Thung lũng ung thư

Thôn Phước Lộc, xã Bình Tân, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước, có đến hơn 20 người ung thư và nghi ung thư, riêng năm 2010 phát hiện 9 phụ nữ mắc bệnh này. Nguyên nhân có thể do nguồn nước.

Gần 2 năm nay, người dân sống ở thôn Phước Lộc phải sống trong cảnh lo lắng hoang mang vì căn bệnh quái ác đe dọa mảnh đất được mệnh danh là “Thung lũng ung thư” này.

Ông Nguyễn Tiến Lộc, Phó thôn Phước Lộc, cho biết, thôn có 256 hộ và 1.400 nhân khẩu, chỉ cách tỉnh lộ ĐT741 chưa đầy 2 km nhưng nằm lọt thỏm trong rừng cao su như một thung lũng hình chảo. Từ năm 2009 tới nay, người dân trong thôn lần lượt xuất hiện những căn bệnh nan y và đều liên quan đến ung thư, làm dân làng rất lo lắng, thắc mắc không biết nguyên nhân từ đâu.


Nguồn nước tại thôn Phước Lộc bị nghi là thủ phạm gây bệnh ung thư hàng loạt cho dân. Ảnh: Chế Bắc

Theo ông Lộc, riêng năm 2010, trong thôn đã có tới 9 người bị ung thư, đều là nữ. Trong số đó, có 5 trường hợp ung thư hạch vú, 2 ung thư hạch cổ, một ung thư tử cung và một viêm hạch dây thắt lưng. Tất cả người bệnh ở độ tuổi từ 30 đến 46, khám và điều trị tại Bệnh viện ung bướu TP HCM.

Bác sĩ Tô Đức Sinh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Bình Phước cho biết, ngay khi có báo cáo từ trạm y tế xã Bình Tân, Sở Y tế Bình Phước đã phối hợp với Viện Pasteur lấy mẫu nước ở xã để xét nghiệm, điều tra nguyên nhân của dẫn tới tình trạng ung thư hàng loạt này.

Theo đó, ngành y tế xác định có 20 trường hợp ở thôn Phước Lộc bị bệnh ung thư và nghi ung thư. Đa số bệnh nhân này có biểu hiện cường giáp, viêm hạch vùng cổ, góc hàm, viêm gan… chứ chưa xác định rõ là ung thư hay không. Riêng 3 người đã tử vong được xác định là do ung thư vú, u lympho Hodgkin (ung thư ảnh hưởng đến hệ thống bạch huyết) và ung thư thực quản.


Lối dẫn vào thôn Phước Lộc giữa rừng cao su. Ảnh: Chế Bắc

Theo bác sĩ Sinh, kết quả đo nguồn nước sinh hoạt của người dân trong thôn, phát hiện hàm lượng các chất NO3, NO2 trong các nguồn nước ở đây cao hơn mức cho phép. Nguyên nhân bước đầu có thể là do người dân trực tiếp sử dụng nhiều hóa chất diệt cỏ không rõ loại, trung bình mỗi hộ dùng 5 lít hóa chất một năm.

Ngoài ra, khoảng năm 1980 có người phát hiện 2 thùng hóa chất do chiến tranh để lại cách khu dân cư gần 4 km nhưng đến nay đã bị chôn lấp hoặc được vận chuyển đi đâu không rõ.

Bác sĩ Sinh cho biết thêm, hiện Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Bình Phước đã có báo cáo đầy đủ thông tin về yếu tố đại lý, dịch tễ học, kết quả xét nghiệm để Viện Vệ sinh y tế công cộng TP HCM có biện pháp nghiên cứu, phối hợp điều tra nguyên nhân gây bệnh ung thư ở thôn Phước Lộc, giúp người dân sớm trở lại cuộc sống bình thường, tránh tâm lý hoang mang lo sợ.

Chế Bắc