Trợ giúp - Tìm kiếm - Thành viên - Lịch ghi nhớ
Phiên bản đầy đủ: Học nông dân Hàn Quốc làm nông thôn mới
Thực Dưỡng > Chữa bệnh bằng Thực Dưỡng > Canh tác theo thiên nhiên
Depad
Học nông dân Hàn Quốc làm nông thôn mới

Vào những năm 60 của thế kỷ trước, Hàn Quốc là một trong những nước kém phát triển nhất thế giới. Hạ tầng cơ sở nông thôn rất nghèo nàn. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn chiếm khoảng 24%, do thu nhập quá thấp.

Tuy nhiên, Phong trào làng mới (Saemaul Undong) sau 12 năm thực hiện, được cộng đồng quốc tế đánh giá là một trong những thực tiễn tốt nhất về phát triển cộng đồng nông thôn và nó có thể áp dụng cho cộng đồng nông thôn ở các nước đang phát triển.

Vươn lên từ nghèo đói

Tới thăm Khu tưởng niệm Cheongdo thuộc tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc, điều đầu tiên chúng tôi được Giám đốc Khu tưởng niệm, ông Jorygul Jeon giới thiệu, Khu tưởng niệm Cheongdo nằm ngay chính tại làng Shindo- cái nôi của phong trào nông thôn mới ở Hàn Quốc.

Vào khoảng giữa năm cuối của thập niên 60 thế kỷ trước, Tổng thống Hàn Quốc lúc đó là ông Park Chung –hee sau một trận lũ lớn đã tới thăm vùng nông thôn bị thiệt hại sau lũ. Tới làng Shindo, ông nhận thấy quang cảnh của làng khác nhiều so với những ngôi làng khác. Đường làng đã được sửa chữa và cầu đã được xây lại.

Tuy nhiên, ông rất ngạc nhiên khi được người dân trả lời rằng họ tự đứng ra khôi phục hậu quả. Tìm hiểu thêm ông biết rằng, dân làng Shindo đời sống vốn dĩ cũng rất khó khăn, nhưng người dân tự biết chuyển đổi cây trồng. Họ trồng chủ yếu cây ăn quả, đặc biệt là hồng giòn thứ quả đặc sản mà các địa phương khác không thể sánh được.

Điều kiện tự nhiên ở đây phù hợp với cây hồng và từ việc trồng hồng người dân có thu nhập đời sống khấm khá. Việc tự chuyển đổi giống cây trồng, cùng với siêng năng lao động… đã giúp cuộc sống người nông dân khấm khá.

Nhận thấy người dân ở Cheongdo có một phong trào tuy tự phát, nhưng đã mang lại cho họ cuộc sống khởi sắc. Vào ngày 22/4/1970 trong cuộc họp với các Bộ trưởng của mình, Tổng thống Park Chung –hee đã nói đến câu chuyện mà ông đã gặp ở Cheongdo, Tổng thống đề xuất nhân rộng Phong trào làng mới Cheongdo cho nhiều làng khác trên khắp đất nước.

Chính phủ đưa ra chính sách hỗ trợ cho 16.000 làng trên cả nước khi ấy, mỗi làng được nhận khoảng 300-350 bao xi măng với quy định rõ ràng không được sử dụng cho mục đích cá nhân mà chỉ sử dụng vào mục đích chung của làng, thôn. Hiệu quả của những bao xi măng cung cấp cho người dân đạt được tốt ngoài sự mong đợi.

“Ngay từ lúc đầu người dân nhìn thấy ngay sự thay đổi mạnh mẽ của làng mới. Ai cũng mong muốn được hưởng cuộc sống như vậy. Nên hầu như không phải áp dụng một phương pháp cụ thể nào trong giai đoạn đầu mà người dân tự mình tích cực sẵn sàng tham gia, hỗ trợ hết mình cho phong trào”- Ông Jorygul Jeon cho biết thêm.

“Điều cốt lõi của phong trào là không dành cho chủ nghĩa cá nhân. Hoàn cảnh lúc đó ở nông thôn Hàn Quốc cuộc sống hết sức khó khăn làng không có đường, cầu nên tâm tưởng người dân luôn suy nghĩ hướng về việc phát triển ngôi làng của mình trước tiên hơn là lo cho cá nhân. Khi nhận xi măng hỗ trợ của Chính phủ dân làng họp và quyết định sẽ ưu tiên dùng vào việc công nào mang lại lợi ích chung cho cộng đồng”- Giám đốc Jorygul Jeon chia sẻ.





Nông dân lên vườn làm việc bằng xe ô tô riêng

Công việc đầu tiên của Phong trào làng mới hướng tới là thay đổi hoàn cảnh sống xung quanh. Để thay đổi thì cần phải có thu nhập cho người dân. Ở làng Shindo khi đó, người nông dân lên núi để khai hoang tăng diện tích trồng hồng, đào, táo những cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao. Nhằm giải quyết khâu đầu ra tiêu thụ sản phẩm dân làng lập ra một trung tâm để mang hoa trái ra bán cho thương lái. Một số người có xe ô tô tự chở hàng của mình tới các thành phố lớn đông dân có sức tiêu thụ lớn.

Do nhu cầu sản xuất người dân rất cần tới các loại vật tư nông nghiệp nguyên liệu sản xuất: phân bón thuốc, thuốc trừ sâu… Những nông dân đã tự lập một hợp tác để mua bán các loại vật tư nông nghiệp với giá rẻ nhất có thể. Khi việc sản xuất, buôn bán trái cây phát triển mạnh, hợp tác xã lại có thêm chức năng như một ngân hàng giữ tiền và cho vay vốn với thời gian ngắn và lãi suất thấp.

Dần dần những người nông trở thành cổ đông của hợp tác xã. Đến khi cuộc sống ngày càng phát triển thu nhập hợp tác xã nhiều hơn người ta chia phần lãi cho các cổ đông cũng như nâng giá trị phần vốn đóng góp lên.

Thu nhập nông hộ cao hơn công chức

Thời điểm hiện tại hầu như tất cả mọi nhà nông đều liên hệ giao dịch mua bán trái cây qua internet. Ở Cheongdo còn có hẳn một Viện nghiên cứu chuyên về đào để bảo tồn gen và phát triển giống. Để người giúp nông dân lúc nào cũng duy trì chất lượng của quả đào. Đồng thời nông dân cũng nhận được sự hỗ trợ của Chính quyền tỉnh Gyeongsangbuk về giống, kỹ thuật trồng chăm sóc, thậm chí từ cái thùng đựng trái cây, tuy rất nhỏ nhưng khích lệ họ rất nhiều. Hiện nay giống đào ở vùng này bán rất chạy, không đủ để tiêu thụ.

Cuộc sống của dân làng Shindo hôm nay đã trở nên sung túc. Cả làng chỉ có 150 nhân khẩu với 50 hộ dân. Nhà nào cũng có xe ô tô để hàng ngày lên núi, chăm sóc cây trái, ruộng vườn.

Điều dễ nhận ra nhà nông ở đây là những người lao động siêng năng và chuyên nghiệp, họ làm việc rất đúng giờ. Mỗi ngày làm từ 10-12 tiếng.

Chúng tôi đi quanh ngôi làng thoai thoải bên sườn đồi trên con đường bê tông trải thảm thưa bóng người, hai bên là những ngôi nhà tường gạch xinh xắn có tường bao quanh trong khung cảnh yên tĩnh của nông thôn vùng núi, ngỡ tưởng đang bước đi trong khu du lịch sinh thái.





Những trái hồng đang chờ đến vụ thu hoạch

Thu nhập từ hồng, đào, táo… và các loại cây trồng khác như: rau, đậu, ớt, bình quân mỗi năm mang về cho mỗi nông hộ làng Shindo khoảng 70 triệu Won (gần 1,4 tỷ đồng). Số tiền mà giới công chức nước này cũng phải mơ ước. Bình quân thu nhập của giới công chức một năm khoảng 24 triệu Won, quản lý cấp cao cũng chỉ có 36 triệu Won/năm.

Quả hồng ở vùng này là loại hồng đặc sản ngon có tiếng Hàn Quốc. Giá bán tại chỗ rất cao từ 4.000-5.000 Won/quả. Hồng một năm cho thu hoạch 1 vụ vào tháng 10.

Lão nông Lee Sang Jin, 62 tuổi cho biết, gia đình ông một vụ thu hoạch 20.000 tấn hồng. Cả làng đều ý thức cao trong việc giữ chất lượng, thương hiệu cho cây đặc sản của mình.

Thu nhập cao, người nông dân nơi đây hưởng thụ đời sống khá cao. Những lúc nhàn rỗi, họ dành thời gian đi chơi golf, câu cá. Tuy vậy, họ cũng rất ý thức đầu tư cho việc học hành của con cái. Con em những nông dân này đều được học hành tử tế, chí ít cũng phải bước qua trình độ đại học.

Chia sẻ về bí quyết thành công của phong trào làng mới, Giám đốc Khu tưởng niệm Cheongdo -Jorygul Jeon cho rằng hoàn cảnh lúc đó, người dân Hàn Quốc có ý chí mạnh mẽ để thoát nghèo. “Khác một số nước khu vực Đông Nam Á được hưởng ưu đãi của thiên nhiên quá lớn làm cho con người ta tính ỷ lại, không có ý tưởng cố gắng, nỗ lực nên không tạo ra được điều kiện cần thiết nhất cho sự thành công của phong trào này”.

Theo ông Jorygul Jeon, chìa khóa để phong trào nông thôn mới ở Việt Nam thành công nhất thiết phải đầu tư cho giáo dục ở các vùng nông thôn; lao động nữ ở nông thôn cũng là nguồn lực quan trọng cần được Chính phủ hỗ trợ để họ có cơ hội lập nghiệp như hỗ trợ về vốn, giống cây trồng…

Đồng thời phải giáo dục để người dân ý thức được rằng phải tự mình tiến lên thay đổi cuộc sống không ỷ lại trông chờ vào sự trợ giúp bên ngoài. “Có thể lập một vài mô hình và tập trung để phát triển làng đó, cho thấy sự thay đổi rõ rệt và đem sự thay đổi này quảng bá cho các làng khác học tập”- Ông Jorygul Jeon chia sẻ.

Đỗ Hưng

Theo Vov

Đây là phiên bản "lo-fi" của nội dung trang chính. Để xem phiên bản đầy đủ với nhiều thông tin hơn , xin hãy nháy vào đây.
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.