Khốn khổ vì... thuốc bổ!
Trong vai người muốn “tẩm bổ”, “ăn mãi không béo được”, chúng tôi vào một hiệu thuốc trên “phố thuốc” Ngọc Khánh (HN). Cô dược sĩ bày hàng loạt loại thuốc bổ: nào đạm, nào sâm, nào “phối hợp hoàn hảo giữa đa sinh tố và khoáng chất”... Tha hồ chọn!

Không phải thuốc bổ chỉ có bổ. Lạm dụng thì thuốc bổ cũng thành độc dược - (Ảnh: Thanh Đạm - Tuổi Trẻ)
Bổ cho khỏe, cho sang(!)
Dạo qua các cửa hàng thuốc từ lớn đến nhỏ, hỏi đến thuốc bổ nhằm tăng cường thể trạng, đẹp da, đẹp tóc, tăng cường trí nhớ, bạn sẽ không phải đợi lâu để người bán tìm vài loại thuốc thích hợp.
Không cần đơn thuốc, chỉ cần đưa ra nhu cầu được khỏe, được đẹp là thuốc bổ được bày đầy cho khách hàng thoải mái lựa chọn.
Chị bạn đi cùng còn đưa ra đề nghị tư vấn nhằm “tẩm bổ thai nhi vì đang mang bầu ba tháng” liền được giới thiệu ngay một lọ thuốc dưỡng thai. “Nếu một tuần trước các chị qua đây thì không có thuốc mà mua đâu. Thuốc dưỡng thai này vừa bị “cháy” hàng. Năm nay tốt, người ta tranh thủ sinh nhiều...” - cô chủ hàng liến thoắng.
Chị Hoa, một chủ hiệu thuốc trên đường Cầu Giấy, cho hay thuốc bổ bao giờ cũng chiếm khoảng 1/3 lượng thuốc tiêu thụ tại cửa hàng mỗi ngày, nhưng doanh thu có khi lớn hơn vì thuốc bổ thường đắt tiền. Chưa kể các thuốc điều trị hiện nay thường được mua kèm theo thuốc bổ với quan niệm phổ biến “kháng sinh hại người, nên phải kèm thuốc bổ” để bù vào cái hại đấy!
Chị Trần Mai L. (25 tuổi, Thái Hà, Hà Nội) đều đặn mỗi tháng đến phòng dịch vụ một bệnh viện ở gần nhà để truyền nước hoa quả. Chị L. kể nhóm bạn của chị đều duy trì thói quen này cả, vì chỉ với 50.000 đồng/lần truyền, “bồi” được nước hoa quả vào người là da dẻ trắng trẻo, mịn màng ngay!
Không gì bằng “dinh dưỡng tự nhiên”
TS Trần Nhân Thắng cho rằng người dùng cần biết đến chỉ số US.RDA (chỉ số này đối với từng vitamin và vi chất dinh dưỡng thường được ghi trên hộp thuốc), thận trọng với các chế phẩm có hàm lượng trên 5 lần liều cho phép theo nhu cầu hằng ngày.
Các chế phẩm vitamin và vi chất dinh dưỡng đơn lẻ thường có hàm lượng rất cao, như vitamin B12 loại 5.000-10.000mg (cao gấp 800-1.600% nhu cầu hằng ngày), vitamin C 1.000mg, nguyên tố kẽm 100mg (cao gấp 330-660% nhu cầu hằng ngày)... khi sử dụng cần tham khảo và tuân thủ tuyệt đối chỉ định của thầy thuốc.
Các bậc phụ huynh khi sử dụng vitamin và vi chất dinh dưỡng dưới dạng phối hợp (đa vitamin, đa khoáng chất...) phải phân biệt rõ ràng công thức cho trẻ em dưới 1 tuổi và dưới 4 tuổi.
Người tiêu dùng nên biết rằng các loại thuốc bổ không bao giờ thay thế hoàn toàn cho nguồn vitamin và vi chất dinh dưỡng tự nhiên cung cấp từ thực phẩm hằng ngày được.
Do đó, việc chọn lựa và chế biến thực phẩm đúng cách, cùng với chế độ ăn uống phù hợp chính là nguồn bổ sung vitamin và vi chất dinh dưỡng an toàn, hiệu quả và rẻ nhất.
TS Trần Nhân Thắng - phó trưởng khoa dược, trưởng đơn vị thông tin thuốc (Bệnh viện Bạch Mai) - cho hay đây là quan niệm hết sức sai lầm. Truyền một vài lần có thể đem lại cảm giác như da dẻ mình đẹp hơn, nhưng nếu kéo dài sẽ làm rối loạn một số chức năng, gây hậu quả khó lường.
Thường xuyên dùng quá liều vitamin C có thể gây sỏi thận, giảm sức bền hồng cầu, máu dễ bị đông hơn.
Theo TS Thắng, hiện tượng lạm dụng thuốc bổ đang rất phổ biến trong thói quen sử dụng thuốc của người tiêu dùng. Thuốc bổ trên thị trường thực chất là các vitamin và vi chất dinh dưỡng được bán như những thuốc không cần kê đơn dưới dạng đơn lẻ hay phối hợp, với nhiều hàm lượng khác nhau.
Đây là những yếu tố luôn có sẵn trong thực phẩm (rau, quả, ngũ cốc, thịt, cá...), nên nếu sử dụng thực phẩm đảm bảo chất lượng, không ăn kiêng, không rối loạn hấp thụ ở đường tiêu hóa thì không thiếu, không cần bổ sung.
Tuy nhiên, việc quảng cáo quá mức về thuốc bổ, vitamin và các vi chất dinh dưỡng đang làm tình trạng lạm dụng thuốc lan tràn, phổ biến hơn, gây những tai biến khó lường do... thừa vitamin và vi chất dinh dưỡng.
Coi chừng khổ vì... quá bổ!
Nguy hiểm là nhiều người vẫn giữ quan niệm: trẻ em, người mang thai, người có các bệnh lý kèm theo cần phải được bồi bổ thuốc thang thật nhiều.
Tuy nhiên, theo TS Thắng, nhóm đối tượng này lại phải tuân theo những chỉ định nghiêm ngặt nhất khi dùng thuốc, kể cả thuốc bổ. Về nguyên tắc, phụ nữ có thai cần tránh mọi loại thuốc, trường hợp bắt buộc phải sử dụng thì tuyệt đối tuân theo ý kiến chỉ dẫn của bác sĩ.
Thừa vi chất cũng nguy hiểm không kém hậu quả như thiếu vi chất. Thừa iôt sẽ gây ức chế hoạt động tuyến giáp. Thừa iôt ở phụ nữ mang thai cũng có thể sinh con đần độn như khi thiếu iôt.
Nhiều người cho rằng uống thuốc bổ là vô hại nhưng không phải. Uống thừa vitamin thì cơ thể cũng đào thải ra ngoài qua các chất bài tiết (với những vitamin tan trong nước như các vitamin nhóm B, vitamin C). Riêng các vitamin tan trong dầu (như vitamin A, D, K, E) thì chúng có thể lưu giữ lại trong mỡ và nếu dùng nhiều có thể gây ngộ độc, gây dị tật cho thai nhi.
TS Thắng cho biết khoa nhi Bệnh viện Bạch Mai đã nhiều lần tiếp nhận những trường hợp trẻ bị thiểu năng, chậm phát triển về trí tuệ do... thừa vitamin D.
Bé Nguyễn Minh N. (Lò Đúc, Hà Nội), 3 tuổi, nhưng lơ ngơ, chưa biết đi, không biết nói, thỉnh thoảng lại lên cơn co giật. Nguyên nhân được bác sĩ chỉ ra sau khi thăm khám là ngay từ ba tháng tuổi, N. đã được dùng các sản phẩm thay thế sữa mẹ mà người lớn không để ý rằng sản phẩm này có bổ sung vitamin D với liều dùng hằng ngày lên đến trên 400UI, dẫn đến tăng mức canxi máu, gây ra trạng thái kích thích, co giật.
TS Thắng cho hay những trường hợp nặng hơn với liều bổ sung vitamin D lớn hơn còn có thể gây suy thận và tử vong rất nhanh.
Đặc biệt, chính thói quen sử dụng tùy tiện các loại thuốc bổ cũng có thể vô tình làm người dùng bị thiếu vitamin và các vi chất dinh dưỡng do tương tác thuốc. Sulfamid, Methotrexat... làm giảm hấp thụ các vitamin nhóm B; vitamin E liều cao làm cạn kiệt dự trữ vitamin A; vitamin C liều cao làm phá hủy vitamin B12; thừa kẽm làm cản trở hấp thu sắt...
TS Trần Nhân Thắng khẳng định đường dinh dưỡng tốt nhất vẫn là bổ sung thức ăn trực tiếp, còn khi dùng thuốc thì tốt nhất vẫn là đường uống, bất đắc dĩ mới phải dùng đến tiêm và truyền. Nhiều người cứ hơi mệt mỏi chút xíu là vội vàng xin tiêm, truyền, nào “vô nước biển”, “vô nước đường”...
Theo Ngọc Hà
Tuổi Trẻ
Việt Báo (Theo_Tien_Phong)