Trợ giúp - Tìm kiếm - Thành viên - Lịch ghi nhớ
Phiên bản đầy đủ: Thực phẩm biến đổi gen - hiểm họa tiềm tàng
Thực Dưỡng > Nguyên lý Thực Dưỡng > Thức ăn ngộ độc
AntonDai
Thực phẩm biến đổi gen - hiểm họa tiềm tàng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trung Quốc đã cấp giấy phép an toàn thực phẩm cho 2 loại lúa biến đổi gen. Hành động này đang vấp phải làn sóng phản đối lớn trong dư luận.

Trước những mối nguy hại thấy rõ của thực phẩm biến đổi gen, các nhà phân tích đã kêu gọi Trung Quốc bãi bỏ giấy phép này để đảm bảo an sinh lương thực và an toàn xã hội.
Về cơ bản, biến đổi gen dựa trên nguyên lý phát triển tự nhiên. Trong thiên nhiên, các loài động vật, thực vật thường xảy ra những xung đột trong tế bào để tạo ra 1 tế bào mới có tính năng vượt trội và thích nghi với môi trường. Hay các loài cùng họ cùng dòng lai tạo với nhau để cho ra 1 loại mới có tính năng ưu việt hơn. Các hoạt động này diễn ra 1 thời gian dài thích nghi với môi trường sống chính vì vậy nó an toàn. Khi loài mới xuất hiện sẽ không có hiện tượng bài trừ, tiêu diệt lẫn nhau trong cùng 1 cá thể.

Tuy nhiên, các hoạt động gây ra đột biến gen do con người tạo ra là hành động cưỡng bức các loài không cùng họ, không cùng dòng kết hợp với nhau. Những nghiên cứu khoa học này diễn ra trong thời gian không dài khiến cho các tế bào chưa được thích nghi với việc chung sống dưới 1 cá thể và chúng xuất hiện các phản ứng tự nhiên như bài trừ, tiêu diệt nhau. Hơn thế nữa, các cá thể đột biến sau 1 thời gian sinh sống trong môi trường tự nhiên sẽ nảy sinh những vấn đề phức tạp mà các nhà khoa học có thể chưa lường trước được.

Chính vì những lý do đó mà nhiều nước đã ngăn cấm việc phát triển các loại thực vật nhân tạo trên quy mô lớn.

Những mối nguy hiểm do thực vật đột biến gen gây ra

Mối nguy hiểm thứ nhất chính là sự xung đột trong các tế bào bị đột biến. Khi một loài mới được sinh ra bằng phương pháp gây đột biến, chúng sẽ không trải qua quá trình thay đổi dần dần để thích nghi với môi trường chung sống. Chính vì vậy, chúng sẽ gây nên chuỗi phản ứng bài trừ tiêu diệt lẫn nhau và rất có thể nguy hiểm cho người, vật khi sử dụng.

Năm 1998, một giáo sư chuyên nghiên cứu về công nghệ gen hàng đầu nước Anh là Arpad Pusztai đã công bố kết quả nghiên cứu của mình. Nghiên cứu của ông chỉ ra rằng loài chuột bạch sau 1 thời gian dài sử dụng khoai tây đột biến gen sẽ có đầu nhỏ hơn các loài chuột thông thường. Gan, tim, thận và hệ thống miễn dịch sẽ bị tổn hại.

Một báo cáo của viện khoa học quốc gia Mỹ cho biết, lợn ăn ngô biến đổi gen ở nông trại miền Trung, miền Tây nước Mỹ có tình trạng mang thai giả hoặc bị vô sinh. Gà ăn thức ăn từ thực phẩm biến đổi gen có tỷ lệ chết cao gấp đôi những con gà ăn bằng thức ăn tự nhiên. Ngay tại Trung Quốc, giống ngô đột biến “tiên ngọc 335” được chứng minh là nguyên nhân dẫn đến sự biến mất của loài chuột đồng.

Tại thị trường Anh, người ta đã chứng minh được việc gia tăng 50% bệnh dị ứng là do ăn đậu tương đột biến gen. Tháng 5/2009, Hội Y học Môi trường và Khoa học Mỹ (AAEM) cho biết: “Một số nghiên cứu về động vật cho thấy ăn thực phẩm biến đổi gen có rủi ro lớn đối với sức khỏe” như gây vô sinh, giảm miễn dịch, đẩy nhanh tốc độ lão hóa.

Bên cạnh đó, khi các sản phẩm đột biến gen được sản xuất đại trà, chúng sẽ gây ra nguy hiểm cho an sinh lương thực. Do sự bất ổn trong cá thể đột biến, các nhà sáng chế đã phát minh ra loại thuốc tự động tiêu diệt phôi giống nhằm ngăn chặn việc lưu giữ những giống biến đổi gen này. Với cách làm này, người dân phải mua giống hàng năm làm tăng lợi nhuận cho các công ty độc quyền. Bên cạnh đó, họ còn phải mua các loại thuốc trừ sâu đặc biệt dành cho các loại cây đột biến. Người dân không tự chủ được nguồn cung vì đa số công nghệ nằm trong tay các công ty độc quyền.

Năm 1990, Argentina đã phát triển cục bộ loại đậu tương biến đổi gen. Cho đến nay, nước này đã mất tự chủ trong việc tự cung tự cấp loại cây này, dẫn đến giá các loại hạt giống tăng từ 2 đến 4 lần so với giá gốc. Theo báo cáo của tổ chức Hòa bình Xanh Quốc tế: 8 loại lúa nước biến đổi gen xin phép thương mại hóa và đang nghiên cứu phát triển ở Trung Quốc không có loại nào Trung Quốc có bản quyền tác giả tự chủ, độc lập.

Một mối nguy hiểm khác khiến các chuyên gia lo ngại là khả năng làm ô nhiễm nguồn gen tự nhiên ảnh hưởng đến sinh thái. Cũng như tất cả các cây trồng tự nhiên, các sản phẩm đột biến cũng có quá trình sinh trưởng, thụ phấn. Trong quá trình này, các gen đột biến có thể sẽ lây lan sang các loài thực vật tự nhiên khác bằng con đường phát tán của gió hay côn trùng. Điều này dẫn đến việc làm ô nhiễm nguồn gen tự nhiên. Hệ lụy tất yếu sẽ dẫn tới là khủng hoảng sinh thái. Các gen có nguồn gốc bên ngoài được cấy vào cây trồng biến đổi gen có thể tiếp tục di chuyển sang cây trồng tự nhiên cùng loài, làm ô nhiễm gen đối với các loại giống cây trồng phi biến đổi gen và tài nguyên cây trồng phong phú.

Năm 2001, thế giới đã chứng kiến sự kiện ô nhiễm gen ngô Mexico; năm 2006 là sự kiện cá hồi biến đổi gen thoát ra ngoài tự nhiên và bọ xít mù bùng phát trên bông biến đổi gen ở Trung Quốc…

Do các tác hại nghiêm trọng của việc nuôi trồng thực vật, động vật có đột biến gen nên Mỹ đã ra luật ngăn cấm phát triển các loài thực vật đột biến gen trên các thực phẩm chính. Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản luôn nói không với thực phẩm biến đổi gen. Hàn Quốc cũng kiên quyết từ chối nhập khẩu sản phẩm biến đổi gen. Để đảm bảo an sinh lương thực, Ấn Độ kiên quyết nói không với các giống gạo đột biến gen, cho dù đây là nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới.
Depad
Nông sản Trung Quốc ngập chợ Việt: Hô biến thành hàng nội

Hơn 16 giờ, dù chưa bước vào giờ cao điểm nhưng ở khu vực chợ Hòa Đình không khí buôn bán đã tấp nập. Dọc các tuyến phố lân cận như Nguyễn Văn Cừ, Lý Anh Tông, Nguyễn Cao, từng đoàn xe tải, container chất đầy hàng nông sản ra vào chật cứng. Hàng ngàn bao tải chật ních, đủ các loại khoai tây, cà rốt, bí, hành tây, tỏi xếp đầy trong kho, các chủ hàng còn để tràn cả ra ngoài lòng đường đợi mối hàng đánh đi tiêu thụ.

Càng về đêm, khung cảnh buôn bán ở phố nông sản này càng nhộn nhịp, sầm uất. Từ 21 giờ đến 0 giờ, hàng chục xe tải đủ cỡ lớn nhỏ từ 2 tấn đến 30 tấn, xe máy của các lái buôn biển số ở khắp nơi như Hải Dương, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Nam Định... thậm chí cả Thanh Hóa, Nghệ An cũng nườm nượp vào phố, nằm dài chờ đến lượt bốc hàng.

Đến khoảng 1- 2 giờ sáng, sau khi đã chất đầy ních thùng chứa, hầu hết các xe hàng đều rời bến. Đây cũng là thời điểm nông sản được các lái buôn phân phối cho tiểu thương ở chợ đầu mối và theo xe về các tỉnh khác.

Hàng nguyên tem xếp chồng la liệt

Ghi nhận tại các chợ đầu mối Long Biên, chợ Dịch Vọng... (Hà Nội), mỗi đêm có hàng chục xe tải chở đủ loại nông sản được các lái buôn nhập ồ ạt từ “trạm trung chuyển” về chợ. Nhiều tiểu thương khác còn đánh xe sang tận Bắc Ninh nhập hàng. Theo chị Hà, chủ quầy trong chợ đầu mối Long Biên, sở dĩ như vậy là vì nhập hàng tại “đầu nậu” rẻ được 2-3 giá, mặc dù đã trừ cả chi phí vận chuyển từ Bắc Ninh về mất hơn 30 km nhưng tính ra vẫn thu được lãi nhiều hơn. Tại các sạp hàng nông sản trong chợ, khoai tây, gừng, tỏi, hành tây, cà rốt... còn nguyên tem nhãn in chữ Trung Quốc xếp chồng la liệt.

Nông sản Trung Quốc được các tiểu thương ở chợ đầu mối nhập về ồ ạt với số lượng lớn vì giá nhập rẻ, chỉ cần đội lên thêm 2-3 giá, tính cả cước vận chuyển 30 km từ Bắc Ninh về chợ đầu mối Long Biên vẫn thu lãi 2 triệu/tấn. Đặc biệt, mức giá này vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với hàng nông sản trong nước cùng loại nên được người dân tiêu thụ mạnh.

Nông sản Trung Quốc được người tiêu dùng ưa chuộng không chỉ nhờ giá rẻ mà còn do mẫu mã đẹp. Theo bà Đặng Thúy Ngọc Anh, cán bộ phụ trách ngành hàng rau, củ, quả ở chợ đầu mối Long Biên, chỉ cần quan sát bằng mắt cũng phân biệt giữa hàng nông sản Trung quốc và hàng nội. Nông sản Trung Quốc bao giờ cũng có kích thước lớn hơn so với nông sản trong nước cùng loại, vỏ căng tròn mỡ màng, màu sắc rất đẹp, đặc biệt là gừng, tỏi, cà rốt...

Gừng Trung Quốc có màu trắng pha vàng nhạt đặc trưng, lớp vỏ nhẵn nhụi, căng mọng, củ to, đều, ít nốt sần sùi. Gừng nội có lớp vỏ xỉn màu, nhiều rễ và nốt sần sùi, bẻ đôi củ sẽ thấy có đường gân bên trong. Tương tự, tỏi Trung Quốc tròn, to, mỡ màng, dễ bóc; còn tỏi bắc vẻ ngoài xấu xí, các tép tỏi nhỏ, khó bóc vỏ nhưng mùi thơm ăn đứt tỏi Trung Quốc. Hành tây Trung Quốc củ to, bóng, tròn và kích cỡ to đều. Hành tây trong nước củ nhỏ, vỏ sần sùi...

Xóa nhãn mác

Tại trạm trung chuyển ở Bắc Ninh và các chợ đầu mối, nông sản Trung Quốc vẫn còn nguyên tem mác, công khai xuất xứ. Tuy nhiên khi được đưa về các chợ lẻ, quầy buôn ở chợ cóc thì đã được các tiểu thương hô biến thành hàng Việt.

Khảo sát tại các chợ Nghĩa Tân, chợ Đồng Xa (Q.Cầu Giấy), chợ Thành Công... hầu hết các mặt hàng nông sản bày bán trên sạp đều mập mờ nguồn gốc. Khi hỏi chủ hàng tên Hằng ở chợ Nghĩa Tân nhận ngay được câu trả lời: “Làm gì có hàng Tàu, tỏi nhập ở Hải Dương, Sơn La; khoai tây ở Bắc Giang, Hải Dương... về bán hết chứ”. Anh Tâm, lái buôn chuyên đổ hàng rau củ từ chợ đầu mối về chợ lẻ cho biết, thời điểm này phải có 80-90% khoai tây, tỏi, hành tây... bán ở chợ lẻ là hàng Trung Quốc nhưng tiểu thương ở các sạp hàng đều khẳng định với người mua là nông sản nội địa.

Về giá cả, so với chợ đầu mối, tại các chợ lẻ này, nông sản Trung Quốc lại tiếp tục được các tiểu thương “đội” từ 2-3 giá/kg để thu lợi.

Thông tin phát hiện một số mẫu khoai tây Trung Quốc có dư lượng chất bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép; gừng Trung Quốc bị nhiễm aldicard - một loại thuốc trừ sâu cực độc; hành, tỏi Trung Quốc chứa các hóa chất độc hại... được đăng tải trên báo chí gần đây khiến người dân quan tâm hơn đến nông sản trong nước. Tuy nhiên không ít người đã mua nhầm nông sản Trung Quốc mà vẫn đinh ninh là mua hàng trong nước. Cũng không ít người mua hàng chỉ quan tâm đến giá rẻ chứ không bận tâm lắm về xuất xứ hàng hóa, hoặc vì “tiện đâu mua đấy”.

Đại diện nhiều siêu thị đều khẳng định không kinh doanh các mặt hàng nông sản Trung Quốc. Nông sản chủ yếu được bày bán ở các siêu thị là hàng trong nước. Tuy nhiên giá nông sản trong nước khá cao, nhiều loại hay “đứt hàng” khiến không nhiều người tiêu dùng chọn mua.

Tràn ngập chợ đầu mối ở TP.HCM

9 giờ 30 đêm 12.8, cả trăm xe tải lớn nhỏ chở đầy nông sản Trung Quốc đã nằm xếp hàng tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức (TP.HCM), tràn cả ra gần quốc lộ. Các xe tải nhỏ biển số các tỉnh lên “ăn” hàng sớm được bốc xếp đủ loại trái cây, gia vị Trung Quốc chờ xuất bến, tỏa đi khắp nơi. Các thùng xốp ghi chữ Trung Quốc đựng đầy nho, táo, lê, lựu... dưới ánh đèn điện trông rất bắt mắt.

Bà Nguyễn Thanh Hà, Phó giám đốc chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, cho biết tổng lượng rau củ về chợ đêm 12.8 là 1.600 tấn, trong đó nông sản Trung Quốc là 260 tấn. Cùng mặt hàng nhưng giá nông sản Trung Quốc rẻ hơn nông sản trong nước rất nhiều. Cụ thể, khoai tây Đà Lạt (khoai hồng) 32.000 đồng/kg, khoai tây vàng 30.000 đồng/kg trong khi khoai tây Trung Quốc (khoai hồng) chỉ 17.000 đồng/kg, khoai vàng 12.000 đồng/kg; cà rốt Đà Lạt 18.000 đồng/kg, cà rốt Trung Quốc 11.000 đồng/kg...

Hoàng Việt

Theo Nguyễn Tuấn

Đây là phiên bản "lo-fi" của nội dung trang chính. Để xem phiên bản đầy đủ với nhiều thông tin hơn , xin hãy nháy vào đây.
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.