Trợ giúp - Tìm kiếm - Thành viên - Lịch ghi nhớ
Phiên bản đầy đủ: Truy tìm loại hóa chất lạ ép mít chín siêu tốc
Thực Dưỡng > Nguyên lý Thực Dưỡng > Thức ăn ngộ độc
Depad

Truy tìm loại hóa chất lạ ép mít chín siêu tốc

Để có được những ruột mít thơm ngon, đẹp mã bán ra thị trường, nhiều chủ vựa mít đã bất chấp an toàn sức khỏe người tiêu dùng, bằng cách dùng hóa chất “hô biến” những trái mít còn xanh thành chín vàng, mùi thơm ngào ngạt chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ.

Sau một thời gian dài thâm nhập và theo dõi tại các vựa thu mua số lượng lớn, cung cấp mít thương phẩm cho thị trường Sài Gòn cũng như các tỉnh lân cận hàng tấn trái mỗi ngày, nhóm PV đã bí mật ghi lại toàn bộ "xảo thuật" của công nghệ ghê rợn này.


Chủ vựa đang tiêm hóa chất vào quả mít xanh (Ảnh:Kha sinh)

Vạch trần thủ đoạn kinh hoàng

Sau nhiều ngày lân la theo chân giới buôn mít ở một số chợ tại TP.HCM, chúng tôi được “rỉ tai” về những trái mít xanh, non được bày bán khắp thị trường thành phố chỉ cần một thời gian ngắn là nhanh chóng ngả màu vàng ươm, bổ ra thấy dậy mùi thơm ngào ngạt.

Những dân buôn này đã dùng phương cách gì để có được những quả mít xanh lè bỗng nhiên thành “siêu thành phẩm” như vậy?

Mang nghi vấn trên vào cuộc theo dõi, chúng tôi mới phát hiện ra các thương lái đặt hàng mít từ các đầu nậu thu mua tại Đồng Nai và nhiều nhất là Bình Phước… với số lượng không hề nhỏ để hàng ngày phân phối ra thị trường.

Điều khá ngạc nhiên là thời gian đầu xuống Bình Phước (nơi được coi là “đại bản doanh” của “mít độc”), chúng tôi dò hỏi địa chỉ của những vựa mít thì chỉ nhận được cái lắc đầu của người dân. Tìm đến những gia đình trồng mít ở Bình Phước, hỏi về kỹ thuật làm sao để có được những quả mít chín trong thời gian ngắn, người dân cũng không chịu tiết lộ.

Những chủ vườn mít chỉ bảo, xưa nay họ thường biết ăn mít chín cây chứ chưa từng ăn mít ép cho chín bao giờ. Chuyện làm thế nào cho mít chín nhanh là “nghề” của các đầu nậu.

Thế nhưng, có nhiều nguồn tin cũng tiết lộ, gần đây một số chủ buôn đến tận vườn thu gom cả loại mít xanh đóng bao, nhưng họ không biết những người này mua về để làm gì. Từ manh mối này, chúng tôi cũng có được địa chỉ của một vựa mít lớn nằm trên quốc lộ 13.




Hóa chất xuất xứ từ Trung Quốc được pha trộn để tiên vào quả mít (Ảnh: Kha Sinh)

Trong vai thương lái muốn mua buôn cả mít thương phẩm, mít xanh và hóa chất để cung cấp cho thị trường TP.HCM, PV đã hẹn gặp ông H. (chủ vựa mít – PV).

Sau khi biết mục đích của “đối tác”, chủ vựa này nhiệt tình giới thiệu: “Để làm ăn có lãi với nghề này, ngoài việc thu mua mít trái từ các chủ vườn với giá rẻ nhất, chúng tôi phải thuê công nhân bóc ruột và trả cho họ 2.000 đồng/kg múi thành phẩm.

Nếu không tính toán kỹ lưỡng sẽ bị lỗ nặng, vì thế tôi phải dùng đến chất xúc tác để trái mít chín càng nhanh càng tốt”.

Chúng tôi ngạc nhiên vì ông chủ nhắc đến “chất xúc tác”. Ngay lập tức, ông H. đi vào trong nhà lấy ra một bịch thuốc màu xanh, trên bìa ghi chằng chịt chữ Trung Quốc và các loại hoa quả rồi cười đầy ẩn ý: “Đây là “bí kíp” để làm nghề, không có cái này thì lấy đâu ra lời mà làm?”.

Không cần giấu diếm, ông H. lý giải thêm: “Làm nghề này thì không thể nào theo phương pháp truyền thống được. Theo tự nhiên, trái mít chín thu mua về cần thời gian từ 2 đến 4 ngày mới có sản phẩm cho công nhân lột, vả lại chín không đồng đều.

Trong khi đó, các công ty sấy và các mối bán lẻ thì chờ từng ngày, giành giật nhau từng kg ruột mít, nên đòi hỏi phải làm nhanh.

Hơn nữa, đối tác yêu cầu phải làm nhanh, số lượng nhiều nên không còn cách nào khác là phải cho công nhân bơm hóa chất kích thích cho mít chín”.

Chúng tôi hỏi, hóa chất đó tên gì thì ông H. lập lờ: “Tôi cũng không biết loại thuốc này tên gì nữa, chỉ biết rằng nó là thuốc có xuất xứ từ Trung Quốc, có tính chất tác động mạnh làm quả chín nhanh, tươi, đẹp, bắt mắt....

Loại thuốc này ở ngoài chợ thường không có bán, phải nhờ người bạn mua từ Trung Quốc về đây”. Chưa hết câu, ông này, tiếp tục tư vấn: “Chỉ có chỗ tôi mới có loại thuốc này, anh có đi mua ở đâu cũng không thể được.

Nếu mua để làm ăn, tôi sẽ bán với giá phải chăng, gọi là anh em cùng nghề giúp nhau”. Giá mỗi gói thuốc ông H. đưa ra là 80 ngàn đồng.

Nói xong, ông H. dẫn chúng tôi ra phía sau vườn lấy một chiếc can nhựa rồi cắt từng vỉ thuốc mang nhãn hiệu Trung Quốc hòa tan với nước, sau đó lấy xi lanh hút loại nước này tiêm vào từng quả mít đang được chất đầy một góc vườn.

“Muốn có mít để lột, chú em chỉ cần tiêm vào mỗi quả một lượng nhỏ dung dịch này, trưa nay chích thì tối mai có mít chín cho công nhân làm ngay”, ông H. quả quyết.

Khi chúng tôi đặt vấn đề về sự an toàn của những trái mít sau khi được tiêm thuốc thì ông H. trả lời với thái độ mơ hồ, bỏ lửng trách nhiệm với người tiêu dùng: “Tôi làm nghề này nhiều năm rồi, vậy mà có thấy ai ăn mít bị làm sao đâu, chú cứ yên tâm miễn sao mình đừng ăn là được”.

Trái mít càng lớn càng “ngậm” nhiều hóa chất

Tiếp tục quá trình tìm hiểu về kỹ nghệ bơm hóa chất cho mít, chúng tôi tìm đến đầu nậu thu mua mít tên M. cũng nằm trên địa bàn. Tại đây, mọi hoạt động liên quan đến thu mua, lột mít diễn ra không kém phần sôi động.

Ngôi nhà nhỏ nằm trong con hẻm gần Quốc lộ 13 lúc nào cũng có khoảng 10 công nhân làm việc. Công nhân đến làm tại địa điểm này thường vào ban đêm, ban ngày chủ tranh thủ đi gom mít nguyên liệu từ khắp nơi về.

Vào vai người mua mít trái với số lượng nhiều và mua hóa chất về để “chủ động” bơm ngay tại TP. HCM để tiêu thụ, chúng tôi đã tiếp xúc với M. và được anh này chỉ cho các thao tác để trở thành một dân buôn mít thực thụ bằng “công nghệ hô biến”.

Theo M., hiện nay người làm nghề lột mít rất nhiều. Ngoài việc mua được mít trái từ các nhà vườn với giá rẻ thì những chủ mít phải cạnh tranh nhau bằng cách lột ra càng nhiều thành phẩm từ mít mới mong có được lợi nhuận.

Để có được số lượng lớn mít cùng chín một lúc, không còn cách nào khác, M. cũng phải mượn đến “bảo bối” hóa chất mà thôi. Theo giải thích của M., không phải loại thuốc nào chích cho mít cũng cho ra thành phẩm mít vừa đẹp vừa tươi được.

Mít độc” dùng nuôi gia súc

Trong quá trình tìm hiểu, nhóm PV nhận thấy những phụ phẩm sau mỗi công đoạn làm mít đều được các chủ vựa tận dụng triệt để.

Múi mít sau khi lột thì được bán cho đầu nậu mang đến các công ty sấy tiêu thụ hoặc bán lẻ, còn xơ, và vỏ được bán làm thức ăn cho các hộ chăn nuôi gia súc.

Và việc các loại gia súc ấy có bị nhiễm “chất lạ” kia không thì đó vẫn là câu hỏi chờ cơ quan chức năng vào cuộc giải đáp.

“Trước đây, khi mới vào nghề, tôi mua thuốc ngoài chợ về chích thì bị các chủ thu mua chê là sản phẩm không được đẹp, chất lượng kém, có vị đắng và trái mít thường bị sượng.

Khi thử mẫu, các công ty sẽ trả lại ngay lập tức. Sau này, tôi được một người làm mít lâu năm giới thiệu mua một loại thuốc có nguồn gốc Trung Quốc về dùng, mọi thứ mới ổn. Bây giờ, thị trường cây trái đố anh kiếm được loại hoa quả nào mà không “dính” hóa chất đấy”, M. tiết lộ.

Theo quan sát của chúng tôi, thuốc dùng để chích cho mít được chủ buôn đựng trong một chiếc can nhỏ không màu, không mùi.

Khi chúng tôi thử rót mấy giọt xuống đất thì lập tức thấy hiện tượng sôi sủi bọt rất kinh hãi. Do đó, khi thực hiện việc bơm thuốc vào trong quả mít, M. phải dùng một kim tiêm lớn, một chiếc bình nhỏ để san thuốc từ can sang, sau đó lấy kim tiêm rút một số thuốc nhất định và bơm trực tiếp vào trái mít đang còn xanh.

Công đoạn bơm thuốc cho mít nhìn rất đơn giản. Tuy nhiên, người tiêm cần phải làm đúng kỹ thuật, không thể làm qua loa cho xong là được. “Mỗi loại mít cần tiêm số lượng hóa chất khác nhau. Nếu là mít thường thì chích ít hơn, là mít Thái thì phải bơm nhiều hơn vì quả to.

Hơn nữa, nếu là quả có trọng lượng trên 10 kg thì phải chích thuốc vào hai đầu của quả mới đảm bảo mít chín ngon và không bị sượng. Càng tiêm nhiều hóa chất thì mít càng nhanh chín. Nếu để mít chín quá thì sẽ khó lột và không đạt”, M. giải thích.

Để minh chứng cho chúng tôi, M. lấy ra một trái mít còn xanh bắt đầu thực hiện các thao tác “hô biến”. “Tốt nhất là có nhiều loại kim tiêm có dung tích khác nhau, mít nhỏ thì dùng kim nhỏ, mít lớn thì dùng kim lớn. Trái nhỏ thì bơm khoảng 20 ml hóa chất, còn trái lớn thì phải bơm nhiều hơn từ 40 đến 60 ml”.

Theo đó, loại hóa chất này được M. bán với giá 150 ngàn đồng/1 lít. Để những trái mít được tiêm thuốc phát huy tác dụng tốt nhất, ngoài việc cho mít “ăn” hóa chất, nếu đưa ra nắng ủ khoảng vài giờ đồng hồ thì trái mít chín đều, mùi thơm và có màu vàng nhìn bắt mắt hơn rất nhiều.

Nhằm gieo lòng tin về “bảo bối”, M. lấy kim tiêm bơm một lượng hóa chất nhất định vào một quả mít rồi mang đi phơi ra nắng và hẹn chúng tôi chiều ngày hôm sau trở lại thì mít sẽ chín đẹp hơn.

Đúng hẹn, hôm sau chúng tôi quay trở lại, M. mang quả mít đã bơm thuốc ra xẻ thì y như rằng, quả này chín đều có màu vàng ươm. “Hóa chất càng “mạnh” thì mít càng nhanh chín, màu sắc của nó sẽ đẹp hơn rất nhiều. Nếu là thuốc thường mua ngoài chợ thì phải mất khoảng gần hai ngày mới chín, còn loại này chỉ trong vòng 24 giờ là trái mít có mùi thơm và chín rất đều”.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày vựa mít này thu gom hàng tấn mít từ các hộ trồng vườn đổ về, gần như tất cả mít quả đều chung một kịch bản là “ướp” hóa chất trước khi tung ra thị trường.

Tại Bình Phước, ít nhất có 3-4 vựa “mít độc” quy mô ngang ngửa vựa của ông chủ H. và M.. Sau khi “phù phép”, phần lớn trong số hàng tấn mít tại các vựa này sẽ được chở đi tiêu thụ tại Sài Gòn, một phần khác được chia lẻ cho các thương lái đưa đi các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai… bán cho người tiêu dùng.

“Nhu cầu cần mít sấy, mít ăn tươi ngày càng nhiều thì chủ vựa càng tiêm nhiều thuốc vào mít, mít chín nhanh và nhiều thì chúng tôi mới duy trì được tiền công đều đặn.

Mỗi ký múi thành phẩm ông chủ trả cho 2 ngàn đồng, một ngày chúng tôi cũng kiếm được hơn 100 ngàn tiền công”, một người làm công cho chúng tôi biết.

Công nhân lột mít cũng chẳng dám động đến thành phẩm

Cũng tại cơ sở thu mua và lột mít của ông H., sau vài ngày tìm hiểu về “bí quyết” ép chín mít bằng hóa chất, nhóm PV đã trở lại và mục sở thị quy trình làm việc mất vệ sinh của cơ sở này và đặc biệt, là những tác hại ghê ghớm của hóa chất đối với sức khỏe người lao động.

Phải nhờ đến sự “lót đường” của một người bản địa thân quen, chúng tôi mới được ông H. nhận vào làm công nhân lột mít thành múi. Sau một hồi trao đổi cụ thể, chủ vựa đưa chúng tôi ra phía sau vườn nhà.

Tại đây, phóng viên quan sát thấy một căn phòng nhỏ nằm lấp trong những đám cây rậm rịt, dưới mái lợp tôn trông xập xệ và mất vệ sinh. Khu vực này có nhiều người đang cần mẫn với công việc tách bóc thớ mít.

Mọi hoạt động đều diễn ra hết sức thủ công và sơ sài, không có găng tay bảo hộ lao động. Những thớ mít sau khi bóc tách được cho vào rổ, sau khi đầu mối đến thu nhận thì công nhân vơ nháo nhào vào bịch ni -lon, đó là công đoạn cuối cùng của mít thành phẩm khi tuôn ta thị trường.

Qua những cuộc trò chuyện cùng công nhân ở đây, chúng tôi được cảnh báo: “Phải cẩn thận với nhiều loại hóa chất độc hại”. Thực tế, do thời điểm này là đỉnh điểm của mùa mít, lượng hàng nhiều, những công nhân làm việc phải thường xuyên tiếp xúc với hóa chất nên bàn tay nhiều người đều có hiện tượng mẩn ngứa, viêm nhiễm, lở loét.

Theo quan sát của chúng tôi, không gian làm việc khá tù bức, nào nước thải, xơ, vỏ, múi, nước thải... vẩn lên mùi hôi thối, khiến ruồi nhặng bâu khắp nơi. Thấy những múi mít đã được lột vỏ ứa mật vàng ươm, tôi lấy một múi định đưa lên miệng ăn thử thì một công nhân luống tuổi ra hiệu can ngăn: “Đừng có ăn”.

Ngạc nhiên bởi hành động đó, người viết hỏi: “Sao không thể ăn?” thì người phụ nữ đáp lỏn gọn: “Mít này đã chích thuốc rồi! Những nhân công như chúng tôi ở đây làm giữa vựa mít, nhưng muốn ăn đều phải vào thẳng vườn dân để tìm mít chín cây”.

(Theo Gia đình & Xã hội Cuối tuần)
Depad
"Sốc" với thuốc ép chín trái cây tung hoành thị trường

Theo hướng dẫn của anh Võ Dũng, công nhân Nông trường Minh Hưng (thuộc Cty Cao su Phú Riềng), có vợ là thương lái trái cây “cấp 2” ở xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng, chuyên đi bỏ mối trái cây ở TX Đồng Xoài (Bình Phước), chúng tôi tìm đến vựa trái cây của bà Minh (xã Minh Hưng).

Tại đây, bán đủ loại trái cây gồm sầu riêng, nho, đu đủ, mít, xoài.. Trong đó, nhiều nhất vẫn là mít, loại trái cây đặc sản của địa phương. Hàng trăm trái mít lớn nhỏ xếp thành đống lớn nằm dọc trước hiên nhà.

Thấy tôi đi cùng anh Dũng, bà Minh ngỡ là người “một nhà” nên không ngần ngại nói với anh Dũng: “Mày nói vợ mày lên lấy mấy chục trái mít đi, có mấy trái còn non tao cho chín ép để lâu quá nó thúi ráng chịu!”. “Mà chị dùng thuốc gì?” - anh Dũng hỏi. “Tao “tắm” thuốc nội, loại này nhẹ, mít có lâu chín một xíu nên không đảm bảo giữ được lâu như của Trung Quốc”.

“Thuốc” bà Minh nói “tắm” trái mít có vỏ chai 500 ml nằm lăn lóc trong góc nhà. Tôi chú ý quan sát, té ra đó là loại phân bón lá HPC của Công ty TNHH Sinh học HPH (327/37 Hà Huy Giáp, P.Thạnh xuân, Q.12, TPHCM) có tên “Trái chín” và tuyệt nhiên trên bao bì không hề có một dòng chữ nào ghi “phân bón lá”.



“Thúc chín tố” made in VN của Cty TNHH sinh học HPH (Q12,TPHCM) núp bóng là “phân bón lá"

Theo bà Minh, đây là một sản phẩm “thuốc” BVTV dung dịch màu vàng đậm, xuất hiện 2 năm nay bán khá chạy, nhờ bán chạy mà giá cũng “chạy” theo. Năm 2012, 1 chai 500 ml bán có 30 ngàn, năm 2013 giá lên đến 50 ngàn đồng.

Cách sử dụng là pha 10-25ml “thuốc” cho 1 lít nước, sau đó là “phun, nhúng” trái cây xanh như mít, chuối, cam, quýt, bưởi, sầu riêng, nho, chôm chôm, sapô, thanh long. Sau 15-20 phút để khô, ủ chín thì... trái chín.

“Lúc cao điểm, chị gom cả tấn/ngày mà ngày nào giải quyết xong ngày nấy, không có chuyện tồn hàng. Trước đây chưa có “thuốc” thì làm mít cực lắm. Trái già, trái non chín không đều, mỗi ngày chín một ít, tính ra không có ăn mà đôi khi còn lỗ. Bây giờ có thuốc bán công khai thì mình làm đỡ tốn công, gọn nhẹ hơn” - bà Minh thừa nhận.

Sau khi đọc thành phần ghi trên bao bì gồm 0,5% Ethylen, ThS hóa học Nguyễn Minh Phúc (Đại học Bách khoa TPHCM) cho biết, thực chất đây là sản phẩm nằm trong nhóm điều hòa sinh trưởng với thành phần chính là Ethephon, tức là chất kích thích phục vụ cho việc ra mủ cao su, ra hoa các loại trái cây ăn quả.

“Cách đây 5 năm, năm 2008, Cục BVTV của Bộ NN-PTNT cũng đã có văn bản yêu cầu Chi cục BVTV các tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm việc buôn bán, sử dụng các loại thuốc BVTV có hoạt chất Ethephon với mục đích làm chín các loại rau, củ, quả. Vì vậy, việc đưa chất này vào mục đích làm trái cây chín núp dưới “vỏ” sản phẩm phân bón lá đưa ra thị trường là điều không bình thường” - ThS Phúc nhận định.

Tuy nhiên, không khó để tìm ra loại phân bón lá nhập nhèm với thuốc BVTV này, nó xuất hiện nhan nhản ở các cửa hàng bán thuốc BVTV, phân bón nằm ven quốc lộ 14, tỉnh Bình Phước.

Bà Kim Yến, chủ đại lý thuốc BVTV ở chợ Nha Bích, huyện Chơn Thành cho biết: “Nói thật, hàng Trung Quốc còn gọi “thúc chín tố” tốt hơn hàng VN, do nhập lậu nên Chi cục BVTV tỉnh họ siết mạnh, tụi này không dám lấy. Chỉ có người quen đặt hàng mới nhận. Loại đậm đặc của Trung Quốc giá 500 ngàn/lít, gấp 5 lần giá trị hàng của VN như loại sản phẩm “trái chín” của Cty HPH”.

Theo chỉ dẫn của bà Yến, ngày 18/8, trong vai là một thương lái mít mới vào nghề, chúng tôi liên hệ qua điện thoại di động với ông Thoại, một chủ vựa mít nằm trên quốc lộ 14 thuộc xã Phú Riềng, huyện Bù Gia Mập để mua mít giá sỉ. May mắn chiều hôm đó, ông Thoại vừa trở về nhà sau khi chở mít gửi xe khách về TPHCM tiêu thụ.

Khi hỏi về kinh nghiệm “ép” trái mít non mau chín, bà V (vợ ông Thoại) cũng ngỡ chúng tôi là bạn hàng quen của bà Yến, nên lấy ra lỉnh kỉnh chai lọ đựng hóa chất, một ống chích bằng nhựa, một cái dùi sắt đầu mài nhọn hoắt. Sau đó, bà lấy bịch thuốc được gói kín trong túi ni lông, có mười lọ nhỏ bằng ngón tay út, màu trắng, không có mùi. Bên ngoài bao bì ghi chằng chịt chữ Trung Quốc và hình ảnh các loại trái cây.



Dùng ống chích để bơm vào cuống trái mít ép chín sớm

Bên cạnh đó là một can nhựa khoảng 10 lít nước, sau đó bà V lấy dao cắt từng lọ thuốc hòa lẫn với nhau rồi đem khuấy đều tạo ra dung dịch “thuốc nước” để bơm vào mít.

Do đã quá quen sử dụng thuốc “thúc chín tố” nên bà V thao tác khá gọn, chỉ dẫn: “Đây nè, lấy dùi đâm vào cuống trái, sau đó bơm khoảng 5-10 cc vào nhiều hay ít tùy trọng lượng trái lớn hay nhỏ, muốn chín nhanh thì bơm nhiều hơn nhé. Sau khi bơm để khoảng 2 ngày thì bảo đảm trái chín đều, không sượng đâu mà lo. Trường hợp nào trái chín chưa đều, chỗ nào còn non thì bơm tiếp vào chỗ đó”.

Bà V cho hay số lượng mít mỗi ngày bà mua của nông dân trong vùng mỗi ngày khoảng nửa tấn, sau khi sử dụng “thuốc” mít chín đều thì bán ra thị trường. “Tui gom hàng chừng 5 tấn là đủ chuyến đưa ra miền Trung bằng xe tải, thời gian vận chuyển khoảng 2 ngày khi tới nơi là trái chín đều để giao các đầu mối” - bà V, nói.

+ Hoạt chất Ethrel trong “thúc chín tố” cũng có trong cả đất đèn, nhưng nếu sử dụng ở dạng lỏng để bôi hoặc ngâm tẩm trái cây thì rất độc hại. Tên phiên âm của loại hóa chất này là “thúc chín tố”, là một hợp chất hữu cơ do nhiều xí nghiệp khác nhau ở Trung Quốc sản xuất. Đây là một chất có tính acid và dễ bị ôxy hóa khi để ngoài không khí (ThS Nguyễn Minh Phúc).

+ Bộ NN-PTNT vừa đưa ra cảnh báo về các loại thuốc nhập lậu ép chín trái cây non đang diễn ra tràn lan trên thị trường, đồng thời yêu cầu cần phải kiểm tra, làm rõ loại thuốc nào nguy hiểm, loại nào an toàn cho người tiêu dùng và phải kiểm soát mức dư lượng đến hoặc dưới ngưỡng cho phép, nếu vượt là phải xử lý, loại bỏ ngay...

Theo Đỗ Quyên

Theo báo Nông Nghiệp VN
member
Truy tìm hóa chất cực độc giúp trái cây một tháng vẫn... tươi

Vào vụ trái cây năm nay, trên thị trường hóa chất "chợ đen" vừa xuất hiện một “sát thủ” mới đang được những người buôn trái cây vô lương tâm săn tìm. Theo đồn đại, trái cây ngâm loại hóa chất này có thể tươi lâu cả tháng.

Thợ ngâm trái cây bị bỏng tay

Được một lái buôn tên T., giới thiệu, trong vai người cần mua sỉ trái cây để bán lại, chúng tôi thâm nhập vào một cơ sở trái cây tại ngã tư An Sương , P. Trung Mỹ Tây, Q.12 (TP.HCM). Tại đây, dù chỉ mới hơn 10h sáng nhưng không khí bên trong cơ sở này đã nóng hầm hập, mùi xoài, mít, sầu riêng hăng hắc trộn lẫn vào nhau. Chỉ trong vòng 30 phút, đã có đến 3 chiếc xe tải ra vào chở trái cây, quá trình buôn bán diễn ra tấp nập, hàng chục tấn trái cây nhập về chất thành từng đống lớn.

Đã được “mớm” trước, chúng tôi vào đề và đặt hàng loại hóa chất làm hoa quả luôn tươi ngon một cách rất suôn sẻ. Không nghi ngờ, chủ vựa trái cây tên Phượng (khoảng 40 tuổi, ở ngã tư An Sương) tỏ ra nhiệt tình: “Các anh chị yên tâm, hóa chất để giữ hoa quả tươi lâu năm nay lại có hàng mới. Chỗ bạn hàng quen biết chỉ cần thương lượng, bên em sẽ giao hàng đảm bảo chất lượng”.

Qua quan sát, vựa trái cây của bà chủ này không rộng lắm nhưng số lượng nhân công và khách hàng giao dịch khá đông. Tranh thủ trò chuyện cùng một nữ công nhân đang ngồi miệt mài dùng giấy để bọc bên ngoài trái xoài, chị này cho biết: “Tụi em được chia ra nhiều bộ phận, tổ em gồm 4 người chuyên có nhiệm vụ dùng giấy bọc vỏ cho trái cây đỡ dập. Ngoài ra còn có tổ rửa quả, tổ hóa chất, tổ đóng thùng và bốc vác, hàng ngày làm liên tục từ 5h sáng đến 12h đêm”.

Chúng tôi vờ đi vệ sinh rồi rẽ vào một căn phòng nhỏ, chỉ có mỗi một lối đi nhỏ xíu. Vào sâu bên trong, chúng tôi bắt gặp cảnh hai người đàn ông và một phụ nữ, chân đi ủng, đầu đội nón, bịt khẩu trang kín mít và mặc cả áo mưa. Thấy có người lạ, cả 3 người đều dừng việc nhưng khi chúng tôi giới thiệu là người quen của bà chủ, những công nhân này lại thản nhiên tiếp tục làm việc.


Trái cây được nhúng thẳng vào hóa chất mới được hòa tan tại vựa trái cây ở Q.12,TP.HCM

Vựa trái cây của Phượng làm ăn theo một quy trình rất chuyên nghiệp. Đầu tiên, những người đàn ông sẽ bưng từng khay trái cây gồm các loại xoài, mận, dưa hấu, chuối... xếp thành từng hàng bên ngoài, sau đó 3 người đàn ông trong bộ phận hóa chất có nhiệm vụ vặn nước từ vòi vào một phuy to không nắp đậy, bỏ một loại chất bột màu trắng có mùi hăng hắc vào, họ dùng cây khuấy đều rồi ném trái cây vào ngâm.

Xòe đôi bàn tay cho chúng tôi xem, anh M., một công nhân tham gia vào tổ hóa chất còn thật thà: “Chị xem tay tôi này, bỏng rát, rộp da, mặc dù đã mang bao tay cẩn thận nhưng nhiều hôm vẫn tê buốt, mất cảm giác. Loại hóa chất này độc lắm nên ngay cả bà chủ còn kêu chúng tôi không nên ăn trái cây ở đây. Mấy cái này là đem bán cho người ta ăn thôi. Bà chủ và công nhân mà muốn ăn thì chỉ tới nhà vườn hái từ trên cây xuống rồi đem về nhà bỏ tủ lạnh dùng dần. Trái cây ngâm như thế này, ăn nhiều có mà ung thư à”.


Chất bột được hòa tan còn để tiêm thẳng vào trái cây.

Bột lạ là “anh em” với… thuốc diệt cỏ!


Về hóa chất, qua nhiều ngày thâm nhập thị trường hoa quả, chúng tôi phát hiện các tiểu thương sử dụng nhiều loại hóa chất ngâm, xịt khác nhau chứ không đơn thuần chỉ một loại. Tuy nhiên, hai dạng được sử dụng nhiều nhất là hóa chất dung dịch đặc, được pha loãng vào nước và phun thẳng lên trái cây. Thời điểm này, các thương lái ưa dùng nhất là loại hóa chất dạng bột. Khi hòa tan vào nước, loại hóa chất bột này không màu, không mùi. Trái cây được ngâm trong thời gian dài nhưng cũng không bốc mùi, vì vậy khách mua hàng rất khó phân biệt.

Tìm đến chợ hóa chất Kim Biên (TP.HCM) để “truy” nguồn gốc loại hóa chất mới mà cánh thương lái hoa quả rất ưa chuộng này, chúng tôi được những người bán hàng nhiệt tình. “Loại bột nói trên là của Trung Quốc, thích hợp nhất để dùng pha vào nước ngâm trái cây. Loại này mới nhập về từ sau Tết Nguyên đán năm nay, được “đối tác” khẳng định giúp chống hư, ủng và giữ tươi cho quả ít nhất một tháng. Người khác mua chị lấy 400.000 đồng/kg. Nhưng nếu em có nhu cầu lớn, chị tính rẻ thôi, chỉ 300.000 đồng/kg”, một người bán hàng chèo kéo.

Để lấy lòng khách, chị này còn “bồi thêm”: “Em cứ mua loại hóa chất mới này đi rồi chị sẽ bày thêm cho cách ép chín và bảo quản nhiều loại hoa quả khác. Này nhé, chuối là trái cây nhanh chín và dễ hỏng nhất nên chị dùng amoniac hoặc là sulful dioxide ngâm vào khoảng 5 tiếng rồi vớt ra, đảm bảo vỏ quả chín vàng đẹp nhưng để lâu không hư. Còn đối với nhãn thì chị cứ phun trực tiếp lưu huỳnh lên cho chị, không đẹp, không bắt mắt mấy bà đi chợ là chị không lấy tiền”.

“Thời buổi bây giờ biết đi đâu mà mua trái cây không ngâm hóa chất, ăn vô thì chắc cũng lâu lắm, mấy chục năm mới phát bệnh, hơn nữa đâu phải cả đời mình sống toàn ăn trái cây, lâu lâu ăn thì không sao đâu. Dân buôn bán cần nhất là kiếm lời lãi, mình làm ăn theo kiểu bán hàng mà không hóa chất thì sao đua lại người ta”, một chủ vựa trái cây, miệng vừa nói, tay vừa nhúng chuối vào xô hóa chất pha sẵn.

Trao đổi với PV, Thạc sỹ Đỗ Minh Hiền, Phòng công nghệ sau thu hoạch Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, cho biết: “Loại bột thương lái đang sử dụng có cả chất 2,4 D (chất diệt cỏ). Đây là loại chất cực độc và rất nguy hiểm, khi thâm nhập cơ thể con người sẽ gây nhiều loại bệnh ung thư khó lường”.

Cơ quan chức năng đành… bó tay ?!

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Đức Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật TP. HCM, cho biết: “Trước đây, chi cục đã lấy mẫu trái cây Trung Quốc để kiểm nghiệm nhưng do thiết bị còn hạn chế nên chưa tìm ra được các chất bảo quản độc hại. Để kiểm tra những chất này cần phải có máy móc thiết bị hiện đại hơn”.

Đại diện cán bộ Sở Y tế TP.HCM cho biết thêm: “Chúng tôi thừa nhận thực trạng ngâm tẩm hóa chất độc hại để bảo quản trái cây đã diễn ra lâu nay và cơ quan y tế cũng đã nhiều lần lấy mẫu để kiểm tra nhưng “lực bất tòng tâm” vì không có phương tiện để truy tìm tận gốc những chất độc hại. Chỉ riêng kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu cũng chỉ tìm được 20-30 loại chứ chưa thể phát hiện được hết hàng trăm loại có trong danh mục cho phép sử dụng”.

(Theo Viet Q)
http://vietnamnet.vn/vn/kinh-te/188279/tru...-n----tuoi.html
member
Ép mít chín “siêu tốc” bằng hóa chất

Để có hàng cung ứng đều đặn cho các đại lý, nhiều lò làm mít múi tại Đắk Lắk đã sử dụng các loại hóa chất, phân bón lá để tiêm, đổ trực tiếp vào trái làm mít chín siêu tốc, làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Mít non + hóa chất = mít chín

Tại các huyện Krông Pắk, Ea Kar (tỉnh Đắk Lắk) có hàng trăm cơ sở làm mít múi. Về quy trình, chủ lò thường đánh xe tỏa đi khắp tỉnh để thu gom mít trái xanh, thậm chí mít non tại vườn với giá từ 5.000-7.000 đồng/trái, sau đó mang về nhà ủ chờ mít chín rồi xẻ lấy múi mang đi bỏ mối cho các đại lý.

Trong vai người đi làm đại lý bán mít, chúng tôi đã xâm nhập những cơ sở chế biến mít chín “siêu tốc” này. Hỏi công nghệ làm mít múi, T. (chủ cơ sở làm mít ở xã Ea Kênh, huyện Krông Pắk) hếch mép: “Bây giờ làm mít phải có thuốc. Ủ không thuốc thì biết bao giờ mới chín, làm ăn như vậy lỗ chết. Có thuốc vô 1 - 2 ngày là mít chín liền”. Loại thuốc làm mít chín siêu tốc mà ông T. sử dụng nhiều năm qua có tên là “Hoa quả thúc chín tố”, có nguồn gốc từ Trung Quốc. Mỗi gói thuốc có 20 ống típ, kích thước to bằng ngón tay út, chiều dài khoảng 2cm. Hỏi cách sử dụng, ông T. bày: “Pha 6 ống hóa chất vào chai nước loại 500ml. Sau đó lấy cây sắt nhọn dùi một lỗ trên trái mít rồi đổ hóa chất vào”. Với cách làm này, mỗi ngày ông T. cho ra lò khoảng 100kg mít.


Chủ lò mít tại thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar, Đắk Lắk bơm thuốc ép chín vào trái mít.

Có mặt tại lò làm mít của C. (ở thị trấn Ea Kar, huyện Ea Kar), chúng tôi thấy 3 nhân công đang hì hục bóc mít thuê. “Công trường” làm mít là bãi đất trống được che phủ bởi lùm cây, cách đó 4m là chỗ nhốt con bò bị bệnh. Việc chế biến mít được tiến hành ngay trên nền đất bụi bẩn, nhớp nháp. Mít trái, múi, vỏ, hạt, xơ, cùi… nằm ngổn ngang khắp mặt đất. Rùng rợn hơn là những vỏ mít chín thối rữa chưa kịp dọn trở thành bãi đáp cho đám ruồi. C. tuyên bố, làm nghề mít nếu không dùng thuốc thì không trụ được, vì thế ai cũng phải dùng. Riêng C. đang sử dụng luân phiên 2 loại “thần dược” ép chín mít là “Hoa quả thúc chín tố” và “Chín trái”. Cách thức ép mít chín của C. cũng giống ông T. là khoét lỗ trên quả mít rồi đổ trực tiếp hóa chất vào. Trái càng non thì đổ càng nhiều. Mỗi ngày lò của C. sản xuất hơn 100kg mít múi.

Trong số 6 lò làm mít ở Krông Pắk và Ea Kar mà chúng tôi chọn ngẫu nhiên để xâm nhập, hầu hết đều có sử dụng thuốc ép chín sầu riêng để làm chín mít siêu tốc. Các chủ cơ sở tiết lộ đã mua loại “thần dược” trên tại các quầy bán thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn. Múi mít thành phẩm sẽ được cò thu mua, hoặc chính họ sẽ mang đến bán cho một đại lý tư nhân duy nhất chuyên thu mua múi mít ở huyện Ea Kar với giá 12.000 đồng/kg, sau đó đại lý sẽ sơ chế để mang đi tiêu thụ.

Nhắm mắt vì lợi nhuận

Trên bao bì loại thuốc “Hoa quả thúc chín tố” nêu rõ thuốc này “ít độc”, có công dụng: “Tăng chín nhanh cho hoa trái, quả tươi đẹp, cải thiện chất lượng hoa quả”, sử dụng cách thức pha lẫn hóa chất với nước theo tỷ lệ rồi phun đều lên bề mặt. Nhưng thực tế, nhiều cơ sở dùng dao hoặc thanh sắt dài đục lỗ trên thân trái mít rồi đổ hóa chất vào chứ không hề pha loãng nhằm làm thuốc thấm đều, mít nhanh chín hơn. Mít chín bằng “công nghệ” ép thuốc thường ít thơm, ít ngọt hơn so với mít chín cây. Nhiều chủ lò đã thấy mặt trái của việc sử dụng “thần dược” để ép chín mít nhưng vì lợi nhuận nên đành nhắm mắt. Đến cơ sở làm mít của C., chúng tôi thấy hai đống mít, một đống vừa vào thuốc để bán cho đại lý, đống mít còn lại không vào thuốc, chất đống giữa sân. Hỏi chuyện, C. phân bua: “Đống giữa sân để cho người thân, quen ăn nên không vào thuốc”. Phương án phun có ưu thế là nhanh, chỉ được áp dụng đối với những cơ sở làm nhiều mít. Ông T. (một cơ sở làm mít ở xã Ea Dar, huyện Ea Kar, thường sử dụng “Hoa quả thúc chín tố”), nói: “Gia đình chỉ sử dụng hóa chất trên để bôi lên cuống. Khoét lỗ đổ hóa chất vào thì sẽ ngấm vào múi, gây độc hại”.

Mang những tư liệu đã ghi nhận tại những cơ sở làm mít múi thủ công cho bà Nguyễn Thị Phương Lan (Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Đắk Lắk) xem, bà khẳng định: “Những cơ sở sản xuất mít này đều không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Cụ thể, người lao động không có đồ bảo hộ như bao tay. Mít đặt trực tiếp dưới tấm bạt, nền cáu bẩn. Nơi làm mít ở những bãi đất trống. Điều này sẽ tạo ra các mầm mống gây các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa, nhiễm khuẩn đường ruột”. Riêng việc sử dụng hóa chất không đúng như hướng dẫn trên bao bì, bà Lan cảnh báo: “Việc đổ trực tiếp hóa chất vào trái mít sẽ làm sản phẩm không an toàn, gây ảnh hưởng sức khỏe người sử dụng”.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào tháng 10-2013, Thanh tra Sở NN-PTNT Đắk Lắk đã có quyết định xử phạt hành chính 25 triệu đồng đối với Công ty TNHH Sinh học HPH (TPHCM) về hành vi sản xuất phân bón “Trái chín” không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và buộc công ty thu hồi toàn bộ lô phân bón để xử lý theo quy định. Trước đó, đoàn thanh tra sở này đã kiểm tra, tạm giữ hơn 650 chai “Trái chín”- một loại dùng để ép chín sầu riêng được bày bán ở các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật tại huyện Krông Pắk do công ty này sản xuất.

Để làm rõ xem các loại “thần dược” “Hoa quả thúc chín tố”, “Chín trái” và phân bón lá HPC - 97- HXN… có nằm trong danh mục được phép lưu hành của Bộ NN-PTNT hay không, chúng tôi tìm gặp Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk. Ông Nguyễn Thế Ân, Trưởng phòng Thanh tra - Pháp chế, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk, cho biết, các loại thuốc trên nằm trong danh mục phân bón lá, muốn nắm rõ thì phải liên hệ Phòng Trồng trọt của Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk. Nhưng ông Trịnh Tiến Bộ, Trưởng phòng Trồng trọt - Sở NN-PTNT tỉnh Đắk Lắk, nói: “Các đại lý phân bón sẽ có đầy đủ các hồ sơ sản xuất mà nhà sản xuất gửi đến, nên xuống đó đề nghị người ta cung cấp cho… Mình không thể trả lời nó được phép hay không được phép”!?
(Theo SGGP Online)
Đây là phiên bản "lo-fi" của nội dung trang chính. Để xem phiên bản đầy đủ với nhiều thông tin hơn , xin hãy nháy vào đây.
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.