Trợ giúp - Tìm kiếm - Thành viên - Lịch ghi nhớ
Phiên bản đầy đủ: Thiên đường có thật - Bhutan
Thực Dưỡng > Các phương pháp chữa bệnh tự nhiên > Thầy lang vũ trụ
Diệu Minh
Công thức hạnh phúc của người Bhutan
( 7:42 AM | 28/10/2011 )
Không quảng cáo, hạn chế khách du lịch, tẩy chay đèn giao thông…, đó là cách mà người Bhutan tin rằng sẽ làm cho họ hạnh phúc hơn. Giữa lúc cả thế giới hầm hập kiếm tiền, xem Tổng sản phẩm nội địa (GDP) là thước đo chất lượng sống thì người Bhutan chỉ luôn nhắm tới chỉ số Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH).
Khi nhà vua cưới vợ
Đám cưới vừa qua của nhà vua 31 tuổi Jigme Khesar Namgyel Wangchuck với cô sinh viên thường dân 21 tuổi Jetsun Pema khiến cả thế giới một lần nữa dõi mắt về đất nước Bhutan nhỏ bé, nằm lọt thỏm giữa 2 ông khổng lồ Trung Quốc và Ấn Độ như một lát chả mỏng tang giữa ổ bánh mì béo mẫm. Vua Wangchuck là nguyên thủ quốc gia Bhuttan, nhưng không một vị lãnh đạo tai to mặt lớn nào trên thế giới được mời, cũng không một ông hoàng, bà chúa nào có mặt trong lễ cưới. Chẳng có những cỗ xe ngựa xa hoa, những bữa tiệc hoành tráng, những chiếc áo cưới lộng lẫy… Những thứ đó không làm người Bhutan hạnh phúc hơn! Lễ cưới được thực hiện hoàn toàn theo nghi thức truyền thống được lưu giữ bao đời nay ở đất nước chỉ có 700.000 dân này. Chiếc vương miện mà nhà vua đội lên đầu nàng Pema e lệ để phong cô gái 21 tuổi lên làm hoàng hậu không dát vàng hay gắn kim cương mà là một vương miện bằng vải.

Sự cởi mở của vị vua trẻ trong đám cưới làm cho người dân Bhutan thấy hạnh phúc hơn – Ảnh: Indystar
Việc vị vua trẻ trung mê bắn cung, bóng rổ và nhạc Elvis cưới vợ sẽ góp phần lớn lao để thay đổi tập tục đa thê tồn tại bao đời nay ở Bhutan. Trái với thái thượng hoàng Jigme Singye Wangchuck từng cưới tới 4 vợ (đều là chị hoặc em gái của nhau), sau đó phong hoàng hậu cho cả bốn, vị vua hiện đại từng tốt nghiệp Đại học Oxford danh tiếng ở Anh tuyên bố chỉ lấy một vợ mà thôi. Cũng xin nói thêm, Jigme Singye Wangchuck đã thoái vị, nhường ngôi cho con trai vào năm 1998, khi Jigme Khesar Namgyel Wangchuck mới 26 tuổi, khiến vị vua này trở thành nguyên thủ quốc gia trẻ nhất thế giới.
Thiên đường không quảng cáo
Cho tới ngày nay, Bhutan vẫn là quốc gia duy nhất trên thế giới xem hạnh phúc là kim chỉ nam cho mọi chính sách của chính phủ. Cứ mỗi 2 năm một lần, quốc gia chỉ có diện tích nhỉnh hơn 38.000 km2 này thực hiện một cuộc thăm dò dư luận với những câu hỏi đại loại như: Nếu tính điểm hạnh phúc từ 0 đến 10, anh tự cho mình bao nhiêu điểm? Anh ngủ bao nhiêu giờ/ngày? Anh ăn có thấy ngon miệng không? Anh đánh giá thế nào về chính phủ?… Từ cuộc thăm dò đó, chính phủ phải xem lại các chính sách của mình nhằm tăng cường mức độ hài lòng của người dân. Trước khi ra bất kỳ một quyết định nào, các lãnh đạo phải trả lời được câu hỏi chính sách đó có làm cho cuộc sống người dân hạnh phúc hơn hay không. Và kết quả là chính sách của Bhutan rất khác với những quốc gia khác, có thể bị người ngoài xem là quái gở, chẳng hạn như không quảng cáo. Ngay cả ở thủ đô Thimpu sầm uất nhất, không một bảng hiệu Coke hay Pepsi nào tồn tại bên vệ đường. Người dân Bhutan vẫn tự hào đất nước của họ là một thiên đường dưới hạ giới như vùng đất hư cấu huyền bí Shangri-La trong tiểu thuyết Chân trời đã mất của nhà văn Anh James Hilton. Và ở cái thiên đường đó không có quảng cáo.
Hàng thế kỷ liền, đất nước chưa từng bị chiếm làm thuộc địa này tự cô lập mình với thế giới bên ngoài, tìm mọi cách cưỡng lại sức hút ghê gớm của toàn cầu hóa. Tivi chỉ mới được giới thiệu vào năm 1999, tuy nhiên những kênh như đấu vật hay MTV bị cấm tiệt, với nhận định chúng không có lợi cho hạnh phúc quốc gia. Thuốc lá là hàng quốc cấm, lý do cũng rất đơn giản: nó làm người ta bớt hạnh phúc. Trong công thức hạnh phúc của Bhutan, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững là một cột trụ vững chắc, trong đó cấm hoàn toàn bao nylon. Ngoài ra, sự phát triển các giá trị vật chất luôn được tính toán để hài hòa với các yếu tố tinh thần, bản sắc văn hóa được xem trọng và chất lượng lãnh đạo của nhà cầm quyền luôn bị soi kỹ. Mãi cho đến thập niên 60 của thế kỷ trước, những con đường đầu tiên ở Bhutan mới được xây dựng. Khi chiếc xe hơi đầu tiên xuất hiện, người ta còn sợ hãi tưởng đó là con rồng ăn lửa! Nằm giữa những ngọn núi cao chót vót với những thung lũng đẹp đến nghẹt thở, cùng lúc sở hữu một nền văn hóa cổ xưa còn lưu giữ nguyên vẹn, Bhutan có sức quyến rũ lạ kỳ với du khách nước ngoài. Trong khi tất cả mọi quốc gia trên thế giới này đều tìm mọi cách thu hút khách du lịch để thu tiền thì Bhutan lại tìm mọi cách hạn chế nó để thu… hạnh phúc. Khách nước ngoài chỉ có thể du lịch đến Bhutan rất hạn chế: đi theo đoàn dưới sự giám sát chặt chẽ của quan chức chính phủ Bhutan, đến những địa điểm được định trước. Du lịch ba lô ư? Xin mời anh đi chỗ khác! Mỗi du khách còn phải đóng thuế 200 USD cho mỗi ngày ở Bhutan. Và có lẽ Thimpu cũng là thủ đô duy nhất trên thế giới này không có đèn xanh đèn đỏ.
Hạnh phúc hay giàu có?
Các nhà kinh tế đã chỉ ra rằng, trong khi GDP của Mỹ tăng gấp đôi kể từ năm 1974 đến nay, sự gia tăng mức độ người dân hài lòng với cuộc sống bằng con số 0. Dù cả thế giới này vẫn cứ đang tìm mọi cách để tăng GDP bất chấp mọi hậu quả, ngày càng có nhiều tiếng nói hơn về việc đặt nặng sự hài lòng, hạnh phúc của con người. Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc từng ra một nghị quyết không bắt buộc, vốn do Bhutan khởi xướng, trong đó xem hạnh phúc "là một chỉ số về phát triển". Năm 2009, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã đề nghị thay thế GDP bằng một chỉ số mới chú trọng vào sự hài lòng của mọi người, chất lượng dịch vụ công và số lượng dịch vụ miễn phí trong xã hội. Hồi năm ngoái, Thủ tướng Anh David Cameron cũng từng tuyên bố về việc xây dựng cái gọi là chỉ số hạnh phúc, cho rằng dù vẫn cần phải tiếp tục đo lường GDP nhưng chỉ GDP thôi thì không đủ để đánh giá sự đi lên của một đất nước. Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) cùng với một số nhân vật có uy tín như chủ nhân giải thưởng Nobel người Ấn Độ Amartya Sen cũng ủng hộ cho chỉ số phát triển con người – vốn bao gồm tuổi thọ, giáo dục và điều kiện sống.
Quay lại với Bhutan, còn lâu đất nước này mới là thiên đường dưới hạ giới như hình ảnh quảng cáo của chính phủ, với không thiếu những vấn đề như sự bất mãn của cộng đồng thiểu số dẫn đến các bất ổn về an ninh, sự bất bình đẳng giới… Cùng lúc, đất nước nhỏ bé này cũng đứng trước những thách thức to lớn với sự cho phép của internet, việc cho phép dân chủ với quyết định của hoàng gia chuyển từ quân chủ chuyên chế sang quân chủ lập hiến… Tuy nhiên, việc du học sinh Bhutan trở về quê hương với tỷ lệ rất cao dù lương bổng ở quê nhà thấp bèo là một bằng chứng rõ ràng về sự hài lòng, hạnh phúc của họ với chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia độc đáo.

http://tin180.com/thegioi/cuoc-song-do-day...uoi-bhutan.html
Diệu Minh
http://thucduong.vn/forums/index.php?showtopic=3974&hl=

Bà Lý nói đi nói lại với tôi:
Ở Bhutan, người ta ăn gạo lứt .... cả đất nước đó đều ăn gạo lứt ....?

Tôi hỏi lại Thủy "Nhật" (0913570928) mới đi Bhutan trước tết 2012 về: có phải ở Bhutan họ ăn gạo lứt?
Thủy trả lời: ờ ờ, em thấy mầu của cơm đỏ, đúng rồi ăn gạo lứt đỏ ấy... tiếc là em không chụp được cái ảnh bữa cơm lứt...

Thực là nếu đúng là "dân gạo lứt" thứ thiệt? chắc chắn phải chụp lia lịa và câu đầu tiên kể về đất nước này là phải reo lên: ô, có một đất nước hạnh phúc là do con người ở đó ăn gạo lứt, không sát sinh... he he...
Vì những lý do đó, tôi đang thích đi Bhutan một chuyến đây...

Mà đúng thế thật thì chắc dân gạo lứt thi nhau đi Bhutan hết ???? he he...

Thông tin cần kiểm chứng, có ai nêu thêm chứng cứ không ạ?

Tôi muốn làm quen với bạn nào đã đi Bhutan để hỏi thêm tin, ...

Tôi muốn tới đó hành thiền...
Diệu Minh
http://www.google.com.vn/#hl=vi&gs_nf=...241&bih=584
Diệu Minh
http://www.thesaigontimes.vn/Home/dulich/h...den-Bhutan.html

Một bài viết cực hay và buồn cười, thú vị:
http://www.ladycarcar.vn/dulich/bhutan-x%E...87u-k%E1%BB%B3/

Người dân Bhutan theo đạo Phật thuần khiết, họ gần như ăn chay trường và rất hiếm khi ăn thịt. Suốt 10 ngày sau đó, thậm chí chúng tôi không được ăn 1 quả trứng gà nào, thịt gà cũng không. Bởi đang có dịch cúm H1N1, lệnh cấm dùng thịt và trứng gia cầm đã được vua ban. Mà hàng lậu là khái niệm không tồn tại ở đây!

... Có lẽ thượng tọa Thích Viên Thành là người Hà Nội đầu tiên tới Bhutan? vào những năm 199? hi... ôi không nhớ nổi nữa rồi... a, có lẽ là năm 1994...Sau chuyến đi đó về VN có lẽ tôi là người được thượng tọa kể cho nghe khá chi tiết về chuyến đi của ngài... tôi có khá nhiều duyên lành với cố thượng tọa TVT và những câu ngài nói vẫn còn đọng trong tâm trí tôi, không phai... tôi biết thượng tọa từ khi ngài học trường đại học Phật giáo ở Quán Sứ... do anh Thắng giới thiệu... nhưng mãi sau này tôi mới chính thức nói chuyện... một lần tại chùa Thầy, một lần tại chùa Đỏ ở Hà Đông...

Ngài hỏi tôi khi tôi dana cho ngài quyển "Bhado thodo" do cô bạn đạo Huỳnh Ngọc Hương dịch và trong nam xuất bản lậu, ngài quá ngạc nhiên hỏi tại sao tôi lại có quyển đó trong khi ngài tu mật tông mà ngài mới chỉ có quyển bằng tiếng Anh chưa dịch... ngày đó tôi đã cười thầm và trả lời thầm trong tâm: thì là do duyên chứ là do gì mà tôi có thể có những quyển sách quí đó???? he he...

Và bây giờ thì tôi ao ước được đi Bhutan một lần...
Diệu Minh
Bhutan là một quốc gia nhỏ nằm giữa Tây Tạng và Ấn Độ. Thủ đô là Thimphu.

Tuy nhỏ nhưng thời tiết ở Bhutan khá khác biệt ở các vùng. Phía Bắc giáp Tây Tạng có tuyết, trong khi phần phía tây, miền trung và phía đông đất nước thì có khí hậu mát mẻ ôn đới như châu Âu. Mùa đông ở đây kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3.Thời gian đẹp nhất để du lịch Bhutan là tháng 10, 11 và từ tháng 4 tới giữa tháng 6, đây là thời gian ở Bhutan ít mưa nhất và nhiệt độ mát mẻ.

Diệu Minh

CHẠM TAY VÀO THẾ GIỚI THẦN TIÊN

Nguyễn Phan Quế Mai

Nhận được lời mời của giám đốc Tổ chức Phát triển Hà Lan SNV sang làm việc tại Bhutan - quốc gia xinh đẹp nằm trên dãy núi Himalaya - từ cuối năm 2008, mãi đến tháng 4 năm 2009, mọi thủ tục cho chuyến đi của tôi mới được thu xếp xong. Đến được Bhutan quả không phải dễ dàng. Đến tận giữa thế kỷ 20, quốc vương bé nhỏ và xinh đẹp này hoàn toàn biệt lập với thế giới bên ngoài. Chỉ đến năm 1974, Bhutan mới mở cửa đón khách du lịch. Để bảo vệ vẻ đẹp hoang sơ của mình và bảo tồn truyền thống văn hóa, hoàng gia Bhutan quyết định hàng năm chỉ cho phép khoảng 6.000 du khách đặt chân đến nơi này. Mỗi khách du lịch phải đóng ít nhất 200 USD cho mỗi ngày ở Bhutan, và đi theo chương trình do một công ty du lịch Bhutan thu xếp. Vì thế, visa và hành trình cho mỗi chuyến công du được kiểm sát nghiêm ngặt.

Mục đích chuyến đi của tôi bao gồm việc lập chiến lược truyền thông cho SNV, đào tạo kỹ năng truyền thông cho nhân viên, đánh giá kết quả xóa đói giảm nghèo của SNV, cùng với việc tìm kiếm các câu chuyện hay về xóa đói giảm nghèo để giúp một đòan làm phim quốc tế dựng kịch bản về công tác hỗ trợ phát triển tại Bhutan.

Nằm cạnh Ấn Độ và Tây Tạng, với số dân khiêm tốn 700.000 nguời, Bhutan là địa điểm vàng của những du khách muốn khám phá những miền đất lạ. Thật may mắn, đây là lần thứ 2 tôi đặt chân đến Bhutan, và hành trình lần này của tôi bao gồm gần 800 km ô tô xuyên qua ba vùng miền, cùng với những chuyến leo núi vào những bản làng xa xôi hẻo lánh.

Để đến được Bhutan, tôi bay sang Bangkok, sau đó dừng chân tại Calculta (Ấn Độ) trước khi đáp xuống sân bay Paro. Chuyến bay từ Bangkok phải khởi hành từ 4h sáng, vì sân bay Paro rất hiểm trở và thời gian đáp xuống an tòan nhất là từ 9-10 h sáng. Chỉ có một đội bay gồm tám phi công Bhutan với nhiều năm kinh nghiệm được phép bay đến sân bay Paro. Tất cả các máy bay riêng của các nguyên thủ quốc gia và các tỉ phú đến thăm Bhutan bằng phi cơ riêng, đều nhờ đến tài điều khiển của tám phi công này.

Tôi được xếp ngồi bên trái của máy bay, cạnh cửa sổ. Đây là vị trí mà bất cứ khách du lịch nào đến Bhutan cũng phải chọn, vì tại vị trí này, bạn sẽ thấy nóc nhà của thế giới - đỉnh núi Everest phủ tuyết nhô lên trên những tầng mây. Và, kìa, mọc trên những tầng mây là các đỉnh núi trắng lung linh trong nắng. Đỉnh Everest rất gần, tưởng như tôi có thể với tay là chạm phải.

Khi máy bay giảm độ cao, chúng tôi bắt đầu lượn lờ giữa trùng trùng điệp điệp các ngọn núi xanh thẳm. Phi công lên tiếng trấn an khi có một vài hành khách tỏ vẻ lo sợ, vì máy bay rất gần các ngọn núi. Và, trước mắt tôi, một vẻ đẹp hùng vĩ hiện ra: rừng rậm nguyên sinh xanh mơn mởn, ngút ngàn, tô điểm bởi những dòng thác nước trắng xóa. Và, ngự trị trên những ngọn núi chót vót, là những căn nhà gỗ được thiết kế theo kiểu truyền thống Bhutan – những ngôi nhà độc lập, đứng lẻ loi như thách thức với đất trời. Xung quanh các ngôi nhà là tầng tầng lớp lớp những thửa ruộng bậc thang đang xanh mướt màu xanh của lúa non. Những bàn tay lúa non đang vẫy gọi tôi đáp xuống...

Đón tôi là Thinley Dorji, bạn đồng nghiệp Bhutan thông minh dễ mến. Để thực hiện tốt công việc xóa đói giảm nghèo tại các bản làng xa xôi, Thinley nói thông thạo 5 thứ tiếng bản ngữ. Hơn một nửa thời gian của anh dành cho những hành trình dài dằng dặc vào các bản làng xa xôi. Anh nói với tôi rằng, ở với dân, hiểu dân, thì mới giúp họ tốt nhất.

Hôm nay, Thinley trông thật nam tính, khỏe khoắn trong trang phục gho truyền thống dành cho nam giới. Còn tôi, để hòa nhập với văn hóa nơi này, cũng diện cho mình trang phục Kira dành cho nữ giới. Có lẽ, Bhutan là nước duy nhất trên thế giới mà người dân thường ngày tự hào khóac trên mình các trang phục truyền thống. Và không chỉ là vấn đề tự nguyện, mà chính phủ Bhutan bắt buộc tất cả mọi người dân phải mặc trang phục truyền thống khi vào đền thờ, dự lễ hội hoặc đến công sở.

Bảo tồn truyền thống văn hóa luôn là tiêu chí cao nhất của người dân nơi đây. Vì thế, khi đến Bhutan, du khách được sống trong những tập tục từ nghìn năm nay. Trên đường từ sân bay về khách sạn, tôi đã được chứng kiến những cuộc chơi bắn cung của các chàng trai. Đích bắn rất xa, thử tài của các xạ thủ. Bất cứ khi nào chàng trai bắn trúng, các cô gái lại hát và múa, rồi sau đó trao cho chàng một dải lụa màu để buộc vào lưng. Nhìn vào đám đông, người bắn giỏi nhất sẽ nổi bật nhất bởi những dải lụa màu sắc trên lưng.

Tôi cũng đã may mắn được chứng kiến cảnh các tu sĩ đang tập điệu múa Tsechu, chuẩn bị cho lễ hội quan trọng Tsechu của Paro, diễn vào giữa mùa Xuân hàng năm Những điệu múa khoan thai, uyển chuyển nhưng không kém phần dũng mãnh. Vào những ngày lễ Tsechu, hàng nghìn người dân mặc những bộ quần áo đẹp nhất, đeo trang sức đẹp nhất để đi dự lễ hội. Trên sân của các cung điện và đền thờ Dzong, trong tiếng nhạc sôi động, những điệu múa Tsechu đa dạng, uyển chuyển tái hiện cuộc sống của Phật tổ, quá trình thánh Guru Rimpoche mang đạo Phật vào Bhutan, và những thông điệp của đạo Phật. Đại diện của mỗi bản làng từ phương xa sẽ mang đến một bình rượu ngon nhất, và tất cả sẽ được góp chung trong một thùng rượu lớn được đặt giữa sân. Đó là rượu dâng phật tổ, rượu của lòng thành mà những người tham gia sẽ cùng uống, thể hiện sự đòan kết và tinh thần dân tộc.

Trong các thành phố tôi đã đi qua, Paro (tọa lạc ở độ cao 2.280 m) để lại nhiều ấn tượng đẹp. Đền chùa, nhà cổ nằm san sát nhau. Những tu sĩ khoác áo cà sa đỏ ngồi chụm vào một góc thầm thì. Những bát hương Bhutan tỏa hương thơm trầm hoặc. Những khung cửa sổ treo đầy ớt chín đỏ. Xung quanh tôi, những người dân Bhutan hiền hòa với nụ cười luôn nở trên môi thong thả thực hiện các công việc thường ngày của họ. Dường như, họ không bị áp lực của cuộc sống công nghiệp đang bao trùm các nước lân cận.

Ở đâu trên đất nước Bhutan, du khách cũng có thể chiêm ngưỡng các đền thờ cổ mang phong cách Tây Tạng. Trong mỗi đền thờ đều có những trục xoay được trạm trổ tinh xảo. Trục xoay này chứa đựng hàng ngàn lời khấn nguyện. Chỉ cần xoay nó, tôi có thể gửi hàng ngàn lời khấn nguyện đó lên trời, mang lộc đến cho mình và cho người thân. Nhìn thái độ kính cẩn và nghiêm trang của những người có mặt, tôi cảm nhận rằng, người Bhutan có một đức tin sâu sắc vào Phật giáo. Điều đó ảnh hưởng đến tính cách hiền hòa, nhân hậu của họ. Trên mỗi bàn thờ tại các đền chùa, tôi luôn ngưỡng mộ vẻ đẹp hòan mỹ của các chùm hoa được nặn từ bơ (sữa). Sư trụ trì Lama Dophu trên đỉnh núi Nabji Korphu giải thích với tôi rằng: người Bhutan luôn tự nhủ: vẻ đẹp không tồn tại vĩnh hằng.

Đến bất cứ thành phố nào của Bhutan, điểm du lịch đầu tiên du khách phải đến là Dzong (cung điện/đền thờ), vì Dzong hội tụ tất cả các tinh hoa văn hóa và truyền thống bản địa. Hầu hết các cung điện này được xây dựng từ thế kỷ 16, trải qua bao thăng trầm của thời gian, vẫn sừng sững, đẹp tráng lệ và nguy nga. Nhiều tạp chí du lịch và kiến trúc đã đánh giá rằng “kiến trúc Dzong là một trong những kiến trúc độc đáo và đẹp nhất châu Á”. Khó có thể tin rằng, kiến trúc đẹp một cách tinh xảo này được xây dựng mà không sử dụng bản vẽ thiết kế hoặc bất cứ một chiếc đinh nào. Các tảng gỗ đã được lắp ghép vào nhau rất khéo léo, tạo nên một kiến trúc Dzong thật bền chắc, đứng vững với thời gian. Và, các nét trạm trổ tinh xảo được thể hiện ở mọi nhiều nơi, ngắm nhìn hàng giờ không chán mắt.

Dzong là cung điện của Vua, đồng thời là thủ phủ hành chính và tâm điểm của các họat động tôn giáo. Nơi đây, hàng trăm tu sĩ từ độ tuổi lên 3 đến 70-80 tuổi nghiêm trang tu luyện. Khách du lịch sẽ gặp may mắn nếu một tu sĩ tình nguyện làm hướng dẫn viên. Với tôi, cuộc trò chuyện với chú tiểu Namgay thật thú vị. “Em ở đây đã ba năm rồi. Hàng ngày, thức dậy lúc 3h sáng để thiền và học thuộc quyển kinh. Em ít được gặp cha mẹ, nhưng ở đây em học được rất nhiều điều để trở thành người tốt. Em mong ước được trở thành Lama (sư trụ trì). Nếu không, làm một nhà sư bình thường cũng là một vinh dự lớn”.

Trong chuyến hành trình gần 2 tuần ở Bhutan, tôi đã có cơ hội nghỉ chân ở nhiều Dzong, nhưng Punakha Dzong – còn được mệnh danh là “Cung điện hạnh phúc” – là nơi tôi nhất quyết sẽ quay trở lại. Một chiều xuân khi những nhành hoa tím biếc bay la lả trong nắng chiều, Punakha Dzong đã đón đôi bàn chân rón rén của tôi. Rón rén vì một vẻ đẹp thiên thần mà tôi sợ sẽ biến mất khi chạm vào. Chỉ mới đây thôi, Punakha Dzong đã đón vị vua thứ Năm - Jigme Khesar Namgyel Wangchuck.

Lên ngôi năm 2008 ở lứa tuổi 28, Vua Jigme Khesar được mệnh danh là “vua của thế kỷ mới”, làm xôn xao chính trường quốc tế khi quyết định thành lập một nhà nước dân chủ, dưới sự điều hành của thủ tướng. Trong khi những hòang gia khác trên thế giới cố gắng thâu tóm và củng cố quyền lực, Vua Bhutan quyết định giao quyền lại cho Nhà nước dân chủ, mặc dù dân chúng nhất quyết phản đối vì họ tuyệt đối trung thành với Vua. Khi lên ngôi, Vua Jigme Khesar đã tuyên thệ “Ta sẽ không bao giờ cai trị như một ông Vua. Ta sẽ bảo vệ thần dân như một người cha, chăm sóc thần dân như anh em và phục vụ thần dân như một người con. Chúng ta phải tiến hành dân chủ hóa để đảm bảo sự phát triển của đất nước, để một ngày nào đó có thể tự hào giao lại đất nước của chúng ta cho thế hệ sau”.Tiến trình bầu cử của Bhutan đã diễn ra hết sức êm đẹp trong năm 2008, nhờ vào uy tín của hòang gia. Jigme Khesar Namgyel Wangchuck đã qua nhiều khóa học tại Anh, Mỹ, Ấn độ nhưng ông luôn nâng niu và trân trọng các truyền thống tập quán của đất nước mình. Lời nói luôn luôn đi đôi với việc làm, sau khi nhận ngôi, Jigme Khesar Namgyel Wangchuck đã đi bộ ròng rã 26 ngày trên con đường xuyên núi cam go nhất của Bhutan có tên gọi là Snowman’s Trek. Ông đã đi xuyên qua các đỉnh núi cao nhất đầy tuyết phủ, nơi có các bản làng nghèo nhất sinh sống, để tiếp xúc và trò chuyện với dân chúng. Ngủ trong lều đơn sơ dưới trời bão tuyết, ăn những món ăn đạm bạc, cuộc hành trình của Vua Jigme Khesar là cuộc hành trình thử thách nhất mà chỉ có những trái tim quả cảm và sức khỏe phi thường mới có thể thực hiện. Người đồng nghiệp của tôi – Thinley – đã có lần thử sức trên tuyến đường ấy và phải quay trở lại sau ba ngày, vì đã ốm rất nặng do say độ cao.

Tôi đã có được một phần ngàn trải nghiệm gian khổ của Vua Jigme Khesar khi leo núi 3 tiếng để đến được bản làng đầu tiên trên tuyến đường du lịch sinh thái Nabji-Korphu. Đây là con đường du lịch kết hợp xóa đói giảm nghèo do tổ chức phát triển Hà Lan SNV kết hợp với bộ du lịch Bhutan và người dân bản xứ phát triển. Đến với con đường Nabji-Korphu, du khách sẽ đi bộ 5 ngày để qua 5 bản làng rất nghèo đang cư trú ở những đỉnh núi xanh ngút ngàn. Dù chuyến đi bộ là một cuộc thử sức dẻo dai của những đôi chân, tôi hòan tòan không cảm thấy mệt mỏi vì được khám phá một thiên đường hoang dã: những trái dâu tây đỏ mọng ven đường, những chú vượn trắng đu mình vắt vẻo trên cây, những dòng thác trắng xóa, những cây cổ thụ trăm tuổi tỏa bóng mát, những đàn bướm bay lượn bên các khe suối, những chú chim đủ màu sắc hót líu lo trên cao, và hoa rừng muôn vẻ ngan ngát tỏa hương.

Ngủ trọ một đêm tại một bản làng nơi đỉnh núi, tôi mới thấy thấm thía hạnh phúc bình dị: dưới trời sao lấp lánh, chúng tôi đốt lửa, ngồi uống rượu ngô và trò chuyện với nhau. Tiếng cười vang lên ấm áp trong đêm vắng, để rồi ban mai ríu rít tiếng chim và gió mát trong lành của đồi núi đánh thức tôi dậy.

Đến những bản làng xa xôi hẻo lánh cách đường nhựa nhiều ngày đi bộ, tôi thật sự ngạc nhiên về sự quan tâm mà hòang gia dành cho dân chúng. Dân chúng được chu cấp gỗ và vật liệu miễn phí khi xây nhà. Việc khám chữa bệnh, thuốc men cho toàn thể nhân dân Bhutan được nhà nước cung cấp hòan tòan miễn phí. Trường học (kể cả các bữa ăn cho học sinh nội trú) cũng được chu cấp hoàn toàn. Các bản làng xa được cung cấp thiết bị tự tạo điện từ năng lượng mặt trời, cùng với hệ thống nước sạch bắt nguồn từ nguồn nước khóang thiên nhiên. Có lẽ, đây là mô hình của một nhà nước cộng sản thiết thực nhất mà tôi chứng kiến!

Để tiếp tục thử sức dẻo dai, tôi đã quyết định chinh phục 2 dãy núi cao để đặt chân đến Thiền viện Taktsang (còn gọi là Tiger’s Nest - Tổ của Hổ). Tương truyền, phật tổ Guru Padmasambhava, khi từ Tây Tạng sang Bhutan truyền đạo, đã cưỡi trên lưng hổ và bay đến đây ngồi thiền. Thiền viện Taktsang tọa lạc trên một chỏm đá cao 900m, hùng vĩ nguy nga. Để đến được thiền viện này, chúng tôi đã phải trèo trên con đường núi cheo leo, hiểm trở hơn 2 giờ đồng hồ, thật khó khăn vì ở độ cao gần 3.000 mét, không khí lõang và ít oxy. Thật khó tưởng tượng công sức mà những nghệ nhân thế kỷ 16 đã đầu tư để xây dựng thiền viện linh thiêng này - một thiền viện mà mỗi người Bhutan đều ao ước đặt chân đến đây một lần trong đời. Và, khi đặt chân đến thiền viện Taktsang, mọi mệt mỏi đều tan biến vì vẻ đẹp tráng lệ và không khí yên tĩnh, nghiêm trang của nơi này.

Trong thời gian ở Bhutan, tôi đã tìm gặp người Việt duy nhất đang sống ở đây – anh Long. Được mệnh danh là người câu cá giỏi nhất Bhutan, anh Long vui vẻ nói với tôi rằng, anh mới bắt đầu câu cá cách đây 2 năm. Vì người Bhutan theo đạo Phật và không sát sinh, cá tha hồ sinh sôi và nảy nở ở các dòng sông, con suối. Vì lẽ đó, mỗi lần câu, anh Long bắt được rất nhiều cá hồi to, có con nặng đến 5 cân, chế biến đủ các món mà vẫn còn rất nhiều để tặng bạn bè. Công việc của anh Long - bảo tồn thiên nhiên – thú vị nhưng rất vất vả. Anh thường phải đi công tác đến những bản làng cách thủ đô Thimphu hàng trăm km. Để đến được những nơi này, anh thường phải ngồi ô tô 2 ngày liền, sau đó cuốc bộ 2-3 ngày ròng rã. Anh Long cười rất tươi và tâm sự với tôi “người Bhutan rất hiền và rất tốt. Ngày Tết, tôi mời bạn bè đến đầy nhà, lôi rượu Việt ra chuốc, đến say bí tỉ mới để họ về. Sống ở đây, tôi cảm thấy rất vui và thỏai mái ”.

Nói về rượu, phải nói rằng các loại rượu làm từ ngô, sắn, táo, lê của Bhutan khá ngon, nhưng rất nhẹ so với rượu nếp Việt. Người Bhutan thích ăn uống, và sở thích của họ thể hiện ở các món ăn dân tộc ngon và đặc sắc. Tôi đã được nếm thử các món ăn từ nấm, rau rừng, phomai bản xứ, cà ri gà tuyệt ngon, và món thịt bò khô độc đáo. Người Bhutan ăn rất nhiều ớt. Ở các cửa hàng, ớt được bán theo kg, vì đó là món rau chính. Thinley, bạn đồng hành của tôi, buổi sáng nào cũng cần phải điểm tâm với 1 đĩa cơm cùng với ớt và ớt. Còn tôi, dù không ăn cay, sau gần 2 tuần ở Bhutan, đâm nghiện món ớt tươi băm cùng hành tây và cà chua. Ăn món nào ở Bhutan, tôi cũng cảm thấy rất ngon, vì được biết rằng người dân ở đây rất ít dùng (và không biết) đến thuốc sâu và thuốc kích thích tăng trưởng. Vì thế rau quả ở đây hầu hết là rau quả hữu cơ – sạch 100%. Theo kế hoạch, đến năm 2020, ở Bhutan không có sản phẩm nào dung thuốc sâu hoặc chất tăng trưởng.

Sau nhiều ngày ngồi ô tô, cuốc bộ, thực hiện nhiều cuộc họp được tiến hành ngay trên bãi cỏ, đồng ruộng hoặc dưới trăng, cơ thể tôi như được hồi sinh khi được ngâm mình vào một bồn tắm nước nóng thảo dược. Những viên đá có chất khóang đặc biệt từ các đỉnh núi cao được nung trong lò ở nhiệt độ cao trong 3 tiếng, sau đó thả vào bồn nước cùng thảo dược. Ngâm mình vào nước, tôi cảm thấy mình thật sảng khóai trong vị nóng ấm và mùi thơm nhẹ nhàng của hoa cỏ.

Theo những khảo sát gần đây cho thấy, Bhutan là nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất Châu Á, và cao thứ 8 trên thế giới. Những người tôi gặp tại đây chia sẻ với tôi rằng, có lẽ, người Bhutan hạnh phúc vì trong họ, nghệ thuật, tôn giáo và văn hóa hòa quyện làm một, tạo nên một bản sắc đồng nhất và một sự an bình tâm tưởng hiếm có.

Rời Bhutan, tôi mang theo những nụ cười thân thiện của người dân nơi này. Những cánh rừng xanh miên man lá vẫy tôi trở lại. Chỉ trong chớp mắt, dưới cánh máy bay là những tầng mây trắng. Và, những lời thơ chợt đến:

HIMAYLAYA

4.000 mét

Ta định nghĩa mình bằng một chấm xanh

Tiếng chim

neo ta, neo ta

giữa lưng chừng núi.

Thác đổ ta con suối

Vạm vỡ ta cánh rừng

Thời gian ngập ngừng

ngủ quên trên lá.

Ta!

Himalaya!

Ta vô danh mà rừng thì ngàn tuổi

Ta khô cằn mà rừng ăm ắp suối.

Chảy ta về đâu hỡi chập chùng sóng núi?

Lời nào không tuổi

Mắc võng giữa lưng chừng xanh?

Kiêu sa, mỏng manh

Rừng trút xiêm y, ngời lên sắc biếc

Chắt mật từ đá, hoa lên mây ngàn

Đại bàng chao cánh

kìa

hòang hôn sang!

Núi mọc lên mây

Ta ở trọ một ngày

Chợt...

bấm khóa lịch trình hối hả

Gửi chìa cho mây ngàn

bay...

Bhutan - Himalaya 1/5/2009
Chỉnh sửa lần cuối bởi orchid81; Hôm qua vào lúc 10:32 PM.
giangnoel
Ngưỡng mộ quá, mình rất muốn được tới Tây Tạng, và giờ thêm 1 mơ ước là đặt chân tới Bhutan
LIOVI
VN thì định hướng XHCN , còn Bhutan có định hướng gì không nhỉ ?
Diệu Minh
thu thao: khi nào cô Trâm đi Bhutan thì thông báo cho cháu đăng ký đi với nhé
Tram Ham Ngu Si: He he.
Tram Ham Ngu Si: vậy xin số điện thoại và email

thu thao: dạ, dd: 0982613660, email: rungsala@yahoo.com
thu thao: hihi
thu thao: mong chờ mà ko có bạn hiền nào đi hết cô trâm ơi
Diệu Minh
http://tv.diaoconline.vn/KhamPha/Post/1717...ieu-ky-thu.aspx

Bạn có thể xem những thước phim quay về Bhutan:

http://www.google.com.vn/#q=Bhutan&hl=...241&bih=584
Diệu Minh
Thiên đường có thật -Vương Quốc Phật Giáo:
http://www.youtube.com/watch?v=472krASsaNg

http://www.youtube.com/watch?v=nFZQJ8l2ZYw...feature=related
Diệu Minh
Bhutan: Xứ sở diệu kỳ


Một đất nước có lẽ là kỳ lạ nhất thế giới. Bởi giữa thời đại bận rộn một cách văn minh này mà Buhtan vẫn giữ sự nhàn nhã và thờ ơ với thế giới văn minh đến không thể tin nổi nếu bạn không một lần đặt chân đến đất nước Trung Á đang có chỉ số hạnh phúc cao nhất thế giới này.



Trước chuyến đi, chúng tôi chỉ vỏn vẹn vài thông tin ít ỏi về đất nước chỉ có khoảng 600 ngàn dân, cuộc sống khép kín gắn liền với tôn giáo thuần khiết và môi trường thiên nhiên chưa hề bị ô nhiễm. Không thể đặt vé tự do, dù bạn có chi nhiều tiền đến đâu. Hàng năm Bhutan chỉ cấp một số lượng hạn chế visa cho khách du lịch có chọn lọc và chấp nhận chi phí cao cho chuyến đi được bố trí sẵn từ A đến Z do một số ít công ty du lịch được chính phủ chọn lọc và cấp phép.

Phi cơ của hoàng gia Bhutan (chiếc duy nhất phục vụ nhà vua ) khởi hành từ Bangkok lúc 5h sáng. Trái với tưởng tượng của tôi về hãng hàng không ít tên tuổi của một đất nước “xa cách với văn minh”, ngay khi vừa tại vị trên máy bay, tôi hoàn toàn “tê liệt” vì dịch vụ trên khoang hành khách hạng bét mà tôi và gia đình đang là hành khách: thức ăn nóng, khăn nóng đưa tận tay, đoàn tiếp viên hàng không trẻ trung và xinh đẹp của hãng hàng không hoàng gia Bhutan thừa khả năng làm cho các cô người mẫu hoặc hoa hậu Việt Nam xuống hạng mà không cần xem xét! Tiếng Anh chuẩn xác và dịch vụ quá đẳng cấp khiến tôi chẳng thể nào thoát khỏi cảm giác nghi ngờ những phán đoán của mình về đất nước Bhutan.

Một đất nước thật khó…phán đoán! Sân bay ở thủ đô Thimpu chỉ giống sân bay tỉnh lẻ nhà mình, hàng ngày đón một chuyến bay từ Bangkok và một chuyến khác từ Ấn Độ. Có lẽ vì vậy nên sân bay chẳng có máy vi tính (!), hành khách xếp hàng đến lượt thì chìa hộ chiếu ra để đóng dấu, cũng giống như Tân Sơn Nhất, hình như nhân viên ở đây cần khá nhiều thời gian để…đọc. Tôi, người Việt Nam duy nhất ở đây, rất bình thản nhịp chân chờ đợi… trong khi các hành khách khác bắt đầu rên rỉ vì đứng lâu sau chuyến bay cất cánh lúc 5h sáng. Anh chàng nhân viên kiểm soát visa lật ngang lật ngửa quyển hộ chiếu của tôi với vẻ mặt đăm chiêu, lúc thì búng vào nó, lúc thì nhìn sát bề mặt, lúc thì nhìn nghiêng… chỉ thiếu mỗi cắn vào hộ chiếu để xem nó thật hay giả. Cuối cùng, sau 10 phút hội ý với các bạn cùng đội… anh ta quyết định hỏi tôi bằng tiếng Anh cực chuẩn: Việt Nam ở đâu ? Và với thái độ rất thành thật anh ta thú nhận chưa bao giờ gặp hộ chiếu như của tôi, người VIETNAM! Tôi định lần sau đi Bhutan nữa, tôi chắc chắn sẽ mang một quyển sách giới thiệu Việt Nam để tặng cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh của Bhutan làm tư liệu.

Đón gia đình tôi ở sân bay là anh chàng hướng dẫn viên theo chương trình đã được đặt trước. Anh ta và anh chàng lái xe phục vụ gia đình tôi trong suốt chuyến đi đều mặc chiếc áo truyền thống của người Bhutan, đàn ông mặc áo khoác trông giống như áo kimono có thắt lưng ở giữa, nhưng lại mang giày Tây và đặc biệt là họ mang tất (vớ) rất dài, trông thật là ngộ nghĩnh. Với cánh tay áo dài bên trong sử dụng như cái ruột tượng của người Việt Nam đựng gạo… người đàn ông Bhutan đựng tất cả những gì thuộc về họ và nhiều thứ khác.



Chúng tôi lên xe và tôi tiếp tục đi từ kinh ngạc này đến kinh ngạc. Hai bên đường, nhà dân thường to kinh khủng, và giống y như nhau. Nhà dân mái lợp màu xám hoặc đen, trong khi nhà công sở lợp ngói màu xanh lá cây (hoặc sơn), chỉ mái nhà của đình chùa và nhà của hoàng gia là sơn màu đỏ. Nhờ màu sắc này mà tôi phân biệt được chúng với nhau, vì như đã nói, kiến trúc và kích thước của chúng gần như to như nhau.

Đón chúng tôi ở công ty du lịch là một phụ nữ Bhutan ngoài 50 tuổi, lịch sự và giao tiếp thông thạo 5 ngoại ngữ chuẩn xác. Khách sạn chúng tôi ở có cửa sổ to rộng nhìn xuống con đường, bên kia là sân vận động phức hợp, thiết kế cực kỳ độc đáo. Người dân Bhutan chỉ thích một môn thể thao mà từ lớn đến bé đều thích, đó là môn bắn cung và cưỡi ngựa. Ở đây, sau giờ làm việc thanh niên rủ nhau đi thi bắn cung, giống như ở nhà mình đi đánh tennis vậy. Xe ô tô và xe ngựa đậu san sát cạnh nhau bên ngoài sân vận động. Còn bên trong, họ bắn cung suốt ngày từ sáng đến chiều tối, mũi tên lao vút, tiếng hò hét vang dội, cả chục mũi tên bay vào tâm bia chỉ nhỏ bằng cái nắp thùng xăng ở nhà mình, vậy mà ở đích đến chẳng ai thèm tránh. Người xem đứng sát gần tấm bia để cổ vũ và động viên đồng đội! Không ai sợ mũi tên bay lạc hay sao?- tôi ngạc nhiên hỏi. Họ ngạc nhiên hơn, bảo chẳng bao giờ bay lạc, chắc chắn phải trúng vào bia! Lạ thật. Mũi tên bay vào tâm bia, tương ứng với một dải lụa màu . Cậu thanh niên lập thành tích dắt ngay dải lụa vào thắt lưng. Phụ nữ Bhutan chỉ để ý những anh chàng có nhiều dải lụa màu dắt ở thắt lưng…

Bữa ăn ở Bhutan ngày đầu tiên làm tôi choáng váng: rau xào với bơ và pho mát dê, nêm chỉ với muối! Kết cục là bữa tối thịnh soạn ở nhà hàng của khách sạn, tôi chỉ ăn được cơm trắng và một ít cari rau. Người dân Bhutan theo đạo Phật thuần khiết, họ gần như ăn chay trường và rất hiếm khi ăn thịt. Suốt 10 ngày sau đó, thậm chí chúng tôi không được ăn 1 quả trứng gà nào, thịt gà cũng không. Bởi đang có dịch cúm H1N1, lệnh cấm dùng thịt và trứng gia cầm đã được vua ban. Mà hàng lậu là khái niệm không tồn tại ở đây!

Sáng sớm, người dân quanh khu vực nơi tôi ở bắt đầu đi cầu kinh buổi sáng. Họ dậy từ rất sớm, đi bộ ra đền chùa gần nhất, trên tay ai cũng cầm một bó lá thông tươi, rải rác gần đền thờ đều có những cái lò để đốt lá thông tươi, khói mù mịt, khói bốc lên từ vài trăm cái lò lộ thiên như thế ở Buhtan tạo thành một làn khói sương mù mịt thơm mùi dầu thông rất dễ chịu. Người Bhutan cầu nguyện trong đền, sau đó thì về nhà cầu nguyện tiếp!

Như vẫn chưa đủ ngạc nhiên, ngày hôm sau xe đưa chúng tôi về phía Đông, địa hình đồi núi rất cao và hiểm trở, tới một thung lũng tuyệt đẹp. Ở đây đường toàn bằng đá, đẹp như tranh vẽ, khách du lịch đổ về đây còn đông hôn dân bản địa, có điều cả vùng này…không có điện! Về sau tôi mới biết, khu vực này nổi tiếng vì là nơi nương náu mùa đông của loài hồng hạc cao đến hơn 1,2m và gần như đã tuyệt chủng nên cả thế giới muốn chiêm ngưỡng chúng phải về cái thung lũng duy nhất này. Có điều loài chim này sợ từ trường từ dây điện. Người dân ở đây đã tự nguyện yêu cầu nhà nước không kéo dây điện về đây để tránh cho loài chim này những khó khăn trong cuộc sống của chúng, còn bản thân họ không ti vi, không máy phát điện…, chỉ có những làn khói thơm mùi gỗ bốc lên từ ống khói của những ngôi nhà xây dựng hàng trăm năm trước hiện được cải tạo thành khách sạn…

Đã từng đi nhiều nơi, đã từng tròn mắt trước những công trình vĩ đại của châu Âu hùng mạnh, vậy mà tôi vẫn không thể hết kinh ngạc đến sững sờ với đất nước Buhtan nhỏ bé và những người dân Bhutan rất đỗi bình dị, thậm chí quê mùa. Nhiều chùa ở đây (tiếng địa phương gọi là Jong), đồ sộ khủng khiếp đến nỗi không thể tin chúng có thể dựng lên bằng bàn tay con người- kích thước đến cả hecta, nằm trên một đỉnh núi chơi vơi, dưới là vực thẳm, xe không thể đến, chỉ có cách duy nhất là đi bộ, trèo qua những đỉnh núi. Hiện ở những ngôi chùa như thế vẫn có hàng chục nhà sư sống ở đó với đồ tiếp tế như vẫn đã diễn ra từ hơn 600 năm trước…



Trưa ngày thứ bảy ở Bhutan, chúng tôi lang thang quanh một cái làng giữa tỉnh Ponakha, một khu rừng dâu tây và thơm mùi hoa, thì gặp một cô bé châu Âu với cái giỏ mây đầy bánh mì và bình sữa tươi cười hỏi tôi đã đến giờ ăn trưa, gia đình tôi muốn cô bé dọn bữa ăn ở đâu? Tôi ngạc nhiên hỏi, thường ngày cô bé ăn ở đâu? Dạ, ở ngay đậy ạ! Vậy thì chúng tôi sẽ ăn ở đây. Một bữa ăn làm tôi tỉnh táo, con trai tôi sung sướng vì món pho mát từ sữa dê và trái cây, mì làm từ lúa mì, khoai tây nướng với bò và thịt heo muối. Cô bé kể rằng cha mẹ cô là người Pháp, đã mua khu rừng này và dọn đến đây ở gần 20 năm về trước, sinh ra một hậu duệ Pháp chính cống nhưng ăn mặc như người Bhutan, là công dân Buhtan và chẳng bao giờ muốn quay về Pháp!

Tôi đến thăm gia đình cô bé, cả khu trang trại rộng lớn nằm dưới một rừng táo đỏ mọng, được dựng bằng gỗ sồi vàng, một đàn ngựa khỏe mạnh, và trang trại bò, dê, gà , cừu… thật sung túc. Họ cũng có internet, nhưng không thích xem TV. Nghe nhạc classic và cưỡi ngựa như lái ô tô. Tôi yêu cái trang trại này quá đỗi. Khi cô bé nói rằng hôm nay đi học vào buổi tối từ lúc 6h30, tôi hỏi có phải vì thiếu chỗ không? (kinh nghiệm tuổi thơ của chính tôi) cô bé cười bảo rằng không phải, vì môn học là học về thiên văn, học buổi tối có thể nhìn thấy rõ hơn, lớp học bố trí ngoài trời giữa thảo nguyên và cây cỏ, 46 học sinh và 5 thầy cô giáo học thiên văn như thế đấy!

Câu chuyện của chúng tôi vui hơn trong suốt chuyến đi vì phát hiện nho nhỏ của tôi về anh hướng dẫn viên. Từ ngày đầu tiên tôi đã hỏi anh ta đủ thứ. Jamieng, anh sinh ra ở đâu? Học ở đâu? Làm nghề này từ bao giờ? Sao tiếng Anh của anh tốt thế? …Gần tới ngày chia tay, tôi mới biết Jamieng là con trai Bộ trưởng Bộ Du lịch Bhutan. Năm 13 tuổi Jamieng và cậu em trai 9 tuổi đã đóng vai hai tiểu Dalai Lạt Ma cùng diễn viên đẹp trai Brad Pitt trong bộ phim Bảy năm ở Tây Tạng. Vai diễn của Jamieng rất xuất sắc và cậu được giữ lại Mỹ học xong trung học, sau đó về Ấn Độ học đại học chuyên ngành thương mại và du lịch. Jamieng bảo không ở đâu bằng Bhutan, nước Mỹ chỉ dạy cậu điều chưa đúng!



Quế Anh

(TT&VH Cuối tuần)

Bhutan là một quốc gia nhỏ nằm giữa Tây Tạng và Ấn Độ. Thủ đô là Thimphu.

Tuy nhỏ nhưng thời tiết ở Bhutan khá khác biệt ở các vùng. Phía Bắc giáp Tây Tạng có tuyết, trong khi phần phía tây, miền trung và phía đông đất nước thì có khí hậu mát mẻ ôn đới như châu Âu. Mùa đông ở đây kéo dài từ tháng 11 đến tháng 3.Thời gian đẹp nhất để du lịch Bhutan là tháng 10, 11 và từ tháng 4 tới giữa tháng 6, đây là thời gian ở Bhutan ít mưa nhất và nhiệt độ mát mẻ.

member
10 lý do khiến người Bhutan hạnh phúc nhất thế giới

Bhutan là quốc gia nằm ở Nam Á, giữa Ấn Độ và Trung Quốc. Đất nước này được biết đến là quốc gia có diện tích bé nhỏ nhưng người dân lại có cuộc sống hạnh phúc. Và đây là 10 lý do vì sao họ cảm thấy hạnh phúc.


Người Bhutan trong trang phục truyền thống.

1. Họ thường xuyên tìm kiếm sự hạnh phúc về tinh thần

Khác với thế giới phương Tây, con người cảm thấy hạnh phúc khi được sở hữu những của cải vật chất hiện đại như xe hơi, điện thoại, du thuyền…và ngược lại, sẽ cảm thấy bất hạnh khi không thể có những thứ đó, ở Bhutan, người dân mới chỉ để cho toàn cầu hóa tác động trong vài năm trở lại đây và họ ứng xử theo cách cân bằng những sở hữu về tài sản với sự hạnh phúc về tinh thần. Họ không cảm thấy phải suy nghĩ gì nếu họ không có chiếc iphone mới nhất, bởi đơn giản, được sống đã là hạnh phúc.

2. Có tăng trưởng GDP nhanh

Bằng việc cho phép Ấn Độ đầu tư vào lĩnh vực thủy điện ở nước mình, Bhutan tạo thu nhập cho họ mà người dân cũng không phải làm gì nhiều. Họ cho rằng khai thác nguồn tài nguyên một cách hợp lý cũng là cách làm cho họ hạnh phúc.

3. Không quan tâm đến TV, đài hay internet

Hãy đối mặt với điều này, đó là những phương tiện trên thường mang đến cho chúng ta cảm giác khủng hoảng đối với bản thân. Bởi vì trên đó, trong các bộ phim, thường chúng ta thấy những người giàu, đi xe hơi và có nhiều tiền, làm cho chúng ta cảm thấy ganh tỵ. Còn những dòng tin trên internet thường tràn ngập những vụ án hình sự, khủng bố, chiến tranh…Chúng ta cảm thấy bị ám ảnh bởi những bản tin hoặc buồn bực khi không nhận lại được “like” cho bài đăng trên Facebook. Vì thế, người Bhutan không quan tâm đến những thứ này.

4. 50% diện tích đất nước được bảo vệ như rừng quốc gia

Họ rất quan tâm đến môi trường, vì vậy đến một nửa đất nước được bảo vệ trong các khu vườn quốc gia. Việc phá rừng bị ngăn cấm triệt để. Người dân cảm thấy hạnh phúc hơn khi họ được sống trong môi trường tốt.

5. Đa số người dân theo đạo Phật

Đạo Phật là một trong những tôn giáo tiết chế và từ bi nhất trên thế giới. Vì đa phần người dân theo đạo Phật, họ tin vào luật nhân quả khi cho rằng, họ sống cuộc sống tốt đẹp bây giờ sẽ nhận được kết quả tốt đẹp trong kiếp sau. Điều này thôi thúc họ sống một cuộc sống từ bi, nhân ái, làm những việc tốt cho người khác.


Nhà của người Bhutan

6. Họ đánh giá sự hạnh phúc của mình

Ở Bhutan chính phủ đưa ra một chỉ số gọi là chỉ số Hạnh phúc quốc gia (gross national happiness) để đong đếm hạnh phúc của người dân. Cho dù chính phủ Bhutan chưa phải là hoàn hảo trong việc đem đến hạnh phúc cho dân của họ, song thực tế là họ luôn có ý thức phải mang lại hạnh phúc cho người dân của mình.

7. Sống ở những nơi thơ mộng

Đất nước Bhutan nằm trên dãy Himalaya và có tới 60% diện tích đất nước là những nơi hoang dã chưa có người đặt chân đến. Người Bhutan đến đó trong những dịp du lịch, nghỉ ngơi và họ cảm thấy sung sướng hơn với người dân của các nước luôn phải chen chúc trong các đô thị ngột ngạt.

8. Khoảng cách giữa người bình dân và hoàng gia không xa cách

Người Bhutan rất thân thiện với nhau, không kể tầng lớp xuất thân. Một hoàng tử của hoàng gia có thể cùng chơi bóng với các học sinh bình thường khác mà không có sự phân biệt. Sự gần gũi này khiến con người mến nhau hơn.

9. Có chế độ nghỉ ngơi tốt

Theo một khảo sát, có đến 2/3 người dân Bhutan ngủ đủ 8 tiếng mỗi đêm, khác hẳn với cuộc sống ở các nước công nghiệp khi người ta bận làm việc và vui chơi tối ngày quên ngủ. Ngủ đủ, nghỉ ngơi tốt đồng nghĩa với việc người ta cảm thấy khỏe khoắn và hạnh phúc hơn.

10. Mức độ ô nhiễm rất thấp

Với điều kiện tự nhiên cho phép, người dân Bhutan sống trong một bầu không khi trong lành, ít bị ô nhiễm.

Bhutan ngày nay vẫn khá cô lập với thế giới, điều này khiến họ vẫn duy trì những giá trị cổ xưa, thậm chí là lạc hậu so với tiêu chuẩn của thế giới hiện đại. Thế nhưng, vẫn có những thứ mà chúng ta có thể học được từ cuộc sống của họ để khiến cuộc sống của ta hạnh phúc hơn.

Ngọc Phương

(Theo Lifehack)

http://m.vietnamnet.vn/vn/doi-song/206246/...t-the-gioi.html




member
'Của quý' của đàn ông - bùa thiêng đuổi tà ma ở Bhutan

Đến đất nước được mệnh danh là "quốc gia hạnh phúc nhất hành tinh" này, bạn không chỉ mãn nhãn với phong cảnh tuyệt đẹp mà còn tiếp xúc nền văn hóa nửa hiện đại, nửa như vẫn lạc lối trong những câu chuyện thần thoại cổ xưa.
Hình ảnh về quốc gia kín đáo nhất thế giới / Thiên đường tình một đêm cho phụ nữ ở Trung Quốc
Nằm bên triền Himalaya xa xôi và hẻo lánh, vương quốc Bhutan từ lâu đã trở thành điểm đến hấp dẫn, đầy bí ẩn và khao khát được khám phá của nhiều du khách.

"Ôi chúa ơi", một nữ du khách đến từ Seattle, Mỹ thốt lên khi vừa bước xuống từ xe bus ở thung lũng Punakha. Xung quanh cô là quá nhiều hình ảnh bộ phận nhạy cảm của đàn ông được vẽ với đủ kích cỡ, màu sắc. Người phụ nữ này chỉ là một trong số hàng chục nghìn du khách phải ngượng ngùng từ ngay cái nhìn đầu tiên khi đặt chân tới Bhutan.


Người dân thường vẽ hình dương vật lên trước cửa nhà, quán ăn, nhà hàng... với niềm tin xua đuổi tà ma, mang lại khả năng sinh sản tốt cho mọi người trong gia đình. Ảnh: BBC.

Lái xe từ sân bay quốc tế Paro đến thủ đô Thimphu, bạn sẽ bắt gặp vô số bức tranh, tượng dương vật xuất hiện nhan nhản trên các bức tường màu trắng trước cửa nhà, cửa hàng, quán ăn của người dân. Theo tín ngưỡng nơi đây, họ vẽ hình ảnh dương vật lên cửa như một hình thức trang trí và cũng là lá bùa trấn yểm. Người dân tin rằng chúng có tác dụng xua đuổi tà ma, những linh hồn xấu đến quấy nhiễu và đem lại sự yên ổn cho mọi người trong gia đình.

Tín ngưỡng dân gian này bắt nguồn từ một truyền thuyết cổ xưa liên quan tới vị lạt ma có tên là Drupka Kinley với biệt danh Divine Madman - người điên thần thánh. Ông là người đã truyền bá một thứ đạo Phật không chấp nệ và cách nhìn nhận phi chính thống về cuộc đời. Người dân Bhutan rất tôn sùng và coi ông là thánh tăng.


Một góc thanh bình của Bhutan với thiên nhiên trong lành.

Drukpa Kunley đã đi ngang dọc khắp đất nước, dùng thi ca và các câu chuyện hài hước để giúp con người ngộ ra những giáo huấn đích thực của Đức Phật. Theo Lonely Planet, đó là thứ minh triết dưới cái vỏ khùng điên bên ngoài.

Tuy nhiên, Kunley cũng là vị lạt ma được biết đến với sở thích ca hát, rượu chè và chiến tích chinh phục phụ nữ. Các cô gái đồng trinh, phụ nữ thường tìm cách dâng hiến cho ông để được ban phúc lành. Do đó, ông còn được biết đến với danh xưng "vị thánh của 5.000 phụ nữ".

Tương truyền rằng ông cũng thường đánh đuổi yêu ma bằng chính "của quý" của mình. Kunley cố gắng tạo ra sức nóng kinh khủng trong chính cơ thể để biến bộ phận nhạy cảm thành thanh sắt nóng dùng để đốt cháy lũ yêu ma. Đó là lý do ngày nay, người dân thường vẽ hình ảnh dương vật lên trước cửa nhà với niềm tin lá bùa này sẽ bảo vệ họ khỏi sự xâm hại của ma quỷ.

Một trong những di tích gắn liền tên tuổi vị thánh tăng này là Chimi Lhakhang. Đây là một ngôi chùa nhỏ, rất nổi tiếng và nằm gần cố đô Punakha.


Từ Thimphu, lái xe tới tu viện Chimi Lhakhang mất khoảng 3 tiếng. Nơi linh thiêng này nằm trên một ngọn đồi và du khách phải mất khoảng 20 phút để tới đây. Ảnh: BBC.

Muốn tới Chimi Lhakhang, bạn phải leo lên một ngọn đồi và đi qua ngôi làng với những căn nhà được trang trí bằng các bức tranh, tượng gỗ hình dương vật treo dưới mái.

Ngôi chùa được xây năm 1499 bởi người cháu của Drukpa Kunley, hình vuông và có chóp nhọn. Nơi đây thường xuyên tấp nập tín đồ hành hương và khách du lịch. Phía bên ngoài có treo khoảng 100 lá cờ cầu nguyện tung bay trong gió. Dân Bhutan tin rằng khi gió đi qua những lá cờ này, nó mang những lời cầu nguyện theo cùng và mọi người sẽ nhận được phúc lành.

Bước vào chùa, du khách sẽ thấy tượng Kunley ở nơi chính điện. Ngôi chùa cũng lưu giữ một vài chiếc dương vật gỗ linh thiêng đặt bên trong. Cái dài nhất mang màu nâu của gỗ, có tay cầm bằng bạc là quý giá nhất bởi nó được cho là một di tích thánh và dùng để ban phước lành. Sau khi cầu kinh, cúng bái, mỗi người sẽ được nhà sư chúc phúc bằng cách gõ nhẹ chiếc dương vật bằng gỗ lên đầu. Người ta tin rằng cầu nguyện tại đây sẽ giúp phụ nữ hiếm muộn sớm có con cái.

Đường đến Bhutan:

Bhutan là quốc gia nằm lọt thỏm giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Mọi du khách khi đến Bhutan phải có thị thực nhập cảnh và họ phải du lịch thông qua một công ty lữ hành trong nước hoặc đối tác quốc tế. Công dân Ấn Độ, Bangladesh và Maldives có thể nhập cảnh mà không cần đặt tour của một công ty du lịch. Ngoài ra, công dân Ấn Độ chỉ cần có hộ chiếu là có thể vào Bhutan.

Sân bay quốc tế Paro có kết nối với các điểm đến như Bangkok, Delhi, Kolkata, Bagdogra, Bodh Gaya, Dhaka, Kathmandu, Guwahati, Singapore và Mumbai. Bay chặng Paro - Kathmandu được cho là một trải nghiệm tuyệt vời. Bạn sẽ được bay qua 4 trong 5 ngọn núi cao nhất thế giới. Vào những ngày nắng đẹp, du khách sẽ được nhìn thấy quang cảnh hùng vĩ của các đỉnh Everest, Lhotse, Makalu và Kangchenjunga một cách rõ nét nhất.

Anh Minh (theo BBC)
Đây là phiên bản "lo-fi" của nội dung trang chính. Để xem phiên bản đầy đủ với nhiều thông tin hơn , xin hãy nháy vào đây.
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.