Trợ giúp - Tìm kiếm - Thành viên - Lịch ghi nhớ
Phiên bản đầy đủ: Mang thai theo Thực dưỡng
Thực Dưỡng > Nguyên lý Thực Dưỡng > Thai giáo và nuôi dạy bé
Diệu Minh
Trên thế giới đã có những cháu bé Thực dưỡng kỳ diệu, đó là điều làm cho chúng tôi thấy hứng khởi khi dịch quyển sách này...
Thai giáo là một trong những điểm mạnh của Thực dưỡng...

Mời các bạn cùng tham khảo; ông Nguyễn Trung - một người đàn anh Thực dưỡng ở Hà Nội đã dịch quyển này lại lần nữa cho dễ hiểu và dễ áp dụng:

Mang thai theo Thực dưỡng
LỜI TÁC GIẢ
Người ta từng xuất bản vô vàn cuốn sách, cả bìa cứng lẫn bìa mềm, nói về sự mang thai, sinh đẻ và nuôi con. Có phần nào trùng lặp với những sách nói trên, cuốn chỉ dẫn tổng quát này tập trung vào những vấn đề phổ biến nhất trong quá trình thai nghén, lao động, và chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các bà mẹ, trẻ em và gia đình Thực dưỡng. Những lời khuyến nghị đều dựa trên thực tiễn Thực dưỡng, một số từ truyền thống của Nhật Bản, nhưng hầu hết là từ những điều thu thập được theo kinh nghiệm của những người sống theo Thực dưỡng ở khắp mọi nơi trên đất Mỹ, những người có liên lạc với Quỹ GOMF (Quỹ Thực dưỡng Ohsawa), và những người hạnh phúc được chia sẻ kinh nghiệm của mình với nhiều người khác, với hy vọng điều đó sẽ giúp đỡ cho họ, giống như mình, đang phấn đấu để sáng tạo nên một gia đình và xã hội hạnh phúc hơn và mạnh khoẻ hơn.
Trong từng phần của cuốn Chỉ dẫn căn bản này có danh sách những cuốn sách nên đọc về Thực dưỡng cùng nhiều xuất bản phẩm khác, được lựa chọn để giúp bạn có thể tiếp tục tìm hiểu một cách sâu sắc về Thực dưỡng, quá trình thai nghén, sinh con và chăm sóc trẻ nhỏ.
Xin bày tỏ lòng biết ơn tới tiên sinh George và phu nhân Lima Ohsawa, Herman và Cornellia Aihara, Michio và Aveline Kushi, Noburo Muramoto, Michel và Claude Abehsera, những người đã cống hiến đời mình để mang lại cho chúng ta kiến thức, sự hiểu biết về triết lý và cách thức thực hành Thực dưỡng. Thêm nữa, muôn vàn lời cảm ơn tới những người bạn Thực dưỡng đã ban cho tôi cái vinh hạnh được chia sẻ những điều kỳ diệu trong kinh nghiệm sinh nở của họ cho chúng ta.
Alice Feinberg

LỜI GIỚI THIỆU
Làm thế nào chúng ta có thể có được và duy trì một sức khỏe tốt? Các nhà thông thái cổ xưa từng dạy rằng câu trả lời nằm trong chính bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Họ dạy ta ăn những gì và ăn như thế nào. Thực dưỡng đã đến với chúng ta từ sự thông thái của người xưa như vậy. Ăn uống dưỡng sinh (Thực dưỡng) bao hàm cả sự áp dụng nguyên lý cơ bản của y học Cực đông, được hiểu là Nguyên lý Vô song về sự cân bằng âm dương, dựa trên “Lòng tri ân khiêm nhường và biết đánh giá đúng những gì làm nên thức ăn…”.
Trước khi y học nhận lãnh trách nhiệm chăm sóc và theo dõi người phụ nữ mang thai, theo truyền thống thì vấn đề thai nghén và chăm sóc con trẻ là công việc của những bà mẹ và dành cho những bà mẹ, được truyền đời từ thế hệ này sang thế hệ khác. Người phụ nữ bắt đầu học nghệ thuật nấu ăn và cách thức chăm sóc gia đình suốt ngày suốt đêm, cũng như việc mang thai và chăm sóc con cái, từ thời gian còn bé, khi vẫn còn ở nhà, thông qua việc quan sát và giúp đỡ săn sóc những thành viên khác trong gia đình của mình.
Gia đình ngày nay không còn là nền tảng cơ bản của xã hội chúng ta nữa. Nhiều chức năng của gia đình đã chuyển sang cho y tế, giáo dục, nhà thờ, nhà chùa và nhiều tổ chức khác đảm nhiệm. Một xã hội cũng như gia đình, có lành mạnh hay không là từ những gì mà nó phát triển. Xã hội chúng ta phản ánh những căn bệnh tồn tại trong lòng những đơn vị gia đình. Kết quả là hàng trăm hàng ngàn người đã quay về với triết lý và thực hành cách sống Thực dưỡng nhằm giúp họ phục hồi sức khoẻ thể chất và tinh thần. Hậu quả nghiêm trọng của lối sống và ăn uống bừa bãi có thể thấy rõ hàng ngày trong xã hội chúng ta - hàng ngàn trẻ em sinh ra hàng năm với nhiều khuyết tật bẩm sinh, hàng ngàn ca sẩy thai xảy ra hàng năm, nạn phá thai trở thành thực tiễn phổ biến hàng ngày, bệnh hoa liễu tiếp tục trở thành vấn đề nghiêm trọng, những phụ nữ buổi sáng thức dậy trong tình trạng mệt mỏi cùng những rối loạn khác khi mang thai; đó là kết quả của tình trạng thiếu trật tự trong ăn uống và trong sinh hoạt. Thực dưỡng dạy chúng ta lập lại trật tự trong ăn uống và sinh hoạt – đó là cách lập lại sức khoẻ cho cuộc sống của chúng ta. Không có sức khoẻ, chúng ta sẽ không bao giờ khám phá ra sự hài hoà và cân bằng trong cuộc sống vốn đem lại cho chúng ta hạnh phúc thực sự.
Thực dưỡng không chỉ đơn thuần là một quan điểm khác về dinh dưỡng, hoặc một ý kiến khác trong một lĩnh vực vượt lên trên những học thuyết về calo, vitamin, chất khoáng và kinh tế. Trọng tâm của nó là lòng biết ơn khiêm nhường và đánh giá đúng mức đối với những gì tạo ra thực phẩm - mặt trời, đất, không khí, nước, năng lượng, sự vận hành của vũ trụ cùng mọi cố gắng mà tất thảy nhân quần hay xã hội đã dốc sức đổ ra. Đó là sự biết ơn khiêm nhường và sự hiểu rõ giá trị của những ai cùng dự phần ăn những thức ăn theo cách thức vốn là sản phẩm của trật tự vũ trụ. Đó chính là trí tuệ và nền tảng xử thế được gọi là Thực dưỡng.
Cảm thấy lòng tri ân này và có sự hiểu biết về bản chất và nguồn gốc sự sống trong thời gian mang thai thường được người phương Đông coi là có tầm quan trọng rất căn bản. Điều này được những bậc thánh hiền Trung Hoa và Nhật Bản biết đến từ lâu và gọi là Thai giáo (Taikyo) hoặc Giáo dục cho việc mang thai. Thế giới hiện đại đã quên mất sự giáo dục này bởi vì mọi người lớn lên chỉ quan tâm nhiều tới sự hưởng thụ, sự khoái lạc hay lượng calo. Họ nhìn cuộc sống chủ yếu theo khía cạnh vật chất; họ quên đi lòng tri ân và yếu tố tâm linh. Đó là điều giải thích vì sao thế hệ hiện đại không sản sinh ra lớp con cháu trong tình trạng thế chất và tinh thần cân bằng ổn định.
Trích trong “Kim chỉ nam cho cuộc sống”
George Ohsawa

NHỮNG SÁCH NÊN ĐỌC KHI MANG THAI
Một đứa trẻ sinh ra, Tấn kịch của cuộc đời trước khi sinh. Lennart Nilsson , Dell publishing Company, New York.
Tiểu sử của đứa trẻ chưa sinh ra, Margaret Shea Gilbert. Noble Offset Printing, Inc., New York.
Chuyển hóa sinh học, Louis Kervan. Swan House Publishing Co., New York.
Cảm nhận chung về sinh con, Lester D. Hazell. Tower Publications, Inc., New York.
Thành phần cấu tạo và sự thật về thực phẩm, Ford Heritage. Ford Heritage Publisher, Woodstock, New Jersey.
Kim chỉ nam cuộc sống, George Ohsawa. Ohsawa Foundation, Los Angeles.
Lời mời đến sức khỏe và hạnh phúc, George Ohsawa và Herman Aihara. George Ohsawa Macrobiotic Foundation. Oroville, California.
Cuộc sống trước khi sinh. Ashley Montagu. Signet Books, New York.
Chăm sóc trẻ theo Thực dưỡng, Cornellia Aihara, George Ohsawa Macrobiotic Foundation, San Francisco.
Sức khỏe tự nhiên và mang thai, J.I. Rodale. Pyramid Books, New York.
Trải nghiệm của việc sinh con. Sheila Kitzenger. Pelican Books, New York/ Penguin Books, Enland.
Đứa trẻ mới ra đời, Erna Wright. Hart Publishing Co., New York.
Thiền Thực dưỡng (Phương pháp dưỡng sinh và đạo thiền, George Ohsawa. Ohsawa Foundation, Los Angeles.

CHUẨN BỊ CHO VIỆC MANG THAI
Từ trước đến nay mọi người đều biết thụ thai một đứa con là đặc ân to lớn nhất. Việc chuẩn bị để cho ra đời một đứa trẻ khoẻ mạnh và hạnh phúc bắt đầu từ rất lâu trước khi mang thai. Sức khoẻ của chúng ta, được hình thành từ trong tử cung, (và cả trước đó rất lâu nữa) cũng như lúc đang còn thơ ấu, tuổi niên thiếu và trưởng thành, là nền tảng sức khoẻ của đứa con chúng ta.
Có lẽ phép mầu vĩ đại nhất của cuộc sống là việc đứa bé lớn lên trong tử cung và lặp lại toàn bộ quá trình tiến hoá. Trong khi mang thai, bào thai người lớn lên mau chóng từ một tế bào đầu tiên. Theo thời gian tế bào tiến dần đến tử cung và gắn chặt vào đây, từ tế bào đơn lẻ phân chia, nhân lên và phát triển nhanh chóng thành quả cầu tế bào, trong đó nó bắt đầu phân lớp, giống như tác phẩm nghệ thuật của người nghệ sĩ trong đó hình cầu đầu tiên phác hoạ nên những gì sẽ trở thành cơ thể con người.
Giai đoạn đầu tiên của đời sống trong tử cung kéo dài khoảng trong vòng 3 tháng đầu mang thai của người mẹ và là khoảng thời gian đứa bé dễ bị tổn thương nhất, bởi vì có nhiều quá trình phát triển và tăng trưởng cực kỳ phức tạp diễn ra trong tử cung. Đây là thời kỳ mà người mẹ bị đau ốm hay uống thuốc sẽ có thể ảnh hưởng rất mạnh đến sự phát triển của đứa con.
Trong quyển “Kim chỉ nam cho cuộc sống”, George Ohsawa viết:
“Thể chất cơ bản của đứa trẻ được hình thành trong vòng 6 năm đầu tiên. Đây là thời gian cốt yếu của con người, nhưng thời kỳ bào thai trong bụng mẹ còn quan trọng hơn gấp ngàn lần. Trong quãng thời gian 290 ngày trong bụng mẹ, từ một tế bào sơ khởi đầu tiên đã nhân lên gấp 3 triệu lần (trái ngược với trọng lượng của chúng ta chỉ tăng 20 lần từ khi sinh ra cho đến tuổi 20). Toàn bộ sự biến đổi tiến hóa sinh học được lập lại trong suốt giai đoạn đó… Có thể thấy rõ sức khoẻ và hạnh phúc của đứa trẻ tùy thuộc vào giai đoạn giao thời quan trọng nhất có tính sống còn này”.
Đông y gọi sức khoẻ này là tiên thiên, nhờ hầu hết vào bà mẹ trong thời kỳ thai nghén, còn sức khoẻ sau này là hậu thiên nhờ hầu hết vào thức ăn thức uống và lối sống.

Diệu Minh
BIỂU HIỆN LÚC MỚI MANG THAI
Mang thai là quá trình rất dương. Từ một tế bào đơn lẻ trụ lại và phát triển theo cách thức hết sức kỳ diệu và phức tạp, tạo ra hiện tượng dương hóa trong cơ thể người mẹ. Dấu hiệu thông thường của mang thai là tắt kinh nguyệt, buồn nôn, tiểu tiện nhiều, tăng cân trông thấy và hai vú đầy đặn lên, hay mệt mỏi và có thể nhận thấy những thay đổi trong cân bằng tâm lý. Thêm vào đó, những phụ nữ Thực dưỡng (phụ nữ ăn theo chế độ dưỡng sinh) thường thấy họ bị lôi cuốn bởi những thức ăn âm hơn những thức ăn trước khi có mang. Sự thay đổi thức ăn này là biểu hiện đầu tiên cho thấy bạn có thể có mang.

CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG THỰC DƯỠNG VÀ THAI NGHÉN
Sức khoẻ và thể tạng cơ bản của trẻ em được xác định phần lớn bởi thức ăn mà người mẹ đã ăn trong thời gian mang thai, đặc biệt là trong 3 tháng đầu tiên.
Cuốn sách đầu tiên về “Mang thai Thực dưỡng” do Herman Aihara - một trong những cây bút Thực dưỡng nổi tiếng nhất viết. Cuốn sách này và cuốn “Kim chỉ nam cho cuộc sống” của George Ohsawa được viết trong cùng một thời gian, chính là những xuất bản phẩm về thai sản có giá trị cho những người thực hành Thực dưỡng. Cả hai quyển đều dựa trên việc thực hành, cách dạy và học dưỡng sinh căn bản thích hợp với người phương Đông. Cách kế thừa và thể tạng của những người sinh ra ở Nhật khác xa với người sinh ở Mỹ. Nhiều phụ nữ Mỹ theo Thực dưỡng cảm thấy khó khăn khi phải làm theo những khuyến nghị liên quan tới ăn uống trong thời kỳ thai nghén.
Điều quan trọng không phải là tạo ra những thay đổi triệt để trong cách ăn uống sau khi bắt đầu có mang. Chẳng hạn, một chế độ ăn Thực dưỡng đơn giản gây nên quá trình đào thải chất độc và cặn bã dư thừa ra khỏi cơ thể, trong khi tất cả chúng không thể bị loại trừ hết qua con đường tiểu tiện. Nếu bạn bắt đầu thực hành chế độ ăn kiêng Thực dưỡng khi bạn bắt đầu mang thai, thì đây có thể là sự đào thải chất độc và những chất dư thừa đi vào bào thai đang lớn, và sự thay đổi diễn ra mạnh hơn là khi bạn đã thực hành ăn kiêng trước khi mang thai.
Đối với việc ăn uống Thực dưỡng và mang thai, Nobuno Muramoto nói:
“Nhiều phụ nữ có mang bắt đầu ăn chế độ Thực dưỡng, tin tưởng điều này sẽ làm cho sức khoẻ của trẻ tốt hơn và việc ăn uống kiêng khem này cũng cần phải kiên nhẫn, như ăn số 7 hoặc ăn số 6 (có 7 thực đơn theo cách ăn Thực dưỡng). Tuy nhiên nếu cơ thể của họ chứa nhiều chất độc tích luỹ bởi ăn những thức ăn nhiễm hoá chất, đường và thịt thú vật thì sự thay đổi qua cách ăn Thực dưỡng đơn giản sẽ giúp bà ta đào thải chất độc đó, không cho đi vào bào thai đang lớn lên. Sự thay đổi này có thể tác động đến đứa bé làm cho nó yếu đi. Bởi vậy, người ta không khuyến khích một sự thay đổi quá mạnh mẽ của việc ăn kiêng này trong khi mang thai hoặc trong thời kì điều dưỡng sau đó”.
Ông còn nói thêm:
“Những phụ nữ mang thai trước kia chưa ăn theo Thực dưỡng nay muốn bắt đầu ăn kiêng theo chế độ Thực dưỡng nên ăn theo cách số 2 bao gồm 50% ngũ cốc, 20% rau củ, 10% súp, 10% thức ăn động vật (cá, pho-mát, trứng), 10% rau sống và hoa quả. Đường, thịt và thức ăn nhiễm hoá chất chớ có ăn”.
Bởi vì sẽ xuất hiện việc sử dụng chất khoáng nhiều lên và đột ngột dương hoá cơ thể, đó là hiện tượng không bình thường gọi là “nghén”, cảm thấy “thèm thuồng” những loại thức ăn khác nhau trên một dải rất rộng từ âm cho đến dương. Thường thích ăn hoa quả, kem và đường (tự nhiên hoặc tinh chế). Trong thời kỳ mang thai cơ thể trải qua rất nhiều thay đổi gây căng thẳng cũng góp phần tăng thêm tình trạng dương hoá này.
Một số phụ nữ Thực dưỡng cảm thấy không ngon miệng khi ăn cơm và ngũ cốc trong thời gian này. Sự thay đổi này có thể nhiều hay ít tuỳ theo sức khoẻ và thể trạng của bạn trong thời gian mang thai đứa bé. Trong Chương 1 là những chỉ dẫn gợi ý về khẩu phần ăn nhằm giúp bạn duy trì một chế độ ăn cung cấp những điều căn bản thiết yếu đáp ứng cho sự phát triển của trẻ nhỏ và của chính bạn. Đồng thời trong bộ Chỉ dẫn Thực dưỡng này còn có thể có những chỉ dẫn khác về các nguồn chất khoáng và vitamin trong khẩu phần ăn của bạn, gợi ý việc phối hợp protein để tạo thành những axit amin đầy đủ trong kế hoạch ăn uống của bạn, và cả những dấu hiệu không đầy đủ nữa.
Tỉ lệ giữa ngũ cốc, rau củ và những thành phần thiết yếu trong chế độ ăn uống của bạn thay đổi tùy theo từng mùa trong năm. Chúng cũng tuỳ thuộc vào nơi bạn sống, khối lượng và loại hình hoạt động của bạn, thể trạng của bạn, v.v… Hãy ghi nhớ những điều này khi áp dụng những chỉ dẫn gợi ý về chế độ ăn uống. Những chỉ dẫn này chỉ có ý nghĩa là cung cấp một nền tảng nhằm bảo đảm những điều thiết yếu trong bữa ăn của bạn.
Trong lần xuất bản đầu tiên của quyển “Thai nghén Thực dưỡng”, Herman Aihara viết: “Gạo lứt và những ngũ cốc lứt khác, muối biển, dầu thực vật (dầu vừng hoặc dầu ngô là tốt nhất), miso, tamari, vừng hạt, rong biển và rau củ tươi, cả cách nấu nướng cũng như cách làm món salat đều là những điều cốt yếu. Miso là thực phẩm rất quan trọng trong cách nấu ăn Thực dưỡng - nhất là trong chế độ ăn cho phụ nữ mang thai và người bệnh điều dưỡng. Nó chứa một lượng lớn protein và chất khoáng… Miso là thành phần quan trọng tạo nên máu huyết bởi vì ngoài lượng protein chứa trong nó thì nó rất dương… Tuy nhiên, vì miso rất dương nên tránh dùng quá nhiều, nhất là vào mùa hè, vì nếu dùng quá nhiều sẽ dẫn đến thèm hoa quả và nước (âm). Nếu ai đó không thích thú mùi vị của món súp miso, thì có thể dùng ruốc cá cho vào để tăng hương vị”.
Nhu cầu nước cần thiết cho mỗi cá nhân rất khác nhau và còn phụ thuộc vào thể trạng, điều kiện hoạt động, thói quen ăn uống trước đây, khí hậu, mùa, độ tuổi, v.v… Nếu bạn thường cảm thấy khát, nghĩa là bạn đã dùng quá nhiều muối, khi làm thức ăn bạn đã làm cho chúng quá dương hoặc chính thực phẩm của bạn đã dương quá. Sự khát này có thể được điều chỉnh bằng cách ăn một ít rau tươi như cà rốt, củ cải, rau diếp, cần tây. Thông thường nếu bữa ăn của bạn đã được quân bình và nếu lượng muối ăn vào không nhiều thì bạn sẽ không bị quá khát.
Lượng khoáng chất bạn dùng phải rất nhiều trong thời gian mang thai và chế độ ăn kiểu mẫu sẽ thay đổi, kèm theo cảm giác “thèm của chua” vì cơ thể phải phấn đấu để thay thế và duy trì một lượng cung cấp khoáng chất cần thiết vừa đủ cho bạn và cho đứa bé đang phát triển của bạn. Điều quan trọng là cần đặc biệt chú ý đến chất lượng thực phẩm mà bạn lựa chọn trong thời kì này. Không nên dùng quá nhiều muối trong nấu ăn và ăn một khẩu phần mở rộng đủ để hỗ trợ bạn trong việc chuyển hoá hiệu quả lượng muối trong chế độ ăn uống của bạn. Chất diệp lục mà bạn ăn vào dưới dạng rau lá xanh được nấu nướng và ăn sống trong món salat là rất quan trọng trong giai đoạn này. Cộng với việc cung cấp diệp lục, rau xanh còn là nguồn cung cấp vitamin K và canxi tuyệt hảo. Vitamin K sẽ giúp ngăn cản mất máu quá mức trong khi sinh nở, và chất canxi sẽ giúp thay thế lượng canxi do bạn và em bé của bạn sử dụng trong quá trình này. Canxi cũng rất quan trọng trong việc tạo răng và xương cho trẻ, trong việc duy trì cấu trúc xương và răng của bạn; trong việc giúp làm cho máu của bạn đông lại, cũng như giúp cho máu bé cầm lại tại thời điểm sinh; nó cũng giúp bạn có sinh lực và nhẫn nại; nó cũng điều hòa nhịp đập cho trái tim của bạn. Vì lý do đó trong suốt quá trình mang thai hàng ngày bạn phải luôn ăn những rau xanh được trồng theo tự nhiên hay rau hoang dã càng nhiều càng tốt.

LÀM THẾ NÀO TRÁNH VIỆC
ĂN UỐNG CỰC ĐOAN VÀ THÁI QUÁ?
Nhiều phụ nữ Thực dưỡng nhận thấy những thực tiễn sau đây rất hữu ích trong thời kì mang thai giúp người ta né tránh hay giảm thiểu những thái độ cực đoan trong ăn uống::
1. Không ăn đường, thức ăn có hoá chất, các loại thịt hoặc thực phẩm tinh chế. Bỏ rượu, cà phê, trà có chứa chất nhuộm mầu nhân tạo, và tất cả những hoá chất tổng hợp ra khỏi chế độ ăn của bạn. Tránh dùng mật ong, hoặc thỉnh thoảng chỉ dùng một lượng rất nhỏ.
2. Giảm lượng muối ăn vào ít hơn mức trước khi mang thai. Không dùng nhiều miso, tamari hay muối trong khi nấu ăn. Điều này sẽ giúp giảm thiểu được việc thèm ăn hoa quả, kem, mật ong, đường, v.v...
3. Không tìm cách chống lại cảm giác thèm ăn. Nếu bạn cảm thấy mình muốn ăn chút phomát, sữa, hoa quả… thì cứ việc ăn. Thường nên ăn một lượng nhỏ thôi, sẽ thỏa mãn và làm giảm hoặc loại trừ ham muốn. Nếu chống lại cảm giác này sẽ dẫn đến xu hướng muốn ăn uống một lần cho đã, kết quả là một cuộc chè chén say sưa thái quá.
4. Dùng nhiều loại thực phẩm khác nhau trong thực đơn nấu ăn của bạn. Rau củ hấp hay nấu tái, nêm thêm chút muối hoặc/và tamari có thể thỏa mãn nhu cầu thức ăn âm bằng phương pháp nấu ăn âm hơn này. Món salat để tươi, ăn sống hoặc salat ép bớt nước cũng có kết quả tương tự.
5. Mở rộng phạm vi lựa chọn thức ăn cho khẩu phần ăn của bạn trong khi mang thai và trong thời gian tĩnh dưỡng. Chẳng hạn, đôi khi có thể chọn ăn một ít cá, đặc biệt nếu cơ thể bạn có xu hướng thiết hụt canxi. Tốt nhất hãy chọn ăn loại cá nhỏ nguyên con như cá bống để có thể ăn cả con, nấu canh hoặc nấu nhỡ (tức là rán hơi vàng con cá và nấu với tương cổ truyền, tamari, misô và chút gừng, nấu sao hãy còn chút nước sâm sấp, cho rau thìa là, ăn nóng).
6. Hãy thay đổi khối lượng và tỉ lệ các loại thức ăn mà bạn ăn vào nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân của mình. Chẳng hạn, một người có tạng dương và rất tích cực hoạt động thì có thể tăng tỉ lệ rau củ lên nhiều và giảm bớt lượng ngũ cốc trong tháng mang thai đầu tiên.
7. Hãy duy trì một thời gian biểu bận rộn, luôn tay luôn chân trong thời gian mang thai. Làm việc nhà, làm vườn và những hoạt động thông thường này rất quan trọng và sẽ giúp bạn xả bớt lượng dương quá thừa mà không cần phải ăn vào quá nhiều những thức ăn âm tính.
8. Nhai thật kỹ thức ăn của bạn.
9. Áp dụng hiểu biết của bạn về những nguyên lý Thực dưỡng sao cho bạn có thể sáng tạo một chế độ ăn quân bình thích hợp với nhu cầu cá nhân của bạn và gia đình bạn. Nhớ lời khuyên của George Ohsawa:
“Thực hành không lý thuyết thì nguy hiểm
Lý thuyết không thực hành thì vô tác dụng”.
10. Để hiểu thêm về chế độ ăn kiêng Thực dưỡng trong khi mang thai, hãy đọc quyển “Chăm sóc trẻ theo Thực dưỡng” của Cornellia Aihara, Macroguide Number 8, hoặc quyển “Phòng và trị bệnh theo phương pháp Thực dưỡng Ohsawa” của AM. Ngô Thành Nhân, NXB Tổng hợp Khánh Hoà. “Làm thế nào để sống vui”, Ohsawa.

NHỮNG THAY ĐỔI VỀ THỂ CHẤT VÀ CẢM XÚC TRONG THỜI KÌ MANG THAI
Đứa trẻ chưa sinh ra hoàn toàn không phải là nó đang lơ mơ ngủ. Thật ra nó là một thành viên rất hoạt động, cảm thấy rất rõ về mẹ nó, mẹ nó đi đứng thế nào, mẹ nó làm gì, nói năng thế nào, và cảm thấy thế nào. Bạn tác động vào thai nhi theo nhiều cách khác nhau, nhiều chiều khác nhau, không chỉ bằng thức ăn bạn ăn vào, mà còn bằng toàn bộ lối sống của bạn nữa. Điều tốt đẹp nhất đầu tiên mà bạn có thể thực hiện cho con bạn là cho nó thấy tình cảm của bạn cũng như những gì bạn có thể làm được khi mang thai nó. Cảm xúc và tình cảm của bạn rất là quan trọng. Theo Herman Aihara:
“… Những điều kiện về cảm giác, tâm lý và tình cảm của người phụ nữ mang thai sẽ tác động đến chức năng sinh lí thông qua ảnh hưởng của quá trình tiết ra hormon và chất lượng hormon. Điều này cũng sẽ tác động tới thể trạng của đứa trẻ. Cho nên điều cực kỳ quan trọng là phải giữ cho tâm trí mình luôn hạnh phúc và an lạc trong thời kỳ mang thai”.
Phản ứng đầu tiên ngay sau khi bắt đầu có mang không phải luôn luôn là cảm giác vui sướng và hạnh phúc. Thông thường người ta cảm thấy buồn bực, tức giận, ngượng ngùng và thậm chí là cảm giác tội lỗi. Điều này có nhiều lý do, kinh tế khó khăn, những tham vọng bị phá ngang, khó khăn về nơi ăn chốn ở, rồi nhu cầu cần phải tìm hiểu thêm về người chồng của mình. Tại thế giới Tây phương và đặc biệt tại Mỹ, chức năng làm mẹ không được đánh giá cao như ở những nền văn hoá khác; người phụ nữ ở đây được coi trọng bởi những giá trị khác. Tuy vậy, thông thường chỉ qua vài tháng, hầu hết những người phụ nữ đều thích nghi với thực tiễn mang thai và khi cảm thấy chuyển động (cái đạp) đầu tiên của bào thai thì hầu hết phụ nữ đều cảm thấy vui sướng vì mình đã có mang.
Bắt đầu từ việc thụ thai, những thay đổi đột ngột diễn ra trong cơ thể bạn. Chu kỳ kinh nguyệt dừng lại, ở một vài phụ nữ thì từ từ, nhưng ở những người khác thì tắt kinh ngay. Lượng máu huyết lưu thông và các chất huyết dịch khác trong cơ thể tăng lên. Sự thay đổi diễn ra ở hầu hết mọi cơ quan trong cơ thể người phụ nữ có mang. Nhận thức về những thay đổi này sẽ giúp bạn hiểu biết đầy đủ về tác động của chế độ ăn uống và cách sống của bạn lên bào thai trong quá trình mang thai.
1. Quá trình trao đổi chất cơ bản (tiêu hao năng lượng và nghỉ ngơi) tăng lên, cho nên cần một lượng lớn calo cho cơ thể bạn sử dụng hàng ngày.
2. Hoạt động của dạ dày, hệ vận động và bài tiết giảm đi, vì vậy xuất hiện chứng buồn nôn, ợ hơi và táo bón ở một vài phụ nữ.
3. Cơ thể cần nhiều sắt, vitamin B12 và canxi hơn, đặc biệt trong những trường hợp có thai muộn, như vậy có nhu cầu cần phải có một lượng chất dinh dưỡng thích hợp trong chế độ ăn của bạn, nhất là nếu quá trình chuyển hoá của bạn không được tốt. Để biết thêm về quá trình chuyển hoá hãy tìm đọc: “7 nguyên lý Thực dưỡng”, Phụ lục 1; “Phương pháp dưỡng sinh và đạo Thiền” và “Chuyển hoá sinh học”.
4. Chức năng của thận được tăng cường để đào thải chất cặn bã khỏi bà mẹ và em bé.
5. Lượng chất dịch lỏng trong cơ thể của người mẹ tăng lên, góp phần làm loãng máu (loãng hồng cầu) gây ra chứng thiếu máu nhẹ. Tìm đọc quyển “Chuyển hoá sinh học” liên quan đến tình trạng thiếu máu khi mang thai, Chương 21.
6. Cơ thể của bạn đòi hỏi một lượng thức ăn thích đáng và quân bình, cho phép cơ thể đứa con chưa đời của bạn tăng trưởng, phát triển khoẻ mạnh đủ mức cần thiết, đồng thời thay thế những dưỡng chất đã bị bé lấy đi khỏi bạn trong quá trình mang thai và sau đó nữa.
Mức độ và khối lượng của những thay đổi ấy có thể ảnh hưởng đến bạn, tuỳ thuộc vào sức khoẻ và thể chất của bạn trong thời gian bắt đầu có mang, và sẽ chịu tác động lớn bởi chế độ ăn mà bạn lựa chọn trong suốt thời kì mang thai. Tất cả mọi khó khăn và vấn đề xuất hiện trong thời gian thai nghén của bạn là kết quả của việc ăn uống và lối sống mất quân bình trong khi mang thai, hoặc trước đó nữa. Trước bất kì vấn đề nào xảy ra, hãy áp dụng những điều bạn học được về Thực dưỡng và các nguyên lý Thực dưỡng để tìm ra cách điều chỉnh đúng đắn. Điều quan trọng là bạn phải thấy sự cần thiết phải nghe lời khuyên của những người giầu kinh nghiệm hơn mình trong việc tìm cách giải quyết vấn đề.
Thông thường trọng lượng tăng không rõ ràng từ tháng thứ 3 cho đến tháng thứ 7 mang thai. Thời gian này bạn thường tăng từ 2 - 4 lạng mỗi tuần, và tổng trọng lượng tăng từ 5 - 7 kg vào cuối tháng thứ 7.
Một trong những nguyên nhân gây khó khăn lớn nhất khi lao động và sinh nở là sự tăng trọng quá mức. Để tốt cho sức khoẻ của bạn và của đứa bé, nên cố gắng kiềm chế sự thèm ăn quá mức. Hiện tượng ăn uống quá mức có thể gây ra những rắc rối nghiêm trọng cho việc sinh nở. Những nguyên nhân gây khó khăn khác khi lao động và sinh nở sẽ được trình bày ở chương sau.
Chúng tôi khuyến nghị những điều sau:
1. Hãy nhận biết những thay đổi diễn ra trong cơ thể bạn và đứa trẻ.
2. Hãy cảnh giác với những dấu hiệu sớm báo trước một số chứng bệnh hay tình trạng phát triển không đáng mong muốn. Những vấn đề có thể nảy sinh sẽ được thảo luận trong một số chương của cuốn chỉ dẫn tổng quát này.
3. Hãy đến gặp thầy thuốc khi cần thiết. Hãy tìm kiếm lời khuyên từ những người có nhiều kinh nghiệm hơn bạn trước khi vấn đề trở nên nghiêm trọng. Tìm kiếm sự giúp đỡ từ những người đang trong trạng thái tốt nhất nhờ kiến thức và kinh nghiệm của họ, xin họ những lời khuyên.
4. Khi đã đặt mình dưới sự chăm nom của bác sĩ, hãy giải thích chế độ ăn uống của bạn cùng với những nguyên lí mà nó dựa trên. Hãy chứng tỏ cho bác sĩ thấy kiến thức đầy đủ của bạn để chọn lựa cho bạn một chế độ ăn cần thiết, đáp ứng nhu cầu cơ thể chất của bạn và đứa bé đang phát triển của bạn.
5. Tình trạng dinh dưỡng của bạn, thể trạng sinh lí và mức độ ăn uống trước đây là những điều quan trọng cần cân nhắc đến khi xác định yêu cầu về một chế độ ăn uống phù hợp trong khi thai nghén. Không nên cứng nhắc. Hãy cố gắng nhìn nhận những biến đổi trong cơ thể bạn nhờ những yếu tố này, chúng rất khác với bất kì điều gì bạn có thể học được trong bất kì quyển sách hay nguồn thông tin nào mà bạn có thể có.

NHỮNG VẤN ĐỀ KHÔNG MONG MUỐN
KHI MANG THAI:
1. Có thể có máu hoặc dịch chảy ra từ âm đạo.
2. Nhức đầu, hoa mắt hoặc chóng mặt.
3. Phù nề ở bàn tay, bàn chân hoặc ở mặt.
4. Đau bụng kèm theo hoặc không kèm theo nôn khan.
5. Ớn lạnh, sốt hoặc lạnh.
Chúng tôi khuyên bạn kiểm tra thể trạng của mình khi bạn phát hiện mình đã có thai để chắc chắn sẽ không có vấn đề nảy sinh tại thời điểm mà bạn có thể không nhận ra, và kích thước khung xương chậu có thích hợp với việc sinh con bình thường không.
Một số phụ nữ vẫn tiếp tục ra chút máu ở âm đạo trong suốt thời kỳ 3 tháng đầu mang thai. Bác sĩ gọi đó là trường hợp “chảy máu nơi làm tổ”. Thông thường lượng máu này ít hơn nhiều so với máu kinh nguyệt và thường nhạt mầu hơn. Bình thường thì chút máu này không gây khó chịu hay làm bạn vướng víu và cũng không nguy hiểm gì đáng kể cho bạn cũng như đứa bé đang phát triển. Nếu hành kinh mà bạn cảm thấy khó chịu và vướng víu thì đó thường có thể là dấu hiệu của một vài biến chứng trong thời kỳ mang thai và rất có thể là dấu hiệu sảy thai. Hãy báo cho bác sĩ của bạn khi xảy ra trường hợp như vậy. Hãy giới hạn những hoạt động thân thể mạnh, như làm việc quá nặng vào thời gian dễ gây ra sảy thai như vậy.

BẠN CÓ CẦN UỐNG SỮA KHÔNG?
Bạn có cần phải uống sữa khi mang thai để duy trì bộ xương và răng của bạn và hình thành một bộ xương và răng chắc khỏe cho đứa bé của bạn hay không? Miễn cưỡng từ bỏ những lời cổ vũ tích cực trước đây của mình về sữa, một số nhà dinh dưỡng và bác sĩ tuyên bố sữa cần cho quá trình mang thai vì nó cung cấp canxi để tạo nên răng và xương chắc khỏe cho đứa bé trong bụng mẹ. Trên thực tế, trong cơ thể người mẹ sức khỏe bình thường có một nguồn vô cùng nhiều chất canxi, và nhu cầu tạo xương của trẻ, mới được canxi hóa một phần khi sinh ra, và bộ răng, khi ấy vẫn còn ẩn sâu dưới nướu lợi, có thể đáp ứng dễ dàng. Tuy răng của bạn vẫn có thể bị sâu vì nó còn phụ thuộc vào sức khoẻ của bạn và đòi hỏi phải chữa răng sâu và chăm sóc răng, nhưng quá trình mang thai không cần phải vội lo đến việc bị rụng răng sớm. Những chiếc răng lành lặn là bộ phận cứng bền nhất trong cơ thể chúng ta, và người ta từng biết đến những cái răng tồn tại sâu trong lòng đất hàng ngàn năm.
Sữa là nguồn thức ăn chính cho em bé. Nó chứa protein, carbon hydrat và chất béo với tỉ lệ cân xứng cần thiết cho trẻ phát triển nhanh. Sữa mẹ là nguồn sữa lý tưởng cho trẻ đang ẵm ngửa. Bạn có thể tìm thấy nhiều thông tin về sữa mẹ và chăm sóc trẻ đang bú trong những chương sau của bộ sách chỉ dẫn này. Hãy đọc cuốn “Sữa” của Herman Aihara và “Chăm sóc trẻ theo phương pháp Thực dưỡng”, mà chúng tôi sẽ đưa them ở phần sau cuốn sách này...
Diệu Minh
BỆNH THIẾU MÁU, CHẾ ĐỘ ĂN THỰC DƯỠNG
VÀ THAI NGHÉN
Khi mới bắt đầu ăn chế độ Thực dưỡng, người ta thường có khuynh hướng thiếu máu. Theo Noboro Muramoto, thì hiện tượng này là kết quả của cách ăn uống cũ gồm các thức ăn gốc động vật trước đó, như thịt, cá, trứng và thịt gia cầm. Những thức ăn động vật này là sự biến đổi từ máu huyết động vật, dễ dàng biến thành máu trong cơ thể bạn nhờ tiêu hoá, nhưng chúng lại cản trở khả năng của cơ thể chuyển hoá thức ăn thực vật thành máu huyết. Khi cơ thể bạn đã quen với thức ăn thực vật, bạn sẽ có được khả năng chuyển hóa chúng thành máu giầu chất sắt. Tất cả những động vật ăn cỏ đều có khả năng này. Chúng sản xuất máu huyết chỉ từ thức ăn thực vật.
Một vài biểu hiện của sự loãng hồng cầu xuất hiện một cách bình thường trong quá trình mang thai, gây nên tình trạng thiếu máu. Chứng này nhẹ thôi và đứa trẻ sẽ phát triển bình thường ngay cả khi mẹ nó bị thiếu máu. Trong trường hợp bị nặng quá, thì ông Muramoto khuyên nên thực hành như sau:
1. Nên ăn bánh làm từ men bia. Đun sôi men bia, để khô và trộn nó với bột nếp khi nhào bột. Xem “Làm bếp” cuốn IV và “Sách dạy nấu ăn của Chico-San” để biết công thức làm bánh nếp (mochi). (Xem thêm quyển “ Thiền ăn -108 món ăn chay bổ dưỡng theo phương pháp Ohsawa”, NXB VHDT).
2. Lá củ cải, vừng, lá tía tô, hạt vừng, tekka và súp misô cũng có tác dụng.
3. Trong trường hợp thiếu máu quá nặng thì dùng món koi-ko-ku (súp gồm: cá chép, củ ngưu bàng, miso, trà bancha) một lần trong tháng (x. “Sách dạy nấu ăn của Chico-San” công thức số 308.
4. Có thể ăn ít men bia, nhưng đừng uống như trà khi bị thiếu máu. Giống như trà nó có tác dụng làm ngừng chảy máu nói chung, nhưng không có tác dụng cho việc tạo chất lượng máu.
Để tìm hiểu thêm thông tin về loãng máu khi mang thai xin đọc “Chuyển hoá sinh học” của Louis Kervran hoặc quyển “Trị liệu bằng dưỡng sinh” của bác sĩ Nguyễn Văn Thụy. Các thực phẩm giầu mangan như gạo tẻ lứt, lúa mạch lứt và các ngũ cốc lứt khác được cơ thể hấp thu và chuyển hoá thành sắt. Quá trình trao đổi chất của bạn càng tích cực thì sự chuyển hoá diễn ra càng nhanh sau khi ăn.
Các dấu hiệu của bệnh thiếu máu là: Mệt mỏi, chán chường, hoa mắt, nhịp tim đập nhanh, hơi thở ngắn, ù tai, đau đầu, cứng bả vai, thỉnh thoảng mất suy nghĩ, đôi khi nấc, ngáp, buồn nôn.
Những triệu chứng khác của thiếu máu là:
1. Môi tái nhợt hoặc trắng, da mặt tái.
2. Mí mắt dưới mất mầu, trở nên trắng bợt.
3. Các đầu ngón tay phía dưới móng bị trắng ra.
Có thể tìm thêm thông tin về chứng thiếu máu trong “Tạp chí Đông – Tây” bài báo nhan đề “Chứng thiếu máu – Nguyên nhân, chẩn đoán và cách chữa tự nhiên” của Noboro Muramoto, và trong “Thực dưỡng: Lời mời đến sức khỏe và hạnh phúc”, tr. 56.
Ăn rau giầu chất sắt là nhân tố quan trọng để ngăn ngừa thiếu máu, ăn cho đến khi cơ thể bạn đủ sức khoẻ để chuyển hoá tốt. Nên ăn thêm món tía tô rắc cơm, hay là dùng tía tô…
Mặc dù thiếu máu là căn bệnh do máu bị âm, nhưng nó có thể gây ra do quá dương, đặc biệt dưới dạng muối. Trong những trường hợp như vậy người ta luôn cảm thấy khát khô họng và bị thu hút bởi các thức ăn âm và nước. Điều quan trọng là cần xác định lượng muối vừa đủ cho cơ thể, không nhiều quá cũng không ít quá. Khi giảm lượng miso và muối nên chọn rau xanh, đậu Hà Lan và các thực phẩm giầu chất sắt như gạo lứt, rau cần tây, rau tầm ma, củ cải, bột lúa mì hoặc lúa mạch lứt.
Nếu dạ dày bạn không hoạt động tốt, và ruột bạn không đủ mạnh khoẻ, bạn có thể bị thiếu máu khi mang thai và trong khi cho con bú, ngay cả khi bạn ăn nhiều thực phẩm chứa sắt. Dạ dày, ruột, phổi là những cơ quan rất quan trọng cho việc tạo ra dòng máu khỏe mạnh, và chúng phải thật mạnh khoẻ để cung cấp đầy đủ máu cho bào thai sử dụng.

BẠN CÓ NÊN ĐI DU LỊCH
KHI ĐANG MANG THAI KHÔNG?
Du lịch khi mang thai tuy không phải lí tưởng nhưng cũng không hẳn là có hại cho sức khỏe của bạn và con bạn. Phần lớn các bà mẹ cảm thấy rất căng thẳng về thể chất và cảm xúc khi đi du lịch vào thời kỳ này. Trong cuộc hành trình, bạn hãy cố tìm phương tiện di chuyển chậm nhất để tạo nên sự thay đổi ít nhất cho bạn và con bạn. Ở Nhật Bản, suốt 3 - 4 tháng đầu của thời kì mang thai bị cho là dễ bị sẩy thai nhất, người ta khuyên không nên đi du lịch bằng ôtô vào lúc này. Cũng vậy, việc đi máy bay tạo ra những thay đổi và buộc bạn phải thích nghi và có thể bằng cách này hay cách khác gây tác động không tốt đến sức khỏe của bạn và con bạn. Đây không phải là cách thức du lịch tự nhiên và nó có thể cản trở nguồn cung cấp ôxi cho con bạn vào lúc đó, và bằng cách này hay cách khác làm giảm cả nguồn dinh dưỡng mà trẻ đang tiếp nhận. Đi máy bay tạo những phản ứng dương hóa và nó có thể gây nên việc hấp thụ các chất âm. Do đó nếu phải bay, bạn hãy cố gắng ngăn ngừa việc hấp thu chất cực âm bằng cách lựa chọn những thực phẩm âm dưới dạng rau tươi và cả một ít hoa quả để giữ cân bằng, tránh tạo quân bình đột ngột bằng cách ăn kem hoặc uống nước lạnh.

TRÊN CON ĐƯỜNG XÂY DỰNG TỔ ẤM
Trong một gia đình, cả hai người đàn ông và đàn bà cùng tạo nên người bạn đời của nhau, và những sự việc xảy ra với một người đều cực kỳ quan trọng đối với người kia. Sự toàn vẹn của xã hội chính tùy thuộc vào sự toàn vẹn của cuộc sống gia đình bạn. Tạo dựng một ngôi nhà trong đó chồng và con bạn luôn an bình và hạnh phúc, đó mới chính là một công việc vĩ đại cần phải làm. Xây dựng một gia đình mà trong đó lối sống của nó sẽ chuyển hóa và tác động lên xã hội, đó là nhiệm vụ to lớn nhất mà bạn và chồng của bạn phải thực hiện. Nếu như bạn tạo ra một gia đình trong đó người bạn đời và con cái bạn hiểu được chính mình cùng tất cả những người khác như những con người với đầy đủ tư cách, và nhìn nhận sự đóng góp của mỗi cá nhân có ý nghĩa rộng lớn hơn, đó là đóng góp cho toàn thể cộng đồng trên thế giới, như vậy bạn đã trở thành một người nghệ sĩ cỡ lớn. Hãy cố đáp ứng những nhu cầu của chồng con bạn với tất cả tâm hồn nhạy cảm, nhằm thỏa mãn nhu cầu ấy ở mức cao nhất có thể. Có nghĩa là thỏa mãn nhu cầu của họ và không làm mất quá nhiều thì giờ của bạn. Trong một gia đình như vậy sẽ chẳng có vấn đề gì lớn mà không giải quyết được cả. Khi bạn làm chồng con bạn hài lòng, bạn sẽ thấy họ đền đáp lại bạn bằng niềm hạnh phúc – đó là một vòng tròn tương hỗ có thể đem lại biết bao hạnh phúc suốt đời cho bạn.

TÌNH DỤC KHI MANG THAI
Khi cả bạn và chồng bạn thực hiện ham muốn tình dục, một sự hoà hợp sẽ đến với các bạn, thể hiện ở thái độ tình cảm của các bạn với nhau. Điều đáng mong muốn đối với bạn, với chồng bạn, và đứa con chưa ra đời của các bạn, đó là cả hai vợ chồng bạn cùng tận hưởng cách thể hiện tình yêu của mình một cách riêng tư và tự nhiên nhất. Cả vợ lẫn chồng đều được trải nghiệm những thay đổi cảm xúc to lớn, kỳ diệu và đa dạng trong quá trình mang thai, và cả hai cùng trải rộng tấm lòng để đáp ứng những cảm xúc ấy, cả hai bạn đều cần phải vững tâm và tìm cơ hội để phục hồi lòng tự tin, tính hài hước và ảnh hưởng tới tất cả các hoạt động của bạn bao gồm cả quan hệ tình dục.
Trong vòng 3 - 4 tuần đầu mang thai, các bạn không nên giao hợp vì vào thời điểm này nguy cơ tai họa vỡ bọc ối là rất lớn và có thể gây sẩy thai cùng các biến chứng khác.

THỰC DƯỠNG KHẮC PHỤC NHỮNG ĐIỀU
THƯỜNG THẤY KHI MANG THAI
1. Cơn đau buổi sáng: Ăn cơm nắm lứt với muối vừng. Nhai kỹ mỗi miếng ít nhất 100 lần. Dùng Bainiku Ekisu (nước mơ muối dầm) hòa với trà bancha.
2. Táo bón: Ăn quá nhiều hoa quả hoặc thịt gây nên táo bón. Chữa bằng chế độ ăn Thực dưỡng quân bình. Thức ăn chủ yếu là lá rau nấu chín, đậu phụ rán kĩ, củ cải trắng, cải bắp muối dưa… Xem Học nấu ăn (Do of Cooking), tập II, trang 81; tập II, trang 76. Hoặc học nấu ăn qua trang website: thucduong.vn
3. Mất ngủ: Rửa mặt bằng nước nóng, giữ cho trán ấm, cho lá xanh vào dưới gối làm mát sau gáy bạn. Trước khi đi ngủ ngâm chân nước nóng, với độ nóng mà bạn chịu được mà không làm bỏng chân, trong 20 phút. Ăn một thìa muối vừng trước khi ngủ cũng rất tốt.
4. Phù chân: Ép đắp củ gừng, nằm cả ngày, nâng chân cao hơn đầu. Tranh minh họa ở dưới. Bỏ hoặc giảm ăn muối trong 2 - 3 ngày.

5. Vú bị nứt: Ép đắp hiba (lá củ cải trắng phơi khô) sau đó bôi dầu vừng. Khi có thai, mat-xa nhẹ bằng khăn khô, mềm.
6. Vú bị nhiễm trùng, sưng: Đắp ép hiba, sau đó dán cao khoai sọ. Xem cuốn “Y học thường thức trong gia đìnhg” để xem chỉ dẫn ép và dán trong mục.
7. Phù nề do lượng nước bị giữ trong cơ thể: Uống nước củ cải theo số 2. Giảm muối ăn vào và quan sát thật cẩn thận lượng nước đưa vào cơ thể để xác định nguyên nhân của việc nước bị giữ trong cơ thể.
8. Chảy dịch âm đạo: Không phải là hiện tượng bất ngờ trong giai đoạn đầu mang thai và trong giai đoạn sau có thể có một ít dịch chảy màu vàng xanh, nguyên nhân do âm đạo gia tăng bài tiết trong thời gian mang thai. Hãy rửa vùng này 1-2 lần mỗi ngày. Ngâm mông bằng nước lá cải 1-2 lần mỗi ngày cũng rất tốt cho thời kì này. Nếu dịch chảy đặc, hay quá nhiều, hoặc kèm theo ngứa và không đỡ sau khi ngâm mông thì nên gặp bác sĩ.
9. Co giật cơ: Cơ chân và cơ đùi thường xuyên bị co giật, thường là do:
A. Tuần hoàn máu không đủ.
B. Sử dụng các cơ khi có thai không thường xuyên gây nên phản ứng.
C. Có thể liên quan tới thiếu hụt canxi.
D. Do ăn nhiều đồ âm, đặc biệt như hoa quả, nước trái cây…
Xoa đùi, bàn chân, bắp chân và mông; đi bộ chân đất, duỗi chân về phía trước và đặt xuống chạm gót, động tác này giúp thư giãn cơ chân. Ăn thực phẩm nhiều canxi và silic. Duy trì mọi hoạt động bình thường, ngừng ăn đồ âm.
10. Bệnh trĩ: Thường là do thai nhi đè lên tĩnh mạch cũng như do cách ăn uống trước đây. Tắm mông bằng nước củ cải ngày 2 lần.
11. Ngứa khắp người và âm hộ: Thường là do dùng đồ âm quá nhiều trong bữa ăn hiện nay hoặc trước khi ăn Thực dưỡng. Ngâm mông bằng nước lá cải ngày 1-2 lần, cho một vốc muối vào. Thử dán cao diệp lục lên một phần thân thể.
12. Giãn tĩnh mạch: Giảm lượng nước quá thừa trong khẩu phần ăn, giảm hoa quả. Ngâm mông 1-2 lần mỗi ngày.
13. Đau ở phía dưới lưng (vùng dưới thắt lưng): Thường xảy ra do vị trí của thai nhi vào ba tháng cuối cùng. Bị đau thắt ngang hông và co rút ở phía dưới bụng dưới khi đi bộ. Có thể do tư thế không đúng hoặc có vấn đề ở thận.
14. Tổng quan: Táo bón vào tháng thứ năm, thắt chặt bụng (không quá căng) với quần áo vải bông để bảo vệ thai nhi. Tiếp tục công việc nội trợ hàng ngày; hoạt động là rất quan trọng trong thời gian mang thai. Giữ cơ thể sạch sẽ; không tắm quá lâu vì việc này làm âm hóa cơ thể bằng cách làm mất muối.
15. Uống trà bằng lá mâm xôi: (kinh nghiệm cổ của người Anh-điêng) được khuyên dùng trong thời kỳ mang thai. Dùng trà lá già, đun sôi nhỏ lửa 10 phút. Uống 2-3 lần mỗi ngày. Việc này chuẩn bị cho cơ quan sinh sản làm việc khi mang thai và sinh nở. Bắt đầu dùng ít nhất từ tháng thứ 5 khi mang thai.
ĐỐI VỚI BẤT KÌ VẤN ĐỀ NÀO XẢY RA LIÊN TỤC TRONG THỜI GIAN MANG THAI NHƯNG CHỮA KHÔNG ĐỠ BẰNG NHỮNG PHƯƠNG PHÁP THỰC DƯỠNG THÔNG THƯỜNG, THÌ CHỚ CÓ NẤN NÁ CHO ĐẾN KHI CHÚNG TRỞ THÀNH VẤN ĐỀ NGHIÊM TRỌNG. Nên tham khảo ý kiến bác sĩ hay xin lời khuyên những người từng trải về kiến thức, chuẩn bị và kinh nghiệm. Hãy nhận biết khi các vấn đề nhỏ đang trở nên nghiêm trọng và là nguồn gốc gây nguy cơ tiềm tàng cho bạn và đứa con chưa ra đời của bạn. Biết được những gì đang xảy ra, bạn sẽ không thấy sợ hãi và có thể làm mọi việc để giảm bớt những khó chịu mà những vấn đề đó có thể gây ra cho mình. Khi không biết điều gì đang xảy ra và phải làm những gì, thì bạn CHỚ CÓ HÀNH ĐỘNG. Hãy tìm sự hỗ trợ thích hợp.

MỤC TIÊU CỦA THỰC DƯỠNG
Tại Mỹ hàng năm có khoảng 1/4 triệu trẻ nhỏ được sinh ra. Mỗi ngày có 700 ca sinh nở (2 phút một ca) không hoàn hảo vì khuyết tật bẩm sinh như chứng loạn thị, hở vòm miệng, dị tật ở chân, loạn dưỡng cơ, hội chứng Down. Hàng năm có 500.000 bào thai bị chết trước khi sinh, 18.000 trẻ nhỏ khác chết trước một năm tuổi bởi các khuyết tật bẩm sinh. George Ohsawa viết:
“Sức khoẻ thật sự là cái do bạn tự tạo nên sau khi đã qua cơn bệnh tật. Chỉ khi nào bạn tự tạo ra sức khỏe cho chính mình thì bạn mới thấy được nó kỳ diệu đến mức nào…”
“Mục tiêu của Thực dưỡng là cung cấp những phương tiện nhằm tạo lập một quan điểm vui sống. Đối diện với quan điểm đó, tất cả mọi thói kiêu ngạo, than phiền, sợ hãi, bất an, buồn chán và mọi khổ đau đều lu mờ dần rồi biến mất, chỉ còn hạnh phúc, tình yêu, tự do và niềm tin ở lại. Trong trạng thái như vậy chỉ còn sự tri ân vô hạn”.
“Kim chỉ nam cuộc sống”

Mang thai là thời kỳ của niềm hân hoan, hạnh phúc và trách nhiệm vĩ đại cho bạn và chồng bạn. Đó là điều mà cả hai bạn tạo nên từ đây. Kiến thức và hiểu biết của bạn về Thực dưỡng có thể góp phần khiến cho điều này trở thành một trong những thời kỳ tưởng thưởng lớn nhất trong đời bạn - Thời kỳ của sự sáng tạo chân chính!

Nỗi đau đớn khi sinh nở là một triệu chứng bệnh tật, đó là một sai lầm của tự nhiên gây ra bởi lối sống không phù hợp với điều kiện lành mạnh nhất của hệ thống. Một chế độ dinh dưỡng đúng đắn bảo đảm điều kiện hoàn toàn lành mạnh sẽ hi vọng chắc chắn loại trừ được nỗi đau đó.
Bác sĩ William P. Dewees


Diệu Minh
GỢI Ý NHỮNG SÁCH NÊN ĐỌC KHI SINH CON
Sinh con không đau, Helen Wessell và G. Ellis biên tập. NXB Harper và Row Co., New York.
Cảm nhận chung khi sinh con, Lester D. Hazell. Tower Publications, Inc., New York.
Sinh con khẩn cấp, Gregory White. Police Training Foundation, Franklin Park, III.
Kim chỉ nam cuộc sống, George Ohsawa, Ohsawa Foundation, Los Angeles, California.
Làm sao thư giãn và có đứa con của bạn, Edmund Jacobson, McGraw Hill, New York.
Mang thai, sinh con và chăm sóc trẻ mới đẻ - Sổ tay cho bà đỡ vùng nông thôn, Leo Eloesser. Edith Galt và Isabel Hemingway biên tập. Instituto Indigenisto Interamericano, Mexico.
Trải nghiệm của việc sinh con, Sheila Kitzenger. Pelican Books, New York / Penguin Books, Anh quốc.
Mới sinh con. Erna Wright. Hart Publishing Co., New York.
Những sách trên đều in ở nước ngoài, có quyển chưa có và có quyển thì chưa kịp dịch, vậy nên tìm đọc những quyển sau, đã dịch và in bằng tiếng Việt:
Phòng và trị bệnh theo phương pháp Thực dưỡng Ohsawa,
NXB Đà Nẵng
Làm thế nào để sống vui….. NXB Văn Nghệ.
Các bạn ở đâu trước khi chào đời… Ohsawa

CHUẨN BỊ CHO SINH NỞ
Con người du hành lên mặt trăng và khám phá tận cùng vũ trụ trong cuộc tìm kiếm câu trả lời cho những điều bí ẩn của cuộc sống, nhưng một trong những bí ẩn lớn nhất của sự tồn tại loài người vẫn chưa có câu trả lời: Tại sao đứa trẻ được sinh ra khi nó tồn tại? Điều gì bắt đầu cơn đau đẻ? Người ta đặc biệt chú trọng việc tập luyện cho quen với cơn đau đẻ và sinh nở. Đôi khi có nhiều điều đến mức mà một người phụ nữ thường cảm thấy hết sức lo lắng không biết mình có thể đáp ứng nổi những yêu cầu về kinh nghiệm đau đẻ và sinh nở hay không. Điều quan trọng cần nhận ra là từ lúc thụ thai một đứa trẻ cho đến lúc người đàn bà mang thai đứa khác, đã một năm hoặc nhiều năm trôi qua. Mang thai có nhiều giai đoạn - đầu tiên là “sự thụ thai” để có một đứa trẻ. Giai đoạn này tiếp theo bởi một giai đoạn dài “ấp ủ” - thời kỳ sinh trưởng và phát triển của thai nhi. Giai đoạn tiếp theo, và ngắn nhất, là “chuyển dạ và sinh nở”. Sau giai đoạn này phải mất 2 - 3 tháng mới quay trở về trạng thái không-mang thai. Cần nhớ rằng trong toàn bộ quãng thời gian này, có cả một năm cho sự thay đổi để làm nên một ngày trải qua nỗi đau đớn lên đỉnh cao nhất nhưng vẫn kém hơn nỗi sợ hãi trước viễn cảnh thực tế của nó. Ở phần đầu của chương này có liệt kê nhiều sách có thể giúp bạn nghiên cứu và phát triển hiểu biết về chuyển dạ và sinh nở, và cách tốt nhất để bạn chuẩn bị cho các trải nghiệm này.

CHUẨN BỊ SINH CON TẠI NHÀ HAY Ở BỆNH VIỆN
Nhiều gia đình Thực dưỡng viết thư nói rằng họ muốn sinh con ngay ở nhà mình. Khó tìm ra một bác sĩ nào có thể đỡ đẻ tại nhà. Cũng như vậy rất khó tìm được những y tá có tay nghề và được cấp phép được đào tạo đặc biệt cho công việc của bà đỡ này. Sau đây là một số gợi ý cần cân nhắc khi bạn chọn việc sinh con tại nhà hay tại bệnh viện:
1. Hãy xem xét liệu trong cộng đồng nơi bạn cư trú có thể tìm được dịch vụ thích hợp chuẩn bị cho bạn khi trở dạ và sinh con hay không? Có các bác sĩ hay những người khác giàu kinh nghiệm, được đào tạo có thể hỗ trợ bạn sinh con ở nhà hay không? Sức khoẻ của bạn trong thời kỳ mang thai có tốt không? Bạn có tìm hiểu và chuẩn bị cho việc chuyển dạ và sinh con của bạn hay không? Chồng bạn cũng đã được chuẩn bị hay chưa?
2. Cần phải có sự kiểm tra sức khoẻ theo dõi định kỳ để biết chắc rằng mọi việc đều tốt. Khi dự định sinh con tại nhà thì cần đi khám thai để biết chắc con bạn đã nằm đúng vị trí cần thiết vào những tuần cuối cùng mang thai.
3. Nếu cảm thấy ngại hoặc không chắc chắn rằng bạn muốn sinh con ở nhà, hãy bàn việc này với chồng và bác sĩ của bạn. Nên tham khảo thêm cuốn “Cảm nhận chung khi sinh con” của Lester Hazell. Trong sách có chương “Sinh con tại nhà” và ở cả những phần khác cũng nói ít nhiều về việc sinh con ở nhà. Không nên cảm thấy rằng bạn “nhất thiết phải” sinh con tại nhà. Không nên đặt vấn đề sinh con tại nhà là “đúng hay sai” hoặc tại bệnh viện là “sai hay đúng”. Chọn chỗ nào có vẻ thích hợp nhất với hoàn cảnh, sức khoẻ, cũng như sự chuẩn bị của bạn. Ngày nay có tới 96% trẻ em ở các nước tiên tiến sinh ra khỏe mạnh an toàn, và bạn có thể yên tâm, vui mừng hạnh phúc với việc sinh con dù tại nhà hay tại bệnh viện, nhờ sự chuẩn bị kỹ lưỡng của bạn.
4. Hãy nói chuyện với bác sĩ, giải thích xem bạn ưa dùng gây tê, dùng thuốc gì hay những cách luyện tập nào thường dùng trong bệnh viện. Phần lớn các thầy thuốc ngày nay đều biết có nhiều người muốn sinh con mà không cần gây tê hay dùng thuốc, và họ sẽ hỗ trợ nếu bạn muốn như vậy. Cách thức mà bạn giải thích những yêu cầu của bạn thường gây nên những cách hiểu và hỗ trợ khác nhau của bác sĩ, nhất là khi đây không phải là công việc thường ngày của họ. Khi họ nhận thấy bạn có một hiểu biết rất sâu sắc về mang thai, chuyển dạ, sinh con cùng những nhu cầu và sự chăm sóc của bản thân bạn và đứa con chưa ra đời của bạn, họ sẽ tỏ ra hợp tác nhiều hơn và tôn trọng hơn đối với những yêu cầu của bạn. Thế có nghĩa là bạn cần phải biết rõ bạn đã thực hành phương pháp Thực dưỡng nào, được bao lâu, và vì sao lại thực hành phương pháp đó. Nhiều bà vợ mang thai và chồng họ có khả năng giới thiệu những hiểu biết và giá trị mới về Thực dưỡng với các bác sĩ của họ, thông qua sự hiểu biết và cầu thị của các bác sĩ đó họ đã trở thành những người bạn của nhau. Phần lớn các bác sĩ chỉ chăm chăm vào các bệnh nhân ngoại lệ có vấn đề do Thực dưỡng gây ra như thiếu dinh dưỡng, không đủ chất, v.v... và bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ và học hỏi với những người áp dụng Thực dưỡng có hiệu quả.
5. Khi bạn sinh con ở bệnh viện, tốt nhất là nên đến bệnh viện tham quan trước khi chuyển dạ đẻ. Hãy nói chuyện với những người thích hợp ở bệnh viện, giải thích về ý kiến của bạn khi không muốn dùng các biện pháp trợ đẻ như dùng thuốc hay gây mê, để họ có thể chiều theo ý kiến của bạn. Nhiều bệnh viện vào những năm gần đây đã quen với các yêu cầu này. Khi nhập viện vào phòng đẻ, việc đầu tiên là hãy nói cho họ biết yêu cầu của bạn để thử xem các cá nhân phản đối bạn đến mức nào. Nếu bạn muốn ăn uống theo chế độ nào, hãy tìm hiểu xem ở bệnh viện có đồng ý để bạn tự do làm theo ý mình không. Nếu bạn không muốn con bạn phải tiếp nhận các loại thuốc men nào hoặc không muốn cho nó loại thức ăn nào khác ngoài sữa mẹ, hãy nói cho bộ phận y tá chăm trẻ sơ sinh biết yêu cầu của bạn để họ không làm điều gì khác mà không được sự đồng ý của bạn. Điều này có nghĩa là bạn phải bàn bạc cụ thể mọi chi tiết với bác sĩ trước đó và phải được họ chấp nhận. Sau đó, được sự đồng ý của bác sĩ, bạn hãy trao đổi trước về những điều này với các cá nhân khác trong bệnh viện. Nếu bạn chờ đợi cho đến khi được nhận vào nằm bệnh viện, thường có rất nhiều hoạt động vội vàng và bận bịu khiến bạn rất khó thảo luận yêu cầu của mình với các nhân viên bệnh viện và nhận được sự ủng hộ và thông cảm của họ. Bạn có thể liệt kê thứ tự giá trị thành một danh sách các yêu cầu của bạn lên một tấm thẻ hay dưới dạng một bức thư có chữ kí đồng ý của bác sĩ. Photo làm 3 bản: 1 bản cho phòng đẻ, 1 bản cho phòng hành chính, 1 bản cho phòng chăm sóc trẻ sơ sinh. Nhờ bác sĩ của bạn ký vào mỗi bản. Đưa cho y tá trưởng các phòng mỗi khi bạn nhập viện.
6. Thậm chí cho dù bạn đã lựa chọn việc sinh con tại nhà và đã có chuẩn bị đến mức tốt nhất có thể, hãy linh hoạt đủ mức để nhận biết khi nào cần phải tiếp xúc với thầy thuốc của bạn, tìm kiếm trợ giúp thêm hoặc đến bệnh viện. Có một quyển sách quan trọng có thể giúp bạn trong trường hợp xảy ra tình huống bất ngờ, đó là quyển “Sinh con khẩn cấp” của bác sĩ Gregory White. Sách này viết cho những người không chuyên khi gặp trường hợp buộc phải trợ giúp ai đó khi chuyển dạ và sinh con. Sách trình bày sáng sủa, đơn giản với sự giảng giải và chỉ dẫn từng bước một. Sách nói đến cả những cách chăm sóc đặc biệt đối với một số trẻ nhỏ, có một chương nói về những ca mang thai, đau đẻ và sinh nở phức tạp do bệnh tật hay tai nạn bất ngờ, và một chương gồm những chỉ dẫn súc tích trong trường hợp khẩn cấp. Một quyển sách khác cũng có thể có giá trị cho bạn trong việc sinh con tại nhà là quyển “Mang thai, sinh con và chăm sóc trẻ mới đẻ - Cẩm nang cho các bà đỡ nông thôn”. Trong đó chứa đựng những thông tin và chỉ dẫn theo trình tự từng bước rõ ràng, đơn giản. Có một điểm thông tin trong cuốn sách này không nên phổ biến: Ở trang 50 có nói rằng có thể giơ đứa trẻ lên bằng cách nắm mắt cá chân và dốc ngược đầu nó xuống ngay sau khi sinh. Bạn không nên làm như thế. Chỉ nên để đầu bé dốc xuống thấp hơn ngực và bụng mà thôi. Việc này giúp cho đờm dãi và sản dịch có thể còn sót trong miệng bé chảy ra làm thông đường thở. Xoay úp mặt nó xuống phía dưới trong khi làm việc này để trợ giúp cho đờm dãi ra nhiều hơn, và không cho lưỡi cản trở lối vào của không khí. Nếu nó không khóc ngay, vỗ nhẹ vào lưng nó, gõ vào cổ nó dọc theo đường khí quản, từ ngực đến cằm. Điều này giúp cho đờm nhớt còn sót lại chảy ra. Không nên nâng đứa bé lên cao quá bụng mẹ nó trước khi thắt rốn vì sẽ làm cho máu chảy ra khỏi cơ thể của trẻ đi ngược vào nhau thai, làm giảm lượng máu và mức hồng cầu tố cung cấp cho trẻ.

NHỮNG GỢI Ý
1. Nên tham gia các lớp giáo dục về sinh sản càng nhiều càng tốt.
2. Các kỹ thuật thở và kĩ thuật thư giãn khác nhau được dạy và được áp dụng trong khi sinh. Chúng có thể trợ giúp rất nhiều cho bạn. Hãy tập thở thật tốt và cùng với chồng bạn nghiên cứu thực hành và hướng dẫn bạn khi cần. Áp dụng việc thở này vào những khi cần thiết trong khi chuyển dạ, tại thời điểm tốt nhất và quan trọng nhất. Rất, rất nhiều người mẹ đã nhận thấy lợi ích của việc tập thở khi sinh con.
3. Chuẩn bị tã lót trước khi con bạn ra đời. Tham khảo phần phụ lục để tìm những gợi ý cần thiết. Bạn có thể không cần phải sắm tất cả các khoản về tã lót này. Các bạn của bạn có thể cho bạn những thứ mà con họ đã dùng chật rồi. Thông thường bạn nên mua các thứ trong các cửa hàng bán đồ chất lượng cao.
4. Thông thường bạn có thể thực hành những chỉ dẫn khi mang thai mà cha mẹ đẻ hoặc cha mẹ chồng của bạn thấy rất kì lạ. Sự khiêm nhường, tình yêu và sự hiểu biết được chuyển tải thông qua giao tiếp với họ giúp bạn tranh thủ được sự cảm thông và ủng hộ của họ. Đứa con khỏe mạnh của bạn có thể có sức thuyết phục hơn bất kỳ một cuốn sách nào hay cuộc đàm thoại nào để làm cho các bậc cha mẹ của bạn nhận thức được giá trị của thức ăn và lối sống theo Thực dưỡng.

NHỮNG ĐIỀU BẠN CẦN BIẾT
NHƯNG KHÔNG TÌM THẤY TRONG SÁCH VỞ
1. Có thể có cảm giác giống như co bóp dạ con trong quá trình mang thai. Y học phương Tây gọi nó là Co rút Braxton Hicks (chuyển dạ giả), lấy tên người lần đầu tiên để ý nghiên cứu nó. Đó là dạ con của bạn đang tự chuẩn bị làm việc cho lần chuyển dạ thật sự, và nó cũng giúp sắp xếp lại bào thai cho ngay ngắn trước khi bắt đầu chuyển dạ. Không phải mọi bà mẹ đều nhận thấy điều này. Người đàn bà Thực dưỡng thường cảm thấy và nhận thức rất rõ về hiện tượng này. Đừng nhầm nó với cơn đau đẻ. Chúng khác nhau ở chỗ chúng không có một chuẩn mực nào cho biết cường độ của chúng có gia tăng hay không và chúng có còn tiếp tục lần sau nữa hay không, cho đến khi cơn co bóp để sinh đẻ thực sự bắt đầu (nếu không hiểu như vậy nghĩa là gì, tốt hơn hết bạn hãy nghiên cứu về hiện tương co bóp dạ con khi đau đẻ). Bạn có thể cảm nhận thấy nó sớm hơn vào tháng thứ năm khi mang thai. Càng gần đến ngày sinh nở, cơn đau ngày càng dồn dập và mãnh liệt hơn.
2. Trong sách “Châm cứu và triết học phương Đông”, có mô tả huyệt Ngoại quan (Oae Koann) (TH5). Huyệt này nằm ở mặt ngoài cánh tay cách khoảng 3 thốn tính từ đầu cổ tay (Xem hình). Huyệt này được mô tả là rất hiệu quả trong việc cắt cơn đau đẻ. Nó cũng được một số cặp vợ chồng Thực dưỡng sử dụng và họ nói nó loại trừ đau đớn rất thành công. Họ nói rằng nó làm giảm sự đau đớn khi mang thai. Nếu có chồng hoặc bạn bè bên cạnh bạn có thể nhờ họ mát-xa, day ấn huyệt này liên tục trong suốt thời gian mà cơn đau chuyển dạ lên cao nhất.

3. Đầu của trẻ sơ sinh thường có những vệt máu bám vào – đôi khi bạn thấy đầu nó có vẻ như bê bết toàn những vệt máu. Đó không phải là điều bất thường. Trong quá trình chuyển dạ, cái đầu bị đẩy tới lách qua đường ống chật hẹp của âm đạo làm cho những mạch máu bề mặt lót trong âm đạo bị rách và chảy máu. Đây là điều bình thường và không nguy hiểm. Đầu đứa trẻ bị dính vệt máu và đôi khi từng lớp máu còn đọng lại tuỳ thuộc vào mô mạch máu của mẹ nó như thế nào.
4. Nhau thai thường dày 2,5 và đường kính 18 cm. Nó có cấu trúc giống hình cái đĩa và trông như một miếng gan lớn khi bị đẩy ra ngoài sau khi sinh.
5. Nên tiếp tục uống nước lá quả mâm xôi trong quá trình trở dạ khi bạn cảm thấy khát. Khi sinh con trong bệnh viện, bạn nên xin phép y bác sĩ cho mang một phích đựng thứ trà này vào cùng bạn trong bệnh viện nếu có thể.
6. Bất cứ lúc nào có thể bạn nên xem những người khác sinh con trước khi bạn sinh hạ đứa con của chính mình. Có thể tốt nhất là trước khi mang thai. Nếu bạn chưa từng xem con mèo đẻ con thì việc này sẽ giúp bạn hiểu thấu quá trình sinh đẻ, nhưng nhớ là cấu tạo giải phẫu học của động vật khác với của người. Chúng mang con trong một cái túi đàn hồi như cao su, không có hệ thống cơ giống người, cũng như cấu trúc xương chậu như người, do đó, sức lực và quá trình sinh nở của chúng cũng khác. Chúng có chu kỳ mang thai ngắn hơn nhiều và ở mỗi loài động vật chỉ có một vài cơn co bóp cho mỗi lần sinh. Chúng không có các nhóm cơ vòng như cơ cổ tử cung đòi hỏi phải giãn nở, cũng như không có các vòng xương (khung xương chậu) bởi chúng không cần phải có sự nâng đỡ như chúng ta cần do dáng đứng thẳng của con người.
7. Vào 3 tháng cuối kỳ thai nghén, đầu đứa trẻ có thể chèn ép vào bàng quang, và bạn có thể thường xuyên mót đi tiểu. Ngay trước hoặc trong khi bạn bắt đầu chuyển dạ đẻ, đầu đứa trẻ ép mạnh liên tục lên bàng quang khiến bạn cứ như “bị dò” nước tiểu. Điều này có thể bị nhầm với hiện tượng dò “bọc ối” và có thể khiến bạn nghĩ là màng ối bị vỡ, trong khi thực tế không phải như vậy.
8. Nhiều người đàn bà Thực dưỡng khi mang thai trông có vẻ nhỏ hơn những người khác và các thai nhi Thực dưỡng thường bị các bác sĩ “cảm thấy” không lớn lắm khi họ khám thai bằng cách bắt mạch. Đó có lẽ là do hầu hết những người đàn bà Thực dưỡng không có chỗ thịt mỡ thừa độn cao bụng và xương chậu lên, nên họ có nhiều khoảng trống trong bụng hơn để chứa cái thai và bụng họ trông có vẻ không lớn lắm khi mang thai. Những đứa trẻ Thực dưỡng đôi khi nhỏ hơn một chút so với những đứa trẻ không Thực dưỡng. Tuy nhiên, nhiều đứa trẻ Thực dưỡng vẫn nặng 3 - 3,5 kg khi sinh, một trọng lượng bình thường. Khi kiểm tra thai, chúng có vẻ nhỏ hơn trong bụng mẹ vì chúng được chăm sóc tốt hơn. Bạn có thể đọc thêm một chương trong cuốn “Cảm nhận chung khi sinh con”, mục “Những câu hỏi thường gặp về sinh con”.
9. Trong khi đang chuyển dạ đẻ nhưng vẫn còn đi lại được, bạn hãy thay đổi trạng thái, khi thì đi bộ loanh quanh, khi thì ngồi nghỉ. Đi bộ sẽ kích thích quá trình chuyển dạ và giúp cổ tử cung mở ra (giãn nở). Đừng làm quá mức cần thiết bởi bạn cần phải giữ sức thật tốt cho công việc trong giai đoạn chuyển tiếp và cho đứa bé ra đời. Khi bạn rời khỏi giường đi đi lại lại, trọng lực sẽ giúp quá trình chuyển dạ tốt hơn.
10. Tư thế ngồi xổm được nhiều người đàn bà áp dụng và họ viết lại để chia sẻ kinh nghiệm sinh con của mình. Họ cảm thấy dễ chịu hơn những tư thế khác như là nằm dài, hoặc nửa nằm nửa ngồi.
11. Quá trình chuyển dạ có thể quá lâu đối với bạn, nhưng nó rất quan trọng cho đứa con của bạn, bởi nó cho phép bé tự điều chỉnh cho thích ứng với nhiều thay đổi xuất hiện bất ngờ đối với bé, bắt đầu từ lúc mẹ bé trở dạ. Khoảng thời gian kéo dài cũng cho phép cơ thể bạn điều chỉnh cho thích ứng trước công việc sinh nở và những đổi thay xuất hiện trong quá trình đó. điều chỉnh lại trạng thái bên trong sau khi đẻ. Đôi khi cơn chuyển dạ của bạn diễn ra quá nhanh, sự điều chỉnh thật quá ư dữ dội và có thể đó không phải là một sự điều chỉnh hợp lý và an toàn.
12. Một điều rất có ích cho bạn là nên ngắm trông những trẻ còn rất nhỏ hoặc là trẻ mới sinh trước khi bạn sinh con và nhận xét xem đứa trẻ mới sinh trông như thế nào. Một đứa trẻ mới sinh thì ướt nhoèn nhoẹt, những vệt dịch nhầy và có khi có cả máu dính trên đầu và khắp thân người. Cơ thể bé bao phủ một lớp “bã nhờn thai nhi (vernix) trăng trắng”, một chất giống như kem trên da, tác dụng như một lá chắn bảo vệ bé khi sống trong môi trường đầy nước của dạ con. Trông bé một màu đỏ hỏn hoặc hơi xanh, cho đến khi bé cất tiếng khóc đầu tiên. (Xem thêm đoạn “Trẻ sơ sinh” và ở chương tiếp sau).

NHỮNG THAY ĐỔI Ở NGƯỜI MẸ SAU KHI SINH
1. Cơ thể bước ra khỏi thời kỳ làm việc vất vả ở trạng thái hết sức ẩm ướt. Trong quá trình chuyển dạ thân nhiệt và nhiệt lượng tăng lên đáng kể, sau khi đẻ xong cơ thể đột ngột hạ nhiệt xuống và khô ráo dần.
2. Một lượng lớn chất lỏng bắt đầu tích trữ trong bàng quang bụng và bây giờ cần phải làm trống rỗng thường xuyên.
3. Mất máu ở vùng nhau thai tách ra khỏi thành tử cung. Lượng này mất nhiều nhất vào ngày thứ nhất và thứ hai, rồi giảm dần sau tuần đầu tiên. Phần lớn những người đàn bà Thực dưỡng bị mất máu trong khi đẻ con và trong thời kì sau đó ít hơn so với những người đàn bà không theo Thực dưỡng.
4. Sau đó cơn đau xuất hiện. Đó là sự co bóp dạ con để kiểm soát các mạch máu đầu cuối đang bị hở của vách tử cung, giúp cho việc ngăn chặn hiện tượng mất máu quá nhiều. Những cơn đau này kéo dài 2 - 4 ngày và mạnh hơn ở lần sinh thứ hai và thành công hơn so với lần sinh con so.
5. Xuất hiện những cơn run rẩy tay chân. Cơ chế ổn định nhiệt độ của cơ thể giao động tới lui trong khi cơ thể ổn định dần sau một thời kỳ làm việc nặng nhọc, đòi hỏi cung cấp nhiều nhiệt cho việc sinh đẻ.
6. Bị mất các chất lỏng lưu trong các tế bào cơ thể do các hooc-môn thai gây nên. Các chất lỏng này cần thiết cho mẹ và con trong quá trình mang thai và sinh nở. Chúng không cần thiết nữa và nhanh chóng bị đào thải ra ngoài.
7. Phần đông phụ nữ thải sản dịch khỏi dạ con trong vòng 4 – 6 tuần. Thông thường thấy lại kinh nguyệt có khi 6 tuần hoặc 6 tháng sau khi sinh.
8. Vú sẽ tiết sữa vào ngày thứ 3 sau khi sinh.
9. Cảm giác mệt mỏi là vấn đề thường thấy ở phần lớn bà mẹ sau khi sinh con, và điều này có thể tác động lên cả bạn lẫn con bạn. Đó có thể do tình trạng mệt mỏi sau việc sinh con nhọc nhằn đối với cơ thể, thêm vào đó là giấc ngủ luôn luôn chập chờn khi đứa trẻ còn đang nhỏ. Tình trạng này dễ dàng dẫn đến kiệt sức hay đơn giản là cảm thấy “lúc nào cũng mệt”. Để ngăn chặn hiện tượng này nên nghỉ càng nhiều càng tốt sau khi đứa bé ra đời. Hãy dùng súp mi-sô mỗi sáng và cố gắng chợp mắt mỗi ngày 1 hoặc 2 lần, trong vòng 15 - 30 phút nếu có thể. Nên ngồi thư giãn trên một chiếc ghế mềm êm trong vòng 15 phút hoặc hơn thế nếu như không thể nằm xuống và chợp mắt một lát.

CHĂM SÓC MẸ SAU KHI SINH CON
Sự thay đổi xuất hiện trong cơ thể bạn sau khi con bạn ra đời thật là đột ngột và gây ấn tượng sâu sắc, tuy nhiên gần như trong vòng 3 tháng cơ thể bạn sẽ dần bình phục trở về trạng thái như khi chưa mang thai.
Ngay sau khi đứa con sinh ra, một không khí hồ hởi, phấn khích bao trùm khắp gia đình, bạn bè, bạn và chồng bạn. Thông thường không khí phấn khởi gây hứng thú đến mức bạn như cảm thấy đầy sức lực cho từng ngày. Nhiều người đàn bà viết lại rằng một ngày sau khi sinh con họ cảm thấy thích đi lại và dọn dẹp toàn bộ nhà cửa. Những người đã theo Thực dưỡng trên ba năm đều đặc biệt mô tả phản ứng này. Chúng tôi khuyến nghị bạn nên nằm nghỉ càng nhiều càng tốt từ 7 - 10 ngày đầu sau khi sinh con. Nên tập trung sức lực để tự chăm sóc bạn và chủ yếu là đứa con của bạn. Nếu có bạn bè hoặc họ hàng ở bên cạnh giúp bạn thường xuyên vào những ngày này thì càng tốt. Xu hướng tự nhiên của bạn nếu ở nhà một mình là sẽ thấy mọi việc mà hàng ngày mình thường xuyên chăm nom đều không được như ý, và thế là bạn phải bò dậy và bắt tay vào làm.
Sự nghỉ ngơi của bạn vào lúc này là cực kỳ quan trọng, giúp bạn tạo ra nguồn sữa tốt để cho con bú. Thêm nữa, sức khoẻ của bạn ở những lần sinh sau vào những thời điểm thay đổi lớn của cuộc đời đều chịu ảnh hưởng rất lớn bởi những hoạt động mà bạn làm ngay sau khi sinh này. Nghỉ ngơi cực kỳ quan trọng. Một vài điều cần lưu ý:
Nghỉ ngơi: Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Tránh tiếp xúc bạn bè, và người quen đến thăm trong vòng 7 ngày đầu tiên. Nếu có người đến thăm, họ chỉ nên ở lại vài phút thôi.
Ăn uống: 24 giờ đầu sau khi sinh thì nên ăn đơn giản: Ăn thực phẩm dễ tiêu như bột gạo, súp rong biển - miso, mì, rau hấp hay xào mềm. Sau đó quay về ăn bữa ăn thường ngày của bạn. Điều quan trọng là bạn duy trì nhận thức về bữa ăn của bạn giống như bạn đã duy trì khi mang thai vì cơ thể bạn đang chuẩn bị tiết sữa và đang phục hồi cơ quan sinh sản để nó về trạng thái như khi chưa sinh đẻ. Cuốn “Chăm sóc trẻ nhỏ theo Thực dưỡng” và “Kim chỉ nam cho cuộc sống” của Ohsawa có thể cho nhiều gợi ý lúc này. Nhiều khi những bữa ăn nhẹ chia ra nhiều bữa còn tốt hơn là ăn hai bữa no mỗi ngày. Điều này cực kỳ quan trọng khi bạn đang cho con bú vì việc cho bú chín lần một ngày trong tháng đầu sẽ làm gián đoạn giấc ngủ thường ngày của bạn và cho bú ban ngày trong tháng đầu sẽ làm gián đoạn lịch làm việc để dọn dẹp nhà cửa của bạn.
Uống: Uống theo nhu cầu khi khát nước của bạn. Nhiều phụ nữ nhận thấy họ cần uống lượng nước nhiều hơn lượng họ cần trong thời gian cho con bú sữa. Nếu bạn không lạm dụng muối trong bữa ăn thì cơn khát nước trong thời gian cho con bú là dấu hiệu chỉ báo nhu cầu nước cần thiết cho cơ thể tăng lên.
Bài tiết nước tiểu: Việc đi tiểu thường tăng vào mấy ngày đầu sau khi sinh vì cơ thể cần đào thải một số chất dịch còn sót lại trong quá trình mang thai. Bạn có thể đi tiểu với số lượng và số lần nhiều hơn trong vài ngày. Một cái bàng quang (bọng đái) đầy ắp có thể ép lên dạ con, làm nó suy nhược và gây chảy sản dịch nhiều hơn, thậm chí đôi khi còn xuất huyết nữa. Trạng thái của bàng quang không phải lúc nào cũng cảm thấy đầy, cho nên khôn ngoan nhất là bạn hãy đi tiểu thường xuyên để bảo đảm bàng quang của mình không được đầy.
Đường ruột: Chứng táo bón là vấn đề hiếm gặp đối với người ăn theo Thực dưỡng. Nếu như do một số nguyên nhân mà bạn bị táo bón, hãy cố gắng tìm ra nguyên nhân trước. Thông thường phải có một số điều chỉnh cần thiết trong bữa ăn của bạn – có thể bạn đã ăn quá dương, hoặc có thể ăn quá nhiều muối. Dùng cải bắp hấp rất tốt cho chứng táo bón, chè đậu đen cũng vậy.
Sản dịch: Đây là chất nhầy và máu bị đào thải từ các mô mặt trong tử cung, trông rất giống như hiện tượng hành kinh. Nên thường xuyên thay đồ lót và làm sạch vùng sinh dục để chất thải ra không bị ứ đọng. Tắm mông hoặc lau người rất quan trọng trong thời gian này.
Đáy của tử cung: Đây là điểm cao nhất của tử cung. Nó phải giảm chiều cao khi tử cung thu gọn lại và tử cung phải thu ngược lại từ bụng đi vào khung chậu. Vào khoảng ngày thứ 10 sau khi sinh, nó sẽ không còn dài nữa và có thể cảm thấy qua thành bụng.
Vú: Trước khi sinh, vú tiết ra một ít chất lỏng gọi là sữa non. Nó chuyển dần thành nguồn sữa mẹ thật sự sau thời kì ăn trả bữa để lấy sữa cho con, thường vào ngày thứ 2 hay thứ 3 sau khi sinh. Chăm sóc bầu vú rất quan trọng - đầu núm vú nứt nẻ có thể bị nhiễm trùng nếu không chăm sóc đúng cách trong thời gian này.
Sinh đẻ là một tiến trình bình thường và không phải là đau ốm. Nhận thức của bạn về những thay đổi cơ thể bình thường đang xảy ra vào lúc này, và việc chăm sóc và nghỉ ngơi cần cho bạn và gia đình bạn vào thời gian này, sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sức khoẻ và hạnh phúc suốt cả cuộc đời của bạn.

Sáng tạo ra một cuộc đời mới thật là khó khăn, đến mức mà sự quan tâm chăm sóc cho cuộc đời đó là một công việc quan trọng nhất của chúng ta. Nếu chúng ta không làm tròn nhiệm vụ này thì chúng ta sẽ chẳng biết hạnh phúc nào nữa cả.
Kim chỉ nam cho cuộc sống
George Ohsawa
Diệu Minh
GỢI Ý NHỮNG SÁCH NÊN ĐỌC VỀ
CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH
Cảm nhận chung khi sinh con, Lester D. Hazell. Tower Publications, Inc., New York.
Kim chỉ nam cuộc sống, George Ohsawa, Ohsawa Foundation, Los Angeles, California.
Chăm sóc trẻ theo Thực dưỡng, Cornellia Aihara. George Ohsawa Macrobiotic Foundation, Oroville, California.
Sữa – Huyền thoại của văn minh, Herman Aihara. George Ohsawa Macrobiotic Foundation, Oroville, California.
Cho con của bạn bú sữa, Karen Pryor. Harper & Row Publishers, New York.
Hãy nuôi con của bạn bằng sữa mẹ, Alice Gerard. New American Library, New York.
Mang thai, sinh con và chăm sóc trẻ mới đẻ - Sổ tay cho bà đỡ vùng nông thôn, Leo Eloesser. Edith Galt và Isabel Hemingway biên tập. Instituto Indigenisto Interamericano, Mexico.
Trải nghiệm của việc sinh con, Sheila Kitzenger. Pelican Books, New York / Penguin Books, Anh quốc.
Nghệ thuật phụ nữ của việc nuôi con bằng sữa mẹ, La Leche League, Inc., Franklin Park, Illinois.
Thiền Thực dưỡng=PP Dưỡng sinh và đạo Thiền, George Ohsawa. Ohsawa Foundation, Los Angeles, (Việt Nam đã dịch và in rồi đấy ạ).

NHỮNG THAY ĐỔI Ở TRẺ SƠ SINH KHI MỚI RA ĐỜI
Trong khi chuyển dạ và trong thời gian sinh nở, con bạn là đối tượng chịu hàng loạt trải nghiệm mới khác xa so với môi trường trong những tháng trước đây. Trong tử cung bé được bao bọc trong thế giới ấm áp mềm mại của cơ thể mẹ, lấy nguồn dinh dưỡng từ mẹ và tất cả mọi nhu cầu của bé đều được thỏa mãn. Sự điều chỉnh mà bé phải thực hiện trong quá trình chuyển dạ và khi ra đời thật là mệt mỏi, gây hoang mang và vô cùng sâu sắc. Đột nhiên mọi cơ quan trong cơ thể bé bị thúc đẩy đảm nhận toàn bộ công việc của chúng, và phải mất nhiều tháng nữa thì những cơ quan ấy mới hoàn toàn thuần thục.

BIỂU HIỆN CỦA TRẺ KHI RA ĐỜI
Đứa trẻ khoẻ mạnh khi mới sinh có nước da đỏ hỏn và làn da hơi nhăn nheo do môi trường ẩm ướt mà bé từng sống trong dạ con. Đầu bé chiếm tỷ lệ lớn so với các bộ phận khác của cơ thể. Bé được bao bọc trong dịch nước ối lỏng nhờn nhờn xung quanh bé trong suốt 9 tháng 10 ngày trước đó. Có một lớp lông mọc xuôi mềm mại bao quanh hầu hết cơ thể, gọi là lông tơ. Mắt bé nhắm tít hầu hết thời gian – khi mở mắt ra rồi, thì mắt lại hấp háy hầu như liên tục trước ánh sáng xung quanh bé.
Khi ra đời, nhịp hô hấp của bé thường rất nhanh, khoảng 40-60 lần/phút, và sau đó giảm dần xuống 30-40 lần/phút. Đây là nhịp thở bình thường của trẻ, trừ trẻ khóc hay trong người khó chịu. Khi nó lớn lên chút nữa, nhịp thở này giảm xuống.
Tay và các ngón chân có thể trông hơi xanh sau khi sinh và sau một thời gian thì màu xanh chuyển sáng dần. Đây là hiện tượng bình thường vì lưu lượng máu tuần hoàn giảm xuống trong những mao mạch ở vùng tứ chi. Màu xanh sẽ biến mất khi mà hệ thống tuần hoàn bắt đầu hoạt động hiệu quả hơn.
Mạch đập của trẻ sẽ rất nhanh và thường gấp 2 lần mạch đập của người mẹ. Trong một thời gian ngắn mạch đập có thể giảm xuống khoảng 100-120 nhịp/phút, mạch chỉ tăng lên khi trẻ khóc hoặc thấy khó chịu.
Bé sẽ co duỗi chân tay và bắt đầu tích cực cựa quậy và vận động.
Bé khóc rất mãnh liệt vào phút chào đời và sẽ khóc to hơn khi bị đánh thức hoặc cảm thấy khó chịu.
Các cuốn sách “Sinh con khẩn cấp” và “Mang thai, sinh con và trẻ sơ sinh” có giải thích và trình bày tranh minh họa cách thức thắt dây rốn và cách lấy dịch nhầy và chất lỏng tích tụ trong miệng, mũi và họng trẻ sơ sinh trong khi chuyển dạ và khi sinh ra, một cách nhẹ nhàng, an toàn để không gây trở ngại cho hô hấp của trẻ.
Sau khi ra đời, nhiều thứ thay đổi trong cơ thể trẻ. Trước đây, khi còn trong bụng mẹ, các cơ quan của trẻ làm việc không hoàn toàn độc lập. Cơ thể trẻ có một sự điều chỉnh lớn khiến các cơ quan trong cơ thể bắt đầu phải làm việc để từng bước phát triển hoàn thiện, và phải mất hàng tháng thì các cơ quan của trẻ mới hoạt động với đầy đủ chức năng của chúng.
Hầu hết các bé đều không phải ăn uống gì vào khoảng một ngày tuổi. Cơ thể bé được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng trước khi ra đời.

CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH
Ban đầu có thể dùng khăn tắm xốp mềm để lau chùi bớt máu và các dịch nhớt bám lên người trẻ, nhưng không nên loại bỏ bã nhờn thai nhi (vernix) vì chất này có tác dụng bảo vệ cho da và cũng để giữ ấm tránh cho trẻ khỏi bị nhiễm lạnh trước khi cơ chế điều hòa thân nhiệt có thời gian làm việc ổn định. Giữ nhiệt độ trong phòng tương đối ổn định, đừng mặc quá nhiều áo hay mặc không đủ áo cho trẻ. Tã lót, áo và/hoặc khăn quấn ngoài phải chuẩn bị đầy đủ cho thời gian một ngày với một tấm chăn mỏng nhẹ. Toàn bộ quần áo mặc cần thiết sẽ khác nhau tùy theo từng mùa trong năm, thời tiết nơi bạn sinh sống và cách sưởi ấm trong nhà bạn.
Trẻ sơ sinh thường hay ứa nước mắt ngay sau khi sinh. Có thể rửa mắt một cách nhẹ nhàng bằng miếng vải mỏng. Trẻ cũng thường hay có dử mắt trong vài tuần đầu, giống như dử hay ghèn ở mắt bạn khi mỗi sáng bạn thức dậy.
Chăm sóc rốn rất quan trọng trong thời kỳ này. Cuống rốn thường khô và rụng trong vòng 4 đến 7 ngày sau khi sinh. Có thể một ít huyết thanh hồng hồng bị rỉ ra từ cái rốn đang lành trong vòng vài tuần, và ta nên để cho nó thoáng khí, giúp rốn mau lành hơn. Ghim cài các tã lót của trẻ một cách cẩn thận, an toàn, tránh để tã lót đè lên chỗ rốn đang lành của trẻ.
Bao quy đầu của “chim” nên mềm và có thể co dãn được để trẻ dễ đi tiểu, và nên thường xuyên lau rửa chỗ này mỗi khi thay tã lót. Có thể tìm thấy nhiều quyển sách dạy bạn cách chăm sóc trẻ sơ sinh, có cả ảnh minh họa rất đẹp hướng dẫn chi tiết cách đỡ trẻ khi tắm, cách lau rửa “chim”, cách rửa tai, mũi, v.v... Bạn nên tìm mua ít nhất là một quyển sách loại này cho tủ sách nhà bạn. Quyển “Chăm sóc trẻ theo Thực dưỡng” do bà Cornellia Aihara viết, bàn luận rất tỉ mỉ về cách chăm sóc trẻ em trong vòng một năm đầu đời.

NHỮNG LỜI KHUYÊN HỮU ÍCH
KHI CHĂM SÓC TRẺ SƠ SINH
Cho bú:
Phần lớn các bà mẹ Thực dưỡng cho con bú đến khi nó mọc răng và tỏ ra sẵn sàng và muốn bỏ bú. Trẻ nhỏ thường có nhiều kiểu cai sữa rất khác nhau. Có đứa bỏ bú rất chậm, có đứa tự bỏ bú trong một ngày nào đó bằng cách bỗng nhiên tỏ ra không muốn bú mẹ nữa. Đôi khi điều này diễn ra trong vòng 7 tháng đầu ở những trẻ tăng cân đều và phát triển tốt. Nếu một đứa trẻ sau 7 tháng vẫn bú thì đó cũng là điều bình thường.
Bạn nên đọc: “Chăm sóc trẻ nhỏ theo Thực dưỡng” của Cornellia Aihara, “Cho con của bạn bú sữa” của Kapel Pryor và sách của NXB La Leche như “Nghệ thuật phụ nữ của việc nuôi con bằng sữa mẹ”, trong đó có những gợi ý thực tiễn cho việc cho con bạn bú sữa mẹ thông qua kinh nghiệm của những bà mẹ khác (X. Phụ lục).
Cân nặng:
Phần lớn trẻ giảm cân trong vài ngày đầu sau khi sinh, và sau đó chúng bắt đầu tăng từ 15 - 30 gam mỗi ngày. Thường trong vòng 6 tuần chúng nặng hơn 1-1,5 kg so với trọng lượng khi mới sinh. Nếu con bạn không tăng cân, nên tìm ra nguyên nhân ngay lập tức. Có thể trạng thái của bạn quá “dương” mặc dầu khẩu phần ăn của bạn có vẻ không dương đối với bạn. Mang thai, sinh con và những trọng trách làm cha mẹ là quá trình dương hóa đối với hầu hết các bậc cha mẹ, và bạn có thể dương hơn là khi bạn mới bắt đầu mang thai.
Phân của con bạn sẽ là lời chỉ dẫn rõ ràng nhất bạn đang ở trạng thái âm hay dương. Phân của trẻ bình thường có màu vàng và mềm nhão trong mấy tuần đầu sau khi sinh. Dần dần nó trở nên rắn hơn và có màu vàng nâu. Nếu nâu sẫm là trạng thái quá dương. Trong khi bạn đang cho con bú, điều đó có nghĩa là bạn phải thay đổi một chút trong khẩu phần ăn của mình. Còn nếu con bạn đã thôi bú, thì như vậy nghĩa là bạn phải thêm một số chất vào trong sữa ngũ cốc, hay một số công thức khác dinh dưỡng, hay chính thứ sữa mà bạn đang dùng để cho con bạn ăn, để làm cho các thực phẩm cân bằng tốt hơn. Có thể thêm amasake = một loại rượu như rượu nếp tự làm để nấu ăn (xem công thức ở Phụ lục) vào sữa đang cho trẻ ăn khi bạn không phải cho con bú. Nếu bạn nuôi con bằng sữa mẹ thì nên tham khảo thêm cuốn “Chăm sóc trẻ theo Thực dưỡng” để có những gợi ý về khẩu phần ăn vào thời gian này. Để tăng phẩm chất sữa mẹ, có một số khuyến nghị thực hành sau đây:
1. Chế thức uống nóng từ amasake và nước rồi uống mỗi ngày một lần, nó sẽ làm cho sữa của bạn âm hơn, tăng nguồn sữa và làm giàu dinh dưỡng cho sữa bạn.
2. Ăn mì ngũ cốc lứt với phổ tai hoặc súp rong biển phổ tai 1-2 lần/ngày.
3. Thường ăn bánh nếp.
4. Ăn đậu đỏ nấu cùng với tempura rau – rau củ tẩm bột chiên.
5. Khi cần thiết, hãy tự mình uống sữa thay vì cho con bạn uống sữa bò để cho trẻ tăng cân.
Để giúp tăng cường nguồn sữa mẹ, bạn uống súp mi-sô và bánh nếp hàng ngày và ăn gạo lứt mới thường xuyên. Dùng Koi-ko-ku rất tốt cho việc tăng nguồn sữa. Công thức chế biến món này có trong Sách dạy nấu ăn Chico San. Khi không đúng mùa hay không kiếm được củ ngưu bàng, bạn có thể dùng cà-rốt thay thế để làm món koi-ko-ku. Có thể dùng thịt bò thay thế khi không mua được cá chép tươi.
Khi bạn cho con bú mẹ, ít cần phải vỗ lưng cho bé hết trớ hơn là khi cho bé bú bình. Tuy nhiên phải tùy theo nhu cầu của trẻ, mỗi trẻ có nhu cầu khác nhau. Chốc chốc phải vỗ nhẹ lưng bé khi cho trẻ bú.
Cho thêm ngũ cốc vào khẩu phần ăn dặm:
Ngũ cốc được đưa dần dần vào cho trẻ đang bú vì các enzym tiêu hóa ngũ cốc thường chưa hoạt động hoàn toàn khi trẻ mới sinh. Việc đưa ngũ cốc vào từ từ sẽ kích thích sản xuất enzym. Hãy nhai kỹ ngũ cốc nấu chín trước khi bón cho con bạn ăn. Các enzym trong miệng bạn sẽ bắt đầu quá trình tiêu hóa và làm cho thức ăn có vị ngọt. Thông thường gạo là thứ ngũ cốc đầu tiên sử dụng cho trẻ ăn dặm. Độ tuổi cho ăn dặm rất khác nhau, tùy theo thể trạng, kích thước và khả năng đáp ứng với thức ăn của trẻ. Ở Nhật Bản, hiếm khi người ta cho trẻ đang bú ăn dặm trước khoảng 100 - 110 ngày (3 - 3,5 tháng tuổi). Bạn không cần phải nhá sữa ngũ cốc cho trẻ. Trong bữa ăn dặm ngũ cốc đầu tiên, hãy bón một thìa vào mỗi buổi sáng và buổi tối (khoảng 10 giờ sáng và 6 giờ tối) trong tuần đầu tiên. Cháo bột yến mạch thường dùng làm loại ngũ cốc ăn dặm thứ hai cho bữa ăn. Những thứ này cần phải được nhai và mớm cho trẻ. Có thể thêm những ngũ cốc và hạt chế biến khác nữa. Điều quan trọng là mỗi loại ngũ cốc và hạt chế biến hãy cho mỗi lúc một ít thôi. Hãy để cho trẻ có thời gian điều chỉnh thích ứng với một thứ thức ăn mới này rồi hãy cho thêm thứ tiếp sau. Kiều mạch rất dương với phần đông trẻ nhỏ, không nên cho trẻ ăn hàng ngày, trừ một số hoàn cảnh bất thường.
Nấu cháo gạo lứt cho trẻ ẵm ngửa:
Vo một cốc gạo lứt. Cho vào 10 cốc nước và ninh áp suất trong vòng 2 - 3 giờ. Lọc qua miếng vải thưa hoặc một rây lọc thông thường (cũng có thể dùng máy xay thức ăn thông thường hay máy của Happy Baby Feeder cũng được). Trộn lẫn với nhau và nhá từng miếng một rồi mớm cho trẻ.
Lưu ý: Nhiều đứa trẻ có thể ăn cháo gạo rang (kayu) làm bằng gạo đỏ lứt, vo gạo rồi rang trong một cái chảo khô, sau đó để nguội và nấu trực tiếp giống như ở trên. Gạo rang trở nên dương hơn.
Lưu ý: Lượng nước để nấu cháo gạo rang có thể nhiều ít khác nhau tuỳ theo độ tuổi, kích thước và thể trạng của trẻ. Bạn có thể gia giảm cho phù hợp nhất với con bạn.
Phần Phụ lục có công thức chế biến sữa “Kokkoh” (sữa thảo mộc) với một bảng ghi các tỉ lệ gợi ý và cách cho ăn tuỳ theo độ tuổi. Tỷ lệ nước pha kokko rất khác nhau tuỳ theo độ tuổi, kích thước và thể tạng của trẻ.
Bổ sung rau củ vào bữa ăn:
Rau củ thường được bổ sung vào thức ăn sau khi đã cho ngũ cốc vào nấu. Rau củ ít khi được cho vào trước khi trẻ đầy 4 tháng tuổi. Rau củ được cho vào nấu lần lượt mỗi thứ một ít và cũng được nhá rồi nhai mớm cho trẻ giống như nhai mớm ngũ cốc. Chỗ rau củ lần đầu tiên bổ sung vào bữa ăn nên được chế biến bằng cách hấp cho đến khi chín mềm, rồi nhá hoặc nghiền nhỏ. Có nhiều đứa trẻ thích ăn rau quả tách riêng với ngũ cốc, nhưng cũng có những trẻ lại thích ăn chung rau và ngũ cốc với nhau.
Bổ sung thêm rong biển vào thức ăn:
Có thể cho thêm rong biển vào bữa ăn của trẻ, sau khi đã bắt đầu cho trẻ ăn ngũ cốc. Đầu tiên, hãy dùng rong biển nori hoặc rong wakame. Rang nori rồi nắm thành miếng nhỏ và trộn với ngũ cốc nấu chín. Còn wakame có thể rửa qua, ngâm và đun sôi trong nước cho đến khi chín mềm. Sau đó cắt thành miếng nhỏ và bổ sung cùng với ngũ cốc nấu chín. Đầu tiên, chỉ cho một lượng rất nhỏ, sau tăng dần. Trẻ thường rất thích ăn rong biển và thích ăn nó dưới dạng nấu thành xúp, cùng với ngũ cốc, và khi trẻ đã biết nhai thì lại thích rong biển chế biến thành món ăn riêng. Không nên cho muối vào bữa ăn của trẻ khi chúng ăn rong biển, vì đã có muối tự nhiên từ rong biển rồi. Rong biển rất giàu vitamin C và khoáng chất và có chứa một lượng nhỏ vitamin A và B.
Bổ sung hoa quả cho khẩu phần ăn:
Có thể thêm hoa quả vào khẩu phần ăn của trẻ sau khi đã bổ sung ngũ cốc, rau củ và rong biển cho trẻ ăn. Độ tuổi mà trẻ cần bổ sung tuỳ thuộc vào thể tạng của trẻ, khả năng hấp thu thức ăn, những loại trái cây có thể kiếm được, v.v... Táo là thứ trái cây tốt nên dùng đầu tiên. Cũng như với các loại thực phẩm khác, bắt đầu nên cho ăn ít một, rồi từ từ tăng dần lên. Không nên cho trẻ ăn hoa quả trước khi ăn hết những thức ăn khác bày trong đĩa dành cho trẻ.
Những thức ăn khác có thể dùng:
Phải hết sức linh hoạt trong việc cho con bạn ăn uống. Hãy quan sát phản ứng cơ thể trẻ trước các món ăn hàng ngày. Nó sẽ cho bạn biết nó cần gì. Nếu trẻ mãn nguyện, tăng cân và lớn nhanh, hoạt động và tỉnh táo, thì nó đã ăn đúng cái nó cần. Nếu trẻ hay quấy khóc và cáu bẳn quá mức, bạn cần xem bạn đã ăn gì và làm gì, và bạn cho nó ăn dặm thêm những gì bổ sung cho bữa ăn chính từ sữa mẹ. Cũng cần nhớ rằng đôi khi những nhu cầu vật chất khác cũng góp phần cho việc hấp thụ thức ăn của trẻ. Nếu không đủ ấm, trẻ thường quấy khóc và “đi tướt”. Chứng đau bụng ở trẻ nhỏ thường có thể tránh được bằng cách giữ cho chân trẻ được ấm áp và thoải mái. Các đầu dây thần kinh dưới gan bàn chân của trẻ rất nhạy cảm với sự thay đổi nhiệt độ, và đôi giày ấm áp, đôi tất vải bông mềm mại, hay một tấm khăn bông phủ ngoài có thể là những thứ cần cho một số trẻ trong trường hợp chúng cáu bẳn, quấy khóc.
Thường ông bà của các đứa trẻ Thực dưỡng hay hỏi khi nào bạn cho thêm lòng đỏ trứng gà vào khẩu phần ăn của con bạn. Con bạn sẽ hấp thu một lượng chất đạm và chất sắt phù hợp qua sữa mẹ, trong ngũ cốc và rau quả bổ sung vào khẩu phần ăn của nó. Lòng đỏ trứng gà không phải là thức ăn cần thiết hàng ngày của trẻ. Thường không nên cho trẻ ăn thêm trứng khi chưa đầy một năm tuổi. Bắt đầu cho nó ăn trứng theo tỷ lệ 1/16 thìa cà-phê lòng đỏ trứng gà tươi được nấu sơ qua bằng cách cho trứng vào chần nước sôi. Hãy cho ăn vã trứng và chỉ vào những dịp đặc biệt.
Việc đi ngoài của trẻ:
Hầu hết trẻ đi ngoài 5-6 lần/ngày. Khi bạn bắt đầu cho trẻ ăn dặm bằng cơm lứt nhai, thỉnh thoảng có những mảnh gạo lứt không tiêu được lẫn trong phân. Đây không phải là điều bất thường, vì trẻ đang dần dần phát triển khả năng tiêu hóa ngũ cốc. Tham khảo cuốn “Chăm sóc trẻ theo Thực dưỡng” để biết thêm về điều này. Thông thường lớp vỏ ngoài của hạt gạo lâu tiêu hoá hơn và đứa trẻ tiêu hóa phần bên trong hạt gạo là chủ yếu.
Mách nước khi trẻ cai sữa:
Bắt đầu cho trẻ tập uống bằng cốc nhỏ, từng thìa nhỏ một, rồi đến cốc tập uống... đủ lâu trước khi trẻ sẵn sàng cai sữa thì trẻ đã có thể uống các thức uống một cách thoải mái. Có thể dùng một cái chai, tuy nhiên cũng không cần thiết lắm, vì nhiều đứa trẻ phối hợp động tác đủ tốt và đủ thuần thục để uống bằng cốc nhỏ hoặc cốc tập uống.
Giảm lượng thức ăn lỏng đưa vào trong bữa ăn của bạn trong thời gian cai sữa. Các thầy thuốc đông y khuyên nên uống trà “ngải đắng” trong thời gian cai sữa để giúp tuyến vú ngừng tiết sữa. Có thể dán cao khoai sọ và chườm nóng để làm ngực bớt khó chịu trong thời gian này.

NHỮNG VẤN ĐỀ THÔNG THƯỜNG CÓ THỂ XẢY RA
Phát ban:
Phát ban là do quá dương hoặc quá âm trong khẩu phần ăn của trẻ và có thể điều chỉnh bằng cách thay đổi một chút trong cách ăn uống. Khi trẻ chỉ bú sữa mẹ mà bị phát ban, nếu thể trạng của bạn bị dương thì nên ăn thêm rau củ nấu tái, hấp hoặc rau nấu chín hẳn, đôi khi nên ăn xa-lat sống. Nếu nguyên nhân do thể trạng âm thì hãy điều chỉnh lượng muối ăn vào của bạn, có thể nó không được phù hợp, và/hoặc nấu rau, củ và ngũ cốc theo những phương pháp nấu dương hóa. Không nên ăn trái cây chừng nào nốt ban chưa bị loại trừ và thể trạng của bạn chưa được quân bình hơn. Nếu ban xuất hiện sau khi trẻ bắt đầu được cho ăn thức ăn đặc, đó có thể là do trẻ cần một vài hạt muối thêm vào thức ăn của nó khi nấu ăn. Việc này chỉ cần thực hiện trong vài ngày thôi, và không có nghĩa là trẻ cần thêm muối hàng ngày vào thức ăn của nó khi nấu ăn. Có thể dùng dầu vừng bôi lên da, và/hoặc để hở da ra ngoài không khí và ánh sáng để bề mặt da khỏi bị ẩm ướt và nóng, gây khó chịu cho trẻ.
Tiêu chảy:
Đây là hiện tượng đi ngoài thường xuyên, làm mất nước. Thông thường phân sẽ chuyển màu xanh, đôi khi có chứa máu hay chất nhầy. Trẻ sẽ thường có cảm giác đau bụng khi bị bệnh, biểu hiện quấy, khóc, mất ngủ, chán ăn… Cần nhanh chóng phát hiện nguyên nhân. Thông thường, khi trẻ còn đang bú sữa mẹ, đây là biểu hiện của việc bạn ăn quá nhiều đồ âm trong thực đơn của bạn, hoặc là bạn đã ăn một thứ thức ăn nào đó quá âm và nó gây phản ứng ngay cho con bạn. Điều quan trọng là phải quan sát trẻ để thấy những dấu hiệu mất nước khi trẻ bị tiêu chảy. Nếu bị tiêu chảy kéo dài quá 12-24 tiếng thì có thể nguy hiểm cho đứa trẻ. Nên ngừng tất cả các thức ăn đặc được nhá và bón cho trẻ, cho đến khi chấm dứt tiêu chảy. Chỉ cho trẻ bú cho đến khi hết đi lỏng, hoặc nếu bạn không nuôi con bằng sữa mẹ, thì cho trẻ ăn thức ăn lỏng thường ngày. Có thể dùng trà gạo rang đun trong 5-10 cốc nước, lọc lấy nước và bỏ gạo đi, cho trẻ uống để giải khát. Trà gạo rang cũng giúp ngừng đi ỉa lỏng. (Nước sắc củ cà rốt sao vàng cũng rất tốt cho bé ngừng tiêu chảy – ND).
Nên tránh các đồ ăn có gia vị và các thực phẩm quá âm hoặc quá dương. Nó có thể hợp khẩu vị với bạn và không gây phản ứng cho thể tạng của bạn, nhưng lại gây bệnh tiêu chảy cho con bạn.
Táo bón:
Táo bón trong thời kỳ bé đang bú mẹ là một dấu hiệu cho thấy thể tạng của bạn quá dương. Hãy xác định đâu là nguyên nhân của tình trạng này. Thí dụ: 1) Bạn có thể sử dụng quá nhiều muối khi nấu ăn. Hãy bớt lượng muối sử dụng và trong vòng 12-24 giờ, bạn sẽ nhận thấy có sự thay đổi thể hiện trong phân của con bạn và phân dần dần trở lại trạng thái mềm và vàng; 2) Nguồn cung cấp của sữa bạn có thể không đủ dồi dào trong thời gian này. Sách “Chăm sóc trẻ theo Thực dưỡng”, có gợi ý những thực phẩm làm giầu nguồn sữa của bạn; 3) Có thể bạn cần nghỉ ngơi nhiều hơn. Hãy cố chợp mắt vào nửa buổi sáng hoặc giữa trưa và lúc xế chiều trước giờ ăn tối. Nghỉ ngơi rất quan trọng trong thời gian này và nó sẽ ảnh hưởng rất lớn đến bạn và con bạn. Điều quan trọng là hãy nghỉ ngơi cho đủ, và khi bạn phải cho bú về ban đêm có nghĩa là bạn cần nghỉ ngơi nhiều hơn vào ban ngày, nhiều hơn cả mức bạn cần trước khi có thai và trước khi sinh con; 4) Bạn có thể đã ăn một vài thứ thức ăn có nguồn gốc động vật góp phần gây nên phản ứng quá dương trên trẻ, thậm chí mặc dù phản ứng này không xảy ra trong cơ thể bạn.
Sốt:
Sốt là hiện tượng khác lạ đối với trẻ sơ sinh. Trẻ đang bú mẹ có thể bị sốt khi mẹ nó ăn quá nhiều thịt động vật hơn lúc bình thường, nhất là khi người mẹ thay đổi khẩu phần ăn hoặc ăn quá nhiều đồ âm trong khẩu phần ăn, có thể dưới dạng món tráng miệng, hoa quả, nước ngọt, v.v… Những đồ ăn gây sốt cho trẻ này người mẹ không nên ăn quá nhiều. Chỉ cần ăn một lượng rất ít đồ ăn âm hoặc dương là đã thấy phản ứng mạnh mẽ và ngay lập tức ở trẻ. Trẻ nhỏ cũng hay bị sốt lúc mọc răng. Thức ăn nhiều gia vị quá trong khẩu phần ăn của người mẹ cũng có thể gây sốt ở trẻ. Những cơn sốt do ăn uống sai phép sẽ qua nhanh khi người mẹ trở lại chế độ ăn uống bình thường. Nếu con bạn bị sốt và không chán ăn, thì bạn không cần phải lo lắng. Thường nó sẽ tự thải bớt âm hoặc dương quá thừa và nhiệt độ sẽ giảm rất nhanh. Đắp lá rau diếp, lá cải bắp hay bất kì loại lá rau xanh nào lên trán và sau gáy để giảm cơn sốt. Do sốt gây nên hiện tượng ra nhiều mồ hôi, cơ thể mất nước, nên trẻ có thể bị háo nước hơn, có thể cho nó uống một ít trà dưỡng sinh loãng hoặc nước bằng thìa hoặc chai.
Bệnh vàng da:
Bệnh vàng da nhẹ là hiện tượng khá phổ biến xảy ra với trẻ sơ sinh, xuất hiện vào ngày thứ ba sau khi sinh và sẽ biến mất sau một tuần. Đứa trẻ trước đây được nuôi dưỡng từ nguồn cung cấp là máu mẹ khi còn trong bào thai. Và đột nhiên các tế bào máu này bị phân hủy trong khi thận và các cơ quan khác lúc đó chưa đủ trưởng thành để xử lý tất cả những chất thải của các tế bào bị phân hủy này. Khi cho con bú, nếu khẩu phần ăn của bạn quá dương, và/hoặc nếu bạn ăn một số thức ăn gây ra phản ứng dương trong cơ thể trẻ mới sinh, thì điều đó sẽ góp phần làm cho bệnh vàng da tồn tại dai dẳng lâu hơn một tuần.
Mọc răng:
Phần lớn trẻ mọc chiếc răng đầu tiên trong vòng 5-10 tháng. Răng thường “nhú lên” theo một trình tự giống nhau, nhưng độ tuổi mà một cái răng nào đó “mọc” lại có thể hết sức khác nhau. Thông thường hai răng cửa dưới mọc đầu tiên. Ba đến bốn tháng sau những răng cửa hàm trên bắt đầu mọc ra. Hầu hết trẻ thường cảm thấy khó chịu và đau đớn khi mọc răng. Nhiều khi nó “chảy dãi” hay “thò lò mũi” và/hoặc lên cơn sốt nhẹ. Cọ xát lợi (nướu) bằng trà lúa mạch (habucha) sẽ làm trẻ dễ chịu. Cho nó vài miếng dưa muối củ cải trắng (dưa muối takuan – xem Dạy nấu ăn, tập 1, số 48) để nó mút lúc mọc răng. Cắt miếng đủ lớn để trẻ không nuốt nó và cũng không bị nghẹn. Không nên cho muối vào thức ăn của trẻ khi chưa đủ 5 tháng tuổi. Khi cho muối nên rắc vài hạt, không nên đong bằng thìa đong. Luôn nhớ rằng không thể đo nhu cầu muối của con bạn bằng cách lấy khẩu vị của bạn mà nếm thức ăn của trẻ. Đọc “Chăm sóc trẻ theo Thực dưỡng” để biết thêm về vai trò của muối trong bữa ăn của trẻ.
Chậm lớn:
Nếu con bạn không tăng cân theo tốc độ mô tả trong phần nói về trọng lượng thì chớ có chậm trễ, hãy tìm hiểu nguyên nhân ngay lập tức. Điều quan trọng là phải nhận biết sự khác nhau giữa đứa trẻ nhỏ, khoẻ mạnh, dương tính, với một đứa trẻ chậm lớn và suy dinh dưỡng. Hãy kiểm tra xem bạn đã ăn những thức ăn để tạo nguồn sữa tốt chưa (xem phần trước về Chăm sóc trẻ sơ sinh) và hãy điều chỉnh khẩu phần ăn để giúp con bạn phát triển theo tốc độ lớn tự nhiên bình thường. Nếu bạn đã thực hành Thực dưỡng trong 3 năm hay hơn thế trước khi có con, thì con bạn có thể có một vài vấn đề trong phát triển và dinh dưỡng. Đôi khi có người phụ nữ có mang trong 3 năm đầu tiên thực hành Thực dưỡng gặp khó khăn trong việc duy trì nguồn sữa dồi dào và cảm thấy cần phải cho trẻ ăn sữa bò hoặc sữa dê trong một thời gian ngắn, vì trẻ không lớn và bị suy dinh dưỡng. Đừng ngần ngại, hãy thực hiện những thay đổi cần thiết vì lợi ích của con bạn. Phải linh hoạt. Bất kì lúc nào hãy viết thư cho Trung tâm Thực dưỡng Ohsawa (GOMF) nếu có bất kỳ vấn đề gì hay để hỏi về những điều chỉnh mà bạn cần làm trong những lúc như vậy. Sữa dê là loại sữa rất dương nên nhiều trẻ con bị táo bón vì uống nó, tuy nó rất dễ hấp thụ. Sữa lúa gạo hoặc ngũ cốc, hoặc sữa bò có thể chấp nhận được hơn với những trẻ rất nhỏ có thể tạng dương.
Hãy làm những điều tốt nhất cho con bạn dựa theo hiểu biết của bạn về Thực dưỡng để cung cấp đủ những gì mà con bạn cần. Có nghĩa là, ví dụ, khi cho con bú, nếu mọi nỗ lực của bạn (để cung cấp sữa mẹ) vẫn không đủ thì đừng ngần ngại hãy thêm vào những thức ăn mà con bạn cần để phát triển một cách tự nhiên, có thể dưới dạng sữa dê, sữa bò, cũng như sữa ngũ cốc (Kokkoh), cháo. Sữa mẹ âm hơn sữa bò, sữa bò âm hơn sữa dê, và sữa dê âm hơn sữa ngũ cốc. Nhận rõ sự khác nhau này trong tính âm/dương của thức ăn mà bạn dùng để cho con mình ăn, sẽ giúp bạn linh hoạt hơn, đến mức có thể điều chỉnh được nhu cầu thay đổi của con bạn mỗi khi nhu cầu đó xuất hiện. Hãy làm những gì thích hợp với con bạn - những gì làm nên một đứa trẻ khỏe mạnh, phởn phơ, vui vẻ - hãy linh hoạt để nhận biết những điều gợi ý trong sách này hay những sách khác mà bạn có thể dùng làm chỉ dẫn có thể có lợi hoặc không có lợi cho con của bạn. Hãy tự tin vào khả năng nhận biết của mình và đáp ứng mọi nhu cầu của con bạn. Bạn là người gần gũi con mình hơn bất cứ ai và cũng hiểu con mình hơn bất kỳ ai khác.
Có thể tìm thấy nhiều quyển sách giúp bạn tăng cường hiểu biết về sự tăng trưởng và phát triển bình thường của trẻ nhỏ. Khi đã hiểu biết sâu sắc hơn, bạn sẽ biết cái gì là tự nhiên và cái gì là khác biệt, hay bất thường ở trẻ nhỏ. Bạn sẽ biết khi nào cần gọi hoặc đến bác sĩ và khi nào không cần. Điều quan trọng nhất là hãy làm cho con bạn và gia đình bạn thực sự vui vẻ, hạnh phúc. Nhận thức của bạn về giá trị Thực dưỡng sẽ phát triển sâu hơn khi bạn chắt lọc kinh nghiệm thông qua sự khác nhau giữa những đứa trẻ, từ sơ sinh đến tuổi mẫu giáo, được nuôi bằng Thực dưỡng với những đứa không được nuôi bằng Thực dưỡng.

Diệu Minh
Phụ lục

CHẾ ĐỘ ĂN UỐNG KHI MANG THAI
Thực phẩm giàu protein rất quan trọng
trong thời kỳ mang thai
Các protein thực vật, ở loài thực vật này thì chứa thừa một số loại axít amin, nhưng ở những loại khác lại thiếu. Protein cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển của cơ thể bạn và con bạn và để phục hồi hoặc thay thế những mô tế bào bị hao mòn. Cơ thể bạn sử dụng protein để tạo ra sự chuyển hóa và các enzym giúp cho tiêu hóa, chúng hình thành nên một phần hooc môn cơ bản.
Cơ thể hấp thu protein, phân hủy nó thành các axit amin rồi sau đó lấy những axit amin đó làm vật liệu tái tạo lại thành các protein cần thiết cho cơ thể bạn. Có cả thảy 22 loại axit amin khác nhau được đồng hóa. Trong số đó chúng ta tạo ra được 12 loại bên trong cơ thể chúng ta. Còn 10 loại axit amin mà chúng ta không thể tạo ra được mà phải lấy chúng từ thức ăn. 10 axit amin này gọi là “những axit amin thiết yếu”.
Việc phối hợp các thực phẩm trong bữa ăn để hấp thụ được những protein thiết yếu này là rất quan trọng. Cuốn “Chế độ ăn uống cho tiểu hành tinh” chỉ ra cách làm thế nào để phối hợp các thức ăn trong một bữa ăn sao cho có thể cung cấp nhiều axit amin hơn trong bữa ăn đó thay vì ăn cũng những thức ăn đó trong nhiều bữa riêng biệt. Điều quan trọng nữa là các axit amin thiết yếu tồn tại theo tỉ lệ cân đối sẽ được bộ máy tiêu hóa hấp thu và sử dụng tốt hơn. Nhu cầu protein ở mỗi cá nhân hết sức khác nhau.
Sau đây là những thực phẩm khi được chế biến và/hoặc phục vụ trong một bữa ăn sẽ cung cấp đầy đủ protein:
1. Gạo và các loại rau đậu.
2. Gạo và các sản phẩm đậu tương như miso, tamari, đậu tương, đậu phụ, v.v…
3. Gạo, lúa mì và sản phẩm đậu tương.
4. Gạo và hạt vừng.
5. Lúa mì và đậu đỗ.
6. Lúa mì lứt (hạt mì hoặc bột mì hoặc mì ống…) và các sản phẩm đậu.
7. Lúa mì, sản phẩm đậu tương và hạt vừng.
8. Bột ngũ cốc và đậu.
9. Đậu và hạt vừng.
10. Các sản phẩm đậu tương, lúa mì, gạo và lạc.
11. Các sản phẩm đậu, vừng, lạc.
Sau đây là thí dụ về cách thức bạn có thể tạo ra nhiều protein cho cơ thể bạn sử dụng bằng cách phối hợp các thực phẩm theo tỉ lệ đúng đắn cho một bữa ăn: 1 cốc đậu và 2-2/3 cốc gạo (hoặc lúa mì, bột yến mạch, lúa mạch, lúa mạch đen) có thể phối hợp với nhau tạo nên 43% protein sử dụng được nhiều hơn là dùng riêng hai thứ thực phẩm để ăn vào các bữa khác nhau trong cùng một ngày. Thí dụ khác: 1 cốc gạo (hoặc các loại ngũ cốc đã kể trên) với 3 thìa canh bơ vừng được dùng để chuẩn bị làm thức ăn phục vụ cho một bữa ăn sẽ chứa 43% protein, tăng hơn so với dùng chúng riêng rẽ trong một bữa. Thí dụ nữa: 1 cốc bột ngô hoặc 6-7 cái bánh ngô cùng 1/4 cốc đậu.
Những thực phẩm trong chế độ ăn Thực dưỡng chứa nhiều protein:
A. Đậu rang: như đậu tương, đậu lăng (lentil), đậu Hà Lan, đậu đỏ, đậu trắng, đậu lima, đậu xanh.
B. Rong biển: như rong nori, tảo dun, rong wakame, tảo bẹ.
C. Các loại ngũ cốc còn để nguyên cám, như gạo lứt, lúa mì lứt, lúa mạch, kê, lúa mì trắng, lúa mạch đen, gạo lứt đỏ.
D. Các loại hạt và quả hạch: như hạt bí đao và bí ngô, hạt lạc, hạt hướng dương, quả hạnh, hạt vừng, hạt điều (đào lộn hột), hạt óc chó, hạt dẻ rang.

NHU CẦU CANXI KHI MANG THAI
Canxi có nhiều tác dụng đối với cơ thể bạn và con bạn. Nó đặc biệt quan trọng đối với phát triển xương của trẻ. Theo ông Noburo Muramoto, “cơn đau đớn buổi sáng” là do thiếu lượng canxi trong cơ thể mẹ cần thiết cho sự phát triển của cả mẹ và con. Ông đề nghị nếu có thể thì ăn nhiều rau dại hàng ngày khi mang thai vì chúng rất giàu canxi (xem cuốn “Thực hành nấu ăn”). Ở Nhật Bản, phụ nữ được khuyên nên ăn nhiều thực phẩm mang tính a-xít trong tháng đầu tiên mang thai như cam, chanh, rượu nếp cẩm, các loại quả chua như quả mận chua tươi, nếu ăn vào ngày đầu có thai sẽ làm giảm các cơn đau buổi sáng và khiến người mẹ sẵn sàng đủ canxi cung cấp cho con. Chỉ cần ăn một lượng nhỏ (Đọc “Chăm sóc trẻ theo Thực dưỡng” của Cornellia Aihara, tr. 5) dưa chuột muối có rau thì là và mơ muối umeboshi có tác dụng rất tốt khi bạn bị đau người vào buổi sáng. Các nguồn canxi phong phú trong chế độ ăn Thực dưỡng gồm có:
Rong biển:
Hiziki: 1.400mg/100g
Wakame: 1.300mg/100g
Tảo bẹ: 1.100mg/100g
Rong biển tím: 880mg/100g
Nori: 470mg/100g
Kanten: 400-500mg/100g
Tảo Dun: 300mg/100g
Các loại hạt:
Vừng, hạt phỉ, quả hạnh, hạt hướng dương.
Các loại rau lá xanh:
Rau mọc hoang, cải xoăn, cải xanh, rau mùi tây, lá bồ công anh, cải xoong, lá củ cải đường, đậu xanh, hoa lơ, rau diếp quăn, rau xà-lách, rau chân vịt, rau mướp tây, củ cải Thụy Sĩ.
Đậu:
Đậu tương, đậu xanh, đậu trắng, đậu rằn, đậu đỏ, đậu lăng.
Hoa quả:
Vỏ quả cam, quả sung phơi khô, mận khô, mơ muối, nho khô.

NHU CẦU CHẤT SẮT KHI MANG THAI
Sắt là thành phần khoáng chất thiết yếu cần thiết trong bữa ăn để phòng ngừa bệnh thiếu máu và rất quan trọng cho xương, não và cơ bắp. Các nguồn thức ăn Thực dưỡng có sắt hàm lượng cao là:
Rong biển:
Tảo bẹ 100mg/100g
Tảo Dulse 150mg/100g
Hiziki 31mg/100g
Nori 23mg/100g
Rau:
Rau mùi tây, hoa hướng dương, lá củ cải đường, lá chiso, lá bồ công anh, rau chân vịt, lá mù tạt, rau chân vịt New Zealand, các loại lá rau xanh.
Ngũ cốc lứt và các sản phẩm của nó:
Cám gạo và gạo tám, cám lúa mì, gạo lứt, mầm lúa mì, mầm gạo, hạt kê, lúa mì mùa đông mềm, lúa mì mùa đông cứng, đậu tương, lúa mạch.
Các loại hạt và quả:
Hạt bí ngô, bí đao, hạt vừng, hạt hướng dương, hạt điều, hạt phỉ, hạt dẻ khô.
Đậu phơi khô:
Đậu tương, đậu trắng, đậu lima, đậu xanh, đậu đỏ, đậu nhỏ, đậu lăng, đậu rằn, đậu đen.
Hoa quả:
Đào khô, mơ muối, mận khô, nho khô.
Lưu ý: Có thể tham khảo bảng Vitamin và Khoáng chất để bổ sung thêm vitamin và khoáng chất vào chế độ ăn của bạn.

GỢI Ý BỮA ĂN HÀNG NGÀY KHI MANG THAI
Gạo lứt, ngũ cốc lứt:
225g gạo lứt hoặc các loại ngũ cốc lứt, 3/4 cốc ăn 3 lần mỗi ngày.
Đậu:
1/2 cốc, nấu, 2 lần/ngày.
Rong biển:
1/2 cốc, 1-2 lần/ngày.
Bánh mì bằng ngũ cốc lứt (đen):
2 - 3 mẩu/ngày (có thể thay thế bằng bánh phở lứt hoặc mì lứt; hoặt 1/2 cốc bột nấu thành cháo gạo lứt, món tráng miệng).
Rau:
2-3 bó lá rau xanh thẫm hoặc vàng thẫm và 1 mớ các loại rau khác.
Dầu vừng:
1-3 thìa cà phê/ngày dùng trong nấu nướng.
Hạt vừng:
Dùng 28g/ngày. Dùng nguyên hạt để chế biến muối vừng, hoặc làm thành bơ vừng, và/hoặc tahini, dùng trong nấu nướng, ăn cùng bánh mì…
Miso và nước sốt đậu:
Dùng 28g/ngày.
Dùng hàng ngày dưới dạng súp miso.
Các thực phẩm có thể ăn thêm một ít:
Trứng, cá, hải sản và gia cầm, các sản phẩm bơ sữa, hoa quả tươi và khô, lạc.
Sự thay đổi món ăn tuỳ thuộc vào thể tạng của bạn, sức khoẻ, bữa ăn trước đây, phản ứng của bạn với từng món ăn và nhận biết về nhu cầu trong chế độ ăn của bạn.
Cố gắng phát hiện ra những gì “có ích” cho bạn trong bữa ăn của mình – những gì bạn cần cho sức khoẻ và sống tốt. Đọc “Chăm sóc trẻ theo Thực dưỡng” của Cornellia Aihara và “Kim chỉ nam cuộc sống” của George Ohsawa và nghiên cứu các bữa ăn được khuyến nghị cho thời kỳ mang thai và được khuyên cho những người ăn theo chế độ phi Thực dưỡng để thấy ở đâu và làm thế nào bạn có đầy đủ protein cùng các loại vitamin và khoáng chất theo gợi ý cho bữa ăn của bạn khi mang thai. Bạn có thể có những thay đổi theo ý thích cá nhân trong nhu cầu ăn uống của mình, không nhất thiết phải hoàn toàn tuân thủ theo những khuyến nghị Thực dưỡng chung chung. Sự linh hoạt và nhận thức của bạn về tính đa dạng này mới là quan trọng. Bữa ăn cần thay đổi thường xuyên trong suốt cuộc đời bạn. Mang thai là thời kỳ mà nhiều biến đổi lớn có thể xảy ra.


Diệu Minh
VITAMIN VÀ KHOÁNG CHẤT

Tên Nguồn thiên nhiên Chức năng Biểu hiện thiếu chất Nhu cầu/ngày
Vitamin A Rau mùi tây, cà-rốt, rau chân vịt, cải xoăn, bồ công anh, cải xoong, lá bắp cải, sup-lơ, củ cải, cua, gan, đào, quả tầm xuân, ớt đỏ và xanh, khoai ngọt, chuối, ngô, bơ, cà chua, đậu tây, bí ngô, củ cải đường, misô. Xây dựng hệ chống nhiễm khuẩn, nhất là cho hệ hô hấp. Giúp duy trì thể tạng khỏe mạnh của lớp ngoài của nhiều mô và cơ quan, nâng cao sức sống và tăng trưởng, cho phép hình thành màu tía thị giác chống tật quáng gà và thị lực yếu, tăng cường sức khỏe của da, nhất là cho thời kì mang thai và cho con bú.
Lưu ý: 1) sự hấp thụ trong hệ tiêu hóa được hỗ trợ bởi dầu vừng; 2) không xuất hiện dưới dạng vitamin trong rau quả, nhưng tiền vitamin carôten lại được cơ thể chuyển hóa thành vitamin A. Có thể dẫn đến chứng quáng gà, tăng tính mẫn cảm với nhiễm khuẩn, da khô và đóng vảy, ăn không ngon miệng, thiếu sinh lực, răng và nướu yếu, chậm lớn, rối loạn chức năng thận, hoa mắt, vô sinh. 5.000 IU
Vitamin B Complex Ngũ cốc lứt, các loại hạt, lá rau xanh, lạc, hạt dẻ, trứng, thịt động vật, sữa Dạng tổng hợp các sinh tố khác nhau giúp ích cho tiêu hóa, nếu không có thức ăn thì không được dùng như một thứ sinh ra năng lượng.
B1 (Thiamine) Gạo lứt, đậu tương, đậu thường, đậu lăng, quả hạnh, tảo bẹ, lúa mạch và lúa mạch đen, men bia khô, lúa mì lứt, yến mạch, lạc, hầu hết các loại rau, thịt lợn, sữa, bột đậu tương, bào ngư, các loại hạt, rau chân vịt, bồ công anh, miso. Nâng cao độ tăng trưởng, hỗ trợ tăng trưởng và tiêu hóa, nhất là cho hoạt động bình thường của các mô thần kinh, cơ, tim. Mất sinh lực, sụt cân, ăn không ngon, mất ngủ, phù nề chất lỏng trong cơ thể, nhịp tim không đều, giảm sức đề kháng, suy nhược, đau nhức mơ hồ, trẻ em còi cọc. 1,0 – 1,3 mg.
B2 (Riboflavin) Đậu tương, lúa mì lứt, yến mạch lứt, củ cải, bột đậu tương, đậu, hầu hết các nguồn chứa B1, gan, thận, cây bông cải xanh, trứng, mầm lúa mạch, miso, rau chân vịt, cải xanh, cải bắp. Cải thiện tăng trưởng, nhất là đối với sức khỏe, mắt, da, miệng, nâng cao sức khỏe chung. Viêm da mũi, loét miệng, ngứa và cộm mắt, nẻ khóe môi, viêm trong miệng và đỏ mắt, lưỡi tím tái. 15–20 mg
Niaxin Hạt vừng, lúa mạch lứt, kiều mạch, cá, đậu tương, lạc, gạo tẻ, men bia, gan, đậu thường, rau xanh, các sản phẩm bằng bột mì lứt. Đóng vai trò quan trọng cho hoạt động bình thường của hệ thần kinh, ngăn ngừa chứng nứt da (pellagra), tăng cường tăng trưởng, duy trì hoạt động bình thường của hệ dạ dày – ruột, cần thiết cho chuyển hóa đường, duy trì thể tạng bình thường của da. Triệu chứng nứt da: nẻ da, lưỡi, rối loạn dạ dày – ruột, rối loạn hoạt động hệ thần kinh, đau đầu, mệt mỏi, suy nhược thần kinh, đau mơ hồ không xác định, dễ cáu bẳn, ăn mất ngon, sút cân, mất ngủ, viêm dây thần kinh. 15-20 mg.
Axit folic Các loại rau màu xanh thẫm, nấm, hạt nẩy mầm (nha), đậu tương, men bia, mầm lúa mì. Rất cần thiết cho quá trình hình thành hồng cầu nhờ tác động của nó lên tủy xương, giúp chuyển hóa protein và góp phần cho tăng trưởng bình thường. Thiếu máu do dinh dưỡng Không xác định (MDR ND)
B12 Tảo biển (đặc biệt nhiều trong tảo dun), trứng tươi, ngũ cốc lứt, sữa chua, miso, gan, thịt bò, thịt lợn, sữa, phó-mát. Giúp cho việc hình thành và tái tạo hồng cầu, giúp ngăn ngừa thiếu máu, tăng cường tăng trưởng và tăng sự ngon miệng ở trẻ em. Có thể dẫn tới thiếu máu ác tính, ăn kém ngon, chậm lớn ở trẻ em, mệt mỏi. 5-8 mcg.
Vitamin C Tất cả các loại rau xanh, bông cải xanh, khoai lang, ớt xanh, rau thơm, cải xoong, củ cải vàng, mùi tây, cải xoăn, cà rốt, bắp cải, quả mọng, cam quít, cà chua, dưa đỏ, bồ công anh, giá đậu nành, rau diếp xoăn. Cần cho bộ răng, nướu và xương chắc khỏe, làm mạnh tất cả các mô liên kết, giúp vết thương mau lành, tăng cường sức mạnh và độ thẩm thấu của mao dẫn, cần thiết để duy trì sức khỏe cường tráng dẻo dai. Có thể dẫn tới chứng nướu mềm, mục răng, ăn mất ngon, cơ mềm nhão, xuất huyết dưới da, mao dẫn yếu, thiếu máu. 70-75 mg.
Vitamin D Dầu gan cá tuyết, cá khô, củ cải Thụy Điển, rau chân vịt, rau bồ công anh, tất cả cám ngũ cốc, hạt mì lứt và bột mì lứt, gan, sữa, trứng, cá tuyết, cá hồi, dầu gan cá, mỡ và dầu, bơ, “phơi nắng”. Điều chỉnh việc sử dụng canxi và phôt-pho trong cơ thể và cần thiết cho sự hình thành trọn vẹn răng và xương, rất quan trọng đối với trẻ em và trẻ sơ sinh. Sức đề kháng kém, cơ và xương yếu, chậm lớn, mục xương, còi xương, lờ đờ. 400 I.U.
Vitamin E Rau xanh ăn lá, gạo đỏ và tất cả ngũ cốc lứt, lạc, cám, lúa mì lứt và các sản phẩm từ lúa mì lứt, bơ, gan, sữa. Chưa biết chính xác tác dụng, dùng để ngăn ngừa vô sinh khi chữa trị những ca nguy cơ đẻ non, trong loạn dưỡng cơ, trong cải thiện thể trạng của tim. Triệu chứng già lão, chậm lớn, thần kinh chậm chạp, teo cơ, thiếu máu ở trẻ em, có thể liên quan đến việc mất năng lực sinh sản và rối loạn cơ. 25-30 IU
Vitamin K Dầu chưa tinh chế, gạo đỏ, cỏ linh lăng và tất cả rau lá xanh, đậu tương, lòng đỏ trứng, xup-lơ, bắp cải, rau diếp, rau chân vịt, bông cải xanh, cải xoăn, lá tầm ma mọc ở quanh vùng. Cần thiết trong việc sản xuất prothombin (một chất giúp cho việc đông máu), cần thiết cho chức năng gan. Đông máu chậm, bệnh xuất huyết, giảm tuần hoàn máu, yếu mệt. 0,5 mg.
Vitamin P Cải xoăn, cây bông cải xanh, kiều mạch, nước chanh, cải xanh, ớt xanh. Củng cố các thành mạch máu nhỏ, giúp chống các bệnh về khớp, tiểu đường, lao. Huyết áp thấp, đánh răng ra máu hồng, đau nửa đầu, giãn tĩnh mạch, chảy máu cam, bệnh scobut. Không xác định (MDR ND).
Canxi Tất cả các loại tảo biển, rau xanh, hạt vừng, cải xoăn, lạc, hạt (nhất là hạt hướng dương), ngũ cốc lứt, bắp cải, cây bông cải xanh, trứng, sữa, phó-mát, trái cây khô. Xây dựng và củng cố xương và răng, giúp máu chóng đông, tăng cường sinh lực và dẻo dai, điều chỉnh nhịp tim, bình thường hóa một số enzym. Xương và răng chậm phát triển, xương dòn, còi cọc, còi xương, tâm thần bất ổn, cơ dễ tổn thương. 0,8 gm.
Đồng Nho Hi Lạp, cải xoăn, khoai tây, măng tây (asparagus). Cần thiết để hấp thụ và sử dụng sắt, hình thành nên tế bào hồng cầu. Chậm sản xuất hêmôglôbin, hô hấp kém, suy nhược toàn cơ thể, chậm tăng trưởng. 2 mg.
Flo Cà-rốt, bắp cải, xup-lơ, dưa chuột, rau mùi tây, cải xoong, quả hạnh, lòng đỏ trứng, bồ công anh, củ cải đường xanh. Kết hợp đa dạng hóa hữu cơ với ôxi, kali, và lưu huỳnh để tạo thành máu, da, móng và tóc. Mục răng, cong sống lưng, thị lực yếu. Không xác định (MDR ND).
Iốt Tất cả các loại tảo biển (nhất là tảo bẹ và tảo dun), củ cải Thụy Điển, tất cả rau xanh, dưa hấu, cà rốt. Cần thiết cho hoạt động bình thường của tuyến giáp, đặc biệt là cho tăng trưởng, năng lực và trao đổi chất bình thường, tăng cường tuần hoàn, giúp quá trình ôxi hóa mỡ và protein. Bướu cổ, trì độn, mẫn cảm với nhiễm khuẩn, trao đổi chất trong cơ thể và hoạt động tinh thần kém, thần kinh mất ổn định. 15 – 30 mg.
Sắt Hạt bí ngô, đậu lima, củ cải đường, cây bông cải xanh, cải bruc-xen, củ cải, cải xoăn, rau xanh trộn, đậu xanh, bí ngô, rau chân vịt, bắp cải, cà rốt, xúp-lơ, lạc, quả mọng, mùi tây, rau tầm ma. Cần cho việc tạo ra hêmôglôbin, giúp tải ôxi trong máu, rất cần cho ôxi hóa tế bào, nhất là trong việc hình thành xương, não và mô cơ. Thiếu máu, xanh xao, hạn chế sức lớn, nghèo sức sống. 10 – 12 mg.
Manhê Tảo dun, đậu (nhất là đậu tương), đậu lăng, rau ăn lá, trái cây khô, hầu hết các loại quả hạch, rau tầm ma, rau diếp quăn. Cần cho chuyển hóa canxi và vitamin C, rất cần thiết cho hoạt động bình thường của hệ cơ và thần kinh, kích hoạt các enzym trong chuyển hóa hydrat cacbon, giúp cho quá trình tạo máu, thần kinh và cơ. Xương mềm, rối loạn tiêu hóa, kiệt sức, quá mẫn cảm, căng thẳng thần kinh, nhịp hồi hộp, chứng co giật. 300 mg.
Mangan Ngũ cốc lứt, quả hạnh, quả óc chó, củ cải đường, cà rốt, rau thơm, cải xoong, cải xoăn, táo, mơ mận. Kích hoạt các loại enzym khác nhau và chất khoáng khác liên quan đến việc sử dụng hợp lí vitamin B1 và E, tham gia vào quá trình sinh sản, kết hợp với ôxi, hiđrô và sắt tạo thành lymphô và hêmôglôbin. Phản ứng mô yếu, tăng trưởng hạn chế, rối loạn chức năng tuyến, chức năng sinh sản kém. 15 - 25 mg.
Phôtpho Đậu xanh, hạt hướng dương, quả hạch, đậu nành, đậu lăng, ngũ cốc và bột lứt, tảo biển, trái cây khô, cải xoong, tỏi tây, củ cải. Cần cho sự hình thành xương và răng bình thường, liên quan đến tác động của canxi và vitamin D, bình thường hóa trao đổi chất, làm đông máu, chuyển hóa axit béo, quan trọng cho phát triển và hoạt động trí não. Xương nghèo chất khoáng, lớn chậm, giảm trọng lượng, suy yếu toàn cơ thể. 1,2 gm.
Kali Tảo dun và tất cả tảo biển khác, đậu tương, trái cây khô, quả hạch, rau củ. Cần cho phát triển xương, thần kinh bình thường, cho hoạt động tim và phản ứng enzym, giúp cho quá trình bài tiết, điều hòa nhịp tim, hình thành glycogen từ đường glucô, chất béo từ đường glucô. Tăng trưởng và bài tiết không hết, điều khiển cơ yếu, tiêu hóa không hoàn toàn. 3 gm
Natri Tảo dun và tất cả tảo biển, lá rau xanh, trái cây khô. Giữ nước trong tế bào, giúp tái tạo da, thần kinh, màng nhầy, giúp hình thành dịch tiêu hóa, giúp bài tiết diôxit lưu huỳnh. Hấp thụ của hệ tiêu hóa kém, tăng trưởng hạn chế. 0,5 gm.
Lưu huỳnh Hầu hết các quả hạch, cải bruxen, bắp cải, xup lơ, táo, nam việt quất, hầu hết các loại đậu, cải xoong, cải xoăn, nho Hi Lạp. Thiết yếu cho làn da, tóc và móng đẹp, kết hợp với cacbon, ôxi và kali để tạo thành máu, quan trọng trong gan và trao đổi chất tế bào da. Bệnh êczema, tăng trưởng hạn chế, chứng viêm da, tóc và móng mọc xấu và thưa. 0,3 gm.
Thiếc Lúa mì lứt và sản phẩm từ lúa mì lứt. Giúp hoạt động bình thường của các mô, chuyển hóa protêin và hiđrat cacbon. Hấp thụ hệ tiêu hóa kém, tăng trưởng hạn chế. 10 -15 mg.
IU – Đơn vị quốc tế
MDR – Nhu cầu tối thiểu/ngày
ND – không xác định
Gm. – Gam
mg. – miligam
mcg. micrôgam



SỰ PHÁT TRIỂN THAI NHI
Tuần thứ 3 Tuần thứ 4 Tuần thứ 5
1. Chiều dài 2,11 mm
2. Bề ngang khoảng 4,23 mm
3. Xương sống hình thành
4. Ống tủy sống với 5 hoặc 6 đốt sống bắt đầu hình thành.
1. Đầu hình thành
2. Tim bắt đầu nhìn thấy (dưới dạng giống cái ống)
3. Bắt đầu có tay, nhìn thấy hai chân
4. Những dấu hiệu đầu tiên của tất cả các cơ quan bắt đầu phân biệt
5. Hình thành toàn bộ xương sống
6. Ống tủy sống đóng kín phía trên
7. Được gọi là “phôi” 1. Ngực và bụng hình thành
2. Ngón tay và ngón chân bắt đầu ló dạng
3. Hai mắt có đường nét rõ ràng
4. Thai dài khoảng 12,7 mm

Tuần thứ sáu Tuần thứ 7 và thứ 8 Tuần thứ 9 đến 12 (tháng thứ 3)
1. Tai hình thành
2. Những đặc điểm khuôn mặt bắt đầu lộ rõ.
1. Mặt hình thành hoàn chỉnh
2. Tay, chân, ngón chân, bàn tay và ngón tay hình thành rõ rệt.
3. Thai dài khoảng 25,4 mm
4. Cân năng 2 – 3 gam
5. Cơ quan giới tính, nhưng chưa phân biệt
6. Bắt đầu giống hình dạng người
7. Được gọi là “thai”.
1. Tay, chân, bàn chân, bàn tay và tai hình thành hoàn chỉnh
2. Móng tay móng chân bắt đầu xuất hiện
3. Bộ phận sinh dục ngoài bắt đầu cho thấy sự khác biệt về hình dạng.
4. Dài 76,2 mm
5. Cân nặng 28,35 g.
6. Các chồi răng sữa xuất hiện
7. Thận phát triển
8. Có sự vận động, nhưng mẹ chưa cảm thấy.
Tuần thứ 13 đến 16 Tuần thứ 17 đến 20 Tuần thứ 21 đến 24
1. Dài 16 cm
2. Cân nặng 113,4 đến 170.1 gam
3. Lông mày và lông mi xuất hiện
4. Cơ quan sinh dục cho biết giới tính của thai nhi.
5. Cảm thấy thai đạp (vận động) 1. Dài 25 cm
2. Nhịp tim thai có thể nghe rõ
3. Tất cả các bà mẹ đều thấy thai vận động (đạp)
4. Tóc bắt đầu xuất hiện trên đầu 1. Dài 30 cm
2. Cân nặng 0.681 đến 0,908 kg
3. Có chất bã nhờn thai nhi
4. Trông giống một chú bé tí hon
5. Có tóc trên đầu
6. Hai mắt mở ra
Tuần thứ 25 đến 28 Tuần thứ 29 đến 32 Tuần thứ 33 đến 36
1. Dài 35 cm
2. Cân nặng 1.135 kg
3. Da rất đỏ
1. Dài 40 cm
2. Cân nặng 1.816 kg
3. Trông giống một người già nhỏ con 1. Dài 45 cm
2. Cân nặng 2.724
3. Da trắng, đỏ hồng và trơn mịn
4. Tóc trên đầu dài 25,4 mm
5. Móng tay móng chân dài.


GIAI ĐOẠN ĐẦU TIÊN CỦA QUÁ TRÌNH CHUYỂN DẠ

1. Tử cung giãn nở, giống như con “búp bê nhồi bông”. 2. Một cơn co thắt xuất hiện; thai nhi thẳng đuỗn người, giống như một “chú lính chì”.

3. Tử cung lại giãn nở. 4. Những cơn co thắt tiếp theo, và cổ tử cung từ từ mở và doãng rộng.

5. Tiếp tục một đợt giãn nở nữa, và tử cung có hình dạng mới khi thai nhi chuyển động tiếp xuống phía dưới. 6. Giai đoạn thứ nhất giờ đây sắp kết thúc và cổ tử cung mở gần như hoàn toàn.


GIAI ĐOẠN THỨ HAI CỦA QUÁ TRÌNH CHUYỂN DẠ
7. Trong khi giãn ra, vách tử cung có hình dạng mới để thai nhi chuyển động xuống dưới về phía cửa tử cung. Cổ tử cung mỏng đi và đứa trẻ chuyển xuống dưới tạo nên một “đường bao” mới cho tử cung.


8. Cơn co bóp xuất hiện và vách tử cung thẳng ra, và gáy đứa trẻ cũng thẳng ra như vậy khi nó tiến xuống hơn nữa và bắt đầu ra khỏi tử cung đi vào đường sinh. Đầu (hay những bộ phận cơ thể khác) giờ đây ra khỏi tử cung vào âm đạo.

9. Đầu đứa bé giờ đây đang đi qua âm đạo.


Đầu đứa trẻ giờ đây đã qua khỏi vành xương chậu và đang ở đáy xương chậu. Đầu của bé cựa quậy và giờ đây ta đang thấy phía sau của đầu. Đầu phải quay một góc 30° khi nó tụt khỏi vành xương chậu xuống hố chậu. Tử cung không co ngắn lại nữa mà bắt đầu co hẹp lại khi đứa bé tụt xuống, và cửa dưới của tử cung (cổ tử cung) mỏng đi và chỉ để phần ngoài mở để đầu trẻ chui qua. Giai đoạn chuyển dạ này kéo dài khoảng từ 30 phút đến 2 giờ và kết thúc bằng việc đứa trẻ ra đời.
Diệu Minh
GIAI ĐOẠN THỨ BA CỦA QUÁ TRÌNH CHUYỂN DẠ
Sự xổ nhau:
Nhau thai thường tách ra khỏi thành tử cung trong vòng 5 phút sau khi đứa bé ra đời. Khi chuyện này diễn ra thường là thấy:
1. Có máu chảy ra từ âm đạo.
2. Dây rốn kéo dài ra ngoài âm hộ.
3. Tử cung co lên ổ bụng khi lá nhau ra khỏi tử cung vào âm đạo.
4. Tử cung co lại thành một khối cầu cứng.
Vào lúc này, người mẹ cần phải nghỉ ngơi một lát sau khi đứa bé ra đời để lấy lại sức lực tiếp tục rặn và đẩy nhau ra ngoài. Điều quan trọng là phải xoa bóp (mátxa) đáy (phía trên cùng) của tử cung bằng cách đặt tay lên vùng bụng dưới, nơi ta sẽ thấy tử cung qua cảm giác tay. Xoa nhẹ nhàng cho đến khi đáy tử cùng bắt đầu co và cứng lại, tay cảm thấy như sờ quả lê.

CHO TRẺ SƠ SINH BÚ SỮA MẸ
0 – 2 ngày: Cho bú khoảng 5 phút, 3 – 4 lần trong 24 giờ.
2 ngày – 2 hoặc 3 tuần: 10 – 15 phút cho mỗi lần bú hoặc cho đến khi bé no, 5 – 7 lần trong 24 giờ.
Trên 3 tuần – 3 tháng: Bé sẽ dần dần phát triển thói quen. Nếu bây giờ bé muốn bú trên 5 lần/ngày, thì chắc chắn là không đủ sữa cho bé bú.
Lưu ý:
1. Trẻ sơ sinh không cần phải đánh thức dậy để cho bú đúng vào một giờ nào đó mỗi ngày mà cần phải bú đủ số lần trong một ngày.
2. Khi được hai tháng tuổi, hầu hết những trẻ đều tự thiết lập lịch bú riêng cho mình.
3. Sự tăng cân có thể khác nhau. Thông thường bé sút cân một chút vào mấy ngày đầu, sau đó tăng từ 14 – 42,5 g mỗi ngày.
4. Những trẻ bị đói sau khi cho ăn xong đôi khi bị nôn, trớ hoặc hay bị nấc. Chúng thường bị cho ăn nhanh quá và đôi khi là vì dạ dày quá đầy (dạ dày bị âm hóa), kết quả dẫn tới bị nấc hoặc nôn trớ.
5. Những trẻ kén ăn thường ăn từng bữa nhỏ và cảm thấy no, nhưng chúng thường có xu hướng thức dậy trên 5 – 6 lần mỗi ngày, nhiều hơn bình thường. Với những trẻ như vậy nên cho chúng nghỉ một lát sau khi bú rồi lại cho bú tiếp.
6. Luôn chuẩn bị sẵn núm vú và đợi khoảng một phút trước khi cho trẻ bú để có thời gian xuống sữa. Điều này rất quan trọng; nếu trẻ bập vào bú ngay trước khi sữa xuống, thì sẽ có sự nhiễu loạn quá trình xuống sữa, ảnh hưởng không tốt đến toàn bộ qui trình cho trẻ bú và sẽ khiến trẻ phải rời vú mà chưa đủ no. Mỗi lần sau khi cho trẻ bú xong, nên lau vú bằng nước ấm, sạch, sẽ rất tốt cho bạn và con bạn.
7. Hãy đọc cuốn “Cho con bạn bú sữa mẹ” của Karen Pryor và/hoặc những nhà xuất bản khác về nuôi con bằng sữa mẹ ở các tổ chức sau:
LIÊN ĐOÀN QUỐC TẾ LA LACHE
9616 Minneapolis Avenue
Franklin Park, Illinois 60131
HIỆP HỘI GIÁO DỤC SINH SẢN QUỐC TẾ
Trung tâm Ngân sách
208 Ditty Building
Bellevue, Washington 98004

CHO TRẺ BÚ SỮA BÌNH (NUÔI BỘ)
0 – 2 ngày: Hầu hết trẻ đều không đói vào 24 giờ đầu sau khi sinh. Cho ăn công thức sữa Kokkoh 3 – 4 lần trong 24 giờ (xem công thức pha chế sữa Kokkoh và lịch cho ăn trong cuốn hướng dẫn Thực dưỡng này)
2 ngày – 3 tuần: Cho ăn công thức sữa Kokkoh 5 – 7 lần trong 24 giờ.
Sau tuần thứ 3: Trẻ dần dần phát triển thói quen riêng. Nó sẽ không đòi hỏi quá 5 lần ăn hàng ngày trong vòng 24 giờ.
1. CÔNG THỨC PHA CHẾ SỮA KOKKOH TRUYỀN THỐNG
Sữa Kokkoh số 1 Sữa Kokkoh số 2
35% gạo đỏ
60% gạo đỏ ngọt
5% hạt vừng trắng 55% gạo đỏ
25% gạo đỏ ngọt
5% hạt vừng trắng
15% bột yến mạch
Tất cả các thành phần ban đầu vo sạch, rồi rang khô trong chảo gang cho đến khi vàng. Sau đó trộn lẫn và xay thành bột mịn. Dùng cối xay tay, máy xay bằng đá là tốt nhất, nhưng có thể dùng máy xay bột chạy điện cũng được. Dùng 2 thìa cà phê bột Kokkoh hòa với 3/4 cốc nước. Đun sôi và nấu khoảng 10 phút.
Muốn tìm hiểu thêm thông tin liên quan đến sữa Kokkoh dùng cho trẻ nhỏ và trẻ lớn hơn, mời tham khảo bài “Sữa – Huyền thoại của Văn minh”, Hướng dẫn Thực dưỡng (Macroguide) số 10 do Herman Aihara viết, và Tạp chí Thực dưỡng, số 7, tháng 2/1972.
2. AMASAKE, một chất làm ngọt thiên nhiên làm từ ngũ cốc có thể bổ sung thêm vào Kokkoh ở mỗi bữa ăn nếu con của bạn muốn hoặc cần chất ngọt cho bữa ăn của bé. Chớ có thích gì thêm nấy chỉ theo khẩu vị của riêng bạn, mà hãy bắt đầu cho từng tí một, thí dụ 1/4 thìa cà phê cho một chai và dần dần tăng số lượng lên nếu cần. Tham khảo công thức làm amasake trong bài Hướng dẫn nấu ăn của Chico – San, Phương pháp nấu ăn (The Do of Cooking), Volume IV, Nấu ăn mùa đông và/hoặc Chăm sóc trẻ theo Thực dưỡng, Hướng dẫn Thực dưỡng số 8 do Cornellia Aihara biên soạn (tất cả đều có ở GOMF).
Những chất làm ngọt tự nhiên bằng ngũ cốc, như amasake, dương hơn là mật ong, hay những chất làm ngọt khác. Cũng có thể dùng nước xi-rô Yinnie, nhưng loại nước này khó làm tại nhà.

THỜI GIAN BIỂU CHO TRẺ ĂN SỮA KOKKOH
ĐỘ TUỔI LƯỢNG KOKKOH NƯỚC SỐ LẦN TRONG NGÀY LƯỢNG CHO MỖI LẦN ĂN LƯỢNG CHO MỖI NGÀY CALORY
1 ngày 1,5 thìa cà phê 3/4 c. 0 – 2 0 – 0,5 T. 0 – 1 T.
2 ngày “ “ 3 – 5 1 T. 3 – 5 T. 6
3 ngày “ “ 5 – 6 2 T. 10 – 12 T. 15
4 ngày “ “ 7 3 T. 1 c. 5 T. 30
5 ngày “ “ 7 5 T. 2 c. 3 T. 50
6 ngày “ “ 7 6 T. 2 c. 10 T. 120
7 ngày “ “ 7 7 T. 3 c. 1 T. 140
2 tuần 1 T. 3/4 c. 7 8 T. 3,5 c. 320
4 tuần “ “ 7 8 T. 3,6 c. 320
2 tháng 2 T. 3/4 c. 6 11 T. 4 c. 2 T. 380
3 tháng “ “ 6 14 T. 5 c. 4 T. 450
4 – 6 tháng “ “ 5 18 T. 5 c. 10 T. 520
7 – 8 tháng “ “ 5 20 T. 6 c. 4 T. 570
9 – 12 tháng “ “ 5 20 T. 6 c. 4 T. 570


TÃ LÓT
Áo quần cần thay đổi theo mùa và theo nơi ở. Độ ấm áp của bộ quần áo của trẻ tùy thuộc vào khí hậu nơi bạn sống và cách phân bổ nhiệt độ trong ngôi nhà của bạn. TRÁNH ĐỂ TRẺ BỊ LẠNH. TRÁNH MẶC ÁO QUÁ NHIỀU. Dưới đây liệt kê những yêu cầu cơ bản:
3 – 6 áo lót, mở cúc bên cạnh hoặc đằng trước, cỡ cho 6 tháng.
2 – 4 cái kimônô (tùy chọn).
4 – 6 áo dài làm bằng vải ấm như vải flanen dùng cho cả ngày lẫn đêm trong 3 hay 4 tháng đầu tiên; cỡ cho 6 tháng.
3 – 4 túi nhỏ (tùy chọn)
4 – 6 tấm chăn bằng vải thấm nước.
2 khăn rửa mặt mềm
2 khăn tắm mềm
2 khăn trải giường cho cũi hoặc nôi
2 áo nịt (áo phông): 1 áo dày và 1 áo mỏng
3 – 4 tá tã lót
3 hay 4 tấm vải vuông flanen để phủ lên tã lót khi đặt bé nằm ngủ (tấm phủ bằng nilông có khả năng gây hăm cho trẻ).
3 hay 4 bộ quần áo bằng vải bông đan hoặc co dãn được, cỡ cho 6 tháng hoặc hơn.
2 đôi giày len
1 – 2 mũ có dây buộc dưới cằm
2 – 3 đôi kim găm tã có nắp che an toàn
1 cái cũi và nệm chắc chắn hay một cái nôi có lớp lót không thấm nước đặt dưới khăn trải giường.
2 – 3 tấm đệm mềm đặt phía trên khăn trải giường và dưới lưng đứa trẻ.
Dụng cụ để tắm cho trẻ: Có thể làm những túi cám gạo bằng khăn mặt vải bông hình tròn. Cắt lấy một miếng 20 x 15 cm và gập đôi lại. May hai mép không gập và để chừa miệng túi. Lộn trái mặt trong ra ngoài để giấu đường chỉ vào phía trong. Cắt những dải vải và làm những sợi dây vải bằng cách may viền mép. May đính sợi dây vào một bên túi (như hình minh họa) sao cho có thể thắt miệng túi sau khi đã đổ 2 – 3 thìa canh cám gạo (nuka) vào trong.
Những thứ khác: Bánh xà phòng hữu cơ, dầu khoáng vật, bông hút nước, kim găm an toàn, bột tan (phấn rôm) (tùy chọn).

Tắm cho bé trong một chậu tắm hay chậu rửa vừa với người bé.

CÁCH TẮM CHO BÉ
Chuẩn bị:
1. Để tất cả các dụng cụ để tắm vào một chỗ.
2. Bảo vệ quần áo của bạn bằng một tạp dề hoặc áo khoác ngoài.
3. Giữ cho phòng tắm được ấm và kín gió.
4. Chuẩn bị sẵn sàng quần áo sạch để phủ lên người trẻ.
5. Dùng khuỷu tay bạn để thử nước: nước phải ấm áp, dễ chịu.
6. Dùng túi cám gạo (nuka) may bằng vải bông hay xà phòng trung tính không có hóa chất độc hại và không ăn mòn da.

Tắm:
1. Rửa mặt cho bé bằng một tấm vải mềm, sạch. KHÔNG DÙNG XÀ PHÒNG XOA TRÊN MẶT TRẺ. Có thể dùng túi cám gạo nếu muốn nhưng không cần thiết.
2. Nhúng ướt túi cám gạo vào trong nước có nhiệt độ nóng hơn nước đang dùng để tắm cho trẻ. Nước nóng này sẽ rút ra khỏi cám gạo thứ chất lỏng giống như sữa có tác dụng làm sạch và làm mịn da.
3. Làm ướt đầu trẻ bằng một khăn ướt, sau rửa bằng túi cám gạo đã nhúng nước, hoặc bằng xà phòng. Rồi giữ bé trong một tấm khăn tắm khô, nhẹ nhàng ghé đầu bé vào một bên chậu nước và gội sạch bột cám gạo hoặc xà phòng khỏi đầu bé.
4. Lau khô đầu.
5. Bây giờ hãy tắm toàn bộ thân thể bé bằng bột cám gạo ướt hay xà phòng; đặc biệt cẩn thận cọ rửa những khe kẽ trên da.
6. Trước khi nhúng người trẻ vào nước tắm, hãy quấn bé vào trong một vuông vải dệt kim mềm, đặt bé vào trong nước ấm, cởi khăn ra nhưng vẫn để bé nằm trên miếng vải. Vuông vải sẽ giữ không cho trẻ trượt khỏi tay bạn rơi vào chậu tắm, có thể va chạm lên bề mặt của đáy chậu. Xem Chăm sóc trẻ theo Thực dưỡng, tr. 21 (A).
7. Gội cho hết cám gạo hoặc xà phòng.
8. Để cho trẻ có thời gian thư giãn, vùng vẫy chơi đùa trong chậu tắm.
9. Dùng khăn tắm mềm thấm nhẹ khắp người bé cho khô, lại hết sức cẩn thận thấm khô tất cả những khe, kẽ da, đằng sau gáy và hai tai.
Lưu ý:
Chọn thời gian tắm vào lúc tốt nhất cho bạn và cho thời gian biểu sinh hoạt của gia đình bạn. Đừng tắm và giặt quần áo ngay trước khi chồng và những đứa con lớn của bạn về nhà và có thể dùng nước nóng để tắm trước khi ăn tối.
Tắm cho bé vào cùng một thời gian trong ngày là điều hoàn toàn có thể, trừ khi bé bị ốm. Khi trẻ được 3 hay 4 tháng tuổi, bắt đầu tắm trước khi cho ăn bữa cuối cùng: việc này sẽ giúp trẻ ngủ ngon vào ban đêm.
Khi nhúng trẻ vào nước tắm, hãy đưa tay giữ lấy mông trẻ, vì độ nóng của nước có thể làm cho trực tràng của trẻ giãn nở và trẻ có thể “bĩnh” một bãi lớn đủ làm bẩn cả chậu nước tắm.

NHỮNG NGUỒN THÔNG TIN VỀ SINH SẢN VÀ CHĂM SÓC TRẺ

HIỆP HỘI GIÁO DỤC SINH SẢN QUỐC TẾ
(INTERNATIONAL CHILDBIRTH EDUCATION ASSOCIATION - ICEA)
P. O. Box 5852
Milwaukee, Wisconsin 53220
Một liên hiệp các cá nhân và nhóm giáo dục sinh sản ở Mĩ và các nước khác trên thế giới quan tâm đến việc chăm sóc sản phụ tại gia đình là chính. Những nguồn hỗ trợ có giá trị cung cấp cho các đôi vợ chồng và gia đình đang tìm hiểu cách chuẩn bị sinh con hoặc những khía cạnh riêng biệt của việc chăm sóc dựa vào gia đình trong các cộng đồng khác nhau. ICEA quan tâm đến những vấn đề sau: Mang thai đến kì chuyển dạ và sinh con, nuôi con bằng sữa mẹ, và gia đình mới, đưa người cha vào trong phòng đẻ, Cho trẻ gần mẹ ngay sau khi sinh, sinh con tại nhà, v.v... Bảng giá những sách có thể mua được và sự trợ giúp giảng dạy có thể lấy miễn phí từ:
Trung tâm Ngân sách ICEA
208 Ditty Building
Bellevue, Washington 98004

LIÊN ĐOÀN QUỐC TẾ LA LECHE
(LA LECHE LEAGUE INTERNATIONAL)
9616 Minneapolis Avenue
Franklin Park, Illinois 60131
ĐT: 312-445-7730
Đây là một tổ chức của các bà mẹ đang cho con bú trên toàn thế giới, nhằm hỗ trợ các bà mẹ có con mọn và có thể gọi điện hoặc viết thư nhờ giúp đỡ về những vấn đề hàng ngày từ việc cho con bú sữa mẹ cũng như đến nhiều vấn đề lớn khác. Tổ chức này tài trợ và duy trì những cuộc gặp gỡ giao lưu giữa nhiều cộng đồng trên lãnh thổ Hoa Kì. Hãy tra cứu trong danh bạ điện thoại để tìm xem ở thành phố nơi bạn ở có nhóm nào như vậy không. Liệt kê danh sách những nhà xuất bản và trợ giúp giảng dạy có thể tìm thấy.

TRUNG TÂM SẢN PHỤ
48 East 92nd Street
New York, New York 10028
Trung tâm này tài trợ cho nhiều chương trình phát triển trong lĩnh vực chăm sóc bà mẹ và trẻ em cho những người chuyên nghiệp và không chuyên. Cung cấp những xuất bản phẩm và thông tin như các nguồn cung cấp nữ hộ sinh tại nhà trong bang hay cộng đồng của bạn, v.v... hay nhiều trợ giúp giảng dạy có giá trị áp dụng trong quá trình chuẩn bị sinh con. Hãy liệt kê danh sách những xuất bản phẩm và trợ giúp giảng dạy miễn phí có thể kiếm được.

HỘI PHÒNG BỆNH BẰNG TÂM LÍ TRONG SẢN KHOA CỦA MĨ (AMERICAN SOCIETY FOR PSYCHOPROPHYLAXIS IN OBSTETRICS - ASPO)
36 West 96th Street
New York, New York 10025
Nhằm tiếp nối lời giáo huấn của Bs. Fernand Lamaze trong việc chuẩn bị cho việc sinh con và giúp các đôi vợ chồng nào muốn thực hiện kiểu chuẩn bị như vậy. Hội đào tạo các giáo viên theo phương pháp Lamaze chuyên mở các lớp giáo dục sinh sản trên khắp đất nước dưới nhiều hình thức khác nhau. ASPO có chi nhánh ở nhiều cộng đồng và sẽ giới thiệu bạn tiếp xúc với cá nhân thành viên nào đó nếu trong cộng đồng của bạn không có chi nhánh của hội.
member
THỜI GIAN BIỂU CHO TRẺ ĂN SỮA KOKKOH
ĐỘ TUỔI LƯỢNG KOKKOH NƯỚC SỐ LẦN TRONG NGÀY LƯỢNG CHO MỖI LẦN ĂN LƯỢNG CHO MỖI NGÀY CALORY
1 ngày 1,5 thìa cà phê 3/4 c. 0 – 2 0 – 0,5 T. 0 – 1 T.
2 ngày “ “ 3 – 5 1 T. 3 – 5 T. 6
3 ngày “ “ 5 – 6 2 T. 10 – 12 T. 15
4 ngày “ “ 7 3 T. 1 c. 5 T. 30
5 ngày “ “ 7 5 T. 2 c. 3 T. 50
6 ngày “ “ 7 6 T. 2 c. 10 T. 120
7 ngày “ “ 7 7 T. 3 c. 1 T. 140
2 tuần 1 T. 3/4 c. 7 8 T. 3,5 c. 320
4 tuần “ “ 7 8 T. 3,6 c. 320
2 tháng 2 T. 3/4 c. 6 11 T. 4 c. 2 T. 380
3 tháng “ “ 6 14 T. 5 c. 4 T. 450
4 – 6 tháng “ “ 5 18 T. 5 c. 10 T. 520
7 – 8 tháng “ “ 5 20 T. 6 c. 4 T. 570
9 – 12 tháng “ “ 5 20 T. 6 c. 4 T. 570


Chị ơi
E mới bắt đầu cho bé nhà e bú theo thực dưỡng , bé nhà e đã đưoc 4 tháng , mà e coi cái bảng hướng dẫn bên trên cả nhà coi ma ko hiểu
Vì em ko hiểu cốc nước là ra sao , thêm ko biết là cứ 2 thià cafe thì bao nhiêu ml nước ....

Thấy bảng chỉ dẫn ko rõ dàng chị àh , vì e đang cho bé bú bên này , 5 thìa sữa bột thì là 150ML nước .... , chứ còn mỗi bé bú đâu đúng 5 cữ trong ngày

Ví dụ như : luợng cho mỗi lần ăn ( thìa cafê) 18 , Lượng cho mỗi ngày (thìa cafê) 5C.10T. CALORY 520 , nếu bé bú ko đủ 5 lần trong ngày vậy thì coi như thiếu chất

chị giải thích giúp e với , chứ hôm wa tới giờ e pha đại cho bé hix , lo lắng wá

.
vantrung
QUOTE(member @ Sep 18 2011, 08:11 PM) *
THỜI GIAN BIỂU CHO TRẺ ĂN SỮA KOKKOH
ĐỘ TUỔI LƯỢNG KOKKOH NƯỚC SỐ LẦN TRONG NGÀY LƯỢNG CHO MỖI LẦN ĂN LƯỢNG CHO MỖI NGÀY CALORY
1 ngày 1,5 thìa cà phê 3/4 c. 0 – 2 0 – 0,5 T. 0 – 1 T.
2 ngày “ “ 3 – 5 1 T. 3 – 5 T. 6
3 ngày “ “ 5 – 6 2 T. 10 – 12 T. 15
4 ngày “ “ 7 3 T. 1 c. 5 T. 30
5 ngày “ “ 7 5 T. 2 c. 3 T. 50
6 ngày “ “ 7 6 T. 2 c. 10 T. 120
7 ngày “ “ 7 7 T. 3 c. 1 T. 140
2 tuần 1 T. 3/4 c. 7 8 T. 3,5 c. 320
4 tuần “ “ 7 8 T. 3,6 c. 320
2 tháng 2 T. 3/4 c. 6 11 T. 4 c. 2 T. 380
3 tháng “ “ 6 14 T. 5 c. 4 T. 450
4 – 6 tháng “ “ 5 18 T. 5 c. 10 T. 520
7 – 8 tháng “ “ 5 20 T. 6 c. 4 T. 570
9 – 12 tháng “ “ 5 20 T. 6 c. 4 T. 570


Chị ơi
E mới bắt đầu cho bé nhà e bú theo thực dưỡng , bé nhà e đã đưoc 4 tháng , mà e coi cái bảng hướng dẫn bên trên cả nhà coi ma ko hiểu
Vì em ko hiểu cốc nước là ra sao , thêm ko biết là cứ 2 thià cafe thì bao nhiêu ml nước ....

Thấy bảng chỉ dẫn ko rõ dàng chị àh , vì e đang cho bé bú bên này , 5 thìa sữa bột thì là 150ML nước .... , chứ còn mỗi bé bú đâu đúng 5 cữ trong ngày

Ví dụ như : luợng cho mỗi lần ăn ( thìa cafê) 18 , Lượng cho mỗi ngày (thìa cafê) 5C.10T. CALORY 520 , nếu bé bú ko đủ 5 lần trong ngày vậy thì coi như thiếu chất

chị giải thích giúp e với , chứ hôm wa tới giờ e pha đại cho bé hix , lo lắng wá

.


-Hãy đọc quyển LÀM THẾ NÀO ĐỂ SỐNG VUI sẽ thấy rõ hơn tỉ lệ bột và nước, số lần ăn...
-Nhưng lưu ý nếu trẻ còn bú sữa mẹ thì không nên cho bé ăn nhiều như sách hướng dẫn (dành cho bé không bú mẹ)
-Cho bé ăn thêm cháo gạo lứt loãng với rau củ hấp, luộc. Gạo lứt xay thành tấm rồi nấu cháo thì mau nhừ.
-Có thể cho bé sáng ăn bột , trưa chiều tối ăn cháo...
-Quan trọng là phân tốt, nước tiểu vàng
-Thận trọng khi dùng muối vì bản chất bé đã dương
-Nếu bé không muốn ăn thì đừng ép
1/10/2011 NVT
Đây là phiên bản "lo-fi" của nội dung trang chính. Để xem phiên bản đầy đủ với nhiều thông tin hơn , xin hãy nháy vào đây.
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.