Thư của sư Thư gửi chị Phương ở Hải Phòng, năm ngoái chị đi Miến một mình chẳng biết tí tiếng Anh nào, tới sân bay gặp ngay một ông tướng Miến với tờ giấy tiếng Anh con chị viết dùm... thế là ông tướng đó đưa chị tới tận trường thiền và chị thiền có kết quả tuyệt vời... năm nay chị lại vừa sang Miến hành thiền với chồng, con trai 22 tuổi và 2 người bạn. Sau đây là thư của sư Thư gửi cho chị Phương hỏi vài câu hỏi với sư trước khi về nước lần đầu:

Nhờ cô Trâm chuyển giúp thư này cho cô Phương (Hải Phòng).

Trước cô có hỏi về vấn đề liệu có cần phải có pháp học đầy đủ không trước khi đi vào pháp hành. Trong thời gian tìm hiểu tại Miến Điện, theo quan điểm cá nhân sư nhìn nhận vấn đề đó như sau:

Nếu nhìn vào các bậc trưởng lão, những cây đại thụ của Miến Điện ví dụ như Ledi, Mogok, Taungpulu (một trong những người thầy của ngài U Jotika), Mahasi Sayadaw thì thấy rằng các ngài là những người tinh thông về kinh điển trước khi đi vào núi hành thiền. Họ chỉ có đi tay không mà không cần phải có sách vở nào đem theo nữa, nhị tạng hoặc tam tạng đã nằm trong đầu các ngài. Các ngài không bao giờ phải li bị lạc đường cả. Nhiều người trong đó chỉ ra ngoài hoằng dương Phật Pháp sau khi đã chứng đắc đạo của ở tầng giác ngộ cuối cùng (Arahatship).

Có người cho rằng nếu tu mà không thông thạo về kinh điển thì giống như tu mù, chẳng biêt đường nào ra khỏi rừng rậm. Vậy liệu giải thích ra sao trong trường hợp của ngài Sulun Sayadaw (trường phái khịt mũi). Ngài là một người không biết chữ và chỉ biết thế nào là thiền qua một vị sư đi ngang qua nhà chỉ dạy, lúc đó ngài đã hơn 50 tuổi. Vậy cuối cùng ngài chứng đắc đạo quả Arahat.

Ngay trong kinh cũng nói tới chuyện của Suppabuddha, một người bị bệnh cùi. Trong khi đứng đợi mọi người nghe thuyết pháp của Đức Phật xong để xin ăn, ngài cũng dỏng tai nghe. Và khi thời pháp kết thúc ngài đã chứng ngộ Sotappatti (Tu Đà Hoàn). Ngay lúc đó ngài đã có 7 đặc tính của một vị thánh, bao gồm cả pháp học.

Vậy đối với chúng ta hiện này nếu thực sự để hành thiền một cách thấu đáo thì cần phải trang bị ra làm sao? Có một số kiến thức cơ bản tối quan trọng mà một thiền sinh cần phải nắm vững, đó là Tứ Thánh Đế, tứ đại, 18 đại, bản chất của danh-sắc (nāma-rūpa), thuyết Thập Nhị Nhân Duyên và một số điều khác nữa. Những điều này cần nắm một cách thấu đạo là chúng ta có thể yên tâm hành thiền mà không bị sợ sai lạc.

Hoặc nói một cách khác nữa ai nắm được Kinh Tứ Niệm Xứ (Satipaṭṭhāna Sutta) và 37 Phẩm Trợ Đạo (Bodhipakkhiyadhamma) là có thể vững tâm hành thiền.

Một số ngài cho rằng cần học thật sâu và rộng là với mục đích thuyết pháp và hoằng dương Phật Pháp. Còn đối với các thiền sinh không có mục đích đó thì không nhất thiết phải học như vậy. Mặt khác nếu đọc nhiều quá sẽ làm gián đoạn thời gian hành thiền và phát sinh nghi, đây là một trở ngại trong bước đường tu tập. Các ngài cũng khuyến khích đọc và tìm hiểu chỉ khi thiền sinh đã đạt được ở một mức độ nhất định (ít bị dính chấp vào sách vở).

Xin chia sẽ với cô và mọi người. Chúc mọi người vững tâm trên bước đường tu tập.