Trợ giúp - Tìm kiếm - Thành viên - Lịch ghi nhớ
Phiên bản đầy đủ: SƠ THIỀN DƯỚI HAI CÂY
Thực Dưỡng > Thiền & Đạo Phật > Đạo phật ứng dụng
KinhThanh
SƠ THIỀN DƯỚI HAI CÂY

(Trưởng Lão Thích Thông Lạc, Trích Đạo Phật Có Đường Lối Riêng, TG 2010)

Nguồn: Sách: http://www.nguyenthuychonnhu.net/index.php...coduongloirieng

A.- SƠ THIỀN DƯỚI CÂY HỒNG TÁO (Đạo Phật Có ĐLR, tr.65-69)

Lúc bấy giờ đức Phật còn bé theo vua cha đi dự lễ hạ điền. Theo phong tục ngày xưa lễ hạ điền là buổi lễ tổ chức rất long trọng do nhà vua và nhân dân tổ chức để nhà vua là người xuống ruộng cày đầu tiên, khiến cho một năm mưa thuận gió hòa. Lúc bấy giờ đức Phật ngồi dưới cây hồng táo để tránh nắng, nhưng lại tu tập ly dục ly ác pháp để nhập Sơ Thiền.

Sơ thiền này chắc chắn là Sơ thiền của ngoại đạo, vì lúc bấy giờ đức Phật còn là một cháu bé ngây thơ chỉ bắt chước người lớn như vua cha và các quan trong triều được lục sư ngoại đạo dạy tu tập bốn thiền.

Do tư duy điều này chín chắn nên chúng tôi xác định bốn thiền này của ngoại đạo, vì lúc bấy giờ đức Phật chưa tu chứng đạo vì thế không thể gọi Bốn Thiền này là của đạo Phật. Bốn thiền này là của Lục sư trong thời đức Phật, xin quý vị phật tử cần lưu ý và quan tâm đến những điểm sai khác nhau trong bốn thiền này của ngoại đạo và của Phật giáo mà chúng tôi chỉ rõ để quý vị hiểu biết tường tận pháp nào đúng và pháp nào sai, pháp nào của Phật giáo và pháp nào của ngoại đạo.

Những học giả nghiên cứu đọc đến đoạn kinh này thì phải xem xét cho kỹ thì Sơ thiền của ngoại đạo và Sơ thiền của đức Phật là hai pháp môn chớ không phải một pháp môn, đừng nghe tên Sơ Thiền thì cho cả hai pháp này là một.

Sơ Thiền của ngoại đạo cũng bảo ly dục ly ác pháp mới nhập Sơ thiền và Sơ thiền của Phật giáo cũng bảo như vậy, nhưng ly dục ly ác pháp có nhiều cách. Sơ thiền của ngoại đạo ly dục ly bất thiện pháp bằng cách tu tập ức chế ý thức không cho ý thức khởi niệm. Khi ý thức không khởi niệm thì cho đó là nhập Sơ Thiền. Ðó là một sự sai khác về cách thức tu tập không giống nhau chút nào cả.

Sơ thiền của Phật tu tập cũng gọi ly dục ly bất thiện pháp, nhưng cách thức ly dục ly bất thiện pháp không giống như Sơ Thiền của ngoại đạo. Bởi ly dục ly bất thiện pháp của Phật là phải bắt đầu sống đúng giới luật của Phật đã dạy, nếu giới luật chưa sống đúng thì dù tu như thế nào cũng không ly dục ly bất thiện pháp.

Cho nên người ta không hiểu biết vì không ai hướng dẫn chỉ dạy những sự sai khác trong tu tập Sơ Thiền của Phật giáo và của ngoại đạo. Người ta đâu hiểu rằng Sơ thiền của Phật và Sơ thiền của ngoại đạo là hai pháp môn và cách thức tu tập cũng khác xa như chúng tôi đã nói ở trên.

Bắt đầu tu tập Sơ Thiền của Phật giáo là phải sống đúng giới luật. Khi sống đúng giới luật là đã ly dục ly ác pháp phần thô. Khi muốn dục và ác pháp phần thô ly thì giới luật phải sống nghiêm chỉnh, còn giới luật chưa sống đúng nghiêm chỉnh thì dục và ác pháp thô chưa ly. Dục và ác pháp thô chưa ly thì dù tu pháp môn nào cũng bị ức chế ý thức hết. Chính chỗ này là điều quan trọng mà quý vị phật tử cần nên lưu ý, nếu không lưu ý những điều quan trọng này dù quý vị có ham tu cũng chỉ uổng công mà thôi.

Như chúng tôi đã nói: Muốn ly dục ly bất thiện pháp thì quý vị nên lấy giới luật làm pháp đầu tiên, rồi kế đó mới tu tập pháp môn TỨ CHÁNH CẦN, ngăn ác diệt ác pháp sinh thiện tăng trưởng pháp. Ðây là pháp thứ hai trong khi tu tập ly dục ly bất thiện và như vậy Sơ Thiền của ngoại không có pháp môn này, có đúng như vậy không thưa quý vị?

Khi tu tập pháp môn TỨ CHÁNH CẦN, do ngăn ác và diệt các ác pháp nên tâm bất động, thanh thản an lạc và vô sự, vì thế tâm luôn luôn bám trên TỨ NIỆM XỨ. Tu tập ngăn ác và diệt các ác pháp như vầy để nhập Sơ Thiền, ngoại đạo cũng không có. Như vậy chúng ta thấy Sơ Thiền của ngoại đạo và Sơ Thiền của Phật không giống nhau quá rõ ràng.

Khi tâm bám trên TỨ NIỆM XỨ bảy ngày đêm thì tâm có đủ đạo lực. Ðạo lực đó gọi là TỨ THẦN TÚC, Tứ Thần Túc gồm có:

1- Tinh Tấn Như Ý Túc.

2- Ðịnh Như Ý Túc.

3- Tuệ Như Ý Túc.

4- Dục Như Ý Túc.

Tu tập đến đây hành giả có Ðịnh Như Ý Túc thì mới nhập được Bốn Thiền của Phật giáo. Và như vậy Bốn Thiền của Phật giáo và Bốn Thiền của ngoại đạo không giống nhau chút nào cả. Thiền của ngoại đạo muốn nhập không cần Ðịnh Như Ý Túc, vì pháp tu tập của ngoại đạo không có Ðịnh Như Ý Túc mà chỉ có một pháp duy nhất là ức chế ý thức làm cho ý thức không khởi niệm rồi bảo đó là ly dục ly ác pháp.

Bây giờ quý vị đã hiểu Sơ Thiền của đạo Phật và Sơ Thiền của ngoại đạo, tên thì giống nhau nhưng pháp tu tập để nhập vào Bốn Thiền thì khác nhau một trời một vực.

Cho nên đức Phật ngồi dưới cây hồng táo tu tập Sơ Thiền, đó là Sơ Thiền của ngoại đạo, còn đức Phật tu tập Sơ Thiền dưới cội bồ đề là Sơ Thiền của đạo Phật, vì Sơ Thiền dưới cội bồ đề là do đức Phật truy tìm pháp môn tu tập để nhập được Sơ Thiền. Vì lý do này chúng tôi mới nói rằng: “ÐẠO PHẬT CÓ ÐƯỜNG LỐI TU TẬP RIÊNG, KHÔNG BỊ ẢNH HƯỞNG DÙ BẤT CỨ MỘT PHÁP MÔN NÀO CỦA NGOẠI ÐẠO”.

B..- SƠ THIỀN DƯỚI CỘI CÂY BỒ ĐỀ (Đạo Phật Có ĐLR, tr.78-84)

Khi đức Phật tu hành khổ hạnh không tìm ra được sự giải thoát, nên Ngài từ bỏ khổ hạnh và rời bỏ các vị ngoại đạo tu khổ hạnh vì khổ hạnh không mang đến sự giải thoát mà còn gây tạo ra sự đau khổ nhiều hơn, nhưng lợi dưỡng thì chạy theo dục mà chạy theo dục thì bao đời hết khổ. Do tư duy như vậy nên Ngài bỏ đi và tìm đến một cội cây bồ đề. Dưới cội cây bồ đề mát mẻ, có một phiến đá to, mặt hướng ra sông Ni Liên, thật là nơi tu hành lý tưởng. Chọn nơi tu hành yên tĩnh xong Ngài quyết định sống ở đây cho đến khi tu hành thành chánh quả. Khi có chỗ ở tốt cho sự tu hành, Ngài mới suy tìm một phương pháp nào tu tập để được giải thoát hoàn toàn.

Ngài nhớ lại lúc còn bé theo vua cha làm lễ hạ điền, ngồi dưới cội cây hồng táo bắt chước vua cha tu tập Sơ Thiền. Bấy giờ Ngài cũng lấy phương pháp Sơ thiền đó ra tu tập, nhưng Ngài lại tư duy tu tập Sơ thiền ly dục ly ác pháp như vậy là ức chế tâm, cố gắng giữ gìn tâm không vọng niệm thì làm sao ly dục ly ác pháp được?

Tự đặt ra câu hỏi rồi Ngài lại tiếp tục tư duy suy nghĩ: “Dục là lòng ham muốn của mình, mà lòng còn ham muốn là còn đau khổ, cho nên phải dứt trừ lòng ham muốn, dứt trừ lòng ham muốn bằng cách nào?”.

Câu hỏi được đặt ra nhưng câu trả lời chưa có, nên Ngài lại tiếp tục tư duy: “Trong tâm ta thường hay bị chướng ngại do các ác pháp bên ngoài tác động vào làm cho nó khổ đau. Những đối tượng bên ngoài phần đông là ác pháp, nên khi chúng tác động vào thân hay tâm là chúng ta thấy bất an liền. Như vậy mục đích ly dục ly ác pháp còn có nghĩa là ngăn ngừa lòng dục bên trong tức là không cho khởi lên lòng ham muốn, nếu nó khởi lên lòng ham muốn thì phải quán xét tư duy diệt nó ngay liền. Như vậy ta mới có pháp tu tập ly dục ly ác pháp, chớ nói ly dục ly ác pháp mà chỉ là lời nói suông, không có pháp tu tập thì biết ly dục ly ác pháp như thế nào?”

Một câu hỏi mà ngoại đạo không thể trả lời, mà có chỉ ú, ớ và bảo rằng: “Thầy Tổ xưa nay đều dạy sao thì tu tập vậy”. Như Thầy Tổ dạy: “Chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền”, “Biết vọng liền buông”, “Biết vọng không theo”, “Tham thoại đầu”, “Tham công án”, “Niệm Phật nhất tâm”, “Sổ, tùy, chỉ, quán, hoàn, tịnh”, v.v... Ðó là những phương pháp xưa nay do Thầy Tổ từng dạy các đệ tử tu tập như vậy là ly dục ly ác pháp. Ly dục ly ác pháp như vậy làm sao ly dục ly ác pháp được; làm sao đúng pháp hành của Phật giáo được.

Bởi vậy, khi đức Phật ngồi dưới cội cây bồ đề tư duy về các vị thầy ngoại đạo dạy tu tập Sơ thiền đều nói ly dục ly ác pháp nhưng kỳ thực là không có pháp ly dục ly ác pháp mà chỉ có pháp ức chế ý thức khiến cho ý thức không còn niệm khởi. Vì thế, tâm tham, sân, si, mạn, nghi không bao giờ ly và diệt nó được. Cho nên kinh sách Ðại Thừa và kinh sách Thiền Tông dạy không bao giờ tu tập chứng đạo làm chủ sinh, già, bệnh, chết được.

Khi quý vị nghiên cứu kỹ lại thì giáo pháp của Phật dạy ly dục ly ác pháp có pháp môn tu tập hẳn hoi. GIỚI, ÐỊNH, TUỆ là phương hướng xác định đường lối tu tập theo Phật giáo từ thấp đến cao, nếu ai chưa tu GIỚI mà tu ÐỊNH là tu sai pháp của Phật. Nếu ai chưa nhập được ÐỊNH mà bảo mình có trí TUỆ là người này lừa đảo người khác.

Căn cứ vào GIỚI, ÐỊNH, TUỆ mà chúng ta biết được người tu đúng hay tu sai pháp Phật; biết được người tu theo pháp Phật hay tu theo pháp ngoại đạo. Ðó là chúng ta chỉ căn cứ vào GIỚI, ÐỊNH, TUỆ mà còn biết sai đúng như vậy huống là chúng ta căn cứ vào BÁT CHÁNH ÐẠO thì pháp môn ngoại đạo không thể lừa phật tử được. Nhờ đó kinh sách Ðại Thừa và kinh sách Thiền Tông không còn dối trá lừa người khác được.

Kinh sách Ðại Thừa và kinh sách Thiền Tông rất khôn ngoan muốn biến kinh sách của mình thành những lời Phật thuyết nên chúng dựng lên bộ sử 33 vị Tổ Sư Ấn Ðộ và Trung Hoa.

Trước giờ thị tịch đức Phật chỉ di chúc: “CÁC THẦY TỲ KHEO! SAU KHI TA TỊCH HÃY LẤY GIỚI LUẬT CỦA TA LÀM THẦY, ÐỪNG LẤY AI LÀM THẦY”.

May mắn thay cho đời sau nhờ có lời dạy của đức Phật như vậy mà quý phật tử không bị lầm mưu kế gian xảo của Ðại Thừa và Thiền Tông Trung Quốc.

Vào đầu kinh sách Ðại Thừa cuốn nào cũng có câu này giới thiệu: “NHƯ THỊ NGÃ VĂN NHẤT THỜI PHẬT TẠI XÁ VỆ QUỐC KỲ THỌ CẤP CÔ ÐỘC VIÊN DỮ KỲ ÐÀ...”. Ðọc câu này ít ai để ý nên cứ lầm tưởng kinh sách này do Phật thuyết. Cho nên từ xưa đến nay có biết bao nhiêu người học tu theo các tổ Trung Quốc mà cứ ngỡ mình tu theo Phật. Thật là tội nghiệp!

Khi tu tập Sơ Thiền ly dục ly ác pháp đức Phật đã thấy rõ các pháp môn của ngoại đạo toàn dạy ức chế ý thức, chứ không dạy xả tâm ly dục ly ác pháp, nên đức Phật theo sự tư duy của mình tu tập, từ đó đức Phật dùng tri kiến quán xét vào tâm của mình rất tỉnh táo từng phút, từng giây tác ý để ngăn và diệt lòng ham muốn. Nhờ chế ra pháp tu hành như vậy mà lòng ham muốn càng lúc càng giảm, càng lìa ra. Cuối cùng tâm dục lần lượt bị diệt mất. Về ác pháp cũng tu tập như vậy, mỗi khi có ác pháp nào tác động vào thân tâm thì đức Phật liền quán xét tư duy ngăn chặn và diệt ác pháp đó ngay liền. Nhờ có phương pháp tu tập hằng ngày như vậy nên thân tâm đức Phật trở nên bất động thanh thản, an lạc và vô sự./.

http://www.nguyenthuychonnhu.net/index.php...sothienduoi2cay
KinhThanh
KHÔNG SỞ HỮU

(Trưởng lão THÍCH THÔNG LẠC, trích NLGPD.I. TG.2011, tr.126-135)

Nguôn: Sách: http://www.nguyenthuychonnhu.net/ebooks/Nh...ocPhatDay-1.pdf

LỜI PHẬT DẠY

“Ai quá, hiện, vị lai

Không một sở hữu gì

Không sở hữu, không nắm

Ta gọi Bà La Môn”.

(Kinh Pháp Cú, Phẩm Bà La Môn)

CHÚ GIẢI:

Bốn câu kệ trên đây để xác định một vị tu sĩ Phật giáo đúng Thánh hạnh mà ngày xưa đức Phật thường xem mình như một Bà La Môn nghiêm trì giới luật không hề sai phạm.

Câu kệ thứ nhất dạy: “Ai quá, hiện, vị lai”, có nghĩa là người tu sĩ nào trong ba thời gian quá khứ, vị lai và hiện tại sống không có của cải tài sản, sống không gia đình, không nhà cửa, đời sống luôn luôn thiểu dục tri túc, chỉ có ba y một bát, tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không. Ðó là Phạm hạnh của người tu sĩ Phật giáo. Người sống đúng Phạm hạnh như vậy mới được gọi là Bà La Môn.

Vì thế, câu kệ thứ hai đã xác định điều này: “Không một sở hữu gì”. Cho nên, người tu sĩ không có của cải tài sản, không có gia đình, không có nhà cửa thì không có sự ràng buộc, không bị dính mắc. Do không bị tài sản, của cải ràng buộc, dính mắc thì đó là giải thoát các bạn ạ! Giải thoát phần thô về vật chất. Nếu phần vật chất đã lìa xa thì phần nội tâm quét cũng không còn khó khăn. Hai phần này gom lại là tâm đã ly dục ly ác pháp. Tâm ly dục ly ác pháp là tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ.

Cho nên, câu kệ thứ ba dạy: “Không sở hữu, không nắm”. Người tu sĩ tu tập mà đạt được tâm bất động như vậy thì đức Phật mới gọi là Bà La Môn. Một vị tu sĩ Bà La Môn mà được đức Phật chấp nhận là phải có những tiêu chuẩn hẳn hoi như trên đã nói. Các bạn có nhận xét điều này không?

Bởi vậy trong thời đại này, nhìn các tu sĩ Phật giáo trong các hệ phái khác nhau thì chúng ta biết rõ Phật giáo đã bị chia chẻ tan nát. Chia chẻ từ hình thức ăn mặc cho đến tinh thần giáo pháp, nhất là Ðại Thừa Phật giáo tự vỗ ngực xưng mình có 84 ngàn pháp môn. Có 84 ngàn pháp môn, nếu ai chấp vào pháp môn nào thì có thể chia ra làm nhiều hệ phái khác nữa. Và như vậy, Phật giáo còn gì gọi là đoàn kết, giáo lý của Phật chỉ là những pháp môn góp nhặt. Ðó là nói lên sự suy yếu rất lớn của Phật giáo.

Phật giáo chỉ có một pháp môn duy nhất, đó là Ðạo Ðế. Ðạo Ðế là một chân lý trong bốn chân lý bất di bất dịch của Ðạo Phật, không ai có thể thay đổi được. Thế mà bây giờ lại có tám mươi bốn ngàn pháp môn thì các bạn nghĩ sao? Có đúng là pháp môn của Phật không?

Ngày xưa tu hành đức Phật không có tham vọng như các Tổ ngày nay. Ngài tự thấy mình là một Bà La Môn, một Bà La Môn sống có đạo đức, không mê tín, không cúng bái, cầu siêu, cầu an, v.v... không lừa đảo người, trước mặt cũng như sau lưng, chỉ tu hành sống đúng Phạm hạnh, nhờ đó Ngài mới tìm thấy có sự giải thoát rõ ràng, cụ thể. Cho nên, trong kinh Pháp Cú, Ngài thường nhắc nhở các vị Tỳ Kheo nào sống đúng giới luật thì người ấy được gọi là Bà La Môn chân chánh, còn những vị nào sống không đúng giới luật, phá giới, phạm giới thì đức Phật gọi là Bà La Môn ngoại đạo.

Trong thời gian hoằng hóa độ sanh, đức Phật cũng tự cảm thấy mình là một Bà La Môn, nhưng một Bà La Môn sống trước mặt cũng như sau lưng mọi người không hề thiếu mười hai Ðức Thánh hạnh này. Ðó là:

1- Như Lai

2- A La Hán

3- Ứng Cúng

4- Chánh Biến Tri

5- Minh Hạnh Túc

6- Thiện Thệ

7- Thế Gian Giải

8- Vô Thượng Sĩ

9- Ðiều Ngự Trượng Phu

10- Thiên Nhơn Sư

11- Phật.

12- Thế Tôn.

Chúng tôi xin giải nghĩa của mười hai hiệu Ðức Thánh này:

1- Như Lai: Dịch âm tiếng Phạn Tathàgata, có nghĩa là vì theo con đường như thật đi tới mà thành Chánh Giác. Như Lai cũng có nghĩa là bậc tu hành đã xong, không còn tái sinh trở lại cuộc đời này nữa tức là đã làm chủ sinh, tử và chấm dứt luân hồi. Như Lai là một “Ðức Thánh Không Ðến Không Ði”.

2- A La Hán: Dịch âm tiếng Phạn Arahant. A La Hán đồng nghĩa với Ứng Cúng có nghĩa là giết giặc phiền não, bất sanh mãi mãi ở trong Niết bàn, xứng đáng nhận sự cúng dường của Trời Người. Tóm lại, bậc A La Hán đã thoát khỏi phiền não, được tự do tự tại, hoàn mỹ về mặt đạo lý, làm chủ được tư tưởng của mình, biết hết tất cả, có đủ sáu pháp huyền diệu, không phải chịu quả báo sống chết lần thứ hai. Danh hiệu này Ðại Thừa cho là còn thấp kém chỉ là quả cao nhất của Tiểu Thừa. A La Hán còn gọi là “Ðức Thánh Vô Lậu”. Ðức không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh.

3- Ứng Cúng: Dịch âm tiếng Phạn Arhat, nghĩa là bậc đã xa lìa mọi điều ác, xứng đáng được hưởng thọ sự cúng dường của Người, Trời. Bậc đầy đủ phước báu không ai hơn. Ứng Cúng là đức hạnh xa lìa những điều ác xứng đáng là nơi phước báu vô lượng để chúng sanh Trời Người cúng dường, nên gọi là “Ðức Thánh Phước Ðiền”.

4- Chánh Biến Tri: Dịch âm tiếng Phạn Samyasambuddha, nghĩa là chánh trí biết rõ mọi pháp như thật. Chánh biến tri còn có nghĩa là trí hiểu biết chân chánh không bị tà pháp, tà kiến, tưởng kiến, tà giáo lừa đảo; trí hiểu biết vượt ra khỏi sự hiểu biết trong khuôn khổ nề nếp phong tục, tập quán và các hệ tư tưởng của các tôn giáo trên thế gian này. Chánh Biến Tri còn gọi là “Thánh Hạnh Liễu Tri”.

5- Minh Hạnh Túc: Dịch âm tiếng Phạn Vidyàcaranasampana có nghĩa là bậc có đầy đủ trí tuệ và đức hạnh.

4Trí Tuệ gồm đủ có ba:

- Ý thức tuệ.

- Tưởng thức tuệ.

- Tam minh tuệ.

4Tam Minh Tuệ gồm có ba:

- Vô thời gian tuệ.

- Vô không gian tuệ.

- Vô lậu tuệ.

4Thánh đức gồm có bốn: Ðức từ, Ðức bi, Ðức hỷ, Ðức xả.

4Thánh hạnh gồm có năm hạnh: Thắng hạnh, Chánh hạnh, Trực hạnh, Diệu hạnh, Tịnh hạnh.

6- Thiện Thệ: Dịch từ tiếng Phạn Sugata, nghĩa là bậc đã tu tập hoàn thành con đường Bát Chánh Ðạo, bậc đã làm xong các hạnh lành, không còn trở lui về ác pháp và cuộc đời này nữa. Thiện Thệ còn gọi là “Thánh hạnh tự tại sinh tử”.

7- Thế Gian Giải: Dịch từ tiếng Phạn Lokavit, có nghĩa là giải thích rõ các pháp trong thế gian, không còn pháp nào mà không giải thích được. Thế gian giải có nghĩa là bậc thông suốt tất cả các pháp thế gian. Bậc có thể hiểu rõ các lý và sự của loài hữu tình và vô tình. Thế Gian Giải còn gọi là “Thánh hạnh giải thông suốt các pháp thế gian”.

8- Vô Thượng Sĩ: Dịch từ tiếng Phạn Anu Hara, có nghĩa là bậc cao hơn hết trong các hàng chúng sanh. Một con người làm chủ tột đỉnh giải thoát, không còn có sự giải thoát nào cao hơn nữa. Vô thượng sĩ còn gọi là “Thánh hạnh giải thoát cao nhất”.

9- Ðiều Ngự Trượng Phu: Dịch từ tiếng Phạn Purusa-danya-sàrathi, có nghĩa là bậc điều khiển được mình và tất cả chúng sanh tức là bậc đã làm chủ được mình và tất cả các pháp, nói một cách dễ hiểu hơn là bậc tâm đã bất động trước các pháp và các cảm thọ. Ðiều Ngự Trượng Phu còn gọi là “Thánh hạnh nhiếp phục các pháp và các cảm thọ”.

10- Thiên Nhân Sư: Dịch theo tiếng Phạn Sàtàde-vanàsyànàm, nghĩa là bậc Thầy của Trời, Người. Dạy cho Trời, Người những gì nên làm và những gì không nên làm. Thiên Nhân Sư còn gọi là “Ðức Thánh Thầy Trời, Người”.

11- Phật: Dịch âm chữ Buddha, có nghĩa là bậc giải thoát hoàn toàn, bậc Giác Ngộ. Phật còn gọi là “Ðức Thánh Giác Ngộ”.

12- Thế Tôn: Dịch âm tiếng Phạn Bhagavat, có nghĩa là bậc cao hơn hết trong cõi Trời, Người; được tất cả Trời, Người đều tôn kính trọng. Thế Tôn còn gọi là “Ðức Thánh tôn kính”.

Mười hai đức hạnh tối cao trên đây nếu người tu sĩ nào làm được thì đức Phật gọi người ấy là Bà La Môn.

Tóm lại, bài kệ trên đây đã xác định một người Bà La Môn đúng tiêu chuẩn của Phật giáo là không có một vật sở hữu nào cả suốt trong ba thời gian quá khứ, hiện tại và vị lai thì mới đúng nghĩa:

“Ai quá, hiện, vị lai

Không một sở hữu gì

Không sở hữu, không nắm

Ta gọi Bà La Môn”.

Ðúng vậy, lúc nào cũng nhớ giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh và hạnh tri túc thì mới xứng đáng là Bà La Môn của Phật giáo.

Ðọc bài kệ này chúng ta mới biết Phật giáo là do người sau lập thành tôn giáo lấy tên là Phật giáo, còn riêng đức Phật thì không có ý đó. Tại sao vậy? Bởi Ðạo Phật là đạo đức của con người trên hành tinh này, nó là chân lý của loài người, nên không thể xây dựng nó thành tôn giáo được, vì tôn giáo sẽ bị hạn cuộc trong một số người rất ít, chứ không được phổ cập rộng rãi khắp mọi người, mọi nơi. Và khi thành lập ra tôn giáo là sẽ chia chẻ con người, mà chia chẻ con người thì không còn là đạo đức. Hình thức chia chẻ là vì quyền lợi riêng tư cho cá nhân hay tập thể nhỏ. Cho nên, các Tổ không hiểu điều này, vì quyền lợi riêng tư mà các Tổ đã làm một việc rất sai lầm, biến chân lý và đạo đức của loài người thành chân lý và đạo đức riêng tư của tôn giáo. Một bằng chứng rất hùng hồn, từ những tham vọng ấy, các Tổ đã chia nát Phật giáo ra nhiều hệ phái, làm cho Phật giáo suy yếu và mất gốc. Từ Phật giáo của chung của nhân loại đã trở thành của riêng và còn của riêng nhiều vị Tổ nữa. Thật là đau lòng, phải không hỡi các bạn?

Riêng đức Phật chỉ thấy mình là một Bà La Môn và cố gắng làm tốt hơn cho Bà La Môn Giáo, chứ không có mục đích thành lập tôn giáo riêng tư, chỉ vì người sau không hiểu ý Phật nên dựa vào 12 danh hiệu của Ngài mà đặt tên cho tôn giáo. Từ đó mới có tên là Phật giáo.

http://www.nguyenthuychonnhu.net/index.php.../177-khongsohuu
Đây là phiên bản "lo-fi" của nội dung trang chính. Để xem phiên bản đầy đủ với nhiều thông tin hơn , xin hãy nháy vào đây.
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.