Trợ giúp - Tìm kiếm - Thành viên - Lịch ghi nhớ
Phiên bản đầy đủ: Gạo lứt - Hạt của sự sống!
Thực Dưỡng > Nguyên lý Thực Dưỡng > Thực phẩm & Nấu ăn
Thelast
Lời giới thiệu

Gạo lứt là hạt của sự sống, là ngọc thực, là thuốc quý. Suốt đời chúng ta gắn bó với hạt ngọc; ông cha ta có nhiều nghiên cứu; Y học hiện đại cũng đã chứng minh gạo lứt có nhiều chất dinh dưỡng và nhiều thuốc góp phần trị nhiều chứng bệnh. Do đó chúng ta cần biết sử dụng gạo lứt trong những trường hợp cần thiết để bồi dưỡng cơ thể và để đỡ tốn kém nhiều thuốc men vốn có trong hạt gạo.

Đã có những phong trào sử dụng gạo lứt muối mè và hoa quả khác trong dưỡng sinh. Đã có nhiều trường hợp có kết quả tốt giải quyết được nhiều chứng bệnh, nhưng cũng đã có nhiều trường hợp kết quả không tốt do chủ quan lạm dụng. Phương pháp dưỡng sinh nào cũng hay nếu dùng đúng chỉ định và cũng tai hại nếu vi phạm chỉ định khách quan khoa học.

BS. Lê Minh chuyên nghiên cứu dinh dưỡng Đông và Tây y đã nỗ lực biên soạn tài liệu “Gạo lứt - Hạt của sự sống”. Tài liệu này giúp chúng ta hiểu rõ hơn giá trị của gạo lứt. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc và mong được sự góp ý để những hiểu biết thực tiễn khi áp dụng càng phong phú hơn.

BS. Trương Thìn
Thelast
I - sơ lược lịch sử cây lúa

Cây lúa (Oryza Sativa L) thuộc loại cây họ Hoà Thảo (Graminae), là cây lương thực chính của hơn một nửa loài người. Lúa ưa nước, mọc thẳng đứng, có chiều cao từ 0,70m đến 6m, có bông ở ngọn thân, thời gian sinh trưởng từ 75 đến 250 ngày. Lúa là cây lương thực cổ xưa nhất của trái đất. Phối hợp nhiều tài liệu nghiên cứu về các mặt, với tài liệu khảo cổ học ở Việt Nam, Thái Lan, Miến Điện, có nhận định là lúa đã được những cư dân sinh sống ở vùng bán đảo Đông Dương, Miến Điện,Thái Lan thuần hoá vào thời kỳ đá giữa, với nền văn hoá Hoà Bình.

Trong vài thập kỷ gần đây, nhiều tài liệu nghiên cứu về lịch sử trái đất, thực vật học, nông học, khảo cổ học, dân tộc học, phong tục học, văn học dân gian, ngôn ngữ học, v.v... đã cho phép khẳng định: Lúa là một cây “bản địa” và Việt Nam là một trung tâm xuất hiện sớm nhất của nghề trồng lúa, trong cái nôi chung: bán đảo Đông Dương, Miến Điện,Thái Lan. Trên vùng ngày nay là đất nước Việt Nam, 400.000 năm về trước đã có bầy người nguyên thuỷ, chủ nhân nền văn hoá núi Đọ, nên văn hóa Sơn Vi, sinh sống bằng hái lượm và săn bắn trên một địa bàn rộng lớn. Đến thời Hùng Vương, các bộ lạc Lạc Việt đã lan dần xuống khai thác châu thổ sông Hồng với phương pháp “hoả canh, thủy nậu” và theo “nước chiều lên xuống” mà làm các “ruộng Lạc”. Hình “người dã gạo” trên hoa văn các trống đồng Ngọc Lũ, Hoàng Hạ, Cổ Loa, hình “Cây lúa” và “Gà mổ thóc” trên trống đồng Lũng Nội, chuyện cổ “bánh trưng, bánh dầy” v.v... chứng minh là sản xuất lúa đã khá phát đạt với nền văn hoá đồng thau. An Dương Vương rời đô về Cổ Loa đánh dấu một bước mới trong sự phát triển nghề trồng lúa: châu thổ sông Hồng và các châu thổ Bắc Trung bộ đã được khai thác nhiều. Tiếp đến các triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê, Tây Sơn, Nguyễn đều đã có những cố gắng khuyến khích sự phát triển nông nghiệp, nhất là nghề trồng lúa, suốt từ châu thổ sông Hồng đến châu thổ sông Cửu Long. Ta đã sưu tập được gần 1000 giống lúa địa phương ở các đồng bằng miền Bắc và gần 1000 giống lúa địa phương ở châu thổ sông Cửu Long và đồng bằng Nam Trung Bộ. Mỗi giống có một tính chất riêng nên phải tuỳ mùa, tuỳ đất mà trồng. Có lúa mùa, lúa chiêm, lúa muộn, lúa sớm, lúa nước mặn, lúa đồng chua, đồng cạn, đồng sâu v.v... Từ trung tâm xuất hiện sớm nhất của nghề trồng lúa này, lúa trồng đã phát triển ra các lục địa khác: trước Công nguyên, vào thiên kỷ 2 hay cuối thiên kỷ 3, trồng lúa mới được đưa vào Trung Quốc; đến thiên kỷ 2 - 1 mới lan sang Nhật Bản; thiên kỷ 1 mới tới ấn Độ; vào cuối thiên kỷ này mới đến Tây á; đến Đông Âu cách đây 2, 3 thế kỷ; Đến Đông Phi thế kỷ 18 và từ Châu Âu sang Châu Mỹ vào năm 1647.

Từ nơi thuần hoá đầu tiên, lúa trồng ngày nay đã được lan rộng khắp thế giới, trong những vùng sinh thái khác nhau. Từ vùng ven biển đến độ cao 3000m trên mặt biển (Sườn nam Himalaya); từ những đồng ngập sâu tới 6m (Bangladet) đến những vùng nhiệt đới mưa nhiều (trên 1.500mm/năm và trong vụ lúa cũng trên 1.000mm) đến những vùng chỉ có 10 - 14mm mưa trong vụ lúa (Liên Xô). Trong địa bàn rộng bao la ấy, cây lúa đã thích ứng với những hoàn cảnh sản xuất khác nhau và sản sinh ra rất nhiều giống lúa. Diện tích lúa trồng trên thế giới hiện nay vào khoảng 140 triệu hécta (90% ở Châu á). Riêng Việt Nam, lúa chiếm gần 80% tổng diện tích gieo trồng, một tỷ lệ cao nhất so với tất cả các nước trồng lúa ở Châu á. Nêu lại quá trình phát triển của cây lúa để xem có loại cây lương thực nào, kể cả cây thuốc nào có bề dày lịch sử như cây lúa.
Thelast
II - sản phẩm của cây lúa

Đời sống của cây lúa có nhiều đặc điểm sống, dưới thì nước, trên thì nắng. Đến kỳ nở bông, ở thôn quê ta gọi là phơi mao thì hoa chỉ phơi mao vào lúc giờ Ngọ giữa trưa (cực dương) và giờ Tý nửa đêm (thịnh âm) để hấp thu đầy đủ khí âm - dương trước khi ngậm sữa để thành hạt lúa. Sản phẩm chủ yếu của cây lúa là thóc gạo và các sản phẩm phụ khác là tấm, cám, trấu, rơm, rạ.

Thóc (tách từ bông lúa ra, là hạt gạo còn cả vỏ bọc ngoài) cho tỷ lệ 75-78% gạo xay (còn gọi là gạo lứt), gạo giã kỹ cho tỷ lệ tấm và cám 12-15%.

Gạo (hạt thóc không còn vỏ bọc ngoài, gồm có cám bao xung quanh, mầm ở đầu hạt và lõi trong là bột gạo) có thành phần chủ yếu là tinh bột. Tinh bột gồm hai phân tử amiloza và amilopectin. Càng có nhiều amiloza, cơm càng nở và khi để nguội chóng khô (gạo tẻ). Gạo nếp hầu như chỉ có amilopectin nên đồ xôi không nở, để nguội vẫn dẻo. Ngoài ra gạo còn nhiều chất dinh dưỡng khác (xem phần hạt gạo).

Tấm có thành phần như gạo, là những mảnh hạt gạo bị vở khi xay xát, trong đó có lẫn phần mầm của gạo (scutellum) chứa 2/3 chất thiamin.

Cám (bao chung quanh hạt gạo) giàu prôtêin (8-10%), chất khoáng (9-10%).

Rơm (bộ phận trên của cây lúa) có 3-4% đạm, 1-2% chất béo, 14-15% chất khoáng và nhiều chất xơ.

trấu (vỏ ngoài cùng của hạt gạo) chiếm 20% trọng lượng thóc, có nhiều xơ, silic, rất ít đạm và chất béo.
Thelast
III. thành phần và tác dụng của hạt gạo

Hạt gạo từ cây lúa mà ra. Có hai thứ: gạo tẻ (oryza santan), Đông y gọi là Ngạnh mễ, nấu ra cơm; gạo nếp (oryza sativa var. Glutino samats), Đông y gọi là Nhu mễ, nấu thành xôi.

ở Việt Nam, thóc gạo là thực phẩm chính của mọi dân tộc. Không phải như nhiều người cứ nghĩ rằng ăn nhiều thịt, nhiều đường mới tốt và coi đó là thức ăn chính. Đã mấy ai ngẫm nghĩ sâu xa đến danh từ cửa miệng của dân tộc ta: "bữa cơm", "ăn cơm" thể hiện đầy đủ cơm gạo là thức ăn chính. Đó là thức ăn mà dân tộc ta cũng như nhiều nơi trên thế giới đã sử dụng để sinh tồn hàng ngàn năm nay. Không phải ngẫu nhiên mà người phương Đông ví hạt gạo như hạt vàng, cả trong chữ viết cũng thể hiện sự gắn bó của con người với hạt gạo (Chữ mễ là gạo, gồm chữ mộc là cây, với hai chữ nhân là người (Gạo - cây của loài người)). Các thứ gạo nổi tiếng của Việt Nam là gạo tám, gạo rự ở miền Bắc. ở miền Trung, đặc biệt ở Huế có gạo gié An Cự hạt nhỏ, cơm thơm và gạo Nanh Chồn, hạt nhỏ, ngon cơm, rất quí.

Từ lâu, chúng ta dùng cơm gạo trắng, không những miệng quen ăn loại gạo mềm mà mầu trắng của gạo cũng quen mắt, nên cũng có cảm giác quen miệng, thích ăn hơn gạo lứt là gạo chỉ chỉ xay cho tróc trấu mà không phạm đến mầm và cám của hạt gạo bên trong. ít người để ý đến loại gạo nào bổ dưỡng, đáp ứng nhu cầu cơ thể, phù hợp với sinh lý, với bản thể của con người hơn.

Những năm gần đây, qua phân chất gạo, đặc biệt là gạo lứt, người ta thấy không những có đủ những chất chủ yếu (đạm, béo, bột) mà còn có nhiều loại sinh tố, các chất khoáng, các loại axit, chất xơ và nhiều chất khác, càng thấy rõ tính chất ưu việt và khả năng bổ dưỡng, phòng và chữa bệnh của gạo lứt trong cây lúa. Thế nhưng gạo đem giã xát thật trắng chỉ còn lại chất bột, mất đi 1/3 hoặc có khi mất hết các chất dinh dưỡng thiên nhiên. Do đó ăn thuần gạo trắng dễ phát sinh những bệnh vì thiếu các chất kể trên. Ta cần tham khảo bảng so sánh giữa gạo lứt với gạo xát trắng và tác dụng của từng chất trong gạo lứt sau đây:

Bảng so sánh giữa gạo lứt (xay) và gạo trắng (giã)

Chỉ riêng trong 100g bột mầm gạo lứt đã có tới:
Sinh tố B1 (2,83 mg%) hiệu quả với chứng thiếu sinh tố và bệnh tê phù.
Sinh tố B2 (0,56 mg%) làm đẹp người
Sinh tố B6 (5,30 mg%) chữa bệnh thần kinh, mất ngủ
Sinh tố E (17,60 mg%) làm trẻ lại và cường tinh
Chất nai-a-min (6,80 mg%) phòng loét dạ dày mãn tính
Axit Păng-tô-tê-nic (0,82 mg%) nhân tố đẩy mạnh sự trưởng thành
Axit ni-cô-ti-nic (20,64 mg%) làm máu trong sạch, da dẻ mịn màng
Chất măng-gan (39 mg%) đẩy mạnh sự phát dục

Ngoài ra, còn có sinh tố B12 hiệu quả đối với chứng thiếu máu, cũng có glu-ta-xion đề phòng chướng ngại phóng xạ nặng, có axit glu-ta-mic chữa chứng nhức đầu, có thành phần sắt làm cho máu trở nên trong lành, có các chất khoáng như can-xi, v.v...

Thelast
Trong Tập I, cuốn Y học và tuổi già (1978) cũng có đề cập "gạo lứt so với gạo trắng: chất đạm có nhiều hơn 30%, sinh tố B1 gấp 4 lần, chất dầu gấp 3-5 lần; axit păng-tô-tê-nic còn gọi là sinh tố B5 gấp 4 lần, đặc biệt trong cám gạo lứt có axit Li-nô-lê-ich chiếm 30% trong chất dầu của cám. Chất này chỉ có trong sữa mẹ mà không có trong sữa hộp".

Một số nhà dinh dưỡng cho rằng: có 9 axit amin không được tổng hợp từ cơ thể người, nhưng lại là chất không thể vắng mặt trong sự trưởng thành của con người. Từ đó đặt tên cho nó là: "axit amin tất yếu" rồi thiên hẳn về phía thực phẩm có đạm động vật này. Song trong lúa gạo không thiếu axit amin, ta hãy xem thành phần của axit amin của một số giống lúa trồng ở miền Bắc Việt Nam, theo phân tích của Lê Doãn Diền ghi trong Tri thức bách khoa số 3, đã có tới 19 thành phần axit amin, trong đó đủ cả 9 "axit amin tất yếu" đó. Sau đây là:

Bảng phân tích thành phần axit amin

Như vậy không nhất thiết cứ phải ăn đạm động vật mới có được "axit amin tất yếu". Những người ăn chay đã thể hiện rất rõ vấn đề này, họ luôn luôn sống khoẻ, sống lâu. "ở Đại hội Olympic 1928, vận động viên người Algêrie, El-Onaji, người chỉ chuyên ăn những sản phẩm thực vật như bánh mỳ, rau, trái trà là và trái mơ khô, giành được thắng lợi về môn chạy đường dài marathon. Một người ăn chay khác là vận động viên Phần Lan, Paavo Nurmi đã nhiều lần đoạt chức vô địch Thế vận hội. Một trường hợp đầy tính thuyết phục là I.Muller, vận động viên Đan Mạch rất nổi tiếng vào đầu thế kỷ này. Anh đã lập được nhiều kỷ lục quốc gia về môn chạy bộ, bơi lội, chèo thuyền, đấu vật, trượt băng, ném tạ và đĩa. Trong 132 giải anh đoạt được có một giải thưởng rất kỳ lạ, đó là giải thưởng về thể chất lý tưởng.... Trong cuốn sách anh viết, có đoạn: "có lần tôi được xem các thanh niên khoẻ mạnh người ý làm việc. Phần ăn của họ chỉ gồm bánh mì khô nướng, cà phê nhạt, nhưng họ làm việc nhanh nhẹn khéo léo và dẻo dai hơn những công nhân Đan Mạch của chúng tôi, những người quen ăn thịt và uống bia...). Trong cuộc leo núi thực nghiệm được tổ chức ở trại trên núi Elbrouz, trong số 6 người leo núi kinh nghiệm và 2 người ăn chay tham gia thì 2 người này lại chính là những người đầu tiên leo đến đỉnh núi.

Nhà vô địch Karl Mann chạy bộ từ Dresden 202 Km chỉ mất 6 giờ 52 phút, là một người ăn chay. Năm 1956 tại Thế vận hội Melbourne, một lực sĩ ăn chay đã đạt 2 huy chương vàng v.v... Còn ăn chay với tuổi thọ, bài báo có nêu: ở Caucase, nhất là vùng Abkhasie và Daghestan, người ta thống kê được có rất nhiều cụ ông sống trên 100 tuổi. Theo những kết quả điều tra thì những người này đều mảnh mai, tính tình điềm đạm, nhân hậu. Khẩu phần ăn của họ chủ yếu gồm ngũ cốc và các loại rau quả, thảo mộc, hạt dẻ".

ở Việt Nam, chúng ta cũng từng thấy bữa cơm của những bác lực điền, hai sương một nắng, suốt ngày lao động quần quật trên đồng ruộng mà họ vẫn khoẻ mạnh. Được dịp tiếp xúc với các cụ trên 100 tuổi ở nước ta, chúng tôi càng thấy rõ chân giá trị của thức ăn thiên nhiên mà chủ yếu là chất lượng của hạt gạo trong bữa cơm thanh đạm, với lối sống bình dị đã đem lại tuổi thọ cho người và sức sống cho đời.
Thelast

Nhiều người thích ăn gạo lứt theo phương pháp dưỡng sinh, nhưng lại sợ thiếu năng lượng (calo); mất sức mạnh của cơ bắp. Để tiện việc so sánh cho khỏi băn khoăn, xin nêu sau đây bảng phân chất các thức ăn về calo theo tài liệu của tổ chức dinh dưỡng quốc tế.

- Về phân tích thành phần Cây lúa - Hạt gạo, ta tìm xem còn có hạt nào, cây lương thực nào , kể cả cây thuôc nào có được đầy đủ tính chất bổ dưỡng phù hợp với con người hơn cây lúa hạt gạo nữa chăng?

- Về phần tác dụng phòng và chữa bệnh của cây lúa hạt gạo, ta hãy coi Y giới Đông Tây, kim cổ nhận định ra sao?

Theo Tây y thì thức ăn bằng gạo dễ tiêu hoá, rất tốt cho những người đau dạ dày, những người ăn khó tiêu, những người ốm mới khỏi, nhất là những người đi chảy, đi tả, thường dùng cháo hồ. Người ta cũng dùng nước cháo (30-40g trong 1 lít nước) trong những bệnh viêm ruột. ở Hoa Kỳ ngày nay người ta dùng gạo với rau quả trong phép tiết thực để chữa các bệnh tim, thận, huyết áp cao.... ở Liên Xô cho biết trong gạo lứt cũng như trong lúa mì lứt có chất Xê-len; có tác dụng hạn chế tế bào ung thư phát triển, đã được thể nghiệm trên súc vật và trên người. Họ nghiệm thấy rằng những bệnh nhân ung thư có rất ít chất Xê-len trong người, theo hai nhà khoa học tại ban I-li-noi ở Mỹ, chất Xê-len có thể ngăn không cho các ung thư vú phát triển lớn hơn.

Theo bác sỹ Sallet, gạo lứt (rizcomplet) bổ và mát, giải nhiệt, giải khát, giảm đau thần kinh và làm dịu mọi phiền não, lo âu. Điều này trùng hợp với thể nghiệm của người xưa thấy rằng người ăn lúa gạo thì trong mình âm dương, khí huyết được điều hoà, tính tình sẽ hoà nhã, thích hoà thuận, mến hoà khí, nên theo chiết tự người ta viết chữ hoà gồm có chữ khẩu là miệng để ăn và chữ hoà là lúa. Ngoài ra Sallet còn thấy gạo tẻ lứt có tác dụng làm ngăn sự xuất tiết của dạ dày và ruột cho nên nó có hiệu quả tốt trong các bệnh tả và lỵ. Gạo nếp lứt bổ lách và phổi, giúp cho dạ dày tiêu hoá những vật thực khó tiêu, bài tiết những chất độc đưa vào cơ thể, dùng rất tốt cho những trường hợp động thai bất thường. Gạo nếp lứt rang vàng sẫm dùng để chữa chảy máu cam và rang vàng dùng để bổ dưỡng. Nhưng cũng không nên ăn nếp nhiều quá làm trong người nóng.

Theo đông y thì gạo tẻ điều hoà 5 tạng, bổ tỳ vị, bổ phế khí, ích thận tinh, mạnh tâm trí, cứng gân xương thân thể cường tráng. Trong Nội kinh có câu: "Tinh sinh bởi 5 loại lúa". tinh khí đều bởi của chất gạo mà biến hoá sinh ra cho nên chữ Tinh, chữ Khí đều có chữ Mễ cả.

Mầm non của hạt thóc (cốc nha) khí ôn, vị ngọt, có tính chất kiện tỳ, tiêu được thức ăn, nó lại có tác dụng hạ khí, tiêu hoá những thức ăn còn đọng trệ, củng cố chức năng của tuỵ, thêm sức cho người khoẻ mạnh, ăn uống được ngon lành.

- Mầm lúa có tác dụng chữa những chứng bệnh chướng bụng đầy hơi, ăn khó tiêu, làm cho người cảm thấy dễ chịu.

- Bông lúa xắt nước để uống và ngậm trong trường hợp răng yếu (không chắc), rất hiệu quả.

- Rơm (thân cây lúa), phơi khô, xắt uống, vừa mát, vừa mạnh tỳ vị và làm cho nước tiểu bớt đục.

- Riêng gạo nếp còn có tác dụng bổ phổi, kiện tỳ, nấu xôi ăn giúp cho đại tiện cũng như tiểu tiện được đều. Cháo nếp bổ tỳ vị, chống mệt mỏi, chữa chứng đau bụng lạnh, chứng lỵ, chứng tả. Nước nếp rang có tác dụng giải khát, giải nhiệt.

Nhìn chung trên thể nghiệm, Đông Tây y đều thấy trùng hợp về tác dụng bổ dưỡng và phòng, chữa bệnh của hạt gạo.
Thelast
ở Việt Nam, cây lúa ngoài tác dụng làm thực phẩm chính của dân tộc, còn là một trong những cây được đại danh y Tuệ Tĩnh liệt vào loại dược thảo quý giá nhất. Tuệ Tĩnh đã sử dụng cây lúa từ gốc rễ cho đến ngọn ngành, bông lá, từ lúc mới mọc cho đến khi nẩy mầm đâm bông, khi cây còn xanh tươi cũng như lúc chỉ còn lại tro tàn thì được dùng trong phòng và chữa bệnh. Ví dụ:

- Nước gạo lứt rang cháy đen, nấu sôi nhiều lần, cho thêm ít muối chữa bệnh thiên thời thổ tả rất đơn giản và hiệu quả. Nếu bệnh nhân cảm thấy lạnh thì sưởi ấm, chườm nước nóng khắp người hoặc xoa dầu. Khi thổ lẫn tả ngừng thì uống nước gạo lứt rang vàng, hoặc nước hồ cháo gạo lứt. Nước cơm gạo lứt để sôi đến lần thứ hai được dùng trong các trường hợp khạc ra máu và đổ máu cam.

Bị rắn cắn, chỉ cần nhai ngay một nắm gạo lứt đắp vào vết cắn, trước khi dùng thuốc đặc trị.

- Rơm lúa nếp đốt cháy thành tro, vẩy nước vào cho ướt. hoà 3 đồng cân thanh đại để uống chữa ngộ độc thạch tím.

- Gạo tẻ lứt nghiền thành bột 2 cáp (20mll) với 1 bát nước, thêm vào 1 cáp nước vòi măng, hoà đều uống hết, chữa đau bụng tiêu chảy mất nước.

- Gạo nếp lứt, cùng hạt mùi nấu cháo ăn rất tốt trong những trường hợp sau khi đẻ không có sữa.

- Cám gạo đốt trong bát cho ra dầu, trộn với da trống đốt tán nhỏ, rắc vào chỗ chốc đầu của trẻ, sau khi rửa bằng nước lá đào đã lau khô.

- Thân cây lúa nếp đốt ra tro, tán bột hoà nước đắp vào hết bỏng rất tốt v.v ...

Thừa hưởng kinh nghiệm của đời xưa, đặc biệt là của Tuệ Tĩnh, tiép sau nhiều lương y trong nước, ví dụ : Cụ Lang Kiều đã vận dụng dùng cây lúa chữa kết quả một số chứng bệnh như:

- Chữa vết thương lở loét: cám rang 100%, với 3 thứ than rơm, rạ, trấu 100%, lá tía tô 20%. Tán nhỏ rắc vào vết thương.

- Chữa bỏng lửa, bỏng nước sôi : 3 thứ than rơm, rạ, trấu, hoà với dầu vừng bôi ...

- Hút chất độc trong cơ thể : 3 thứ than rơm, rạ, trâú mỗi thứ bằng nhau, ngày uống 20g v.v ...

Những năm gần đây, chúng tôi có ứng dụng chữa một số bệnh cho hàng trăm bệnh nhân bằng phương pháp ăn uống dưỡng sinh lấy ngũ cốc lứt, đặc biệt là Gạo Lứt với Muối Vừng (mè) làm thức ăn chính và các loại rau củ, các loại đậu, rong biển ... làm thức ăn phụ, đã thu được kết quả ban đầu.
Thelast

ở nước ngoài, chủ yếu là những nước Châu á, đặc biệt ở Nhật Bản, giáo sư oshwa đã đi sâu tìm hiểu, nghiên cứu phần gạo lứt của cây lúa kết hợp với muối vừng trong phòng bệnh và chữa bệnh. Theo ông, trong các cốc loại, gạo lứt của cây lúa, cũng như bột mì lứt của cây lúa mì là tốt nhất để làm thức ăn mà thiên nhiên dành cho con người đứng về phương diện sinh hoá học cũng như phần quân bình âm dương. Ngoài việc nuôi sống con người, Gạo còn chữa lành bệnh tật, điều mà ít ai ngờ đến, ông gọi là thuật Trường sinh hoặc phương pháp ăn Dưỡng sinh. Ông khuyên nên ăn thứ lúa không trồng bằng phân hoá học và rảy thuốc sát trùng. Nếu thuận tiện thì mùa nào ăn gạo mùa ấy, gạo sản xuất trong địa phương mình. Nên chọn gạo lứt thứ hạt chắc, nhỏ, tròn mình mà dài thường nhiều chất bổ hơn; gạo màu đỏ nhiều dương tính hơn trắng. Theo ông, sản phụ và trẻ con nên dùng gạo lứt rang vàng có tính chất bổ xương và giữ răng người mẹ không bị hư hao trong lúc có thai và thời kỳ cho con bú. Còn trẻ con thì gạo rang giúp cho việc hoá cốt nhanh chóng nhờ sự hấp thụ chất can-xi tăng, nên xương cốt cứng cáp v.v...

Bác sĩ Phutaghi, 94 tuổi vẫn khoẻ mạnh, minh mẫn, hơn 70 năm ăn gạo xay không đau ốm gì, mặc dù khi trẻ ông mắc bệnh viêm thận mạn.

Nhà triết học Tacabaysi nói: “Gạo lứt thật ngon. Tôi đã đi đây đó để giảng bài được. Bệnh phù mãn tính, đã dùng không biết bao nhiêu là Alinamin (sinh tố B1) và các sinh tố khác cũng không khỏi, nay đã khỏi lúc nào không biết. Rất kỳ lạ tôi bỏ quên kính mà vẫn đọc được báo, hình như mắt cũng tốt lên.

Ông Gatanabê có 7 con, 3 con đầu ăn gạo giã trắng thì ốm yếu gầy còm, 4 con sau ăn gạo lứt thì khoẻ mạnh, thông minh, không ốm, chữa khỏi được bệnh mạn tính: huyết áp cao, trĩ, thận, mất ngủ v.v ...

Ăn cơm gạo lứt với muối vừng có từ ngàn xưa ở nước ta nói riêng và ở á Đông nói chung, một trong những thức ăn thông dụng của nhân dân. Còn trong lĩnh vực chữa bệnh Tuệ Tĩnh, tiếp đến Hải Thượng Lãn Ông ... Trong thực đơn cũng như trong phương thức đã sử dụng kháphổ biến hạt gạo và hạt vừng. Đúng như Ohsawa đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng: :phương pháp ăn uống theo dịch lý Âm Dương, lấy ngũ cốc làm chính, đặc biệt là gạo lứt, muối vừng, không phải do ông phát minh mà chính đã có sẵn trong nền Đông y nguyên thuỷ từ trên 5000 năm rồi" và ông đã viết trong tạp chí Ying - Yang tháng 6 năm 1965: "Việt Nam là quê hương của phương pháp ăn Dưỡng Sinh (Việt Nam, c,est le pays natal de Macrobiotique). Hẳn là như thế (phần lịch sử đã đề cập) vì Việt Nam là cái nôi đầu tiên của cây lúa, để trả lời những ai muốn biết nguồn gốc của cách ăn này từ đâu.

Khi nghe nói: "gạo lứt, muối vừng", một cách ăn, một phương pháp mà tổ tiên ta từ xa xưa đã dùng, quả thật là đơn giản quá nên đã bị lãng quên đi. Chỉ còn lẻ tẻ một vài vùng giữ được tập quán. Tục truyền, hàng năm cứ đến ngày mùng 2 tháng 6 âm lịch, thôn Viên, còn gọi là xóm Vườn, một làng mới thuộc xã Cổ Nhuế (Hà Nội) cùng với 3 thôn cũ là Hoàng, Trù, Đống cúng cơm gạo lứt với muối vừng theo đúng thói quyen của bà công chúa Túc Trinh, con gái thứ tư của vua Trần Thánh Tông (1258-1278) để tưởng nhớ bà, người đã hưởng ứng lời kêu gọi của vua cha đến những vùng này khai khẩn ruộng hoang.

Gạo, muối bình thường thật, nhưng cái phi thường là người xưa đã dùng gạo, muối theo nguyên lý Âm Dương của vũ trụ, nên đã thực hiện được sự màu nhiệm ngoài tưởng tượng. Thực ra, ta cũng sẽ không ngạc nhiên, nếu ta nghĩ rằng với ngũ-âm giản dị theo quy luật nào đó, các nhạc sĩ có thể đặt thành những văn bản tuyệt tác. Như vậy, giá trị không phải ở những nốt nhạc đơn giản mà ở nơi nghệ thuật. Cách chữa bệnh cũng là một nghệ thuật, kể cả chữa bằng thuốc hay không bằng thuốc hoặc bằng ăn uống mà bí quyết của nghệ thuật là cả một quá trình khổ công nghiên cứu mới có được, nhất là cách ăn uống theo phương pháp dưỡng sinh (dùng thức ăn thiên nhiên). Bác sĩ Pierre Paradie viết trong tập san "Joie de Vivre" có kết luận: "Dinh dưỡng còn gồm một phần lớn nhiều điều chưa biết, người nào khôn ngoan hơn cả trong lĩnh vực này là biết trông cậy vào những quân bình thực phẩm cổ truyền đã tỏ ra có khả năng tạo được những nòi giống cường tráng". Nền tảng của phương pháp dưỡng sinh đúng là nền tảng của sự dinh dưỡng truyền thống của nhiều dân tộc, nông dân cường tráng ở phương Đông, ở cực Đông cũng như ở châu Âu.

Chỉ với gạo, muối và một số rau củ bình thường, Tuệ Tĩnh, Hải Thượng, v.v... thời xưa đã dùng làm thực đơn chữa bệnh và nhiều người trong nhân dân ta cũng như nhiều nơi trên thế giới gần đây đã và đang ứng dụng phép ăn dưỡng sinh chữa bệnh có kết quả. Theo chúng tôi, những quân bình ấy, chính là quy luật tự nhiên mà trải qua bao thời gian công phu mới phát hiện ra được: thực phẩm là cái gạch nối con người với thiên nhiên, nói văn vẻ hơn "cái cầu nối liền con người với vũ trụ".
Thelast

Ngày nay khoa học đã áp dụng các chất đồng vị trong địa hạt sinh vật học đã có thể chứng minh rằng các chất Prôtêin trong cơ thể chúng ta được hoàn toàn thay đổi mới trong vòng khoảng 1 tháng, còn máu huyết thì được đổi mới trong vòng mươi hôm. Hơn 5 triệu lít máu chảy ngang các tế bào chúng ta mỗi một năm và nhiều triệu lít dưỡng khí nữa. Chúng ta ăn uống khoảng 60 kilô thức ăn và thức uống mỗi tháng. Như vậy là chúng ta tổng hợp cơ thể mình 12 lần trong một năm. Thật đúng là một sự hoá thân lại. Qua sự tiến hoá này, ta hiểu được bí quyết vì đâu ăn uống bậy bạ thì đau ốm, mau già, sắc đẹp chóng tàn phai và ăn uống theo phép dưỡng sinh còn gọi là ăn uống hợp lý lại chữa lành bệnh tật, làm cho trẻ trung và sống lâu.

Cho đến nay, không còn ai phủ nhận "con người là một vũ trụ nhỏ nữa mà đã là vũ trụ nhỏ thì phải theo quy luật sinh tồn của vũ trụ. Ví dụ: loài người chủ yếu sinh sống bằng ngũ cốc... Nếu người lại ăn quá nhiều thức ăn khác, rất ít ăn ngũ cốc, mất cân đối, sai với quy luật tự nhiên thì chắc chắn sức khoẻ sẽ bị ảnh hưởng và cũng là nguồn gốc sinh bệnh tật. Y học cổ truyền phương Đông xem cơ thể sinh vật (con người nói riêng) như những thực phẩm được biến cải và bệnh tật là những hiện tượng mất quân bình xảy ra trong khi biến cải ấy. Cho nên mọi bệnh tật, theo nguyên tắc, đều được chữa lành bằng cách điều chỉnh lại các món ăn.

Thực phẩm cho ta đời sống sinh lực, nhưng cũng có thể hại ta rất dễ dàng nếu chúng ta ăn uống không tương xứng cân bằng theo nguyên lý âm dương và nấu nướng không đúng cách. Oshawa sau khi nghiên cứu tìm hiểu vấn đề quân bình âm dương trong thức ăn đã phải thốt lên: "Thiên nhiên đã ưu đãi con người là ngũ cốc, đặc biệt với người phương Đông là cây "Lúa" có một sản phẩm là "gạo lứt" không những về giá trị dinh dưỡng nó có đủ mọi thành phần cần thiết (như trên đã phân định) mà điều đáng chú ý là về vai trò quân bình Âm Dương trong cơ thể để phòng chống bệnh tật".

Theo đông y quan niệm rằng bệnh xảy ra rất lâu trước khi chúng ta cảm thấy vì chính tình trạng suy nhược của cơ thể đã dung túng sự xâm nhập của ngoại tà (phong, hàn, thử, thấp, vi trùng...) hơn là ngoại tà gây ra sự suy nhược cơ thể. Cho nên sự sung túc và quân bình Âm Dương trong dinh dưỡng là nguồn gốc chính của sức khoẻ con người; còn ngoại tà chỉ là phụ thuộc Âm Dương hư hụt và mất quân bình là nguyên nhân của mọi bệnh tật trong cơ thể con người.

Trong cách chữa bệnh theo "Vương Đạo" mà trước đây Tuệ Tĩnh, Hải Thượng đã đề cập, cho đến ngày nay nhiều lương y vẫn sử dụng là đồng bổ Âm Dương để đem quân bình lại cho cơ thể, chứ không chủ trương công phạt bằng các thứ thuốc hạ phẩm, Bệnh muốn lành thì lành thì tuỳ theo Âm Dương suy thịnh mà lựa chọn thức ăn để đem lại quân bình cho cơ thể. Oshawa đã kế thừa ứng dụng và thành công trong lãnh vực này. Ông thường khuyên người bệnh nên ăn 100% gạo lứt và chút ít muối vừng là các món ăn vừa giản dị, vừa hiệu nghiệm đối với mọi bệnh tật gồm cả các bệnh mà người thức ăn thường cho là nan y. Đây là món ăn rất đúng quân bình Âm Dương đối với cơ thể con người, với người bệnh bất kỳ Âm Dương suy hay thịnh thế nào, sau một thời gian ăn theo cách đó, cơ thể sẽ dần dần trở lại thế quân bình hoàn hảo và sức khoẻ sẽ tăng lên cho đến khi khỏi bệnh thì trở về nếp sinh hoạt bình thường, vận dụng theo chế độ ăn dưỡng sinh với hàng trăm món ăn tự chế biến (xem trong cuốn: "Ăn uống và sức khoẻ - 198 6").

Chỉ dùng "Gạo Lứt và Muối Vừng" làm thức ăn chính và các loại rau củ, các loại đậu, đỗ, rong biển... (nói chung là thức ăn thiên nhiên thuộc loại thực vật) làm thức ăn phụ mà chữa được bệnh nằm trong kết quả thực tế; trái ngược với lý thuyết "Chữa bệnh là phải dùng thuốc, đau ốm nhất thiết phải được bổ dưỡng bằng thịt, sữa hộp, bơ, đường...". Theo chúng tôi, ta hãy lấy kết quả cụ thể mà nhìn nhận vấn đề hiện đại về Ăn Uống, Sức Khoẻ và Bệnh Tật.

Ăn gạo lứt thay cho gạo xát trắng còn thêm một lợi ích. Trong cuốn "Y học và tuổi già" tập I cũng đã nêu: "Các chất bổ còn nhiều trong gạo lứt, nên đáng phải ăn 3 đến 5 bát gạo trắng mới no thì chỉ cần ăn 2 hoặc 3 bát cơm gạo lứt đã thấy đủ. Theo kinh nghiệm của nhiều người ăn gạo lứt thì mỗi người mỗi tháng dôi ra trên dưới 3 kg gạo. Một sự tiết kiệm đáng kể của việc ăn gạo lứt trong nước (3kg x 12 tháng x 65 triệu người = 2 triệu 400 ngàn tấn gạo/năm). Đó là chưa kể, do các chất bổ có nhiều trong gạo lứt, người ta có thể giảm bớt số lượng thức ăn khác, đáng lý là phải ăn kèm với gạo xát trắng cho đủ chất. Ngoài ra, do tính chất phòng bệnh và trị bệnh của gạo lứt, ăn gạo lứt sẽ giảm được chi phí về y tế. Theo chúng tôi, đó không những là một trong những biện pháp "Chăm sóc sức khoẻ ban đầu" tốt nhất, đơn giản nhất, dân tộc và đại chúng nhất mà còn góp phần trong quốc kế dân sinh.

Nói về lúa gạo, ngoài tác dụng nuôi dưỡng và phòng bệnh, chữa bệnh v.v... riêng với mỗi người Việt Nam, chúng tôi thấy cây lúa, hạt gạo còn mang một hình ảnh thân quen qua bao thời đại, một bảo vật theo sát bên ta như hình với bóng, ấp ủ từ khi còn thai nghén đến khi lọt lòng mẹ để chào đời, luôn luôn bên ta mọi lúc, mọi nơi: bữa cỗ Việt Nam ít khi thiếu đĩa xôi vò, xôi xéo; mâm cỗ tết không quên bát cơm tám thơm, cạnh chai rượu "Lúa mới" trắng trong và đặc biệt mừng ngày tân hôn, nhiều nơi không vắng đĩa xôi gấc đỏ hồng. Mồng một, ngày rằm, chùa chiền nào mà không có tấm oản dẻo, dịp đầu mùa thì lại thêm cốm mới, bánh trôi, bánh chay.... Lề thói dân tộc cũng như chế độ dinh dưỡng của nhân dân ta thể hiện khá rõ điều thầm kín đó, nhất là trong những bữa ăn chính hàng ngày, gạo của cây lúa vẫn chiếm một tỷ lệ quan trọng hàng đầu trong toàn bữa ăn. Ngoài ra, cây lúa, hạt gạo còn đến với từng người mỗi khi trái nắng trở trời (bát cháo hành giải cảm...), sẵn sãng xả thân cứu chữa (thân cây lúa đốt ra tro, hoà với nước đắp vào vết thương) v.v..., nào có kể chi phải chia sẻ từ gốc, rễ, ngọn, ngành, bông, quả... Cây lúa cứ mãi bên ta lớn lên, theo ta đến tuổi về già với mục đích, không những thêm tháng năm cho sự sống mà còn tăng sức sống cho tuổi già
Thelast
IV. Cách dùng gạo lứt - muối vừng

Phải biết sử dụng từ khi chọn hạt gạo, hạt muối, hạt vừng cho đến lúc rang nấu, chế biến, cả khi ăn nhai gạo cho đúng cách thì mới thấy hết tác dụng của "Ngọc thực" tăng cường sức sống và của "Thần dược" phòng chữa bệnh tật, thể hiện đầy đủ "Hạt của sự sống". Muốn vậy thì mùa nào gạo nấy, không để gạo ẩm, mốc, nhất là gạo lứt bảo quản khó hơn, vì chất lipit tập trung chủ yếu ở lớp cám ngoài của hạt gạo. Sau một thời gian sẽ có mùi khét. Đấy là mùi của các sản phẩm oxi hoá lipit. Bởi vậy, phải thực sự là gạo lứt mới, còn nguyên lớp cám và mầm gạo. Gạo đỏ càng tốt, không bón bằng phân hoá học, không phun thuốc trừ sâu càng hay. Theo các chuyên viên sinh hoá nồng độ của các loại chất độc này tăng lên gấp đôi khi được cây cỏ hấp thu và khi con người ăn những cây cỏ này, nông độ độc tăng lên gấp 4 trong cơ thể. Do đó, sử dụng gạo lứt, muối vừng chữa bệnh phải với ý thức thức ăn là thuốc, thuốc là thức ăn, gạo, vừng kém phẩm chất coi như đã thuốc đã phế phẩm, không những không tăng cường được sức khoẻ, không chữa được bệnh mà còn nguy hại đến cơ thể. Đây là một trong những lý do của một số người đã dùng gạo lứt, muối vừng mà bệnh không khỏi, sức khoẻ không tăng.

Cách nấu cơm gạo lứt - Trước khi nấu, chỉ cần rửa gạo cho sạch cát, sạn, không nên vo mạnh tay; ngâm nước trong vòng 2 giờ rồi vớt gạo ra, lấy nước ngâm ấy, cứ 2 phần nước thì một phần gạo, nếu thiếu nước, thì lấy nước thêm vào cho đủ lượng. Đun sôi nước lên và bỏ gạo vào nấu tiếp cho sôi đều, bỏ vào một ít muối biển (cứ 1 lon gạo (250g) cho 1/4 thìa cà phê muối (2g) dùng đũa bếp quấy sơ qua cho đều. Đậy vung lại, đến khi nào cạn thì dùng lá chuối hoặc vải thấm nước phủ lên trên rồi đậy vung lại cho chặt để khỏi xì hơi. Đun lửa nhỏ cho đến khi cơm chín (từ khi bắc nước lạnh lên bếp, đến khi cơm chín ngon khoảng hơn 1 giờ). Nấu bằng than, bằng củi, bằng bếp điện đều được cả. Nấu cơm bằng nồi đất thì tốt hoặc nồi gang cũng được, tuỳ theo điều kiện dụng cụ đã có. Nấu 2 lon gạo thì dùng nồ nấu 3 lon cho có nhiều hơi và khi đậy kín, nước không tràn ra ngoài. Nếu có nồi áp suất nấu cơm càng ngon và gạo không cần ngâm trước, cơm cũng dẻo. Vì điều kiện thời gian ít, muốn nấu một lần cho nhiều bữa ăn thì trước mỗi lần ăn xoi một lỗ to bằng ngón tay, chế nước vào, đậy vung kín, rồi để lên bếp hâm cho nóng lại. Khi thấy cơm bốc hơi, mở vung đảo cơm cho hơi lên đều, rồi lại dằn cơm xuống, đậy vung lại để 10 phút, cơm sẽ mềm ngon.

Cách làm muối vừng - Muối - Như người ta nói "sinh mạng sinh ra từ biển" (sinh mạng trong đó có con người). Chiết tự của người xưa thể hiện cũng khá rõ ý đó: Chữ Hải là biển gồm chữ thuỷ là nước, chữ nhân là người và chữ mẫu là mẹ, tỷ lệ cấu tạo thành phần muối trong máu chúng ta rất giống nước biển. Như vậy có thể nói nguồn gốc của máu là nước biển? Quan niệm đó không sai. Thành phần chính trong nước biển gồm natri, ngoài ra còn có kali, canxi, clo, magiê, clorua v.v... Trong muối ăn chủ yếu cũng có natri clorua, ngoài ra cũng có kali clorua, magiê clorua, canxi, magiê, sunfat, sắt, v.v...
Thelast
Hiện được biết khoảng 60 loại khoáng, có nhiệm vụ duy trì chức năng sinh lý của cơ thể sống được bình thường. Vì thế, khẩu phần muối là cần thiết không thể không có được. Nhưng muối ăn được phải là muối thiên nhiên (muối biển) còn tròn vẹn không bị loại bỏ một chất khoáng nào, nó có tác dụng nâng cao chức năng giải độc của cơ thể. Là thành phần quan trọng của thể dịch, nó còn đóng vai trò đẩy mạnh chức năng trao đổi chất và lọc máu. Hơn nữa nó còn có tác dụng hỗ trợ tiêu hoá hấp thụ, kích thích tế bào cơ thể khiến cơ thể, tinh thần phấn chấn lên, làm cơ thể có sức dẻo dai bền bỉ. Thiếu nó sẽ sinh chán ăn, mệt mỏi, kém sức đề kháng cuả cơ thể. Tây y đã xác định vai trò quan trọng của muối trong cơ thể và hay dùng muối dưới dạng tinh khiết để chế huyết thanh mặn đẳng trương và ưu trương tiêm hoặc rửa vết thương.

Đông y, trong tài liệu cổ, muối có vị mặn, tính hàn, không độc, vào 3 kinh: thận, tâm và vị, có tác dụng thanh tâm, lương huyết, nhuận táo, tả hoả, dẫn các thuốc khác vào kinh lạc. Dùng trong những trường hợp nhiệt kết trong ruột và dạ dày, táo bón, đau răng, mắt, cổ họng sưng đỏ, đau, chữa hạ bộ lở ngứa, gây nôn mửa... dưới dạng ngậm, uống, rửa, chườm, v.v...

Thế nhưng, muối ăn dùng trong gia đình hiện nay lại là muối tinh. Muối tinh được chế biến bằng cách thâu tách màng nhựa trao đổi i-ông (ion). Vì thế nó thành natri-clorua thuần tuý 99%. Về hoá học cũng được gọi là muối, nhưng không thể là thế phẩm thay thế muối ăn được, nó hoàn toàn không có nhiều loại khoáng như muối thiên nhiên. Vì thế, dù chỉ một lượng thích đáng thôi cũng gây nên rối loạn chức năng sinh lý của cơ thể và gây tác hại khác.

Gần đây, người ta kêu gọi về việc giảm khẩu phần muối, thậm chí còn nói muối trở thành nguyên nhân gây ung thư. Thực ra, đó là tác hại của muối tinh; ngoài ra, còn ở việc tăng ăn thịt chứa nhiều natri nữa. Người Âu Mỹ, món ăn chủ yếu là thịt, nên dĩ nhiên thừa natri, người á Đông có xu hướng ăn nhiều rau thì kali trong máu có tác dụng làm ngưng trệ thành phần nước trong cơ thể, thì kali trong tế bào có tác dụng lợi tiểu, bài xuất thành phần nước ra khỏi cơ thể. Vì vậy, người ăn goạ lứt, ăn rau phải ăn muối vừng với mức cần thiết (mỗi ngày ăn đến 30g là được). Ta nên sử dụng muối có mức độ trong các thức như xì dầu, tương, dưa muối, mơ, mận dầm muối v.v... Ngoài ra, muối thiên nhiên chứa trong các loại rau câu, sò ốc, cá cũng lý tưởng. Về mặt sắc đẹp, nó làm da dẻ mịn màng, nó ngăn chặn phát sinh mụn nhọt, ban cước, tàn nhang v.v...
Thelast
- Vừng có hai loại: vừng vàng và vừng đen. Dùng loại nào cũng được; nhưng phải để nguyên vỏ, không xát trắng (theo kinh nghiệm, nữ giới và người già nên ăn loại vừng đen).

Trong hạt vừng có từ 40-55% dầu có khi lên tới 60%, do đó rang quá lửa dễ bị khét. Ngoài ra có khoảng 5-6% nước, 20-22% chất protein, 5% tro, trong đó có 1,7mg đồng, 1% caxi oxalat, 6,3-8,8% chất không có nitơ, pentozan, lexitin, phytin và cholic. Dầu vừng chứa khoảng 12-16% axit đặc (7,7% axits panmitic, 4,6% axit stearic, 0,4% axit arachidic) 75-80% axit lỏng (trong đó có 48% axit oleic, 30% axit linolic và 0,04% axit lignoxeric). Phần không xà phòng hoá được chiếm 0,9-1,7% và khoảng 1% lexitin Trillela Vecchia và Fabris còn phân tích được chất sesamin với tỷ lệ khoảng 0,25-1% và khoảng 0,1% chất sesamol. Vừng cũng là một thực phẩm quý và Đông y coi vừng là một vị thuốc bổ. Vừng có vị ngọt, tính bình, không độc, vào 4 kinh: phế, tỳ, can, thận; có tác dụng ích gan, bổ thận, nhuận tràng, lợi sữa, nuôi huyết, tư dưỡng cường tráng, chủ trì thương phong, hư nhược, ích khí lực, bổ ngũ tạng, dưỡng não tuỷ, bền gân cốt, sáng tai mắt, quên đói sống lâu. Ngoài ra, còn dùng dầu vừng nấu với muối, chì và các thuốc khác làm thuốc cao dán nhọt. Nước xắt rễ và lá vừng được nhân dân ấn Độ, Trung Quốc dùng làm thuốc mọc tóc và giữ cho tóc được đen lâu. Hoa vừng ngâm vào nước, đắp lên mắt làm mát mắt, dịu đau. Vừng đen sao qua, giã nhỏ cho thêm ít muối ăn hàng ngày cho lợi sữa, chữa phụ nữ cạn sữa. Trẻ con bị xích bạch lỵ, dùng dầu vừng 5-10g tuỳ theo tuổi hoà với mật ong cho uống v.v...

Rang muối vừng - Trước khi rang, đem vừng sẩy qua cho sạch rồi đổ nước vào khuấy cho đều để loại cát, sạn, xong đem phơi thật khô, rang vừng, chảo phải thật nóng, dùng đũa khuấy đều, thấy vừng nổ rang thì bắc chảo xoay tròn 5-7 vòng rồi đổ ra để giã. Đừng cho vừng cháy quá thành khét hoặc sống quá không thơm.

Còn muối rang khô, tán nhỏ rồi trộn vào vừng, phân lượng tuỳ theo tuổi và chứng bệnh. Ví dụ: phù thận, huyết áp cao... lúc đầu dùng từ 12-14g vừng với 1g muối. Các bệnh lao phổi, sốt rét, ung thư lúc đầu dùng từ 5-6g vừng với 1g muối, v.v... sau đó tuỳ theo bệnh thuyên giảm mà tăng hoặc giảm vừng.

Theo tuổi thì người lớn thường dùng từ 7-10g vừng/1muối (phụ nữ đang cho con bú không được ăn mặn quá), người già từ 8-12g vừng/1muối. Trẻ em theo tỷ lệ như người già. Sau khi đã xác định tỷ lệ rồi thì cho tất cả vừng và muối vào cối, giã vừa dập, không mịn quá, để dầu vừng thấm ra vừa đủ bọc các phân tử muối, giúp muối đủ thời gian đi đến nơi cần thiết trong cơ thể, tránh tác dụng không đúng chỗ sinh khát nước. Muối vừng giã rồi nên cho vào chai, lọ nút kín và không nên để lâu quá 1 tuần lễ.

Muốn bảo quản vừng được 2-3 tháng thì rang xong để nguội, không giã cho vào lọ nút kín, khi cần làm muối vừng thì lấy ra.
Thelast
Cách ăn cơm gạo lứt với muối vừng. Ăn một miếng cơm gạo lứt trộn với muối vừng (mỗi bát cơm trộn từ một đến hai thìa cà phê muối vừng tuỳ theo bát cơm đầy hay vơi) cần phải nhai thật kỹ. Ăn vội nhai dối đưa lại những hậu quả xấu, nhất là với người bệnh, phải nhai kỹ với ý thức "càng nhai kỹ càng chóng khỏi bệnh". Đã có câu: "nhai thức uống và uống thức ăn" ý nói ăn gì cũng phải nhai kỹ, kể cả nước uống, còn thức ăn thì phải nhai thành nước rồi mới nuốt, nhai đến lúc nào có cảm tưởng cơm đã biến thành sữa là được. Nếu răng yếu thì nấu cơm nhừ hơn để đỡ phải nhai nhưng mỗi miếng cơm, sau khi nhai sơ bộ phải ngậm 15-30 giây hãy nuốt để giúp cho một phần thức ăn tiêu hoá ngay ở trên miệng vì nước miếng có chứa enzym ptyalin giúp tiêu hoá cơm được chọn vẹn. Nuốt xong miếng cơm, khi ấy muốn, ăn rau hoặc món gì hãy ăn một miếng và cũng nhai thật nhỏ mới nuốt. Nhai không chỉ giới hạn ở việc làm nghiền nhỏ thức ăn mà quá trình nhai còn kích thích làm tiết dịch vị và làm điều hoà những nhu động của dạ dày và ruột. Những nhu động này có một tầm quan trọng trong việc tiêu hoá các thức ăn. Nhai vội không những chỉ làm rối loạn hoạt động của dạ dày mà cả các cơ quan khác của ống tiêu hoá. Nhai kỹ còn làm ấm thêm các loại thức ăn lạnh. Động tác nhai còn kích thích thần kinh não giúp mở mang trí tuệ. Lợi ích là như vậy, nên không phải ngẫu nhiên mà người ta nói: "nhai kỹ tiêu tốt" và "ai nhai kỹ thì sống lâu". Cho đến nay vẫn còn nhiều người chưa thấy rằng ba bữa ăn hàng ngày là bí quyết của sức khoẻ con người mà chỉ thấy hại làm mất thời giờ thì đó chính là một điều tai hại cho sức khoẻ. Nhưng vì không trông thấy kết quả ngay trước mắt nên người ta không để ý.

Lượng ăn cơm nhiều hay ít tuỳ theo từng người, không nên ăn no; còn vừng cũng không nên ăn nhiều quá 30-40g trong 1 ngày. Trước khi ăn và sau khi ăn không nên uống nước ngay mà nên để sau15 đến 20 phút hãy uống nước, như vậy tốt hơn và thức ăn chóng tiêu. Nếu không khát chỉ nên súc miệng, không nên uống nước theo thói quen trong khi không khát. Nước uống phải ấm bằng nhiệt độ cơ thể, không uống nước lạnh quá hoặc nóng quá.

Ăn cơm gạo lứt, ngoài sự nuôi dưỡng thân thể được khoẻ mạnh, chữa được bệnh tật là một hạnh phúc, một niềm vui của gia đình, lại còn giản dị trong việc bếp núc.
Thelast
Với khí hậu, thổ ngơi phù hợp với tình hình lương thực thực phẩm nước ta, qua nhiều năm nghiên cứu thực hành phương pháp ăn uống dưỡng sinh chúng tôi đã vận dụng có kết quả hai chế độ ăn (hai bữa cơm): một dành cho người không bệnh để tăng cường sức khoẻ và một cho người bệnh để chữa trị như sau:

1. Bữa cơm của người bình thường

a) Thức ăn chính: chiếm 50 đến 60% toàn bữa ăn, gồm có: gạo lứt, muối mè (là chủ yếu) và các loại khác (ngô, khoai, sắn, đậu, kê, bo bo).

b ) Thức ăn phụ : 40 - 50% toàn bữa ăn gồm có: rau củ tại địa phương, nên thay đổi món ăn thường xuyên; 3-5% thịt cá hoặc rong biển; 5-10% trái cây. Ngoài ra, còn gia vị dầu, nước chấm, hành tỏi, tiêu, ớt v.v...

Những phân tích thành phần và tỷ lệ này chỉ có tính cách tương đối, vì mỗi loại thức ăn đều là "tổng thể" của những chất đó, hơn nữa, tỷ lệ này có thể thay đổi theo từng vùng, từng cá nhân. Chỉ có một khâu cần lưu ý là tránh các loại đồ ăn thức uống có hoá chất hoặc pha màu nhân tạo, vì những thứ đó gây biến ứng độc hại trong cơ thể, phát sinh bệnh tật.

2. Bữa cơm của người bệnh

Chữa bệnh bằng cách ăn uống hợp lý, lựa chọn thực phẩm dựa vào quân bình Âm Dương của cổ truyền kết hợp với cân đối tỷ lệ các chất dinh dưỡng cần thiết của hiện đại từ vận dụng thực tế dẫn đến kết quả cụ thể trên giường bệnh đã hình thành 3 thực đơn cho mỗi loại bệnh ở từng giai đoạn.

Thực đơn 1: - Dùng trong giai đoạn "Điều trị", giúp cho cơ thể trở lại trạng thái cân bằng. Thực đơn này có đặc tính điều hoà mau chóng, nên có thể dùng bất cứ bệnh nào.

Thức ăn chính:

- Gạo tẻ lứt 100%. Số lượng tuỳ theo mức tiêu thụ của mỗi người bệnh, nhưng không quá 400g/ngày, không bao giờ ăn no. Chế biến dưới dạng cháo, cơm, hoặc bánh... tuỳ theo trình độ kỹ thuật, tuyệt đối không pha hoá chất hoặc dầu mỡ.

- Muối vừng: tỷ lệ muối và vừng tuỳ trạng thái của người bệnh lúc đó, cụ thể và đơn giản là dựa vào phân lỏng hay bón mà gia giảm.

* Phân táo: 1g muối trộn với 10-12g vừng.

* Phân lỏng: 1g muối trộn với 5g vừng.

* Phân bình thường: 1g muối trộn với 6-7g vừng.

Mỗi ngày không quá 30-50g muối vừng.
Diệu Minh


Hạt gạo lứt đem gieo sẽ nảy mầm!!!!!!!!!!!!!!!

Bạn hãy nhớ cho là hạt gạo lứt thì chứa sự sống...





Hạt gạo lứt đỏ và hạt gạo lứt trắng, gạo lứt đỏ dương hơn gạo lứt trắng...
Diệu Minh
Diệu Minh
"Tục truyền, hàng năm cứ đến ngày mùng 2 tháng 6 âm lịch, thôn Viên, còn gọi là xóm Vườn, một làng mới thuộc xã Cổ Nhuế (Hà Nội) cùng với 3 thôn cũ là Hoàng, Trù, Đống cúng cơm gạo lứt với muối vừng theo đúng thói quyen của bà công chúa Túc Trinh, con gái thứ tư của vua Trần Thánh Tông (1258-1278) để tưởng nhớ bà, người đã hưởng ứng lời kêu gọi của vua cha đến những vùng này khai khẩn ruộng hoang."

Phải cho người đi điều tra và đưa đoàn của mình từ chùa Sủi lúc 4h chiều đi thẳng tới đó để thăm quan?
He he, ước mơ bao nhiêu năm nay mới có được cơ duyên sao?

Bắt đầu thấy thú vị và ly kỳ rồi đây?
Diệu Minh
Cô Trâm & Bác Thái có tài liệu chi tiết nội dung của tạp chí " Ying - Yang tháng 6 năm 1965" khi Ông OHSAWA nói rằng: "Việt Nam là quê hương của phương pháp ăn Dưỡng Sinh (Việt Nam, c,est le pays natal de Macrobiotique)" không ạ? Nếu có, Cô và Chú chia sẻ cho Con với ạ.

"...
Ông OHSAWA đã viết trong tạp chí Ying - Yang tháng 6 năm 1965: "Việt Nam là quê hương của phương pháp ăn Dưỡng Sinh (Việt Nam, c,est le pays natal de Macrobiotique).

Con gửi Chú tham khảo tài liệu quý báu về "GẠO LỨT & MUỐI VỪNG". Con kính chúc Chú cùng gia đình luôn An Lành.
>
> @Một số thông tin đặc biệt lưu ý:
>
> 1. Việt Nam là một trung tâm xuất hiện sớm nhất của nghề trồng lúa, trong cái nôi chung (bán đảo Đông Dương, Miến Điện,Thái Lan) khoảng 400.000 năm.
>
> 2. Ông Ohsawa đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần rằng:phương pháp ăn uống theo dịch lý Âm Dương, lấy ngũ cốc làm chính, đặc biệt là gạo lứt, muối vừng, không phải do ông phát minh mà chính đã có sẵn trong nền Đông y nguyên thuỷ từ trên 5000 năm rồi" và ông đã viết trong tạp chí Ying - Yang tháng 6 năm 1965: "Việt Nam là quê hương của phương pháp ăn Dưỡng Sinh (Việt Nam, c,est le pays natal de Macrobiotique). Hẳn là như thế (phần lịch sử đã đề cập) vì Việt Nam là cái nôi đầu tiên của cây lúa, để trả lời những ai muốn biết nguồn gốc của cách ăn này từ đâu.
>
> 3. Tục truyền, hàng năm cứ đến ngày mùng 2 tháng 6 âm lịch {hoangtd: cần xác minh lại là ngày 01/08 Âm Lịch hàng năm}, thôn Viên, còn gọi là xóm Vườn, một làng mới thuộc xã Cổ Nhuế (Hà Nội) cùng với 3 thôn cũ là Hoàng, Trù, Đống cúng cơm gạo lứt với muối vừng theo đúng thói quyen của bà công chúa Túc Trinh, con gái thứ tư của vua Trần Thánh Tông (1258-1278) {hoangtd: cần đến chùa Anh Linh, Cổ Nhuế xác minh lại Công Chúa Túc Trinh có phải là Thiên Trân công chúa [天珍公主; ? - 1309], lấy Uy Túc công Trần Văn Bích, con Văn Túc vương Trần Đạo Tái, cháu nội Trần Quang Khải. Là Con gái thứ tư của Vua Trần Nhân Tông?!} để tưởng nhớ bà, người đã hưởng ứng lời kêu gọi của vua cha đến những vùng này khai khẩn ruộng hoang.
>
> 4. Cần tìm hiểu thêm tài liệu thêm
> #Tình hình ăn GẠO LỨT MUỐI VỪNG trong thời TRẦN như thế nào?
> #Tình hình ăn GẠO LỨT MUỐI VỪNG trong lịch sử Việt Nam qua các thời kỳ & ở các dân tộc của Việt Nam như thế nào?

Email của bạn Hoàng!
Diệu Minh
Muốn biết cách ăn trong thiền viện ngày xưa và cách ăn chay đời Nhà Trần VN, xem sách VUI KHỎE ĐƯỜNG TU của Ngô Ánh Tuyết.
Diệu Minh
Trả lời Gạo lứt, khắc tinh của bệnh nan y: Gạo lứt nẩy mầm (một dạng giá) là Âm hơn gạo lứt nguyên thủy (hạt gạo bình thường); do đó, khi trị bệnh theo phương pháp Thực Dưỡng, dùng gạo lứt bình thường tốt hơn.
Đây là phiên bản "lo-fi" của nội dung trang chính. Để xem phiên bản đầy đủ với nhiều thông tin hơn , xin hãy nháy vào đây.
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.