Thân gửi các đạo hữu,

Hoan hỷ thông báo ngài Tam Tạng IX BHADDANTA GANDHAMĀLĀLAṄKĀRA sẽ đến thăm Việt Nam và có 02 buổi giảng Pháp tại Thiền đường chùa Linh Thông, ngõ 25 Lê Văn Lương, Trung Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội vào hồi 19h30 đến 21h00 ngày 21/9 (chủ nhật) và ngày 22/9 (thứ 2) năm 2014. Quý Phật tử lưu ý đến sớm (từ 19h00 đến 19h15) để ổn định chỗ ngồi, chuẩn bị cho việc nghe giảng Pháp.

Quý Phật tử có thể xem tiểu sử Ngài Tam Tạng IX tại đường link: https://docs.google.com/document/d/1zo9dW3K...bilebasic?pli=1

Theo truyền thống Phật giáo Nguyên thủy, các ngài Tam Tạng là những người Thông thuộc (học thuộc lòng) và Thấu suốt (hiểu rõ) ba tạng Kinh điển: Kinh, Luật, Luận và các Chú Giải, Phụ Chú Giải bằng tiếng Pali. Tại Myanmar, truyền thống Tam Tạng này mới được khôi phục lại bởi ngài Mingun Sayadaw (ngài Tam Tạng I) và cho đến nay đã có 13 ngài được chứng nhận là Tam Tạng.

Mặc dù Tam Tạng Kinh điển ngày nay đã được lưu giữ bằng văn bản (sách và trên máy vi tính), nhưng việc kế thừa, gìn giữ kho tàng Pháp bảo thông qua trí nhớ như các bậc Thánh
A–ra-hán thuở xưa vẫn hết sức đáng quý:
- Nó chứng tỏ tầm quan trọng của Pháp học Phật giáo và mong muốn nắm vững Pháp học để “hiểu biết đúng đắn rồi thực hành theo đúng, đem lại sự lợi ích cao thượng giải thoát khổ sanh”.
“Phật giáo có ba loại liên quan quả với nhân như sau:
Pháp thành Phật giáo (sự chứng đắc 4 Thánh Đạo – 4 Thánh Quả và Niết bàn) và quả của Pháp hành Phật giáo.
Pháp hành Phật giáo là quả của Pháp học Phật giáo
Trong 3 loại Phật giáo này, Pháp học Phật giáo đóng vai trò quan trọng bậc nhất, là vì làm nền tảng căn bản, làm nơi nương nhờ chính yếu của Pháp hành Phật giáo.
Nếu không có Pháp học Phật giáo, thì chắc chắn không có Pháp hành Phật giáo và cũng không có Pháp thành Phật giáo.
Như vậy, Pháp học Phật giáo đóng vai trò quan trọng hàng đầu, cho nên:
+ Nếu học hiểu sai, thì dẫn đến hành sai và cũng có kết quả sai, vẫn còn phải chịu cảnh khổ tiếp tục tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.
+ Nếu học hiểu đúng, thì dẫn đến hành đúng, và cũng có kết quả đúng, được giải thoát khỏi cảnh khổ tử sanh luân hồi trong ba giới bốn loài.
Như vậy, Pháp học là nhân, Pháp hành là quả.
Pháp hành là nhân, Pháp thành là quả.”
Sư Hộ Pháp, Thực hành Pháp hành Thiền Tuệ, Đối tượng Tứ Oai Nghi
- Nó bày tỏ lòng tôn trọng và mong muốn gìn giữ Pháp bảo. Nó là một bằng chứng sống về khả năng gìn giữ Pháp bảo thông qua trí nhớ và khẩu truyền của chư Thánh Tăng thuở xưa.
“Chư bậc thánh A-ra-hán là bậc đã hoàn thành xong mọi phận sự Tứ Thánh Đế, thực hành xong phạm hạnh cao thượng, gọi là bậc Thánh Vô học (Asekkha); song bậc Thánh A-ra-hán có phận sự học mọi pháp học, như người gìn giữ, duy trì kho tàng Pháp bảo của đức Phật, để lưu truyền lại cho thế hệ hậu sinh.”
Sư Hộ Pháp, Thực hành Pháp hành Thiền Tuệ, Đối tượng Tứ Oai Nghi.
- Việc học thuộc lòng Tam Tạng gắn liền với việc thông hiểu và ứng dụng Tam Tạng. Sau kỳ thi học thuộc lòng (để trở thành Bậc thông thuộc Tam Tạng) là kỳ thi giải đáp các câu hỏi (để trở thành Bậc Thấu suốt Tam Tạng) (sau khi trở thành Bậc thấu suốt Nhất Tạng thì mới được thi lên Bậc thông thuộc Nhị Tạng, và sau khi trở thành Bậc thấu suốt Nhị Tạng thì mới được thi lên Bậc thông thuộc Tam Tạng) và cuối cùng vị Tam Tạng nào có những đóng góp to lớn cho việc truyền bá Phật Pháp mới được gọi Bậc Giữ gìn Kho tàng Pháp Bảo.

Tham khảo thêm: Truyền kỳ về những ngài Tam Tạng (Đàm Đức Anh): http://www.phatgiaonguyenthuy.com/news-276...I-TAM-TaNG.html

Đây là duyên lành cho chúng ta được gặp mặt và nghe giảng trực tiếp từ một Bậc Thông thuộc, Thấu suốt Tam Tạng, Bậc Giữ gìn Kho tàng Pháp bảo như vậy.

Sādhu (Lành thay)

Pháp Minh Trịnh Đức Vinh,