu.

Nhưng bác sĩ Morishita lập luận khác: khi nhịn ăn, các tế bào ở tuỷ, mô mỡ, mô thịt, gan... lại biến thành tế bào máu. Do đó điều gì mà các nhà sinh lý học đã chứng kiến không phải là sản phẩm thông thường của máu vì mấy con thú ấy không được cho ăn trong suốt thời gian thử nghiệm. Trong điều kiện sinh lý bình thường, ruột tạo ra máu. Khi nhịn ăn và trong trường hợp dạ dày đau hay ruột bị tiêu chảy thì ruột ngưng việc sản xuất máu, và tế bào cơ thể lại biến ngược trở lại thành tế bào máu.

Theo Chishima và Morishita, thực phẩm chẳng những biến thành tế bào máu, mà tế bào máu lại biến thành tế bào cơ thể hay tế bào mô. Bác sĩ Morishita cho rằng: y học thời nay phải biết tế bào máu là tế bào mô ; trong thực tế chúng liên quan với nhau và thực hiện trao đổi hai chiều. Khi sức khoẻ đầy đủ thì tế bào máu đỏ đổi thành tế bào mô và lúc đau ốm thì tiến trình xảy ra ngược lại.

Phương pháp Thực Dưỡng đồng ý với ý này. Ohsawa đã nói rằng có 1/10 tế bào máu chết đi mỗi ngày, do đó phải mất 10 ngày thì máu mới đổi mới hoàn toàn (từ nhận định này, tiên sinh khuyên dùng 10 ngày cách ăn số 7); và tế bào mô với tuổi thọ là 7 năm, đang chết và được thay thế dần. Vậy thì nếu đổi cách ăn uống, ta có thể đổi phẩm chất của toàn bộ tế bào cơ thể trong vòng 7 năm.

Phương pháp Thực Dưỡng tin rằng, đồ ăn trước nhất đổi thành tế bào máu đỏ rồi thành tế bào thân xác. Nguyên do căn bản của bệnh tật là thể trạng yếu kém của máu vì ăn các thực phẩm kém dinh dưỡng. Bệnh phát triển theo thứ tự nhất định, từ thực phẩm đến máu, rồi đến tế bào.

Các tầng của bệnh tật: Có 7 giai tầng mà theo đó bệnh tiến triển.

Thứ nhất: Bệnh do mệt mỏi vì ăn uống quá độ, nhất là ăn quá nhiều thực phẩm có đường và vì sống bừa bãi.

Thứ hai: Đến giai đoạn hai thì đau nhức, do lưu thông của máu suy yếu vì có một số mạch máu viti bị đứt hay nghẽn. Một trong những dấu hiệu để nhận thấy là tức ngực do các mạch máu viti ở tim bị chất béo làm nghẽn và máu không thể tiếp tế đầy đủ cho mô tim. Bất cứ lúc nào tế bào thiếu ôxy thì ta được đau nhức là điều báo hiệu.

Thứ ba: Bệnh nhiễm trùng. Đây là hậu quả của việc cơ thể bị quá âm hay dung dịch của cơ thể quá nhiều axit, do ta lạm dụng đường, mật ong, trái cây, gia vị, rượu, thuốc men, thực phẩm tinh lọc và thực phẩm chế biến. Bệnh mụn nước ở bộ phận sinh dục (Herpes) và AIDS thuộc giai đoạn này. Các tế bào cơ thể thường được bao bọc bằng chất lỏng liên tế bào mà chất này rất giống nước biển, luôn có kiềm tính và hơi mặn. Nếu chất này ngọt (âm) hay quá chua, tế bào sống trong “đại dương nội tạng” sẽ bị vi khuẩn phân hủy.

Thứ tư: Hệ thần kinh tự động bị suy nhược nên lượng hormon tiết ra và chức năng của các cơ quan bị ảnh hưởng. Ba giai đoạn đầu nếu trầm trọng sẽ đưa đến tình trạng này, mà cũng có thể do sai lệch của hình thể xương sống làm trở ngại sự kích thích thần kinh với các cơ quan. Nếu tiếp tục dùng đường, thực phẩm động vật và các chất béo làm các dung dịch trong cơ thể sẽ trở nên quá chua vì có quá nhiều axit, đồng thời làm trì trệ sinh hoạt thần kinh và làm ảnh hưởng đến lượng hormon tiết ra, thế rồi các cơ quan bị nhiễu loạn. Vậy thì tuyến giáp trạng, lá lách (tiết ra insulin) và thận hoặc nang thượng thận đã bị suy kém.

Thứ năm: Tế bào và các cơ quan bị ung thư. Thể dịch phải có đủ kiềm tính (trung bình là pH = 7,4), mức này được giữ vững do sinh hoạt điều hòa của các cơ quan, đặc biệt là thận - cơ quan sản sinh axit. Thận yếu thì thể dịch bị chua. Nếu nồng độ pH là 6,9 thì các tế bào chết. Tuy nhiên giữa pH 6,9 và 7,0 các tế bào, thay vì chết dần, bắt đầu thay đổi cấu trúc của gen để có thể tồn tại trong môi sinh axit hoặc là sinh sản ra các tế bào mới thích nghi được môi sinh này. Điều đó là sự bắt đầu của u ác hay tế bào ung thư.

Nguyên do đầu tiên của môi sinh axit này là các chất hóa học trong thực phẩm như hương liệu, các chất bảo quản thực phẩm, các chất nhuộm..., một số trong các chất này đã được xác nhận là tác nhân của ung thư, dù được gọi là “an toàn” nhưng vẫn hết sức nguy hiểm nếu được kết hợp với các hóa chất “an toàn” khác. Bệnh nhân ung thư phải tránh dùng tất cả những thực phẩm hóa chất, kể cả các ngũ cốc lứt, rau củ có bón phân hoá học và phun thuốc trừ sâu, nghĩa là người bệnh phải chú ý tìm những thực phẩm thiên nhiên thuần khiết để dùng.

Kế tiếp, nhóm thức ăn tạo ra axit là chất béo (ăn quá nhiều chất béo là lao nhanh vào vực thẳm ung thư) vì khi chất béo biến thể trong quy trình trao đổi chất thì nó tạo ra axit. Hầu như tất cả các bệnh nhân ung thư đều ăn nhiều thịt và các món nhiều mỡ. Thức ăn thứ ba làm thể dịch bị axit hóa là đường và các món có đường. Đường tiêu huỷ tế bào máu, ôxi và vitamin, gây bệnh thiếu máu, tăng thán khí trong cơ thể (khí cácbôníc) do đó gây trạng thái thừa axit.

Trái cây không tạo ra axit nhưng bệnh nhân ung thư không nên dùng vì nó chứa nhiều đường hoa quả (fructose) làm cho máu bị âm hóa và hệ thống đề kháng bị suy nhược. Đường hoa quả nhanh chóng trở thành chất béo và làm nghẽn mạch máu.

Thứ sáu: Đây là giai tầng của bệnh tật thuộc về tâm lý. Kẻ nào hay phàn nàn trách móc được xếp vào hạng này (thần kinh suy nhược, dễ kích động, loạn trí...). Lý do: từ các nguyên nhân sinh lý kể trên hoặc cách giáo dục, nuôi dưỡng của gia đình.

Thứ bẩy: Giai tầng 7 của bệnh tật thuộc về tâm linh. Bệnh đến giai đoạn này được biểu lộ qua sự vong ân bội nghĩa, thiếu niềm tin vào trật tự vũ trụ.

Xuất phát từ tầng 7, bệnh trạng được xoay ngược chiều xuống giai đoạn sinh lý.

Ôi, cuộc sống kỳ diệu xiết bao! Cả một phép lạ cho ta được sống trong xã hội ham tiền bạc này. Nếu không quý mến được đời sống thì bệnh trạng ta cực kỳ trầm trọng rồi đấy.

Nhiều người đến Trung tâm nghiên cứu Thực Dưỡng của chúng tôi chỉ đi theo thực đơn quân bình để chặn đứng cơn đau đã hành hạ họ nhiều năm. Trong đó có vài người vẫn không cảm kích được giá trị cao quý của thực phẩm tốt lành nên khi cơn bệnh vừa tan biến là họ bắt đầu ăn uống thô bạo hơn trước. Tâm ý này là bệnh lý ở giai tầng 7. Nhiều người tự trị lành các bệnh gọi là bất trị nhờ ăn uống theo Thực Dưỡng. Nhưng chỉ có vài người thực sự rút ra được kinh nghiệm cho bản thân và rất ít người trong số ấy giúp kẻ khác hiểu được bài học họ đã thấu triệt. Còn mấy người kia sẽ bị bệnh trở lại, sớm hay muộn. Qua nhiều năm chỉ đạo Thực Dưỡng, tôi thấy rõ ràng, người nào cảm nhận được giá trị của mọi thực phẩm, có được lòng biết ơn sâu rộng thì người đó trị dứt bá bệnh, kể cả ung thư.
Thelast
40. Hãy cho tôi thời gian
Tháng 8 năm 1983


Nhờ các cuộc thí nghiệm của O.Frank (Đức) và O.H.Storing (Anh), khoa học xác nhận là cơ tim có thể tự đập một mình. Các nhà bác học đã cắt rời quả tim ra khỏi hệ thống thần kinh và các hệ thống khác của cơ thể một con chó, mà tim vẫn hoạt động.

Trong cuốn Các bộ phận trong cơ thể người (Basic Book, Inc., 1966), David F. Horrobin đã viết: “Chúng tôi khỏi phải kích thích các dây thần kinh dẫn đến tim hay cơ bắp tim một cách nhân tạo để làm cho nó co bóp, nếu kích thích như thế thì nó sẽ khác với cơ bắp bình thường. Nhờ có sự chăm sóc, giữ cho tim trong điều kiện tốt, nên ngay cả lúc bị cách ly khỏi các mối liên hệ thông thường, các cơ bắp của tim vẫn co bóp. Toàn bộ cơ tim trong điều kiện thích nghi có thể đập nhịp nhàng.”

Alexis Carrel đã giữ được các mảnh vụn của tim gà sống và đập suốt 28 năm vì đã để nó trong dung dịch mặn được thay hàng ngày.

Tại sao trái tim vẫn đập được như vậy?

Điều này có thể lý giải dễ dàng thông qua triết học phương Đông. Dương là lực ro rút, còn âm là lực bàng trướng. Nhờ có lực dương bên trong mà tim co vào, nhờ lực âm bên ngoài mà tim nở ra. Chính vì vậy mà tim có thể co bóp được.

Cái gì là lực dương bên trong? Đó là các cơ tim có chứa một lượng lớn Na (một ít Ka). Vậy còn lực âm bên ngoài tim là gì? Là một lượng lớn Ka ((một ít Na) trong các dịch liên bào ngoài tim.

Mọi người đều biết rằng Ka thì có tính âm trội hơn so với Na, còn Na có tính dương trội hơn so với Ka. Rau quả giàu Ka nên âm hơn. Ngược lại thịt động vật thì dương hơn. Một điều mọi người cần nhận thấy rằng chúng ta đang sống giữa hai lực âm dương: không gian (âm) và lực hút trái đất (dương). Nếu không có hai lực này thì không có vật nào tồn tại trên trái đất. Không có lực bành trướng của không gian (âm) thì vạn vật sẽ bị co lại về hư không, ngược lại không có sức hút trọng lực (dương) thì vạn vật sẽ dãn nở vô tận.

Hai lực này tạo ra các đợt sóng biển để sản sinh ra hàng tỷ tỷ oát năng lượng mỗi giây. Tiếng vỗ của sóng biển cũng giống như nhịp đập của trái tim con gà vậy.

Khi đến Mỹ và tháng Chín, 1952, tôi đi trên chuyến tàu hàng từ cảng Yokohama tới San Francisco. Lúc đó đang là mùa bão nên biển rất động. Có một cơn bão đi qua và tàu bị tròng chành dữ dội. Có một thủy thủ bị thương nên con tàu buộc phải quay trở về Yokohama và xuất phát lại sau đó.

Trên tàu có tám hành khách, sáu người là sinh viên tới Mỹ học đại học, hai người Mỹ đang học tại Nhật về thăm nhà. Tất cả hành khách đều bị say sóng và không thể lết được tới phòng ăn. Tôi là người duy nhất không bị hề hấn gì. Tôi không bị say sóng ngay cả khi tàu lên cao hoặc xuống thấp tới 20 – 30 bộ (khoảng 60 – 90cm – ND). Tại sao vậy? Chính là do tôi luôn đứng trên boong tàu quan sát các đợt sóng, nó thu hút hết tâm trí của tôi vào đó. Tôi băn khoăn tự hỏi liệu các cơn sóng này có liên quan tới các đợt thủy triều không. Dường như độ cao của cơn sóng có liên quan tới thời tiết: khi trời lạnh, sóng cao hơn. Nhưng nó lại không liên quan trực tiếp tới tác động của gió theo ý kiến của một số các nhà khoa học. Vì khi không có gió vẫn có những đợt sóng lớn. Nhưng khi gió thổi không khí lạnh tới thì sóng lớn hơn nữa. Sóng càng lớn khi càng xa bờ. Tôi nhận định nguyên nhân của sóng như sau:

Nước biển có muối nên dương, cộng thêm với lực hút của trọng lực cũng dương. Mặt khác không gian phía trên rất âm và càng âm hơn khi xa bờ. Nó trở nên cực âm khi gặp không khí lạnh (do mưa, gió, mây mù, tuyết …). Không gian âm phía trên sẽ hút lực dương của nước phía dưới, do vậy nước biển bị đẩy lên. Biển lặng khi âm dương được cân bằng.

Không chỉ có nước biển chịu tác động của hai lực trên mà vạn vật trên trái đất đều chịu các tác động này: Lực dãn nở của không gian (âm) và trọng lực hút của trái đất (dương). Điều này tiết lộ cho chúng ta bí mật về thời gian. Thời gian thì dương hơn so với không gian nhưng âm hơn so với lực hút trái đất.

Không gian và thời gian có cùng đặc tính, Chúng có thể bị chia cắt hoặc mở rộng vô tận; co rút hoặc bành trướng vô hạn. Nhưng chúng đối lập khi tác động lẫn nhau, không gian tạo ra lực âm, còn thời gian tạo ra lực âm. Sống trong một căn nhà lớn thì âm nhiều hơn, còn căn nhà nhỏ thì dương hơn.

Thời gian không có thời hạn. Thời gian là tức thì, nó chỉ tồn tại trong hiện tại. Quá khứ và thời gian chỉ tồn tại trong suy tưởng của chúng ta mà không có thực. Do vậy, thời gian được xem như là dương. Tuy nhiên trong cuộc sống, mọi người vẫn sử dụng khái niệm thời gian như một thời hạn, lúc này thời gian được xem là âm và có ý nghĩa giống với không gian. Ví dụ, khi ta nói “cho tôi thêm thời gian” hay “tôi có nhiều thời gian” thì nó mang ý nghĩa thư giãn. Trong trường hợp này, thời gian là âm, giống như không gian.

Trong Kinh Thánh có nói nếu bạn có đức tin bằng hạt cải thì chỉ núi sẽ dời đi và không có điều gì là không thể. Đây là một khái niệm rất khó diễn đạt bằng ngôn từ. Tuy vậy, chúng ta có thể hiểu lý do tại sao khi áp dụng khái niệm thời gian vô hạn (cực âm) để giải thích.

Vạn vật đều biến dịch. Những ngọn núi mà chúng ta thấy bây giờ thì xưa kia đã từng nằm dưới đáy đại dương. Điều đó có thể lý giải khi chúng ta áp dụng thuyết thời gian nêu trên. Đây là thời gian không ngay lập tức mà là khoảng thời hạn vô hạn. Trong khoảng thời gian này, núi sẽ phải dời.

Mọi thứ đều có thể trong khoảng thời gian này. Hay đây còn được gọi là đức tin. Nói cách khác, đức tin – có tính cực âm và vô hạn – sẽ làm thay đổi thời gian dương thành thời gian âm.
Thelast
41. Một cách phòng chống AIDS
Tháng 10 năm 1983


Dân Mỹ đang đương đầu với vài chứng bệnh mà cách chữa trị và ngay cả nguyên nhân đến giờ vẫn chưa được tìm ra, dù đã tận dụng y khoa hiện đại. Đó là ung thư, bệnh mụn nước ở bộ phận sinh dục (herpes) và AIDS. Vì phương thuốc chữa trị còn trong viễn cảnh và sự truyền nhiễm đang lan tràn nhanh chóng, các bệnh ấy đang đe doạ sinh mạng và xáo trộn nếp sống của dân chúng Mỹ. Nhiều bệnh nhân ung thư đang sáng suốt biến đổi cách ẩm thực, trong đó có cả cách ăn uống theo Thực Dưỡng. Đây là một cuộc chuyển hướng ra khỏi dòng thác ẩm thực của xã hội.

Cả hai bệnh mụn nước ở bộ phận sinh dục và AIDS hầu như đều bắt nguồn từ các cuộc hành lạc nam nữ. Bác sĩ Kevin Murphy ở Dallas, người dẫn đầu việc nghiên cứu bệnh mụn nước ở Mỹ có nói: “Vào năm 1980, sự kiện nổi bật trong sinh hoạt hàng ngày là nếu bạn sắp hành lạc, các bạn có triển vọng bị mụn nước ở hạ bộ - 10% dân Mỹ (khoảng 20 triệu) đang mắc bệnh này và theo trung tâm trị liệu ở Atlanta thì có thêm cả nửa triệu ca bệnh sẽ được điều trị. Nhiều đàn ông ở tuổi trung niên thôi không gặp gỡ các phụ nữ ở dưới 30 tuổi vì e ngại có thể lây mụn nước.

Giờ đây AIDS đang thay đổi nếp sống dân Mỹ. Các kẻ đồng tính luyến ái đang truyền bệnh cho nhau. Lại thêm sự cảnh cáo về vi phạm trật tự vũ trụ.

Thưở xưa, ở triều đình Trung Hoa có một kiều nữ tên Đát Kỷ. Hoàng thượng yêu nàng tha thiết. Nhà vua sủng ái nàng đến mức ông ta có thể cho nàng bất cứ cái gì nàng thích, kể cả mạng sống của triều thần. Nhưng nàng quá ích kỷ hẹp hòi, nàng không thích các võ tướng, những người đưa ra lời khuyên chân thành cho nhà vua. Nàng đòi nhà vua phải giết những vị đó và nhà vua đã chiều lòng nàng. Kết quả là đất nước trở nên suy yếu đi và kẻ thù sau đó xâm lược dễ dàng. Về sau ở Nhật hay ở Trung Hoa, những người đàn bà đẹp nhưng hẹp lượng đều được gọi là “Keikoku” (nghiêng nước nghiêng thành). Tức là kẻ làm khổ bọn mày râu, phá hoại đất nước.

Keikoku ở Mỹ vào thế kỷ XX không phải là nữ mà lại là nam, vì đồng tính luyến ái mà gây ra AIDS.

Một trường hợp điển hình: một người đàn ông 31 tuổi đến phòng cấp cứu của trung tâm y tế của trường đại học UCLA với cuống họng bị lở có mủ, trầm trọng đến nỗi gần như tắc thở. Hệ thống miễn dịch của cơ thể quá suy nhược. Hai tuần sau anh ta bị sưng phổi. Điều này thường chỉ thấy nơi phổi bị ung thư. Vài tháng sau lại có hai bệnh nhân như thế. Bác sĩ M. S. Gottlieb bối rối với triệu chứng bất thường này; và có một sự kiện cần ghi nhận là họ đều đồng tính luyến ái.

Đồng thời bác sĩ F. Kien ở đại học Nữu Ước ghi nhận rằng các bệnh nhân đồng tính luyến ái hầu hết đều có hệ thống miễn dịch suy nhược và bị ung thư da (sarcoma). Đó là những trường hợp hiếm thấy vì thường chỉ người già mới bị ung thư da.

Số bệnh nhân AIDS trên thế giới lên đến 10 triệu vào tháng 3 năm 1983 và mỗi ngày lại tăng thêm 5.000 bệnh nhân và tăng mãi. AIDS đánh gục hệ thống miễn dịch (Times, 3-1983) và khiến cho nạn nhân vô phương phòng chống các bệnh truyền nhiễm. Một dạng ung thư hay sưng phổi hiếm hoi thường đe doạ tính mạng. Nhưng giờ đây các loại bướu sùi hay vi khuẩn chả ra gì cũng đe doạ được. Hiện giờ AIDS không có thuốc chữa và nguồn cội của nó còn mù mờ. Các vi khuẩn tầm thường vừa nêu và các dạng bướu sùi thường xuất hiện nhiều nơi trên cơ thể, đặc biệt ở những nơi có da non. Một hệ thống miễn dịch vững mạnh nhờ số tế bào T giúp tạo ra số kháng thể, nhiều gấp đôi số tế bào T làm trở ngại việc sản xuất kháng thể. Với nạn nhân AIDS, tỉ lệ này bị đảo ngược. Vì thế họ dễ bị ảnh hưởng bởi truyền nhiễm và sự phát triển của các vi sinh vật nguy hại.

Đến nay, tôi nhớ lại việc cá hồi cái đẻ trứng và cá đực bắn tinh trùng lên trứng. Bị mất trứng và tinh trùng, chúng trở nên cực âm rồi mất năng lực đề kháng, mà hậu quả là búi sùi mọc đầy thân, rồi chẳng bao lâu chúng chết. Nạn nhân AIDS cũng thế, một phần tại họ hành lạc quá sức. Theo báo Time thì trung bình một bệnh nhân AIDS hành lạc với 60 người khác nhau trong suốt 12 tháng. Tinh trùng do máu sinh ra, khi bị xuất ra quá nhiều cơ thể trở nên cực âm, trừ trường hợp hành lạc với thể lực dương thịnh. Nạn nhân AIDS đã tiêu dùng cạn ráo dương lực.

Tuy nhiên, việc mất quá nhiều tinh trùng không phải là nguyên nhân duy nhất. Kẻ hứng nhận tinh trùng qua hậu môn cũng bị AIDS. Tinh trùng rất Âm vì làm trứng tăng thể tích gấp 3 tỷ lần trong vòng 9 tháng. Nhận tinh trùng vào ruột, người đàn ông thụ động bị tinh trùng thấm qua ruột, rồi vào máu, máu trở nên rất âm. Hệ thống miễn dịch lại mất sinh lực. Ngừa AIDS dễ hơn trị liệu. Ăn uống đúng phép là cách giữ cho phẩm chất của máu được tốt, đồng thời chúng ta nên sống điều độ.

Tùy điều kiện sức khoẻ mà nên hay không nên hành lạc.
Thelast
42. Chúc mừng năm mới 1984
Tháng 1 năm 1984


Năm 1984 là năm Tý (năm con chuột) theo âm lịch Nhật Bản. Con chuột là biểu tượng của động vật ăn lúa gạo và các đồ cứng. Con chuột vốn không được đánh giá cao về khía cạnh kinh tế, dù chúng có cảm nhận rất bén nhạy khi nào tai hoạ sẽ đến với chúng. Người Nhật phát hiện ra rằng lũ chuột trốn khỏi thành phố vài ngày trước khi có động đất hay lũ lụt. Năm 1984 không phải là năm của nông nghiệp và tăng trưởng, nhưng nó là năm chuẩn bị cho thời kỳ tăng trưởng trong tương lai.

Theo âm lịch Trung Hoa, năm 1984 là năm dương. Đó là năm của cây cối có hạt được gieo trồng và tích tụ đủ năng lượng để nảy mầm. Trong thời gian này người ta tập trung cho việc gieo hạt, việc này là không thể thiếu cho việc chuẩn bị trồng trọt.

Hai cách nhìn này về năm 1984 đưa đến những lời khuyên sau đây với người Thực Dưỡng. Hai năm gần đây, Thực Dưỡng đã được giới thiệu nhiều trên tivi và các tạp chí. Kết quả của nó dẫn đến nhu cầu mở các lớp thực hành Thực Dưỡng, phụ đạo và do đó số lượng sách Thực Dưỡng tăng gấp 5 lần so với thời gian trước đây.

Sự phổ biến rộng rãi (mang tính âm) đã gây nên sự chú ý (mang tính dương) của cộng đồng y khoa. Nghe nói tháng 2 - 1984 sẽ có sự liên kết hỗ trợ cho phong trào Thực Dưỡng của tổ chức chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi Senate Subcomite. Thực Dưỡng đã kéo theo mình một hệ thống lang băm kiếm lợi thông qua các thư đặt hàng. Các nhà y khoa không thể bằng lòng với bất kỳ phương pháp bất chính thống nào, nhất là khi không có một tài liệu cao cấp xác nhận Thực Dưỡng như là một thành công. Tất nhiên một thái độ dè dặt là cần thiết. Có nhiều người đã mất tiền vô ích mà không đạt được lợi ích gì từ Thực Dưỡng. Người Thực Dưỡng là người thận trọng và không đưa ra những lời hứa hồ đồ trong việc chữa bệnh. Tất nhiên Thực Dưỡng không phải là hữu ích cho tất cả mọi người. Theo tôi các cuộc thảo luận nên giới hạn trong phạm vi bàn bạc, giới thiệu. Thời gian sẽ ủng hộ Thực Dưỡng hơn là các liệu pháp trị liệu mang tính tức thời.

Nếu một người lãnh đạo Thực Dưỡng quá quan tâm đến danh tiếng và tiền tài thì năm 1984 có thể coi như Thực Dưỡng bị đẩy xuống lòng đất chứ không phải nẩy mầm như năm 1960. Chúng ta phải cẩn thận vì chúng ta không đủ sức để chống lại sự công kích. Nếu sự tiến bộ của chúng ta nhanh quá, một sự phản công mạnh mẽ sẽ có thể xảy ra với chúng ta. Có thể sẽ không sao khi chúng ta tập trung sức lực cho một sự xuất hiện mới, nhưng tôi nghĩ cách tốt nhất là chúng ta nên tự mình bước và nên bằng lòng với quá trình tiến đều về mục đích của chúng ta cho đến khi chúng ta đủ mạnh để chế ngự mọi sự công kích và biến nó thành có lợi cho ta. Giống như con chuột, chúng ta nên trở nên bé nhỏ, khó tìm, không nên tự đánh giá cao bản thân và nên đóng góp với xã hội ở năm 1984.
Thelast
43. Người lãnh đạo Phong Trào Thực Dưỡng
Tháng 3 năm 1984


Ai là người lãnh đạo? Người lãnh đạo có tài năng gì? Ai ước mong trở nên nhà lãnh đạo trong tương lai? Ta phải hiểu rõ phẩm hạnh của vị lãnh đạo. Cách đây 20 năm tôi có hỏi G. Ohsawa về vấn đề này. Lúc ấy tiên sinh đang ở độ tuổi của tôi hiện giờ và chúng tôi đang ở Nữu Ước. Tiên sinh trả lời: “Hãy chờ mười năm nữa, đệ và Michio sẽ thế tôi”. Tiên sinh lìa trần đúng mười năm sau. Hiện giờ tôi và Michio đang tìm một người lãnh đạo để hành trì pháp môn Thực Dưỡng.

Nếu bạn có quá nhiều tài năng, bạn không thể hướng dẫn phong trào Thực Dưỡng. Tốt hơn bạn có vài năng khiếu thôi.

Điều đầu tiên nhà lãnh đạo cần có là phải xứng đáng được tin cẩn. Năm 1961, nhóm Thực Dưỡng ở Nữu Ước tổ chức trại hè thứ hai tại Watsboro, và Ohsawa là người duy nhất được mời từ Pari sang thuyết trình. Bữa nọ, nhân có chút ít thời gian rảnh nên tiên sinh ngồi thoải mái bên ngoài hóng mát. Tôi và tiên sinh mạn đàm hầu hết về tình hình Thực Dưỡng ở Nữu Ước (vào thời ấy chỉ ở New York mới có hội Thực Dưỡng, các nơi khác trên đất Mỹ thì chưa có).

Tiên sinh ngưng chuyện trò chốc lát rồi phát lên những lời hệ trọng nhất trong đời tôi: phương pháp Thực Dưỡng ở Mỹ sẽ tốt đẹp. Nó sẽ sống được tại Mỹ. Tôi liền hỏi tại sao thầy bảo thế. Tiên sinh đáp: Vì quần chúng tin đệ và Michio.

Ôi vinh hạnh cho tôi quá! Tôi không nói nên lời, cả một vinh dự cho tôi. Tiên sinh tin tôi có đủ khả năng chăm lo cho phong trào Thực Dưỡng ở Mỹ.

Kể từ đó tôi luôn cố gắng làm cho gia đình, bè bạn và quần chúng tín nhiệm tôi, dù tôi không dám nghĩ rằng quần chúng sẽ trao cho tôi 100% lòng tin cậy. Do đó, điều kiện đầu tiên để lãnh đạo là được lòng tin của mọi người. Phải làm cho tròn điều gì mình đã hứa. Phải thành thực. Hứa trong buổi họp thì dễ, cái khó là nhớ và thực hiện cho kỳ được điều mình hứa. Thực hiện không nổi thì thà đi dạo ngoài công viên, đi đá bóng còn hay hơn; vì họp kiểu đó chỉ phí phạm thời giờ.

Phẩm cách kế tiếp của người lãnh đạo là sự kính trọng. Bạn phải tôn kính mọi người để được mọi người tôn kính. Kính trọng 10 người bạn sẽ lãnh đạo được 10 người, kính trọng 100 người, bạn sẽ được 100 người kính nể. Tiếp xử mà thiếu kính trọng là ngả bí lối, là đường cùng giống như huyết mạch bị nghẽn do cholesterol dư thừa.

Điều kiện thứ ba: không cố chấp. Không chấp ngã là tâm trạng của người hiểu và sống hòa đồng với nhất thể hay toàn thể. Một nhà lãnh đạo phải thống nhất được tâm ý của nhóm người ngưỡng mộ mình. Phải hiểu rõ vô ngã và sống với vô ngã. Phàm ngã biểu lộ qua thái độ cố chấp. Còn vị kỉ là còn cố chấp, còn kỳ thị, còn chiến tranh, oán hận, thù địch ở mọi xã hội.

Hầu như cuộc sống của chúng ta khó vươn tới tâm tùy hỷ chân thành. Phân biệt thuộc vật chất, sinh lý; còn hòa hợp thuộc tinh thần. Hòa hợp chỉ hiện hữu trong thế giới tâm linh, đó là tính giác siêu đẳng. Người nào ngộ được tâm thể siêu xuất này, người đó là vị lãnh đạo chân chính. Ngày nay lòng vị kỷ là nguyên tắc chi phối đời sống. Xã hội, quốc gia, gia đình và cá nhân đều bị điều đó khống chế. Luật Di dân có sắc thái kỳ thị. Nền y khoa hiện đại được xây dựng bằng tâm thức vị kỷ và y học chính thống không chấp nhận những cách trị liệu và thuốc men khác biệt. Tất cả các tôn giáo đều bài xích nhau. Muốn thành công trong kỹ nghệ hay kinh doanh phải công kích đối thủ. Giờ đây ngay cả các gia đình cũng phân hóa vì vị kỷ.

Y thuật Ohsawa là sống với lòng vị tha, với tâm đại đồng, nghĩa là vui sống với bệnh tật, với vi khuẩn, đau đớn và ung bướu. Đó là những người bạn chân thành, những ân nhân.

Tiên sinh thường bảo: tôi chưa bao giờ gặp được một người mà tôi không ưa thích cả. Tôn sư đạo Bahai nói: hãy yêu kẻ thù của bạn. Chúa Kitô bảo: nếu má bên trái của bạn bị tát thì bạn cứ đưa thêm cho họ má bên phải. Lòng thương người như thể thương thân là vậy. Tôi chưa có được tâm lượng này. Do đó tôi chưa phải là tôn sư, tuy nhiên tôi đang nỗ lực đạt đến đức độ này để yêu mến được mọi người.

Vì 99% thiên hạ mang trong lòng tính vị kỷ nên kẻ nào vị tha sẽ là người lãnh đạo chân chính. Trong lịch sử loài người, số người lãnh đạo nhân từ ít ỏi quá. Thời nay, chiến tranh, chống đối đầy rẫy ở mặt địa cầu vì hiếm có người lãnh đạo chính trị hay tâm linh chân chính.

Điều kiện thứ tư: nhà lãnh đạo phải hạnh phúc và tráng kiện nhờ óc thông tuệ của bản thân. Nếu không an lạc và khoẻ mạnh thì người đó chưa đủ tài đức vì 2 yếu tố này tùy thuộc óc mẫn tiệp. Nhà lãnh đạo chân chính còn phải lo cho gia đình, bằng hữu, xã hội được hạnh phúc và khoẻ mạnh. Đời nay, khi tranh cử, các ứng cử viên hứa hẹn là có khả năng lo cho dân được hạnh phúc, nhưng chính bản thân họ còn bất hạnh và ốm đau! Thật khó lòng mà thấy được chân giá trị của ứng cử viên nên quần chúng đều tùy thuộc vào các phương tiện tuyên truyền, quảng cáo của họ hay của các ủng hộ viên cùng phe. Nếu những người này trúng cử thì rõ ràng là xã hội không thể hạnh phúc và hùng cường được.

Điều kiện thứ năm: tính khiêm tốn khiến nhà lãnh đạo không lố bịch, kiêu hãnh vì tài năng hay thành tựu của mình... Khi còn ở đại học, tôi có tham dự buổi thuyết trình với chủ đề Thế giới quan, do các học giả sau trình bày: người thứ nhất Chikao Fujisawa nói về quốc giáo của Nhật; người thứ hai Shumai Ohkawa, người hiểu rành về lịch sử nước Đức và cũng là lý thuyết gia của chính quyền quân phiệt Nhật; người thứ ba Shuzo Takado là giáo sư chuyên về tín ngưỡng; người thứ tư là George Ohsawa.

G. Ohsawa ghi vào tâm khảm tôi một ấn tượng sâu sắc. Luận theo nguyên lý âm dương, tiên sinh giúp mọi người hiểu rõ căn bản văn hóa Đông - Tây. Bài nói chuyện của Tokado làm tôi say mê, đặc biệt là câu: “Tôi nhìn mọi người với cả lòng quý mến vì tôi cảm thấy họ lương thiện, tinh khiết và nhân từ hơn tôi”. Ohsawa bảo rằng chưa bao giờ tiên sinh gặp được người mà tiên sinh không thích. Tokado bảo không bao giờ giáo sư gặp người thấp kém hơn ông, dù ông là học giả nổi tiếng, nhà văn, nhà tu hành ở Nhật. Thật là con người khiêm tốn. Khi tôi nghĩ đến điều kiện thứ năm của nhà lãnh đạo là tôi liên tưởng đến đức khiêm tốn của Shuzo Tokado.

Có tính nhún nhường và không cố chấp như vậy, con người ta sẽ nhận được sự giúp đỡ của nhiều người mà không một đòi hỏi đền đáp lại. Đó chính là nhà lãnh đạo Thực Dưỡng thực sự.

Hãy luôn rộng mở. Khi chúng tôi chuyển từ Nữu Ước tới Chico, chúng tôi có vài gia đình, gồm 36 người. Chúng tôi vẫn còn vị kỷ - ví dụ như, nhà nào trông trẻ con nhà nấy. Nếu bạn muốn gây thiện cảm với mọi người, bạn phải hòa hợp với mọi người.

Muốn thế giới hòa bình phải khởi sự sống hòa thuận với người láng giềng. “Một thế giới hòa bình” phải bắt đầu bằng những cộng đồng hạnh phúc.
Thelast
44. Thực Dưỡng và y khoa: sự cân bằng
Tháng 4 năm 1984


Chúng tôi có yêu cầu các thành viên hội Thực Dưỡng viết thư cho các nghị sĩ trình bày quan điểm của Thực Dưỡng để Uỷ ban đặc trách Sức khoẻ của Hạ nghị viện hiểu được sự khác biệt với những gì họ đã nghe. Kể từ đấy, nhiều hội viên đã hưởng ứng lời kêu gọi và hầu hết các nghị sĩ đều tán thưởng.

Riêng tôi, để trả lời rốt ráo, tôi nghĩ là đã tìm thấy được điểm then chốt khiến cho phong trào Thực Dưỡng bị hay không bị vướng vào trường hợp của bà Beth Simon (bà lạm dụng thuốc men và chết vào tuổi 60, trong khi bà ăn uống theo phương pháp Thực Dưỡng một cách nghiêm khắc). Nói rõ và gọn hơn, thái độ cố chấp cuồng tín nhằm vào phương pháp Thực Dưỡng và “việc hành nghề y khoa không giấy phép” sẽ là những yếu tố chính giúp ta phán quyết rằng phương pháp Thực Dưỡng tiến triển được hay không ở Mỹ.

Qua bao nhiêu cách khám bệnh, thật khó mà định nghĩa thế nào là hành nghề y sĩ. Dĩ nhiên, nếu tất cả mọi người theo phương pháp Thực Dưỡng đều được lành bệnh và sức khoẻ khả quan hơn xưa thì không có điều gì để nói. Nhưng trên thực tế, trong số đó có người không được lành bệnh, mà lại có người bị chết, thì phong trào Thực Dưỡng sẽ trở thành mục tiêu cho dư luận lên án là hành nghề lang băm. Theo ý tôi, đó là thái độ độc đoán, cuồng si nhằm đả kích các bệnh nhân. Trong cuốn “Phân tích bệnh tật”, Norman Cousins nhấn mạnh sự quan trọng của thức ăn, nhưng ông cũng đề nghị “phong trào sức khoẻ lành mạnh” cũng như ngành y học nên tận dụng trí phán đoán.

Thật là một sai lầm trầm trọng nếu nghĩ rằng thuốc men có thể đạt được mục đích mong muốn nên bất kể các thứ gì khác lạ vẫn được đưa vào thân thể của con người. Hoặc quan niệm rằng các món ăn bổ dưỡng không thể trị lành được bệnh, dù có kết hợp với thuốc men hay không.

Thật là chí lý nếu trong cuộc đời mình có một số bác sĩ hiểu rõ và chấp nhận để dinh dưỡng có một vị trí cao quý trong lĩnh vực trị liệu một chứng bệnh. Và cũng chí lý khi ta đợi chờ ông ấy lắng nghe lời tỏ bày của chính bệnh nhân về điều kể trên, dù cho bác sĩ ấy có thể nhận thấy hay không nhiều điểm phi logic và những sai sót cụ thể.

Tuy nhiên thật là vô lý nếu trông đợi giới y bác sĩ tin rằng các thực phẩm ngũ cốc không những bổ dưỡng mà còn là một phương thuốc trị được mọi bệnh. Điều cần thiết ở đây cũng như mọi sự việc trên đời, là đắn đo thế nào để không toan tính loại bỏ vitamin, mà cũng không xem vitamin là yếu tố duy nhất giúp cho sức khoẻ được hoàn hảo.

Cả đôi bên, bác sĩ và bệnh nhân, nên có thái độ cân nhắc cho hợp lý. Phong trào lành mạnh hóa sức khoẻ có thể đạt được hiệu quả khi tìm được cách cân đối này.

Vì Ohsawa thẳng thừng lên án Tây y là phương pháp đối chứng trị liệu, không hiệu nghiệm và thỉnh cầu chúng ta hãy dùng thực phẩm để trị hầu hết mọi bệnh, nên người nào có óc mẫn cảm như Cousins đã đề cập, đương nhiên nghĩ rằng phương pháp Thực Dưỡng là ngoan cố, là cuồng tín và là tác nhân nguy hiểm.

Những ai từng chứng nghiệm kết quả kỳ diệu của lối ăn uống Thực Dưỡng thì mới không thắc mắc về lời phát biểu của Ohsawa, nhưng nếu chưa chứng nghiệm thì họ sẽ cho lối trị liệu bằng dinh dưỡng ấy là xảo thuật và những người thực hành phương pháp Thực Dưỡng là điên khùng.

Chừng nào mà phong trào Thực Dưỡng còn bé nhỏ thì chẳng ai đoái hoài đến, nhưng khi phong trào lớn mạnh, tiếng tăm vang dội thì cả đến y khoa cũng chú tâm đến lời nói của Ohsawa “không có bệnh nào lại chữa trị đơn giản bằng bệnh ung thư”. Ohsawa hô to như vậy để gây chú ý cho quần chúng vào hiệu quả của thực phẩm. Tuy nhiên hiệu quả chỉ đến với ai thấu hiểu phương pháp Thực Dưỡng bằng trí tuệ chân chính. Lời Ohsawa nói là lý tưởng, nhưng thực tế thì khác. Ông biết rõ điều đó nhưng lại muốn trở thành một người lý tưởng hóa.Giờ đây Hạ viện Mỹ (1984) đang xem xét phương pháp Thực Dưỡng. Họ nên hiểu rằng, điều gì đã nêu ra trong “Thiền Thực Dưỡng” là lý tưởng chứ không phải thực tế, và mục tiêu của các môn sinh Thực Dưỡng là: nếp sống lành mạnh, sức khoẻ hoàn hảo, tuổi thọ cao và một thế giới hòa bình, trong đó thực phẩm là y dược. ở thời điểm của một xã hội “văn minh đầy bệnh tật” này thì các bậc huynh trưởng và các môn đệ Thực Dưỡng có thiện ý nên hợp tác với các ngành chức năng y khoa và trình bày tất cả các kiến thức Y khoa Thực Dưỡng cho các vị bác sĩ nhằm cứu giúp những kẻ đau khổ, kể cả các bệnh nhân bị bác sĩ bỏ rơi.

Norman Cousins nghĩ rằng nên cân nhắc giữa y khoa và phép ăn uống Thực Dưỡng... Tôi sẵn sàng hợp tác với vị bác sĩ nào muốn tôi đến gửi lời khuyên bảo các bệnh nhân của họ. Nếu việc điều tra của Hạ viện có thể làm loé lên tia sáng để có sự hợp tác giữa y khoa và phương pháp Thực Dưỡng thì lợi ích đối với bệnh nhân cũng như đối với người khoẻ mạnh lớn lao biết nhường nào!

Nhân sinh quan của Thực Dưỡng là thế, vì nó biến thù thành bạn, bất hạnh thành an lạc.
Thelast
45. Thay đổi biến dịch ra sao
Tháng 5 năm 1984


Người bệnh thường bị lỗi lầm do quá kỳ vọng vào sự bình phục. Khi bắt đầu theoThực Dưỡng, nhiều người nóng lòng muốn được khả quan tức khắc và ước cho sức khỏe được cải thiện thêm mãi. Nhưng trên thực tế, không phải trường hợp nào cũng được toại nguyện như thế.

Hầu như trong mọi trường hợp, kết quả chỉ thể hiện rõ sau nhiều ngày áp dụng phương pháp ăn Thực Dưỡng. Có thể từ một tuần tới 10 ngày hoặc hơn nữa. Kế đó, có khoảng thời gian bệnh trạng không thấy tiến triển gì cả. Khi bắt đầu thấy nghi ngờ thì sức khỏe lại được cải thiện. Sau đó một thời gian dài, sức khỏe mới lại tiếp tục được cải thiện.Tóm lại những thay đổi này theo biểu đồ bậc thang chứ không phải theo biểu đồ tuyến tính.

Trên biểu đồ bậc thang không có sự biến đổi trong một giai đoạn, rồi sau đó có biến đổi đột ngột. Còn trong biểu đồ tuyến tính, vài chuyển biến xảy ra mỗi ngày theo tỷ lệ nào đó; đường biểu thị gần như thẳng hay cong nhưng không phải biểu đồ bậc thang.

Hiệu quả của phương pháp ăn Thực Dưỡng đối với bệnh tật được nhận thấy qua sự thay đổi phẩm chất máu hàng ngày. Nhưng phẩm chất của máu không thấy ảnh hưởng bao nhiêu vào các tế bào, vào cơ quan bị bệnh, vào các cơ bắp hay vào sự đồng hóa của tế bào. Do ảnh hưởng nhãn tiền của thức ăn quá ít nên rất khó được ghi nhận hàng ngày, mà phải sau một thời gian lâu hơn. Cần hiểu rõ điều này để khỏi bị thối chí vì nhịp độ tiến triển chậm của sức khỏe.

Còn một lý do nữa khiến ta cần hiểu rõ sự kiện quan trọng trên đây, để áp dụng khi ta còn khoẻ mạnh. Đấy là mỗi lần ta ăn uống vô chừng mực, triệu chứng ốm đau chưa xuất hiện liền, trừ khi ta suy yếu quá. Thế thì vài người có thể nghĩ rằng “ta ăn cách này hàng ngày cũng được chứ!” và hậu quả là thức ăn kém dinh dưỡng sẽ đổi phẩm chất của máu, của tế bào rồi đưa đến tình trạng rối loạn cơ quan nội tạng và ốm đau, những triệu chứng này bất chợt xuất hiện thì bênh tật cũng từ từ ló dạng. Đối với người khoẻ mạnh, vì họ có khả năng chất chứa nhiều chất độc hơn, triệu chứng bất thường chậm xuất hiện hơn, nên khi bị bệnh thì họ bị nặng hơn người yếu.

Theo phương pháp Thực Dưỡng được chừng 7 năm, cơ thể sẽ được cường tráng, dù trước kia ta yếu sức. Khoẻ mạnh rồi ta lại đi ăn uống tùy thích, ròng rã suốt 6 tháng như thế mà không thấy dấu hiệu bệnh tật trong thân thể. Rồi một ngày kia bệnh tật bất thần lộ diện. Lúc này bệnh đã bám rễ rất sâu nên phải cần thời gian dài để tự lành, dù có theo phép ăn khắt khe. Đây là lúc mà nhiều người ngờ vực hiệu năng của phương pháp Thực Dưỡng để chạy theo y học hiện đại hay đối chứng trị liệu. Rồi bệnh trạng mỗi lúc một trầm trọng thêm mỗi khi dùng thuốc.

Sức khoẻ còn một lối chuyển hướng nữa, theo đường xoắn ốc. Có hai dạng: ly tâm và hướng tâm.

Bệnh xuất phát từ trung tâm bệnh, tới máu, rồi đi khắp cơ thể. Như vậy bệnh phát triển theo hướng ly tâm. Bệnh thuyên giảm cũng theo hướng này, nghĩa là máu từ từ được thanh lọc, phẩm chất thiên nhiên của máu từ từ được phục hồi và đi nuôi dưỡng toàn thân.

Tuy nhiên nhịp độ phát triển và thuyên giảm của bệnh thì chậm lúc đầu, rồi nhanh dần lên để tạo thành hình xoắn ốc quy tâm.

Sự biến đổi sau cùng theo quy trình tuần hoàn vì hiển lộ theo chu kỳ thiên nhiên đều đặn. Sinh hoạt hàng ngày, sự đói khát, bài tiết, biến dưỡng chất dương... đều đổi thay hàng ngày hay hàng giờ. Cũng có hiện tượng xảy ra theo chu kỳ hàng tháng: kinh nguyệt, việc rụng trứng hàng tháng.

Nhịp đập của tim theo chu kỳ hàng giây đồng hồ và hơi thở theo chu kỳ 4 giây và các nhịp độ này nhanh hơn nếu thân thể vận động vất vả, nhưng vẫn vận hành đều đặn theo chu kỳ nhất định, dù nhanh hay chậm. Dường như nhịp đập của tim giống như chuyển động của sóng biển và chu kỳ tình dục liên hệ đến tuần trăng.

Giá trị dinh dưỡng của thức ăn diễn biến theo các chu kỳ này: các loại thú chịu nhiều ảnh hưởng của tuần trăng, vậy thì khi ăn thịt thú ta cũng phải chịu tác dụng của tuần trăng hàng tháng, mà hậu quả bất lợi là tính khí thô tháo bất thần biến thiên do kích thích tố của thú truyền sang người. Khi ta dùng thức ăn thực vật thì ta cũng phải chịu ảnh hưởng của chu kỳ tiến triển của chúng (cốc loại trồng độ một năm thì mới thu hoạch) nên cảm xúc của người ăn cốc loại cũng dịu hơn.

Sự phát triển của cây cối cũng diễn biến theo chu kỳ mặt trăng hàng tháng và nương theo chu kỳ mặt trời. Vậy cũng phải có biến chuyển của vạn vật dưới ảnh hưởng của sao Kim, sao Thuỷ và sao Hoả hay các hành tinh khác. Loài người thời cổ biết rõ sự tuần hoàn của các vì sao, cho nên tên gọi các vì sao ấy được ghi vào niên lịch.
Thelast
46. tưởng nhớ ohsawa lần thứ 18
Tháng 5 năm 1984


George Ohsawa la rầy nghiêm khắc mấy môn đệ khi họ lười nhác, không tháo vát, thiếu sáng kiến, không vận dụng óc phán đoán, nghĩ và làm không đúng nề nếp và đặc biệt khi họ xin lỗi. Tiên sinh mắng nhiếc thậm tệ những ai xin lỗi nhằm trốn trách nhiệm. Trước mặt bạn đồng môn, kẻ phạm lỗi bị xỉ vả và càng xin lỗi càng bị la rầy thậm tệ hơn.

Tiên sinh không bao giờ chấp nhận xin lỗi dù xin lỗi hợp lý. Lí do thật đơn giản. Tha thứ lầm lỗi cho một người chỉ làm cho họ thêm bất hạnh.

Trong xã hội hiện đại, người ta làm ăn được nhờ biết xin lỗi. Dường như kẻ xin lỗi nhiều nhất, lại gặt hái nhiều thành quả nhất trong công việc và địa vị của họ. Công nhân khéo xin lỗi để được tăng lương. Kẻ lầm lỗi mà không chịu xin lỗi phải bị mất việc. Phạm tội nặng mà xin lỗi không êm tai thì thọ án nặng hơn. Công lý thời nay tùy thuộc vào sự khéo léo xin lỗi của người phạm lỗi.

Thế thì lối giáo dục không chấp nhận sự xin lỗi hết giá trị rồi chăng? Không đâu! Theo thiển ý chúng tôi, việc thứ lỗi chỉ có giá trị tạm thời và ngắn hạn. Dù sự nhận lỗi có sâu sắc thế nào đi nữa, nếu bạn không sửa việc sai quấy thì thiên hạ cũng không chấp nhận việc tái phạm. Vậy thì nhận lỗi không phải là giải pháp sau cùng mà là đối trị triệu chứng tạm bợ.

Hệ trọng hơn, kẻ nào luôn xin lỗi sẽ làm mất lòng tin cậy của kẻ khác, vì kẻ lạm dụng việc xin lỗi hay chìa “bạc giả” ra.

Còn một lý do nữa để nền giáo dục không thứ lỗi được đề cao là lỗi chỉ có thể được người tha thứ, chứ thiên nhiên thì không tha thứ. Sai lầm trong ăn uống có thể sinh ra bệnh như cảm, ho... Vợ bạn thì đổ lỗi cho bạn quá chén, bạn lại đổ lỗi cho bạn bè lôi kéo... Tuy nhiên bạn không thể xin thiên nhiên hay trật tự vũ trụ tha lỗi cho bạn để hết đau ngay hoặc hết bệnh tức khắc. Thiên nhiên giáng trả cho bạn đúng mức độ trừng phạt tương xứng với mức độ sai lầm bạn đã gây ra. Vì lý do này, Ohsawa không bao giờ rầy môn sinh của phương pháp Thực Dưỡng khi họ bị đau ốm. Ông thấy không cần làm điều này.
Thelast
47. Chuyến du thuyết đến thành phố Mêhicô
Mùa hè năm 1984


Vào cuối tháng tư, Cornellia và tôi đến thành phố Mêhicô cho chuyến lưu thuyết 12 ngày. Chúng tôi đi vào lúc 4h30’ sáng. Mọi người khuyên chúng tôi nên đem theo quần áo ấm vì thành phố Mêhicô ở độ cao lớn so với mặt nước biển.

Mêhicô thật là thú vị. Đó là đất nước của nền văn minh Aztec và Maya. Đầu cuộc hành trình chúng tôi gặp nhiều khó khăn. Tôi đau đầu trong 3 ngày và sau đó bị đi ngoài trong 5 hôm. Dù sao, những chứng này cũng biến mất rất nhẹ nhàng. Tôi trở về nhà với tình yêu của nhiều bạn bè Thực Dưỡng Mêhicô. Họ quý chúng tôi đến nỗi tôi có cảm tưởng họ như là con cái chúng tôi vậy. Giờ đây, Mêhicô không còn là một đất nước xa lạ nằm ở Nam Mỹ. Khi chúng tôi nhìn lên bản đồ Mêhicô, tâm trí tôi tràn ngập những hình ảnh về những trung tâm Thực Dưỡng ở thành phố này: tầng ba tòa nhà, nơi tôi ở trong 12 ngày; lò bánh mỳ nằm ở trên mái; bà già, người làm bánh mỳ và món bánh Thực Dưỡng ngon tuyệt; Carola, người chủ nhà (tổ chức lớp học ở trung tâm tòa nhà) và nhiều người tình nguyện - những người đến trung tâm từ sáng sớm tới tối muộn - dọn bếp, lau sàn, nấu nướng, trả lời điện thoại và bán thức ăn dưỡng sinh một cách nhiệt tình và vô tư.

Trung tâm giống như một bông hoa loa kèn mọc trên một vũng bùn. Mọi người làm việc giống như những con chim hót líu lo trong rừng. Bước ra bên ngoài một bước là đường phố Mêhicô luôn luôn không bao giờ ngớt những tiếng động, nơi mà bạn không nhìn thấy gì ngoài những sản phẩm hàng đống và những thực phẩm độc hại. Thật là diệu kỳ, một tổ chức Thực Dưỡng lại có thể tồn tại ở trung tâm thành phố mà dân số đông gấp 3 lần thành phố Los Angeles. Cũng thật kỳ lạ là tòa nhà ba tầng được sở hữu và điều hành bởi một phụ nữ trẻ, không hề biết kinh doanh, mà chỉ là tiến sĩ toán học.

Mặc dù tôi ở đấy chỉ 12 ngày, tôi đã nhìn thấy vài vấn đề tồn tại ở Mêhicô:

1. Một phần ba số cây trồng trong các công viên mà chúng tôi đi thăm ở thành phố Mêhicô đang chết. Không có hệ thống tưới nước trong các công viên và không khí bị ô nhiễm. Tôi bị đau đầu trong 3 ngày vì không khí xấu đó. Trong thành phố, bạn không thể nhìn thấy mặt trời.

2. Nhà băng sở hữu bởi chính phủ. Dù sao, chính phủ không đổi tiền (giữ tiền) cho người dân mà là cho chính họ (tôi nghĩ vậy). Do đó, đổi tiền (rút tiền/gửi tiền) ở Mêhicô thật khủng khiếp, ví dụ, tỷ lệ lợi tức là 60%. Không ai dám mượn tiền ở ngân hàng, ngoại trừ những tên găngxtơ (kẻ cướp). Theo tôi, tình hình tài chính Mêhicô thật nguy hiểm.

3. Nhiều dân thành thị có óc tư duy xã hội thấp. Ví dụ, tôi thấy nhiều lái xe đi vào đường cấm. Nói cách khác, mọi người không tin cậy vào luật lệ chính phủ mà chỉ sống theo ý mình. Xu hướng như thế có thể dẫn đến xung đột chính trị.

4. Người dân gốc Mêhicô thuần tuý trở nên hiếm dần. Người dân Mêhicô hiện nay là sự pha trộn của người Tây Ban Nha hay người da trắng và người da đỏ. Những người thích hợp với nền văn minh phương Tây dường như rất giàu và có địa vị cao. Những người không thích hợp thì đặc biệt chịu ảnh hưởng của Tây Ban Nha, ngay cả văn hóa Tây Ban Nha cũng bị pha trộn với văn hóa Mêhicô. Đối với tôi, văn hóa Mêhicô dường như bị ảnh hưởng thái quá bởi văn hóa Tây Ban Nha. Rất khó phân biệt đâu là nguyên bản. Điều này tương tự như tình trạng ở Nhật Bản. Rất khó mà phân biệt đâu là con người của nền văn hóa Nhật với những người chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa, ấn Độ và phương Tây. Tất cả các văn hóa pha trộn lẫn nhau để tạo thành nền văn hóa kỹ nghệ phát triển này. Do đó, không còn có cái gọi là “văn hóa thuần chủng” tồn tại nữa.

Người theo Thực Dưỡng ở Mêhicô là những người trí thức. Họ là những là lãnh đạo của Mêhicô, mặc dù bây giờ họ rất âm. Dù sao, họ cũng rất nghiêm túc trong việc học hỏi Thực Dưỡng. Họ theo chế độ Thực Dưỡng rất nghiêm chỉnh. Những con người này có đức tính cao cả hơn những người theo Thực Dưỡng ở Nam Mỹ mà tôi biết, bởi vì họ biết thưởng thức và biết giá trị những bài dạy về Thực Dưỡng nhiều hơn.

Theo tôi, những con người Mêhicô này sẽ đi tiên phong không chỉ đối với dân Mêhicô mà còn cả đối với nền văn hóa Mỹ tương lai.
Thelast
48. Vài cảm nghĩ về hôn nhân
(Trích từ bài nói chuyện ở Vega)

Tháng 6 năm 1984


Một số người hạnh phúc nhiều hơn trong hôn nhân, một số khác hạnh phúc hơn khi sống một mình. Hôn nhân quả thật là rắc rối! Một mình bạn đã đủ rắc rối rồi, hai người thì bạn còn rắc rối thêm nữa. Nhưng tôi thấy hầu hết những cặp vợ chồng đều bị khổ sở gấp bốn lần - mỗi người bị khổ sở gấp hai lần. Đôi lúc nó sẽ là như thế, nếu bạn không may mắn. Có mấy ai hưởng được hạnh phúc trong hôn nhân.

Theo thiển ý tôi nếu bạn trông chờ một hôn nhân hạnh phúc thì bạn sẽ bị thất vọng và đi đến đổ vỡ. Chính bạn phải tạo ra hạnh phúc, không ai cho bạn hạnh phúc cả.

Khi còn ở Nữu Ước, chúng tôi ít giao thiệp, nhưng khi đến California thì chúng tôi gặp nhiều bạn hữu Thực Dưỡng gốc Mỹ. Một ông bạn nói với tôi: “Vợ tôi tuyệt vời”. Ông ta khen vợ từ đầu đến chân, rồi... sau vài tháng họ ly dị. Tôi phải giật mình, người Nhật thì trầm lặng hơn. Họ chả bao giờ trầm trồ khen vợ hay chồng của họ. Vợ luôn luôn làm cho chồng chú ý đến mình. Chồng chả khi nào nói: “Ô, em đẹp quá!” để vợ phải cố gắng giữ sắc đẹp và vợ cũng có thái độ như thế với chồng.

Cũng giống như hương vị gạo lứt, nó không phải là hương vị của thịt dồi hay của thức ăn chiên xào nhiều dầu mỡ Trung Hoa, nếu ngày nào cũng dùng các món ăn này bạn dễ chán ngấy. Tôi ăn gạo lứt được 40 năm, có bao giờ tôi chán nó đâu. Gạo lứt được nấu kỹ, nhai kỹ thì nó là thức ăn ngon ngọt làm sao! Bạn khỏi cần nhai nhiều các món cao lương mỹ vị, nó sẵn ngon rồi. Vậy thì bạn hãy xem hôn nhân như cơm gạo lứt, phải ôn tồn nghiền ngẫm thật kỹ. Nếu sống hào nhoáng, đòi hỏi như ông hoàng bà chúa thì hôn nhân tất phải bị chết yểu. Phấn đấu vất vả chỉ để có một căn nhà đẹp, như thế thì kéo dài quá lâu.

Về việc chọn người bạn đời có ngày sinh đối xứng với nhau, tôi thấy, việc phối hợp này có gặp khó khăn. Tôi có người bạn có ngày tháng sinh thật đối xứng với người hôn phối, cách nhau 6 tháng. Ohsawa hài lòng khi biết được sự việc này. Về sau người vợ than phiền: “Tôi là kẻ bất hạnh”. Khi tôi đến thăm thì mới hiểu là họ trái ý nhau về sở thích, về quyền lợi, tính tình... Chàng muốn đi săn, đi câu... nàng muốn ở nhà xem sách. Vợ chồng không thông cảm được việc làm của nhau.

Ohsawa cho rằng vợ chồng sẽ hạnh phúc nếu sinh vào thời tiết đối nghịch, nhưng vợ chồng còn phải cùng nhìn về một mục tiêu. Ohsawa đã cưới nhiều vợ trước bà Lima. Ohsawa luôn quan tâm đến việc giảng dạy Thực Dưỡng cho mọi người, nhưng mấy bà vợ trước không quan tâm đến điều đó. Bà Lima thì say mê Thực Dưỡng và sẵn sàng giúp ông. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng bà vẫn bền chí. Bà cách Ohsawa 6 tháng sinh.

Nếu bạn thích Thực Dưỡng, thì tốt hơn là chọn người bạn trăm năm cũng thích Thực Dưỡng. ái ân, tình tứ không lâu bền nhưng sự chăm sóc nhau mới bền. Tình yêu mang ý nghĩa cao đẹp nhưng lại đòi hỏi nhiều điều kiện. Trong điều kiện của xã hội hiện tại thì “em yêu anh” (hay “anh yêu em”) không phải là tình yêu tuyệt đối, nên phải thận trọng. Nhiều người đã vỡ mộng.

Điều kiện nữa là sự tôn trọng. Khi người chồng làm một việc gì đó thì người vợ có thể quan tâm, giúp đỡ anh ta và ngược lại, khi người vợ làm điều gì đó thì người chồng cũng cần quan tâm, giúp đỡ vợ. Vợ chồng nên kính trọng việc làm của nhau, dù việc làm đó không nằm trong khả năng của mình hay khác biệt với sở thích của mình. Yêu thương khác với tán tụng, cho nên bạn khỏi cần phải là tay đầu bếp đại tài. Lòng kính mến phát xuất từ trí tuệ. Tán tụng thuộc tình cảm hào nhoáng. Bạn say mê ngôi sao màn bạc, nhưng kính trọng là sự khiêm nhường - “cô ấy đồng ý làm vợ tôi, mặc dù tôi chẳng phải là người đàn ông vĩ đại”. Nếu bạn nghĩ “Tôi có thể cưới bất cứ ai”, thế thì bạn không kính trọng người yêu bạn. Sự khiêm tốn trong hôn nhân rất quan trọng, phải biết rõ điều này để chia sẻ nỗi niềm với nhau. Kiêu căng đưa đến đổ vỡ.

Kế đến là ẩm thực, ngon miệng khó đạt hơn hạnh phúc. ít ai biết được lạc thú này trong hôn nhân. Đây là cả một vấn đề phải giải quyết, một khó khăn phải vượt qua để sống hòa hợp với người khác. vài người phải bỏ Thực Dưỡng vì lý do này. Vì phải cân phân giữa Thực Dưỡng và không phải Thực Dưỡng nên bạn khó hành trì phương pháp Thực Dưỡng. Bạn nghĩ gì khi được mời đến một bữa tiệc không phải Thực Dưỡng. Ohsawa ăn tất cả các món gì người ta mời ông trong tiệc, khi về nhà ông yêu cầu chúng tôi cho ông uống trà Bancha, vị thuốc của ông. Ông luôn tìm tòi thử thách. Nhưng ở nhà hàng ông ăn rất thận trọng và ăn rất ít. ăn ở ngoài là cơ hội tốt cho ông để thử mọi thứ khác.

Đặc biệt, trong những vấn đề then chốt, vợ chồng nên chia sẻ tâm tư với nhau. Nếu mỗi người làm nghề riêng biệt thì đôi khi khó ở với nhau cho bền. Cùng làm việc, nhưng chồng lo đồng áng, vợ chăm sóc gia đình thì dễ tạo sự êm ấm. Tôi có quen hai vợ chồng nọ, họ dời nhà ra ở miền quê trong căn nhà gỗ nhỏ hẹp để mở đầu cuộc sống lứa đôi. Người chồng kiếm sống bằng cách chữa bệnh tâm lý, vợ cũng giúp đỡ chồng - cha nàng là nhà tâm lý học nổi tiếng.

Lúc đầu họ tâm đầu ý hợp nhưng về sau nàng bỗng nghĩ: “Tôi dư sức làm việc này được”, thế là xảy ra cãi vã. Cuối cùng, mỗi người mỗi việc. Họ đã ly dị nhau.

Tại sao gia đình của rất nhiều giảng viên Thực Dưỡng bị đổ vỡ dù họ đã am tường các điều vừa nêu trên? Có thể họ mong đợi quá nhiều, đòi hỏi quá nhiều. Chẳng hạn một chàng trai theo phương pháp Thực Dưỡng muốn được cô vợ Thực Dưỡng tuyệt hảo, một người mẫu mực của loài người. Hình như đàn ông hay nhìn phụ nữ với cặp mắt lý tưởng.

ở Nhật Bản, trước đây gần 90% các cuộc hôn nhân đều do gia đình sắp xếp, giống như hôn nhân giữa hoàng tử Charles và công nương Diana. Gốc tích gia đình là một điều hệ trọng. Nếu thu nhập tương đương thì cuộc hôn phối tốt đẹp. Nghề nghiệp và nền giáo dục được xem xét. Người mai mối dò xét việc này trước tiên. Họ cũng điều tra ngược về 3 thế hệ, lịch sử của các cuộc tự sát, bệnh tật mãn tính... rồi đôi bên được gặp gỡ nhau trong vòng lễ giáo gia đình để bàn luận về các thú giải trí và sở thích. Nếu họ ưng nhau, họ sẽ tiến tới hôn nhân. Họ tôn trọng lời khuyên bảo vì các lời răn dạy ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc mai sau. Các thanh thiếu niên không đủ kinh nghiệm sống nên phải nghe theo lời người mai mối, đó là người hiểu rõ gia đình đôi bên.

Dầu vậy, một số cuộc hôn nhân chỉ trong vòng một năm đầu là đã có cãi vã và khủng hoảng. Người mai mối đến giảng hòa vì cha mẹ là người vị kỷ hẹp hòi thường bênh vực con ruột của mình. Người thứ ba rất quan trọng, rất khách quan và đóng vai trò như chuyên viên trong văn phòng giới thiệu hôn nhân (nhưng các tay nhà nghề cố vấn hôn nhân không biết gia đình đôi bên nên không làm được việc của người mai mối). Ohsawa cũng thích làm mai mối.

Điều kiện chủ yếu là nên theo trực giác (hay linh cảm) mà tìm bạn hôn phối - đây là yếu tố sau cùng để quyết định. Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi được tạo dựng qua sự cố vấn của cha mẹ tôi dù tôi không thích. Rồi đổ vỡ. Tôi đã nhờ anh tôi tìm hiểu giùm tôi cô Cornellia đang sống ở Nhật, còn tôi ở Nữu Ước. Anh tôi ngăn cản vì nàng đau ốm luôn. Nhưng tôi phúc đáp: “Vâng, được”, và chúng tôi thư từ suốt 2 năm. Tốt hơn đừng thấy nhau trước. Nếu bạn trông thấy nhau, bạn sẽ lừa dối nhau. Nếu bạn chỉ viết thư cho nhau, bạn không thể lừa dối nhau. Bạn khó viết dối trá, nhưng bạn có thể nói dối dễ dàng.

Cô Aveline yêu anh Michio cũng nhờ trao đổi thư từ (Michio Kushi và H. Aihara là đệ tử thân cận của Ohsawa - ND). Chuyện trò ít khi đưa đến quyết định nghiêm chỉnh. Chuyện quan trọng phải được viết (“bút sa gà chết”) - viết về mục đích bạn cần vươn tới cho kiếp sống này, về mẫu người cần phối hợp - người ấy phải đủ rộng lượng, để chấp nhận lỗi lầm và nhược điểm của bạn, phải thấu hiểu rằng bạn không hoàn hảo, bạn không phải là loại hàng hoá được bảo đảm phẩm chất trọn 5 năm chứ đừng nói đến trọn đời! Vậy thì một số người có được bạn chấp nhận kết thân hay không tùy thuộc vào tấm lòng của bạn cởi mở đến đâu. Nếu bạn bảo thủ đặt nhiều điều kiện, thì lúc nào đó phải đổ vỡ ly dị. Bạn nghĩ thầm: “Tôi có thể chấp nhận tới mức đó”, nhưng một thời gian sau đó thì không chịu nổi nữa. Đây là vấn đề! Nhiều người đang phân vân: độc thân hay lập gia đình thì tốt hơn? Độc thân ít khốn đốn hơn. Nên sống độc thân nếu không chịu đựng nổi những điều trái ý. (Nhưng ít khó khăn thì cũng ít hạnh phúc, ít bi thảm thì cũng ít hoan lạc). Bạn phải thành thật tự hứa là nên chấp nhận mọi cảnh thuận hay nghịch để rồi bạn mới có thể rèn luyện thêm đức nhẫn nhục nữa. Tôi là người mẫu mực trong đời sống lứa đôi, vì tôi được khuyên bảo như thế. Về sau tôi nhận thấy, phải xả kỷ nhiều hơn, phải biết nghe với tâm lượng rộng mở, nếu không thì cảm thông bị bế tắc. Phải sửa mình và chấn chỉnh nhiều vấn đề để hiểu nhau thật rõ, khi đó cuộc sống gia đình sẽ trở nên hòa dịu ngay.

Ví dụ như vợ tôi, Cornellia, có cách đề cập đến một vấn đề mà tôi hiểu rất rõ, do đó tôi nắm vững sự kiện. Luôn luôn bà nói “không” khi tôi bàn về vấn đề nào đó. Bạn nên tìm cách làm cho người hôn phối đồng ý với bạn - cả một thời gian dài đấy. Sau 30 năm chung sống, tôi mới thấy rằng cả 2 vợ chồng phải tìm giải pháp cho mọi vấn đề, một người đơn lẻ sẽ không tìm thấy.

Theo tôi, hôn nhân là một bài kiểm tra để xem phán đoán của bạn cao đến đâu, nếu cao thì thành công, thấp thì thảm bại. Dù chồng hay vợ bạn là hạng người nào đi nữa, bạn vẫn thành công nếu trí phán đoán của bạn đủ nhạy bén. Mỗi cá nhân đều có nhiều khả năng, nhưng không phải là tất cả các khả năng. Hạnh phúc tùy thuộc vào trí phán đoán. Hôn nhân là một thử thách rất lý thú.

Ngày nọ có một phụ nữ đưa chồng đến gặp tôi. Tôi xác nhận với chồng bà là tất cả điều gì bà muốn ông làm theo thì đều đúng hết! Sau đó tôi khuyên bảo họ về cách ăn uống đúng phép, rồi tôi xin mạn đàm riêng với bà. Thì ra cả hai không có cùng sở thích.

Bà ấy phấn khởi khi nói chuyện với các ông khác. Đặc biệt vào ngày chủ nhật, ông chồng “khoái” bóng đá trên tivi, còn bà thì cho đá banh là thô bỉ, người trí thức không thể thưởng thức được những món đó, và bà coi thường chồng.

Tôi tỏ bày: “Bà không nên phê phán trí tuệ của chồng qua các môn giải trí và sở thích của ông”. Tôi bắt đầu kể đời tư cho bà nghe: “Tôi thích mọi môn thể thao, đặc biệt là bóng đá, tôi luôn theo dõi các trận đấu của đài NFL, nếu có thì giờ rảnh tôi ủng hộ đội 49 và thấy phấn khởi khi họ thắng. Lúc đầu vợ tôi và con gái tôi không thích nhưng khi đội này đoạt cúp quốc gia thì con gái tôi trở thành khán giả thường xuyên và ủng hộ viên cuồng nhiệt. Các buổi trưa chủ nhật nó ngồi xem suốt trận đấu và tỏ nỗi vui buồn tùy theo sự thăng trầm thắng bại của đội này. Khi thì nó xịu mặt, khi thì nhảy khỏi ghế đấm tay lên không. Thái độ này gây ảnh hưởng cho vợ tôi rồi vợ tôi cũng “khoái” luôn và mỗi trưa chủ nhật là giờ đoàn tụ của gia đình tôi”.

Nếu chồng bà thích xem đá bóng, sao bà không tìm cách chia sẻ niềm vui sướng này. Không nỗ lực thực hiện điều này thì chồng bà cũng không bao giờ thấy thích phương pháp Thực Dưỡng của bà. Bà nên nhân nhượng trước. Hôn nhân phải như thế. Thiếu lòng quảng đại thì chuốc lấy buồn khổ mà thôi.

Thời buổi hiện nay, thiên hạ vị kỷ nên không cống hiến đời mình cho người hôn phối. Ly dị xuất phát từ quan điểm này. Niềm vui bản thân làm sao bằng sự chia sẻ niềm vui! Tại sao thiên hạ không từ bỏ được khoái lạc riêng tư? Vì trí phán đoán còn thấp kém.

Nếu trí phán đoán đã tiến hoá lên bậc cao thì ta không bị vướng mắc thú vui thân xác (ngũ dục): xem tivi, nói chuyện, bánh ngọt, rượu vang... Do đó ta không bị thất vọng hay mê muội khi thấy người bạn đời của ta đang đeo đuổi một thú vui trái ý ta. Chừng nào ta còn trí phán thấp hèn, chừng đó cuộc sống lứa đôi của ta phải bị gian nan, rối rắm. Mà các gian nan rắc rối ấy cũng cần thiết cho sự trau dồi trí phán đoán, và khi trí đó được cải thiện thì hạnh phúc sẽ phải đến.

Tôi có thể đoán biết đôi lứa nào hạnh phúc hay bất hạnh, nhưng tôi không nói ra. Vì khi xưa Ohsawa khen ai thì kẻ đó hỏng và khi ông ta bảo “Anh chả ra tích sự gì” thì người đó lại làm được việc. Đề cao kẻ khác, làm cho họ kiêu mạn, rồi họ sẽ bất cẩn. Thế là Ohsawa chỉ có chê trách mà thôi!

Vậy nếu bạn cưới người đàn ông tồi, bạn vẫn có thể thành công, và ngược lại, nếu bạn cưới một người đàn ông tốt, bạn vẫn có thể thất bại. Nếu chồng bạn là người đàn ông xấu, thì bạn phải làm việc tích cực hơn. Hôn nhân là một canh bạc: bạn đang nhảy bổ vào rừng sâu để đối đầu với cọp, sư tử hay nhào xuống đại dương thử sức với cá mập. Mà không thử thách thì không có thích thú trong mạo hiểm, phiêu lưu.

Còn một vấn đề nữa: khi bạn buồn bực hay bị đau ốm hay trong hình dạng xấu xí, thì đó là thời điểm mà bạn có thể thấy được người chồng thực sự - một người bạn thực sự - không chỉ trong hạnh phúc mà còn trong bất hạnh.

Để kết thúc, tôi nghĩ có lẽ bạn chỉ có thể bị lầm lỗi hai lần trong hôn nhân. Nhưng bạn phải thành công trong lần thứ ba.
Đây là phiên bản "lo-fi" của nội dung trang chính. Để xem phiên bản đầy đủ với nhiều thông tin hơn , xin hãy nháy vào đây.
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.