Hòa thượng chắp tay xin lỗi chú tiểu


Thời Minh Trị, Thiền sư Tông Diễn là vị quản trưởng hai ngôi chùa Tổ Viên Giác (Engaku) và Kiến Tường (Kencho) ở Kamakura.




Thuở còn là một thiếu niên Tăng, Sư tham học ở chùa Kiến Nhân, tại Kyoto. Một buổi trưa hè, Hòa thượng Tông Tuấn có việc phải đi xa, các học tăng tranh nhau tìm chỗ mát ngủ trưa. Chẳng may lúc ấy, Hòa thượng Tông Tuấn quên đồ nên trở lại chùa. Một học tăng lớn tuổi thấy thầy về đã kịp thời thông báo cho huynh đệ biết nên không ai bị rầy cả. Duy chỉ có tiểu tăng Tông Diễn nằm ngay hành lang trước phòng Hòa thượng cho đến khi ngài đứng một bên mà hoàn toàn không hay biết.

Hòa thượng Tông Tuấn thấy chú tiểu Tông Diễn ngủ say chẳng động đậy, nên ngài không nỡ kêu dậy. Thế nhưng, hành lang hẹp quá nếu không gọi Tông Diễn dậy thì không thể đi qua được. Nghe tiếng động nhẹ, tiểu Tông Diễn hết hồn khi mở mắt ra đã thấy Hòa thượng đang đứng một bên chắp tay nói nhỏ “Xin lỗi nghe”.

Sau này Thiền sư Tông Diễn thuật lại chuyện xưa, nói thêm rằng: “Lúc ấy tôi là một chú tiểu, xấu hổ vô cùng, mặt tôi đỏ gay. Đã trốn ngủ trưa là đáng bị mắng trăm phần, nhưng Hòa thượng không la mà còn chắp tay lại nói “Xin lỗi nghe” nữa, thật là tội lỗi với một vị ân sư có lòng từ bi như thế”.

Thiền sư Tông Diễn nói tiếp trong cảm động “Vì biết chúng sanh sẽ thành Phật’ cho nên Hòa thượng Tông Tuấn có thể chắp hai tay lại với tiểu tăng ngủ trộm như thế. Phải học phương pháp giáo dục theo quan điểm Phật tánh của ân sư Tông Tuấn nhiều lắm!”.

(Theo Thiền Lâm Tế Nhật Bản)

Đôi điều suy nghĩ:

Hình ảnh một vị đại sư đạo cao đức trọng chắp tay xin lỗi vì đã quấy rầy giấc ngủ trưa của chú tiểu thật là vĩ đại, cao cả như Thái sơn. Chỉ có bậc giác ngộ đại nhân đại đức mới có thể làm được việc vốn không dễ làm này. Với một bậc thầy đức độ như Hòa thượng Tông Tuấn thì chắc chắn sẽ trui rèn đệ tử sớm trưởng thành, lợi đạo ích đời.

Và có lẽ nhờ bài pháp chỉ có 3 chữ “Xin lỗi nghe” nặng về thân giáo ấy, đã tác động mạnh mẽ lên tâm hồn người đệ tử, khiến chú tiểu Tông Diễn (Soyen Shaku, 1859-1919) về sau trở thành vị Thiền sư trưởng thượng danh tiếng (Lão sư-Roshi) của Thiền phái Lâm Tế (Nhật Bản), và là một trong những bậc tiên phong truyền bá Chánh pháp đến Hoa Kỳ.

Người Trung Hoa xưa có câu “Hổ phụ sanh hổ tử” để hàm ý nói đến năng lực truyền thừa, giáo dưỡng của các bậc thầy. Một bậc thầy hội đủ các yếu tố của vị minh sư mới có thể đào luyện nên thế hệ kế thừa xứng đáng. Cũng giống như thời Thế Tôn còn tại thế, đệ tử của Ngài hầu hết là Bồ tát, La hán và Thánh tăng.

Những bậc thầy ngày nay cũng đang đào tạo thế hệ kế thừa nhưng xem ra kết quả chỉ trong chừng mực nhất định. Có lẽ các ngài quá kỳ vọng vào sự giáo dục của các học đường lớn nhỏ ở trong nước và thế giới mà quên đi “phương pháp giáo dục theo quan điểm Phật tánh của ân sư Tông Tuấn” (lời của Tông Diễn) chăng?

Trong khi khai mở tuệ giác, hiển bày Phật tánh mới là trọng tâm, mục tiêu đích thực của nền giáo dục Phật giáo. Do đó, giáo dục theo phương pháp đánh thức sự giác ngộ của đệ tử biểu lộ qua thân giáo với từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha của các bậc thầy phải được chú trọng. Và những bậc thầy cần noi gương Đại sư Tông Tuấn, làm được những việc khó làm, thì mới có thể un đúc nên thế hệ kế thừa xứng đáng để xiển dương Phật pháp.

(Theo Giác Ngộ)