Bài viết dưới đây đăng trên báo Việt luận số 2511, thứ sáu 19-11-10. Nhận thấy bài có tính cách về thời sự kinh tế tài chánh, nên tôi xin chép lại cho bà con thực dưỡng đọc chơi cho vui.

Trong bài này, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, chuyên viên kinh tế đang làm việc cho Liên Hiệp Quốc nhận định : "Khó có thể đoán là trong thời gian tới khi nào giá vàng sẽ xuống, nhưng nó sẽ xuống, giống như sự lao dốc của giá nhà đất và chứng khoán ở Mỹ".

Nhưng riêng tôi thì tôi tin rằng giá vàng sẽ lên, đang lên và sẽ lên, nó xuống một mà lên hai, ít nhất cho đến khi chạm giá 2.000 Mỹ kim một ounce như nó đã từng xãy ra trong quá khứ, vào dạo năm 1980, và lần này nó sẽ không xuống hay lao xuống dưới 500 Mỹ kim một ounce như nó đã từng lao dốc, vì thời điểm lúc đó (khoảng năm 1980), nó có lý do riêng của nó : toàn thể các nước từ Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Đức, Nay Uy, Thụy Điển.......quyết định không giữ vàng trong kho nữa mà mang ra bán hết (tổng số lượng chắc là trên nhiều ngàn tấn), khi vàng đang lên cơn sốt và sau đó khi số vàng khổng lồ này tràn ngập khắp mọi nơi thì giá vàng bắt đầu đi xuống và lao dốc, NHƯNG hiện nay không quốc gia Tây phương nào có vàng dự trử mà chỉ có trong tay các nhà tài phiệt và đầu tư vàng cũng như chỉ có trong những mõ vàng đang hay sẽ khai thác, mà các tay tài phiệt vàng hay tài phiệt khác đều nắm giữ phần lớn cổ phần trong các mỏ vàng, họ đâu muốn vàng xuống giá, mà chuyện làm giá lên xuống mua bán cũng là do họ. Một số nước Á châu và dân chúng có dự trử vàng nhưng số lượng không đáng kể (nếu so với các nhà tài phiệt). Và tôi tin rằng vàng, dầu hỏa, thuốc Tây, các loại tài sản qúy hiếm......hầu như nằm phần lớn trong tay các nhà tài phiệt mà giá lên hay xuống chỉ là do họ; họ làm cho giá lên cao thì bán ra và làm giá tụt xuống thì mua vào; càng lúc họ càng giàu hơn......và cả thế giới này, cả nhân loại bị họ thao túng và bòn rút hết xương máu từng ngày.

Cách thức chính phủ Việt Nam điều tiết giá vàng và giá đô la trước hiện tượng lên cơn sốt trên thị trường thế giới có thể dẩn đến một cuộc khủng hoảng tài chánh tại VN. Giá vàng cao ngất trong thời gian qua và chỉ cách đây hơn một tuần, chính phủ VN cho nhập vàng để điều tiết giá cả. Ngay sau khi nhập vàng về thì giá vàng trên thị trường thế giới lại liên tục giảm giá. Nếu tính từ ngày 9-11-10 (vàng SJC có giá 38,9 triệu đồng 1 lượng, giá vàng thế giới 1.425 USD/ounce) đến nay thì giá vàng trong nước đã giảm hơn 4,5 triệu đồng/lượng, còn giá vàng thế giới rớt liền mạch 100USD/ounce.
Nhận định về tình hình này, Tiến sĩ Vũ Quang Việt, một chuyên viên kinh tế đang làm việc cho Liên Hiệp Quốc nhận định :
"Tình hình kinh tế VN đang có nhiều triệu chứng, nguy cơ mở màn cho khủng hoảng tài chánh, nếu không được điều hành đúng đắn trong thời gian tới."

Trong bài viết đăng trên tạp chí Diễn đàn ngày 16/11/2010, tác giả đã đưa ra những phân tích mà ông hy vọng "chỉ mang tính cảnh báo".
Trong tiểu mục "Vàng không nên là phương tiện thanh toán" ông phân tích :

"Vàng là gì ? Đúng là vàng chỉ là quý kim, dùng làm vật trang sức. Nhưng có lúc vàng trở thành phương tiện thanh toán khi dân chúng mất tin tưởng vào đồng tiền nội địa. Việc biến hoặc gắn vàng vào giá trị đồng tiền (chế độ kim bản vị ngày xưa) tưởng là giải pháp nhưng thật ra là không, vì không nền kinh tế nào có thể kiểm soát được lượng cung vàng; nó tùy thuộc vào lượng vàng sản xuất và đặc biệt là đầu cơ, không liên quan gì đến mức phát triển kinh tế và nhu cầu thanh toán. Nó lại biến nhà nước bất cứ ở đâu thành nạn nhân tế thần của các lực ngoại biên, và triệt tiêu khả năng làm chủ chính sách tiền tệ của nhà nước.

Vàng trở về đúng vị trí quý kim của nó từ thời Tổng Thống Mỹ Nixon, khi ông ta quyết định xóa bỏ việc bảo đảm giá trị đồng đô la Mỹ bằng vàng, Chính sách tiền tệ và tài chính trở về đúng vị trí của nó là chính sách mà nhà nước (qua ngân hàng trung ương và chi tiêu ngân sách) có thể dùng để quản lý nền kinh tế, mà không bị trói buộc bởi những yếu tố nằm ngoài. Trong quá khứ, lạm phát đã từng xãy ra chỉ vì đào được nhiều vàng, hoặc có khi ngược lại sự phát triển kinh tế bị hạn chế lại vì thiếu thanh khoản do không thể tăng được lượng vàng lên. Ngày nay tăng cung hay hạn chế cung tiền có thể nằm trong tay nhà nước. Thí dụ các nhà kinh tế hiện đại đều biết rằng cung tiền thái quá sẽ tạo ra lạm phát, nhưng nhà chính trị lại quá nôn nóng hoặc chủ quan muốn thực hiện điều gì đó mà cố tình quên đi nguyên lý này. Do đó mà lạm phát hay ổn định tiền tệ là kết quả của chính sách kinh tế mà nhà cầm quyền đưa ra, và do đó phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về chúng."

Trong tiểu mục "Giá vàng tăng trên thị trường thế giới" tác giả nhận định :

"Giá vàng tăng trên thị trường thế giới vì nền kinh tế thế giới bất ổn. Sự bất ổn này là do chính sách sai lầm của 2 cường quốc Mỹ và Anh, mở cửa tự do cho tư bản tài chánh, cho phép phát hành các công cụ tài chánh phát sinh, mà không có thế chấp, nhằm đầu cơ vào thị trường chứng khoán và thị trường nhà đất, đẩy giá lên tưởng chừng như không có chổ dừng. Nhưng rồi bong bóng ảo tưởng vỡ vì giá cả vượt ngoài khả năng chi trả của người lao động. Giá xuống đã đẩy hàng loạt nhà đầu cơ phá sản, trong đó phần lớn là người đầu tư cá nhân nhỏ lẻ, chạy theo kiểu bầy đàn.
Để cứu nguy, các nền kinh tế phải bội chi ngân sách, phát hành thêm tín dụng để chặn đứng khủng hoảng. Giới đầu cơ trục lợi, rồi cả những người bình thường, cho rằng như thế lạm phát toàn thế giới sẽ tăng và cổ động mua vàng. Giá vàng đã tăng vùng vụt.
Tình hình hiện nay ở Mỹ, cũng không khác gì tình hình đã từng xãy ra ở Nhật, là doanh nghiệp chưa dám đầu tư vì phải cố gắng giảm tỷ lệ nợ quá lớn do trước đây chạy theo bong bóng. Ở Mỹ hiện nay mặc dù lãi xuất rất thấp, thanh khoản tràn đầy nhưng ít ai dùng nên khả năng lạm phát ở Mỹ trong thời gian tới là rất thấp, hay có thể nói không có. Thời gian này có thể kéo dài đến 5-6 năm. Ở đây với tốc độ tăng việc làm khoảng 150.000 người một tháng thì cũng cần 6 năm để giải quyết việc 15 triệu người thất nghiệp, đưa tỷ lệ thất nghiệp từ 10% xuống 3%. Giá vàng lên chỉ vì người ta nghỉ rằng lạm phát sẽ tăng mạnh. Nhưng nếu lạm phát không xãy ra thì giá đầu cơ hiện nay sẽ xuống. Khó có thể đoán là trong thời gian tới khi nào giá vàng sẽ xuống nhưng nó sẽ xuống, giống như sự lao dốc của giá nhà đất và chứng khoán ở Mỹ."


Trong tiểu mục "Tấn công và tháo chạy của tư bản nước ngoài" tác giả cho biết :

"Các quốc gia châu Á đã học được bài học năm 1997 : Đó là cần làm chủ phương tiện thanh toán của mình. Tài chánh nước ngoài ồ ạt chảy vào các nước châu Á, đầu cơ vào thị trường địa ốc và chứng khoán, giá lên đến mức tưởng như châu Á mãi mãi là trung tâm thịnh vượng của thế giới. Chi tiêu ồ ạt. Cán cân thanh toán thiếu hụt. Chính sách của hầu hết mọi nước ở đây là chính quyền quyết định tỷ giá đồng bạc. Tình huống trên đã cho phép giới đầu cơ tài chánh mở cuộc tấn công vào nội tệ, mua ngoại tệ, tạo ra cuộc tháo chạy của giới tài chánh đầu cơ. Giá nhà, giá chứng khoán xuống. Ngoại tệ tháo chạy đưa đến việc chính quyền các nước này phải hủy bỏ tỷ giá cứng. Chính sách tự do dòng chảy tư bản mà IMF cổ võ, kể cả ép buộc các nước thành viên thực hiện, đã hoàn toàn thất bại. Suharto ở Indonesia sụp đổ. Chỉ có Malaysia, chống lại IMF, ra lệnh cấm rồi hạn chế cuộc bán tống tháo chạy trên mà nền kinh tế đở bị ảnh hưởng nhất. Mở cửa hoàn toàn cho dòng chảy tư bản chính là tự làm mất quyền và khả năng kiểm soát lượng cung tiền qua chính sách tiền tệ của mình.
Để vàng và đô la Mỹ trở thành phương tiện thanh toán cũng là tự hy sinh quyền kiểm soát chính sách tiền tệ."


Sau khi phân tích các ý niệm đại cương nói trên, tác giả hướng đến tình hình kinh tế và chính sách tài chánh của chính phủ VN với tiểu mục "Việt Nam : Vẫn tiếp tục cuộc đua đạt tốc độ bất kể chất lượng và ổn định". Tác giả bình luận :

"Năm 2007 mở đầu cho sự kiện VN vào WTO với dòng tư bản ồ ạt chảy vào. Chứng khoán và giá nhà lên tận mây. Ai nấy đều kỳ vọng mức phát triển cao với tốc độ 9 - 10%. Vinashin và hàng loạt các dự án tiền tỷ khác được đặt lên bệ phóng, quên mất tác dụng của chúng mang đến cho ngân sách và tiền tệ. Vay mượn tăng, dòng chảy tư bản nước ngoài đổ vào, tín dụng tăng, chi tiêu nhà nước tăng. Lạm phát nhanh chóng tăng, đạt mức 28% vào năm 2008. Thiếu hụt cán cân thanh toán tăng. Và sau đó ngòi nổ xẹp vì kinh tế thế giới khủng hoảng, cắt đứt dòng chảy tư bản vào VN, nếu không tác hại của dòng vốn này còn tăng lên nữa.
Vấn đề là VN vẫn đặt các chỉ tiêu tăng trưởng cao, tiếp tục chi tiêu quá mức, lần này là với lý do nhằm làm giảm ảnh hưởng tiêu cực từ khủng hoảng kinh tế thế giới. Tất nhiên bội chi ngân sách tăng rất cao. Theo kế hoạch năm 2010, thiếu hụt ngân sách được quyết định là 6,2% GDP, nhưng theo IMF, có thể lên đến 9% nếu kể cả chi tiêu ngoài ngân sách. Nợ công tăng nhanh, năm 2009 tăng 9% và năm 2010 tăng 12%, do đó tỷ lệ nợ công trên GDP đã nhanh chóng vượt quá 50% GDP, có lẽ là 57%.
Nhập siêu vẫn tiếp tục lớn, năm 2009 là 12,2 tỷ đô la, năm 2010 dự báo cũng tương tự, ít nhất là trên 12 tỷ đô la. Nợ nước ngoài vì vậy tăng nhanh, hiện nay là khoảng 28 tỷ đô la, bằng khoảng 40% GDP.
Tình hình như thế, nhưng không giống bất kỳ quốc gia nào trên thế giới là có lạm phát rất thấp. VN lại vẫn lạm phát rất cao; vào năm 2010 sẽ ở mức gần đạt 2 con số. Khó có thể chấp nhận mức lạm phát như thế, vì trong 5 năm qua, kể từ năm 2006, lạm phát đã làm giảm sức mua gần 57% và như thế khiến đời sống người lao động ngày càng khó khăn thêm. Hiện nay lạm phát lại trên đà tăng tốc; đây là dấu hiệu đáng cảnh báo nhất.
Tất cả chỉ là vì các nhà làm chánh sách ở cả trung ương và địa phương, vẫn chạy đua nhằm đạt tốc độ tăng GDP cao, thậm chí mọi tỉnh đều báo cáo đạt mức tăng trên dưới 10% GDP, trong khi cả nước chỉ tăng 6%. Vì đặt chỉ tiêu tốc độ GDP cao, bất chấp thực tế và các hệ lụy của nó, mà chúng ta đã thấy tỷ lệ đầu tư tăng nhanh từ 33% GDP năm 2006 lên 42% GDP hiện nay và ngay năm 2011 sắp tới, chỉ tiêu vẫn ở mức 42% và tốc độ phát triển là 7 - 8%.
Tỷ lệ đầu tư ở VN hiện nay là cao nhất thế giới. Mà càng đầu tư cao càng cần vốn, cần tín dụng, và vì không thể tăng năng suất do đó mà lạm phát. Đầu tư cao, đặc biệt tập trung ở các doanh nghiệp và tập đoàn nhà nước, là tăng cường cho cơ hội tham nhũng cho các nhóm lợi ích, chính vì thế mà từ trung ương cho đến địa phương nơi nào cũng muốn có đầu tư cao. Đầu tư ở VN rất khác Trung Quốc. Họ nhập công nghệ mới, để tự tạo ra máy móc, sản xuất ra sản phẩm xuất khẩu có sức cạnh tranh với nước ngoài. Ngược lại, VN là nhập máy móc, nhập nguyên liệu, làm gia công để bán tài nguyên thiên nhiên và lao động rẻ tiền. Có lẽ các nhà làm chánh sách hài lòng vì có tốc độ tăng GDP coi được. Nhưng đây là kinh tế ảo, vì về mặt thống kê học, khi có đầu tư thì giá trị đầu tư làm tăng GDP, vì nó được tính trực tiếp vào GDP. Mặt trái của đầu tư cao, như trường hợp Vinashin, là tăng nhập siêu, nếu không bán được hàng thì phá sản, đưa đến công nợ không trả được. Nhu cầu ngoại tệ đang tăng cao để nhập máy móc, nhập nguyên liệu và trả nợ nước ngoài. Dự trử ngoại tệ trước đây là 25 tỷ đô la, mới đây theo IMF chỉ còn 15 tỷ đô la. Rất tiếc là không có thông tin về dự trử ngoại tệ hiện nay, nhưng có lẽ còn xuống thấp hơn nữa."


Trong bối cảnh đó với phần cuối : "Tình hình hiện nay : vấn đề vàng và đô la Mỹ" với cái nhìn khá ảm đạm, cho rằng chính sách trên sẽ dẩn đến khủng hoảng tài chánh :

"Có thể nói một nền kinh tế bình thường là nền kinh tế ở đó nhà nước có thể kiểm soát được phương tiện thanh toán. Khi phương tiện thanh toán vượt ngoài tầm hoạt động của mình thì rõ ràng là có vấn đề. Để làm chủ được nền kinh tế, tất cả mọi nước đều cố gắng làm chủ được phương tiện thanh toán. qua đó điều hành chính sách tiền tệ. Tất nhiên điều hành sai hay đúng là chuyện khác nhưng phải đặt nó trong tầm tay của mình.
Ngày trước, đã có lúc người Việt chỉ có tin vàng và đô la Mỹ. Sau cải cách từ năm 1989, giá trị của đồng tiền VN đã trở lại.
Từ năm 2008, giá trị đồng tiền VN giảm đều, vàng và đô la trở lại thành phương tiện thanh toán trong nước, tước bỏ đi một phần quan trọng khả năng điều hành kinh tế của nhà nước. Tất nhiên lý do cơ bản là lạm phát, mà lạm phát là kết quả của chánh sách chạy theo tốc độ GDP, bỏ tiền cho doanh nghiệp quốc doanh đầu tư vô tội vạ.
Để ổn định tình hình nhà nước cần điều chỉnh chính sách phát triển chạy theo chỉ tiêu số lượng như hiện nay, tức là phải giảm mức đầu tư, và như vậy phải tăng lãi suất nhằm thu hút tiền vào ngân hàng, và đồng thời tăng giá tín dụng mà nhà đầu tư phải trả. Về mặt tiền tệ, dù là trong ngắn hạn, mọi biện pháp cần thiết là triệt tiêu việc biến vàng và đô la thành phương tiện thanh toán trong nền kinh tế, chứ không phải cổ võ việc dùng chúng là tiền.
Nhưng các nhà chính sách VN đang làm ngược lại : Ngân hàng nhà nước VN giử giá đồng đô la, làm lợi cho những người có thể vay dể dàng (như các tập đoàn) và tạo thêm nhu cầu giả tạo, không phải nhằm đầu tư mà nhằm đầu cơ. Thiên hạ, những người không thể tiếp cận đô la, phải đổ xô mua vàng. Ngân hàng nhà nước lại cho phép nhập vàng để làm giảm giá vàng. Mà ổn định giá vàng đâu có phải là nhiệm vụ của Ngân hàng nhà nước. Tất nhiên là tuyên bố như thế thì hy vọng sẽ tạo ra tâm lý giảm giá vàng. Nhưng nếu nhập vàng thì sẽ mất nguồn ngoại tệ, tạo thêm áp lực tăng giá trị của nó. Rồi lại có những kinh tế gia đề nghị tạo ra tài khoản tiết kiệm vàng và trả lãi cho nó. Đây là hành động của thời bao cấp trước đây. Chứ hiện nay là phải làm sao có biện pháp xóa bỏ vàng như một phương tiện thanh toán. Và đề làm điều này dể nhất là đánh thuế nhập hay xuất vàng. Giống như đánh thuế các cuộc tháo chạy tư bản nhằm ngăn chận ảnh hưởng của chúng đối với nền kinh tế mà nhiều nước đã làm.
Quan trọng hơn, cần thay đổi cách suy nghĩ theo hướng chạy đua đạt tốc độ GDP, từ đó đầu tư cao mà thiếu hiệu quả, bội chi ngân sách, đẩy mạnh cung tiền để tài trợ bội chi, đưa đến lạm phát và mất giá của đồng bạc. Mọi tiêu cực đang phát triển hiện nay là do cách tư duy này và các chính sách hiện nay.
Thông tin mới nhất từ báo chí là quyết định bù lỗ xăng dầu để chống tăng giá. Kinh nghiệm cho thấy chính sách này sẽ không thành công, vì lạm phát đâu có thể bù lỗ để giảm ? Nguyên nhân của chúng nằm trong chính sách tài khóa và tiền tệ dễ dàng để đẩy mạnh đầu tư vào các tập đoàn và doanh nghiệp nhà nước. Chính sách đang đi về đâu đây ? Phải chăng đang chờ đón một cuộc khủng hoảng toàn diện, bắt đầu từ khủng hoảng thiếu ngoại tệ ?