http://kenhthucduong.com/su-lien-quan-giua-an-uong-hoi-tho/



Hơi thở chậm làm ảnh hưởng nhịp tim đập cũng chậm lại, nhiệt độ cơ thể thì có chiều hướng tăng lên một chút. Về phần trí tuệ, hơi thở chậm tạo lập một trạng thái yên bình, tĩnh lặng, sáng suốt cũng như sự đáp ứng nhậy cảm hơn đối với môi trường xung quanh. Trái lại hơi thở nhanh gây nên sự bất định, dễ kích động và dễ thay đổi tình cảm, ngoài ra nó còn tạo nên tính vị kỷ chủ quan, nhận xét vấn đề thiên về hướng vụn vặt, chia chẻ từng phần chứ không đạt được một nhận thức bao quát, đều khắp.

Hơi thở sâu thì đem lại kết quả làm hoạt hóa hệ thống biến dưỡng và làm hòa điệu các hệ thống cũng như các cơ quan trong cơ thể. Thân nhiệt nhờ đó mà được ổn định, tâm hồn thanh thản, tình cảm ổn định, niềm tin vững chắc hơn, và sau rốt là phát triển tình yêu thương. Trái lại với hơi thở nông, se làm sự biến dưỡng kém, không hài hòa gây nên nhiều sự rối loạn chức năng vật lý, thân nhiệt theo đó cũng thay đổi không đều hòa. Về tinh thần, hơi thở nông còn tạo nên các nỗi lo âu, buồn rầu, nản chí, thường bất mãn đưa đến sự sợ hãi, mất lòng tin, thiếu can đảm, mất trí nhớ và ảo vọng tương lai.

Hơi thở dài đem đến kết quả tốt đẹp cho việc phối hợp giữa sự biến dưỡng và các chức năng khác. Nhiệt độ cơ thể có khuynh hướng ổn định, nói tổng quát hoạt động của các cơ quan đầu chậm lại. Về trí não nó tạo nên sự an bình và thoải mái, lòng kiên nhẫn, sự chịu đựng, tính trầm tĩnh phát triển cũng như làm giảm đi các xúc cảm thái quá. Về phần tinh thần, hơi thở dài xây dựng tính quan sát và nhận thức bao quát hơn cũng như sự hiểu biết thâm sâu hơn. Ký ức và tầm nhìn về tương lai khoáng đạt hơn. Trái lại với hơi thở ngắn tạo sự biến dưỡng thúc gấp, không đều. Nhiệt độ cơ thể có khuynh hướng tăng nhẹ. Đối với trí não nó hay làm thay đổi nếp nghỉ, làm giảm đi sự kiên nhẫn và sự chịu đựng và đem đến nỗi bực dọc, tức giận. Về phần tinh thần hơi thở ngắn gây trở ngại việc hài hòa đối với môi trường xung quanh. Tính đối lập, vị kỷ từ đó bị nâng cao và quan điểm dần cạn cợt.

Như thế chúng ta thấy thật là hợp lý để duy trì một hơi thở chậm, sâu và dài hơn là một hơi thở gấp, cạn và ngắn. Từ thể chất, trí tuệ đến tinh thần tùy thuộc vào cách thở mà có thể điều chỉnh được. Tuy nhiên mọi khuyến cáo cho biết là nên giữ một cách tự nhiên cả về tốc độ, độ sâu và độ dài của hơi thở mà không nên có một sự gượng ép nhân tạo hay cố gắng đặc biệt nào trong đó. Ngoài ra hơi thở chậm, sâu, dài còn được phát triển một cách đương nhiên nếu chúng ta thực hành phương pháp thực dưỡng – phương pháp dùng ngũ cốc làm thức ăn chính, thêm thức ăn thảo mộc và rong biển tại địa phương và thực phẩm động vật nếu có thì chỉ dùng thật ít.

Chất lỏng, đường, thức ăn ngọt, trái cây, thức sống và nhiều dầu nói chung đều tạo nên hơi thở gấp, cạn cợt và ngắn. Cũng như thế nếu chúng ta dùng một lượng thức ăn quá nhiều hay uống nước quá nhiều đều có khuynh hướng làm tăng tốc độ hơi thở, làm hơi thở nông và ngắn đi. Nhai kỹ thức ăn, dùng lượng thức ăn vừa phải tạo nên hơi thở vững chắc và điều chỉnh được tất cả các tình trạng bất ổn.

(Trích “Ăn kiêng để có trái tim khoẻ” – Michio Kushi, Trần Ngọc Tài)