Bệnh nhân bị ngộ độc sắn (khoai mì) sẽ xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa (nôn, đi ngoài) và rối loạn thần kinh. Cấp cứu cho nạn nhân trước hết phải gây nôn, sau đó cho uống nước đường, nước mía và chuyển đến cơ quan y tế.

Rất dễ gây tử vong cho trẻ em ( KT nghĩ : không riêng gì ở trẻ em , thức ăn có chứa độc tố thì ai cũng có nguy cơ nhiễm độc )

Một công trình nghiên cứu của bác sĩ Bạch Văn Cam - Trưởng khối Hồi sức cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM và bác sĩ Nguyễn Thị Kim Thoa cho thấy, ngộ độc sắn cấp là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở trẻ em. Tai nạn này chiếm 10% trong số ngộ độc thức ăn, với tỷ lệ tử vong là 16,7%; cao nhất trong các loại hình ngộ độc thức ăn.

Ngộ độc khoai mì thường gặp ở trẻ, do các em tự ý đào củ đem nướng ăn hoặc do người lớn luộc cho, nhưng tất cả đều ăn nhiều vào lúc đói. Thời gian nhập viện trung bình sau ngộ độc là 11 giờ, sớm nhất 7 giờ và chậm nhất là 16 giờ.

Theo bác sĩ Cam, trong sắn cao sản chứa độc tố cyanhydric - loại độc tố làm cho các mô và cơ quan trong cơ thể không sử dụng được oxy gây suy hô hấp, hôn mê, trụy tim mạch, gấp mấy chục lần sắn thường. Độc tố này có trong vỏ, ruột, lá sắn. Khi vào cơ thể, nó làm tế bào không hấp thụ được ôxy, gây ngạt tế bào khiến bệnh nhân khó thở. Bệnh có thể gây tử vong nếu nạn nhân không được can thiệp đúng cách và kịp thời.

100% có triệu chứng rối loạn tiêu hóa

Biểu hiện ngộ độc sắn thường xuất hiện vài giờ sau khi ăn loại lương thực này. Bệnh nhân có các triệu chứng rối loạn tiêu hóa (đầy bụng, sôi bụng, buồn nôn, nôn và tiêu chảy) và rối loạn thần kinh (váng đầu, nóng bừng mặt, ù tai, chóng mặt, ngứa ngáy, chân tay nặng, người vật vã, run, co giật, có khi tử vong); có trường hợp bị sốt, ho...

Triệu chứng thường gặp nhất là rối loạn tiêu hóa (100%), xuất hiện đột ngột 4-6 giờ sau ăn, nôn ra thức ăn, số lần nôn từ 4 - 10 lần. Tiếp theo là triệu chứng thiếu oxy tế bào. Biểu hiện hô hấp gặp trong 73,8 % các trường hợp. Rối loạn nhịp tim (33%) là biểu hiện muộn hơn các triệu chứng khác.

Để cấp cứu người say sắn, trước hết cần gây nôn cho nạn nhân, sau đó cho uống nước đường, nước mía và chuyển ngay về khoa chống độc của bệnh viện để tiến hành điều trị.

Không nên ăn sắn luộc vào buổi tối

Các bác sĩ cho biết, ngộ độc sắn là tai nạn rất dễ xảy ra. Để đề phòng, nên chọn trồng loại sắn ít độc, không trồng sắn gần cây xoan... Củ sắn sau khi dỡ về cần chế biến ngay. Nếu chế biến không kịp thì phải vùi xuống đất. Trước khi chế biến nên lột hết vỏ sắn rồi ngâm vào nước (nước vo gạo càng tốt). Khi luộc mở nắp nhiều lần để chất độc bay hơi bớt, nếu thấy có vị đắng thì không nên ăn.

Tốt nhất là ăn sắn luộc với các loại đường, mật để trung hòa axit độc trong sắn. Không nên ăn sắn luộc vào buổi tối vì nếu bị ngộ độc, nạn nhân đang ngủ sẽ khó phát hiện.

Các bác sĩ nhấn mạnh loại sắn độc là loại đắng (sắn dù, sắn ta, sắn lùn, sắn cao sản) cây thấp, đốt dày, ngọn non mầu xanh nhạt, lá mầu xanh lục nhạt, cuống lá đỏ nhạt. Củ có vỏ ngoài nâu thẫm, vỏ lụa trắng chứa nhiều nước. Loại này thường được trồng nhiều vì cho sản lượng cao. Các cách chế biến không an toàn như không ngâm nước, không cắt bỏ hai đầu, luộc với ít nước và không mở nắp nồi khi sôi làm tăng khả năng gây ngộ độc.

Theo Nông Thôn Ngày Nay

http://vietbao.vn/Suc-khoe/Ngo-doc-san-khoai-mi-de-gay-tu-vong/40068490/250/