Câu truyện về Thiền Tông đầu năm mới !

Còn vài ngày nữa là đến đêm giao thừa, tôi khởi tâm muốn viết một chủ đề cho diễn đàn nhân năm mới. Một chủ đề mà bản thân đã trải nghiệm thực tế.

Tôi nhớ trong năm vừa rồi, trong một đoàn doanh nghiệp đi ra nước ngoài. Trong đoàn có anh bạn doanh nghiệp rất hay khoe sự giàu có và tiềm năng của Việt Nam với một số người bạn nước ngoài. Nào là tiềm năng về thiên nhiên, con người, khoáng sản của Việt Nam. Thật tuyệt vời và tự hào khi nghe thấy điều này. Vì những vấn đề anh ấy nói không có mới và ai là người Việt cũng đều biết cả.

Vào một buổi chiều, khi mấy anh em trong đoàn có hiểu biết chút về đạo Phật và Thiền Tông, chúng tôi ngồi nói chuyện với nhau. Chủ đề cũng không hề mới nhưng thiết thực. Đó là tại sao chúng ta giàu tiềm năng như vậy mà vẫn là nước nghèo ?! Tại sao ai cũng biết "chân tâm, Phật tánh" thuyết giảng thao thao như suối chảy mưa tuôn mà Thiền Tông vẫn thất truyền. Rất nhiều ý kiến xuôi ngược có lý và không có lý được trao đổi.

Cuối buổi, một anh nói một câu ngắn gọn: "Các ông khoe người Việt có mỏ vàng Bồng Miêu với người nước ngoài, nhưng về nước, doanh nghiệp các ông vẫn là con nợ của ngân hàng. Cũng thế, các ông thuyết giảng về Phật tánh, chân tâm, chúng sanh bình đẳng nhưng các ông vẫn là con nợ của nghiệp báo của chính các ông. Các ông vẫn bị đau khổ phiền não chi phối từ khi mở mắt cho đến nhắm mắt đi ngủ. Đó là lý do Thiền Tông bị thất truyền vậy." Không rõ là câu này đúng hay sai nhưng ai cũng vỗ tay.

Phật giáo có 5000 năm là mất, đây là lời Phật Thích Ca.

Tổ Đạt Ma có nói Thiền Tông truyền đến đời thứ 6 thì không truyền y bát nữa. Vì Thiền Tông cấm tu Lý (truyền ngoài giáo lý) mà tu Sự bằng trực chỉ chân tâm (tức là chỉ thẳng vào cái Thấy, Biết trên thân và tâm hành giả, không cho qua Lý để thêm vọng tưởng, suy diễn). Sau đời Lục Tổ, căn cơ Thiền Tông hiếm dần, các Tổ sư thiền chế thêm công án, tham thoại đầu để triệt đường biện luận, tư duy, vọng tưởng của hành giả.

Nói Thiền Tông thất truyền chính là về SỰ thì không còn Tổ sư sau đời ngài Huệ Năng nữa và cũng là nói theo lời ngài Đạt Ma Sư Tổ của Thiền Tông. 5 nhánh Thiền sau đời ngài Huệ Năng cũng tàn lụi dàn và thất truyền dần chỉ còn nhánh Lâm Tế và một số dòng con cháu duy trì ở Nhật và Hàn. Phần lớn Thiền Tông ngày nay chỉ mặc áo tu Lý mà không tu Sự theo đúng tôn chỉ Thiền Tông. Biến Phật giáo thành tôn giáo, thành giáo phái chia năm sẻ bảy. Tuy nhiên có tu tốt hơn là không tu, tạo nghiệp trắng tốt hơn là nghiệp đen nhưng cái rốt ráo của Thiền Tông thì không còn.

Nói Thiền Tông thất truyền là y cứ theo Tổ nói và lịch sự để lại. Chẳng ai có quyền nói nó là thất truyền hay có truyền vì các pháp là vô ngã. Chỉ là một chủ đề đáng để ta suy ngâm xem pháp tu Thiền Tông các Tổ để lại có lợi ích gì cho chính Thân và Tâm chúng ta hay không mà thôi. Nếu không thấy lợi ích gì mà phiền não vẫn y nguyên thì nó thất truyền với chính ta chứ không ai khác.