Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

"Aniccà Vata Sankhàrà
Uppàdavayadhammino
Uppajjitvà Nirujjhanti
Tesam Vùpasamo Sukhoti"

Nghe qua những câu Phật ngôn này, nếu không thận trọng tìm hiểu theo đúng những nguyên tắc chân lý ắt chúng ta lầm nghĩ rằng đây chỉ là những câu kinh mà chư Tăng thường đọc tụng mỗi khi có đám tang chay, không mang ý nghĩa nào quan trọng. Trên thực tế, đây là những gì dính liền theo với ta như cái bóng, và rọi sáng cho ta nền tảng chân lý nằm bên trong tất cả chúng sanh và tất cả các pháp hữu lậu.

Pháp hữu lậu, cũng được gọi là pháp hữu vi, được dịch từ danh từ Pàli "sankhàrà". Sankhàrà là những gì, vật chất hay tinh thần, phát sanh và hiện hữu do điều kiện. Có gì trước đó tạo điều kiện nó mới phát sanh. Trên thực tế, trong thế gian hiện tượng này, tất cả mọi sự vật đều là pháp hữu lậu, hay pháp hữu vi. Câu Phạn ngữ trên có thể được phiên dịch như sau: "Tất cả các pháp hữu lậu đều không bền vững, chúng phát sanh rồi hoại diệt. Chấm dứt trọn vẹn tất cả các pháp hữu lậu - vốn luôn luôn sanh rồi diệt - khi cuối cùng được thực hiện, là hạnh phúc tối thượng".

Câu kinh trên dạy rằng "các pháp hữu lậu" (Sankhàrà Dhamma) là không bền vững, tức vô thường, có trạng thái luôn luôn biến đổi. Trong khi khởi sanh chúng đã mang theo đặc tánh hoại diệt, phải chấm dứt. Trong lúc sanh đã có mầm tử. Và chúng ta thấy rằng bất luận những loại hữu lậu nào tai hại cho tất cả mọi người trong hiện tại, và bất luận những loại hữu lậu nào làm rơi nước mắt, gây ra cảnh biệt ly buồn thảm, thất vọng sâu xa và âu sầu phiền muộn, hay bất luận loại hữu lậu nào làm cho ta phấn khởi hân hoan, vui mừng thỏa thích, làm cho ta yêu thương và ghét giận và không ngớt băn khoăn lo lắng, phiền não sợ sệt, đối với tất cả các loại hữu lậu ấy, Ðức Thế Tôn dạy: "Aniccà Vata Sankhàrà", tất cả các pháp hữu lậu đều không bền vững.

Chúng ta nên nhớ lấy nằm lòng câu Phật ngôn này. Và trước mắt đây là một thí dụ hiển hiện (đám táng). Chúng ta đang chứng kiến và xác nhận lời dạy. Chúng ta đang trông thấy rõ ràng, không thể phủ nhận: Kìa là Ðại Ðức Chao Khun Dhammachedi. Ngài đã viên tịch, được hỏa táng, và phần tro của Ngài được tôn trí vào một cái lọ.

Lúc sanh thời, Ðại Ðức Chao Khun Dhammachedi là một vị tỳ khưu giới đức trang nghiêm, công hạnh viên mãn. Ngài đã thâu đạt và tích trữ nhiều phước báu. Ngài đã có công đào tạo, rèn luyện và dạy dỗ cho người khác biết phân biệt điều phải lẽ quấy và biến đổi, làm cho nhiều người trở nên tốt. Ngoài ra, Ngài còn mở mang tốt đẹp, làm cho ngôi chùa Wat Bodhisomporn này ngày càng thêm thạnh vượng và trong bốn mươi năm qua, đã săn sóc bảo trì, giữ gìn ngôi Tam Bảo này để cho mọi người có thể đến đây học đạo và thực hành thiện pháp.

Tuy nhiên, cái chết phải đến, và từ cuộc sống Ngài đã đi vào trạng thái người chết. Ðiều này làm sáng tỏ câu "tất cả các pháp hữu lậu (Sankhàrà Dhamma) đều không bền vững, chúng phát sanh rồi hoại diệt", hoặc nữa, như chúng ta thường nói, "chúng nó CHẾT!" Chỉ thế thôi.

Vì lẽ ấy tất cả chúng ta nên nhận thức rằng pháp hữu lậu của Ðại Ðức Chao Khun Dhammachedi và của ta cũng là một loại như nhau. Các pháp ấy được cấu thành, sanh ra và trưởng thành dưới hình thức một "sắc" (rùpa, vật chất), một thân hình (kàya, cơ thể vật chất), một người nam hay người nữ, và dần dần biến đổi theo một tiến trình biến đổi thiên nhiên từ sơ sanh đến thiếu niên, trung niên và lão niên. Và đến khi tiến trình biến chuyển thiên nhiên này diễn tiến đến một mức độ nào thì các pháp hữu lậu kia phải trả qua hiện tượng "hoại" và "diệt" mà tất cả chúng ta đang mục kích trước mắt và gọi đó là CHẾT.

Chúng ta chỉ đề cập đến loại hữu lậu này, vì chớ nên nghĩ rằng bất luận những loại hữu lậu nào, như các pháp mà người ta ước đoán là thiên nhiên, cũng đều là nguyên nhân của những dòng lệ vô cùng tận cho tất cả chúng sanh trên khắp thế giới. Nơi đây chỉ là những pháp hữu lậu thuộc loại này. Vậy, đây là loại hữu lậu tối quan trọng trên thế gian.

Tình thương, sân hận, nỗi buồn ly biệt, ảo kiến, hạnh phúc, đau khổ và thất vọng, tất cả đều khởi xuất từ loại hữu lậu này. Ðây là lời dạy của tất cả chư Phật trong quá khứ: "Aniccà Vata Sankhàrà", các pháp hữu lậu thật không bền vững, chúng phát sanh rồi hoại diệt.

Nhưng không phải chỉ có những pháp hữu lậu đã chết mới là không bền vững. Không phải chỉ có những pháp hữu lậu trước mắt ta kia (Ðại Ðức Dhammachedi) mới là vô thường, mới được sanh ra, trưởng thành và chết. Chúng ta hãy hướng cái nhìn vào trở lại bên trong chúng ta, vào bên trong cơ thể của mỗi người chúng ta - mà ta thường xem là vật sở hữu của ta - vào giờ phút này, trong hiện tại, và nơi đây. Nó cũng chỉ là một loại "pháp hữu lậu" có bản chất biến đổi cùng một thế ấy. Nó cũng sẽ trở nên già nua và lụm cụm, không tồn tại lâu dài và sẽ hoại diệt và tan rã, chắc như vậy, không thể tránh, cũng cùng một lối như các pháp hữu lậu của Ðại Ðức Dhammachedi.

Tình thương đã phát sanh trong loại pháp hữu lậu này. Sân hận, ảo kiến cũng phát sanh trong đó và làm nguyên nhân cho những nỗi buồn vui, hối tiếc, và thâu nhận đau khổ, sầu não v.v... Các pháp cùng loại này có thể là một người hay một vật, có thể hạng thấp hay cao, có thể tốt hay xấu và cũng có thể là một người trung bình, đen hay trắng, đẹp hay xấu - tất cả đều là loại pháp hữu lậu này.

Mong sao tất cả quý vị đang nghe đây, hãy "Opanayiko", hướng tâm vào bên trong và luôn luôn tự dạy mình. Quý vị chớ nên nghĩ suông rằng có ai đó chết, có người khác hoại diệt và tan rã, hoặc có người khác đang chứng nghiệm đau khổ và khó khăn do các pháp hữu lậu của họ gây nên. Ta phải nhận thức rằng chính loại hữu lậu ấy cũng giống hệt như loại hữu lậu của chúng ta. Nên hiểu biết rằng cơ thể của chúng ta cũng y hệt, cùng một loại với cái xác chết nằm đó, cũng cùng một bản chất như vậy.

Trong tất cả loại loại hữu lậu không có cái nào quan trọng bằng các pháp cấu thành cơ thể con người và thú vật, các pháp có bản chất hoại diệt và tan rã theo một tiến trình biến đổi bất di bất dịch từ sanh đến tử, tử rồi sanh trở lại, triền miên tiếp diễn từ ngàn xưa. Cùng một thế ấy, chúng ta được sanh, rồi già, bệnh và chết, hết lần này đến lần khác, lặp đi lặp lại vô số lần trong quá khứ, cũng do loại pháp hữu lậu này. Chúng ta đã có thương yêu, giận ghét, rơi lụy và cũng giảm suy sức lực - thân lực và tâm lực - biết bao lần rồi cũng do pháp hữu lậu này, nhưng chúng ta không thể biết hững kiếp sống quá khứ.

Ðó là vô minh (Avijjà) mà ta đã tạo cho ta. Chúng ta đã cho phép vô minh bao phủ và che lấp tâm, gây trở ngại không để cho tâm hiểu được quá khứ và đưa đẩy tâm đi vòng quanh lên xuống, biến chuyển, và đi nơi khác, biến chuyển nữa và đến đây, mãi mãi đi và trở thành, sanh rồi tử, tử rồi sanh, dưới sức chi phối của những khuynh hướng thiện hay bất thiện, theo sự dắt dẫn của nghiệp lực.

Có khi chúng ta được sanh ra dưới hình thức một con thú, đôi khi là một người. Lúc thì cao sang, lúc là người thấp hèn, cũng có khi chúng ta phải chịu cảnh tù tội và đau khổ, gian lao, rồi lại tái sanh làm con của một vị Trời (Deva), hay một vị Phạm Thiên (Brahma), rồi biến đổi và trở thành một con người. Luôn luôn chúng ta bị rối loạn và xáo trộn, do vô minh, thành kiến ngã chấp. Ðó là con đường mà mỗi người trong chúng ta đều đã trải qua, nhưng chúng ta không thể ước đoán được tại sao, không thể biết được chúng ta đã làm gì trong những kiếp quá khứ.

Tất cả những gì được đề cập ở phần trên liên quan đến các pháp hữu lậu. Như vậy, chúng ta phải dùng sự "chú tâm chân chánh" (Yoniso) - có nghĩa là trí tuệ (Pannà) - để quan sát đúng theo những nguyên tắc của chánh pháp, và chánh pháp này được hiển hiện biểu lộ cùng khắp mọi cảnh giới sinh tồn (Loka Dhàtu), tức Tam Giới: Dục Giới, Sắc Giới, và Vô Sắc Giới. Nói cách khác, sanh già, bệnh, và chết luôn luôn ở đâu đây, dầu cảnh người hay cảnh thú, trong nhà hay bên ngoài, trong làng mạc thôn quê hay ở thành thị, dưới nước hay trên mặt đất, trong lòng đất hay trên không trung, nơi nào có chúng sanh và các pháp hữu lậu thì có những tiến trình thiên nhiên ấy dính liền theo như cái bóng. Nhưng trong hiện tại nó chưa đến với ta, chưa đến với pháp hữu lậu của ta, nên ta chưa lưu tâm đến chúng, ta cũng không màng nghĩ rằng nó sẽ đến với ta hay không.

Khi người hay vật có liên quan đến ta thì ta tưởng chừng đó là "Của Ta". Ta gọi những người hay pháp hữu lậu ấy là cha của ta, mẹ của ta, nhà của ta, đất của ta v.v... Do đó mỗi khi sanh, già, bệnh, chết, hư hoại v.v... xảy đến cho những người hay vật ấy thì chúng ta bị xúc động mạnh mẽ. Nói cách khác, khi một người cha, người mẹ, người anh, người chị, người con, người cháu, hay thân bằng quyến thuộc bệnh hoạn hay đau khổ thì những người khác cũng cùng nhau chia sớt nỗi khổ đau ấy. Nhưng, nếu nhìn vào bản chất của thiên nhiên chúng ta sẽ thấy rằng đó chẳng qua là những sự kiện luôn luôn hiện hữu, và dầu Ðức Thế Tôn có thị hiện trên thế gian cùng không thì thiên nhiên, tức sanh, lão, bệnh, tử, biệt ly v.v... luôn luôn vẫn có. Ðó là phần số của chúng sanh và các pháp hữu lậu, là cái gì vẫn có và tồn tại từ nghìn xưa, là bản chất của thiên nhiên.

Tất cả chúng ta hôm nay đều thấy điều ấy xuyên qua cái lọ đựng tro của Ðại Ðức Chao Khun Dhammachedi, và đó chỉ là cái lọ đựng tro của một người chết. Ngài đã viên tịch, và có danh dự được tôn trí trong một cái lọ. Nhưng còn ta, sẽ ra sao? Dầu có được đựng trong cái lọ hay không, khi đời sống chấm dứt thì chỉ còn là một xác chết, hay một con vật chết. Thể xác của con vật kia có thể nằm trong một miếng chả cá, hoặc trở thành nước mắm, bởi vì đó chỉ là một chúng sanh "chết". Ngoài chợ, chúng ta thấy dẫy đầy những chúng sanh sống và những chúng sanh đã chết lẫn lộn, giống hình như chợ là nghĩa địa của những chúng sanh từ các nơi trong xứ.

Nếu chúng ta quan sát, suy tư về câu chuyện sanh tử, hãy "Opanayiko" - nhìn vào bên trong - để quan sát những pháp hữu lậu mà chúng ta cùng sống với nó trong hiện tại và đang chăm sóc bảo trì. Ta sẽ thấy một cách chắc chắn rằng nó cũng cùng một loại với tất cả chúng sanh và các pháp hữu lậu ở khắp nơi.

Vì lẽ ấy, những danh từ "Aniccà Vata Sankhàrà", tất cả các pháp hữu lậu đều vô thường, hình như thích nghi với mọi thời gian và mọi nơi chốn. "Nơi chốn" là thế gian tràn đầy sanh, lão, bệnh, tử, khổ đau, sầu muộn, và cũng tràn đầy cảnh huống tàn phá, chết chóc mà chúng sanh và các pháp hữu lậu phải chia sẻ. Ðó là cái mà chúng ta gọi là "nơi chốn". Giáo Pháp (Dhamma) dạy ta theo dõi lần vào những điều kiện luôn luôn nằm ở bên trong trạng thái đổi thay, không chắc chắn, không vững bền, tan rã và chấm dứt, hoặc phát sanh rồi hoại diệt. Ðó là điều luôn luôn xảy đến mọi người. Hơn nữa, câu Phật ngôn trên cũng luôn luôn thích hợp với mọi thời đại, không phải chỉ trong ngày hôm nay hay ngày mai, mà suốt cả nhiều a-tăng-kỳ kiếp (aeon). Chúng ta nên nhận định rằng trong khi có những chúng sanh và vật hữu lậu không bền vững và luôn luôn đổi thay thì những lời dạy của Ðức Phật vẫn là chân lý, là luôn luôn sẽ còn là chân lý. Và những lời ấy là, "Svàkkhàta Dhamma", những lời dạy đã được giáo truyền một cách thích nghi, đúng theo những nguyên tắc của chân lý, y như những nguyên tắc chân lý ấy là vậy.

Người có suy niệm về các pháp hữu lậu và thấy rằng các pháp ấy không bền vững, có đặc tánh đau khổ và vô ngã, rằng các pháp hữu lậu là những vật mà bản chất là phải hư hoại và tiêu diệt, trong đó không thể tìm ra mảy may phần nào có "thực chất", người ấy sẽ không hờ hững lãng quên chính cái pháp hữu lậu của mình. Dầu là của một em bé, một thanh niên, một tráng niên, hay một ông lão, đó chỉ là một khối vật chất có đặc tánh phải chấm dứt và tan rã cùng một thế ấy. Tất cả đều cùng một loại hữu lậu. Một em bé chỉ là hữu lậu, một thanh niên hay một thiếu nữ chỉ là hữu lậu, người đứng tuổi chỉ là hữu lậu, người già cũng là hữu lậu. Tất cả đều cùng một loại như nhau.

Các pháp hữu lậu này luôn luôn mang theo dính liền với nó khuynh hướng tan rã, biến thể và tiêu diệt. Không thể nói từ lúc nào các pháp hữu lậu này bắt đầu tiến trình biến đổi, vì đó là những tiến trình biến đổi thiên nhiên.

Nếu tất cả chúng ta chuyên cần suy niệm như vậy, phương cách này sẽ dẫn dắt chúng ta phát triển các "thiện pháp" trong tâm như: Biết rằng tất cả các pháp hữu lậu đều vô thường (Anicca), không bền vững, chúng ta sẽ dốc lòng đi tìm cái gì bền vững thường còn hơn; Biết rằng tất cả các pháp hữu lậu đều mang theo dính liền với nó tánh chất đau khổ (Dukkha), chúng ta sẽ quyết tâm tìm cái gì hạnh phúc vững bền hơn; Biết rằng tất cả các pháp đều vô ngã (Anattà), chúng ta sẽ đi tìm cái gì thật sự có thực chất, cái gì "có thật", trong ý nghĩa là tự nó hiện hữu, không biến đổi, hơn là những sự vật gọi là thiên nhiên trong thế gian hiện tượng này.

Nếu là những người biết suy tư chúng ta sẽ có thể thấu đạt chân giá trị của những sự vật "không có thực chất" và cùng lúc, phát triển trong tâm những gì thật sự hiện hữu và vững bền tồn tại, không biến đổi, những gì thật sự "có thực chất".

Ðức Thế Tôn dạy: "Aniccà Vanta Sankhàra", các pháp hữu lậu đều vô thường, nhưng chúng ta chớ nên lầm tưởng rằng chỉ có những hữu lậu đã hoại diệt, tan rã, mất đi mà ta đã thấy hay đã nghe nói, là vô thường. Ta nên nhận thức rõ ràng rằng cái "bản chất thật sự" của những hữu lậu mà ta đã thấy hay nghe nói là hoại diệt và mất đi là chính ta, ngay trong hiện tại! Nói cách khác, các pháp hữu lậu của người đã chết và của ta cũng cùng một loại. Nó diễn tiến theo một tiến trình, đi một đường, theo một hướng, và đều tiến dần đến một nơi: SỰ CHẾT. Khi thể xác này chết thì cái tâm - vẫn không chết - đi đến một nơi khác để được tái sanh như một hữu lậu mới, vừa phát sanh. Tuy nhiên, cái hữu lậu mới, vừa phát sanh do cái tâm của kiếp sống trước, dầu có những đặc điểm như thế nào, cũng tùy thuộc nơi nghiệp đã tạo.

Danh từ "Nghiệp" (Kamma) ở đây có nghĩa là hành động, việc làm. Hành động hay việc làm tốt là "thiện nghiệp" (Kusala Kamma), hành động xấu là "bất thiện nghiệp" (Akusala Kamma), và những việc làm không có tánh cách tốt hay xấu là "nghiệp không thiện cũng không bất thiện" (Avyàkata Kamma). Người tạo nghiệp là chủ của cái nghiệp của mình và chính người ấy chịu trách nhiệm về những hậu quả, lành hay dữ, hạnh phúc hay khổ đau, của mình. Như vậy, quý vị phải nhận thức rõ ràng rằng quý vị, và chính quý vị chớ không ai khác, phải gánh chịu trách nhiệm về những hậu quả lành hay dữ, hạnh phúc hay đau khổ của quý vị và như thế, trong mỗi trường hợp, mỗi hành động.

Vì lý do ấy, tất cả chúng ta đều khác nhau. Tất cả chúng ta được sanh ra dưới hình thức con người, được gọi là người, và trên phương diện này chúng ta giống nhau vì tất cả là người. Mặc dầu vậy, tâm tánh của chúng ta, tác phong, thói quen, cử chỉ, tri kiến, mức độ khôn khéo, khuynh hướng tốt xấu, trí óc thông minh sáng suốt hay ngu muội tối tăm, giàu có sang trọng hay khốn khổ nghèo nàn, sức khỏe dồi dào hay ươn yếu bệnh hoạn v.v... tất cả đều khác nhau. Dầu có sống chung với nhau trong một thành phố, một nơi chốn, hay một nhà đi nữa, đời sống của mỗi người mỗi khác, hạnh phúc và đau khổ, trí não minh mẫn hay ngu độn cũng không đồng đều. Ðức Thế Tôn dạy rằng đó là quả trổ sanh tương xứng với những nhân mà ta đã gieo, hay những nghiệp mà ta đã tạo ở một nơi nào, ngày nào, tháng nào, năm nào, kiếp sống nào. Người hành động, tức người tạo nghiệp, đương nhiên phải là sở hữu chủ của cái nghiệp của mình, - và những quả trổ sanh do những nghiệp ấy - hạnh phúc hay đau khổ - đương nhiên là số phần của mình.

Ta phải thọ nhận "hạnh phúc" hay "đau khổ" tùy theo nghiệp đã tạo, bởi vì ta phải gánh chịu trách nhiệm về tất cả hành động, hay nghiệp, đúng theo những định luật thiên nhiên, không cần phải có một nhân vật nào điều khiển hay sai khiến, bắt ta phải chịu trách nhiệm về những hành động đã làm, những nghiệp đã tạo. Dầu ta muốn phản đối hay cưỡng lại cũng không được. Thí dụ như chúng ta có thể chịu gian lao khổ nhọc, lòng đầy phiền não, sầu lụy, lo âu, hay chúng ta có thể nghèo đói, rách rưới và thiếu thốn mọi nhu cầu khẩn thiết, nhưng chúng ta không thể nhờ ai khác ở vào trạng thái ấy thay thế mình, gánh chịu hậu quả của nghiệp bất thiện mà mình đã tạo trong quá khứ thế mình, không thế được. Nghiệp của chính chúng ta đã tạo thì chính chúng ta phải gánh chịu hậu quả, không có cách nào khác.

Cùng một thế ấy, một người thông minh sáng suốt, giàu có sang trọng, khỏe mạnh cường tráng, người có đời sống an lành thoải mái, tâm trí thơ thới yên vui, người ước mong điều gì thì điều ấy đến, giống như có chư Thiên hay một quới nhân nào từ trên trời ban rải xuống, người đi đâu cũng được đón tiếp nồng hậu, được quý mến tôn trọng và được chăm sóc đầy đủ, người cao sang quyền quý, trong nhà có nhiều tôi trai, tớ gái phụng sự cho mình, tiền bạc của cải dồi dào v.v..., người ấy cũng không thể cho ai khác ở vào chỗ của mình để thọ hưởng những quả phúc ấy, bởi vì mỗi người chúng ta phải chịu trách nhiệm về hậu quả của cái nghiệp mà chúng ta đã tạo.

Ðó là Lý Nghiệp Báo, và sở hữu chủ của nghiệp là "cái tâm hay biết". Như vậy, cái tâm điều khiển thể xác quả thật vô cùng quan trọng trên cả hai phương diện, đời và đạo. Ta không nên hờ hững dể duôi, lãng quên, không chú ý đến cái tâm. Trái lại, phải cố gắng uốn nắn, rèn luyện tâm theo chiều hướng tốt, theo đường lối tốt, cho đến khi nó trở thành tốt như một thói quen, tốt một cách hồn nhiên. "Ðường lối tốt", theo ý nghĩa của thế gian (đời), là tự làm cho mình trở thành một công dân tốt, và theo ý nghĩa của Giáo Pháp (đạo), là quyết tâm tiến xa trên con đường thành đạt các thiện pháp, tiến xa trong pháp học, pháp hành, và tạo thiện nghiệp. Ðó là đường lối chân chánh, chánh đạo, để rèn luyện tâm linh, hướng tâm về đời sống đạo hạnh thanh cao, làm cho những tâm tánh tốt đẹp trở thành bản chất tự nhiên gắn liền với mình.

Khi bẩm tánh của chúng ta được rèn luyện và uốn nắn theo chánh đạo cho đến khi nó trở thành quen thuộc với đường lối tốt đẹp ấy, phẩm hạnh thanh cao thấm nhuần và phát hiện trong tâm là kết quả đương nhiên của những hành động tốt mà ta đã làm. Bất luận điều gì mà ta ước mong, điều ấy sẽ đến với ta như ý nguyện, bởi vì những gì mà ta muốn thành đạt là tài sản sự nghiệp của những hành động mà ta đã làm, đúng như lời Phật dạy, "chúng sanh là sở hữu chủ của cái nghiệp của mình", và như vậy, dầu còn nhớ hay không những hành động ấy, ta không thể ngăn cản hay xóa bỏ, tiêu diệt hậu quả của nó.

Cũng như khi còn đi học, ta học hỏi và thâu nhận kiến thức nhiều loại, nhưng đến nay ắt ta khó còn nhớ lại rõ ràng điều này đã học lúc nào, hay điều kia đã lãnh hội ra sao, từ thủa bắt đầu cắp sách đến trường. Ta còn nhớ được chăng trong một ngày nào đó mình đã học được bao nhiêu môn học, và đã học được những gì với bao nhiêu ông thầy v.v...? Từ lúc mới đến trường ta bắt đầu học mặt chữ, rồi ráp lại, đánh vần, làm toán cộng, toán trừ, dần dần đến khi thâu thập được những kiến thức ngày hôm nay. Chúng ta đã học những điều ấy trong bao nhiêu ngày? Trong một ngày nào đó ta sẽ thâu thập được bao nhiêu kiến thức? Có lẽ trong chúng ta không mấy ai biết rõ điều ấy, mặc dầu chính chúng ta đã học, đã trải qua. Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận là ta đã có những kiến thức ấy. Chẳng hạn như bây giờ ta nghĩ đến chữ "A", tức thì chữ "A" đến trong trí ta. Nghĩ đến chữ "B", tức khắc có chữ "B" trong trí. Bất luận nghĩ đến điều gì đã học, đã biết, thì tức nhiên có điều ấy đến ngay. Nhưng có lẽ ta không còn nhớ giọng nói của ông thầy, hay ông thầy nào đã dạy, bao nhiêu ông thầy đã dạy ta điều ấy v.v... Không nhớ lại được không phải là điều quan trọng, nhưng ắt chúng ta khó phủ nhận rằng tất cả những kiến thức mà ta đã học hỏi với thầy đến nay vẫn còn đâu đó trong trí cho nên khi nghĩ đến thì nó phát hiện ngay trong trí như ta muốn.

Những công đức mà ta đã tạo và những phẩm hạnh mà ta đã trau giồi, phát triển, cũng dường thế ấy, không cần phải nhớ từng chi tiết những điều lành nào đã làm, cũng không cần phải nhớ ta làm điều ấy bao nhiêu lần, trong bao nhiêu kiếp sống, hay trong bao nhiêu cảnh giới sinh tồn ta đã rèn luyện tâm tánh. "Hậu quả" của những điều ấy phải phát hiện trong tâm chúng ta, cũng như kiến thức mà ta đã thâu thập vẫn còn đó, và sẽ phát hiện khi ta nghĩ đến.

Sau đây là một vài nguyên tắc về lý nghiệp báo, vì chính lý nghiệp báo dẫn dắt chúng sanh vận chuyển trong vòng luân hồi. Người kia đã tạo công đức và trau giồi phẩm hạnh thanh cao trong đời sống. Sau khi thân hoại mạng chung, người ấy sẽ tái sanh vào một cảnh giới tốt, nhàn lạc, và tất cả những gì đến với người ấy - giống như tài sản sự nghiệp riêng của mình - đều tốt đẹp, đáng được ưa thích, do nghiệp lành đã tạo. Mặc dầu trong khi thọ hưởng quả lành ấy, người kia không thể còn nhớ loại nghiệp nào mình đã tạo, đã tạo lúc nào, ngày nào, bao nhiêu lần, trong trường hợp nào. Dầu nhớ hay không cũng vậy, nhân đã gieo, khi đúng duyên kỳ thì quả đương nhiên trổ. Người kia tạo nghiệp lành, tức nhiên quả lành sẽ đến, và người ấy là sở hữu chủ của tất cả những gì tốt đẹp - như con cái, vợ hay chồng, thân bằng quyến thuộc v.v..., tất cả những người thân thuộc gần gũi đều là những người tốt. Trong đời, người ấy sẽ gặp nhiều người tốt. Ðó là do thiện nghiệp đã tạo.

Còn người nọ chỉ tạo bất thiện nghiệp trong đời. Cũng giống vậy, dầu có nhớ hay không điều gì mình đã làm, người ấy cũng phải gánh chịu hậu quả của hành động mình. Những gì sẽ đến với người ấy đều bất hạnh, hư hỏng. Thí dụ như là một người trai trẻ chọn vợ. Thấy một thiếu nữ đoan trang, tánh tình hiền hậu, con nhà đạo đức v.v... nghĩ rằng đây sẽ là một người vợ hiền. Tuy nhiên, do bất thiện nghiệp của anh đã tạo trong quá khứ, người con gái ngoan trong nhà hiền lương đạo đức kia có thể đổi tánh, trở thành người vợ trắc nết, hung dữ và con cái trong nhà hư hèn, buông lung, khó dạy. Những người khác, đàng hoàng tử tế, nhưng khi đến gần người ấy thì trở nên xấu xa, dữ tợn. Của cải ở với người khác thì tốt mà về đến tay người ấy thì trục trặc, không xài được. Tất cả những điều bất hạnh ấy đều do nghiệp bất thiện mà người ấy đã tạo trong quá khứ. Ta cần nên biết nguyên tắc chánh yếu dạy rằng chính ta là sở hữu chủ, là người chịu trách nhiệm về số phận của ta. Nếu hành động bất thiện thì những gì đến với ta đều trở nên hư xấu. Không nên phiền giận hay oán trách những sự việc bên ngoài, trong khi chính ta là chủ của cái nghiệp của ta chớ không phải ai khác. Và thật sự chủ ở đây là cái tâm bên trong thể xác. Chính tâm thúc đẩy, đưa đến hành động, chính tâm ngự trị, sai khiến thể xác.

Ðó là câu chuyện nghiệp báo. Do định luật nghiệp báo chúng sanh lẩn quẩn lanh quanh trong vòng luân hồi, chuyển biến xuyên qua sanh, già, bệnh, khổ, chết chóc triền miên, hết kiếp sống này đến kiếp khác.

Trong vòng lẩn quẩn lanh quanh dài dẳng ấy, khi chúng ta đã cố gắng tự uốn nắn, tự rèn luyện, tạo công đức và trau giồi phẩm hạnh - tức tạo thiện nghiệp - và tiến đến một hoàn cảnh hữu hạnh nào, đến mức độ mà tâm tánh trở thành quen thuộc với chánh đạo, ta sẽ giống như người khách đi đường, nhắm đến một nơi nọ, và cuộc đi có thể suôn sẻ dễ dàng. Muốn đi từ nơi này đến chỗ nọ, người có đầy đủ tiền của sẽ hoàn tất cuộc hành trình của mình một cách thoải mái, tiện nghi, và mỗi khi dừng nghỉ thì có nhà cao cửa rộng, giường ấm nệm êm, vật thực dồi dào, muốn cần chi cũng có. Nhưng người ít tiền thiếu của sẽ trải qua, cũng đoạn đường ấy, một cách khổ cực gian lao, đi đứng với những phương tiện nghèo nàn eo hẹp, dưới ánh nắng nóng bức, khi ngừng lại một nơi nào thì đã mệt nhừ mà không có thức ăn thức uống, ngủ thì phải chịu cảnh màn trời chiếu đất, muỗi mòng chích đốt, và chẳng may gặp trời mưa giống tố thì cũng phải cam chịu số phận hẩm hiu của mình. Như vậy, cùng một đoạn đường, người có sẵn tiền của sự nghiệp sẽ đến nơi đến chốn sớm sủa và dễ dàng hơn.

Người dồi dào phong phú đi đâu cũng được thoải mái, tiện nghi, có người chăm lo săn sóc, bởi vì tiền của, vòng vàng châu báu có mãnh lực đưa khách lữ hành đến nơi một cách suôn sẻ, và những sở hữu quý báu ấy phải được tạo nên và tích trữ bằng cách chân chánh thực hành Giáo Pháp. Người nghèo nàn thiếu kém dầu đi đâu cũng gặp khó khăn. Trên bước đường, cũng cùng một đoạn đường, họ thiếu cả mọi phương tiện, họ gặp đủ mọi trở ngại, chịu đủ mọi gian khổ và chắc chắn phải mất thời gian khá lâu để đến nơi đến chốn.

Cuộc hành trình trong vòng luân hồi của chúng ta cũng dường thế ấy. Nhiều người sanh ra ở đây mà không bao giờ biết đến hạnh phúc, không bao giờ khỏi thiếu thốn. Họ chỉ thấy đau khổ (Dukkha), nghèo đói cơ hàn, và chỉ sống ngày nào hay ngày nấy, ăn bữa sáng lo bữa trưa, làm lụng thì cực nhọc, khó khăn và hèn hạ mà không khi nào có đủ để đáp ứng những nhu cầu khẩn thiết thường nhật. Như vậy mà họ không thể nghĩ ra một lối thoát, vì tâm trí họ tối tăm, mà họ cũng không có phương tiện nào để trau giồi. Rốt cùng họ phải đành chịu... và những người như thế ấy, ta có thể thấy rất nhiều, trông họ rất đáng thương hại. Cũng cùng như tất cả mọi người mà họ phải chịu ở trong một trạng thái hết sức cơ cực.

Bên cạnh những người ấy có những người khác, tiền rừng bạc bể, giàu có muôn hộ. Cũng là người giống như người nghèo khổ kia, tại sao họ lại được cao sang quyền quý, của cải dồi dào? Trước tiên, ta không thể khinh khi ai vì họ nghèo, cũng không thể ca ngợi ai chỉ vì họ giàu; bởi vì nghèo hay giàu đều do nghiệp đã tạo của mỗi người. Chính chúng ta cũng mang theo với ta một cái nghiệp.

Nếu muốn trở thành người nghèo nàn thiếu thốn, hạng người đáng thương hại như được kể trên thì ta cứ tạo những loại nghiệp như những người ấy tạo, cũng sống như họ sống. Nhược bằng muốn trở nên giàu sang sung túc thì ta phải cố gắng tự trau giồi và tự phát triển, tự biến đổi mình thành người có nhiều đức tánh dũng mãnh, người kiên tâm trì chí, siêng năng cần mẫn, có khả năng nỗ lực mỗi ngày để tạo dựng tài sản sự nghiệp. Chừng ấy ta sẽ trở thành người tốt và giàu có.

Tất cả những gì mà ta thành tựu trên thế gian này đều do sinh hoạt của tâm. Vì lẽ ấy tâm rất quan trọng. Chính sinh hoạt tâm linh giải thích tiến trình lẩn quẩn quanh quần của vòng luân hồi (Vatta Samsàra) và sự khác biệt nhau giữa chúng sanh, tương ứng với những khuynh hướng tâm tánh và phước báu tích trữ của mỗi người (Punnàdhisambhàra).

Một vài người, nhờ khuynh hướng tâm tánh và phước báu tích trữ, có được đời sống dễ dàng, tránh được nhiều xáo trộn phiền phức và lúc nào, bất luận ở vào hoàn cảnh nào, cũng được an lành. Người ấy sẽ ít đau khổ (Dukkha), ít gặp khó khăn và được nhiều hỗ trợ, nâng đỡ trên con đường tiến đến mục tiêu cứu cánh là Niết Bàn.

Như trường hợp của Ðức Phật, khi thời kỳ đến để Ngài sanh vào hoàng tộc Thích Ca và trị vì thành Ca Tỳ La Vệ thì Ngài không gặp trở ngại khó khăn nào. Ngày không thiếu gì và có cuộc sống dồi dào sung túc, đầy đủ những lạc thú trên đời, kẻ hầu người hạ và sống trong tình thương nồng ấm của tất cả mọi người. Sau khi từ bỏ đền đài cung điện và làm một đạo sĩ, Ngài chuyên cần nỗ lực thực hành đường lối tạo phước và trau giồi công hạnh cho đến ngày thành đạt Ðạo Quả tối tượng và trở nên vị giáo chủ vĩ đại của thế gian. Sau đó, dầu ở bất luận nơi nào, Ngài cũng được chư Thiên kính cẩn lễ bái và hết lòng kỉnh mộ. Nói rằng được như vậy là nhờ quyền uy và năng lực của một vị Phật là sai lầm. Trái lại, đó là quả phúc của giới đức. Chí đến sự chứng ngộ Ðạo Quả của Ngài, được thành tựu mỹ mãn cũng nhờ phước báu tích trữ và công hạnh viên dung của Ngài. Cùng thế ấy, người nào trau giồi trí tuệ (Pannà), thận trọng quán xét và phân biện sự vật, rèn luyện tâm trí, nếu sanh vào cảnh người, người ấy sẽ có cuộc sống thoải mái an lành, đủ ăn đủ mặc, đủ ở, đủ mọi nhu cầu thường nhật v.v... Người ấy được vợ hay chồng, con cái, bè bạn và giới thân cận quý mến chiều chuộng, chăm sóc chu đáo, mọi người đều hiền lương và có thể tin cậy. Tất cả những phước lành ấy là ảnh hưởng của nghiệp.

Trong khi chúng ta thênh thang trong vòng luân hồi, những trợ lực vật chất và tâm hồn thơ thới ấy đến với ta do năng lực của thiện nghiệp. Khi ảnh hưởng của những khuynh hướng tâm tánh được thành tựu viên mãn chúng ta sẽ có đủ khả năng để khắc phục các pháp hữu lậu cùng với những đặc tánh sanh, lão, bệnh tử, dính liền với nó.

Về những danh từ cuối cùng của câu Phật ngôn, "Tesam Vùpasamo Sukho", có nghĩa hoàn toàn chế ngự và chấm dứt tất cả các pháp hữu lậu là hạnh phúc tối thượng. Pháp hữu lậu ở đây có thể được xem là có hai loại. Trước tiên là chế ngự và chấm dứt các pháp hữu lậu ở bên ngoài, "ngoại hữu lậu", tức cơ thể vật chất của con người. Sau đó là chế ngự và chấm dứt "nội hữu lậu", những suy tư và tưởng tượng của tâm. Và các pháp hữu lậu bên trong này khởi phát do năng lực hùng hậu của vô minh (Avijjà). Ngoại hữu lậu, tức cơ thể vật chất, phát sanh do nội hữu lậu, tức suy tư và tưởng tượng của tâm. Và nội hữu lậu bắt nguồn từ vô minh hùng mạnh, tức ảo kiến, không thấy đúng sự thật.

Mặc dầu đã lê bước xuyên qua vô số kiếp, sanh, lão, bệnh, tử, chúng ta vẫn chưa có thể thoát ra khỏi vòng quanh (Vatta) sanh tử triền miên ấy. Ðức Phật dạy rằng đó là do vô minh (Avjjà), ảo kiến liên quan đến kiếp sinh tồn và sự hiểu biết về chính ta.

Có thể chúng ta đã có cảm nghe đau khổ và hạnh phúc. Chúng ta có thể đã biết, đã thấy và đã chứng nghiệm, nhưng chúng ta vẫn chưa tìm ra được con đường để vượt thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn luân hồi đầy hạnh phúc và đau khổ này. Cơm trắng gạo thơm thì ngon. Nhưng, cũng gạo ấy, mà nấu pha lẫn với trấu thì hẳn không còn ngon nữa. Thế gian hạnh phúc và khổ đau lẫn lộn này cũng dường thế ấy!

Ðức Thế Tôn gọi thế gian này là "Loka Sankhàradhamma", thế gian hữu lậu, hàm ý "Aniccà Vata Sankhàrà", không bền vững, bất ổn định, luôn luôn chuyển biến.

Một em bé mới sanh. Mọi người đều hân hoan, vui vẻ, "em bé này thật xinh, em bé ngoan, em bé có gương mặt hiền lành v.v... và mọi người đều hy vọng, thấy những dấu hiệu rằng em bé sẽ dễ dạy, thông minh, biết thương cha mẹ v.v... Em bé vào đời với tất cả phước lành cho một thế gian thâu hẹp. Nhưng, khi trong nhà có người qua đời thì tất cả mọi người đều thất vọng sâu xa, phiền não, sầu muộn không sao kể xiết. Nguyên nhân của những cảm xúc vui buồn mạnh mẽ ấy là vô minh (Avijjà), không hiểu biết thực chất của pháp hữu lậu.

Trong trường hợp em bé ra đời, nếu không thận trọng suy tư về tất cả những sắc thái khác nhau của nó thì ta chỉ thấy khía cạnh đẹp đẽ vui tươi mà không thấy phần đen tối. Ðiều này chứng tỏ rằng ta chỉ nhìn vấn đề một cách phiến diện, không thích nghi, không đúng thực tại. Do đó, phiền muộn đến, và niềm vui lúc ban đầu không sánh bằng, hay không thể bù trừ vào nỗi thất vọng và âu sầu sau cùng.

Khi một ước vọng được thỏa mãn ta bắt đầu cảm nghe vui sướng. Nhưng sự vật biến đổi, trở thành một cái gì khác, trở nên hư hỏng, hoại diệt. Chừng đó thất vọng và sầu muộn phát khởi. Sau cùng, những gì mất mát làm xúc động mạnh mẽ và sâu đậm hơn là tình trạng thỏa mãn lúc ban sơ. Cái được và cái mất không đồng đều, vì ta không suy tư chân chánh. Nhưng một người hiểu biết không suy tư như thế.

Một người đã thâm nhiễm những nguyên tắc của Giáo Pháp sẽ suy tư và thấy rõ lợi ích nào đến với mình, cùng lúc hiểu biết tất cả sắc thái của nó. Do đó, người ấy không bị ngạc nhiên, không thất vọng âu sầu. Bởi vì, khi các pháp hữu lậu phát hiện lên thì ta phải nhìn thấy cái bóng theo dính liền với nó - tức sự hư hoại, diệt vong, tan rã và chấm dứt. Sớm hay chầy, chắc chắn rằng những pháp hữu lậu loại đó (Sankhàrà Dhamma) sẽ hư hoại và chấm dứt. Ðối với những sở hữu mà ta đã thâu đạt và mất đi, phải dựa trên căn bản lý trí mà suy tư để làm giảm thiểu niềm vui nỗi khổ, không để bị tràn ngập.

Những pháp "ngoại hữu lậu" (Rùpa Sankhàrà, sắc hữu lậu), cơ thể vật chất, phát sanh do những pháp "nội hữu lậu" (Nàma Sankhàrà, danh hữu lậu) những suy tư và tưởng tượng trong tâm. Và các pháp "nội hữu lậu" phát sanh do vô minh.

Khi tu tập theo đường lối Giới-Ðịnh-Tuệ (Sila, Samàdhi, Pannà) đến mức độ thật sự thuần thục và vững vàng, chắc chắn ta có thể trông thấy thực chất của vòng quanh (Vatta) luôn luôn xoay chuyển cùng với cái tâm của mình - tức phá tan vô minh.

Ðể tìm hiểu nguyên nhân của cuộc đi triền miên quanh quẩn bất định Ðức Phật dạy rằng trước tiên phải cố gắng bố thí (Dàna). Bố thí dưới nhiều hình thức, từ đức khoan dung đại độ, không cố chấp những lỗi lầm của người khác, và ban bố tình trạng an toàn đến tất cả mọi người (Abhaya dàna) đến việc cho ra một vật, một món đồ. Cho ra nhiều hay ít không quan trọng. Ðiều quan trọng là nên lặp đi lặp lại, cho ra thường xuyên. Kế đó phải trang nghiêm trì giới. Dầu ngũ giới, bát quan trai giới, sa di giới hay tỳ khưu giới, phải thật lòng và hoan hỷ nghiêm trì một cách trong sạch. Ðó là phương tiện để đối trị vô minh. Pháp hành thứ ba là Ðịnh (Samàdhi), làm cho tâm trở nên vắng lặng, an tĩnh. Cuối cùng là Trí Tuệ (Pannà), từ mức độ căn bản đến cao độ và suốt đến tuyệt đỉnh. Ðây là phương tiện để tiêu trừ toàn thể mọi lãnh vực của vô minh, tận diệt vô minh một cách trọn vẹn.

Khi đã thực hành đầy đủ Giới-Ðịnh-Tuệ, vòng quanh lẩn quẩn (Vatta) không còn chỗ nào để ẩn núp vì nó không thể lẩn trốn trong rừng thẩm hay trên núi cao mà chỉ ở tại đây, kết hợp với tâm của chúng ta. Bởi vì chúng ta là những người lang thang lê bước đi bất định trong vòng sanh, bệnh, già, chết. Về phương diện này không có ai thua, không ai bị thất bại, và không ai hơn ai cả. Trước sanh, lão, bệnh, tử, phân tán, biệt ly, hoại diệt, kẻ ở người đi và các pháp hữu lậu, tất cả chúng ta đều đồng đẳng, bằng nhau trong cuộc đi vòng quanh bất định.

Tại sao chúng ta không thể trông thấy cái bánh xe đã xoay chuyển, đưa đẩy chúng ta vòng quanh lui tới triền miên, luôn luôn biến đổi chúng ta và làm cho chúng ta sanh rồi tử, tử rồi sanh trở lại, mãi mãi lặn hụp trong biển trầm luân dẫy đầy đau khổ, hết a-tăng-kỳ kiếp này đến những a-tăng-kỳ, những đại kiếp khác? Khi trí tuệ được trau giồi đến mức độ có đủ khả năng trạch quán chính xác và thâm sâu để nhìn thấy cái tâm, vốn là sở hữu chủ "bánh xe" (Vata cakra) tràn đầy vô minh (Avijjà) đang quây quần chúng ta - và thấy một cách rõ ràng - chừng ấy ta có thể dùng trí tuệ thật sự thuần thục để phá tan bánh xe.

Khi trí tuệ diệt trừ bánh xe- bánh xe đây cũng chính là cái tâm đầy vô minh - thì các pháp hữu lậu tự nhiên tự nó chấm dứt. Cũng như cái cây đã bị nhổ lên cả gốc lẫn rễ thì không cần phải chặt nhánh, bẻ chồi, hay suốt lá, tự nhiên tự nó sẽ héo khô và chết dần. Dầu là pháp "ngoại hữu lậu", cơ thể vật chất, hay "nội hữu lậu", những suy tư và tưởng tượng về quá khứ hay vị lai, tạo thiện hay bất thiện nghiệp, tất cả đều phải hoại diệt và chấm dứt dần dần. Bởi vì vô minh, ông chủ của bánh xe, cũng là ông chủ của các pháp hữu lậu, nguyên nhân mọi đau khổ, đã bị tận diệt, đã hoàn toàn không còn trong tâm nữa, thì không còn gì để gây đau khổ phiền muộn. Chỉ còn "BUDDHO", sự giác ngộ viên mãn, tâm tuyệt đối thanh tịnh. Ðây chính là "Tesam Vùpassamo Sukho", khắc phục và chấm dứt hoàn toàn các pháp hữu lậu.

Lúc bấy giờ, mặc dầu các pháp ngoại hữu lậu, tức cơ thể vật chất, còn sống đó nhưng loại hữu lậu có tánh cách làm nguyên nhân tạo khổ (Samudaya) mà trước kia có lần đã tạo hạnh phúc và đau khổ, đã làm cho tâm thất vọng và âu sầu, giờ đây hoại diệt và chấm dứt. Cũng như trong lò, ngọn lửa đã tắt hẳn, không còn chút nhen nhúm nào, dầu ta có châm thêm nhiên liệu nhiều hay ít, nhiên liệu vẫn là nhiên liệu, lửa không phừng cháy.

Tâm cũng vậy, vẫn là tâm, nhưng tâm này không còn mảy may vô minh nào. Những pháp hữu lậu nằm trong suy tư và tưởng tượng hoàn toàn là Giáo Pháp, tức Chân Lý. vẫn còn thọ (Vedanà) vì đó là bản chất của thọ uẩn. Thọ vẫn còn, nhưng không có ý chấp "thọ là ta", "ta là thọ". Do đó, không có phiền muộn. Cùng thế ấy, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn chỉ còn là những uẩn hiện hữu mà không chứa đựng hoặc lậu và ái dục vì không còn vô minh. Ðó là điều mà Ðức Thế Tôn gọi là "Tesam Vùpasamo Sukho"

Người thành đạt mức độ Giáo Pháp như thế là đã tiến đến cảnh giới thoát khổ. Mặc dầu tứ đại và ngũ uẩn vẫn còn sống nhưng người ấy hoàn toàn an tĩnh, không bị mảy may phiền phức và xáo trộn trong tâm, và đó là "Tesam Vùpasamo Sukho".

Tuy nhiên, những pháp hữu lậu của ngũ uẩn (Panca Khanda) không thể bị loại bỏ trong tức khắc. Khi sắc uẩn (Rùpa Khandha) chưa hư hoại thì ta phải sử dụng nó một cách bình thường. Như trường hợp của Ðức Thế Tôn, sau khi đắc Quả Vô Thượng Ngài vẫn còn tùy thuộc nơi thân ngũ uẩn. Ngài đã dùng nó làm phương tiện để sáng lập Phật Giáo. Nói cách khác, Ngài dựa trên cơ thể vật chất để đi đứng đó đây, giáo hóa chúng sanh. Ngài dựa trên hành uẩn (Sankhàrà Khandha) để suy tư tưởng tượng, giải thích và trình bày Giáo Pháp cho mọi người. Ngài dựa trên tưởng uẩn (Sannà Khandah) để hồi nhớ lại nơi chốn của mọi người, xem căn cơ có thích ứng để thính Pháp không, và trình độ hiểu biết của họ đến đâu. Ngài dựa trên thức uẩn (Vinnàna Khandha) để hiểu biết người nào lãnh hội được Giáo Pháp, và đôi khi Ngài cần đối thoại, hoặc giải đáp thắc mắc cho một người hay một nhóm người nào. Như vậy, Ðức Phật sử dụng năm uẩn của Ngài để làm phương tiện truyền bá Giáo Pháp, thành lập Phật Giáo. Nhưng ngũ uẩn của Ngài không còn tạo những phiền phức và xáo trộn, vì vô minh đã bị tận diệt.

Ngũ uẩn mà trước kia gây phiền phức và xáo trộn cho Ngài là những uẩn bị vô minh chi phối. Các uẩn ấy là công cụ của vô minh, luôn luôn bị vô minh điều khiển, do đó là nguồn gốc của đau khổ (Samudaya). Nhưng nay vô minh đã chấm dứt thì ngũ uẩn - đã thoát khỏi ảnh hưởng của vô minh - cùng với các pháp hữu lậu, không còn tạo phiền phức và xáo trộn, và đó là "Tesam Vupàsamo Sukho", sự khắc phục và chấm dứt hoàn toàn các pháp hữu lậu. Ðức Thế Tôn dạy rằng đó là hạnh phúc tối thượng.

Ðối với mỗi người chúng ta các pháp hữu lậu - nền tảng nguồn cội của đau khổ - không ngớt tạo phiền não và khó khăn. Chúng ta đã biết rõ điều này. Nhưng khi tâm được rèn luyện đầy đủ để trở nên vắng lặng, chúng ta sẽ có đủ trí tuệ để tiêu trừ ô nhiễm và hoặc lậu (Kilesa và Àsava), từ những hình thức thô kệch nhất đến những hình thức vi tế hơn, vi tế hơn nữa, hơn nữa... cho đến khi không còn chút bợn nhơ cực vi nào trong tâm. Vô minh, vị lãnh đạo của "vòng quanh" đã bị trí tuệ tận diệt, tâm hoàn toàn trong sạch, trở nên "Tesam Vùpasamo Sukho". Các pháp hữu lậu được điều phục hoàn toàn và trở nên tuyệt đối an tĩnh.

Trước kia các pháp hữu lậu tồn tại trong tâm vì bị vô minh chi phối. Nay, vô minh đã chấm dứt, các pháp hữu lậu ấy cũng được chế ngự và chấm dứt hoàn toàn, không bao giờ còn phát sanh trở lại. Dầu có rời bỏ thể xác vật chất, tâm ấy vẫn không tạo được thức tái sanh (Patisandhi Vinnàna), để rồi sanh, lão, bệnh, tử nữa. Cũng như trường hợp Ðức Thế Tôn, Ngài đã hoàn toàn tận diệt vô minh, do đó tuyệt đối không còn danh hữu lậu hay sắc hữu lậu nữa, và không bao giờ tái sanh trở lại.

Ðó là "Sugato", Thiện Thệ, đến trong sự tốt đẹp và ra đi trong sự tốt đẹp. Và Ngài giáo truyền và dắt dẫn mọi tầng lớp chúng sanh đi tìm lợi ích.

Khi thời kỳ đến và tuổi thọ của Ðức Thế Tôn chấm dứt ta gọi là "Parinibbàna", Ðại Niết Bàn. Lúc bấy giờ Ngài bỏ lại các pháp hữu lậu để cho thế gian tôn kính phụng thờ, hoặc nữa, chúng ta có thể nói rằng Ngài bỏ lại để cho các pháp hữu lậu ấy trở về với tứ đại: đất, nước, lửa, gió.

Nhưng bản chất thật sự là "Vimuttibuddho", sự giải thoát toàn giác của Ðức Thế Tôn. Ðó là kho tàng vô cùng quý báu, một kho tàng được gọi là "Tesam Vùpasamo Sukho", Giáo Pháp (Dhamma) hay Chân Lý, khắp cùng và hoàn toàn thanh tịnh, không còn mảy may bợn nhơ.

* * *

Bài Pháp hôm nay đề cập đến các pháp hữu lậu. Tất cả quý vị đang chăm chú lắng tai và đã nghe Phật ngôn "Aniccà Vata Sankhàrà" - các pháp hữu lậu đều vô thường - như một lời kinh đọc tụng thường lệ, hình như không mang nhiều ý nghĩa quan trọng. Tuy nhiên, câu kệ này đã nói lên đặc tướng nổi bật của thiên nhiên là hoại diệt. Cái chết luôn luôn xảy diễn. Ngay trong giờ phút này có người chết, có đổi thay, và biến thể không ngừng tiếp diễn. Tại nơi đây các pháp hữu lậu chết, trong rừng sâu, trên đồi núi, dưới nước, trên đất liền, các pháp hữu lậu luôn luôn hoại diệt. Phải chi mỗi lần có biến đổi là có tiếng kêu ầm lên như một tiếng súng, chắc tất cả chúng ta đều điếc tai. Chừng ấy tiến trình hoại diệt và tan rã sẽ vang rền và tiếng động đau khổ trong mỗi gia đình cũng trở nên ầm ĩ. Tiếng kêu vang của loài thú đang chịu đau khổ từ dưới nước, trong lòng đất, trên đất liền, trên không trung sẽ long trời lở đất. Chí đến chúng ta, đang ngồi nghe Pháp trong hiện tại, tiếng kêu đau khổ của mỗi người chúng ta cũng rền vang như súng nổ, tiếng nổ của đau khổ. Màn tai của chúng ta đã chịu quá nhiều, quá thường xuyên, những tiếng vang rền đau khổ, tại sao chúng ta còn có thể chưa chấp nhận chân lý "Aniccà Vata Sankhàrà".

Cần phải chỉ rõ sự thật để quý vị có thể quan sát, thấy tận tường những điều này và nghe những tiếng nổ chát chúa của chúng. Nhưng không có tiếng súng báo động khi đau khổ phát sanh, hoặc lúc có sự biến đổi của đủ loại hữu lậu bên trong chúng sanh. Vì lẽ ấy ta tưởng chừng như đau khổ chỉ đến với ta, phiền muộn, khó khăn, xáo trộn, tuyệt vọng, chỉ đến riêng rẽ với ta, và chỉ có ta mới thiếu thốn, khốn khổ, bất hạnh v.v... Hình như ngoại trừ ta, tất cả những người khác đều sống trong một thế gian vàng son.

Nhưng trong thực tế tất cả chúng ta đều cùng nhau chung sống trong một hoàn cảnh, một thế gian, thế gian "Aniccà Vata Sankhàrà", cùng một loại tứ đại và ngũ uẩn, cùng một loại tâm, và tất cả đều chứng nghiệm đau khổ như nhau.

Tôi yêu cầu tất cả quý vị hãy quan sát tận tường Phật ngôn trên và thận trọng suy tư:

"Aniccà Vata Sankhàrà" - Tất cả các pháp hữu lậu, dầu ngoại hay nội hữu lậu của mỗi chúng sanh đều vô thường.

"Uppàdavaya Dhammino, Uppajjitvà Nirujjhanti" - Ðã phát sanh, dầu ở đâu, đều phải hoại diệt.

"Tesam Vùpasamo Sukho" - Hoàn toàn chế ngự và chấm dứt tất cả các pháp hữu lậu là hạnh phúc tối thượng.

Chúng ta hãy cố gắng chế ngự và chấm dứt những vị "tạo hóa" ấy, tức những pháp hữu lậu, vì chúng là nền tảng nguồn cội của đau khổ. Hãy cố gắng diệt trừ, tẩy sạch chúng trong tâm một cách trọn vẹn và tận cùng. Hãy cố gắng làm thế nào cho những pháp hữu lậu vô thường sanh rồi diệt ấy, không bao giờ còn phát hiện trở lại trong tâm, gây phiền não, khó khăn và xáo trộn cho ta nữa. Ðiều đó được gọi là thành đạt trạng thái an tĩnh của Giáo Pháp (Santi Dhamma), trạng thái vắng lặng, tự tại. Hay nói cách khác, đó là hạnh phúc tối thượng (Parama Sukkha), vốn là giải thoát (Vimutti) hay Niết Bàn (Nibbàna).

Ðể chấm dứt thời Pháp, xin chú nguyện năng lực phước báu của Phật-Pháp-Tăng bao trùm tất cả quý vị là những người bước theo dấu chân Ðức Thế Tôn, và đã đặc biệt cố gắng trong cơ hội này, từ các làng mạc xa xôi đến đây để thành tâm lắng nghe thời Pháp. Chú nguyện cho tất cả đều sống an lành, thân tâm an lạc.

(Phỏng viết theo một thời Pháp được thuyết giảng vào ngày 28-07-1961, trong dịp lễ tang chay Ðại Ðức Chao Khun Dhammachedi)
http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-ngan/damtang.htm