http://tinhhoa.net/phan-lan-se-la-quoc-gia...c-o-truong.html

PHẦN LAN SẼ LÀ QUỐC GIA ĐẦU TIÊN TRÊN THẾ GIỚI "XÓA SỔ" CÁC MÔN HỌC Ở TRƯỜNG

Hệ thống giáo dục của Phần Lan được xem là một trong những nơi tốt nhất trên thế giới. Tuy nhiên, các nhà chức trách nước này vẫn chưa sẵn sàng nghỉ ngơi trên vòng nguyệt quế, và họ đã quyết định thực hiện một cuộc cách mạng thực sự trong hệ thống giáo dục.


Phần Lan dự định thực hiện một cuộc cách mạng trong hệ thống giáo dục. (Ảnh: Internet)

Các quan chức Phần Lan muốn “xóa sổ” các môn học trong chương trình giảng dạy. Sẽ không còn bất kỳ lớp học vật lý, toán học, văn học, lịch sử hay địa lý nào.

Người đứng đầu Bộ Giáo Dục tại Helsinki, Marjo Kyllonen, giải thích sự thay đổi này như sau:

“Chúng ta thực sự cần phải suy nghĩ lại về giáo dục và việc thiết kế lại hệ thống giáo dục hiện tại, vì nó cần chuẩn bị cho con em chúng ta các kỹ năng cần thiết cho hôm nay và ngày mai”.

“Có những trường học giảng dạy theo phương thức cũ mà chỉ thích hợp trong giai đoạn mở đầu vào những năm 1900 – nhưng nhu cầu luôn không giống nhau, và chúng ta cần một diều gì đó phù hợp hơn cho thế kỷ 21″.

Thay vì học từng môn riêng rẽ, học sinh sẽ học các sự kiện và hiện tượng trong một định dạng đa ngành. Ví dụ, Chiến tranh Thế giới Thứ 2 sẽ được nghiên cứu từ góc độ lịch sử, địa lý và toán học. Và bằng cách tham gia khóa học “Làm việc trong một tiệm cà phê”, học sinh sẽ được tiếp thu toàn bộ kiến ​​thức về tiếng Anh, kinh tế và kỹ năng giao tiếp.


Hệ thống giáo dục Phần Lan luôn lọt top 10 trong xếp hạng quốc tế,. (Ảnh: Internet)

Hệ thống này sẽ được giới thiệu cho học sinh ở độ tuổi lớn, bắt đầu từ tuổi 16. Ý tưởng chung là các em phải tự lựa chọn cho mình chủ đề hay hiện tượng muốn học, mang trong tâm trí những hoài bão về năng lực và tương lai của mình.

Bằng cách này, không học sinh nào sẽ phải trải qua toàn bộ khóa học về vật lý, hoá học, trong khi luôn tự hỏi “Mình cần phải biết những điều này để làm gì?”.

Cách thức giao tiếp và trao đổi giữa giáo viên và học sinh cũng sẽ thay đổi. Học sinh không còn ngồi phía sau bàn học và lo lắng chờ đợi bị gọi lên trả lời câu hỏi. Thay vào đó, họ sẽ làm việc với nhau trong các nhóm nhỏ để thảo luận về các chủ đề.


Học sinh sẽ chủ yếu hoạt động theo nhóm thảo luận về các chủ đề. (Ảnh: Internet)

Hệ thống giáo dục Phần Lan khuyến khích làm việc tập thể, đó là lý do thay đổi này cũng sẽ ảnh hưởng đến giáo viên. Cải cách trong giáo dục lần này đòi hỏi rất nhiều sự hợp tác giữa giáo viên các bộ môn khác nhau.

Khoảng 70% giáo viên tại Helsinki đã cam kết chuẩn bị công tác phù hợp cho việc giảng dạy kiến thức trong hệ thống mới, và đương nhiên, họ cũng sẽ được tăng lương.

Những thay đổi này dự kiến sẽ được ​​hoàn thành vào năm 2020.