(VEF.VN) - Một công nghệ xử lý đơn giản sẽ giúp các gia đình thành phố xử lý và sử dụng nước mưa - đây là cách để được hưởng nguồn nước sạch hiếm có và tiết kiệm chi tiêu.

Nước mưa sử dụng trong ăn uống vốn là thói quen của người dân Việt Nam. Tuy nhiên, ngày nay do ô nhiễm môi trường, chất bẩn thâm nhập trong quá trình thu gom, bảo quản... khiến cho nước mưa, nhất là ở đô thị không đủ sạch để sử dụng. Để tận dụng nguồn tài nguyên này, Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường thuộc trường Đại học Xây dựng ngiên cứu thành công công nghệ biến nước mưa thành nước uống trực tiếp, nước sử dụng trong sinh hoạt và sản xuất, góp phần giảm thiểu ngập úng, tiết kiệm nguồn tài nguyên

Nguồn lợi giá rẻ

Những học viên thuộc Viện Khoa học và Kỹ thuật Môi trường khi khát nước đều có thói quen tự bật công tác điện, rồi lấy cốc rồi vặn vòi nước, lấy trực tiếp nước từ vòi uống. Thậm chí, khách đến chơi thường được tặng món quà độc đáo là những bình nước 20 lít về sử dụng. Đó là những nước mưa đã qua xử lý, làm sạch theo một công nghệ đơn giản.

Loại nước mưa này là sản phẩm từ hệ thống thử nghiệm, thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa trong cấp nước đô thị trong khuông khổ dự án hợp tác giữa Đại học Xây dựng và Đại học Quốc gia Seoul (SNU), Hàn Quốc. Bằng công nghệ sử dụng màng vi lọc (MF), quá trình xử lý đã cho ra nguồn nước đạt chất lượng cao theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế, phục vụ tốt cho nhu cầu ăn uống.


Hệ thống thử ngiệm xử lý nước mưa. (Ảnh: Châu Giang)

Những nhân viên ở đây cho biết, khoảng hai tháng nay họ đều sử dụng nước này thay cho việc mua nước bình như trước. Nước mưa đun lên, pha trà ngon đặc biệt. Nếu không đun, mọi người vẫn dùng nước này như nước uống hằng ngày. Nước trong, uống vào cảm thấy mát, không có vị ngang hay có mùi gì lạ. Mọi người uống bảo là nước rất ngon, khác với nước đóng chai thông thường.

Các chuyên gia của Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường cho biết: Nước mưa được thu gom từ mái nhà trong khuôn viên trường Đại học Xây dựng, diện tích thu gom xấp xỉ 500m2, sau đó chảy theo các đường ống dẫn vào bể chứa. Hệ thống gồm các đường ống thu và dẫn nước mưa, thiết bị tách nước mưa đợt đầu, bể chứa nước mưa, hệ thống xử lý nước mưa bằng công nghệ màng vi lọc (MF), mạng lưới đường ống phân phối nước tới các vòi uống nước trực tiếp.

Quá trình thử nghiệm trong vòng 4 tháng cho thấy các chỉ tiêu chất lượng nước như độ pH, độ đục, hàm lượng chất hữu cơ, kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh, vv... đều đạt tiêu chuẩn nước cấp cho ăn uống do Bộ Y tế ban hành (QCVN 01:2009/BYT). Mẫu nước đi kiểm tra tại Viện Y học lao động, Vệ sinh môi trường, Bộ Y tế và được chứng nhận đạt tiêu chuẩn.

Áp dụng cho từng gia đình

Theo Viện Khoa học và Kỹ thuật môi trường, đến nay, sử dụng nước mưa đã trở thành thói quen của nhiều nước trên thế giới. Tại Hàn Quốc, đã có 50 thành phố triển khai thu gom và sử dụng nước mưa, kể cả đưa quy định xây dựng bể nước mưa thành bắt buộc khi xây dựng công trình.

Việc thu gom, xử lý và tái sử dụng nước mưa trong cấp nước đô thị có một vai trò đáng kể trong việc giảm ngập úng tại các đô thị, khi lượng nước mưa đổ về các tuyến cống thoát nước quá lớn trong cùng một thời điểm; ngoài ra nó còn có thể bổ sung thêm cho nguồn nước cấp của chúng ta vốn đang ngày càng khan hiếm và ô nhiễm bởi các chất thải khác nhau, gây nhiều hiểm họa cho sức khỏe người sử dụng.

Trước hết, có thể tiến hành xây dựng các bể nước mưa tại các công trình công cộng, văn phòng, chung cư, tòa nhà cao tầng. Bên cạnh mục đích ăn uống, nước mưa trong đô thị có thể được sử dụng cho các mục đích không yêu cầu chất lượng cao như tưới cây, dội nhà vệ sinh, rửa xe, dự trữ nước chữa cháy và các mục đích khác...

Theo đó, đối với các công trình công cộng cần phải đưa việc xây bể nước mưa là yêu cầu bắt buộc khi nghiệm thu các dự án. "Bể nước mưa được đặt bên cạnh bể nước máy và có sự kết nối với nhau khi hệ thống này hết nước. Nước mưa trong các công trình công cộng có thể được sử dụng để cứu hỏa, chống ngập úng cho thành phố. Đặc biệt, thành phố có thể nghiêm cứu xây một số bể lớn dưới các bãi đỗ xe, công viên.

Còn đối với các hộ gia đình, so với nước máy, sử dụng nước mưa có giá thành thấp hơn nhiều. Mỗi hộ gia đình có thể xây bể tích nước mưa bằng bê tông, inox, nhựa, nilong, bể ngầm hoặc bể nổi hoặc để trên ban công. Ở gia đình, với mức sử dụng nước không nhiều chỉ cần sử dụng một cột vi lọc, với giá thành khoảng một triệu đồng có thể sử dụng nước mưa để ăn uống, sinh hoạt.

VEF