Những cách tiết kiệm năng lượng trong bài này được quy ra số lượng khí cacbonic trung bình giảm đi (mà như ta đã biết đó là nguyên nhân chủ yếu gây ra biến đổi khí hậu) cùng với các yếu tố gây tổn hại đến môi trường khác. Tiết kiệm năng lượng không chỉ là góp phần cải thiện môi trường mà chính là tiết kiệm chi tiêu trong gia đình.

1. Tìm cách đi lại hợp lý nhất

Đi lại là khoản tiêu thụ năng lượng hàng đầu. Ví dụ ở Mỹ, chi phí cho việc đi lại nhiều hơn hẳn chi phí cho ăn uống của mỗi gia đình.

Thay phương tiện đi lại cá nhân (xe máy, ô tô) bằng phương tiện giao thông công cộng. Bạn hãy đi xe đạp, thậm chí đi bộ những khi có thể, vừa tăng cường vận động, vừa tiết kiệm được xăng dầu, hạn chế khí thải gây ô nhiễm môi trường. Nếu dùng ô tô, hãy sắm chiếc xe hybrid (vừa chạy dầu, vừa chạy điện), nhờ thế, hàng năm bạn giảm được lượng khí cacbonic thải ra môi trường đến 107 tấn.

2. Xem xét lại đồ điện trong nhà

Đi mua các dụng cụ điện cho gia đình, trước hết bạn hãy xem công suất của chúng. Có sự khác biệt rất lớn giữa cùng một mặt hàng về tính năng này.

Lấy chiếc tủ lạnh làm ví dụ. Nếu bạn thay chiếc tủ lạnh cũ đang dùng, model những năm 1970 bằng chiếc model năm 2000, bạn giảm được lượng khí thải cacbonic khoảng 500kg mỗi năm (và nếu ở Mỹ, hoá đơn điện giảm 80 đôla).

Nếu nhà bạn đang dùng bóng dây tóc đốt nóng 75 watt, hãy thay bằng bóng compact huỳnh quang 20 watt thì cường độ sáng tương đương mà mỗi bóng bạn sẽ giảm được 630kg khí CO2. Bóng đèn compact huỳnh quang tiêu thụ ít hơn bóng dây tóc đến 75% năng lượng. Nhớ rằng về tuổi thọ thì bóng compact huỳnh quang còn lâu hơn bóng dây tóc đốt nóng từ 5 đến 13 lần.

Tắt bớt đi một bóng điện không cần thiết, bạn giảm được 180kg CO2 một năm. Lau bóng đèn luôn cũng là một cách tiết kiệm điện đấy. Một chiếc bóng đèn bẩn, bụi bám đầy có thể giảm độ sáng đi 10% và bạn sẽ có cảm giác phải thay chiếc bóng công suất cao hơn.

3. Máy giặt

Mọi thứ đồ trong ngôi nhà của bạn cần được cân nhắc trong sử dụng để tiết kiệm tối đa năng lượng. – Ảnh: digeniehost.co.uk

Tuy giặt quần áo bằng nước nóng có thể sạch hơn nhưng cũng chẳng cần thiết phải bật nút nước nóng. Thay vì giặt nước nóng bạn có thể tiết kiệm được 75% năng lượng và giảm được khoảng 200 kg CO2/năm.

4. Tủ lạnh

Xác định nhiệt độ cần thiết trên nấc điều chỉnh. Mùa hè để ở mức 3 hoặc 4, mùa đông chỉ ở mức 1-2. Như vậy là đủ để bảo quản thức ăn ngắn hạn. Nếu bạn vặn quá mức cần thiết, lập tức tiêu thụ năng lượng tăng 25%. Nên quy định ngăn làm lạnh trong khoảng 3,5 đến 5,5 độ C và ngăn đá từ -10 đến -3 độ C là đủ. Luôn luôn chú ý xem cửa tủ đã đóng thật chặt chưa. Kiểm tra gioăng cao su làm kín cửa có bị nứt gãy hoặc dính thực phẩm vào không..

5. Tivi


Cuộc sống khá hơn, ai cũng nghĩ đến việc mua sắm chiếc tivi màn hình phẳng chất lượng cao hơn chiếc TV thế hệ cũ CRT một cách rõ rệt. Có hai loại TV màn hình phẳng: TV plasma và TV màn hình tinh thể lỏng LCD áp dụng công nghệ khác hẳn nhau. Do cạnh tranh gay gắt, hiện nay hai loại gần như xấp xỉ nhau về mọi mặt, từ tính năng đến giá thành. Khác biệt lớn nhất giữa 2 loại chính là tiêu thụ năng lượng. Theo các nhà sản xuất, tiêu thụ điện của TV LCD chỉ bằng 30% so với TV plasma. Do vậy, việc lựa chọn TV LCD gần như là chuyện không cần suy nghĩ khi bạn muốn thay thế đồ điện trong nhà.

6. Máy điều hoà

Trước khi lắp máy, bảo đảm gian phòng thật kín, cách nhiệt tốt. Tuỳ theo nhiệt độ trong ngày và thói quen chịu nóng (lạnh) của bạn mà điều chỉnh nhiệt độ cho thích hợp. Nên nhớ cứ tăng 2 độ C bạn giảm được việc xả khoảng 200kg khí cacbonic mỗi năm.

Một cách tiết kiệm năng lượng chẳng mấy ai lưu ý đến là các tấm lọc và các bộ phận bên trong bị bẩn vì bám bụi là nguyên nhân tăng tiêu thụ điện nên bạn cần lưu ý làm vệ sinh thường xuyên.

7. Rút phích cắm ra khi không dùng đồ điện

Khi không dùng thường xuyên (hoặc khi đi vắng) nên rút luôn phích cắm ra, kể cả máy biến áp, ổn áp. Không rút phích, nghĩa là ở chế độ “Chờ”, máy móc vẫn tiêu hao một lượng điện nhất định. Tích tiểu thành đại, việc không rút phích ra khỏi ổ cắm điện lấy đi của bạn khá nhiều năng lượng hoàn toàn vô ích.

Đối với máy tính, nhiều người ngại mất thời gian khởi động, cứ để máy chạy trong khi nghỉ trưa, hoặc làm việc khác hàng giờ liền. EPA (Cục Bảo vệ Môi trường Mỹ) cho biết nếu cứ bật máy như vậy sẽ làm tốn thêm 80% điện năng và thải ra thêm 650kg khí thải cacbonic mỗi năm.

8. Thắp sáng

Ảnh: ihow

Nếu nhà bạn đang dùng bóng dây tóc đốt nóng 75 watt, hãy thay bằng bóng compact huỳnh quang 20 watt thì cường độ sáng tương đương mà mỗi bóng bạn sẽ giảm được 630kg khí CO2. Bóng đèn compact huỳnh quang tiêu thụ ít hơn bóng dây tóc đến 75% năng lượng. Nhớ rằng về tuổi thọ thì bóng compact huỳnh quang còn lâu hơn bóng dây tóc đốt nóng từ 5 đến 13 lần.

Tắt bớt đi một bóng điện không cần thiết, bạn giảm được 180kg CO2 một năm. Lau bóng đèn luôn cũng là một cách tiết kiệm điện đấy. Một chiếc bóng đèn bẩn, bụi bám đầy có thể giảm độ sáng đi 10% và bạn sẽ có cảm giác phải thay chiếc bóng công suất cao hơn.

9. Lò nướng

Giảm tối thiểu số lần bạn mở cửa chiếc lò nướng bánh, quay thịt, quay gà khi lò đang làm việc. Mỗi lần mở như thế, nhiệt truyền ra ngoài khiến cho nhiệt độ của lò lập tức bị giảm từ 15 đến 30 độ C, có thể còn hơn nữa. Đừng để quá nhiệt lâu hơn cần thiết. 10 phút là đủ. Khi bỏ món ăn ra khỏi lò vẫn còn dư nhiệt, có thể tận dụng để làm nóng các món ăn khác.

10. Nhà ở không nên quá rộng

Đành rằng ở rộng thì thoải mái thật, nhưng cũng kèm theo khá nhiều phiền phức: trước hết là tốn kém về chi phí năng lượng. Mùa đông phải sưởi ấm, mùa hè phải làm mát, nhà càng rộng thì việc tiêu thụ năng lượng càng nhiều. Rôi còn tăng chi phí cho thắp sáng, hút ẩm, chi phí định kỳ cho việc bảo dưỡng, duy tu…

11. Tạo cảnh quan

Nếu bạn đủ tiền để tự cho phép gia đình mình sống trên một diện tích chung rộng rãi hơn cách lựa chọn hơi khác: thay vì dùng toàn bộ diện tích cho nơi ở, nên có sự phân phối giữa diện tích nơi ở và một diện tích lưu không, dành cho màu xanh của cây cỏ: một vài hàng cây, một vạt đất trồng hoa và cây cảnh. Phía bên ngoài cửa sổ hướng về phía đông và phía tây nên trồng cây có bóng mát hay ít nhất cũng là một giàn dây leo như nho, thiên lý, chanh leo… Chúng che nắng gắt chiếu trực diện vào mùa hè, che gió vào mùa đông. Nhờ vậy, trong nhà luôn luôn có sự chênh lệch nhiệt độ với ngoài trời, có thể tới 4-5 độ đấy. Mùa hè, trong một ngôi nhà có bóng mát của cây xanh, nhiều khi dùng quạt trần, quạt bàn cũng đủ, khỏi cần đến máy điều hoà. Điện năng tiết kiệm từ 10 đến 20% mỗi năm.

12. Các cánh cửa phải thật kín

Cửa trong nhà nên mở cho không khí lưu thông nhưng điều rất cần thiết lại là khung và cánh cửa phải thật khít. Nếu cửa có những khe hở thì qua đó, hiệu quả sử dụng các thiết bị nhiệt (khi sưởi ấm và làm mát khoảng không gian trong nhà) giảm đi. Tính trung bình một ngôi nhà không kín, năng lượng hao hụt tương đương lượng khí cacbonic phát ra là 600 kg/năm.

Cần chú ý nhất đến khe hở ở các cửa sổ. Rèm che cũng có tác dụng ngăn không khí nóng (mùa đông) và không khí lạnh (mùa hè) thoát ra ngoài.

13. Dùng nước nóng

Lãng phí nước nóng là lãng phí năng lượng nhiều nhất. Hiện nay những bình đun nước nóng dùng năng lượng mặt trời rất phổ biến. Chỉ cần đầu tư một lần là có thể sử dụng được lâu dài. Bạn hãy nhớ, không nhất thiết phải cái nắng gay gắt của mùa hè mới làm bình nước dùng năng lượng mặt trời nóng lên mà ngay cả mùa đông, nước vẫn được đun nóng. Tất nhiên, nhiệt độ nước nóng dùng phải cao hơn, có thể nước dùng năng lượng “Trời cho” không đủ đạt đến nhiệt độ cần thiết, nhưng nếu bạn bố trí cho nó chảy vào bình đun nước thì năng lượng tiết kiệm được không nhỏ đâu.

14. Tiết kiệm năng lượng khi làm việc

Bạn hãy tắt các thiết bị văn phòng khi không làm việc nữa. Nếu bạn ra khỏi nhà nên rút hẳn phích cắm điện ra vì để ở chế độ chờ (stand-by) vẫn phải cung cấp cho chúng một số năng lượng nào đó. Nên dùng phích cắm điện nhiều ổ cắm trong đó có ổ dành cho máy tính, máy in, máy quét… thì bạn chỉ cần rút phích điện ở một chỗ, tất cả đồ điện cùng tắt, khỏi quên.

15. Ăn chay

Sản xuất thịt, trứng, bơ sữa… đều là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng, chúng ta có thể giảm năng lượng chung cho xã hội bằng cách chuyển protein động vật thành protein thực vật. Trong tuần nên có vài bữa ăn chay không dùng các sản phẩm có nguồn gốc động vật như thịt, cá, trứng… mà thay bằng đậu, lạc, rau quả kiểu như người ăn chay. Thay đổi khẩu vị như vậy vừa tiết kiệm tiền, vừa lạ miệng nên có thể bạn cảm thấy ngon hơn, lại rất phù hợp với dinh dưỡng học, tránh hoặc ít ra hạn chế được bệnh tim mạch, tiểu đường…

•Tuấn Hà (Theo VNN)