Trợ giúp - Tìm kiếm - Thành viên - Lịch ghi nhớ
Phiên bản đầy đủ: Hiện tượng "đá lai nhựa" - Hệ quả của sự ô nhiễm
Thực Dưỡng > Góc thư giãn > Thiên nhiên
member
Hiện tượng "đá lai nhựa" - Hệ quả của sự ô nhiễm

Các nhà nghiên cứu thuộc hội địa chất Mỹ vừa qua đã công bố một phát hiện về một loại đá mới - "đá lai nhựa" với tên khoa học là plastiglomerate.

Nghiên cứu của các nhà khoa học chỉ ra, "đá lai nhựa" Plastiglomerate là hồi chuông cảnh báo sự ô nhiễm đại dương và ý thức người dân trong việc bảo vệ môi trường chung.

Loại đá plastiglomerate này được phát hiện lần đầu tiên một cách tình cờ bởi nhà hải dương học Charles Moore tại bãi biển Kamilo - đảo lớn của Hawaii vào năm 2006. Tuy nhiên, ông chưa thể giải thích cơ chế cũng như nguyên nhân hình thành loại đá kỳ lạ này. Moore đã kể phát hiện này với bà Patricia Corcoran - một nhà địa chất học tại ĐH Western Ontario (Canada).


Hình ảnh ghi được về loại đá plastiglomerate

Cảm thấy vô cùng hứng thú về những chia sẻ của Moore, bà Corcoran quyết định thành lập một nhóm nghiên cứu và tiến hành tới Hawaii để thực địa. Ban đầu, nhóm nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng, loại đá mà Moore kiếm được là một loại mới sinh ra từ dung nham núi lửa đang hoạt động ở Hawaii. Nhưng sau đó, họ phát hiện hầu hết các mẫu đá lạ nằm gần bên khu lửa trại bên bờ biển.


Đá plastiglomerate có nguồn gốc từ rác thải nhựa

Quá trình thực địa sau đó đều chỉ ra, loại đá plastiglomerate trên bãi biển Kamilo chính là từ các mảnh vụn nhựa kết hợp với đá qua sức nóng của lửa trại. Khi những người cắm trại hay ngư dân đốt lửa trại, đã làm chảy rác bằng nhựa dẻo. Chất này sau đó lẫn vào những thứ trên bãi biển như đá núi lửa, cát hay vỏ ốc biển.

Khi sóng biển kéo “chất dẻo kết thành cụm" này vào nước, chúng chìm xuống và trở thành một phần cấu tạo địa chất của hành tinh. Các nhà nghiên cứu ước tính, đá plastiglomerate có khả năng tồn tại một thời gian rất dài, rất khó bị phá hủy và có thể trở thành một loại vật chất không bị biến đổi của Trái đất.


Đá plastiglomerate được coi là hồi chuông cảnh báo cho tình trạng ô nhiễm tại các bờ biển

Một số đá plastiglomerate còn mang trong mình nhiều chất độc hại gây ảnh hưởng vô cùng xấu cho thực vật, động vật và con người. Đá plastiglomerate chính là hồi chuông cảnh báo cho tình trạng ô nhiễm tại các bờ biển. Điển hình như ở bãi biển Kamilo, trước đây là một nơi vô cùng sạch và là điểm đến thú vị tại Hawaii.

Thế nhưng tới nay nó là một trong những khu vực bẩn nhất thế giới. Nguyên nhân một phần do ý thức của khách du lịch, một phần do các dòng chảy của đại dương đã mang theo rác, các mảnh vụn nhựa và các chất ô nhiễm từ khắp nơi trên thế giới.

Khi khảo sát biển Kamilo, Corcoran và đồng nghiệp còn tìm thấy các mảnh đá plastiglomerate bên trong chứa nhiều rác nhựa xuất phát từ những khu vực rất xa như châu Á và Nga. Đây là một dấu hiệu xấu cho thấy, tình trạng ô nhiễm ở đại dương đang lên tới mức đáng báo động.


Đá Plastiglomerate có thể khiến thảm thực vật dưới đáy biển diệt vong

Thậm chí khi khảo sát ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Iceland, nhóm của Corcoran còn tìm thấy đá plastiglomerate với một sự phong phú đáng lo ngại. Nó xuất hiện với mật độ dày trên nhiều bờ biển.

Ước tính rằng, nếu không có biện pháp thay đổi, đá plastiglomerate sẽ tràn ngập trên các bờ biển, đáy đại dương trong tương lai không xa. Và đương nhiên, loại đá này sẽ ảnh hưởng tới môi trường toàn Trái đất và làm diệt vong nhiều thảm thực vật dưới đáy biển.


Số lượng đá plastiglomerate đang tăng rất nhanh

Bà Corcoran đã nói với tờ The Huffington Post: "Trong tương lai, khi mọi người nhìn thấy plastiglomerate trên những phiến đá, họ sẽ hối hận về việc đã gây ô nhiễm hành tinh nặng nề như thế nào".

Phát hiện này còn là một dấu hiệu cho thấy Trái đất đã bước vào một kỷ nguyên địa chất mới, được gọi là kỷ nguyên Anthropocene. Đây là khoảng thời gian trong đó con người chính là tác nhân chính thay đổi đáng kể và lâu dài đối với cảnh quan của hành tinh và bầu khí quyển.


Loại đá này báo hiệu cho tình trạng môi trường biển xuống cấp nặng nề

Bà Corcoran còn chia sẻ rằng, việc bắt tất cả các quốc gia trên hành tinh không sử dụng chất dẻo là một điều vô cùng khó. Nhưng mỗi người trong chúng ta có thể làm những việc nhỏ như dọn dẹp bãi biển, hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa khi đi du lịch sẽ giúp số lượng đá plastiglomerate chỉ tồn tại ở một mức thấp nhất, đảm bảo an toàn cho môi trường sống.

http://www.khoahoc.com.vn/doisong/moi-truong/54570_hien-tuong-da-lai-nhua-he-qua-cua-su-o-nhiem.aspx

member

Cuộc Đại Tuyệt chủng thứ 6 của Trái đất có thể đã bắt đầu
Hiện nay, tính đa dạng sinh vật trên Trái đất đang bị đe dọa đặc biệt nghiêm trọng. Dựa vào bảng phân tích dữ liệu và đánh giá mới của các chuyên gia thuộc ĐH Stanford, những cuộc Đại Tuyệt chủng trước đây có thể bị thúc đẩy bởi yếu tố tự nhiên hay vũ trụ nhưng cuộc Đại Tuyệt chủng thứ 6 này là kết quả hành động của con người.



Theo các chuyên gia, con người đóng vai trò ảnh hưởng chính trong cuộc Đại Tuyệt chủng thứ 6 này.Tác giả nghiên cứu - giáo sư sinh học Rodolfo Dirzo thuộc ĐH Stanford cho biết: "Kể từ năm 1500, hơn 320 loài động vật có xương sống trên cạn đã bị tuyệt chủng. Quần thể các loài sinh vật khác, kể cả động vật không xương sống cũng có sự suy giảm mạnh, trung bình là 25%. Ít nhất, 80 loài động vật có vú trong tổng số 5.570 loài được phát hiện đã tuyệt chủng trong vòng 500 năm qua".


Ở động vật có xương sống, 16 - 33% các loài đang ở trong tình trạng bị đe dọa trên toàn cầu. Những động vật lớn như voi, tê giác, gấu Bắc Cực đang phải đối mặt với tỷ lệ suy giảm đặc biệt nghiêm trọng, rất có thể bị tuyệt chủng hàng loạt trong thời gian không xa.

Do đó là những loài động vật to lớn, có lợi về kinh tế nên trở thành mục tiêu săn bắn hấp dẫn của con người. Nếu những loài động vật này biến mất trên Trái đất, nó sẽ kéo theo sự bất ổn định ở những loài khác và thậm chí là sức khỏe con người.


Trước đây, Kenya đã tiến hành một cuộc thử nghiệm khi phân lập tất cả những loài động vật lớn như ngựa vằn, hươu cao cổ, voi và quan sát cách thức hệ sinh thái còn lại phản ứng như thế nào trước sự mất mát đó.

Kết quả là, số lượng các loài động vật gặm nhấm tăng lên một cách nhanh chóng, cọ và bụi cây mọc um tùm. Điều này càng thuận lợi cho những loài vật bé nhỏ ẩn nấp, sinh sôi và gia tăng mầm bệnh truyền nhiễm.


Số lượng các loài động vật không xương sống như bọ cánh cứng, bướm, nhện, sâu... đã giảm 15%.Cùng với đó, các chuyên gia chỉ ra, dân số đã tăng gấp đôi trong 35 năm qua. Trong thời gian này, số lượng các loài động vật không xương sống như bọ cánh cứng, bướm, nhện, sâu... đã giảm 15%. Như vậy, sự mất mát của động vật lớn chủ yếu là do môi trường sống và sự thay đổi của khí hậu toàn cầu. Điều này đã phần nào tác động đến cuộc sống hàng ngày của chúng ta.

Các loài côn trùng thụ phấn cho 75% cây lương thực trên thế giới và đóng vai trò quan trọng trong quá trình dinh dưỡng, phân hủy chất hữu cơ, duy trì sự vận hành của hệ sinh thái. Nếu ngay lập tức môi trường sống thay đổi đột ngột hay bị khai thác quá mức sẽ dẫn đến hậu quả khó có thể lường trước được.

Cuộc Đại Tuyệt chủng thứ 6 này kéo dài bao nhiêu năm hiện tại vẫn rất khó dự đoán, nhưng chúng có khả năng đã thực sự bắt đầu.

(Nguồn tham khảo: Dailymail)

http://kenh14.vn/kham-pha/cuoc-dai-tuyet-chung-thu-6-cua-trai-dat-co-the-da-bat-dau-20140727092632951.chn

Đây là phiên bản "lo-fi" của nội dung trang chính. Để xem phiên bản đầy đủ với nhiều thông tin hơn , xin hãy nháy vào đây.
Invision Power Board © 2001-2024 Invision Power Services, Inc.