Chẳng cần nhìn đâu xa ngoài dòng sông chảy qua Shangba để hiểu được mức độ ô nhiễm kim loại nặng mà theo các chuyên gia là đã biến các xóm nhỏ ở khu vực phía nam Trung Quốc thành những làng ung thư.





Dòng chảy đổi từ màu trắng đục sang màu cam chói lọi, còn nước sông thì đặc sền sệt, chỉ hơi gợn lên trong gió. Ở Shangba, con sông chỉ đem đến sự chết chóc, không còn là nguồn nuôi dưỡng các cư dân nơi đây.

"Mọi loại cá đều không sống nổi, thậm chí cả gà vịt uống nước sông này cũng lăn quay ra chết. Nếu bạn nhúng chân xuống nước bạn sẽ bị phát ban và ngứa khủng khiếp", Hà Thuận Tài, một nông dân 34 tuổi sống ở Shangba từ lúc chào đời tới giờ, nói.

"Chỉ riêng trong năm ngoái, 6 người ở làng tôi đã qua đời vì ung thư, họ ở độ tuổi từ 30-40".

Ung thư đã phủ bóng đen xuống các ngôi làng ở khu vực phía nam tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc này khi đất trồng bị ô nhiễm kim loại nặng vốn được dùng trong sản xuất pin, linh kiện máy tính và nhiều thiết bị điện tử khác.

Mỗi năm, ước tính có tới 460.000 người chết sớm ở Trung Quốc do ô nhiễm không khí và nguồn nước, theo một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới năm 2007.

Hai cháu gái của bà Diệu Thuận vĩnh viễn ra đi ở tuổi 12 và 18 do ung thư thận và dạ dày mặc dù hai loại ung thư này hiếm khi nhiễm ở trẻ em. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, tỷ lệ ung thư đường tiêu hóa cao là do sử dụng nước ăn ô nhiễm.

"Chắc chắn là do Daboshan và nước bẩn", người bà 82 tuổi nói. "Các bé gái luôn chơi ở sông, thậm chí cả nước giếng của chúng tôi cũng bị ô nhiễm", bà Diệu nói.

Con sông nơi trẻ em hay chơi đùa kéo dài từ cuối mỏ Daboshan, do Công ty khai mỏ Dabaoshan Quảng Đông làm chủ, chảy qua trước ngôi nhà xiêu vẹo của bà. Nước sông bị ô nhiễm catmi, chì, indi và kẽm cùng nhiều kim loại khác.

Các làng lấy nước giếng làm nước ăn ở Shangba tưởng là an toàn nhưng nhiều mẫu thử mà trung tâm BioMed lấy về kiểm tra hồi tháng 7 cho thấy, nước giếng nơi đây chứa lượng catmi quá mức cho phép, một thứ kim loại nặng sinh ung thư, cũng như có hàm lượng kẽm quá lớn, có thể hủy hoại gan và dẫn tới ung thư.

"Trung Quốc có rất nhiều làng ung thư và rất có thể, các trường hợp ung thư đang ngày càng tăng này bắt nguồn từ ô nhiễm nước", Edward Chan, một chuyên gia thuộc tổ chức Hòa bình xanh ở phía nam Trung Quốc nhấn mạnh.

Nhưng không chỉ có nước, các kim loại nặng sinh ung thư cũng đã “xâm nhập” vào lương thực.

Hàng đống phế phẩm trong quá trình khai khoáng thải ra bên cạnh nhiều ruộng lúa trải khắp vùng.

"Nếu bạn kiểm tra thứ gạo này sẽ thấy nó có hại, nhưng chúng tôi vẫn phải ăn nếu không sẽ chết vì đói", Hà, một nông dân nói, khi anh trút gạo vừa xát vào bao tải". "Và chúng tôi cũng bán loại gạo này".

Đâu là số phận?

Rất ít gia đình ở các ngôi làng nằm dọc theo dòng sông chảy từ mỏ Daboshan thoát khỏi ung thư.

Hầu hết bệnh nhân là những người ung thư là dạ dày, gan, thận và ruột kết, chiếm tới khoảng 85% số ca mắc bệnh. Tỷ lệ ung thư ở các làng này chưa được thống kê, nhưng các nhóm nghiên cứu cho thấy chúng cao hơn nhiều so với mức trung bình quốc gia.

"Ở phía nam Trung Quốc, nơi cộng đồng dân cư sống phụ thuộc lớn vào các ao hồ, sông ngòi làm nguồn nước ăn, thì tỷ lệ ung thư hệ thống tiêu hóa rất cao", theo một báo cáo của "Sức khỏe con người và môi trường ở Trung Quốc”, do WHO và Chương trình phát triển Liên hợp quốc công bố năm 2001 đưa ra.

Khắp Trung Quốc, có hàng trăm, có lẽ hàng ngàn ngôi làng nhỏ không tên đang phải hứng chịu hậu quả phát triển kinh tế nhanh chóng của đất nước. Với tỷ lệ và loại hình ung thư mắc phải theo các chuyên gia nhận định, nguyên do chỉ có thể là ô nhiễm.

Có thể đây là số mệnh của ngày càng nhiều người dân Trung Quốc trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thần kỳ ở đại lục, khi các mỏ khai thác, nhà máy sản xuất ở Trung Quốc mỗi năm thải ra hàng triệu tấn chất gây ô nhiễm vào hệ thống nước cũng như không khí.

Tỷ lệ tử vong do ung thư tăng lên tới 19% ở các thành phố và 23% các khu vực nông thôn năm 2006, so với năm 2005.

Theo báo chí Trung Quốc, gánh nặng sức khỏe phải trả bằng cái giá kinh tế. Chi phí điều trị ung thư lên tới gần 100 tỷ nhân dân tệ/năm (14,6 tỷ USD), chiếm 20% phí tổn y tế của nước này.

Chết vì bệnh, nợ nần vì bệnh

Thiếu hệ thống y tế toàn quốc đồng nghĩa với việc hầu hết các bệnh nhân phải tự chi trả hóa đơn chăm sóc sức khoẻ.

Chi phí cho y tế chiếm tới 50% thu nhập gia đình ở Trung Quốc năm 2006 do bảo hiểm y tế không thỏa đáng, thống kê của một tờ báo xuất bản tháng 10/2008 cho biết.

Trung Quốc không có một hệ thống y tế toàn diện và hơn 80% nông dân không có bảo hiểm y tế, mặc dù chính phủ đại lục đưa ra kế hoạch cải tổ hoàn toàn hệ thống, ấn định mục tiêu hầu hết dân số sẽ được chăm sóc sức khoẻ cơ bản vào năm 2011.

Những con người thuộc "các ngôi làng ung thư", trong khi đó, phải vật lộn để có tiền chữa bệnh, thường lâm vào cảnh nợ nần khi lo thanh toán hóa đơn thuốc và khám chữa bệnh.

Lương Tập Thi, người có chồng qua đời do ung thư dạ dày ở tuổi 46, nói, chỉ riêng chi phí thuốc men cho anh mỗi tháng đã mất 800 nhân dân tệ.

Trương Khánh Khánh, luật sư đang giúp đỡ người dân các làng này cho biết, chủ mỏ địa phương đã hứa chu cấp vài nghìn nhân dân tệ cho mọi người dân mỗi năm.

Thậm chí dù các khoản bồi thường này sẽ chỉ đủ để trang trải chi phí thuốc men, nhưng theo Trương, dù sao nó cũng là bước đầu tiên đáng khích lệ.

"Điều này có nghĩa là các mỏ thừa nhận việc gây ô nhiễm môi trường. Nếu họ không sai, họ chẳng đời nào chi cho tiền cho chúng tôi".

•Kỳ Thư (Theo Reuters)