Trợ giúp - Tìm kiếm - Thành viên - Lịch ghi nhớ
Phiên bản đầy đủ: Làm sao vào được Nhị Thiền ?
Thực Dưỡng > Thiền & Đạo Phật > Thiền là gì?
hien


Đạo hữu A : Tôi đã thấy Nimita và Tấm, Tứ Nimita để có Hỷ và Lạc sinh lên đã là vào Sơ Thiền chưa và làm thế nào để vào được Nhị Thiền ?

Đạo hữu B: Làm sao bạn có Nimita ?

Đạo hữu A: Tôi lấy đề mục hơi thở chú tâm vào hơi thở để đến khi sinh lên Nimita rồi nhấn tâm vào Nimita gọi là Tầm và Tứ nó.

Đạo hữu B: Vậy khi vào Nhị thiền bạn phải bỏ Tầm và Tứ Nimita đồng nghĩa với việc bạn phải bỏ Nimita vật thì đối tượng thiền là Nimita của bạn sẽ mất. Bạn làm sao đi tiếp được. Vì Tầm là tìm kiếm, Tứ là rà soát đối tượng. Nếu Tầm và Tứ nimita (quang tướng) rồi rời bỏ Tầm và Tứ thì đối tượng Nimita biến mất, ngay cả cái bạn gọi là ''Sơ thiền'' cũng biến mất lấy gì mà vào Nhị thiền. Vì Nhị Thiền phải thấy rõ cách sinh lên và diệt của 5 chi đầy đủ rồi mới loại dần từng chi từ Thô đến vi tế mới vào được Nhị thiền cho đến Tứ Thiền.

Cũng xin nói trong 36 đề mục thiền hữu sắc không có đề mục nào lấy Nimita làm đối tượng thiền vì nó thuộc về Tưởng. Đang là thiền Hữu Sắc thì không được lấy Tưởng ra làm đối tượng thiền cho dù nó được sinh lên trong quá trình thiền hữu sắc. Nimita là Tưởng sinh lên trong quá trình hình thành các chi thiền hay gọi là trong tiến trình thiền định nhưng chẳng có giá trị gì về pháp hành vì nó không phải là đích đến nhưng đối khi vài thiền sư lại khuyến khích thiền sinh tìm kiếm nimita (quang tướng) trong thiền. Do vậy khi nimita sinh lên thì thiền sinh nhầm tưởng đó là đối tượng thiền. Đồng thời một tâm chỉ bắt được 1 cảnh , dẫn đến điểm xúc chạm để nhận ra hơi thở bị mất, tức là đã đánh rơi đề mục thiền.

Đã gọi là đề mục thiền thì nhiềm vụ của nó là đi suốt chiều dài của Thiền để sinh lên đủ các chi thiền chính là các thành phần của Tâm Thiền Hữu Sắc là Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc , Nhất Tâm để thay thế cho 5 chi của Tâm Dục Giới là Tham, Sân, Hôn trầm-Thùy miên, Trạo cử-Hối quá và Nghi ngờ.

Đạo hữu A: Vậy là tôi đã thiền sai ?

Đạo hữu B: Đúng vậy. Nimita trong thiền chỉ được xác định là quang tướng trong tiến trình bạn hình thành các chi thiền và không rời bỏ đề mục hay đối tượng thiền. Một người không thiền nếu nhắm mắt (tất nhiên là anh ta cũng hít thở vào ra và chú tâm ở sống mũi hay ở đâu đó) cũng sinh ra hình ảnh hay quang tướng. Vì cái tâm rất vi tế, ẩn sâu tâm vi tế là sự ham muốn. Nó sẽ sinh lên quang tướng (Nimita) cho người đó. Nhưng người đó không được gọi là biết Thiền hay chứng thiền vì không Thấy và Biết rõ ràng 5 chi thiền sinh lên ra sao nên rơi vào Tâm Si (mê mờ) và bị chi phối bởi Tâm Tưởng (nimita)

Bây giờ chỉ cần điều chỉnh lại cho đúng thì anh sẽ đi đúng cũng rất nhanh. Anh nên nhớ hơi thở chỉ được nhận ra nhờ căn Xúc Chạm trên thân. Với thiền thì sự Xúc Chạm này xảy ra chỉ ở 1 điểm ngay từ khi 2 luồng hơi thở đi vào, ra qua 2 lỗ mũi chúng tạo ra vòng xoáy nhỏ giao nhau và cọ sát vào phía dưới 2 lỗ mũi và thân (gần nhân trung). Điểm này gọi là điểm Xúc Chạm. Mà cũng nhờ điểm này mà ta nhận biết hơi thở vào ra qua Điểm Xúc Chạm này. Quá trình tìm kiếm (Tầm) điểm xúc chạm này gọi là Tầm. Khi tìm ra gọi là đã biết cách làm cho chi thiền Tầm sinh lên trong tâm khi ngồi thiền.
Tất cả việc gọi là Thiền luôn luôn phải THẤY và BIẾt rõ ràng Ở ĐÂY và BÂY GIỜ. Bất cứ đối tượng nào sinh lên và mất đi trong thiền mà ta không làm chủ được nó, không thấy biết cách nó sinh lên và diệt đi thì KHÔNG BAO GIỜ được gọi là chứng thiền định vì anh không biết rõ các chi của nó gọi là SI hay mê mờ. Đã là Si thì không gọi là trí tuệ trong thiền định. Đức Phật nói không Định nào mà không có Tuệ. Trí Tuệ trong Định hữu sắc chính là Thấy và Biết rõ các chi thiền sinh lên và diệt ra sao để có thể Nhập Định như ý muốn để có thể HIỆN TẠI LẠC TRÚ bất cứ khi nào.

Đạo hữu A: Nhưng tại sao lúc trước anh bảo Nhất Tâm là Xả cũng là Định ?

Đạo hữu B: Thiền nào cũng có chi Xả nhưng chỉ khác về cách gọi. Ví dụ như Xả trong Từ, Bi, Hỷ, Xả khác với Xả trong Thiền Định lại cũng khác với Xả của Thất Giác Chi (7 chi thiềnTuệ). Tương tư trong Sơ thiền Xả cũng khác với Xả của Nhị Thiền và Tam thiền cũng như Tứ Thiền. Không biết cách trú Xả thì không thể chứng thiền Định cho nên gọi là Định cũng là lúc Xả được sinh lên và hoàn tất. Gọi là Xả bởi vì khi ở Sơ Thiền hành giả không an trú trên một chi thiền cố định nào mà duy trì đầy đủ cả sự có mặt của 5 chi thiền và không bám vào chi nào nên gọi là tâm Xả hay chi Xả trong thiền. Cách hiểu khác nữa là không tạo thêm chi nào khác nữa nên gọi là Xả. Một tâm Xả duy nhất duy trì đều đặn sự có mặt của các chi gọi là Nhất tâm, lúc này hành giả được gọi là vào Định hay nhập Định

Đạo hữu A: Tôi sẽ suy nghĩ lại lời đạo hữu nói.

Đạo hữu B: Đúng vậy. Khi nghe tôi nói mới chỉ là giai đoạn Văn. Còn Tư và Tu của đạo hữu nữa. Khi nào đạo hữu Tư và Tu có kết quả thì đạo hữu tự thấy, tự biết cái nào đúng cái nào sai. Pháp cao thượng sẽ tự động loại trừ pháp hạ liệt (pháp sai, lầm lạc) .

Đạo hữu A: Đạo hữu mỡi nói đến chi Tầm. Còn chi Tứ , Hỷ, Lạc, Nhất Tâm sinh lên bằng cách nào ?

Đạo hữu B: Hôm nay tạm thế đã, để một dịp khác, tùy duyên đạo hữu nhé. Chúc đạo hữu luôn tinh tấn, an lạc.
hien
Đạo hữu A: Chào anh

Đạo hữu B: Đạo hữu khỏe không ? Thực hành đến đầu rồi

Đạo hữu A: Hôm trước em quên hỏi anh là khi thực hành Minh Sát , em đến quán Pháp rồi có đúng không ?

Đạo hữu B: Thiền nào cũng có đối tượng thiền nên việc xác định đúng đối tượng thiền thì mới sinh ra các chi thiền. Còn xác định sai thì rơi vào Tưởng gọi là thiền Tưởng. Nếu là thiền định thì gọi là Định Tưởng, nếu là thiền Tuệ thì gọi là Tuệ Tưởng. Vì nền tảng của nó là đối tượng thiền, nếu không THẤY và BIẾT rõ ràng thì bị mê mờ nên gọi là Si.

TẦM trong thiền định là tìm đề mục hay đối tượng thiền cố định, cụ thể là của hơi thở với thân. Nhưng đạo hữu mù mờ về điểm xúc chạm rồi lại bám vào Nimita sinh lên mà bỏ rơi điểm xúc chạm nên mất đề mục thiền.

Cũng vậy trong thiền Minh Sát (thiền Tuệ) điểm xúc chạm vẫn THẤY và BIẾT rõ ràng bằng sự xúc chạm của Thân với Hơi Thở. Nhưng lúc này thay vì phải neo 6 căn (an trú) vào điểm xúc chạm thì để 6 căn tự do gọi là rời khỏi Định. Sau đó bất cứ đối tượng nào nổi bật xuất hiện qua 6 căn thì Tâm sẽ tự động chộp lấy. Khi Tâm chộp lấy thì đạo hữu chỉ việc ghi nhận (niệm-sati) đối tượng đó thuộc về Thân, Thọ, Tâm, hay Pháp. Cụ thể là khi đạo hữu nghe thấy âm thanh còi xe lúc đó vọng tới, do nó nổi bật lúc đó thì ghi nhận trong tâm là nghe, nghe, nghe. Sau đó có ý nghĩ đến tiếp theo thì ghi nhận nghĩ ,nghĩ, nghĩ. Đây là quá trình hình thành 7 chi thiền trong thiền Tuệ còn gọi là Thất Giác Chi. Khi nào Thất Giác Chi hoàn thành thì gọi là hoàn thành xong thiền Tuệ Hiệp Thế với các đối tượng Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Sau khi 7 giác chi hình thành thì sang bước 2 là giai đoạn Thiền Tuệ Siêu Thế để đi vào Thánh đạo với 3 đối tượng thiền siêu thế là Vô Thường, Khổ và Vô Ngã. Chỉ với 3 đối tượng thiền siêu thế này mới cho Tâm Siêu Thế (Tâm Giải Thoát) hay Thánh Quả Phật giáo. Thiền với 3 đối tượng siêu thế gọi là Thánh Đạo. Kết quả của nó gọi là Thánh Quả. Nhưng thiền siêu thế chỉ có được khi xuất phát bằng 7 chi thiền đã có trong thiền Tuệ Hiệp Thế, ngoài ra thì không thể.

Như vậy thiền định thì đề mục cố định như người ngắm bắn mục tiêu cố định. Còn thiền tuệ giống như người ngắm bắn mục tiêu di động. Cho nên mới gọi Định trong thiền Tuệ là loại định trong từng Sát-Na. Tức là Định trong khi cảnh chuyển hay đối tượng thay đổi. Nói điều này để cho thấy một người chưa biết Tầm đề mục hay đối tượng thiền cố định thì không thể nào Tầm hay xác định đối tượng thiền thay đổi mà cụ thể trong thiền Tuệ là các cảnh sinh qua 6 căn khi cọ sát với 6 trần.

Vài trò của Tầm và Tứ cực kỳ quan trọng. Đặc biệt là trong thiền Định. Tâm và Tứ có tác dụng huấn luyện tâm, rèn cho tâm có thói quen xá định đối tượng mọt cách chính xác ngay từ nhưng bước đi đầu tiên trên cánh cửa từ Tâm Dục Giới bước vào Tâm Sắc Giới và sau này là bước vào Tâm Siêu Thế với các đối tượng vi tế hơn rất nhiều Sinh-Diệt (vô thường), Bức Bách (khổ), Không cốt lõi (vô ngã) bằng trí Tuệ THẤY và BIẾT như thật chứ không phải qua lý thuyết.

Đạo hữu A: Tôi cũng đi học thiền và có thiền sư chỉ dạy.

Đạo hữu B: Nếu anh có thiền sư chỉ dạy đàng hoàng thì những cái căn bản nhất họ phải chỉ dẫn cho anh. Ở đây có thể xảy ra 3 trường hợp: 1. Anh là học trò không nghiêm túc. 2. Thiền sư không hướng dấn cẩn thận cho thiền sinh. 3. Thiền sư chưa rõ pháp hành.

Cho nên khi nào anh chứng pháp Thành quả Dự Lưu với tâm Siêu thế thì anh sẽ hiểu ai chỉ dẫn cho anh đúng cách hành thiền để đi đến pháp thành thì mới được gọi là thiền sư chứ không phải danh định của thế gian. Giống như võ sư luyện thân, thiền sư thì luyện tâm. Gắn cho bao nhiêu mác võ sư nhưng khi không biết đánh đấm gì thì cũng khổ. Thiền sư cũng vậy. Thiền sư thật sự sẽ đào tạo ra thiền sinh thật sự. Không có thiền sư thật sự thì cũng không có thiền sinh thật sự, chỉ có cái gọi là mác là thiền sinh, thiền sư thôi.

Khi nào anh chứng quả Dự Lưu thì cho dù còn 7 kiếp tái sinh nữa anh cũng ko cần hỏi ai pháp cả để hoàn thành nốt các kiếp còn lại trong Thánh Đạo và Thánh Quả. Người chứng Dư Lưu là thầy của tất cả các bậc phàm tăng cho dù họ mặc áo thượng tọa, hòa thượng hay thiền sư, tôi xin nhấn mạnh là ''mặc áo'' tức là danh định của thế gian chứ ko có công phu tu hành thật sư.

Cho nên mới có câu: Y kinh giảng nghĩa oan ba đời chư Phật. Lìa kinh một chữ đồng ma thuyết.

Y kinh giảng nghĩa oan ba đời chư Phật: Ba đời chư Phật (quá khứ, hiện tại, tương lai) luôn thuyết pháp theo duyên khởi, tức là theo đối tượng đến học và hỏi pháp ở ngay thời điểm đó và theo căn cơ người hỏi. Nó là phương tiện, là ngón tay chứ không phải là mặt trăng. Như vậy muốn cố sức giảng kinh thì phải thấy cái Duyên Khởi của việc tại sao kinh ra đời, vì nhân duyên và mục đích gì và cho ai lúc đó. Nếu không hiểu cứ nói là kinh thế này, nói thế khác là biến kinh thành mặt trăng là oan cho chư Phật.

Lìa kinh một chữ đồng ma thuyết: Câu này dành cho người hành thiền. Không ai có thể đọc hết 84 ngàn kinh điển thì tại sao lìa kinh một chữ đồng ma thuyết ? Bời vì khi hành thiền thì cái THẤY và BIẾT của anh không còn là cái thấy biết bằng Tưởng Tri (Văn) mà đã là cái thấy biết bằng Tư và Tu. Tức là có Thắng tri trong đó. Đức Phật thuyết ra kinh cũng do Thắng tri các pháp thông qua Thiền. Như vậy người hành thiền cho dù không Thắng tri rổt ráo như một vị Phật nhưng có có thể Thắng tri từng phần cho đến toàn phần khi đạt tới đạo quả. Đó là lý do một vị Thánh Dự Lưu không còn đi hỏi pháp từ ai nữa (chỉ hỏi các bậc Thánh cao hơn) cho dù học không đọc kinh sách gì nữa thì cũng không lìa kinh một chữ. Tức là mọi thuyết giảng của họ nếu đem kinh điển ra đối chiếu thì thấy không khác.

Đạo hữu A: Anh có điện thoại kìa.

Đạo hữu B: Xin lỗi tôi trả lời điện thoại nhé.

--------------------------

Đạo hữu B: Tôi có việc đột xuất, hẹn đạo hữu hôm khác nhé.

Đạo hữu A: Hôm nào thì có thể gặp anh.

Đạo hữu B: Theo lịch công tác thì qua đến hết năm mới rảnh. Tức là qua vài tháng nữa vì bây giờ là cuối năm rồi. Thôi biết thế. Tùy duyên nhé !

Đạo hữu A: Anh cho em vài lời khuyên trước khi chia tay

Đạo hữu B:
Người học đạo luôn cần có 2 phẩm chất đó là Sự Khiêm Cung và Lòng Tri Ân. Sự Khiêm Cung là Khiêm Tốn và Cung Kính. Lòng Tri Ân là sự biết ơn và tôn trọng đến mọi đối tượng trên con đường mình đi. Sự Khiêm Tốn chính là cốc nước trống rỗng mà ta có thể chứ nước rót từ người khác. Sự Cung Kính giúp ta tránh được nhưng nghiệp báo xấu do tâm chấp thủ và coi thường hay khinh mạn người khác gây ra. Vì chấp thủ vào hệ quy chiếu xây đắp trong tâm nên ai đó khác với hệ quy chiếu thì ta mạt sát người đó. Thật ra là ta đang bị cái Nghiệp quá khứ chi phối và khi đụng cảnh trái ý là nó tạo tác nghiệp chống chất thêm mà thôi. Học đạo dù có bao nhiêu năm chỉ thêm phiền não vi tế tích tụ. Loại này tạo bất thiện nghiệp rất sâu dày gọi là phiền não ngủ ngầm. Vì thế có khi không học đạo mà làm người tử tế thì còn tốt hơn. Còn lòng Tri Ân giúp cho ta phát triển tâm Từ, Bi, Hỷ, Xả. Cho dù đối tượng có trái ý mình bao nhiêu đi chăng nữa nhưng mình cũng không làm tổn thương họ. Do có động cơ là Lòng Tri Ân nên người đó thấy có mình trong họ, thấy có người thân mình trong họ, thấy chúng sinh trong 3 đời có trong họ. Nhân bất thập toàn. Làm người thì khó mười phần vẹn mười. Nếu ai đó Tưởng tri là họ hỏng đến 9 phần rồi. Nhưng chỉ có 1 phần họ chỉ ra cho mình con đường làm khô kiệt biển luân hồi, con đường giải thoát khổ thì họ cũng là Thánh nhân với mình rồi.

Vì anh muốn có lời khuyên thì tôi mới nó như vậy không phải cho tôi mà là cho anh. Vì có thể do duyên tôi bận bịu mà không gặp lại anh nữa thì anh sẽ tiếp tục đi trên con đường của mình nhưng luôn nhớ 2 thứ quý báu cần phải có trong anh là sự Khiêm Cung và lòng Tri Ân, anh sẽ gặp được các thiện tri thức khác chỉ bảo cho anh đi tiếp trên con đường mà ta tưởng như bất tận này. Chúc anh tinh tấn và an lạc.

Đây là phiên bản "lo-fi" của nội dung trang chính. Để xem phiên bản đầy đủ với nhiều thông tin hơn , xin hãy nháy vào đây.
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.